Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/10/2021

Cần làm gì để thay đổi tư duy cho người Việt ?

Việt Hoàng

(Bài viết này đề tặng anh An Khang và chị Hương Phạm)

Trong một trao đổi giữa các thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) liên quan đến việc chia sẻ dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có một thân hữu nêu câu hỏi rằng : "Đọc thuộc lòng và thấu hiểu đi chăng nữa rồi sẽ làm gì ? Chắc sẽ lại đút vào ngăn kéo tủ ?". Đây có lẽ là suy nghĩ của không ít người, trong đó có cả các thân hữu của Tập Hợp. Họ đều đồng ý rằng Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là hay và khả thi đó nhưng rồi sao nữa ? Ý của họ là phải bắt tay vào làm một cái gì đó cụ thể hơn là "rao giảng" lý thuyết.

Nhiều người Việt Nam vẫn cho rằng cần phải "hành động" hơn là "nói suông". Điều này có đúng không ?

"Trong thập niên 1980, Jürgen Habermas, một triết gia chính trị, đã gây thảo luận hào hứng khi xuất bản cuốn Lý Thuyết về Hành Động Bằng Lời (Theory of Communicative Action - Théorie de l'Agir Communicationnel). Các cuộc thảo luận này đã đưa đến đồng thuận trên hai điểm :

- Một là lời nói và truyền thông nói chung, là hành động, và hơn nữa là hành động chính trị và xã hội quan trọng nhất trong thế giới hiện đại. Nhận định này đã đúng trong thập niên 1980 nên càng đúng trong lúc này và sẽ còn đúng hơn trong tương lai.

- Hai là, không gian truyền thông tự do cũng phải có những qui luật và bó buộc đạo đức của nó. Đó phải là không gian thảo luận của những người chỉ có một mục đích là tìm sự thực và lẽ phải, tuyệt đối không thể chấp nhận sự giả dối...

Muốn lời nói có sức mạnh thì "phải tôn trọng sự thực và lẽ phải trong mọi thảo luận và trao đổi, không xuyên tạc sự thực, không bẻ cong lý luận cũng không nhân nhượng với sự tồi dở trong bất cứ trường hợp nào. Chúng ta có thể lầm lẫn vì thiếu sót nhưng không thể vô lễ với sự hiểu biết và lý luận. Phẩm giá của những người dân chủ là như thế, nếu không họ chẳng là gì cả. Sức mạnh của phong trào dân chủ là như thế. Mọi cố ý xuyên tạc sự thực, bất chấp kiến thức và bẻ cong lý luận phải bị lên án nghiêm khắc" (1).

tuduy1

Jürgen Habermas, tác giả cuốn "Lý Thuyết về Hành Động Bằng Lời". Theo ông, lời nói là hành động chính trị và xã hội quan trọng nhất trong thế giới hiện đại.

Bao nhiêu năm qua người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đã lập ra nhiều tổ chức và dù tổ chức còn yếu nhưng ai cũng muốn bắt tay vào hành động ngay và kết quả là con số không.

"Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (2).

Chúng ta chưa ý thức được rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ lần này là hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta bởi vì kịch bản quen thuộc vẫn là dùng bạo lực để lật đổ một chế độ (thối nát và mục ruỗng) rồi dựng lên một chế độ mới cũng y như vậy. Đảng cộng sản cũng không phải là ngoại lệ. Họ đã dùng bạo lực để "cướp chính quyền" và loại bỏ tất cả những phe phái khác không chung đường (hoặc không giống họ).

Cuộc cách mạng mà Tập Hợp đề nghị khác hoàn toàn. Sẽ không có bạo lực, trả thù và đàn áp mà chỉ có bao dung, tình yêu và hòa giải dân tộc. Cuộc cách mạng này là một cuộc cách mạng nhằm thay đổi tận gốc tư duy của văn hóa Khổng giáo đã trói buộc dân tộc ta suốt 2000 năm qua. Đây là cuộc chiến đấu để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ. Chính vì thế mà nó khó khăn, đòi hỏi một tư tưởng chính trị mới và một văn hóa mới.

Làm một cuộc cách mạng bạo lực để lật đổ một chế độ tồi dở đã khó nhưng không khó bằng việc thay đổi văn hóa và tư duy của cả một dân tộc.

Thay đổi văn hóa, tâm hồn của một dân tộc rất khó vì nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi chúng ta. Trải qua hàng ngàn năm, chúng trở thành bản năng và phản xạ của chúng ta để chống lại những cái mới, cái tiến bộ. Thông thường, một ý kiến mới luôn gặp phải sự chống đối dữ dội lúc ban đầu vì chúng lạ lẫm, chưa quen và chưa ai biết nó sẽ thế nào. Văn hóa và bản năng của người Việt Nam nói riêng và những dân tộc chưa văn minh nói chung là thường sợ hãi những cái mới. Ví dụ có những người Việt Nam sống ở nước ngoài rất lâu nhưng vẫn không ăn được đồ ăn của người bản địa mà chỉ thích ăn đồ Việt Nam trong khi người Tây họ thường thích thú du lịch khám phá những vùng đất mới, thích thử những món ăn kì dị. Việt Nam có 3000 cây số biển nhưng chưa hề có một đội thương thuyền hay biên đội hải quân có tầm cỡ nào trong suốt chiều dài lịch sử.

Quốc gia là một ý niệm trừu tượng, văn hóa và tư duy cũng vậy, chúng cần nuôi dưỡng bởi những người văn minh, cởi mở và mạnh mẽ. Khái niệm quốc gia rất mới, nó chỉ mới ra đời ở phương Tây từ thế kỷ 18 và chỉ được người Việt Nam biết đến sau khi bị người Pháp đô hộ. Tinh thần quốc gia cũng như lòng yêu nước chỉ có nơi những con người tự do. Cho đến tận bây giờ thì hầu như giới trí thức Việt Nam, là những người có học thức cao và uy tín đều đứng ngoài các hoạt động chính trị và không ai nhận thấy điều đó là bất bình thường.

Người Việt Nam không coi trọng tư tưởng chính trị vì họ xem những cái gì trừu tượng là phù du, không thực tế. Họ đề cao sức mạnh vật chất nhưng nếu thế thì tại sao Việt Nam Cộng Hòa (1975) và chính quyền dân chủ Afghanistan (2021) dù được Mỹ giúp đỡ đầy đủ về tiền bạc, vũ khí nhưng lại thất bại trước một tổ chức nhỏ hơn, yếu hơn và thiếu thốn đủ thứ? Câu trả lời là: Đảng cộng sản và Taliban chiến thắng là vì họ có tư tưởng chính trị và một dự án chính trị (dù lỗi thời).

Kye ngyteen3 (2)

Người Việt Nam không coi trọng tư tưởng chính trị vì họ xem những cái gì trừu tượng là phù du, không thực tế.

Thay đổi văn hóa của một dân tộc rất khó. Nhà tư tưởng lỗi lạc Giêsu Kitô, người đã mở ra một kỷ nguyên mới và rực rỡ cho nhân loại đã thất bại khi bị chính đồng bào mình bách hại bằng cách đóng đinh lên thập giá. Các tranh luận về chính trị đã xuất hiện cách đây 2500 năm, từ thời Socrat cho đến tận bây giờ mà vẫn chưa ngã ngũ và sẽ không bao giờ ngã ngũ.

Xin kể hầu độc giả Thông Luận câu chuyện về một thiền sư và chú tiểu. Có một chú tiểu, không hiểu vì sao, ngày nào cũng thấy thiền sư cũng dành nhiều thời gian để đọc kinh sách, một lần chú tiểu thắc mắc điều đó với thiền sư. Thiền sư cười và bảo chú tiểu lấy cái rổ đựng than đem xuống suối hứng nước rồi đem về cho ngài. Chú tiểu không hiểu gì nhưng cứ làm theo. Kết quả là khi về đến nơi thì nước đã chảy hết. Thiền sư bảo chú tiểu tiếp tục dùng rổ lấy nước thêm một lần nữa, rồi lần nữa... Sau nhiều lần như thế, thiền sư hỏi chú tiểu có thấy gì lạ không ? Chú tiểu trả lời là không. Thiền sư cười và chỉ vào cái rổ đựng than rồi nói : Lúc trước cái rổ đựng than rất đen nhưng giờ nó đã sạch và trắng hơn rất nhiều đúng không ? Tâm hồn con người cũng vậy, nếu ngày nào cũng đọc kinh sách thì những suy nghĩ xấu xa và đen tối sẽ mất đi và những điều trong sáng, tử tế sẽ ngày càng lớn lên.

Thay đổi văn hóa cũng vậy, cần nhiều thời gian, kiên nhẫn và bao dung. Công việc đó như nước chảy đá mòn, không thể nhanh và vội được. Dù vậy thì mỗi người chúng ta cũng cần tham gia một tay vào công cuộc canh tân đó nếu không thì hai, ba, bốn... thế hệ nữa cũng sẽ không có gì thay đổi.  

Trong 39 năm qua, Tập Hợp đã góp phần thay đổi rất nhiều về văn hóa chính trị cho người Việt. Ba lập trường căn bản của Tập Hợp là : Dân chủ đa nguyên, Bất bạo động, Hòa giải và Hòa hợp dân tộc, đã bị chống đối dữ dội lúc ban đầu nhưng hiện nay thì hầu như không còn ai phản đối. Đó là một bước tiến lớn.

Tiếp tay để thay đổi văn hóa không quá khó và phức tạp như chúng ta nghĩ. Nếu mọi người thấy các lập trường và ý kiến của Tập Hợp là đúng thì nên mạnh dạn chia sẻ và lên tiếng bảo vệ các ý kiến đó. Khi nhiều người lên tiếng ủng hộ và cổ vũ cho cái mới, cái đúng thì ý kiến đó sẽ được cộng đồng chấp nhận và dần dần chúng sẽ thành văn hóa, tức là phản xạ và cách ứng xử của chúng ta.

Có nhiều thân hữu mà chúng tôi không biết họ là ai và họ cũng chưa từng tiếp xúc với chúng tôi nhưng họ luôn chia sẻ dự án chính trị và các bài viết của Tập Hợp. Hai thân hữu mới của Tập Hợp là chị Hương Phạm và anh An Khang cũng vậy. Họ đã rất nhiệt tình ủng hộ chúng tôi bằng việc chia sẻ các ý kiến của Tập Hợp với những người khác bằng cách trích dẫn các câu, các đoạn trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng hoặc trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Những việc làm đó có tác dụng rất lớn khi lan tỏa những ý kiến và giá trị đúng đến với mọi người. Văn hóa đọc của người Việt rất kém. Một bài viết chừng 2000 chữ đã là quá dài với nhiều người. Thường người ta chỉ thích đọc những đoạn ngắn, khoảng 50 chữ trở xuống. Tư tưởng chính trị không thể nói ngắn và viết ngắn được vì thế rất cần những câu ngắn để truyền tải thông điệp chính trị đó. Có nhiều đối tượng cần tiếp cận và mỗi tầng lớp thì phù hợp với mỗi cách truyền tải khác nhau.

Chúng ta đều biết Phật giáo, Ki tô giáo là hai tư tưởng, đức tin, nhân sinh quan về cuộc sống dành cho mọi người dân. Vì dành cho đa số người dân nên triết lý khá giản dị và dễ hiểu, dễ hình dung. Nhưng dù thế thì suốt 2500 năm qua đã có hàng vạn giáo sĩ đi khắp nơi, dựng nên hàng ngàn giáo đường để rao giảng và truyền bá đức tin của hai tôn giáo lớn đó và dù thế, cho đến bây giờ, không những với các tín đồ mà ngay cả với các giáo sĩ, nhiều người vẫn hiểu về giáo lý của tôn giáo mình rất lơ mơ.  

Thay đổi văn hóa thảo luận của người Việt cũng là một việc khó. Người Việt thích dùng bạo không chỉ trong cuộc sống mà ngay cả với ngôn ngữ. Anh em Tập Hợp luôn cố gắng để thay đổi văn hóa thảo luận bằng sự kiên trì, bao dung, cởi mở. Sẵn sàng lắng nghe và thảo luận về mọi chủ đề và mọi ý kiến trên tinh thần tương kính và học hỏi lẫn nhau.

Như vậy chúng ta hãy đồng ý với triết gia Habermas rằng : Lời nói là hành động quan trọng nhất. Những thân hữu của Tập Hợp và những người đã đọc và đồng ý với dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai hoặc Tổ Quốc Ăn Năn hãy cùng chúng tôi chia sẻ và lan tỏa tinh thần và tư tưởng dân chủ đó với mọi người Việt Nam. Lẽ phải, sự thật và một dự án chính trị đúng đắn, khả thi nếu được tiếp tay và nuôi dưỡng thì sẽ sớm trở thành giải pháp cho cả dân tộc.

Việt Hoàng

(1/10/2021)

(1). Nguyễn Gia Kiểng, Một qui ước sinh hoạt dân chủ ? 

(2). Nguyễn Gia Kiểng, Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1641 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)