Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : Việt Nam giữa hai làn đạn (RFI, 17/09/2018)
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam. Bài viết đề tựa "Căng thẳng Mỹ – Trung làm suy yếu Việt Nam". Để phòng vệ, Hà Nội muốn gia tăng ký kết các thỏa thuận thương mại, nhất là với Mỹ.
Tại Diễn đàn Kinh tế ASEAN, Việt Nam và Nhật Bản công khai mời gọi tổng thống Mỹ gia nhập trở lại TPP. Reuters/Kham
Nhằm bảo vệ mức tăng trưởng hiện nay 7,1% (chỉ đứng sau Ấn Độ), chính phủ Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thay thế. Nguy cơ Hoa Kỳ áp dụng các chính sách bảo hộ, kể cả thiết lập các chuẩn mực an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn khiến chính quyền Hà Nội lo lắng, bởi vì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tùy theo từng năm mà mức trao đổi thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng trao đổi mậu dịch và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ chiếm đến 42 tỷ đô la trong tổng số 215 tỷ. Duy chỉ có một điểm khác biệt : Việt Nam có thặng dư mậu dịch với Mỹ là 29 tỷ đô la, trong khi đó mức thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là 21,6 tỷ đô la.
Lo ngại các căng thẳng chính trị có thể tác động đến nền kinh tế đất nước, Việt Nam nhân diễn đàn kinh tế ASEAN vừa kết thúc ở Hà Nội đã công khai đề nghị Hoa Kỳ gia nhập trở lại TPP. Một thỏa thuận trao đổi mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã sập cửa ngay ngày ông Donald Trump lên nhậm chức.
Les Echos trích dẫn lại đoạn trả lời phỏng vấn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hãng tin Bloomberg : "Tôi có giải thích với ông Donald Trump là tôi hiểu mong muốn tái cân bằng mậu dịch. Nhưng những gì chúng tôi cung cấp cho Hoa Kỳ đều có lợi cho người tiêu thụ Mỹ, trong khi mà đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cũng có ích cho nền kinh tế của chúng tôi".
Theo nhận định của Les Echos, cho đến lúc này, Việt Nam dùng lá bài "Hoa Kỳ" để làm đối trọng với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Một thăm dò do Pew Research Center thực hiện năm 2017 cho thấy chỉ có 10% số người dân Việt Nam được hỏi là có một cái nhìn tốt về Trung Quốc, ngược lại tỷ lệ người dân ủng hộ Hoa Kỳ chiếm đến 84%.
Quan hệ Việt – Trung nhiều lúc sôi bỏng. Dự án thành lập các đặc khu kinh tế đã bị người dân phản đối mạnh mẽ, vì bị cho là quá ưu đãi với các nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là chưa tính đến tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích khu vực, dẫn đến các căng thẳng giữa hai nước, nhất là trong vấn đề khai thác dầu khí.
Minh Anh
*****************
Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh cam kết "trả đũa" (RFI, 17/09/2018)
Vào lúc tại Washington, tổng thống Donald Trump chuẩn bị thông báo kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, tại Bắc Kinh, họp báo ngày 17/09/2018 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ trả đũa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh chụp ngày 09/03/2017. Wikipedia
Phát ngôn viên Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói : "Nếu Mỹ lại áp dụng các biện pháp đánh thuế mới, Trung Quốc sẽ không có sự lựa chọn nào khác là trả đũa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình". Đây chính là quan điểm mà Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra. Quan chức này không quên nhấn mạnh rằng "xung khắc leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào" và tới nay, Bắc Kinh vẫn tin tưởng vào một giải pháp duy nhất để giải quyết bất đồng thương mại Mỹ -Trung. Đó là đôi bên phải cùng "đàm phán trên cơ sở bình đẳng và thành thật".
Chính quyền Mỹ đã đánh thuế theo thứ tự 25 % và 10 % vào hai mặt hàng thép và nhôm Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. tháng 7/2018, Washington đi thêm một bước nữa khi quyết định áp thuế 25 % lên 50 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Tổng thống Trump trong những giờ sắp tới sẽ thông báo quyết định về biểu thuế nhắm vào 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ và còn dọa sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Thanh Hà
*****************
Trung Quốc không đàm phán kiểu ‘tự sát’ với Mỹ (VOA, 17/09/2018)
Hôm 17/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp thuế quan mới đánh vào 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố, theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai bên nên được diễn ra một cách bình đẳng.
Chính phủ Trung Quốc có thể từ chối không tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại do phía Hoa Kỳ đề xuất, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, nếu chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tờ Wall Street Journal trích lời các viên chức Trung Quốc đưa tin hôm 16/9.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đề xuất các cuộc đàm phán thương mại, nhưng đồng thời ra kế hoạch bổ sung đánh thuế đối với 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Tờ báo này trích lời một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia đàm phán kiểu "tự sát" như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đề xuất thực hiện các cuộc đàm phán thương mại mới bắt đầu vào tầm 20/9.
Ông Trump sắp đánh thuế 200 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc (VOA, 16/09/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ thông báo việc áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ đôla, sớm nhất là ngày 17/9.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một sự kiện hôm 7/9.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump cho biết như vậy hôm 15/9.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng bước đi mới này có thể chỉ khoảng 10%, tức là thấp hơn so với tỷ lệ 25% mà chính quyền Mỹ đã cân nhắc cho lần đánh thuế này".
Reuters cho biết rằng Nhà Trắng không phản hồi ngay trước yêu cầu bình luận của hãng này.
Danh sách các sản phẩm trị giá 200 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế gồm có các sản phẩm công nghệ, các sản phẩm điện tử, hàng hải sản cũng như ghế ngồi trên xe ôtô dành cho trẻ em.
Hiện chưa rõ chính phủ Mỹ có bỏ bất kỳ hàng hóa nào trong danh sách được công bố hồi tháng Bảy hay không.
Hôm 14/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói rằng ông Trump "đã nói rõ rằng ông và chính quyền của mình sẽ tiếp tục có các hành động nhằm xử lý các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc".
Theo Reuters, ông Trump đã chỉ đạo cho các trợ lý xúc tiến việc áp thuế, dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán về thương mại với Bắc Kinh.
******************
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Washington vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược (RFI, 14/09/2018)
Tại Nhà Trắng, Donald Trump trên mạng Twitter ngày 13/09/2018 bác bỏ tin của báo tài chính Wall Street. Tờ báo này trích dẫn lời bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin cho biết Hoa Kỳ mời Trung Quốc trở lại bàn đàm phán về mậu dịch.
Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc kinh tế thế giới đang lao vào cuộc chiến thương mại. Reuters/Jason Lee
Nhưng nguyên thủ Mỹ khẳng định vẫn duy trì đường lối cứng rắn với Bắc Kinh trên hồ sơ này. Ông Trump bồi thêm : Wall Street đã "nhầm" khi loan tin nói trên. Mỹ "không chịu áp lực để phải đàm phán với Trung Quốc mà chính Trung Quốc mới đang chịu sức ép trên vấn đề này(…)"
Trong khi đó, thống kê của Bắc Kinh được công bố ngày 14/09/2018 cho thấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng chậm hơn so với năm 2017, đạt 5,3 % và đây là mức thấp nhất từ nhiều năm qua. Phải chăng kinh tế Trung Quốc bắt đầu mệt mỏi vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ ?
Chuyên gia Julian Evans Pritchard thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics đánh giá "tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng đi xuống". Ngân hàng Namura của Nhật cũng nói đến hiện tượng "hụt hơi" của kinh tế Trung Quốc và lo ngại tình hình có thể "còn xấu thêm".
Thanh Hà
***************
Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác đang 'tẩy chay' Trung Quốc (BBC, 14/09/2018)
Trong nhiều tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên Hợp Âu Châu, Úc và Nhật Bản đều có vẻ cùng hợp lực chống lại sức mạnh đồng tiền Nhân dân tệ, dẫn chứng vì lý do an ninh quốc gia, theo tờ Bưu điện Hoa Nam .
Trung Quốc có đang bị các cường quốc 'ghẻ lạnh' ?
Hồi tháng Tám, chính phủ Đức lần đầu tiên sử dụng quyền "phủ quyết" để không cho hãng Yantai Taihai, một chuyên sản xuất thiết bị hạt nhân của Trung Quốc tiếp quản công ty chuyên về hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.
Vào tháng Năm, Canada cũng không cho phép một đơn vị của China Communications Construction thâu tóm công ty xây dựng Aecon của nước này
Tất cả chỉ vì một mối lo ngại : an ninh quốc gia.
Đang có một phong trào lan tỏa trên toàn cầu, kêu gọi sự cảnh giác về các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, theo nhận định của một số chuyên gia.
Khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ thống lĩnh ngành công nghệ cao trong 7 năm tới, với chương trình "Made in China 2025" thì đối với phương Tây, đó nghe như "một lời tuyên chiến",Jeremy Zucker, chuyên về thương mại quốc tế tại Washington nói với tờ Bưu điện Hoa nam.
Kết quả, khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm tổng thể trên toàn thế giới kể từ 2002, xuống còn 124,6 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh điểm là 196,15 tỷ USD năm 2016, theo như thông tin từ Hội nghị về Thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Hồi tháng Tư, một cơ quan giám sát của Anh đã cảnh báo chính phủ không nên với ZTE của Trung Quốc, sau khi Mỹcấm ZTE mua linh kiện của nước này trong 7 năm.
Khoản đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ của Trung Quốc cũng giảm kỷ lục, với trong nửa năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, tức tụt hơn 90% so với năm ngoái, và thấp nhất trong 7 năm qua, theo Rhodium Group.
Tổng thống Donald Trump cũng thông qua việc mở rộng Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) vào tháng trước.
Và động thái đã lan rộng các nước thuộc Liên minh Châu u, với Đức và Anh đang lên một số dự luật và chính sách sau khi chứng kiến nhiều thương gia Trung Quốc thâu tóm được các tập đoàn khổng lồ của hai qốc gia này.
"Về lâu dài thì đồng tiền của Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách vươn ra ngoài - và thế giới biết rằng nó cần những đồng tiền của Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, chủ nghĩa bảo hộ đang lên và nó không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ", Edward Mermelstein, một cố vấn về đầu tư nước ngoài tại New York cho biết.
Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỉ lục với Mỹ, tranh chấp càng thêm gay gắt (VOA, 08/09/2018)
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng lên mức kỉ lục trong tháng 8 ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu của nước này giảm nhẹ, một kết quả có thể sẽ khiến Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt giữa hai nước.
Tư liệu - Công-tai-nơ chất tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 24 tháng 4, năm 2018.
Thặng dư thương mại Trung-Mỹ, một vấn đề chính trị nhạy cảm, đạt 31,05 tỉ đôla trong tháng 8, tăng từ 28,09 tỉ đôla trong tháng 7, theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố vào ngày thứ Bảy, vượt qua kỉ lục trước đó đạt được vào tháng 6.
Trong tám tháng đầu năm nay, thặng dư của Trung Quốc với thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này đã tăng gần 15 phần trăm, càng tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc trong tháng 8 tăng nhẹ lên mức 9,8 phần trăm, theo số liệu. Đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ tháng 3 nhưng chỉ thấp hơn một chút so với các xu hướng gần đây.
Con số này không cao bằng con số dự báo của các nhà phân tích cho rằng hàng hóa từ nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ tăng 10,1 phần trăm, chỉ giảm nhẹ từ mức 12,2 phần trăm trong tháng 7.
Ngay cả với thuế quan của Mỹ nhắm mục tiêu vào 50 tỉ đôla xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực hết trọn tháng đầu tiên vào tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng, tăng 13,2 phần trăm so với một năm trước đó từ mức 11,2 phần trăm trong tháng 7.
Hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ tăng 2,7 phần trăm trong tháng 8, giảm đi từ mức 11,1 phần trăm trong tháng 7.
Ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế quan lên hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, đe dọa đánh thuế lên thêm 267 tỉ đôla giá trị hàng hóa ngoài 200 tỉ đôla hàng nhập khẩu sắp chịu thuế trong những ngày tới.
Washington từ lâu đã chỉ trích thặng dư thương mại to lớn của Trung Quốc với Mỹ và đã yêu cầu Bắc Kinh thu hẹp con số này. Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế lớn liên quan tới nhiều vấn đề hơn là chỉ mỗi cân bằng thương mại, và căng thẳng vẫn còn liên quan tới những giới hạn đối với các công ty Mỹ trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đầu tư.
Dù không ai dự đoán một cú giáng mạnh đột ngột từ các mức thuế quan của Mỹ, song số liệu xuất khẩu chính thức của Trung Quốc cho thấy sức chống chịu đáng ngạc nhiên tính tới nay, với tăng trưởng vượt quá kì vọng của các nhà phân tích trong năm tháng liên tiếp, Reuters cho biết.
Các quan chức Trung Quốc thừa nhận các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn đang hối hả đẩy các lô hàng đi trước khi Mỹ áp đặt thuế quan mới và vì thế nâng các chỉ số tăng trưởng, trong khi một số công ty như các nhà máy thép đang đa dạng hóa và bán nhiều sản phẩm hơn cho các nước khác.
Các nhà kinh tế đã lưu ý rằng những gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể sẽ tùy theo từng công ty, và phải mất một khoảng thời gian để những gián đoạn đó được phản ánh trong số liệu kinh tế rộng lớn và trong các báo cáo thu nhập của các công ty.
******************
Trump dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc bán sang Mỹ (RFI, 08/09/2018)
Phát biểu với báo chí ngày 07/09/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẵn sàng đánh thuế nhập khẩu thêm 267 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra vào lúc chính quyền Mỹ vừa kết thúc khâu xem xét khả năng đánh thuế 25 % lên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc, đồng thời Washington và Bắc Kinh tiếp tục đàm phán để giải quyết xung khắc thương mại.
Các container hàng của Trung Quốc tại một cảng ở Boston, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 09/05/2018. Reuters
Nhiều nhà quan sát cho rằng, bị ám ảnh về nhập siêu với Trung Quốc, Donald Trump tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa". Không đi sâu vào chi tiết, nhưng tổng thống Mỹ giải thích hàng năm Trung Quốc bán 500 tỷ đô la hàng sang Hoa Kỳ, Washington đã đánh thuế vào 50 tỷ đô la hàng của Trung Quốc, rồi "sẽ nhanh chóng quyết định" về số phận của 200 tỷ khác và "bước kế tiếp, nếu muốn, tôi vẫn có thể đánh thuế tiếp vào 267 tỷ đô la". Nguyên thủ Mỹ gián tiếp để ngỏ khả năng đánh thuế vào toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ.
Trước đó vài giờ, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Lary Kudlow cho biết vẫn đang tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh trên hồ sơ gai góc này.
Mỹ khai mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt với nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới này, nhưng khoản nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục tăng thêm trong tháng 8/2018. Thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc lên tới 31,05 tỷ đô la, tăng 18,7 % so với cùng thời kỳ năm 2017.
Theo giới chuyên gia, trước mắt, chủ trương "phạt" hàng Trung Quốc của chính quyền Trump không có hiệu quả. Lo ngại Washington tăng tốc chính sách bảo hộ, các doanh nghiệp Mỹ trong hai tháng 7 và 8 vừa qua đã vội vã mua vào hàng của Trung Quốc trước khi các biện phát trừng phạt có hiệu lực.
Trong tháng 8/2018, Trung Quốc bán 44,4 tỷ đô la hàng cho Mỹ, và Hoa Kỳ xuất khẩu 13 tỷ đô la sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Thanh Hà
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là hai thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam dĩ nhiên là có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng là tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Cho nên các chuyên gia kinh tế đang kêu gọi chính phủ Hà Nội phải có những biện pháp để đối phó với những tác động này, từ việc phá giá đồng bạc Việt Nam đến ngăn chận hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.
Tại một cảng ở Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Reuters
Do lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tác động từ cuộc đụng độ giữa Mỹ với hai đối tác thương mại Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Gần đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia đã đệ trình lên bộ Kế hoạch và Đầu tư một báo cáo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đưa ra những đề xuất để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg ngày 18/07/2018 đã trích lời ông Lương Văn Khôi, phó tổng giám đốc trung tâm này : "Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc làm căng thẳng gia tăng qua việc "ăn miếng trả miếng", điều này sẽ khiến xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc suy giảm, gây tác hại cho sản xuất nội địa".
Bloomberg cũng trích lời kinh tế gia Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Úc-New Zealand ở Singapore : "Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng gì từ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần phải cẩn trọng điều chỉnh các chính sách để đối phó với những nguy cơ đó".
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/07/2018 từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định :
"Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra toàn diện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Hiện nay chưa có một nghiên cứu định lượng cụ thể về những tác động đó, nhưng có thể dự báo sơ bộ những kịch bản khác nhau.
Thứ nhất là các hàng hóa mà Mỹ đánh vào Trung Quốc thì rất có thể là Mỹ cũng sẽ đánh vào Việt Nam, như trường hợp của thép và nhôm. Thứ hai, rất có thể là hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ khi gặp khó thì sẽ tìm cách vào thị trường Việt Nam, rồi lấy nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, khiến các cơ quan giám sát của Mỹ sẽ tăng cường kiểm tra và cũng sẽ gây khó khăn về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam".
Có nên phá giá đồng bạc ?
Theo Bloomberg, trong tháng này Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đề nghị là Ngân hàng Nhà nước (ngân hàng trung ương) Việt Nam nên xem xét việc phá giá tiền đồng đối với đô la Mỹ để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cũng được Bloomberg trích dẫn, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, tuy vậy cảnh báo rằng : "Phá giá tiền đồng có thể giúp cho xuất khẩu, nhưng nó cũng khiến cho lạm phát tăng cao và làm tăng giá các nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất nội địa. Phá giá tiền đồng khoảng 2% cho cả năm 2018 là một giải pháp hợp lý".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng không đồng ý với giải pháp phá giá đồng bạc :
"Tôi không ủng hộ phương án này, vì trong lịch sử Việt Nam, việc phá giá đồng bạc đã dẫn đến lạm phát và làm mất cân đối vĩ mô quan trọng. Để tăng cường xuất khẩu thì phải thực hiện cải cách thể chế như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, tức là giảm các thời gian về hải quan, thuế quan, xuất khẩu qua cảng..., tất cả những thủ tục mà hiện nay chiếm chi phí và thời gian rất lớn. Đồng thời phải nâng cao năng suất lao động và vận dụng khoa học công nghệ. Chứ còn phá giá đồng bạc theo tôi là một giải pháp cần phải hết sức thận trọng".
Với việc Hoa Kỳ dọa đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc, Việt Nam đang lo ngại là hàng Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Cho nên các chuyên gia kinh tế đề nghị là các bộ phải phối hợp với nhau đưa ra những biện pháp phi thuế quan để hạn chế lượng hàng hóa Trung Quốc đổ vào Việt Nam, chẳng hạn như tăng cường kiểm tra chất lượng ở các cửa khẩu và nâng cao yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu.
Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh :
"Việt Nam phải có các biện pháp như tăng cường công tác của hải quan, lập rào cản thương mại, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ. Cho đến nay, việc kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc qua biên giới Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch hoặc buôn lậu rất kém hiệu quả, nếu không muốn nói là chưa đem lại kết quả gì".
Trước mắt, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được thấy rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo hãng tin Reuters ngày 18/07/2018, sau khi đã tăng đến 48% trong năm 2017, đứng đầu Châu Á về mức tăng, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt 25% so với mức tăng kỷ lục trong tháng 4. Đó là hậu quả của việc các nhà đầu tư lo về những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế Việt Nam, khiến giới đầu tư ngoại quốc rút khỏi Việt Nam.
Khu vực thương mại xuyên biên giới : Mối nguy tiềm tàng
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam, để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn "Made in Vietnam",theo tin của tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/07/2018. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, Sùng Tả, Trung Quốc.
Phó thị trưởng của thành phố này nói với South China Morning Post rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có "nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do". Theo lời ông, các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn "xuất xứ từ Việt Nam" hay "xuất xứ từ Trung Quốc".
Bí thư thị xã Bằng Tường dự báo là các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc "sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng "made in China" tới Mỹ và một số sẽ được vận chuyển qua ngõ các nước thành viên ASEAN".
Các quan chức của những địa phương sát biên giới Việt Nam đang nỗ lực chào hàng kế hoạch này cho các nhà xuất khẩu ở tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng sông Dương Tử. Họ cho biết những nhà xuất khẩu đó sẽ tiếp cận nguồn lao động rẻ từ Việt Nam, và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của cả hai bên biên giới. Những chính sách này, theo các tài liệu quảng bá, sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Trung Quốc không dễ gì mà thuyết phục được chính quyền Việt Nam chấp nhận. Là một thành viên của ASEAN và là một trong những quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam rất thận trọng trên vấn đề này.
Tuy Hà Nội đồng ý với kế hoạch thành lập các khu vực thương mại xuyên biên giới, nhưng công trình xây dựng các khu này cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết lại đang chậm trễ. South China Morning Post trích lời một nhà báo Việt Nam cho biết là dư luận Việt Nam chống lại việc lập các khu vực thương mại xuyên biên giới bên phía Việt Nam, vì rất nhiều người lo ngại khi thấy đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng, kéo theo những hậu quả nghiệm trọng về ô nhiễm, và những vấn đề về đất đai.
Tờ Financial Times ngày 20/07 vừa qua cũng đã loan tin là các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang xem xét việc dời việc sản xuất sang Việt Nam và các nước có chi phí thấp khác ở Đông Nam Á.
Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung buộc họ phải đẩy nhanh các kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi mà lương công nhân đã tăng rất nhanh trong thập kỷ qua. Nhưng các nhà sản xuất được Financial Times trích dẫn lưu ý rằng việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài sẽ mất nhiều năm, và có nguy cơ, một là từ đây đến đó tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã được giải quyết, hai là chính quyền Trump sẽ mở rộng việc áp thuế sang những nước như Việt Nam để ngăn chận các nhà sản xuất Trung Quốc né thuế.
Tổng thống Trump đe dọa tăng thuế cho 200 tỉ đô la hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc (CaliToday, 19/06/2018)
Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ ấn định mức tăng thuế mới là 10% cho các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 200 tỉ đô la, một việc làm chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ đòi trả đũa.
Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ ấn định mức tăng thuế mới là 10% cho các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc - Ảnh minh họa : AP
Tổng thống Trump đã cho hay ông ra lệnh cho ông Robert Lighthizer, đại diện mậu dịch của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, hãy lập ra danh sách những mặt hàng mới của Trung Quốc sẽ chịu mức thuế mới này.
Tổng thống Trump cho hay biện pháp mới nhất là nhằm trả đũa quyết định gần đây của Bắc Kinh cho tăng thuế vào tổng trị giá 50 tỉ đô la các hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ, vốn xuất hiện sau khi Tổng thống Trump loan báo các biện pháp tương tự vào thứ sáu tuần trước.
Tổng thống Trump tuyên bố : "Sau khi các biện pháp có tính cách luật lệ được hoàn tất, các mức biểu quan thuế mới này sẽ có giá trị, nếu như Trung Quốc từ chối thay đổi chủ trương mậu dịch của họ, và nếu như họ cứ tiếp tục giữ mức thuế đánh vào hàng Hoa Kỳ như họ mới loan báo"
Tin tức hôm nay về quyết định mới của Tổng thống Trump tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã làm trị giá cổ phiếu trong các thị trường tài chính thế giới đồng loạt bị giảm và cả đồng đô la Mỹ và đồng yuan của Trung Quốc đều bị giảm giá.
Bộ Thương Mại Trung Quốc lập tức ra thông báo tố cáo Hoa Thịnh Đốn cố ý tung ra một trận chiến mậu dịch toàn diện và đe dọa ‘sẽ áp dụng những biện pháp cả về phẩm lẫn lượng’ trả đòn nếu như Hoa Kỳ tiếp tục thông báo các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế mới.
Đào Nguyên
****************
Trung Quốc áp thuế lên dầu nhập từ Mỹ sẽ tác động tới ngành công nghiệp tỷ đô (VOA, 19/06/2018)
Việc Bắc Kinh dọa áp thuế lên dầu hỏa Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trong 2 năm qua, hiện trị giá gần 1 tỉ USD/tháng.
Tư liệu : Phó Thủ tướng Trung Quốc đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm Chủ nhật 25/3/2018. Quan chức hàng đầu Trung Quốc khuyến cáo chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bên nào.
Trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang về mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với đa số các đối tác thương mại, kể cả Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước tuyên bố sẽ xúc tiến với kế hoạch áp thuế suất cao trên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỉ đôla, khởi sự từ ngày 6/7.
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ, kể cả dầu hỏa.
Giới đầu tư nhận định vụ xung đột thương mại này sẽ phương hại tới các công ty dầu khí Mỹ, làm giá cổ phần của ExxonMobil và Chevron giảm từ 1 tới 2% trong phiên giao dịch ngày 15/6, và khiến giá dầu thô Mỹ sụt giảm khoảng 5%.
Ông Stephen Innes – người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Oanda ở Singapore, nhận định, căng thẳng thương mại leo thang "rất nguy hiểm cho giá dầu".
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào một thời điểm quyết định đối với thị trường dầu khí.
Sau một năm rưỡi tình nguyện cắt giảm nguồn cung – một nỗ lực được dẫn đầu bởi các nước xuất cảng dầu hỏa–OPEC, và Nga, một nước không thuộc OPEC, các thị trường dầu khí đã bắt đầu siết chặt khiến giá cầu tăng cao.
Trung Quốc dọa cắt giảm nhập khẩu dầu từ Hoa Kỳ sẽ có lợi cho các nước sản xuất khác, như các thành viên của OPEC, và Nga. Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, và Nga, vừa cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế đối với nguồn cung và bắt đầu tăng lượng dầu xuất khẩu.
Trung Quốc giảm nhập dầu từ Mỹ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nước đang bị Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đã loan báo hồi tháng 5 năm nay.
Ông John Driscoll - Giám đốc JTD Energy Services, nhận định : "Trung Quốc có thể thay thế dầu của Mỹ bằng dầu thô của Iran".
Theo phúc trình của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ, dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhờ tăng sản lượng dầu để bù đắp lại trong tình hình các nước OPEC và Nga tìm cách cắt giảm nguồn cung.
Các biện pháp trả đữa gay gắt của Trung Quốc để phản bác ông Trump đã gây bất ngờ.
"Chúng tôi bất ngờ vì dầu thô được ghi vào danh sách", một quan chức của một tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc nói và yêu cầu không nêu tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Mức thuế mà Trung Quốc dọa áp đặt sẽ khiến dầu thô của Mỹ trở nên đắt hơn so với các nguồn cung đến từ các khu vực khác, kể cả Trung Đông và Nga, và có nguy cơ gây gián đoạn cho một ngành công nghiệp đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Driscoll nói :
"Với những trò chính trị của ông Trump, chúng ta bước vào một thế giới trong đó các liên minh phải được sắp xếp lại. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng yên để Mỹ áp đặt các mức thuế mới".