Tháng tư là thời điểm để nhớ rất nhiều việc trong lịch sử Việt Nam. Nhưng gần nhất đó là sự kiện nhà máy Formosa xả chất độc ra biển, gây hại cho hàng triệu con người Việt Nam tại bốn tỉnh miền Trung, nhưng tội ác này, lại được chính quyền Việt Nam bao che.
AFP
Đã sáu năm kể từ khi những con cá chết đầu tiên xuất hiện ở bờ biển Hà Tĩnh, Nghệ An… Cuộc đời của những người ngư dân quanh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… vẫn kéo dài sự cơ cực của mình mà không tìm thấy được hỗ trợ vật chất cần thiết, cũng như là tinh thần mang tình đồng bào của chính quyền đối với những nạn nhân. Nhiều người cố gắng sống lây lất vì không còn biết cách nào khác để tồn tại. Còn những người khác thì kẻ buộc phải bỏ nghề, người phải bỏ quê cha đất tổ để đi làm lao động thuê mướn ở phương trời xa nào đó, nhằm thoát cảnh nghèo đói do thảm họa này gây ra.
Vài năm nay, Vẫn có nhiều nạn nhân của thảm họa Formosa kiên trì đệ đơn lên Tòa án tối cao ở Đài Loan, để đòi công bằng. Nhưng chuyện yêu cầu thực thi luật pháp ấy, không hề đơn giản ở Đài Loan cũng như ở Việt Nam, mà qua cuộc trò chuyện với linh mục Nguyễn Văn Hùng - người đang ở Đài Bắc, Đài Loan trực tiếp trợ giúp cho các nạn nhân của Formosa, đã cho biết thêm nhiều chi tiết.
Nguyễn Văn Hùng : Công việc kiện công ty mẹ của Formosa tại Đài Loan đến giai đoạn quan trọng, đó là tòa án ở Đài Loan đòi hỏi là phải có nhân chứng đứng đối chất ở tòa trực tiếp, hoặc là phải công chứng đơn ủy quyền từ Việt Nam, cho luật sư ở Đài Loan. Điều này có nghĩa những người đang đứng đơn kiện phải ra mặt ngay tại địa phương họ cư ngụ, công chứng ủy quyền cho luật sư và có đóng dấu của cơ quan hành chính địa phương và nhiều cơ quan khác nữa – nhưng rõ ràng đây là điều khó khăn, vì chuyện kiện thẳng công ty mẹ ở Formosa là điều mà chính quyền không thích. Thậm chí những người đi kiện ra mặt cũng bị nguy hiểm.
Hơn nữa, những việc kỳ lạ khác cũng xảy ra trùng hợp, là những người có thể trợ giúp cho các nạn nhân hay người lên tiếng cho Formosa như cô Phạm Đoan Trang (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Tĩnh)… đều bị bắt.
Điều đáng nói là Tòa án ở Đài Loan hình như có sự tác động nào đó, nên họ vẫn kéo dài thời gian về chuyện cần nhân chứng và công chứng, chứ không tuyên bố hết hạn, nên vẫn có hy vọng trong chuyện kiện này. Hiện phía chúng tôi (Linh mục Nguyễn Văn Hùng và các luật sư, tổ chức đang tham gia vụ kiện) đang có thêm một cách làm khác. Nhưng chúng tôi xin lỗi là lúc này chưa thể tiết lộ vì muốn tránh các bất trắc không cần thiết.
Tuấn Khanh : Thưa linh mục, nhưng nói về nhân chứng, thì vẫn có những người từ các địa phương đi kiện đã đào thoát ra nước ngoài vì bị đàn áp, đi lao động ở ngay chính Đài Loan như báo chí đưa tin, vậy mình có thể tận dụng các nhân chứng này được không?
Nguyễn Văn Hùng : Chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều đó, và may mắn là chúng tôi tìm thấy một số người đã chạy qua Thái Lan, Âu Châu và chính ngay Đài Loan, nhưng bản thân vấn đề hành chính khiến họ cũng cần có một thủ tục ở Việt Nam. Vì vậy cũng có cái khó của nó.
Tuấn Khanh : Đài Loan và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ ngoại giao khá mong manh, với cái bóng của Trung Quốc luôn đứng giữa. Liệu vụ kiện Formosa này, với tầm lức lớn lao của nó cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của Hà Nội, thì tòa án của Đài Loan có e ngại trong việc xử thẳng tay và sẽ làm bẻ mặt nhiều quan chức Hà Nội ?
Nguyễn Văn Hùng : Dù tòa án ở Đài Loan là độc lập, nhưng nếu nhìn rõ khung cảnh hiện nay, thì rõ là có nhiều quan hệ và quyền lợi đan chéo nhau, nên riêng tôi nghĩ, tòa án chỉ có thể đáp ứng ở mức 70 hay 80% mà thôi. Tôi đoán như vậy.
Tuy nhiên, Đài Loan đang là điểm nóng trong tầm nhìn của thế giới, nên đảng cầm quyền vẫn muốn hành động với những giá trị mang tính biểu trưng về một đất nước Đài Loan đang tiến bộ và văn minh trong nên dân chủ pháp trị. Nên trong sự cầm quyền của Đảng Dân Tiến, tôi nghĩ vụ kiện của người Việt Nam lúc này cũng có những phần lợi thế nhất định.
Tuấn Khanh : Đã hơn ba năm theo đuổi vụ kiện này, thưa, linh mục có nhận xét ra sao về thái độ của chính quyền Việt Nam. Cụ thể như Đại sứ quán Việt Nam ở Đài Loan ((Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc) chẳng hạn. Đã có đề nghị nào về việc ngừng vụ kiện hay cao hơn, là đe dọa chẳng hạn ?
Nguyễn Văn Hùng : Phải nói rằng họ rất kín đáo trong các biểu hiện. Bởi họ biết rằng bất kỳ hành động lộ liễu nào cũng sẽ phát động các sự phản đối của các tổ chức nhân quyền hay môi trường ở Đài Loan. Nhưng tôi tin rằng họ theo dõi, luôn theo dõi rất kỹ. Sở dĩ có nhiều khó khăn trong việc người Việt phản ứng hay đi kiện Formosa, tôi nghĩ đó là chuyện ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp, do tôi tin rằng có các quan chức CSVN đầu tư hay có phần hùn trong hoạt động của Formosa ở Việt Nam. Do đó họ luôn để ý đến các tiến triển của vụ kiẹn này.
Tuấn Khanh : Về phần báo giới ở Đài Loan thì sao? Họ có hoàn toàn đứng về những nạn nhân ?
Nguyễn Văn Hùng : Những tờ báo trung thực và độc lập ở Đài Loan thì họ rất giới hạn về tài chánh. Còn lại là phần lớn là báo sống với sự tài trợ kinh tế. Như năm ngoái, Formosa có lợi nhuận đến tám tỷ Mỹ kim, nên chuyện đó cũng là một thế lực. Báo chí sống và không cần đến sự trợ giúp kinh tế của giới doanh thương không nhiều nên tiếng nói vì nạn nhân cũng ít. Ngay tại Đài Loan, cũng có một làng ung thư liên quan đến Formosa nhưng kiện tụng cũng kéo dài và khó khăn, tiếng nói yểm trợ cũng ít. Bằng tiền và quyền Formosa đang thao túng mọi thứ, độc đoán, không khác gì nhà nước Cộng sản Việt Nam cả. Dùng tiền của mình, Formosa tác động đến truyền thông nên bài vở về các nạn nhân của họ cũng bị giới hạn.
Tuấn Khanh : Nhiều nhà binh luận cũng như tranh đấu cho sự kiện thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam nói rằng đây không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là chuyện về nhân quyền. Trong cuộc theo đuổi vụ kiện ở Đài Loan, linh mục đã có bao giờ nhờ đến sự trợ lực của các tổ chức quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty… ?
Nguyễn Văn Hùng : Chúng tôi gần đây cũng liên hệ với các tổ chức như Green Peace, Amnesty… và gần đây thì có thêm vài tổ chức để nhờ cậy họ đưa thông tin về vụ kiện này lên các diễn đàn quốc tế. Chúng tôi biết rõ mọi việc không thể nhanh chóng được, mà đó là một cuộc đấu tranh rất dài lâu. Chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục không ngừng để cố gắng đạt đến một phần nào công lý cho các nạn nhân ở Việt Nam. Khó khăn thì còn nhiều, nhưng nhìn vào những mất mát của người dân trước thảm họa này, chúng tôi biết là mình phải tiếp tục, bất luận như thế nào.
Tuấn Khanh : Xin cám ơn linh mục.
Tuấn Khanh thực hiện
Nguồn : RFA, 07/04/2022
Một nhóm đại diện cho gần 8.000 nạn nhân Việt Nam bởi một vụ tràn hóa chất khổng lồ làm hư hại khoảng 200 km bờ biển của Việt Nam và hủy hoại sinh kế của nhiều người dân vào năm 2016 đã đệ đơn kiện tại Đài Bắc chống lại các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông của Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan (FPG).
Vụ công ty Formosa của Đài Loan gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận suốt ba năm qua
Đơn kiện là của nhóm Công lý cho Nạn nhân Formosa nộp cho văn phòng công tố quận Đài Bắc.
Họ muốn có bồi thường 4 triệu đôla Mỹ cho 7.875 nạn nhân.
Tổng cộng 24 đối tượng bị kiện được ghi trong đơn, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty mẹ là tập đoàn Formosa Plastics Group, các công ty khác có đầu tư vào Hà Tĩnh, cùng các thành viên ủy ban quản trị và cổ đông của các công ty này.
Các nguyên đơn chủ yếu là ngư dân, chủ tàu đánh cá, và các nhà điều hành kinh doanh ngành công nghiệp liên quan đến đánh cá hoặc công nhân.
Vụ kiện cáo buộc các quan chức của công ty Đài Loan bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, khôi phục lại khu vực ven biển và trả lại sinh kế cho người dân địa phương.
Làm hỏng hệ sinh thái
Giới hoạt động yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm với các nạn nhân của thảm họa môi trường biển 3 năm trước
Trong một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất mà Việt Nam đã thấy, nước thải từ nhà máy thép do Đài Loan đầu tư được chính phủ Việt Nam xác định thải ra biển bắt đầu từ tháng 4/2016, làm hỏng hệ sinh thái và gây ra một lượng lớn hải sản chết dọc theo bờ biển trải dài khoảng 200 km tại các tỉnh miền trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều ngư dân và những người khác.
Công ty đã trả 500 triệu đô la cho chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề này, nhưng các nhóm vận động cho các quyền, giới hoạt động và nạn nhân nói rằng nhiều nạn nhân đã không nhận được bất kỳ khoản tiền nào, những người đã nhận thì nhận được quá ít để phục hồi từ những mất mát của họ và môi trường vẫn còn chưa được dọn dẹp sạch sẽ, khiến người dân trong vùng không thể kiếm sống.
Phát biểu sau cuộc họp báo diễn ra dưới mưa ngoài khách sạn nơi Formosa Plastics Group đang tổ chức đại hội cổ đông ở Đài Bắc, một nạn nhân 32 tuổi, người đề nghị chỉ nêu danh tính là họ Nguyễn để tránh bị trả thù từ chính phủ Việt Nam, cho biết ông phải rời khỏi làng vào tháng 7/2016 để lại vợ và ba con, để làm công nhân nhập cư ở Đài Loan vì ô nhiễm đã phá hủy sinh kế của ông.
"Vụ ô nhiễm gây ra một tác động lớn đến tôi và gia đình tôi", ông Nguyễn nói với BBC. "Trước đây, tôi có một chiếc thuyền và đánh cá kiếm sống, nhưng nước bị nhiễm độc và cá chết hết. Ngay cả sau một thời gian dài trôi qua, nước vẫn không an toàn, vẫn có ít cá và ngay cả khi dân làng có thể đánh cá và đề nghị bán với giá rẻ, không ai dám mua".
Ông là một trong những nguyên đơn có tên trong vụ kiện ; hầu hết các nguyên đơn đều ở Việt Nam nhưng một số hiện đang là công nhân nhập cư ở Đài Loan và các nơi khác.
'Họ toàn khất lần'
Các nhà hoạt động đấu tranh tại Đài Loan đòi quyền lợi cho các nạn nhân Formosa ở Việt Nam
Ông Nguyễn nói rằng nhiều người trong làng của ông đã bỏ lại gia đình để ra đi kiếm sống và chỉ một nửa số người mà ông biết nhận được bồi thường từ chính phủ. Ông nói rằng ông chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.
"Gia đình tôi đã hỏi nhiều lần, nhưng họ toàn khất lần", ông Nguyễn nói.
Nhóm đệ đơn kiện, Công lý cho Nạn nhân Formosa (Justice For Formosa Victims - JFFV), được thành lập tại Mỹ sau khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp, quản nhiệm Giáo phận Hà Tĩnh, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người Việt Nam ở Mỹ. Một số nhóm bảo vệ môi trường và nhân quyền của Đài Loan đã hỗ trợ JFFV.
Các nhóm nói rằng vấn đề là không có sự minh bạch - không rõ liệu Formosa Hà Tĩnh có trả 500 triệu đô la hay không và nếu có thì chính phủ Việt Nam đang sử dụng số tiền như thế nào. Những người được trả tiền, chỉ nhận được 80.000 TWD (Đài tệ), khoảng 2.500 USD, họ nói.
"Hy vọng rằng ngoài việc trả đủ tiền bồi thường để bù đắp cho những tổn thất, Formosa Plastics Group của Đài Loan không nên hy sinh môi trường sống của các nạn nhân. Cần chấm dứt ngay hành vi gây ô nhiễm, công bố thông tin liên quan như dữ liệu giám sát môi trường và có một tổ chức thuộc bên thứ ba có tính chất công bằng để tham gia".
"Cũng cần phải giải thích và thảo luận với người dân Việt Nam để xây dựng kế hoạch và lên lịch trình khôi phục môi trường biển", các nhóm cho biết trong một tuyên bố chung do Quỹ Quyền môi trường có trụ sở tại Đài Loan đưa ra.
'Không thể phủi tay'
Trong khi đó, FPG đã đưa ra một tuyên bố thay mặt Formosa Hà Tĩnh nhấn mạnh rằng họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách làm theo hướng dẫn của chính phủ Việt Nam và trả số tiền một lần cho chính phủ vào tháng 8/2016 để bồi thường cho ngư dân ở bốn tỉnh miền trung, theo chỉ thị của chính phủ rằng chính phủ sẽ xử lí việc phân phối tiền.
"Trong hai năm kể từ khi Ha Tĩnh Steel Corp chính thức đầu tư và sản xuất, tất cả nước thải và khí thải thải đều đáp ứng luật pháp của chính phủ Việt Nam về tiêu chuẩn khí thải", tuyên bố viết.
Nhưng các nhóm lập luận rằng Formosa Hà Tĩnh và FPG không thể đơn giản phủi tay trước vấn đề bằng cách trả tiền cho chính phủ.
"Các nạn nhân Việt Nam đã không nhận được bồi thường mà lẽ ra họ phải được nhận. Và tại sao chính phủ Việt Nam có thể đứng ra yêu cầu bồi thường thay cho các nạn nhân ? Nếu thảm họa xảy ra ở Đài Loan, thật khó có thể tưởng tượng rằng chính phủ có thể yêu cầu bồi thường thay mặt cho các nạn nhân theo ý muốn, và sau khi yêu cầu, nó không cung cấp đầy đủ (bồi thường) cho các nạn nhân", theo tuyên bố của các nhóm.
Họ cũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh tiết lộ thông tin giám sát ô nhiễm và không được để cho cư dân địa phương không biết gì về chủng loại và số lượng chất ô nhiễm mà nó thải ra môi trường.
Các tổ chức phi chính phủ tại Đài Loan cũng thúc giục FPG, một hãng có lịch sử vi phạm ô nhiễm lâu dài ở Đài Loan và gần đây ở nước ngoài, kể cả ở bang Delwar, Hoa Kỳ, kiểm tra kỹ lưỡng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và xử lý nghiêm các vấn đề mà các nhà máy của họ gây ra. Họ cũng kêu gọi chính phủ Đài Loan buộc các công ty của Đài Loan như FPG đầu tư ra nước ngoài phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm về an toàn môi trường và nhân quyền.
"Vụ việc này thực sự là một điều xấu hổ đối với Đài Loan", Yu Yi-chia, một nhà vận động từ Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan nói.
Mặt hàng hải sản khô vẫn chưa được đền bù, theo nhiều người dân
"Mỗi quốc gia đều có trách nhiệm giám sát các đầu tư của các công ty của mình ở nước ngoài", Chen Jing-jie, một nhà vận động cho Covenants Watch nói.
Nạn nhân, ông Nguyễn, nói mặc dù ông có việc làm ở Đài Loan, nhưng ông gặp nhiều khó khăn vì phải rời khỏi Việt Nam để kiếm sống và ông cũng phải phụng dưỡng cha mẹ, những người không thể đánh cá như họ đã từng làm .
"Chúng tôi muốn công lý. Tôi không biết chúng tôi sẽ thắng kiện vụ này hay không, nhưng tôi nghĩ nếu tất cả chúng tôi nỗ lực hết mình, chúng tôi sẽ đạt được kết quả, ông Nguyễn nói.
Được biết, các tổ chức Phi chính phủ đã khẳng định khoản tiền đòi công lý trong vụ kiện là 4 triệu đôla Mỹ, nhưng số tiền này luôn có thể được tăng lên sau đó.
Tuy nhiên, hạn chót để các nguyên đơn khác tham gia vụ kiện là ngày 30/6/2019, vì pháp luật Việt Nam đặt ra thời hạn ba năm kể từ thời điểm thừa nhận sai phạm, và ngày 30/6/2016 là ngày Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan đưa ra lời xin lỗi công khai.
Cindy Sui
Nguồn : BBC, 11/06/2019
**********************
Ngư dân Việt Nam và hội đoàn kiện công ty Formosa ở Đài Loan
BBC, 11/06/2019
Hàng nghìn người dân miền Trung Việt Nam với sự hỗ trợ của nhiều hội đoàn nộp đơn chính thức kiện Formosa ở Đài Loan hôm 11/6.
Hàng nghìn ngư dân Việt Nam kiện Formosa ra công tố viện ở Đài Bắc
Đơn kiện là của nhóm Công lý cho Nạn nhân Formosa nộp cho văn phòng công tố quận Đài Bắc.
Họ muốn có bồi thường 4 triệu đôla Mỹ cho 7.875 nạn nhân.
Tổng cộng 24 người bị kiện được ghi trong đơn, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty mẹ là tập đoàn Formosa Plastics Group, các công ty khác có đầu tư vào Hà Tĩnh, cùng các thành viên ủy ban quản trị và cổ đông của các công ty này.
Biểu tình ôn hòa
"Đoàn Việt Nam khoảng 50 người vừa có cuộc biểu tình rất ôn hòa trước Trụ Sở chính của Tập đoàn Formosa. Có sắc áo dày đặc của cảnh sát Đài Loan nhưng họ không gây trở ngại gì mà rất lịch sự".
"Trước đó, buổi họp báo trước tòa án Đài Loan cũng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, Reuters, NHK đều có mặt để đưa tin, phỏng vấn", bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa nói với BBC News Tiếng Việt từ Đài Loan hôm 11/6.
"10.000 nạn nhân Formosa khởi kiện hôm nay chỉ là những người chúng tôi tiếp cận được để phỏng vấn. Con số còn lại lớn hơn rất nhiều".
"Đài Loan chỉ là một trong ba nơi chúng tôi sẽ gửi đơn kiện Formosa. Trước đó, chúng tôi đã đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 12/6, chúng tôi sẽ gửi đơn kiện tới tòa án tại New Jersy, Mỹ, nơi Formosa đóng đại bản doanh".
Trả lời câu hỏi vì sao vụ việc này lại được thực hiện quyết liệt đến vậy, bà Nancy Bùi nói :
"Bởi vì trong suốt ba năm qua, Formosa đã phủi tay, không chi trả đúng mức cho các nạn nhân, trong khi mức độ tàn phá đối với môi trường và con người rất thảm khốc. Chúng ta không thể im lặng".
"Ngay sau cuộc biểu tình chiều 11/6, một nhân viên của Formosa đã xuất hiện và đưa cho chúng tôi một văn bản, trình bày ba điểm chính của họ. Thứ nhất, họ nói đã đền bù 500 triệu USD, như thế là đủ rồi. Thứ hai, họ cho rằng họ làm mọi việc theo pháp luật Việt Nam. Thứ ba, họ có đường dây nóng và nếu có gì sai được phản ánh thì đã giải quyết ngay".
Có vẻ như vụ kiện Formosa tại Đài Loan thành một phong trào
"Những điều này là rất sai. Mới đây thôi, Công an Hà Tĩnh đã có công văn cho hay Formosa đang tồn đọng hàng triệu tấn chất thải độc hại và hoạt động xả thải của họ còn rất nhiều lỗ hổng. Nhiều ngư dân mất nghề, phải lang bạt khắp nơi kiếm sống trong khi Formosa thì phủi tay, nhiều người phản đối Formosa bị bắt bớ, cầm tù... " bà Nancy nói với BBC News Tiếng Việt tại Bangkok.
Từ Việt Nam, ông A, 42 tuổi, một nạn nhân Formosa có tên trong vụ kiện, xin được ẩn danh, nói với BBC :
"Tui cũng suy nghĩ lung lắm, và bàn với gia đình hoài rồi mới dám đứng tên hồ sơ. Người ta nói mình nó giống như con kiến đi kiện củ khoai, nắm chắc không được kết quả gì đâu. Nhưng tụi tui mất hết, không còn đường sống, thôi thì, bỏ tên vào cho mình nuôi chút hy vọng. Người ta cũng nói chờ chắc cũng phải mấy năm".Ông A cho biết từ ngày mất nghề đánh cá, ông làm thuê cho người ta để kiếm sống. "Thì người ta muớn gì mình làm nấy, làm sống qua ngày".
Về thủ tục tố tụng, bà Nancy cho biết, đây là một tiến trình rất dài :
"Theo luật Đài Loan, trong vòng 1 - 2 tháng tới tòa Đài Loan sẽ thông báo họ có thụ lý vụ kiện hay không. Nếu không, chúng tôi có vụ khiếu kiện thứ hai tại tòa ở tiểu bang New Jersey, Mỹ. Nếu có, tòa Đài Loan sẽ thực hiện các giai đoạn như điều tra, trao đổi hồ sơ ; điều đình giữ hai bên ; trong trường hợp không điều đình được thì sẽ ra tòa".
"Nếu thực hiện đầy đủ các trình tự này và qua cả ba phiên tòa sơ thẩm, thượng thẩm và tối cao viện thì thời gian có thể kéo dài 3 - 5 năm".
"Tòa tại Mỹ thủ tục cũng gần như vậy nhưng luật môi trường Mỹ ngặt nghèo hơn nhiều. Chừng 10.000 nạn nhân Việt Nam yêu cầu Formosa phải bồi thường hơn 600 triệu đôla, theo luật Đài Loan, nhưng nếu mang sang phiên tòa ở Mỹ thì mức này sẽ lên tới vài tỷ đô la". Bà Nancy Bùi cho biết.
'Không kiện được ở Việt Nam'
Phái đoàn từ Việt Nam gồm Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, và một số linh mục đại diện cho các nạn nhân đến từ 2 giáo phận Vinh và Hà Tĩnh sẽ có mặt tại phiên tòa được cho là 'lịch sử' này.
Trả lời phỏng vấn truyền thông trước buổi họp báo tại Đài Loan hôm 11/6, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh nói :
"Formosa đã gây ô nhiễm, gây ung thư từ lâu rồi, đây là dịp thuận tiện để chính quyền Đài Loan phải lên tiếng giải quyết vấn đề không chỉ cho Việt Nam mà cho chính Đài Loan".
"Đầu tiên chúng tôi đòi hỏi Formosa phải giải quyết công bằng cho người dân bị thiệt hại. Formosa không được tiếp tục xả thải và phải tẩy trừ biển".
"Tôi hi vọng chính phủ Đài Loan sẽ thấy vấn đề, và cũng tùy thuộc chính chúng ta và phương tiện truyền thông trên thế giới thúc đẩy chính quyền Đài Loan giải quyết vấn đề. Nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục kiện lên các tòa án khác".
Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng nói thêm : "Tôi không lo gì cả vì tôi nói sự thật, tôi đòi công lý và với tình yêu thương của tôi. Đây là hành động yêu nước của tôi".
Ông John Hoàng Nguyễn, Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa - tổ chức đứng ra hỗ trợ các ngư dân Việt Nam trong vụ kiện này - nói ông mong muốn được thấy các nạn nhân Formosa "trở lại cuộc sống bình thường".
"Khi người dân Việt Nam muốn kiện thì bị nhà nước chặn, bác hồ sơ, nên họ phải chuyển sang nước khác để kiện. 8000 hồ sơ bằng tiếng Việt chuyển sang tiếng Hoa thì người dân lấy đâu ra tiền ? Riêng án phí cho phiên tòa này tại Đài Loan đã tốn 30.000 ngàn đôla. Do đó, chúng tôi đã gây quỹ để giúp các nạn nhân có thể gióng lên tiếng nói của mình qua hệ thống pháp luật ở Đài Loan".
Ông John Hoàng Nguyễn cho rằng khó khăn đối với các nạn nhân Formosa Việt Nam là "đồng hương không hiểu chuyện", do đó nhiều người cho rằng Formosa đền 500 triệu đôla là đủ rồi.
"Nhưng số tiền đó chia cho bốn tỉnh với 500.000 người làm sao đủ", ông John Hoàng Nguyễn nói với báo giới bên ngoài buổi họp báo tại Đài Bắc hôm 10/6.
"Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa từ 10 nước trên thế giới bàn cách giúp người Việt Nam. Lần đầu tiên, người Việt Nam đứng ra kiện Formosa tại quê hương của Formosa".
"Mong muốn của chúng tôi là thấy người dân trở lại cuộc sống bình thương. Formosa phải đền để họ đủ tiền sống. Phải kiếm nghề khác cho họ làm nếu biển không sạch. Và phải làm sạch biển vì chất độc nằm dưới biển... Phải đòi hỏi Formosa làm những việc cần thiết, xứng đáng, để tôm cá Việt Nam được an toàn".
Được biết có tới 10.000 ngư dân miền Trung Việt Nam đã tìm đến năm nhóm luật sư trợ giúp về pháp lý để chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) và 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc vào 11/6/2019.
Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập Đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và làm sạch vùng biển bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên, theo thông cáo báo chí của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa.
Trong danh sách 18 công ty bị kiện lần này, ngoài FHS, số đông công ty khác có trụ sở tại Đài Loan, một số khác có cơ sở tại một số quốc gia trên thế giới như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Cayman ; một hòn đảo thuộc phần đất của Anh Quốc.
Quyền Môi Trường (Earth Rights International -ERI) tại New Jersey, Hoa Kỳ sẽ đại diện cho các nạn nhân và Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa nộp một đơn kiện khác tại tòa án Liên Bang về môi trường tại tiểu bang New Jersey, nơi có bản doanh của Công ty Formosa USA. Đây là công ty có cổ phần lớn cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành Công Ty Hưng Nghiệp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh.
Thảm họa môi trường Formosa
4/2016 : Công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại không qua xử lý ra biển. Cá chết nhiều tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, sau đó lan ra các vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
30/6/2016 : Chính phủ Việt Nam họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do Formosa Hà Tĩnh xả thải vượt quá nồng độ cho phép. Đồng thời khẳng định Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu đô la.
2017 : Formosa Hà Tĩnh được hoạt động trở lại. Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Linh thời điểm đó cho hay Formosa đã đáp ứng các yêu cầu trong buổi chạy thử.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa 24/24, và rằng Formosa Hà Tĩnh đã đáp ứng được 52 chỉ tiêu trong số 53 chỉ tiêu được yêu cầu.
Từ 2016-2017 : Nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa diễn ra tại nhiều địa phương khắp Việt Nam. Một số người tham gia biểu tình bị bỏ tù.
17/5/2018 : Tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế khẳng định đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn. Sau đó truyền thông Việt Nam đăng các hình ảnh một số quan chức đi tắm biển miền Trung và ăn cá đánh bắt tại đây.
4/2018 : Lại có một số tin trên mạng xã hội về tình trạng cá chết ở biển miền Trung. Nhưng không thấy báo chính thống đăng những tin này.
4/5/2019 : Công an Hà Tĩnh có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường, cho hay Formosa đang tồn đọng khoảng 900.000 tấn phế thải độc hại, và mỗi năm phát sinh hơn 3 triệu tấn chất thải rắn.
5/2019 : Tiếp tục có tin cá chết ở miền Trung
11/6/2019 : 10.000 ngư dân miền Trung khởi kiện Formosa ra tòa án tối cao Đài Loan
Bạch Hồng Quyền : ‘Nguy hiểm khiến tôi đặt chân đến Canada sớm hơn dự định’ (VOA, 04/05/2019)
Trả lời phỏng vấn của VOA ngay sau khi đặt chân đến phi trường International Pearson Airport ở Toronto, Canada, vào sáng 3/5, nhà hoạt động môi trường Bạch Hồng Quyền cho biết cuộc sống của ông không ngừng gặp nguy hiểm trong thời gian chờ đợi để đi tị nạn tại Canada, thậm chí ngay cả lúc ông đã vào trong IDC (Trung tâm giam giữ di trú Thái Lan).
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền và gia đình tại phi trường International Pearson Airport ở Toronto, Canada, vào ngày 3/5/2019.
Ông Bạch Hồng Quyền nói: "Sau lần trả lời phỏng vấn lần cuối cùng của VOA, cuộc sống của tôi thực sự rất khó khăn. Tôi luôn phải chuyển nhà để tránh sự truy bắt cũng như việc tìm kiếm gắt gao của an ninh Việt Nam và một số cảnh sát bị tha hóa tại Thái Lan. Tôi phải xa gia đình, sống chui lủi để làm sao không bị bắt để có thểan toàn…".
"Sau đó, tôi may mắn được Đại sứ quán Canada tại Thái Lan phỏng vấn và được IOM khám sức khỏe và biết được lịch đi là ngày 29/5. Nhưng may mắn là không biết do hồ sơ của tôi vì lý do nguy hiểm, được biết thông tin là bên phía Đại sứ quán Việt Nam hay thông tin về việc Việt Nam muốn trục xuất tôi về, nên hồ sơ của tôi được nhanh hơn".
"Trong lúc hồ sơ đã hoàn thành và khám sức khỏe xong, tôi vào IDC. Sau khi vào IDC 3 ngày, phía Đại sứ quán Việt Nam có vào hỏi thông tin của tôi ở IDC và hỏi tôi đã đến IDC chưa".
"Sau 1 tuần, là thứ Ba tuần trước, một người tên Ngọc bên Đại sứ quán Việt Nam đưa giấy yêu cầu tôi xuống gặp để hỏi thông tin. Nhưng khi vừa xuống gặp được chưa đầy 1 phút thì phía nhân viên UN tại IDC đưa tôi vào văn phòng UN tại IDC để làm việc. Họ hỏi những thông tin liên quan đến việc Đại sứ quán Việt Nam tìm hiểu thông tin của tôi".
"Đến khi tôi đã vào IDC mà việc Đại sứ quán Việt Nam và những nguy hiểm vẫn rình rập tôi, thì tôi nghĩ đó là việc (lý do) mà tôi đặt chân đến Canada sớm như hôm nay".
Blogger Bạch Hồng Quyền là người đã thực hiện việc đưa thông tin và giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển do công ty Formosa gây ra tại Việt Nam vào năm 2016.
Sau khi bị công an tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh truy nã về tội "Gây rối trật tự công cộng" khi tham gia biểu tình cùng với nhiều người dân hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim, đến UBND Lộc Hà vào ngày 3/4/2017, ông đã trốn sang Bangkok, Thái Lan, từ tháng 5 năm 2017.
Ông là một trong số 50 người được tổ chức VOICE và VOICE Canada chọn bảo trợ theo chương trình tị nạn của chính phủ Canada.
Khánh An
*********************
Bạch Hồng Quyền : 'Vui mừng khi đến Canada, bến bờ tự do' (BBC, 03/05/2019)
Bạch Hồng Quyền đã có những chia sẻ mới nhất với BBC sau khi đặt chân đến Canada sáng 3/5.
Bạch Hồng Quyền cùng vợ và các con tại sân bay Toronto sáng 3/5 giờ Canada
"Thật sự rất vui mừng đã được đặt chân đến Canada đoàn tụ cùng gia đình. Chặng bay rất dài, nhưng thời gian chờ đợi không là gì khi được đặt chân đến xứ sở tự do, được đoàn tụ cùng gia đình", nhà hoạt động môi trường, 30 tuổi, nói với phóng viên Hà Giang của BBC.
Bạch Hồng Quyền cho biết trước đó đã sống trong sự lo âu, hiểm nguy "phải luôn chuyển nhà để tránh sự truy tìm của an ninh Việt Nam và cảnh sát tha hóa của Thái Lan".
Quyền đang bị truy nã ở Việt Nam về tội "Gây rối trật tự công cộng" khi tham gia cuộc biểu tình ngày 3/4/2017 ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Anh đã sang tỵ nạn ở Thái Lan từ giữa 2017.
Đại sứ quán Việt Nam tìm cách tiếp cận
Theo quy định của Thái Lan, người tỵ nạn nhập cư bất hợp pháp phải bị tạm giam bốn tuần trong IDC, Trại tạm giam Di trú của Thái Lan, trước khi được phép xuất cảnh sang nước thứ ba.
Quyền cho biết sau khi anh vào IDC được 3 ngày, thì một nhân viên đại sứ quán liên hệ với IDC hỏi về thông tin của anh.
Quyền cho biết, vào thứ Ba tuần trước, người nhân viên tên Ngọc đến đòi làm việc với Quyền.
Nghệ sĩ Nam Lộc cùng gia đình Bạch Hồng Quyền tại sân bay Toronto
"Họ hỏi hai-ba câu như, 'Sống trong đó như thế nào', 'Bao giờ được đi Tây', tôi đều trả lời là không biết vì không muốn có gì xảy ra trong lúc tôi ở IDC", Quyền nói.
Và khi nhân viên đại sứ quán Việt nam chưa kịp làm việc với Quyền, thì nhân viên của Liên Hiệp Quốc (UN) đã kéo anh sang văn phòng của UN tại IDC để làm việc.
Trước đó, hồi tháng Hai, nhà báo tự do Trương Duy Nhất đã đột ngột mất tích tại Thái Lan.
"Vì việc anh Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc mất tích như vậy và cùng với thông tin có thể tôi sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nên điều này có thể đã thúc đẩy hồ sơ của tôi đi nhanh hơn", Quyền nói.
Cuối cùng Quyền được xuất cảnh sang Canada sau hai tuần bị giam ở IDC. Vợ và các con của Quyền đã sang Canada trước đó.
Cảm ơn những người đã hỗ trợ
Trong khi chờ đợi làm giấy tờ tại phi trường Toronto, Quyền nói "Thật sự, tôi rất cảm ơn mọi người đã luôn quan tâm đến việc của tôi. Có những người lo lắng cho tôi, giờ khi tôi đã đến bến bờ tự do, thì tôi rất cảm ơn những cá nhân tổ chức đã giúp đỡ".
Quyền cho biết giờ gia đình sẽ ở nhà một người bạn nào đó trong vòng một tuần, và sẽ đi tìm thuê nhà, tìm trường cho con đi học, đi tìm việc làm và đi học tiếng Anh.
Cũng có mặt đón Bạch Hồng Quyền tại sân bay là nghệ sĩ Nam Lộc và một số thành viên của tổ chức VOICE.
"Tổ chức VOICE nói chung và VOICE Canada nói riêng đang có những nỗ lực để giúp những đồng bào ở Thái Lan là những thuyền nhân cũ hay tù nhân lương tâm mới hay các nhà họat động bị nguy hiểm đến tính mạng, đồng thời các lãnh đạo tinh thần, tôn giáo bị đàn áp".
Bạch Hồng Quyền từng hay đồng hành cùng Hoàng Đức Bình, nhà hoạt động môi trường đã bị kết án 14 năm tù giam
"Cộng đồng Việt Nam tại Canada cũng nhận trách nhiệm nặng nề, phải lo cho họ tất cả từ nhà cửa đến công ăn việc làm và họ đã thỏa mãn các điều kiện đó nên chính phủ Canada vẫn mở rộng cánh cửa", ông Nam Lộc nói.
Ông cho biết, với mỗi đầu người sang định cư diện tỵ nạn ở Canada sẽ cần khoảng 13-14.000 đô la thế chân, bao gồm 3.000-4.000 đô la chi phí vé máy bay, thủ tục, xin visa, và 10.000 đôla để hỗ trợ phòng trường hợp người tỵ nạn này không có công ăn việc làm.
"Trường hợp của Bạch Hồng Quyền nổi bật vì sự nguy hiểm quá rõ ràng và mạnh mẽ. VOICE cảm thấy nếu không đưa ra khỏi Thái Lan thì sẽ bị như Trương Duy Nhất.
"Quyền lại đang có truy nã, và bản án cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là 14 năm thì bản án cho Bạch Hồng Quyền sẽ còn nhiều hơn.
"Trong tình trạng cấp bách, VOICE đã vận động lên chính phủ Canada để suy xét rằng đây là một trong những người nên được các quốc gia tự do che chở. Công việc rất hữu ích mà bị Cộng sản Việt Nam giá họa vào cái tội để bắt bớ họ.
Bạch Hồng Quyền (áo xám, mũ xám, giữa) đứng giữa dòng người dân biểu tình đòi bồi thường thảm họa Formosa tại UBND huyện Lộc Hà hôm 3/4/2017
"Và ngoài ra không thể quên cám ơn sự giúp đỡ của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc, và Chính phủ Thái Lan cho Quyền giấy phép vào IDC và giúp đỡ xuất cảnh".
"Đây là trường hợp khẩn cấp, tương tự như các nhà đấu tranh như luật sư Nguyễn Văn Đài, nhạc sĩ Việt Khang, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…" ông Nam Lộc nói.
Bị truy nã ở Việt Nam
Theo báo Dân Trí, Bạch Hồng Quyền, ngày 3/4/2017, lợi dụng việc khiếu kiện đền bù sự cố môi trường biển, "đã cầm đầu kích động khoảng 2.000 người dân ở các xã Thạch Bằng, Thạch Kim mang theo băng rôn, khẩu hiệu, loa thùng kéo đến trụ sở UBND huyện Lộc Hà gây rối ANTT làm cho cơ quan chính quyền huyện bị đình trệ hoạt động từ 8h40' đến 15h15' cùng ngày".
Quyết định truy nã đối với Bạch Hồng Quyền
Ngày 29/4/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can. Tuy nhiên, Bạch Hồng Quyền không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu, nơi đăng ký tạm trú.
Ngày 12/5, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định "truy nã toàn quốc" với Bạch Hồng Quyền.
Hoàng Đức Bình, một nhà hoạt động môi trường cùng Quyền tham gia cuộc biểu tình hôm 3/4, thì bị bắt giữ và đã bị tuyên án 14 năm tù giam.
*****************
Bạch Hồng Quyền trả lời phỏng vấn RFA ngay khi đặt chân đến Canada (RFA, 03/05/2019)
Nhà hoạt động môi trường vừa đáp chuyến bay đến sân bay Toronto tại Canada vào sáng ngày 3/5. Ngay sau khi về nhà, anh có dành cho RFA buổi phỏng vấn nói rõ hơn về hoàn cảnh của anh trong thời gian qua.
Nhà hoạt động môi trường Bạch Hồng Quyền trả lời RFA.
RFA : Trong thời gian 2 tuần lễ ở Trung tâm tạm giữ người nhập cư của Thái Lan (IDC) tại Bangkok anh bị giam chung với ai ? Có những ai đến tiếp xúc ?
Bạch Hồng Quyền : Trong khoảng thời gian 2 tuần tôi bị giam giữ tại IDC, tôi rất may mắn được ở buồng giam của anh Phan Thanh Hiền Sỹ, người bị bắt và giam trong tù IDC 20 năm. Theo luật của IDC, những người đi định cư nước thứ 3 mà nhập cảnh bất hợp pháp ở Thái sẽ phải vào IDC giam giữ ít nhất 4 tuần. Khi tôi vào được 3 ngày bên phía Đại Sứ Quán Việt Nam vào hỏi IDC thông tin của tôi, xem tôi có vào đó chưa và xin thông tin của tôi, cũng như số IDC của tôi khi bị giam tại đây. Sau đó một tuần, vào thứ ba tuần trước, phía Đại Sứ Quán Việt Nam có đưa giấy cho cảnh sát Thái làm việc tại IDC. Cảnh sát Thái mang giấy giống như giấy thăm gặp đưa lên buồng tôi đang bị giam để xuống gặp Đại Sứ Quán Việt Nam.
Khi xuống gặp Đại Sứ Quán Việt Nam tại IDC, gặp được khoảng 1 phút thì nhân viên của UNHCR thường trực tại IDC đưa tôi vào phòng làm việc của UNHCR để hỏi về thông tin tại sao bên Đại Sứ Quán Việt Nam vào đó làm việc và họ gặp tôi để tìm hiểu thông tin gì.
Trong khoảng 1 phút gặp người tên Ngọc, đại diện của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan, họ hỏi tôi sống ở buồng giam đó thế nào và khi nào đi Tây. Chỉ kịp hỏi 2 câu đó thì nhân viên UNHCR đưa tôi vào văn phòng UNHCR tại IDC.
RFA : Khi anh ở trong IDC, bên ngoài có tin là chính phủ Hà Nội có yêu cầu Thái Lan trục xuất anh về Việt Nam ; anh nghĩ gì về thông tin này ?
Bạch Hồng Quyền : Không chỉ khi tôi vào IDC mới có thông tin bên phía Việt Nam muốn hợp tác với bên Thái Lan muốn đưa tôi về Việt Nam. Những người bạn, những người làm trong các tổ chức nhân quyền đã cho tôi biết thông tin đó trước đó.
Khi vào IDC tôi thật sự lo lắng chuyện có thể bị dẫn độ về Việt Nam. Tôi biết trước là khi bước chân vào đó, tỷ lệ đi định cư nước thứ 3 và bị dẫn độ về Việt Nam là 50/50. Đến khi tôi vào đó, tôi biết được thông tin Đại sứ quán Việt Nam hỏi cảnh sát làm việc tại IDC về thông tin của tôi và sau buổi gặp, tôi có cảm giác chuyện bị dẫn độ về Việt Nam có vẻ nguy hiểm hơn nữa. Tôi thật sự lo lắng.
Đến ngay sau khi Đại sứ quán Việt Nam gặp được 2 ngày thì UN đưa cho tôi thông báo từ IOM lịch đi ngày 2/5. Nếu đúng lịch của tôi mà IOM thông báo là 29/5 tôi mới được đi, nhưng rất may mắn là có thể tôi bị dẫn độ về Việt Nam thì bên phía IOM cũng như UN thúc đẩy nhanh hồ sơ của tôi và tôi được định cư qua nước thứ 3 là Canada và hiện tại tôi đang ở Canada.
RFA : Trước khi được vào IDC anh phải đi tránh như thế nào ; nhất là sau khi công bố thư kêu cứu ?
Bạch Hồng Quyền : Từ ngày 1/3, sau khi cảnh sát Thái tới nhà tìm hiểu về thông tin của tôi thì ngay hôm đó tôi đã phải trốn tránh rồi chứ không phải đến khi thư kêu cứu là ngày 8/3. Thời gian đó tôi phải liên tục chuyển những condo mà tôi thuê để tránh sự truy tìm của phía an ninh Việt Nam cũng như một số cảnh sát bị tha hóa tại Thái Lan.
Khi trốn tránh như vậy thì hoàn cảnh thật sự khó khăn. Đi lại cũng phải tìm cách cải trang để người khác không nhận biết được mình, hay tránh những camera ngoài đường hay những khu trung tâm, đường tàu điện mình đi.
May mắn rằng hiện tại tôi đã đến Canada và tôi được đặt chân đến xứ sở tự do, tôi không phải lo lắng như thời gian đó nữa.
RFA : Hiện thông tin blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16, Thanh Xuân Hà Nội được gia đình và thân hữu ông Nhất ở Việt Nam xác nhận, anh nhận định gì về trường hợp ông Nhất bị mật vụ Việt Nam sang tận Thái Lan bắt cóc đưa về Việt Nam ?
Bạch Hồng Quyền : Tiền sử trước đây đã có mật vụ Việt Nam sang tận Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại giữa trung tâm Berlin như vậy thì việc an ninh Việt Nam đưa người sang một đất nước trong khối ASEAN bắt cóc ông Trương Duy Nhất, một blogger lên tiếng cho những bất công xã hội hay những thông tin nội bộ đấu đá của phía chính quyền Việt Nam thì tôi thấy không có gì bất ngờ.
Qua việc bắt cóc như vậy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh cũng như thể diện của một chính thể, một đất nước độc tài. Tôi thấy chính quyền Việt Nam bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Qua việc bắt cóc anh Trương Duy Nhất như vậy, tôi thấy tôi trốn tránh để thoát bị bắt cóc và được an toàn đến ngày hôm nay thì đó là cái tôi may mắn hơn anh Trương Duy Nhất, vì anh Trương Duy Nhất không may mắn đã chạy qua đây nộp hồ sơ tị nạn để chờ đi định cư nước thứ ba để được an toàn nhưng bị phía chính quyền Việt Nam bắt cóc như vậy.
RFA : Anh có chia sẻ gì về một số thông tin liên quan những người gặp gỡ ông Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan và nộp đơn xin qui chế tỵ nạn tại cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Bangkok ?
Bạch Hồng Quyền : Bắt đầu anh Trương Duy Nhất đến Thái Lan thì tôi là người đón anh ở khu vực gần sân bay Donmuong tại Thái. Sau đó tôi có thuê cho anh Trương Duy Nhất một khách sạn gần nhà vì anh mới qua không biết tiếng, anh cũng muốn ở gần tôi có việc gì tôi chạy qua giúp đỡ. Trong khoảng gần một tuần ở khách sạn, tôi có đưa anh Trương Duy Nhất đi nộp hồ sơ tị nạn tại UNHCR.
Ngày đầu anh Nhất đến Thái 20/1, tối hôm đó có trận đấu giữa Việt Nam và Jordan thì anh Nhất có ngồi nhà tôi và xem đá bóng. Sau buổi đá bóng thì anh Cao Lâm, một người giúp những người tị nạn tại Thái Lan có đến nhà tôi. Không biết vì lý do gì anh đến nhưng khi đến anh có gặp anh Trương Duy Nhất. Trong buổi gặp đó vì tôi không tực tiếp có mặt ở đó mà hai người ngồi nói chuyện với nhau về thông tin gì thì tôi không rõ nhưng sau đó có một vài thông tin, hình ảnh anh Trương Duy Nhất gặp những người lạ, mà tôi không biết là ai.
Tôi nghĩ là khá nhiều người gặp anh Trương Duy Nhất ở đây và biết thông tin anh đến Thái Lan. Tôi nghĩ đó là những sơ hở khiến anh Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan.
RFA : Mong muốn hiện nay của anh là gì ?
Bạch Hồng Quyền : Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay tôi nghĩ về người bạn đồng hành của tôi là anh Hoàng Bình, người cùng đồng hành với tôi một thời gian khá dài khi đòi quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung ; những người bạn đang đấu tranh tại Việt Nam đang gặp nguy hiểm ; cũng như chị Thúy Nga đang bị giam cầm mà Phú và Tài (con chị Nga) đang phải sống với ba nó một cách thật sự khó khăn. Tình cảm người mẹ dành cho con là quan trọng nhất nhưng phía chính quyền Việt Nam bất chấp bắt và giam giữ chị Thúy Nga để chia lìa tình cảm mẹ con. Thật sự tôi mong muốn họ tiếp tục cố gắng vượt qua những khó khăn hiện tại để đấu tranh cho Việt Nam có dân chủ, nhân quyền.
Tôi cũng không quên những người tị nạn tại Thái Lan tôi đã từng gặp. Có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn như lúc đầu tôi có nhắc đến trường hợp anh Phan Thanh Hiền Sỹ, người đã bị giam giữ ít nhất 20 năm mà không được qua nước thứ ba, cũng không thể hồi hương vì việc anh làm trước đây đối với chính quyền Việt Nam.
Thật sự tôi mong các tổ chức quốc tế, những nước có thể giúp cho người Việt tị nạn tại Thái Lan bằng cách này hay cách khác có thể giúp đỡ họ để họ được định cư ở nước thứ 3.
Qua đây tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến VOICE, VOICE Canada, Human Rights Watch, UNHCR tại Thái Lan, chính phủ Canada, Đại sứ quán Canada tại Thái Lan, các đài, báo quốc tế đã lên tiếng cho tôi trong thười gian mà tôi tị nạn tại Thái gặp nguy hiểm khoảng 3 tháng trở lại đây. Tôi xin chân thành cám ơn.
RFA : Xin cám ơn anh Bạch Hồng Quyền đã dành cho RFA buổi phỏng vấn hôm nay.
Các viên chức ngoại giao Việt Nam đang uốn lưỡi biện minh về nhân quyền tại Việt Nam. Nhân quyền tiếp tục trở thành một trong những vấn đề mà nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới khuyến cáo Liên hiệp Châu Âu (EU) phải cân nhắc khi xem xét Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) (1).
Biểu tình chống Formosa ở Đài Loan.
Tháng trước, tại Kỳ họp thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới tố cáo chính quyền Việt Nam xâm hại tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo và lừa gạt Liên Hiệp Quốc về thăng tiến nhân quyền (2).
Đến giờ, những tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới vẫn không ngừng hối thúc hết chính phủ Mỹ, chính phủ Úc (3), chính phủ Nhật (4), EU,… sử dụng tất cả các hình thức khả thể, gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam phải thực thi các cam kết với cộng đồng quốc về nhân quyền.
Cho tới giờ, ít nhất cũng đang có 130 công dân Việt Nam bị tống giam, phạt tù chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ. Khoảng 2/3 số này mất tự do chỉ vì dám thể hiện sự bất bình, âu lo cho môi trường sống đang càng ngày càng tệ hại…
***
Trung tuần tháng trước, tờ Phụ Nữ Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng mười tháng (từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018), lúc tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát giác 678 phụ nữ mang thai có dị tật (5). Tuy bài viết vừa kể chỉ nhằm giới thiệu hiệu quả hoạt động của Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (góp phần giảm số lượng trẻ kém phát triển về trí tuệ và thể lực do hậu quả của các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, qua đó giảm thiểu số người tàn tật, giảm gánh nặng về chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số,…) và không đề cập tới nguyên do nhưng tự thân sự kiện buộc người ta liên tưởng đến nhà máy thép của Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng.
Tháng 4 năm 2016 - khoảng 18 tháng trước thời điểm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh – các loại hải sản đột nhiên chết trắng khu vực bờ biển chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung. Hai tháng sau, chính quyền Việt Nam thừa nhận, nước do nhà máy thép của tập đoàn Formosa thải ra là nguyên nhân dẫn tới thảm nạn vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế (6). Trên khắp Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh đã có rất nhiều hoạt động đòi truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức từ trung ương đến địa phương "rước" Tập đoàn Formosa vào Việt Nam và đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn này song vô ích. Sau khi sử dụng "biện pháp hành chính", kỷ luật khoảng hai chục viên chức trong hệ thống công quyền ở Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên – Môi Trường, nhận 500 triệu Mỹ kim bồi thường, chính quyền Việt Nam đã cho phép Formosa hoạt động trở lại.
Cần lưu ý rằng qua hệ thống truyền thông Việt Nam, một số chuyên gia đã từng chứng minh, chính quyền Việt Nam biết trước hậu quả nguy hại cho môi sinh, môi trường nhưng vẫn "rước" Formosa vào Việt Nam và sau thảm nạn tháng 4 năm 2016, vẫn cho phép Formosa vận hành trở lại nhà máy thép.
Đầu tháng 7 năm 2016, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đăng "Formosa Hà Tĩnh : Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’ ?". Theo đó, từ năm 2009, Cục Thẩm định - Ðánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường nằm trong Bộ Tài nguyên - Môi trường từng xuất bản tài liệu "Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép". Tài liệu này phân tích rất chi tiết về công nghệ luyện gang thép, các tác động môi trường, các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, các chương trình phải thực hiện để quản lý và giám sát môi trường, tham vấn ý kiến cộng đồng và hướng dẫn rất cặn kẽ về kỹ thuật lập "Báo cáo đánh giá tác động môi trường" cho những dự án xây dựng các nhà máy luyện gang thép. Tài liệu vừa kể chứng minh cơ quan quản lý môi trường của chính quyền Việt Nam đủ khả năng để tính được rằng, chỉ trong giai đoạn 1 (sản xuất với công suất 15 triệu tấn/năm), nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh sẽ thải ra 36 triệu tấn khí thải/năm, riêng trong nước thải sẽ có 28,000 tấn các chất ô nhiễm/năm và khoảng 9 triệu tấn chất thải rắn/năm. Toàn bộ các chất thải xả vào không khí và vào nước đều cần được kiểm soát - xử lý chặt chẽ.
Dựa vào "Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép", các chuyên gia tính ra rằng, nếu Formosa tiếp tục hoạt động, tiếp tục xả nước thải theo đúng giấy phép đã được cấp (45.000 mét khối/ngày) và hoạt động xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mà chính quyền Việt Nam đã cho phép thì mỗi năm, vẫn có tới 17,37 tấn phenol và cyanide được xả ra biển. Tổng lượng độc chất được xả vào biển mỗi năm lớn gấp 9.5 lần so với lượng chất thải đã gây ra thảm họa cá chết hồi đầu tháng 4 năm 2016. Đó cũng là lý do người ta thắc mắc, liệu hệ sinh thái biển miền Trung – vốn đã bị hủy diệt gần như toàn bộ "chỉ" vì 1,82 tấn phenol và cyanide – có tiếp tục chịu đựng nổi trong 70 năm tới khi đều đặn mỗi năm phải tiếp nhận lượng phenol và cyanide lên tới 17,37 tấn ? Ðó là chưa kể Formosa dự trù sẽ nâng công suất nhà máy thép ở Hà Tĩnh lên 1,5 lần nên tất nhiên lượng phenol và cyanide xả vào biển sẽ tăng tương ứng ?
Đó là chưa kể đến một nguồn ô nhiễm cực lớn khác từ Formosa mà công chúng chưa chú ý tới vì Formosa chỉ mới chạy thử một lò luyện thép hồi tháng 4 năm 2016, đó là khí thải. Nếu nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh vận hành đúng như thiết kế thì riêng lượng phát thải khí nhà kính của Formosa đã tương đương 50,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của tất cả các nhà máy trên toàn Việt Nam. Ngoài ra còn có CO2, bụi,… khoảng 1 triệu tấn/năm – những tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Chưa kể tới SO2 (33,000 tấn/năm) và NOx (34.500 tấn/năm) – những loại khí gây ra mưa acid làm suy giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Cho phép Formosa hoạt động trở lại, liệu Bộ Tài nguyên - Môi trường có áp dụng "Hướng dẫn về môi trường, sức khỏe và an toàn" do Tổ Chức Tài Chính Quốc Tế (IFC) đề nghị đối với nước thải của các nhà máy sản xuất thép như Formosa với 25 thông số phải đạt hay vẫn chỉ áp dụng "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất gang thép" chỉ có 12 thông số, trong đó bỏ qua yêu cầu xử lý rất nhiều chất thải rắn nguy hiểm, khi xét cấp giấy phép xả nước thải cho Formosa ? Tại sao ITC đề nghị 18 thông số đối với khí thải của các nhà máy sản xuất thép mà cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam chỉ ấn định 11 thông số ? Tại sao lại nâng cao (cho phép xả nhiều hơn) các chỉ tiêu về dioxin/furan, nồng độ bụi so với tiêu chuẩn mà ITC đề nghị ? Tại sao để đến đầu năm 2017 mới kiểm soát dioxin/furan và đầu năm 2018 mới kiểm soát khí thải của các nhà máy sản xuất thép ?
Chỉ vài giờ sau khi đưa "Formosa Hà Tĩnh : Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’ ?" lên trang web của mình, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn "tự ý đục bỏ" nó (7). Vài chục người có cùng mối quan tâm, cùng lên tiếng, cùng vận động dân chúng nói "không" với Formosa, cùng đòi môi trường sống phải sạch và an toàn hơn, giờ đang thi hành những bản án tù. Có bản án mà hình phạt lên tới 20 năm !
***
Luận điệu chính mà các viên chức ngoại giao Việt Nam thường sử dụng khi biện minh cho thực trạng tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam là Việt Nam có… "đặc thù" riêng. Những cá nhân bị tống giam, phạt tù, bị sách nhiễu đủ kiểu chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ đã "vi phạm pháp luật Việt Nam". Luận điệu đó chẳng khác gì quan điểm mà bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu Đại sứ Việt Nam tại EU, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam) từng nêu trong một buổi họp báo được tổ chức ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia của Mỹ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam : "Trong gia đình chúng tôi có những đứa con hỗn láo, bướng bỉnh, hãy để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng theo cách của chúng tôi. Hàng xóm đừng gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi" (8).
Nhiều triệu người tại Việt Nam hiểu điều đó nên ráng "ngoan" để không bị trừng trị như những Lê Văn Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,… Song môi sinh, môi trường sống bị hủy diệt vì đủ thứ tác nhân được tạo ra và được hỗ trợ từ chính quyền kiểu như Formosa chẳng chừa ai. Mỗi ngày, ở Việt Nam có 250 người chết vì ung thư. Mỗi năm, số người chết vì ung thư là 94.000 (9). Chưa kể, mỗi năm có thêm 150.000 người khác mắc bệnh ung thư và đến năm 2020, con số này sẽ xấp xỉ 200.000 người/năm (10). Dù thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng theo các chuyên gia y tế Việt Nam, ung thư chiếm 2/3 gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và nhìn một cách tổng quát, các bệnh không lây nhiễm đang tăng đáng ngại. Các chuyên gia y tế Việt Nam cùng bày tỏ sự ngạc nhiên và lo âu khi tuổi trung bình của người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam trẻ hơn nhiều so với thế giới. Chẳng hạn phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn thiên hạ từ năm đến mười tuổi, thậm chí số thiếu nữ trong độ tuổi 20 bị ung thư vú không còn là cá biệt (11).
Họ đã trả lời tại sao, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư tăng chóng mặt và đe dọa mọi giới : Mức độ ô nhiễm của môi trường ở Việt Nam nặng nề hơn, việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại thường xuyên hơn, cường độ cao hơn !
Có "ngoan" không bị trừng trị thì cũng uổng mạng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Chú thích
(1) http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2018/628248/EPRS_BRI(2018)628248_EN.pdf
(3) https://www.hrw.org/vi/news/2018/08/27/321790
(4) http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180909-hrw-keu-goi-nhat-hoi-thuc-viet-nam-cai-thien-nhan-quyen
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_chết_hàng_loạt_ở_Việt_Nam_năm_2016
(7) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chinh-quyen-biet-truoc-hau-qua-nhung-van-don-nhan-formosa/
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_Nữ_Thị_Ninh#cite_note-nv1-5
(9) https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-ngay-co-hon-250-nguoi-viet-chet-vi-ung-thu-20180420214302893.htm
(10) http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/ung-thu-o-viet-nam-nhung-con-so-dang-ngai-34473
(11) https://news.zing.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-thanh-nien-viet-nam-mac-benh-ung-thu-post870083.html
Những nhà hoạt động Đài Loan và Việt Nam hợp tác để đòi công lý cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.
Năm 2016, chất thải độc hại từ nhà máy thép Formosa, thuộc sở hữu của chủ sở hữu Đài Loan, gây ra một thảm họa lớn ở ven biển miềnTrung của Việt Nam. Hai năm sau, với việc nhiều người hoạt động bị cầm tù và sinh kế của ngườidân bị phá hủy, cuộc đấu tranh giành công lý vẫn còn xa và đã thể hiện sự hợp tác đáng kể giữa người Đài Loan và Việt Nam.
Mức độ thiệt hại cho môi trường vẫn không được xác định đầy đủ. Chính phủ Việt Nam đã không công bố báo cáo chính thức về nghiên cứu hoặc thông tin về môi trường.
Chính phủ công bố rằng họ đã đền bù cho hầu như tất cả những người bị ảnh hưởng ; tuy nhiên, nhiều người nói rằng họ không nhận được bất cứ hỗ trợ gì hoặc chỉ nhận được một phần hỗ trợ.
Mặc dù cá bắt đầu quay trở lại, chúng ít hơn so với thời điểm trước thảm họa. Ngư dân đã bị thất nghiệp, và mọi người lo lắng vì không rõ cá mà họ đánh bắt được có an toàn hay không.
Người dân trong vùng ảnh hưởng của thảm họa Formosa phản đối, nhưng chính quyền đã đàn áp. Dựa trên nghiên cứu được tiến hành bởi nhiều người hoạt động, học giả và người Việt tại Đài Loan, 17 người Việt Nam đã bị bắt hoặc bị truynã vì liên quan đến phản đối Formosa ở các cấp độ khác nhau :
Nguyễn Văn Hóa, bị kết án bảy năm tù vì cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" do anh đã sử dụng máy quay trên không trung để truyền trực tiếp một cuộc biểu tình mà các ngư dân thực hiện gần nhà máy thép Formosa ;
Hoàng Đức Bình, bị kết án 14 năm tù vì "lạm dụng quyền tự do dân chủ" và "chống người thi hành công vụ" chỉ vì những bài viết của anh về thảm họa Formosa ;
Nguyễn Nam Phong, bị kết án hai năm tù với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" sau khi từ chối mở cửa xe của mình để mật vụ và cảnh sát bắt Hoàng Đức Bình.
Trần Hoàng Phúc, bị kết án sáu năm tù vì "tuyên truyền chống nhà nước" chỉ vì anh đã giúp đỡ nhiều nạn nhân của thảm họa ;
Bạch Hồng Quyền, hiện đang lẩn trốn, phải đối mặt với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" do đã tổ chức một cuộc diễu hành vào năm 2017 để kỷ niệm một năm sau thảm họa ;
Thái Văn Dung, một nhà hoạt động Công giáo tham gia vào nhiều cuộc biểu tình, bị cảnh sát cho là vi phạm lệnh quản chế. Trước đó, năm 2013, anh bị kết án tù với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ngoài tư vấn pháp lý, nhiều linh mục và nhà thờ Công giáo đã giúp các cộng đồng ngư dân được nhận bồi thường. Họ nhận đe dọa từ "Hội cờ đỏ", một hội nhóm chân rết của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Nhiệm vụ của nhóm này, theo linh mục Đặng Hữu Nam trên Đài Á Tự do, là "ngăn cản người Công giáo phản đối nhà máy thép của Formosa và loại bỏ những kẻ thù người Công giáo".
Nhà nước độc đảng coi việc việc phản đối nhà máy, yêu cầu chính phủ xử lý vụ ô nhiễm và kiểm soát môi trường là những hoạt động chống chính phủ.
Tuy nhiên, việc đàn áp sự này không làm cho các vấn đề môi trường của đất nước biến mất.
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Đảng Cộng sản cầm quyền đã nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh này xảy ra với chi phí của môi trường.
Trong năm 2016, 50 vụ bê bối chất thải độc hại lớn đã được báo cáo. Trong số những vụ bê bối này, việc thải chất thải độc hại vào sông và biển là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và 60% các vụ vi phạm thực hiện bởi công ty vốn nước ngoài.
Với bờ biển trải dài 3.000 km, Việt Nam là nơi có một trong những ngành công nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới. Khoảng 3% xuất khẩu của quốc gia nàylà tôm cua, và ước tính gần 10% tổng dân số Việt Nam có thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ ngành thuỷ sản. Phần lớn các cộng đồng ngư dân là người nghèo, vì vậy hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đóng góp trung bình 75% thu nhập của gia đình họ. Ngoài ra, một nửa số protein mà người Việt Nam tiêu thụ là từ các sản phẩm biển này.
Công ty đã gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Việt Nam là Tập đoàn thép Formosa Hà Tĩnh, hiện là đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ban đầu, nó được tạo thành từ Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan (Formosa Plastic Group) trong năm 2008, và sau đó vào năm 2015, nó đã thu hút thêm đầu tư từ Tập đoàn thép Trung Quốc (China Steel Corporation) có trụ sở tại Đài Loan và JFE Steel từ Nhật Bản.
Liên doanh này ngừng hoạt động sau vụ xả thải, nhưng vào giữa năm 2017 tiếp tục hoạt động, và có kế hoạch tăng công suất sản xuất với lò cao thứ hai vào năm 2018.
Việc gây ra vụ huỷ diệt cá trong năm 2016 không phải là vấn đề an toàn duy nhất của họ. Vào tháng 5 năm 2017, một vụ nổ bụi xảy ra trong quá trình thử nghiệm nhà máy. Và trong tháng 12 cùng năm đó, nhà máy đã bị phạt 25.000 USD vì chôn lấp chất thải rắn độc hại.
"Nếu chúng ta trải qua nỗi đau này, chúng ta không nên gây ra nó ở Việt Nam"
Thảm họa môi trường và hậu quả của nó là một tình trạng đáng xấu hổ đối với Chính phủ Đài Loan, vì nhà máy thép thuộc về một công ty Đài Loan,và Chính sách mới của Chính phủ Đài Loan nhằm cải thiện hợp tác với các quốc gia của ASEAN mà Việt Nam là thành viên.
Đài Loan đề nghị gửi các chuyên gia môi trường đến Việt Nam sau thảm họa, nhưng phía Việt Nam từ chối. Bên cạnh đó, do chính quyền Đài Loan đã không hành động, vì vậy người Việt Nam tại Đài Loan và các nhà hoạt động Đài Loan đã thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để thực hiện công lý bằng các phương tiện theo ý của họ.
Họ đã yêu cầu nhóm Formosa Plastics Group công bố thông tin kiểm soát môi trường của họ và chịu trách nhiệm xã hội, nhưng cho đến bây giờ Formosa vẫn lờ đi. Họ cũng nêu vấn đề với China Steel Corporation, nhưng đại diện của tập đoàn này tuyên bố không biết gì về vụ việc.
Kể từ khi tòa án Việt Nam không chấp nhận khiếu nại chống lại Tổng công ty thép Formosa Hà Tĩnh, người Việt Nam hy vọng rằng người Đài Loan có thể giúp họ kiện công ty này ở Đài Loan. Tuy nhiên, điều này là không thể bởi vì nhà máy thép Formosa có trụ sở tại Việt Nam.
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, một linh mục Công giáo Việt Nam ở Đài Loan, cùng với nhiều linh mục khác từ các vùng bị ảnh hưởng ở Việt Nam và một số đại diện của các tổ chức phi chính phủ Đài Loan thu hút sự chú ý của quốc tế đến các vấn đề về môi trường và nhân quyền gây ra bởi Tập đoàn Nhựa Formosa và Chính phủ Việt Nam. Ông cũng viếng thăm nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ, những tổ chức sẵn sàng cung cấp hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân.
Linh mục Hùng cũng làm việc với nhiều tổ chức Việt Nam, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan, như Hiệp hội các nhà lý luận môi trường (EJA), Hiệp hội nhân quyền và giao ước Đài Loan ở Đài Loan, gây áp lực lên Tập đoàn Formosa Plastics và Chính phủ Đài Loan để giải quyết thảm họa.
Vào tháng 12 năm 2016, các tổ chức phi chính phủ Đài Loan đã yêu cầu Quốc hội của Đài Loan tổ chức một buổi điều trần công khai về vụ việc và xem xét Luật Đổi mới Công nghiệp, liên quan đến việc khuyến khích đầu tư nước ngoài. Mặc dù họ đã sửa đổi luật, vào tháng 11 năm 2017, họ không có bài viết nào về kiểm toán hoặc đánh giá. Điều này có nghĩa là chính phủ Đài Loan không thể phạt một công ty về tội ác về môi trường và nhân quyền mà công ty này thực hiện ở nước ngoài.
Các nhà hoạt động Đài Loan và Việt Nam làm việc cùng nhau để đòi công lý cho các nạn nhân của thảm họa môitrường biển ở Việt Nam
Trước khi thảm họa môi trường được công bố, Tập đoàn Nhựa Formosa nhận được 3,5 tỷ đô la từ khoản vay từ hơn 30 ngân hàng ở Đài Loan và nước ngoài. Sau đó, các tổ chức phi chính phủ Đài Loan đã yêu cầu hai ngân hàng dưới sự kiểm soát của chính phủ Đài Loan, Ngân hàng Đài Loan và Ngân hàng Đất Đài Loan, xem xét áp dụng Nguyên tắc Xích đạo - một bộ quy tắc cho các tổ chức tài chính đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, trong việc tài trợ cho dự án - nhưng họ đã từ chối. Mặt khác, hai ngân hàng khác Cathay United và ngân hàng thương mại E.SUN trong số 30 ngân hàng đã ký các Nguyên tắc Xích đạo.
Người Đài Loan trải qua nhiều thảm họa môi trường. Yuyin Chang từ EJA đã nói về quá khứ đã ảnh hưởng đến sự ủng hộ của anh ấy như thế nào trong một cuộc biểu tình vào năm 2016 :
"Công ty Hoa Kỳ Rcông an đã xây dựng nhiều nhà máy ở Đài Loan, từ 1970 đến 1991, và gây ra khá nhiều ô nhiễm trong đất và nước ngầm của Đài Loan, và khiến nhiều người bị bệnh. Đây là trường hợp vẫn còn trong kiện tụng. Đó là nỗi đau của người Đài Loan. Nếu bạn trải qua cơn đau này, thì chúng ta không nên gây ra nó ở Việt Nam".
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù giam và ông Nguyễn Nam Phong bị tòa tuyên phạt 2 năm tù trong phiên xử sơ thẩm sáng ngày 06/02/2018 tại tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bên ngoài phiên tòa, hơn chục thân nhân của hai ông cho biết họ đã bị công an hành hung và ngăn cản không cho tham dự phiên tòa được gọi là "công khai".
Anh Hoàng Đức Bình, giửa bên phải, và anh Nguyễn Nam Phong, giữa bên trái, tại tòa án tỉnh Nghệ An hôm 6/2/2018 - AP
Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu cáo buộc nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, phó chủ tịch của phong trào Lao Động Việt tội danh "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 257 và 258 bộ luật hình sự.
Ông Nguyễn Nam Phong là tài xế của linh mục Nguyễn Đình Thục trong đợt đi kiện Formosa vào ngày 14/2/2017 bị kết tội "chống người thi hành công vụ".
Luật sư Hà Huy Sơn nói về những điểm không thuyết phục trong phiên tòa sáng nay là Hội Đồng Xét Xử đã từ chối đề nghị của luật sư và nhà hoạt động Hoàng Đức Bình về việc trưng dẫn và trình chiếu các video clip được dùng làm căn cứ buộc tội hai ông.
Luật sư Hà Huy Sơn nói : "Không có chứng cứ được đưa ra tòa, hay nói cách khác xét xử một cách mặc định chứng cứ thôi. Các luật sư cũng đề nghị trình chiếu các video clip. Anh Hoàng Đức Bình cũng đề nghị tòa án trình chiếu để xem các diễn biến và các clip xem anh nói đúng hay nói sai.
Quan điểm của tôi tại tòa là anh Hoàng Đức Bình không phạm tội lợi dụng tự do dân chủ. Vì chứng cứ là những diễn biến ngày 14/02/2017 không được trình chiếu ra tòa thì không thể có căn cứ xem đâu là sự thật để mà nói anh Hoàng Đức Bình vu khống hay bịa đặt. đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai nói chống người thi hành công vụ thì các lời khai của anh Hoàng Đức Bình và Nam Phong đều nói : hôm đó xe các anh bị nhiều người vây xung quanh bẻ cần gạt, đâm thủng lốp xe, đe dọa đánh nên các anh phải đóng cửa xe là việc tự vệ, phòng vệ chính đáng thôi. Nhưng mà các cơ quan điều tra hôm đó không lập biên bản hiện trường, không vẽ sơ đồ.
Tóm lại, kể cả phạt hành chính cũng không có căn cứ chứ chưa nói đến là truy tố về trách nhiệm hình sự. Chúng tôi cho rằng đó là một bản án bất công, không đúng với pháp luật hiện hành".
Bà Phạm Thị Vạn, mẹ của Hoàng Đức Bình người được vào tham dự phiên tòa, nói :
"Bác rất tự hào, anh Bình thấy mẹ thì cười. Bác cũng không lo sợ gì cả. Anh Bình cũng rất hiên ngang. Bác nói với anh Bình là : con ơi con cứ cố lên. Con có chết cũng đừng sợ. Bác thấy anh Bình cũng bình tĩnh lắm. Anh Phong cũng vậy, bác thấy anh Phong trả lời bình thường, không sợ gì cả".
Bà cũng cho biết trông hai người gầy gò, sức khỏe không đảm bảo. Một bức ảnh trên Báo Nghệ An cho thấy mặt anh Hoàng Đức Bình có dấu hiệu sưng và thâm tím. Chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng liệu có hay không việc anh bị đánh đập trong tù.
Linh mục Nguyễn Đình Thục người đồng hành bên ngoài phiên tòa cũng chia sẻ : các anh trong phiên tòa rất bình tĩnh, tự tin và không đổ lỗi gì cho nhau cả. họ thể hiện được là con người rất vững vàng, và không có sợ hãi hay sự tức giận trong phiên tòa.
Bên ngoài phiên tòa 12 thân nhân của anh Hoàng Đức Bình bị đánh đập và bắt đưa vào đồn công an thành phố Vinh.
Linh mục Thục cho biết : "Tôi có quay lại đoạn phỏng vấn em Hảo (Hoàng Đức Hảo) em trai ruột của Hoàng Đức Bình. Em bảo rằng nó (công an) giẫm đạp lên người. Nó đem gậy gộc, gậy gắt nó đánh. Có mấy lần em ngất xỉu thì công an gọi bác sĩ đến cấp cứu cho tỉnh rồi lại đập tiếp. Nó thể hiện một hành vi rất man rợ, rất độc ác".
Ông Hoàng Đức Nguyên anh trai của ông Bình cũng là một nạn nhân bị hành hung khi đi tham dự phiên tòa của em trai mình. Ông Nguyên bị đánh vào mặt và đạp nhiều phát vào cạnh sườn và đưa vào đồn công an thành phố Vinh. Tham dự vào việc đánh và bắt ông Nguyên có Trần Đình Quang, an ninh huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Ông kể lại trong nghẹn ngào :
"Có những thằng mặc sắc phục đạp vào cạnh sườn của tôi, lý do là vì tôi không lăn tay, không mở điện thoại, không kí biên bản cho nói. Còn tôi ngồi cách phòng em út của tôi 4-5 phòng, mà tôi cũng nghe tiếng hò hét bọn đòi đập em tôi. Đập em tôi rất đau. em tôi van trời van đất. Lúc đó tôi không thể tưởng tượng, tôi đã chảy nước mắt khi nghe tiếng đánh em tôi, và tiếng van trời van đất. Tôi không thể nói được cái độ tàn nhẫn của công an chế độ cộng sản này được. Hết chỗ nói luôn".
Chúng tôi không liên hệ được với anh Hoàng Đức Hảo vì điện thoại của anh này đã bị công an giật lấy và không trả lại. Có 12 người đã bị đánh đập và bắt đưa vào đồn công an thành phố Vinh và giữ tại đó cho đến sau 12 giờ trưa khi phiên tòa kết thúc mới thả ra.
Vợ ông Nguyễn Nam Phong còn cho biết trước khi phiên tòa diễn ra, công an địa phương đã đến yêu cầu ai có giấy mời thì mới được đi còn những người khác thì không được đi với cái cớ là gây ách tắc giao thông.
Linh mục Nguyễn Đình Thục nhận xét về bản án : "Một bản án quá bất công và tàn ác. Bản án vượt trên sự tưởng tượng của mọi người, kể cả các luật sư cũng không hiểu được là không hiểu sao họ lại dành một bản án quá nặng nề cho hai anh như thế".
********************
Hoàng Đức Bình bị xử 14 năm tù : ‘Chế độ này bất chấp pháp luật’ (VOA, 06/02/2018)
Tòa án tỉnh Nghệ An hôm 6/2 tuyên án 14 năm tù đối với nhà hoạt động vì môi trường Hoàng Đức Bình mà chính quyền Việt Nam cho là đã lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển để kích động, tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối nhà máy Formosa.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (phải) và Nguyễn Nam Phong tại phiên tòa ngày 6/2/2018.
Trả lời phỏng vấn VOA sau khi dự phiên tòa, ông Hoàng Đức Hòa, thân phụ của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình nói rằng đó là một phiên tòa bất chấp pháp luật, kỷ cương.
"Kết quả phiên tòa như thế không thể chấp nhận được. Bình không thể bị kết tội gì cả. Trên đường đi kiện Formosa thì bị bắt cóc và quy cho tội chống người thi hành công vụ. Từ trước đến nay chưa bao giờ gặp một phiên tòa nào như phiên tòa này. Bây giờ cộng sản Việt Nam bất chấp pháp luật, không còn pháp luật kỷ cương nữa".
Hôm 6/2 hãng tin Reuters trích lời ông Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bào chữa cho ông Bình, nói "Phiên tòa xét xử không có chứng cứ và không khách quan". Luật sư Sơn nói thêm rằng trước tòa ông Bình khẳng định ông vô tội.
Luật sư Lê Văn Luân hôm 6/2 viết trên Facebook rằng tại phần tranh tụng, các luật sư yêu cầu toà án tiến hành trình chiếu công khai và thẩm tra các chứng cứ buộc tội là 12 video mà cơ quan điều tra thu thập từ facebook "Hoang Binh". Tuy nhiên, toà án từ chối việc công khai các chứng cứ này.
Hãng tin AP hôm 6/2 nói rằng ông Bình đã bị kết tội vì phát trực tiếp các băng video quay cảnh ngư dân bị cảnh sát chặn đường và đánh đập khi đoàn giáo dân khiếu kiện Formosa vào năm ngoái.
Luật sư Sơn, người đã bào chữa nhiều vụ án liên quan đến các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, nhận định rằng bản án nặng như thế có lẽ do cộng đồng quốc tế ít quan tâm đến vụ án này và chính quyền xử án tù cao với tác dụng răn đe.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị tuyên án 14 năm tù, ngày 6/2/2018 (Báo Nghệ An)
Sau khi Báo Nghệ An đưa tin về phiên xử Hoàng Đức Bình với vết bầm trên hai mắt, tù nhân lương tâm - nhà hoạt động Chu Manh Sơn viết trên Facebook : "Nhìn qua tấm hình đủ thấy những gì mà anh phải trải qua và chịu đựng".
Báo Nghệ An hôm 6/2 nói ông Hoàng Đức Bình, 35 tuổi, bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Chống người thi hành công vụ" và 7 năm tù về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân".
Cũng trong vụ án này, một nhà hoạt động khác là Nguyễn Nam Phong, 38 tuổi, bị tuyên phạt 2 năm tù về tội "Chống người thi hành công vụ". Luật sư Sơn nói với Reuters rằng Phong được giảm nhẹ hình phạt vì đã nhận tội, và xin khoan hồng.
Ngày 14/2/2017, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong cùng nhiều người khác đi từ giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An vào Hà Tĩnh để kiện Công ty Formosa vì làm ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016.
Báo Nghệ An nói rằng khi đoàn người khiếu kiện đến địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, thì lực lượng cảnh sát giao thông "ổn định trật tự". Lúc này Bình đang ngồi trên xe đã "xúi dục tài xế là Nguyễn Nam Phong đóng cửa ôtô, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng".
Truyền thông Việt Nam nói Bình đã lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung và với tư cách Phó chủ tịch "Phong trào Lao động Việt" đã xúc tiến, thành lập "Hiệp hội ngư dân miền Trung" với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức ; tìm chọn "hạt nhân" kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự.
Đài Truyền hình Nghệ An nói rằng Hoàng Đức Bình đã nhiều lần cùng một số linh mục cực đoan như Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục lôi kéo giáo dân vào tòa án nhân dân Thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa, nhưng thực chất là gây rối.
Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong bị bắt vào ngày 15/5/2017.
Tiến Thiện
Thảm họa môi trường biển miền Trung xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy thép Formosa thải độc tố ra biển và đến giữa năm 2017, cơ quan chức năng Việt Nam tuyên bố nước biển khu vực nhiễm độc đã an toàn tuyệt đối cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng ở 4 tỉnh Bắc miền Trung được ổn định. Tuy nhiên, các nạn nhân cùng dư luận khẳng định hậu quả của thảm họa môi trường Formosa vẫn còn đó.
Cá chết trên một bãi biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP
"Từ ngày biển chết đến giờ tiền không có. Bây giờ nhiều người bỏ quê đi hết, không ai muốn ở lại vì quê hương không có việc gì làm hết".
"Nói chung tính theo tuổi mà kê khai để được đền bù. Nhưng khi tiền đền bù về thì không một ai tuổi từ 15 đến 18, 19 nằm trong danh sách được nhận bồi thường".
Trên đây là một vài chia sẻ của các nạn nhận bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây ra.
Mặc dù vào cuối tháng 8 năm 2017, Nhà nước Việt Nam cho biết đã chi trả được 95% tổng số tiền đền bù thiệt hại đến các nạn nhân ở 4 tỉnh, bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế và đời sống của người dân tại khu vực biển Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa về cơ bản đã được ổn định ; thế nhưng, hầu hết những người dân địa phương ở khu vực này mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc trong những ngày cuối năm 2017 đều nói rằng cuộc sống của họ rất vất vả và vẫn còn rất nhiều người chưa nhận được tiền bồi thường.
Những ngư dân tiếp tục bám trụ vào nghề biển than thở việc đánh bắt rất thất thường, nhiều khi đánh bắt về đem bán mà không được hòa vốn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hải sản bị phá sản vì không được Chính phủ hỗ trợ theo như lời kêu gọi thu mua hải sản ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra và đã không tiêu thụ được trong thời gian dài. Các dịch vụ du lịch vẫn ế ẩm và hằng chục ngàn lao động vẫn không có việc làm. Nhiều gia đình phải dắt díu, bồng bế con thơ tha phương tìm kế sinh nhai.
Tỉnh Hà Tĩnh, nơi tâm điểm xảy ra sự cố môi trường biển Formosa hồi tháng 4 năm 2016, được Tổng cục Thống kê Việt Nam ghi nhận có số lượng xuất khẩu lao động gia tăng đáng kể, theo chính sách do Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cùng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đề ra nhằm cố gắng tạo cơ hội cho mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa có một người đi xuất khẩu lao động, để giúp cho gia đình ổn định cuộc sống tốt hơn.
Song song đó là chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang nghề chăn nuôi và trồng trọt tại quê nhà. Một số ngư dân chia sẻ với RFA rằng những làng ven biển thì không có đất để trồng trọt hay chăn nuôi, vả lại để bắt đầu học hỏi kiến thức chuyển đổi ngành nghề ở tuổi đời không còn trẻ không phải là điều dễ dàng. Một ngư dân ở Quảng Bình cho biết chương trình chuyển đổi nghề không khả thi tại địa phương :
"Chuyển qua chăn nuôi, trồng trọt mà địa bàn Quảng Bình toàn là cát sa mạc, cho nên cái này là vô vọng lắm".
Sai phạm của Formosa là tản phát rất nhiều chất thải ra khắp bờ biển miền Trung
Còn số phận của các nạn nhân quyết định khởi kiện nhà máy Formosa đòi được bồi thường thiệt hại bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng hơn. Hàng trăm giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc và Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị chính quyền ngăn cản, đàn áp, đánh đập khi họ đang trên đường đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện vào ngày 14 tháng 2 năm 2017. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án đối với vụ việc hàng ngàn người dân, ở huyện Lộc Hà, hồi đầu tháng 4 năm ngoái tập trung biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện để yêu cầu được giải quyết việc đền bù sau một năm sự cố Formosa xảy ra. Trong cùng thời điểm đầu tháng 4 năm 2017, hàng trăm người dân mang theo ngư cụ ra chặn Quốc lộ 1A tại khu vực xã Kỳ Nam, đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa cũng bị khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam, thuộc Giáo phận Vinh vào tối ngày 2 tháng Giêng năm 2018 nói với RFA về hậu quả mà giáo dân đi khởi kiện Formosa bị nhận lãnh trong năm qua :
"Người dân, ngư dân ở Nghệ An đã từng làm đơn đi khởi kiện, đã từng yêu cầu bồi thường, đã từng kêu cứu lên Quốc hội và Chính phủ thì chỉ nhận lại được sự căm thù và sự trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền mà thôi ; bằng các hình thức đàn áp, xuyên tạc, vu khống đủ mọi điều và nhất là dùng các côn đồ lập ra ‘Hội Cờ Đỏ’ để trấn áp người dân và giáo dân là những người đi đệ đơn khởi kiện Formosa và đòi Formosa bồi thường".
Bên cạnh đó, trong năm 2017, các nhà hoạt động vì môi trường còn bị chính quyền truy nã, bắt giữ và cầm tù do họ tích cực đưa tin liên quan đến hậu quả của thảm họa Formosa. Họ là Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Bình, Trần Thị Xuân và Nguyễn Văn Hóa.
Vào hạ tuần tháng 6 năm 2017, Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam công bố rằng nước biển tại bốn tỉnh miền Trung gánh chịu thảm họa Formosa đã an toàn tuyệt đối, có thể tắm biển và nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, thông tin này không mang lại niềm phấn khởi nào cho dân chúng địa phương 4 tỉnh Bắc Trung Bộ cũng như các nhà khoa học ở trong nước. Ngay sau khi Tổng cục Môi trường công bố như vừa nêu, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét công bố của Tổng cục Môi trường chưa thật là cẩn trọng vì chưa đủ mẫu hay đủ số liệu để chứng tỏ rằng đã thật sự an toàn từ 20 km trở vào ven biển. Giáo sư Lê Huy Bá lý giải rằng trầm tích kim loại nặng ở tầng đáy rất khó khắc phục và khả năng tự làm sạch của biển đối với kim loại nặng là rất khó.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng từng lên tiếng khẳng định :
"Vùng biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa".
Về phía người dân địa phương 4 tỉnh Bắc miền Trung thì đa số chia sẻ với chúng tôi rằng họ mong muốn biển được trở lại như xưa vì bao đời nay họ đã gắn bó với biển và mưu sinh cũng dính liền với nghề biển. Nhưng dường như, mỗi ngư dân trao đổi với RFA đều kết thúc với nỗi niềm lo lắng trong cuộc sống hiện tại rằng "Nói chung thì mọi thứ đều là con số 0".
Thông tin mới nhất liên quan nhà máy Formosa là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, vào trung tuần tháng 12 năm 2017, ra quyết định phạt hành chính 560 triệu đồng đối với sai phạm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa đã chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp có số lượng 100 ngàn kg trái với quy định về bảo vệ môi trường.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ các nạn nhân bởi thảm họa môi trường biển Fomosa mà cả dư luận trong ngoài nước cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không giữ lời khi ông tuyên bố ngay sau khi thảm họa Formosa xảy ra rằng "Chính phủ theo dõi sát sao hoạt động của Formosa Hà Tĩnh và sẽ đóng cửa nếu họ tái phạm", và được chính Thủ tướng nhắc lại tại buổi làm việc với Formosa và chính quyền Hà Tĩnh hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 02/01/2018
Luật sư nhân quyền Lê Công Định trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Nhà báo trẻ Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm tù vì tội tuyên truyền tố cáo tội ác của Formosa
Theo chương trình, phiên tòa xử nhà báo trẻ Nguyễn Văn Hóa sẽ diễn ra vào ngày 28/11/2017, nhưng bất ngờ tòa án tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử vào ngày 27/11 – nghĩa là sớm hơn 1 ngày. Nhà báo trẻ 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa bị kết tội gọi là "tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa" theo điều 88 bộ luật hình sự, khi anh tiến hành quay phim, chụp ảnh phổ biến sâu rộng những hình ảnh tố cáo tội ác của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường biển ở miền Trung.
Tòa án Ha Tĩnh tuyên án nhà báo trẻ Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc.
Từ Sài Gòn, luật sư nhân quyền Lê Công Định đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thanh về phiên tòa này.
Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 28/11/2017
Vụ Formosa sả thải gây ô nhiễm môi trường và giết hại đàn cá dọc vùng duyên hải miền Trung đến nay đã hơn một năm. Công ty Formosa chấp nhận đền 500.000 USD về người thiệt hại đã gây ra, chính quyền Việt Nam phụ trách việc đền bù.
Bao giờ mới hết cảnh người phụ nữ Việt Nam phải đau khổ lo sợ mỗi khi chồng ra khơi đánh cá. Courtesy danviet.vn
Trên nguyên tắc đây là một hình thức nhìn nhận hậu quả tai hại của việc sả thải độc gây ô nhiễm môi trường và tiêu diệt đàn cá, nguồn sinh sống duy nhất của ngư dân miền Trung, gây ra bởi công ty Formosa. Số tiền 500.000 USD có vẻ nhiều đối với một vài cá nhân, nhưng đối với toàn bộ những gia đình ngư dân miền Trung sinh sống nhờ biển, số tiền này chẳng thấm vào đâu.
Theo ước tính của chính quyền Việt Nam, chất thải do nhà máy Formosa thải ra biển tác động trực tiếp đến cuộc sống của hơn 200 ngàn dân Hà Tĩnh, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Nhưng chất độc do công ty Formosa thải ra không dừng ở vùng bờ biển Hà Tĩnh mà lan rộng khắp các vùng bờ biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Phải mất hàng chục năm mới khôi phục được vùng sinh thái trên và dưới biển do công ty Formosa gây ra.
Bản đồ bờ biển phía bắc miền Trung bị ảnh hưởng bởi chất độc do Formosa sả thải
Tổng số người bị ảnh hưởng bởi nguồn thải độc này phải ít trên 5 triệu, bằng chứng là rất nhiều hộ ngư dân đã chuyển sang nghề khác. Theo con số chính thức do Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam đưa ra và được truyền thông trong nước loan đi ngày 7 tháng 6, đã có gần 18.000 lao động tại 4 tỉnh bắc miền Trung chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa phải ra nước ngoài làm việc tính từ tháng sáu năm ngoái cho đến cuối tháng 5 năm nay. Con số gần 18.000 lao động này thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đi làm việc tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngành nghề chủ yếu mà những người này làm gồm thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm các công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các trung tâm dưỡng lão và các hộ gia đình.
Những người ở lại đã phải kéo thuyền lên bờ chờ thời vì hết cá. Những gia đình khá hơn, có thuyền đánh cá lớn phải đi đánh bắt cá trộm ở những quốc gia Đông Nam Á khác : Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Thái Lan. Hàng ngàn người đã bị bắt và gần một trăm tàu thuyền bị tàn phá, tổng số thiệt hại không dưới nửa triệu USD. Đó là chưa kể nguồn lợi tức bị mất do không thể đánh cá và chăn nuôi hải sản.
Nếu chia đồng đều số tiền 500.000 USD cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thải độc Formosa, khoảng 5 triệu người, số tiền nhận được rất đáng phẫn nộ : 100 USD/người, tức 2,270 triệu VND (2.270.000 đồng) cho mỗi đầu người.
Tuy phẫn nộ nhưng người dân miền Trung đã không biểu lộ sự căm thù. Những nạn nhân trực tiếp của vụ sả thải độc, ngư dân Hà Tĩnh, đã chỉ xuống đuờng đòi Formosa phải đền bù xứng đáng hơn trong ôn hòa.
Nếu là một chính quyền của dân, do dân và vì dân (như Bác Hồ thường nói), chính quyền Hà Nội và Hà Tĩnh phải điều tra sâu sát hơn và yêu cầu công ty Formosa ngừng hoạt động cho tới khi có kết quả chính xác. Đồng thời phải cứ người xuống kiểm tra vụ thải độc này ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế nào và đưa ra một ước tính gần nhất với sự thật về những thiệt hại đã gây ra. Ở đây, nhà nước Việt Nam đã làm ngược lại tất cả, thay vì giúp dân, chính quyền đã không những thẳng tay đàn áp mà còn bịt miệng những ai dám lên tiếng phản đối vụ sả thải. Không những thế, quân đội từ trước đến nay được biết là lực lượng bảo vệ non sông và toàn vẹn lãnh thổ cũng nhào vô lên án và kêu gọi đấu tố hai vị chủ chiên tranh đấu cho quyền lợi của người dân bị vụ sả thải độc gây thiệt hại, mà các chính quyền từ trung ương đến địa phương đã từ nhiệm.
Nếu sự việc dừng ở đây thì cùng lắm dư luận tố cáo chính quyền bao che cho Formosa và đàn áp dân. Nhưng sự thật còn tệ hơn thế nữa, chính quyền địa phương (Hà Tĩnh) còn muốn ăn chặn luôn cả số tiền đền bù ít ỏi mà những gia đình nạn nhân (thực sự) được lãnh.
Chúng tôi đăng lại dưới đây bản tin ngày 02/06/2017 mà chính quyền Hà Tĩnh gởi lên trung ương (Bộ Tài chính) yêu cầu được trả thêm tiền. Số tiền được yêu cầu để trả lương, phí tổn ăn ở và đi lại của cán bộ làm công tác đền bù này sẽ kéo dài ít nhất trên một năm. Nói chung cũng không dưới 200.000 USD. Đây là một hình thức muốn ăn chặn tiền đền bù hay là một yêu cầu thực sự vì Hà Tĩnh quá nghèo ?
Ngân sách nhà nước đang kiệt quệ, và chính quyền Việt Nam không thể đi vay để mắc thêm nợ. Vậy lấy tiền đâu ra để trả lương cho cán bộ và công bộc nhà nước làm những công việc mà một nhà nước của dân, do dân và vì dân phải làm ? Chắc chắn là phải rút từ số 500.000 USD của công ty Formosa.
Người ta tự hỏi : Dân tộc Việt Nam đã mắc tội gì mà phải chịu đựng một chính quyền gì vừa ngu dốt vừa tàn độc đến thế ?
Nguyễn Văn Huy
*******************
Đề xuất hỗ trợ cán bộ phục vụ việc bồi thường sự cố Formosa (Dân Trí, 02/06/2017)
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quy định rõ mức hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ cơ sở phục vụ bồi thường thiệt hại cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự sự cố môi trường biển năm 2016 để tỉnh có hướng chi trả cho các đối tượng này.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, song song với việc khẩn trương chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng, thiệt hại, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quy định rõ mức hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ cơ sở phục vụ bồi thường thiệt hại cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự (an ninh trật tự) sự cố môi trường biển như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc họp về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung được tổ chức vào chiều 24/4, năm 2017.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quy định rõ mức hỗ trợ xăng xe, điện thoại, tiền công, tiền bồi dưỡng ngoài giờ... cho đội ngũ cán bộ thôn trực tiếp tham gia, phục vụ công tác quản lý ổn định tình hình, thống kê, xác định thiệt hại ở thôn ; công tác chi trả bồi thường và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều cán bộ thôn tham gia vào công tác chi trả tiền đền bù sự cố môi trường ở thị xã Kỳ Anh
Đối tượng đề xuất hỗ trợ gồm cán bộ bán chuyên trách thôn (bình quân 11 người/thôn), tổ trưởng tổ liên gia (bình quân 10 người/thôn), dân quân tự vệ (bình quân 5 người/thôn), đại diện cộng đồng, các chức sắc tôn giáo... (bình quân 5 người/thôn). Thời gian hỗ trợ là 10 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017), trường hợp tiếp tục bổ sung đối tượng đề nghị 12 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017).
Đối với hoạt động chung của thôn, đề nghị hỗ trợ theo mức khoán cho mỗi thôn, giao cho UBND cấp xã căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ cụ thể để thanh toán cho các thôn theo chế độ quy định ; thời gian hỗ trợ là 10 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017), trường hợp tiếp tục bổ sung đối tượng đề nghị 12 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017).
Tương tự, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Tài chính quy hỗ trợ xăng xe, điện thoại, tiền công, tiền bồi dưỡng ngoài giờ... cho đội ngũ cán bộ cấp xã trực tiếp tham gia, phục vụ công tác quản lý ổn định tình hình, công tác thống kê, xác định thiệt hại ở xã ; công tác chi trả bồi thường và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối tượng đề xuất hỗ trợ gồm cán bộ, công chức cấp xã (bình quân 23 người/xã), cán bộ bán chuyên trách xã (bình quân 17 người/xã), chủ tịch hội người cao tuổi (bình quân 1 người/xã), đội cơ động mạnh của xã (bình quân 10 người/xã). Thời gian đề xuất hỗ trợ là 10 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017), trường hợp tiếp tục bổ sung đối tượng, đề nghị 12 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017).
Đề nghị hỗ trợ hoạt động chung của xã (hội họp, tuyên truyền, kê khai, văn phòng phẩm, chi trả bồi thường...) theo mức khoán cho mỗi xã, giao cho UBND cấp xã căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ cụ thể để thanh toán cho các đối tượng theo chế độ quy định ; thời gian hỗ trợ 10 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017), trường hợp tiếp tục bổ sung đối tượng đề nghị 12 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017).
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị xem xét, hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác thống kê, thẩm định, phê duyệt và chi trả bồi thường cho hội đồng thẩm định, tổ công tác và chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh ; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội cho các lực lượng chức năng, đoàn công tác và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện.
Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Bộ Tài chính sớm ban hành quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng cụ thể để tỉnh có căn cứ chi cho đội ngũ cán bộ cơ sở phục vụ bồi thường thiệt hại cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự (an ninh trật tự) sự cố môi trường biển được cán bộ, nhân dân đồng tình cao. Bởi thời gian qua đội ngũ cán bộ này đã chịu rất nhiều áp lực, khối lượng công việc lớn, từ tuyên truyền phổ biến chính sách của Chính phủ, tỉnh, đến thống kê, xác định thiệt hại cho nhân dân.
Hà Phương