Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Muốn biết Việt Nam lụn bại đến đâu chỉ cần bước chân vào các bệnh viện và trường học là có thể nhận ra. Các bệnh viện công hoặc là quá tải hoặc là kém chất lượng. Giáo dục nhồi sọ, chạy theo thành tích. Cô giáo "ra lệnh" cho các em học sinh "tra tấn" bạn mình bằng mấy chục, trăm cái tát... Còn thầy giáo thì dâm ô, tát, đấm đá học sinh mặc kệ hậu quả. Còn đối với học sinh thì nhiều em chọn bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn.

doctai1

các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải "hóa trang thành Ninja" để đối phó với bụi bặm.

Môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân sống ở các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải "hóa trang thành Ninja" để đối phó với bụi bặm. Hơn 300 người Việt chết vì ung thư mỗi ngày – là số tỉ vong còn cao hơn ở một số quốc gia như Syria, Yemen đang có tranh chấp quân sự đầy bạo lực.

Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Việt Nam thường được nhắc trên báo chí nước ngoài, đi kèm với "trộm cắp", "buôn lậu", "bắt cóc"... và thậm chí là "bán dâm". Theo các bảng đánh giá về mức độ tự do, nhân quyền hoặc minh bạch như Human Rights Index, Freedom House, Corruption Perceptions Index, thì Việt Nam cùng với các nước độc tài khác, luôn nằm gần cuối bảng.

Nhìn chung, Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa... Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày, và không phải đối mặt với một tương lai bất định cũng như sự lụn bại của quốc gia. 

doctai2

Người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày

Thêm nữa, vì duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức cũng như hoạt động xã hội vì nỗi sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, người Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Do đó, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm "tự hào" mà họ luôn khao khát.

Vì thế, đêm 15/12, hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp cả nước đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi mừng chiến thắng bóng đá. Tôi chia sẽ niềm vui chiến thắng, nhưng ngẫm đến sự bất công và ngày càng lụn bại của tổ quốc, khiến tôi chẳng thấy niềm vui mà chỉ là một nỗi buồn đến khó chịu. Bởi chiến thắng bóng đá dù ở cấp độ nào cũng không thể xóa mọi bất công, bất hạnh, tủi nhục mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam.

Làm sao có thể vui vẻ khi mà đại đa số người dân vẫn còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể mừng rỡ "tự hào Việt Nam" khi hàng triệu người vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan ? Làm sao có thể "tự hào Việt Nam"khi hàng chục ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương, để lao động vô cùng khổ cực ở các nước khác, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình ?

Chiến thắng thể thao là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước.

Socrates, được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ : "Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống" (An unexamined life is not worth living"). Thông điệp Socrates nhắn gửi : phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Sẽ thật ý nghĩa nếu nhiều bạn trẻ gào thét, mừng chiến thắng bóng đá cũng dám chất vấn bản thân về thực trạng lụn bại của đất nước.

Tại sao các các bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ ?

Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng ?

Tại sao học sinh Việt Nam phải chấp nhận nền giáo dục nhồi sọ, tha hóa đạo đức ?

Tại sao ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam là được "xuất khẩu lao động" ?

Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước ?

doctai3

Bạn gào thét cho chiến thắng bóng đá, nhưng lại im lặng đến đáng sợ trước vô số bất công, thối nát, suy đồi đạo đức của xã hội. Cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì ?

Hình ảnh Viêt Nam bị "bôi tro trét trấu" bởi các cán bộ đảng viên "ăn cắp", bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước "quì gối cúi đầu" trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào ? Đúng lý ra, niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị, mang tới dân chủ đa nguyên thực sự cho dân tộc.

Chỉ khi biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng của đất nước, thì mới biết nhói đau trước những bất công mà chế độ cộng sản tạo ra và quyết tâm loại bỏ nó. Con cháu bạn và tôi xứng đáng được sống trong một chế độ tự do và công bằng thực sự, trong môi trường sạch sẽ, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo. Những nguyện ước giản dị này không quá khó. Vấn đề là bạn có thực sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để mang lại thay đổi tốt đẹp đó hay không ?

Trong lúc nhiều bạn "xuống đường" vui sướng cho chiến thắng bóng đá, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì nhà nước cộng sản không tạo ra được việc làm cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.

Mặc dù đảng cộng sản dùng bạo lực và dối trá để cai trị dân tộc hơn 80 năm qua, nhưng chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, đã góp tay duy trì sự tồn tại của chế độ độc tài bằng sự vô cảm. Đảng cộng sản ngang nhiên bóp nghẹt nhân quyền bằng luật an ninh mạng, "hút máu" dân bằng hàng đống loại thuế vô lý, và phá nát giáo dục, môi trường cũng như y tế. Thế nhưng, chỉ một số ít ỏi can đảm xuống đường phản đối những thối nát ấy của chế độ ; trong khi rất nhiều người xuống đường mừng cúp vô địch bóng đá. Độc tài, bất công, thua kém, tủi nhục, lạc hậu KHÔNG quan trọng bằng một chiến thắng thể thao.

Sự vô cảm, hèn nhát của người Việt được cụ Phan Châu Trinh viết từ năm 1906 và đến giờ vẫn còn nguyên giá trị : "Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm ; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng".

Cúp vô địch bóng đá KHÔNG giúp Việt Nam thoát cảnh tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ, giáo dục nhồi sọ, và chính quyền độc tài ác ôn. Cúp vô địch bóng đá KHÔNG mang đến tự do ngôn luận và tự do bầu cử là những bí mật của hạnh phúc.

Nếu có xuống đường gào thét và vui sướng, hãy làm cho xứng đáng. Đừng quá hân hoan, mừng rỡ khi trên cổ vẫn còn đeo gông.

Mai V. Phạm

(16/12/2018)

Published in Quan điểm

Vào tháng 2/2017, tập đoàn bán lẻ Nordstrom thông báo ngừng bán các sản phẩm thời trang của Ivanka Trump khiến Trump tức giận và đã chỉ trích Nordstrom : "Con gái tôi Ivanka đã bị đối xử rất bất công bởi Nordstrom. Đó là một người tuyệt vời - luôn thôi thúc tôi làm điều đúng đắn ! Thật khủng khiếp !". Ấy vậy mà cái chết đầy thương tâm của nhà báo/thường trú nhân Mỹ, JamalKhashoggi, do bàn tay ác độc của hoàng gia Saudi, lại không đủ trọng lượng để Trump phải nổi giận và lên án hành vi man rợ đó.

trump1

Cái chết đầy thương tâm của nhà báo/thường trú nhân Mỹ, JamalKhashoggi không đủ trọng lượng để Trump phải nổi giận và lên án hành vi man rợ đó.

Với các bằng chứng thuyết phục, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan tình báo CIA đều khẳng định Thái tử Arab Saudi là chủ mưu vụ ám sát dã man Jamal. Nhưng, tổng thống Donald Trump chọn không lên án và tiếp tục "hợp tác" với nhà cầm quyền Saudi. Cứ nhìn cách Trump bao che và nhượng bộ Saudi, thì có thể dễ dàng nhận ra : dân chủ và nhân quyền chẳng là cái thá gì với Trump.

Tối thiểu, Trump phải trục xuất Đại sứ quán Saudi tại Hoa Kỳ vì hành vi sát hại của Saudi là bóp nát nhân quyền, nên phải bị lên án và trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên, Trump đã dùng thỏa thuận quốc phòng với Saudi trị giá khoảng 110 tỷ để biện hộ cho quyết định nhượng bộ và bao che Saudi Arab.

trump2

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan tình báo CIA đều khẳng định Thái tử Arab Saudi là chủ mưu vụ ám sát dã man Jamal.

Có nghĩa là với Trump thỏa thuận $$$ thì quan trọng hơn nhân quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, các chuyên gia vũ khí Hoa Kỳ đều khẳng định con số 110 tỉ đô là do Trump "phóng đại" vì con số thực sự nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các báo cáo với bằng chứng khó chối cãi chứng minh được mối quan hệ lợi ích giữa gia đình Trump và hoàng gia Saudi.

Năm 2015, Trump từng khoe khoang về các giao dịch kinh doanh của mình với Saudi trong một cuộc vận động tranh cử tại Mobile, Alabama : "Tôi rất thân thiện với Saudi, họ mua căn hộ của tôi... 40 triệu đô la, 50 triệu đô la. Tôi có nên không thích họ không ? Tôi thích họ rất nhiều !".

Washington Post đưa tin rằng vào năm 1991, khi Trump gần như phá sản, Hoàng tử Alwaleed bin-Talal mua chiếc du thuyền của Trump, giá 20 triệu đô la. Tờ New York Daily News đưa tin rằng hoàng gia Saudi cũng đã mua toàn bộ tòa nhà 45 tầng của Trump World Tower với giá 4,5 triệu USD vào tháng 6/2001. Washington Post cũng báo cáo chuyến thăm của các quan chức Saudi đến Trump International Hotel ở thành phố New York đã giúp tập đoàn Trump tăng doanh thu lên 13% trong quý đầu tiên của năm 2018.

Hành động nhượng bộ Saudi của Trump là một thông điệp gửi tới tất cả các nhà nước độc tài : cứ thoải mái ám sát và thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến và đối lập vì chính phủ Hoa Kỳ sẽ không quan tâm và giám sát nhân quyền thế giới nữa. Các chế độ độc tài Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc… cũng sẽ nhận ra được một bài học : chỉ cần có thật nhiều tiền là có thể mua được sự im lặng của chính phủ Trump trước các vi phạm nhân quyền tàn bạo và dã man.

Hiện tại, các nước Finland, Denmark & Germany đã tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận buôn bán vũ khí với Arab Saudi vì vụ sát hại nhà báo Jamal.

Nhân quyền : giá trị nền tảng của Hoa Kỳ

Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi tại sao các chính quyền dân chủ tiến bộ lại phải bỏ công sức và tiền bạc để vận động dân chủ và nhân quyền hay không ?

Sau Chiến tranh Lạnh (Cold War), Hoa Kỳ luôn là nước đi đầu trong các vấn đề bảo vệ và cải thiện nhân quyền (human rights) bởi chính quyền Hoa Kỳ xem nhân quyền là một mối quan tâm quốc gia (national interest) vì ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (national security).

Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh : "Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, các quyền lao động, và dân chủ thông qua chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ góp phần tạo nên hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở nước ngoài, làm giảm các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và tăng cường sự bền vữngđối với các đối tác an ninh. Có thể nói, thực hiện những chiến lược này là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Theo luật, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải trình lên Quốc hội một số báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền. Quốc hội Hoa Kỳ luôn dành một khoản chi phí hàng năm cho các cuộc vận động dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, từ khi Trump nhậm chức tổng thống, vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao đã suy yếu rõ rệt. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy-NED) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh. Ngân sách dự trù của chính quyền Trump sẽ cắt giảm 40% tổng tài trợ cho dân chủ và nhân quyền.

Những lời khen ngợi của Trump dành cho các lãnh đạo độc tài cũng như làm thinh trước các vi phạm nhân quyền chỉ khiến bọn chúng thỏa mãn và vui sướng. Thêm nữa, vô số hành vi phản dân chủ của Trump như tấn công quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và độc lập tư pháp càng khiến các nhà nước độc tài thẳng tay đàn áp bất đồng chính kiến và đối lập, mà không sợ chỉ trích từ Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ đã luôn tin rằng bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ sẽ mang lại lợi ích và an ninh với người dân Mỹ. Không chỉ có Hoa Kỳ, mà đông đảo các quốc gia dân chủ như Thụy Sĩ, Na Uy, Đức, Pháp, Canada, Hà Lan… cũng luôn có các chương trình vận động dân chủ và nhân quyền. Các nước dân chủ văn minh tin rằng một thế giới càng nhiều các quốc gia dân chủ và tôn trọng nhân quyền càng mang lại an ninh và lợi ích cho chính quốc gia họ, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.

Lịch sử thế giới đã chứng minh các chế độ độc tài hung bạo thực sự lo sợ khi các nước đồng minh dân chủ hợp tác, đề ra các chính sách và nghị quyết cụ thể như cấm vận kinh tế, không bán vũ khí, hoặc chấm dứt các kế hoạch đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Đồng thuận hợp tác thúc đẩy dân chủ và nhân quyền luôn là sức mạnh mềm của các quốc gia dân chủ, tạo sức ép đáng kể khiến các nhà nước độc tài không dám thẳng tay đàn áp người dân.

Ai cũng có thể bị ám sát như Jamal

Thổ Nhĩ Kỳ mô tả cuộc ám sát nhà báo Jamal là một chiến dịch "nhanh chóng, phức tạp" và cũng cáo buộc nhóm sát thủ Saudi đã "cưa thi thể" Khashoggi để đưa ra khỏi lãnh sự quán. Cái chết đầy đau đớn của nhà báo Jamal thật đáng thương tâm. Cảnh tượng bọn sát thủ Arab cưa sống Jamal quá rùng rợn. Chính quyền Thổ cũng cho biết đã nghe đoạn băng thu âm tiếng nhà báo Jamal van nài xin tha mạng. Jamal chắc sợ hãi và đau đớn thể xác đến tột cùng.

trump3

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nhóm sát thủ Saudi đã "cưa thi thể" Khashoggi để đưa ra khỏi lãnh sự quán.

Chỉ vì muốn người dân Arab có nhân quyền, bình đẳng như nhiều dân tộc khác, mà Jamal phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Tôi thương Jamal vô vàn bởi những gì xảy ra với Jamal cũng có thể xảy ra với chính tôi, hoặc bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào, là công dân ở các nước độc tài hung bạo.

Chỉ cần xét góc độ Jamal là một con người, cũng đủ để cho Trump hoặc người có lương tri phải nổi giận và lên án hành vi giết người man rợ của Saudi. Đáng nói, có 1 số người Việt vì muốn bênh vực Trump, nên cho rằng việc Saudi "cưa sống" Jamal là "chuyện nhỏ".

Giết hại dã man một con người tại đất nước khác mà là chuyện nhỏ, thì chuyện gì mới là chuyện lớn ? Giả sử người nhà của họ cũng bị chế độ cộng sản Việt Nam, sát hại man rợ y như vậy, thì họ có còn cho là "chuyện nhỏ" hay không ? Giả sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng ám sát một nhà bất đồng chính kiến tại một đất nước khác, thì đó có là chuyện lớn hay không ?

Bất kỳ kẻ nào bênh vực cho hành vi CỰC KỲ TÀN ÁC của hoàng gia Saudi chỉ có thể hoặc bệnh hoạn hoặc không có trái tim của một con người. Nếu chúng ta chỉ biết thương những người quen biết, hoặc cùng một làng xóm, một quốc gia thì chúng ta có gì khác biệt so với loài vật ? Chẳng phải, rất nhiều loại vật hung dữ nhất còn biết "thương" đồng loại của chúng kia hay sao ? Khi tình yêu cho sự thật và lẽ phải không còn quan trọng nữa, thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nữa ? Ăn tiền để tồn tại ? Khi đạo đức tối thiểu chẳng còn có ý nghĩa gì, thì cái gì sẽ đủ sức ngăn con người ta không làm điều ác, điều xấu ?

Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát uy tín trong nhiều năm qua, phần lớn người dân Mỹ ủng hộ cuộc vận động dân chủ và nhân quyền. Đặc tính nổi bật của phần đông người Mỹ là lòng nhân đạo và cảm thông với những người khốn khổ. Vì thế, họ không chỉ chăm lo cho đất nước Hoa Kỳ, mà còn dành một sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Và chính điều này đã khiến Hoa Kỳ vĩ đại.

Trump phớt lờ những vi phạm nhân quyền hết sức nghiêm trọng của hoàng gia Saudi không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, nhưng còn ảnh hưởng xấu đến cuộc vận động dân chủ và nhân quyền toàn cầu.Thế giới mà bọn độc tài ngang nhiên ám sát đối lập, không lo sợ hậu quả, là một thế giới đầy bất ổn và nguy hiểm cho nhiều người.

Mai V. Phạm

(25/11/2018)

Tham khảo :

Finland, Denmark and Germany stop arm sales to Saudi Arabia after Khashoggi's death

Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động

Trump and Saudi Arabia Financial Interests

Trump says selling weapons to Saudi Arabia will create a lot of jobs. That’s not true.

Published in Quan điểm

Macron gửi Trump : "Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại lòng yêu nước"

Tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ - Donald J. Trump tuyên bố mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và Trump tự hào về điều đó. Đúng là Trump hoàn toàn có quyền tuyên bố "I’m nationalist" và thể hiện lòng ngưỡng mộ với chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, lịch sử thế giớiđã chứng minh bọn độc tài khét tiếng chốn dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc gây ra vô số tội ác dã man chống lại loài người.

trump2

Thông cáo chung G7 : MORON (đần độn) - Ảnh minh họa

Lịch sử nhân loại sẽ luôn ghi nhớ bọn độc tài tàn ác và máu lạnh như : Adolf Hitler (Germany), Benito Mussolini (Italy), Francisco Franco (Spain), Muammar Gaddafi (Libya), Slobodan Milošević (Serbia), Augusto Pinochet (Chile). Điểm chung của bọn tàn ác này là họ đều nhân danh chủ nghĩa dân tộc để thâu tóm quyền lực, tàn sát hàng triệu người vô tội và thanh trừng đối lập dã man. Còn đối với những người Cộng sản như Đặng Tiểu Bình, Fidel Castro, Hồ Chí Minh, mặc dù biểu dương chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực tế họ đã ẩn mình dưới chủ nghĩa dân tộc để mị dân nhằm kêu gọi sự hậu thuẩn của quốc dân.

Adolf Hitler, lạnh tụ tối cáo của Đức Quốc xã, đã đẩy cao chủ nghĩa dân tộc và gây ra hàng triệu cái chết tang thương cho người Do Thái.

Benito Mussolin, độc tài khét tiếng của phát xít Ý, đã thành lập Fasci di Combattimento, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa đặt theo tên của các cuộc cách mạng nông dân Ý trong thế kỷ 19. Thường được gọi là Đảng Phát xít, tổ chức cánh hữu của Mussolini đã ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, có đồng phục là áo sơ mi đen và phát động một chương trình khủng bố nhằm đe dọa và thanh trừng những đối lập cánh tả với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát tàn bạo. Mussolini đã thiết lập một chế độ độc tài toàn trị sau đó, cấm sự hoạt động của các tổ chức đối lập, khiến khoảng 400 ngàn người Ý thiệt mạng. Năm 1936, Mussolini hợp tác cùng với Adolf Hitler để hỗ trợ lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa nhà độc tài Francisco Franco trong cuộc nội chiến đẫm máu Tây Ban Nha.

Sáng 11/11/2018, phát biểu tại lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ I tại thủ đô Paris – Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trước sự tham gia đông đảo của nhiều lãnh đạo quốc gia dân chủ : "Lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại lòng yêu nước. Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của mình trước tiên, không quan tâm đến người khác, chúng ta đã xóa bỏ những nền tảng quý giá nhất của một quốc gia là điều khiến cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn : các chuẩn mực đạo đức".

Tổng thống Macron mạnh mẽ cảnh báo rằng : "Chủ nghĩa dân tộc như một con quỷ già" gây ra chiến tranh cách đây một thế kỷ, đang hăm he quay trở lại mặt đất, có thể khiến lịch sử đen tối lặp lại "để gieo rắc sự rút lui, cô lập, bạo lực và sự thống trị và đây sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng mà các thế hệ tương lai sẽ rất đúng đắn yêu cầu chúng ta phải chịu trách nhiệm".

Với sự hiện diện của Trump tại buổi lễ tưởng niệm, rõ ràng bài phát biểu của Macron là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Trump, người đã tự nhận mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, nêu cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và cô lập nước Mỹ trên con đường ngoại giao. Trump cô lập Mỹ bằng cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo thế giới lâu năm của Hoa Kỳ - vốn được đông đảo người dân Mỹ ủng hộ. Và đó cũng là một trong những lý do vì sao, Trump và đảng Cộng hòa thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua khi lần đầu tiên trong 8 năm, đảng Dân chủ giành lại quyền lãnh đạo của Hạ viện.

Nhà báo người Mỹ nổi tiếng Sydney J. Harris diễn giải khá hay và đầy đủ về chủ nghĩa dân tộc : "Sự khác biệt giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc là người yêu nước tự hào về tổ quốc vì những thành tựu đã đạt được ; còn người theo chủ nghĩa dân tộc tự hào về tổ quốc bất chấp tổ quốc đã làm gì. Thái độ của người yêu nước tạo ra lòng trách nhiệm. Nhưng thái độ của người theo chủ nghĩa dân tộc tạo ra cảm giác ngạo mạn mù quáng, ngu dốt, sẽ dẫn đến chiến tranh".

"Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Lịch sử thế giới đã chứng minh rõ rằng các chế độ độc tài hung bạo không sợ hãi hoặc lo lắng khi các lãnh đạo dân chủ chỉ hù dọa bằng lời nói bởi chúng đã miễn nhiễm với chỉ trích và lên án. Bọn độc tài chuyên chế chỉ thực sự lo sợ khi các nước đồng minh dân chủ hợp tác đề ra các chính sách và nghị quyết cụ thể như cấm vận kinh tế, không bán vũ khí, hoặc chấm dứt các kế hoạch đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của bọn chúng.

trump1

Thái độ của người theo chủ nghĩa dân tộc tạo ra cảm giác ngạo mạn mù quáng, ngu dốt, sẽ dẫn đến chiến tranh - Ảnh minh họa

Trump không có bất kỳ một chính sách nào cụ thể để khiến nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc hay Việt Nam phải lo sợ, ngoài việc đánh thuế thương mại. Và thực tế, Trung Quốc không phải đứng yên để Trump đánh thuế mà Trung Quốc cũng đánh thuế ngược lại các mặt hàng của Mỹ. Việc Trump đánh thuế Trung Quốc và tấn công đồng minh thân cận không những không khiến Trung Quốc lo ngại, mà còn tạo cho nó cơ hội hợp tác mạnh hơn với EU và Nhật Bản. Trong khuôn khổ hội nghị cao cấp Á-Âu ngày 19/10, các nhà lãnh đạo Châu Âu và Châu Á đã thống nhất phải bảo vệ thương mại tự do và tuyên bố không ủng hộ chính sách thương mại của Trump bởi vì "cuộc chiến thương mại" đã và đang gây ra thiệt hại với nền kinh tế toàn cầu.

Nếu Trump đánh thuế thương mại Trung Quốc cách đây hơn 20 năm, khi Trung Quốc vẫn còn nghèo, chưa phát triển và rất cần sự trợ giúp của Mỹ và EU, thì Trump có thể khiến bộ chính trị Trung Quốc thực sự lo ngại. Nhưng thực tế hiện nay, kinh tế Mỹ và EU đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc và kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 15% nền kinh tế toàn cầu, gần bằng EU là 16%. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Hoa Kỳ và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Vô số tập đoàn khổng lồ như Apple, Ford, Boeing, BMW, Siemens… nhờ thị trường khổng lồ của Trung Quốc mà phát triển mạnh.

Tóm lại, chúng ta chỉ mạnh lên khi đứng cùng nhau. Nhờ sự hợp tác và lòng nhân đạo trợ giúp lẫn nhau, mà con người ngày càng tiến bộ và phát triển vượt bậc. Cách đây 100 năm, con người chọn chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn và xung đột. Ngày nay, con người văn minh chọn đối thoại, hòa giải và hợp tác nhằm giảm đi xung đột. Trump cô lập Hoa Kỳ và từ chối hợp tác với những đồng minh dân chủ chắc chắn không phải là khôn ngoan. Trump chỉ thực sự khiến các lãnh đạo độc tài Trung Quốc hoặc Việt Nam lo ngại khi liên kết cùng đồng minh với những chính sách rõ ràng nhằm cô lập chúng. Chính phủ Obama với Hiệp định Thương mại Xuyên thái Bình dương TPP là một chính sách nhằm cô lập Trung Quốc – đã từng khiến Trung Quốc tức giận và bày tỏ sự phản đối.

Theo quan sát dựa trên nhiều bằng chứng thuyết phục, người viết tin rằng Trump có đầy đủ các yếu tố và tính cách của các nhà độc tài khét tiếng trong lịch sử : dối trá trắng trợn, tấn công đối lập, kích động bạo lực, miệt thị báo chí là "kẻ thù của nhân dân" chỉ bởi vì báo chí "dám" tường thuật đúng những gì Trump đã nói và làm. Đáng sợ hơn nữa là Trump tấn công sự công bằng và liêm chính của độc lập tư pháp, chỉ trích thậm tệ bất kỳ ai phê bình Trump, và đặc biệt luôn tỏ lòng thán phục và ca ngợi độc tài. Trump khen ngợi Tập Cận Bình được trở thành chủ tịch Trung Quốc nắm quyền trọn đời sau khi đảng cộng sản Trung Quốc hủy bỏ thời hạn nhiệm kỳ với chủ tịch nước. Trump cũng liên tiếp khen ngợi Kim Jong-un là một "lãnh đạo tài năng" "yêu nước" và Trump từng nhiệt huyết phát biểu tại West Virginia về Kim Jong-un : "Chúng tôi qua lại thư từ với nhau và chúng tôi đã phải lòng nhau. Kim viết cho tôi những lá thư rất đẹp. Chúng tôi đã yêu nhau". Thử thay tên Kim Jong-un, Tập Cận Bình bằng tên Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông hoặc Nguyễn Phú Trọng xem có lọt lỗ tai không ?

Trump, ngưỡng mộ chủ nghĩa dân tộc, có thái độ và những hành động đạp nát các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc dân chủ nền tảng, chắc chắn sẽ khiến các nhà nước độc tài chuyên chế vui sướng khôn siết. Nếu ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, nghĩa là ủng hộ các nguyên tắc dân chủ, thì làm sao có thể tôn sùng hoặc dựa dẫm vào một kẻ "chà đạp dân chủ" như Trump mang đến dân chủ cho Việt Nam ?

Mai V Phạm

(12/11/2018)

Tham khảo :

https://www.history.com/…/mussolini-founds-the-fascist-party

https://www.forbes.com/sites/johnmauldin/2018/09/19/china-is-building-the-worlds-largest-innovation-economy/#5889518b6fd4

http://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/countries/china/

https://www.vox.com/policy-and-politics/2018/11/11/18084684/macron-trump-nationalism-wwi-armistice-commemoration

https://www.c-span.org/video/ ?c4752727/trump-kim-fall-love

https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/9936-hay-hay-danh-th-i-gian-va-cong-s-c-cho-tri-th-c-va-t-ch-c

Published in Quan điểm
samedi, 03 novembre 2018 08:25

Tâm thế nô lệ

Phần 1

Trump sẽ đánh sập Trung Quốc và Việt Nam có dân chủ : Ảo tưởng !

 

"…cái bệnh ỷ lại đã ăn sâu vào trong xương tủy người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa.… Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả."

Lưu Trọng Lư (1939)

IMG_4890

Trump là "con buôn chính trị". Mối quan tâm duy nhất của Trump là $$$ và quyền lực.

Bài học thất bại của Việt Nam Cộng Hòa chẳng mấy ai nhớ cả. Nhiều bác đổ lỗi vì Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, nên chế độ cộng sản mới thắng cuộc, nhưng khá ít người chất vấn tại sao Mỹ lại làm thế ? Hoặc chúng ta rút được bài học quý giá gì cho con đường dân chủ từ thất bại của Việt Nam Cộng Hòa ? Lực lượng nhân sự có khả năng và đạo đức chính trị sẽ quyết định vận mệnh của quốc gia hay chỉ cần lệ thuộc yếu tố nước ngoài ?

Nhiều bác trách móc Mỹ, thế mà sau hơn 40 năm, khá nhiều người, từ già tới trẻ, cậy mong Trump đánh Trung Quốc để Việt Nam thoát ách độc tài cộng sản.

Trump là "con buôn chính trị". Mối quan tâm duy nhất của Trump là $$$ và quyền lực. Trump khoe khoang đánh thuế Trung Quốc bởi vì muốn chứng tỏ với cử tri rằng Trump cứng rắn và muốn Trung Quốc phải nhượng bộ về thương mại. Mục đích tối hậu của Trump là muốn đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, bởi Trump không chấp nhận TPP của Obama (1). Ngày đầu tiên nhậm chức, Trump tuyên bố hủy bỏ TPP, khiến chính quyền Trung Quốc vui mừng biết bao.

Kinh tế Mỹ và Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Chuyện đồng nhân dân tệ "mất giá" cũng là do Trung Quốc đã và đang điều chỉnh tỉ giá nhằm tránh thiệt hại cho nền kinh tế, chứ không phải là kết quả độc quyền từ việc Trump đánh thuế. Một trong những động cơ Trump đánh thuế Trung Quốc là nhằm giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại Mỹ-Trung trong suốt 9 tháng đầu năm 2018 đã tăng liên tục. Trong tháng 9/2018, thâm hụt thương mại có mức cao kỷ lục mới là 40,2 tỉ đô, tăng 4,3% so với tháng 8/2018 và tăng 16,6% so với cùng kỳ tháng 9/2017. Nghĩa là số liệu thực tế phần nào chứng minh được cuộc chiến thương mại không hề mang lại kết quả như chính quyền Trump mong muốn.

Đồng thuận cơ bản của các chuyên gia Nobel kinh tế hàng đầu là trade war không có người thắng cũng như thiệt hại lâu dài của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. Tập Cận Bình không sợ dân bị thiệt hại, than vãn. Ngược lại, Trump thì khác : các thượng nghị sĩ tại các bang Midwest vẫn đang kêu gọi Trump chấm dứt trade war vì nông dân ở những vùng này là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trade war.

Trump chỉ có thể khiến Trung Quốc thực sự lo lắng khi hợp tác với Nhật, EU và Canada. Đằng này, Trump tuyên bố EU là kẻ thù của Mỹ và tuyên chiến với đồng minh lâu năm, thì logic ở chỗ nào ? Hôm 19/10, các nhà lãnh đạo Châu Âu và Châu Á họp mặt trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á-Âu đã thống nhất phải bảo vệ thương mại tự do và tuyên bố không ủng hộ chính sách thương mại của Trump. Đồng minh dân chủ là vũ khí chính nghĩa giúp Hoa Kỳ mạnh hơn, đặc biệt khiến các chế độ độc tài nể sợ. Trump tấn công đồng minh thân cận, nhưng liên tiếp ca ngợi lãnh đạo độc tài Tập Cận Bình và Putin, thì làm sao khiến độc tài lo sợ ?

Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam hiện tại không phải chỉ dựa vào mỗi Trung Quốc, mà còn phụ thuộc khá lớn vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và các nước khác. Theo nhật báo Nikkei, Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với các công ty Mỹ và Trung Quốc. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chẳng hạn, công ty GoerTek của Trung Quốc, chuyên lắp ráp tai nghe không dây cho hãng Apple, đã thông báo cho các nhà cung cấp rằng họ có ý định chuyển một số sản phẩm của mình sang Việt Nam. Công ty Zhejiang Hailide New Material của Trung Quốc – cũng đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam với mục tiêu hướng tới xuất khẩu sang Mỹ.

Hôm 1/1/2018, Trump cũng vừa hớn hở thông báo trên Twitter rằng có cuộc điện đàm "rất tốt đẹp" với Tập Cận Bình. Trump cho biết cuộc đàm phán thương mại "đang đạt được nhiều tiến bộ khả quan" và cuộc gặp giữa hai bên "đang được lên kế hoạch" tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Buenos Aires.

Kinh tế Trung Quốc sụp đổ không đồng nghĩa Việt Nam sẽ có dân chủ

Giả sử, Trump khiến kinh tế Trung Quốc điêu đứng cũng không có nghĩa chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam mặc nhiên sụp đổ. Đúng là nền kinh tế suy sụp có thể khiến chế độ độc tài rơi vào khủng hoảng, nhưng cần nhấn mạnh rằng, dù cho kinh tế suy thoái và chế độ độc tài có lung lay, không có nghĩa là dân chủ sẽ đến ngay tức khắc.

Bắc Hàn và Venezuela là hai ví dụ điển hình. Kinh tế Venezuala gần như là một cái xác sống, gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men, siêu lạm phát (giá tiêu dùng đã tăng 46.305% trong vòng 12 tháng) và xã hội loạn lạc. Hàng chục ngàn người Venezuela phải di tản sang các nước lân cận, trong khi nhiều người khác phải nhặt thức ăn trong các thùng rác để sinh tồn. Mặc dù đối mặt nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, nhưng chế độ độc tài của Kim Jong-un (Bắc Hàn) và Nicolás Maduro (Venezuela) vẫn ngang nhiên tồn tại. Nên nhớ, chế độ độc tài càng bị dồn vào đường cùng, sẽ càng bóc lột và đàn áp dân chúng khốc liệt để tồn tại. Và khi kinh tế khó khăn, nạn nhân chịu nhiều khốn khổ không phải là cán bộ đảng viên, mà là vô số dân nghèo.

Thay vì "ở ẩn" mong chờ kế hoạch ảo tưởng "Trump giải phóng Việt Nam", thì người viết thiển nghĩ hãy dành thời gian và công sức cho 2 công việc tối quan trọng : tri thức và tổ chức. Nâng cao kiến thức và tư tưởng chính trị đúng đắn là một hành trang không thể thiếu của những ai muốn dấn thân chính trị, ngoài lòng yêu nước không vụ lợi. Chính vì thế mà cách đây gần 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhắn nhủ đồng bào ‘vũ khí’ hiệu quả để giải thoát đất nước khỏi nô lệ và kém cỏi là "học hành, mở mang trí tuệ" : "Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học."

Nhiều hơn nữa, giới trẻ và trí thức Việt Nam cần ý thức tầm quan trọng của việc đấu tranh có tổ chức. Như Cụ Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh năm 1925 : "Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập, thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã."

Chúng ta luôn chê bai Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng phải nhớ rằng nó luôn chấp nhận liên kết lại với nhau để tồn tại suốt từ 1945 cho đến nay. Nếu như ngày mai, chế độ cộng sản tuyên bố giải thể, thì tổ chức nào đủ lớn mạnh, đủ khả năng chính trị lẫn đạo đức, sẵn sàng đảm nhận việc xây dựng dân chủ - pháp trị cũng như hòa giải sự chia rẽ và ganh ghét vốn có của dân tộc Việt Nam ?

Các nước dân chủ giàu mạnh luôn có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức từ dân sự đến chính trị. Không một quốc gia nào có nền dân chủ thực sự, mà không nhờ đến vai trò của các tổ chức, với sự tham gia đông đảo của tầng lớp tinh hoa. Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Mông Cổ hoặc các nước dân chủ Bắc Âu phát triển là nhờ nước khác giúp, hay do đất nước họ có sự dấn thân lãnh đạo của tầng lớp trí thức tài đức ?

Nếu nghĩ chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ vì kinh tế Trung Quốc suy thoái, là chúng ta đã quá xem thường đối thủ bằng suy nghĩ quá đơn giản. Hoa Kỳ cần một Trung Quốc ổn định và đây là một chính sách ngoại giao bắt đầu từ 2/1972 khi tổng thống Nixon chính thức mở cửa và thúc đẩy ngoại giao với Mao Trạch Đông. Ngoài biển Đông, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển các cơ sở quân sự mà chẳng hề sợ ai. Tập Cận Bình đã học thuộc bài học sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và tác nhân Gorbachev. Tập và đồng đảng sẽ chiến đấu tới mạng người Trung Quốc hoặc thậm chí người Việt Nam cuối cùng để duy trì quyền lực.

Tóm lại, người viết dự đoán rằng, Trump và Tập sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương có lợi cho Trung-Mỹ. Nhưng Tập sẽ giả vờ chấp nhận tuyên bố nhượng bộ Trump để Trump có thể khoe khoang với cử tri Mỹ rằng Trump đã giành được chiến thắng thương mại trước Trung Quốc. Tập Cận Bình cần Trump để bành trướng và Trump cũng cần Tập để mị dân và củng cố quyền lực.

Và trên hết, kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam không phải là Trung Quốc, mà chính là Đảng Cộng sản Việt Nam – đã dối trá và đàn áp dã man người cùng "máu đỏ da vàng" từ những năm 1945 cho đến nay.

Hiểm họa Trung Quốc không đáng sợ hơn hiểm họa cộng sản Việt Nam và nguy cơ tan rã quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam ngang nhiên tồn tại hơn 80 năm qua không phải chỉ nhờ mỗi Trung Quốc, mà cũng nhờ "khả năng" của nó. Hãy xác nhận kẻ thù thực sự của dân tộc Việt Nam – Đảng cộng sản, để có cái nhìn thực tế cũng như đóng góp hữu hiệu hơncho con đường dân chủ.

*****************

Phần 2 :

Tâm thế nô lệ

nhin2

Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần 100 năm đã nói : "Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại, vì vọng ngoại ắt là chết".

Nghĩ Trump quan tâm đến dân chủ cho Việt Nam, thì chẳng khác nào nghĩ Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Hitler, Kim Jong-un... tôn trọng quyền con người. Từ lúc làm tổng thống cho đến nay, trong hơn 5.000 lần tweet, đã bao nhiêu lần Trump đề cao nhân quyền, dân chủ và pháp trị ? Thưa : hiếm vô cùng.

Đã bao nhiêu lần Trump thể hiện lòng tôn trọng dành cho Tập Cận Bình, Kim Jong-un, Putin... ? Thưa : hơn 3 lần.

Đã bao nhiêu lần Trump tấn công sự liêm chính, độc lập tư pháp ? Thưa : vô số lần.

Đã bao nhiêu lần Trump chửi rủa và sỉ nhục công dân Mỹ, đặc biệt chửi rủa phụ nữ rất thậm tệ ? Thưa : vô số lần.

Một đất nước hơn 90 triệu người mà phải trông cậy vào một tổng thống –vô đạo đức, đạp nát lên các giá trị dân chủ như Trump– cứu rỗi, thì lòng tự tôn dân tộc ở chỗ nào ?

Một dân tộc hơn 90 triệu trong nước và hơn 3 triệu người hải ngoại mà không thể hình thành được ít nhất một tổ chức đối lập lớn mạnh, tạo sức ép lên chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, mà phải cầu mong Trump cứu rỗi, thì lòng tự hào dân tộc ở đâu ?

Dân tộc vỗ ngực tự hào mấy ngàn năm văn hiến, tinh thần bất khuất mà dựa dẫm vào nước ngoài thì đáng buồn hay đáng xấu hổ ? Một dân tộc mà chỉ biết ỷ lại vào lãnh tụ các nước khác để tồn tại và lớn mạnh, thì dân tộc đó có tinh thần độc lập & tự cường ở chỗ nào ?

Cụ Phan Bội Châu phê bình tính "ỷ lại" của người Việt Nam từ năm 1928 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị :

"Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao ?

Thì chỉ vì ỷ lại.

Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm."

(Cao Đẳng Quốc Dân)

"Quốc gia hưng vọng, thất phu hữu trách". Xóa bỏ độc tài và xây dựng con đường dân chủ cho Việt Nam phải là trách nhiệm trên hết của con dân nước Việt, không phải của tổng thống hoặc thủ tướng, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, hoặc Úc.

Cứ thử tưởng tượng một khu xóm mà nhiều thành viên chỉ biết ngồi há mỏ, cậy nhờ xóm khác giúp đỡ để duy trì sự sống còn của khu xóm, thì có đáng trách hay không ? Những thành viên với tính ỷ lại, tâm thế nô lệ đó kìm hãm tinh thần tự tôn của toàn khu xóm và đầu độc ý thức tự cường của thế hệ trẻ.

Thần thánh hóa lãnh tụ, mong chờ họ cứu rỗi đất nước mình. Rồi đến lúc lãnh tụ đó hết quyền lực hoặc không có khả năng như mong đợi, thì lại nhờ lãnh tụ nước khác hay mặc kệ Việt Nam ? Thế hệ tương lai sẽ nghĩ như thế nào về những người đi trước chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm vào sự cứu rỗi của nước ngoài ?

Phải cậy dựa vào chính mình

Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần 100 năm đã nói : "Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại, vì vọng ngoại ắt là chết".

Vấn đề không phải là chúng ta không được nhờ Mỹ hoặc các nước dân chủ khác hỗ trợ Việt Nam. Nhưng quan trọng là tổ chức nào, uy tín đến đâu sẽ đại diện nhờ và nhờ cái gì vào lúc nào ? Nên nhớ, Việt Nam là một thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc. Sẽ không một quốc gia nào hậu thuẫn bất kỳ một tổ chức nào, có ý định "lật đổ" chế độ cộng sản Việt Nam, bằng bạo lực hoặc các hình thức phá hoại, không có tính chính danh khác.

Quan trọng vẫn phải là xây dựng các đoàn thể lớn mạnh, có hiểu biết và đủ khả năng, để trở thành đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như để đảm nhận vai hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng. Khi đã có được sự hậu thuẫn mạnh của quốc dân, các tổ chức này sẽ đại điện Việt Nam vận động dân chủ, tuỳ theo đường lối của tổ chức. Cụ Phan và nhiều trí thức phong trào Duy Tân đã nhấn mạnh, dân tộc Việt phải nỗ lực và tự cường trước, rồi mới vận động trợ giúp nước ngoài được.

Dân chủ sẽ không lập tức có ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ. Dân chủ chỉ mới chớm nở khi có các cuộc bầu cử tự do và minh bạch với sự tham gia bắt buộc của các chính đảng lương thiện, có đường lối, có mục tiêu rõ ràng và có lực lượng đủ mạnh. Các chính đảng này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ non trẻ. Sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ sẽ là chắc chắn khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị về mặt tư tưởng và lực lượng. Yếu tố "cơ hội" và "chuẩn bị tốt" quyết định sự thành công.

Ngược lại, dù cho cơ hội tốt (khủng hoảng kinh tế trầm trọng như ở Venezuela) có xuất hiện, nhưng không có ít nhất một chính đảng với sự chuẩn bị chu đáo, thì thắng lợi dân chủ sẽ rất khó thành hiện thực. Và nếu như có được dân chủ, thì nền dân chủ đó sẽ ngắn ngủi và đầy bất ổn.

Tóm lại, xóa bỏ chế độ độc tài hung bạo và phi nhân là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một người Việt Nam. Khi nào đông đảo người Việt mới biết dựa vào chính mình và học cách dựa vào nhau ? Khi nào đa số người Việt mới quyết tâm xóa bỏ tâm thế nô lệ, để nỗ lực dựa vào chính mình bằng con đường tri thức và hợp tác, để nhận lãnh trách nhiệm xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ cho thế hệ trẻ Việt Nam ?

"…cái bệnh ỷ lại đã ăn sâu vào trong xương tủy người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa. … Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả" (Lưu Trọng Lư, 1939).

Mai V. Pham

03/11/2018

(1) TPP là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia, không có Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực Thái Bình Dương

Published in Quan điểm

Hai người phụ nữ đã thay đổi quyết định quan trọng ở Mỹ

Ngọc Thu, Tiếng Dân,

Thẩm phán Brett Kavanaugh là người được Tổng thống Trump đề cử làm thẩm phán Tối cao Pháp viện. Ông Kavanaugh đang đối mặt với các cáo buộc tấn công tình dục từ ba người phụ nữ. Một trong ba người đó là tiến sĩ Christine Ford, hiện là giáo sư tâm lý học, dạy đại học ở trường Palo Alto University và là nhà nghiên cứu tâm lý tại trường y của Đại học Stanford.

Hôm qua, cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh đã ra điều trần trực tiếp tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Như mọi người biết, trong buổi điều trần, khi được hỏi trực tiếp, mấy lần ông Brett Kavanaugh đều từ chối cuộc điều tra của FBI.

Khoan nói tới kết quả của buổi điều trần hôm qua ra sao, chỉ nói tới thái độ của ông Kavanaugh, đã làm cho mọi người lo ngại. Ông ta phản ứng như một đứa trẻ 5 tuổi, mất bình tĩnh, vừa nói, vừa khóc lóc, thái độ giận dữ, hung hăng, không đúng chuẩn mực của một ứng viên thẩm phán tòa tối cao.

Về kết quả điều trần, ông Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, cũng như một số người, trong đó có ông Trump nói rằng, cả lời nói của hai nhân vật chính là tiến sĩ Ford lẫn thẩm phán Kavanaugh đều đáng tin cậy.

Một số thượng nghị sĩ lẫn bà Ford đề nghị FBI nên mở cuộc điều tra. Nhiều người lo ngại, nếu không có cuộc điều tra tới nơi, tới chốn, để ông Kavanaugh trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện, đó sẽ là vết nhơ đối với cơ quan tư pháp này, cũng như những hệ lụy mà nước Mỹ sẽ phải gánh chịu hàng chục năm tới, vì Kavanaugh sẽ trở thành thẩm phán suốt đời.

Giới luật pháp Mỹ cũng đã quay lưng lại với ông Kavanaugh, khi Hiệu trưởng trường Luật của Đại học Yale, là nơi ông Kavanaugh từng theo học, cũng kêu gọi FBI điều tra vụ bê bối của ông ta.

Nhân vật quyết định mọi sự thay đổi hôm nay chính là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake. Sau khi tuyên bố ủng hộ ông Kavanaugh làm thẩm phán tòa tối cao không được bao lâu, khi đang đi tới Ủy ban Tư pháp, ông Flake chạm trán với hai người phụ nữ ở tại thang máy gần đó. Hai người phụ nữ này là nạn nhân của những vụ tấn công tình dục, đã lớn tiếng chất vấn ông Flake, rằng tại sao ông có thể bỏ phiếu cho một người như ông Kavanaugh (xem clip) :

Hai phụ nữ nức nỡ chất vấn Thượng nghị sĩ Jeff Flake ngay cầu thang máy (video nguyên bản tiếng Mỹ)

Một trong hai người phụ nữ là bà Ana Maria Archila, giận dữ, nói trong nước mắt :

"Những gì ông đang làm là cho phép một người thực sự vi phạm tình dục đối với một người phụ nữ, ngồi ở ghế Tối cao Pháp viện. Điều này không thể chấp nhận được. Ông có con cái trong gia đình. Hãy nghĩ về chúng. Tôi cũng có hai đứa con…".

Ông Flake gật đầu và nhìn xuống sàn thang máy. Người phụ nữ thứ hai là cô Maria Gallagher nói rằng :

"Tôi chính là người bị tấn công tình dục và không ai tin tôi. Tôi đã không nói với mọi người và ông đang nói với tất cả những người phụ nữ ở Mỹ rằng, họ chẳng quan trọng gì cả, họ nên im lặng bởi vì nếu họ nói với ông chuyện gì đã xảy ra với họ thì ông cũng mặc kệ họ…

Hãy nhìn vào tôi đi. Hãy nhìn tôi và nói với tôi rằng, những gì xảy ra đối với tôi là không quan trọng, rằng ông sẽ để cho những con người như thế đặt chân vào tòa án tối cao của đất nước này…".

Vài tiếng sau, Thượng Nghị sĩ Jeff Flake đã làm mọi người ngạc nhiên khi ông thay đổi thái độ hoàn toàn. Ông Flake nói rằng, ông sẽ không bỏ phiếu ủng hộ ông Kavanaugh nếu không có cuộc điều tra của FBI. Ngoài ra, vài thượng nghị sĩ khác ở đảng Cộng Hòa cũng ủng hộ đề nghị của ông Flake, như bà Susan Collins và bà Lisa Murkowski. Cuối cùng, ông Trump cũng phải lên tiếng ủng hộ FBI điều tra, nhưng thời gian không quá một tuần.

Mặc dù Thượng Nghị sĩ Jeff Flake là người quyết định, nhưng có thể nói tiếng nói của hai người phụ nữ kia là bà Archila và cô Gallagher mới là tiếng nói quan trọng, quyết định sự thay đổi hôm nay.

Hai người phụ nữ đã thay đổi quyết định quan trọng ở Mỹ hôm nay. Hãy lên tiếng, nếu bạn muốn nhìn thấy sự thay đổi !

Ngọc Thu

Nguồn : Tiếng Dân, 29/09/2018

**************

Độc tài vs Dân chủ

Mai V Pham, 29/09/2018

Đoạn video clip sau đã khiến cho khá nhiều người dễ xúc động như mình phải cay mắt. Hai người phụ nữ không hề sợ hãi chặn thang máy của Thượng Nghị sĩ Jeff Flake (Republican – Arizona), vừa nức nở, vừa chất vấn tại sao ông lại có ý định bầu cho ứng cử viên thẩm phán Kavanaugh sau các cáo buộc Kavanaugh tấn công tình dục của 3 người phụ nữ. 

Những phụ nữ chất vấn Thượng nghị sĩ Jeff Flake tại sao ủng hộ thẩm phán Brett Kavanaugh - Video nguyên bản tiếng Mỹ

Người phụ nữ nói bằng giọng rất to, kèm chút giận dữ và nức nở :

"Hôm thứ hai, tôi đã đứng trước văn phòng ông và kể cho ông nghe về chuyện tôi từng bị tấn công tình dục. Tôi kể cho ông nghe vì tôi tin những gì Dr. Ford cáo buộc Kavanaugh là đúng. Điều ông đang làm là cho phép một người đã xâm phạm tình dục một phụ nữ được ngồi vào vị trí cao nhất của toà án tối cao. Ông đang làm gì vậy ? Thật là khủng khiếp. Ông có con. Hãy nghĩ về chúng…".

Một cô gái trẻ tuổi khác vừa khóc vừa nói thật lớn với Jeff Flake :

"Tôi đã từng bị xâm phạm tình dục. Ông (Jeff Flake) đang nói với tất cả phụ nữ rằng họ không là gì cả – Họ nên im lặng bởi vì nếu như họ có nói cho ông nghe chuyện gì đã từng xảy ra với họ, ông cũng sẽ lờ thôi. Ông đang tìm cách giúp mang quyền lực đến cho Kavanaugh… Hãy nhìn tôi khi tôi đang nói chuyện với ông. Ông đang nói với tôi rằng chuyện tôi bị xâm hại không thành vấn đề, rằng chuyện gì xảy ra với tôi cũng chẳng thành vấn đề, và ông sẽ để cho những người xâm hại tình dục có được quyền lực…".

Jeff Flake không trả lời được một câu nào ngoài hai chữ "thank you". Người phụ nữ nói thêm :

"Nói thank you không phải là câu trả lời. Vấn đề này là tương lai của đất nước chúng ta, thưa ông".

Ánh mắt, cử chỉ của Jeff Flake thể hiện được sự lúng túng, chút lo sợ. Không biết có phải bị đánh động bởi nước mắt và sự thành thật của hai người phụ nữ trẻ này hay không, mà sau đó Jeff Flake đã thay đổi cục diện căng thẳng, khó quên trong lịch sử Hoa Kỳ. Jeff Flake đã yêu cầu Judiciary committee phải mở một cuộc điều tra FBI đối với Kavanaugh. Đây cũng là yêu cầu mà đảng Dân chủ đã liên tiếp đặt ra nhưng bị từ chối. Vì nắm thế thiểu số trong Thượng viện (và cả Hạ viện), nên đảng Dân chủ không có quyền yêu cầu Nhà Trắng nhờ FBI điều tra Kavanaugh… 

Đoạn video ngắn trên là nét đẹp và sức mạnh của thể chế dân chủ. Chúng ta học được gì ? Thưa có 3 bài học : 

1. Tự do ngôn luận : nền tảng quan trọng nhất của dân chủ 

Sự khác biệt cơ bản của một đất nước tự do và độc tài là công dân có khả năng bày tỏ chính kiến và phản đối các chính sách sai trái của chính phủ mà không bị buộc tội. Tự do ngôn luận là nền tảng quan trọng, quyết định hầu hết các quyền tự do khác. Sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia không phải là chức trách độc quyền của chính phủ, nhưng còn phụ thuộc to lớn vào sự đóng góp ý kiến đúng đắn cũng như phê bình thiện chí về mọi hoạt động của chính phủ. 

Ở những quốc gia dân chủ, việc công dân bày tỏ chính kiến về các vấn đề của nhà nước luôn được khuyến khích và hoan nghênh. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu :

"Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn". 

Một thể chế dân chủ bắt buộc phải có tiếng nói và hoạt động của đối lập cũng như của quốc dân. Một người nói ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, thì cần phải hiểutôn trọng các chuẩn mực và nền tảng của dân chủ. Một người kêu gọi dân chủ cho Việt Nam, nhưng lại nói "Không thích Trump thì đừng ở Mỹ nữa" thì có khác gì các dư luận viên, cảm tình viên của chế độ độc tài cộng sản chửi rủa những tiếng nói bất đồng : "Chê bai Việt Nam thì đừng ở Việt Nam nữa"

Tấn công quyền tự do chỉ trích lãnh đạo của người khác, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết trầm trọng về dân chủ. Dân chủ giản dị là chính quyền phải bảo đảm những quyền tự do tối thiểu cho người dân : tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội. Và nếu như số "chống độc tài cộng sản" có tư tưởng phản dân chủ như thế này chiếm phần lớn thì sẽ có lợi hay hại cho con đường dân chủ ? 

Đánh đồng Trump với Hoa Kỳ không những là sai trái mà còn là một sự sỉ nhục với đại đa số người dân Mỹ (Trump thua Hilary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông) (1). 

2. Trách nhiệm của quan chức với quốc dân 

Sở dĩ mà hai người phụ nữ chặn và chất vấn Jeff Flake là bởi tin ông có thể thay đổi cục diện cũng như biết rằng các đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm với dân. Các vị trí của chính phủ và nhánh Tư pháp là do tổng thống (Trump) đề cử và sau đó phải được Senate thông qua. Nếu như Thượng viện không đồng ý một ứng viên vào một chức vụ nào đó (vì nhiều lý do như ứng cử viên không đủ khả năng, bị tố cáo về tình dục, tội phạm…), thì tổng thống phải đề cử một ứng cử viên khác. Kiểm soát quyền lực lẫn nhau, nguyên tắc tản quyền là bản chất của thể chế dân chủ. Điều này không thể xảy ra tại Việt Nam – bởi quy trình độc tài là "đảng cử – dân bầu" cũng như quốc hội gật theo chỉ thị của Bộ Chính trị. 

3. Sự tham gia của giới trẻ củng cố xây dựng nền dân chủ 

Một nền dân chủ khỏe mạnh không thể thiếu vắng sự tham gia và dấn thân của giới trẻ và các đoàn thể đối lập từ dân sự đến chính trị. Phần nào phải thừa nhận rằng vì Trump liên tục tấn công các định chế dân chủ, mà giới trẻ Mỹ ngày càng hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Người phụ nữ (đứng đối diện Jeff) khóc và chất vấn Jeff Flake là một thành viên của một tổ chức xã hội dân sự ủng hộ và đẩy mạnh dân chủ. Mình tin chắc rằng tổ chức này đã quyết tâm đứng đợi Jeff Flake tại thang máy để bày tỏ quan điểm. Rõ ràng, sự vững mạnh của nền dân chủ Mỹ có sự đóng góp vô cùng to lớn của các tổ chức xã hội dân sự với những thành viên rất năng động và tôn trọng các giá trị dân chủ. 

Cách đây gần 100 năm cụ Phan Châu Trinh đã dạy rằng : "Muốn có tự do độc lập thì phải có đoàn thể".

Việt Nam vẫn chịu ách độc tài toàn trị cũng vì thiếu đoàn thể, sự im lặng đáng sợ của trí thức và đặc biệt vì một vài tính xấu như độc tài, nhiều cái tôi quá lớn… đã ngăn cản các cá nhân kết hợp chặt chẽ với nhau. 

Mai V Pham

Nguồn : Tiếng Dân, 29/09/2018

(1) Sai trái ra sao, đọc thêm ở đây :

https://www.facebook.com/698881109/posts/10157828974536110/

https://www.facebook.com/698881109/posts/10157727253351110/

Published in Diễn đàn

Phải thận trọng với kiến thức dối trá ; nó còn nguy hiểm hơn sự ngu dốt

(Beware of false knowledge ; it is more dangerous than ignorance)

George Bernard Shawn

Trong thời đại Internet hôm nay, ngày càng có nhiều người chọn cách mở mang trí tuệ và cập nhật thông tin bằng mạng xã hội, web và blog. Tuy nhiên, đã có những cá nhân lợi dụng mạng xã hội để phát tán và lan truyền những thông tin sai và giả, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận hoặc nhằm đạt được mục đích đen tối, bẩn thỉu nào đó. Chính vì thế, chúng ta phải cảnh giác và thận trọng trước những thông tin giả và sai lệnh.

facebook00

Tại Việt Nam, thông tin nửa sự thật, nửa bịa đặt ngày càng nhiều trên Facebook

Tin giả đã trở thành một vấn đề nhức nhối với nhiều người. Trước đó, ngày 7/6, tờ Washington Post tường thuật rằng Twitter - mạng xã hội lớn nhất thế giới – đã khóa hơn 1 triệu tài khoản/một ngày vào những tháng gần đây trong một nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệnh ảnh hưởng tới những cuộc bầu cử tại (1). Mới đây ngày 31/7, Facebook cũng thông báo đã xóa 32 trang (Page) và nhiều tài khoản giả mạo (fake accounts) trong một nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công nhắm vào các cuộc bầu cử Mỹ (2).

Tại Việt Nam, thông tin nửa sự thật, nửa bịa đặt ngày càng nhiều trên Facebook. Điều đáng nói là số người đọc, likes và shares những bài viết sai lệch như thế là nhiều, nhưng số người nhận ra thông tin sai sự thật là thiểu số. Ví dụ như cách đây vài tuần, người viết thấy một bạn chia sẻ một bức ảnh gồm thủ tướng Việt Nam là Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Canada là Justin Trudeau như sau :

facebook1

Nếu đọc thông tin của người đăng ảnh là Nguyễn Xuân Phúc "sang Canada xin tiền", rồi nhìn gương mặt và dáng người của những người lính bên cạnh, chúng ta sẽ thấy họ không phải là người Canada, mà là người Việt Nam. Đây là sự mâu thuẫn dễ nhận thấy, khiến chúng ta nghi ngờ sự trung thực của tấm ảnh. Một điều quan trọng khác nữa giúp chúng ta nhận ra tấm ảnh đã được chỉnh sửa (photoshop) là nhờ vào kiến thức cũng như khả năng suy luận thông thường (common sense). Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hợp Quốc (United Nations), vì thế lá cờ Đỏ sao vàng được cộng đồng quốc tế công nhận. Cho dù Thủ tướng Canada yêu thích là cờ Vàng cách mấy, cũng sẽ không đón tiếp chính thức Nguyễn Xuân Phúc – đại diện nhà nước Việt Nam – bằng lá cờ Vàng vì tôn trọng nguyên tắc ngoại giao quốc tế.

Với những nghi ngờ đó, chúng ta có thể google tìm ra sự thật. Hãy google "Nguyễn Xuân Phúc đón thủ tướng Canada Justin Trudeau" sau đó chọn "Images". Google sẽ hiện ra những bức ảnh gốc chưa bị photoshop, chứng minh được tấm ảnh trên đã bị chỉnh sửa.

facebook2

Những ai yêu chuộng dân chủ cần phải mạnh mẽ lên án bất kỳ thông tin, bài viết nào với nội dung vận động và ủng hộ dân chủ nhưng lại xen vào đó sự dối trá. Đấu tranh chống chế độ cộng sản hung bạo – vốn là bậc thầy của dối trá, mà lại dùng tư duy gian dối và xảo trá, thì có khác gì với chế độ cộng sản ? Muốn vận động nhiều người dân tham gia cuộc cách mạng dân chủ, thì chúng ta ít nhất phải đồng ý với nhaumột nền tảng cơ bản : tôn trọng sự thật và kiên quyết bảo vệ lẽ phải bởi đó là vũ khí mạnh mẽ và đạo đức tối thiểu của một con người.

Đã thế, còn có những bài viết trên danh nghĩa là cung cấp kiến thức (knowledge) và sự thật (facts) về chính trị và lịch sử, nhưng lại đầy những chi tiết bóp méo sự thật, kèm theo những nhận định cảm tính và thành kiến. Nếu một người không có kỹ năng xác minh cũng như kiểm chứng các dữ liệu trong bài viết, thì họ sẽ trở thành nạn nhân của tư tưởng lệnh lạc, sai trái.

Dạy một người không có kiến thức chính trị cơ bản thì dễ hơn giáo dục lại một người bị tẩy não, tin vào những tư tưởng chính trị không đúng đắn. Nhà hoạt động chính trị đoạt giải Nobel Văn chương năm 1925 là George Bernard Shaw đã diễn đạt rất ý nghĩa sự nguy hiểm của thông tin sai lệch : "Phải thận trọng với kiến thức dối trá ; nó còn nguy hiểm hơn sự ngu dốt". Nếu các cử tri ở một đất nước dân chủ bịlừa gạt bởi những thông tin sai lệchcủa các chính trị gia mị dân và vô đạo đức, họ sẽ tiếp tay bầu chọn cho những kẻ bất tài và lạm quyền, và cuối cùng dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Vì thế, người viết mong muốn chia sẽ vài cách hữu ích cho những ai muốn nhận biết thông tin giả và kiểm chứng thông tin để trở thành một người đọc tỉnh táo, có chọn lọc.

Cách thức kiểm chứng thông tin

Kiểm chứng và xác minh thông tin là một trong những kỹ năng quan trọng của học sinh bậc cao đẳng, đại học ở các nước dân chủ tiến bộ. Có nhiều cách để nhận ra sự bịa đặt hay trung thực của một bài viết, nhưng giản dị nhứt là đặt ra cho bản thân những câu hỏi sau :

1. Tác giả của thông tin, bài viết đó là cá nhân hoặc tổ chức nào ?

- Cá nhân hoặc tổ chức – tác giả bài viết có đủ thẩm quyền không ? Ví dụ, tác giả viết một bài về kinh tế, nhưng lại không phải là một chuyên gia kinh tế, lại càng không tốt nghiệp ngành kinh tế, và cũng không được cộng đồng chuyên gia kinh tế đánh giá cao, thì người đọc phải thận trọng với nội dung bài viết.

- Nếu tác giả tự nhận là chuyên gia của một lĩnh vực nào đó, hãy google tìm hiểu thêm thông tin về tác giả. Tác giả đã từng xuất bản cuốn sách nào về lĩnh vực chuyên môn và được đánh giá cao chưa ? Tác giả có được tổ chức uy tín hoặc cộng đồng chuyên môn đánh giá cao về sự tin cậy hay không ?

- Nếu một bản tin trên một trang web hoặc blog, thì trang web đó có sự tin cậy trong lĩnh vực truyền thông hay không ? Trang web có mục thông tin về tổ chức hoặc cá nhân đứng đằng sau trang web đó hay không ? Cá nhân hoặc tổ chức đằng sau trang web đó có uy tín về truyền thông hay không ?

- Đăng nhập trang https://whois.icann.org/en hoặc http://whois.domaintools.com, để thu thập thông tin giá trị về trang web muốn tìm hiểu bao gồm : ngày đăng ký trang web, thành phố và nước đăng ký. Ví dụ, trang web giả mạo website của quốc hội Việt Nam là quochoi.org sẽ có những thông tin như sau :

facebook3

Từ những thông tin trên, chúng ta biết được trang quochoi.org được tạo ra vào năm 2010 và người đăng ký xuất thân từ một thành phố của Hoa Kỳ. Trang web của quốc hội Việt Nam mà lại đăng ký domain tại một thành phố của Hoa Kỳ thì có hợp lý hay không ? Chúng ta có thể google "quốc hội Việt Nam" và Google sẽ hiện lên trang web chính thức của quốc hội là quochoi.vn.

Bạn có thể vào http://whois.domaintools.com và gõ quochoi.vn vào ô tìm kiếm thì sẽ thấy được những thông tin cơ bản về trang web này như dưới đây :

facebook4

Điều cần lưu ý trang web của cơ quan nhà nước hoặc truyền thông uy tín luôn có mục "Liên Lạc" (Contact Us) hoặc "About Us" ở phía cuối trang web, với tên và địa chỉ của người đại diện trang web. Khi truy cập vào quochoi.vn, bạn sẽ thấy thông tin chi tiết của người đại diện trang web và địa chỉ liên lạc ở phía cuối trang. Những trang web nào có mục đích thông tin hoặc giáo dục, nhưng lại không có mục "Liên Lạc" và thông tin người đại diện, thì không đáng tin cậy. Trang giả quochoi.org không có mục "Liên Lạc" và cũng không có bất kỳ thông tin về người đại diện hoặc địa chỉ liên lạc.

- Lưu ý phần đuôi của trang web. Ví dụ những trang web có đuôi chấm .gov (chính phủ) ; .edu (giáo dục) ; .mil (quân đội) thì đáng tin cậy hơn những trang web có đuôi .com ; . net ; hoặc .info.

- Wikipedia là một trang web mở, nghĩa là ai có tài khoản cũng có thể sửa đổi nội dung có sẵn hoặc viết nội dung mới. Nhiều trường đại học Hoa Kỳ không cho phép sinh viên trích dẫn thông tin từ Wikipedia cho các bài luận văn vì không tin cậy. Ngắn gọn, nếu muốn học hỏi thêm kiến thức như lịch sử, chính trị, triết học…, thì Wikipedia chắc chắn không phải là nguồn đáng tin cậy. 

2. Nội dung chính của bài viết hoặc bản tin là gì ?

- Bài có trích dẫn nguồn (sources – citation) hay không ?

- Nguồn của bài đến từ các tác giả, tổ chức nghiên cứu uy tín và trung thực hay vô danh ?

- Nội dung có phản ánh thông tin chính xác và logic không ?

- Có trang web nào khác đăng nội dung như thế hay không ?

- Bài viết là một bản tin hay chỉ đơn thuần là ý kiến cá nhân ?

- Ngày đăng bài là ngày nào ?

- Trang web đăng bài có thường xuyên cập nhật nội dung hay không ?

Cần tập thói quen kiểm chứng bằng cách xác minh nguồn (sources – citation) cũng như truy tìm bằng chứng hỗ trợ các luận điểm về số liệu và thông tin trong bài viết. Học các giá trị đúng đắn thì luôn hữu ích, nhưng học điều lệch lạc, sai trái thì không chỉ hại bản thân, mà còn ảnh hưởng những người xung quanh. Ví dụ, một người đăng lên Facebook công thức chữa trị một căn bệnh nào đó. Bạn không chịu hoặc không biết cách kiểm chứng công thức đó xuất phát từ bác sĩ nào, có đáng tin cậy hay không, có phù hợp với mọi cơ thể hay không, mà #share ngay lập tức mặc dù trong thực tế công thức chữa bệnh đó đã được nhiều bác sĩ uy tín chứng minh là bậy bạ. Và người thân vô tình thấy công thức bạn share rồi làm theo và khiến bệnh trở nặng. Rõ ràng, hệ quả của việc truyền bá thông tin sai lệch là nguy hiểm và nghiêm trọng.

Quan trọng hơn, đọc các bài luận chính trị và lịch sử chứa những thông tin sai sự thật, lệch lạc trong một khoảng thời gian dài là đầu độc bộ não và tư duy. Kiến thức thì khổng lồ, nhưng cần tỉnh táo đặt câu hỏi chất vấn tài liệu mình đọc, có đáng tin cậy, phản ánh đúng sự thật hay không ?!

Thay lời kết

Một thói quen tốt cho mỗi anh chị em đấu tranh dân chủ là thực hành thường xuyên việc kiểm chứng thông tin và tài liệu trước khi #share trên mạng xã hội. Chia sẽ một thông tin sai lệch và bịa đặt liên quan đến cuộc vận động dân chủ sẽ khiến dư luận mất niềm tin với lực lượng dân chủ, làm suy yếu sự hậu thuẫn và gây tâm lý chán chườngtrong quần chúng.

Quan trọng hơn, đừng tiếp tay cho những kẻ bất lương và bọn giấu mặt của ban tuyên giáo, lan truyền thông tin bịa đặt về một cá nhân hoặc tổ chức nào đó của lực lượng dân chủ.Chế độ cộng sản là bậc thầy của tuyên truyền dối trá :

"Có một đội ngũ "lưỡi gỗ" rất đông đảo, chuyên "ngụy biện", "nói lấy được", "nói bừa bãi", "trắng trợn" bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".

(Nhật Ký Rồng Rắn – Trần Độ)

Chính vì thế, chúng ta phải học tập để có thể vạch trần những thủ đoạn tuyên truyền dối trá ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi của ban tuyên giáo và quan trọng làtrở thành độc giả tỉnh táo và khôn ngoan !

Để kết luận, xin phép trích dẫn lập luận nổi tiếng của nhà toán học kiêm triết gia William Kingdon Clifford (1845 – 1879) để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm chứng thông tin :

"Trong mọi nơi và cho tất cả mọi người, luôn luôn là sai trái khi tin vào bất kỳ điều gì mà không có đầy đủ bằng chứng"

(It is wrong, always, everywhere, and for anyone, to believe anything upson insufficent evidence).

Mai V. Phạm

(16/08/2018)

Tham khảo :

(1) Craig Timberg & Elizabeth Dwoskin, "Twitter is sweeping out fake accounts like never before, putting growth at risk", 07/06/2018.

(2) Nicholas Fandos & Kevin Roose, "Fakebook Identifies an Active Political Influence Campaign Using Fake Accounts", 31/07/2018.

Published in Quan điểm

Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học.

Phan Châu Trinh

pct0


Cách đây hơn 2000 năm, triết gia Hy Lạp cổ đại lừng danh Plato cho rằng khi tìm kiếm thợ trong một lĩnh vực nào đó, thì chúng ta thường chọn người có tay nghề cao. Nhưng trong chính trị, nhiều người lại cho rằng cứ ai có thể kiếm phiếu, thì có khả năng quản trị một thành phố hoặc đất nước. Plato nhấn mạnh rằng khi bị bệnh, chúng ta không tìm một vị bác sĩ đẹp trai hay có tài hùng biện. Vậy khi một đất nước yếu kém, chẳng phải chúng ta nên tìm kiếm sự phục vụ và dẫn dắt của những người khôn ngoan và có khả năng nhất sao ? Triết lý chính trị giản dị của Plato là quản trị đất nước cần các chính trị gia có khả năng và khôn ngoan thực sự (1).

Một ngộ nhận sai lầm của nhiều người Việt là không cần học cũng có thể ‘làm’ chính trị. Có nghề nghiệp nào mà không cần phải học, nhưng vẫn có thể trở thành thợ hoặc chuyên viên hay không ? Thợ sửa xe phải học kiến thức cơ bản về động cơ để có thể làm tốt công việc sửa xe. Tương tự, các chính trị gia cũng phải mở mang kiến thức và tư tưởng chính trị để thành công quản trị một thành phố hoặc quốc gia. Tony Blair, một trong những người giữ chức thủ tướng lâu nhứt nước Anh từ 1997 – 2007, đã hối hận không học khoa tư tưởng chính trị tại trường đại học (2).

Thêm nữa, một số người Việt ngộ nhận cho rằng hễ ai kinh doanh tốt thì có thể làm chính trị. Trong thực tế, không có một nghiên cứu học thuật nào kết luận một doanh nhân đồng nghĩa với khả năng làm chính trị tốt. Trong số những chính trị gia lỗi lạc đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực to lớn trong lịch sử nhân loại, phần trăm doanh nhân hoặc kinh tế gia là rất ít : James Madison – học giả thông thái, một trong những nhà lập quốc và là tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ ; John Adams – luật sư, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ ; Mahatma Ghandi – luật sư và là nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng góp phần mang độc lập đến cho Ấn Độ ; Winston Churchill – một nhà văn, nhà quân sự và là thủ tướng nổi tiếng của vương quốc Anh.

Ý thức và chính trị

Hành động của con người ở bất cứ nơi đâu được dẫn dắt bởi văn hóa, ý thức và tư tưởng – giúp chúng ta nhận ra và hiểu vì sao một cá nhân hoặc một đoàn thể lại hành động như thế. Nói cách khác, những ý thức và quan niệm mà một người nghĩ và tin về xã hội, quyền lực, chính trị … quyết định hành động của người đó. Hai khái niệm cơ bản về vai trò của ý thức trong chính trị :

Văn hóa chính trị (political culture) là toàn bộ những giá trị, truyền thống và lý tưởng, ảnh hưởng rộng lớn đến nền chính trị của một quốc gia và được phần lớn quốc dân chia sẽ. Ví dụ, văn hóa chính trị của Hoa Kỳ tập trung ở các giá trị dân chủ như tự do, công bằng, nhân quyền, chủ nghĩa cá nhân, công lý & pháp trị, lòng yêu nước, đồng thuận dân chủ, cơ hội bình đẳng. Văn hóa chính trị của Việt Nam bao quanh chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin, Nho giáo, và văn hóa Trung Quốc.

-  Hệ ý thức chính trị (political ideology) là hệ thống những quan điểm, ý thức hệ, học thuyết cũng như lập trường về một kế hoạch hành động, cương lĩnh chính trị bao gồm : thể chế chính trị, cạnh tranh quyền lực nhà nước, quản trị và tổ chức nhà nước, kinh tế thị trường, quyền tư hữu … Hiểu giản dị, hệ ý thức chính trị giải thích những lập trường, khuynh hướng, mục tiêu và phương pháp mà một nhóm người tin tưởng và tại sao. Ví dụ, ý thức hệ cộng sản của Marx là bãi bỏ tư hữu, cách mạng giải phóng bằng bạo lực, phủ nhận những chân lý vĩnh cữu, xóa bỏ cá nhân, quốc gia và giai cấp. Ý thức hệ của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism) là xây dựng xã hội tự do và bao dung, tôn trọng quyền con người và đa nguyên, đề cao bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Vai trò quan trọng của tư tưởng chính trị

Chính trị là chung tay giải quyết mọi vấn đề xã hội, vì thế đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chính trị gia có khả năng, khôn ngoan, và đạo đức, để mang đến hạnh phúc cho quốc dân và hưng thịnh cho đất nước. Chính trị gia, đại diện tiếng nói của quốc dân, có trách nhiệm tạo ra hoặc sửa đổi hầu hết mọi chính sách, pháp luật và hiến pháp. Họ sẽ dựa vào tiêu chuẩn và nền tảng nào để ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, đạo luật ? Khi có sự mâu thuẫn giữa tự do và luật lệ, chính trị gia sẽ dựa vào chuẩn mực nào để quyết định sự đúng đắn ? Công dân dựa vào giá trị, nguyên tắc nào để quyết định một người khôn ngoan chính trị hoặc một luật lệ đúng đắn/sai trái ?

Triết lý hoặc tư tưởng chính trị (political philosophy) sẽ hướng dẫn chúng ta tìm đáp án cho những câu hỏi trên một cách tỉ mỉ và nghiêm túc. Tư tưởng chính trị còn nghiên cứu về những tổ chức xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hoặc giữa công dân và nhà nước. Mục tiêu của triết lý chính trị là tìm ra những phương thức hữu hiệu, công bằng và đạo đức nhứt để quản trị xã hội và đất nước. Những câu hỏi mà các triết gia chính trị thường đặt ra :

-         Thể chế chính trị lý tưởng nhứt là gì

-         Điều gì quyết định tính chính danh của chính quyền ?

-         Các quyền tự do bao gồm những quyền tối thiểu nào ?

-         Những nền tảng đạo đức và luân lý của nhà nước cai trị là gì ?

-         Cái gì quan trọng hơn : tự do hay công bằng ?

-         Trách nhiệm đạo đức và luân lý của các chính trị gia là gì ?

-         Những yếu tố quyết định một xã hội tốt đẹp và công bằng là gì ?

-         Những vấn đề gốc rễ gây ra những vấn nạn xã hội là gì ?

-         Những yếu tố nào quyết định một quốc gia đáng sống ?

-         Quyền tối thiểu mà con người nên có là gì và tại sao ?

-         Quốc dân có được phép có quyền tư hữu không ?

-         Tại sao phải tách biệt tôn giáo và chính trị ?

-         Vai trò và nghĩa vụ của chính quyền là gì ?

-         Nhà nước nên hoạt động như thế nào để bảo đảm tự do và công bằng ?

-         Quốc dân có nghĩa vụ luân lý để tuân phục các quy định và pháp luật của nhà nước hay không ?

Tư tưởng chính trị giúp các chính trị gia lẫn công dân hiểu những giá trị đúng đắn và hướng dẫn cách thức đánh giá những thể chế xã hội (social institutions) là tốt hay xấu hoặc công bằng hay bất công.

John Rawls, cựu giáo sư triết học của đại học Havard và một triết gia về triết lý chính trị hàng đầu thế kỷ 20, đề ra 4 chức năng quan trọng của tư tưởng chính trị (3) :

-    Thực tiễn (practical) : Giúp chúng ta giải quyết những vấn đề pháp lý, chính sách, và chính trị bằng cách tìm kiếm sự đồng thuận hợp lý trên những vấn đề chia rẽ sâu sắc và mâu thuẫn, để thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn.

-    Định hướng (orientation) : Giúp chúng ta suy nghĩ về vai trò, mục đích và mục tiêu của mình trong xã hội. Nói cách khác, tư tưởng chính trị đóng vai trò định hướng, tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của đất nước bằng lập luận và suy ngẫm.

-     Hòa giải (reconciliation) : Khi không thể hòa giải những mâu thuẫn cũng như sự lo lắng và thịnh nộ với xã hội và lịch sử, thì các định chế dân chủ phát triển theo thời gian sẽ giải quyết bằng thủ tục hòa giải. John Rawls lưu ý rằng mặc dù tư tưởng chính trị có chức năng hòa giải nhưng không có nghĩa là sẽ dung túng và thỏa hiệp với những tư tưởng giáo điều, sai trái, độc tài và áp bức của chủ nghĩa Marx.

-     Lý tưởng thực tế (realistically utopian) : Mặc dù có những giới hạn thực tiễn, tư tưởng chính trị vẫn phải lý tưởng và thực tế, để xây dựng một xã hội khả thi, dân chủ và công bằng, nhằm vận động sự ủng hộ và hậu thuẫn của người dân.

Quản trị đất nước hiệu quả là một công việc khó khăn, cần những chính trị gia khôn ngoan, có khả năng, có bản lĩnh, yêu nước và phải nắm vững tư tưởng chính trị cũng như kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa, triết học, địa lý, và kinh tế. Chính vì thế, ở các nước dân chủ phát triển, việc quản trị đất nước luôn được đảm nhiệm bởi nhiều chính đảng – đảng cầm quyền và các đảng đối lập.

“Chi bằng học”

Chính trị là “quá trình hòa giải một cách ôn hòa những khác biệt và mâu thuẫn giữa xã hội và kinh tế”(4). Aristole, được coi là Cha đẻ của khoa học chính trị – học trò xuất sắc của Plato, gọi chính trị là ông chủ, bậc Thầy của khoa học (The master science) bởi vì tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị.

Kiến thức và tư tưởng chính trị là một hành trang không thể thiếu của những ai muốn dấn thân chính trị, ngoài lòng yêu nước không vụ lợi. Chính vì thế mà cách đây gần 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhắn nhủ đồng bào ‘vũ khí’ hiệu quả nhứt để giải thoát đất nước khỏi nô lệ và kém cỏi là “học hành, mở mang trí tuệ” : Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học (5).

Học kiến thức và tư tưởng chính trị ở đâu ? Một cách học đơn giản của người viết là đọc và suy nghẫm những cuốn sách được đánh giá cao về lịch sử, văn hóa, kinh tế và tư tưởng chính trị của các tác giả uy tín. Chẳng hạn như Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim ; Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính ; Hoàng Lê Nhất Thống Chi – Ngô Gia Văn Phái ; Huế 1968 : Bước ngoặc của Cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam (Hue 1968 : A Turning Point of the American War in Vietnam) – Mark Bowden ; Cộng Hòa (The Republic) – Plato ; Tinh Thần Pháp Luật (The Spirit of Law) – Montesquieu ; Khế Ước Xã Hội (Social Contract) – Jean Jacques Rousseau ; Chính trị luận (Politics) – Aristotle ; Khảo luận Thứ hai về Chính quyền (Second Treatise of Government) – John Locke ; Bàn Về Tự Do (On Liberty) – John Stuart Mill) ; Từ Độc Tài Đến Dân Chủ (From Dictatorship to Democracy) - Gene Sharp ; Tổ Quốc Ăn Năn – Nguyễn Gia Kiểng ; Người Cộng sản Trần truồng (The Naked Communist) – W. Cleon Skousen ; Sự Giàu Có của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) – Adam Smith.

Người có khả năng đọc hiểu English hoặc French sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp khối tài liệu khổng lồ, có giá trị hơn là người chỉ biết tiếng Việt. Người viết thiển nghĩ những cuốn sách triết học và chính trị bằng English, thì tương đối dễ hiểu hơn tiếng Việt.

Học là quan trọng, nhưng phải học cho đến nơi đến chốn. Như cụ Phan nhắn gửi thanh niên Việt Nam trong lá thư gửi cậu học trò tên Đông :

Than ôi ! Các anh thiếu niên ta ôi ! Xin các anh sẽ giữ cái trí thông minh, lòng ái quốc, chậm chậm mà đi, thủng thẳng mà xét, biết một việc cho chắc một việc, nói một câu cho trúng một câu : số phận nước nhà là ở trong tay các anh. Các anh chịu khó một tý, gia tâm một tý, tìm cho đến cội rễ, học cho hết ngọn nguồn, trước phải hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới : làm sao là khôn, làm sao là dại, sao là quốc túy nên giữ gìn, sao là tệ hại phải chấm dứt, các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục (6).

Thay lời kết

Trong tinh thần khiêm tốn, người viết mong nhiều anh chị nhận ra và ý thức được hành trang phải có trên con đường xây dựng dân chủ là tri thức và tư tưởng chính trị. Giải pháp cho vấn nạn độc tài toàn trị Việt Nam phải được thực hiện bởi những con người nhiệt thành, lương thiện và đam mê học hành “cho hết ngọn nguồn”. Ngoài nắm vững tư tưởng chính trị, các nhà chính trị cũng phải xem hưng thịnh của đất nước và hạnh phúc của dân tộc như là lý tưởng cao đẹp của đời mình.

Xây dựng một đất nước thịnh vượng và công bằng, bảo đảm hạnh phúc cho toàn dân là một công việc vô cùng khó khăn và lớn lao. Một cá nhân hoặc tổ chức dù lương thiện, nhưng không nắm kiến thức và tư tưởng chính trị, thì khó hoàn thành tốt nghĩa vụ cao quý này. Một đại biểu quốc hội hoặc bộ trưởng làm sao có thể phục vụ dân tộc nếu họ không thực sự hiểu và biết thế nào là công lý và lẽ phải ? Chính trị là “nghệ thuật của thỏa hiệp” và các chính trị gia phải nắm vững tư tưởng chính trị để quyết định khi nào, điều gì có thể thỏa hiệp hoặc không thể thỏa hiệp mà không ảnh hưởng đến dân quyền và lợi ích của quốc dân và quốc gia.

Không chỉ có lãnh đạo nhà nước, chính trị gia mới phải học tập tư tưởng chính trị, nhưng còn là toàn dân. Như Plato đã nhấn mạnh rằng một đất nước không thể ổn định mãi mãi nếu phần lớn quốc dân kém cỏi và không quan tâm chính trị : “Một trong những hình phạt cho việc từ chối tham gia vào chính trị là bạn sẽ bị cai trị bởi những kẻ thấp kém.” Triết lý (philosophy) là “tình yêu mến dành cho sự khôn ngoan” và một người không thể tuyên bố là mình đủ thông thái nếu như chưa từng học, hiểu về triết lý chính trị (political philosophy). Một đất nước dân chủ vững mạnh lâu dài phải là một đất nước chính trị, bao gồm các chính trị gia lẫn quốc dân đều nắm vững kiến thức và tư tưởng chính trị nền tảng.

Kinh nghiệm thành công của những quốc gia giàu mạnh và hạnh phúc chứng minh được vai trò quyết định của các chính đảng với những cá nhân trí tuệ và nắm vững tư tưởng chính trị. Nếu tổ quốc Việt Nam xây dựng được một lực lượng gồm những con người như thế, thì dân tộc Việt Nam sẽ sớm có dân chủ tự do đích thực.

Mai V. Phạm

(02/08/2018)

Tham khảo :

(1) Will Durant, “Story of Philosophy”, First Simon & Schuster Paperback Edition (2005).

(2) Adam Swift, “Political Philosophy”, Polity Press (2014).

(3) John Rawls, “Justice as Fairness : A Restatement”, The Belknap Press of Havard University Press (2001).

(4) Turner et al, “American Government”, BVT (2016).

(5) Phan Châu Trinh, “Hiện trạng và vấn đề”, Tiếng Dân số 613, 1933.

(6) Phan Châu Trinh, “Thư gửi cậu học trò tên Đông”, 1925.

Published in Quan điểm

"Luôn luôn trung thành với tổ quốc. Chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng."

Mark Twain

Đã có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lẫn bộ ngoại giao các nước dân chủ cảnh báo sự sai trái của luật An ninh mạng và đề nghị Quốc hội Việt Nam xem xét không thông qua luật này. Điều đáng chú ý, đã có những cá nhân, trước đây không quan tâm đến chính trị, cũng phản đối mạnh mẽ đạo luật này, vốn được sao chép từ luật An ninh mạng Trung Quốc.

anm1

Luật an ninh mạng Việt Nam được sao chép từ luật An ninh mạng Trung Quốc - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản đối khắp nơi, cơ quan lập pháp bù nhìn Việt Nam vẫn mặc kệ, ra quyết định thông qua đạo luật vi hiến này. Lại một lần nữa như xuyên suốt hơn 60 năm qua, Quốc hội Việt Nam với hơn 95% là đảng viên, đã chứng minh được sự vô dụng, đớn hèn và vai trò nô lệ của mình : bấm nút theo lệnh của bộ chính trị bất chấp đúng hay sai.

Một ngụy biện rõ ràng của ban tuyên giáo cộng sản về đạo luật này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm bảo đảm an ninh mạng. Tất nhiên nước nào cũng có luật, nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng cũng như quyền tự do tối thiểu của người dân. Nhưng duy chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là dùng luật An ninh mạng để che giấu các quy định kiểm soát thông tin, bịt miệng tiếng nói lương tâm của nhân dân nhằm bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Chính bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng công khai mục đích của luật An ninh mạng : "Cần có luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi gì thì chửi".

Chúng ta có thể liệt kê nhiều nguyên nhân khác nhau để tố cáo sự mơ hồ, không hợp pháp của luật An ninh mạng. Tuy nhiên, một nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhứt khiến cho đạo luật này trở nên tùy tiện và vi hiến : vi phạm nghiêm trọng quyền tự do con người, vốn được cả Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về Nhân quyền bảo vệ.

Thứ nhứt, luật An ninh mạng chà đạp trắng trợn quyền tự do con người tối thiểu : quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể là Điều 8, Điều 15 và Điều 26 của đạo luật này :

- CẤM "sử dụng không gian mạng" để "soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin" "có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc".

- CẤM "sử dụng không gian mạng" để "tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

- CẤM tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm "tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân," và "thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối".

- CẤM "trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin" mà chính quyền cho là "xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia".

Thế nào là thông tin tuyên truyền chống nhà nước ? Dựa vào hành vi nào, theo điều luật nào để chứng minh hành động "xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối" ? Dựa vào bộ luật nào để quy định "xúc phạm", "xuyên tạc" "xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia" ?

Phải chăng những thông tin trung thực phản ánh sự thật bị quy là "xúc phạm", "xuyên tạc" ? Phải chăng công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận, được Hiến pháp bảo vệ để đóng góp hoặc phê bình, dựa trên dữ liệu lịch sử trung thực, về "quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân" cũng bị chụp mũlà "xúc phạm" ?

Trong thực tế tại Việt Nam, một bài viết chứng minh việc bắt giữ sai trái của Bộ Công an, cũng có thể bị cơ quan an ninh quy tội "xuyên tạc". Hoặc, một cuộc họp mặt ôn hòa được Hiến pháp bảo vệ, giữa những người chia sẽ cùng quan điểm về thực trạng đất nước, hoặc sự không hợp pháp của một điều luật nào đó, cũng có thể dễ dàng bị Bộ Công an quy chụp là "tụ tập đông người gây rối".

Điều 25 Hiến pháp quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình". Nghĩa là công dân hoàn toàn có quyền được bày tỏ chính kiến, phản biện, phê bình, và chỉ trích mọi hoạt động cũng như chính sách bất công của chính phủ.

Khoản 2, Điều 19 Luật Công ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng, nhấn mạnh :

"Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ".

Thứ hai, luật An ninh mạng còn vi phạm quyền riêng tư. Cụ thể, luật An ninh mạng buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải gỡ bỏ bất kể là nội dung gì "chậm nhất là 24 giờ", nhận được lệnh từ Bộ Thông tin và truyền thông hoặc Bộ Công an.

Kinh khủng hơn, luật này còn buộc các công ty cung cấp Internet phải báo cáo với chính quyền những ai đăng tải các nội dung "bị cấm" và phải cung cấp thông tin người sử dụng dịch vụ cho chính quyền mà không cần lệnh của tòa án : phải "cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản".

Luật An ninh mạng : tùy tiện và chà đạp hiến pháp

Mẫu số chung của các quy định trong luật An ninh mạng là : "hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Chỉ xét riêng về luận điểm này, thì điều luật là rất mơ hồ và vi hiến bởi Điều 2 Hiến pháp khẳng định : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là do nhân dân làm chủ".

Nhà nước là do "nhân dân làm chủ" thì nhân dân hoàn toàn có quyền phản đối nếu toàn bộ chính quyền không làm tròn chức trách, tham nhũng không có giới hạn, hủy hoại tài nguyên đất nước và tha hóa đạo đức xã hội. Người chủ nào mà không có quyền lực sa thải nhân viên khi nhân viên đã được chứng minh là vi phạm luật pháp lẫn đạo đức ? Quyền lực cai trị của chính quyền đến từ nhân dân vì thế, mọi người dân đều có quyền tham gia và giám sát hoạt động của nhà nước và chính phủ.

Ở những quốc gia dân chủ, việc công dân bày tỏ chính kiến về các vấn đề của nhà nước luôn được khuyến khích và hoan nghênh. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu : "Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn".

Rõ ràng, các quy định của luật An ninh mạng là một sự chà đạp trắng trợn quyền riêng tư, thể hiện sự lạm quyền thô bạo của chính quyền cộng sản, nhằm đàn áp và bóp nghẹt bất đồng chính kiến, duy trì quyền lực cai trị.

Luật pháp giản dị là công cụ phục vụ sự tồn vong của đảng cầm quyền. Nó độc quyền giải thích luật và áp dụng luật một cách tùy tiện, bất chấp công lý, miễn là có lợi cho chế độ. Nó ngang ngược đứng trên hiến pháp, pháp luật và đập nát nguyện vọng tự do của nhân dân.

Chế độ độc tài bóp nát nhân quyền

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập tháng 9/1945, Hồ Chí Minh đã phát biểu rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, ai cũng có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Quyền tự do tối thiểu của con người là được bày tỏ chính kiến. Chỉ vì sợ hãi và bất lực trước sự bày tỏ chính kiến ngày càng gia tăng của công dân, mà cường quyền cộng sản đã sao chép luật An ninh mạng Trung Quốc, nhằmdễ dàng kiểm soát và bóp nghẹt tự do của nhân dân Việt Nam.

Sự khác biệt cơ bản của một đất nước tự do và độc tài là công dân có khả năng bày tỏ chính kiến và phản đối các chính sách sai trái của chính phủ mà không bị buộc tội. Tự do ngôn luận là nền tảng quan trọng, quyết định hầu hết các quyền tự do khác.

Sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia không phải là chức trách độc quyền của chính phủ, nhưng còn phụ thuộc to lớn vào sự tham gia của công dân, công khai đóng góp ý kiến đúng đắn và phê bình thiện chí về mọi hoạt động của chính phủ.

Đất nước hiện không có chiến tranh, nhưng đảng cộng sản phải hình thành và nuôi ăn một lực lượng quân đội khổng lồ, hơn mười ngàn người, không phải để chiến đấu chống quân địch ngoại bang, nhưng là để bịt miệng và tấn công chính đồng bào Việt Nam. Trong mắt của Bộ chính trị, "thế lực thù địch" là những con người quan tâm đến thực trạng đất nước, bày tỏ sự bất mãn trước một chế độ tham nhũng nghiêm trọng, và lên tiếng trước sự oan ức của đồng bào. Chóp bu cộng sản giáo điều hiện nay như những con "ếch ngồi đáy giếng", bằng mọi thủ đoạn dơ bẩn và đê hèn, luôn trong tư thế đàn áp, tấn công bất kỳ ai dám yêu cầu quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Có một quốc gia hạnh phúc và đáng sống nào như thế hay không ?

Sẽ không ai đánh giá công tâm hơn về đảng cộng sản bằng chính các vị lãnh đạo cộng sản cao cấp, thâm niên. Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, kiêm Phó Chủ tịch quốc hội đã nhận xét về đảng cộng sản Việt Nam như sau :

Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ "lưỡi gỗ" rất đông đảo, chuyên "ngụy biện", "nói lấy được", "nói bừa bãi", "trắng trợn" bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".

Trong khi ấy, bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi… một Đảng cầm quyền xa rời nhân dân, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Đảng : nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm trong tay Đảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp.

(Nhật Ký Rồng Rắn)

Thay lời kết : một đạo luật bất công thì không phải là luật

Nhân dân tạo ra chính phủ vì thế họ có quyền đồng thuận tuân thủ hoặc phản đối các luật lệ mà chính phủ tạo ra. Nếu chính phủ tạo ra các luật lệ công bằng, bảo đảm nhân quyền thì nhân dân sẽ đồng ý tuân thủ các luật lệ đó. Ngược lại, nếu chính phủ tạo ra những luật lệ bất công, thì trách nhiệm của một người yêu nước là phản đối nó và kêu gọi thiết lập một chính phủ mới, chấp nhận đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và bảo đảm nhân quyền cho nhân dân.

Thánh Augustine từng có một câu nói rất nổi tiếng : "một đạo luật bất công thì không phải là luật".

Martin Luther King cũng viết : "chúng ta không chỉ có trách nhiệm pháp lý mà còn có trách nhiệm đạo đức để tuân thủ các đạo luật công bằng. Nhưng, chúng ta phải có trách nhiệm đạo đức để không tuân thủ các đạo luật bất công".

Trong khi chính quyền ở các quốc gia dân chủ tiến bộ nỗ lực xây dựng quốc gia hạnh phúc cho nhân dân họ bằng cách bảo đảm cho quốc dân có những quyền tự do tối thiểu cũng như sự bình đẳng trước pháp luật. Còn chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ có một mối quan tâm duy nhất đó là duy trì quyền lực của chế độ và gia tăng quyền lợi của các đảng viên. Chính quyền dân chủ đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết ; ngược lại, chính quyền cộng sản đặt lợi ích chế độ lên trên hết.

Chính quyền cộng sản không còn che dấu mà đã lộ rõ bản chất độc tài cai trị, chiếm đóng đất nước, xem nhân dân là nô lệ phục vụ chế độ. Một chính phủ chỉ có thể tồn tại nếu nhân dân ủng hộ. Chế độ cộng sản không có bất kỳ một lý do nào để tồn tại và phải được thay thế ngay lập tức bằng thể chế dân chủ đa nguyên.

Edward Abbey nói : "Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước". Những ai đang khát khao thay đổi thực trạng lụn bại của đất nước để mang tới tương lai tươi sáng cho con cháu : hãy vượt qua nỗi sợ và tìm đến nhau.

Chế độ cộng sản là bậc thầy của bạo lực và dối trá vì thế nó không bao giờ lo lắng người chỉ có vũ lực trong đầu, nhưng sợ người có tư tưởng và lý luận đúng đắn. Cần kiên trì học hỏi nâng cao kiến thức chính trị rồi khéo léo khai sáng tư tưởng dân chủ đúng đắn đến với càng nhiều người càng tốt. Những ai muốn cống hiến nhiều hơn cho cuộc cách mạng dân chủ, hãy tham gia/ủng hộ một tổ chức uy tín hoặc thận trọng liên kết lại với nhau, sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của một tổ chức đáng tin cậy cho một cuộc bất tuân dân sự trên toàn quốc trong tương lai.

Hãy thắp lên một ngọn nến cho một tương lai nhân quyền, tươi sáng cho con cháu của chúng ta bằng cách góp phần khai dân trí và dấn thân chính trị, chứ đừng nên dừng lại ở việc nguyền rủa bóng đêm cộng sản.

Mai V. Phạm

(26/06/2018)

"Chung Một Giấc Mơ Việt Nam"

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in Quan điểm

Donald J. Trump và nhà độc tài Kim Jong-un vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6/2018. Điều đáng chú ý và gây thất vọng trong cuộc gặp gỡ Trump-Kim chính là những lời khen ngợi của Trump dành cho Kim Jong-un cũng như sự nhượng bộ khá lớn của Hoa Kỳ dành cho Bắc Hàn.

kim1

Đáng chú ý và gây thất vọng trong cuộc gặp gỡ Trump-Kim chính là những lời khen ngợi của Trump dành cho Kim Jong-un

Chưa có một tổng thống Hoa Kỳ nào lại hợm hĩnh khen ngợi một kẻ độc tài máu lạnh, giống như Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald J. Trump. Điều kinh hoàng, chỉ vài tiếng trước cuộc họp thượng đỉnh với Kim Jong-un, Trump đã tấn công thủ tướng Justin – Canada, vốn là đồng minh dân chủ lâu năm của Hoa Kỳ bằng lời lẽ nặng nề :

"Con người hai mặt, bề ngoài dịu dàng mềm mỏng lúc gặp mặt nhau, nhưng thực ra rất không đàng hoàng và yếu đuối".

Nhưng với nhà độc tài tàn bạo Kim Jong-un thì Trump lại hết lời khen ngợi.Trump hớn hở nói :

"Well, he is very talented. Anybody that takes over a situation like he did at 26 years of age and is able to run it and run it tough. I don't say he was nice.Very few people at that age – you can take one out of ten thousand, probably couldn’t do it".

Tạm dịch : Kim Jong-un rất tài năng. Không phải ai cũng có thể làm được khi đặt mình vào vị trí của Kim Jong-un ở tuổi 26. Kim có thể điều hành, và rất đáng nể. Tôi không nói là Kim Jong-un tốt bụng. Rất ít người ở độ tuổi đó – 1 trong khoảng 10 ngàn người - có thể làm được như Kim Jong-un.

Có phải ý Trump muốn nói Kim Jong-un "rất tài năng" có thể "điều hành rất đáng nể" vì hắn có thể giết người, thanh trừng, thủ tiêu các đối thủ lẫn người dân Bắc Hàn mà không run tay ? Trump lẽ nào quên rằng cũng giống như ông Nội và Cha mình, Kim Jong-un cũng đang cai trị một đất nước bằng thể chế độc tài toàn trị. Trump lẽ nào không biết có khoảng 30 ngàn người dân đã bỏ trốn khỏi Bắc Hàn và mô tả cuộc sống địa ngục, đầy khổ đau tại đây ? Trump lẽ nào quên rằng triều đại nhà họ Kim đã và đang cướp đoạt quyền sống, quyền làm người và quyền mưu cầu hạnh phúc của hơn 20 triệu con người ?

Chưa dừng lại ở đó, khi về đến Hoa Kỳ, Trump còn trả lời phỏng vấn :

"Đất nước Bắc Hàn rất yêu mến Kim Jong-un. Dân tộc Bắc Hàn có một sự hăng say rất lớn. Họ sẽ kết hợp lại để xây dựng một đất nước lớn mạnh".

Trump lẽ nào quên rằng nhà họ Kim đã dùng vũ lực tàn bạo để cưỡng ép người dân tôn thờ chế độ ? Trump lẽ nào không biết người dân Bắc Hàn bị cưỡng ép "yêu mến" chế độ độc tài nhà họ Kim bằng vũ lực sao ? Nếu nói về số phận của người dân bất hạnh nhứt thế giới, thì Bắc Hàn sẽ đứng đầu danh sách. Đến giờ này, hơn 20 triệu người dân Bắc Hàn, trừ thành phần quan chức phục vụ vương triều họ Kim, vẫn đói ăn từng ngày, không được tiếp cận thông tin, không được sử dụng Internet, sống đời nô lệ vô cùng khốn khổ và đầy dẫy bất công.

Tôi tự hỏi mình đang sống ở thế kỷ dân chủ và nhân quyền hay là thế kỷ của bọn độc tài tung hô nhau ? Không có một báo cáo nào về việc Kim Jong-un khen Hoa Kỳ hoặc khen Tổng thống Trump, nhưng chỉ có Trump hớn hở, hết lời tung hô Kim Jong-un.

Nếu ai đó cho rằng Trump khen Kim Jong-un là chuyện thường tình, thì hãy thay thế hình ảnh Kim Jong-un bằng Hitler hay Hồ Chí Minh. Chế độ toàn trị của Bắc Hàn được các ủy ban nhân quyền so sánh về mức độ tàn ác ngang với chế độ phát xít Đức của Hitler. Nếu so về độ độc ác và dã man thì Hitler chỉ là học trò của Kim Jong-un vì Hitler giết người Do Thái là do sợ và ghét. Còn Kim Jong-un giết chính đồng bào và người thân cận nhứt của mình vì quyền lực, không phải bằng một phát đạn hoặc một liều thuốc độc, nhưng là bằng súng phòng không và súng phun lửa.

Sẽ có người cho rằng những người mà Kim Jong-un giết là đáng chết vì bọn đó theo Trung Quốc. Ai cho bạn thẩm quyền xét xử ai đáng sống, kẻ phải chết ? Giết người là TỘI ÁC và SAI TRÁI. Nên nhớ, Kim Jong-un không chỉ giết bọn thân cận với Trung Quốc bằng cách thức rất tàn nhẫn và man rợ, mà còn giết luôn cả những người thân của bọn họ.

Nếu ai đó cho rằng Trump chỉ khen Kim Jong-un theo hình thức ngoại giao, không cần để ý, thì nên tự chất vấn bản thân về chuẩn mực đạo đức. Quy tắc ngoại giao nào yêu cầu khen ngợi kẻ độc tài như Stalin, Mao, Hitler, Kim Jong-un ?

Cứu cánh của chính trị là đạo đức và tự do. Một chính trị gia trước hết phải là một người đạo đức và chính trực. Là người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ, đại diện cho một nước dân chủ phát triển, luôn tôn trọng các vấn đề nhân quyền, mà phát biểu tùy tiện được sao ? Lời phát biểu của lãnh đạo cao nhất đại diện nhân dân Hoa Kỳ mà không cần suy nghĩ, tầm bậy như thế sao ? Lý tưởng của Trump là gì ? Là bênh vực lẽ phải hay tung hô cái ác ? Liêm chính, chính trực là một đặc tính phải có của các nhà lãnh đạo ở mọi lĩnh vực. Một người chính trực sẽ luôn bênh vực lẽ phải, chống đối sai trái, điều ác và không bao giờ hết lời khen ngợi kẻ giết chính đồng bào mình không chút thương xót.

Tôi tự hỏi, nếu Trump dùng những lời khen ngợi Kim Jong-un cho Hồ Chí Minh, thì những người Việt Nam thù ghét chế độ độc tài, đang sống trong và ngoài nước, sẽ nói gì ?

Từ lúc lên ngai năm 2011, Kim cai trị cực kỳ tàn bạo, khiến Bắc Hàn trở thành nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới.

Một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2014 về tình trạng nhân quyền đã kết luận rằng Bắc Hàn đã gây ra những tội ác kinh khủng như thời Đức quốc xã bao gồm "thanh trừng, giết người, nô lệ, tra tấn, giam cầm, hãm hiếp, cưỡng ép phá thai và bạo lực tình dục, đàn áp chính trị, đàn áp tôn giáo, đàn áp dựa trên chủng tộc và đàn áp dựa trên giới tính, bắt cóc và hành động vô nhân đạo khi cố ý gây ra nạn đói kéo dài".

Kim Jong-un – Kẻ độc tài máu lạnh tàn ác

Theo Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hoa Kỳ, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, Kim Jong-un đã củng cố và thâu tóm quyền lực của mình bằng cách xử tử đối thủ và kẻ thù. Trong sáu năm đầu tiên, Kim Jong-un đã ra lệnh hành quyết ít nhất 340 người.

Năm 2016, phó thủ tướng Kim Yong-jin phụ trách về giáo dục, đã bị xử bắn trước mặt nhiều người, sau khi thể hiện "tư thế thiếu tôn trọng" trong một cuộc họp với Kim Jong-un.

Hyon Yong-chol cũng bị xử tử hình bằng súng phòng không vì "ngủ gật trong một sự kiện quân đội" có sư góp mặt của Kim Jong-un.

Một người chú của Kim Jong-un là Bộ trưởng Quốc phòng Jang Song-thaek bị kết tội phản quốc. Sau đó Jang Song-thaek bị hành hình bằng súng máy phòng không và cơ thể bị thiêu đốt bằng súng phun lửa.

Một quan chức Bắc Hàn sống lưu vong ở nước ngoài cho biết cô ruột của Kim Jong-un là Kim Kyong-hui, vợ của Bộ trưởng Quốc phòng Jang Song-thaek, cũng bị đầu độc. Sau cái chết lần lượt của Jang Song-thaek và cô ruột, Kim Jong-un được cho là đã xử tử 7 thành viên còn lại trong gia đình cô ruột mình.

Thứ trưởng quốc phòng Kim Chol đã bị xử tử hình bằng súng cối với cáo buộc say xỉn trong thời gian để tang cố lãnh đạo Kim Jong-il tháng 12/2011. Theo nguồn tin từ Seoul, Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử Kim Chol bằng các khẩu súng cối "không để lại bất kỳ dấu vết nào, kể cả một sợi tóc".

Kim Jong-nam, người anh cùng Cha khác Mẹ của Kim Jong-un, đã bị đầu độc bằng chất hóa học tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 2/2017. Tất cả các bằng chứng thu thập được đều chứng minh kẻ đứng sau ra lệnh sát hại Kim Jong-nam là lãnh tụ tối cao Kim Jong-un.

Khủng khiếp hơn, chế độ Kim Jong-un cũng thường xuyên bỏ đói người dân để phô trương quyền lực cai trị. Một bản báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc năm 2014 cho thấy nạn đói và suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề phổ biến tại Bắc Hàn, và tử vong do nạn đói vẫn tiếp tục xảy ra.

Bắc Hàn : Địa ngục trần gian

Trừ những người phục vụ chế độ độc tài nhà họ Kim, thì khoảng 20 triệu người dân Bắc Hàn còn lại luôn phải sống trong sợ hãi bởi chế độ họ Kim cai trị bằng chính sách tàn nhẫn công an trị. Khắp nơi là công an, luôn trong tư thế sẵn sàng bắt giam bất cứ ai bị buộc tội liên quan đến chính trị. Những người bị bắt giam sẽ bị kết án tù mà không được xét xử trong khi người thân không hay biết.

kim3

Một bản báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc năm 2014 cho thấy nạn đói và suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề phổ biến tại Bắc Hàn, và tử vong do nạn đói vẫn tiếp tục xảy ra.

Trong năm 2014, có tới 120.000 tù nhân đang bị giam giữ tại 4 nhà tù chính trị lớn của Bắc Hàn và đã phải chịu đựng những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt và khủng khiếp. Các tù nhân bị đói, bị buộc phải lao động khổ sai, bị tra tấn và cưỡng hiếp. Quyền sinh con bị từ chối bằng cách cưỡng bức phá thai và giết các trẻ sơ sinh. Hàng trăm ngàn tù nhân chính trị đã chết trong các trại trong vòng 50 năm qua.

Ngoài các trại tù chính trị, Bắc Hàn cũng có các nhà tù cho những người bị cáo buộc những tội thông thường. Các tù nhân phải đối mặt với sự tra tấn liên tục và bị bỏ đói.

Kim Jong-un thắng lớn và snhượng blớn của Trump

Kim Jong-un rời Singapore với chiến thắng "vang dội" vì đã đạt được bốn thành tựu to lớn. Ngược lại, Trump không đạt được gì đáng kể và rõ ràng. Thành tựu lớn nhứt của Trump có lẽ là trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên họp mặt với đế vương Bắc Hàn – vốn là điều mà các tổng thống trước không muốn thực hiện vì sự bất tín liên tục của Bắc Hàn.

Thành tựu đầu của tên độc tài tàn bạo là được gặp gỡ nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Từ trước đến giờ, nhà họ Kim bị thế giới văn minh liên tục lên án và chỉ trích vì sự độc ác và man rợ. Chẳng có lãnh đạo dân chủ nào muốn đàm phán vì Bắc Hàn đã liên tục vi phạm các thỏa thuận quốc tế. Có thể nói, Trump là một món quà từ trời xuống tặng cho Kim Jong-un  rõ ràng cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ là một thành tựu hơn cả ông Nội và Cha của Kim Jong-un.

Kim Jong-un muốn gặp Trump để có được sự chính đáng cho chế độ trên chính trường quốc tế, cũng như cho mục đích tuyên truyền. Jean H. Lee, một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Wilson Center cho biết :

"Bạn không thể tưởng tượng người dân Bắc Hàn sẽ tự hào như thế nào về cuộchọp thượng đỉnh với Hoa Kỳ. Họ biết đất nước của họ là nhỏ bé rất nghèo khổ. Đối với họ hình ảnh lãnh đạotối cao Bắc Hàn ngồi đàm phán với tổng thống Hoa Kỳ,tạo nên tính chính đáng và nó sẽ ghi điểm cho Kim Jong-un khi trở về Bắc Hàn".

kim2

Kim Jong-un thắng lớn và snhượng blớn của Trump

Chuyện Kim Jong-un hoàn toàn từ bỏ hạt nhân vào thời điểm này là chuyện cổ tích, bởi hắn không muốn trở thành Gaddafi (Lybia) thứ II. Kim Jong-un cần hạt nhân để bảo vệ mạng sống của chính mình và triều đại nhà họ Kim. Vũ khí hạt nhân là đòn bẫy (leverage) giúp Kim Jong-un trở nên có giá trị hơn, khiến tất cả các nước phương Tây và cả Trung Quốc, không dám coi thường.

Nếu ai nghĩ do chế độ cộng sản Bắc Hàn hiện tại đang hết tiền nên buộc phải từ bỏ hạt nhân, thì đó là sai lầm. Mặc dù Bắc Hàn bị cấm vận kinh tế rất nặng nề nhưng vẫn lén lút giao dịch thương mại với Trung Quốc, Nga và giao dịch hạt nhân với Iran. Đáng gờm hơn, Bắc Hàn còn thực hiện các cuộc tấn công mạng (cyber attacks) rất chuyên nghiệp và quy mô để kiếm rất nhiều tiền. Năm ngoái, Bắc Hàn đã tấn công hệ thống xử lý các giao dịch ngân hàng toàn cầu SWIFT, thực hiện một cuộc lừa đảo 1 tỉ đô nhưng cuối cùng chỉ chiếm được 81 triệu đôla.

Thành tựu thứ hai mà Kim Jong-un có là được Trump "cam kết sẽ đảm bảo an ninh" cho Bắc Hàn. Nghĩa là cuộc họp thượng đỉnh bảo đảm chế độ toàn trị Bắc Hàn sẽ không bị Hoa Kỳ tấn công.

Thành tựu thứ ba là ngay lập tức Trump đã tuyên bố hủy bỏ các cuộc tập trận Mỹ-Nam Hàn trong sự quan ngại an ninh của Nhật Bản và Nam Hàn.

Thành tựu cuối cùng là Kim Jong-un đã đảo ngược chính sách cấm vận tạo "áp lực tối đa" của Hoa Kỳ lên Bắc Hàn. Từ giờ, Bắc Hàn có thể âm thầm và ung dung làm những gì Kim Jong-un muốn.

Đáp trả lại 4 thành tựu mà Trump đã tự nguyện trao dâng, Kim Jong-un đã có một lời hứa mơ hồ là "cố gắng hướng tới" phi hạt nhân, mà không hề đề cập chi tiết về THỜI GIAN hoặc CÁCH THỨC ĐỂ XÁC MINH lời hứa phi hạt nhân. Trump có lẽ không biết rằng Bắc Hàn đã liên tục vi phạm các thỏa thuận quốc tế và là ông tổ nhà họ hứa (hứa mà không bao giờ làm).

Đáng nói hơn là Bắc Hàn định nghĩa phi hạt nhân chủ yếu về mặt giới hạn đối với các hệ thống của Hoa Kỳ. Ngược lại, Hoa Kỳ định nghĩa phi hạt nhân là sự hủy bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể dễ dàng đảo ngược các chương trình hạt nhân. Có thể thấy, ngay cả khi đồng ý phi hạt nhân, cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn nói hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.

Chuyên gia Zhao Tong, Viện Carnegie đại học Thanh Hoa - Bắc Kinh nhận xét :

"Chiến lược rất rõ ràng của phía Bắc Hàn gồm hai giai đoạn : một là nhanh chóng làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa hạt nhân. Mục tiêu đó đã hoàn thành vào cuối năm 2017. Do vậy giờ đây Bình Nhưỡng bước sang giai đoạn hai. Cho tới giờ, mục đích của Bắc Hàn là vẫn giữ vũ khí hạt nhân và trên cơ sở đó phát triển quan hệ hữu hảo với cộng đồng quốc tế.

Bắc Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử ngay vào thời điểm này hay trong tương lai gần. Bình Nhưỡng cần những loại vũ khí ấy để phòng thân. Bắc Triều Tiên không có thể tin vào những bảo đảm về an ninh của một nước thứ ba nào. Mọi bảo đảm ấy đều có thể dễ dàng bị hủy bỏ. Để tồn tại, Bắc Triều Tiên cần có vũ khí hạt nhân. Đành rằng chính ông Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể nào để thực hiện lời hứa đó".

Tóm lại, Kim Jong-un đã thắng đậm : vừa được Trump tung hô như một anh hùng, vừa có được tính chính đáng cho mục đích tuyên truyền và đặc biệt được Trump tự nguyện trao tặng những gì Kim Jong-un muốn. Quá hời. Đúng là Kim Jong-un đã chứng minh được sự "thông minh" ma mãnh của hắn hơn hẳn Tổng thống Hoa Kỳ, Donald J. Trump.

Bất hạnh và đáng thương vẫn là hơn 20 triệu người dân Bắc Hàn. Trong khi người dân Nam Hàn đã được hưởng tự do, nhân quyền đích thực và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì đại đa số người dân Bắc Hàn vẫn đang sống kiếp nô lệ cực kỳ khốn khổ và đầy dẫy bất công. Các chế độ độc tài cộng sản luôn gây ra những tội ác kinh khủng và là tai họa của nhân loại. Ngày nào các nước độc tài toàn trị còn tồn tại, ngày đó các nước dân chủ văn minh còn phải tiếp tục và mạnh mẽphản đối và lên án tội ác của bọn chúng.

"Thế giới sẽ KHÔNG bị hủy diệt bởi những người làm điều ÁC, mà bởi những người ĐỨNG NHÌN mà KHÔNG làm gì cả" - Albert Einsten.

Mai V. Phạm

"Chung một giấc mơ Việt Nam"

Tham khảo :

https://www.nytimes.com/…/asia/north-korea-human-rights.html

https://www.nytimes.com/2017/03/22/business/dealbook/north-korea-said-to-be-target-of-inquiry-over-81-million-cyberheist.html

Published in Quan điểm

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Rassemblement pour la Démocratie Pluraliste

Rally for Democracy and Pluralism

chim1

 

Tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về vụ án Hội Anh Em Dân Chủ và việc chính quyền cộng sản gia tăng đàn áp

Như có thể chờ đợi, phiên tòa phúc thẩm ngày 04/06/2018 vừa qua đã giữ nguyên vẹn bản án tùy tiện dã man của phiên tòa sơ thẩm trước đó đối với các anh chị em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ. Họ bị xử 66 năm tù và 17 năm quản chế trong một phiên tòa qua loa chiếu lệ.

Phiên tòa này cũng không khác các phiên tòa chính trị gần đây dành cho những người dân chủ. Chúng đều diễn ra với cùng một kịch bản đàn áp trong đó những người không chỉ hoàn toàn vô tội mà còn đáng được tôn vinh vì lòng yêu nước và sự dũng cảm bị đem xét xử sau khi đã bị bắt giam và đầy đọa trong một thời gian dài. Các thẩm phán và các công tố viên chỉ làm phận sự của những công cụ đàn áp là chính thức hóa những bản án đã được quyết định trước bởi người không thuộc tư pháp dựa trên kết luận tùy tiện của một ban giám định cũng là một bộ phận của bộ máy đàn áp.

Sự tùy tiện thách đố vẫn là đặc tính cố hữu của chế độ cộng sản nhưng từ một thời gian gần đây nó đã gia tăng đột ngột mức độ man rợ. Nhiều người, kể cả những phụ nữ có con thơ, đã bị xử những bản án tương đương với tội giết người chỉ vì đã làm những việc mà luật pháp không hề cấm và hành xử những quyền mà hiến pháp của chế độ đã nhìn nhận như quyền tự do phát biểu, quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức.

Đất nước ta đang trải qua một giai đoạn lịch sử nghiêm trọng. Rõ ràng chính quyền cộng sản đã từ bỏ mọi cố gắng tranh thủ cảm tình và sự hưởng ứng của nhân dân để chỉ đàn áp thật hung bạo. Họ đã thú nhận rằng giữa họ và nhân dân Việt Nam không còn gì để nói vì không còn tình cảm nào để giữ mà chỉ còn quan hệ đàn áp giữa một lực lượng chiếm đóng và một dân tộc bị thống trị. Nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần được báo động về tình trạng này.

Cùng với mọi người Việt Nam yêu nước và yêu công lý Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bày tỏ sự liên đới và quý mến chân thành nhất với những anh chị em dân chủ mắc nạn và gia đình họ. Sự đoàn kết và gắn bó của mọi người và mọi tổ chức dân chủ để thống nhất cố gắng trong một cuộc đấu tranh chung vì lẽ phải, vì đất nước và vì lý tưởng tự do dân chủ là điều mà các anh chị em này đang mong đợi. Đó cũng là điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong đợi và sẽ tận lực cố gắng để góp phần thực hiện.

Chúng tôi cũng chân thành kêu gọi mọi đảng viên cộng sản hãy ý thức rằng họ trước hết là người Việt Nam và hãy chọn lựa gắn bó tương lai của họ với đất nước Việt Nam thay vì với một đảng cộng sản đã tự cắt bỏ khỏi dân tộc để chỉ còn là một lực lượng chiếm đóng.

Ngày 06/06/2018

Thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phạm Vũ Mai, người phát ngôn

Published in Quan điểm