Phúc trình về Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 của Hoa Kỳ : Việt Nam vẫn vi phạm, giới hạn quyền này
RFA, 27/06/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 26/6 (giờ miền Đông nước Mỹ) chính thức công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có phần về Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới (26/06/2024)
Đối với Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại dù Hiến pháp nước này quy định rõ mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo, luật lại cho phép chính phủ kiểm soát đáng kể việc hành đạo cũng như có những điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo theo lý do an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc. Giới chức địa phương được phép ra những quyết định võ đoán về yêu cầu đăng ký và công nhận đối với những nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ phượng mới.
Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo của Việt Nam duy trì quy định về tiến trình đăng ký và công nhận qua nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo mà mỗi giai đoạn trong tiến trình này đều phải có quyết định riêng.
Phúc trình ghi nhận có hai tổ chức tôn giáo mới được cơ quan chức năng Việt Nam công nhận sau hơn bốn năm không có công nhận mới nào.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và các tín hữu về những trường hợp giới chức Nhà nước xâm phạm thể lý tín đồ các nhóm tôn giáo thiểu số; đặc biệt người sắc tộc tại Tây nguyên và Tây Bắc, dù không rõ những trường hợp được báo cáo như thế chỉ liên quan duy nhất đến niềm tin tôn giáo.
Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Nguồn : RFA, 27/06/2024
*************************
RFA, 26/06/2024
Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố đã vấp phải chỉ trích của tổ chức Dự án 88 (Project 88), cho rằng Mỹ đã nâng hạng cho Việt Nam với mục đích chính trị và đề nghị minh bạch các tài liệu liên quan đến quyết định này.
BPSOS/CAMSA International
Hôm 26/6, tổ chức chuyên tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi thông cáo báo chí cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam được nâng lên Cấp 2 (Tier 2) từ Danh sách theo dõi Nhóm 2 (Tier 2 Watch list) trong báo cáo phát hành năm 2023.
"Cấp 2" bao gồm các quốc gia chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng "đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ".
Trong khi đó, "Danh sách theo dõi Nhóm 2" đề cập đến các quốc gia nơi số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người.
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ bày tỏ :
"Bộ Ngoại giao nên công bố tất cả các tài liệu nội bộ liên quan đến quyết định nâng hạng của Việt Nam trong báo cáo về Buôn người (TIP) năm 2024 để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng quyết định này không mang tính chính trị".
Trong phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước trong phòng chống nạn buôn người, tuy nhiên, Dự án 88 nói rằng trước đó đã cung cấp bằng chứng với thông tin hoàn toàn trái ngược với đánh giá này.
Sau khi cung cấp thông tin về thực tế nạn buôn người ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ, Dự án 88 đã công bố báo cáo với tựa đề "Có phải Bộ Ngoại giao giúp Việt Nam trong vấn đề buôn người ?" trong đó tổ chức này đã phân tích tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam và chỉ ra rằng Hà Nội đã không trừng phạt các quan chức chính phủ liên quan đến nạn buôn người, chính trị hoá việc phòng chống vấn nạn này bằng cách sử dụng đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ để nâng cấp thứ hạng TIP của mình, và lừa dối Hoa Kỳ về nỗ lực giải quyết nạn buôn người của mình.
Trong buổi họp báo công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu, khi bị chất vấn bởi Dự án 88 về việc nâng hạng cho Việt Nam, bà Cindy Dyer- Đại sứ lưu động Hoa Kỳ phụ trách Giám sát và Chống buôn bán người giải trình rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, cũng như tăng cường điều tra, truy tố và kết án những kẻ tình nghi buôn người.
Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu Nhân quyền của Dự án 88, được trích dẫn cho biết :
"Chính phủ Việt Nam đã cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về quy mô và bản chất của nạn buôn người trong nước cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ vấn đề này.
Những lời biện minh mà Bộ Ngoại giao đưa ra để nâng cấp trạng thái TIP của Việt Nam thật buồn cười. Với những bằng chứng do Dự án 88 đưa ra, lời giải thích khả thi duy nhất cho công việc nâng cấp là Bộ Ngoại giao đã chính trị hóa báo cáo TIP để mang lại lợi ích cho Việt Nam".
Dự án 88 nói theo tài liệu mà tổ chức này nhận được nhưng RFA không thể kiểm chứng độc lập, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức (Chánh văn phòng Bộ Công an- PV) tuyên bố rằng phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an để bao che cho các quan chức này.
Vì điều này sẽ phản ánh không tốt về Việt Nam nên ông này khuyến nghị chính phủ "không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào (về vụ việc) để tránh phức tạp".
Tổ chức này cho biết đã trình bày những phát hiện của mình với các quan chức Bộ Ngoại giao, các quan chức đại sứ quán và các thành viên của Văn phòng Giám sát và Chống Buôn bán Người trong Bộ Ngoại giao Mỹ, tuy nhiên, không một quan chức nào chỉ ra những gì, nếu có, đã được thực hiện để điều tra các cáo buộc.
Dự án 88 nhận định, dường như tính trung thực của báo cáo TIP đã bị hy sinh như một phần của chiến lược địa chính trị nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc, báo cáo này chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí khách quan nhưng đã bị chính trị hóa.
"Theo Chính phủ Việt Nam, ‘việc nâng hạng Việt Nam và quyết định trước đó không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam khi xếp vào Cấp 3 trong Báo cáo TIP 2022 cho thấy Mỹ coi trọng sự hợp tác tổng thể với Việt Nam’.
Việc các quan chức Mỹ miễn cưỡng xác minh những tuyên bố trong các tài liệu mà Dự án 88 thu được cho thấy rằng các quan chức Mỹ có thể đồng lõa trong nỗ lực chính trị hóa báo cáo của Việt Nam," thông cáo báo chí của Dự án 88 khẳng định.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng biện minh cho việc nâng hạng của Việt Nam là Hà Nội đã làm được nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân buôn người. Tuy nhiên, Dự án 88 dựa theo tài liệu mà tổ chức này nhận được cho rằng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức đã đề nghị Chính phủ không cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài trực tiếp thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Việt Nam.
"Có vẻ như Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước để hạn chế các dịch vụ trợ giúp cho nạn nhân buôn người và khả năng các tổ chức quốc tế tiếp cận những nạn nhân này, thay vì mở mọi con đường để bảo đảm nạn nhân nhận được hỗ trợ đầy đủ," Dự án 88 nói.
Theo tổ chức này thì khuyến nghị của ông Đức nhất quán với các chính sách và thực tiễn gần đây của nhà nước đã hạn chế khả năng của các nhóm xã hội dân sự trong việc nhận viện trợ và hoạt động từ nước ngoài.
Trong Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị tháng 7 năm ngoái, ban lãnh đạo Việt Nam bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của nước ngoài và các cuộc cách mạng màu, đồng thời ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp xã hội dân sự và hạn chế hợp tác quốc tế.
Phóng viên gửi email cho Quỹ trẻ em Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ chuyên về từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố và giải cứu nạn nhân khỏi nạn nô lệ và nạn buôn người ở Việt Nam, để hỏi về phúc trình của Mỹ, tuy nhiên tổ chức này từ chối bình luận.
Câu hỏi cũng được gửi cho Bộ Ngoại giao của cả Hoa Kỳ và Việt Nam về những vấn đề được Dự án 88 nêu ra trong thông cáo báo chí, tuy nhiên chưa lập tức nhận được phản hồi.
Nguồn : RFA, 26/06/2024
***************************
RFA, 26/06/2024
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Cần Thơ ới đây bị ông Trần Trí Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh này - ký văn bản gửi thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị khởi tố do có dấu hiệu gây rối trật tự phiên tòa.
trật tự phiên tòa khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt ?
Theo truyền thông Nhà nước, văn bản kiến nghị khởi tố nêu rõ, sau khi nghe hội đồng xét xử đọc phần nhận định và tuyên án thì luật sư này cùng với thân chủ của mình đã có hành vi gây rối, có thái độ và cư xử vi phạm pháp luật. Theo ông Dũng, hành động có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự phiên tòa theo Điều 391 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có hơn 20 năm hành nghề luật sư trong nước cho rằng, thông tin từ truyền thông trong nước đưa thiếu chi tiết, dễ tạo sự hiểu lầm đối với công chúng về sự việc, khi cho rằng, luật sư đã có hành vi thiếu chuẩn mực trong khi tòa án đang xét xử. Ông phân tích :
"Khi tôi được xem vài hình ảnh cắt ra từ camera thì cho thấy sự việc hoàn toàn khác hẳn. Thực tế, có hai chi tiết cần lưu ý : Thứ nhất là luật sư đập bàn sau khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt. Khi ấy, một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại di động. Thứ hai, luật sư chỉ tay về phía hội đồng xét xử, khi ấy các thành viên của hội đồng xét xử đã rời ghế ngồi.
Về phương diện pháp lý, phiên tòa được thiết lập với mục đích xét xử vụ án. Khi chủ tọa đọc hết lời tuyên án trong bản án, thì phiên tòa cũng đã chấm dứt tức thì vì mục đích thiết lập phiên tòa đã hoàn thành. Khi ấy, hội đồng xét xử không còn gì để xét xử cả ngoài việc rời khán phòng. Luật sư có hành vi gì đi nữa vào lúc này thì cũng nằm ngoài phạm vi phiên tòa xét xử. Do đó, cáo buộc luật sư tội danh "Gây rối trật tự phiên toà" theo Điều 391 Bộ luật hình sự là không có cơ sở, vì thiếu yếu tố định danh "phiên tòa".
Hơn nữa, nếu cho rằng phiên tòa chưa chấm dứt, thì sẽ không thể giải thích được lý do tại sao một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại ? Ngoài ra, quy chụp hành vi của luật sư bao gồm đập bàn và chỉ tay là hoàn toàn thái quá so với một hành vi tội phạm theo điều luật".
Một luật sư đang hành nghề ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, cho biết quan điểm của ông với RFA về sự việc trên :
"Bây giờ họ mạnh tay hơn với các luật sư với mục đích răn đe các luật sư dám lên tiếng với các vấn đề luật pháp và xã hội. Họ muốn tăng vị thế của họ bằng cách đó vì quyền lực nằm trong tay họ. Tôi hành nghề hơn chục năm nay thì tôi chưa thấy trường hợp nào bị khởi tố vì hành vi như thế cả. Có chăng là họ đuổi ra khỏi toà. Hơn nữa, khi toà tuyên án xong, tức phiên toà đã chấm dứt thì về mặt nguyên tắc, phản ứng của thân chủ hay của luật sư như thế là không phạm luật gì cả.
Theo tôi, họ muốn "diệt từ trong trứng" phản ứng của luật sư, mà dễ nhất là trường hợp này vì họ lấy cớ nó xảy ra ngay trong phòng xử, dù không phải trong phiên tòa".
Theo quy trình xét xử tại tòa thì bản án, quyết định của tòa án là phán quyết sau cùng đánh dấu sự kết thúc của quá trình xét xử vụ án.
Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm ; nếu hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, hoặc hành vi dẫn đến phải dừng phiên tòa thì bị phạt tù.
Với sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng :
"Theo luật về tòa án thì không cho phép hội đồng xét xử được phép khởi tố bất kỳ vụ án nào trong phiên tòa xét xử. Thế nên việc một luật sư tranh cãi với tòa án, mà tòa án lại khởi tố để bịt miệng luật sư thì điều này nó xâm phạm quyền của luật sư.
Nếu luật sư có vi phạm vấn đề về đạo đức hay lời lẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của việc tranh luận thì có hai mức. Thứ nhất là trong phiên tòa có đại diện Viện kiểm sát. Viện này giữ hai quyền, một là quyền công tố trước phiên tòa, hai là quyền giám sát quy trình xét xử của phiên tòa đó.
Lẽ ra, vị đại diện Viện kiểm sát phải có trách nhiệm nhắc nhở người luật sư kia nếu trong quá trình xét xử, người luật sư đã vượt quá thẩm quyền, hay vượt quá hành vi đạo đức của người luật sư. Nó không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, của ông chủ tọa, ông thẩm phán hay thành viên Hội đồng xét xử".
Với sự việc vừa xảy ra như nêu trên, có ý kiến chia sẻ rằng, việc kiến nghị khởi tố luật sư, mục đích nhằm hạ uy tín luật sư. Điều này đã từng xảy ra với nhóm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Cụ thể, cách đây hơn hai tháng, hai luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với lý do được nói là do nợ phí thành viên liên tục nhiều năm.
Hai luật sư này nằm trong nhóm năm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, từng nhiều lần nhận giấy triệu tập từ công an Long An với lý do được nêu là có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Luật sư Trần Văn Sỹ bị án hai năm tù với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự. Vị luật sư này bị cho là đã thực hiện nhiều buổi live stream trực tuyến trên không gian mạng với phát ngôn có nội dung bịa đặt dù biết thông tin không đúng hoặc chưa kiểm chứng ; xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân ; công khai trên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng Huỳnh Uy Dũng, trái quy định của pháp luật.
Hệ thống tư pháp Việt Nam được một số đại biểu Quốc hội cho là cần phải thay đổi rất nhiều. Ngay cả tân chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập đến ngành tư pháp, khi ông tham gia một buổi họp với Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội giữa tháng 6 vừa qua. Khi đó, ông Lâm phát biểu : "Cần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyệt đối không
Nguồn : RFA, 25/06/2024
RFA, 15/05/2024
‘Đà Nẵng phải biến thành chỗ tiêu tiền, thiên đường ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm cho các tỉnh miền Trung, khách du lịch quốc tế’.
AFP Photo
Ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội đưa ra yêu cầu như vừa nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Một người dân sinh sống ở miền Trung không muốn nêu tên vì lý cho an toàn, hôm 15/5/2024 cho RFA biết ý kiến :
"Đã làm lãnh đạo, dù là cấp nào thì nên nói ít, làm nhiều, nói phải trên cơ sở thực tiễn khách quan chứ nói cho sướng miệng thì ai nói chẳng được ! Nhớ hồi ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, khi đi đến tỉnh nào cũng nổ : nào là phải đầu tàu, nào là phải đi đầu trong lĩnh vực nào đó… nhưng không dựa vào năng lực của địa phương ấy, cuối cùng những lời phát biểu của ông ta trở thành trò cười của thiên hạ".
Với "mong muốn" của ông Trần Thanh Mẫn biến Đà Nẵng thành chỗ tiêu tiền, thiên đường mua sắm, vui chơi… Người dân miền Trung này nhận định :
"Đối với Đà Nẵng, đành rằng thành phố này là một thành phố phát triển năng động, đáng sống, nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế về quy hoạch xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí của người dân thành phố và khách du lịch. Ngay Bà Nà Hill là một khu du lịch lớn mà việc xây dựng trong khu như một nồi lẩu thập cẩm, không ra gì. Mặt khác, giá cả các sản phẩm du lịch, giá cả hàng hóa cũng còn đắt đỏ thì mua sắm, tiêu dùng ra sao vì du khách đâu phải ai cũng giàu. Làm thế nào để một người dân với mức thu nhập trung bình đến du lịch mới giỏi".
Người này cũng cho rằng, nếu tất cả những điều ông Mẫn nói được nằm trong một kế hoạch tổng thể và phân kỳ đầu tư, có lộ trình cụ thể thì còn khả thi, chứ theo kiểu ‘nói lấy được, đánh trống bỏ dùi’ thì ai nói cũng được !
Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam khi phát biểu đều mong muốn thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa phương khác trên thế giới… Đơn cử như tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" hôm 27/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng, trong bối cảnh hiện nay Hà Nội sẽ có thể thành trung tâm kinh tế của khu vực. Hay trước đó vào năm 2018, chính ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore... Bốn năm trôi qua, hiện Hà Nội đã đuổi sát được Singapore chưa ?
Một ví dụ khác là vào tháng 7/2020, ông Vương Đình Huệ khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu rằng Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 10/2022, cũng từng yêu cầu phải phát triển Đông Nam Bộ thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, những yêu cầu trên vẫn được cho là "không khả thi".
Ảnh minh họa chụp tại Đà Nẵng trước đây. AFP Photo.
Trở lại với yêu cầu Đà Nẵng phải biến thành chỗ tiêu tiền, thiên đường giải trí, mua sắm… của ông Trần Thanh Mẫn, có ý kiến khác cho rằng trong khi du lịch ở thành phố đáng sống nhất Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, đời sống người dân cũng chưa được trở lại như trước đại dịch Covid-19, thì việc vực dậy Đà Nẵng trở thành thiên đường giải trí, mua sắm như Singapore, Thái Lan… là viễn vông !
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thấp nhất trong khối năm thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Đà Nẵng, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 15/5/2024 cho RFA biết tình hình thực tế tại địa phương :
"Theo tôi, hiện bây giờ cuộc sống người dân Đà Nẵng đang xuống, đi đâu cũng nghe tiếng than, tiểu thương bán ế, trả mặt bằng khắp nơi, kinh tế rất bất ổn, lãnh đạo chỉ nói mà không làm. Muốn mọi việc đi lên thì trước mắt cuộc sống của dân phải ổn định, kinh tế phải ổn, thì mới cùng nhau đẩy thành phố đi lên được. Du lịch Đà Nẵng cũng không có gì đổi mới để thu hút khách du lịch, một thành phố đáng sống vì sạch và đẹp, nhưng tư duy đổi mới chưa có. Đà Nẵng chưa đủ tầm để phát triển mạnh, tư duy đổi mới nên dựa vào các lực lượng trẻ có tâm và có tầm, chứ không thể dựa vào kinh nghiệm cũ mèm của những lãnh đạo đã lớn tuổi".
Theo doanh nhân này, Đà Nẵng cần một sức bật, mà quan trọng hơn là ai sẽ "đẩy" thành phố này "bật dậy" là vấn đề cần phải bàn… Nói về du lịch, người dân này cũng cho biết, không thể dựa hoàn toàn vào du lịch, mà phải đầu tư vào kinh tế, đầu tư các khu công nghiệp, ưu đãi và chính sách rõ ràng cho nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm ổn định… thì thành phố mới có thể phát triển theo chiều sâu và lâu dài…
Nói về Đà Nẵng, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 15/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:
"Ở Đà Nẵng trong vòng một tháng qua có tới 12 vụ nhảy cầu tự tử do áp lực cuộc sống, tăng gấp ba lần so với những tháng trước. Chứng tỏ tình hình kinh tế đời sống của người dân đang rất khốn khổ và bế tắc. Đà Nẵng vẫn đang chịu thiệt hại nặng nề sau dịch bệnh và bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên vì trước nay vẫn được tung hô là ‘thành phố đáng sống nhất Việt Nam’ nên lãnh đạo nào tới đây cũng dùng khái niệm này để hô hào dân túy.
Thử hỏi ở thành phố đáng sống nhất mà dân vẫn nhảy cầu tự tử thì những thành phố, địa phương khác sẽ như thế nào ? Ông Mẫn là người điều hành Quốc hội mà không nắm rõ tình hình đời sống người dân, chỉ giỏi hô hào rồi nói chuyện đao to búa lớn".
Theo ông Quân, lãnh đạo quốc hội mà nói chứ không nắm tình hình thì cũng cho thấy Quốc hội này không do dân bầu ra, không đại diện cho người dân và không hiểu được lòng dân.
Không chỉ người dân mà ngay cả chuyên gia kinh tế cũng cho rằng muốn Đà Nẵng trở thành trung tâm để tiêu tiền thì Chính phủ phải đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cần thiết. Điều đó được chuyên gia Kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA như sau :
"Có lẽ ông Trần Thanh Mẫn cho chỉ đạo có tính chất chiến lược tầm xa và trình bày với ngôn từ có tính chất lãng mạn, bay bướm là ‘Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm để người ta tiêu tiền’… Để làm được điều đó thì tôi nghĩ Đà Nẵng đã có địa thế thuận lợi gần biển, có khí hậu tốt, rất thích hợp… Nhưng Đà Nẵng cần phải phát triển thêm những dịch vụ mà phù hợp với nhu cầu hiện nay. Đồng thời phải phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử… để tạo điều kiện cho mọi thủ tục hành chính có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, không mất nhiều chi phí thời gian và tiền bạc".
Nguồn : RFA, 15/05/2024
******************************
RFA, 15/05/2024
Ông Trần Ngọc Hà, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vừa bị Huyện ủy Bắc Hà kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Việc kỷ luật ông Trần Ngọc Hà liên quan đến câu chuyện 11 em học sinh tranh nhau ăn hai gói mì tôm nấu loãng chan với cơm cho bữa sáng tại ngôi trường mà ông làm hiệu trưởng, bị báo chí phản ánh cuối năm 2023.
Sau sự vụ trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1385/CĐ-TTg ngày 20/12 về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chia sẻ quan điểm về câu chuyện trên, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói với RFA :
"Tôi cho rằng việc một hiệu trưởng chỉ đạo ăn bớt tiền ăn của học sinh miền núi như trường hợp này được coi là rất hiếm. Hầu hết các thầy cô miền núi đều rất nhiệt tình chăm lo cho trẻ. Đây là trường hợp cá biệt thật sự và ảnh hưởng trong một thời gian khá dài từ bữa ăn phụ đến bữa ăn chính, gây bức xúc cho dư luận xã hội trong thời gian vừa rồi.
Theo tôi, việc này không những chỉ khai trừ Đảng đâu mà cần thiết phải khởi tố vụ án đối với lãnh đạo trường như vậy và xem xét trách nhiệm của ban giám hiệu và những người liên quan. Tại sao xảy ra nhiều năm như vậy mà công đoàn, đoàn thanh niên trường, hiệu phó im lặng làm ngơ, không đứng dậy phản ánh để cấp trên xử lý ?"
Nhà giáo Đinh Kim Phúc cũng cùng quan điểm khi cho rằng, không chỉ khai trừ khỏi đảng là đủ. Ông nói :
"Vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong các trường học ở Việt Nam hiện nay thì nó không mới. Nó có từ đại học xuống cấp phổ thông, xuống cấp mẫu giáo, nhà trẻ. Cuối cùng nó là cái gì ? Nó là lòng tham.
Không ai có thể can thiệp được vào hiệu trưởng. Hiệu trưởng là đảng viên. Trường có chi bộ là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ là quyền uy một cõi. Giáo viên có phản ứng, có góp ý thì sẽ bị điều chuyển hoặc bị những hình thức trù dập khác. Tất cả đều phải im lặng vì nồi cơm của mình mà cho qua. Rốt cuộc là ‘trăm dâu đổ đầu học sinh’".
Chuyện hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, cố vị từng được báo chí Nhà nước nhiều lần lên tiếng. Nhiều người chỉ ra rằng một số hiệu trưởng được bổ nhiệm không phải do tài giỏi, chuyên môn, đạo đức tốt mà do quen biết, hoặc do chạy chọt dẫn đến một số hiệu trưởng lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật. Nhiều năm qua, báo chí cũng đã phanh phui nhiều trường hợp cụ thể như vào tháng 2 năm 2021, công an tỉnh Tuyên Quang ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam trong thời gian ba tháng một hiệu trưởng trường tiểu học và trung học vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm của học sinh và giáo viên.
Tháng 5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc về tội "Tham ô tài sản".
Tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Bắc Giang đối với hiệu trưởng Trần Quang Vinh.
Chính phủ Việt Nam năm ngoái ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 115. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 quy định hiệu trưởng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý.
Trong khi đó, khoản 2 điều 43 quy định về thời hạn giữ chức vụ nêu rõ : "Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành".
Với việc hiệu trưởng Trần Ngọc Hà bị khai trừ khỏi Đảng, ông Thái, một phụ huynh ở miền Trung, nêu quan điểm của ông :
"Thật ra, với hình thức khai trừ khỏi Đảng thì sắp tới sẽ là hình thức kỷ luật nặng hơn rất nhiều. Việc kỷ luật này là quá được vì hiện tại cái môi trường giáo dục ở Việt Nam rất tệ. Nó chồng chéo, tham nhũng. Gần như tất cả các ngành nghề đều liên quan đến lợi ích, không nhóm này thì nhóm khác. Trong giáo dục cũng không loại trừ, thậm chí còn tàn bạo hơn. Hy vọng việc kỷ luật này sẽ trở thành tiền lệ vì trước nay hiếm có hiệu trưởng nào bị kỷ luật với hình thức khai trừ khỏi đảng như thế".
Theo truyền thông nhà nước, 11 em học sinh chỉ được ăn hai gói mì tôm nấu loãng trong khi trên bảng thực đơn và công khai tài chính của trường lại ghi rõ, 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em một gói mì tôm và một quả trứng. Bữa sáng không đủ theo định lượng, bữa trưa và bữa tối cũng không khá hơn khi mỗi mâm 11 người chỉ có một ít giò thái nhỏ cùng nồi canh, thậm chí ngay cả rau cho học sinh ăn cũng bị thối rữa, hư hỏng.
Sau khi sự việc được phanh phui, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà đã kiểm tra, kết quả cho thấy thông tin bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén là có cơ sở. Hiệu trưởng của ngôi trường này đã bị đình chỉ ngay sau đó.
Nguồn : RFA, 15/05/2024
************************
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ : Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản
RFA, 14/05/2024
Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Uzra Zeya nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.
Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền. RFA
Bà Uzra phát biểu như trên tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 30 (11/5/1994 - 11/5/2024) được diễn ra ở Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ trong ngày 14/5.
Bà Uzra Zeya -Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, tại buổi lễ còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công. Bà nói:
"Tiếp tục có nhiều báo cáo về các vụ chính quyền bắt giữ, hành hung, câu lưu, hạn chế đi lại cũng như tịch thu và phá hủy tài sản của tín đồ các tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận hoặc không đăng ký.
Như nhiều người trong số các bạn đã biết, Ngoại trưởng Antony Blinken, đã chỉ định Việt Nam là một quốc gia trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đã thực hiện hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo".
Theo bà Uzra, không gian dân sự và khả năng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam bị hạn chế rất nhiều cả về mặt luật pháp và thực tế. Đó là nguyên do khiến từ năm 2021 đến nay, đã có sáu nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt giữ và bị kết án bằng tội danh hết sức mơ hồ là "Trốn thuế". Qua đó, bà Uzra khẳng định:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả việc trả tự do cho các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bị giam giữ oan uổng".
Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền Quốc tế, hiện có hơn 180 tù nhân chính trị bị kết án oan ở Việt Nam. Do đó trong phát biểu của mình, bà Uzra cho biết, sẽ tiếp tục tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ trả tự cho cho tất cả những người bị kết án oan trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt vì tội danh trốn thuế như Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách…
Vấn đề đàn áp xuyên quốc gia cũng là nội dung được đề cập trong bài phát biểu của bà Uzra. Một ví dụ điển hình được bà nêu ra là vụ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc vào tháng 4/2023 khi đang xin tị nạn ở Thái Lan: "Đây chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất về đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo. Hoa Kỳ sát cánh và hỗ trợ những người bị nhắm tới bởi các hành động đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những chính phủ thủ phạm". bà Urza kết luận.
Bà Bay Fang - Chủ tịch đài Á Châu Tự do phát biểu tại buổi lễ. Ảnh : RFA
Có mặt tại buổi lễ này, bà Bay Fang, chủ tịch đài Á Châu Tự do, cũng khẳng định tình hình tự do báo chí tại Việt Nam không được đảm bảo. Cụ thể trong phát biểu của mình, bà Bay Fang dẫn các số liệu thống kê từ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, rằng tổ chức này đã xếp Việt Nam vào top 10 môi trường hạn chế nhất thế giới về tự do báo chí. Tính đến hiện nay đã có 35 nhà báo và blogger đang bị bỏ tù. Trong đó, bà Bay nhắc đến bốn nhà báo là blogger của Ban tiếng Việt, Đài Á Châu Tự do đang bị giam giữ, bao gồm Nguyễn lân Thắng - 10 năm tù giam, Nguyễn Tường Thụy - 11 năm tù giam, Trương Duy Nhất - 10 năm tù giam và Nguyễn Vũ Bình - đang trong giai đoạn điều tra. Bà Bay Fang nhấn mạnh :
"Nhưng những nỗ lực của chế độ Việt Nam đã không ngăn cản chúng tôi hoàn thành công việc quan trọng của mình. Năm vừa qua, chúng tôi đã thực hiện các phóng sự về hàng trăm công dân Việt Nam bị buôn bán và buộc phải làm việc cho các trang web buôn bán dữ liệu ở Myanmar. Gần đây nhất, RFA đã đăng tải về hành trình gian khổ của những người Việt Nam vượt biên giới Hoa Kỳ qua Mexico để tìm kiếm tị nạn…".
Đại diện ban tổ chức buổi lễ, bà Destiny Nguyễn cho rằng, chính vì tình trạng nhân quyền Việt Nam tồi tệ như các khách mời đã nêu trên, nên cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng phải lên tiếng và vận động nhiều hơn để cải thiện nhân quyền cho Việt Nam :
"Ngày mai chúng tôi sẽ có buổi vận động với các nghị sĩ và dân biểu, cũng như có buổi gặp gỡ riêng với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để nói về nhân quyền của Việt Nam".
Tiếp theo lời kêu gọi của bà Destiny Nguyễn, ông Lê Trường Giang, từ tiểu bang North Carolina có mặt tại buổi lễ nói thêm rằng, cộng đồng người Việt cần lên tiếng thì chính phủ Hoa Kỳ mới quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền Việt Nam :
"11/5 là ngày nhân quyền của Mỹ ở Việt Nam, kêu gọi người trẻ hãy tham gia vào các sự kiện như thế này để chính phủ Mỹ biết là chúng ta rất quan tâm tới nhân quyền".
Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam (11/5) được vinh danh và công nhận bởi đạo luật số 103-258 mà Tổng thống Bill Clinton ký ngày 5/5/1994.
Trước đó, Nghị quyết chung SJ-168 được cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với đại đa số tuyệt đối vào ngày 17/5/1994. Hai Dân biểu Hoa Kỳ đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ - bà Michelle Steel và ông Lou Correa, vào ngày 10 tháng năm ra nghị quyết "Lên án Đảng cộng sản Việt Nam (VCP) bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo, và những tiếng nói đối lập tại Việt Nam". Nghị quyết được đưa ra vào dịp Ngày Nhân quyền Việt Nam 11 tháng năm hàng năm. Nội dung Nghị quyết nêu rằng những người đang bị Việt Nam cầm tù chỉ vì họ thực thi các quyền tự do lên tiếng của họ.
Nguồn : RFA, 14/05/2024
Lạm dụng chủ quyền để hạn chế nhân quyền
Việt Nam cãi lý rằng "quyên con người không thể cao hơn chủ quyền", nhưng lợi dụng "chủ quyền" để đàn áp dân chủ và xây dựng chế độ độc tài một đảng cầm quyền là chống lại quyền làm người của công dân.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ dự phát biểu chỉ đạo hội nghị ngày 18/07/2023.
Bằng chứng đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã và đang vị phạm nghiêm trọng quyền làm chủ đất nước của công dân được tập trung trong các lĩnh vực :
Thứ nhất, dân không được ứng cử và bầu cử tự do. Quyền chọn ứng cử viên thuộc về Mặt trận Tổ quốc nên mới có câu "đảng cử dân bầu". Cử tri là những "người máy" làm theo ý muốn của Măt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng.
Thứ hai, ứng cử viên là "đảng viên" hay người được đảng chọn.
Thứ ba, dân không được lập đảng chính trị đối lập với đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Thứ tư, dân không dược phép ra báo để cạnh tranh với báo chí và truyền thông nhà nước.
Vậy mà Hiến pháp 2013 vẫn trâng tráo quy định trong Điều 25 rằng : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Đảng cầm quyền cộng sản còn tự cho mình quyền lựa chọn thể chế chính trị khi tuyên bố : "Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội"., và : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản". (theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - Bổ sung, phát triển năm 2011).
Từ Cương lĩnh này, Quốc hội "bù nhìn" của Đảng cộng sản Việt Nam đã viết trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 rằng : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Như vậy rõ ràng đảng đã "tự biên", "tự diễn" và "tự khoác" cho mình chiếc áo lãnh đạo không ai trao cho và không do dân bầu. Do đó, luận điệu cho rằng "đảng lãnh đạo không chỉ "chính danh mà còn là chính đáng" là đánh tráo lịch sử, cố tình đổi trắng thay đen.
Biến cố những người cộng sản, khi ấy gọi là Việt Minh, "cướp chính quyền hợp pháp Trần Trọng Kim bằng bạo lực ngày 19/08/1945" đã chứng minh quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam là "không chính danh" mà cũng chẳng "chính đáng".
Gây ra chiến tranh và khống chế xã hội
Từ hành động "bất hợp pháp" này, đảng của ông Hồ đã gây ra 30 năm chiến tranh "huynh đệ tương tàn", làm thiệt mạng cho ít nhất 4 triệu người Việt Nam trong 2 cuộc chiến được gọi là "chống Pháp giành độc lập" và "chông Mỹ cứu nước".
Rất tiếc cả hai cuộc chiến đã không đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho dân mà còn làm kiệt quệ đất nước và chia rẽ dân tộc. Nhân dân không có tự do, mất dân chủ và lâm vào đói nghèo, lạc hậu khiến cho trên 1 triệu người phải bỏ nước chạy ra nước ngoài tìm tự do trong 2 năm 1978-1979.
Tuy nhiên, hành trình tìm tự do của người Việt đã phải trả một giá quá đắt.
"Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính có từ 200.000 đến 400.000 thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân (bệnh tật, tai nạn, bão tố, gặp hải tặc...). Những ước tính khác cho rằng có từ 10 đến 70 phần trăm thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân" (theo Bách khoa Toàn thư mở).
Nhưng dù phải gian nan, người Việt vẫn bỏ trốn cộng sản, bởi vì nếu không vì chế độ độc tài, hà khắc, đời sống khó khăn thì không có vấn đề người Việt phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Bằng chứng là sau khi đã nắm quyền cai trị cả nước từ sau cuộc đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, Đảng cộng sản Việt Nam đã đàn áp dân chủ, hạn chế các quyền tự do và cướp đi những quyền làm người căn bản của dân.
Thêm vào đó, tất cả mọi tổ chức chính trị, xã hội phải là của đảng hoặc các tổ chức ngoại vi do đảng lãnh đạo, tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thậm chí thiếu nhi cũng có tổ chức "Thiếu nhi Việt Nam", đứng đầu bởi Hội đồng Đội Trung ương.
Như vậy chỗ nào cũng có bàn tay nhà nước thao túng, mặc dù Điều 14 của Hiến pháp đã viết :
"1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Sợ Trung Quốc
Tuy nhiên, nhà nước cộng sản Việt Nam đã vịn vào "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia" để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc đã đàn áp ngư dân Việt Nam và lấn chiếm Biển Đông. Nhà nước cũng lạm dụng quyền cai trị để chống dân trong các cuộc biểu tình đòi công bằng, chống cưỡng chế đất đai.
Người dân biểu tình chống nhượng đặc khu kinh tế cho Trung Quốc tháng 6/2018
Những vụ đàn áp đàn dân biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra :
- Năm 2007 biểu tình ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa ở Biển Đông gồm Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).
- Năm 2014 các cuộc biểu tình đã diễn ra cả ở 3 miền Bắc-Trung-Nam phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương (HD) 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam.
- Năm 2016, dân xuống đường chống Formosa Hà Tĩnh, có đầu tư hỗn hợp Đài Loan-Trung Quốc đã thải chất độc làm chết hàng nghìn tấn hải sản và làm ô nhiễm môi trường dọc theo 4 tỉnh duyên hải miền Trung : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế-Thừa Thiên.
- Năm 2018, cả nước xuống đường chống nhượng quyền khai tác đặc khu kinh tế cho Trung Quốc và bị dập tắt trong bạo lực.
Cướp đất và ức hiếp nhân dân
Các vụ đàn áp dân chống cưỡng chế đất đai nổi tiếng đã xẩy ra :
- Năm 2009 đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, xã Vinh Quang (Tiên Lãng) Hải Phòng.
- Năm 2012 dân Văng Giang, Hưng Yên nổi lên chống chiếm đất canh tác để mở mang khu kỹ nghệ Ecopark.
- Năm 2013 xẩy ra vụ dân chống lấy đất canh tác tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm để giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay. Cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo cuộc tranh đấu đã bị Công an ám sat trong đêm tối ngày 09/01/2020.
Ngoài ra còn phải kể đến vụ Chính quyền Huế đã đàn áp và cướp đất của Đan viện Thiên An, một dòng tu Công giáo tại đồi Thiên An, ngoại vi Thành phố Huế.
Một nhân viên chính quyền Huế dẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An. Citizen photo (RFA, 06/07/2016)
Thông cáo do Đan viện này phát đi vào cuối tháng 6/2016 cáo buộc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế "huy động công an, thuê côn đồ phá hủy thánh giá, đánh đập, thóa mạ các đan sĩ".
Với những chứng cứ nêu trên, rõ ràng quyền "làm chủ đất nước" của người Việt Nam đã bị đảng cướp mất.
Phạm Trần
(29/08/2023)
Đức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng
AP, VOA, 08/06/2023
Chính phủ Đức ngày 7/6 bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ một nhà vận động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đô la gần đây để giúp Việt Nam loại bỏ than đá cần có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Ngân hàng Thế giới khen ngợi những đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồng.jpg
Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc cho biết, trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, bà Hoàng Thị Minh Hồng bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào tuần trước theo một lệnh tạm thời với cáo buộc trốn thuế. Báo cáo cho biết bà Hồng là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thứ năm bị bắt ở Việt Nam vì cáo buộc trốn thuế trong hai năm qua.
Bộ Ngoại giao Đức nói vụ bắt giữ bà Hồng và những người khác "là một tín hiệu đáng báo động đối với các tổ chức xã hội dân sự trên cả nước, cũng như đối với việc bảo vệ môi trường và khí hậu".
"Chúng tôi cũng xem vụ bắt giữ này là nghiêm trọng liên quan đến việc thi hành sắp tới Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đã được thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước G7, Đan Mạch và Na Uy", Bộ nói.
"Những người bảo vệ khí hậu và môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng một vai trò không thể thiếu", Bộ Ngoại giao Đức
Thỏa thuận được thống nhất vào cuối năm 2022 chứng kiến hai quốc gia Bắc Âu và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển giàu có cam kết 15,5 tỷ đô la để giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo.
Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải ròng bằng zero vào năm 2050, một mục tiêu mà các chuyên gia cho rằng cần phải được đáp ứng trên toàn cầu để hạn chế sự hâm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Đây là một trong một số thỏa thuận mà các quốc gia đang phát triển và giàu có đang đàm phán để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận đầu tiên như vậy đã được ký với Nam Phi vào năm 2021 và một thỏa thuận tương tự đã đạt được với Indonesia vào năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình này "được đính kèm rõ ràng trong thỏa thuận với Việt Nam theo chỉ thị của chính phủ Đức".
"Những người bảo vệ khí hậu và môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng một vai trò không thể thiếu", Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.
***********************
Việt Nam lên tiếng về vụ bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng
VOA, 01/06/2023
Trả lời báo chí về vụ bắt tạm giam nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc trốn thuế, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, còn những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh : changevn.org
"Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành động của mình. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật", báo Công An Nhân Dân dẫn lời Phó Phát ngôn Nguyễn Đức Thắng nói tại cuộc họp báo chiều 1/6.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương năng động có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận bằng khen của Thủ tướng Việt Nam trong cùng năm.
Trước đó, bà Hồng được vinh danh với nhiều giải thưởng về môi trường và được đưa vào danh sách "Anh hùng Khí hậu" (Climate Hero) vào dịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21.
Bà còn được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến trên trang Twitter vào năm 2018 như là một người trẻ truyền cảm hứng cho ông.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt tại Việt Nam, sau ông Phan Mai Lợi, ông Đặng Đình Bách, bà Nguỵ Thị Khanh và ông Bạch Hùng Dương. Hầu hết các nhà hoạt động đều bị bắt với cáo buộc trốn thuế.
Việc bắt giam và bỏ tù các nhà hoạt động khí hậu tại Việt Nam diễn ra sau khi chính phủ Cộng sản cam kết đưa mức phát thải ròng về Zero vào năm 2050, và đạt được gói hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch trị giá 15,5 tỷ đô la từ thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là các nhà hoạt động môi trường hiện nay lại có rất ít không gian để hoạt động trong nước vì những người hoạt động về khí hậu có chiến dịch mở đường cho JETP đều bị bỏ tù vì tội "trốn thuế" mà nhiều người tỏ ra nghi ngờ về cáo buộc này.
NPR dẫn lời các chuyên gia nhân quyền nói các vụ bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự trong những năm gần đây của Đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.
Để phản đối tình trạng trấn áp này, các nhóm xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới đang thúc đẩy các chính phủ và tổ chức tài chính muốn loại bỏ than đá của Việt Nam hãy gây áp lực với nhà cầm quyền về các hoạt động nhân quyền trước khi gửi khoản tiền cam kết cho Việt Nam, vẫn theo NPR.
Hôm 11/5, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng việc bỏ tù nhà hoạt động Đặng Đình Bách là "vi phạm luật pháp quốc tế" và bày tỏ lo ngại về "vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện" các nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
************************
Đắk Lắk : Hai thầy truyền đạo và một tín đồ Tin lành bị cưỡng ép lên đồn công an làm việc
RFA, 01/06/2023
Công an tỉnh Đắk Lắk nói chỉ mời hai thầy truyền đạo và một tín đồ Tin Lành lên trụ sở làm việc về an ninh trật tự, tuy nhiên một nhà hoạt động cho rằng công an đã bắt cóc họ ngay giữa đường khi đang đi công chuyện.
Thầy truyền giáo Y Bhuar Buondap và biểu ngữ đòi chấm dứt đàn áp người Thượng - Người Thượng vì Công lý
Theo ông Y Quynh Buon Dap, người sáng lập và điều hành tổ chức Người Thượng Vì Công lý, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, ba người đều ở xã Ea Bhok, gồm thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Ako Emong, thầy truyền đạo Y Broc Bya (hay còn gọi là Ama Rody) và tín đồ Y Gruih Niê thuộc Hội thánh Tin lành tư gia độc lập buôn Ea Khit.
Ông Y Quynh, người đang tị nạn chính trị ở Thái Lan, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào đầu giờ chiều ngày 01/6 :
"Trong ngày hôm nay (01/6), theo thông tin từ điểm nhóm buôn Ea Khit và buôn Ako Emong thì có ba người bị công an huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk áp giải vào lúc 6 giờ sáng nay".
Dẫn nguồn tin từ một nhân chứng đi cùng những người bị bắt, ông Y Quỳnh Buon Dap cho biết có khoảng 10 công an đi trên xe màu đen bắt cóc thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap và tín đồ Y Gruih Niê khi họ đang trên đường đi cầu nguyện ở buôn Kpung, xã Hòa Hiệp.
Trong khi đó, thầy truyền đạo Y Broc Bya bị bắt khi đang trên đường đi làm ruộng cùng vợ.
Phóng viên sau đó gọi điện cho Công an huyện Cư Kuin, người trực máy không nêu danh tính cho biết ba người nêu trên được công an tỉnh mời lên làm việc về an ninh trật tự ở địa phương, tuy nhiên ông này không cho biết buổi làm việc sẽ kéo dài trong bao lâu, rồi đột nhiên ngắt máy.
Theo ông Y Quynh Buon Dap, việc "bắt cóc" ba người theo đạo Tin Lành hôm nay nằm trong chiến dịch trấn áp các nhóm tôn giáo không đăng ký ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian gần đây, đỉnh điểm là việc bắt giữ hai người của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ là thầy truyền đạo Y Kreek Buonya vào đầu tháng tháng tư với cáo buộc "Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" và thầy truyền đạo Nay Y Blang vào giữa tháng 5 với cáo buộc "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".
"Đây là tình hình căng thẳng nhất từ trước tới nay đối với Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như Hội thánh Tin Lành Độc lập và các hội thành khác liên quan như Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.
Họ muốn ngăn chặn hết những hội thánh độc lập cũng như Hội thánh Tin lành Đấng Christ".
Ông cho biết có thể ba người bị công an tra khảo về việc việc kết nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý, tham gia vào các lớp học trực tuyến về luật Việt Nam và luật nhân quyền quốc tế cũng như cách đăng ký sinh hoạt tôn giáo.
Ở xã Ea Bhok, Hội thánh Tin lành tư gia độc lập chỉ có khoảng 30 tín đồ còn Hội thánh Truyền giảng Phúc âm có 10 tín đồ nhưng có kết nối với Tổng hội ở Sài Gòn, ông Y Quynh Buon Dap cho biết.
Hội thánh Tin lành tư gia độc lập nhiều lần nộp đơn lên chính quyền huyện Cư Kuin để đề nghị hướng dẫn đăng ký sinh hoạt nhưng chính quyền địa phương không trả lời, ông cho hay.
Trong cùng ngày, tổ chức Người Thượng vì Công lý ra tuyên cáo bày tỏ sự lo ngại về vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Tây Nguyên và kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền theo dõi chặt tình hình đàn áp tự do tôn giáo ở khu vực này.
Theo Phúc trình về tự do tôn giáo 2022 mới công bố gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong bốn năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam không công nhận nhóm tôn giáo mới nào cho dù có nhiều nhóm xin đăng ký hoạt động. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hà Nội cải thiện các chính sách đăng ký bằng cách làm cho thống nhất và minh bạch hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Ngoại trưởng Anthony Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Trong nhiều năm gần đây, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vi phạm tự do tôn giáo (CPC).
*************************
Sơn La : Một phụ nữ H’mong chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở Công an xã Mường Lạn
RFA, 31/06/2023
Bà Th.Th.A người H’mong, trú tại bản Khá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, vào ngày 31/5 được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc của Công an xã.
Bà Th.Th.A chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở công an xã. (Ảnh : Mam Ua Siab Ncaim/Facebook)
Truyền thông Nhà nước dẫn xác nhận tin vừa nêu từ Chủ tịch UBND xã Mường Lạn- ông Lò Trọng Đại. Theo đó, vụ việc xảy ra lúc hơn 6 giờ sáng ngày 31/5. Khi viên chức xã đến trụ sở UBND xã làm việc thì phát hiện bà Th.Th.A. chết trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc của Công an Xã Mường Lạn.
UBND xã còn thông báo thêm, vào tối ngày 30/5, Công an xã Mường Lạn phối hợp với Công an huyện Sốp Cộp vận động hai người nghi nghiện ma túy tại bản Khá để đưa đi cai nghiện bắt buộc. Một người được đưa đến Công an huyện Sốp Cộp ; còn bà Th.Th.A. (60 tuổi) được nói do "tuối cao- sức yếu" nên được giữ tại phòng làm việc của Công an xã Mường Lạn để kiểm tra, xét nghiệm có sử dụng ma túy hay không.
Theo tin từ truyền thông Nhà nước, đến sáng 31/5, Công an xã mở khóa tay cho bà A. đi rửa mặt ; sau đó khi Công an xã và những viên chức khác đến thì phát hiện bà này đã chết trong tư thế treo cổ bên cửa sổ phòng làm việc của Công an xã.
****************************
Người dân tử vong bất thường khi làm việc, công an trưng cầu giám định pháp y
Sơn Nguyên, Trithucvn, 28/05/2023
Sau khi bị bắt giữ, đưa về trụ sở làm việc về vụ trộm cắp dây điện, nam thanh niên 27 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, được công an đưa đến trung tâm y tế huyện thăm khám, tử vong sau đó.
Ngày 27/5, Công an Bình Phước cho biết đã phối hợp Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh giám định nguyên nhân tử vong của anh N.T.D. (SN 1996, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Người nhà anh D. bày tỏ mong sớm tìm ra sự thật về cái chết của anh D, đăng kèm hình ảnh vợ con anh D. trong đám tang kèm hình ảnh thi thể anh D. khi được nhận về. (Ảnh chụp màn hình/Facebook)
Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h sáng 25/5, Công an huyện Bù Đăng nhận tin báo xảy ra vụ mất dây điện ở xã Minh Hưng. Tại thị trấn Đức Phong, công an phát hiện 4 người đi trên 2 xe máy có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, 2 xe máy tăng ga bỏ chạy về 2 hướng khác nhau.
Sau đó, hai người bị công an bắt cùng một số tang vật liên quan. Qua khai thác nhanh, 2 nghi can khai nhận nhóm 4 người (trong đó có anh N.T.D.) vừa lấy trộm dây điện, chạy trốn khi bị công an truy đuổi.
Đến 5h cùng ngày, Công an huyện Bù Đăng phát hiện anh D. ở một quán nước, nên đưa về trụ sở làm việc. Phía công an cho hay trong quá trình làm việc, anh D. mệt mỏi nên được công an đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng thăm khám nhưng người này đã chết sau đó.
Về phía gia đình anh D., mẹ anh D. cho biết sáng ngày 24/5, anh D. đi làm như thường lệ và chiều về ăn cơm cùng gia đình. Sau khi ăn cơm xong, anh D. rời khỏi nhà, đến khuya không thấy về. Vợ anh D. gọi điện không thấy chồng trả lời nên mở định vị cài đặt qua iCloud của máy thì biết anh D. đang ở cơ quan Công an huyện Bù Đăng.
Vợ anh D. lên Công an huyện Bù Đăng hỏi thì không nhận được thông tin gì. Tiếp tục xác định lại định vị qua điện thoại, chị biết hiện anh D. đang ở Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Khi đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, vợ anh D. nhận được tin chồng đã tử vong khoảng 8h sáng ngày 25/5.
Gia đình anh D. từ chối nhận thi thể, yêu cầu làm rõ nguyên nhân.
Công an tỉnh Bình Phước đã trưng cầu Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia giám định, xác định nguyên nhân chết của anh D. Kết luận ban đầu, anh D. chết có dấu hiệu bị phù phổi. Kết quả này cũng được thông báo đến gia đình anh D.
Đến sáng ngày 26/5, gia đình anh D. nhận thi thể anh đưa về làm lễ an táng.
Gia đình anh D. cho biết Công an huyện Bù Đăng nói sẽ thông báo đến gia đình kết quả xác định nguyên nhân tử vong của anh D. sau 10 ngày nữa.
Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Sơn Nguyên
Phát biểu của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí vi phạm quyền con người
RFA, 16/09/2022
Một số luật sư và người hoạt động xã hội nói rằng phát biểu gần đây của Viện trưởng Lê Minh Trí của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành này thể hiện sự vi phạm quyền con người và nguyên tắc xét xử công bằng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/9, ông Lê Minh Trí được truyền thông Nhà nước dẫn lời phát biểu với nội dung cho rằng "bảo vệ quyền con người là việc phải làm", tuy nhiên nhân quyền của nghi phạm, nghi can có thể bị hạn chế để bảo vệ cuộc sống bình yên của đa số người dân.
Bình luận về câu nói này của ông Lê Minh Trí, luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại :
"Theo giải trình của ông Lê Minh Trí tôi có thể hiểu là ông ấy nói đến như trường hợp ‘Tình thế cấp thiết’ của Điều 23 Bộ luật Hình sự. Để được coi là ‘Tình thế cấp thiết’ cần tòa án quyết định, không có cá nhân nào, kể cả ông Lê Minh Trí có đủ thẩm quyền".
Chương IV của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự , quy định "Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa".
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm, tuy nhiên trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cựu cán bộ của Tổng cục Tình báo Quân đội Vũ Minh Trí cho rằng phát biểu trên của ông Lê Minh Trí "rất tầm bậy"- vi phạm nguyên tắc bình đẳng và tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát. Ông nói qua điện thoại :
"Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt công dân loại 1-2 và 3, hay là giữa người phạm tội hay chưa phạm tội.
Kể cả những công dân phạm tội, họ có thể bị tước quyền công dân nhưng quyền con người của họ vẫn phải được tôn trọng và bảo đảm : họ phải được ăn uống, khám chữa bệnh và đọc sách báo…"
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trong cuộc họp nêu trên đưa ra Báo cáo thẩm tra năm 2022 đối với Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, có 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát.
Báo cáo còn nói công tác tố tụng còn để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội.
Giải trình về điều này, ông Lê Minh Trí nói : "Trong một vụ án, hai lời khai của người phạm tội hoặc ba lời khai của nhân chứng có liên quan thì có thể khởi tố, bắt giam để tránh bỏ lọt tội phạm. Còn kết luận có tội hay không thì tòa sẽ tuyên".
Bình luận về câu trả lời này của người đứng đầu ngành Kiểm sát, cựu cán bộ của Ban Nội chính Trung ương, luật sư Lê Văn Hòa nói với RFA qua tin nhắn :
"Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói thế là không ổn. Nếu chỉ căn cứ vào mấy lời khai đó mà đã khởi tố, bắt giam dễ gây ra oan. Nhiều hay ít lời khai của người phạm tội hay nhân chứng cũng chỉ để tham khảo và cần có thêm các nguồn thông tin khác để đối chiếu".
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người thường tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị nói rằng ông không đồng thuận với phát biểu của người đứng đầu ngành Kiểm sát, vì như thế là vi phạm "nguyên tắc suy đoán vô tội".
"Lời khai nhận tội của chính họ cũng không được xem là chứng cứ duy nhất để buộc tội họ chứ đừng nói sử dụng lời khai của hai người hay hai mươi người để buộc tội/bắt họ. Lời khai của nhân chứng hoặc của bị can bị cáo phải phù hợp với tình tiết khách quan có trong hồ sơ vụ án hoặc tình tiết khác có trong quá trình điều tra", ông nhấn mạnh.
Đồng tình với các ý kiến trên, cựu sỹ quan tình báo Vũ Minh Trí nói :
"Ngành luật có nguyên tắc rất quan trọng, đó là trọng chứng hơn trọng cung. Nếu mà chỉ dựa vào lời khai của một người để đi bắt người khác thì anh sai rõ".
Ông dẫn chứng ý kiến của mình bằng hàng loạt vụ án oan trong đó nghi phạm bị tra tấn và ép cung, buộc họ phải khai không đúng dẫn tới việc bắt bớ những người vô tội khác như trong vụ án ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, gia đình ông Nguyễn Thành Nghị có bảy người bị kết án oan và chỉ được giải oan sau 40 năm, nhưng chính quyền chỉ bồi thường 600 triệu đồng.
Trong phát biểu của mình, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng, không nên dùng từ "oan sai" trong giai đoạn điều tra vì chỉ khi "tòa tuyên (bản án có hiệu lực thi hành - PV) một người không có tội mà bị kết án mới là oan". Nhận định về việc này, luật gia không nêu tên từ Hà Nội nói :
"Khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh họ vi phạm pháp luật hình sự mà đã khởi tố, truy tố, xét xử họ và sau đó đình chỉ vụ án vì họ không phạm tội thì rõ ràng là quyền con người của họ đã bị xâm phạm, họ bị oan".
Còn theo luật sư Ngô Anh Tuấn thì giải thích của ông Lê Minh Trí chỉ nhằm giảm nhẹ sai sót của ngành Kiểm sát bằng cách giảm tỷ lệ oan trong cả quá trình khởi tố, truy tố và xét xử.
Vẫn theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng trên 30%.
Trong giai đoạn xét xử, 55 trường hợp Viện Kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa, hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.
Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện Kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị, báo cáo viết.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao : Một năm chỉ có 17 vụ "oan sai" thì phải cảm thấy mừng !
RFA, 16/09/2022
Phản hồi với báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về các trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố trong năm vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, 17 vụ oan sai chỉ là phần nhỏ trong số hơn 100.000 vụ án hình sự.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội năm 2019 - Công An Nhân Dân
"Một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự, chỉ có 17 vụ như vậy thì phải cảm thấy mừng. So với năm trước là 15, năm nay là 17. Con số 2 này không nói lên được điều gì cả, bởi vì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ lưu ý, nhưng đừng đánh giá sớm quá thì tạo ra một tâm lý cho anh em trong thực thi nhiệm vụ", ông Lê Minh Trí nói.
Theo Vietnamnet, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra báo cáo hôm 15/9 cho thấy, trong năm 2022 vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời vẫn còn để xảy ra trường hợp Viện Kiểm sát truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội.
Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.
Giải trình sau đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay, "bảo vệ quyền con người chúng ta phải làm, nhưng bảo vệ đại đa số quần chúng nhân dân có cuộc sống bình yên, ổn định xã hội để phát triển, nó hoàn toàn khác chuyện bảo vệ tuyệt đối quyền con người của những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu liên quan đến tội phạm...
Bởi vì, trong luật tố tụng đã quy định các biện pháp để hạn chế dần quyền của những con người có dấu hiệu phạm tội, người liên quan đến tội phạm.
Trong quá trình thực hiện các biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố, luật tố tụng cho phép áp dụng biện pháp này để đảm bảo chứng minh được tội phạm, đảm bảo đưa ra xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật".
Ông Trí cũng cho rằng, không nên dùng từ "oan" cho 17 trường hợp này vì chỉ khi nào có bản án mà khi "không tội mà nói có tội mới là oan".
Bà Lê Thị Nga sau đó phản bác, cho rằng việc gọi một người là oan hay không đều có quy định rõ ràng, ví dụ theo Luật Bồi thường Nhà nước "đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội thì xác định đó là các trường hợp bị oan phải bồi thường".
RFA, 14/06/2022
Một trong những nội dung của cuộc tập huấn là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
– báo Ninh Bình
Hôm 13/6, báo Lao Động đưa tin về một cuộc tập huấn về lĩnh vực quyền con người dành cho các cơ quan báo chí được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.
Sự kiện trên được đồng thực hiện bởi Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông, với chủ đề "Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí".
Học viên của cuộc tập huấn này gồm các phóng viên, biên tập viên, và cán bộ của các cơ quan báo chí thuộc nhà nước.
Điều đáng chú ý là thay vì đào tạo báo giới vận dụng chức năng của họ để bảo vệ nhân quyền, thì cuộc tập huấn này lại nhằm mục đích biến nhà báo trở thành công cụ để bảo vệ chế độ trước các chỉ trích từ bên ngoài trong vấn đề quyền con người.
Cụ thể, nội dung của chương trình tập huấn trên bao gồm việc đào tạo phóng viên cách "nhận diện các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí" ở Việt Nam.
Và hướng dẫn báo chí cách "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" trong lĩnh vực nhạy cảm ở quốc gia do một mình đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chính quyền Việt Nam vẫn phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền bằng cách gọi những tổ chức, cá nhân đưa ra các cáo buộc đó là "thế lực thù địch", hoặc "kém thiện chí".
Ngoài ra thì các tờ báo cũng như kênh truyền hình quốc doanh cũng được sử dụng để tuyên truyền phản bác lại nhưng cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào chế độ.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Ngọc Vinh, cựu thư ký toà soạn của báo Tuổi Trẻ, cho biết những cuộc tập huấn như thế này vẫn diễn ra hàng năm, và chỉ nhằm một mục đích là đảm bảo báo giới hoạt động trong khuôn khổ :
"Theo tôi biết thì thỉnh thoảng nhà nước hoặc Đảng tổ chức những hội nghị như vậy, giống như những lớp bồi dưỡng, để khẳng định lại cái đường lối của Đảng trong lĩnh vực báo chí".
Bình luận về việc liệu báo chí có nguy cơ trở thành công cụ của đảng cầm quyền để tuyên truyền trong lĩnh vực nhân quyền thông qua các hoạt động tập huấn này hay không, ông Vinh nói :
"Như chúng ta đã biết, họ đâu cần phải biến báo chí thành công cụ gì đâu, bởi vì trong luật đã nói rõ rồi, báo chí ở Việt Nam là báo chí công cụ, là công cụ của Đảng và Nhà nước.
Chống thế lực thù địch cũng là một mục tiêu mà báo chí phải thực hiện, điều đó đã rõ, những hội nghị đó chỉ nhắc lại và nó nhấn mạnh, chấn chỉnh thêm. Chứ đường lối đưa tin đã thống nhất từ trên xuống dưới rồi. Động tới vấn đề nhân quyền thì phải cẩn trọng, vậy thôi".
Ngoài việc yêu cầu báo chí phải đấu tranh, phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền, một phần nội dung của cuộc tập huấn này cũng yêu cầu báo giới phải thực hiện chức năng định hướng dư luận trong lĩnh vực nhân quyền.
Về điểm này, ông Nguyễn Ngọc Vinh lấy vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1 năm 2020 để minh họa chức năng định hướng dư luận của báo chí :
"Tôi lấy ví dụ cái chuyện ở Đồng Tâm, khi mà ông Kình bị giết chết thì lúc đầu báo chí không đưa tin, chỉ có mạng xã hội đưa thôi. Nhưng mà khi báo chí tham gia thì báo chí chỉ đưa tin theo một nguồn duy nhất là bên phía công an.
Báo chí đã gạt bỏ những cái nguồn khác, ví dụ cái nguồn của nhân dân tại chỗ chẳng hạn, cái nguồn của những người chứng kiến, ví dụ thế. Theo đúng tinh thần làm báo thì chúng ta phải lấy nguồn tin từ nhiều nguồn, đó là nguyên tắc của báo chí hiện đại.
Thế nhưng ở Việt Nam thì báo chí chỉ được phép nói một chiều, nhất là trong những vụ án nhân quyền".
Với việc báo chí bị kiểm soát và trở thành công cụ của nhà cầm quyền, hậu quả đối với quyền của người dân là rất nghiêm trọng, theo lời một luật sư nhân quyền giấu tên nói với chúng tôi :
"Trong xã hội tự do dân chủ, báo chí được xem là cơ quan quyền lực thứ tư, là tấm gương phản chiếu việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà cầm quyền.
Trong những xã hội đó báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do, nhân phẩm của người dân.
Tuy nhiên đối chiếu với tình hình xã hội ở Việt Nam báo chí được xem như là công cụ của nhà cầm quyền, các cơ quan báo chí phải chịu sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo nên họ mất đi tính sáng tạo, phản biện vốn có.
Báo chí lúc này được xem như là cơ quan ngôn luận của nhà cầm quyền để đàn áp những tiếng nói đối lập, tung tin sai lạc nhằm ly gián, gây hiểu lầm giữa các tầng lớp xã hội, bảo vệ cho giới chóp bu cầm quyền".
Nguồn : RFA, 14/06/2022
***********************
Ngày 13/6, tại Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Thông tin và truyền thông, tổ chức lớp tập huấn "Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí".
Dự lớp tập huấn có : Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó giáo sư tiến sĩ Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó giáo sư tiến sĩ Đặng Dũng Chí - Giảng viên cao cấp Viện Quyền con người, ông Lê Văn Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), cùng đông đảo cán bộ, phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí trên cả nước.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.
Từ đó, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thông qua các phương thức như : truyền thông và định hướng dư luận về quyền con người ; là diễn đàn tự do ngôn luận của người dân ; cung cấp và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; phát hiện, lên án các hành vi vi phạm quyền con người ; nêu gương các điển hình trong đấu tranh bảo vệ quyền con người ; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người.
Chương trình tập huấn bao gồm 6 chương : Giới thiệu khái quát về quyền con người ; Chuẩn mực và cơ chế quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ; Nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam ; Quan điểm, chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền con người và tự do báo chí ; Kỹ năng, nghiệp vụ báo chí nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và ngăn ngừa vi phạm quyền con người ở Việt Nam ; Tiếp cận dựa trên quyền trong tác nghiệp báo chí.
Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh, để khóa tập huấn đạt hiệu quả tốt nhất, đề nghị các giảng viên cần truyền tải những thông tin cơ bản và mới nhất về quyền con người, chú trọng phương pháp giảng dạy tích cực ; dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận ; gợi mở, định hướng, cung cấp tài liệu cho học viên để họ chủ động tiếp cận nội dung quyền con người.
Các học viên tham gia cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn; tích cực phát biểu, thảo luận, chia sẻ để nâng cao hiệu quả các buổi tập huấn; chủ động nghiên cứu tài liệu, trao đổi kinh nghiệm để tích lũy tối đa kiến thức về quyền con người nhằm phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Thời gian tập huấn diễn ra từ ngày 13-15/6 tại Ninh Bình. Các chuyên đề sẽ do các giảng viên, chuyên gia của Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và truyền thông trình bày.
Xuân Hùng – Diệu Anh
Nguồn : Lao Động online, 13/06/2022
Lời tòa soạn : Nhân dịp kỷ niệm bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập chúng tôi đăng lại sau đây bài viết của Nguyễn Gia Kiểng về cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Bài này tuy đã viết 5 năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị, nhất là vào lúc này, như độc giả có thể nhận thấy (Thông Luận, 10/12/2020)
Nhân kỷ niệm bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập
Chính họ phải khiêm tốn !
Chúng ta đúng và mạnh, họ sai và yếu
Nguyễn Gia Kiểng, 12/2015
Chúng ta, những người dân chủ, không chỉ đúng mà còn đang ở trong thế mạnh. Họ, những người cầm đầu Đảng cộng sản, không chỉ sai mà còn đang ở trong thế nguy. Chúng ta vẫn ôn hòa và khiêm tốn vì đó là thái độ đúng. Nhưng chính họ còn phải khiêm tốn hơn.
Thế giới vừa kỷ niệm 67 năm ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, nhất là vào lúc Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang lúng túng chuẩn bị đại hội đảng. Tại sao chúng ta đã không đạt được kết quả mong muốn ?
Lý do chính là vì chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa của những giá trị dân chủ và nhân quyền nói riêng và sức mạnh của tư tưởng chính trị nói chung. Cái đúng, cái phải có sức mạnh vô địch, với điều kiện là được hiểu thật thấu đáo.
Nhìn lại một biến cố lịch sử và một cuộc cách mạng tư tưởng lớn
Hoàn cảnh ra đời của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập -mà cho đến nay nhiều người vẫn gọi là "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền"- đặc biệt đáng chú ý. Đó là một khúc quanh lịch sử chứa đựng nhiều bài học quí báu. Tháng 4-1945, vào lúc Thế Chiến II sắp chấm dứt, đại diện của năm mươi quốc gia họp tại San Francisco để soạn thảo hiến chương cho một định chế quốc tế mới, sau này được gọi là Liên Hiệp Quốc, để thay thế cho Hội Quốc Liên đã bất lực trong việc ngăn ngừa Thế Chiến II. Mục đích đặt ra lúc đó cho Liên Hiệp Quốc chỉ là để tránh một cuộc thế chiến mới, để cuộc chiến tranh lạnh đã ló dạng giữa hai khối tư bản và cộng sản không biến thành chiến tranh nóng. Vấn đề nhân quyền không đặt ra.
Chính trong khi thảo luận, nhờ những đóng góp của một số trí thức qui tụ trong 42 tổ chức phi chính phủ (NGO) được mời đến với tư cách tham vấn mà người ta đã khám phá ra rằng nguyên nhân chính của chiến tranh là thế giới đã chỉ biết đến các quốc gia mà không biết đến con người. Chính sự coi thường con người đã khiến các chính quyền hy sinh tính mạng của các công dân của mình để gây chiến giết người dân những nước khác. Muốn tránh chiến tranh thì phải thay đổi hẳn tư tưởng chính trị, đặt con người lên trên nhà nước.
Đó là một cuộc cách mạng tư tưởng rất lớn. Cho tới lúc đó các quốc gia có toàn quyền sinh sát trên các công dân của mình. Một chính quyền chỉ bị phản đối nếu giết hoặc đầy đọa người ngoại quốc, vì như thế là xâm phạm tài sản của một nước khác. Con người chỉ là một chi tiết thuộc quyền sở hữu của một nhà nước. Lúc đó, hơn một thế kỷ sau khi làn sóng dân chủ thứ nhất đã bác bỏ chủ nghĩa thần quyền và đánh đổ các chế độ quân chủ thần quyền mạnh nhất, chủ nghĩa thời thượng là chủ nghĩa quốc gia cùng với, từ sau Thế Chiến I, đối thủ nhưng đồng thời cũng là anh em họ của nó là chủ nghĩa cộng sản. Triết gia có ảnh hưởng nhất về chính trị và lịch sử là Hegel. Lý thuyết biện chứng của ông cho rằng các nhà nước là thiêng liêng và sự xung đột giữa các quốc gia là đương nhiên theo sự chỉ đạo của một Ý Chí Tuyệt Đối không khác gì một Thượng Đế. Các quốc gia đương nhiên phải thôn tính lẫn nhau vì quốc gia nào cũng phải mở mang bờ cõi và bành trướng thế lực. Theo Hegel những cuộc chiến này dần dần sẽ khiến thế giới thống nhất trong những điều kiệt hợp lý nhất. Đệ tử chối thày của Hegel là Karl Marx ôm toàn bộ lý thuyết biện chứng của ông, chỉ thay các quốc gia bằng các giai cấp. Đối với Marx sự xung đột giữa các giai cấp cũng là lẽ dĩ nhiên vì con người chỉ là thành phần của một giai cấp và phải đấu tranh cho giai cấp của mình. Cả hai chủ nghĩa tập thể này đều không nhìn nhận chỗ đứng của cá nhân. Chiến tranh giữa các nước đã liên tục xẩy ra trong những tiếng hô "tổ quốc trên hết !" và dẫn tới Thế Chiến I. Tuy vậy các chính trị gia vẫn chưa hiểu và Thế Chiến II đã bùng nổ chỉ 21 năm sau khi Thế Chiến I chấm dứt. Thế Chiến II chưa thực sự chấm dứt thì nguy cơ một thế chiến mới đã xuất hiện, lần này giữa hai khối tư bản và cộng sản. Khả năng nổ ra thế chiến rất lớn vì phong trào cộng sản chủ trương xóa bỏ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực. Chính sự sáng suốt của các nhà tư tưởng chứ không phải của các chính quyền đã giúp thế giới không bị hủy diệt vì chiến tranh nguyên tử. Họ đã nhìn thấy là hòa bình bền vững chỉ có thể có nếu con người được coi là giá trị cao nhất và được dành những quyền không thể xâm phạm. Con người mà họ đề cao không phải là một ông A hay một bà B cụ thể nào mà là một con người phổ cập xuất phát từ niềm tin rằng mọi con người không phân biệt mầu da, chủng tộc và văn hóa đều có những khả năng bẩm sinh tương đương, đều có những ước vọng như nhau và đều chia sẻ một số giá trị chung. Con người phổ cập đó tuy trừu tượng vì không là một ai cả nhưng lại hiện diện một cách cụ thể trong tất cả mọi người và là cốt lõi của triết lý chính trị được gọi là chủ nghĩa cá nhân (*). Con người đó phải được tôn trọng, và vì nó hiện diện trong mọi người nên mọi người phải được tôn trọng.
Ý thức về quyền con người và -chủ nghĩa cá nhân- đã xuất hiện từ thế kỷ 17 nhưng chỉ được thể hiện trong sinh hoạt chính trị tại Mỹ và một cách rất hạn chế tại một số nước Châu Âu từ cuối thế kỷ 18. Chủ nghĩa áp đảo vẫn là chủ nghĩa quốc gia, và đó đã là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến.
Lý do khiến khái niệm quyền con người không giành được thế áp đảo là vì những người tranh đấu cho nó đã thiếu lòng tin, đã không dám khẳng định rằng con người chứ không phải tổ quốc mới là giá trị cao nhất. Chỉ sau khi hàng trăm triệu người đã chết sau những cuộc chiến tranh thảm khốc, nhất là hai cuộc thế chiến, họ mới thực sự hiểu và tin rằng nhân quyền phải được coi là nền tảng bắt buộc của chính trị và mới phấn đấu cho nó một cách thuyết phục và hiệu quả, với tất cả quyết tâm.
Và họ đã thắng. Dù không có vũ khí nào ngoài một lý tưởng đúng các tổ chức nhân quyền đã thuyết phục được đại biểu các quốc gia đưa quyền con người vào ngay lời nói đầu và nhiều điều khoản khác của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ba năm sau Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua tại Paris ngày 10-12-1948. Cố gắng đã rất khó khăn nhưng thắng lợi đã rất vẻ vang. Nhiều chính quyền, nhất là Liên Xô và các nước cộng sản, đã phản bác quyết liệt, coi Tuyên ngôn này là một can thiệp không chấp nhận được vào chủ quyền quốc gia. 168 yêu cầu tu chỉnh đã được đưa ra trong 81 buổi họp. Nhưng cuối cùng Tuyên ngôn đã được thông qua gần như với văn bản lúc ban đầu với 48 phiếu thuận và không một phiếu chống nào. Liên Xô và các nước chống đối đã chỉ vắng mặt chứ không dám chống lại. Điều cần được đặc biệt lưu ý là bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập này về nội dung là một tuyên ngôn dân chủ và chống chủ nghĩa cộng sản một cách dứt khoát bởi vì nó khẳng định những quyền tự do được dùng làm tiêu chuẩn để định nghĩa một chế độ dân chủ. René Cassin đại diện của Pháp trong ủy ban soạn thảo được coi là người chấp bút tuyên ngôn. Sau này ông được giải Nobel về hòa bình và giải nhân quyền năm 1968.
René Cassin đại diện của Pháp trong ủy ban soạn thảo được coi là người chấp bút tuyên ngôn. Sau này ông được giải Nobel về hòa bình và giải nhân quyền năm 1968.
Hai công ước đính kèm, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã đòi hỏi thời gian và những cố gắng lớn hơn nhiều vì gặp sự chống đối của rất nhiều chính quyền vì những lý do khác nhau, kể cả hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Thêm vào đó thủ tục cũng phức tạp hơn : sau khi đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết, sự cam kết của mỗi nước lại còn phải qua hai giai đoạn, chính phủ ký và sau đó quốc hội biểu quyết thông qua.
Hoa Kỳ tuyên bố không chống nhưng cũng sẽ không ký ngay từ năm 1953 và đến năm 1977 mới ký nhưng cũng chỉ thông qua năm 1992, còn Liên Xô thì chống đối mạnh mẽ rồi mới ký nhưng lại loại trừ những điều cơ bản nhất nên cũng như không ký cho đến khi tan vỡ. Trung Quốc chỉ ký năm 1998 nhưng vẫn chưa thông qua.
Tuy vậy hai công ước vẫn được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua mà không bị một phiếu chống nào năm 1966 và có giá trị luật pháp quốc tế kể từ 1976 sau khi đã hội đủ số nước ký nhận và thông qua. Nhân quyền đã thắng.
Chỉ cần hành động ?
Tại sao những người tranh đấu cho nhân quyền đã thành công trong hai mươi năm, điều mà các thế hệ đàn anh của họ đã không làm được trong gần ba thế kỷ ?
Nếu có tư tưởng và kiến thức chính trị thì chúng ta đã tránh được cuộc nội chiến 30 năm làm đất nước tan tành và sáu triệu người chết oan
Dĩ nhiên là thời gian đã làm công việc của nó và hàng trăm triệu người chết oan đã làm thế giới thức tỉnh nhưng lý do chính là những người đấu tranh cho nhân quyền -cũng là đấu tranh cho dân chủ như ta sẽ thấy- đã hiểu rõ hơn họ đang đấu tranh cho cái gì ; nhờ vậy họ đã có quyết tâm và phương pháp và đã đấu tranh một cách thuyết phục và hiệu quả. Có một khác biệt rất lớn giữa những người đấu tranh với sự hiểu biết thấu đáo và những người chỉ đấu tranh với nhiệt tình, vì rất khó để thuyết phục và động viên những người khác hưởng ứng một lý tưởng mà chính mình cũng không hiểu rõ.
Tư tưởng và kiến thức chính trị cần thiết bao nhiêu thì sự thiếu vắng của chúng cũng tai hại bấy nhiêu. Điều này đáng lẽ người Việt Nam, nhất là trí thức, phải rất thấm thía.
Nếu có tư tưởng chính trị thì vào năm 1945 đảng được những người yêu nước ủng hộ nhất đã không thể là Đảng cộng sản, một đảng mà mục tiêu sau cùng là xóa bỏ các quốc gia, nhưng thực tế là nhiều cán bộ cộng sản lão thành vẫn hãnh diện nói rằng mình đã theo Đảng vì lòng yêu nước.
Nếu có kiến thức chính trị thì chúng ta đã phải hiểu rằng sau Thế Chiến II, với hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập, kỷ nguyên thực dân đã chấm dứt, độc lập chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục và cuộc đấu tranh giành độc lập không cần một cuộc chiến đẫm máu ; độc lập chỉ là một chiêu bài cho một cuộc nội chiến mà mục tiêu là để áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nếu có kiến thức chính trị thì trí thức Việt Nam đã phải hiểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn không phải là một nước thực dân và khẩu hiệu "chống Mỹ cứu nước" chỉ là một chiêu bài bịp bợm để "đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô" như lời Lê Duẩn.
Và người ta cũng đã không tưng bừng reo hò "Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" ngày 30/4/1975 để rồi 15 năm sau nhìn nó sụp đổ. Vả lại chủ nghĩa Marx đã bị từ bỏ trên chính quê hương của nó từ một thế kỷ trước, năm 1875, tại đại hội Gotha. Nếu có một chút kiến thức chính trị chắc chắn ông Hồ Chí Minh đã không sung sướng đến nỗi gần như mê sảng khi được đọc luận cương cộng sản như chính lời ông thuật lại rồi đem nó vào Việt Nam.
Nếu có tư tưởng và kiến thức chính trị thì chúng ta đã tránh được cuộc nội chiến 30 năm làm đất nước tan tành và sáu triệu người chết oan, và ngày nay nước ta đã có thể có một mức phát triển tương đương với Hàn Quốc và Đài Loan.
Nếu có một kết luận mà chúng ta phải rút ra một cách dứt khoát thì đó là phải bỏ sai lầm cho rằng chỉ cần hành động mà không cần lý thuyết, chỉ cần làm chứ không cần nói. Chúng ta cần học hỏi tư tưởng và kiến thức chính trị. Chúng ta cũng cần thảo luận để trao đổi các ý kiến và hiểu nhau.
Trước mắt, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập chúng ta cần nắm vững hai điều cơ bản nhất.
Một là, không thể phân biệt nhân quyền và dân chủ. Một chế độ được coi là dân chủ khi tôn trọng ít nhất ba quyền tự do cơ bản : tự do ngôn luận và báo chí ; tự do kết hợp, nghĩa là tự do thành lập hoặc tham gia các tổ chức ; tự do bầu cử và ứng cử. Cả ba quyền này đều được khẳng định -cùng với nhiều quyền khác- trong cả Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập (các điều 19, 20, 21) lẫn Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (các điều 18, 19, 22, 25). Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập như vậy cũng là tuyên ngôn dân chủ. Dân chủ và nhân quyền chỉ là một, chỉ là cùng một khái niệm được thể hiện trên hai qui mô khác nhau. Dân chủ là nhân quyền trên qui mô quốc gia, nhân quyền là dân chủ trên qui mô cá nhân. Cũng đừng phân biệt đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh cho nhân quyền trên thực tế đã là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Hai là, nhân quyền ngày nay đã trở thành luật. Ba văn kiện gồm Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập, Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế Về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa đã được nhìn nhận là có giá trị của một bộ Luật Nhân quyền Quốc tế (The International Bill of Human Rights). Các chính quyền vi phạm nhân quyền là những chính quyền phạm pháp.
Đừng lẫn lộn chịu đựng với công nhận
Vậy người Việt Nam chúng ta phải có thái độ nào với Đảng cộng sản ?
Đây là một câu hỏi nền tảng nhưng cũng đặc biệt có giá trị thời sự vào lúc này, khi chúng ta vừa kỷ niệm Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập và Đảng cộng sản đang chuẩn bị đại hội 12.
Đảng cộng sản đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn những quyền con người đã được qui định rõ ràng trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập và hai công ước đính kèm. Không thể kể hết những vi phạm của họ, trong nhiều trường hợp cũng đồng thời là những tội ác lớn đối với loài người. Họ cũng đang vi phạm nhân quyền và đang chuẩn bị nhiều vi phạm khác. Vừa qua bộ trưởng công an Trần Đại Quang tiết lộ chính quyền cộng sản đã bắt hơn 2.000 người trong ba năm qua và đang nhắm 350 người khác trong các tổ chức xã hội dân sự. Những người này có tội gì ? Đây là một hành vi bắt người và giam giữ trái phép trên qui mô lớn vi phạm nghiêm trọng các điều 9 và 10 của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập và các điều 9 và 14 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chế độ này là một chế độ bất hợp pháp. Không những thế nó còn đánh chết nhiều người trong đồn công an và cho công an giả dạng côn đồ hành hung những người đối lập, vừa vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân quyền Quốc tế vừa phơi bày bản chất đạo tặc.
Hiến pháp của chế độ dành độc quyền chính trị cho Đảng cộng sản và coi các lực lương vũ trang, quân đội cũng như công an, là dụng cụ thống trị của đảng. Trên thực tế các cấp quân đội và công an từ hạ sỹ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản. Đây không phải chỉ là một vi phạm đối với các điều cấm phân biệt đối xử trong bộ Luật Nhân quyền Quốc tế mà còn xác nhận một sư kiện khác : Đảng cộng sản cư xử như một lực lượng chiếm đóng. Dân tộc ta đã từng không may bị ngoại thuộc nhưng ngay cả những lực lượng chiếm đóng nước ngoài cũng không thô bạo đến như thế. Ngay trong thời Pháp thuộc cũng có những người Việt Nam làm đến cấp bậc sĩ quan. Chúng ta không thể nhìn nhận hiến pháp này. Hiến pháp là luật căn bản và luật chỉ là luật nếu vừa đúng vừa chính đáng. Hiến pháp này không đúng bởi vì nó ngang ngược, quá ngang ngược. Nó cũng không chính đáng bởi vì không do những đại diện do người dân chọn lựa bằng bầu cử tự do.
Đảng cộng sản ngụy biện rằng đã qui định như thế nhân danh nhân dân Việt Nam mà họ là đại điện chân chính. Họ không đại diện cho nhân dân Việt Nam nhưng ngay cả một chính quyền thực sự chính đáng cũng không thể cướp đoạt những quyền con người cơ bản vì đó là những quyền không thể chuyển nhượng.
Như vậy thái độ đúng là nhìn Đảng cộng sản như một tổ chức tội phạm và lực lượng chiếm đóng chứ không phải như một đảng cầm quyền bình thường có một số sai lầm cần được phê phán để sửa sai. Chúng ta bác bỏ bao lực và hận thù nên chấp nhận tạm thời chịu đựng chế độ này để tiếp tục đấu tranh tiến tới một chế độ khác chứ chúng ta không nhìn nhận nó. Đừng lẫn lộn chịu đựng với nhìn nhận, ôn hòa với khiếp nhược, bao dung với quỵ lụy.
Chúng ta ôn hòa và bao dung, chúng ta muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc. Chúng không mong điều gì xấu cho những người lãnh đạo cộng sản, kể cả những người lãnh đạo cao nhất, nhưng thái độ thiện chí đó không cho phép chúng ta phủ nhận sự thực. Chúng ta vẫn phải nói thẳng với họ là họ sai, họ không có quyền làm những điều họ đã làm, còn đang làm và đang có ý định làm. Chúng ta có quyền và chúng ta đòi chứ không xin. Họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng và chúng ta phải nói ra vì đó là sự thực. Chúng ta muốn đối thoại hòa nhã với họ để tìm một lộ trình dân chủ hóa đất nước trong tình tự dân tộc nhưng chúng ta vẫn phải nói thực. Không có gì cho phép chúng ta nói sai sự thực cả. Socrates từng nói sự thực cao hơn cả Thượng Đế và ngay cả Thượng Đế nếu không đúng cũng không đáng tôn trọng.
Nay cả một chính quyền thực sự chính đáng cũng không thể cướp đoạt những quyền con người cơ bản vì đó là những quyền không thể chuyển nhượng. Ảnh tù nhân lương tâm Việt Nam. Photos 88 Project. AFP. Dongkhoi Online. VGT. DR/Libération, 25/2/2019
Chính họ phải khiêm tốn
Thái độ nhân nhượng quá đáng thể hiện trong những yêu cầu và kiến nghị gửi Đảng cộng sản trước mỗi đại hội đảng -cũng may ngày càng ít- có lẽ đến từ hai nguyên nhân cần được nhận diện.
Nguyên nhân thứ nhất là một sự hiểu biết thiếu hụt về khái niệm quyền.
Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền.
Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại bởi vì người ta viện dẫn quyền để phản đối một thực tại vô lý. Vì thế nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại ; sự phản kháng là cốt lõi của quyền.
Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý ; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.
Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Người ta đòi quyền chứ không xin. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng.
Nguyên nhân thứ hai là một đánh giá sai lầm về tương quan lực lượng khiến người ta bi quan nghĩ rằng chính quyền này dù sai nhưng quá mạnh nên dù muốn hay không cũng chỉ có quan hệ xin-cho. Sai lầm lớn.
Khi Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập được biểu quyết, mặc dù sự kiện này tự nó đã là một thắng lợi lớn, nhiều người vẫn nghĩ nó chỉ là một tuyên ngôn nguyên tắc không thay đổi được thực tế. Ngay cả khi hai công ước được biểu quyết và bộ Luật Nhân quyền Quốc tế thành hình vẫn còn nhiều người nghĩ đó chỉ là một luật mà nếu không tuân hành cũng không sao bởi vì thiếu những biện pháp chế tài vi phạm. Và trên thực tế đã có vô số vi phạm, kể cả những vi phạm rất kinh khủng. Tuy nhiên những người bi quan đã không nắm bắt được một thay đổi quan trọng. Đó là từ nay đã có luật và những kẻ vi phạm được nhận diện và bị buộc tội chứ không thể hiên ngang như trước. Và luật đúng có sức mạnh của nó, đủ để đánh bại những kẻ chống lại nó. Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu đã sụp đổ, như các chế độ độc tài tại Châu Mỹ La Tinh, rồi gần đây tại Trung Đông. Chỉ trong một tháng qua đã có ba tin mừng : Myanmar đã chuyển hóa về dân chủ, các lực lượng dân chủ đã thắng tại Venezuela, chế độ thần quyền khắc nghiệt nhất thế giới -Saudi Arabia- đã phải chấp nhận cho phụ nữ tham gia bầu cử và ứng cử. Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tăng cường độ và vận tốc. Gọng kìm đang xiết lại trên các chế độ độc tài còn lại. Chúng đang sống những ngày quằn quại cuối cùng. Riêng chế độ cộng sản Việt Nam còn đặc biệt khốn đốn vì phân hóa nội bộ nghiêm trọng và vì sự phẫn nộ ngày càng công khai của nhân dân. Đã thế còn đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, hậu quả của bất tài và tham nhũng.
Chúng ta, những người dân chủ, không chỉ đúng mà còn đang ở trong thế mạnh. Họ, những người cầm đầu Đảng cộng sản, không chỉ sai mà còn đang ở trong thế nguy. Chúng ta vẫn ôn hòa và khiêm tốn vì đó là thái độ đúng. Nhưng chính họ còn phải khiêm tốn hơn.
Xin kết thúc bài này bằng một đề nghị nhỏ. Cho tới nay chúng ta vẫn có thói quen gọi bản tuyên ngôn nhân quyền 10/12/1948, tiếng Mỹ là The Universal Declaration of Human Rights, là bản "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền", nhưng dịch như vậy là sai vì từ universal có nghĩa là phổ cập, nghĩa là đúng và phải được tôn trọng trên khắp thế giới, chứ không phải là quốc tế, nghĩa là thuộc về quan hệ giữa các quốc gia. Trong một số trường hợp hai từ phổ cập và quốc tế có nghĩa gần giống nhau nhưng trong trường hợp này sự lẫn lộn là một sai lầm lớn vì tinh thần của bản tuyên ngôn nhân quyền này chính là để khẳng định rằng nhân quyền không phải là một vấn đề quốc tế, nghĩa giữa các quốc gia với nhau, và mỗi chính quyền có thể hiểu một cách. Trái lại nhân quyền là những quyền phổ cập mà mọi nước, mọi người đều phải hiểu và tôn trọng như nhau. Vậy từ nay chúng ta nên gọi tài liệu lịch sử quan trọng này một cách chính xác là Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập.
Nguyễn Gia Kiểng
(12/2015)
(*) Về quyền con người và chủ nghĩa cá nhân tôi có viết hai bài mà độc giả có thể tham khảo :
1. Nguyễn Gia Kiểng, "Quyền con người", Thông Luận, 10/12/2020
2. Nguyễn Gia Kiểng, "Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân, Thông Luận blog, tháng 12/2016
Lời tòa soạn : Nhân kỷ niệm Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập, chúng tôi đăng lại sau đây bài viết của Nguyễn Gia Kiểng. Bài viết này không có thời gian tính vì thuộc phạm trù triết lý chính trị (Thông Luận, 10/12/2020)
Nhân kỷ niệm bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập
Quyền con người
Nguyễn Gia Kiểng, 12/2004
Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền. Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại ; nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại ; sự phản kháng là cốt lõi của quyền. Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý ; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó. Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất.
Quyền con người, cũng như tự do, dân chủ và môi trường, đã trở thành những giá trị phổ cập không thể chối cãi. Ngay cả các chế độ bạo ngược nhất cũng không còn phản bác sự đúng đắn của quyền con người nữa.
Chúng ta có thể mừng rằng cuộc tranh luận quyền con người đã ngã ngũ, quyền con người đã được nhìn nhận là một giá trị phổ cập. Nhưng cũng chính vì không còn thảo luận nữa mà quyền con người có nguy cơ trở thành mơ hồ ; người ta cảm nhận như là một điều hiển nhiên nhưng không thể giải thích một cách minh bạch và do đó không thể tranh đấu cho nhân quyền một cách thuyết phục và hiệu lực. Chưa kể là còn có thể không hiểu đúng và lý luận lệch lạc. Đây không phải chỉ là một giả thuyết, trong nhiều trường hợp đã thực sự có những phát biểu rất đáng buồn. Có những người tuyến bố chỉ tranh đấu cho nhân quyền chứ không "làm chính trị" ; họ coi hoạt động nhân quyền như một hành động từ thiện mà quên, hay không biết, rằng nhân quyền bao giờ cũng thuần túy là một vấn đề chính trị. Tệ hơn nữa, còn có người tự nhận là tranh đấu cho dân chủ nhưng lại phân biệt những quyền cấp một (gồm quyền được ăn no, mặc ấm, săn sóc sức khỏe và những quyền tương tự) cần được thỏa mãn ngay, và những quyền cấp hai (gồm các quyền tự do chính trị và văn hóa) có thể trì hoãn, mà không hiểu rằng ngay cả những chính quyền độc tài cũng không còn lý luận như vậy nữa. Những quyền gọi là "cấp một" thực ra chỉ là quyền con vật chứ không phải quyền con người. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được cả thế giới văn minh nhìn nhận, không có sự phân biệt này. Vấn đề chỉ là chọn đứng về phía thế giới văn minh hay chọn làm đồng lõa với những chế độ chà đạp nhân quyền mà thôi. Và tại sao, vì lý do siêu hình nào, căn cứ vào kinh nghiệm cụ thể nào, các quyền tự do chính trị và văn hóa lại mâu thuẫn với cơm no áo ấm ?
Sự thiếu kém tư tưởng của người Việt Nam biểu lộ qua chính một danh xưng đã thành thói quen : bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Cụm từ này được dùng để dịch cụm từ Universal Declaration of Human Rights (tiếng Pháp là Déclaration Universelle des Droits de l’Homme). Dịch như vậy không những sai mà còn trái nghĩa. Universal có nghĩa là phổ cập, nghĩa là phải được coi là đúng ở mọi nơi, bởi mọi người. Quốc tế (International) là giữa các nước. Đáng lẽ phải gọi là Tuyên ngôn Phổ Cập Về Quyền Con người hay Tuyên ngôn Toàn Cầu Về Nhân quyền. Từ "quốc tế" không những chỉ sai mà còn phản nghĩa vì nó làm người ta hiểu lầm rằng nhân quyền là một vấn đề trong bang giao giữa các quốc gia mà không kể đến những gì xảy ra trong mỗi quốc gia, trong khi đây là văn kiện khẳng định quyền của mỗi cá nhân. Về nội dung nó là một bản tuyên ngôn của tự do cá nhân, không phân biệt quốc tịch, địa lý, chủng tộc, hay bất cứ một tiêu chuẩn nào, mà mọi người, mọi đoàn thể và mọi nhà nước phải tôn trọng (1). Những lấn cấn và sai lệch như vậy chứng tỏ rằng thảo luận lại để nhìn rõ hơn về quyền con người vẫn còn cần thiết.
Cụm từ "quyền con người", hay nhân quyền, đặt ra ít nhất bốn câu hỏi : Con người mà chúng ta nói đến là con người nào ? Ai ban phát những quyền này và nhân danh cái gì ? Những quyền con người là những quyền nào ? Tất cả những quyền ấy có ngang hàng với nhau không, hay có những quyền phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, tức khắc và toàn diện, và những quyền khác chỉ có thể thỏa mãn theo từng hoàn cảnh ?
Câu hỏi "con người nào ?" không giản dị như người ta tưởng. Đã phải mất hơn hai thế kỷ tranh cãi người ta mới đạt tới câu trả lời dứt khoát : đó là mỗi cá nhân, không phân biệt theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Đó là tôi, là bạn, là bất cứ mỗi người nào mà chúng ta có thể gặp, hoặc biết tới, hoặc nghĩ tới. Con người phổ cập này một mặt khá trừu tượng vì không chỉ định riêng một cá nhân nào cả, nhưng mặt khác lại rất cụ thể vì thể hiện một cách toàn diện trong mỗi cá nhân. Đây là một vấn đề triết lý tế nhị. Tại Tây Âu và Hoa Kỳ, con người này, mà đặc tính cốt lõi là phải được nhìn nhận và tôn trọng vì có những quyền căn bản không thể xâm phạm, dù đã manh nha với Phật giáo, Thiên Chúa giáo và tư tưởng cổ Hy Lạp, đã chỉ được thực sự thai nghén từ thế kỷ 16, giai đoạn cuối của thời Phục Hưng, và ra chào đời cuối thế kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 18), trong đó sự xuất hiện của đạo Tin Lành một cách vô tình đã góp phần đáng kể. Các nước Châu Á và Châu Phi chỉ thực sự biết đến cá nhân sau khi tiếp xúc với phương Tây. Trước khi cá nhân xuất hiện chỉ có con người thành viên của một đoàn thể hay một đẳng cấp nào đó. Con người thành viên này không có sự hiện hữu độc lập và những quyền riêng biệt.
Sự ra đời của con người phổ cập này đã rất khó khăn, sự trưởng thành của nó cũng khó khăn không kém. Cho đến cuối thế kỷ 20, và một phần nào đó ngay trong lúc này, vẫn còn có những người không thừa nhận sự hiện hữu của cá nhân độc lập. Hai triết gia lớn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 là Edmund Burke và Joseph de Maistre phủ nhận con người phổ cập, mà họ gọi "con người trừu tượng", một cách quyết liệt. Đối với họ chỉ có con người thuộc một chủng tộc, một quốc gia, một tôn giáo hay một giai cấp mà thôi. Trong suốt hai thế kỷ 19 và 20, Karl Marx và trường phái của ông cũng phủ nhận một cách thù ghét cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Marx định nghĩa cá nhân như là "con người tách biệt khỏi xã hội" và đồng hóa nó với sự vị kỷ. Các chế độ cộng sản không biểu quyết bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và chà đạp trắng trợn con người không khác gì các chủ nghĩa phát-xít, quốc xã.
Cá nhân (individu), tức con người phổ cập, đã chỉ được nhìn nhận và tôn trọng (ít nhất trên lý thuyết) nhờ hai sự kiện : một là các nước dân chủ, lấy chủ nghĩa cá nhân làm nền tảng, đã thành công hơn hẳn các chế độ chuyên chính chà đạp con người ; hai là các tiến bộ về khoa học và nhân chủng học đã chứng minh được rằng quả nhiên có một giống người, khác hẳn với các động vật khác, có cấu tạo như nhau, những khả năng bẩm sinh như nhau, những bản năng, ước vọng và suy tư giống nhau, và chia sẻ với nhau một số giá trị chung. Có thể nói khám phá trọng đại nhất của loài người đã là khám phá ra chính mình, khám phá ra cá nhân.
Những gì vừa nói trên đây có thể bị một số người coi là mông lung. Họ lầm. Sự không biết đến cá nhân đã có những hậu quả, triết lý cũng như cụ thể, rất trầm trọng.
Một thí dụ là trường phái Lãng Mạn (Romanticism) tại Châu Âu đã bị trôi dạt rất xa khỏi tinh thần khởi đầu của nó chỉ vì sự thiếu vắng của cá nhân. Trường phái này bắt đầu bằng một tuyên ngôn tự do tuyệt đối : "Tôi không cần phải giống ai cả, tôi không bị ràng buộc vào một hệ thống giá trị nào cả, tôi tự tạo cho mình những giá trị của riêng mình". Tôi tự cho tự do tuyệt đối để sáng tạo. Nhưng "tôi" là ai ? Vào lúc đó (thế kỷ 17) cá nhân chưa xuất hiện, vả lại trường phái Lãng Mạn đã phủ nhận cá nhân khi khẳng định "tôi không giống ai cả", trong khi nền tảng của khái niệm cá nhân chính là niềm tin có một giống người trong đó mỗi thành viên có những khả năng giống nhau và chia sẻ một số giá trị. Sự thiếu vắng cá nhân đã tức khắc biến cái tôi lãng mạn thành cái tôi tập thể : nhà nước, đảng, tôn giáo. Cái tôi mà người ta tuyên bố giải phóng lúc ban đầu chẳng còn gì cả, nó chỉ như viên gạch trong một lâu đài, và chỉ có lâu đài là đáng kể. Cái tự do tuyệt đối bất chấp mọi giá trị mà người ta định dành cho "tôi" biến thành tự do tuyệt đối của tập thể, đúng hơn là quyền muốn làm gì cũng được của người cầm quyền. Từ đó nảy ra những khẩu hiệu "tổ quốc trên hết", "đảng đã quyết định như thế", "dân làm chủ" nhưng "dân" không là ai cả mà chỉ có người đại diện toàn quyền là đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước không thể sai vì không bị ràng buộc bởi một hệ thống giá trị nào cả. Lenin đã nói một câu chắc nịch như nhát búa của đao phủ : "Đạo đức là những gì tốt cho đảng cộng sản", các tín đồ của Lenin tại Việt Nam cũng ngạo nghễ không kém : "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" (phải hiểu : chống chủ nghĩa xã hội là phản quốc). Sự vắng bóng của cá nhân đã khiến cho trường phái Lãng Mạn, một phong trào có mục tiêu giải phóng và sáng tạo lúc ban đầu, biến thành nhà hộ sinh cho những chủ nghĩa chuyên chính cộng sản, phát-xít, quốc xã Đức, quân phiệt Nhật. Đây là sự hoại loạn (perversion) lớn nhất trong lịch sử tư tưởng thế giới.
Một thí dụ khác. Nước Pháp thường tự hào là quê hương của nhân quyền. Họ coi bản Tuyên ngôn Quyền Con người và Quyền Công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) năm 1789 có giá trị tương đương với bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Điều này sai, điểm khác biệt lớn giữa hai văn kiện này là định nghĩa con người. Con người trong bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ là cá nhân, vừa phổ cập và trừu tượng vì không là riêng ai, vừa rất cụ thể vì có thể là bất cứ người nào trên thế giới. Con người trong bản tuyên ngôn của Pháp là một công dân Pháp. Người Pháp cũng đề ra những quyền căn bản và phổ cập của con người, nhưng hầu như họ chỉ nhìn nhận những quyền này cho người Pháp. Thái độ này thể hiện một cách cụ thể trong tư tưởng chính trị Pháp : cho đến thế chiến II Pháp là một đế quốc thực dân, thực hiện dân chủ tại nước họ nhưng chà đạp nhân quyền tại các thuộc địa. Người dân các thuộc địa không được nhìn nhận là công dân (citoyen) Pháp, họ chỉ được coi là thần dân Pháp (sujet français). Hoa Kỳ, cái nôi thực sự của quyền con người và chủ nghĩa cá nhân, không có thuộc địa. Nước Anh, gần với văn hóa Mỹ hơn, tuy cũng có thuộc địa nhưng đối xử với các thuộc địa theo một tinh thần rất khác với Pháp. Họ coi mối liên hệ với các thuộc địa là liên lạc thương mại ; nếu cần họ giúp các thuộc địa lập ra các quốc gia để làm những đối tác bình đẳng với họ, như trường hợp Úc, Canada, Mã Lai và Ấn Độ. Họ tôn trọng quyền con người trong các thuộc địa bởi vì họ có ý niệm rõ ràng về cá nhân. Đối với họ, con người là con người. Đối với Pháp, con người trước hết là người Pháp, người Ý, người Việt, người Congo, v.v. (2).
Những thí dụ trên cho thấy vai trò nền tảng của cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Vắng bóng cá nhân những tư tưởng tốt đẹp cũng trở thành bệnh hoạn.
Ai ban phát quyền con người và nhân danh cái gì ?
Câu hỏi này giản dị hơn nhiều so với câu hỏi "con người nào ?" trên đây. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trả lời một cách giản dị và dứt khoát : thượng đế tạo ra con người và ban cho con người những quyền cơ bản, không thể bị tước đoạt, không thể chuyển nhượng và không thể tiêu hao với thời gian. Khẳng định này rập khuôn theo tư tưởng chính trị của John Locke (1632-1704). Có những câu được chép gần như nguyên văn từ tác phẩm Tổng Luận Về Chính Quyền Dân sự (Second Treaty of Civil Government) của ông. Như vậy thượng đế là căn bản chính đáng của quyền con người và vì thượng đế là tối cao nên quyền con người cũng là tối cao, và là quyền tự nhiên.
Bản Tuyên ngôn Quyền Con người và Quyền Công dân năm 1789 dựa trên một nền tảng chính đáng khác : đó là "các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành đại hội" tuyên bố các quyền con người và công dân với sự chứng giám của Đấng Tối Cao (l'Être Suprême). Như vậy tính chính đáng của tuyên ngôn này bị giới hạn. Trước hết là về tính phổ cập, nếu những quyền này do một hội đồng đại biểu của nhân dân Pháp quyết định thì một hội đồng đại biểu của một dân tộc khác (thí dụ dân tộc Libya) cũng có quyền qui định một cách khác. Mặt khác lại có thêm khái niệm "công dân", một khái niệm chính trị và một tư cách do chính quyền nhìn nhận, như vậy không áp dụng cho những người không được coi là công dân. (Ở đây xin mở một ngoặc đơn để chú thích về một vấn đề từ ngữ chính trị Việt Nam. Khái niệm xã hội dân sự (civil society) được một số tác giả dịch ra tiếng Việt là "xã hội công dân". Tôi không đồng ý với cụm từ này ; một người dù không được nhà nước cộng sản Việt Nam coi là công dân vẫn là một người và do đó vẫn có những quyền cơ bản, một trong những quyền này là quyền tham dự vào các đoàn thể, nghĩa là hiện diện trong xã hội dân sự). Sau cùng, ngay trọng nội bộ một dân tộc, cái gì một hội đồng quyết định thì sau đó một hội đồng khác có thể bãi bỏ, Đấng Tối Cao có hiện diện hay không cũng bất lực. Tóm lại, tính chính đáng của bản Tuyên ngôn Quyền Con người và Quyền Công dân của Pháp bị giới hạn cả về không gian lẫn thời gian.
Những quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ như vậy có tính chính đáng vững mạnh hơn nhiều. Nhưng bản tuyên ngôn này lấy thượng đế làm nền tảng chính đáng cho quyền con người nên một câu hỏi được đặt ra : nếu tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và không tin ở sự hiện hữu của thượng đế thì sao ? Ngay từ thế kỷ 17, giữa một Châu Âu Thiên Chúa giáo, đã có những nhà tư tưởng (như Grotius) tuyên bố dõng dạc "dù có Thượng Đế hay không thì những quyền cơ bản của con người vẫn thế". Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (cụm từ sai lầm đáng tiếc này đã trở thành thông dụng !) một phần nào đã giải quyết trên lý thuyết nền tảng chính đáng của quyền con người : đó là cộng đồng các quốc gia, thay mặt cho Nhân Loại, tự khẳng định những quyền căn bản của con người. Đây là một bước tiến lớn của loài người trên lộ trình tự giải phóng mình và khẳng định chính mình. Tuy nhiên bước tiến này vẫn chưa đủ xa và đủ mạnh, bởi vì Liên Hiệp Quốc vẫn còn chấp nhận những thành viên chà đạp trắng trợn quyền con người, như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và nhiều nước khác ; đại biểu các nhà nước này nhiều khi hiện diện ngay trong ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Như vậy thì cuộc chinh phục tự do của con người vẫn chưa xong.
Tương lai sẽ ra sao ? Cần nhận định một cách dứt khoát là các quyền căn bản qui định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền này - tự do cư trú, tự do chọn lựa nghề nghiệp, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và thông tin, tự do thành lập và tham gia các tổ chức, tự do bầu cử và ứng cử, v.v. - định nghĩa rõ rệt một chế độ dân chủ. Bản tuyên ngôn này cũng chính là Tuyên ngôn Dân chủ. Như vậy, quyền con người sẽ chỉ được thể hiện trọn vẹn khi dân chủ trở thành trật tự mới của thế giới. Chúng ta có mọi lý do để tin tưởng rằng trật tự này sẽ được thực hiện trễ nhất là trong một hai thập niên nữa. Lúc đó thế giới sẽ quả thực bước vào thời đại văn minh.
Những quyền nào và theo thứ tự nào ?
Câu hỏi này phức tạp hơn và sẽ luôn luôn cần được thảo luận và cập nhật. Một cách tóm lược ta có thể phân biệt hai loại quyền : những "quyền không bị" (freedoms from / droits-libertés) và những "quyền được có" (freedoms to / droits-créances).
Những quyền không bị là những quyền căn bản tối thiểu : không bị xâm phạm tới cơ thể, gia đình, tài sản ; không bị cấm đoán phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin ; không bị cấm cản thành lập và tham gia các tổ chức, ứng cử và bầu cử, v.v. Những quyền này qui định một không gian cá nhân mà nhà nước hay bất cứ ai không thể xâm phạm. Đó là những quyền tự do căn bản.
Những quyền được có là những gì cá nhân có thể đòi hỏi ở cộng đồng, đặc biệt là nhà nước, thí dụ như quyền được có một lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở ; được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v. (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền).
Tùy theo thứ tự ưu tiên dành cho hai loại quyền này mà tự do hay bình đẳng được coi trọng hơn. Những quyền không bị bảo đảm tự do, trong khi những quyền được có có mục đích bảo đảm một mức độ bình đẳng nào đó để tự do không phải chỉ là một khái niệm trừu tượng và có thể rỗng nghĩa đối với những người yếu đuối hoặc thiếu may mắn (quyền tự do đi du lịch ở Bahamas có ý nghĩa gì khi tôi không có tiền ngay cả để mua thực phẩm ?). Cuộc thảo luận về ưu tiên giữa hai loại quyền đã rất gay go, có lúc dữ dội, đôi khi đẫm máu. Các chế độ cộng sản đã hứa hẹn những quyền được có và nhân danh lời hứa không hề được thực hiện này để xóa bỏ những quyền không bị.
Một cách khách quan và lương thiện, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận định. Trước hết, thực tế cho thấy các xã hội tôn trọng tự do cũng là những xã hội phồn vinh nhất và tự do không phải là hậu quả mà là nguyên nhân của phát triển, bởi vì các xã hội dân chủ và phát triển đã chọn tự do kể từ lúc họ chưa phát triển, như Hoa Kỳ từ ngày lập quốc, và nhờ đó đã phát triển nhanh. Nhân quyền và dân chủ chưa bao giờ ngăn cản một dân tộc trở thành giàu mạnh. Đây là một tin vui vì nó chứng tỏ khả năng lớn của con người. Con người tự do có khả năng làm ra những phép mầu. Mặt khác, các quyền được có, dù không ai có thể phủ nhận tinh thần quảng đại của chúng, cần được quan niệm một cách dè dặt. Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi nhiều ở nhà nước nếu ngược lại chúng ta chấp nhận cho nhà nước khá nhiều quyền. Càng đòi hỏi ở nhà nước bao nhiêu thì càng phải chấp nhận một nhà nước kềnh càng bấy nhiêu và không gian cá nhân càng bị thu hẹp bấy nhiêu. Và quyền lực đẻ ra tham nhũng và lạm quyền, với hậu quả là áp bức và nghèo khổ. Nhà nước tốt nhất vẫn là một tối thiểu, chỉ còn lại vấn đề thế nào là tối thiểu, một vấn đề tế nhị. Phải hết sức thận trọng đối với nhà nước. Con người nói chung vừa mong manh vừa không thông thái. Nếu không được bảo đảm một không gian tự do cá nhân bất khả xâm phạm, nó có nguy cơ bị giảm thiểu đến chỗ không còn gì. Từ chỗ làm cho người dân, người cầm quyền rất dễ đi đến chỗ làm thay cho người dân, suy nghĩ thay cho người dân, quyết định những gì là tốt cho người dân, những gì người dân nên biết và không nên biết, phải làm và không được làm. Các quyền được có đã là lý cớ để các chế độ cộng sản, quân phiệt, phát-xít, quốc xã tước bỏ những quyền phải có, nghĩa là những quyền không bị, tạo ra những tai họa kinh khủng trong thế kỷ 20.
Chìa khóa để giải đáp bài toán này không phải là kỹ thuật mà là triết lý. Một lần nữa chúng ta không được quên một yếu tố căn bản : con người, với tất cả những khả năng, thiếu sót và yếu kém của nó. Con người có giới hạn cho nên không thể xây dựng ra được những xã hội tuyệt hảo. Những giá trị cao quí nhất thường mâu thuẫn với nhau. Chọn tự do tuyệt đối, chúng ta để cho kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu, sói ăn thịt cừu ; chọn bình đẳng tuyệt đối, chúng ta phải cấm kinh doanh để đừng ai giàu có hơn ai và đóng cửa các trường đại học để đừng ai thông thái hơn ai. Cũng thế, sáng tạo mâu thuẫn với ổn định, công lý không phải lúc nào cũng thể hiện được sự bao dung. Chúng ta luôn luôn phải thỏa hiệp, đó là bắt buộc của loài người. Tìm thỏa hiệp tối ưu là nghệ thuật và sự quyến rũ của hoạt động chính trị.
Nếu cần phải có một nguyên tắc cho hoạt động chính trị để đừng bị trôi giạt như người đi biển không la bàn thì ta có thể nói : con người phải được tôn trọng trước hết, xã hội sẽ phải làm tối đa cho mỗi thành viên trong chừng mực khả năng của nó. Nói khác đi, các quyền tự do căn bản, các quyền không bị phải được tôn trọng trước, các quyền được có sẽ ngày càng tăng, và sẽ mãi mãi tiếp tục tăng lên, cùng với sự gia tăng phồn vinh của xã hội. Một xã hội quảng đại nhất cũng chỉ có thể cho những gì nó có.
Tranh đấu cho nhân quyền
Một người bạn ở Mỹ rất tận tụy tranh đấu cho nhân quyền trong gần hai thập niên qua ghé Paris thăm tôi mùa hè này. Anh đặt câu hỏi : "Tại sao nhân quyền bị chà đạp tại Việt Nam như vậy mà chúng ta vẫn chưa có được một phong trào nhân quyền mạnh ?".
Chính tôi cũng đặt một câu hỏi tương tự : "Tại sao chế độ cộng sản đã kéo dài ba mươi năm rồi mà chúng ta vẫn chưa hình thành được một tập hợp dân chủ có tầm vóc ?". Chắc chắn là dân tộc Việt Nam đã quá mệt mỏi vì nghèo khổ và vì đã trải qua một cuộc chiến dài và đẫm máu, nhưng một phần của câu trả lời có lẽ là chúng ta chưa nhìn rõ vấn đề. Chúng ta vẫn còn phân biệt nhân quyền và chính trị, đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh cho dân chủ, và do đó phân tán lực lượng. Nhân quyền bao giờ cũng là một vấn đề chính trị. Một tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International hoặc Human Rights Watch có thể phi chính trị, bởi vì họ bảo vệ nhân quyền cho các nước khác, nhưng cuộc tranh đấu vì nhân quyền, tức là vì tự do, dân chủ, cho chính nước mình không thể nào khác hơn là một cuộc đấu tranh chính trị. Cả hai tài liệu gốc rễ của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền - Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Quyền Con người và Quyền Công dân năm 1789 của Pháp - đều là thành quả của những đấu tranh chính trị rất khốc liệt.
Sau cùng, để tạm kết luận, chúng ta cần lưu ý tới ý nghĩa triết học của chính khái niệm "quyền". Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền. Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại ; nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại ; sự phản kháng là cốt lõi của quyền. Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý ; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó. Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Đừng sợ rơi vào bẫy giáo điều, quyền con người chỉ là qui luật tự nhiên của sự sống.
Nguyễn Gia Kiểng
(12/2004)
Chú thích :
(1) Bản tuyên ngôn này, cùng với hai công ước, Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về các Quyền dân sự và chính trị, được gọi chung là Công ước quốc tế về Quyền con người (International Bill of Human Rights) qui định những điều mà các nhà nước phải tôn trọng trong các quan hệ với nhau. Tuy nhiên tự bản thân nó bản Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền Con người là một tuyên ngôn về quyền của mỗi cá nhân.
(2) Cho đến nay tư tưởng chính trị Pháp vẫn còn rất xa lạ với khái niệm con người phổ cập. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nhắc lại nhiều lần rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với các nước chưa phát triển.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng rằng Việt Nam "cam kết đảm bảo thúc đẩy quyền con người" trong phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu như trên của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Geneva, đưa ra hôm 01/07, sau khi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) lên tiếng báo động về tình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Tại phiên khai mạc khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 01/07, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu :
"Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phối hợp, ưu tiên bảo vệ sinh mạng người dân, đảm bảo quyền tiếp cận y tế, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương".
"Chúng tôi tái khẳng định bảo vệ và thúc đẩy quyền con người", bà Mai nhấn mạnh.
Truyền thông Việt Nam cho biết Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh đến kết quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, "ổn định kinh tế-xã hội, trật tự công cộng", cũng như chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, nhằm "bảo vệ các quyền con người".
Trước đó, hôm 29/6, Liên Hiệp Quốc vừa công bố một bức thư mà hai Báo cáo viên Đặc biệt của họ gửi cho Chính phủ Việt Nam ngày 30/4/2020 về các hành vi hăm doạ, sách nhiễu và đàn áp nhiều người khi có ý định hoặc đã tham gia một hội nghị quốc tế ở Thái Lan có sự hiện diện của giới chức Liên Hiệp Quốc.
Bức thư yêu cầu Việt Nam trả lời về các hành vi "hăm doạ, sách nhiễu, cấm xuất cảnh, theo dõi và sử dụng bạo lực đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền vì họ tìm cách tham gia hoặc đã tham gia hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo hay đức tin khu vực Đông Nam Á năm 2019, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan)".
Các trường hợp được nêu trong bức thư của các Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bao gồm các tín đồ Cao Đài đã bị ngăn cản không cho tham dự hội nghị và các giáo dân thuộc Giáo xứ Cồn Dầu đã bị chặn tại sân bay Đà Nẵng khi họ trở về từ Thái Lan.
Tương tự, vào ngày 3/6, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) lên tiếng báo động về tình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng OHCHR, cho biết trong một thông cáo rằng các quốc gia này đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch, với cáo buộc là loan truyền "thông tin sai lệch" trên mạng xã hội.
"Kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhà chức trách ở Việt Nam loan báo có hơn 600 người dùng Facebook đã bị triệu tập, thẩm vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị xóa", thông cáo viết.
Vào đầu tháng 5/2020, Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) và Hội đồng luật sư Geneva (GBA) cũng lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam lợi dụng những biện pháp cách ly dịch bệnh Covid-19 hà khắc, đã thẩm vấn, và tịch thu hộ chiếu cùng tài sản của nhà hoạt động nhân quyền Trương Thị Hà ở Hà Nội.
********************
Xung đột tại Thánh thất Hiếu Xương ̣(hay Thánh Thất Phú Lâm), thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên hôm 18/6/2020 Source: BPSOS/Facebook Công Danhboy
Vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương
Sáng ngày 18/6/2020, một nhóm khoảng 60 người thuộc chi phái 1997 trá danh Cao Đài do nhà nước dựng lên cùng với công an thường phục đến Thánh thất Hiếu Xương (hay còn gọi là Thánh thất Phú Lâm) tại thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đang do các tín đồ Cao Đài chân truyền cai quản để giành quyền điều hành nơi này.
Nhóm người này đọc huấn lịnh của người đứng đầu chi phái 1997 ông Nguyễn Thành Tám đòi quyền cai quản Thánh Thất Phú Lâm, đồng thời nhiều lần tìm cách xông vào Thánh thất, nhưng người đứng đầu Thánh Thất Chánh trị sự Nguyễn Hà, cùng các tín hữu của Thánh thất này và khoảng 100 tín đồ Cao Đài chân truyền khác đổ về từ các vùng lân cận đã quyết tâm bảo vệ Thánh Thất.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch BPSOS nhận định :
"Đây là hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng chính Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của Việt Nam và Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị".
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng :
"Huấn Lịnh của Ông Nguyễn Thành Tám và các thuộc quyền của ông ta chỉ có hiệu lực trong nội bộ Chi Phái 1997, không thể áp đặt lên tín đồ thuộc một tôn giáo khác".
1. Báo động Bộ Ngoại giao Hoa kỳ
Giám đốc điều hành Nguyễn Đình Thắng đã báo động với Hoa Kỳ về sự việc tại Thánh Thất Phú Lâm trong buổi họp thưởng kỳ với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback và Bà Gayle Manchin, tân Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF).
Ông nói :
"Tuần qua đã có một diễn tiến hết sức đáng quan ngại liên quan đến Đạo Cao Đài. Đó là một động thái nổi bật theo hướng sai.
"Trước hết là thông tin bối cảnh. Năm 1978 Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản, cáo buộc nhiều lãnh đạo của Đạo Cao Đài là "phản động" và trục xuất họ khỏi Tòa Thánh của họ, mà hệ quả thực tiễn là xoá sổ Hội Thánh Cao Đài.
"Năm 1997, Đảng Cộng Sản tạo ra một chi phái Cao Đài mới. Kể từ đó chính quyền Việt Nam đã hỗ trợ chi phái này để chiếm lĩnh khoảng 300 thánh thất của Đạo Cao Đài, kể cả Tòa Thánh Tây Ninh. Việc chiếm lĩnh này thường đi kèm với sự ép uổng, bắt buộc hoặc bạo lực và có sự can dự của công an.
"Nhờ sự quan tâm và áp lực quốc tế, trong 2 năm qua chi phái này đã đình chỉ nỗ lực đánh chiếm nốt khoảng 15 thánh thất vẫn còn thuộc quyền quản trị của các tín đồ Cao Đài chơn truyền. Đáng tiếc, việc đình chỉ này đã chấm dứt vào tuần rồi ̣(qua vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương".
Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao và USCIRF "gửi thông điệp rõ ràng và kiên quyết đến chính quyền Việt Nam rằng việc đang xảy ra ở Tỉnh Phú Yên là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng và tuyệt nhiên không thể chấp nhận".
2. Đề nghị chế tài
Do chính quyền Tỉnh Phú Yên có nhiều thành tích vi phạm tự do tôn giáo ̣(trong số 28 người Việt được USCIRF liệt kê trong danh sách nạn nhân bị đàn áp tôn giáo, có đến 22 người thuộc Tỉnh Phú Yên) nên BPSOS cũng đang đưa 7 quan chức lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào danh sách đề nghị Hoa kỳ chế tài theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế IRFA.
Biện pháp này cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những quan chức đứng sau các hành vi đàn áp tôn giáo, và áp dụng cả cho vợ, chồng, con của họ ; nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất.
Bên cạnh đó, 16 quan chức khác cũng đang bị BPSOS đề nghị chế tài theo Luật IRFA vì đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.
Ngoài ra BPSOS vẫn tiếp tục lập hồ sơ chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act). Luật này cấm nhập cảnh đối với đương sự và cùng lúc đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ, nếu có, nhưng không áp dụng cho thân nhân trực hệ.
3. Tầm quan trọng của các báo cáo vi phạm tự do tôn giáo
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết trong hai năm qua BPSOS đã nộp khoảng 100 bản báo cáo về các vụ vi phạm tự do tôn giáo cho Bộ Ngoại Giao và USCIRF để hỗ trợ cho các đề nghị chế tài theo Luật IRFA.
"Các bản báo cáo này đã đóng góp cho bản phúc trình thường niên của cả 2 cơ quan này, mới đây nhất là bản phúc trình năm 2020 do USCIRF công bố ngày 28 tháng 4, bản phúc trình đặc biệt về tù nhân lương tâm do USCIRF công bố ngày 9 tháng 6, và bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo do Bộ Ngoại Giao công bố ngày 10 tháng 6".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, "các báo cáo dồn dập với nội dung tương đồng này cho thấy chính quyền Hoa Kỳ đang quan tâm đặc biệt đến tình trạng đàn áp tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam mặc dù chính quyền Việt Nam tìm cách che mắt quốc tế qua các hình thức đàn áp tinh vi hơn trước đây".
4. Kêu gọi cung cấp thông tin về nạn nhân tự do tôn giáo
Do Quốc hội Hoa kỳ muốn dùng danh sách những nạn nhân bị vi phạm tự do tôn giáo như một thước đo về tình trạng đàn áp tôn giáo ở một số quốc gia bị xem là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam, BPSOS kêu gọi những ai có thông tin về các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo hãy cung cấp tại đây để BPSOS chuyển thêm vào danh sách của USCIRF.
***********************
Người nhà tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn bị giam lỏng, sách nhiễu (RFA, 01/07/2020)
Ngày 30/6/2020, con trai của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn là anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa cho biết mình bị lực lượng an ninh thường phục của xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa tấn công bằng dùi cui ngay trước mặt công an và cảnh sát giao thông nhưng không ai can ngăn.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn - FB
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn kể lại, từ ngày 26/6/2020, an ninh xã Quảng Yên đến nhà bà Lành, ra lệnh miệng yêu cầu tất cả mọi người không được ra khỏi nhà trong vài ngày tới.
Tối ngày 29/6, an ninh còn dùng dây khóa, khóa cổng nhà bà Lành để ngăn không ai trốn ra khỏi nhà trong đêm.
Sáng hôm sau, bà Lành phải dùng kiềm phá khóa để ra chợ bán hàng mưu sinh. Ở chợ, có một người lạ mặt mua hàng xong rồi quay trở lại mắng bà Lành cân thiếu, gian dối.
Bà Lành trả tiền lại nhưng người khách kia không chịu, nhất quyết đòi lên công an xã giải quyết. Một lúc sau thì công an cho xe đến đưa bà Lành về công an xã.
Đến 4 giờ chiều, con trai bà là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa lo lắng chạy bộ từ nhà lên xã tìm mẹ. Khi ra khỏi nhà thì Nghĩa bị hai người bịt mặt, dùng dùi cui đánh liên tục. Bà Lành nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Nó đánh phủ đầu luôn. Nó mặc áo che mặt, đánh bằng dùi cui điện, đập vào đầu thằng con trai tôi. Cháu bị thương máu me.
Rồi có một ông công an an ninh đưa cháu về về trạm y tế để băng bó rồi về uỷ ban xã lập biên bản mời công an huyện Quảng Xương giải quyết. Con tôi đi bộ mà cũng bị đánh. Nó không có bất đồng với ai ở đồng quê này.
Sáng nay cháu đi khám, mặt bị sương tấy, chỉ uống sữa được, răng bị gãy, vai bị đánh bằng dùi cui".
Tại đồn công an xã, Nghĩa được một cán bộ cho biết rằng sở dĩ gia đình anh bị "giam lỏng" mấy ngày vừa qua là vì ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink có chuyến thăm huyện Quảng Xương, Thanh Hóa vào sáng 30/6.
Buổi trưa, ông Đại sứ rời đi thì lúc 5 giờ chiều, lực lượng an ninh canh gác nhà bà Lành nhiều ngày qua cũng rút hết.
Phóng viên Đài Á Châu Tự do gọi điện đến công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa để hỏi về vụ việc nhưng không có ai bắt máy.
Tù nhân lương tâm, Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông và gia đình từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ.
Ông bị bắt lần 2 vào tháng 7/2017 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4/2018.
********************
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam giải trình về những đàn áp tôn giáo (RFA, 01/07/2020)
Hai Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc hôm 30/4 đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu giải trình về hành vi đàn áp, sách nhiễu đối với những người có ý định tham dự một hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo ở Thái Lan diễn ra vào năm 2019.
Thượng Tọa Thích Thiện Phúc và Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước cùng với Ủy Viên Kristina Arriaga của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ngày 4/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. BPSOS
Bức thư được công bố hôm 29/6 vừa qua, sau khi Việt Nam không trả lời trong vòng thời gian 60 ngày kể từ khi thư được chuyển cho phía Việt Nam.
Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin và Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền yêu cầu Việt Nam trả lời về các hành vi hăm doạ, sách nhiễu, cấm xuất cảnh, theo dõi và sử dụng bạo lực đối với các nhóm tôn giáo không được chính phủ thừa nhận và những người bảo vệ nhân quyền khi những người này tìm cách tham gia hội nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, SEAFORB Conference), một sự kiện được tổ chức định kỳ hàng năm.
Theo bức thư, những người bị phía Việt Nam ngăn cản không cho dự sự kiện bao gồm các tín đồ đạo Cao Đài. Ngoài ra các giáo dân thuộc Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng khi trở về từ Thái Lan sau sự kiện đã bị chặn tại sân bay Đà Nẵng.
Bức thư có đoạn viết : "Những cáo buộc này, nếu đúng, sẽ không những trái ngược với những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam theo Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), ảnh hưởng đến các quyền được quốc tế công nhận của Việt Nam, mà còn dường như cho thấy một mô hình trả thù chống lại những người muốn tham gia và hợp tác trong các cơ chế nhân quyền của UN hoặc các đại diện ngoại giao nước ngoài".
Trước đó, vào ngày 9/6 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố một phúc trình thường niên 2020, tố cáo Hà Nội cầm tù hằng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay cổ xuý cho tự do tôn giáo. USCIRF kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân tôn giáo nói riêng và tù nhân lương tâm ở Việt Nam nói chung.
111111111111111111
Xung đột tại Thánh thất Hiếu Xương ̣(hay Thánh Thất Phú Lâm), thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên hôm 18/6/2020 Source: BPSOS/Facebook Công Danhboy
Vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương
Sáng ngày 18/6/2020, một nhóm khoảng 60 người thuộc chi phái 1997 trá danh Cao Đài do nhà nước dựng lên cùng với công an thường phục đến Thánh thất Hiếu Xương (hay còn gọi là Thánh thất Phú Lâm) tại thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đang do các tín đồ Cao Đài chân truyền cai quản để giành quyền điều hành nơi này.
Nhóm người này đọc huấn lịnh của người đứng đầu chi phái 1997 ông Nguyễn Thành Tám đòi quyền cai quản Thánh Thất Phú Lâm, đồng thời nhiều lần tìm cách xông vào Thánh thất, nhưng người đứng đầu Thánh Thất Chánh trị sự Nguyễn Hà, cùng các tín hữu của Thánh thất này và khoảng 100 tín đồ Cao Đài chân truyền khác đổ về từ các vùng lân cận đã quyết tâm bảo vệ Thánh Thất.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch BPSOS nhận định :
"Đây là hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng chính Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của Việt Nam và Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị".
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng :
"Huấn Lịnh của Ông Nguyễn Thành Tám và các thuộc quyền của ông ta chỉ có hiệu lực trong nội bộ Chi Phái 1997, không thể áp đặt lên tín đồ thuộc một tôn giáo khác".
1. Báo động Bộ Ngoại giao Hoa kỳ
Giám đốc điều hành Nguyễn Đình Thắng đã báo động với Hoa Kỳ về sự việc tại Thánh Thất Phú Lâm trong buổi họp thưởng kỳ với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback và Bà Gayle Manchin, tân Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF).
Ông nói :
"Tuần qua đã có một diễn tiến hết sức đáng quan ngại liên quan đến Đạo Cao Đài. Đó là một động thái nổi bật theo hướng sai.
"Trước hết là thông tin bối cảnh. Năm 1978 Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản, cáo buộc nhiều lãnh đạo của Đạo Cao Đài là "phản động" và trục xuất họ khỏi Tòa Thánh của họ, mà hệ quả thực tiễn là xoá sổ Hội Thánh Cao Đài.
"Năm 1997, Đảng Cộng Sản tạo ra một chi phái Cao Đài mới. Kể từ đó chính quyền Việt Nam đã hỗ trợ chi phái này để chiếm lĩnh khoảng 300 thánh thất của Đạo Cao Đài, kể cả Tòa Thánh Tây Ninh. Việc chiếm lĩnh này thường đi kèm với sự ép uổng, bắt buộc hoặc bạo lực và có sự can dự của công an.
"Nhờ sự quan tâm và áp lực quốc tế, trong 2 năm qua chi phái này đã đình chỉ nỗ lực đánh chiếm nốt khoảng 15 thánh thất vẫn còn thuộc quyền quản trị của các tín đồ Cao Đài chơn truyền. Đáng tiếc, việc đình chỉ này đã chấm dứt vào tuần rồi ̣(qua vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương".
Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao và USCIRF "gửi thông điệp rõ ràng và kiên quyết đến chính quyền Việt Nam rằng việc đang xảy ra ở Tỉnh Phú Yên là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng và tuyệt nhiên không thể chấp nhận".
2. Đề nghị chế tài
Do chính quyền Tỉnh Phú Yên có nhiều thành tích vi phạm tự do tôn giáo ̣(trong số 28 người Việt được USCIRF liệt kê trong danh sách nạn nhân bị đàn áp tôn giáo, có đến 22 người thuộc Tỉnh Phú Yên) nên BPSOS cũng đang đưa 7 quan chức lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào danh sách đề nghị Hoa kỳ chế tài theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế IRFA.
Biện pháp này cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những quan chức đứng sau các hành vi đàn áp tôn giáo, và áp dụng cả cho vợ, chồng, con của họ ; nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất.
Bên cạnh đó, 16 quan chức khác cũng đang bị BPSOS đề nghị chế tài theo Luật IRFA vì đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.
Ngoài ra BPSOS vẫn tiếp tục lập hồ sơ chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act). Luật này cấm nhập cảnh đối với đương sự và cùng lúc đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ, nếu có, nhưng không áp dụng cho thân nhân trực hệ.
3. Tầm quan trọng của các báo cáo vi phạm tự do tôn giáo
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết trong hai năm qua BPSOS đã nộp khoảng 100 bản báo cáo về các vụ vi phạm tự do tôn giáo cho Bộ Ngoại Giao và USCIRF để hỗ trợ cho các đề nghị chế tài theo Luật IRFA.
"Các bản báo cáo này đã đóng góp cho bản phúc trình thường niên của cả 2 cơ quan này, mới đây nhất là bản phúc trình năm 2020 do USCIRF công bố ngày 28 tháng 4, bản phúc trình đặc biệt về tù nhân lương tâm do USCIRF công bố ngày 9 tháng 6, và bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo do Bộ Ngoại Giao công bố ngày 10 tháng 6".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, "các báo cáo dồn dập với nội dung tương đồng này cho thấy chính quyền Hoa Kỳ đang quan tâm đặc biệt đến tình trạng đàn áp tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam mặc dù chính quyền Việt Nam tìm cách che mắt quốc tế qua các hình thức đàn áp tinh vi hơn trước đây".
4. Kêu gọi cung cấp thông tin về nạn nhân tự do tôn giáo
Do Quốc hội Hoa kỳ muốn dùng danh sách những nạn nhân bị vi phạm tự do tôn giáo như một thước đo về tình trạng đàn áp tôn giáo ở một số quốc gia bị xem là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam, BPSOS kêu gọi những ai có thông tin về các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo hãy cung cấp tại đây để BPSOS chuyển thêm vào danh sách của USCIRF.
*************************
Liên Hiệp Quốc khuyến cáo Việt Nam và 12 nước Châu Á
Tú Anh, RFI, 07/06/2020
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lưu ý 12 nước Châu Á trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Cam Bốt và nhất là Việt Nam nơi có ít nhất 600 công dân bị bắt hay bị công an tra hỏi vì các phát biểu hay thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19.
Bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong một cuộc họp về vấn đề nhân quyền ở Venezuela tại Geneve, Thụy Sĩ ngày 18/12/2019. AFP - Fabrice Coffrini
Theo bản tin Công giáo Asia News ngày Chủ Nhật 07/06/2020, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet cho biết trong thời đại dịch, tại 12 nước Châu Á có chính sách ngăn cấm người dân theo dõi, trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề y tế với lý do "ngăn chận thông tin thất thiệt".
Hàng loạt vụ bắt bớ đã xảy ra mà nạn nhân là công dân mạng, là những người sử dụng Facebook, blogger bày tỏ quan điểm bất đồng hay bị cáo buộc loan tin giả. Trong danh sách 12 quốc gia Châu Á này, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ còn có sáu nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Cam Bốt, Thái Lan, Indonesia, Miến Điện.
Điểm gây lo ngại là tại một số quốc gia này, luật chống tin đồn về đại dịch đã từng được sử dụng trong bối cảnh khác để ngăn cấm người dân tham gia tranh luận chính trị hay phê bình nhà nước .
Vẫn theo Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet, tại Việt Nam, có hơn 600 công dân sử dụng mạng xã hội đã bị công an triệu mời thẩm vấn chỉ vì những công dân này chia sẻ trên mạng các thông tin về dịch siêu vi corona. Đa số bị phạt vạ nhưng ít nhất có hai người lãnh án tù đến 9 tháng và 1.000 đô la tiền phạt.
Trong bối cảnh đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam, ngày 03/06 vừa qua, Nhà xuất bản Tự Do được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải thưởng Voltaire 2020.
Tú Anh
Tú Anh, RFI, 07/06/2020
*********************
Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng trấn áp mạng xã hội trong dịch Covid-19
OHCHR, 05/06/2020
Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động về trình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt ở Châu Á- Thái Bình Dương.
Trong một thông cáo được phát hành ngày 3/6/2020, bà Michelle Bachelet, Trưởng Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) cho biết các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng bắt bớ một cách tùy tiện khi người dân lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch, với cáo buộc là loan truyền "thông tin sai lệch" trên mạng xã hội.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet Reuters
Luật xử lý "tin giả" và mạng xã hội của nhiều quốc gia trong vùng khiến mối lo ngại về quyền con người gia tăng. Các luật này được sử dụng để ngăn chặn phát ngôn hợp pháp, như công khai tranh luận, chỉ trích chính sách chính phủ và đàn áp tự do ngôn luận.
Bà Bachelet cho biết đại dịch Covid-19 cho thấy ở một số quốc gia đã áp dụng kiểm duyệt chặt chẽ hơn, cùng với việc bắt và giam giữ người dân tùy tiện chỉ vì họ chỉ trích phản ứng của Chính phủ hoặc đơn giản là chia sẻ thông tin hoặc quan điểm về đại dịch.
Các vụ bắt giữ vì bày tỏ sự bất bình hoặc bị cáo buộc đưa thông tin sai lệch đã khiến nhiều người dân bị bắt ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.
Cao ủy nhận thấy cần phải hạn chế thông tin sai lệch hoặc thông tin có hại để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hoặc bất kỳ sự kích động thù hận nào đối với các nhóm thiểu số ; tuy nhiên việc hạn chế đó không nên dẫn đến kiểm duyệt dù có chủ đích hay không sẽ sụt giảm lòng tin của dân chúng.
"Trong khi các Chính phủ có thể có lợi ích chính đáng trong việc kiểm soát sự lan truyền thông tin sai lệch trong bối cảnh đầy biến động và nhạy cảm, điều này phải tương xứng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận", bà Bach Bachet nói.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà chức trách ở Việt Nam đã báo cáo rằng hơn 600 người dùng Facebook đã được triệu tập để thẩm vấn liên quan các bài đăng trực tuyến về dịch corona.
Nhiều người trong số đó đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị xóa đi khỏi mạng xã hội.
Đến nay, ít nhất hai người dùng Facebook đã bị tuyên án hình sự vì đăng tin tức được cho là giả mạo về Covid-19. Họ nhận mức án chín tháng tù giam và phạt tiền hơn 1.000 đô la Mỹ (*).
Từ lâu đã có lo ngại về mức độ hạn chế và tuyên án nặng các vụ án liên quan đến quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoại tuyến.
"Trong những thời điểm không chắc chắn này, các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và công chúng phải được phép bày tỏ ý kiến về các chủ đề cực kỳ quan trọng liên quan đến công ích, như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xử lý khủng hoảng y tế, xã hội, và kinh tế, cũng như phân phối các mặt hàng cứu trợ", Bachelet nói.
"Không nên sử dụng cuộc khủng hoảng này để hạn chế bất đồng chính kiến hoặc luồng thông tin và tranh luận tự do. Sự đa dạng về quan điểm sẽ thúc đẩy sự hiểu biết sâu về những thách thức mà chúng ta gặp phải và giúp chúng ta vượt qua các thách thức đó tốt hơn.
Các uộc tranh luận sôi nổi về nguyên nhân gốc rễ và những gì cần thiết nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội dài hạn cũng như các tác động khác. Việc tranh luận là không thể thiếu trong việc tái thiết quốc gia tốt hơn sau cuộc khủng hoảng".
Nguồn : Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
--------------------
(*) Tung tin sai về dịch Covid-19, nữ Facebooker lãnh 9 tháng tù ; Bắt giữ đối tượng sử dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước
*********************
Liên Hiệp Quốc cảnh báo Việt Nam về việc trấn áp mạng xã hội trong dịch Covid-19
VOA, 04/06/2020
Hôm 3/6, Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động về trình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), cho biết trong một thông cáo rằng các quốc gia này đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch, với cáo buộc là loan truyền "thông tin sai lệch" trên mạng xã hội.
"Kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhà chức trách ở Việt Nam loan báo có hơn 600 người dùng Facebook đã bị triệu tập, thẩm vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị xóa", thông cáo viết.
Văn phòng OHCHR cho biết thêm rằng tính đến thời điểm này, có ít nhất 2 người ở Việt Nam bị tuyên án hay khởi tố hình sự với mức án 9 tháng tù giam và phạt hành chính hơn 1.000 đôla vì đăng tải thông tin bị cho là "sai lệch" về dịch Covid-19.
Trước đó, truyền thông Việt Nam cho biết vào ngày 11/5, một toà án ở Cần Thơ đã tuyên phạt 9 tháng tù đối với Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi, về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ", vì đã đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết "xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, nhà nước và thông tin sai lệch" về dịch Covid-19.
Tương tự, vào ngày 19/4, Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giam bà Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, với cáo buộc lợi dụng dịch Covid-19 để "tuyên truyền chống Nhà nước".
Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam cho rằng : "Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh".
Liên Hiệp Quốc ghi nhận tại Trung Quốc có hơn một chục trường hợp chuyên gia y tế, học giả và công dân bình thường dường như đã bị giam giữ, và trong một số trường hợp bị buộc tội, vì công bố quan điểm của họ hoặc chia sẻ thông tin khác với quan điểm của nhà nước về tình hình Covid -19, hoặc những người lên tiếng chỉ trích phản ứng của Chính phủ về sự bùng phát của dịch bệnh.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc viết : "Trong thời điểm khó khăn do đại dịch gây ra, các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và công chúng phải được phép bày tỏ ý kiến về chủ đề cực kỳ trọng yếu này đối của lợi ích công chúng".
******************
Tình trạng đàn áp tự do ngôn luận đáng báo động trong mùa dịch Covid-19
RFA, 03/06/2020
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bày tỏ lo ngại trước tình trạng đáng báo động về đàn áp tự do ngôn luận ở các khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trong mùa dịch Covid-19.
Theo thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc phát đi ngày 3 tháng 6, trong mùa đại dịch Covid-19, bà Bachelet cho biết đã chứng kiến sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ hơn ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng việc bắt giam người dân khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch với cáo buộc cho việc loan truyền thông tin sai lệch thông qua báo chị và mạng xã hội.
Chính quyền Việt Nam vừa bắt giữ nhà văn Phạm Thành, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà thơ Trần Đức Thạch (bìa trái sang). Photo : RFA
Cụ thể, các báo cáo từ nhà chức trách ở Việt Nam cho thấy đã triệu tập hơn 600 người dùng Facebook vì các bài đăng trực tuyến thông tin về dịch bệnh Covid-19. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và bị đề nghị xóa bài viết. Tính đến thời điểm này, có ít nhất 2 người bị tuyên án hình sự vì đăng thông tin bị cho là sai lệch về dịch Covid-19 với mức án 9 tháng tù giam và phạt hành chính hơn 1,000 USD.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc nêu những lo ngại về mức độ nghiêm trọng trong việc đàn áp thông tin và việc tuyên án đối với các trường hợp liên quan đến quyền thực hiện tự do ngôn luận trực tuyến và ở đời thực.
Bà Michelle Bachelet kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy để cho dân nước mình như các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà hoạt động và người dân nói chung được tự do bày tỏ ý kiến về các chủ đề quan trọng đối với lợi ích công cộng.
********************
Ai bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam ?
RFA, 02/06/2020
Phóng viên Nguyễn Vương của Báo VTC News, thường trú tại Huế, vào hôm 1/6 cho biết nhận cuộc gọi điện thoại từ ông Hồ Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiên An. Ông Hải đã đe doạ phóng viên Nguyễn Vương do viết bài phản ánh việc công ty làm lễ khởi công dự án sân golf khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý được phê duyệt.
Nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung phải nhập viện ngày 26/9/19. RFA
Trong cùng ngày 1/6, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay ở Hải Phòng, bà Vũ Thị Hải gửi đơn đến công an địa phương và các cơ quan báo chí phản ánh bị kẻ xấu khủng bố bằng cách đổ chất bẩn vào nhà rạng sáng ngày 31/5. Bà Vũ Thị Hải cho rằng việc làm này của kẻ lạ mặt nhằm mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần, cản trở tác nghiệp báo chí của mình, vì thời gian gần đây bà và đồng nghiệp đã viết các bài phản ánh tiêu cực, sai trái ở một số đơn vị tại địa phương.
Đài RFA ghi nhận đây là hai vụ việc mới nhất được truyền thông quốc nội loan tin.
Trong năm 2019, vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung hồi cuối tháng 9 gây chú ý dư luận trong và ngoài nước. Nhà báo Kiều Đình Liệu bị nhóm 3 thanh niên đánh tại một quán cà phê đến mức phải nhập viện, sau khi ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để thông báo sự vụ.
Mặc dù, ngay sau vụ việc này xảy ra, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu ; đồng thời mặc dù Công an thành phố Pleiku được nói là nhanh chóng vào cuộc điều tra nhưng cho đến nay vẫn chưa có công bố nào đến với công luận liên quan vụ việc được điều tra đến đâu.
Bên cạnh đó, hai vụ nhà báo bị thiệt mạng mà không rõ nguyên nhân là nhà báo Tôn Phúc của Tạp chí Dạy và Học Ngày nay và nhà báo Hải Đường của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa được cơ quan chức năng thông báo về kết quả điều tra. Nhà báo Tôn Phúc được phát hiện chết, khi thi thể của ông được thấy trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8/2019. Còn nhà báo Hải Đường được tìm thấy xác trên sông Hồng hồi tháng 6/2018.
Từ Đà Nẵng, nhà báo Lê Hải lên tiếng với RFA về những vụ việc như vừa nêu xảy ra cho giới phóng viên, nhà báo tại Việt Nam :
"Thật ra việc đó ở Việt Nam là chuyện bình thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Bây giờ người bảo vệ quan trọng nhất là người có tiền".
Về cái chết của nữ nhà báo Hải Đường, Đài RFA từng được người trong giới xã hội cho biết là do doanh nghiệp gây ra và đút tiền cho chính quyền để làm ém nhẹm vụ việc, xác định nạn nhân chết là do ngạt nước và không phải điều tra.
Nhà báo Lê Hải nêu dẫn chứng về những thế lực khống chế truyền thông ở Việt Nam là những doanh nghiệp, là những nhóm lợi ích mà ông gọi là "người có tiền" có thể định đoạt số phận của nhà báo và thậm chí cả các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam.
"Ví dụ như vừa rồi Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin về Tập đoàn Sun Group thì sau đó bị Bộ Thông tin và truyền thông phạt 55 triệu và đình bản báo online 1 tháng. Dư luận cho rằng khi bài báo ra đời thì Tập đoàn Sun Group hoàn toàn không có ý kiến gì phản đối hết. Nếu như nói sai thì dứt khoát họ phải lên tiếng rồi, thậm chí họ kiện. Nhưng mà họ không kiện. Vậy lý do gì mà Bộ Thông tin và truyền thông lại phạt ? Việc này không theo một kiểu gì hết".
Từ Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Ngọc Già tiếp lời liên quan vụ việc Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh :
"Câu chuyện của Tòa soạn Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi bị đình bản và bị phạt tiền vì đã dám động chạm đến Tập đoàn Sun Group thì nó vẽ lên cảnh chung của những người làm báo hiện nay ở một tình thế có thể nói rằng xã hội không còn phân biệt về lẽ phải, về đạo đức mà nó chỉ quan tâm đến tình trạng đó là sự thắng thua trên mặt trận thông tin truyền thông".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh giới lãnh đạo trong Đảng cộng sản Việt Nam thao túng truyền thông, đặc biệt vào những dịp trước thềm Đại hội Đảng nhằm mục đích đấu đá quyền lực và lợi ích.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định tình hình của giới làm báo tại Việt Nam càng ngày càng tội tệ và trở nên càng nguy hiểm hơn :
"Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo".
Nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức từng phải trình báo với Sở Cảnh sát Berlin về việc ông bị dọa giết do đưa tin Chính quyền Việt Nam đứng phía sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về nước hồi năm 2018. Nhà báo Lê Trung Khoa cho RFA biết sau khi làm việc với phía Cảnh sát Đức thì ông được thông báo biện pháp bảo vệ cá nhân ông được nâng lên.
Còn tại Việt Nam, nhà báo Đỗ Cao Cường, từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, khẳng định nhà báo cất tiếng nói trung thực, phản ánh tiêu cực xã hội thì gọi nôm na là "một mình chống mafia" :
"Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy".
Hồi tháng 2 năm nay, gia đình ký giả Lê Hà, chủ kênh Tiếng Dân Tivi, một kênh Youtube độc lập lên tiếng đòi quyền lợi cho người dân, bị truy sát khiến mẹ và vợ ông phải nhập viện điều trị.
Vào tối ngày 2/6, Đài RFA liên lạc với ký giả Lê Hà để hỏi thăm thông tin về diễn tiến vụ việc vừa nêu và được ông cho biết :
"Tiến trình vụ án đó thì cơ quan điều tra của Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành các bước tố tụng theo quy định. Sắp tới đây chuẩn bị thực nghiệm điều tra để làm theo các bước tố tụng đó. Đối với gia đình của Lê Hà thì cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện tiến trình đúng quy định".
Ký giả Lê Hà chia sẻ rằng tuy vụ việc gia đình ông bị truy sát được công an điều tra đúng quy định nhưng ông không thể phủ nhận tình trạng các nhà báo kể cả làm việc trong cơ quan báo chí quốc doanh hay nhà báo độc lập đều không được bảo vệ. Thậm chí, theo quan điểm cá nhân ông thì Chính quyền Việt Nam đã không tôn trọng và thực thi theo pháp luật và Hiến pháp Việt Nam lẫn những điều quy định về báo chí của Liên Hiệp Quốc trong việc bắt giữ và cầm tù giới cầm bút, như mới nhất là bắt giữ nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thụy.
Những nhà báo cất lên tiếng nói trung thực ở Việt Nam, đất nước bị xếp vào vị trí thấp trong bảng tự do truyền thông thế giới, cùng khẳng định rằng dù bị đe dọa, hành hung, bắt bớ, tù đày thì họ vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, như nhà báo Đỗ Cao Cường khẳng khái tuyên bố rằng "Giết tôi rồi hãy bắt tôi im lặng !".
Nguồn : RFA, 02/06/2020
*****************
Nhà báo liên tục bị đe dọa vì viết bài chống tiêu cực
RFA, 01/06/2020
Trong các ngày qua, một số nhà báo trong nước đã lên tiếng phản ánh việc họ và gia đình bị đe dọa vì đã có những bài viết phản ánh tiêu cực tại địa phương.
Hình nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải trên trang đầu báo Thanh Niên hôm 13/5/2008 ở một sạp báo ở Hà Nội. Đây là hai nhà báo bị bắt giữ vì có bài viết phản ánh tham nhũng - AFP
Cụ thể, VTC hôm 1/6 cho biết phóng viên của báo này là Nguyễn Vương, thường trú tại Huế, cho biết nhà báo đáo nhận cuộc gọi điện thoại từ ông Hồ Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiên An, đe dọa phóng viên này vì đã viết bài phản ánh việc công ty làm lễ khởi công dự án sân golf khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý được phê duyệt.
Theo VTC, sân golf do công ty Cổ phần Thiên An xây dựng ở thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế được khởi công hôm 30/5. Lễ khởi công sân golf có sự tham dự của lãnh đạo UBND thị xã Hương Thuỷ ; nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và nguyên lãnh đạo một số bộ ngành.
VTC đã phỏng vấn một lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế và được cho biết việc khởi công này là chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Cũng trong ngày 1/6, báo Thanh Niên cho biết một nhà báo khác là bà Vũ Thị Hải, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay ở Hải Phòng đã bị kẻ xấu khủng bố bằng cách đổ chất bẩn vào nhà.
Theo Thanh Niên, vào sáng ngày 1/6, bà Vũ Thị Hải đã có đơn gửi Công an Quận Hải An, Công an TP Hải Phòng và các cơ quan báo chí, phản ánh việc kẻ xấu vào rạng sáng ngày 31/5 đã đổ dầu luyn pha mắm tôm vào cửa căn nhà ở Hải Phòng mà bà Hải vừa chuyển nhượng cho người khác trong tháng 5.
Trong đơn của mình, bà Hải cho rằng kẻ lạ mặt đổ chất bẩn vào cửa nhà bà vào rạng sáng ngày 31/5 nhằm mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần, cản trở tác nghiệp báo chí của mình.
Bà Hải cho biết, thời gian gần đây, bà và đồng nghiệp ở Hải Phòng đã viết các bài phản ánh tiêu cực, sai trái ở một số đơn vị tại địa phương. Ngoài ra, bà cũng viết trên trang Facebook cá nhân phản ánh một số chủ trương của chính quyền Hải PHòng như định giao 99 ha đất để thanh toán dự án BT, chi tiền hàng trăm tỷ đồng mua ấm chén tặng người dân nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng.