Báo cáo : Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo vũ khí tân tiến nhắm vào Mỹ (VOA, 12/05/2018)
Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo vũ khí vũ trụ và các vũ khí tân tiến khác có các năng lực trí thông minh nhân tạo như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh giành quyền thống trị về quân sự, theo một nghiên cứu được Quốc hội Mỹ tài trợ.
Một báo cáo do Quốc hội Mỹ tài trợ cũng kết luận rằng Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí tân tiến.
Các phi đạn chống vệ tinh và vệ tinh tiêu diệt, máy bay drone tấn công, phi đạn siêu âm, đầu đạn tự bẻ lái, tia laser và súng điện từ cao tốc là các hệ thống vũ khí then chốt mà Trung Quốc đang phát triển trong những năm tới để vượt qua Mỹ giành ưu thế quân sự.
"Tất cả các hệ thống vũ khí tân tiến của Trung Quốc đang tiến về phía trước với tốc độ tối đa và được coi là 'những ưu tiên vì Trung Quốc nhấn mạnh tổng thể vào việc tìm kiếm những lỗ hổng trong áo giáp của Mỹ", báo cáo cảnh báo, dẫn lại một chiến lược quân sự của Trung Quốc năm 2013.
Các vũ khí tân tiến là một phần của sự dịch chuyển trọng tâm quân sự của Bắc Kinh từ việc triển khai vũ khí "được thông tin hóa" công nghệ cao sang vũ khí "được thông minh hóa" – những năng lực mang tính cách mạng được thúc đẩy bởi trí thông minh nhân tạo và khả năng học hỏi của máy móc, báo cáo cho biết.
Nghiên cứu xem xét năm loại vũ khí tối tân đang được Trung Quốc phát triển : vũ khí vũ trụ, máy bay không người lái, đầu đạn tự bẻ lái, vũ khí năng lượng nhắm mục tiêu, và súng điện từ.
Báo cáo được soạn thảo bởi năm nhà phân tích cho nhà thầu quốc phòng Jane’s IHS Markit và được công bố hôm thứ Năm.
Bản báo cáo được công bố vào lúc chính quyền Trump có một sự dịch chuyển chiến lược công nhận Trung Quốc là một trong những mối đe dọa quốc gia lớn đối với Hoa Kỳ.
Các hệ thống vũ khí tân tiến sẽ gây mất ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bằng cách làm đảo lộn các liên minh trong khi Trung Quốc tìm cách kiểm soát khu vực và sẽ gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Báo cáo cũng kết luận rằng Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí tân tiến và sẽ phải tăng tốc để tránh bị vượt mặt.
"Hoa Kỳ có một khoảng thời gian ngắn ngủi, chỉ một thập niên, để phát triển các năng lực và khái niệm mới để chống lại các chương trình vũ khí tân tiến của Trung Quốc", báo cáo nói.
Nghiên cứu cũng thúc giục Mỹ củng cố một liên minh "tứ giác" ở Châu Á để chống lại Trung Quốc, với các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
"Phản ứng thích hợp phải qui tụ những lợi ích chồng chéo này và gắn kết chúng vào lợi thế của Mỹ và của liên minh, đáng chú ý là thông qua các kế hoạch có chủ ý để hiểu và chống lại các hành động gây bất ổn của Trung Quốc", báo cáo nói.
***********************
Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ quan ngại (RFI, 12/05/2018)
Chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-35. Ảnh chụp nhân Triển lãm hàng không không gian MAKS 2017 tại Zhukovsky, ngoại ô Moskva, ngày 21/07/2017. Reuters/Sergei Karpukhin
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua 11/05/2018 đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, và một lần nữa phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tập trận bao vây Đài Loan, trong đó có Su-35 hiện đại lần đầu tham gia.
Theo CNA, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ khi trả lời báo chí Đài Bắc cho biết : "Hoa Kỳ luôn quan ngại vì sự thiếu minh bạch về khả năng quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cùng với các ý đồ chiến lược liên quan. Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả việc dùng vũ lực hoặc bất cứ hình thức cưỡng bức nào khác".
Reuters dẫn thông cáo của không quân Trung Quốc nói rằng hôm qua các máy bay ném bom H-6K, cùng với các phi cơ trinh sát, đã bay thao dượt quanh Đài Loan nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu". Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-35 được huy động đến eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan, một trong các eo biển nối Biển Đông với Thái Bình Dương.
The Diplomat cũng dẫn nguồn từ không quân Trung Quốc cho biết cụ thể, một phi đội đã bay qua eo biển Miyako (nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật) rồi qua eo biển Ba Sĩ vòng quanh Đài Loan, còn một phi đội khác bay theo hướng ngược lại rồi quay về căn cứ.
Tham gia cuộc diễn tập đường dài này, bên cạnh các phi cơ tiêm kích hạng nặng tầm xa Su-35S còn có các oanh tạc cơ H-6K (Tây An H-6), phi cơ tiêm kích J-11 (Thẩm Dương J-11), máy bay vận tải quân sự tầm trung Shaanxi Y-8 (Thiểm Tây Y-8), máy bay trinh sát điện tử Tupolev Tu-154MD, KJ-2000 (Không Cảnh).
Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc hôm qua tuyên bố : "Không quân có quyết tâm, sự tự tin và khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ". Phát ngôn viên này khẳng định không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các phi vụ đường dài, phù hợp với lịch tập luyện.
Để đáp trả, Đài Loan đã cho các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16 Fighting Falcon lên bảo vệ không phận. Về phía Nhật Bản cũng điều các máy bay chiến đấu lên ngăn chận.
Trước đó, vào ngày 26/04/2018, Bắc Kinh cũng đã huy động oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay vòng quanh Đài Loan để "thực tập tác chiến chống lại các lực lượng đòi độc lập".
The Diplomat lưu ý, trong trường hợp có xung đột với Đài Loan hay Nhật Bản, nếu khống chế được eo biển Miyako và Ba Sĩ, Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho sự can thiệp của bên thứ ba (như Hoa Kỳ chẳng hạn).
Thụy My
*******************
Trung Quốc lại tập trận quanh Đài Loan (RFA, 12/05/2018)
Trung Quốc ngày 11 tháng 5 lại cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành tập trận xung quanh Đài Loan. Hoạt động này được cho nằm trong loạt tập trận nhằm đe dọa lực lượng đòi độc lập tại Đài Bắc.
Chiến đấu cơ Su-35, Su-35 bay cùng máy bay ném bom H-6K trong một cuộc tập trận của Trung Quốc. Reuters
Thông báo của Không quân Trung Quốc cho biết các máy bay ném bom H-6K và máy bay do thám cùng ngày đã diễn tập vây đảo Đài Loan, di chuyển theo hai hướng ngược nhau và nhận định đây là "một bước nâng cấp về năng lực tác chiến". Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu Su-35 hộ tống các máy bay ném bom di chuyển qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động quân sự nhắm đến Đài Loan trong đó thường xuyên sử dụng máy bay ném bom H-6K. Tháng trước, Hải quân Trung Quốc cũng tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan.
Hôm 9/5 vừa qua, Không quân Trung Quốc đã lần đầu tiên cho bay huấn luyện máy bay tàng hình J-20 trên biển trong điều kiện thực chiến, nói là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tin liên quan, Hạ viện Hoa Kỳ ngày 10 tháng 5 đã thông qua một dự luật tăng cường năng lực quân sự của Đài Loan.
Mục "Tăng cường sự sẵn sàng cho quân đội Đài Loan" của dự luật cho biết sẽ mở rộng đào tạo quân sự chung giữa Đài Bắc và Washington, đồng thời hỗ trợ Hoa Kỳ bán vũ khí cho đảo quốc này.
Phía Mỹ sẽ đánh giá toàn diện và trao đổi với Đài Loan về cách tăng cường và cải cách lực lượng quân sự của Đài Loan, đặc biệt là lực lượng dự trữ.
Sau khi đánh giá, Mỹ sẽ đưa ra những khuyến nghị để tăng cường hợp tác song phương và cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan. Sau đó sẽ chuyển kết quả đánh giá và các khuyến nghị này tới Quốc hội Hoa Kỳ.
Phía Đài Bắc cho biết rất vui mừng chứng kiến các biện pháp chính phủ Washington thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của đảo quốc.
****************
Philippines sẽ triển khai tàu tấn công bắn phi đạn đầu tiên (VOA, 12/05/2018)
Hải quân Philippines sẽ triển khai những tàu tấn công bắn phi đạn đầu tiên trong khoảng ba tháng tới, có thể là để bảo vệ lãnh thổ, chống nổi loạn và răn đe, nhưng kém "hàng thế kỷ" sức mạnh hải quân của các nước Châu Á như Trung Quốc, tư lệnh hải quân Philippines nói hôm thứ Năm.
Hải quân Philippines sẽ triển khai những tàu tấn công bắn phi đạn
Phó Đô đốc Robert Empedrad nói trong một cuộc họp báo rằng hải quân cũng có kế hoạch mua ngư lôi, tàu ngầm và các thiết bị phòng thủ lớn khác theo chương trình hiện đại hóa nhằm tăng cường an ninh cho quần đảo có một trong những đường bờ biển dài nhất thế giới, cũng như chống cướp biển và tội ác xuyên biên giới.
Các phi đạn do Israel sản xuất, có tầm bắn 8 km, đang được gắn trên ba tàu tấn công đa năng đã được mua trước đó và sẽ sẵn sàng triển khai trong hai đến ba tháng nữa, ông nói.
Các điểm nóng khả dĩ nơi tàu được trang bị phi đạn có thể được triển khai bao gồm tỉnh Palawan ở phía tây và bán đảo Zamboanga ở phía nam đất nước, ông nói. Zamboanga nằm trong một khu vực nhiều bất ổn đối mặt với các mối đe dọa từ những kẻ chủ chiến Hồi giáo.
Đảo Palawan đối diện Biển Đông, nơi mà Philippines đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Việt Nam và ba nước khác. Tuần trước, CNBC loan tin Trung Quốc đã lắp đặt các phi đạn hành trình chống tàu và các hệ thống phi đạn đất đối đất ở các bãi Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn - những nơi mà Bắc Kinh đã biến thành đảo có các đường băng.
Ông Empedrad từ chối bình luận khi được hỏi liệu quân đội Philippines có thực hiện các bước để xác minh tin tức về việc Trung Quốc lắp đặt phi đạn hay không và liệu họ có kế hoạch bảo vệ các khu vực mà Philippines chiếm đóng hay không với các hệ thống chống phi đạn.
"Chúng tôi thua kém hàng thế kỷ hoặc hàng chục năm ... so với năng lực hải quân của Trung Quốc", ông nói khi được hỏi Philippines chuẩn bị như thế nào giữa bối cảnh có mối đe dọa mà tin tức cho biết là từ Trung Quốc trong khu vực tranh chấp nóng bỏng.
Quân đội Philippines, một trong số những quân đội được trang bị kém nhất ở Châu Á, trong những năm gần đây đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân và lục quân của mình trong khi đối mặt với một loạt những đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc triển khai máy bay quân sự tới Trường Sa (VOA, 10/05/2018)
Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự tới một hòn đảo nhân tạo thứ ba ở Biển Đông.
Máy bay quân sự Trung Quốc có thể hạ cánh xuống tất cả ba đường băng mà nước này xây dựng ở Biển Đông.
Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Independent và Bloomberg, dẫn lại thông tin của tổ chức có tên gọi Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, đưa rằng máy bay quân sự Shaanxi Y-8 đáp xuống bãi đá Subi ở Trường Sa.
Theo AMTI, "đây là máy bay vận tải quân sự, nhưng một số biến thể của loại máy bay này có thể được dùng để tuần tra hàng hải hoặc trinh sát".
Các bức ảnh được cơ quan này đăng tải cho thấy việc lần đầu tiên máy bay quân sự được triển khai trên hòn đảo này.
AMTI nói rằng như vậy, máy bay quân sự Trung Quốc có thể hạ cánh xuống tất cả ba đường băng mà nước này xây dựng ở Biển Đông.
Hai năm trước, một chiếc máy bay tuần tra của hải quân Trung Quốc đã đáp xuống Đá Chữ Thập.
Trong khi đó, đầu năm nay, hai chiếc máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đã bị phát hiện ở Đá Vành Khăn.
Hôm 2/5, kênh CNBC dẫn các nguồn thạo tin đưa rằng Trung Quốc mới lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên ba tiền đồn ở Hoàng Sa.
Ít ngày sau đó, trong một tuyên bố mà nhiều người coi là mạnh mẽ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc "rút các thiết bị quân sự" ra khỏi Biển Đông.
*****************
Bác sĩ Mahathir Mohamad vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Malaysia hôm thứ Năm, sau khi chiến thắng cuộc bầu cử ngày hôm trước, và trở thành lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới hiện nay.
Tân Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia nói chuyện tại một cuộc họp báo sau khi tuyên thệ nhậm chức. (Hình : AP Photo/Sadiq Asyraf)
Theo CNN, ông Mohamad, năm nay 92 tuổi, thắng cuộc bầu cử hôm thứ Tư, chấm dứt sự thống lĩnh của đảng liên minh cầm quyền sau hơn sáu thập niên.
Ông tuyên thệ nhậm chức trước sự chủ trì của Vua Muhammad V, người trên danh nghĩa đứng đầu vương quốc Malaysia.
Đảng của ông Mohamad thắng đảng cầm quyền do ông Najib Razak đứng đầu, bị tố cáo tham nhũng khắp nơi.
Ông Mohamad cũng chính là người dìu dắt ông Razak trước đây, khi hai người còn cùng đảng.
Bác sĩ Mahathir Mohamad trước đây từng là thủ tưởng Malaysia trong 22 năm, từ 1981 đến 2003.
Sau khi nghỉ hưu một thời gian, ông Mohamad quyết định ra ứng cử.
Hồi tháng Giêng, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông nói rằng ông ứng cử lần này bởi vì đó là "một việc tôi phải làm".
Đảng liên minh của ông thắng 121 ghế, đủ để thành lập chính phủ và kiểm soát Hạ Viện.
Đảng liên minh Barisan Nasional do ông Razak đứng đầu, chỉ thắng được 79 ghế, so với 133 ghế trong cuộc bầu cử hồi năm 2013, chấm dứt sự lãnh đạo của đảng này từ năm 1957. (Đ.D.)
***********************
Malaysia sẽ xem xét lại các thỏa thuận với Trung Quốc (RFA, 10/05/2018)
Chính phủ Malaysia mới sẽ xem xét lại những thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc vì không muốn thấy quá nhiều tàu chiến trong khu vực.
Tân Thủ tướng Malaysia ông Mahathir Mohamad (ngồi giữa). AFP
Tân thủ tướng Malaysia ông Mahathir Mohamad cho biết như vậy tại cuộc họp báo vào hôm 10/5 ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc và ông đắc cử trở thành vị Thủ tướng mới của Malaysia thay cho ông Najib Razak.
Theo hãng Reuters, ông Mahathir Mohamad khẳng định ông ủng hộ sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc nhưng lưu ý rằng Kuala Lumpur sẽ đảm bảo quyền tái đàm phán các điều khoản trong một số thỏa thuận với Bắc Kinh nếu cảm thấy cần thiết.
Một trong những vấn đề được ông nhắc tới đó là việc chính phủ mới của ông không muốn nhìn thấy quá nhiều tàu chiến trong khu vực bởi vì một tàu chiến xuất hiện sẽ thu hút những tàu chiến khác.
Nhiều đồng minh thân cận với ông Mahathir cho rằng Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào Malaysia với âm mưu thiết lập hiện diện quân sự tại đây, rồi dần dần tận dụng vị trí chiến lược của quốc gia này dọc eo biển Malacca, cửa ngõ ra toàn bộ vùng Đông Nam Á đối với Trung Quốc.
Một báo cáo của tập đoàn Nomura đưa ra hồi tháng trước cho thấy Malaysia là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào Châu Á, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến sáng kiến Vành đai Con đường trị giá tới hơn 34 tỷ đô la. Món lời lớn này đã từng gây ra nhiều chỉ trích nhắm tới cựu Thủ tướng Najib rằng ông đã bán Malaysia cho chính quyền Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc không bình luận trực tiếp về kế hoạch cân nhắc lại một số thỏa thuận của Kuala Lumpur, mà chỉ nói là quan hệ hai quốc gia đang phát triển tốt đẹp.
Ông Mahathir Mohamad đã từng giữ chức thủ tướng Malaysia trong suốt 22 năm, từ 1981 đến 2003. Hiện tại ông trở thành vị Thủ tướng lớn tuổi nhất trên thế giới.
Biển Đông : vì sao Trung Quốc 'phủ đầu' ngay đầu năm ? (BBC, 14/01/2018)
Trung Quốc trong năm 2018 tiếp tục chính sách chính của mình là 'tằm ăn dâu', đồng thời có các động thái chủ động ngăn chặn, răn đe các nước khác cạnh tranh 'chủ quyền' của họ trên Biển Đông thông qua chiến thuật 'đánh phủ đầu', theo một nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phản đối sau khi Việt Nam 'mời' Ấn Độ đầu tư, hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông, theo truyền thông quốc tế
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 13/01, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu thuộc Đại học George Mason, giải thích động thái mà mới đây theo truyền thông quốc tế Trung Quốc đã 'phản đối mạnh mẽ' việc Việt Nam mời Ấn Độ tham gia, hợp tác đầu tư, khai thác dầu khí ở Biển Đông, ông nói :
"Trước hết, khi Ấn Độ khai thác với Việt Nam, thì những khu thăm dò và khai thác ở trong lĩnh vực thẩm quyền của Việt Nam mà Việt Nam cho là có độc quyền, nhưng Trung Quốc lại cho là của họ bởi vì nó ở trong vòng của đường 'Lưỡi bò' [bản đồ đường chín đoạn], nếu Ấn Độ khai thác chỗ này, coi như Ấn Độ công nhận chủ quyền của Việt Nam ở vùng này.
"Thành ra họ [Trung Quốc] phải đánh phủ đầu ngay lập tức. Đó là lý do vì sao Trung Quốc phản ứng nhanh như vậy. Về vấn đề hợp tác dầu khí, chúng ta thấy gần đây Việt Nam đã gia hạn 2 năm cho công ty khai thác dầu của Ấn Độ với Việt Nam, hỗ trợ hành động như đó là đã đạt được khung hành động nếu họ muốn.
"Điểm thứ hai, về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng lên nhiều năm nay và nhất là gần đây Việt Nam đã gửi một số người sang Ấn Độ để học tập về không quân, hải quân, thành ra việc đó [hợp tác] xảy ra là thông thường, mà đây chỉ là tiếp tục thôi.
Hãng Repsol của Tây Ban Nha có nhiều dự án đầu tư, hợp tác khai thác dầu khí ở nhiều vùng biển trên thế giới (hình minh họa)
"Nhưng tôi nghĩ đây là Trung Quốc chặn đầu, tức là bất cứ điều gì xảy ra là Trung Quốc chặn đầu, làm hai động thái. Động thái thứ nhất là 'tằm ăn dâu', Trung Quốc cứ từ từ tiến những bước một mà không gây ra những gì thật là đụng độ lớn, cứ từ từ tiến.
"Nhưng mặt khác, Trung Quốc cứ 'đánh phủ đầu', chặn những chuyện khác mà có thể làm ngược lại Trung Quốc, thành ra điều đó dễ hiểu thôi", người đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), một Think Tank của Mỹ, nói với BBC.
Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà báo và nhà phân tích Đỗ Thông Minh liên hệ và so sánh vụ việc từng xảy ra trong hợp tác của Việt Nam với hãng Repsol của Tây Ban Nha năm ngoái 2017 trên Biển Đông dưới áp lực của Trung Quốc và hợp tác Việt - Ấn hiện nay, ông nói :
"Về mặt ngoại giao, từ trước đến giờ Ấn Độ vẫn có quan hệ với nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại, cho nên khi đi vào Biển Đông, chắc chắn họ hiểu tình hình và Ấn Độ khác với Tây Ban Nha ở chỗ Tây Ban Nha là một xứ tây phương quá xa xôi, [Repsol] chỉ đơn thuần là một công ty, sau lưng không có một sự hỗ trợ về thế lực hay quân sự nào cả.
"Nhưng Ấn Độ thì không phải như vậy, những đoàn tàu chiến của Ấn Độ khi đi thăm các nơi, thì cũng thường ghé Cam Ranh hoặc ghé Đà Nẵng, và quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sau này, từ vấn đề quân sự cho đến vấn đề kinh tế và kỹ thuật đã gia tăng rất nhiều.
Một chỉ huy hải quân của Ấn Độ đang giới thiệu về hỏa lực và sức mạnh của một pháo hạm trên một chiếc tàu chiến mà ông chỉ huy (hình minh họa)
"Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ không dễ dàng rút lui và chấp nhận, và Việt Nam cũng không có dễ dàng buông Ấn Độ. Trường hợp của công ty Repsol cũng hơi lạ là chưa thấy Trung Quốc có những động thái mạnh mẽ lắm, mà Việt Nam đã yêu cầu Repsol rút lui, thì chúng tôi thấy là hơi quá sớm.
"Ít nhất là nó phải đi tới một sự căng thẳng nào đó và nhất là dựa vào những quan hệ quốc tế để tìm đồng minh, thì chưa có gì hết, nghĩa là ngay cả áp lực bên trong như thế nào, chúng ta cũng chưa rõ. Chắc chắn là chưa có gì ghê gớm lắm mà Việt Nam đã nhượng bộ, thì chúng tôi thấy là hơi sớm.
"Nhưng trường hợp vừa là cái thế, nhưng chúng ta thấy là trục Ấn Độ - Thái Bình Dương và trước đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra một hình ảnh là 'viên Kim cương'.
"Hình ảnh viên Kim cương với bốn góc, trên đỉnh, đây không nói là đỉnh cao, nhưng hình dáng đỉnh là Nhật Bản, đáy là nước Úc và một bên, bên trái là Ấn Độ và bên phải là Mỹ. Thành ra đó là một thế liên kết mà ông Abe muốn tạo dựng", nhà báo Đỗ Thông Minh nói với BBC Tiếng Việt từ Tokyo, Nhật Bản.
Được biết, hôm 11/01/2018, Thời Báo Kinh tế của Ấn Độ dẫn nguồn từ hãng tin PTI của nước này, đưa tin cho hay Trung Quốc đã phản đối việc Việt Nam mời Ấn Độ đầu tư ở một khu vực có dầu và khí đốt tự nhiên tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Theo nguồn này, Trung Quốc nói rằng nước này phản đối mạnh mẽ việc vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc bằng cách 'lợi dụng' việc phát triển các quan hệ song phương 'như một cái cớ'.
Hình vệ tinh cho thấy cơ sở quân sự của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc Biển Đông, gần đây, cả Philippines và Úc đều bày tỏ quan ngại về các động thái 'kiên cố hóa', 'quân sự hóa' và 'mở rộng' các đảo, đá mà Bắc Kinh chiếm và tuyên bố chủ quyền ở khu vực
Theo thời báo của Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành hôm 09/01/2018 đã nói với một kênh tin tức của Ấn Độ rằng Việt Nam 'hoan nghênh đầu tư của Ấn Độ ở Biển Đông".
Phản hồi nhận xét này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng được các hãng tin quốc tế dẫn lời nói : "Trung Quốc không phản đối sự phát triển quan hệ song phương bình thường của các nước liên quan trong khu vực láng giềng của chúng ta".
"Nhưng Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bên liên quan nào lợi dụng điều này như một cái cớ để xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực", người phát ngôn này nói.
Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành, cũng được các báo Ấn Độ dẫn lời cho hay hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng và hiệu quả nhất giữa Ấn Độ và Việt Nam và Ấn Độ có thể hữu ích trong việc giúp mở rộng các năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Trung Quốc đã phản đối Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu tại các giếng mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong suốt nhiều năm, còn Ấn Độ luôn khẳng định rằng việc thăm dò của ONGC là một hoạt động thương mại và không liên quan đến tranh chấp, vẫn theo các báo Ấn Độ.
***********************
Đối thoại quốc phòng Việt-Pháp lần II (RFI, 13/01/2018)
Trong một bản tin hôm 13/01/2018, chuyên san Nhật Bản The Diplomat cho biết là ngày 11/01, vừa qua, Việt Nam và Pháp đã tiến hành một cuộc họp trong khuôn khổ cuộc Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng Việt-Pháp lần thứ hai tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hộ tống hạm Courbet của Pháp ghé Việt Nam hồi tháng 4/2017, trong khuôn khổ "chiến dịch" Jeanne d’Arc.Ảnh : Bộ quốc phòng Pháp
Đại diện phía Việt Nam là tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, còn trưởng đoàn Pháp là phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, thuộc Bộ Quân Lực Pháp.
Theo ghi nhận của The Diplomat, Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần 2 mở ra vào lúc hai bên đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm tuyên bố quan hệ Đối Tác Chiến Lược song phương, với khả năng thủ tướng Pháp sẽ công du Việt Nam trong năm 2018.
Pháp xem Việt Nam như là một đối tác tốt, có khả năng góp phần giúp Paris tăng cường ảnh hưởng tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và tại Đông Nam Á nói riêng. Về phía Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với một cường quốc, lại là một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một mục tiêu đối ngoại quan trọng.
Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần đầu tiên đã mở ra tại Paris vào tháng 11/2016. Khi ấy hai bên đã thông qua một số thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực quân y và duy trì hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Lần này, trong số nhiều vấn đề hợp tác quốc phòng được bàn thảo, chuyên san Nhật Bản đặc biệt chú ý đến thông báo từ phía Việt Nam theo đó hai bên sẽ thúc đẩy nhiều hơn các chuyến thăm của tàu quân sự Pháp đến Việt Nam.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc khẳng định "mở rộng hợp lý" các đảo ở Biển Đông (RFI, 25/12/2017)
Bắc Kinh khẳng định đã mở rộng "một cách hợp lý" các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông đang tranh chấp với nhiều nước trong khu vực. Bản báo cáo của Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Trung Quốc cho biết các dự án xây dựng trong năm 2017, kể cả hạ tầng cho trạm radar, có tổng diện tích khoảng 290.000 m2 tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)
Bản báo cáo được Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 22/12/2017, nhưng chỉ được Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải ngày 25/12.
Cũng trong bản báo cáo, Trung Quốc khẳng định làm những gì họ muốn trên lãnh thổ của nước này. Các công trình xây dựng và bồi đắp được cho là nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và cứu hộ quốc tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không phủ nhận đã tăng cường hiện diện quân sự, đồng thời mở rộng "một cách hợp lý" khu vực bao trùm các đảo do Trung Quốc kiểm soát.
Theo hãng tin Reuters, số liệu được nêu trong bản báo cáo của Trung Quốc phù hợp với đánh giá của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) đưa ra vào tháng 12. Trung tâm nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington lưu ý, trong khi cả thế giới tập trung chú ý vào tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã tiếp tục lắp một trạm radar có tần số cao, cùng với nhiều công trình khác, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp và xây dựng trên nhiều đảo và đá do nước này kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có một đường băng, khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ lo ngại. Ngoài trạm radar lớn, còn có nhiều công trình ngầm nhằm làm kho lưu trữ và nhiều tòa nhà hành chính được xây trong năm 2017. Trung Quốc cũng tăng cường các cuộc tuần tra quân sự, song bản báo cáo không nêu con số cụ thể.
Thu Hằng
*****************
Trung Quốc : Đóng cửa hơn 13.000 trang web từ năm 2015 (RFI, 24/12/2017)
Tân Hoa Xã ngày 24/12/2017, loan tin là kể từ năm 2015 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hoặc rút giấy phép của 13.000 trang web bị xem là vi phạm các quy định của nước này về Internet. Cũng theo Tân Hoa Xã, gần 10 triệu tài khoản trên các mạng xã hội đã bị đóng vì bị xem là vi phạm các quy định về dịch vụ.
Google một trong những nạn nhân của chính sách kiểm duyệt Internet Trung Quốc. Reuters / J. Lee
Thông tin nói trên được loan tải vào lúc chính quyền Bắc Kinh tiếp tục siết chặt các luật lệ vốn đã rất nghiêm ngặt về Internet. Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát mạng thông tin toàn cầu kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Trung Quốc hiện là quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, nhưng theo một báo cáo của tổ chức Freedom House của Mỹ, đây là quốc gia có chính sách kiểm soát Internet nghiêm ngặt nhất trong số 65 quốc gia mà tổ chức này nghiên cứu, tệ hơn cả Iran và Syria.
Chỉ riêng năm 2017, Bắc Kinh đã thông qua những quy định mới buộc các công ty công nghệ thông tin của nước ngoài phải lưu trữ các dữ liệu của những người sử dụng Internet trong nước, đề ra những hạn chế mới về nội dung, cũng như gây khó khăn hơn cho việc sử dụng những phần mềm giúp vượt "tường lửa".
Rất nhiều trang mạng của nước ngoài, kể cả Google, Facebook, Twitter và của tờ New York Times bị chặn ở Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, kiểm duyệt Internet là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng dân Trung Quốc vẫn có thể vượt qua tường lửa bằng cách sử dụng các phần mềm mạng ảo gọi tắt theo tiếng Anh là VPN.
Thanh Phương
Thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.
Hải quân Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật theo kế hoạch từ ngày 14 - 18/12, tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Đây chỉ là một trong nhiều cuộc tập trận quân sự mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây cả trên biển, trên không và trên đất liền.
Mức độ gia tăng các cuộc tập trận ngày càng nhiều
Kể từ cuối năm 2016 đến nay, khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nóng trở lại và căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Triều Tiên gia tăng, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự xung quanh khu vực bán đảo Triều Tiên.
Trọng tâm các cuộc tập trận của hải quân, không quân và lục quân được chuyển về khu vực vùng biển phía bắc Trung Quốc, mà chủ yếu là biển Bột Hải và Hoàng Hải.
Theo ước tính, trong hơn một năm qua, các lực lượng hải - lục - không quân Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 9 cuộc tập trận có quy mô lớn trên biển Bột Hải và Hoàng Hải.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong kế hoạch thể hiện sức mạnh quân sự toàn cầu của quân đội Trung Quốc.
Không quân Trung Quốc tập trận quy mô lớn gần Triều Tiên (Ảnh : AP)
Chỉ tính riêng từ cuối tháng 7 đến nay, các lực lượng hải - lục - không quân Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc tập trận trên vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên.
Đầu tiên là cuộc tập trận kéo dài 3 ngày hồi cuối tháng 7 vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa.
Mặc dù chi tiết cuộc tập trận không được giới quan chức Trung Quốc tiết lộ, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, thì đây là cuộc tập trận có quy mô lớn, phong tỏa trên 40.000 km2 khu vực trung tâm biển Hoàng Hải và có cả sự tham gia của hải quân Nga [1].
Tiếp đến là cuộc tập trận 4 ngày cũng trên vùng biển này diễn ra từ ngày 4 - 8/8, chỉ sau đúng một tuần Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần thứ hai.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các lực lượng tham gia cuộc tập trận này đã thực hiện các bài tập tấn công và phòng thủ bằng cả tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, các thiết bị hỗ trợ không quân và lực lượng phòng vệ biển.
Các bài tập đã mô phỏng điều kiện chiến đấu trong thực tế, thực hiện các bài chiến thuật đánh chặn bằng đường không, đường bộ và đường biển, cũng như khả năng sử dụng các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu của quân đội [2].
Hải quân Trung Quốc thực hiện các bài tập tấn công trong cuộc tập trận (Ảnh : scmp)
Cuộc tập trận thứ ba diễn ra hôm 5/9, chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6.
Trong cuộc tập trận này, các lực lượng hải quân, không quân và lục quân Trung Quốc đã thực hành các bài đánh chặn chiến thuật, nhằm bắn hạ các loại tên lửa được dùng để mô phỏng "cuộc tấn công bất ngờ" đang bay ở tầm thấp trên vùng biển Hoàng Hải [3].
Cuộc tập trận thứ tư diễn ra vào ngày 7/12, cũng có quy khá lớn, với sự tham gia của 40 tàu chiến được huy động từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian.
Lực lượng tham gia cuộc tập trận này đã thực hành các bài tập mô phỏng tình huống tác chiến thực tế, như đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đa đầu đạn ở độ cao "cực kỳ thấp" và xử lý một số tình huống khẩn cấp trong điều kiện thời tiết phức tạp [4].
Cuộc tập trận thứ năm vẫn đang diễn ra trên vùng biển Bột Hải, với một khoảng không gian phong tỏa lên tới 276 km2.
Theo nguồn tin từ các quan chức Cơ quan An ninh trên biển Trung Quốc, cuộc tập trận này được diễn ra trong 4 ngày từ chiều 14/12 đến chiều 18/12, tuy nhiên, quy mô và số lượng tàu chiến tham gia không được tiết lộ [5].
Ngoài các cuộc tập trận hải quân kết hợp với không quân và lục quân trên vùng biển Hoàng Hải, thì mới đây nhất, không quân Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc tập trận độc lập vào ngày 3/12, tại những khu vực "chưa từng được biết đến" trên vùng trời biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, gần báo đảo Triều Tiên.
Tham gia cuộc tập trận này có nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay điều khiển và cảnh báo sớm, cùng phối hợp tác chiến với các đơn vị tên lửa đất đối không [6].
Đó là chưa kể đến hàng loạt các cuộc tập trận lớn nhỏ của lực lượng lục quân và biên phòng Trung Quốc tại Trung tâm huấn luyện phức hợp Chu Nhật Hòa (Zhurihe) thuộc khu tự trị Nội Mông gần biên giới với Triều Tiên, và cuộc tập trận chống tên lửa mô phỏng trên máy tính với quân đội Nga vào ngày 11/12 vừa qua [7].
Lực lượng tên lửa Trung Quốc thực hiện các bài tập đánh chặn (Ảnh : AP)
Ngoài ra, hải quân Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận ở một số nơi khác như Biển Đông, Biển Baltic và căn cứ quân sự của nước này tại Djibouti (Châu Phi).
Như vậy, chỉ trong vòng một khoảng thời gian chưa đầy 5 tháng, kể từ cuối tháng 7 cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều cuộc tập trận lớn nhỏ ở gần bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trên khu vực biển Hoàng Hải và Bột Hải.
Lý do đằng sau các cuộc tập trận là gì ?
Những động thái quân sự này của Trung Quốc đã đặt ra rất nhiều nghi vấn về lý do đằng sau các cuộc tập trận.
Dưới góc nhìn của người viết, xin đưa ra ba lý do sau đây :
Thứ nhất, Trung Quốc muốn gửi thông điệp răn đe đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản rằng, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nếu các hành động gia tăng áp lực của liên minh này dẫn đến xung đột quân sự với Bình Nhưỡng.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15 hôm 29/11, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã kích hoạt cuộc tập trận kéo dài 5 ngày nhằm gia tăng áp lực lên Triều Tiên.
Cuộc tập trận này được coi là lớn nhất từ trước đến nay, khi liên minh Mỹ - Hàn đã điều động tới 230 máy bay chiến đấu, trong đó có đến 6 máy bay tàng hình Raptor F-22 và hàng chục nghìn binh sĩ [6].
Thế nhưng, không như các lần tập trận trước, khi Trung Quốc thường không có động thái gì rõ ràng, lần này Trung Quốc bất ngờ tiến hành tập trận không quân trên vùng biển Hoàng Hải và vùng biển ở phía Đông bán đảo Triều Tiên vào đúng ngày liên quân Mỹ - Hàn kích hoạt cuộc tập trận.
Động thái này của Bắc Kinh chắc chắn muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.
Bởi Bắc Kinh sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên, vì điều đó sẽ làm phương hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Thứ hai, qua các cuộc tập trận này nhằm chứng minh năng lực hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng hải - lục - không quân của Trung Quốc, cũng như sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Năng lực hiệp đồng tác chiến quân binh chủng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào đều có vị trí rất quan trọng, đảm bảo cho việc thực hiện chính xác, hiệu quả kế hoạch tác chiến đã đề ra nhằm quyết định cục diện trên chiến trường.
Trong chiến tranh hiện đại, càng đòi hỏi trình độ tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng hải quân, lục quân và không quân cao hơn, trên một khu vực rộng lớn hơn và trong những điều kiện khó khăn hơn.
Bởi vậy, tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều rất coi trọng việc xây dựng quân đội có năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng đạt đến trình độ cao.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung rất nhiều nỗ lực để xây dựng yếu tố then chốt này, và đây còn được coi là một trong những lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đẩy nhanh tiến độ cải tổ quân đội.
Thời gian qua, khi tần suất các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có sự phối kết hợp giữa các lực lượng hải - lục - không quân diễn ra ngày càng nhiều, giới chuyên gia nhận định :
Động thái này của Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự tiến bộ nhanh chóng của quân đội nước này về năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng ngoài thực địa, trong phạm vi không gian rộng lớn tới hàng trăm kilômét vuông.
Đồng thời, cũng là chỉ dấu cho thấy sức mạnh của quân đội nước này đang vươn tới đẳng cấp thế giới và sẽ có đủ khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột quân sự nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ ba, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh của hải quân nước này và thể hiện vị thế của một cường quốc hải quân toàn cầu.
Trong các cuộc tập trận gần đây của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, phía Hoa Kỳ đã điều động rất nhiều tàu chiến hiện đại.
Trong đó phải kể đến cuộc tập trận diễn ra hôm 7/11, khi xuất hiện các tàu sân bay hạng nặng USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt [8].
Do đó, việc gia tăng các cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc trong một phạm vi rộng lớn cũng chính là động thái nhằm phô trương sức mạnh của hải quân nước này trước các lực lượng hải quân của Hoa Kỳ và đồng minh.
Trong cuộc tập trận diễn ra vào ngày 7/12, Trung Quốc đã huy động 40 tàu chiến hiện đại từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian.
Động thái này của Bắc Kinh chính là lời nhắc nhở đối với Hoa Kỳ về năng lực thực sự của hải quân Trung Quốc cũng không hề kém cạnh.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu nữa cho thấy, hải quân Trung Quốc đang thể hiện vị thế của một cường quốc toàn cầu, khi có những động thái mở rộng địa bàn hoạt động.
Trong đó có chuyến đi biển kéo dài 6 tháng tới hơn 20 quốc gia nằm trong tuyến đường thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
Hoạt động này của hải quân Trung Quốc nhằm thể hiện năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài liên quan đến an ninh năng lượng và thương mại ở các khu vực Trung Đông và Châu Phi.
Đồng thời cũng là cách để giúp Trung Quốc thể hiện vị thế của một siêu cường quân sự.
Tóm lại, hành động gia tăng các cuộc tập trận của Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm nhắc nhở Hoa Kỳ cần phải thận trọng để tránh xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên - điều mà Trung Quốc không cho phép.
Đồng thời, thông qua các cuộc tập trận này cũng để chứng tỏ với thế giới về sức mạnh của quân đội Trung Quốc từ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại đến năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, cũng như khả năng tác chiến ngoài biển xa trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Phạm Doãn Tình
Nguồn : GDVN, 18/12/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.telegraph.co.uk/news/2017/07/21/us-closely-tracking-chinese-navy-baltics-war-games-russia
[7] http://mb.ntd.tv/2017/12/15/russia-and-china-send-message-to-us-north-korea-with-military-drills
Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc thông qua các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa các đảo chiếm đóng, rồi thúc đẩy phát triển các tour du lịch "yêu nước" tại vùng Biển Đông giầu tài nguyên được đề cập trong một phóng sự ngắn của kênh truyền hình Pháp France 2 (12/11/2017) nhân thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.
Du khách Trung Quốc trên đảo Ba Ba, nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh chụp màn hình France 2. RFI tiếng Việt
Có mặt trên đảo Ba Ba (Trung Quốc gọi là Áp Công/Ya Gong Dao), nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, và trên huyện đảo Lý Sơn (của Việt Nam), phóng viên France 2 tường trình :
"Ngoài khơi Biển Đông, những du khách Trung Quốc giầu có đi du thuyền đến đây không phải chỉ để ngắm mặt trời mọc, mà họ đến những vùng đất đã được chinh phục, vì với họ, không nghi ngờ gì cả, những hòn đảo này thuộc về Trung Quốc.
Một du khách nói : "Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy được những cơ sở quân sự của chúng tôi trên hòn đảo ngoài kia. Tôi chưa bao giờ đến đó, nhưng điều đó cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc".
Hiện diện quân sự và giờ đến lượt dân sự. Ở đây, chỉ có công dân Trung Quốc mới được đặt trên lên những bãi cát mịn. Với khoảng 1.200 euro, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia các chuyến du lịch yêu nước trên những con tầu lớn (croisière).
Một nữ du khách nói : "Ở đây, chúng tôi ở nhà của mình. Đây là đất nước chúng tôi". Một người khác nói : "Tôi rất hài lòng vì tôi đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc".
Trên đảo Ba Ba, một buổi lễ "yêu nước" được tổ chức cho nhóm du khách Trung Quốc với lễ thượng cờ, rồi quốc ca. Hướng dẫn viên du lịch hô lớn : "Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) là của chúng ta, thuộc Trung Quốc. Chúng ta sẽ không để bất kỳ kẻ xâm lược nào chiếm lấy, dù chỉ là một hạt cát hay một giọt nước".
Việt Nam tố cáo hành động xâm lược
Các tour du lịch "yêu nước" bằng tầu thủy đang ăn khách. Bất chấp phản đối của quốc tế, du khách Trung Quốc vẫn đánh dấu lãnh thổ của mình. Nhưng có đúng là họ đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc hay không ? Theo phóng viên của France 2, không phải ai cũng có chung ý kiến này, nhưng một điều chắc chắn là chỉ trên một rặng san hô, Bắc Kinh đã đổ bê tông toàn bộ, xây dựng đường bay cho các chiến đấu cơ để kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực giầu nguồn tài nguyên, trữ lượng cá và chất đốt :
"Với nước Việt Nam láng giềng, đây đơn giản làm hành động xâm lấn. Khu vực biển và đảo đó là của họ. Trong bảo tàng trên đảo Lý Sơn, các bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên những đảo nhỏ này có vẻ được chứng minh rõ, theo phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Trường, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam.
Ông nói : "Hãy nhìn tấm bia này, những hàng chữ cho thấy chủ quyền của chúng tôi. Tấm bia được người Pháp dựng trong thời Pháp thuộc trên quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có những bằng chứng chắc chắn và lâu đời, nhưng Trung Quốc lại phản đối vì họ muốn biến Biển Đông thành ao nhà".
Trung Quốc : Tập Cận Bình thay Chúa Giê-su ở huyện Dư Can
Tại Trung Quốc, Chúa Giê-su không còn là vị cứu tinh của khoảng 10% giáo dân trên tổng số một triệu dân ở huyện Dư Can, tỉnh Giang Tây, mà là từ đảng Cộng Sản. Những giáo dân tại đây có nguy cơ bị xóa khỏi danh sách những người được trợ cấp của Nhà nước nếu không chịu phá mọi dấu hiệu tôn giáo ở nhà riêng.
Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt, thêm một ví dụ mới cho thấy Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu bao dung đối với tự do tôn giáo và chủ nghĩa sùng bái cá nhân quanh chủ tịch Tập Cận Bình vẫn phát triển mạnh :
"Làm thế nào để một gia đình nghèo có thể có thêm cơ hội nhận được trợ cấp của Nhà nước tại Trung Quốc ? Chẳng có gì đơn giản hơn : Chỉ cần gỡ các cây thập tự và ảnh chúa Giê-su, cất các tràng hạt và treo giữa phòng khách chân dung của chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lời khuyên của chính quyền huyện Dư Can, trong chiến dịch mang tên "Cùng biến những tín đồ tôn giáo thành những tín đồ của Đảng !"
Nhật báo South China Morning Post trích phát biểu của một quan chức địa phương, theo ông : "Rất nhiều người thiếu hiểu biết, họ tưởng rằng Chúa có thể cứu họ, nhưng sau khi các cán bộ của chúng tôi qua, họ hiểu ra sai lầm và nói rằng để nhận được hỗ trợ, nên tin vào Đảng hơn là vào Chúa".
Hơn 1.000 chân dung của nhân vật đứng đầu Trung Quốc đã tìm được chỗ đứng trong nhà của dân làng. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nguyện thay đổi cách trang trí này, theo khẳng định của một người dân ở Dư Can, vì "nếu từ chối, người ta không được nhận trợ cấp từ quỹ chống đói nghèo nữa".
Tại Dư Can, như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, chính quyền dường như bị ám ảnh bởi ý nghĩ số giáo dân không ngừng tăng, có thể sẽ vượt qua con số 89 triệu đảng viên".
Trung Quốc muốn xây đường ngầm dẫn nước tưới hoang mạc Tân Cương
Các kỹ sư Trung Quốc đang xúc tiến nghiên cứu dự án xây một đường ống ngầm dài 1.000 km để dẫn nước từ vùng núi Tây Tạng đến sa mạc Taklamakan (còn gọi là Tháp Khắc Lạp Mã Can), thuộc khu tự trị Tân Cương, cực tây Trung Quốc.
Theo nhật báo South China Morning Post, ý tưởng được các kỹ sư đưa ra là lấy nước từ sông Yarlung Tsangpo (đổ vào dòng sông Brahmapoutre khi chảy qua lãnh thổ Ấn Độ), ở phía nam Tây Tạng, để tưới cho sa mạc Taklamakan.
Để "luyện tập" cho dự án đồ sộ này, Trung Quốc đã khởi công xây dựng một đường ống ngầm dài 600 km tại Vân Nam. Được chia thành 60 đoạn, đường ống ngầm này sẽ đi qua nhiều dãy núi, đôi khi cao vài trăm mét so với mực nước biển, và đặc biệt có khả năng đứng vững dù điều kiện địa lý trong vùng không ổn định.
Ông Lobsang Yangtso, một nhà nghiên cứu thuộc Mạng lưới Quốc tế vì Tây Tạng, khẳng định với Quartz : "Không ai nghĩ rằng một ngày nào đó tầu hỏa có thể chạy qua Tây Tạng, thế mà Trung Quốc đã làm được điều này. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công đường hầm đó".
Dù sao, dự án đường ống ngầm dài nhất thế giới sẽ là một phương tiện để Trung Quốc tăng cường tiếng tăm của mình trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Singapore : Trút giận, xả stress trong "Phòng Đập phá"
Ném bát đĩa, đập vỡ chai, phá máy in bằng cây gậy bóng chày… để xả stress dường như không có gì xa lạ ở Nhật Bản và Hàn Quốc… và giờ du nhập sang Singapore. "Fragment room" (tạm dịch "Phòng Đập phá") tại đây giúp nhân viên và sinh viên, bị áp lực lớn tại đảo quốc, có thể hả giận và giải tỏa stress mà vẫn tránh được những cái nhìn soi mói.
Thông tín viên RFI Margaux Bédé đã đến nơi được mệnh danh là «ngôi đền đập phá" này :
"Cầm trong tay một chiếc gậy bóng chày và nhốt mình trong căn phòng rộng 3m2, hai cô bạn phá tất cả những gì nằm trong tầm tay… Nhưng phải chờ vài phút rồi người ta mới nghe thấy tiếng thủy tinh rơi vỡ.
Tại Singapore, "xả giận" vẫn còn ít phổ biến. Chính vì thế, Royce Tan đã lập ra Fragment room, để giúp đồng hương của mình giải tỏa cảm xúc. Anh nói :
"Trong nền giáo dục của chúng tôi, người ta dạy chúng tôi không nói về các vấn đề khó khăn, cảm xúc của mình. Vì thế, chúng tôi giữ hết trong lòng, rồi điều này làm tổn thương nội tâm.
Những gì chị nhìn thấy ở đây, đó là một địa điểm an toàn, nơi chị có thể làm gì chị muốn. Nếu chị muốn đến đây để gào thét, khóc lóc, cười… thì chị cứ làm. Chỉ cần để cái ác trong lòng chúng ta thoát ra ngoài. Đây không phải là nơi để người ta phán xét về chị. Đây là một địa điểm kín và an toàn".
"Một nơi đáng tin cậy" để tránh những cái nhìn và kể cả trên internet… Devina, một phụ nữ Singapore 29 tuổi, hiếm khi thể hiện cảm xúc của mình vì sợ bị đưa lên Stomp, mạng xã hội Singapore. Cô nói :
"Không biết chị có biết Stomp hay không, có những người chụp ảnh hoặc quay phim chị và đưa lên trang này, theo kiểu : "Ồ, nhìn khách hàng này đang tức giận kìa !". Chỉ là một kiểu giải trí, giống như một dạng Facebook không lành mạnh và cả cuộc sống của chị có thể bị phơi bày trên đó…
Thật sự ở Singapore, người ta không có nơi để giải tỏa mà không sợ bị người xung quanh nhòm ngó. Đây là một nước nhỏ bé, mọi người quen biết nhau. Ngay cả ở nhà, người ta cũng khó lòng mà úp đầu vào gối hét lên mà không bị ai nghe thấy…".
Còn theo Vanessa, "Đừng có tốn tiền vào điều trị, mà hãy đến Fragment room ! Đi gặp một chuyên gia tâm lý phân tích tinh thần và các vấn đề của chị với giá 160 euro/giờ, thì chị có thể làm y chang như vậy tại đây với giá 45 euro/30 phút, còn hời hơn !"
Lời khuyên của Vanessa, 30 tuổi, khiến một số chuyên gia lo ngại, như bà Jeanie Chu, bác sĩ tâm lý ở bệnh viện Resilienz, Singapore.
"Việc đó không giúp gì được vì không làm sáng tỏ nguồn gốc của cơn giận, vì cá nhân đó không giãi bày được vấn đề của mình nhưng lại xả (stress) qua hành động. Việc đó dạy cho mọi người rằng đó là cách duy nhất để giải phóng sự giận dữ của mình. Điều này không hề lành mạnh và trong tương lai, thậm chí còn có thể khiến một số người trở nên hung hăng ngay khi họ bắt đầu tức giận… Vì vậy, tôi không nghĩ đó là cách lành mạnh nhất (để bớt sức ép) và việc này đáng lo ngại".
Từ khi mở cửa cách đây 6 tháng, hơn 200 người đã đến thử "Phòng Đập phá" ở Singapore".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 18/11/2017
Bắc Kinh đang gia tăng tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông mà họ gọi là di sản tổ tiên họ để lại "từ thời cổ xưa".
Luật sư trưởng chính phủ Philippines, Jose Calida, trong ngày tòa trọng tài ra phán quyết có lợi cho Manila trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã hôm Thứ Sáu 15/9/2017 đưa tin và những tờ báo chính thống khác cùng phụ họa nói rằng một loạt các tài liệu về nguyên tắc ngoại giao, hoạt động và thành quả ngoại giao của Trung Quốc trong 5 năm qua được trình bày bằng Anh ngữ đang được phổ biến rộng rãi trên Internet và chương trình truyền hình.
Trong đó, đa dạng với nhiều bản tường trình gồm cả giai thoại, lời tuyên bố của các lãnh tụ Trung Quốc được trích dẫn, dữ kiện và các con số.
Các tài liệu tuyên truyền mới bằng Anh ngữ mà Tân Hoa Xã đề cập, trích dẫn lời tuyên bố của chủ tịch Tập Cận Bình "các đảo trên biển Nam Hải – Việt Nam gọi là Biển Đông – là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa. Bổn phận bắt buộc của chính quyền là duy trì chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải hợp pháp và các lợi ích của Trung Quốc". Tân Hoa Xã trích dẫn lời phát biểu trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình đọc tại Đại học quốc gia Singapore năm 2015.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp xuyên qua đàm phán và tham vấn với các quốc gia trực tiếp liên quan trên căn bản tôn trọng dữ kiện lịch sử và theo luật quốc tế". Tài liệu trên trích lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình đọc tại Đại học quốc gia Singapore năm 2015.
"Trung Quốc sẽ phối hợp với các nước ASEAN để làm Biển Nam Hải thành biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác". Lời ông Tập Cận Bình trong tài liệu tuyên truyền Anh ngữ được Tân Hoa Xã trích dẫn khi ông đến tham dự lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng lần thứ năm về các giải pháp xây dựng niềm tin và phối hợp tổ chức ở Bắc Kinh năm 2016.
"Chúng tôi ở Trung Quốc không sợ khi Mỹ hăm dọa hành động, cho dù Mỹ mang tất cả 10 hàng không mẫu hạm tới Biển Đông". Lời Đới Bỉnh Quốc, cựu thành viên Quốc vụ viện Trung quốc, nói trong một cuộc hội thảo của tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace hồi năm 2016, Tân Hoa Xã dẫn lại từ tài liệu tuyên truyền Anh ngữ.
Tháng Bảy 2016, Tòa trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền vẽ theo 9 đoạn tưởng tượng chiếm hơn 80% Biển Đông mà Trung Quốc dùng làm căn cứ để xác nhận với thế giới là vô giá trị. Phán quyết được đưa ra sau khi Phi Luật Tân kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phiên tòa cùng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Bắc Kinh lợi dụng các cơ hội khác nhau để tiếp tục tuyên truyền chủ quyền của họ đối với Biển Đông trong phạm vi "Lưỡi Bò" là của Trung Quốc từ ngàn xưa.
Mối quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em Việt Nam và Trung Quốc đột ngột căng thẳng khi Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đến Hà Nội ngày 18/6/2017 và đột ngột bỏ về Bắc Kinh ngày hôm sau, sau khi nhắc lại với các lãnh tụ Việt Nam rằng Biển Đông là "của Trung Quốc từ thời cổ xưa". Báo chí quốc tế tiết lộ cho biết ông Phạm Trường Long, dịp này, còn đòi hỏi Việt Nam phải hủy bỏ cuộc thăm dò dầu khí đang diễn ra tại lô 136-3 thuộc khu vực bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam phía đông nam Vũng Tàu khoảng 200 hải lý.
Tuy lô 136-3 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) nhưng lại vướng cái vạch "Lưỡi Bò" vắt ngang qua. Sau đó, còn có tin Việt Nam đã phải yêu cầu nhà thầu Rapsol dừng cuộc thăm dò và rời khỏi khu vực vì Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Khi ASEAN họp tại Manila hồi tháng 8 vừa qua, phía Việt Nam đã đề nghị bản thoải hiệp khung cho Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông dự trù sẽ thảo luận các điều khoản nhằm tránh xung đột quân sự "phải có ràng buộc pháp lý" nhưng đã bị phe các nước ủng hộ lập trường Trung Quốc chống lại. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bỏ cuộc tiếp xúc riêng với ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị, cho hiểu sự đáp trả đối với đề nghị của Việt Nam.
Từ sự giận dữ bỏ Hà Nội về nước của tướng Phạm Trường Long với lời đe dọa dùng võ lực đến việc Hà Nội đòi Bộ Quy Tắc Ứng Xử phải có rằng buộc pháp lý, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực của Việt Nam, nhân dịp cầm đầu phái đoàn tham dự "Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN" tổ chức ở Nam Ninh, Trung Quốc, chiều 11/9/2017, đã gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ.
"Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình ; nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển", thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước sớm đạt tiến triển thực chất. Phó Thủ tướng đánh giá cao ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ; cho rằng việc sớm hoàn tất COC sẽ góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực". Thông tấn xã Việt Nam thuật lại cuộc họp.
TTXVN cho hay tiếp là "Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững".
Bản tin khá dài của TTXVN viết riêng về cuộc họp giữa hai ông Trương Hòa Bình và Trương Cao Lệ với những lời lẽ ca ngợi mối quan hệ "đồng chí anh em" trong khi Tân Hoa Xã chỉ có một câu viết ngắn gọn chung trong một bản tin mà ông Trương Cao Lệ đã gặp trưởng phái đoàn các nước ASEAN tham dự hội chợ triển lãm.
Ngày 31/8/2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo bày tỏ "quan ngại" và "đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam" về việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ chỉ cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý như một sự thách thức. Việt Nam kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông".
Một tuần sau, phát ngôn viên lập lại lời tuyên bố và lần này "mạnh mẽ phản đối" nhưng Bắc Kinh vẫn tiến hành tập trận và cho phát ngôn viên ngoại giao tuyên bố "Khu vực tập trận là vùng biển thuộc pháp quyền của Trung Quốc. Trên căn bản luật nội bộ của Trung Quốc, luật quốc tế và thông lệ quốc tế, cuộc tập trận của Trung Quốc trong vùng biển liên quan là nằm ngoài vùng tranh chấp. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan nhìn vấn đề ấy một cách bình tĩnh và hợp lý".
Nay Bắc Kinh mở rộng chiến dịch tuyên truyền chủ quyền Biển Đông ra thế giới, cổ võ cho lời tuyên bố biển đảo trên Biển Đông nằm trong phạm vi tuyên bố hình "Lưỡi Bò" là của họ "từ thời cổ xưa", bất chấp Việt Nam phản đối trên mặt ngoại giao.
Tuy Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đàm phán và tham vấn với các nước tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với họ nhưng khi Việt Nam nêu vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai nước thì đều bị Bắc Kinh bác bỏ thẳng thừng.
Việt Nam bắn tên lửa, diễn tập trên biển : Tín hiệu cho Trung Quốc ? (VOA, 11/09/2017)
Việt Nam tiến hành một đợt huấn luyện trên biển với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát cơ động, ít ngày sau vụ phóng thử tên lửa Israel, dẫn tới nhận định rằng Hà Nội đang tìm cách phát tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh "đe dọa hành động quân sự nếu Hà Nội tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính ở Trường Sa".
Hình ảnh cuộc diễn tập trên biển hôm 9/9.
Báo chí trong nước hôm 9/9 đã đưa tin về đợt diễn tập đối phó với một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển khu vực Đông Bắc ở tỉnh Quảng Ninh.
Một hình ảnh trong cuộc diễn tập hôm 9/9.
Đoạn video ngắn lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh lực lượng công an tham gia bơi dưới biển giữa những tiếng súng nổ liên tiếp, tàu bè cháy cũng như cảnh người dân được đưa tới nơi an toàn.
Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam thường phải đối mặt với bão lũ nên cần phải có chiến lược ứng phó khẩn cấp tốt để đối phó.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này còn cho rằng những kỹ năng "ứng cứu thường dân từ tàu thuyền có thể được áp dụng trong tình thế chiến đấu".
Ít ngày trước cuộc thao dượt này, truyền thông nhà nước cũng đưa tin và đăng hình ảnh về việc Việt Nam bắn thử tên lửa phòng không có tên gọi Spyder nhập từ Israel.
Hệ thống phòng không SPYDER
Giáo sư Thayer nói rằng hai sự kiện trên cho thấy "xu hướng ngày càng minh bạch hóa" về an ninh và quốc phòng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu này nhận định thêm về "tầm quan trọng của các diễn biến này" :
"Trước hết, chúng là một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tín hiệu rằng khả năng phòng vệ của Việt Nam đang gia tăng. Thời điểm của vụ thử tên lửa Spyder khá quan trọng vì nó diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hành động quân sự với với Việt Nam nếu [Hà Nội] tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư chính [ở Trường Sa]".
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ thử tên lửa mua của Israel "có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc".
Ông Thayer cũng nói thêm rằng bản tin về việc diễn tập trên biển sau đó cũng quan trọng không kém vì nó giúp "trấn an dân thường rằng Việt Nam có thể đối phó với các thảm họa và sự cố lớn".
"Ngoài ra, nó cũng phát tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với tình thế xảy ra ra thương vong lớn, và có một lực lượng phòng vệ dân sự được huấn luyện kỹ càng và hiệu quả", giáo sư Thayer nói.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, và Việt Nam tuyên bố sẽ "kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp" của mình bằng đường lối ôn hòa.
Viễn Đông
*******************
Hoa Kỳ huấn luyện cho Cảnh sát Biển Việt Nam (VOA, 08/09/2017)
Hoa Kỳ đang thực hiện khóa huấn luyện cho các binh sĩ của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam nhằm tăng cường tự do và an toàn hàng hải trong khu vực.
Đội Huấn luyện Lưu động Tuần duyên Hoa Kỳ tổ chức khóa huấn luyện cho các binh sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam. (Ảnh : Facebook Đại sứ Ted Osius)
Hôm 8/9 trang Facebook của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết Văn phòng Hợp tác Quốc phòng của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khởi động khóa tập huấn bao gồm hai phần do Tuần duyên Hoa Kỳ đảm nhiệm tại Vùng 2 Cảnh sát Biển Việt Nam – đóng tại tỉnh Quảng Nam.
Nhóm chuyên gia huấn luyện là các thành viên của Đội Đào tạo Cơ động thuộc Tuần duyên Hoa Kỳ đến từ thành phố Yorktown, bang Virginia.
Trong những tuần đầu tiên của khóa tập huấn, học viên của Cảnh sát biển Việt Nam sẽ học các kỹ năng điều khiển thuyền, định vị, kiểm soát thiệt hại về kỹ thuật, cứu nạn thuyền viên khi bị rơi xuống biển và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Trong hai tuần lễ sau của khóa tập huấn, học viên Cảnh sát biển Việt Nam sẽ học các kỹ năng lai dắt tàu thuyền, tìm kiếm và cứu hộ, và cách chuyển nhân lực giữa các thuyền nhỏ.
Đại sứ Osius viết trên Facebook : "Sự thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào môi trường hàng hải ổn định và an toàn, vì vậy chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng với Cảnh sát biển Việt Nam".
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Mỹ giao tàu tuần duyên trọng tải cao cho Việt Nam
Hoa Kỳ hiện nay đang ngày càng củng cố hợp tác an ninh với Việt Nam, nhất là việc giúp Việt Nam tăng cường các khả năng an ninh hàng hải bằng cách cung cấp hơn 45,7 triệu đôla kể từ năm tài khóa 2014.
Cũng tại Quảng Nam vào tháng 5 vừa qua, Ðại Sứ Osius chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark loại dài 14 mét cho Cảnh Sát Biển Việt Nam.
Ngoài Hoa Kỳ, Cảnh sát Biển Việt Nam cũng hợp tác với đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo. Vào tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm của tàu Cảnh sát Biển biển Nhật Bản mang tên Echigo (PLH08), lực lượng Cảng sát biển Nhật Bản và Việt Nam cùng diễn tập huấn luyện chung trên biển tại Đà Nẵng.
**************************
Biển Đông : Indonesia thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (RFI, 11/09/2017)
Mặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia cũng đang có những hành động kiên quyết hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Đó là nội dung một bài báo được đăng trên trang mạng tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 11/09/2017.
Tàu mang cờ Trung Quốc (P) bị hải quân Indonesia chặn kiểm tra trong vùng biển gần quần đảo Natuna. Ảnh 17/06/2016Foto/Handout/Indonesian Navy/ via REUTER
Trong suốt nhiều thập niên, chính sách chính thức của Jakarta vẫn là Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khác với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thế nhưng, giữa Indonesia và Trung Quốc đã từng xảy ra 3 vụ đụng độ trên biển vào năm 2016, trong đó có vụ chiến hạm Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên của tàu này. Những vụ đó xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Nguyên nhân là vì, đối với Bắc Kinh, hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển, điều mà Jakarta vẫn cực lực bác bỏ. Indonesia cũng phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của nước này vào khu vực "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tự vạch ra để khẳng định chủ quyền.
Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Jakarta đã đặt lại tên vùng biển phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Đây là khu vực có hoạt động khai thác dầu của Indonesia. Bắc Kinh đã ngay lập tức đã phản ứng, cho rằng hành động nói trên của Inodnesia là "hoàn toàn vô nghĩa". Nhưng theo giới quan sát, việc đặt tên Biển Bắc Natuna chính là nhằm bác bỏ yêu sách " đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Ngoài việc đặt tên Biển Bắc Natuna, từ năm ngoái, Indonesia cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên trên quần đảo Natuna và dự kiến triển khai các chiến hạm đến khu vực này. Chính quyền Jakarta dự trù mở rộng hải cảng trên đảo chính của Natuna để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn, đồng thời nối dài thêm phi đạo tại căn cứ không quân tại đây để các phi cơ lớn hơn có thể sử dụng.
Như nhận định của chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Indonesia coi như đã trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông và theo ông "công nhận thực tế này càng sớm thì càng tốt".
Giáo sư Frega Ferdinand Wenas Inkiriwang, Đại học Quốc phòng Indonesia, cũng cho rằng với việc đặt tên Biển Bắc Natuna, Indonesia đã gián tiếp trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chuyên gia Aaron Connelly, Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney, thì lại cho rằng việc đặt tên nói trên chưa thật sự biến Indonesia thành một quốc gia tranh chấp ở vùng biển này.
Nhưng rõ ràng mặc dù Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất cũng như là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Indoniesia, Jakarta không ngần ngại thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì họ tìm cách kiểm soát một vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và nguồn cá, và cũng vì đây là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.
Thái độ kiên quyết của Indonesia trái ngược với thái độ có phần nào hòa hoãn, nhất là của Philippines, trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thanh Phương
Các nước ASEAN và Trung Quốc hy vọng sẽ có thể đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt là COC) trong năm nay, chấm dứt 15 năm dài đàm phán. Tuy nhiên một khung về COC được đưa ra mới đây bị chuyên gia quốc tế đánh giá là quá sơ sài và còn quá nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện COC này một khi nó được thông qua.
Các quan chức cấp cao từ Trung Quốc và các nước ASEAN tham dự cuộc họp về việc thực hiện Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông, ngày 18 tháng 5 năm 2017. AFP
Trong bài phân tích được đăng tải trên trang blog Thayer Consultancy, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quân sự thuộc trường đại học New South Wales, Úc, nhận định những nỗ lực ngoại giao của các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được một bộ khung COC giống như một con voi sinh ra một con chuột với một trang viết và những điểm chấm đầu dòng.
Khi đi sâu vào chi tiết, giáo sư Carl Thayer cũng chỉ ra những điểm có thể nói là còn thiếu trong khung COC :
Bản thảo hiện tại không chỉ ra các vùng địa lý được bao gồm trong COC. Trung Quốc nhất quyết COC chỉ áp dụng cho khu vực phía Nam của Biển Đông (quần đảo Trường Sa) nhưng lại bỏ bãi cạn Scaborough Shoal và quần đảo Hoàng Sa. Bản thảo cũng không chỉ ra là COC sẽ đi vào hiệu lực thế nào, ai sẽ ký COC ? ASEAN muốn COC phải được quốc hội của cả 11 nước tham gia thông qua. Trung Quốc thì ngần ngừ. Quan trọng hơn cả là bản thảo không nói đến một cơ chế để phiên dịch COC nếu có xuất hiện những khác biệt hoặc các vụ việc sẽ được giải quyết thế nào thông qua một quá trình giải quyết tranh chấp đã được thiết lập.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra đi qua các vùng lãnh hải của một số nước khác. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Bãi cạn Scaborough Shoal của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm vào năm 2012.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm từ Việt Nam vào năm 1974.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, trang tin Forbes của Mỹ có bài viết nhận định Việt Nam sẽ là người bị thiệt hại nhiều nhất nếu một COC được thành hình vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận đưa Hoàng Sa vào phạm vi của COC.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trước đó có đưa ra nhận định với đài Á Châu Tự do về điểm này :
COC có liên quan đến Hoàng Sa nên một trong những lý do mà COC dậm chân cũng là vì nó có liên quan đến Hoàng Sa. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ Biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có gì phải đàm phán cả, chỉ có thể đưa ra COC cho vùng Trường Sa thôi.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, không ai có thể lấy lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc và hy vọng lớn nhất mà Việt Nam có được đối với quần đảo này là ra tòa quốc tế.
Năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague để yêu cầu tòa làm rõ những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tháng 7 năm 2016, tòa ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và xác định việc Trung Quốc ngăn cản các ngư dân Philippines vào bãi cạn Scaborough Shoal là trái pháp luật. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa và nước này hiện vẫn nắm quyền kiểm soát toàn bộ bãi cạn.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, việc Trung Quốc không muốn bỏ yêu sách đường 9 đoạn sẽ khiến COC đạt được sẽ không bao gồm những phần gây tranh cãi là chủ quyền.
Nếu các bên vẫn giữ yêu sách của mình thì người ta phải tìm một giải pháp khác là tạm thời gác tất cả những yêu sách tranh chấp chủ quyền sang một bên, chỉ giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật thôi như vấn đề đánh cá, giao thông vận tải, hàng không, hàng hải và các tranh chấp dân sự và hình sự xảy ra trong khu vực này.
Theo ghi nhận của giáo sư Carl Thayer, bản thảo COC có nói đến Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, luật quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc lại không chấp nhận phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện mà Philippines đưa ra. Bản thảo COC cũng kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền. Tuy nhiên theo giáo sư Carl Thayer, điều này rất khó thực hiện vì các phần đất trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hiện vẫn còn đang có tranh chấp giữa các nước. Ngoài ra, bản thảo COC cũng không đả động gì đến Bộ Quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước tren biển (CUES) mà cả Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất thực hiện đối với khu vực Trường Sa.
COC là một quá trình đàm phán kéo dài hơn 10 năm giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước hy vọng một COC đạt được sẽ có tính ràng buộc hơn giữa các nước, tránh những đụng độ trên biển. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế và quan chức ASEAN trước đây vẫn cho rằng Trung Quốc đã làm chậm tiến trình đạt đến COC trong suốt thời gian qua. Theo giáo sư Carl Thayer, việc các nước đạt được một bộ khung COC và tiến tới thông qua một COC trong năm nay một phần vì Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte muốn thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng một phần lớn là vì Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ thấy ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc được với nhau về mặt ngoại giao mà không cần sự can thiệp từ Mỹ. Ngoài ra đại hội đảng cộng sản Trung Quốc thứ 19 sắp diễn ra vào cuối năm nay và Chủ tịch Tập Cận Bình muốn cho thấy là vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề chính của đại hội lần này.
Việt Hà, phóng viên RFA