Một trang web không rõ nguồn gốc mang tên của Chủ tịch Trần Đại Quang nằm trong "top" những trang web được nhiều người đọc nhất Việt Nam, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của nhân vật trong "tứ trụ" đầy quyền lực ở Hà Nội.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng Sáu.
Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trandaiquang.org hiện đứng thứ 32 trong danh sách các trang mạng "ăn khách" nhất, vượt qua cả các trang tin chính thống như Đài tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, theo Google, tên của ông Quang cũng "trending" [thịnh hành] với các cụm từ được tìm nhiều như "Trần Đại Quang đi đâu", "Trần Đại Quang bị bệnh" hay "Trần Đại Quang đi chữa bệnh".
Về lý do vì sao một trang mạng không rõ chủ sở hữu lại thu hút được nhiều người đọc, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhận định với VOA tiếng Việt :
"Giới bình dân Việt Nam thì phần lớn, người ta không hiểu đó là trang fake [giả]. Người ta nghĩ đó là của ông Trần Đại Quang, của ông Nguyễn Tấn Dũng thật. Người ta thấy cái tên đó là người ta vào đọc. Số người người ta hiểu biết đó là trang giả nó ít lắm. Thứ hai nữa, vào Google ‘search’ [tìm] cái tên, thì những trang đó nó ra ngay. Những trang lãnh đạo như vậy, thường người ta vào tìm trên Google nhiều. Thứ ba nữa, những trang đó đánh vào cá nhân người này, đánh vào cá nhân người khác, tung cái tin này, tin khác, thì những cái đó đang thu hút sự quan tâm của giới bình dân".
Công cụ đếm trên trandaiquang.org, mà VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng độc lập, cho thấy rằng trung bình có hơn một nghìn người ghé trang này cùng lúc, và tổng cộng có hơn 500 triệu người đã truy cập để đọc tin tức, đa số là từ Việt Nam và Mỹ.
So với các quan chức hàng đầu khác trong "bộ tứ quyền lực" còn gồm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, trang mang tên Chủ tịch Quang "nổi" nhất.
Trang có tên ông Nguyễn Tấn Dũng từng được nhiều người đọc dịp Đại hội Đảng 12 năm ngoái.
Trước khi bắt đầu Đại hội Đảng năm ngoái, mà giới quan sát cho rằng có sự cạnh tranh vị trí lãnh đạo giữa thủ tướng khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trang web vô thừa nhận mang tên ông Dũng cũng thu hút được nhiều người đọc.
Việt Nam thời gian qua đã yêu cầu một số trang web nước ngoài như Google hay Facebook xóa bỏ các video hay thông tin bị Nhà nước coi là "xấu, độc", "giả mạo", "thất thiệt" hay "bôi nhọ lãnh đạo".
Việt Nam từng yêu cầu một số hãng gỡ bỏ tin và video "nói xấu Đảng".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ qua trang web cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin liên quan tới tên miền Whois, trandaiquang.org được tạo từ đầu năm 2011, và người đại diện đăng ký tên miền này có địa chỉ ở Mỹ.
Khi được hỏi vì sao một trang web tung nhiều tin chưa kiểm chứng lại tồn tại lâu như vậy, blogger Chênh nhận xét :
"Hầu hết các ủy viên trung ương trở lên đều có trang fake [giả] như vậy hết. Duy nhất hồi trước có đính chính là ông Nguyễn Bá Thanh là ông đính chính là trang đó không phải trang của ông. Trang mang tên Nguyễn Bá Thanh không phải của ông. Còn hầu hết không thấy ai đính chính. Mấy trang như Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng vào rất dễ, không bị chặn. Những trang khác bị chặn rất nhiều. Những trang của các nhà báo tự do, của những người đấu tranh, nhân quyền dân chủ, ngay cả BBC, VOA cũng bị chặn ở Việt Nam. Theo cá nhân tôi, đó là những trang làm giả bởi một nhóm, một tổ chức nào đó, chứ không phải cá nhân".
Sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh cũng được dư luận quan tâm năm 2015.
Hai năm trước, tin tức về sức khỏe của nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng "nóng" trong dư luận.
Sau một thời gian để cho tin đồn về chuyện ông "qua đời vì bị đầu độc" lấn lướt trên mạng Internet trong nhiều ngày, báo chí Việt Nam đã phải vào cuộc, dẫn lời các quan chức bác bỏ thông tin mà họ gọi là "sai sự thật" và "xuyên tạc".
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, những đồn thổi trên mạng về sức khỏe của chủ tịch Việt Nam đã cũng đẩy trang web mang tên ông nổi lên :
"Tôi thấy mọi người ở trên Face [Facebook] đang rạo rực về chuyện các lãnh đạo bị bệnh. Tôi gặp gỡ mọi người bên ngoài cũng bàn luận cái chuyện này rất sôi nổi. Có cái gì đó nó không rõ ràng ở chỗ sức khỏe của ông Trần Đại Quang. Dư luận đồn, ‘ông ấy như này, như kia’ thì ngã bệnh. Mọi người suy diễn ra chuyện này, chuyện khác. Cái trang Trần Đại Quang được vào nhiều nhất cũng vì lý do đó".
Tin tức về bệnh tình của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang được cho là xuất phát trên trang Facebook cá nhân của blogger Osin Huy Đức, người cũng từng đưa đúng tin "Trịnh Xuân Thanh về [nước]".
Osin Huy Đức từng đưa đúng tin về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hôm 10/8, Facebooker này viết : "Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017. Sự vắng mặt của ông ở trong Nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán. Đây có thể chỉ là lựa chọn cá nhân. Các nhà lãnh đạo vốn vẫn hy vọng vào kết quả điều trị để xuất hiện trở lại trước công chúng một cách hoành tráng. Chuyện này từng xảy ra với Chủ tịch nước Lê Đức anh".
Chiều 16/8, VOA Việt Ngữ đã gọi điện tới Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương Việt Nam, nhưng không nhận được câu trả lời.
Theo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013, một trong các nhiệm vụ của Chủ tịch nước Việt Nam là "thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân", nhất là "công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh".
"Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới", hiến pháp viết tiếp.
Báo chí trong nước hôm 15/8 đưa tin rằng "Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm nay gửi điện mừng quốc khánh tới nguyên thủ các nước Ấn Độ và Liechtenstein". Tuy nhiên, các hình ảnh đăng kèm được chụp từ các sự kiện xảy ra nhiều tháng trước.
Trong một diễn biến liên quan đến sức khỏe lãnh đạo trong nước, sau khi xuất hiện đồn đoán về bệnh tình của ông Đinh Thế Huynh, nhân vật số 5 ở Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đầu tháng này đã buộc phải lên tiếng xác nhận ông đang "điều trị bệnh", nhưng không nói rõ bệnh gì và ở đâu, đồng thời cử ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, tạm thời làm Thường trực Ban Bí thư.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 16/08/2017
Vụ Trịnh Xuân Thanh, người từng đào thoát khỏi Việt Nam một cách bí ẩn hồi tháng Chín năm ngoái, đột nhiên biến khỏi Berlin (nơi anh ta tá túc lâu nay) vào ngày 23/7 trước khi ra "đầu thú" tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ngày 31/7 đang khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Ông Trần Đại Quang.
"Chiến công" của Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng ?
Mặc dù giới chức Việt Nam cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã "tự nguyện" về Việt Nam "đầu thú", song hầu hết mọi người vẫn tin vào những gì mà Bộ Ngoại giao Đức đưa ra, theo đó tình báo Việt Nam đã thực hiện một vụ bắt cóc theo kiểu luật rừng ngay tại Berlin. Và một khi Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng về vụ việc, cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc này thì người ta hiểu rằng đây là một vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.
Đức là quốc gia đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và là một cường quốc trên thế giới. Vì vậy, vụ khủng hoảng ngoại này không đơn giản là chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương Việt - Đức, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với EU cũng như giữa Việt Nam với phương Tây. Quả thực, đây là một dịp hiếm có khi hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế lớn, từ BBC, CNN cho đến Washington Post… đều đồng loạt đưa tin về một vụ việc liên quan đến Việt Nam.
Theo dõi những phát biểu hùng hồn trong tâm trạng rất chi là phấn chấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7, giữa lúc những thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và đưa về Hà Nội bắt đầu loang ra, người ta hiểu rằng người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính là nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc.
(Trước đó, trong cuộc trao đổi với cử tri huyện Đông Anh sáng 6/12, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chắc nịch rằng "Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu").
Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhằm vào ai ?
Trong hệ thống phẩm trật ở Việt Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bình thường, hay phỏng theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc thì anh ta chỉ là một quan chức "hạng ruồi". Dĩ nhiên, việc xử lý một quan chức "hạng ruồi" không phải là đích đến cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt cho bằng được.
Không ít người cho rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết tâm bắt Trịnh Xuân Thanh là để "xử" cựu Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng hoặc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, liên quan đến Đinh La Thăng, đệ tử ruột của ông ta là Vũ Đức Thuận (người từng được điều về làm Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng và khi ông Đinh La Thăng chuyển vào làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì được Thành ủy đề nghị điều từ Bộ Giao thông vận tải vào) đã bị bắt. Từ đầu mối đó, Đinh La Thăng đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất chức Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, nếu muốn xử lý hình sự Đinh La Thăng thì không nhất thiết phải cố sống cố chết để bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh.
Còn trong bài "Phe cấp tiến từng trỗi dậy ngoạn mục ra sao ?" ngày 13/2/2017, chúng tôi đã chỉ ra rằng : Việc ông Nguyễn Phú Trọng thỏa hiệp và bắt tay với liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh (và sau lưng bộ ba này là Bắc Kinh) là nhân tố quyết định giúp ông ta giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Trương Tấn Sang nhằm tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư từ người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.
Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018.
Từ sau Đại hội XII cho đến nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Đinh Thế Huynh thì vừa mới được thông báo là đang trong thời gian "điều trị bệnh" và vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thay thế từ ngày 1/8. Sau suốt 3 tháng im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nay lại được thông báo là đang chữa bệnh và chiếc ghế của mình thì đã được (tạm) giao cho người khác, cơ hội của ông Đinh Thế Huynh xem ra chỉ còn trên lý thuyết.
Sự biến mất bí ẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến ông Trần Đại Quang càng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng "băn khoăn" trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này.
Hình ảnh gần đây nhất của ông Trần Đại Quang trên truyền thông là trong chuyến ông đến thăm 3 trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh tại tỉnh Hà Nam vào ngày 26/7. Từ đấy, ông hoàn toàn biến mất trên báo đài nhà nước, kể cả dịp Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ vào sáng 27/7, một buổi lễ mà một nhân vật mang tính chất "lễ nghi" như Chủ tịch nước xưa nay chưa bao giờ vắng mặt.
Đến tối 7/8, trong chương trình thời sự 19g hàng ngày, khi đưa tin về việc Chủ tịch nước và Thủ tướng quyên góp ủng hộ nhân dân Tây Bắc, người ta chỉ thấy VTV công bố hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và tập thể cán bộ Văn phòng Chính phủ bỏ phong bì vào thùng quyên góp, chứ tuyệt nhiên không thấy bất kỳ hình ảnh nào tương tự ở Văn phòng Chủ tịch nước. Điều này chẳng khác nào gián tiếp xác nhận về sự biến mất bí ẩn của ông Trần Đại Quang.
Như chúng tôi đã chỉ ra trong nhiều bài viết trước đây, trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 19-21/6/2013, ông Trương Tấn Sang đã từ bỏ vị trí thủ lĩnh phe cấp tiến và trở thành một nhân vật cơ hội, quy thuận Bắc Kinh hầu mong được tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII ; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nổi lên đóng vai trò thủ lĩnh của nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, nhưng lại chưa đủ sức lãnh đạo phe cấp tiến do viễn kiến và uy tín của một nhân vật xuất thân từ ngành công an.
Mặc dù ngăn chặn được "hiểm hoạ bắc thuộc" mang tên Nguyễn Tấn Dũng, nhưng từ trước và sau Đại hội XII cho đến nay, ông Trần Đại Quang vẫn thỏa hiệp với cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), người được một cây bút độc lập nhận định là "con bài tủ trong chiến lược Hán hóa Việt Nam" của Bắc Kinh : ông ta đã nhiều lần công cán cùng nhân vật đầy tai tiếng này, đặc biệt là trong chuyến công du Cuba rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 - 20/11/2016 hay chuyến thăm Belarus và Nga cuối tháng Sáu vừa qua, cũng như chưa bao giờ lên tiếng về Formosa Hà Tĩnh, một đại hiểm hoạ về quân sự - kinh tế - môi trường mà "tác giả" của nó chính là Hoàng Trung Hải. Ngoài ra, ông ta cũng có một sốnhượng bộ trước Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và Con đường" tổ chức tại Bắc Kinh từ 11-15/5/2017. Tuy nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải vẫn coi chừng đó là chưa đủ đối với một nhân vật đang nóng lòng được tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư, bởi họ lo ngại một khi đã an toạ trên ngôi vị tối cao, ông ta hoàn toàn có thể thay đổi lập trường khi chưa bị đối phương "nắm gáy", điều mà họ đã làm được đối với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng.
Vì vậy, vụ bắt cóc nhân vật được cho là đầu mối trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mang "bản sắc Nguyễn Phú Trọng" ngay tại thủ đô của quốc gia đầu tàu Liên Hiệp Châu Âu mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm không hề hay biết là một diễn tiến logic tiếp theo.
(Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam trước mũi ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận đã râm ran rằng cuộc đào thoát đó được tổ chức với sự "gật đầu" của ông Trần Đại Quang, người tuy đã rời khỏi Bộ Công an nhưng hệ thống chân rết tại cơ quan đầy quyền lực này thì gần như vẫn còn nguyên).
Kịch bản nào sẽ xảy ra ?
Xem ra công chúng bây giờ quan tâm đến số phận của ông Trần Đại Quang còn hơn cả "diễn viên chính" Trịnh Xuân Thanh. Đơn giản, những gì liên quan đến số phận chính trị của nhân vật "dưới một người và trên muôn người" này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đất nước. Và sau đây là những kịch bản khả dĩ về số phận của ngài Chủ tịch nước trong một vụ việc mà dư luận cả trong nước lẫn quốc tế đang chăm chú dõi theo :
1. Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là trước viễn cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam vĩnh viễn không được thông qua, cộng với sự chống đối, phản kích của phe nhóm Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang kể từ sau vụ bắt cóc ngày 23/7 đến nay sẽ bị xóa bỏ. Ông Trần Đại Quang qua đó sẽ "thoát hiểm", không chỉ ung dung trở lại mà còn tỏ ra "lợi hại hơn xưa", bởi giờ đây ông ta không còn phải e dè với kẻ thù công khai của mình nữa. Việc ông ta tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư coi như chỉ còn là vấn đề thủ tục.
2. Ông Trần Đại Quang đầu hàng Bắc Kinh và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh.
3. Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một "ông phỗng" và "ngồi chơi xơi nước" trên chiếc ghế Chủ tịch nước để "giữ bình" (tránh đổ vỡ trong hệ thống).
4. Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Chúng ta hãy chờ xem kịch bản nào sẽ xảy ra trong thực tế, bởi lúc này xem ra hãy còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 08/08/2017