Phần 1
Triết lý của công việc
Di ảnh Nhà cách mạng Lý Đông A - Hình Internet
Lời giới thiệu
Trong bài viết "Bàn về các tài liệu Duy Dân của Lý Đông A", chúng tôi đặt ra vấn đề trách nhiệm trong việc ghi lại tài liệu của Lý Đông A và diễn giải để học hỏi, đưa vào thực tế của Việt Nam. Trong tinh thần đó, các bài viết về Duy Dân ở tương lai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm của bài viết chứ không tiếp tục đóng nhãn Lý Đông A vào cuối bài như thế hệ trước đã làm.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ quan sát, đặt câu hỏi, thêm những nhận xét nhỏ cho tài liệu : Duy Dân Cơ Năng (bộ 5 Kiến Quốc). Trong tương lai, chúng tôi sẽ viết lại ba tài liệu liên quan đến Duy Dân Cơ Năng thành một để trở thành một Duy Dân Cơ Năng diễn giải, không bị mâu thuẫn và đồng thời đưa từng phần vào thực tế của cuộc sống hiện tại để người đọc thấy được tại sao tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A phù hợp với thời đại, giải quyết những vấn đề của thời đại đang gặp phải.
Những phần để trong mặc kép, chữ nghiêng, tức là những chữ được trích từ tài liệu ghi lại trên Thangnghia.org. Những phần không nằm trong mặc kép là những phần chúng tôi đóng góp ý kiến, ghi lại nội dung (dựa vào tài liệu trên Thangnghia.org nhưng sửa đổi chữ cho dễ hiểu, hoặc tóm tắt nội dung) theo sự hiểu biết của chúng tôi, đặt câu hỏi để những ai quan tâm đến Duy Dân cần suy nghĩ thêm và tự tìm câu trả lời cho chính mình hay cả nhóm cùng tìm câu trả lời, và đưa ra những sự khác biệt hoặc mâu thuẫn trong ba tài liệu trên ở trang mạng thangnghia.org.
Chúng tôi cũng sắp xếp lại hình thức trình bài của tài liệu trong bài viết này, loại bỏ những cái không cần thiết hoặc ghi tóm tắt qua sự hiểu biết của chúng tôi để người đọc theo dõi rõ hơn. Dĩ nhiên trong tiến trình này chúng tôi có thể sơ sót và nếu phát hiện được sơ sót đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại bài viết này. Thành ra nếu quý vị đọc bản năm 2020 có thể khác với bản năm 2021 khi chúng tôi phát hiện sự sơ sót xảy ra. Vì sự thay đổi trên ThangNghia.org xảy ra mà vẫn để là Lý Đông A nên chúng tôi phải truy xét, loại bỏ những nghi vấn và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về những gì viết lại từ tư tưởng Lý Đông A.
Sự kiện "bản gốc" về các tài liệu của Lý Đông A đã không được kiểm chứng theo tinh thần khoa học vì chỉ là truyền khẩu, chép lại theo lời tác giả (Lý Đông A). Sự kết thúc của bất cứ tài liệu ghi : "Thái Dịch Lý Đông A" hay "X.Y. Lý Đông A", có khi phụ thêm : 4XXX Tuổi Việt hay 194X là thời điểm tài liệu được thành hình, nhưng có nội dung thay đổi liên tục (trên ThangNghia.org) và bất nhất (thí dụ : bản vị & cơ năng, xã hội biện chứng pháp). Tài liệu Tu Dưỡng Thắng Nhân không còn trên ThangNghia.org (vẫn còn nhưng không nằm trong phần của Lý Đông A và đã thay đổi tên người viết là Thái Đạo trong khi bản 2016 đề là Lý Đông A). Chìa Khóa Thắng Nghĩa : bản 2016 không có phân đoạn, tiết mục chính-phụ ; các ấn bản trên Web sau đó có phân chia rõ ràng hơn nhưng lại mâu thuẫn khi so sánh với "Huyết Hoa" (ấn bản tại USA, 1986) và "Triết Học Lý Đông A : tổng thể và hướng thượng" (Phạm Khắc Hàm), và sự chứng minh thủ bút của Lý Đông A không có (trừ tài liệu "Ký Trình", qua lịch sử chuyền tay từ nhiều người trong Duy Dân thời khởi đầu, có thể tạm chấp nhận là tài liệu chính gốc của Lý Đông A). Người biên soạn cũng không để tên hay thời điểm biên soạn cho dù chỉ là thêm tựa đề, phân đoạn abc hay 123. Kể từ khi có phần chú giải do HVL phụ trách thì còn có giải thích nhưng còn những thay đổi như thêm chữ mà bản in trước đó không có thì ai sẽ chịu trách nhiệm về ý nghĩa của từ ngữ được thêm vào ? Vì cuối bản in vẫn là Lý Đông A ?
Thí dụ :
1. "...nhất định phải thống nhất ba môn học ấy lại mà thích đáng tung hợp lại thành những nguyên lý và luật tắc làm nhận thức cho xã hội loài người".( Bản in 2016). Trong khi bản in 2017 : "...nhất định phải thống nhất ba môn học ấy lại mà thích đáng tung hợp lại thành những nguyên lý và luật tắc làm nhận thức chuẩn thằng cho xã hội loài người". (Chìa Khóa Thắng Nghĩa. Phần "Khoa-Đạo-Sử thống nhất").
2. (2016) : "Từ vận động đi đến kết hợp, kết hợp sẽ đi đến bản vị".
(2017) : "Từ vận động đi đến kết hợp, kết hợp sẽ đi đến bản vị hợp tướng". (Chìa Khóa Thắng Nghĩa. Phần "Bản vị với Cơ năng là hỗ tương nguyên nhân").
Trình bày dưới đây dựa vào tài liệu Duy Dân Cơ Năng - Bộ 5 Kiến Quốc theo thứ tự của tài liệu.
Duy Dân Cơ Năng được hiểu như "bộ máy" (cơ : động cơ ; năng : khả năng, nhiệm vụ) để xây dựng Duy Dân. Người dân tập họp thành một quốc gia qua Hiến pháp do toàn dân biểu quyết. Lý Đông A đề nghị 10 năm một lần tu chỉnh các "hiện hành pháp" và 30 năm tu chỉnh các "căn bản pháp". Sự kiện này có vẻ hợp lý vì xã hội con người tiến hóa, nếu kể 20 năm là một thế hệ thì 30 năm tu chỉnh các căn bản pháp phù hợp với sự trưởng thành của một công dân muốn đóng góp cho đất nước. Và 10 năm để tu chỉnh các "hiện hành pháp" phù hợp với những thay đổi về kinh tế (thường là kế hoạch 5 năm).
Tại sao Lý Đông A đưa ra Duy Dân Cơ Năng ? Duy Dân chủ nghĩa là kết hợp của đáy tầng (mọi người dân trong một xã hội, quốc gia). Sự kết hợp đó được điều hành bởi một bộ máy tối cao (Cơ Năng Hiến Pháp). Để đi đến một Hiến Pháp chung cho quốc gia mà mọi người dân tham dự phải trải qua một tiến trình hoạt động của một bộ máy rộng lớn hơn trước khi quy tụ về những điểm nòng cốt của Cơ Năng Hiến pháp. Đó là Duy Dân Cơ Năng.
Trong Duy Dân Cơ Năng, Lý Đông A đã đưa sự nghĩ lên hàng triết học (sự khôn ngoan nhất của tư tưởng kết thành hệ thống) của công việc, khoa học quản lý ; công việc ; chính trị ; xu mật viện và cơ năng hiến pháp cùng các bộ phận liên hệ.
Triết học của công việc trong Cơ Năng Hiến Pháp và Khoa học quản lý của Cơ Năng Hiến Pháp
**********************
Triết học của công việc trong Cơ Năng Hiến Pháp
Theo Lý Đông A thì công việc không chỉ là việc làm cho xong, cho có kết quả là chấm dứt nhiệm vụ. Lý Đông A đã đem triết học vào công việc. Triết học là kết quả của sự suy nghĩ sáng suốt, triệt để của con người trong lý luận về sự kiện, vấn đề, công việc. Vậy Lý Đông A đã nhìn triết học trong công việc ra sao ?
Trong tài liệu "chìa khóa công việc" Lý Đông A đã nói đến cách thực hiện "công việc" cho mọi người, không phân biệt dân thường hay chính trị gia. Trong Duy Dân Cơ Năng, Lý Đông A chú trọng đến vai trò của triết học trong Cơ Năng Hiến Pháp (xem thêm Triết Học Chính Thống của Lý Đông A và Triết Học Tổng Thể của Phạm Khắc Hàm) qua các yếu tố :
1. Công việc là vận hành của vũ trụ (thiên nhiên) và con người (xã hội) và con người phải suy nghĩ (tư tưởng) để làm việc.
2. Lịch sử loài người cho thấy con người "làm việc" (chủ quan) và đối tượng là công việc (mục đích hay trung tâm).
3. Sự tồn tại và tiến bộ của loài người dựa trên sự suy nghĩ, quản lý, tổ chức, vận dụng qua lý thuyết và thực tiễn hành động.
Sự vận hành của thiên nhiên là công việc. Vũ trụ (thiên nhiên) vận hành theo điều kiện của thiên nhiên để tự điều hòa hệ thống thiên nhiên. Cá lớn nuốt cá bé để tồn tại. Cá bé tìm cách để sống còn trước cuộc săn bắt của cá lớn. Cây cỏ cũng vận hành theo chiều hướng của thiên nhiên để phát triển. Sự vận hành này luôn luôn xảy ra dù có con người hay không có con người.
Sự vận hành của xã hội loài người cũng là công việc. Công việc vận hành của xã hội khác công việc vận hành của thiên nhiên bởi xã hội do chính Con Người hình thành. Công việc vận hành của xã hội mục đích là để phục vụ con người theo chiều hướng phát triển nòi giống để cùng nhau tiến hóa ; bảo vệ thiên nhiên để thiên nhiên phục vụ đời sống của người. Mà sự vận hành này phải qua suy nghĩ (tư tưởng) dựa vào thực tế của xã hội để điều chỉnh nhằm phục vụ nhân sinh. Bất cứ dân tộc nào, xã hội nào không tự điều chỉnh thì sẽ bị tiêu diệt cho chính sự không tự điều chỉnh đó. Các nền văn minh thời Ai Cập, Maya, Indus v.v là những thí dụ điển hình.
Lý Đông A đã nghĩ đến những trường hợp khi người khôn ngoan nhất trong xã hội sẽ nắm quyền cai trị. Cái khôn ngoan của con người có thể tốt, có thể xấu. Do đó Lý Đông A đã đòi hỏi sự hiện diện của triết học tức là sự suy nghĩ sâu xa, thông thái nhất của loài người (không phải chỉ một người hay một nhóm người) để phục vụ con người và được công bố trên Hiến Pháp là bộ luật tối cao của xã hội để mọi người biết và tránh sự vận dụng, lèo lái của những nhà chính trị qủy quyệt, tinh khôn trong giới lãnh đạo hay sự yếu kém, mê muội nhất thời của những người giúp việc trong chính quyền (dù là Lập Pháp, Hành Pháp hay Tòa Án). Tất cả được kiểm soát từng bước qua "công việc".
Với những quan sát trên Lý Đông A đưa ra các yếu tố triết học của công việc :
"A. Bản thể luận của công việc
1. Vật-Tâm-Sức trên vận động làm thành hết thảy các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội.
2. Nhân Duyên-Quả trên vận động biện chứng làm thành hết các nghiệp của hiện tượng.
3. Biết-Làm-Nghiệm trên vận động biện chứng làm thành hết các đạo đức của nghiệp.
4. Chủ Thể-Trung Gian-Khách Thể trên vận dụng biện chứng làm thành hết các trí năng của làm việc".
Từ bản thể của công việc, Lý Đông A nhận định "Vật-Tâm-Sức" qua các mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Với yếu tố con người thực việc công việc thì "Nhân-Duyên-Quả" từ con người sẽ chi phối vào công việc mà nhân vật đó thực hiện bất kể trình độ kiến thức, học vấn, tuổi tác, nam nữ.... Và trong tiến trình của công việc sẽ cho thấy khả năng của đương sự về mặt trí thức và đạo đức. Trí thức có thể phát triển cả tốt lẫn xấu nhưng đạo đức sẽ là hàng rào để gìn giữ trật tự xã hội. Để phân biệt từng tiến trình của công việc cho sự học hỏi và kiểm soát thì sự phân ngôi Chủ-Khách-Trung gian phải rõ ràng.
"B. Nhận thức luận của công việc
1. Sự vận động biện chứng của các phạm trù trên hoàn thành những nút hội thông của việc.
2. Tâm - Duyên làm trung gian là những điều kiện của vận động phối hợp với nền tảng và định hết các hình thức nhân quả, hiện thực tính hay khả năng tính của việc.
3. Duyên là gồm các nhân tố thời gian, không gian, số lượng người và vật.
4. Hiện Tại - Quá Khứ - Vị Lai trên biện chứng vận động làm thành hết các thời cơ của công việc.
5. Bối Cảnh - Tiềm Cảnh - Viễn Cảnh trên biện chứng vận động định đoạt hết cái thông cảnh của công việc.
6. Hư Số - Thực Số - Nhân Số trên biện chứng vận động làm thành hết các trình thức của công việc.
7. Sáng Ý - Quyết Đoán - Thực Hành, ba nghiệp tầng trên biện chứng vận động làm thành hết các hình thái nhân sự của công việc.
8. Nguyên Liệu – Tài Liệu - Động Lực trên biện chứng vận động làm thành hết các hình thái vật chất của công việc".
Trong tiến trình thực hiện công việc, Lý Đông A quy định sự sử dụng biện chứng pháp để lý luận từng bước tiến của công việc : Tại sao như thế này mà không phải như thế kia ? Nếu có yếu tố này mà không có yếu tố kia thì sẽ ra sao ? Nếu có từng này người và vật (nhiều hay ít) thì sẽ làm sao ? Nếu quá khứ đã xảy ra như vậy thì hiện tại (hay tương lai) sẽ như thế nào ? Nếu những gì mình đang thấy trước mắt (hay chưa thấy, hoặc sẽ thấy) sẽ quyết định công việc ra sao ? Lúc nào là lúc thu thập ý kiến dân chủ ? Khi nào phải làm quyết định dứt khoát ? Khi nào là thời điểm phải thực hành ngay, không thể trễ nải ? Đâu là yếu tố quyết định tiến tới ? Khi nào thì phải xét lại một khi nhân-vật lực không như đã dự định ?
Trên lãnh vực nhân sự phải đặt đúng vị trị cho công việc vào tài năng của mỗi người. Người có khả năng làm quân sư (consultant) thì không thể đặt vào vị trí thực hành công việc. Người có khả năng tổ chức công việc chỉ nhận lãnh công việc tổ chức chứ không thể đặt vào vị trí khác ngoại trừ vị trí khác đó không cần khả năng tổ chức và ai cũng làm được.
"C. Phương pháp luận của công việc
1. Khích Thích – Xung Động - Phản Ứng là trình tự tự nhiên của phương pháp làm việc.
2. Nghiên Cứu - Hội Thông (giao điểm) - Sáng Định là trình tự cao thấp của phương pháp làm việc.
3. Dự Kế - Chấp Hành - Khảo Hạch là trình tự diễn tiến của phương pháp làm việc.
4. Dân sinh thực hiện sử quan là trung tâm của hết thảy nguyên lý làm việc.
5. Duy Dân xã hội biện chứng pháp là lý tắc đúng đắn của hết thảy công việc".
Theo Lý Đông A con người phải có lý luận khi chọn phương pháp làm việc trên công việc. Đâu là yếu tố sẽ kích động công việc ? Khi nào cần, áp dụng như thế nào ? Đâu là yếu tố xung động công việc ? Tốt hay xấu ? Đâu là yếu tố sẽ gây phản ứng trong công việc ? Từ đâu tới ? Làm sao kiểm soát nó ? Sự nghiên cứu, chuẩn bị đã đủ chưa ? Đâu là thời điểm chuyển biến ? Phải làm gì để kiểm soát các chuyển biến đó ? Bất cứ công việc nào cũng phải lên kế hoạch, sau đó thực hành và rà soát lại để điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả của công việc. Trung tâm của mọi công việc là cho cuộc sống con người không phải chỉ dành riêng cho một khu vực, giai cấp, phe nhóm... Mọi lý luận tranh biện phải dựa trên Duy Dân xã hội biện chứng pháp cho tất cả công việc.
"D. Giá trị luận của công việc
1. Hiệu Quả là cái thành tích lấy bản thân của công việc mà hỗ kế.
2. Hiệu Suất là đem so hiệu quả với thành bại của công việc mà định cái trình độ trên số học, tinh thần và năng lực của người làm.
3. Hiệu Dụng là đem so hiệu quả với hiệu suất với các ích lợi thực tế của công việc ấy đối với yêu cầu của toàn xã hội, thời đại, văn hóa mà định.
4. Cho nên cá nhân, xã hội, dân tộc là ba tiêu chuẩn để tính toán hiệu dụng của công việc trên sự thực tế ích lợi của công việc đó đối ba mặt.
5. Cho nên sinh mệnh triết học và triết học của công việc là hai nhành Dân Sinh Thực Hiện Sử Quan của Duy Dân chủ nghĩa, lấy đó làm nền tảng kiến thiết sống, còn, nối, tiến, hóa của dân tộc".
Giá trị của mọi công việc dù lớn nhỏ, phải căn cứ trên hiệu quả, hiệu suất, hiệu dụng so với thời đại, văn hóa và dân tộc. Do đó giá trị của công việc được đo lường trên 3 chiều : cá nhân, xã hội và dân tộc.
Duy_Dân_Cơ_Năng_Bộ_5_Kiến_Quốc.pdf
Trần Công Lân
Tháng 2/2020 (Việt Lịch 4899)
Nguồn : Quyenduocbiet, 16/03/2021