Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

02/05/2021

3. Duy Dân Cơ Năng : Công Việc

Trần Công Lân

Phần 3

Công việc

lda1

1. "Công việc là sự biểu hiện nhiều mặt, nhiều lối, nhiều tầng, nhiều cách của sinh mệnh phối hợp với chu vi trong sự giao hỗ phức tạp qua xã hội biện chứng pháp mà thành. Sinh mệnh là căn cốt của thời đại, công việc là căn cốt của văn minh".

Con người sống với trí óc và tay chân sẽ dẫn đến công việc. Cùng là thời điểm, thời gian, không gian, vật dụng với nhu cầu... con người sẽ làm gì ? Đó là căn cốt của mọi thời đại, làm như thế nào ? Đó là căn cốt của văn minh, tiến bộ hay hủy diệt.

2. "Công việc là cơ sở duy nhất của hết thảy đời sống xã hội. Các điều kiện trọng yếu cho nhân loại tiến triển (đồng hóa, hỗn hóa, phân hóa), sự thực (hiện tượng, biểu tượng), chu vi thời gian (xưa, nay, mai), không gian (đây, đó, kia). Tất cả nhân tố đó giao hỗ qua sự biểu hiện của số. Cho nên Sinh Mệnh và Công Việc quy định theo nền tảng và các điều kiện trên. Công việc là sự nối dài của Sinh Mệnh ra vũ trụ".

Công việc của con người qua thời gian, không gian quyết định sự tồn vong của nhân loại qua lịch sử. Con người sống và làm việc để tồn tại và phát triển với thiên nhiên. Nếu con người không làm việc (công việc) thì sẽ không tồn tại hay phát triển. Công việc đối với con người là nhu cầu sống còn : kiếm ăn, nơi cư trú... cho dù có đủ điều kiện bảo đảm sự an toàn và cơm áo, con người vẫn có nhu cầu làm một công việc gì đó (hội họa, âm nhạc, câu cá, du lịch...). Nếu cá nhân có ý thức thì công việc sẽ ích lợi cho xã hội, nếu không sẽ gây trở ngại cho xã hội. Như vậy công việc là gạch nối giữa con người và xã hội. Con người, theo quá trình của lịch sử, luôn luôn chọn sự sống hướng thiện, vươn lên để tạo ra những nền văn minh vượt bực với nền văn minh trước đó. Tuy nhiên, nếu con người không biết chọn đúng công việc ; không biết quan tâm đến quá khứ, hiện tại, và tương lai thì sẽ làm cho sự văn minh bị hủy diệt do chính sự lựa chọn công việc không đúng, không phù hợp với lịch sử, thời gian, không gian, cùng với thực tế của hiện tại.

3. "Công việc có 3 thứ bậc : trước việc, đương việc và sau việc trên thời gian ; có 3 điểm : đây, đó, kia trên không gian. Số biểu hiện ra bằng 3-5-7. Khởi điểm và chung điếm là 1 và 9 ; biến là 10".

Chỉ có người mới có số, có chữ viết, có lịch sử, văn hóa... Trong công việc với thời gian, không gian là vô tận, con người dùng số để tính toán, điều khiển công việc qua các định luật, quy định.

Ở đây chúng ta phải đặt câu hỏi : Tại sao Lý Đông A viết như vậy và có ý gì ? Nếu quả thực Lý Đông A biết về Dịch Lý thì ông đã dựa vào Lý (thời gian, không gian) và số (3-5-7). Nhưng tại sao lại là 3-5-7 mà không là 2-4-6 ? Có thể giải thích như sau : con người kết thành tập thể trong xã hội thì sẽ có tranh luận, khi có bất đồng ý kiến thì nếu là 2-4-6 thì bên thuận và bên chống bằng nhau và như vậy không thể đi đến kết luận được. Chỉ có số lẻ 3-5-7 mới quyết định phe đa số. Thí dụ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là 5/4.

lda2

Còn khởi điểm 1 và chung điểm 9 và biến là 10 sẽ giải thích ra sao ? Nếu Lý Đông A biết về Mệnh Lý thì biết rằng khả năng con người có giới hạn vì điều kiện thể chất và khả năng, tư chất của mỗi cá nhân (thí dụ : tử vi). Công việc với thời-không gian thì vô hạn. Do đó Lý Đông A chọn giới hạn 1-9 và 10 là ranh giới để biến sang một giai đoạn khác. Biến (theo Dịch Lý) có 2 hướng :

1) bế tắc, gặp nguy hiểm hay bị chống đối nên cần phải thay đổi ;

2) biến cũng có thể là tăng trưởng, chuyển sang một giai đoạn cao hơn hay để thích ứng với thời- không gian.

Theo khoa Tử Vi Mệnh Lý thì cuộc sống con người có tiểu hạn (1 năm) và đại hạn (10 năm). Phải chăng Lý Đông A đã dựa theo để tạo cơ hội cho cá nhân một khi cá nhân đó có đại hạn tốt đẹp nhất của đời người để đóng góp cho xã hội ?

Mọi sự giải thích chỉ có tính tạm thời và cần đối chiếu với các tài liệu Lý Đông A khác để xác định giá trị về lý luận.

4. "Trước việc phải có điều tra, kế hoạch, chuẩn bị mà trung tâm là kế hoạch".

5. "Đương việc phải có chấp hành, cơ biến liên hệ, tiếp tế mà trung tâm là chuyển biến".

6. "Sau việc phải có thiện hậu (xếp đặt về sau), khảo hạch, chứng minh (kiểm thảo, cảnh giới) mà trung tâm là thiện hậu".

Qua bao thời đại, chế độ… con người đã thực hiện biết bao công trình… nhưng sự tiến bộ, tồn tại và phát triển đòi hỏi kỷ luật, trật tự và tổ chức, kế hoạch trong suốt tiến trình trước, đang và sau khi làm việc để làm kinh nghiệm học tập, nghiên cứu cho lớp sau.

lda3 (2)

Bất cứ công việc nào cũng phải có sự nghiên cứu thực tế để đưa ra kế hoạch. Sau khi đã có kế hoạch thì đưa vào thực hành nhưng trong thực hành phải biết điều chỉnh cho hợp với thực tế, hoàn cảnh, môi trường. Điều cuối cùng của công việc là kết quả ra sao. Liệu kế hoạch đặt ra có đạt được kết quả như ý muốn ? Nếu chưa thì tại sao ? Và nếu đạt được kết quả như ý muốn nhưng về lâu về dài ảnh hưởng đến môi trường, đến thế hệ tương lai thì kết quả đạt được đó không thiện (tốt) -- mà là kết quả lợi ngắn hạn nhưng hại dài hạn. Vậy thì có nên tiếp tục công việc hay phải tìm cách giải quyết cái hại ở tương lai trước khi tiếp tục công việc hiện tại ?

7. Muốn cho công việc được thành công phải chia công việc ra : bàn căn (việc trung tâm), thác tiết (liệu các nghịch biến phát sinh), ý ngoại (phòng bị những việc bất ngờ, nắm giữ biện chứng đó), thiện hậu (thu xếp cảnh giới trong trường hợp thắng bại)…

Bất cứ công việc nào đều phải đặt trọng điểm của công việc. Đây chính là mục tiêu cần phải đạt đến, cần phải giải quyết. Cái trọng điểm của công việc đó trong lúc thực hành sẽ đối diện với thực tế trong công việc (chủ quan) và ngoài công việc (khách quan), từ đó tạo ra kết quả của công việc tốt hoặc xấu, thắng hay bại.

Vũ trụ của loài người là Sinh mệnh

1. Sinh mệnh là chủ thể và là mục đích, tự mình và người là mục đích, là lý tưởng của Chân-Thiện-Mỹ. Cho nên triết học & khoa học của công việc là kỹ thuật ngọn. Triết học và khoa học của Tu dưỡng mới là gốc. Tu dưỡng sức sống là Sinh mệnh ; sự thăng hoa của Sinh Mệnh là công việc. Thăng hoa tốt, xấu, cao, thấp gọi là thành, bại, siêu việt, hay tê liệt. Cho nên tu dưỡng Tính, Tâm, Thân, Mệnh là gốc ; kỹ thuật cho đến phạm trù đạo đức, học vấn, sự nghiệp, giao tiếp chỉ là ngọn. Công việc có thể gọi là hình thức của Sinh mệnh. 

Thế giới của loài người là cuộc sống (sinh mệnh), là suy nghĩ, là làm việc... từ đó con người nhận ra Chân-Thiện-Mỹ. Cũng là làm việc có suy nghĩ (triết học), có tổ chức (khoa học) vẫn có thể dẫn đến hủy diệt nhân loại. Bởi vậy, Lý Đông A mới cho rằng triết học và khoa học của Tu dưỡng mới là gốc (chính yếu). Con người đang sống và đang làm gì nói lên sinh mệnh của hắn (tốt hay xấu) và có ích lợi cho xã hội, dân tộc hay không.

Sự Tu dưỡng để hoàn thiện cái gốc ở chính bản thân hầu kiện toàn tính tốt, tâm người, thân thể khỏe mạnh để chính tự mình nắm lấy mệnh của mình, làm chủ lấy chính mình. Khi đã đạt được tu dưỡng thì con người sẽ hiểu những phạm trù của đạo đức, học vấn, sự nghiệp, giao tiếp chỉ là phần ngọn. Nhiều người trong xã hội dựa vào phần ngọn để nhận định là gốc để rồi tự chính mình không thể trưởng thành bởi làm sao một cây đặt ngọn dưới đất có thể mọc lên ? Nhận định, đánh giá một con người không phải ở học thức, địa vị xã hội, sự nghiệp, kinh nghiệm tù đày mà là ở cái nhân cách và tư cách của cá nhân đó. Nhân cách và tư cách chỉ đạt được khi chính cá nhân đó đạt được tu dưỡng ở chính mình.

2. Tâm thuật là chủ, kỹ thuật là phó áp dụng cho cả Chính-Chiến-Thế-Luận. Tâm thuật là thủy kế, kỹ thuật là chủ kế với khách kế bằng tác dụng trực tiếp, phản xạ của tâm thuật.

Con người có bộ óc đặc biệt hơn các loài vật khác vì có suy nghĩ, lý luận. Tâm thuật là cách suy nghĩ hay nghệ thuật suy nghĩ trong mọi mặt của đời sống con người trên lãnh vực Chính (chính trị), Chiến (chiến tranh), Thế (hoàn cảnh, thời thế của đời sống), Luận (sự bàn thảo, lý luận để giải thích, tìm hiểu). Thủy kế là đồng hồ đo nước ; nước là chất có thế thẩm thấu qua mọi hình thức, tác dụng trên mọi vật, mọi hoàn cảnh.

Tại sao phải đặt Tâm Thuật là chính trong khi Kỹ Thuật là phụ ? Đơn giản nếu người sử dụng kỹ thuật mà không có tâm thì cái kỹ thuật đó có thể làm hại đến xã hội, đến nhân loại. Cho nên Tâm Thuật phải luôn luôn là cái chính trong sự sinh hoạt của xã hội. Thí dụ trong năm 2019, tại Ấn Độ, một vị bác sĩ dùng kỹ thuật khoa học để cấy tinh trùng của ông chồng 77 tuổi, vào trứng của một phụ nữ khác và đặt vào tử cung của bà vợ ông này 73 tuổi. Cuối cùng bà vợ sanh hai đứa con gái mỗi đứa nặng khoảng một ký tám. Đây là trường hợp kỹ thuật làm chủ tâm thuật bởi nếu tâm thuật làm chủ thì người bác sĩ này sẽ không làm chuyện này với người đã lớn tuổi mà không quan tâm đến hậu quả ra sao cho người mẹ và đứa trẻ sinh ra ở một người đã trên 70 tuổi.

Bốn công chủ nghĩa

1. Công bản chủ nghĩa : Tổng sản lượng quốc gia là công toàn quốc gia, phàm các nguồn tài sản đều thuộc về công cộng chi phối.

2. Công lao chủ nghĩa : lao công bất cứ ngành nào, nhân dân bất cứ ngành nào đều trực tiếp thuộc về kế hoạch quốc gia : Phân Mệnh, Phân Công, Phân Lợi.

3. Công phối chủ nghĩa : sự phân phối tài nguyên, lợi tức qui về quốc gia thống nhất thi hành.

4. Công Độ chủ nghĩa : tài chính cộng đồng, sở hữu tài nguyên, thù đãi công tư đều do quốc gia xử lý.

Khi con người kết thành quốc gia thì tài nguyên trên lãnh thổ thuộc tập thể và coi như mọi người đều có quyền hưởng thụ. Khi một người có công khai thác tài nguyên đó không có nghĩa là càng khai thác nhiều là sẽ có tư hữu tối đa vì nếu không có sự phân phối, qui định tương xứng sẽ sinh tranh chấp. Nếu con người do sinh mệnh tâm lý để thích hợp với công việc này hay việc kia thì sự thụ hưởng lợi ích của một cá nhân đương nhiên chịu chi phối của những cá nhân trong lãnh vực khác cho dù không hiện diện hay trực tiếp tham dự nguồn lợi tạo ra. Bốn công chủ nghĩa hạn chế sự vơ vét tài nguyên quốc gia hay dịch vụ trong xã hội mà mọi người đều đóng góp trực tiếp hay gián tiếp.

Cần phải hiểu tài nguyên thiên nhiên là những cái đã có sẵn chẳng hạn như dầu thô, chất kim loại nằm trong lòng đất ; các loại thú trên sông, biển, rừng ; đất đai hoang dã mà chưa có ai làm chủ hoặc khai thác. Tất cả những tài nguyên này là của chung, thuộc về tài sản quốc gia và sẽ được quy định trong việc khai thác những tài nguyên này nhằm bảo đảm hệ sinh thái của thiên nhiên không bị thay đổi nhiều, ảnh hưởng đến đời sống của xã hội, của các loài khác sống trên trái đất. Phân mệnh, phân công và phân lợi là ba điểm rất quan trọng để tránh tình trạng đồng lương trả quá nhiều cho một cá nhân, cho dù cá nhân đó tài giỏi cách mấy. Thí dụ anh CEO của hãng xe Uber nhận đồng lương trong năm 2018 là 45 triệu trong khi những người lái xe mỗi ngày, tiền lương chẳng là bao nhiêu. Đây là sự phân lợi không công bằng cho dù là một anh CEO thật giỏi, anh ta cũng chẳng làm được việc gì nếu không có hàng triệu người tài xế của Uber đem tiền vào cho công ty.

Lâm thời tổ chức

Khi quốc gia trong tình trạng lâm thời : nhân tài chưa đủ, hành chính chưa chu đáo, hay trong thời kỳ quân chính (thiết quân luật ?) có thể lấy Xu Mật Viện (Chỉnh Lý Viện) làm cơ quan tối cao xử lý mọi chuyện chính trị- hành chính cũng như sửa soạn thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp.

Vậy Xu Mật Viện là những ai ? Là tổ chức tập hợp của các hội chuyên gia (Cộng Hòa Dực Tán Hội) và giới lao động (Lao Động Hội Nghị) ? Không thấy nói vai trò của Phụ Xu Mật Viện (7 tỉnh). Nếu là lâm thời thì 7 viện (Chính Trị Nghiên Cứu, Lập Pháp, Hành Chính, Tư Pháp, Quan Chính, Khảo Thí, Giám Sát) chưa hiện hữu nhưng phải xử lý hết thảy chính trị và hành chính đồng thời sửa soạn Cơ Năng Hiến Pháp. Có thể đây là giai đoạn quan trọng nhất của tiến trình thực hiện chủ nghĩa Duy Dân dựa trên cơ cấu mong manh và nhân sự khó kiểm soát.

Trung khu Liên tịch Hội nghị

Là hội nghị hành chính trong phạm vi từng bộ do Xu Mật Viện hay các bộ triệu tập nhằm mục đích điều chỉnh từng bộ và để liên lạc, thống nhất sự làm việc giữa Chính Trị và Hành Chính. Ví như trung khu liên hợp kinh tế hội nghị, tài chính, nội vụ, ngoại giao, quân huấn chỉ đạo, giáo dục quốc dân phục vụ chỉ đạo v.v… dưới các cuộc Trung Khu Liên Nghị đó có các giới hành chính hội nghị do các viện, bộ, hội có quan hệ chủ trì ; mục đích là để điều chỉnh, liên lạc các cấp, các giới ví như hành chính giới hội nghị, tài chính giới, văn hóa giới, kinh tế giới, thanh niên, phụ nữ …

Phải chăng Trung Khu Liên Tịch Hội Nghị chỉ xuất hiện trong giai đoạn lâm thời cơ cấu chính quyền chưa chính thức thành hình qua Cơ Năng Hiến Pháp ? Vì được triệu tập trong phạm vi từng bộ do Xu Mật Viện và Hành Chính Viện triệu tập để điều chỉnh sinh hoạt các ngành, các cấp, các lãnh vực.

Quốc sách căn bản thắng nghĩa quốc gia & cơ năng hiến pháp

Cơ Năng Hiến Pháp dựa vào nguyên lý quốc gia cơ năng qua tung hợp quốc gia quyền lực, nhân dân và ý chí, nhân sự luật tắc.

Quốc gia lập pháp cần phải có quy mô, chia ra pháp trị và nhân sự, hai hệ tung hợp lại thành cơ năng sinh hoạt :

- Tung hợp CHÍNH quyền và TRỊ quyền thành chính trị nhất nguyên ;

- Tung hợp hệ thống và hoành liên hệ thành tung hoành nhất quán ;

- Tung hợp động và tĩnh thành động tĩnh nhất khu ;

- Tung hợp quyền và năng thành quyền năng nhất thống ;

- Tung hợp Chính Trị và Hành Chính thành một quốc gia hòa hài.

Ở đây Lý Đông A đã không nói trong Cơ Năng Hiến Pháp phải như thế nào, có những gì, Lý Đông A chỉ đưa ra điều kiện Cơ Năng Hiến Pháp "cần" có để thực hiện "quyền năng nhất thống, tung hợp chính trị" để có "quốc gia tổ chức hòa hài" như là điều kiện "đủ".


Trần Công Lan

Nguồn : quyenduocbiet, 07/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Công Lân
Read 948 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)