Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

29/07/2021

Hùng Vương : huyền thoại hay có thật ?

Nguyễn Văn Huy

Mỗi năm, cứ đến gần đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, cả trong lẫn ngoài nước xôn xao tổ chức giỗ tổ Hùng Vương. Tại Việt Nam, lễ giỗ tổ Hùng Vương thường được cử hành tại Ðền Hùng, khu Diên Hồng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, miền bắc Việt Nam. Từ sau 2007, giỗ tổ Hùng Vương là một ngày quốc lễ, học sinh, sinh viên và công nhân viên được nghỉ một ngày tương đương với ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

hungvuong1

Đền Thượng ở trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương, còn gọi là Lễ hội Diên Hồng, là dịp để nhắc nhở mọi người Việt Nam tưởng nhớ tới công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Diên Hồng là nơi vua Trần họp các vị bô lão để hỏi ý kiến nên hòa hay chiến trước sự đe dọa của quân Nguyên (Mông Cổ) vào cuối thế kỷ 13. Không hiểu tại sao lễ giỗ tổ Hùng Vương được gọi là lễ hội Diên Hồng, vì hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào tháng chạp năm Giáp Thân (1284), trong khi giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng ba âm lịch.

Ðặc biệt lần này, trước sự uy hiếp và xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc, lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2013 được báo đài trong nước quảng bá rầm rộ. Cường điệu hơn, ông Nguyễn Doãn Khánh, bí thư tỉnh Phú Thọ, công bố dự án xây dựng nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh ngay trong khu di tích đền Hùng (tráng lệ hơn di tích đền Hùng), với một diện tích rộng 8 450 m2 trên đồi Phân Trà và một tổng kinh phí gần 3 triệu USD (60 tỷ đồng). Ngoài mục đích lạm dụng tiền xây dựng cho riêng mình, dự án này đã gây nhiều bất bình trong dư luận. Hùng Vương là biểu tượng của thời kỳ lập quốc của cả một dân tộc, trong khi Hồ Chí Minh chỉ là biểu tượng của Ðảng cộng sản Việt Nam. Rõ ràng qua dự án này, biểu tượng Hồ Chí Minh đang bị lợi dụng và chính trị hóa cho những mục tiêu riêng, không liên quan gì đến Hùng Vương. Việt Nam không thiếu gì đất đai để xây dựng đền thờ Hồ Chí Minh, tại sao lại chọn địa bàn Hùng Vương ? Không lẽ Ðảng cộng sản Việt Nam muốn đặt Hồ Chí Minh ngang hàng với các vị vua Hùng ?

Ngoài mục tiêu chính trị, việc tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay đang gây một phong trào tranh cãi về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Nhiều người phản đối danh xưng "tổ", vì tổ là tổ tiên, người khai sinh ra một dòng tộc. Lý do là Việt Nam hiện nay có 54 sắc tộc (còn gọi là dân tộc), trong đó đông nhất là sắc tộc Kinh, tức người Việt. Nhiều thắc mắc đã được nêu ra : Hùng Vương được coi là tổ tiên của người Kinh, vậy giỗ tổ Hùng Vương là giỗ tổ của riêng người Kinh hay của tất cả 54 sắc tộc trên toàn quốc ? Thắc mắc này rất khó trả lời vì nó vượt ra ngoài khuôn khổ lịch sử và mang tính chất chính trị và pháp lý hơn là văn hóa. Trong cuộc thảo luận này, chúng ta nên giới hạn sự trao đổi quanh các vấn đề văn hóa, vì đó là những sự kiện lịch sử được liệt kê vào gia tài văn hóa của cả dân tộc.

Trường hợp này giống như tại Pháp, người Pháp nói tổ tiên của họ là người Gaulois, tức những người đầu tiên thành lập nước Gaule phía Bắc nước Pháp, trong khi dân tộc Pháp hiện nay là một sự hợp chủng của rất nhiều dân tộc khác nhau, đến từ khắp nơi trên thế giới : Bắc Âu, Nam Âu, Tây Âu, Ðông Âu, Châu Phi, Châu Á… Hiện nay tại Pháp không ai phản đối nội dung các sách giáo khoa được dạy trong các trường tiểu học, Gaulois là tổ tiên người Pháp vì đó là một thực tế vào thời khai quốc, ngày nay yếu tố này thuộc về lãnh vực văn hóa và lịch sử.

Riêng tại Việt Nam, vấn đề không giản dị như vậy. Việt Nam tuy có một lịch sử lâu dài nhưng cũng là rất mới, miền Trung chỉ được hội nhập vào cuối thế kỷ 17, miền Nam cuối thế kỷ 18 và cao nguyên miền Trung (Tây Nguyên) vào đầu thế kỷ 20. Biểu tượng Hùng Vương, đối với những dân tộc từng có một truyền thống lịch sử riêng còn quá mới, các chính quyền Việt Nam cần phải giải thích nhiều hơn nữa để xây dựng một cộng đồng dân tộc hài hòa và gắn bó.

hungvuong2

Tượng đài Quốc tổ Hùng Vương

Huyền thoại

Tài liệu đầu tiên nói về thời Hồng Bàng của các vua Hùng được ghi trong bộ Ðại Việt sử ký toàn thư như sau : "[…] Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng : Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống miền biển, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua […]".

Ðại Việt sử ký toàn thư là bộ quốc sử chính thống cũ nhất của Việt Nam, do Ngô Sĩ Liên biên soạn và hoàn tất năm 1479 nhưng chỉ được phát hành 218 năm sau đó, năm 1697, nội dung và các sự kiện lịch sử do đó đã được tu bổ và sửa chữa rất nhiều. Trước đó, Lê Văn Hưu có biên soạn bộ Ðại Việt sử ký (1272) nhưng chỉ ghi lại phần lịch sử từ Triệu Vũ Ðế đến Lý Chiêu Hoàng. Các bộ quốc sử sau này như Ðại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục được biên soạn dựa trên cơ sở của Ðại Việt sử ký toàn thư. Huyền thoại về giai đoạn Hùng Vương, tức thời Hồng Bàng, vẫn còn đầy bí ẩn.

Năm 2005, học giả Lã Duy Lan đã gây khá nhiều kinh ngạc đối với những người quan tâm đến cội nguồn dân tộc. Trong Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 2, 2005), ông cho biết những mô tả về thời đại Hồng Bàng của những bộ sử trước đó hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong Bách Việt triệu tổ cổ lục Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, hai bộ sách của các vị tộc trưởng họ Nguyễn ở tổng Ðại Lôi cũ, nay là hai xã Phú Lãm - Phú Lương đầu huyện Thanh Oai - Hà Nội, ghi về thế thứ, sự tích, ngày sinh ngày hóa, nơi an táng của các vị vua và các bà vợ ở thời dựng nước khi mới bước xuống khai phá đồng bằng. Hai bộ sách này đã in phần lược dịch vào Phụ lục cuốn Lễ hội và danh nhân lịch sử Việt Nam của Hà Hùng Tiến (Nhà xuất bản Văn hóa & Thông tin, năm 1997). Theo Lã Duy Lan, những vị tộc trưởng họ Nguyễn này trông nom phần mộ và thờ cúng các vị tổ tiên gây dựng nên cơ đồ dân tộc kể từ khởi đầu cho đến cuối thời vua Thành Thái nhà Nguyễn (1907).

Ðể cụ thể hóa những ghi nhận trong bộ hai bộ sách nói trên, năm 2010 học giả Lã Duy Lan phổ biến một tài liệu mang tên Hành trình về quá khứ, gồm ba phần :

- Phần I : Thời dựng nước và phong tục tập quán - tín ngưỡng của người Việt ;

- Phần II : Hiện thực qua một vài truyền thuyết, dã sử (quan niệm và thể hiện) và

- Phần III : Một vài khúc quanh trong chính.

Trong lời mở đầu, Lã Duy Lan viết :

"Trước khi bước chân xuống khai phá đồng bằng theo kiểu đại trà, các thế hệ tổ tiên xa xôi của chúng ta (là một nhóm Việt - Mường) đã trải qua hai thời kỳ, là thời Cực Lạc và thời Viêm Bang.

Thời Cực Lạc, khởi đầu cách ngày nay khoảng 7000 năm và kéo dài tới khoảng 1000 năm, ở vùng đất phía đông của chân núi Ba Vì, vì thế Ba Vì được các thế hệ thời trước gọi là núi Tổ của người Việt. Ðó là thời con người thì ít mà các nguồn thức ăn ở dạng tự nhiên còn vô cùng dồi dào, dễ kiếm, và mọi người cùng làm cùng ăn, cùng vui chơi giải trí, quan hệ nam nữ theo sở thích và sự đồng thuận, con cái sinh ra là của chung cộng đồng chứ chưa có các gia đình riêng. Cuối thời Cực Lạc mới bắt đầu chia họ.

Sau thời Cực Lạc thì đến thời Viêm Bang, kéo dài cũng tới hàng ngàn năm, là thời kỳ con người đã biết dùng lửa để nung gốm sứ, chế tạo các công cụ lao động và vật dụng sinh hoạt bằng đồng, sắt, do vậy, việc khái phá đất đai cấy trồng lúa nước cũng đã được tiến hành, vì thế, các vị vua ở thời kỳ này, lúc đầu gọi là Ðế Viêm, còn về sau thì gọi là Thần Nông. Sau thời Thần Nông, tổ tiên ta bước xuống khai phá đồng bằng theo kiểu đại trà, lập ra nước Xích Quỷ rồi nước Văn Lang, kéo dài tới khoảng 2800 năm, về sau được gọi chung là thời Bách Việt và các vua Hùng".

Về địa danh gọi là núi Tổ, Lã Duy Lan cho biết :

"Quá trình hình thành nền văn minh lúa nước của người Việt cổ được bắt đầu kể từ khi họ kéo nhau ra khỏi rừng, định cư lại ở vùng đất phía đông của chân núi Ba Vì một thời gian dài tới hàng ngàn năm (thời "Cực lạc"), sau đó xuống vùng So - Sở rồi sau đó tỏa xuống khai phá vùng đồng bằng (châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả...) và nhiều vùng đất khác, để rồi cuối cùng đạt đến thành tựu rực rỡ ở thời Tam Phủ, Kinh Dương Vương (nước "Xích Quỷ") và thời của các vua Hùng mà trong đó 18 đời thống nhất được đất nước với thời gian 2622 năm (kể từ Kinh Dương Vương đến hết Hùng Vương thứ 18) trên một địa bàn rộng lớn, từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến tận miền Quảng Nam (Việt Nam). Trên thực tế, địa bàn ấy trong suốt thời gian tồn tại dài lâu của nó đã có sự xê dịch ở nơi này nơi kia (vào các giai đoạn không thống nhất được đất nước), nhưng căn cứ vào trống đồng là hiện vật đào thấy được ở địa bàn này (vừa kể trên), thì có thể xác định đấy là vùng cư trú có thật của cư dân Bách Việt mà giữa các nhóm, các tộc người đã có sự tương đồng nhất định về ngôn ngữ, về điều kiện tự nhiên và canh tác, về phong tục tập quán, tín ngưỡng - tức là về văn hóa (vật thể, phi vật thể) các mặt nói chung".

Tuy vậy, người đọc không thể không hoài nghi về những xác quyết chắc nịch trong hai bộ sách mà Lã Duy Lan vừa trích dẫn, đó là các vị tổ Hồng Bàng đều mang họ Nguyễn, trừ Ðế Thừa (Sở Minh Công, vì là người nước Sở) : Ðế Minh (Nguyễn Minh Khiết), Ðế Nghi (Nguyễn Long Nhân), Ðế Long (Nguyễn Long Cảnh) Kinh Dương Vương (Nguyễn Lộc Tục), Lạc Long Quân (Nguyễn Lâm)... Thêm vào đó tên 18 đời vua Hùng và 100 người con của Lộc Tục và Âu Cơ được ghi lại đúng như lời truyền :

Tên 18 đời vua Hùng thống nhất được Bách Việt :

1. Hùng Quốc Vương tên là Lân lang, 2. Hùng Hiền Vương : Nhân Ðức lang, 3. Hùng Hoa Vương : Bảo Long lang, 4. Hùng Nghi Vương : Bảo lang, 5. Hùng Vĩ Vương : Tiêu lang, 6. Hùng Chiêu Vương : Quốc lang, 7. Hùng Huy Vương : Văn lang, 8. Hùng Ðịnh Vương : Chân lang, 9. Hùng Nghị Vương : Hoàng Long lang, 10. Hùng Chinh Vương : Ðức lang, 11. Hùng Vơ Vương : Ðức Hiển lang, 12. Hùng Việt Vương : Giao lang, 13. Hùng Anh Vương : Viên lang, 14. Hùng Triều Vương : Chiêu lang, 15. Hùng Triệu Vương : Ðô Hiển lang, 16. Hùng Tạo Vương : Ðức Lang quân, 17. Hùng Hồn Vương : Bảo Quang lang, 18. Hùng Duệ Vương : Huệ lang.     

Tên 100 người con của Lộc Tục và Âu Cơ :

* 50 người theo cha xuống biển, gọi là Thủy thần (lấy tên các con vật sinh sống dưới nước để chỉ phần mộ) : 1. Lân Lang Vương, 2. Xích Lang Vương, 3. Quỳnh Lang Vương, 4. Mật Lang Vương, 5. Thái Lang Vương, 6. Vỹ Lang Vương, 7. Ðổng Lang Vương, 8. Yến Lang Vương, 9. Tiêu Lang Vương, 10. Diệu Lang Vương, 11. Tĩnh Lang Vương, 12. Văn Lang Vương, 13. Tập Lang Vương, 14. Ngô Lang Vương, 15. Ba Lang Vương, 16. Loại Lang Vương, 17. Hộ Lang Vương, 18. Chân Lang Vương, 19. Cốc Lang Vương, 20. Chiêm Lang Vương, 21. Khương Lang Vương, 22. La Lang Vương, 23. Tuân Lang Vương, 24. Tán Lang Vương, 25. Quyền Lang Vương, 26. Dương Lang Vương, 27. Kiêu Lang Vương, 28. An Lang Vương, 29. ố Lang Vương, 30. Tảo Lang Vương, 31. Lục Lang Vương, 32. Ýu Lang Vương, 33. Nhiễu Lang Vương, 34. Lý Lang Vương, 35. Tiêm Lang Vương, 36. Tương Lang Vương, 37. Ðịnh Lang Vương, 38. Sát Lang Vương, 39. Hâm Lang Vương,    40. Minh Lang Vương, 41. Sái Lang Vương, 42. Triều Lang Vương, 43. Kết Lang Vương, 44. Mặc Lang Vương, 45. Trường Lang Vương, 46. Khuynh Lang Vương, 47. Tẩm Lang Vương, 48. Chai Lang Vương, 49. Chiều Lang Vương, 50. Ích Lang Vương.

* 50 người theo mẹ lên núi, gọi là Sơn thần (tức là lấy tên các con vật sinh sống trên cạn để chỉ phần mộ) : 1. Hương Lang Quân, 2. Kiếm Lang Quân, 3. Thận Lang Quân, 4. Văn Lang Quân, 5. Vơ Lang Quân, 6. Lễnh Lang Quân, 7. Tịnh Lang Quân, 8. Hắc Lang Quân, 9. Quân Lang Quân, 10. Cao Lang Quân, 11. Tế Lang Quân, 12. Sảnh Lang Quân, 13. Mã Lang Quân, 14. Chiêu Lang Quân, 15. Khang Lang Quân, 16. Chỉnh Lang Quân, 17. Ðào Lang Quân, 18. Nguyên Lang Quân, 19. Cẩu Lang Quân, 20. Xuyến Lang Quân, 21. Yêu Lang Quân, 22. Thiếp Lang Quân, 23. Bái Lang Quân, 24. Tài Lang Quân, 25. Giám Lang Quân, 26. Biện Lang Quân, 27. Chiều Lang Quân , 28. Quán Lang Quân, 29. Cánh Lang Quân, 30. Thái Lang Quân, 31. Lôi Lang Quân, 32. Tú Lang Quân, 33. Việt Lang Quân, 34. Vệ Lang Quân, 35. Mẫn Lang Quân, 36. Triệu Lang Quân, 37. Viên Lang Quân, 38. Lộ Lang Quân, 39. Quế Lang Quân, 40. Diêm Lang Quân, 41. Nhĩ Lang Quân, 42. Huyền Lang Quân, 43. Tào Lang Quân, 44. Nguyệt Lang Quân, 45. Xum Lang Quân, 46. Long Lang Quân, 47. Mai Lang Quân, 48. Tuấn Lang Quân, 49. Linh Lang Quân, 50. Huệ Lang Quân.

Tên 100 bộ tộc Bách Việt

Ngạc nhiên nhất là bộ Bách Việt triệu tổ cổ lục còn phổ biến đúng 100 tên bộ tộc Bách Việt, từ thời nước Xích Quỷ (của Kinh Dương Vương) đến hết thời các vua Hùng (khi thống nhất được đất nước). Ðó là :

1. Lạc Việt, 2. Âu Việt, 3. Ðông Âu Việt, 4. Tây Âu Việt, 5. Việt Thường (hay Nhục chi Việt), 6. Mân Việt, 7. Mân Trung Việt, 8. Cửu Lê, 9. Bách Bộc, 10. Bách Lão, 11. Chủ Lão, 12. Cưu Lão, 13. Di Lão, 14. Sở Việt, 15. Sở Việt họ Tự, 16. Sở Việt họ Mỵ, 17. Sở Việt họ Thiên, 18. Ngô Việt, 19. Khương Việt, 20. Cối Kê Việt, 21. Hồi Kê Việt, 22. Thích Việt, 23. Phiêu Việt, 24. Diêu Việt, 25. Cưu Việt, 26. Cưu Sảng Việt, 27. Khỏa Việt (Khỏa Lão), 28. Phù Bồn Việt (La Phù, Phù Nam, Bồn Man), 29. Ðông Việt, 30. Tây Việt, 31. Bộc Việt, 32. Bặc Việt, 33. Bân Việt, 34. Hồ Việt (Hồ Công Mãn), 35. Miêu Việt, 36. Lạo Việt (Lão Việt), 37. Linh Việt, 38. Cật Việt (Cát Việt), 39. Tần Hồ Việt, 40. Tây Nhung Việt, 41. Liêu Việt, 42. Kinh Man Việt (Kinh Dương), 43. Dương Việt, 44. Phiêu Dương Việt, 45. Man Trù Việt (Ðại Man), 46. Hoài Di Việt, 47. Phong Di Việt, 48. Vu Việt, 49. U Việt, 50. Ý Việt, 51. Ô Đề Việt (Ô Lôi), 52. Man Đà Việt, 53. Thương Ô Việt, 54. Yết Việt, 55. Lục Hồn Việt, 56. Lục Hoa Việt, 57. Dao Việt họ Diêu, 58. Ðản Việt (tộc Diêu), 59. Tích Chi Việt (Chi Việt), 60. Cừu Sưu Việt, 61. Man Việt, 62. Tuấn Việt, 63. Quí Việt, 64. Quế Việt, 65. Lâm Hồ Việt (Tây Nhung), 66. Da Lang Việt, 67. Vân Nam Việt (hay Nam Chiếu), 68. Chữ Ðồng Việt, 69. Lão Nhai Việt, 70. Quỳnh Nhai Việt, 71. Hải Nam Việt (người Hẹ), 72. Thiềm Nhĩ Việt, 73. Lục Lương Việt, 74. Thạch Lệnh Ông Việt (Yết Việt), 75. Hoạt Bộc Việt, 76. Mang Việt, 77. Mãnh Việt (Mạnh Việt), 78. Thái Việt, 79. Mường Việt, 80. Yên Việt (Mộ Dung Tiên Tỵ), 81. Môn Việt, 82. Mên Việt, 83. Khả Việt (hay Khả lá vàng), 84. Lang Thị Lão Qua (Nam Long), 85. Bách Lộc (Hán Nhân Việt), 86. Kinh Cức Hoạn Thị, 87. Kinh Man Ngạc Thị (Ngao Thị), 88. Việt Tỉnh (Âu Việt Bộc Lão Hóa), 89. Việt Tây, 90. Việt Đông, 91. Âu Lạc Việt, 92. Giao Chỉ Diêu Đề (Trung Cổ Việt), 93. Man Di Việt (Man Nam), 94. Nam Chiếu (Bộc Lão Hóa), 95. Nam Cương (Nam Khang), 96. Hoài Hoan Việt (tức nhóm Chiêm Tiêm), 97. Cửu Chân Việt (Ô Tôn - Lâm Ấp), 98. Mông Việt (Lục Lương Việt), 99. Thục Việt (Thiều Việt), 100. Hùng Việt (Hoàng Việt).

Qua tên những bộ tộc này, chỉ một số được biết đến như Lạc Việt, Âu Việt, Mân Việt, Việt Thường, v.v., một số khác là tên địa danh như Quỳnh Nhai, Hải Nam, Vân Nam, Nam Chiếu, Âu Lạc, Giao Chỉ, Cửu Chân, Lão Qua, Lâm Ấp, v.v., một số là tên sắc tộc như Bồn Man, Phù Nam, Mường, Mên, Thái, Khả Lá Vàng, Chiêm Tiêm, Man Di, v.v., đa số còn lại không hề được nhắc đến.

Việc ghi đúng số lượng tên và người thời Hồng Bàng, như tên 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tên 100 bộ tộc Việt, là một việc làm rất công phu nhưng không thuyết phục. Theo tiếng Hán, Bách (trăm) có nghĩa là nhiều chứ không hẳn là tròn một trăm vì người Hán chưa phát minh ra số không (zero), chẳng hạn như Bách hoa (trăm hoa), Bách thảo (trăm loại cỏ), Bách chiến Bách thắng (trăm trận trăm thắng), v.v. Hơn nữa, chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 trứng nở ra 100 con chỉ là truyền thuyết vì người không thể đẻ trứng như loài bò sát, cá và chim, hơn nữa chỉ toàn là nam nhân. Đó có thể là số dân của một bộ tộc vào lúc khởi đầu, nhưng tìm tên đặt cho đúng 100 người tuy rất công phu nhưng quả là một khiêng cưỡng. Huyền thoại Hùng Vương do đó vẫn còn đầy bí ẩn.

hungvuong3

Bảo tàng Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh – Nơi lưu giữ những huyền thoại vùng Đất Tổ

Sự thật

Tuy nhiên, dựa theo những truyền thuyết lịch sử được chép lại từ thế kỷ 15, các cuộc nghiên cứu khảo cổ cho thấy địa bàn phát xuất nền văn minh Văn Lang, thời đại Hùng Vương, tập trung quanh lưu vực sông Hồng, từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Ðảo. Cao điểm của nền văn minh này, còn gọi là văn minh sông Hồng (từ đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên đến cuối thế kỷ 15), là nếp sống hợp quần có tổ chức. Dân cư Văn Lang - người Lạc Việt - đã biết sản xuất vật dụng bằng đồng (văn hóa Ðông Sơn, cách đây khoảng ±2820 năm), sống bằng săn bắt thú rừng, hái lượm hoa quả, làm rẫy và biết trồng lúa nước.

Người Lạc Việt, ngày nay được nhìn nhận như là tổ tiên của dân tộc Kinh, thật ra không phải là những dân cư đầu tiên sinh sống trên châu thổ sông Hồng, trước đó đã có người Mélanésien (Nam Ðảo). Mélanésien là những sắc dân vóc nhỏ, da đen, tóc xoắn, xuất hiện sau thời kỳ tiền sử và sơ sử, di cư từ phía Nam Thái Bình Dương lên bán đảo Ðông Nam Á, kể cả châu thổ sông Hồng, sống xen kẽ và đồng hóa các nhóm người da đen nguyên thủy địa phương (Veddoid) để rồi sau cùng chỉ còn yếu tố Mélanésien. Sang thời kỳ hậu đồ đá, người Mélanésien, do kém phát triển hơn các nhóm di dân từ Mông Cổ và Nam Á đến lập nghiệp trên cùng địa bàn, yếu tố Mélanésien mất dần, cuối cùng chỉ còn yếu tố Nam Á và Mông Cổ.

Những khám phá khảo cổ gần đây trên châu thổ sông Hồng xác nhận sự chuyển hóa này : các bộ lạc thuộc văn hóa Phùng Nguyên và Hoa Lộc (cách đây trên 4000 năm) đã biết chăn nuôi, trồng lúa và sản xuất đồ gốm có hoa văn ; các bộ lạc thuộc văn hóa Ðồng Dậu và Gò Mun (cách đây khoảng 3000 năm) bắt đầu biết chế tác vật dụng bằng đồng và tụ cư trong những công xã thị tộc mẫu hệ. Tiếp theo là các bộ lạc thuộc văn hóa Ðông Sơn, xuất hiện cách đây trên 2000 năm, nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng đồng thau ở trình độ cao, biết tổ chức xã hội có tôn ti trật tự và có một khu vực định cư tương đối rõ ràng. Văn hóa Ðông Sơn gắn liền với sự xuất hiện của nước Văn Lang và người Lạc Việt.

Văn Lang thật ra không phải là danh xưng của một nước mà là tên của một bộ lạc. Theo bà Jeanne Cuisinier, một chuyên gia về ngôn ngữ mường, Văn Lang đọc theo tiếng Việt Cổ là "pớk lang", ngôi làng lớn, tức nơi sinh trú chính của một nhóm Lạc Việt. Hùng Vương cũng không phải là tên một vị vua, "lang kun" trong tiếng Việt cổ (Mường) là "làng trưởng" hay "tù trưởng", người đứng đầu một địa phương. Theo truyền thuyết, "lang kun" có lẽ là vị thủ lĩnh của một liên minh lớn gồm 15 thị tộc Lạc. Về sau, dựa theo cách phiên âm và diễn giải của người Hán (vì bộ Ðại Việt sử ký toàn thư viết năm 1479 bằng chữ Hán) : "pớk lang" đọc phiên âm thành "Văn Lang" để chỉ tên nước, "lang kun" đọc thành "Lang Hùng", sau đó thay chữ "lang" bằng chữ "vương" cho giống người Hán để chỉ vị thủ lĩnh.

Trong thực tế, Lạc Việt là tên một nhóm thuộc hệ Bách Việt mang nặng yếu tố Indonésien. Cũng nên biết Indonésien ở đây không phải là dân cư nước Indonesia mà là tên gọi những di dân đi từ sông Indus (Pakistan) đến Ðông Nam Á và miền Tây Nam Trung Quốc lập nghiệp. Người Indo vạm vỡ, da ngâm đen, mặt vuông, càm nhọn, tóc dợn sóng, hợp chủng với các sắc dân thuộc hệ Nam Á (Mélanésien) và Mông Cổ để rồi phân hóa thành nhiều nhóm Việt tộc khác nhau, trong đó có các nhóm Mường, Thái, Tày, Nùng hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Một nhóm Indonésien khác đi dọc theo thung lũng các con sông nhỏ trên dãy Himalaya để sau cùng đến châu thổ sông Hồng định cư và hợp chủng với các nhóm Mélanésien địa phương và trở thành người Lạc Việt, thị tộc Hồng Bàng, lấy chim vạc hồng làm biểu tượng sùng bái (totem), đặc biệt là cách dựng mái nhà ba nóc. Như vậy nền văn minh sông Hồng có thể đã có trên 4000 năm, nhưng nước Văn Lang và người Lạc Việt chỉ xuất hiện khoảng 2500 năm trở lại đây mà thôi.

Tiếp theo Văn Lang là nước Âu Lạc. Có lẽ đến đời Hùng Vương thứ 18, thị tộc Hồng Bàng tuyệt tự nên một thủ lãnh thị tộc Tây Âu ở phía bắc Văn Lang (Cao Bằng), tên Thục Phán, được đưa lên ngôi, hiệu An Dương Vương, để chống quân Tần xâm lược. Âu Lạc là sự tiếp nối của thời đại Hùng Vương qua liên minh Tây Âu và Lạc Việt, vì cả hai cùng thuộc khối Bách Việt sống gần gụi và xen kẽ với nhau trong lưu vực sông Hồng và sông Tây Giang (Quảng Tây). Trong thời kỳ này, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn và ngôn ngữ cổ thời Hùng (tiếng Việt-Mường) tỏa rộng từ phía Nam sông Tây Giang đến đồng bằng duyên hải Thanh Hóa. Lãnh thổ Âu Lạc nới rộng tới đâu không tài liệu nào nói rõ, nhưng trong cuộc chiến chống quân Tần (218-208 trước công nguyên) nó bị thu hẹp lại, chỉ còn tập trung trên châu thổ sông Hồng, để rồi mất hẳn vào tay nhà Triệu (179 trước công nguyên).

Âu Lạc bị sát nhập vào lãnh thổ Nam Việt và chia thành hai quận : Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng) và Cửu Chân (Thanh Hóa), với những định mức hành chánh khá rõ ràng. Trong gần 70 năm dưới quyền quản trị của nhà Triệu, lãnh thổ Nam Việt bao gồm các tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây ngày nay, châu thổ sông Hồng và bờ biển Thanh Hóa, nhưng chưa bao giờ vượt lên các miền thượng du tây-bắc.

Vào cuối thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhà Hán thống nhất lục địa và mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam. Nam Việt và nước Ðiền (Vân Nam) bị chiếm đóng và trở thành một châu của nhà Hán : Giao Châu. Trên nguyên tắc, Giao Châu được nới rộng đến Vân Nam và các vùng rừng núi Quảng Tây về phía bắc, nhưng trong thực tế nhà Hán chỉ cai trị trên những vùng đất thấp. Ðất Giao Châu được chia thành ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (Nghệ Tĩnh). Lãnh thổ quận Giao Chỉ được nới rộng tới các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Ðông ngày nay, nhưng nhà Hán chỉ cai trị trực tiếp khu vực châu thổ sông Hồng và vùng bờ biển Quảng Yên mà thôi.

hungvuong4

Cuối thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhà Hán thống nhất lục địa và mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam.

Dưới thời Bắc thuộc, di dân Hán tộc vào Giao Chỉ lập nghiệp rất đông. Sự tích "một mẹ trăm con" có lẽ bắt đầu từ giai đoạn này chứ không phải vào giai đoạn trước, ý muốn nói những dân tộc khác nhau sinh sống trên những vùng đồng bằng hay rừng núi đều đặt dưới quyền bảo hộ của nhà Hán và được đối xử như là con cái của thiên triều. Một số dân cư Âu Lạc có tinh thần độc lập cao, không chấp nhận sự thống trị của người Hán, rút lên miền núi trở về với nếp sống cổ truyền : duy trì chế độ mẫu hệ, làm rẫy, săn bắn và hái lượm, để rồi trở thành những nhóm Mường và Tày. Do sống cách biệt lâu ngày với đồng bằng, đời sống người miền núi trở nên lạc hậu và thua kém người đồng bằng. Trong khi đó, trên châu thổ sông Hồng, cuộc sống hòa trộn giữa các nhóm Lạc Việt đồng bằng còn lại và người Hán di cư tạo thành một cộng đồng chủng tộc mới, cộng đồng người Kinh, theo chế độ phụ hệ.

"Kinh" không phải là tên của một chủng tộc riêng biệt, thường được hiểu là người Việt, mà là tên gọi chung những người sinh sống ở chốn thị thành (kinh đô) và vùng đồng bằng văn minh hơn, để phân biệt với người miền núi hay vùng cao chưa thấm nhuần văn hóa Khổng Mạnh. Thật ra kinh đô trong thời kỳ này chỉ là những thôn làng nhỏ, nhưng là nơi các vị làng trưởng hay tù trưởng (lãnh chúa hay "vua") cư ngụ, thần dân sinh sống trong những ngôi làng này được gọi là người Kinh (Jing). Vào thời nhà Hán, Kinh còn có nghĩa là những người hợp tác với nhà Hán (collabo) để cai trị người Giao Chỉ địa phương.

Dưới thời Bắc thuộc, nhà Hán cai trị qua trung gian những lãnh chúa (vua) địa phương, đa số ở vùng đồng bằng hay chốn thị thành. Với thời gian, trên đồng bằng sông Hồng yếu tố Indonésien và Mông Cổ của người bản địa biến thể dần để chỉ còn yếu tố Việt-Mường.

Kết quả chọn lựa khu vực định cư thay đổi hẳn quan hệ giữa người đồng bằng và người miền núi. Nhờ sinh sống trên một địa bàn thích hợp với nghề trồng lúa nước và biết áp dụng phương thức tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Khổng giáo, mà đặc điểm là sự củng cố không gian sinh tồn thuần chủng quanh khu vực trung tâm, hố cách biệt giữa hai khu vực ngày càng sâu rộng : nhờ sản xuất được nông phẩm dồi dào, dân số người Kinh đồng bằng gia tăng nhanh và phát triển hơn cộng đồng dân cư miền núi (1).

Sự giao lưu giữa hai cộng đồng có lẽ đã không diễn ra trong những điều kiện bình thường, người miền núi bị đặt ra ngoài vòng đai chủng tộc và phải thần phục người đồng bằng tại khu vực trung tâm để nhận sự che chở. Bằng chứng cụ thể là trong giai đoạn đầu của thời kỳ Bắc thuộc những người miền núi, theo chế độ mẫu hệ, đã liên tục nổi lên chống lại khu vực trung tâm : hai chị em bà Trưng, anh em bà Triệu là những lãnh tụ Mường, Mai Thúc Loan là một lãnh tụ nam giới Chăm, gốc Nam Ðảo. Chỉ sang giai đoạn sau, khi cộng đồng người Kinh bị người Hán lục địa sang cai trị trực tiếp và bị hiếp đáp quá đáng mới hợp lực cùng với người Mường ở Giao Chỉ và người Chăm ở Cửu Chân chống lại ách cai trị của phương Bắc, giành lại chủ quyền.

Tuy vậy, một sự kiện không ai phủ nhận là người Lạc Việt (Việt, Mường, Tày) chấp nhận sống cam chịu dưới sự cai trị có thể rất hà khắc của người Việt nhưng rất bất khuất trước sự thống trị của ngoại bang. Lạc Việt ở đây phải hiểu là những người dân bình thường, những người không học cao hiểu rộng nhưng rất gắn bó đến đất đai mà tổ tiên đã dày công khai phá và để lại. Người nào biết khêu gợi lòng tự hào của dân tộc, người đó sẽ được sự ủng hộ của những người dân bình thường.

Năm 1428, Lê Lợi, mặc dù xuất thân từ một dòng tộc Mường, sau khi thu phục lòng người, qua bài Hịch chiến sĩ (Bình Ngô đại cáo) do Nguyễn Trãi (người Kinh) biên soạn, đã đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước và xây dựng triều đại nhà Lê. Rất ưu tư về sự chính thống của mình, vì Mường và Việt là một, nguồn gốc nhà Lê đã được chính thức hóa qua huyền thoại Hùng Vương thời Hồng Bàng, tổ tiên người Việt (nay được hiểu là người Kinh) trong bộ Ðại Việt sử ký toàn thư. Sự ra đời của nước Đại Việt đánh dấu sự mở rộng không gian sinh tồn của người Việt lên các vùng rừng núi miền Bắc và vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, đúng theo truyền thuyết một mẹ trăm con, nhiều dân tộc mới đã được đón nhận vào lãnh thổ.

hungvuong5

Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân là Bảo vật quốc gia

Lời kết

Sự tích một mẹ trăm con có thể là huyền thoại nhưng sự xuất hiện của triều đại Hùng Vương là có thật. Điều đáng tiếc là vào thời Hồng Bàng, người Lạc Việt chưa phát minh ra chữ viết và không có truyền thống xây dựng nơi cư trú bằng vật liệu cứng như đá gạch để khoa khảo cổ sau này có thể viết lại lịch sử qua những vật liệu để lại. Nền văn minh Hùng Vương là nền văn minh thảo mộc, tất cả vật liệu xây cất (nhà sàn) và dụng cụ sản xuất đều bằng gỗ nên không tồn tại lâu với thời gian, trừ trống đồng (dụng cụ để truyền thông và liên lạc). Tất cả sự tích đều được truyền miệng, do đó có thể bị sai lệch và thêu dệt thêm rất nhiều.

Thêm vào đó, các triều đại vua chúa Việt Nam đã xóa bỏ không thương tiếc vết tích của các triều vương trước, đúng theo khuôn mẫu văn hóa Khổng giáo, nghĩa là cắt cỏ phải cắt tận rễ. Trừ lăng tẫm các vị vua nhà Nguyễn (vì bị người Pháp bảo hộ nên còn tồn tại), không ai biết mồ mả các các vị vua quan thời Lê Trần, hay trước đó, được chôn cất ở đâu.

Thời đại Hùng Vương đã quá xa vời, nhắc lại Hùng Vương là nhắc lại công lao của những người đã sáng lập ra nước Việt Nam vào lúc ban đầu. Đây là một sinh hoạt hoàn toàn mang tính văn hóa và truyền thống chứ không có ý đề cao người Kinh như đã hiểu lầm.

Việt Nam ngày nay là một quốc gia khá đông dân (97 triệu người) với 54 sắc tộc khác nhau, trong đó người Kinh chiếm đa số. Ðể duy trì đồng thuận dân tộc, mọi người Việt Nam nên khiêm tốn về nguồn gốc xuất thân của mình để không áp đặt hay từ chối nhìn nhận sự hiện diện của những công dân khác, có thể có những truyền thống lịch sử và văn hóa nào khác nhau. Tổ tiên của người Kinh, người Chăm, người Khmer, các sắc tộc miền Thượng du Bắc Việt và Tây Nguyên đều là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Các ngôn ngữ Việt Mường, Môn Khmer, Nam Đảo, Tày Thái hay Mèo Dao, v.v. đều là tài sản chung của dân tộc Việt Nam.

Các thế lực ngoại bang thường kích động niềm tự hào chủng tộc để chia rẽ tình đoàn kết dân tộc. Các chế độ chính trị Việt Nam phải thường xuyên tăng cường và củng cố đồng thuận dân tộc để không một sắc tộc nào bị bỏ quên hay một cộng đồng dân tộc nào bị bạc đãi. Xây dựng được đồng thuận này, không một thế lực nào có thể đe dọa tình đoàn kết dân tộc và sự trường tồn của đất nước Việt Nam, đó cũng làm tâm niệm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. 

Nguyễn Văn Huy

(Báo giấy Thông Luận số 275, tháng 12/2012)

Tìm đọc thêm :

(1) Quá trình hình thành các vùng biên giới Việt Nam :

- Quan niệm về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

 - Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc 

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 1672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)