Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

16/03/2021

Nhớ ngày giỗ Phạm Duy

Lê Hữu Khóa

"Tinh âm dương chan chứa, xoay trong tử sinh "

phamduy-taty

Duy Cường thân, Thái Hiền thân,

"Tôi đang ốm nặng, tin Khóa làm tôi vui", đây là dòng thư cuối cùng mà tôi nhận được của Bác, viết ngày 15 tháng giêng ; ngày 27 cùng tháng năm 2013, tôi nhận tin Bác qua đời. Thư cuối cùng tôi viết tới Bác để thông tin thêm các suy nghĩ mới của tôi về nghệ thuật ca khúc của Bác, sau bài nghiên cứu về Bác bằng tiếng Pháp trong bộ sách Anthropologie du Vietnam của tôi. Tôi đã tặng Bác bài nghiên cứu này, vào một ngày mùa xuân năm 2010, chắc Duy Cường còn nhớ buổi trưa hôm đó, Duy Cường và tôi dùng cơm trưa gần chợ Bến Thành, Duy Cường dặn Bác qua điện thoại : "Bố đừng đi đâu nhá, Khóa lại thăm Bố" ; rồi đầu dây bên kia, giọng của Bác lúc nào cũng mạnh và rõ : "Khóa cứ lại, Bố chờ đây".

phamduy2

Tôi mang lại một bài nghiên cứu của mình sau gần hai mươi năm mới xong, Bác nửa đùa, nửa thật, trách tôi : "Viết gì mà lâu quá vậy, tưởng tới chết vẫn chưa đọc được bài của toi". Tôi lúc nào cũng có sẵn câu trả lời : "Bác ạ, nghiên cứu không chỉ là viết, mà phải tổ chức tư liệu, sắp xếp lập luận, giải trình tư duy... mất rất nhiều thì giờ mà chưa chắc đã thành công". Bác ngồi thanh thản nhưng rất tập trung đọc bài này, nhìn khuôn mặt Bác tôi biết Bác rất thú vị mỗi lần được đọc tiếng Pháp, vì tôi nhớ rất rõ khuôn mặt này mỗi lần Bác lại đọc sách tiếng Pháp tại nhà tôi ở Paris những năm cuối thế kỷ qua. Bác không hỏi, không bàn gì về nghệ thuật âm nhạc, cuộc đời của Bác trong bài viết, mà chỉ hỏi, hỏi thật nhiều về các tư tưởng gia, các triết gia, các nhà phê bình nghệ thuật âm nhạc và thi ca của Âu châu được trích trong bài này dùng để "giải mã" cách sáng tác của Bác. Bác bàn thật lâu với tôi về câu của Kant : "L’amour est une affaire de sentiment et non de volonté, ainsi je ne peux aimer parce que je le veux, encore moins parce que je le dois, car le devoir d’aimer est un non sens". Tình yêu vẫn là chuyện của tình cảm, không phải chuyện của ý chí, tôi yêu vì tôi muốn yêu, không ai yêu vì bị buộc yêu, chuyện bổn phận trong tình yêu là chuyện vô nghĩa. Vô nghĩa đã biến thành vô duyên. Hôm đó, tôi nhắc là Bác có cách nói riêng của Bác : "Ngày đôi môi đã quyết trói đời người".

Bây giờ Bác đã ra đi, người cha thâm niên của trường ca dân tộc, người yêu bền bỉ của tình ca, đứa con tin yêu của Việt tộc, mà không một ý thức hệ nào thuần hóa được, không một chế độ nào khống chế được, không một bè phái nào có thể bôi bác được. Vì đứa con tin yêu này của Việt tộc đã tặng tổ quốc mình hàng ngàn ca khúc, với rất nhiều bài hát làm rạng rỡ tinh anh dân tộc mình, làm thăng hoa thể phách đồng bào mình. Chuyện này phải có thiên tài mới làm được. Nếu có những người trách Bác vì bị thất thế trong cuộc vật đổi sao dời vừa qua, vì chiến tranh, vì là nạn nhân của các chế độ bất nhân trong chuyện huynh đệ tương tàn của thế kỷ qua, họ cứ trách, tôi hiểu họ, thông cảm với hoàn cảnh của họ, nhưng tôi không phải là họ.

phamduy03

Phạm Duy (05/10/1921 – 27/01/2013)

Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên hay trách tôi : "chỉ khen chớ không chê, chỉ nâng chớ không hạ, chỉ nghe, đọc, nhìn chuyện hay, không nhắc, không viết gì về chuyện xấu, chuyện tồi" ; mỗi lần bị trách như vậy, tôi luôn trả lời rất thành thật : "Sách thánh hiền cả đời đọc không hết, nhạc hay nghe tới chết chưa xong, còn thì giờ đâu mà đi phanh phui chuyện dở, chuyện thấp… để viết" ; tôi được quyền có thái độ này với cuộc sống "nắng sớm, mưa chiều" này. Vậy nên trong những năm qua, tôi gần Bác qua cái đẹp, cái hay, cái cao, cái lành trong âm nhạc Bác, tôi tiếp tục trân trọng những cái này trong việc nghiên cứu về dân tộc học, về nhân học của mình mà không để cái mê chấp của thời cuộc làm mờ nhạt đóng góp của đứa con tin yêu này của Việt tộc. Nếu các thế hệ đàn cha, đàn anh đã có những ý kiến khác nhau về Bác trong cuộc biến thiên của thế kỷ qua, mà chiến tranh vô nhân, các ý thức hệ vô luân gieo bao đại nạn cho dân tộc, hàng ngày vùi dập nhân cách nghệ sĩ và trí thức ; riêng tôi chỉ muốn tâm sự với các thế hệ trẻ tuổi hơn Duy Cường và tôi (chúng ta sinh cùng năm, có lần Duy Cường còn nói là : "Tôi hơn Khóa sáu tháng"), tâm sự về nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan trong âm nhạc của Bác.

Không già

Bác là người Việt hiếm hoi mà tôi thấy tuổi đời không lấn được trí lực. Lý trí khi đã thành sinh lực, nó trở thành tinh anh và tự cho phép nghệ sỹ và trí thức đi trên vai của thời gian, cụ Tiên Điền thi hào của Việt tộc đã đào sâu được chuyện này : "Thác là thể phách, còn là tinh anh". Bác vượt lên cả chuyện thể phách, tinh anh của riêng mình, để tinh hoa hóa môi trường sống của đất nước qua cách tự tình dân tộc của riêng mình, cả đời nghệ thuật của mình Bác biết "trẻ hóa tình yêu", "thăng hoa yêu đương", cùng vui chia nhau những niềm thương thật hiếm hoi trong cuộc sống. Muốn làm được chuyện này trong gần một thế kỷ phải có hoài bão mạnh, ý tưởng vững, nơi mà trí lực phải dựa vai cùng ý lực, như lời Bác đã đọc khi giới thiệu Đạo ca, khi phổ thơ Phạm Thiên Thư : "Ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình", ý Phật và tâm Phật là một. Sinh lực của Bác đủ vai vóc đồng hành với ý lực, chuyện Bác làm việc say mê dung hòa với chuyện ăn uống điều độ, sống một ngày với Bác thấy rõ được việc này, tránh xa mọi nơi "chén chú, chén anh", kỷ luật tri thức rành mạch với thì giờ trước mắt, chuyện nghỉ ngơi đúng lúc giữ cho tầm vóc tư duy luôn được sáng suốt.

phamduy4

Phạm Duy, Quai de Seine, Paris (2002)

Bác đã tặng cho chính mình một món quà thật quý, mà thi sĩ Y. Bonnefoy, tầm cỡ loại Nam Tào của thi ca Pháp trong thế kỷ hai mươi, đã nói rõ được chuyện này "L’esprit sait vaincre la grisaille". Lý trí biết cách thắng cái ảm đạm, cái mờ đục, nó không chấp nhận cái đìu hiu. Không già tức là không lẩm cẩm, mà cũng là không thụ động trước các truy bức trong cuộc sống, cứ đẩy nhân tính gần về phía biên giới của thú tính. Tôi thấy rõ chuyện kỷ luật tri thức này trong các nhà tư tưởng, các lý thuyết gia của nhân loại, sự sáng suốt có từ sự tỉnh táo, trí tuệ minh giác là nội công của lý luận, kiến thức tinh thông là nội lực của lập luận.

Không già và đủ sức mở lòng thật mạnh với đời để sáng tác, lực nghệ thuật có trong sức nhạy cảm, ý nhập nội trong lý, khai nghiệp để nhập nghệ. Sau một ngày đi đây đó tại Paris, tối Bác về nhà tôi, vui vẻ kể cho tôi nghe : "Trong mười bài Thiền ca, nội ngày hôm nay, moi làm được năm bài !", chuyện không già này thấy rõ trong Thiền ca : "Hai mươi tuổi đời yêu như hổ đói, bảy mươi tuổi rồi yêu cũng vậy thôi". Bạn bè gần xa thường "trách" : "Câu này chẳng có hơi hướm thiền gì cả !". Bác và tôi thường đùa nhau : "Nhập thiền kiểu này để tránh già !".

Không rũ

Bác luôn thấy được lối ra mỗi lần cuộc sống bế tắc, sự thụ động hoàn toàn xa lạ với cá tính quyết đoán của Bác, không có cá tính này đừng tìm đến nghệ thuật, có cá tính mạnh mới trao truyền được sáng tác, kể cả những sáng tác buồn, kể cả những tác phẩm bi quan. Vì cá tính đánh thức cảm tính, vực dậy linh tính, làm thẳng lưng trí tính, mở đường cho nghệ thuật được thăng hoa ; không rũ tức là không cam nhận tai biến. Trong chuyện vật đổi sao dời sau 1975, với hằng triệu đồng bào phải bỏ quê cha đất tổ ra đi, Bác có trong khúc ruột bị cắt điếng vất xa tắp khỏi quê hương đó. Những năm đầu tiên Bác cũng hoang mang như mọi người, vì đồng bào di tản của mình bắt buộc phải vượt biên mà dân tộc mình chưa hề có kinh nghiệm vượt biển.

Duy Cường ơi ! Biển Đông đã thành một nấm mồ khổng lồ vô hình của bao bạn bè, của bao quyến thuộc… Nhưng Bác không rũ, không gục ; với Bầy chim bỏ xứ, chủ động với nhận định "Tự do là tiếng loài chim !", phải chọn lựa tự do mới bảo vệ được nhân cách của mình, phải gìn giữ tự do mới che chở được tư cách của mình, đối với nghệ sĩ và trí thức phải ôm ấp tự do mới nuôi nấng được phong cách của mình. Tôi kể về nhận định của văn sĩ J.M.G. Le Clézio : "Le destin de chacun est sa liberté", số kiếp mỗi người vẫn là tự do của người đó, Bác rất thích câu này. Trong thư, Bác thường viết "Khóa ơi ! PD, chim già chưa mỏi cánh". Nhớ lại nhiều thi sĩ được dân mình ngưỡng mộ nhờ qua các bài được Bác phổ nhạc, hãy xem lại tên tuổi những thi sĩ đó, tất cả họ là những người yêu tự do, từ nhân sinh quan ra thế giới quan.

Một tự do không ích kỷ cũng không hận thù, tự do còn phải biết biến thành tình thương đồng loại, tinh anh của nhân loại là đây, nếu tự do là riêng tư thì nó vô thưởng vô phạt. Có lần, Bác hỏi tôi : "Trong Thiền ca, nếu chọn một câu hay nhất thì toi chọn câu nào ?", tôi thảnh thơi nhưng cũng trầm mặc trả lời : "Cháu chọn câu : "Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu, xa miền chiến tranh", cháu chọn câu này vì nó có nội dung hòa hợp, hòa giải dân tộc !". Sau cuộc huynh đệ tương tàn trong thế kỷ hai mươi, đáng lẽ kẻ thắng là người cộng sản phải làm chuyện này, họ không làm lại để kẻ thua trận, bại cuộc làm chuyện này, thì lương tri và nhân phẩm sẽ thuộc về bên thua cuộc.

phamduy5

Phạm Duy, Place du Tertre, Montmartre, Paris (2002)

Nhớ lại người xưa thật hay, như Quang Trung Nguyễn Huệ chẳng hạn, từ Nam ra Bắc, giải phóng trọn vẹn tổ quốc, khi tới Thăng Long, thủ đô thương yêu của Việt tộc, không còn một bóng giặc Thanh, vua liền bị vây quanh bởi các kẻ đầy tị hiềm dân tộc, trao tới vua một hồ sơ những người đã hợp tác với ngoại xâm, đưa đẩy vua phải mang họ ra xử, vua đã xé bản tường trình tố cáo đó, lại còn lập ngay đàn giải oan, dứt khoát xóa tất cả vết nhơ trong chuyện huynh đệ tương tàn. Đấng minh quân này đã hóa giải chuyện "gà nhà bôi mặt đá nhau" để hòa giải nên chuyện "gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau".

Bác nghe tôi kể xong chuyện hóa giải để hòa giải, Bác liền nhắc tôi : "Moi đã làm chuyện hóa giải để hòa giải này từ lâu, hồi còn trẻ giữa cuộc chiến tang thương, trong bài Bên cầu biên giới moi đã thấy hậu quả của chuỵên hận thù : "Lòng tôi sao vẫn còn biên giới ?", rồi trong bài Bà mẹ Gio Linh, ôm đầu đứa con vừa bị giặc chặt, nhưng lòng tràn đầy tình thương đồng loại : "Xa xa tiếng chuông chùa réo", moi hình dung một viễn ảnh của dân tộc mình mà tâm Phật qua tiếng chuông chùa chan hòa trong không gian ; tình thương đồng loại ngân vang như chuông chùa giữa cuộc sống". Duy Cường ơi ! Nhạc hay là nhạc cảm hóa được mọi tỵ hiềm, cảm nhận được tình thương bao la của việc hóa giải để hòa giải.

Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy) – Duy Quang diễn đạt

Hãy tâm sự với các bạn trẻ đang làm nhạc và đang nghe nhạc Việt Nam, các bạn đừng rơi vào các lời lẽ dễ dãi, câu chữ chụp giựt, âm điệu ngấu nghiến trong cách sáng tác, trong cách thưởng thức nhạc hiện nay ; nếu các bạn không hóa giải được cái tục để hòa giải cùng với cái thanh, các bạn có thể bị sa lầy trong tương lai vì các bạn sẽ không đủ tâm, đủ ý, đủ lực để hòa hợp được với dân tộc này, đã chịu quá nhiều thảm họa.

Không nản

Bác không coi chuyến lưu vong sau 1975 vừa qua là vĩnh viễn, phải chấp nhận kiếp lưu đày tới chết, Bác đã trở lại với quê hương, đã tìm về với dân tộc, không một xảo thuật chính trị nào có thể giật dây được thái độ này, kẻ thân với chính quyền thì bảo đã trở về với chế độ, kẻ chống cộng sản thì bảo là đã đầu hàng trước quyền lực độc tài. Riêng người nghệ sĩ họ biết trước hết họ là ai, họ là nghệ sĩ của dân tộc họ, họ có chỗ đứng trên bất cứ thời gian và không gian nào của tổ quốc họ, vì họ yêu đất nước như bất cứ một nhà cách mạng nào, như bất cứ một chính trị gia nào, đừng mơ hồ và cũng đừng đánh lận con đen trên chuyện này, vì nước Việt là của mọi người Việt, không một chế độ nào, không một chính phủ nào, không một ý thức hệ nào thay đổi được chân lý này. Không nản ở đây là không để cho dân tộc này bị chia xé, không để cho đất nước này bị chia cắt, vì "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời", cho dù "Đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu", cùng dân tộc tôi "Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ" ; đó là thông điệp âm nhạc của Bác.

phamduy6

Phạm Duy qua nét cọ của Trần Thế Vĩnh

Nhưng khổ đau cuộc sống hàng ngày trên đất nước đã tới Bác trọn vẹn, nhờ sức nhận định rành mạch về thời cuộc của Bác, lần cuối gặp Bác tại Sài Gòn, Bác tâm sự : "Đối với nghệ sĩ trên đời này chỉ có hai chế độ, chế độ ác và chế độ lành, chế độ này không lành, vì nghệ sĩ không được tự do sáng tác, kể cả tự do gặp gỡ nhau. Moi về đây đã năm năm, bị mổ, bị bịnh, bạn bè không dám tới thăm… Nhưng buồn nhất vẫn là chuyện dân tộc mình còn trong lầm than, nhất là về nông thôn, đồng bào mình sống khổ cực lắm cậu à !… Có lẽ moi sẽ trở lại Mỹ, rồi viết tiếp hồi ký, cuốn hồi ký lần này, moi sẽ đặt tựa là : Năm năm mặc áo giấy !". Duy Cường ơi ! Đi với thầy tu mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, chúng ta chỉ bảo nhau chuyện này vừa để phòng thân đối với bọn xấu, vừa để thủ thân đối với kẻ ác, cũng vừa để tìm cách lập thân trong một môi trường lành, rồi tu thân trong cái trong.

Nhưng khi chia tay, rời nhà Bác lấy taxi về lại trung tâm Sài Gòn, tôi tìm cách ngồi thật yên, thở thật sâu như lời dặn của thiền học, nhưng không sao thở sâu được, nước mắt tự nhiên rơi, khi nhớ lại câu : "Nhưng buồn nhất vẫn là chuyện dân tộc còn trong lầm than, nhất là về nông thôn, đồng bào mình sống khổ cực lắm cậu à !". Tôi nhìn kỹ hơn Sài Gòn trước mắt, lầm than, khổ cực đã lẳng lặng nhưng sừng sững đứng giữa tầm nhìn của tôi.

Không chùng

Đối với Bác vừa là không chùng bước cũng vừa là không chùng lời, trong thư từ qua lại, Bác luôn tìm cách trao tin vui : "Đừng sợ già cậu à, càng già nhạc của moi càng hay, lời ngày càng sâu, chữ ngày càng rộng". Từ lâu, khi nghe nhạc của Bác chúng ta học sâu thêm được nhiều chữ, trong đó có chữ đi"Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau" ; chữ đi không rời chữ đời"Đời ngon như men say, tình lên phơi phớiĐời vui như ong bay, ngọt lên cây trái…", rồi chữ đời này được làm bạn đời với chữ hát : "Vì lòng tin yêu còn hát nghìn năm… Hát với tôi khi mới mang thân phận bào thai…". Đi để hát cho đời, hát câu yêu đời để đi xa, đi rộng, đi sâu, đi có khi để tránh cảnh : " Đất nước hai miền chật chội oan khiên…".

Nhìn lại những người quen xung quanh, ít ai đi nhiều như Bác, "Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu. Người đi không dắt, không ai đưa…", đi nhưng luôn cảnh tỉnh "Thế giới âm thầm, thủ phạm lâu năm" để hiểu sâu đậm hơn chữ tự do : "Ngoài trời tự do… Đưa tôi ra gặp ngay ánh sáng…". Không chấp nhận cảnh : "Như đui mắt, như bơ vơ… Đi trong vòng quanh của bầy ma…", đi và hát để thấu được số phận của Việt tộc đã nằm trong cái tăm tối của thế kỷ hai mươi, rời khỏi thế kỷ này không biết là mình đang cười hay đang khóc, hài kịch cõng bi kịch trong thế kỷ này vì thảm kịch đã bồng thảm cảnh trong thế kỷ qua, "nước mắt len sau từng nụ cười", vận nước nay mai rồi không biết về đâu ? Nhưng đừng chùng bước trong cuộc tầm xuân : "…Người ôm nhân loại trong mình. Cười trong nước mắt cho xuân tình dấy men…".

Không chờ

Chữ ban ân, không đợi lời thương xót ; trong xuân tình, cái lõi vẫn là tình, Bác nhận chữ tình rồi gìn giữ nó như báu vật, gìn giữ trọn vẹn không phải chuyện dễ, tình yêu đôi lứa không thiếu vắng tình thương đồng bào, đồng loại ; không ngại câu chuyện tình ái, cũng không giấu diếm câu chuyện tình dục… "Tình âm dương chan chứa, xoay trong vòng tử sinh…". Platon dặn đời muốn hiểu được chữ yêu, thì phải hiểu tại sao chữ thiếu chống lại với chữ : "aime ce dont il manque, et qu’il ne possède pas", yêu vì thiếu, yêu vì chưa có. Aristote còn khẳng định rõ hơn là yêu thú vị hơn được yêu, vì sao ? Chỉ vì : "aimer est certainement une activité de plaisir et un bien, alors que le fait d’être aimé ne procède d’aucune activité chez l’être aimé", yêu là một sinh hoạt vừa sướng vừa vui, còn được yêu không tạo dựng được một sinh hoạt lý thú nào cả cho kẻ được yêu.

Bác thấy xuyên qua các thế hệ cái lõi vui của chữ yêu : "Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui. Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về". Nhạc của Bác cũng dặn thêm cho đời chữ mất, người ta yêu và không ngừng yêu, vì đã bị mất mát nhiều, và biết vui lên khi cuộc sống trở lại bình thường : "Tình xuân chớm nở đêm qua khi mùa chinh chiến đã lùi xa ngoài đời", số phận của một dân tộc đếm bằng mùa chinh chiến. Không chờ, không đợi, sẵn sàng tìm nhau "Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu…" để gặp nhau… "Gặp nhau trong vinh dự của đời người…". Không chờ, không đợi để không vội, không hoảng, biết nhận vận tốc của thời gian như biết nhận tuổi đời, nhưng cũng biết thong thả với đời, để được ung dung với thân : "Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi chớ vội gì". Phải tiếp tục sáng tác, phải tiếp tục làm chứng nhân cho sự thật và lẽ phải : "Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn…", cũng chỉ vì : "…Lời tôi thay cho tiếng đạn bay… Lời tôi khâu vá tình thương... Đừng cho ai ăn cướp tình ta… Lời tôi sâu như tiếng tình yêu…". Trước sau, Bác vẫn không nản : "Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người".

phamduy07

Lê Hữu Khóa cùng với Duy Cường và Phạm Duy, Paris.

Trong tình yêu Bác đi thật xa, đi-yêuyêu-đi, Bác thông cảm với Stendhal : "Aimer, c’est avoir du plaisir à voir, toucher, sentir par tous les sens, et d’aussi près que possible, la personne aimée", yêu là có thích thú trong chuyện nhìn để thấy, va chạm để cảm nhận bằng tất cả cảm quan, càng gần người mình yêu càng hay. Rồi Stendhal như kẻ ham-yêu đi xa hơn : "Il nous pousse à aller plus loin dans le sens de la jouissance : aimer c’est pouvoir jouir ou se réjouir, et se démarquer de l’indifférence et l’ennuie".

Tình yêu đưa ta tới vùng cảm nhận của khoái lạc, yêu để hưởng đi, để được sướng lại, nó hoàn toàn xa lạ với sự thờ ơ, sự buồn chán. Ngược lại với mọi lãnh đạm, buồn rầu, nhạc của Bác có sức gợi cảm trong tình yêu, bàng bạc trùm phủ chữ yêu trong không gian, biến môi trường sống thành lãnh địa của ham muốn : Đêm thơm như một dòng sữa. Nietzche vẫn không lầm khi nhận ra : "ce qu’on fait par amour s’accomplit toujours par-delà, le bien et le mal", chuyện con người làm trong tình yêu, vượt lên cái thiện và cái ác. Bác cũng hiểu rõ chuyện này của Nietzche,

Bác càng hiểu hơn Réné Char, thi sĩ loại Bắc Đẩu của thi ca Pháp thế kỷ hai mươi, đào kiếm trong tình yêu để hiểu thêm ham muốn : "L’amour réalisé du désir demeuré désir", tình yêu được thực hiện qua ham muốn, rồi vĩnh viễn ở luôn trong dạng ham muốn, bởi vì sao ? "Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ ! Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ !".

Lê Hữu Khóa

(16/03/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 1264 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)