Hôm Thứ Sáu 17 tháng Mười Hai vừa qua đánh dấu đúng 10 năm lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il qua đời. Kim Jong-un, người con trai út của ông lên kế vị để cai trị quốc gia cộng sản được xem là bưng bít nhứt thế giới.
Khi lên kế vị, Kim Jong-un còn là một thanh niên chỉ mới 27 tuổi, chưa từng có bất cứ một kinh nghiệm nào về lãnh đạo. Ngoài bốn lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử, bắn hàng tá hỏa tiễn để đe dọa các nước láng giềng như Nhật Bản, Nam Hàn và ngay cả Hoa Kỳ, đưa đất nước vào tình trạng nghèo đói chưa từng thấy, thành tích nổi bật nhứt của nhà lãnh đạo này là những cuộc thanh trừng dã man xảy ra như cơm bữa.
Kim Jong-un đi giữa các tướng lãnh tung hô mình
Tham mưu trưởng quân đội, ông Ri Yong-ho, sau khi bị giải nhiệm đã bị Kim Jong-un ra lệnh xử tử dạo tháng Bảy năm 2012. Tháng Mười Hai năm 2013, người chồng của cô ông là ông Jang Song-thaek, một cố vấn tối cao trong chính phủ, đã bị đẩy ra khỏi bộ chính trị, đánh đập một cách tàn nhẫn và xử tử bằng súng cối. Dạo tháng 12 năm 2011, cả ông Ri lẫn ông Jang đều là 2 người đã từng đi bên cạnh Kim Jong-un trong suốt ba tiếng đồng đồ dưới cơn mưa tuyết để tiễn đưa cha ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cả hai người đều được xem là những người đã hướng dẫn nhà lãnh đạo trẻ trong việc điều hành đất nước.
Với Kim Jong-un, bất cứ ai cũng có thể là một đối thủ chính trị cần phải thanh trừng. Ngay cả người thân ruột thịt cũng không thoát khỏi. Đó là trường hợp ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với ông. Ông này đã bị ám sát tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai dạo tháng Hai năm 2017 : hai người phụ nữ, một Nam Dương và một Việt Nam, đã được thuê tạt nước có chứa khí độc VX vào mặt ông Nam.
Cái chết của ba ông Ri, Jang và Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ trong vô số những cuộc thanh trừng dưới tay Kim Jong-un. Dưới mắt nhà độc tài khát máu nhứt thế giới này, bất cứ ai cũng có thể là kẻ thù. Gần đây nhứt, Kim Jong-un đã ra lệnh triệt tiêu điều mà ông gọi là "mối ung thư xấu xa" của nền văn hóa Nam Hàn như được thể hiện qua nền nhạc K-Pop và đặc biệt là bộ phim truyện có tựa đề Squid Game (Trò chơi Con mực) được nhập lậu vào Bắc Hàn. Nhiều nguồn tin đã xác nhận : rất nhiều người bị bắt quả tang "xem hay phát tán bộ phim (Trò chơi Con mực) của Nam Hàn" đã bị xử tử.
Các cuộc xử tử, vốn thường diễn ra nơi công cộng, là "chuyện thường ngày ở huyện" dưới thời của Kim Il-sung và Kim Jong-il, tức ông nội và cha của Kim Jong-un. Nhưng sau khi Kim Jong-un lên cầm quyền, các cuộc xử tử ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Theo ông Ji Seung-ho, người đã đào thoát khỏi Bắc Hàn năm 2006 và hiện là dân biểu Quốc hội Nam Hàn, nhà lãnh đạo Bắc Hàn ra lệnh thanh trừng và xử tử hàng loạt là để "chứng tỏ quyền lực của mình" (1).
Tại sao Kim Jong-un đã trở thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới hiện nay ? Dĩ nhiên, nói như chính trị gia Anh nổi tiếng là ông John Dalberg-Acton (1834-1902), thường được gọi tắt là Lord Acton, "quyền lực dễ làm cho con người đồi bại và quyền lực tuyệt đối làm cho con người đồi bại một cách tuyệt đối". Kim Jong-un đã đồi bại và biến thành một dã thú vì muốn nắm quyền tuyệt đối trong tay. Nhưng không phải ngẫu nhiên hay trong một sớm một chiều mà người thanh niên này bỗng nhiên biến thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới. Mầm mống của sự độc ác và tàn bạo đã được cấy vào tâm hồn của ông ngay từ tuổi thơ.
Được cha mẹ gieo vào đầu ý tưởng mình là một "bán thần" (demigod), cậu bé Kim đã không ngừng giở thói bắt nạt với những đứa trẻ đồng lứa khác. Sợ cậu đến nỗi các em khác đã đặt cho cậu biệt danh là "nhà độc tài tí hon". Bảy tuổi cậu đã có thể cỡi xe gắn máy và lái xe hơi. Năm 11 tuổi, cậu con trời này đã mặc đồng phục của một tướng lãnh và lúc nào cũng mang bên hông một khẩu súng Colt 45. Là "con trời" và là tướng lãnh cho nên xung quanh cậu lúc nào cũng túc trực một đoàn tùy tùng để hầu hạ cậu 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Phòng "chơi" của cậu có nhiều đồ chơi hơn bất cứ cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ con nào ở Âu Châu. Những ngôi vườn xung quanh nhà cậu đầy những chuồng súc vật gồm có khỉ và gấu để cậu giải trí. Mang súng kè kè trong người cho nên cậu được cho là có thể bắn đúng mục tiêu cách cả trăm thước. Được trang bị tận răng như thế, cậu luôn luôn nghĩ rằng mình là một người đặc biệt. Tiệc sinh nhựt thứ 8 của cậu được tổ chức mà không có bất cứ một thiếu niên nào được mời tham dự. Trong bữa tiệc chỉ có các viên chức cấp cao trong chế độ mang hoa đến chúc mừng, cậu được cho mặc một bộ đồ "lớn" màu đen như một ông lớn thứ thiệt.
Được cưng chiều và chỉ phát triển những tồi tệ nhứt trong nhân cách, cậu thiếu niên họ Kim lại càng bộc lộ những nét đốn mạt ấy trong suốt thời gian theo học tại một trường trung học quốc tế ở Thụy Sĩ. Có lẽ do thành tích học hành kém cỏi chăng, cậu Kim chỉ biết lấn lướt bạn bè bằng tính nóng giận và cộc cằn của cậu, đặc biệt trên sân bóng rổ (2).
Người Pháp đã có lý để nói "Ai ăn cắp một cái trứng sẽ ăn cắp một con bò" (qui vole un oeuf volera un bœuf). Dĩ nhiên không phải mọi tuổi thơ bất hạnh đều dẫn đến tội ác. Nhưng cứ sự thường, nhỏ bị bỏ bê và không được dạy dỗ cho nên người thì lớn lên dễ trở thành người hư hỏng. Có lẽ Kim Jong-un là một trường hợp cụ thể nhứt cho thấy gương của bậc phụ huynh và người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và trưởng thành nhân cách của con cái. Trong triều đại của họ Kim tại Bắc Hàn, mầm mống của sự đồi bại và độc ác đã từ ông nội truyền xuống cho cha và từ cha sang con. Ánh sáng văn minh, nhân đạo và tình người của Thụy Sĩ, dù có mạnh đến đâu, cũng không đẩy lùi được bóng tối của tội ác đã lấp đầy tâm hồn thơ dại của cậu Kim Jong-un.
Hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong-un mang khẩu súng ngắn Colt 45 kè kè bên hông không thể không làm cho tôi liên tưởng đến những tấm thiệp Giáng Sinh vốn chỉ có ở Mỹ trong những ngày vừa qua. Hồi tháng trước, một thiếu niên 15 tuổi tại Thành phố Oxford, Tiểu bang Michigan đã dùng khẩu súng được người cha tặng nhân dịp Giáng Sinh để bắn hạ bốn em học sinh cùng trường và làm bị thương nhiều người khác. Vậy mà trong bối cảnh của cuộc thảm sát dã man ấy, dân biểu liên bang Thomas Massie, đại diện cho một đơn vị thuộc Tiểu bang Kentucky đã đưa lên mạng xã hội một tấm thiệp Giáng Sinh trong đó ông và vợ ông cùng với 5 người con, người nào cũng cầm súng giơ lên, miệng cười toe toét. Phía sau họ là cây thông giả, biểu tượng của sứ điệp Giáng Sinh. Kèm với tấm thiệp, ông Massie viết : "Ông Già Noel ơi, xin ông mang đến súng đạn" !
Tấm thiệp Giáng Sinh của gia đình dân biểu liên bang Thomas Massie
Tâm đầu ý hợp với ông Massie còn có một dân biểu nổi tiếng khác là bà Lauren Boebert, đại diện cho Tiểu bang Colorado. Trong tấm thiệp Giáng Sinh được bà Boebert gởi đi, người ta thấy bà đứng sau 4 cậu con trai thiếu niên, mỗi cậu cầm trong tay một khẩu súng (3).
Tấm thiệp Giáng Sinh của bà Boebert gởi đi
Tôi không nghĩ rằng những khẩu súng mà gia đình của hai vị dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa trên đây giương lên trong tấm thiệp Giáng Sinh là những "lòng súng nhân đạo cứu người lầm than" như nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã hát lên trong ca khúc "Anh đi chiến dịch". Trong bối cảnh sôi sục của cuộc tranh luận về súng đạn hiện nay tại Mỹ, nhứt là với những vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa, súng đạn trong tay người dân chỉ có thể là biểu tượng của đố kỵ và nhứt là hận thù mà thôi. Và những nụ cười toe toét trong những tấm thiệp Giáng Sinh của hai dân biểu Massie và Boebert chắn chắn cũng không phải là những nụ cười nói lên niềm vui đích thực của Giáng Sinh.
Giáng Sinh thiết yếu là lễ của Bình An. Và Bình An không phải tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một cuộc chiến đấu cam go. Chiến đấu cam go không phải bằng súng đạn, mà chính là vứt bỏ súng đạn. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài viết có tựa đề "Thông điệp mùa Giáng Sinh : bỏ Mác Lê xuống là thành Phật" của nhà văn, thi sĩ Trần Mạnh Hảo trong nước (cf. Đàn Chim Việt info 10/12/2011). "Mác Lê" là tên quen thuộc mà người Việt Nam thường dùng để gọi hai ông tổ của chủ nghĩa cộng sản là Các Mác và Lê Nin. "Mác" cũng là giáo mác và "lê" là lưỡi lê. Đây là hai thứ khí cụ biểu tượng của hận thù, chiến tranh và chết chóc. Đức Phật dạy chỉ cần bỏ gươm giáo xuống là thành Phật. Nhại lời Đức Phật, tác giả Trần Mạnh Hảo nhắn nhủ người cộng sản Việt Nam hãy buông bỏ "Mác Lê" của hận thù xuống mới hy vọng có được Bình An.
Ngày nay ai cũng nói đến sự xuống cấp thê thảm về đạo đức trong xã hội Việt Nam. Biểu hiện của sự xuống cấp đó là bạo động tràn lan trong xã hội. Ở bậc tiểu học, học sinh tập làm các phép tính cộng trừ nhân chia trên số xác chết và vũ khí tịch thu được của "Mỹ Ngụy", "kẻ thù" mà trong một cuộc thi hoa hậu được tổ chức ngay trên lãnh thổ Mỹ người ta cũng dùng âm nhạc để rủa sả. Đừng hỏi tại sao bạo động vẫn là biểu hiện của sự xuống cấp hiện nay trong xã hội. Bao lâu "chông" và súng đạn của hận thù vẫn chưa bị bỏ xuống và nhân quyền chỉ được hiểu đơn thuần là miếng ăn như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tự hào dẫn giải trong chuyến công cán tại Âu Châu hồi cuối tháng Mười vừa qua (4), thì dĩ nhiên còn lâu Việt Nam mới thực sự có hòa bình.
Tôi không phải là một tín đồ Phật Giáo. Tôi không đi chùa. Tôi không ăn chay trường. Tôi không cúng giường và dĩ nhiên tôi còn nặng tham sân si. Nhưng nói như nhà văn Dương Thu Hương, tôi là "một phật tử theo cách thế riêng của tôi". Chính vì thế mà trong cuộc sống mỗi ngày tôi luôn cảm nhận được lời dạy của Đức Phật : "Bỏ gươm xuống là thành Phật". Là một tín hữu Kitô, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh năm nay, tôi lại nghe lời dạy của Đức Phật được vọng lại trong lời ca của các thiên sứ : "Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Nhìn lại hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong-un mang kè kè bên hông khẩu Colt-45 và xem những cánh thiệp Giáng Sinh với súng đạn và nụ cười toe toét vô cảm của một số dân biểu Mỹ, tôi nghe như Đức Phật lại dạy : "Bỏ súng xuống là thành phật".
Chu Văn
(19/12/2021)
Chú thích :
1. How Kim Jong-un became the World’s most bloodthirsty dictator, Daily Beast, 17/12/2021.
2. Kim Jong-un was dubbed "the little dictator" as childhood of excess groomed him for tyrannical rule, The Sun, 26/04/2020.
3. "Santa, bring ammo" : US congressman tweets Christmas pic of family holding guns, The Indianexpress, 7/12/2021.
4. Phạm Đình Trọng, Nhân quyền không phải là miếng ăn, Thông Luận, 11/12/2021.