Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/01/2018

Mạn đàm về 'vẽ bậy'

Ánh Liên

Tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy, ngay lập tức - ban Quản lý dự án Đường sắt đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi Công an thành phố Hà Nội và công an các quận nơi có dự án đi qua để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. 

Hiện tượng vẽ bậy trên tàu điện ngầm không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới. Có một điều chắc chắn là vẽ bậy trên tàu điện ngầm chỉ diễn ra khi nó không chuyển động, và thực tế là dự án Tàu Cát Linh – Hà Đông đã bất động trong một thời gian rất dài.

Vẽ bậy lên tàu làm nảy sinh trăn trở, bao lâu nữa dự án này sẽ được chạy để tránh nạn nằm một chỗ quá lâu, bởi ngoài việc bị vẽ bậy thì còn có cả sự xuống cấp của máy móc – trong bối cảnh khắc nghiệt của thời tiết tại Thành phố Hà Nội.

vebay1

Thân tàu Cát Linh - Hà Đông nằm bất động và trở thành điểm vẽ của dân nghệ thuật đường phố.

Nhiều niềm tin quay trở lại, khi dự án này được ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc rót vốn trở lại với 250 triệu USD. Và vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định chắc chắn rằng : tiền có, đường xong, thiết bị về sẽ đưa đường sắt khai thác thương mại vào cuối năm 2018.

Nhưng nếu cuối năm 2018 chuyến tàu vẫn chưa thể chạy vì lợi nhuận thì sao ? Không sao cả, khi mà yếu tố kỹ thuật, vốn, thậm chí thời tiết sẽ đem vào biện hộ. 

Trở lại với câu chuyện vẽ bậy trên thân tàu của một nhóm vẽ đường phố. Ban QLDA đã đề nghị công an điều tra hành vi phá hoại tài sản. Và nếu căn cứ vào Bộ luật hình sự năm 1999, thì người vẽ có thể đối diện án chung thân (khung hình phạt cao nhất).

Đây là một bản án khá nghiêm khắc, và giá như tính nghiêm khắc và tức thời lên tiếng đó được áp dụng cho các "đồng chí" nằm trong Ban quản lý dự án ; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc khiến dự án đường sắt trên cao vừa trễ về tiến độ, vừa đốt tiền thuế của dân thì tốt đến dường nào.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là, pháp luật có thực sự quyền năng, là cán cân công lý, hay mọi cá nhân – tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật như cách nó được diễn giải trong Hiến pháp nhà nước ? Điều này đúng, pháp luật là một quyền năng, nhưng quyền năng đến đâu tùy thuộc thể chế nhà nước tồn tại như thế nào !.

Nhà văn George Orwell trong tác phẩm Animal Farm đã khắc họa tính tương đối triệt để của pháp luật bằng cụm từ : "Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác".

Cái xã hội bình đẳng tương đối "cao" đó là môi trường xã hội chủ nghĩa, mà ngày nay, dù có sự biến đổi ít nhiều, thì tính xã hội chủ nghĩa vẫn khiến Việt Nam, Trung Quốc, Cuba,… giống y hệt sự khắc tả nêu trên.

Thế nên mới có chuyện, ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam khẳng định trước đó : "Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Áp dụng vào dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ nhận ra một nghịch lý tồn tại một cách tất nhiên là : chủ đầu tư, nhà thầu "vẽ bậy dự án" thì chỉ cần xin lỗi, còn người dân nào "vẽ bậy lên tàu" thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

vebay2

Ông Nguyễn Đức Bình, từng "vẽ bậy quy định" khi còn là Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội. Nay là Trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Không chỉ dừng ở "vẽ bậy dự án", ở Việt Nam còn có cả "vẽ bậy luật". 

Năm 2014, dư luận xôn xao, khi Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Bình ra quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 ban hành quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính… Quy định vi hiến này được ông Chánh án coi là "bình thường", và từ đây - nếu như báo chí không lên tiếng, luật sư không lên tiếng, Đại biểu quốc hội không lên tiếng thì hệ thống tòa án các cấp ở thủ đô sẽ được tuyên án bằng cách "nhân danh người cầm dây".



Vẽ bậy thân tàu, vẽ bậy dự án, vẽ bậy luật,… trở thành một thói quen "bậy bạ", nhưng đối với nhân viên công lực, nó thành một thói quen mang tính đặc quyền – "được phép làm", và được phép "xí xóa".

Và pháp luật thì dung túng cho sự vẽ bậy đó, khi quan thì "giơ cao đánh khẽ", dân thì "ở tù mọt gông".

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 02/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 872 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)