Nhà nước cộng sản Việt Nam "bắt" em Phạm Nhật Vượng hay thậm chí là Phạm Nhật Vượng cũng chỉ là một thao tác bình thường…
Khi vụ "MobiFone mua AVG" nóng lên, thì câu chuyện về Vingroup – Phạm Nhật Vượng lại nổi lên thành một trong những dấu hỏi về quyền lực thực sự của tỷ phú USD này.
Hai anh em Phạm Nhật Vượng (phải) và Phạm Nhật Vũ
Nhiều quan điểm cho rằng, "dám bắt cả em trai của một tỷ phú", hoặc "một tập đoàn kinh tế tư nhân thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam".
Có thực sự Vingroup và gia đình Phạm Nhật Vượng quyền lực đến thế ?.
Hãy đặt Phạm Nhật Vượng vào trong thể chế xã hội chủ nghĩa, có thể gọi Phạm Nhật Vượng là mafia đỏ, vì ông ta đã tận dụng rất tốt cơ chế hiện tại để làm giàu cho chính mình.
Phạm Nhật Vượng từ buôn bán mì gói, chuyển sang bất động sản, và giờ mở rộng hệ sinh thái sang ngành tiêu dùng, đặc biệt là oto. Đó là quá trình cố gắng thoát ly khỏi gốc gác "bất động sản", và nổi bật là Viện Big data với sự tham gia của không ít nhân vật khoa học có thực tài, điển hình là giáo sư Vũ Hà Văn.
Nhưng nhìn vào hệ sinh thái hiện tại của ông Vượng, bất động sản vẫn là nguồn nổi bật. Với nguyên tắc, chiếm đất vàng và tạo ra hệ sinh thái dành cho tầng lớp trung và cao cấp, đã đưa ông Vượng lên thành tỷ phú USD tại Việt Nam. Nhưng một tỷ phú USD hay một đại tỷ phú bất động sản cũng chỉ mãi mãi là một đại tỷ phú sống nhờ vào "bòn vét" tài nguyên quốc gia, những "sinh thái" còn lại quá nhỏ để khiến Vingroup trở thành một xương sống của nền kinh tế. Và so với các doanh nghiệp, tập đoàn chuyên về sản xuất, thì Vingroup thực sự không đáng để gọi tên. Do đó, so với những tập đoàn xương sống tại các nước tư bản như Samsung (Hàn Quốc), hay Mitsubishi (Nhật Bản),… thì Vingroup hoàn toán lép vế về năng lực sản xuất và vai trò trong nền kinh tế.
Mất Vingroup có thể tác động đến một bộ phận đời sống người lao động, nhưng không thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam, khi Vingroup chưa bao giờ là công ty chủ lực về công nghệ, sản xuất, quốc phòng và tài chính.
Nhưng Vingroup cần cơ chế này, cơ chế có thể đảm bảo tiếp tục "hút máu tài nguyên và chính sách" để sống và tồn tại. Nhà nước Cộng sản "bắt" em Phạm Nhật Vượng hay thậm chí là Phạm Nhật Vượng cũng chỉ là một thao tác bình thường, vấn đề là đến thời điểm bắt hay là chưa, và có đáng để bắt hay là không.
Hãy nhìn qua Liên Bang Nga, một quốc gia đi trước Việt Nam vài chục năm về mô hình "tập đoàn tư nhân" kiểu như Vingroup. Hãy tiếp tục nhìn vào Tập đoàn dầu khí Yukos, một tập đoàn hoạt động trong ngành khai thác dầu khí (mang tính chủ lực và con bài chính trị của chính nước Nga, riêng tập đoàn này đã khai thác chiếm 15% tổng lượng dầu khai thác tại Nga), cũng như kỹ nghệ hóa học giàu mỏ. Nhưng lãnh đạo tập đoàn này đã bị bắt giam vì tội trốn thuế - "Mikhail Khodorkovsky", và đến năm 2006, đã bị tuyên bố phá sản. Lý do chính của "tội trốn thuế" đến từ tham vọng chính trị của ông Mikhail Khodorkovsky, người được cho là sẽ tranh cử Tổng thống – tạo ra mầm mống đe dọa vị trí của V.Putin, và thực tế cho thấy tham vọng chính trị của Mikhail Khodorkovsky chính là "tham vọng" dùng nguồn lực tài chính để khuynh đảo chính trị. Và chính quyền Nga nhân đó, cũng muốn kiểm soát hoàn toàn tập đoàn này – một con gà đẻ trứng vàng.
Vingroup chưa thể là Yukos về tiềm lực tài chính lẫn chính trị, nhưng số phận của Vingroup sẽ giống như Yukos. Đến một thời điểm nhất định, tập đoàn này sẽ bị kiểm soát bởi nhà nước, còn nếu bản thân nó là chỗ dựa cho các chính trị gia, thì đến một ngày tội danh "trốn thuế" sẽ được áp đặt lên chính nó. Bởi nguyên lý đơn giản, trong một quốc gia cộng sản, sự giàu lên của một tập đoàn tư nhân luôn chứa đựng những sai phạm chưa được phát lộ.
Như Mikhail Khodorkovsky, kẻ giàu nhất nước Nga xuất phát từ gian lận tài sản nhà nước trong thời kỳ nước Nga đang trong tình trạng tranh tối – tranh sáng Yeltsin.
Và cũng như Phạm Nhật Vượng hiện tại, Mikhail Khodorkovsky cũng đầu tư trong văn hóa - giáo dục thông qua Quỹ nước Nga mở rộng (Open Russia Foundation).
Qua đó để thấy rằng, mafia cá nhân không thể chống lại hệ thống mafia. Bản thân nhà nước Việt Nam luôn chủ động trong việc nắm thóp các tập đoàn lớn, ít nhất là tập đoàn đó ký sinh trên chính cơ chế mà Nhà nước đó tạo ra.
Phạm Nhật Vượng và những người trong tập đoàn Vingroup có lẽ hiểu hơn ai hết về điều đó, và đó cũng là lý do ông ta muốn thoát nhanh hình ảnh đại gia bất động sản khi thành lập Viện Big data. Nhưng có vẻ, con đường tiến tới một tập đoàn công nghệ - tài chính sẽ không hề dễ dàng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 17/04/2019
Tụt 10 hạng trong chỉ số CPI chống tham nhũng khi cuộc chiến 'đốt lò' vẫn đang tiếp tục ?
Ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiện giờ tin tưởng vào ‘đạo đức cách mạng’ và sự ‘cứng rắn’ về mặt luật định mà ông tự nghĩ ra. Tuy nhiên, sự chủ quan này chỉ giúp ông ghi điểm trong phòng chống tham nhũng trong giai đoạn đầu, nó chỉ tác động ở một bộ phận hoặc vài đối tượng cụ thể, và chỉ mang tính chất răn đe tạm thời.
Chỉ số tham nhũng Việt Nam tụt hạng
Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân, cô Lê Nguyễn Hương Trà đã chia sẻ sự kiện Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) vừa công bố chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia/vùng lãnh thổ về tham nhũng. Theo đó, thì ông Việt Nam 2018 xếp hạng 107/180 nước, tụt 10 hạng so với năm ngoái và bằng 2016.
‘Đây là kết quả khá hài hước giữa bối cảnh đốt lò của Tổng Tịch Trọng’, blogger Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ.
Tại sao lại như vậy, trong bối cảnh ‘đốt lò’, với được diễn dịch trên báo chí chính thống là làm cho niềm tin của nhân dân đối với công cuộc chống tham nhũng của Đảng gia tăng, và gia cố sức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước ?
Lý giải cho sự tụt hạng này có thể đến từ việc, nguồn dữ liệu của CPI đo lường các khía cạnh của tham nhũng, trong đó có hai yếu tố quan trọng là : mức độ phổ biến của việc các cán bộ nhà nước lợi dụng vị trí để tư lợi mà không lo đối mặt với các hậu quả (1) ; nhà nước bị khống chế bởi các nhóm lợi ích nhỏ (2) ; tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự (3).
Xét trên mức độ gắn nhãn 1-2-3 nêu trên, thì khi mà sự tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự bị hạn chế, thì nó sẽ khiến 1-2 nổi lên. Lý do nằm ở việc, nhà nước sẽ không thể giám sát bằng luật pháp hay các quy định (về mặt đảng) nếu như bản thân việc giám sát đó được thực hiện bởi chính cán bộ nhà nước. Nó không khác gì việc người đứng đầu cơ quan Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng được trao giữ chức Trưởng ban Phòng chống tham nhũng cách đây không lâu.
Tại Việt Nam hiện tại, câu chuyện xã hội dân sự và minh bạch hiện thời đều không được tạo thuận lợi. Trong khi luật Phòng, chống tham nhũng đề cao cái gọi là 'công khai minh bạch’ (với 11 lần đề cập trong luật và có hẳn mục công khai, minh bạch về tổ chức và hỏa động của cơ quan, đơn vị). Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin hiện nay là khó khăn, bởi Luật tiếp cận thông tin (2018), tại Khoản 4, Điều 3 đã gián tiếp hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân, theo đó, hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tiếp đó, tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (2018) trong phạm vi bí mật nhà nước (Điều 7), danh mục bí mật của nhà nước được trải dài, bao gồm cả các thông tin về dự án kinh tế - xã hội công.
Về mặt xã hội dân sự, Quy định số 102-QĐ/TW về việc cấm đảng viên đòi hỏi thực hiện thể chế xã hội dân sự, gián tiếp cấm đảng viên bàn về xã hội dân sự tác động khá lớn. Bởi đội ngũ đảng viên hiện giờ phần lớn nằm trong bộ máy nhà nước, và những nhà lãnh đạo hoạch định chính sách công phải là những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, bản thân Quy định số 102 đã ‘khóa’ vai trò của xã hội dân sự đối với việc giám sát và truy vấn thông tin của giới xã hội dân sự đối với các vấn đề liên quan đến việc tư lợi hay không tư lợi, lợi ích nhóm hay không lợi ích nhóm. Nói cách khác, sự ‘tiếp cận thông tin về các vấn đề công của xã hội dân sự’ biến mất ngay trong bộ máy nhà nước hiện thời.
Trong khi chính quyền Việt Nam tìm cách loại bỏ yếu tố xã hội dân sự, vì đây bị coi như một lực lượng đối trọng vô hình trong giành quyền lực mà bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang nắm giữ, thì bên ngoài, xã hội dân sự được coi là lực lượng chính yếu cùng với nhà nước khống chế tham nhũng.
Vào tháng 7/2019, trong nỗ lực chống tham nhũng ở Châu Phi, Liên minh Châu Phi (AU) đã tổ chức Hội nghị diễn đàn chống tham nhũng xã hội dân sự lần III. Với nhận định rằng, tham nhũng vẫn đang cản trở sự phát triển ở nhiều nước Châu Phi, AU đã tuyên bố năm 2018 là năm chống tham nhũng ở Châu Phi. Và mục tiêu chính của diễn đàn là xác định tiềm năng xây dựng liên minh lớn hơn và kết nối rộng hơn của các tổ chức xã hội dân sự (CSOs), các cơ quan và nhà báo hiện tại của AU để tạo ra sự khả thi và bền vững trong việc chống tham nhũng trên lục địa.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn AU về tham nhũng (AUABC), Hon. Mairom Begote kêu gọi AU tạo ra một môi trường cho phép CSO và phương tiện truyền thông để buộc các Chính phủ chịu trách nhiệm. Bản thân mối quan hệ giữa chính phủ và CSO thường căng thẳng, trong khi CSO thiếu sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ cần thiết để thực hiện các dự án chống tham nhũng ở cấp địa phương.
Nhưng tại sao lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại ngăn cấm bàn về thể chế xã hội dân sự ?. Như đề cập trên, họ lo sợ về sự cạnh tranh quyền lực và giành lấy niềm tin trong dân chúng.
Họ lo ngại rằng, niềm tin xã hội dân sự sẽ chiếm lĩnh và đẩy lùi về niềm tin về sự lãnh đạo toàn diện của đảng với các vấn đề của nhà nước. Trên cả, khi một xã hội dân sự phát triển, người dân sẽ phản đối sự bất công, và bắt đầu thách thức chính quyền, họ sẽ đổ xuống đường và khơi gợi nhu cầu thay đổi hệ thống khi mà hệ thống đó trở nên ù lỳ trước tham nhũng.
Georgia hay cuộc cách mạng hoa hồng vào tháng 11/2003, nơi các chiến lược hợp tác của xã hội dân sự được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức. Họ buộc tổng thống Shevardnadze phải từ chức 20 ngày sau khi ông giành chiến thắng. Hay tại Ấn Độ, năm 2011, xã hội dân sự trở thành phương tiện liên lạc giữa hàng ngàn người biểu tình chống tham nhũng trên khắp đất nước (diễn ra tại 40 tỉnh thành của nước này).
Vấn đề là, tất cả những gì mà xã hội dân sự làm không phải là thách thức quyền lực chính quyền hợp pháp, mà xã hội dân sự tạo áp lực của Chính phủ hành động ‘vì dân’ hơn. Xã hội dân sự buộc chính quyền phải minh bạch và chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở cả khu vực công và tư. Bản thân nó tạo ra ý chí chính trị cần thiết về tất cả các cấp chính quyền, giám sát các hoạt động tham nhũng trong khu vực công và tư nhân, thúc đẩy khả năng cần phải được hình sự hóa các hành vi này.
Xã hội dân sự cũng chống lại các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân tham nhũng bằng sự vận động, và gây áp lực lên nhà nước và các cơ quan chống tham nhũng. Theo dõi chặt chẽ xem các chính trị gia có tôn trọng các cam kết của họ để chống tham nhũng không.
Quay lại câu chuyện Việt Nam, thực sự, Đảng cộng sản Việt Nam hay Nhà nước Việt Nam không thiếu quyền lực hay thậm chí là khả năng ‘đẻ luật’ để phòng chống tham nhũng. Những gì còn thiếu là thực thi và ý chí chính trị cần thiết để thực thi nó mà không phân biệt đối xử. Khi xã hội dân sự tiếp tục với những nỗ lực vận động của mình, các cuộc gọi để thực thi luật pháp hiện hành sẽ củng cố luật liên quan đến tội phạm tài chính và tất cả những người liên quan đến các hoạt động đó. Xã hội dân sự cần phải là một yếu tố mà Nhà nước cần hợp tác để vạch trần tham nhũng trong cả khu vực công và tư nhân và gây áp lực cho các cuộc điều tra và trừng phạt, đảm bảo tính độc lập – minh bạch và cứng rắn trong phòng chống tham nhũng.
Ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiện giờ tin tưởng vào ‘đạo đức cách mạng’ và sự ‘cứng rắn’ về mặt luật định mà ông tự nghĩ ra. Tuy nhiên, sự chủ quan này chỉ giúp ông ghi điểm trong phòng chống tham nhũng trong giai đoạn đầu, nó chỉ tác động ở một bộ phận hoặc vài đối tượng cụ thể, và chỉ mang tính chất răn đe tạm thời. Trong khi tính tham nhũng liên tục biến đổi và tinh vi, hoạt động không chỉ một bộ phận cụ thể hoặc chỉ dừng cấp trung ương, mà biến tấu liên tục tại nhiều khu vực, nhiều dạng thức và tham nhũng vặt vẫn công nhiên xuất hiện khi cuộc chiến đốt lò đang diễn ra.
Và cơ chế hiện thời cũng không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi đẻ ra tham nhũng ‘nhà nước bị khống chế bởi các nhóm lợi ích nhỏ’, khi mà bản thân cơ chế là một nhóm lợi ích nhỏ áp đặt quan điểm và giá trị lên trên cộng đồng. Chính yếu tố này đã dẫn đến sự cần thiết của xã hội dân sự trong giám sát và điều chỉnh các hành vi của ‘nhóm nhỏ’ này, tránh một hệ thống tham nhũng ‘tuyệt đối và toàn diện, có hệ thống’ trong Nhà nước. Ngược lại, thì công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ ở mức tạm thời, và mà tính chất răn đe chính trị ngắn hạn hơn là một ‘cuộc chiến đốt lò’ tham nhũng toàn diện.
Vào cuối năm 2015, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy.
Giữ toàn vẹn lãnh thổ cũng như diệt trừ tham nhũng là mấu chốt của sự quyết định tồn tại hay không của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bản thân Biển Đông trong những năm trở lại đây, với sự gia tốc của Bắc Kinh trong vấn đề xây dựng đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa phần lớn khu vực quần đảo Hoàng Sa đã khiến cho Hà Nội có những quan điểm cứng rắn hơn. Cụ thể, thông qua bản dự tháo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà hãng tin Reuter tiếp cận được. Trong bản dự thảo này, Việt Nam muốn định chế hóa các hành động của Trung Quốc trên vùng biển Đông đang tranh chấp là phi pháp, bao gồm cả khu vực Nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tuyên bố từ năm 2013.
Hãng tin BBC Vietnamese trong một bài viết vào đầu năm 2019 đã đặt tiêu đề : Việt Nam 'cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông' ?
Tuy nhiên, Hà Nội không thể đơn độc trong cuộc chiến ‘cứng rắn’ này trước sự trỗi dậy liên tục từ Bắc Kinh, bởi Biển Đông vẫn là giao thức mà nhiều cường quốc ở Đông Nam Á (Nhật Bản, Ấn Độ,…) hay thế giới (Mỹ, Anh,…) đang muốn kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh dựa trên cơ sở ‘tự do hàng hải’.
Với Mỹ, khu vực Biển Đông có thể là nằm trọng tâm trong chính sách Xoay trục Á châu, và nhiều chuyên gia đánh giá rằng, Biển Đông (chứ không phải là thương mại) mới là vấn đề lớn nhất trong quan hệ Việt – Trung, từ đó gián tiếp dẫn đến một nhận định, quan trọng cả với quan hệ Việt – Mỹ.
Trong một bài viết chiều ngày 19/1/2019, tác giả Panos Mourdoukoutas trong một bài bình luận trên Forbes đã cho rằng, sự bùng nổ đối đầu quân sự sẽ diễn ra ở Biển Đông. Lý do, Biển Đông luôn đi đầu trong chương trình nghị sự kinh tế, chính trị giữa Mỹ - Trung, Biển Đông là chỉ dấu cho dự án con đường tơ lụa trên biển (một dấu ấn mà Tập Cận Bình muốn tạo ra). Điều này không phải phi lý khi mà bản thân Trung Quốc đã hoàn tất các hạng mục liên quan đến bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các công trình quân sự và bán quân sự trên các đảo do mình chiếm giữ trái phép trên vùng Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Mỹ, Úc, Nhật Bản…
Trở lại với vấn đề Việt Nam, từng có một thời điểm, Biển Đông (Hoàng Sa, Trường Sa) trở thành cụm từ nhạy cảm, trong bối cảnh Việt – Trung ấm nóng dần. Tuy nhiên, với sự xâm thực chủ quyền tài phán của Bắc Kinh đối với Việt Nam trong những năm gần đây, mà nổi nhất trong thời điểm gần đây là vụ dàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (2014) đã cho thấy, nếu không thực sự chủ động và mạnh dạn hơn, Hà Nội sẽ phải đối diện với câu hỏi : khả năng bảo vệ chủ quyền đến đâu.
Việc tiến hành bảo vệ chủ quyền không chỉ dựa trên mối quan hệ quốc phòng với các cường quốc, hay là tăng cường mua sắm các thiết bị quân sự nhằm cải thiện năng lực và sức chiến đấu của Hải quân, mà còn có cả sự tăng cường trong công tác tuyên truyền quốc tế (điều mà Bắc Kinh đã làm rất tốt).
Thế nhưng, có vẻ Việt Nam vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của ‘tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế’ thông qua việc triển khai nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm quốc tế. Chính vì vậy mà mới đây, trong nghiên cứu ‘Công bố quốc tế về biển đảo : Sự cấp thiết và các định hướng thúc đẩy’ của Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho biết những thông tin gây sốc : số lượng cơ quan nghiên cứu biển đảo chưa tới 20 cơ quan ; đấu tranh pháp lý bằng các bài nghiên cứu khoa học quốc tế chỉ có 7 bài về quần đảo Trường Sa và 6 bài về quần đảo Hoàng Sa ; số bài báo quốc tế về Biển Đông chỉ có 3% (trong khi con số này của Trung Quốc là 60%).
Cần nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh có một sự chuyên nghiệp hóa trong tuyên truyền chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông, đặc biệt là tại Mỹ thông qua việc sử dụng truyền thống tự do ngôn luận và báo chí tự do của Mỹ bằng cách đặt một quảng cáo trả tiền.
Chính vì vậy, tăng cường đẩy mạnh và đầu tư nguồn tiền cho các nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ở phạm vi quốc tế là rất cần thiết, một trong những cách thức hữu hiệu để ngăn chặn cuộc chiến tranh chính trị mà Bắc Kinh đang phô diễn ở Biển Đông và chủ động chiến lược trước sự đe dọa xung đột quân sự của Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng, Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông vào năm 2015 bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng đã hoàn tất xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đã bố trí căn cứ không quân, hệ thống radar và các cơ sở hải quân và thiết lập các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, các hệ thống tên lửa phòng không cung cấp tầm tấn công đáng kể. Đồng thời, bổ sung khả năng tấn công thông qua việc triển khai các máy bay ném bom H-6K (vốn có khả năng tấn công hạt nhân tầm xa).
Nếu Hà Nội không chú tâm vào tuyên truyền chủ quyền trên bình diện quốc tế, thì sự thua thiệt trên trường quốc tế đối với đấu tranh pháp lý và ngoại giao Biển Đông sẽ tất yếu diễn ra. Và Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thực sự không hề êm đẹp,...
Hà Nội bỏ qua những lời khuyến cáo của các chuyên gia, tập đoàn công nghệ,... để cho ra đời Luật về an ninh mạng, và Hà Nội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải tăng tốc mở cửa nền kinh tế để làm hài lòng sự lạc quan của nhà đầu tư. © Reuters
Vào đầu năm 2019, trong buổi đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, ông Đinh Tiến Dũng đề ra 5 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp thức năm nhằm thúc đẩy triển khai biện pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng cận biên lên hạng thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, những gì mà báo giới quốc tế nhìn vào chứng khoán Việt Nam là ‘cơ hội’ nhưng ‘đầy thách thức, mà trọng tâm thách thức vẫn là sự can thiệp của nhà nước vẫn tiềm ẩn rủi ro.
William Pesek, cây viết của Nikkei trong bài ngày 14.01 cho hay, Việt Nam là điểm đến ưa thích của Nhật Bản, một thị trường kinh doanh số 1 theo kết quả khảo sát tháng 12 của NNA News, với 36%.
Với 7% trong tăng trưởng GDP, một thị trường rộng lớn, Việt Nam được đánh giá như một ‘sự thay thế cho Trung Quốc’. Và nhiều người kỳ vọng, cổ phiếu Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng gần 20% trong năm nay.
Điều gì có thể sai ? - William Pesek đặt câu hỏi.
Đầu tiên, thuế quan của Donald Trump với 250 tỷ USD áp vào hàng hóa đại lục đang làm hỏng động cơ xuất khẩu của Bắc Kinh. Mặc dù chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm 2019, nhưng hầu như không ai tin rằng nó có thể đạt được điều đó.
Khi doanh nghiệp đến từ Nhật, Mỹ, Hàn tìm kiếm một giải pháp thay thế, thì một chính phủ Cộng sản như Việt Nam, cởi mở với các ngành công nghiệp khói, có tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số 97 triệu người có thể trở thành địa điểm thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, mối đe dọa áp thuế 25% đối với nhập khẩu oto và phụ tùng oto sẽ phá chuỗi cung ứng mà Trung Quốc lẫn Hàn Quốc dựa vào, và đây cũng là 2 thị trường lớn của Hà Nội.
Thứ hai, gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Bộ Tài chính đẩy nhanh cải cách, tập trung vào các chính sách thuế hiệu quả hơn, thủ tục hải quan đơn giản hơn, tăng thu ngân sách và quản trị doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Các nhà đầu tư có thể trải qua cảm giác này, bởi 1 năm trước, những người theo dõi thị trường đã dự báo cổ phiếu Việt Nam tăng 20% trong sự kỳ vọng rằng, nội các của ông Phúc sẽ hoàn thành phần lớn những gì ông đã chỉ đạo. Tuy nhiên, tốc độ cải cách chậm hơn so với hy vọng đã giúp giải thích tại sao cổ phiếu mất 9,3% trong năm 2018.
Để xác thực sự lạc quan của các nhà đầu tư, Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải đẩy nhanh các bước để mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư tài chính và tư nhân hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (cũng vốn trễ hơn so với dự định). Với dân số trẻ ở Việt Nam - khoảng 25% (phần lớn dưới 15 tuổi) - thị trường sẽ cổ vũ bất kỳ tiến bộ nào trong việc tăng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết lên trên quy định sở hữu hiện nay (49%), điều mà Thủ tướng Phúc đã đề xuất. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng cường hệ thống tài chính đã làm tụt lại tham vọng này. Trong một báo cáo ngày 4/12, Fitch xếp hạng tiến trình xây dựng thị trường tiêu dùng cho thấy, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công nghiệp do nhà nước chỉ đạo để tăng trưởng. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam thiên về kích thích hơn là tăng trưởng hữu cơ, một mẫu phát triển có vẻ quen thuộc với các nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, Fitch cảnh báo, vốn ngân hàng ‘vẫn chịu áp lực’ nhờ tín dụng quá mức.
Cuối cùng, đổi mới tại Việt Nam đang trở nên không hoàn hảo. Khi Hà Nội cố gắng học theo Trung Quốc một cách mù quáng. Luật An ninh mạng mới của Hà Nội là một trường hợp điển hình. Daniel Bastard của tổ chức Phóng viên không biên giới, nhóm vận động hành lang tự do truyền thông, đã tuyên bố, ngày 1.1, là thời điểm bắt đầu một ‘mô hình kiểm soát thông tin toàn trị".
Ngay sau khi luật có hiệu lực, Hà Nội đã chỉ đạo một cuộc chiến chống lại mạng xã hội lớn nhất thế giới. Hà Nội cáo buộc Facebook cho phép đăng tải ‘nội dung vu khống, tình cảm chống chính phủ và bôi nhọ và phỉ báng cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước’.
Facebook đã đáp trả lại cáo buộc này, và tất nhiên, sự tranh cãi này có thể khiến các nhà đầu tư, nhiều người ở Nhật Bản từng tin rằng Việt Nam có định mệnh trở thành một cường quốc đổi mới phải… nghi ngờ.
Làm thế nào Hà Nội nuôi dưỡng giá trị ‘Thung lũng Silicon’ tại Việt Nam khi thực thi những chính sách thắt chặt thông tin và gây cản lực cho những thành tựu phát triển internet của mình ?. Một đại gia công nghệ là Google cũng đang từ chối các yêu cầu về việc phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, vì sợ chính phủ có thể truy cập trái phép.
Tất cả đã khiến Việt Nam ‘không phải là thị trường đầu tư cho những người yếu tim’, Control Risks cho biết, đó là ‘mạng lưới bảo trợ chính trị phức tạp, tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng 'kém phát triển', mức độ minh bạch thấp và các sáng kiến chính sách thất thường.’ Và đây là những thách thức lớn để kinh doanh thành công tại Việt Nam. "
Cách nhanh nhất để cải thiện điều này là cần phải ‘đồng minh’ với các công ty internet toàn cầu. Bởi tại Trung Quốc, Tập Cận Bình đang tự mâu thuẫn khi ngày càng tăng cường kiểm duyệt, trong khi lại tìm cách thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc như một nhà lãnh đạo công nghệ. Việt Nam liệu có nên phạm sai lầm tương tự như thế ?.
Một đất nước đầy tham vọng như Việt Nam có lẽ cẩn thận để tránh làm cho đời sống kinh tế - chính trị trở nên khó khăn hơn. Bởi Hà Nội sẽ rất dễ dàng khiến các nhà đầu tư nản lòng khi họ đặt cược vào một nền kinh tế hiện đại hóa, và điều đó sẽ khiến Hà Nội phải trả giá đắt trong tương lai không xa.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 16/01/2019
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một hướng đi được coi là ‘đổi mới tư duy quản lý kinh tế’ từ Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, từ ‘bao cấp’ doanh nghiệp nhà nước sang ‘tự chủ và hoạch toán kinh tế’.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (21/11/2018) - Ảnh VGP
Được triển khai từ năm 1990, và có 4 giai đoạn, trong giai đoạn thứ tư – là giai đoạn tiến hành ồ ạt, từ thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam hiện gặp rất nhiều vấn đề, từ sự thiếu minh bạch, cho đến kiểm soát độc lập, nên nguồn tài sản của nhà nước bị thất thoát (thông qua định giá tài sản sai, bán cổ phần ưu đãi sai ; giao dịch đi kèm hoa hồng ; quỹ hỗ trợ cổ phần hóa lại được cho vay với lãi suất ưu đãi), một số tài sản lớn của doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi trở thành sân sau của một bộ phận không nhỏ chính khách Việt Nam.
Một số trường hợp gặp vấn đề trong cổ phần hóa mà báo chí chính thống Việt Nam nêu ra là Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) và Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) bị phát hiện hạ giá trị tài sản ; Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex thì cổ phần hóa nhưng bỏ sót một trong những lô đất của nó ở Thành phố Hồ Chí Minh (vốn phải nằm trong các tài sản được liệt kê để cổ phần hóa). Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Thuốc lá Thăng Long đã không chuyển ngay số tiền huy động được thông qua cổ phần hóa cho Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC), theo quy định. Thay vào đó, doanh nghiệp này giữ tiền và sử dụng chúng cho mục đích riêng.
Một số doanh nghiệp nhà nước còn tinh vi hơn khi nhanh chân bán một phần của các công ty con trước trước khi bị cổ phần hóa, và chỉ chuyển vốn huy động từ cổ phần hóa của phần còn lại. Các công ty tham gia vào cách thức này bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam...
Ở khía cạnh khác, theo báo cáo của HSBC, cổ phần hóa chỉ thuần túy tạo điều kiện bán, hoặc đóng cửa các khoản lỗ đối với các doanh nghiệp nhà nước cỡ nhỏ, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn hơn với sự quản lý và sở hữu phức tạp hơn lại thiếu thốn về nghĩa vụ tài chính và nợ đối với các ngân hàng.
Xuất phát từ những hạn chế đó, nên vào ngày 21/11/2018, trong Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo chống ‘đi đêm’ trong cổ phần hóa. Điều đó cho thấy rằng, cổ phần hóa luôn là một mảnh đất màu mỡ của tham nhũng và chứa đựng những vấn đề nan giải, không thể đáp ứng đúng kế hoạch đề ra là hoàn tất vào năm 2010 hay đẩy mạnh hơn năm vào năm 2019.
Mới đây, tạp chí Forbes cũng đã có bài viết về quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam, theo đó, dù cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế thông qua tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, trong bối cảnh CPTPP có hiệu lực trong trung tuần tháng 1/2019, tuy nhiên mục tiêu cổ phần hóa 128 doanh nghiệp nhà nước từ năm 2017–2020 có thể không đạt được. Bởi lợi nhuận từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi đòi hỏi những yếu tố thuận lợi cố định.
Cụ thể, mặc dù PetroVietnam huy động được 320 triệu USD, hay Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn huy động 244,5 triệu USD thông qua IPO. Tuy nhiên, Kevin Snowball, Giám đốc điều hành PXP Vietnam Asset Managemant cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước tiết lộ ít thông tin ra thị trờng, cổ phần được bán chủ yếu qua mối quan hệ thân hữu, và đôi khi cấm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu. Sự thiếu minh bạch, công khai, thông tin đã khiến cho cổ phần hóa trở nên lộn xộn. Chính vì vậy, khi Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch 135 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn trong năm 2017 và 181 thoái vốn trong năm 2018, thì SSI Research cho biết, chỉ có 32 doanh nghiệp nhà nước hoàn tất quá trình cổ phần hóa vào cuối tháng 11.
Trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, người đứng đầu Vụ Tài chính – Bộ tài chính trong một cuộc họp vào tháng 11/2018, thừa nhận một thực tế không hề dễ chịu. Theo đó, dự kiến năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh phải cổ phần hóa 39 doanh nghiệp trong khi con số của Thành phố Hà Nội là 11, nhưng đến hết tháng 11/2018, chưa có một doanh nghiệp nhà nước nào từ hai thành phố này được cổ phần hóa.
Còn yếu tố gây cản trở cổ phần hóa liên quan đến minh bạch mà ông Kevin Snowball nhắc đến, cũng chính là yếu tố mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra, theo đó, ông đặt ra vấn đề, cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, điều mà ông Thủ tướng chưa chỉ ra lại là, quá trình cổ phần hóa với sự tham gia của nhóm thân hữu. Thành ra, mặc dù một doanh nghiệp nhà nước có cổ phần hóa rồi, nhưng về mặt đóng góp cho tái cấu trúc nhà nước thì rất kém. Bởi bức tranh cổ phần hóa hiện nay là 96,5% số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng chỉ 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân. Trong khi, mục tiêu của cổ phần hóa lại là chuyển ‘nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu qua sang khu vực sử dụng hiệu quả’.
Hậu quả của việc trì trệ trong cổ phần hóa, hay thậm chí cổ phần hóa nhưng kém hiệu quả (tham nhũng trong chính sách cổ phần hóa) là tác động xấu đến tài chính vĩ mô của Việt Nam, suy yếu triển vọng tăng trưởng, tạo khoản nợ lớn trong khu vực công, theo như Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, 2017-2018 nợ công ở mức 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ cao nhất được ghi nhận tại Việt Nam kể từ năm 2007.
Và nếu không tích cực nỗ lực cổ phần hóa đây đến hết năm 2020, cũng như chống tham nhũng trong địa vực này thì khoản nợ trong khu vực công sẽ tiếp tục gia tăng, và đây sẽ là một yếu tố xấu trong nền tài chính quốc gia mà Việt Nam đang cố giảm thiểu, cũng như dập tắt niềm vui tăng trưởng 7,08% trong năm 2018 vừa qua của Chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 03/01/2019
Dù có những bất đồng xoay quanh vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, Hà Nội vẫn coi Trung Quốc như hình mẫu trong phát triển kinh tế và tập trung xây dựng quyền lực chính trị trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Các đoàn lãnh đạo bộ ngành Việt Nam được cử sang thăm, làm việc và học tập những thành tựu kinh tế - thương mại - đầu tư của Trung Quốc. Thậm chí vào năm 2018, một nhóm nhà báo được Bộ Khoa học & Đầu tư tài trợ sang thăm Thâm Quyến và Thượng Hải, nhằm củng cố truyền thông về sự hiệu quả của đặc khu kinh tế khi áp dụng tại Việt Nam.
Sách "Paper Tiger : Inside the Real China" của Xu Zhiyuan, dịch giả Michelle Deeter và Nicky Harman
Trung Quốc cũng được coi là một nước Cộng sản kiểu mẫu, nơi mà nhiều quốc gia ít ỏi còn theo đuổi thể chế này dõi mắt và đặt niềm tin lẫn hy vọng cho sự vươn lên chủ nghĩa xã hội, sau sự sụp đổ của anh cả Liên Xô.
Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, từ một công xưởng của thế giới trở thành một quốc gia tiệm cận công nghệ thông minh (AI) cũng đảm bảo sự chính danh cho nền chuyên chuyến nước này, đứng đầu là ông Tập Cận Bình
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có thực sự là siêu cường như cách mà mọi người (đặc biệt là những nước cộng sản) đang nghĩ ?
Ryan Avent – một nhà báo của Washington Post trong một bài viết mổ xẻ về vấn đề này đã cho thấy, bất chấp những nỗ lực trong phát triển kinh tế, cũng như việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải đang căng não, khi hứa hẹn về một sự cải thiện mức sống cho hàng triệu người, 1/5 dân số Trung Quốc vẫn trong tình trạng đói nghèo, thậm chí là nghèo hơn cả nhóm dân ở vùng Hạ Sahara thuộc Châu Phi.
Trung Quốc từng có thời điểm trỗi dậy không dè chừng, nay trở nên mỏng manh hơn sau cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Sự nhượng bộ liên tục và những tổn thương nền kinh tế sau hàng loạt sự sụp đổ của nhóm đầu sỏ công nghệ Bắc Kinh đã cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ giống như… con hổ giấy.
Những gì thế giới thấy ở Trung Quốc ngày hôm nay, không đi từ nguồn lực chất xám hay một thể chế tạo nguồn cho chất xám phát triển, mà ngược lại, nó chỉ đơn thuần là sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nội địa lớn trong nước ; ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ ; trợ cấp công nghiệp. Trung Quốc trở thành hiện thân của một đất nước tham gia nhiều Công ước quốc tế về thương mại và đầu tư, nhưng cũng là quốc gia phá vỡ các niềm tin vào quy tắc của các công ước thương mại quốc tế nhiều nhất, tinh vi nhất.
Trung Quốc, tiệm cận nền công nghiệp ảo (AI), đơn giản vì thể chế này bảo hộ một nền công nghiệp copy (nhái).
Nền kinh tế của Trung Quốc chưa bao giờ thực sự bền vững, nó là một bức họa đầy khoa trương nhưng lố bịch. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn ½ kể từ năm 2007 và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nợ không bền vững. Biểu đồ nhân khẩu học theo xu hướng lao động đang giảm, và dự kiến giảm 25 triệu người vào năm 2030. Năng suất lao động của quốc gia này cũng không được đánh giá cao.
Kể cả trong giai đoạn mà nền kinh tế bùng nổ, nhiều người nhầm tưởng Trung Quốc hóa rồng, tuy nhiên, sự bùng nổ này lại dựa vào nguồn đầu tư vốn, chứ không phải dựa trên sự hiệu quả trong sử dụng nguồn lực tại chỗ. Trung Quốc nhái công nghệ và kỹ thuật hơn là tự lực tạo ra nó. Và nền kinh tế hoàn toàn phi thị trường khi mà cánh tay của nhà nước liên tục can thiệp vào và điều tiết một nền kinh tế bất kham dựa trên các tập đoàn nhà nước lớn.
Vậy Trung Quốc có giống Liên Xô không ? Có vẻ giống, khi mà các nhóm công ty tư nhân chưa bao giờ được ưu đãi, và ngay cả trong thời đại Tập Cận Bình, cũng chưa thể khiến cho nguồn đầu tư mới vào các công ty nhà nước giảm đi. Nhưng có vẻ, Tập Cận Bình, người từng hứa cải cách thị trường, lại rất giỏi trong lĩnh vực rao giảng kinh viện về quyền lực tuyệt đối, cũng như bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng chính kiến.
Tất cả những điều trên gợi nhớ một nhà nước Liên Xô trong giai đoạn cuối, thời điểm mà mệnh lệnh chính trị được coi là số 1 trong điều hành kinh tế, nợ chồng chất, vốn đầu tư thấp, năng suất kém….
Và một sự bùng nổ chính trị đã kết thúc tất cả.
Trung Quốc có thể bị loại bỏ cuộc cạnh tranh quyền lực mềm hoặc hoặc một vị thế cường quốc mà nước này đang theo đuổi với nền kinh tế đầy bất ổn nêu trên. Và như vậy, bản chất của Trung Quốc nào có phải là một cường quốc, nói theo khẩu ngữ của NXB Sự thật (Việt Nam), thì Trung Quốc là "con hổ giấy" và nó đang "giãy chết".
Vậy hà cớ gì phải theo đuổi một "cường quốc tự phong" như vậy, trong khi có thể tự cường thay đổi và cải cách (thể chế kinh tế, chính trị, xã hội) trên cơ sở tự do hóa ?
Việt Nam thực sự muốn vậy không ? Điều này phụ thuộc rất nhiều về "quyền lợi quốc gia" được các lãnh đạo Hà Nội đặt ở đâu trong lựa chọn tồn tại và phát triển.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 02/01/2018
Facebooker Lưu Trọng Văn trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân cho biết, chỉ có 64% ủy viên trung ương trong Hội nghị vừa rồi đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang (kỷ luật đảng).
Tất Thành Cang - Ảnh minh họa
Còn Facebooker Hien Nguyen chia sẻ thêm : thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hai phiếu đề nghị cách chức.
Nếu đúng như những gì được nêu, thì 64% sẽ là một trở lực rất lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Sở dĩ như vậy là vì 64% xuất hiện trong bối cảnh ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền Chủ tịch nước lẫn Tổng Bí thư, là người nhiều lần khẳng định ‘nhân dân ủng hộ đốt lò’, cũng như đây là con số nằm dưới mức 'đồng thuận cao' mang tính thường trực ở một thể chế như Việt Nam.
Nhiều sai phạm, trong đó có đại án Thủ Thiêm với sự góp mặt đậm nét của Tất Thanh Cang, một Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ở mức 64%.
Con số này cho thấy vì sao, tham nhũng mặc dù bị coi là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay ; là một nguy cơ gây mất ổn chính trị trị - xã hội nhưng cuộc chiến chống tham nhũng vẫn hiệu quả đến đâu vẫn là một câu trả lời khó đoán. Liệu rằng, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng rời đi, giá trị chống tham nhũng có trở về lại vị trí ban đầu, khi ý thức chống tham nhũng trong trung ương Đcộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề để đặt ra.
Tất Thành Cang chỉ là bước đầu chạm đến lãnh đạo cấp cao ở trung tâm tài chính - kinh tế cả nước, nhưng cán cân không hề tạo ra sự chênh lệch cho thấy, chiến dịch đốt lò có xu hướng ngắn hạn, tương tự như tính chất tuổi tác của ông Nguyễn Phú Trọng. Cản lực lợi ích nhóm (hay là sân sau) gắn vớiTất Thành Cang sẽ khiến việc nhóm lò tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên khó khăn hơn.
64% là biểu hiện đặc sệct của cái mà báo Dân Trí gọi thẳng tên là ‘sự thất bại của công tác chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ XII của Đảng’. Điều này đồng nghĩa, phần lớn Ủy viên trung ương được quy hoạch trong giai đoạn trước năm 2016 đều có vấn đề. Tuy nhiên, giờ đây, những ủy viên này ngồi trong ghế trung ương, nếu không có sự ‘tự chuyển biến, tự chuyển hóa’ mang tính tích cực, thì những ‘thất bại’ này sẽ trỗi dậy khi ông Nguyễn Phú Trọng rời nhiệm sở. Và do đó, nếu ông Nguyễn Phú Trọng không tích cực triển khai một đội hình chính trị nòng cốt để thừa nhiệm quan điểm chống tham nhũng của mình, cũng như một hệ thống công tác cán bộ đủ ổn (nhằm loại bỏ chuyện bỏ phiếu vì quan hệ, vì tình cảm) cho ĐH XIII thì số phận chính trị của chính ông Trọng cũng sẽ rơi vào an nguy.
Trước đó, vào năm 2012, tại Hội nghị trung ương 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị đề nghị kỷ luật nhưng kết thúc hội nghị ông đã không phải chịu hình thức kỷ luật nào. Câu chuyện ở đây là mặc dù Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật, nhưng đưa ra trung ương lại không đồng ý kỷ luật, chính xác là những ‘cảm tình viên’ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã từ chối thẳng lời đề nghị của Bộ Chính trị.
Có lẽ xuất phát từ yếu tố này mà trong một bài viết của báo Thanh Niên vào tháng 12/2018, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, cần thay đổi việc kỷ luật từ việc đưa người ra Hội nghị trung ương, thì có thể đưa ra cho 1.500 đại biểu ĐH quyết định (thay vì 200 Ủy viên trung ương). Đây là bước thứ hai trong hướng thay đổi luật biểu quyết kỷ luật nhằm loại bỏ lợi ích nhóm ở nhiệm kỳ trước.
Điều này cực kỳ cần thiết, và hỗ trợ tốt cho việc bóc tách lợi ích nhóm trong xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm, không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh, mà tại các tỉnh thành khác.
Vào tối ngày 27/12, một bài viết trên báo Người Tiêu dùng với nhan đề : ‘https://www.nguoitieudung.com.vn/nhieu-cap-duoi-bi-bat-giam-va-ky-luat-nang-bao-gio-ong-le-thanh-hai-va-le-hoang-quan-vao-lo-d74189.html+&cd=7&hl=en&ct=clnk&gl=vn">Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân ‘vào lò’ ?’ của hai tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn đã bị gỡ bỏ. Nội dung bài viết đề cập : Dư luận đang mong chờ Ban Chỉ đạo Phòng Chống tham nhũng Trung ương và các cơ quan tố tụng sớm tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Thanh Hải (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và ông Lê Hoàng Quân (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
Nếu không giải quyết được bài toán về cán bộ, từ khâu bổ nhiệm đến thẩm quyền kỷ luật, thì Đại hội XIII sẽ không thể kế tục xử lý các đảng viên, tổ chức đảng cơ sở gây thất thoát ngân sách nhà nước trong tương lai.
Tuy nhiên, khâu cán bộ chỉ là một phần của các biện pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Trong đó, then chốt nhất của chống tham nhũng vẫn nằm ở việc phải tạo mọi điều kiện và cách thức để gia tăng sự giám sát của người dân. Chính người dân sẽ là yếu tố quyết định số phận chính trị của người đứng đầu công cuộc chống tham nhũng đi đến đâu, trước tác động tiêu cực và đông đảo của lợi ích nhóm. Giống như cách mà ông Nguyễn Đình Hương diễn giải, thì nếu chỉ ‘một cái áo nó rách rồi, vá cũng chỉ là vá tạm […] vá từng khúc, từng khúc thì không ăn thua.’
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 30/12/2018
Phẫn nộ : Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! (VNTB, 26/12/2018)
Vừa qua, Bộ Tài chính cho hay việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ngày 26/11/2018 của Bộ Tài chính là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và Hà Nội.
Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! - Ảnh minh họa
Tuyên bố này gây ra nhiều tranh cãi, ngay sau đó báo điện VNN vào cuộc làm rõ, hóa ra ‘đúng là có việc cử tri Lào Cai kiến nghị về thu phí đối với khí thải. Thế nhưng cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp’. Thế nhưng, khi Bộ Tài chính tiếp nhận, thì đã loại bỏ chữ công nghiệp, và kiến nghị của cử tri Lào Cai đã trở thành một kiến nghị thuế phí mới, với đối tượng, phạm vi áp dụng rộng rãi hơn.
Chưa bao giờ, người ta nhận thấy Bộ Tài chính lại ‘năng nổ’ trong tiếp nhận và triển khai kiến nghị của cử tri đến thế. Nhưng sự năng nổ này lại áp dụng khi cử tri muốn ‘tăng’ thay vì giảm. Có quá nhiều lý do để giải thích cho sự việc này, và một trong số đó là : ngân khố trong tình trạng suy kiệt. Và thay vì giải quyết triệt để vấn đề thâm thủng ngân sách theo hướng siết chặt chi tiêu cơ bản, minh bạch hóa ngân sách, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công thì ngược lại, tiến hành đẻ các loại thuế phí (đặc biệt là thuế gián thu) để bổ sung ngân sách.
Đó là lý do vì sao rất nhiều Facebooker bày tỏ sự phẫn nộ, Facebooker Nguyễn Đăng Giang cho biết, việc lắng nghe cử tri là điều cần làm, nhưng lắng nghe phải cho đúng, cho đủ, thay vì cố tình xuyên tạc lời người dân. Còn Facebooker Ngan Cao Trọng phải thừa nhận trong một phản hồi liên quan đến tin tức trên rằng : giữ túi tiền quốc gia nhưng không quản lý được thì chỉ còn biết đè dân đen ra thu chứ biết làm gì nữa. Chỉ một tỉnh miền núi Lào Cai có là đại diện cho 63 tỉnh thành cả nước không ? Và đặc biệt là tỉnh miền núi nên không phải là tỉnh có tỉ lệ xe quá cao so với các tỉnh thành cả nước.
Ngoài ra, liệu có đáng phẫn nộ hay không khi mà đã có thuế bảo vệ môi trường, giờ đây lại có phí môi trường ? Có sự khác nhau gì ngoài cái tên và bản chất bóc lột đồng tiền của người dân ?
Nhưng tại sao một số cơ quan nhà nước lại tìm cách lắp-ghép quan điểm của người dân theo ý mình ? Câu trả lời là vì, bấy lâu nay không có công cụ nào để kiểm tra và giám sát việc làm của họ, và họ dựa vào tính quyền lực (thông qua cưỡng chế) nhà nước và bộ máy truyền thông khổng lồ để ‘nhân danh nhân dân’ và ‘bóc lột nhân dân’.
Điều mà Bộ Tài chính không hề nghĩ tới (dù họ bỏ qua sự liêm sỉ) là, người dân đã khôn ngoan hơn xưa, đã có mạng xã hội để họ nhận diện phát ngôn và hành động thực của từng ‘IQ cao’. Thế nên, họ mới phát hiện ra bà lãnh đạo Bộ Tài chính đánh tráo khái niệm nhằm đạt được mục tiêu. Một trạng thái mà dân gian ví đó là ‘hở ra là đớp’, hay theo ngôn ngữ chính trị của bà Phó Chủ tịch nước thì ‘ăn của dân không từ một cái gì’.
Đặt vấn đề, giả như ngay cả khi người dân muốn có thuế phí đối với khí thải, thì người dân cũng mong muốn nó được áp dụng đúng, đủ và đầy. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong các loại thuế phí, thì thuế phí môi trường được coi là loại vô dụng nhất, bởi nó không trợ giúp kiểm soát môi trường cho cộng đồng dân sinh, mà là nguồn để bổ túc cho các nguồn chi khác, nói chính xác là thu chi sai mục đích. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường Việt Nam bởi các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa đang 'tăng trưởng' nhanh chóng. Nói cách khác, môi trường Việt Nam đang bị bán rẻ đến mức rẻ mạt, những nhà máy nhiệt điện vẫn cứ xả thải vô tội vạ ; những khu công nghiệp vẫn phun khói độc và dòng thải chưa qua xử lý vào lòng đất, song và biển,… Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy tác dụng của nguồn thuế bảo vệ môi trường nào xuất hiện. Trong khi bản thân người dân bị bóc lột đến mức ‘phí chồng phí, thuế chồng thuế’.
Trong một báo cáo vào đầu năm 2018, tổ chức phi chính phủ - Green ID, cho biết 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ánh Liên
*******************
‘Tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà’ (VNTB, 26/12/2018)
Trong thời gian thực hiện loạt bài ghi nhận ý kiến người buôn gánh bán bưng, xe ôm trước việc họ phải đối mặt thêm sắc thuế khoán trong năm 2019, Nhóm phóng viên VNTB còn nhận ra chuyện người nghèo buôn bán không chỉ phải đóng các khoản hụi chết cho lực lượng quản lý đô thị nhằm mua lấy sự yên ổn buôn bán, mà người nghèo còn vướng vào bẫy nợ của tín dụng đen. Đây sẽ là khoản hao hụt sở hụi trong doanh thu mà ngành thuế khó thể tính khi muốn khoán thuế.
Cán bộ thuế thử nghèo đi thì mới hiểu…
Với cái mẹt bày hành, tỏi, ớt bán trước khoảng sân rộng của chợ Hanh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Tám Bảnh đã bất ngờ nổi nóng chửi đổng khi Nhóm phóng viên VNTB đi ghi nhận ý kiến của người buôn gánh bán bưng về việc nhà nước tính thu thuế khoán với họ trong năm 2019.
"Đ. con m. bà nó. Tao bán hành tỏi ế thấy mụ nội, đã vậy còn bị mấy thằng trật tự phường đuổi chạy muốn rả cặp giò, giờ lại đè tao ra mà oánh thuế nữa hả ? Thằng con tao nói mấy trạm bốt gì đó (ý bà muốn nói đến trạm thu phí giao thông đường bộ BOT) ỷ có mấy thằng chống lưng, rồi tác oai tác quái. Cái gì, bộ tài chánh thu thuế hả ? Tao già rồi, tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà… Đồ ch. chết !". Bà Tám chửi khá thô tục.
Ông Nguyễn Đức, bán quần áo sida trước cổng chợ Hanh Thông Tây, kể gia đình bà Tám Bảnh vốn đâu phải nghèo hèn gì. Hồi xưa, má của bà từng nuôi giấu cán bộ. Sau này khi đất đai quy hoạch, cả nhà bà Tám Bảnh bị đền bù giá rẻ mạt rồi tống ra đường. Con cái của bà tứ tán. Bà Tám bắt đầu chửi chế độ từ đó.
"Cán bộ thuế có ai nghèo đâu mà biết bà Tám hay tụi tui cực khổ buôn bán thế nào. Mà cũng đúng, nghèo thì làm sao có tiền để lo chạy một suất vào làm cán bộ thuế. Xóm tui có cậu kia kể để được nhận vào làm quản lý đô thị quận, cậu phải lo lót mấy chục triệu bạc mua cái bằng cấp về ngành xây dựng, sau đó là chung chi để vào làm nhân viên quản lý đô thị, chuyên đi rảo xóm để kiếm chuyện phạt…
Bán quần áo dạo như tui cũng bị mấy cậu đó bắt phạt. Muốn yên thì phải trà nước. Giờ nếu tụi tui đóng cho mấy ổng thêm thuế khoán gì đó như nhà báo hỏi, chắc đành bóp bụng chi thêm chút đỉnh nữa để khỏi đóng thuế…". Ông Nguyễn Đức tâm sự.
Một cậu sinh viên bày hàng loa vi tính, quạt máy xài USB, con chuột, đèn, tai nghe, bàn phím…, góp chuyện rằng chính sách thuế hiện nay đang đánh đồng giữa "doanh thu" và "thu nhập" đối với người kinh doanh.
"Hầu hết các hộ kinh doanh đang sử dụng mặt bằng thuê lại, cơn sốt nhà đất đã đẩy giá thuê măt bằng tại thành phố lên cao. Một quán cóc bình thường thì giá thuê mặt bằng đã trên 10 triệu đồng/ tháng, giả sử doanh thu của họ ở mức 10 triệu đồng/ tháng, tức 120 triệu đồng/ năm, có nghĩa là đang chịu lỗ vì mới đủ tiền thuê, song theo quy định hiện nay vẫn phải đóng thuế như thường. Thế nên đa số các hộ kinh doanh cá thể phải lách thuế bằng nhiều cách, tiêu cực cũng phát sinh từ đó". Cậu sinh viên tự giới thiệu tên Nguyễn Tùng, khoa công nghệ thông tin một trường đại học, nhận xét với Nhóm phóng viên VNTB.
Tín dụng đen : 10 triệu bạc doanh thu chỉ đủ đóng tiền lãi vay !
Ông N.H.Đ, một cựu sĩ quan, hiện làm bảo vệ một ngôi chợ gần doanh trại quân đội ở quận 12, Sài Gòn cho biết đừng nghĩ doanh thu một gánh bún riêu 10 triệu đồng/tháng là cao.
"Một tô bún riêu bình dân bán buổi chiều ở chợ dành cho người lao động nghèo chỉ có 15 ngàn đồng. Lời chừng 1.000 đồng/ tô. Để có doanh số 10 triệu bạc/ tháng, có nghĩa mỗi ngày phải bán đến hơn 300 tô. Không hề dễ. Số vốn ban đầu để sắm sửa ra nghề, nhiều khi là đi vay. Lãi vay này đâu có nhẹ…". Ông N.H.Đ dè dặt kể.
"Tôi chính là một nạn nhân khi đứng ra vay dùm cho một gia đình nghèo khó muốn có gánh bún riêu mưu sinh. Lần đó, vay 10 triệu để sắm sửa nồi niêu, bàn ghế và những khoản tiền ban đầu trà nước cho địa phương. Lệ thường ở chợ, lãi suất chỗ nào quen thì khoảng 5.000 đồng/triệu/ngày, chỗ không quen khoảng 7.000 đồng/triệu/ngày. Mới đầu buôn bán thì làm sao lời được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Đứt vốn. Rốt cuộc số tiền đó lên gần 40 triệu…". Ông N.H.Đ nói rằng bận ấy để mua lấy sự yên ổn, ông đành chạy vạy người thân để gom đủ số bạc 40 triệu trả dứt nợ một lần.
"Coi như mình làm phước cho bà bún riêu. Nhưng chắc cán bộ thuế thì không biết điều đó. Họ cứ xé biên lai hoa chi đều đặn. Giờ mà họ tính thu thuế khoán bà bán bún riêu, chắc tui đành treo nợ cho bả, chứ sao đành…". Ông N.H.Đ thở dài cam chịu.
Ông Đ. tâm sự vợ của ông từng có một xe đẩy bề thế bán cơm cho công nhân. Để có vốn sắm sửa bàn ghế, chén dĩa và mướn mặt bằng rộng rãi hơn, ông đã chọn vay qua mối quan hệ quen biết hồi còn là sĩ quan quân đội.
"Ngặt còn ở chỗ lúc vay tiền mở mang chỗ bán, mấy ông thuế địa phương tưởng vợ tôi làm ăn khấm khá hơn nên đòi tăng tiền tháng…
Giờ nghe nhà báo hỏi vụ thuế khoán, nhớ hồi vay nợ đó, tôi thấy dường như mấy ông quan chức trên bộ tài chính không giống sĩ quan tụi tôi là phải đi dần từ thằng lính leo lên. Khoán thuế với người buôn gánh bán bưng, với xe ôm nơi đầu hẻm… cần nhớ rằng tiền vốn lận lưng ban đầu của họ cơ cực lắm. Nhiều khi đánh đổi bằng máu theo đúng nghĩa đen.
Nói nhà báo thương, tôi là đảng viên. Tôi thấy nhục khi đảng của mình giờ đây cứ chăm chăm tìm cách hút máu dân. Chuyện hăm he thuế khoán với dân nghèo khó mưu sinh, tôi nghĩ nếu thực sự vì lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chân chính, thì không chỉ miễn thuế cho họ, mà cần giúp đỡ họ đồng vốn cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.
Cũng thú thiệt với nhà báo, lần nào họp chi bộ, tôi cũng muốn nói thẳng rằng khi người yếu kém và thiếu trách nhiệm ngồi nhầm chỗ, cả một guồng máy sẽ đình trệ và người tài cũng rồi cũng hỏng hóc…". Ông N.H.Đ chia sẻ đầy uất ức.
Tạm kết
Trong nỗi niềm dồn nén của người đã cùng Nhóm phóng viên VNTB thực hiện loạt bài ghi nhận chủ đề thuế khoán sẽ đánh vào người nghèo buôn gánh, bán bưng, nhà báo P.V.P đã đầy phẫn nộ chấp bút cho phần kết của bài viết này : Không ngày nào trong cả năm qua mà không đọc thấy một hay vài ba mẩu tin nào đó cho thấy họ len lỏi vào tâm trí chúng ta, đòi kiểm soát tư tưởng và phát biểu ; họ nhòm ngó túi tiền của chúng ta, tính chuyện bóp nặn bòn rút ; họ ngắm nghía đo lường tài nguyên để tính chuyện bán sỉ, bán lẻ chia nhau ; họ bán sạch mọi tài sản mà họ nắm trong tay ; khi hết cái để bán, họ bán nốt quyền xả thải gây ô nhiễm và bảo đảm cho doanh nghiệp ô nhiễm ấy không bị dân chúng phản đối.
"Họ là ai" ?
Nhóm phóng viên
*****************
Nhăm nhe đánh thuế xe ôm, quán cóc (VNTB, 25/12/2018)
"Buôn bán có đồng ra, đồng vô, tôi hiểu cần phải đóng thuế. Nhưng chuyện khoán số tiền thuế phải đóng là điều bất hợp lý. Ngoài ra người dân đã nộp đủ thứ thuế thì họ phải được hưởng lợi ích an sinh tương ứng từ đồng thuế đó ! Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước (1)".
Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ đã bày tỏ như vậy khi quán cà phê cóc mà gia đình thầy mở cạnh bên trường tiểu học ở quận 5 đang được chi cục thuế nơi đây nhăm nhe đánh thuế.
Trong dịp gặp gỡ mừng lễ Giáng sinh ở quán nhậu lề đường, nhóm bạn là giáo viên đã nhận được câu hỏi từ các phóng viên Việt Nam Thời Báo, về ý kiến ra sao trước thời sự ngành thuế sẽ khoán thuế đối với những người buôn gánh, bán bưng trên hè phố, trong ngóc ngách xóm hẻm, những bác tài xe ôm ‘truyền thống’ ở đầu đường, xó chợ ?
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ kể rằng học trò nơi ông dạy, hầu hết là từ xóm nghèo Mã Lạng nổi tiếng du dãng, xì ke ma túy của quận 1. Ngoài giờ đến lớp, học trò của thầy Sĩ phải dành thời gian phụ cha mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Đồng tiền cho cơm gạo, cho áo quần, tập vở với các em này là chưa bao giờ dễ dàng… "Tôi đã bật cười khi đọc báo thấy đăng có mấy quan chức, cán bộ khoe ngoài giờ làm đã chạy xe ôm, bán chổi đót hoặc nuôi heo dành dụm tiền xây biệt phủ. Chắc mấy bác ngành thuế thấy vậy tin thiệt nên tính chuyện thu thuế xe ôm, bán vỉa hè để tránh bỏ sót ?". Thầy Sĩ mỉa mai nói.
Là giáo viên dạy văn vừa nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Thị Tiến kể ở khu chung cư quận 10 nơi cô ở, học trò khi đi học về là phụ gia đình ra vỉa hè xung quanh đó để bán hàng rong, như bán bánh tráng trộn, chè bịch, hột vịt lộn… "Gia đình các em cả chục miệng ăn, nhiều khi chỉ sống vào những gánh hàng chạy chợ đó. Mua món hàng về bán là đã một lần đóng thuế giá trị gia tăng. Để có chỗ bán bên lề vỉa hè không bị quản lý đô thị đuổi lên đuổi xuống, là phải biết điều nộp tiền ít hay nhiều tùy vào… lương tâm của các viên chức ấy. Tôi không biết cán bộ thuế khi áp mức thuế khoán, có gia trừ tình cảnh đó hay không ?". Cô Tiến thắc mắc.
Giáo viên dạy môn địa cấp 2, cô Nguyễn Thu Dung lập luận : "Bài học ở lớp từng giảng cho học trò về thời thực dân Pháp bóc lột người lao động nghèo xứ An Nam bằng loại thuế khoán, còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người, một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau, không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng... của họ. Thuế thân hay còn gọi là thuế đinh ở Việt Nam đánh trên mỗi nam giới trưởng thành trước đây chính là một sắc thuế khoán.
Dĩ nhiên tôi cũng giảng cho học trò rằng thuế khoán không gây ra sự thay đổi về giá cả tương đối giữa các sản phẩm, nên nó có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại thuế khác, vì để chính phủ thu được một số tiền thuế bằng nhau, thì thuế khoán sẽ làm độ thỏa dụng của tất cả các cá nhân giảm đi ít hơn so với các loại thuế khác.
Tôi hiểu là nhà nước sẽ xét doanh thu tính thuế khoán đối với cá nhân nộp thuế, trong đó khoán là doanh thu được ổn định trong một năm. Tuy nhiên như ý kiến của thầy Sĩ, của cô Tiến, chúng ta làm sao xác định đúng mức doanh thu bình quân có chiết trừ gia cảnh của người nghèo buôn gánh bán bưng, của đồng tiền chạy xe ôm thất thường còn đến từ sức khỏe của bác tài ?".
Luật gia Nguyễn Cao, người từng có thời gian là thầy giáo môn toán của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, tiếp lời bằng một dẫn chứng : "Vấn đề của cô Tiến, cô Dung đặt ra sẽ được cán bộ thuế trả lời rằng trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh, thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế… Thông tư 92 của Bộ Tài chính đã quy định như vậy.
Nghĩa là nếu mấy quan trên của Bộ Tài chính đã quyết vắt cổ chày ra nước, thì họ vẫn có cơ sở pháp lý để thực hiện. Chuyện công bằng an sinh như thầy Sĩ nêu, thực ra đó là một chính sách xa xỉ đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhấp chuột vào trang đồng hồ nợ công của Việt Nam (2), sẽ nhận ra ngay mỗi người dân xứ mình đang phải è cổ gánh nợ hơn 56 triệu đồng/người ! Sống trong thấp thỏm nợ mà đòi hỏi an sinh là phù phiếm…".
Bà chủ quán nhậu mà nhóm những thầy cô giáo cùng với các phóng viên Việt Nam Thời Báo đang rôm rã luận bàn, bất ngờ xin góp chuyện. Bà nói mấy thầy cô toàn nói chuyện cao xa quá.
"Phải biết phận mình thôi, tụi em là dân vùng khác đến, người ta nói thế nào mình cũng phải chịu. Em chỉ mong sao các cấp trên quan tâm đến chị em bọn em. Bởi vì cùng là con người, vì điều kiện sống mà người ta mới phải ra đây. Tụi em đâu phải công dân hạng hai. Tụi em chỉ muốn làm ăn yên ổn, kiếm được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học tử tế, không phải gánh đồng hồ nợ công gì đó.
Đừng phân biệt đối xử như vậy với tụi em. Tận thu, không để sót, quá sòng phẳng. Đồng ý, nhưng cần sòng phẳng luôn với dân trong việc công khai, minh bạch sử dụng tiền thuế... Chứ nghe nói mấy đại gia nhà mình ở thiên đường thuế gì ấy, sao mà bất công quá mấy thầy, cô ơi !".
Nhóm phóng viên
Chú thích :
(1) Cái chày ngày xưa thường dùng để giã gạo, bột, thuốc, tiêu, ớt... Người ta đẽo chày dài ngắn tùy theo cái cối lớn nhỏ và để đứng hay ngồi mà giã. Phần giữa thân chày được làm nhỏ cho vừa tay nắm. Việc giã thường khiến người giã tiết ra nhiều mồ hôi (do làm việt cật lực) toàn thân, và mồ hôi tuôn ra từ tay ngấm vào cổ chày.
Thân chày bằng gỗ đương nhiên không có nước, vậy thành ngữ "vắt cổ chày ra nước" là chỉ việc tận dụng triệt để đến cùng tận từ một việc, một vật, một vấn đề nào đó được phóng đại ám chỉ ai đó keo kiệt bủn xỉn không bao giờ phí bỏ một thứ gì... đến cái chày mà hắn còn vắt ra nước... Thành ngữ này ám chỉ kẻ bóc lột sức lao động của người khác, đến những giọt mồ hôi của người làm công giã gạo thấm vào thân chày mà giới cai trị còn cố vắt lấy không bỏ sót thì đủ thấy 5 chữ này đã lột tả hết sự nghiệt ngã, thân phận của người làm thuê như thế nào.
Không phải ‘Quan làm báo’, càng không phải ‘Chân dung quyền lực’, phương trình X có thể sẽ được giải bằng truyền thông Facebooker với báo chí chính thống ?
Nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng đều rơi vào trạng thái kỷ luật, điều tra, và truy tố
Sau khi Bắc Hà bị bắt tại Campuchia, mà nguồn tin đi đến sớm nhất là một Facebooker Phạm Việt Thắng (người làm báo bên Lao Động Nghệ An), nhiều người tin rằng, những người tin này là cố tình tuồn ra để định hướng dư luận, và cho tập làm quen dần với thông tin nhạy cảm, tránh những cú sốc trong hệ thống ngân hàng.
Bắc Hà – ‘ông chủ’ BIDV bị bắt, ngay sau đó, VTV cũng đã đưa tin về việc này nhằm trấn an dư luận rằng việc bắt người và hoạt động BIDV là độc lập nhau. Tất cả nhằm tránh lặp lại câu chuyện ‘bốc hơi’ 1,8 tỷ USD vào ngày 9/8/2017 (ngày mà Facebooker Huy Đức tung tin ông Bắc Hà bị bắt).
Facebooker Phạm Việt Thắng cũng là người đưa tin về Nguyễn Bắc Son và một số thông tin liên quan đến vụ AVG, lẫn Phan Văn Anh Vũ.
Những thông tin liên quan đến những con người vây quanh ông Nguyễn Tấn Dũng ngày xuất hiện một nhiều với thông số : kỷ luật, điều tra, khởi tố, bắt giam và kết án. Một số khác như con gái ông Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng xuất hiện trên báo với trạng thái ‘thoái vốn’.
Nhưng đó chưa dừng tại đó, dường như báo chí cũng được huy động để sắp xếp lại một phương trình nhằm giải X.
Vào ngày 04/12, trang tin của nước Nga (sputniknews) đã cho đăng tải thông tin với tiêu đề : Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang ? Nội dung bài viết lấy nguồn tin giấu tên cho biết, chống tham nhũng được đẩy lên mức độ mới, cao hơn, bởi ‘sự chỉ đạo từ Trung ương thường xuyên, liên tục hơn’. Và ‘Kiên bạc, Trầm Bê & Bắc Hà - đều là đồ đệ của đồng chí X, những người lũng đoạn thị trường tài chính nhằm mưu lợi cho nhóm sân sau của X. Và đều liên quan đến sự phình ra của Bản Việt (nơi con gái ông Dũng làm chủ)’.
Sáu ngày sau, báo chí trong nước đưa tin : Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Vinashin. Tin này là cực kỳ quan trọng trong giải phương trình X, bởi Vinashin là di sản lớn, in đậm dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trương Văn Tuyến, người bị bắt giữ chính là người đã được ông Nguyễn Tấn Dũng, bằng quyết định số 1832 đưa lên làm thành viên Hội đồng quản trị Vinashin.
Trước đó, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 5, khóa XI, 2016 ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến Vinashin, Vinaline như một trong các trường hợp Bộ Chính trị, Ban bí thư 'lúng túng, buông lỏng, kiểm tra giám sát không chặt chẽ'. Và ông Nguyễn Phú Trọng nghẹn lời trong phát biểu đến đoạn : Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành thật 'nhận lỗi' ban chấp hành trung ương về những yếu kém, tồn tại trong xây dựng đảng.
Cuộc chiến đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa truyền thông xã hội lẫn truyền thông chính thống, điều này vừa đảm bảo điều tiết được dư luận, vừa đảm bảo thị trường tài chính không bị xáo trộn. Và nó càng gia tăng mạnh mẽ niềm tin ‘giải X’ trong người dân, trong bối cảnh Đại hội XII đang đến rất gần (05/2019). Nói đúng hơn, nó tạo ra một luồng dư luận có lợi cho công cuộc chống tham nhũng, về mặt chính diện nó là mũi xung kích để kết tội, về mặt không chính diện, nó là cơ sở bảo đảm bảo vệ tính chính danh trong cuộc chiến đốt lò, nhằm tranh sự 'lật kèo' từ đối phương như từng diễn ra vào năm 2016.
Ông Trọng thực sự ‘thâm nho’ trong cách trả nợ cũ. Khi ông từng bước bẻ gãy vây cánh bằng tội ‘chống tham nhũng’, đưa mình nắm giữ các chức vụ, thay đổi luật biểu quyết kỷ luật từ trung ương trở về Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Và giờ đây, ông triển khai hệ thống truyền thông để dọn đường và sắp xếp trật tự cho cuộc chiến đốt lò. Bằng cách này, ông Trọng giữ cho lò luôn trong trạng thái đốt, nhưng lại không hề mang tính quy luật nào cả. Các tội phạm bị lên báo vào ngày thứ Bảy, nay chuyển thành thứ Sáu hoặc thứ Hai ; truyền thông mạng xã hội được mở ra ở một mức độ vừa phải để tuồn tin và khơi dậy uy tín cho ông Trọng, và nếu truyền thông chính thống là sự phân bổ tin chính thức – thì mạng xã hội lại trở thành một đánh giá và gợi ý thêm các nhân vật tiếp theo.
Facebooker Huy Đức từng là ‘loa phát thanh’ nhắm vào việc truy tội cho ông Nguyễn Tấn Dũng với những lời lẽ ‘thẳng như ruột ngựa’, nay nhường chỗ cho Phạm Việt Thắng với ý tứ theo thơ và ẩn dụ nhiều hơn.
Truyền thông hiện tại tập trung lật giở những con bài X. Điều này đồng nghĩa, X sẽ bị ‘kết tội’ về mặt báo chí, nếu như việc đem ông ta ra tòa là không thể. Kế sách này được gọi là ‘Phản khác vi chủ’ – nghĩa là ‘từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng’.
Trong một sự kiện có liên quan, trong thông cáo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có nhắc đến 'kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Kiên Giang'.
Và người viết cảm nhận, tết năm nay thực sự không hề vui vẻ với cựu Thủ tướng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/12/2018
Hàng vạn người đổ ra đường, với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, những tiếng gõ, nẹt-pô xe ầm ĩ, tiếng la hét, ới gọi nhau trở thành những âm thanh lộn xộn đầy sống động ở các thành phố lớn.
Mùa xuân Praha ? Mùa xuân Budapest ? Cách mạng Nhung ? Cách mạng Cam hay Mùa xuân Ả Rập ? Quên đi !
Facebooker Lâm Bình Duy Nhiên bình luận : Mùa xuân Praha ? Mùa xuân Budapest ? Cách mạng Nhung ? Cách mạng Cam hay Mùa xuân Ả Rập ? Quên đi ! Chỉ là trận thắng bán kết bóng đá lượt đi Philippines - Việt Nam mà thôi !
Môn thể thao vua khiến người dân tự động đứng sát, kề vai và lắng nghe tiếng nói của nhau, môn thể thao này cũng khiến họ quên đi phí thuế đang tăng, đốt lò, và cả những rục rịch khởi động BOT ở một vài nơi. Nói cách khác, bóng đá trở thành một chất kích thích (doping) mà người Việt Nam dường như qua đó biểu lộ được sự đoàn kết tuyệt đối.
Người hâm mộ đổ ra đường chào đón đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trở về nước sau giải Châu Á 2018 tại Trung Quốc (tháng 1/2018)
Bóng đá là bóng đá, một trận cầu thua hay thắng của đội tuyển quốc gia có thể làm vỡ òa những cảm xúc hàm chứa bên trong. Nhưng bóng đá không thể thay thế tương lai của họ và con em họ. Bóng đá không thể giúp xây dựng một nền giáo dục đủ chính chắn và trưởng thành, một nền bầu cử đủ tự do và dân chủ, một chính thể đủ kỹ trị và minh bạch. Bóng đá chỉ đơn thuần là đá trái bóng.
Nhưng bóng đá đã làm được điều mà hàng thế hệ người đấu tranh dân chủ - nhân quyền chưa làm được : sát cánh lại.
Có người tiến hành các hành vi, lời nói xỉ nhục những người hâm mộ bóng đá, nhưng người hâm mộ chỉ đơn thuần là biểu hiện của một nền dân chủ chưa thực sự làm chủ.
Hãy nhìn xem, một cuộc tụ họp để phản đối chặt hạ cây xanh hay bụi xỉ than từ nhà máy nhiệt điện có thể nhận được sự chào mừng từ hệ thống công an vụ. Hệ thống này bằng cách theo dõi, đe nẹt, đánh đập và thậm chí kết hợp với hệ thống tư pháp để bỏ tù những ai mà họ cho là ‘kích động’ đã khiến đám đông dè chừng. Và vì thế, dù có sự gia tăng về những người ủng hộ sự dân chủ hóa, nhân quyền hóa thì con số này vẫn khá khiêm tốn.
Facebooker Lương Huy đã đúng phần nào khi ông sử dụng cụm từ ‘ersatz’, một cụm từ miêu tả một sự tiêu cực và giả tạo. Và nếu áp chế vào bóng đá thì tinh thần cuồng nhiệt, sự tụ họp đông người, là một biểu hiện trực tiếp nhất cho sự giả tạo của tinh thần yêu nước. Nhưng có lẽ, phải có một sự thông cảm cực kỳ lớn với người hâm mộ bóng đá, bởi họ được gieo rắc một nỗi sợ hãi, trước dùi cui và nhà tù, và họ chọn 1 giải pháp an toàn hơn : an thân.
Những người Cộng sản trước đây từng trích dẫn câu nói rất nổi tiếng của K. Marx : Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Và nay, tôn giáo được người cộng sản Việt Nam chuyển hóa thành một chủ đề dân dã hơn - bóng đá.
Cứ ra đường gây tắc nghẽn giao thông, nẹt bô xe, đi bão,… nhưng mức độ xử lý chỉ dừng ở bỏ qua, nhắc nhở, cao lắm là phạt hành chính. Chính quyền cho phép người dân tự lựa chọn giới hạn cho chính họ, hoặc tự do bóng đá với sự thoải mái tụ họp đông người ; hoặc tụ họp đông người để đòi nhân quyền với nhà tù đang mở rộng cửa. Và bằng cách này, bóng đá đã chính thức là thuốc phiện của người dân Việt Nam.
Những người Việt Nam tụ tập đông người ủng hộ bóng đá trong bối cảnh một Paris đang có phong trào ‘áo vét vàng’ để phản đối tăng thuế xăng dầu, phản đối chi phí sinh hoạt gia tăng. Và trong ngày 4.12, hàng tá sinh viên của các trường đại học đã biểu tình để phản đối các cải cách về mặt giáo dục của nhà nước Pháp.
Việt Nam, vẫn chìm vào trong cơn mê bóng đá, trong sự hỗn độn của giáo dục, kinh tế và môi trường (kể cả chính trị). Sự luẩn quẩn này có phải vì kiếp nạn mà người dân ưa bạo lực phải chịu hay là vì những người Cộng sản đã quá tài để dẫn dắt một dân tộc u mê ? Với doping bóng đá…
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 05/12/2018