Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ba Lan muốn trở thành một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu trong Liên Âu

Minh Anh, RFI, 28/03/2023

Rất tích cực trong việc gởi trang thiết bị quân sự cho Ukraine, Ba Lan giờ đây muốn tăng tốc sản xuất vũ khí để trở thành một trong số cường quốc quân sự hàng đầu tại Châu Âu. Thủ tướng Ba Lan đã khẳng định tham vọng này trong cuộc gặp ủy viên Châu Âu Thierry Breton, phụ trách thị trường nội địa, nhân chuyến thăm một xưởng sản xuất vũ khí của Ba Lan hôm 27/3/2023.

poland1

Cuộc họp báo của ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton (phải) và thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (trái) tại một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Nowa Deba, Ba Lan, ngày 27/3/2023. © Patryk Ogorzalek/Agencja Wyborcza.pl via Reuters

Thông tín viên đài RFI, Martin Chabal, từ Warszawa tường thuật : 

"Chính tại một trong số các nhà kho của xưởng sản xuất mà Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan và Thierry Breton, ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa đã bắt tay nhau. Cùng nhau, họ muốn thúc đẩy ngành sản xuất vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu. 

Thủ tướng Ba Lan phát biểu : Chúng tôi biết rất rõ là không có đủ loại đạn dược này trên khắp Châu Âu, và có thể thậm chí là toàn khối NATO. Chính vì thế mục tiêu số một là phải tái bổ sung số đạn này.

Và cả hai bên đều muốn sản xuất phải nhanh hơn nữa. Ông Thierry Breton đã khởi động chuyến đi thăm các nhà máy sản xuất đạn dược của Châu Âu và muốn tìm kiếm các giải pháp cho từng nhà máy. Hôm qua, kết thúc một chuyến thăm kín, ông đã có vài hướng. 

Ông nói : Hiện đã áp dụng chế độ 3 ca luân phiên 5 ngày trong tuần. Có thể chuyển sang chế độ ba ca luân phiên trong 6 hoặc 7 ngày, đối với những người lao động chấp nhận nhịp độ này. Bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động trong một nền kinh tế chiến tranh.

Đối với Ba Lan, đây còn một cách để hâm nóng quan hệ với Bruxelles. Trong mọi trường hợp, đó là điều mà thủ tướng Mateusz Morawiecki nhận thấy qua chuyến công du của ông Thierry Breton.

Ông Morawiecki phát biểu tiếp : Điều mà chúng tôi đã trông đợi từ lâu : Đó là những nỗ lực của Ba Lan trên phương diện vũ khí và Bruxelles đánh giá rất cao việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. 

Nếu như Ba Lan muốn có một quân đội lớn nhất Châu Âu, nước này cũng hy vọng trở thành một trong số các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Châu lục". 

Minh Anh

***********************

Ủy viên Châu Âu đến Ba Lan thúc đẩy sản xuất đạn dược chi viện Ukraine

Minh Anh, RFI, 27/03/2023

Hôm 27/03/2023, Thierry Breton, Ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa đến Ba Lan trong khuôn khổ chương trình tham quan các xưởng sản xuất vũ khí tại Châu Âu mà ông đã khởi động từ đầu tháng 3/2023. Mục tiêu là thúc đẩy chế tạo đạn dược nhanh hơn nữa để chi viện cho Ukraine đối phó với cuộc chiến xâm lược của Nga.

poland2

Quân đội Ukraine chiến đấu tại mặt trận Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/03/2023. AP - Libkos

Từ Warszawa, thông tín viên đài RFI, Martin Chabal cho biết thêm chi tiết : 

"Thierry Breton sẽ đến thăm một nhà máy chủ yếu sản xuất đạn pháo cho xe tăng. Đầu giờ chiều nay, ông có mặt ở miền nam Ba Lan vào, cách biên giới với Ukraine khoảng 100 km. Ông muốn xem nhà xưởng này hoạt động như thế nào nhằm thúc đẩy việc sản xuất nhanh hơn nữa các loại đạn dược, nhờ vào nhiều nguồn quỹ của Châu Âu. 

Nhà máy này của Ba Lan thuộc tập đoàn công nghiệp vũ khí Nhà nước và cũng là một trong trong số nhà máy sản xuất vũ khí lớn nhất của Châu Âu. Do vậy, đây là một chuyến thăm quan trọng cho ông Thierry Breton. Ông muốn đẩy nhanh và tăng cường chi viện quân sự của Châu Âu đến Ukraine. 

Sự trùng hợp của lịch trình làm cho chuyến thăm của ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa sẽ còn mang tính biểu tượng. Bởi vì, cuối tuần rồi, tình hình bên kia biên giới đã căng thẳng hơn. Điện Kremlin đã thông báo muốn triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus, quốc gia có chung đường biên giới với Ba Lan, và như vậy cả với Liên Âu.

Chuyến thăm của ông Thierry Breton tương phản với những thông báo của Nga và sẽ hậu thuẫn cho quyết tâm của Châu Âu đáp ứng các đòi hỏi của Ukraine cũng như là việc đối phó với các hành động khiêu khích của Nga".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Nga xâm lăng Ukraine, Ba Lan thành nước tiền tiêu của phương Tây

Le Monde nhận thấy Ba Lan, điểm trung chuyển viện trợ quân sự và nhân đạo đồng thời là nơi lãnh đạo các nước đến thăm Kiev đều phải đi qua, đã chiếm vị trí quan trọng đối với phương Tây trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. La Croix cho rằng vài năm nữa, lục quân Ba Lan sẽ hùng hậu nhất Châu Âu.

balan1

Một quân nhân Ba Lan bên cạnh các chiến xa Leopard 2 trong cuộc tập luyện do Liên Hiệp Châu Âu tổ chức để trợ giúp Ukraine, tại một căn cứ quân sự ở Swietoszow ngày 13/02/2023. AP - Michal Dyjuk

Ba Lan, cửa ngõ bắt buộc để vào Ukraine

Theo Le Monde, lâu nay bị đứng bên lề vì chính sách mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, nay Ba Lan trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược phương Tây - một hệ quả của chiến tranh Ukraine.

Biểu tượng cho vị trí mới của Ba Lan là sân bay Rzeszow-Jasionka, nằm ở cực đông nam, cách biên giới Ukraine khoảng 100 kilomet. Trước chiến tranh chỉ có các hãng hàng không giá rẻ đưa khách du lịch đến, nay phi trường này là ngõ vào của trên 80% viện trợ quân sự và nhân đạo của phương Tây cho Kiev. Những phi cơ vận tải lớn không ngừng đến và đi, đôi khi từ rất xa như Úc hay New Zealand, hàng viện trợ sau đó được đưa bằng xe lửa hoặc xe tải sang tiền tuyến ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo ngoại quốc muốn đến Kiev cũng phải đi xe lửa từ Ba Lan, do không phận Ukraine đã đóng. Tổng thống Pháp cùng với hai thủ tướng Đức, Ý đã cùng đến thăm ông Zelensky lần đầu tiên hồi tháng 6/2022 bằng đường này. Tương tự đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau chuyến viếng thăm lịch sử Kiev hôm 20/02, chính tại Warszawa mà ông chủ Nhà Trắng kết thúc hoạt động mang tính biểu tượng kỷ niệm một năm cuộc xâm lăng, trước một cử tọa nhiệt thành. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cổ vũ các nước Châu Âu và NATO viện trợ quân sự cho Kiev, nhấn mạnh không còn có thể giao du với Nga : "Ở nơi máu đổ, người tử tế không thủ lợi". Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến Ba Lan hai lần trong năm.

Ba Lan là quốc gia EU trợ giúp Ukraine nhiệt tình nhất

Nhờ vị trí địa lý, Ba Lan trở thành trung tâm hậu cần, quân sự và chính trị của chiến dịch phương Tây ủng hộ Ukraine.Các hỏa tiễn Nga rơi xuống cách biên giới Ba Lan chỉ vài chục cây số, thủ đô Warszawa nằm cách Belarus, trạm tiền phương của quân Nga chỉ 140 kilomet. Có thể so sánh với Tây Đức trong chiến tranh lạnh : một đồng minh của thế giới tự do trên tuyến đầu. Nếu Nga và NATO đối đầu trực diện, Ba Lan sẽ trở thành chiến trường chính.

Warszawa trở thành nhà vô địch trong việc ủng hộ Kiev, viện trợ đến 11,9 tỉ euro (1,9% GDP), chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Anh về viện trợ quân sự. Ngược với đa số nước, vũ khí chi viện cho Kiev được lấy thẳng từ số đang hoạt động chứ không phải trong kho dự trữ. Chỉ riêng xe tăng, Ba Lan đã giao cho Ukraine gần 300 chiếc, nhiều hơn cả số lượng quân đội Pháp đang có. Nhà nước và xã hội dân sự cùng chung tay đón tiếp trên 1,5 triệu người tị nạn Ukraine, nên đại sứ Mỹ ở Warszawa, Mark Brzezinski gọi là "siêu cường nhân đạo". Ngân sách quân sự năm nay từ 12 tỉ được nâng lên 21 tỉ euro, chiếm đến 4% GDP.

Giờ đây Ba Lan đóng vai trò đối trọng với cặp Pháp-Đức, mà thái độ kềm chế trước Nga thường xuyên bị chỉ trích. Chính quyền của đảng PiS, lâu nay bị EU phê phán vì vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, chứng tỏ đã đúng khi nhận ra ý đồ bành trướng của Moskva. Cũng nhờ Ba Lan hai lần khẳng định sẽ giao chiến xa Leopard cho Kiev dù Berlin có đồng ý hay không, nên rốt cuộc Đức phải nhượng bộ. Đây không phải lần đầu Warszawa gây ngạc nhiên. Hôm 08/03/2022, chưa đầy hai tuần sau cuộc xâm lăng, bộ ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẵn sàng chuyển giao chiến đấu cơ Mig-29, khiến ban đầu người Mỹ cứ tưởng trang web của bộ này bị tin tặc xâm nhập.

Nhưng bên cạnh đó, Warszawa cũng gây bối rối hồi mùa thu 2022 khi đòi Đức bồi thường 1.300 tỉ euro vì đã chiếm đóng nước này từ 1939-1945. Rồi ngày 27/07/2022, Ba Lan bất ngờ tuyên bố đã ký hợp đồng mua vũ khí của Hàn Quốc đến 15 tỉ euro, mà không hề tham khảo các đồng minh NATO, và muốn tăng quân số từ 115.000 lên 300.000 binh sĩ. Le Monde nhận thấy Ba Lan đang trong chiến dịch tranh cử dài và quyết liệt nhất trong lịch sử, được cho là quan trọng nhất từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền của thủ tướng Jaroslaw Kaczynski hy vọng một chiến thắng thứ ba.

Quân đội Ba Lan sắp trở nên mạnh nhất Châu Âu ?

Cũng về quân sự, đặc phái viên La Croix mô tả "Ba Lan hiện đại hóa quân đội như thế nào". Trong vòng bốn năm tới, lục quân nước này có thể trở thành đội quân mạnh nhất Châu Âu. Từ mùa thu năm ngoái, đã có trên 11.000 người tham gia các chương trình huấn luyện quân sự dành cho mọi công dân Ba Lan từ 15 đến 65 tuổi. Và kể từ đầu năm nay, mỗi ngày thứ Bảy lữ đoàn thiết giáp số 1 của Warszawa lại tiếp đón mấy trăm người tình nguyện trong 8 tiếng đồng hồ, dạy cho họ cách sử dụng bản đồ, tiếp đạn cho xe tăng. Từng nhóm 10 người học cách ứng xử khi báo động bom, tập băng bó vết thương, tháo lắp súng...

Cuộc xâm lăng Ukraine là cú sốc khiến người dân thêm ý thức tham gia bảo vệ tổ quốc. Hai tháng sau khi quân Nga tràn sang Ukraine, chiến dịch "Trở thành một người lính Ba Lan" đã thu hút được gần 16.000 người, tự nguyện đi quân dịch một năm và có lương. Một kỷ lục kể từ năm 2008, sau khi nghĩa vụ quân sự không còn bị bắt buộc. Sau khi học căn bản một tháng, họ được huấn luyện chuyên môn 11 tháng, và kết thúc khóa học có thể trở thành quân nhân chuyên nghiệp hay dự bị. Có ít nhất 6.300 binh sĩ đã được tuyển mộ bằng cách này.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng Ba Lan không cần một quân đội lên đến 300.000 người. Một số người như Roman Kuzniar, cựu cố vấn của tổng thống Bronislaw Komorowski, chỉ trích "vụ shopping quy mô ở Hàn Quốc, gây bất lợi cho kỹ nghệ quốc phòng Ba Lan và Châu Âu". Quân đội tuyển được nhiều lính nhưng lại không giữ được người lâu, nhất là trong lực lượng đặc biệt, hậu cần, pháo binh, không quân, hải quân. Trong số lý do có lương thấp, vấn đề nhà ở, thăng tiến không rõ ràng.

Ngân sách thâm thủng vì cấm vận, Nga đánh thêm thuế

Về phía Nga, một tác động thấy rõ từ cuộc xâm lăng Ukraine : Les Echos cho biết điện Kremlin muốn tăng thuế, vì ngân sách Nhà nước đã bị sụt giảm mất 42% so với cùng kỳ năm ngoái do bị trừng phạt. Vladimir Putin trong cuộc gặp giới chủ và vài nhà tài phiệt mới đây, đã kêu gọi các doanh nghiệp đặt lòng yêu nước lên trên lợi nhuận, và "hành động ngay từ bây giờ". Mục tiêu là huy động được 300 tỉ rúp (3,6 tỉ euro) dưới dạng thuế đặc biệt 5% đánh vào lợi nhuận tăng thêm, nhằm thích ứng với việc phương Tây áp đặt mức giá trần 60 đô la/thùng.

Số liệu hải quan cho thấy các công ty dầu khí quốc gia đã né được trừng phạt trên một lượng lớn dầu xuất khẩu, nhờ bán qua trung gian hay dùng tài khoản bên ngoài nước Nga. Nhà nước dự định sẽ thu thuế đối với số bán "vượt trần" này. Do chiến tranh, Nga không còn thặng dư ngân sách hàng năm mà năm nay tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể bị thâm hụt 3,5%. Hiện thời vẫn có thể chịu đựng được nhờ Quỹ Tài nguyên quốc gia, nhưng quỹ này từ nay đến 2024 chỉ còn chiếm 3,7% GDP thay vì 10,4% trước cuộc xâm lăng.

Pháp tăng cường hiện diện tại Ấn Độ-Thái Bình Dương 

Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro đặt câu hỏi "Chiến lược của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là gì ?". Có đến 90% vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Pháp nằm tại khu vực này, nên Paris cần bảo vệ lợi ích của mình. Nước Pháp có ưu thế là sở hữu EEZ rộng thứ nhì thế giới, chiếm 10 triệu kilomet vuông (chỉ sau Hoa Kỳ với 11 triệu kilomet vuông), hầu hết tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, có 1,6 triệu dân sinh sống. Chiến lược của Paris là thu hút tối đa các chiến hạm Châu Âu đến để giữ ổn định khu vực này, vì đồng minh Mỹ ở xa.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới có được hai thập niên yên bình trên biển, nhưng thời kỳ này đã kết thúc với sự bành trướng của Bắc Kinh. Hạm đội Trung Quốc tăng lên theo cấp số nhân gây sợ hãi cho tất cả láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cụ thể từ 2000 đến 2030, số chiến hạm Trung Quốc từ 100 tăng vọt lên 500, tàu tuần duyên từ 140 lên 750 chiếc, thường xuyên hà hiếp ngư dân Việt Nam và Philippines. Dù Tập Cận Bình trong chuyến thăm Washington năm 2015 long trọng hứa không quân sự hóa Biển Đông, Bắc Kinh đã chiếm hơn một chục đảo nhỏ, bố trí các oanh tạc cơ chiến lược và hỏa tiễn.

Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 10/03/2023 tại Élysée, Pháp và Anh đã quyết định phối hợp với nhau để tăng sức mạnh. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulles đi đến tận cảng Goa của Ấn Độ, ba chiếc Rafale trên tàu bay sang Singapore, được tiếp nhiên liệu trên không bằng một chiếc Airbus 330 MRTT cất cánh từ Abu Dhabi - nơi quân đội Pháp có một căn cứ trong sa mạc - rồi tập luyện với các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Singapore.

Pháp sở hữu sáu tàu ngầm tấn công nguyên tử, từng điều chiếc Éméraude sang Biển Đông và dự kiến sẽ có những hoạt động thường xuyên hơn. Paris không tìm cách tham gia Bộ Tứ, nhưng có thể giúp các đối tác Châu Á phương tiện giám sát bằng vệ tinh và thiết lập cáp ngầm. Tuy nhiên Le Figaro cho rằng trò đi dây thăng bằng trước cuộc đối đầu Mỹ-Trung là rất khó khăn.

Hưu trí, môi trường : Bạo động không thể là giải pháp

Phong trào chống cải cách hưu trí ngày càng bạo lực là mối quan tâm chính của các báo Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa "Thách thức duy trì trật tự", Libération tố cáo "Cảnh sát leo thang đàn áp", Le Figaro nhấn mạnh "Macron muốn đại diện cho trật tự trước bạo lực". Le Monde ra từ hôm trước nhận định "Hưu trí : Macron bị cô lập, phe đa số lo âu".

La Croix kêu gọi "khẩn cấp hòa dịu". Như đã đoán trước, cuộc tập hợp tại khu vực hồ chứa nước thuộc vùng Deux-Sèvres đã biến thành bạo động làm khoảng 250 người bị thương ở cả hai phía, một người biểu tình đang thập tử nhất sinh. Nhật báo công giáo cho rằng không nên bao che những phần tử cực đoan, nhưng việc duy trì trật tự cần bắt đầu bằng đối thoại. Tờ báo thiên tả Libération tố cáo bạo lực cảnh sát : đành rằng "black-bloc" - những nhóm bạo động vô chính phủ - lại tái xuất trong các cuộc biểu tình với quyết tâm phá hoại, nhưng cảnh sát đã được đào tạo để đối phó cơ mà ?

Ngược lại nhật báo cánh hữu Le Figaro cực lực lên án bạo động. Theo tờ báo, tuần lễ vừa qua, đông đảo côn đồ cực tả trên toàn Châu Ấu đã kéo sang Pháp. Số này tập luyện theo kiểu dân quân, được trang bị tận răng, thi nhau phá hoại nhiều khu trung tâm, rồi tấn công ác liệt vào lực lượng an ninh ở Sainte-Soline, như khán giả truyền hình đã thấy. Khoảng 1.000 kẻ mang khiên tự tạo, những túi đựng gạch đá, gậy gộc… tiến hành nhiều đợt xung phong bằng moọc-chê, bom xăng ; quân đội và cảnh sát phải dùng đến 4.000 quả lựu đạn cay và loại chuyên dùng để giải tán đám đông.

Tại bất kỳ nước dân chủ nào, những hình ảnh gây sốc này đều gây phẫn nộ nhưng ở Pháp, lại có những chính khách cố tìm kiếm lý lẽ để bênh vực, như phe sinh thái cực đoan và đảng cực tả. Le Monde tỏ ý tiếc vì bạo loạn khiến tổng thống Macron không thể tiếp đón quốc vương Charles III, trong khi tân vương Anh đã dành chuyến thăm đầu tiên cho nước Pháp thay vì một quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung. Những câu khẩu hiệu được hô trong các cuộc biểu tình khiến Élysée khiếp vía, còn báo chí Anh quốc run sợ : "Louis XVI, chúng tôi đã trảm, và có thể tái diễn, Macron ạ".

Thụy My

Published in Quốc tế
samedi, 19 février 2022 21:08

Quê hương là gì hở mẹ ?

Quê hương giữa đôi bờ nước mắt

Tsering Woeser19/02/2022

Lời người dịch:Tsering Woeser là nhà văn và là nhà hoạt động người Tây Tạng.

taytang1

Nhà văn Tsering Woeser 

Câu chuyện có thực dưới đây là một chương trong tác phẩm tựa đề Tây Tạng Bút ký của bà Tsering Woeser được xuất bản vào năm 2003 ở Trung Quốc. Tác phẩm này sau đó đã bị cấm và bà bị mất việc, mất nhà, bị "cải tạo" và bị cấm xuất cảnh. Bà hiện sống ở Bắc Kinh.

Trần Quốc Việt

------------------------

Hôm ấy vào một ngày hè nóng nực năm 1999. Như thường lệ, chùa Tsuglakhang rất đông khách thập phương và người hành hương đến viếng. Và như thường lệ, Nyima Tsering đứng ở lối vào để bán vé và sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc cho khách từ xa đến vãng cảnh chùa. Không giống với những lạt ma khác, trên báo chí và đài truyền hình họ gọi ông là "lạt ma hướng dẫn viên du lịch". Tuy nhiên ông không chỉ là hướng dẫn viên du lịch, mà còn là người giữ nhiều chức vụ, đặc biệt nhất là Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân ở Lhasa. Cho nên, chúng ta thường thấy trên các bản tin của đài truyền hình Tây Tạng và đài truyền hình Lhasa một nhà sư trẻ mặc áo dài choàng màu đỏ nâu sậm ngồi giữa các viên chức trông nghiêm nghị mặc áo quần của người thế tục. Ông lúc nào trông cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin.

taytang2

Chùa Tsuglakhang rất đông khách thập phương và người hành hương đến viếng.Ảnh minh họa

Vào ngày ấy, ai đấy bảo Nyima Tsering nộp hai tấm hình cho bộ liên quan để làm hộ chiếu. Họ cho ông biết vài ngày sau ông sẽ bay đến Bắc Kinh để gia nhập với các viên chức khác thuộc nhiều bộ của chính phủ. Tất cả họ đều sẽ tham dự hội nghị nhân quyền quốc tế ở Na Uy. Na Uy ? Chẳng phải là quốc gia nơi đức Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989 sao ? Nyima Tsering cảm thấy sung sướng tuy hơi lo lắng. Khi ông đi nộp hình, một người ở đấy thấy vẻ mặt lạ lùng của ông liền nói, "Ông đừng lo lắng, những người đi cùng với ông đều là cấp cao cả đấy. Họ chẳng giống như các viên chức Lhasa chẳng biết gì".

Chẳng bao lâu Nyima Tsering đáp máy bay một mình đến Bắc Kinh. Tất nhiên ở cuối mỗi chuyến bay đều có người lo cho ông. Ông không thể nhớ rõ ràng ông đã gặp ai hay đã nói gì. Hai ngày sau ông lại đáp máy bay, lần này với mười đến hai mươi đại biểu đến Na Uy, tuy nhiên, ông hầu như chẳng nhớ bất kỳ điều gì trên đường đi. Lẽ ra ông nên nhớ rất rõ ràng những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, so với những từ "nhân quyền", những vấn đề khác đối với ông chẳng quan trọng bằng. Ngoài hội nghị ra còn có điều gì khác có thể khiến ông rất quan tâm đến ? Dù sao, ông là người Tây Tạng duy nhất đến từ Tây Tạng và là lạt ma duy nhất trong chiếc áo tu sĩ.

Nhưng những người đi trong đoàn này quả thực khác hẳn. Họ lớn tuổi hơn ông, và khác với các viên chức Lhasa, họ có vẻ học cao hiểu rộng, cư xử lịch sự, và không ồn ào hay ra vẻ kẻ cả. Đến ngày hôm nay, Nyima Tsering vẫn còn nhớ lúc ông cảm thấy ngượng ngùng khi ông không thể cầm được nước mắt, và viên chức từ Ban Dân tộc Thiểu số và Tôn giáo được phái đi theo ông hỏi thầm, "Chắc thầy không được khỏe ?". Rồi im lặng. Khi Nyima Tsering cuối cùng bật khóc, không ai yêu cầu ông phải giải thích ; ông rất biết ơn sự im lặng gần như thông cảm ấy.

taytang3

Lạt ma Nyima Tsering– Ảnh minh họa

Những ngày nay khi nhắc đến cuộc hội nghị, Nyima Tsering thường tránh nói về những chi tiết như diễn biến, người tham dự, nội dung, hoàn cảnh, địa điểm, không khí hay gặp gỡ, thảo luận, tham quan, vân vân của sự kiện. Thật sự hai chuyện ông kể lại tưởng như xảy đến thình lình. Và hoàn toàn bất ngờ - như thể chúng bị kìm nén trong lòng ông quá lâu đến nỗi ông giờ không thể nào đè nén được nữa. Ông đột ngột cắt ngang cuộc trò chuyện, để từ miệng ông bật ra lời kể về những chuyện này.

Chuyện đầu tiên xảy ra khi phiên họp vào buổi sáng ngày đầu tiên kết thúc. Ông và những đại biểu khác đang trên đường đến dự bữa tiệc trưa ở tòa đại sứ - tất nhiên tòa đại sứ Trung Quốc. Bao mối lo lắng suốt thời gian qua đã tan biến dần vì chẳng ai làm phiền ông hay hỏi ông những câu hỏi khó trả lời. Ông thích thú ngắm nhìn cảnh phố xá Bắc Âu thanh lịch khi xe họ chạy chậm qua các đường phố, và ông bắt đầu trò chuyện với những người nước ngoài ngồi kế bên. Dần dần, ông dường như đã trở lại con người tự tin ngày trước khi ông thường đưa những người nước ngoài đi tham quan chùa Tsuglakhang. Vì vậy, khi xe bất ngờ dừng lại và cửa xe mở ra, tiếng người - ôi chao, tiếng người ấy, tiếng của rất nhiều người ấy - tưởng như sấm sét nổ vang trên đầu ông. Ông cảm thấy như ông đã bị trúng thương và đang chịu dư chấn của một vụ nổ lớn. Ông gần như bất tỉnh và hầu như không bước đi nổi.

Tàu khựa... Lạt ma Tàu khựa... Lạt ma cộng sản.

Bên ngoài tòa đại sứ, hàng chục khuôn mặt tức giận có nét mặt không thể nào thân thuộc hơn đối với Nyima Tsering ; hàng chục cái miệng đang thét lên bằng tiếng nói không kém phần thân thuộc hơn. Những người nam nữ này cũng trạc tuổi ông và cũng cùng chung dòng máu. Khác biệt duy nhất là họ là những người Tây Tạng lưu vong ; còn ông và chỉ một mình ông là "người Tây Tạng được giải phóng" từ Tây Tạng đến. Họ mang những biểu ngữ họ đã viết trên đấy "Người Trung Quốc, hãy trả lại quê hương cho chúng tôi" bằng tiếng Anh, tiếng Tây Tạng, và tiếng Trung Quốc. Vào lúc ấy, trong thành phố nơi Đạt lai Lạt ma đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, đồng bào của Nyima Tsering hoàn toàn bị ngăn cách với ông.

Mọi người khác đều ra khỏi xe và bước đi thẳng mà chẳng để ý đến cảnh tượng trước mắt ấy. Nhưng ông không thể như thế được. Làm sao ông có thể làm như thế được? Sau này, cho dù cố gắng cách mấy chăng nữa, ông cũng không thể nào nhớ lại làm sao ông đã vượt qua được khoảng cách ngắn từ chiếc xe đến tòa nhà. Lúc đó khoảng cách ấy tưởng như là con đường dài nhất và gian khổ nhất ông đã đi qua trong suốt ba mươi hai năm cuộc đời. Chiếc áo tu sĩ Tây Tạng giống như ngọn lửa cháy rực, và những cái nhìn ghê tởm của những người biểu tình tựa như những giọt dầu nóng hay bơ sôi văng tung tóe. Những giọt này bắn lên đầu cúi gục xuống, lưng còng, và đôi chân lê bước nặng nề của ông và càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh hơn.

Nhớ lại trải nghiệm này, Nyima Tsering nói giọng chát chúa hơn bình thường, "Tôi biết làm gì, tôi biết làm gì ? Tôi đang mặc cái này…". Kéo mạnh chiếc áo dài choàng màu đỏ đậm, ông khẽ lặp lại lời ấy như thể tự nói với mình.

"Từ đó trở đi", ông nói, "Tôi không bao giờ còn có thể cảm thấy vui vẻ và vô tư lự ở hội nghị. Suốt trong bốn ngày tôi bắt đầu thấm hiểu nghĩa của câu nói con kiến trong cái chảo nóng".

Đến lúc cuối cùng ông đi qua được con đường ngắn nhưng đầy gian nan ấy, lòng ông đã bị tổn thương nặng nề. Ông cảm thấy như thể ông đã bị sắt nung đóng dấu vào người. Ông muốn khóc, nhưng không có nước mắt để khóc. Những người ở tòa đại sứ giả vờ như chẳng có gì xảy ra, hay ta có thể nói, họ thường nhìn mà không thấy. Không ai nhắc đến sự cố bất ngờ này. Họ đều nói về những chuyện khác. Trong lúc mọi người khác ăn uống và trò chuyện lịch sự, Nyima Tsering chẳng nuốt nổi được miếng nào, cảm giác như bị mắc xương trong cổ. Đây là lần đầu tiên ông thấy rất nhiều người Tây Tạng ở nước ngoài - hay nói chính xác, rất nhiều người Tây Tạng lưu vong. Mặc dù họ chỉ cách có mấy bước, nhưng bao dãy núi đã ngăn cách họ với ông.

Nhiều người chắc hẳn đã nói với ông về nhiều chuyện. Nhưng chẳng chuyện nào quan trọng hay quan hệ gì. Ông lắng nghe nhưng không thật sự chú ý, lắng nghe, quên. Vì lòng ông đã bị tổn thương, ông đã mất tinh thần. Song ông vẫn nhớ - ngoài những cái liếc mắt thông cảm từ những người nước ngoài đã đi cùng xe với ông - viên chức từ Bắc Kinh được phái theo ông hỏi thầm, "Chắc thầy không được khỏe ?". Nyima Tsering gần như gật đầu. Ông ta trông hiền lành và lịch sự ; và dù sao, với tư cách là người phát ngôn cho vụ Dân tộc thiểu số và Tôn giáo của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, dù muốn hay không, ông cũng là tâm điểm của sự chú ý của mọi người.

Bao mối lo lắng đã theo Nyima Tsering suốt mấy ngày qua vừa mới tan biến đi thì chúng lại xuất hiện. Những mối âu lo mà càng trĩu nặng thêm trong lòng kể từ khi ông rời Lhasa thật khó mà vơi đi, thế mà bây giờ lại thêm bao nỗi lo lắng mới. "Nếu mình bước ra ngoài cửa và gặp lại họ thì sao ? Chắc họ sẽ khinh bỉ mình, chế giễu mình, hay cảm thấy thương hại mình ? Chắc không, bây giờ trong đầu họ mình là lạt ma Tàu khựa, lạt ma cộng sản". Ông mỉm cười cay đắng.

Dù trong lòng vẫn còn hơi lo lắng, ông đánh bạo bước ra ngoài tòa đại sứ. Ông thở dài nhẹ nhỏm, rồi bất ngờ cảm thấy lạc lõng. Những người Tây Tạng hô hào hồi nãy đã biến mất, và chỗ ấy giờ trống vắng. Họ đã đi về đâu ?

Ngày thứ hai trôi qua êm ả.

Vào ngày thứ ba, Nyima Tsering phát biểu, đây chính là lý do thật sự mà chính quyền đưa ông đi dự hội nghị. Vì trong các cuộc hội nghị trước không có tiếng nói của người Tây Tạng nên những tuyên bố của Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở Tây Tạng luôn luôn yếu ớt và không thuyết phục. Họ hy vọng sự hiện diện và chứng thực của Nyima Tsering sẽ chứng minh điều khẳng định người Tây Tạng có quyền và những quyền này được bảo vệ. Tuy nhiên ai biết chăng lòng Nyima Tsering ngổn ngang bao mối lo khó xử ? Nói như thế nào ? Nói gì đây ? Nên nói gì... và không nên nói gì ? Ông thật khổ tâm. Mặc dù ông biết, dưới chiếc áo dài choàng đỏ đậm này, ông chẳng hơn gì con rối, nhưng ông không muốn có vẻ quá lạc điệu hay đi quá sự đúng mực. Một cách kín đáo, ông hỏi ý kiến của một người nước ngoài mà ông đã bắt đầu tin tưởng. Người nước ngoài khuyên thầm ông nên nói chung chung và tránh đề cập đến bất kỳ điều gì cụ thể.

Nyima Tsering vì vậy đọc thuộc lòng bài phát biểu ông đã chuẩn bị theo "văn bản" hay chính xác hơn, theo "văn bản" gởi cho báo, đài và truyền hình. Bài phát biểu hoàn toàn phù hợp với những ý tưởng thường xuất hiện trên truyền thông trong nước : văn hóa của dân tộc Tây Tạng hoàn toàn được bảo vệ và phát huy, người Tây Tạng có tự do tôn giáo, và quần chúng tu hành đều yêu nước. Mọi người trong hội nghị im lặng lắng nghe ông. Chỉ một người từ thính giả, một người Mỹ, hỏi bằng tiếng Anh, "Nếu vậy, ông có tự do gặp gỡ Đạt lai Lạt ma ?". Mặc dù ông đã chuẩn bị trước cho những câu hỏi thuộc loại này, nhưng khi nghe tên của người lãnh đạo - như vào ngày đầu tiên, khi ai đấy chỉ cho ông thấy nơi Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình - ông ngẩn người ra. Nhưng ông lấy lại bình tĩnh ngay và trả lời một cách khôn khéo, "Đây là câu hỏi chính trị, tôi từ chối trả lời". "Câu hỏi chính trị gì ở đây chứ ? Câu hỏi về một người Tây Tạng, một lạt ma, muốn gặp Đạt lai Lạt ma của mình sao lại có thể là câu hỏi chính trị ?". Tất cả những người khác đều không hỏi bất kỳ câu hỏi nào như thể mọi người ở hội nghị thấu hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của Nyima Tsering. Ông nghĩ như thế.

Ngày thứ tư cuối cùng đến. Ông tưởng những ngày đau khổ sắp qua đi. Nhưng, bất ngờ thay, cú đánh lớn nhất giáng xuống vào ngày cuối cùng.

Sau khi kết thúc hội nghị, họ tổ chức cho đoàn đại biểu đi xem một công viên quốc gia nổi tiếng. Các công viên ở Na Uy đều rất đẹp và đầy bao nét quyến rũ về sự cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên. Cảnh đẹp khiến vị lạt ma trẻ, người lớn lên trên mái nhà thế giới, thấy lòng vơi bao sầu muộn. Khi ông nhìn quanh, một phụ nữ trẻ đến gần ông. Cho dù chị mặc áo thun và quần jeans - trông chẳng khác gì áo quần của những người nước ngoài quanh ông - Niyama Tsering nhận ra ngay tức thì chị là người Tây Tạng. Chị có khuôn mặt Tây Tạng, vẻ Tây Tạng, đặc trưng Tây Tạng.

Người phụ nữ bước đến Nyima Tsering và hai tay dang ra tưởng như chị tình cờ gặp lại người bạn bặt tin từ lâu. Đột nhiên, ông như chìm đắm vào giấc mộng, nghĩ đã gặp chị trước đây. Ông không thể nào cưỡng lại việc nắm tay chị lúc chị nắm chặt tay ông. Bất ngờ thay, người phụ nữ không chịu buông tay ông ra và bắt đầu khóc to lên. Chị vừa khóc ràn rụa vừa nói với ông bằng tiếng Tây Tạng, "Thầy ơi, thầy làm gì ở đây vậy ? Thầy làm gì với bọn Tàu này ? Thầy là người Tây Tạng, hãy nhớ thầy là người Tây Tạng, đừng giao du với họ...".

Nyima Tsering xiết bao bối rối và buồn bã, nhưng ông chẳng thể rút tay lại cũng chẳng thể nói nên lời. Đám đông bắt đầu xúm lại. Tất cả những người nước ngoài, họ đều rất tò mò trước cảnh một nhà sư mặc áo dài choàng đỏ đang bị người phụ nữ khóc lóc giữ chặt. Không một ai trong đoàn can thiệp, ngược lại họ còn bỏ đi thật nhanh và làm ra vẻ cảnh tượng ấy chẳng liên quan gì đến họ, mà có thể được hiểu là cử chỉ cảm thông và thấu hiểu. Đến lúc này, viên chức do tòa đại sứ phái đi theo Nyima Tsering suốt trong bốn ngày qua mới mở miệng. "Nyima Tsering, chúng ta đi thôi. Kệ bà ta".

Người phụ nữ Tây Tạng không hiểu tiếng Trung Quốc, nhưng chị cũng có thể đoán được ông ta nói gì. Chị nổi giận và ra sức la lại ông ta bằng tiếng Anh. Nyima Tsering liền cản chị và nói lặp đi lặp lại, "Tôi biết, tôi biết, tôi biết...". Người phụ nữ vẫn khóc tiếp và nói, "Nếu thật sự thầy biết, thì thầy đừng trở lại nữa". Khó nhọc lắm, Nyima Tsering mới nói buột ra điều ông nghĩ trong lòng : "Làm sao tôi có thể không trở về chứ ? Quê hương chúng ta ở đấy. Nếu chúng ta ai cũng bỏ đi hết thì còn ai ở lại Tây Tạng ?". Khi ông nói những lời này, ông không thể nào cầm được nước mắt. Mắt ông đẫm lệ.

Rốt cuộc nhiều người đến giúp ông thoát ra tình trạng khó xử này. Họ là những người Tây Tạng được các đơn vị công tác của họ ở Lhasa - như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TAR, Đại học Tây Tạng, và thư viện - cử đi học những khóa học cao cấp ngắn hạn ở Na Uy. Nyima Tsering chẳng quen họ, nhưng ông biết họ giống như ông : Những người Tây Tạng ở Tây Tạng. Đến ngày hôm nay ông cũng chẳng hiểu tại sao rất nhiều người Tây Tạng thuộc nhiều thành phần khác nhau lại tập trung ở công viên ấy. Tất nhiên, lúc ấy ông không nghĩ về điều ấy. Ông vội vàng giật nhanh tay mình ra khỏi tay nắm chặt của người phụ nữ vẫn đang khóc, xong ông vội lấy áo lau khô nước mắt, và chạy trở lại với đoàn.

"Thưa thầy, "một trong những người đã đến giúp ông khuyên ông một cách ân cần, "nếu ai hỏi chuyện gì đã xảy ra, thầy chỉ nói với họ là người trong gia đình bà ta qua đời cho nên bà ta nhờ thầy thắp những ngọn đèn bơ và tụng kinh cầu siêu cho người đã khuất ở chùa Jokhang khi thầy trở lại Lhasa". Nyima Tsering gật đầu liền, nhưng cảm thấy đau nhói trong lòng. Tưởng như mọi chuyện đã xảy ra đã được chấp nhận, chẳng một ai liếc nhìn ông hay nói lời nào khi ông đến gần. Tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra - chẳng có gì đáng bàn tán.

Cuối cùng đã đến lúc rời Na Uy - nhưng không rời ngay. Phái đoàn phải chờ thật lâu ở phi trường : hơn hai giờ. Những người đứng đầu và cán bộ từ tòa đại sứ, kể cả người không bao giờ tách rời Nyima Tsering suốt bốn ngày qua, đã đi về sau khi đưa phái đoàn ra phi trường. Trong những giờ chờ đợi dằng dặc này mọi người ngồi, đứng, đi qua đi lại trong phòng chờ phi trường sáng sủa, rộng rãi và ấm cúng. Bất luận họ là công dân nước nào chăng nữa, họ đều có vẻ tự do và thanh thản. Nyima Tsering cũng đi thơ thẩn qua lại tự do. Dường như chẳng ai theo dõi ông, điều này khiến ông cảm thấy ông có thể đi đâu tùy ý. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông : Nếu mình không đi với họ thì sao ? Dù sao, hộ chiếu ở trong người mình, và mình có đủ tiền. Nếu mình mua vé khác đi đến nơi nào đấy...

Tất nhiên, đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Như tôi đề cập vào lúc đầu, Nyima Tsering lúc nào cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin. Cho nên cuối cùng, ông - con kiến trong chảo nóng - trở lại với đoàn. Trở về quê hương dường như là cách tốt nhất cho ông. Tuy nhiên, khi máy bay chầm chậm rời phi trường Oslo, khi Na Uy-biểu tượng của thế giới tự do - dần dần bỏ lại phía sau, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài xuống đôi má gầy guộc của Tsering.

Tsering Woeser

Nguyên tác : "Nyima Tsering's Tears", dịch từ tạp chí Mānoa, chủ đề "Beyond Words-Asian writers on their work", University of Hawai’s Press, 2006, trang 97-103. Bản dịch tiếng Anh của Jampa, Bhuchung D. Sonam, Tenzin Tsundue, và Jane Perkins

Trần Quốc Việt dịch

(19/02/2022)

**********************

Bên nhau vì quê hương 

Yoani Sanchez, Trần Quốc Việt, 19/02/2022 

Lời người dịch :Nhân dịp đến Mỹ vào năm 2013, blogger nổi tiếng nhất Cuba Yoani Sanchez đã đọc diễn văn này ở Freedom Tower tại thành phố Miami, tiểu bang Florida, trước đông đảo những người Cuba tỵ nạn tại Mỹ. Nhiều người, đặc biệt giới trẻ, đã chào đón chị nồng nhiệt. Và bài diễn văn này tạo ra tiếng vang lớn trong lòng những người Cuba lưu vong.

cuba1

Yoani Sanchez là blogger bất đồng chính kiến người Cuba nổi tiếng. Photo/archive Kelly Knaub/HT

--------------------------

Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tôi rời Cuba, tôi ở trên chuyến tàu chạy từ Berlin về hướng bắc. Một Berlin đã thống nhất nhưng vẫn còn giữ lại những mảnh vỡ của vết sẹo xấu xí, bức tường chia cắt quốc gia. Trong toa tàu hôm ấy, trong lúc nghĩ về cha và ông mình -cả hai đều kỹ sư- những người sẵn sàng đánh đổi bất kỳ thứ gì để được đi trên những toa và đầu máy tuyệt vời này, tôi bắt đầu nói chuyện với một người đàn ông trẻ ngồi ngay trước mặt mình.

cuba2

Blogger Yoani Sanchez nói chuyện trước 500 cử tọa người Cuba tại hội trường Freedom Tower, Miami, Florida, ngày 01/04/2013

Chúng tôi chào nhau. Do dùng sai tiếng Đức "Guten Tag" nên tôi nói rõ rằng "Ich spreche ein bisschen Deutsch". Ngay lập tức, anh hỏi tôi người gì. Thế là tôi đáp "Ich komme aus Kuba" (1).

Như luôn luôn diễn ra sau câu nói ta đến từ đảo lớn nhất thuộc quần đảo Antilles, người đối thoại liền chứng tỏ họ biết nhiều về nước chúng ta. "À... Cuba, nhớ ra rồi, thành phố nghỉ mát Varadero, rượu rum, nhạc salsa". Một đôi lần tôi còn biết sự liên tưởng duy nhất mà họ dường như có về nước chúng ta là album nhạc "Buena Vista Social Club" đang thịnh hành vào những năm ấy.

Buena Vista Social Club - 'Chan Chan' at Carnegie Hall (Official HD Video)

Nhưng người đàn ông trẻ trên chuyến tàu Berlin ấy đã khiến tôi ngạc nhiên. Khác với những người khác, anh không đáp lời tôi bằng những định kiến về nhạc hay du lịch, anh đi xa hơn nhiều. Anh hỏi tôi, "Chị là người Cuba. Cuba của Fidel hay Cuba của Miami ?" (2).

Mặt tôi chợt đỏ ửng lên, tôi quên mất tất cả vốn liếng tiếng Đức ít ỏi của mình, nên tôi trả lời anh bằng tiếng Tây Ban Nha chính giọng Havana. "Này anh, tôi là người Cuba của José Marti" (3). Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chúng tôi kết thúc như thế. Nhưng từ đấy trong suốt đoạn đường còn lại, và suốt cuộc đời còn lại, lần trò chuyện ấy cứ vương vấn mãi trong đầu tôi. Nhiều lần tôi tự hỏi điều gì đã khiến người Berlin ấy và rất nhiều người khác trên thế giới thấy những người Cuba ở trong nước và ngoài nước như hai thế giới cách biệt, hai thế giới không thể hòa giải được.

Câu trả lời cho câu hỏi đó cũng xuyên suốt qua phần nào các bài viết trên blog của tôi, Thế hệ Y. Làm thế nào họ đã ngăn chia nước chúng ta ? Làm thế nào một chính quyền, một đảng, một kẻ nắm quyền có quyền quyết định ai nên được giữ quốc tịch của chúng ta, ai nên không ?

Quý vị biết rõ hơn tôi những câu trả lời cho những câu hỏi này. Quý vị là những người đã trải qua bao đau đớn của cuộc đời lưu vong. Quý vị thường là những người ra đi tay trắng. Quý vị là những người từ biệt gia đình, ra đi mà không bao giờ gặp lại người thân. Quý vị là những người đã cố gắng gìn giữ Cuba, một Cuba trọn vẹn, không thể nào chia cắt, trong tâm tưởng và trong lòng mình.

Nhưng tôi hôm nay vẫn không biết, điều gì đã xảy ra ? Cơ sự nào mà định nghĩa về người Cuba lại trở thành một điều chỉ được ban phát dựa trên ý thức hệ ? Hãy tin tôi, khi ta sinh ra và lớn lên với một cách hiểu lịch sử duy nhất, một cách hiểu lịch sử bị cắt xén và tùy tiện, ta không thể nào trả lời câu hỏi ấy.

May mắn, ta có thể thức tỉnh sau đêm dài bị tuyên truyền. Chỉ cần mỗi ngày một câu hỏi, như chất a xít ăn mòn, hiện ra trong đầu. Chỉ cần không nghe những gì họ nói với chúng ta. Tuyên truyền không thể nào tồn tại với hoài nghi, quá trình tẩy não chấm dứt ngay lúc não ta bắt đầu nghi ngờ những lời lẽ nó nghe. Tựa như sự lạnh nhạt, quá trình thức tỉnh diễn ra chậm chạp như thể bề mặt hiện thực bất ngờ bắt đầu lộ ra.

Trong trường hợp của tôi mọi thứ bắt đầu như thế. Tất cả quý vị đều biết lúc nhỏ tôi là một thiếu niên Tiền phong bình thường. Hàng ngày vào lúc chào cờ buổi sáng ở trường tiểu học tôi luôn luôn hô vang khẩu hiệu "Chúng tôi, những thiếu niên Tiền phong vì chủ nghĩa cộng sản, sẽ noi gương Che". Biết bao nhiêu lần tay ôm mặt nạ chống hơi độc tôi chạy đến hầm trú ẩn, khi các thầy cô giáo quả quyết rằng chúng tôi sắp bị tấn công. Tôi tin lời họ. Trẻ em luôn luôn tin lời người lớn.

Nhưng có những điều gì đấy đã không khớp. Mọi quá trình tìm kiếm sự thật đều có điểm kích hoạt, một khoảnh khắc khi một phần không khớp với toàn bộ, khi điều gì đấy không hợp lý. Và sự không hợp lý này tồn tại ở cuộc đời bên ngoài trường học, tại nơi tôi ở và ở trong gia đình tôi. Tôi đã không hiểu, nếu những người vượt biển trong cuộc thủy vận Mariel cứu vớt thuyền nhân (4) là "những kẻ thù của Nhà nước" thì tại sao bạn bè tôi rất sung sướng khi một trong những người thân lưu vong ấy gởi về cho họ thực phẩm hay áo quần.

Tại sao những người hàng xóm ấy, những người bị tiễn đưa bằng những lời bêu xấu tại chung cư Cayo Hueso nơi tôi chào đời, vẫn lo cho người mẹ già còn ở lại quê nhà ? Người mẹ già ấy đem một phần đồ con cái gởi về cho lại chính những người đã lăng mạ và bêu riếu con bà. Tôi không hiểu được. Và từ chính sự không hiểu được này, mà đau đớn như mỗi lần sinh nở, đã sinh thành nên con người tôi hôm nay.

Vì thế khi người Berlin ấy chưa bao giờ đến Cuba mà lại cố tình chia cách nước tôi, tôi nhảy đựng lên để phản đối anh ta. Cho nên nhờ thế hôm nay tôi đứng đây trước mặt quý vị để khẳng định rằng không ai lại có thể phân chia chúng ta thành người Cuba này hay người Cuba khác. Chúng ta sẽ cần lẫn nhau cho một Cuba tương lai và chúng ta cần lẫn nhau trong Cuba hiện tại. Không có quý vị, nước chúng ta sẽ trở nên không trọn vẹn, như thể thân thể quê hương bị cắt hết tay chân. Chúng ta không thể cho phép họ tiếp tục chia cắt chúng ta.

Như chúng tôi đang đấu tranh để sống trong quốc gia nơi chúng tôi có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và rất nhiều quyền tự do khác mà đã bị cướp đoạt từ chúng tôi ; chúng tôi phải làm tất cả mọi điều - những điều có thể và những điều bất khả - để quý vị có thể lấy lại những quyền tự do họ cũng cướp đoạt từ quý vị. Không có "các anh chị" và "chúng tôi". Chỉ có một chúng tôi. Chúng ta sẽ không cho phép họ tiếp tục chia lìa chúng ta.

Tôi có mặt ở đây hôm nay vì tôi không tin lịch sử họ kể tôi. Với rất nhiều người Cuba khác lớn lên dưới một "sự thật" chính thức duy nhất, chúng tôi đã thức tỉnh. Chúng tôi cần xây dựng lại đất nước của chúng ta. Chúng tôi không thể thực hiện điều này một mình. Những người hiện diện ở đây -như quý vị biết rõ- đã giúp đỡ rất nhiều gia đình ở trong nước có thực phẩm để nuôi con cái. Quý vị đã thăng tiến trong các xã hội nơi quý vị khởi sự từ tay trắng. Quý vị ra đi đã mang theo cả Cuba trong lòng và quý vị thương yêu quê hương. Hãy giúp chúng tôi đoàn kết quê hương lại, phá tan bức tường này mà, khác với bức tường ở Berlin, không làm bằng bê tông hay gạch đá, mà làm bằng những lời nói láo, sự im lặng, và bao ác ý. Trong nước Cuba mà rất nhiều người trong chúng ta mơ ước, không cần phải xác định chúng ta là người Cuba nào. Chúng ta sẽ chỉ là người Cuba, thế thôi.

Yoani Sanchez

Nguyên tác : "Cubans, period" trích từ HavanaTimes, 01/04/2013. Tựa đề do người dịch đặt

Trần Quốc Việt dịch, 19/02/2022 

-------------------------------

Chú thích của người dịch :

(1) "Guten Tag" là "Chào". "Ich spreche ein bisschen Deutsch" là "Tôi nói chút ít tiếng Đức". "Ich komme aus Kuba" là "Tôi là người Cuba" (dịch từ Google Translate)

2. Miami là nơi có rất nhiều người Cuba sống.

3. Joses Marti (1853-1895) là anh hùng cách mạng và là nhà thơ người Cuba

4. Cuộc thủy vận cứu người vượt biển ra đi từ cảng Mariel vào năm 1980 đã cứu và đưa hơn 100 ngàn người tỵ nạn Cuba đến định cư ở Hoa Kỳ.

 

*******************

Sống chết với quê hương 

David Samuels, Trần Quốc Việt, 19/02/2022

Lời tòa soạn : Dưới đây là một đoạn trích từ bài nói chuyện với cựu trí thức bất đồng chính kiến Adam Michnik về 'tâm lý người Ba Lan', bài Do Thái và 'đeo kính Do Thái', do ký giả David Samuels thực hiện, đăng trên trang Tablet Magazine ngày 18/12/2014.

--------------------------

POLAND-MICHNIK

Cựu trí thức bất đồng chính kiến Adam Michnik – Ảnh chụp năm 1981 tại Warsawa

Vào tháng Năm 1968 tôi đang ở tù và tôi ở trong "karcer" này, tức xà lim kỷ luật đặc biệt, hay còn gọi là "giường cứng". Rồi bất ngờ họ đưa tôi đi cung ở một căn phòng trải thảm đỏ sang trọng.

"Ông Adam, mời ông dùng thuốc lá ? Ông dùng trà hay cà phê ?"

Rồi viên an ninh điều tra trẻ, độ chừng hơn ba chục tuổi, thực ra chẳng lớn tuổi hơn tôi, nói :

"Ông Adam, khi ra tù ông có tính đi Do Thái ?"

"Tại sao tôi nên đi Do Thái ?"

"Vì hiện nay tất cả những người Do Thái đều có thể đi Do Thái".

Nghe thế, tôi nói với anh ta. "Tôi sẽ di cư sang Do Thái vào ngày sau khi anh di cư sang Mạc Tư Khoa".

Anh ta rất tức giận, nhưng đối với tôi đây là khoảnh khắc rất quan trọng, vì tôi tự quyết định về thân phận của mình. Điều mà cộng sản và những kẻ bài Do Thái nói về tôi đối với tôi thật ra chẳng quan trọng gì. Đối với tôi, điều quan trọng là điều tôi nghĩ về mình.

Cha tôi không ngừng ép tôi di cư. Ông thường nói "Này con, con ở đây họ sẽ giết con đấy". Trước đó trong phiên tòa xử mình tôi đã phát biểu rất khiêu khích và sắc sảo. "Họ sẽ không bao giờ tha thứ con chuyện ấy", cha tôi hay nói. Ông muốn tôi đi. Tôi đáp, "Không. Con nhất định ở lại đây để may vải liệm cho họ".

David Samuels

Nguyên tác : "The Conscience of Poland : A Q&A With Adam Michnik", Tablet Mag, 18/12/2014Tựa đề do người dịch đặt

Trần Quốc Việt dịch (19/02/2022)

**********************

Quê hương

Trần Quốc Việt, 19/2/2022

(Phỏng theo bài thơ "Quê hương" của Đỗ Trung Quân)

 

quehuong1

 

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy cố yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng vui nhiều

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho quan trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về nặng tập trên vai

 

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con ngóng thèm thuồng

Quê hương là con đò nhỏ

Sương rơi chờ khách đêm khuya

 

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về bóng đổ hắt hiu

Quê hương là vòng tay lạnh

Bơ vơ bao kẻ bên lề

 

Quê hương là bến nước lạ

Phận gái trôi dạt trời xa

Quê hương là luồng cá bạc

Máu rơi thấm đẫm khoang thuyền

 

Quê hương là ngày mưa lớn

Thương cha vất vả trên đường

Quê hương là đêm trăng lạnh

Em thơ ngủ mệt bên thềm

 

Quê hương nếu ai lên tiếng

Sẽ không thoát khỏi lao tù

Quê hương nếu ai hờ hững

Tủi lòng lịch sử ngàn xưa

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Đảng thôi.

Trần Quốc Việt, 19/02/2022

Published in Văn hóa

Ba Lan đã tiến thêm một bước trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của mình : Mỹ đã đồng ý mở rộng phạm vi trú đóng của quân đội Mỹ, vào lúc này là sáu khu vực trên lãnh thổ Ba Lan. Hai bên đang tiếp tục thảo luận về việc đưa quân đội Mỹ đến trú đóng tại khu vực thứ bảy. Hai tháng trước, Ba Lan đã thuyết phục Mỹ tăng quân số trú đóng tại Ba Lan từ 4.500 lên 5.500 và thiết lập một bộ chỉ huy cấp sư đoàn đối với lực lượng trú đóng tại Ba Lan (1).

balan0

Ba Lan đã thuyết phục Mỹ tăng quân số trú đóng tại Ba Lan - Ảnh minh họa

Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa xác định có đưa quân nhân Mỹ đến thường trú tại Ba Lan hay không, cho dù Ba Lan đã đề nghi chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một căn cứ riêng cho quân đội Mỹ thường trú (2). Thường trú khác hoàn toàn với trú đóng. Để dễ hình dung có thể khái quát thế này : Lệnh điều động quân nhân Mỹ đến một căn cứ dạng thường trú thường có thời hạn là ba năm. Vì đó là lệnh điều động dài hạn, quân đội Mỹ có trách nhiệm sắp xếp để quân nhân Mỹ đưa gia đình cùng đi, cùng sống với họ trong ba năm ấy.

Cũng vì vậy, căn cứ dành cho thường trú không chỉ là nơi đóng quân, đó còn là chỗ sinh hoạt của cả một cộng đồng, thành ra phải có trường học, thư viện, bệnh viện, siêu thị, rạp chiếu phim, công viên, trạm xăng… nhìn chung là y như ở Mỹ. Nói cách khác, căn cứ thường trú đồng nghĩa với việc tạo ra một cộng đồng dân cư Mỹ bên ngoài Mỹ, gắn chặt an ninh của cộng đồng đó với quốc phòng của quốc gia nơi cộng đồng đó hiện diện.

Còn trú đóng là điều động quân nhân Mỹ đến quốc gia nào đó tối đa chín tháng để thực hiện một kế hoạch, một chiến dịch. Quân nhân đi theo đơn vị, không có gia đình cùng đi. Sau chín tháng, nếu kế hoạch hay chiến dịch chưa kết thúc, quân đội Mỹ sẽ điều động đơn vị khác đến thế chỗ. Sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine (2014), NATO hối thúc Mỹ điều động quân đội đến trú đóng, gia tăng phối hợp tập luyện với quân đội các quốc gia Đông Âu nhưng không thường trú như ở nhiều quốc gia Tây Âu.

***

Nếu dành một chút thời gian đọc qua về lịch sử Ba Lan (3), có thể thấy xứ sở này rất giống Việt Nam ở chỗ liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, liên tục bị ngoại bang chiếm đóng – đô hộ, bị chia năm – xẻ bảy. Để khôi phục độc lập, giành lại tự do, xương của nhiều thế hệ Ba Lan cũng cao như núi, máu của nhiều thế hệ Ba Lan cũng chảy như sông. Một trong những điểm trớ trêu, khiến lịch sử Ba Lan thấm đẫm máu và nước mắt cũng do láng giềng vừa tham, vừa tàn bạo.

Giống như Việt Nam – chẳng may kề cận Trung Quốc, Ba Lan chẳng may giáp vách với Nga. Nga chà đi – xát lại Ba Lan suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Song không có giai đoạn nào trong lịch sử Ba Lan bi thương bằng thời điểm từ 1918 đến 1989 – thời điểm ra đời Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và tan rã. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Lenin xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các lân bang, đỡ đầu cho các Đảng cộng sản tại đó giành chính quyền ở Ba Lan, Belarus, Ukraine.

Riêng tại Ba Lan, trong 20 năm, từ 1918 – 1938, Liên Xô - "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn" của Đảng cộng sản Ba Lan đã điều động Hồng quân giết 119.000 người, hỗ trợ Đảng cộng sản Ba Lan tạo lập các "vùng giải phóng", xây dựng "chính quyền nhân dân", bằng cách đưa hàng chục ngàn gia đình thuộc diện nguy hại cho "cách mạng xã hội chủ nghĩa" ở Ba Lan đến Kazakhstan. Bên cạnh đó, "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn" của Đảng cộng sản Ba Lan ký với phát xít Đức "Mật ước Molotov – Ribbentrop".

Theo đó, năm 1939, phát xít Đức chiếm một nửa Ba Lan, Liên Xô chiếm nửa còn lại. So với phát xít Đức, Liên Xô còn tàn bạo hơn. Khi tràn vào Ba Lan, Hồng quân đã bắt 22.000 người được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan (tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan cao cấp, doanh nhân…) đưa hết về Liên Xô để giết rồi chôn ở Katyn. Khi xé bỏ "Mật ước Molotov – Ribbentrop", đuổi Liên Xô khỏi Ba Lan, tràn vào Liên Xô, phát xít Đức phát giác rồi tố cáo vụ "Thảm sát Katyn" để cô lập Liên Xô.

"Thảm sát Katyn" được công khai lần đầu vào tháng 4 năm 1943 nhưng vì "tình hữu nghị" với Liên Xô, Đảng cộng sản Ba Lan lờ đi. Dân Ba Lan chỉ có thể đề cập đến "Thảm sát Katyn" vào đầu thập niên 1990, sau khi Đảng cộng sản Ba Lan bị tước mất quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Ba Lan… Năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa Liên Xô – mới thừa nhận "Thảm sát Katyn" và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (4).

Tội ác do "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn" của Đảng cộng sản Ba Lan gây ra đối với dân Ba Lan không chỉ có chừng đó. Năm 1944, khi Hồng quân Liên Xô đã tiến đến ngoại ô Warsaw, dân Warsaw đồng loạt nổi dậy đánh đuổi phát xít Đức khỏi thủ đô của mình. Tuy nhiên Hồng quân không những không tiến vào hỗ trợ mà còn ngăn cản phi cơ của phía Đồng minh (Anh, Mỹ…) thả dù tiếp tế vũ khí, đạn dược, thực phẩm. Kết quả, phát xít Đức rảnh tay đàn áp, từ 150.000 đến 200.000 người Ba Lan bị giết (5).

Một Ba Lan kiệt quệ cả về nhân lực lẫn kinh tế sau Thế chiến thứ hai đã giúp Đảng cộng sản Ba Lan trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Ba Lan với sự hỗ trợ của Liên Xô - "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn" của Đảng cộng sản Ba Lan. Sau Thế chiến thứ hai, Liên Xô điều động 500.000 lính đến Ba Lan, giúp Đảng cộng sản Ba Lan "ổn định chính trị" để xây dựng chủ nghĩa xã hội. 80% sĩ quan quân đội Ba Lan là sĩ quan Hồng quân...

Đó cũng là cách Đảng cộng sản Nga sử dụng để tạo lập, củng cố Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và xây dựng khối quốc gia xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Âu. Đó cũng là lý do tại sao cuối thập niên 1980, Liên Xô tan rã rất nhanh và dân chúng các quốc gia Đông Âu đồng loạt vứt bỏ chủ nghĩa xã hội không hề đắn đo. Đó cũng là nguyên nhân chính, sau khi Nga "thu hồi" bán đảo Crimea vốn là lãnh thổ của Ukraine, 80% dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ. Chính phủ Ba Lan cũng như chính phủ nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc ở khu vực Đông Âu tìm mọi cách gia nhập NATO và mời gọi quân đội Mỹ đến trú đóng hay thường trú.

***

Bước tiến mới của Ba Lan trong kế hoạch lôi kéo quân đội Mỹ đến xứ sở của họ khiến kẻ viết bài này liên tưởng đến đề nghị mà Mỹ từng nêu ra với Việt Nam cách nay vài năm : Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu, quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực Đông Nam Á. Đề nghị đó chẳng biết có còn giá trị không vì chưa thấy tiến triển nào mới.

Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì "chính sách ba không" : Không liên minh quân sự - Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam - Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác. Cần lưu ý, tự thân "chính sách ba không" không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.

Vấn đề nằm ở chỗ, "chính sách ba không" lại do những cá nhân nhất mực khẳng định : Việt Nam và Trung Quốc có một "di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ", với "đặc trưng cùng do đảng cộng sản lãnh đạo" nên "tạo ra mối quan hệ đặc biệt", "chi phối cách ứng xử của cả hai", thành ra "nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (6) - soạn thảo.

Cứ so sánh hiệu quả việc thực thi "chính sách ba không" với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không. Xét cho đến cùng "chính sách ba không" có tương quan mật thiết đến việc Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tìm đủ mọi cách níu giữ đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của riêng mình. Do vậy, mâu thuẫn với Trung Quốc về lợi ích quốc gia, xa hơn là sự an nguy cho tương lai của dân tộc không quan trọng bằng việc được "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác", nhằm giữ cho bằng được "sự thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Quan hệ Việt – Trung và những diễn biến gần đây ở Biển Đông chỉ là một trong vô số ví dụ minh họa. Có lẽ đã đến lúc, người Việt nên dành nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu cả về lịch sử Ba Lan, lẫn lịch sử của các quốc gia từng là thành viên của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, các quốc gia từng nằm trong khối "xã hội chủ nghĩa" – anh em với Việt Nam để đối chiếu, ngẫm nghĩ về bài học liên quan tới "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn", đặc biệt khi "người bạn" ấy sát vách nhà mình.

Trân Văn

Nguồn : VOA, 05/09/2019

Chú thích :

(1) https://www.stripes.com/news/europe/poland-us-agree-on-six-sites-for-more-us-troops-debating-seventh-1.596616

(2) https://www.stripes.com/news/a-new-us-base-in-poland-wouldn-t-mean-troop-cuts-in-germany-us-ambassador-says-1.568328

(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Katyn_massacre

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland-Russia_relations

(6) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm

Published in Diễn đàn

Tháng Tám năm 2017 : Đức.

Tháng Năm năm 2018 : Slovakia

Tháng Sáu năm 2018 : Ba Lan ?

Khi vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nổ ra vào cuối tháng Bảy năm 2017 tại Berlin, gần như cầm chắc giới chóp bu chỉ thấy một không thấy hai ở Việt Nam đã không thể tưởng tượng ra tương lai của vụ bắt cóc – giống như phim thời Chiến tranh lạnh – sẽ khiến phun trào ngọn núi lửa khủng hoảng ngoại giao giữa chính thể độc đảng ở Việt Nam với người Đức và có thể cả người Slovakia và người Ba Lan.

balan1

Ảnh lưu trữ của không lưu về lộ trình chuyến chuyên cơ của chính phủ Slovakia ngày 26/07/2017 (thoibao.de)

Tháng Sáu năm 2018, trang thoibao.de – tờ báo của cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa liên bang Đức – đã bổ túc tin tức về những dấu hiệu và mầm mống đang phát sinh về vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến Ba Lan :

Sau Cộng hòa Séc và Slovakia, Ba Lan là nước EU thứ ba có dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ba Lan đã cấp giấy phép cho chuyên cơ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh được bay ngang lãnh thổ Ba Lan. Để xin giấy phép này, Slovakia thông báo cho Bộ Ngoại giao Ba Lan, rằng chuyến bay này chở một phái đoàn Slovakia đến Moscow do ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là Phó Thủ tướng Slovakia hồi đó, dẫn đầu.

Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, báo chí Ba Lan đã rầm rộ đưa tin về một phát giác mới gây chấn động dư luận quốc tế : Chính phủ Ba Lan có dính líu đến nghi án Trịnh Xuân Thanh bị đưa lậu ra khỏi EU bằng chuyên cơ của Slovakia.

Tờ báo mạng Onet.pl của Ba Lan đã sưu tra ra vụ việc trên và cũng là tờ báo đầu tiên đăng tải tin tức này vào ngày 31/05/2018. Sau đó các trang báo mạng và tờ báo khác đã đồng loạt đưa tin.

Bài báo gây chấn động của tờ Onet mở đầu như sau : "Câu chuyện này giống như một bộ phim giật gân. Có một vụ bắt cóc ngoạn mục, nạn nhân bị đưa lậu qua biên giới của một số quốc gia. Có những dối trá tinh tế và mưu mô. Vấn đề là các cơ quan chức năng của một số nước đã tham gia vào việc vi phạm luật lệ. Có lẽ Ba Lan cũng vậy".

Thoibao.de cũng nhắc lại trước đây 1 tháng, tờ nhật báo Đức TAZ đã đưa tin Ba ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, lúc 11 :26 giờ sáng ngày 26/07/2017 bốn quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Praha thủ đô Cộng hòa Séc, với chuyến bay của hãng hàng không Czech Airlines đến từ Paris. Họ muốn đến Bratislava thủ đô Slovakia để làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia, ít nhất đó là nguyên cớ chính thức.

Đúng ra, bốn người này định đến Vienna thủ đô Áo vào buổi sáng và từ đó tới Bratislava. Phía Slovakia đã lo chuẩn bị xe limousine đón họ. Theo trình bày của phía Slovakia : Nhưng một ngày trước cuộc họp, phía Việt Nam đột ngột thay đổi lịch trình, họ nói rằng họ muốn được đón tại Praha và sau đó bay tới Moscow vì có một cuộc hẹn tiếp theo của Bộ trưởng Tô Lâm tại đó.

Vì vậy họ đã được Bộ Nội vụ Slovakia cung cấp một chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc phi đội thường trực của chính phủ Slovakia.

Ngay sau 12g30 trưa ngày thứ Tư 26/07/2017, bốn người đàn ông nói trên từ Praha đã bay đến Bratislava trên một chiếc chuyên cơ Airbus A 319 của chính phủ Slovakia. Đúng 13g15 chiếc chuyên cơ hạ cánh trên sân bay Bratislava và ở đó 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Lúc 14g52 từ sân bay Bratislava chiếc chuyên cơ lại cất cánh bay đến Moscow thủ đô Nga, chuyến bay này chở một phái đoàn Việt Nam, không phải chỉ có 4 người nêu trên mà từ 4 người đã đột nhiên tăng lên 12 người. Người ta nghi ngờ rằng Trịnh Xuân Thanh đã được đưa "chui" lên chuyên cơ này để ra khỏi EU…

Cali Today cũng cần nhắc lại là vào tháng Tư và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là ông Dương Trọng Minh. Sau hai tuần lễ lặng như tờ, rốt cuộc phía Việt Nam đã phải phản hồi sự thúc giục của Bộ Ngoại giao Slovakia. Ông Dương Trọng Minh đã trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’.

Nhưng làm thế nào để Bộ Ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh có một giá trị nào đó ?

Trong thực tế, Dương Trọng Minh chỉ là một quan chức bậc trung, tương đương chức vụ trưởng hoặc vụ phó của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chẳng có quyền quyết định gì đối với những vấn đề mang tính sinh mạng chính trị của các quan chức cấp chính phủ và cấp bộ chính trị như Trịnh Xuân Thanh.

Câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh lại giống với một cách chơi chữ, chỉ đề cập ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Trong khi đó, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam.

Còn với nước Đức luôn đề cao giá trị pháp quyền, họ không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, mà còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Đức đã đình chỉ quan hệ làm việc cấp cao với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong tình huống này, Bộ Quốc phòng Việt Nam có vẻ bị ‘oan’, bởi cho tới nay không có thông tin nào về chuyện nhân viên Tổng cục II (Tổng cục tình báo) của Bộ Quốc phòng Việt Nam đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.

Giờ đây, không chỉ người Đức, Slovakia, Ba Lan, mà nhiều nước trong khối EU và cả ngoài EU hẳn đang phải khẩn cấp thiết lập một hàng rào ngăn chặn mật vụ Việt Nam thâm nhập Lục Địa Già, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với phần lớn Châu Âu.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 07/06/2018

Published in Diễn đàn

Ba Lan, nước Đông Âu tiên phong dân chủ nay đứng bên lề Châu Âu

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ba Lan bị Liên Hiệp Châu Âu ruồng bỏ", Le Monde nhận xét, đây là cả một nghịch lý ! Thời Liên Xô cũ, Ba Lan là nước đi tiên phong trong cuộc chiến chống cộng. Tại đây, công đoàn độc lập đầu tiên đã ra đời, và qua thương thảo đã khai sinh ra một chính quyền dân chủ.

balan1

Người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Warsawa, Ba Lan ngày 24/11/2017. Reuters/Kacper Pempel

Ba Lan đóng một vai trò tích cực trong sự tan rã của Liên Xô, và là nước cột trụ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Là mẫu mực cho việc hội nhập Châu Âu, quốc gia thành viên có dân số đứng hàng thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Ba Lan có tầm nhìn và tham vọng trở thành một nước lãnh đạo của Liên hiệp. Đến hôm thứ Tư 20/12, Ba Lan lại nổi lên hàng đầu, nhưng lần này không lấy gì làm vinh dự.

Sau hai năm do dự và liên tục cảnh cáo, Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã kích hoạt tiến trình được quy định trong điều 7 hiệp ước Lisboa, đối với một Nhà nước thành viên bị nghi ngờ "vi phạm trầm trọng và kéo dài" các giá trị của EU. Ba Lan, quốc gia đầy hãnh diện khi hội nhập Châu Âu năm 2004, nay bị gạt ra bên lề - một cách tượng trưng.

Còn cả một loạt những thủ tục nữa trước khi tiến đến trừng phạt, chủ yếu là ngưng một số quyền lợi của nước vi phạm, như quyền bỏ phiếu ở Hội đồng Châu Âu. Warsawa có ba tháng để giải trình với Bruxelles về "nguy cơ vi phạm trầm trọng Nhà nước pháp quyền tại Ba Lan".Giai đoạn hai sẽ được tiến hành nếu Warsawa không đáp ứng : một hội nghị thượng đỉnh Châu Âu được triệu tập, qua đó tất cả các nước phải nhất trí cho rằng Ba Lan vi phạm. Một giả thiết khó thành sự thực, vì Hungary của ông Viktor Orban đã cho biết là sẽ không bỏ phiếu chống lại Ba Lan.

Cần phải đến nước này chăng ? Le Monde cho rằng, rất tiếc là phải như thế. Chính phủ Ba Lan do đảng dân tộc chủ nghĩa Pháp luật và Công lý (PiS) lãnh đạo từ khi lên cầm quyền vào tháng 10/2015 không ngừng hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tạo, và gây trở ngại cho sự độc lập của bộ máy tư pháp.

Có thể do nghĩ rằng Ủy ban Châu Âu - nhiều năm qua đã làm ngơ trước Hungary, sẽ không đi đến cùng trong việc kích hoạt điều 7 – Warsawa không đáp ứng những lời cảnh cáo liên tục của Bruxelles cũng như áp lực của xã hội dân sự trong nước. Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng PiS, người thực sự nắm quyền ở Ba Lan, đã gặt bão sau khi gieo gió.

Đối với Ủy ban Châu Âu, nếu không hành động sẽ là một sự yếu kém đáng lên án. Chủ nghĩa dân túy và cực hữu đang phát triển tại EU, nay trở thành một lực lượng chính trị có sức nặng, và tham gia vào nhiều chính phủ, như mới đây là Áo quốc. Dù bị Bruxelles phê phán, các chính phủ này vẫn cho rằng ở lại trong EU có lợi hơn cho mình. Như thế cũng tốt, tuy nhiên theo Le Monde, các thành viên cần phải tôn trọng các quy định và giá trị của Liên hiệp, mà đứng hàng đầu là Nhà nước pháp quyền, một trong những cơ sở của nền dân chủ Châu Âu.

Đài Loan phải đối mặt với chiến tranh cân não của Trung Quốc

Nhìn sang Châu Á, Libération nhận định "Đài Loan đối mặt với cuộc chiến tranh cân não của Trung Quốc". Với hàng loạt cuộc tập trận và sự tăng cường đe dọa, Bắc Kinh đang gây áp lực nặng nề lên Đài Bắc.

Hôm qua, bộ Quốc Phòng Đài Loan tố cáo không quân Trung Quốc đã xâm nhập đến lần thứ 10 không phận nước này, kể từ sau Đại hội Đảng 19. Tuần trước, Bắc Kinh cho tập trận quy mô : cho quân bao vây hòn đảo và cho các oanh tạc cơ mang theo hỏa tiễn trông rất rõ, lượn qua lượn lại để thị uy. Đài Loan trả đũa bằng các cuộc tập trận bộ binh có trực thăng tham gia.

Theo Libération, việc bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan, và trong bài diễn văn nhậm chức đã kêu gọi tôn trọng "môt hệ thống dân chủ, đặc thù quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ" khiến Bắc Kinh rất bực bội. Nhưng việc Hoa Kỳ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn làm Trung Quốc căm tức nhất. Trong văn bản về ngân sách quốc phòng, Mỹ dự trù tăng cường hợp tác với Đài Loan, đặc biệt là cho các chiến hạm thăm viếng lẫn nhau ; trong khi Bắc Kinh coi đây là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".

Đạt Lai Lạt Ma được về Trung Quốc hành hương ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết "Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị hành hương" tại nước này. Một đặc sứ của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong đã tái lập liên lạc với Bắc Kinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của giáo sư Samdhong Rinpoché, nguyên chủ tịch Quốc Hội Tây Tạng lưu vong và là đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma, đang gây ra những lời đồn đãi về việc lãnh tụ Tây Tạng sẽ đi thăm Ngũ Đài Sơn (Wutai), một ngọn núi thiêng của đạo Phật, tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi).

Việc để cho Đạt Lai Lạt Ma quay lại xưa nay vẫn là yêu sách hàng đầu của những người dân Tây Tạng biểu tình chống Bắc Kinh. Nhiều người tin rằng ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ hai có thể chịu nhượng bộ, sau khi đã nắm trọn được quyền hành. Theo một nhà quan sát người Tây Tạng, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng tháng 3/2008, Bắc Kinh có thể đưa ra một giải pháp để tránh mọi rủi ro xung đột.

Bắc Triều Tiên sẽ để yên cho Hàn Quốc trong Thế vận hội ?

Trên bán đảo Triều Tiên, "Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng hưu chiến trong Thế vận hội". Hàn Quốc muốn dời lại cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông tại Pyeongchang.

Le Monde nhận định, bối cảnh hiện nay rất căng thẳng, và mới nhất là vụ lính biên phòng Hàn Quốc canh gác tại vùng phi quân sự đã phải bắn hơn 20 phát cảnh cáo vào sáng sớm hôm qua, về phía các binh lính Bắc Triều Tiên đang truy lùng một người lính đào tẩu. Trước đó hôm 13/11, đã có một binh sĩ Bắc Triều Tiên khác vượt qua Bàn Môn Điếm.

Quân đội Miến Điện lo sợ nhà báo đưa ra các bằng chứng đàn áp

Tại Đông Nam Á, "Trong một làng Rohingya, một vụ thảm sát và các hình ảnh bị quân đội Miến Điện ngăn cấm" - Le Monde tố cáo. Hai nhà báo của hãng tin Reuters đã bị bắt giữ vì nắm được trong tay các bằng chứng của tội ác.

Các hình ảnh vệ tinh được Amnesty International công bố cho thấy tại làng Inn Din ở phía bắc bang Arakan tức Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống, chỉ có nhà cửa của người thiểu số theo đạo Hồi này là bị đốt cháy, còn nhà của người theo đạo Phật vẫn còn y nguyên. Một người sống sót cho biết quân đội Miến Điện cùng với một nhóm dân quân đã vào đốt làng, bắn chỉ thiên, sau đó nã đạn vào những người Rohingya đang chạy trốn.

Hai nhà báo người Miến Điện của Reuters là Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi đã bị bắt giữ tại Răngun vì "thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định cung cấp cho báo chí nước ngoài". Trước đó hai nhà báo này đã đến làng Inn Din, cho thấy quân đội lo ngại các hình ảnh họ chụp được khiến cộng đồng quốc tế thêm phẫn nộ. Bốn giáo viên và một dân làng Inn Din theo đạo Phật đã bị tình báo quân đội bắt và thẩm vấn chỉ vì đã trò chuyện với hai nhà báo Reuters. Quân đội Miến Điện chỉ chấp nhận cho một tổ chức duy nhất là hội Hồng Thập Tự hoạt động.

Noel không an bình trên thánh địa Jerusalem

"Châu Âu muốn trừng phạt những vi phạm của Ba Lan về Nhà nước pháp quyền", đó là tựa chính của Le Monde hôm nay. Tại Tây Ban Nha, Le Figaro nhận định "Bầu cử Catalunya : Cú sốc độc lập".

Về tình hình nước Pháp, Libération quan tâm đến "Nợ nần, hưu bổng, hỏng hóc…", những vấn đề trong năm của công ty đường sắt Pháp SNCF, mà đỉnh điểm là việc bị đặt trong vòng điều tra hôm qua. Tờ báo chơi chữ "Trạm cuối của một năm đen tối".

Nhật báo kinh tế Les Echos nói về "CAC 40 : Những bí mật tuổi 30". Được thành lập năm 1987, chỉ số thị trường chứng khoán Pháp đã trải qua ba thập niên, tổng vốn tăng lên 20 lần.

Giáng Sinh đã cận kề, ảnh bìa của nhật báo công giáo La Croix là những hàng trái châu sáng rực trong đêm đen, với tựa đề "Noel, đơn giản thế thôi", đề nghị "Năm ý tưởng để giữ lại tinh thần của ngày lễ Noel".

Tại Trung Đông, Le Figaro có bài phóng sự đăng trên mạng về một "Noel căng thẳng ở Jerusalem". Bị chinh phục trên 40 lần và bị san bằng hai lần trong quá khứ, thành phố nhiều ngàn năm tuổi này chuẩn bị đón một lễ Giáng Sinh không bình an, sau quyết định lịch sử của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Thành phố cổ có diện tích một km vuông và 40.000 cư dân, là thánh địa của ba tôn giáo lớn đang trong không khí dễ bùng nổ xung đột. Nếu ở những ngã tư thường xuyên kẹt xe của thành phố mới, khi đèn xanh bật lên mà chưa kịp nổ máy là một loạt còi xe bèn rền vang thúc giục ; thì ở trung tâm phố cổ, các giáo sĩ Hồi giáo, những người Do Thái giáo và du khách đi ngang qua mặt nhau lặng lẽ. Những vụ bạo động xảy ra thường xuyên. Một luật sư nổi tiếng thuộc cánh tả Israel vốn có nhiều bạn bè người Palestine và thông thạo thành phố như lòng bàn tay, buồn bã cho biết, bây giờ ông cũng chẳng dám ra đường một mình.

Donald Trump, ông già Noel của các đại tập đoàn Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về "Noel của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ". Năm nay, ông già Noel của nước Mỹ có mái tóc vàng lộ ra dưới chiếc nón chóp đỏ : với đạo luật thuế mới, ông Donald Trump muốn chứng tỏ là người bảo vệ quyền lợi giai cấp trung lưu. Nhưng hiện thời không phải là giới trung lưu vỗ tay hoan nghênh ông, mà là các đại công ty.

Tập đoàn viễn thông AT&T cho biết sẽ thưởng cho 300.000 nhân viên mỗi người 1.000 đô la. Ngân hàng Wells Fargo tăng lương tối thiểu từ 13,5 lên 15 đô la/giờ. Nhưng không phải công ty nào cũng làm như thế. Thượng nghị sĩ Dân Chủ Charles Schumer đã cho phổ biến một danh sách 30 tập đoàn loan báo mua lại trên 80 tỉ đô la cổ phiếu, sau khi Thượng Viện thông qua đạo luật. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, việc kích thích tăng trưởng bằng cách giảm thuế như thế sẽ làm két bạc của các công ty thêm đầy, và họ sẽ chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu.

Pháp : Hàng hóa Noel bán chạy

Tại Pháp, các nhà phân phối năm nay mãn nguyện vì có được một weekend Noel đặc biệt, "mười năm mới có một lần". Các cửa hàng dù nhỏ hay lớn đều đầy khách, vì đêm réveillon 24/12 rơi vào Chủ nhật. Các siêu thị tha hồ bán các bữa ăn chuẩn bị sẵn vào cuối tuần, còn các thương xá Paris cũng nhộn nhịp người mua vì học sinh đến thứ Bảy 23/12 mới đi nghỉ hè. Có nghĩa là cho đến ngày cuối, vẫn có đông khách đi mua hàng, mua quà Noel.

Chẳng hạn các siêu thị Carrefour trong ngày thứ Bảy lượng hàng giao tận nhà tăng gấp đôi, chuẩn bị bán 350.000 bánh khúc cây Noel và 4.000 tấn hải sản. Bưu điện Pháp một ngày phải chuyển đến 2,6 triệu bưu kiện thay vì 1 triệu, phải tuyển hàng trăm lao động thời vụ và nhờ thêm các dịch vụ thuê ngoài. Les Echos cho biết người Pháp vẫn chuộng các cây thông tự nhiên hơn là nhân tạo. Điều này đáng khuyến khích vì thông nhân tạo gây 8,1 kg khí thải carbone, trong khi thông tự nhiên chỉ tạo ra có 3,1 kg ; và trang trí bằng cây thông thiên nhiên cũng giúp cho cả ngàn người có việc làm trong mùa Noel.

Thụy My

Published in Quốc tế

Ngày 1 tháng 10 đã đến và là một dấu mốc buồn với nhiều gia đình người Ba Lan, khi một điều luật mới của chính phủ cánh hữu vừa được hiện thực hóa.

balan1

Cảnh sát chống biểu tình thời Xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan - ảnh tư liệu

Theo một thống kê chưa đầy đủ trên trang Onet.pl, đã có ít nhất năm người tự tử và nhiều trường hợp chết về nhồi máu cơ tim.

Kể từ ngày 1/ 10 năm nay, ít nhất 50 nghìn người từng làm việc trong ngành an ninh từ tháng 7/1945 tới tháng 7/1990 sẽ bị hạ lương hưu.

Đây là con số được Viện Hồi Ức Dân Tộc (IPN) đưa ra sau khi xem xét hàng trăm ngàn bộ hồ sơ.

Đã mấy lần thanh lọc

Giờ đây, cứ mỗi năm tham gia vào hệ thống an ninh của chế độ cộng sản, họ sẽ bị trừ 10% lương, nhưng sẽ không thấp hơn mức hưu tối thiểu cho công dân Ba Lan.

Với quyết định này, nhiều người bị mất tới 2/3 thậm chí 3/4 lương hưu.

Điều luật mới động chạm tới mọi đối tượng đã từng làm việc trong cơ quan an ninh thời cộng sản, kể cả những bác sĩ trong các bệnh viện công an, vận động viên từng thi đấu dưới màu áo công an ; hay những người đơn thuần chỉ làm tạp vụ, lái xe, cấp dưỡng nhưng biên chế trong lực lượng an ninh và Bộ Công an.

Ngay cả những người chỉ tham gia các khóa học, đào tạo nghiệp vụ an ninh cũng sẽ bị hạ lương.

balan2

Sau thay đổi chế độ, Đại tướng công an Czeslaw Kiszczak (bìa phải), đã bị đem ra tòa xử. Hình ông Kiszczak cùng các lãnh đạo cao nhất của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan những ngày cuối của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan

Và tất nhiên, giáo viên trong các trường an ninh cũng sẽ chung số phận.

Việc cắt giảm cũng đánh vào những người thân 'ăn theo' chế độ trợ cấp xã hội như vợ góa hay những đứa con côi, con tàn tật của một nhân viên hay sĩ quan an ninh.

Sau thay đổi chế độ, từ 1990 Ba Lan đã trải qua vài lần thanh lọc, sát hạch nhằm loại khỏi chính quyền những người từng ở trong bộ máy đàn áp thời cộng sản.

Nhưng rất nhiều công an cấp thấp được cho là 'không có vấn đề gì' và vẫn tiếp tục được ở lại làm việc trong chế độ dân chủ.

Nhiều người trong số họ sau này đã lập công, đã được tuyên dương, trở thành sĩ quan cấp cao. Nhưng, điều luật mới ra đã không buông tha cho họ.

Mặc dù trong mấy tháng qua, báo chí đã gióng lên những hồi chuông, nhưng chưa làm lay động trái tim của đảng cầm quyền Công lý và Pháp luật (PiS) - nhất là khi đảng này luôn ở thế thượng phong trong các cuộc trưng cầu dân ý về tỉ lệ ủng hộ.

Vài trường hợp tiêu biểu

Đối với nhiều người, quyết định cứng rắn của chính quyền giống như một bản án tử hình.

Mariusz Czerwiec vào ngành công an năm 1985.

Năm 1990 ông đã qua được cuộc kiểm tra lý lịch của chế độ mới và được tiếp tục làm việc ở bộ phận điều tra.

Trong suốt quá trình công tác luôn được đánh giá và một cảnh sát tốt, được yêu mến.

Năm 2006 ông về hưu sớm và mở một tiệm tạp hóa nhỏ trong trường học.

Ông đã treo cổ bên cửa tiệm ở tuổi 56 khi biết lương hưu của mình sẽ về mức tối thiểu.

Cũng chọn giải pháp kết kiễu cuộc đời là Jerzy C. ở thành phố Rzeszów.

Ông từng làm nhân viên cảnh sát từ thời 'chế độ cũ' sang tới năm 2002 mới nghỉ hưu.

balan3

Biểu tượng Công đoàn Đoàn kết và đoàn biểu tình bị một nhóm cảnh sát Ba Lan thời cộng sản vây lại - ảnh tư liệu

Còn Sławomir Wojciechowski, người tự tử mới đây còn 'oan uổng' hơn nữa.

Ông chưa từng có ngày nào kịp khoác chiếc áo ngành an ninh mật lên người.

Nhưng chính quyền hiện nay đã tìm ra hồ sơ của ông và thấy ông tốt nghiệp học viện an ninh với cấp bậc sĩ quan vào năm 1988, đúng một năm trước khi chế độ cộng sản sụp đổ.

Antoni Wójtowicz - một lái xe trong cơ quan an ninh cũ đã đứt mạch máu não chết khi biết sổ hưu của mình bị vơi một nửa, để lại người vợ góa và đứa con gái tàn tật...

Bi kịch cũng đến với những người hùng một thuở.

Đó là các nhân viên tình báo Ba Lan từng xuất hiện trên mặt các trang báo lớn, các hãng truyền hình lớn khi họ giải cứu thành công các điệp viên CIA kẹt lại Iraq, trước khi Mỹ tấn công nước này trong Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.

Chiến dịch diễn ra năm 1990, có tên SAMUN, liên quan tới sáu điệp viên CIA.

Trong lúc các cơ quan tình báo của Nga, Anh và Pháp đều từ chối giúp đỡ vì lý do an toàn, thì Ba Lan đã vào cuộc.

Các nhân viên CIA đã được cấp hộ chiếu Ba Lan, với sự dàn xếp của tình báo, họ trà trộn vào các công nhân xây dựng và di tản khỏi một nước Iraq sắp chiến tranh.

SAMUN đã được dựng thành phim với những tình tiết nghẹt thở, khi một lính biên phòng Iraq nói thành thạo tiếng Ba Lan đứng ra kiểm tra hộ chiếu.

Thắng lợi của chiến dịch giải cứu được cho là đã góp phần quan trọng vào việc Mỹ xóa 50% số nợ nước ngoài - tương đương với 16,5 tỉ USD - cho cho Ba Lan.

Nó cũng giúp cho những người anh hùng được phép tiếp tục công việc trong lúc phần lớn đồng nghiệp của họ phải ra đi sau chuyển giao chế độ.

Hai trong số những người hùng ngày đó vẫn còn sống, giờ 84 và 72 tuổi, một người là đại tá và người kia về hưu với cấp tướng.

Kể từ tháng 10 năm nay, theo luật họ sẽ chỉ còn được hưởng mức lương tối thiểu.

Bài học cho người Việt Nam

Công an Ba Lan từng được đãi ngộ, là con cưng của chế độ cộng sản, là ngành có nhiều quyền lực nhưng họ đã "lãnh đủ" khi thời thế đổi thay.

Sau khi thay đổi chế độ, các sĩ quan an ninh cảnh sát từng tham gia đàn áp biểu tình đều bị đem ra tòa xử và trở thành phạm nhân.

Những người còn lại bị thanh lọc, sa thải khỏi ngành, và giờ đây là mất phần lớn lương hưu.

Nhưng kinh nghiệm đau buồn của họ dường như không ảnh hưởng gì tới trào lưu đang rất thịnh hành ở Việt Nam và gia nhập ngành công an.

Mấy kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy điểm vào các trường khối công an luôn bỏ xa các ngành nghề quan trọng cho tương lai đất nước như sư phạm, nông nghiệp.

Nhà nước không có định hướng dài hạn cho giới trẻ, khiến họ bị cuốn vào những cám dỗ trước mắt như miễn học phí, dễ kiếm việc, lương cao, gia đình được ưu đãi.

Nghề nghiệp là lựa chọn của cả cuộc đời.

Vì thế, nhìn vào Ba Lan, có lẽ các bạn trẻ ở Việt Nam nên nghĩ kỹ hơn khi chọn nghề nghiệp với một cái nhìn xa về tương lai, khi mọi thay đổi đều có thể diễn ra.

Mạc Việt Hồng

Nguồn : BBC, 02/10/2017

Tác giả là nhà báo tự do sống tại Warsaw, Ba Lan.

Published in Diễn đàn