Tin báo chí cho biết người dân vùng biển Tuy An phát hiện một "vật thể lạ" có hình dạng giống như thủy lôi mà theo đo đạc sơ bộ của lực lượng chức năng, vật thể này hình trụ, có chiều dài 6,8m, đường kính 54cm ; phần đầu hơi nhọn, có màu cam ; thân màu đen ; đuôi được lắp các chong chóng giống như chân vịt tàu thuyền. Một vài vị trí trên vật thể này có khắc chữ Trung Quốc.
"Vật thể lạ" có chữ Trung Quốc. (Hình : Trích từ Youtube báo Người Lao Động)
Người dân đọc bản tin lập tức biết ngay đó là thủy lôi của Trung Quốc, nhưng một thủy lôi lại trôi dạt vào bờ biển Việt Nam thật chẳng khác gì quân cướp ngày đã vào tận sân nhà đang hò hét đòi khổ chủ dâng cúng tài sản cho chúng. Cứ nói đến các vấn đề nhạy cảm thuộc Trung Quốc thì báo chí Việt Nam dùng chữ "lạ" để phân biệt những gì "quen" cũng thuộc về Trung Quốc trên đất nước này.
Mà "quen" thì nhiều lắm, không thể kể ra hết trong một bài viết ngắn.
Người Việt đã quen với những toán khách du lịch Trung Quốc tràn ngập đất nước trong thời gian qua. Từ Quảng Ninh, Khánh Hòa cho tới Đà Nẵng, Phú Quốc... họ đến Việt Nam du lịch với tâm thế nơi này là vùng đất mà Bắc Kinh đã mua đứt từ lâu. Những câu chuyện giữa khách du lịch Trung Quốc ứng xử một cách bất nhã với dân Việt Nam nhan nhản trên các đường phố nơi gót chân họ ngang qua. Chính quyền chưa có một hành xử đứng đắn nào đối với vấn đề này và nó làm cho người dân ngao ngán thêm trước sự bất lực của chính quyền địa phương khắp nơi. Nói họ bất lực cũng đúng phần nào với bản chất nhưng chính xác hơn, họ bị trung ương trói gô phản ứng tự nhiên của một con người trước các hành xử của ngoại nhân trên đất nước, đồng bào mình.
Chính quyền địa phương làm sao không thấy những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân bị đàn áp thằng tay vì cho rằng đây là mối họa to lớn cho Đảng và nhà nước. Bọn phản cách mạng có thể lợi dụng các cuộc biểu tình để lật đổ chế độ. Lâu dần chính quyền các cấp quen với luận điệu trên và nỗi sợ hãi bị lật đổ song hành với sự sợ hãi người bạn vàng Trung Quốc.
Một sự thật khác rất quen với quan chức Việt Nam, quen đến nỗi trở thành máu thịt nuôi dưỡng chế độ đó là các dự án thầu luôn ưu tiên cho nước này trong khi họ có thể đoan chắc rằng giá khởi điểm luôn luôn bị đội lên trong thời gian thi công, nhưng vấn đề này họ cũng đã quen, đã từng cùng nhau đối phó chỉ có người dân và đất nước là chịu thiệt thòi vì tài nguyên tiền bạc đội nón ra đi.
Nơi nào có công dân Trung Quốc, nơi ấy có hàng rào vây kín không cho dân bản xứ tiếp cận.
Đó là sự thật. Nó xảy ra từ lâu trên toàn bộ mảnh đất hình chữ S. Từ Vũng Án tới Bauxite Tây nguyên. Từ các khu resort dành riêng cho người Trung Quốc tại Đà Nẵng cho tới tận mũi Cà Mau trong dự án Nhà máy đạm Cà Mau (Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) có bao nhiêu người Trung Quốc đội lốt công nhân tại đây mà chính quyền đành nhìn bất lực ?
Và người dân Việt đã quen dần với hiện tượng này. Nhiều người quên mất rằng nơi đây là đất nước của tổ tiên, ông bà để lại người ngoại quốc nào vào đây đều phải theo phép tắt, quy định của pháp luật. Tiếc một điều chính quyền là nơi có bổn phận thi hành phép nước lại quen mất dần với những điều tệ hại thì hỏi sao dân không làm ngơ trước những chướng tai gai mắt.
Chằng những làm ngơ mà còn hợp tác nữa.
Trong thời điểm tranh thủ với nền khoa học kỹ thuật mà thế giới đã đạt được, Việt Nam mở cửa thu nhận mọi công ty, đối tác nào đem lại lợi ích cho đất nước, đây là điểm son của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tiếc cho nỗ lực này khi sự chọn lựa ấy lại dính vào vết xe "quen" của Trung Quốc. Thay vì các công ty, tập đoàn thuộc khối tư bản, Việt Nam ưu tiên cho Huawei, một tập đoàn đầy tai tiếng của Bắc Kinh, cho phép Huawei tràn vào Việt Nam với kim bài miễn tử trong tay, Huawei chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và chiếm lĩnh luôn sự vẹn toàn lãnh thổ khi mà các cơ sở dữ liệu cho tới an ninh mạng bị tập đoàn này khống chế một cách dễ dàng.
Theo nhà báo Mạnh Kim trích dẫn một phần thông tin trên tờ Nhịp cầu đầu tư ngày 29/04/2013, cho biết, Huawei đã đánh bại các hãng sừng sỏ Ericsson, Alcatel, Nokia-Siemens, Orange-France Telecom, Motorola… để giành thầu cung cấp hệ thống tổng đài, mạng lõi, trạm thu phát sóng cho Viettel, Vinaphone, Vietnamobile, MobiFone, SFone và G-Tel. Chiến lược của họ "đơn giản chỉ về giá…, tạo ra mức giá rẻ chưa từng có". Báo Thanh Niên, số 3/2/2015, viết rõ hơn, cho thấy vấn đề không chỉ về giá mà còn là chiến lược và chiến thuật. Cụ thể, Huawei "tìm cách đưa thiết bị hỗ trợ các dự án viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa". Các dự án luôn được kèm với "quà". Thanh Niên nói thêm, "theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4/2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này". Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA), cho rằng đây là "mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước"
Nếu không ham rẻ, người dân Việt không tiếp tay với Huawei một cách triệt để như vậy. Nhưng nếu không hối lộ thì Huawei có thể nào khống chế mạng lưới truyền thông trên toàn cõi Việt Nam ?
Chưa hết, người Trung Quốc luôn luôn dùng tiền bạc của họ cho các mục tiêu mà họ cần đặt tới. Và người Việt Nam lại là dân tộc ham tiền một cách khó hiểu nhất trên hành tinh này. Lòng tham về tiền bạc đang bào mòn lòng tự tôn dân tộc, ăn ruỗng vào độc lập, và dĩ nhiên không còn tự chủ lấy mình.
Tờ South China Morning Post cho biết những người mua nhà tại Việt Nam từ Trung Quốc, Hồng Kông chiếm khoảng 25% tổng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2017, tăng so với mức 21% trong năm 2016.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, người mua từ đại lục, Đài Loan và Hồng Kông năm ngoái chiếm 25% tổng số giao dịch của các quốc gia Đông Nam Á, tăng từ 21% trong năm 2016, theo dữ liệu từ CBRE Vietnam. Nhu cầu của người mua Trung Quốc đối với bất động sản Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2018 cao hơn 300% so với quý đầu tiên của năm 2017. Quốc gia này vẫn thấp hơn trong danh sách ưu tiên so với Thái Lan hoặc Malaysia.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, số liệu 31% người Trung Quốc mua nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là thông tin phân tích từ số liệu nội bộ của CBRE. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều đơn vị đang cung cấp các sản phẩm bất động sản ra thị trường.
Dù là số liệu của một đơn vị nhưng chúng ta cũng thấy rằng xu thế người Trung Quốc mua nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng lên. Thực chất, 31% chỉ là số người Trung Quốc nội địa mua thôi, nếu tính cả người Trung Quốc – Hồng Kông thì con số này tại CBRE là 41%".
Theo Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Có nhà ở được xây dựng trong dự án theo qui định của pháp luật về nhà ở. Câu hỏi đặt ra tại sao người Trung Quốc không sợ luật lệ Việt Nam dám bỏ tiền ra mua bất động sản tại một nơi mà luật pháp không cho phép.
Câu trả lời cũng đơn giản không kém : Việt Nam có bài học "nạn kiều" khi xua đuổi hàng trăm ngàn người Hoa ra khỏi đất nước của mình thì lập tức bài học chiến tranh đã làm cho đất nước này kiệt quệ. Lịch sử không thể lập lại bất kể người Trung Quốc có tràn ngập Việt Nam hay không.
Câu thần chú "Không gì quý hơn độc lập, tự do" có vẻ đã lạc hậu khi mà sự độc lập ấy đặt căn bản trên những cái quỳ gối rất quen thuộc từ chính quyền cho tới nhân dân bởi quyền lực và đồng tiến chi phối.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/12/2018
Lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia khi phát ngôn câu gì đều được người dân lắng nghe và chia sẻ. Câu hay được mọi người gật gù, bàn bạc như một niềm hạnh phúc được đồng cảm giữa người dân và chính quyền, câu dở bị người ta chê bai, đàm tiếu nhưng đặc biệt nếu câu nói ấy xúc phạm, coi thường quyền lợi hay khinh bỉ một ai đó chắc chắn sẽ trở thành lớn chuyện : nhỏ thì gây sóng gió trên báo chí, mạng xã hội, lớn hơn có thể biến thành những cuộc tuần hành chống chính phủ, và nghiêm trọng nhất như trường hợp tại Pháp mấy tuần qua là bạo động, phá hoại và gây thất thoát tài sản quốc gia một cách nghiêm trọng.
Một "áo vàng" trong biểu tình ở đại lộ Champs Elysees, Paris, 8 tháng 12, 2018.
Phong trào những người Áo Vàng (Gilets Jaunes) nổi lên chống lại Tổng thống Emmanuel Macron đã từng làm tê liệt Paris và nước Pháp trong thời khắc của bất ổn chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn người xuống đường phá hoại hệ thống lưu thông, cướp phá những khu trung tâm thương mại sầm uất nhất nước, đốt cháy những di tích văn hóa nổi tiếng thế giới đã làm nước Pháp bàng hoàng, rúng động.
Tất cả chỉ vì một hai câu nói thiếu kiểm soát của Tổng thống Emmanuel Macron. Trả lời câu hỏi của một người trẻ về băn khoăn của anh trước vấn đề tìm việc ông Macron đã nói : "Việc làm, chỉ việc băng qua đường là có !". Ông Macron không nói lấy được, ý của ông là việc làm của Pháp hàng năm vẫn cần hơn 300 ngàn người tuy nhiên chỉ là công việc nặng nhọc nên ít ai làm. Ẩn ý này bị phản ứng dữ dội vì dân Pháp cho rằng ông đang lên án một thành phần lười biếng, tốn ngân sách quốc gia và đổ lỗi cho những yêu sách về công ăn việc làm của quần chúng.
Câu thứ hai ông cho rằng nước Pháp đã bỏ ra hàng đống tiền vô ích vào an sinh xã hội mà không làm ai thỏa mãn. Ông ám chỉ những chính phủ trước đã chi cho ngân sách đến 57% dành cho các dịch vụ xã hội trợ cấp đủ loại cho người dân. Đây là số tiền lớn nhất thế giới mà chính phủ Pháp đã bỏ ra nhưng vẫn không thỏa mãn những nhu cầu của công chúng Pháp.
Câu nói này tuy công bằng nhưng không hợp lúc đã khiến cho sự nghiệp chính trị non trẻ của ông bị thử thách. Khi quần chúng tức giận vì giá xăng leo thang, ông Macron không giải quyết cụ thể và ngược lại dùng biện pháp mạnh coi thường đám đông ở những ngày đầu tiên nên ông bị trả giá. Bài phát biểu dài 13 phút của ông tuy được thông cảm của đám đông nhưng phần còn lại trong những nhóm Gilets Jaunes vẫn chưa hả dạ. Sóng gió tuy đã qua nhưng ông Macron chắc chắn sẽ còn gặp những cơn địa chấn khác nếu những gì ông hứa nhưng không làm tròn.
Cũng là lãnh tụ, nhưng ở Việt Nam thì khác hẳn. Lãnh tụ của đất nước này không gặp bất cứ phản ứng nào của dân chúng khi phát biểu những lời sai trái hay có tính chất mị dân.
Chiều ngày 3 tháng 11, tại Phủ Chủ tịch Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017-2018. Nói với sinh viên ông cho rằng"chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay". Câu nói như tát vào mặt người dân bởi sự thật thì sự nghiệp của giáo dục Việt Nam hoàn toàn khác hẳn.
Ông Tổng bí thư cố tình bỏ qua những yếu kém về năng lực lãnh đạo của ngành giáo dục vì bao đời Bộ trưởng cũng chỉ rặt những tuyên bố rỗng tuếch, không có chính sách cụ thể và đủ thuyết phục làm cho bộ máy vốn trì trệ lại càng ì ạch thêm. Từ chuyện sách giáo khoa, đến học thêm dạy thêm, từ chuyện bạo hành trong trường học giữa cô thầy giáo và học sinh đến chuyện gian lận thi cử. Sinh viên không được huấn luyện tốt trong khuôn viên đại học nên khi ra trường làm đủ thứ nghề để sống sót còn môn học mà họ theo đuổi bao nhiêu năm trở thành vô dụng. Bộ trưởng nào cũng làm cho có lệ trong thời gian tại nhiệm, bỏ đó cho người khác tiếp tục phá hoại rồi tự tâng bốc thành tích của mình và sau cùng là về nhà sống cuộc đời "từ tế".
Ông Trọng trong vai trò là lãnh đạo cao nhất lại không chịu thừa nhận cái mà người dân đang chịu đựng hết ngày này sang ngày khác. Giáo dục là xương sống phát triển của một quốc gia và nó luôn luôn được mọi chính phủ trên thế giới quan tâm hàng đầu nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, thế hệ sinh viên là tương lại của đất nước được hệ thống đại học tôi luyện trong những chiếc hộp vâng lời. Thiếu tư duy lành mạnh, không được đi lệch lại bài học nhồi sọ và triết học Mác Lê đã thui chột bao tinh hoa đất nước. Những quan quyền ngồi trong guồng máy có bao nhiêu là thanh niên ưu tú ? Hầu như tất cả đều là con ông cháu cha, tiếp tục thừa hưởng những gì mà cha anh họ kiếm chác trên lưng người dân một cách bất minh hết đời Bí thư này sang đời Thủ tướng khác.
Vậy mà ông ngang nhiên vinh danh thứ giáo dục vô bổ ấy chỉ thông qua tài năng vâng lời của một nhóm sinh viên có thành tích trong Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông phớt lờ sự thật là ngoài kia cha mẹ các em học sinh phải cắn răng đóng biết bao thứ lệ phí để con em mình kiếm chút chữ nghĩa làm hành trang vào đời. Biết bao học sinh vùng sâu vùng xa phải lặn lội tìm chữ trong hoàn cảnh đáng thương. Thiếu trường lớp, thiếu cái ăn cái mặc, các cháu như những sinh vật có chung hơi thở với con người nhưng hoàn toàn không giống với trẻ em đồng loại ở những vùng đất khác cùng mang tên Việt Nam. Không lẽ ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước không có phần lãnh đạo ở những nơi này ?
Làm lãnh đạo ở Việt Nam sướng thật. Họ không hể bị chi phối khi phát ngôn, không cần phải lo nghĩ khi nói sai nói dối với người dân miễn sao nói đúng đường lối của Đảng. Mà ông Trọng đang đại diện cho Đảng nên muốn nói thế nào chẳng được, không như ông Tổng thống Macron của Pháp chỉ sơ sẩy một chút đã mang vào thân biết bao phiền toái có thể mất ghế như chơi.
Thì ra dân Việt Nam ít người biết tiếng Pháp quá nên câu chuyện Paris cháy bỏng không gây được sự phản ứng nào trong dư luận của một dân tộc từng bị Pháp đô hộ cả trăm năm ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 14/12/2018
Bên cạnh Châu Âu cháy bỏng với Paris, cả thế giới gần như sửng sốt trước thông tin Hoa Kỳ yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ nghi can Meng Wanzhou, Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty Huawei (Hoa Vi) khi bà này quá cảnh Canada vào ngày 1 tháng 12 vừa qua.
Lý do mà Canada bắt một nhân vật được Trung Quốc xem là tinh hoa của mình là từ yêu cầu của Washington với lý do bà Chu tiếp tay với tập đoàn Huawei vi phạm lệnh cấm vận Iran do Tổng thống Donald Trump ký có hiệu lực từ ngày 7 tháng 8 năm 2018. Bà Mạnh Vãn Chu bị Mỹ cáo buộc trong cương vị giám đốc tài chính của Huawei đã sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế để lách luật trừng phạt của Mỹ lên Iran.
Thế giới chứng kiến sức mạnh của Mỹ khi thực hiện cuộc bắt giữ này. Trong vai trò là đồng minh và có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, một thẩm phán Canada sẽ xác định xem vụ kiện chống lại bà Chu có đủ mạnh để sau đó tùy thuộc vào bộ trưởng tư pháp Canada quyết định có dẫn độ bà ấy sang Mỹ hay không. Canada đã dùng hệ thống luật pháp của mình để thực hiện hiệp ước mà không bị các thể chế dân chủ trên thế giới phản ứng, có chăng là sự kinh ngạc, bất ngờ khi kẻ bị bắt là một ngôi sao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người sẽ kế nghiệp cha trong nhiệm vụ chỉ đạo Huawei, một công ty hàng đầu của Trung Quốc cả về khả năng đem về cho Đảng tiền bạc lẫn thông tin tình báo và kế hoạch phá hoại đối phương, những nước mà Trung Quốc cần đối phó.
Huawei không còn xa lạ với thế giới như cách đây một thời gian ngắn, nó nổi tiếng vì sự lớn mạnh nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường nhiều nước với tốc độ chóng mặt. Theo website của tập đoàn này thì Huawei cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàng đầu thế giới, doanh thu gần 50 tỷ đô la, có mặt ở 170 quốc gia và khu vực, với 180.000 nhân viên. khoảng 76.000 người tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Nó có 21 viện nghiên cứu và được phát triển tại các quốc gia bao gồm cả Mỹ và Canada cũng như Châu Âu.
Lớn mạnh như vậy nhưng Huawei không vượt qua được hàng rào an ninh của Mỹ vì ý đồ thâm nhập tình báo qua các sản phẩm mà nó bán ra cho thị trường thông tin truyền thông trên thế giới, đặc biệt là Mỹ khi các hãng điện thoại lớn của nước này như AT&T, Sprint, T-Mobile đến Verizon đều không tham gia vào các cuộc mua bán với nó do cảnh báo từ các cơ quan tình báo quốc phòng về kế hoạch thâm nhập của Huawei đối với những đối tác quan trọng của nước Mỹ.
Bắt một yếu nhân của Huawei trong lúc này là cơ hội làm cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng căng thẳng bất kể 3 tháng hưu chiến vừa mới được hai nguyên thủ tán thành.
Lý do bà Mạnh Vãn Chu bị tống giam có liên quan mật thiết đối với chính sách chống lại sự bất bình đẳng của Trung Quốc đối với Mỹ trong kinh tế, ít nhất là chính sách buôn lậu của Bắc Kinh, thủ lợi một cách bất chính trước quyền lợi của nước Mỹ. Khi Huawei làm ăn trong bóng tối với Iran nó gián tiếp gây thiệt hại cho anh ninh và quyền lực của nước Mỹ vì lệnh cấm vận của Mỹ vẫn được xem là bất khả xâm phạm và nó đã chứng tỏ nhiều lần thành công từ trước tới nay.
Trung Quốc gián tiếp hay trực tiếp nhiều lần xác định là nền kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ và sức mạnh quân sự của nó cũng không nên xem thường, thế nhưng nó chưa bao giờ có đủ sức mạnh để làm cho một nước khác bắt một công dân bình thường của nước Mỹ huống hồ là một người đang được xem là tinh hoa là ngôi sao kinh doanh như bà Mạnh Vãn Chu. Sự khác biệt này là một đòn đau đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó đánh thức lòng kiêu ngạo về sức mạnh Trung Quốc bấy lâu nay trên trường quốc tế.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục chống đối Canada và Mỹ nhưng dù phùng mang trợn má cách nào họ cũng chỉ nhận được thái độ rất ngoại giao của đại sứ hai nước trước sự kiện này. Báo chí Trung Quốc liên tục kết án Canada vi phạm nhân quyền, Mỹ hành xử côn đồ hay Trump là một Tổng thống trở mặt... mọi nỗ lực tuyệt vọng ấy không thể giúp cho bà Chu thoát khỏi tấm lưới cấm vận mà Mỹ áp đặt.
Mặc dù vậy, các công ty lớn của Mỹ vẫn cảm thấy bất an vì họ biết rõ sự nhỏ mọn của chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách trả thù nước Mỹ. Theo tin từ Reuters, chỉ một ngày sau khi tin bà Mạnh Vãn Chu bị bắt, một nhóm công ty Mỹ gặp nhau tại Singapore bàn về nguy cơ các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải hứng hậu quả và các cuộc bắt bớ yếu nhân các tập đoàn lớn là có thể xảy ra tại Trung Quốc. Cuộc họp do Hội đồng Cố vấn an ninh nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (OSAC) tổ chức với các đại diện từ các tập đoàn Walt Disney Co, Alphabet Inc’s Google, các công ty Facebook Inc, PayPal Holdings Inc…Các công ty Mỹ đang cân nhắc hạn chế các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc của các lãnh đạo cấp cao và sẽ ưu tiên tổ chức các cuộc họp ở các địa điểm ngoài nước này.
Không ngoại trừ khả năng túng quá làm càng của Trung Quốc là đóng cửa các công ty Mỹ để trả thù, nhưng việc làm này chỉ làm lợi thêm cho thế giới thứ ba và Mỹ lại thêm cơ hội lấy đó là lý do tấn công Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác.
Nếu thật sự Mỹ cần kiếm tiền thì đã không cấm Broadcom trong thương vụ mua lại Qualcomm Inc., với giá khủng là 117 tỷ, vụ sát nhập này được xem là lớn nhất lịch sử trong khu vực công nghệ của thế giới. Lý do khiến Tổng thống Trump ký lệnh ngăn cản thương vụ này là có thế đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ, nó làm suy yếu vị trí của Qualcomm khiến cho Trung Quốc rộng cửa tiến lên chuẩn 5G.
Do đầu tư nhiều vào nghiên cứu và thậm chí dùng tình báo kinh tế lẫn ăn cắp công thức của các công ty truyền thông lớn, Huawei có năng lực sản xuất và bí quyết kỹ thuật để cạnh tranh với Qualcomm trong cuộc chạy đua phát triển thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Đây là công nghệ hứa hẹn tạo ra kết nối siêu nhanh phục vụ từ xe tự lái, đến thiết bị y tế điều khiển từ xa và thiết bị công nghiệp.
Trước khi xảy ra vụ của bà Mạnh Vãn Chu thì New Zealand, Úc đã tuyên bố cấm các hãng viễn thông nước họ sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei khi phát triển hạ tầng cho mạng di động 5G của họ. Hãng viễn thông BT của Anh ngày 5/12 cũng nói sẽ không mua trang thiết bị của công ty Trung Quốc để phát triển mạng di động không dây thế hệ mới ở nước này.
Các nước có lý do để lo sợ không phải vì hệ quả kinh tế mà lo rằng 5G của Huawei có thể thực hiện những cuộc tấn công từ chối dịch vụ Dos hay các công tác gián điệp khác đối với chính phủ các nước.
Nếu bà Mạnh Vãn Chu không dính líu tới tình báo Trung Quốc thì làm sao có được tới 7 cuốn hộ chiếu một lúc do Bắc Kinh và Hong Kong cấp trong khi bị bắt và bị phát hiện tại Canada. Câu hỏi này thật khó cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời khi khăng khăng cho rằng bà này không hề liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh.
Có biện luận thế nào thì thế giới cũng dư sức biết cha của bà là Nhậm Chính Phi, một đảng viên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1958. Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei vào năm 1987 và năm 2005 ông được tạp chí Time xếp hạng là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tài năng của một con người trong chế độ cộng sản không thể phát triển nhanh như vậy nếu không có sự đồng hành của Đảng. Thành công của Huawei chính là thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Con rồng Huawei là hiện thân của con rồng Bắc Kinh, không may là nó chưa đủ móng vuốt để đối phó lại với các thế lực đang kéo nó xuống tận mặt đất. Là rồng mà bị kéo xuống là do nó được nuôi nấng bằng sự gian trá, mà gian trá phản lại đức tính cao cả của loài rồng.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 22/12/2018
Từ ngàn xưa chuyện mê tín chưa bao giờ rời xa đời sống cộng đồng, chí ít nó cũng mang lại cho người cùng khổ một niềm tin vào sự thay đổi cuộc đời họ nhờ vào quyền lực của thần thánh. Từ ông thần hoàng ở đầu làng đến các vị thần khác trên bàn thờ trong gia đình hay các anh hùng quốc gia trở thành thần cũng không hiếm trong đời sống tâm linh của người dân. Mê tín là tin tưởng vào sự nhiệm mầu tuy hầu hết những nhiệm mầu ấy không bao giờ trở thành sự thật. Vậy mà người ta vẫn bám vào cái sự không thể xảy ra ấy làm chỗ dựa khi đời sống vật chất quá thiếu thốn hay quá thừa thãi, sự mâu thuẫn này chỉ xảy ra ở các nước chậm tiến và đặc biệt ở những nơi mà đồng tiền kiếm được một cách bất chính.
Cổ động viên Việt Nam trong trận gặp Miến Điện hôm 20 tháng 11, 2018.
Những năm gần đây hình ảnh các lãnh đạo cao cấp thi nhau dựng chùa, xây tượng Phật cũng như đến chùa dâng hương không còn hiếm hoi trên các phương tiện truyền thông. Nhìn các vị chức sắc nhà nước thì thụp quỳ lạy trước các hình tượng tôn nghiêm người ta không thể không ngạc nhiên vì chính họ trước đây một thời gian ngắn đã cổ vũ hay ít ra cũng đồng tình với câu mà Karl Marx từng khẳng định : "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại", nay thì họ ung dung thưởng thức loại thuốc phiện ấy trước dư luận. Thuốc phiện không còn là vùng cấm nữa, ít nhất đối với cán bộ các cấp khi họ được bật đèn xanh bởi các ông cựu Chủ tịch nước hay cựu Thủ tướng ba Dũng, người sủng ái Trần Bắc Hà đến nỗi mỗi lần đến chùa dâng cúng đều không thiếu mặt của y.
Nhà giàu như họ đến chùa không vì lẽ sám hối, họ đến chùa để dâng tiền cúng dường như một hành vi đút lót thần thánh cho tài sản mà họ kiếm được không bị kiểm kê trước khi về làm người… tử tế.
Đảng và Nhà nước tổ chức cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 70 năm ngày thương binh liệt sĩ - Ảnh VOV
Tin vào sự can thiệp của thần thánh không những xảy ra tại các ngôi chùa nổi tiếng, nó đã và đang lây lan trên toàn xã hội, không chừa nơi nào kể cả những nơi mà thần thánh cũng sợ không dám xuất hiện vì đám đông không ai kiểm soát có thể ném đá những ông thần vô tình ngã về phe này hay phe khác. Đó là nơi mà khái niệm ăn thua không dính tới Thần tài hay Quan công nhưng lại có vẻ liên quan tới cái gọi là phong thủy.
Phong thủy và mê tín là một cặp bài trùng, chúng liên kết và bảo vệ nhau mọi nơi mọi lúc. Làm ăn thua lỗ được các thầy phong thủy khuyên nên đổi bếp, đổi cả giường nằm. Dựng vợ gã chồng thời nay không còn xem tử vi mà chuyển qua phong thủy. Hai vợ chồng sau khi cưới nhờ thầy phong thủy xem nhà hướng nào, cái gương trong nhà ra sao và trước nhà có nguồn mạch của thời vận làm cho cặp vợ chồng sắp cưới có sống lâu với nhau được không.
Ngay cả trong bóng đá, một sinh hoạt thể thao thuần nhất cũng có phong thủy dính vào. Sự việc tại sân Mỹ Đình vừa mới xảy ra là một ví dụ vừa hài hước lại không kém phần nghiêm túc.
Hài hước vì người ta tin rằng những trái bóng bằng xi măng bị xích dính vào nhau trước sân bóng Mỹ Đình làm cho đội nhà không bao giờ chiến thắng, chỉ từ huề tới thua, và nhiều khi thua sấp mặt.
Nhưng không thiếu nghiêm túc vì chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã yêu cầu dịch chuyển hơn 40 quả bóng xích này đi nơi khác sau khi dư luận cho rằng vì bóng bị xích nên bóng đá Việt Nam… không thể nào cất cánh !
Nếu phong thủy thực sự có thể chuyển dịch và thay đổi số phận, sinh mệnh hay tương lai của con người, hay vận mệnh một dân tộc như cách mà nhà nước đang làm đối với một sân bóng như vậy thì tại sao không thay đổi, chuyển dịch một vật thể lớn hơn, ảnh hưởng tới vận mệnh cả dân tộc rõ ràng hơn và nhất là liên quan tới phong thủy một cách mật thiết hơn, đó là lăng Hồ Chủ Tịch đang nằm tại một điểm then chốt của thủ đô, tức là long mạch của quốc gia - việc làm mà chính Hồ Chủ tịch khi còn sống không bao giờ mong muốn.
Ông viết trong di chúc của mình là mong muốn được hỏa táng chứ không muốn trở thành một xác ướp nằm lạnh lẽo trong bốn bức tường dày không kém tường của nhà tù Hỏa lò hết năm này tới năm khác.
Bản di chúc viết tay năm 1968 được báo chí công bố của Bác Hồ có toàn nguyên văn như sau :
"Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn.
Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoach trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão" (*).
Bác Hồ dù có được nhà nước gọi là gì thì ngắn gọn lại vẫn là một hoàng đế, chẳng qua cách dùng từ ngữ khác nhau nhằm vào những chủ đích không trong sáng của nhà nước. Khi Hoàng đế có di chúc thì mọi người trong nước phải nghe theo, huống gì di chúc của Bác rất hợp lẽ và tiết kiệm cho người dân bao nhiêu là tiền bạc nhưng Bộ chính trị đã cố tình làm sai lời Bác nhằm củng cố địa vị của họ hơn là tôn kính một lãnh tụ vĩ đại.
Cái lăng của Bác nếu được dịch chuyển sẽ là một cuộc cách mạng về tư duy của phong thủy. Nếu đủ can đảm làm điều này thì đất nước sẽ cất cánh ngoạn mục không cần tranh cãi, vì lẽ nếu hợp lòng dân thì dời núi lấp sông dân cũng đưa lưng gánh vác !
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 07/12/2018
(*) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giai-ma-di-chuc-ho-chi-minh-194035.html
Trong khi vụ án AVG-MobiFone còn đang nóng hôi hổi, Bộ trưởng bộ 4T Trương Minh Tuấn ngày đêm thấp thỏm chờ ngày định đoạt số phận thì một ngôi sao nổi lên sẵn sàng thay thế cho ông bộ trưởng có gốc gác là chuyên gia chống diễn biến và chuyển hóa này. Người lấp ló phía sau hậu trường Bộ chính trị là một chuyên gia về truyền thông, đầu tàu của Viettel, và được đào tạo bài bản từ Nga và Úc.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Photo CAND
Ông ấy là Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông thay cho ông Trương Minh Tuấn trở về vị trí cũ, vị trí của một người giữ lề của đảng, đúng như đồn đoán của báo chí.
Nhìn vào lý lịch của ông Hùng rất nhiều thanh niên hứng khởi như tìm thấy một chân trời mới cho mình sau nhiều năm mù mờ giữa những bài học vu vơ về cách làm giàu, về giấc mơ thành người vĩ đại, về tương lai vượt biên giới nhỏ bé của Việt Nam để ra biển lớn... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng do nhiều lần đăng đàn trò chuyện với các doanh nhân nổi tiếng trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Viettel, về các đề tài khởi nghiệp trong thanh niên cũng như những mánh lới vượt qua tình trạng khó khăn mà một doanh nghiệp gặp phải.
Đối với người trẻ thì ông Hùng hấp dẫn họ ở sự thành công của ông ấy hơn là thu nhận "tinh hoa" từ lời phát biểu của một người dày dạn. Hào quang thành công cộng hưởng với vai trò mới là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông càng làm cho giới trẻ trố mắt xuýt xoa nhưng hiếm ai trong họ tự hỏi tại sao ông Hùng đi từ thành công này tới thành công khác một cách trơn tru như vậy ? Có lẽ câu trả lời không khó khăn lắm nếu nhìn kỹ lý lịch của ông Hùng từ khi bắt đầu tập tễnh những ngày vào đại học ông đã có hậu thuẫn phía sau, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này là chỗ dựa vững chắc cho ông thành công mà thiếu nó dù có tài giỏi cách mấy có lẽ ông vẫn còn ngồi nhà mơ mộng chuyện khởi nghiệp như hàng vạn thanh niên khác.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói nhiều lần, nhiều nơi về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mỗi lần phát biểu là một lần ông nhấn mạnh tới vai trò của người trẻ. Được mời phát biểu tại Diễn Đàn Thanh Niên Khởi Nghiệp năm 2018, ông Hùng nhấn mạnh :
"Việt Nam phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 để thay đổi thứ hạng, trở thành nước phát triển. Việt Nam có khát vọng hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc năm châu vào năm 2045. Chúng ta cần có niềm tin rằng sau 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập đầu người trên 20.000 USD và không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình".
Câu nói này na ná với những lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí. Tuy nhiên ông Hùng không mấy giỏi giang khi làm toán vì ông quên rằng các nước phát triển không thể nào dừng con số thu nhập lại để chờ Việt Nam đến 1/4 thế kỷ nữa. Nếu vào năm 2045 Việt Nam lạch bạch đạt được con số mà ông Hùng đưa ra thì thế giới có thể kiếm tiền gấp ba lần thu nhập hiện nay của họ, thế là khỉ vẫn hoàn khỉ.
Nói nhiều, nói mạnh nhưng có thể do không nghiên cứu cặn kẽ và nhất là tâm lý tự hào mình nói gì thì bọn trẻ cũng vỗ tay khiến cho ông Bộ trưởng bị hố, mà hố một cách thảm hại. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 3 tháng 12 của báo VnExpress, ông Hùng đưa ra nhận xét không những chủ quan mà còn đậm nét hoang tưởng, ông khẳng định :
"Xét về thu nhập trung bình thì Việt Nam thua Mỹ hàng chục lần. Nhưng xét về giới tinh hoa, về thanh niên thì chúng ta không kém Mỹ nhiều. Thanh niên đầu tiên phải có niềm tin vào chính mình, tin rằng mình không thua kém ai về bất kỳ phương diện nào".
Giới tinh hoa thì có lẽ Việt Nam không mấy tự tin vỗ ngực xưng danh với thế giới vì sự thật đau lòng trong bao năm qua chưa thấy một cá nhân nào có dấu ấn lớn lao cho đất nước trong mọi lĩnh vực chứ đừng nói là một nhóm hay một giới. Có chăng là những trí thức ưu thời mẫn thế, chán nản thể chế và buộc phải im lặng mà sống như những người bình thường. Tinh hoa nào còn đọng lại được trong một xã hội với câu kinh vạn năng "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội xã hội chủ nghĩa" ?
Còn thanh niên ư ? Chắc ông Bộ trưởng Hùng nói thanh niên Việt Nam ở… nước ngoài thì đúng hơn. Hãy nhìn những con phố nghẹt người cuồng lên vì một trận bóng, toàn là thanh niên, là những người không hề kém Mỹ đấy.
Ông bộ trưởng không những hố khi phát biểu giống Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông còn bê nguyên lời phát biểu của ông Phúc, vốn bị trêu chọc không ngớt mấy ngày qua, vào câu trả lời phỏng vấn của mình. Vào ngày 3 tháng 12, nói với báo VnExpress Bộ trưởng Hùng hăm hở :
"Tôi cho rằng, sứ mạng này đặt lên vai các bạn thanh niên. Hãy coi đây như một cuộc chiến giải phóng dân tộc mà thanh niên phải đi đầu. Việt Nam đã nuôi dưỡng các bạn, như người mẹ đã nuôi dưỡng con khôn lớn, đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới và mang thế giới về Việt Nam" (1).
Ông Hùng đạo lời của Thủ tướng vì trước đó 4 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng như sau :
"Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam" (2).
Nhưng sai lầm nhất trong khái niệm làm cho Hùng bị ném đá vài ngày qua là câu nói mà đối với một chuyên gia không thể phát biểu. Ông Hùng cho rằng :
"Tất cả người khởi nghiệp sáng tạo thành công đều đi lên từ bàn tay trắng, như Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk... Thế giới hôm nay, lợi thế lớn nhất lại là không có gì trong tay và vì thế mà có khát vọng lớn lao, tinh thần lao động quên mình, cái cần nhất cho khởi nghiệp sáng tạo. Đói khát không phải là một bất lợi mà là một lợi thế, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa".
Ông nhai lại khái niệm cách mạng 4.0 rằng quốc gia nào chưa từng trải qua các cuộc cách mạng chấm 0 trước đó sẽ có lợi thế áp dụng cách mạng 4.0 vì không mang trên vai các thành quả cũ rất khó bỏ xuống mà áp dụng các khái niệm mới của lần này. Ông Hùng so sánh sai chủ thể và nhất là ví von một cách kém thông minh làm cho diễn ngôn của ông trở thành trò cười cho thiên hạ.
Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk khởi nghiệp trong môi trường của một đất nước phát triển tột bậc từ kinh tế, tới chính trị, công nghệ IT cũng như bao thứ thành tựu khác. Họ thành công vì xã hội Mỹ nhanh chóng thừa nhận ý tưởng của họ và tiếp tay cho sự thành công ấy bằng cách đầu tư vào ý tưởng của họ để hình thành những công ty lừng danh thế giới.
Còn Việt Nam thì sao ? Một hỗn hợp buồn thảm từ môi trường sống cho tới môi trường làm việc hay kinh doanh, nằm trọn vẹn dưới một thể chế chỉ chấp nhận sự vâng lời và dị ứng với mọi tư duy khác biệt thì làm sao nảy sinh những người như Bill Gates ?
Trong tinh thần đó người dân sẽ dễ dàng đồng ý với mệnh đề "Đói khát thật sự là một bất lợi, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa".
Và càng đồng ý hơn nữa với một status của nhà văn Nguyễn Quang Lập "Đói khát là lợi thế của ăn mày, thưa Bộ trưởng".
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 06/12/2018
*Lấy cảm hứng từ status của nhà văn Nguyễn Quang Lập
(2) https://baomoi.com/da-den-luc-phai-chinh-phuc-the-gioi-mang-the-gioi-ve-viet-nam/c/28788118.epi
Hai chữ Thủ Thiêm đã trở thành biểu tượng của người dân oan mất đất, cho dù mai này nó có là một khu đô thị trù phú, hay một ốc đảo của phồn hoa thì cái oan khuất của nó vĩnh viễn không bao giờ được gột rửa trong lòng người dân cả nước, và nhất là người dân ngay tại nơi mà cái khu đô thị mới ấy mọc lên.
Thủ Thiêm nhắc nhở bao điều đắng cay khổ ải của hơn 16 ngàn con người. Những con người cần cù với ruộng đồng mặc dù ánh đèn Sài Gòn hằng đêm hào nhoáng bên kia con sông, chỉ một cuốc xe ngắn là tới nhưng nào họ có màng mỏi gì, bởi đời sống chật vật không cho phép họ sống như một thị dân đúng nghĩa.
Và sự khổ nạn ập tới như giông gió sấm sét. Giông gió vì sức cưỡng chiếm vũ bão của nó, sấm sét vì sự tàn nhẫn, vô tình đến lạnh lùng khi từng vuông đất bị san bằng để dùng vào việc khác, việc của những kẻ có tiền nhưng không hề có lương tâm. Người dân Thủ Thiêm từ đó bắt đầu trôi dạt trên chính quê hương mình, họ có miệng nhưng nói không thành lời vì sức ép của cường quyền đè nặng lên báo chí cộng với bạo lực đi kèm sẵn sàng đáp trả mọi cố gắng mưu tìm công lý của những con người khốn khổ.
Nhưng rồi một ngày, họ được nói, được bày tỏ uất hận của mình qua chiếc giày của chị Thùy Dương ném vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, gián tiếp ném vào hệ thống cầm quyền đã và đang bao che, đồng lõa cho một tập đoàn cướp đất mà Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải cùng một loạt những quan chức nhũng lạm khác đã thao túng và làm giàu bất chính.
Dư luận hồi hộp theo dõi những phát biểu của bà con trong những dịp gặp gỡ cử tri của bà Quyết Tâm, cũng là đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, là người gặp gỡ dân oan Thủ Thiêm và hứng chịu biết bao lời oán trách xót xa.
Người dân cả nước tưởng sự phản ứng của người dân Thủ Thiêm chỉ giới hạn trong các căn phòng kín mít của Quận Hai. Nhưng không, mỗi lời nói, mỗi phản ứng đã được ghi lại và lan tỏa đi khắp nơi, nhất là lời phát biểu của người dân mới đây cũng tại nơi gặp gỡ cử tri vào ngày 22 tháng 11.
Ngồi ghế chủ tọa cũng là những gương mặt cũ, trả lời câu hỏi của người dân cũng là những câu trả lời cũ nhưng phản ứng gay gắt của dân oan Thủ Thiêm ngày hôm đó đã tạo một cơn sóng gió thật sự. Lần này người dân không kiến nghị, không yêu cầu mà họ chỉ thẳng vào bàn của chủ tọa, nêu lên những câu hỏi và lồng trong đó là sự lên án, kết tội từng con người, tập thể của cả hệ thống chính quyền thành phố.
Một video clip chia sẻ trên mạng cho thấy những uất hận biến thành phán xét của người dân Thủ Thiêm, Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, người ném chiếc giày vào bà Tâm vài tuần trước nay trở lại với những câu hỏi hóc búa và đầy căm phẫn. Chị hỏi chủ tọa đoàn : "Tại sao UBND quận Hai tự tiện lấy đất của 11 hộ dân cấp cho Quân cảng và Quân cảng lấy quyền lực của mình là quyền lực Bộ quốc phòng để mà áp giá trả cho người dân 70 ngàn một mét vuông đất ? Pháp luật nào cho phép lấy đất của người dân cấp cho người nhà của cán bộ ?"
Chị Thùy Dương đã chứng minh sự xem thường pháp luật của công an khi tiếp tay cưỡng chế đất của người dân. Chị nêu trường hợp cụ thể của một người đang có mặt trong phòng họp, chị nói với báo chí : "Các anh chị báo chí lưu ý phía bên kia là một bà tóc bạc, UBND quận Hai đã lấy đất người dân xây trụ sở cho mình, hôm đó chính lực lượng công an nhân dân đã kề súng vào đầu con trai của cô đó và nói rằng "mày cần đất hay cần mạng ?"vậy công an nhân dân để làm gì, bảo vệ cái gì ?"
Sự thật qua lời phát biểu của chị Thùy Dương không ai ngạc nhiên, người ta chỉ ngạc nhiên khi sự thật ấy lại bày ra công khai trước dư luận. Công an là lá chắn là thanh kiếm của đảng thì ai cũng biết nhưng công an công khai kề súng vào đầu người dân để cướp đất thì ít ai được thấy.
Và bây giờ người dân cả nước đã thấy. Thấy và uất theo gia đình nạn nhân như sự việc của chính mình.
Quân đội đã ăn theo chính quyền để chiếm những phần đất béo bở là một ung nhọt khác của Thủ Thiêm được chị Thùy Dương công khai tố cáo trước dư luận. Họng súng nào chỉa vào dân cũng đáng bị lên án như nhau khi họng súng ấy bảo vệ lợi ích những tập đoàn bất chính và chia chát mồ hôi nước mắt đồng bào đói khổ. Chị Thùy Dương đã lên tiếng thay cho nhiều người, những người khốn khó và bị bách hại như nhau.
Bà Nguyễn Thị Tám, phường Bình Khánh đã nêu lên những giả hình khác của bàn chủ tọa. Nói với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bà Tám nhẹ nhàng lên án sự im lặng của bà ta trước các kỳ họp Quốc Hội, trong khi mỗi lần gặp gỡ cử tri là một lần bà Tâm hứa sẽ trình bày chuyện này trước các kỳ họp kế tiếp. Bà xem người dân như những kẻ ngu si đần độn bởi bà tin họng súng sẽ vĩnh viễn khiến họ im lặng, có lên tiếng cũng chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường của phòng họp mà thôi.
Bà Tám vừa hỏi vừa nhiếc móc : "Chị Tâm đã hai nhiệm kỳ ứng cử ở đây, chưa thấy chị ra Quốc hội nói cho bà con một tiếng. Các vị biết sự cực khổ, nhà bị đập, bao nhiêu máy may, vải mùng nằm ngoài sân, ông chủ tọa đều biết và thấy tôi khóc. Những dự án triển khai phải trình qua Hội đồng nhân dân Thành phố, vậy vụ bán đất ở Phước Kiển do ông Tất Thành Cang ký, chị có biết không ? Tôi đề nghị trả lời vì sao những vụ việc này Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn ĐBQH không biết ? Ông Tất Thành Cang làm khổ hàng nghìn người, tại sao chỉ bị kỷ luật ? Một đứa bé ăn cắp hai ổ bánh mỳ ở tù 9 tháng, làm khổ dân như vậy mà chỉ kỷ luật ?"
Câu hỏi treo lơ lửng trên đầu bà Quyết Tâm cùng những người trách nhiệm. Hỏi nhưng hình như người dân Thủ Thiêm không chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng vì họ biết chắc rằng sẽ không ai có thể trả lời cho họ khi đồng tiền đã bít kín mọi ngã vào trên con đường mang tên Công lý.
Lên tiếng công khai và phán xét cả hệ thống khiến cho cả nước phấn khởi vì cảm thấy họ nói giúp cho mình. Bởi, có nơi nào trên đất nước này mà người dân cảm thấy an toàn trước vòng vây của mọi thứ đáng sợ, nhất là những họng súng sẵn sàng chĩa thẳng vào mình để bảo vệ vùng đất trù phú mang tên tập đoàn tư bản đỏ ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 27/11/2018
Để diễn tả một sự nhục nhã đến bất ngờ người ta nói : "như một cái tát vào mặt". Nhưng khi có tới 231 cái tát vào mặt một đứa trẻ học lớp sáu do bạn cùng lớp tát theo lệnh của cô giáo thì những cái tát ấy không còn là một sự nhục nhã cá nhân, nó trở thành nỗi sĩ nhục cho nguyên một nền giáo dục, bất cứ nền giáo dục ấy của nước nào.
Câu chuyện xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Duy Ninh thuộc xã Duy Ninh, huyện Tân Ninh, tỉnh Quảng Bình khi em Hoàng Long Nhật lỡ nói tục trên sân trường, đội cờ đỏ nghe thấy và ghi lại. Giáo viên chủ nhiệm của em là cô Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt cả lớp học lần lượt lên tát vào mặt em Nhật, mỗi em phải tát đúng 10 cái nếu tát nhẹ phải tát lại.
Cái tát cuối cùng, như một phát súng ân huệ, do cô Thủy thực hiện, và kết quả là em Nhật phải nhập viện.
Trước tiên người dân lên án, sỉ vả và yêu cầu khởi tố cô giáo Thủy vì hành động độc ác phản giáo dục của một người có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ và làm gương cho lớp mầm non, lại có hành vi của một kẻ côn đồ ngay trên bục giảng. Hành vi này cho thấy nền giáo dục không còn cấp nào để mà xuống, và sự thể hiện của cô giáo lộ ra cái cốt lõi của giáo dục Việt Nam từ bao nhiêu năm qua không thoát ra được các lớp học trường làng của những ông giáo phong kiến thời xưa, dạy cho học trò với chiếc roi kè kè bên tấm phản.
Nhưng ông giáo ngày xưa dù có vụt roi vào tay học trò cũng không có một chút thù hận, sân si như hành vi của cô giáo Thủy.
Lòng thù hận của một cô giáo bị đồng nghiệp dè bỉu, nhà trường phê bình và điểm thi đua của riêng cô đánh mất vì có một em học sinh bị đội cờ đỏ báo cáo là chửi tục trong sân trường.
Thành tích một cách mù quáng này thể hiện qua lời của Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, khi trả lời báo chí về vụ việc đã thừa nhận toàn bộ sự việc và "xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu không, toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân".
Còn nói về nguyên nhân dẫn đến hành động của mình, Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng : "Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong lúc lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực".
Thành tích là tất cả. Nó biểu hiện cho thành công của một ngôi trường, từ đó sẽ có huy chương này bằng khen nọ, bất kể sự học thật sự của các em trôi nổi về đâu. 231 cái tát vào mặt một em học sinh lớp sáu là những cái tát vào thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương và bắt cả ngành thực hiện. Chính sách thi đua lập thành tích lâu nay bị dư luận lên án xem chừng không đủ lung lay nay bị một lúc hơn hai trăm cái tát không biết nó có tỉnh ra hay không. Tỉnh ra để thấy rằng hai chữ thành tích không khác gì một con nợ luôn đeo bám vào những con người đang hoạt động trong ngành giáo dục, nơi không có chỗ dành riêng cho nó, ngoại trừ ông Bộ trưởng Giáo dục không cảm thấy phản giáo dục khi tiếp tục theo đuổi nó.
Những cái tát này làm cho xã hội bừng tỉnh vì đã sống quá lâu trong một môi trường thụ động và an phận. Vai trò phụ huynh bị cha mẹ xem thường và tâm lý giao trọn gói cho thầy cô khiến học sinh tê liệt không dám phản ứng. Mỗi lần các em bị đánh một cách bất thường trong lớp cha mẹ thường cho rằng thầy cô giáo luôn luôn đúng, câu thành ngữ "Thương cho roi cho vọt" đã trở thành xương thịt của không ít người mặc dù bây giờ họ đã biết rằng từ lục địa này tới lục địa khác chỉ sau vài giờ bay, không như thời của cha ông họ, những người nghĩ ra câu nói này, từ Hà nội vào Sài gòn phải mất hàng tháng trời đằng đẵng.
Tuy nhiên những cái tát này trên hết phải dành cho luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bởi hệ thống pháp luật xứng đáng được nhận những cái tát như thế.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc cô giáo bắt học sinh tát tai tập thể một học sinh khác.
Trước đây câu chuyện cô giáo cho hơn 40 bạn cùng lớp tát vào mặt học sinh từng xôn xao dư luận nhưng hệ thống pháp luật hình như không để ý tới. Cô giáo D.T thuộc Trường Tiểu học Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội đã cho 43 học sinh trong lớp tát vào mặt em Đỗ Tuấn Linh vì em này đã cãi nhau với một em lớp trưởng. Cô cho biết đây là biện pháp kỷ luật là cho các em ý thức sự sai trái của mình.
Mới đây nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế mất trật tự, nói chuyện riêng trong lớp, một cô giáo trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình đã áp dụng hình phạt bắt học sinh tự tát vào mặt theo cấp số cộng.
Do phụ huynh học sinh quá bức xúc các cô giáo vi phạm đã bị nhà trường kỷ luật nhưng chưa có một cô giáo nào bị khởi tố áp dụng bộ luật hình sự Việt Nam về tội chà đạp nhân phẩm và ngược đãi, bạo hành trẻ vị thành niên.
Cơ quan điều tra của công an, Viện kiểm sát hoàn toàn làm ngơ trong những vụ này với lý luận cho rằng một vài cái tát tai không đủ để khởi tố vụ án. Họ quên rằng sang chấn tinh thần và những vết thương không thể lành trong tâm hồn của trẻ sẽ làm cho chúng sống trong mặc cảm và sợ hãi đám đông suốt đời chưa phải là hành vi cần khởi tố hay sao ?
Một đứa trẻ dù bị chính cha mẹ chúng đánh vẫn bị khởi tố tại các nước tiên tiến, không lẽ trẻ con Việt Nam ít giá trị nhân phẩm cần bảo vệ hơn trẻ con các nước khác ?
Hai trăm ba mươi mốt cái tát nhìn theo lăng kính tích cực sẽ là những cái tát không chỉ dành riêng cho cô giáo mà còn dành chung cho tất cả chúng ta, những công dân không từng tát tai ai bao giờ nhưng lại an lòng chấp nhận những cái tát vô cớ vào đời sống tinh thần của mình và gia đình, con cái.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 26/11/2018
"Tài sản bất minh" là tài sản thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phóng viên báo chí : Chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không có nghĩa là xem nhẹ mà vẫn thể hiện thái độ mạnh mẽ.
Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng thuận việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chỉ có 32% số đại biểu quốc hội tán thành, tức là 68% hay hơn 400 đại biểu Quốc hội không tán thành phương án đưa tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra xử lý tại tòa án trong cuộc bỏ phiếu mới đây.
Duy nhất một đại biểu tán thành tịch thu tài sản được xem là bất minh.
Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản không kiếm được từ thu nhập một cách chính đáng và hợp pháp. Chúng đến từ móc ngoặc, tham ô, hay biển thủ công quỹ. Tài sản bất minh chính cái tên của nó đã định nghĩa một cách rõ ràng là bất hợp pháp và việc chế tài người nào có tài sản bất minh không thể nào khó khăn đến nỗi cả ba kỳ họp của Quốc hội vẫn không đồng thuận cho một biện pháp chế tài.
Nhưng nếu nhìn kỹ vào cơ cấu Quốc hội người ta sẽ không ngạc nhiên vì cái rào cản vô hình khiến cho việc giải quyết tài sản bất minh cứ đứng yên giữa nghị trường, mặc sức cho tiếng búa của bà Chủ tịch quốc hội kêu vang trên bàn chủ tọa.
Theo số liệu chính thức từ văn phòng Quốc hội thì khóa XIV có 100 Ủy viên trung ương đảng, toàn bộ Ủy viên Bộ chính trị, 3 Phó Thủ tướng, 13 Bộ trưởng. Gần 96% Đại biểu quốc hội là đảng viên.
Gần 96% đảng viên có số má trong hệ thống cầm quyền lại kiêm nhiệm thêm vai trò của đại biểu quốc hội bảo sao họ không tán thành việc tịch thu tài sản bất minh, ngay cả biện pháp đánh thuế là một biện pháp giơ cao đánh khẽ, cũng không được họ tán thành, bởi nếu tán thành thì chính họ bỏ phiếu chống lại mình hay sao?
Vì có đảng viên nào đáng được gọi là trong sạch để không dính vào tài sản bất minh?
Vài tháng trước Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm. Con số lý tưởng này thật ra chỉ là một vở diễn của cái được gọi là kiểm kê tài sản quan chức nhà nước do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Kết quả "đẹp đến thế là cùng" này chắc sẽ làm cho nhiều người bất mãn vì con số không thể thuyết phục trong hoàn cảnh cán bộ viên chức cao cấp phục vụ trong guồng máy nhà nước có thu nhập từ nguồn thứ hai ngoài lương mới là chính.
Nguồn thu nhập thứ hai đến từ hàng ngàn "đầu mối". Từ vẽ ra dự án đến tổ chức đấu thầu, từ phê duyệt kinh phí đến móc ruột ngân sách... tất cả được thu vén và vận hành song song với cỗ máy nhà nước. Tài sản bất minh nếu bị khai quật lên, có lẽ không còn ai trong Quốc hội nữa đơn giản chỉ vì các đại biểu đang vò đầu bức tai tìm cách nào hay nhất để khai báo "tài sản bất minh" mà họ có được ở một nơi khác, nơi mà họ đang là Chủ tịch này, Bí thư kia.
Ngay cả khi quan chức về hưu rồi Quốc hội cũng tìm cách bao che cho những hành vi mà họ đã làm khi còn tại chức. Những hành vi ấy đối với người dân thì ngay lập tức sẽ bị khởi tố và vào tù, nhưng với quan chức nhà nước thì dù họ có vi phạm một cách trắng trợn nhất cũng có lá bùa của Quốc hội mà được miễn truy cứu.
Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thuộc đơn vị tp Hồ Chí Minh cho rằng, không nên xem xét đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. "Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu"-
"Phức tạp" là cách nhìn của ông Nghĩa, nó sẽ làm các quan to trước khi về hưu không dám ký bừa bãi cho những "mối" béo bở vào những nơi kiếm tiền dễ như đi gom lá mùa thu. Phức tạp vì người dân sẽ được quyền tố cáo những "tạp quan" mà họ biết để rồi từ những tố cáo ấy đảng và nhà nước sẽ trở thành tấm bia cho người dân ném mọi giận dữ vào.
Quốc hội Việt Nam thật ra rất có quyết tâm vào những chuyện khác miễn là đừng dính gì tới tham nhũng, Biển Đông, hay dân chủ nhân quyền. Vì vậy đừng kỳ vọng vào lá phiếu chống lại chính họ khi vùng cấm của đại biểu quốc hội bị xâm phạm.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/11/2018
Trong phiên xử tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng 90 đồng phạm trong vụ án đánh bạc với quy mô lớn trên Internet, tòa án tỉnh Phú Thọ đã sai phạm một cách cố ý khi miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng về hành vi đưa hối lộ, sự miễn trừ này được tòa gọi là chính sách khoan hồng của Pháp luật.
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ - Một phiên xử - Ảnh minh họa
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Văn Dương khai do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trên mạng Internet nên khi có được nguồn tiền từ việc vận hành tổ chức đánh bạc, Dương đã đưa cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 01 đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD, 1.750.000 USD. Dương cũng đưa cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho bản thân Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, 22 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Phan Văn Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của ông ta khi chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc.
Bị cáo Lưu Thị Hồng có hành vi đưa hối lộ ít hơn nhiều so với Nguyễn Văn Dương. Bà Hồng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập công ty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên Hội đồng xét xử cùng đồng ý không truy cứu hình sự hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng tòa cũng không cho biết dựa vào quy định nào của Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương, chỉ nói chung chung là chính sách khoan hồng.
Theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật hình sự, căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự như sau :
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa ;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng không có bất cứ điều kiện phù hợp nào trong tất cả các khoản trên để miễn trách nhiệm hình sự cho hành vi của hai người. Số tiền mà Nguyễn Văn Dương chia cho tướng Vĩnh và tướng Hóa rõ ràng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, nó nuôi dưỡng đường dây đánh bạc trên quy mô lớn và hành vi này đã chứng tỏ tổ chức dường dây là một vòng tròn khép kín, ăn đều chia đủ và tất cả các bên đều có lợi.
Bà Hồng được miễn trừ chẳng qua là ăn theo ông Dương, một con cá lớn hơn, nếu không miễn trừ cho bà thì tòa không biết ăn nói thế nào trước dư luận.
Nguyễn Văn Dương không những đưa hối lộ đúng nghĩa của động từ này mà qua số tiền đưa ra cho thấy mức độ lợi lộc của chính can phạm vượt nhiều lần so với số tiển hối lộ trong thời gian tổ chức đánh bạc. Số tiền này nếu không tính vào hành vi hối lộ thì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của tướng Vĩnh sẽ giảm thiểu tối đa.
Miễn trừ trách nhiệm hình sự cho hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Văn Dương cũng lượt bớt đi yếu tố phạm tội của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong việc tổ chức đánh bạc với quy mô lớn vì họ không nhận hối lộ để đường dây đánh bạc vận hành. Các tội danh "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn"và "Rửa tiền" sẽ đổ lên đầu Nguyễn Văn Dương và 90 bị cáo khác vì Dương đã khai trước cơ quan điều tra rằng "do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet" nên trả ơn bằng số tiền nói trên.
Vậy thì hai ông tướng này chỉ vướng vào tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi bao che tổ chức đánh bạc mà không có trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức đánh bạc với quy mô cực lớn trên Internet. Những tội danh này khi đã được rút ra khỏi hồ sơ của hai can phạm thì hình phạt giảm xuống rất nhiều nếu không muốn nói là nếu phù phép thêm tòa có khả năng kêu án mỗi người 2 năm tù giam là cùng.
Ông Nguyễn Văn Dương là ai mà được hưởng chính sách khoan hồng "đột xuất" như vậy ?
Xin thưa ông là thái tử đảng, là phò mã của một yên hùng trong Đảng, ông là con rể của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Tòa dựa trên cái tên này để khoan hồng phải chăng có áp lực nào đó từ Phạm Quang Nghị ?
Dù có dựa vào hay không thì tòa án tỉnh Phú Thọ đã ký lệnh tống giam công lý bằng cách áp dụng sai lệch có chủ đích việc miễn trừ trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương.
Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa cho thấy sự tùy tiện đã vượt quá giới hạn. Tâm lý đã là thẩm phán thì quyết định khoan hồng không thể bị lên án vì đó là chính sách nhân đạo của Đảng, chứ không phải của pháp luật, bởi trong mắt của bất cứ thẩm phán nào chữ "Đảng" luôn luôn xuất hiện trước rất lâu hai chữ "Pháp luật" mà họ đang có bổn phận thi hành.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 19/11/2018
Tháng Sáu năm 2012 tôi có cơ hội gặp bà Aung San Suu Kyi tại Thái Lan.
Lãnh đạo đảng cầm quyền Myanmar Aung San Suu Kyi.
Hôm ấy tôi và một nhóm báo chí tại Bangkok nhận được tin bà Aung San Suu Kyi sẽ tới thăm người Rohingya tại trại tỵ nạn Mae La, nằm trong tỉnh Thak, Quận Tha Song Yang cách thủ đô Thái Lan hơn 550 cây số. Rời Bangkok rất sớm tới nơi khoảng 2 giờ chiều, bầu trời Mae La vẫn còn sương mù lãng đãng vì nơi này thuộc vùng cao như Đà Lạt của Việt Nam. Chúng tôi vào trại tỵ nạn và biết phái đoàn của bà Aung San Suu Kyi vẫn chưa tới.
Vòng quanh trại là những căn nhà lá thô sơ, nằm liền nhau với những khuôn mặt cằn cỗi lấp ló nhìn khách từ xa tới. Biết chúng tôi là báo chí nhiều người tới bày tỏ hoàn cảnh của họ nhưng tiếc thay trong chúng tôi không ai biết tiếng Rohingya nên đành cười trừ, an ủi họ bằng vài câu tiếng Anh, đi loanh quanh quan sát đời sống của họ và chờ bà Aung San Suu Kyi ghé trại.
Người Rohingya không khác mấy với dân Thái hay Miến Điện, có điều da họ đen hơn, nam thì quấn xà rông còn nữ thì choàng khăn nhưng không che mặt. Sau này tôi mới biết luật của trại tỵ nạn Mae La không cho phép.
Những đứa trẻ lớn lên trong trại với đời sống thật sự bị bao vây bởi hàng trăm khó khăn. Nhìn ánh mắt của chúng người ta cảm nhận ngay được tình trạng bi đát mà chúng đang bươn chải trong đó. Bao nhiêu năm qua người Rohingya sống mỏi mòn trong trại Mae La mà không có một chút hy vọng nào về việc định cư ở một nước thứ ba. Họ không được quy chế tỵ nạn chính trị mà bị xếp vào diện di dân kinh tế, mặc dù ngay tại Miến Điện họ bị đối xử không khác gì súc vật vì bị kỳ thị, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Trại Mae La chờ phái đoàn bà Aung San Suu Kyi đến thăm nhưng tới hơn 5 giờ chiều vẫn chưa thấy đoàn xe vào trại. Chúng tôi không biết rằng đoàn của bà đi hướng khác để tránh báo chí và sau khi chạy một vòng khắp trại, đoàn xe chở bà Aung San Suu Kyi ra về và gặp chúng tôi ở cửa trại.
Bà không nói gì với người dân Rohingya, chỉ ngồi trong xe vẫy tay chào họ, chạy ngang nhìn ngắm cuộc sống của họ và... ra về. Tuy thất vọng nhưng chúng tôi vẫn cố tìm lý do biện minh cho bà, mặc dù sự biện minh ấy hoàn toàn có tính chất tự bào chữa. Nhưng có lẽ bắt đầu từ đó trong lòng tôi một dấu hỏi thật lớn nổi lên : Bà Aung San Suu Kyi sẽ có cách đối phó thế nào với người Rohingya cho phù hợp ?
Lần thứ hai, tôi gặp bà tại Washington DC ngay tại văn phòng RFA nơi chúng tôi làm việc, bốn tháng sau lần bà tới trại tỵ nạn Mae La.
Dáng người mảnh mai, nhỏ bé, Aung San Suu Kyi toát ra sức hấp dẫn người khác qua cách bà nói chuyện, cách bà lắng nghe người khác đưa ý kiến và bà gần như lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Những chiếc hoa nối liền nhau trên chiếc kẹp tóc có lẽ là vật bất ly thân của bà. Nó nhắc nhở một tính cách Aung San Suu Kyi : mạnh mẽ với cường quyền nhưng dịu dàng với người dân Miến Điện.
Không bất ngờ khi bà là người chiếm gần như tuyệt đối số cử tri ủng hộ tại quê hương sau 15 năm bị quản thúc tại gia bởi chính phủ quân phiệt Miến. Bà lãnh đạo Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) một đảng đối lập do bà thành lập gọi tắt là NLD. Trong lúc bà bị cầm tù, chính NLD đã hoạt động tích cực không ngừng để lên tiếng tình trạng của bà ra với thế giới. Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, CBS, VOA, RFA, BBC, RFI liên tục phát thanh những thông tin có liên quan tới bà, từ đó, bà được thế giới biết đến như một hình tượng chiến đấu không mệt mỏi cho dân tộc Miến Điện. Bà nhận được nhiều giải thưởng danh dự của các trường đại học nổi tiếng, những bằng khen của các tổ chức danh tiếng quốc tế và cuối cùng là giải Nobel Hòa Bình năm 1991.
Hào quang tỏa sáng không riêng cho bà mà cho cả dân tộc Miến. Chính phủ quân phiệt nhượng bộ và bà được tự do hoạt động sau hơn 15 năm bị quản thúc. Bà bước vào tòa nhà Quốc hội Miến với số phiếu thuyết phục, bà được thế giới ngưỡng mộ, là kim chỉ nam cho nhiều nước về tiến trình tranh đấu cho tự do dân chủ. Bà bắt đầu nếm trải mùi vị quyền lực và cũng bắt đầu đối diện với những điều bà từng suy nghĩ tới nhưng chưa bao giờ lá phiếu cử tri Miến lại đè nặng trên bờ vai bé nhỏ của bà như lúc này, lúc mà tình trạng quân đội Miến đàn áp tàn tệ hàng trăm ngàn người Rohingya buộc họ phải chạy khỏi đất nước tạm dung sau khi bỏ lại hàng ngàn người bị quân đội Miến tàn sát.
Người dân Miến vẫn tiếp tục ủng hộ bà. Họ nhìn bà như vị nữ thánh vì bà tranh đấu cho quyền lợi của họ, kể cả quyền được bạo hành với người khác chủng tộc, tôn giáo.
Đạo Phật gần như quốc giáo và Hồi giáo không được chấp nhận tại Miến. Người Rohingya bị bạc đãi và đối xử tàn khốc bởi chính người dân Miến trước khi quân đội nhúng tay vào. Hàng trăm ngôi làng của người Rohingya bị đốt thành tro, chính phủ đổ vấy cho phiến quân, còn bà Aung San Suu Kyi thì im lặng gần như tuyệt đối. Thế gới thắc mắc thái độ khó hiểu này và không ít nơi đã bày tỏ phẫn nộ khi bà tiếp tục có cung cách hành xử không khác gì chính quyền quân phiệt trước đây.
Khi báo chí quốc tế hỏi về hai nhà báo Miến Điện là U Wa Lone, 32 tuổi, và U Kyaw Soe Oo, 28 tuổi làm việc cho Reuters bị tòa án Miến tuyên phạt 7 năm tù vì đưa tin một cuộc thảm sát người Rohingya của quân đội Miến, bà đã trả lời rằng vì họ vi phạm pháp luật của Miến và bản án dành cho họ là đúng đắn.
Cách bà ứng phó với truyền thông làm bừng lên cơn giận dữ hơn nữa. Nhiều trường Đại học lột ảnh của bà đang treo trong trường, nhiều đề nghị rút bỏ các giải thưởng đã trao cho bà kể cả giải Nobel Hòa Bình vì người ta cho rằng bà không còn xứng đáng. Mới nhất vào ngày 11 tháng 11 năm 2018 Hãng tin CNN đã đăng tải lá thơ của tổ chức Ân xá Quốc tế do Tổng thư kí Kumi Naidoo thông báo cho bà về quyết định thu hồi danh xưng Đại sứ Quốc tế về Giải thưởng Lương tâm Quốc tế mà bà nhận được do Amnesty International trao tặng năm 2009.
Ân xá Quốc tế chỉ trích người đoạt giải Nobel vì đã không sử dụng "quyền lực chính trị và đạo đức" để bảo vệ quyền con người ở đất nước của bà, "sự thờ ơ rõ ràng" của bà đối với các tội ác quân sự ở các vùng dân tộc và "không dung nạp tự do ngôn luận". Những cáo buộc mạnh mẽ này như giọt nước làm tràn chiếc ly bất mãn của thế giới trước các hành động đi ngược lại những gì mà bà tranh đấu hơn hai mươi năm qua.
Thời kỳ hào quang của bà đã chấm dứt và thời kỳ bóng tối đang bao trùm Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi đã đặt cược quá nhiều vào cử tri Miến. Bà bị ám ảnh bởi quyền lực của các sư sãi Miến với cuộc cách mạng áo cà sa năm 2007, bà cũng không thể quên "Phong trào 969", một phong trào ngày càng có ảnh hưởng lớn tại đất nước có tới 90% dân số theo Phật giáo. Một trong những người khởi xướng và lãnh đạo phong trào này là nhà sư Ashin Wirathu, 44 tuổi, trụ trì tại tu viện Masseyin ở thành phố Mandalay. Ashin Wirathu nổi tiếng đến nỗi báo Times đăng hình của ông ta trên bìa và gọi ông là "Bộ mặt của khủng bố Phật giáo". Ashin Wirathu xách động Phật giáo Miến chống lại dân Hồi giáo Rohingya và không ngại kêu gọi họ nổi lên đuổi người Rohingya ra khỏi lãnh thổ Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi biết tầm ảnh hưởng của Ashinh Wirathu và bà đã tiếp tục im lặng trước những hành vi mà ông này gieo rắc trên đất nước Miến.
Sự im lặng đồng lõa ấy đã làm hình ảnh bà biến dạng trước các chính khách quốc tế. Đất nước của bà bị xem xét và các quan chức Miến đang có nguy cơ bị đưa ra tòa xét xử về tội diệt chủng người Rohingya. Các nước ASEAN cũng đang xét lại việc Miến Điện đàn áp người Hồi giáo sau khi tân Tổng thống Malaysia, ông Mahathir Mohamad, lên tiếng cáo buộc và Indonesia có động thái hợp tác muốn đưa hồ sơ Miến Điện ra cuộc họp thượng đỉnh của khối tại Singapore vào tháng 11 này.
Cử tri Miến Điện đã đưa bà lên, vì vậy bà không muốn mất sự ủng hộ của họ. Suy cho cùng không biết bà là con cờ của cử tri hay chính họ mới là con cờ cho khát vọng chính trị trong con người của bà ? Nhưng dù sao thì hào quang của bà đã tắt vĩnh viễn. Tắt đi vì một chính kiến sai lầm sau bao năm hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền. Nhân quyền đối với bà Aung San Suu Kyi không áp dụng cho người Rohingya và vì vậy bà đang chơi ván cờ cô độc chỉ có bà và cử tri Miến với nhau còn quốc tế bà không chú ý, mặc dù trước đây chính họ vận động cho bà ra khỏi bóng tối của tù đày.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 15/11/2018