Xưởng đẻ, Cửa hàng thịt Thanh Niên và bây giờ là Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam
Thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam - Hình minh họa.
Câu chữ làm cho điều nó chuyển tải có ý nghĩa thế nào tùy thuộc rất lớn vào những gì hiện ra trên bề mặt của chữ. Một bảng hiệu đưa thông tin cho người đọc hiểu cặn kẽ phải đi với nguyên tắc rõ nghĩa và trong sáng. Xưởng đẻ là một danh từ không thể chấp nhận vì vậy nó bị đào thải trong một thời gian rất ngắn. "Thanh Niên" là danh từ riêng không thể lắp vào cửa hàng thịt, vì không những nó gây hiểu lầm là cửa hàng bán thịt người mà thịt của thanh niên là chính, nó còn cho thấy sự duy lý đến mù quáng của những cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực có liên quan đến chữ nghĩa.
Và mới đây, một Hiệp hội bề thế do nhà nước chủ đạo có cái tên không thể nào không gây bàn cãi : Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.
Chỉ trong vòng vài giờ, mạng xã hội tràn ngập ý kiến phản bác, đa số ngạc nhiên vì cách dùng từ "nhà vệ sinh" và không ít lời thóa mạ cái tên rất phản cảm này. Người ta chứng minh rằng ngay cái tên đã nói lên sự thấp kém của những người vận hành cái hội này và nếu chỉ đọc cái tên có vẻ thô thiển, không ai hiểu rõ Hiệp hội này hoạt động ra sao, có dính dấp gì đến những căn nhà vệ sinh của Việt Nam, và liệu những nhà vệ sinh ấy có cần đến một hiệp hội để điều hành hay không.
Nhưng khi đọc bản tin về ngày thành lập hiệp hội, câu chuyện đã lộ dần ra mục đích mà nó được thành lập : "Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam ra đời sẽ từng bước tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Tiếp đến sẽ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hiện đại, phù hợp cho từng khu vực và từng vùng miền tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng."
Thông tin cũng cho biết Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, và dĩ nhiên những người trong Hiệp hội là công chức có lương và Hiệp hội sẽ nhận ngân sách hoạt động hàng năm như những hội khác trên khắp nước.
Nếu Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam muốn thuyết phục người dân hơn thì không cần phải đem chữ "nhà vệ sinh" vào làm cái tên chính thức của Hiệp hội, mặc dù nó là một thực thể không thể tránh né khi mục tiêu của hội được thành lập là vì cái "nhà vệ sinh" chứ không vì cái gì khác.
Tuy nhiên cũng giống như chuyện sinh nở, một bệnh viện hộ sản hay hộ sinh nghe vẫn hay và lịch thiệp hơn nhiều cái tên "xưởng đẻ". "Xưởng" không thể chấp nhận đã đành, nhưng "đẻ" cũng thô kệch không kém. Dù sao thì tiếng Việt còn nhiều cách để miêu tả những hoạt động mà người dân bình thường tránh nói tới một cách thô lậu.
Người ta dạy con cái mình "đi tiểu" "đi cầu" hay "đi ngoài" "đi đồng" những từ khác cùng miêu tả cho sinh hoạt này nhưng được tránh đi, vì nó mang hơi hướng nhớp nhúa, chỉ những kẻ thất học mới dùng tới.
Nhà vệ sinh tuy lịch sự hơn, nhưng nếu dùng nó làm tên chính thức của một hiệp hội thì ngay lập tức chạm vào cái "taboo" liên quan tới hành động bài tiết, mà chuyện bài tiết thì ở đâu cũng vậy, ngay cả ở các nước phương Tây người ta cũng tránh nói tới. Những từ ngữ như toilett, restroom, hay washroom mang đậm nét văn hóa của một nền văn minh tuy thực dụng nhưng không dẫm lên những giá trị cốt lõi của ngôn ngữ, thứ hình thành nên văn hóa
Mục tiêu của Hiệp hội là xây dụng những căn nhà vệ sinh nhưng Hiệp hội có thể chọn một cái tên làm cho người ta liên tưởng đến hoạt động của nó. Nhà vệ sinh có thể thay bằng "Ô vuông xanh" hay "Đường giây xanh" hay hàng trăm gợi ý khác. Ô vuông là ước lệ của một căn phòng nhỏ nơi ấy người dùng ý thức tới môi trường và gìn giữ nó. Đường giây xanh là biểu tượng cho một loạt nhà vệ sinh trên khắp nước, nó hoàn toàn dễ chia sẻ và gây cho người đọc cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.
Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam cho báo chí biết lý do khiến ông tiến hành thành lập hiệp hội và theo đuổi mục đích này là do con ông một hôm đi học về cho ông biết rằng cháu không dám đi vệ sinh vì dơ bẩn quá. Ông cũng khẳng định sẽ xây dựng những căn nhà vệ sinh hiện đại và tân tiến nhất, tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng nhằm phục vụ người dân và đặc biệt là các nhà vệ sinh tương lai do hiệp hội của ông thành lập sẽ không lấy tiền của dân chúng.
Từ câu chuyện ông trả lời trên báo chí về lời than của con ông người ta có cảm giác như ông đang sống ở nước ngoài chứ không phải tại đất nước mà nhà vệ sinh hầu như vắng bóng tại tất cả các nơi công cộng, nếu có cũng chỉ là nơi chứa chất thải như ngày xưa các hợp tác xã nông nghiệp tập hợp phân bắc để bón cho ruộng. "Tạo bước đột phá về văn minh" có phải là tiếng than của cả nước hay chăng khi gần một thế kỷ đã qua mà cái nhà vệ sinh vẫn đang nằm chờ...đột phá ?
Từ chỗ thiếu thốn lưu cữu, ông cho rằng nhà vệ sinh phải thật hiện đại. Thực ra nhà vệ sinh hiện đại lắm cũng chỉ là cái bồn cầu tráng men tốt, nước giật đủ mạnh để tống chất thải ra ngoài, khử mùi hôi tốt và giữ sạch sẽ tuyệt đối. Một vài nơi gắn censor nơi bồn tiểu để khi người dùng quên xả nước thì thiết bị sẽ tự động làm....là những tiêu chuẩn ...hiện đại của hầu hết các nước phát thát triển. Nếu chỉ như thế thì không nhất thiết phải gọi là hiện đại để cộng vào dự toán khi xin ngân sách xây dựng những căn nhà vệ sinh như ông Hiệp nhắm tới.
Nhà vệ sinh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi người. Xây dựng nhà vệ sinh phục vụ cho dân chúng là bổn phận của chính phủ, hay nói đúng hơn là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Nhà vệ sinh làm cho bộ mặt thành phố tươm tất hơn và người dân sẽ tự động từ bỏ thói quen bài tiết nơi công cộng, một thói quen làm hình ảnh một thành phố có hàng ngàn nhà cao tầng phải hỗ thẹn.
Tuy nhiên đừng vì sự cần thiết không thể phủ nhận này để bày vẽ ra những hiệp hội to tát. Chính quyền phải trực tiếp thực hiện các nhà vệ sinh ngay tại nơi mình quản lý bằng ngân sách nhà nước. Theo dõi đôn đốc người dân tôn trọng quy luật giữ vệ sinh chung nơi công cộng nếu cần phải có biện pháp phạt vạ thật mạnh để họ nhớ tới mỗi khi vi phạm. Không ai dám than phiền sự phạt vạ này vì nó làm cho cộng đồng sạch sẽ và đáng sống hơn.
Không một Hiệp hội nào có thể thực hành thay cho nhà nước bởi họ không phải là lực lượng an ninh trật tự. Một hiệp hội không có khả năng bằng cả hệ thống cầm quyền. Giao khoán cho họ mà không kiểm soát sẽ xuất hiện những căn nhà vệ sinh hiện đại, tầm cỡ nhưng... không ma nào léo hánh là thất bại dễ thấy nhất như hằng hà sa số công trình đắp chiếu trên khắp nước hiện nay.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 14/11/2018
Câu hỏi đặt ra có vẻ trái khuấy vì Quốc hội là cơ quan soạn thảo Hiến pháp, bảo vệ và tu chính những điều khoản mà Hiến pháp quy định. Hành động vi hiến thường thấy bên hành pháp hơn là ngay tại các phiên họp của Quốc hội vì không lẽ một cơ quan quyền lực nhất nước lại trở thành nơi bị dân chúng phê phán vì đã không làm tròn trọng trách là bảo vệ Hiến pháp của mình.
Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018.
Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ : Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Vậy mà khi quyết định vấn đề quan trọng hiện nay của đất nước là Luật An ninh mạng, Quốc hội lại đồng lòng thông qua một cách chóng vánh bất kể những lý lẽ của các chuyên gia về luật này cũng như nhân sĩ trí thức lo ngại sự xâm phạm quyền con người của nhân dân đã gửi thư yêu cầu ngưng hoặc tạm ngưng thông qua chờ thêm những ý kiến đóng góp cho nó hoàn chỉnh và nhất là không phạm phải các quyền sơ đẳng của người dân.
Quốc hội đã nghe báo cáo của Bộ Công an cho rằng trên thế giới đã có 18 quốc gia có luật an ninh mạng tương tự như Việt Nam trong đó có Mỹ Canada và nhiều nước Tây phương khác. Các gợi ý đầy sai trái ấy bị Kỹ sư Dương Ngọc Thái đang làm việc về an ninh mạng tại Google cho biết thực ra chỉ có 3 nước là có các ép buộc tương tự như Luật An ninh mạng của Việt Nam đó là Trung Quốc, Nga và Indonesia. Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada thì yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước. Sự thiếu cân nhắc và tin vào chính phủ của Quốc hội là tiền đề để Quốc hội sa vào quyết định vi hiến.
Đại diện Bộ Công an còn đưa ra quy định General Data Protection Regulation (GDPR) của EU và cho rằng luật này cũng tương tự như Luật An ninh mạng của Việt Nam do Bộ Công an soạn thảo. Nhưng thực ra cũng theo Kỹ sư Dương Ngọc Thái thì GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án (1).
Gần bốn triệu kiều bào đang sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nga, Trung Quốc và Indonesia có thể xác định được họ có phải tuân thủ những quy định của chính phủ nơi họ sinh sống có buộc họ khai báo hồ sơ cá nhân như Luật An ninh mạng của Việt Nam hay không.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng của Bộ Công an vừa đưa ra để lấy ý kiến đóng góp có những chi tiết mà bất cứ người dân nào cũng đều phản đối :
"Điều 24 của dự thảo quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm 20 nội dung như : Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.
Bên cạnh đó là các dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm : thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị ; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác..." (2).
Rõ ràng Bộ Công an muốn quản lý từng công dân một cách chặt chẽ nhất, và đó là ý muốn bình thường của mọi thể chế chính trị, kể cả Tây phương lẫn các nước theo chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên với các nước Tây phương, hệ thống tam quyền phân lập đã kềm chế ước muốn này thông qua sự quán quyết của Quốc hội và mọi chính sách vi phạm hiến pháp đều bị bác bỏ ngay từ khi manh nha bởi một cơ quan nào đó.
Tiếc thay, Quốc hội Việt Nam đã quên mình là cơ quan cao nhất nước, có bổn phận bảo vệ Hiến pháp một cách không khoan nhượng đối với hành pháp, lại gật đầu thông qua Dự luật sai trái này.
Nó sai trái vì đã cho phép công an hay Cục An ninh mạng ngang nhiên lục lọi vào quyền riêng tư của từng người dân. Mà những quyền này được Hiến pháp Việt Nam bảo vệ qua điều 21 tại khoản 1 và khoản 2 như sau :
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình ; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Quốc hội khi thông qua Luật An ninh mạng đã bỏ phiếu cho sự vi hiến của chính mình, người đáng ra phải bảo vệ HIến pháp tới cùng.
Tại Điều 25 của bản Hiến pháp Việt Nam cũng ghi rõ : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Quyền "Tiếp cận thông tin" của người dân đã bị xóa sổ và Quốc hội là kẻ cầm viết gạch đi những gì mà Hiến pháp quy định.
Câu hỏi "Quốc hội có vi hiến hay không" chắc phần nào tự nó đã chứng minh qua các điều khoản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước khi Luật An ninh mạng được áp dụng vào tháng 1 năm 2019, Nếu Quốc hội cảm thấy sức ép của người dân quá mạnh và Ban Thường vụ kịp thời triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho ngưng dự luật này thì may ra tiếng xấu "vi hiến" sẽ được tẩy sạch, bằng không vết nhơ này rất khó phai trong biên niên sử có tên Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 09/11/2018
(2) http://baodansinh.vn/bo-cong-an-cong-bo-du-thao-nghi-dinh-luat-an-ninh-mang-d84598.html
Thân phận của cuốn sách này cũng là một phần lý do giải thích thái độ ghét Trung Quốc của người Việt Nam.
Anh Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động trẻ hiện đang điều hành trang Luật Khoa, viết một status trên Facebook như sau :
"Đọc báo nước ngoài, cả Đông lẫn Tây, không thấy ai phân tích hay bình luận rằng Tổng thống Trump đang tiêu diệt Trung Quốc, đánh sập nền kinh tế Trung Quốc hay hạ gục chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc. Kể cả các tờ báo thân Trump và fan cuồng của Trump mà không phải người Việt cũng không thấy bình luận như vậy. Nếu có những bài báo như vậy thì hẳn đã được dịch.
Nhưng ở ta và một phần rất lớn người Việt hải ngoại thì thấy nhiều người bình luận và tin như vậy một cách rất nhiệt thành. Mức độ nhiệt thành có lẽ không kém niềm tin tôn giáo là mấy, cũng không kém niềm tin vào Hồ Chí Minh là mấy".
Trong khi đó, từ trong nước, Linh Mục Nguyễn Đình Thục viết những giòng này trên trang Facebook của ông :
"Tôi không hiểu nhiều về chính trị. Nhưng nghe những gì Tổng thống Trump nói, nhìn những việc ông đang làm, tôi cảm thấy Việt Nam đang cần Trump để loại trừ cộng sản, cứu thoát đất nước khỏi Trung Quốc. Bởi vậy tôi cầu nguyện cho đảng Cộng hòa chiếm ưu thế trong kỳ bầu cử nầy, để Tổng thống Trump có thể làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Ai là công dân Mỹ gốc Việt được bỏ phiếu mà đang lưỡng lự chưa biết nên bầu ai thì xin giúp tôi bỏ một lá phiếu cho đảng cộng hòa ! (Vì tôi không được quyền đó). Tuy nhiên, lời cầu nguyện sau cùng vẫn là lời cầu xin cho Thánh ý Chúa được thực hiện !".
Hai status trên được phát biểu dựa trên một sự khác biệt căn bản : một bên là căn cứ theo logic ; bên kia là niềm tin vào sự mầu nhiệm - đức tính cốt lõi của người Công giáo. Thành ý của một linh mục trong câu viết của ông cho thấy thiết tha lắm mới khiến ông cầu nguyện như vậy bởi chính thâm tâm ông biết rằng Chúa không bao giờ nhậm lời để đảng Cộng hòa hay Dân chủ thắng thế, vì đây không phải là phần việc của Ngài.
Người Việt trông chờ sự thay đổi từ áp lực của chính phủ Trump không thể so sánh với niềm tin tôn giáo hay niềm tin vào Hồ Chí Minh. Ngưỡng vọng Hồ Chí Minh hiện nay chỉ là dư luận viên hay nhiều lắm là những cán bộ lão thành đã về vườn từ lâu, mà đã ngưỡng vọng Hồ Chí Minh thì làm sao có mong muốn Trung Quốc sụp đổ ?
Người Việt tin vào hay nói đúng hơn là trông chờ Tổng thống Trump có thể làm cho chế độ Cộng sản tại Trung Quốc sụp đổ bởi sự thù ghét Trung Quốc âm ỉ hàng ngàn năm qua nhiều thời đại nhưng cho tới thời đại của ông Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ sự căm ghét ấy đã được nâng lên nhiều lần, nhiều đến nỗi ông Trọng bị đa số người dân lẫn cán bộ trong guồng máy mặc định là người thần phục Trung Quốc một cách âm ỉ nhưng "bền vững" nhất.
Không phải người Việt muốn Trung Quốc tuyệt tích nhưng muốn được thấy nhân dân Trung Quốc không còn bị thao túng bởi chế độ cộng sản thì đúng hơn. Cộng sản Trung Quốc chính là nguồn cội gây biết bao đau khổ cho nhiều dân tộc, trong đó Tây Tạng và Tân Cương là hình ảnh gây lo sợ cho một Việt Nam kế tiếp khiến những người am hiểu dã tâm của Trung Quốc không thể ngủ yên trên nỗi ám ảnh mà báo chí thế giới nhắc đi nhắc lại không hề mệt mỏi.
Tân Cương năm 1949 rồi Tây Tạng năm 1951. Gót chân của quân đội được gọi là Nhân dân Trung Quốc đã chà đạp lên phần thân thể của hai nước láng giềng bằng nhiều cách thức. Chiếm giữ tài nguyên, di dân tràn ngập đất nước người khác qua các kế hoạch Hán hóa, tiêu diệt văn hóa và tôn giáo, phá hủy đền đài, đàn áp tu sĩ và nhất là đưa hàng trăm ngàn người cả Tây Tạng lẫn Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam trá hình.
Bao nhiêu tu sĩ Tây Tạng đã tự thiêu vì tranh đấu cho quyền được hành đạo không bao giờ làm cho lãnh đạo Trung Quốc chùn bước. Những tu viện nguy nga tráng lệ của Tây Tạng lần hồi bị tàn phá nhằm xóa sổ ký ức của họ về lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương không được thờ phượng theo tôn giáo của họ là Hồi giáo. Nam không được để râu, nữ không được che mặt. Những cấm đoán này bị người Duy Ngô Nhĩ nổi lên chống lại và kết quả là hằng trăm ngàn người bị mang vào trại tập trung Xinjiang Swell như những tội nhân hình sự.
Người Việt trong hay ngoài nước đều nhìn Trung Quốc với ánh mắt chung. Họ chia sẻ sự manh động của Trung Quốc qua các cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và còn kéo dài nhiều năm sau nữa khiến hàng trăm ngàn người Việt sống dọc 6 tỉnh phía Bắc đã vùi thây dưới họng súng của quân xâm lược. Trung Quốc chứng tỏ không thiếu gian hùng khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam rồi sau đó bắn giết ngư dân Việt Nam, không ngại bắt cóc ngư dân đòi tiền chuộc như bọn cướp biển.
Tại sao Trung Quốc làm được ? Vì họ mạnh về vũ khí, lớn về kinh tế và quan trọng hơn hết họ được sự đồng thuận của chính phủ Việt Nam qua sự im lặng gần như triệt để.
Ngoài biển thì như thế, trong bờ thì những dự án tầm cỡ quốc gia của đất nước bị lãnh đạo âm thầm bán rẻ cho họ khai thác. Bauxite Tây nguyên rồi Formosa cùng các nhà máy nhiệt điện tại Tuy Phong, Bình Thuận và cuối cùng là Đặc khu cho thuê 99 năm không ai ngoài Trung Quốc đã khiến sự uất ức tăng cao. Uất ức gây ra biểu tình, và biểu tình thì bị chính quyền đàn áp khốc liệt. Nhân quả ấy không khiến người dân căm hờn hay sao ?
Qua tuyên bố của Tổng thống Trump về sự tác hại của Chủ nghĩa Xã hội đã làm người Việt giật mình, rồi cuộc chiến tranh thương mại do ông phát động trở thành sức đẩy vào những người tin rằng sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ sẽ làm cho Trung Quốc sa lầy. Động thái cương quyết trên Biển Đông của Mỹ không còn là vấn đề trình diễn, nó đã và đang xảy ra ngày một quy mô và công khai với quốc tế khiến người Việt có thêm niềm tin vào Chính phủ Trump không phải là chuyện lạ.
Chân không lại dẫm phải gai khi nhìn thấy chiếc giày dù là rách và cũ, tâm lý con người ai cũng mong mang ngay chiếc giày cứu tinh ấy để thoát khỏi đám gai góc trên con đường thiên lý.
Cứ hình dung xem, cuộc cách mạng do Trump lãnh đạo – nếu có và nếu thành công – sẽ triệt tiêu đảng cộng sản Trung Quốc. Không còn Cộng sản Trung Quốc thì sẽ không còn Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị hay Tổng bí thư tại Việt Nam.
Người Việt tin vào thế domino này và Tổng thống Trump đối với họ không khác gì cọng rơm để bám vào bởi sự tuyệt vọng gần như chắc chắn.
Hãy để hy vọng nảy mầm dù chiếc mầm ấy đang chòi đạp trên bãi cát của sa mạc không có cơn mưa nào nuôi dưỡng.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 06/11/2018
Ngày 27 tháng 10 năm 2018, sau khi báo chí loan tải việc Giáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật đảng, một thư ngỏ do các cựu thành viên của IDS ký tên được gửi tới hai nơi : Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu xem xét lại quyết định này. Bức thư ngỏ không những không gây được sự chú ý nào từ phía người nhận mà làm cho phía người "biết" ngạc nhiên, bất mãn và không ít ngôn từ lên án, chê bai bức thư đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Giáo sư Chu Hảo.
Thư ngỏ gửi cho các cấp cao nhất của Việt Nam đã trở thành đề tài châm biếm dành cho người gửi bởi không phải từ những năm gần đây mà đã gần hai mươi năm trước hình thức thư ngỏ đã xuất hiện. Ngày 2 tháng 9 năm 2000 tại Hà Nội bức thư ngỏ của 5 nhà bất đồng chính kiến gồm các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến và Trần Dũng Tiến gửi Quốc hội Việt Nam, đòi dân chủ hóa, tăng cường pháp trị, dẹp bỏ mọi hành vi truy bức đối với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu.
Chín năm sau, vụ khai thác bauxite đã dậy lên một phong trào chống đối dữ dội và sự ra đời của trang Bauxite do Giáo sư Huệ Chi cùng nhà giáo Phạm Toàn chủ trương và điều hành với mục đích duy nhất là chống lại dự án khai thác bauxite do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký lệnh triển khai. Liên tiếp trong ba lần, thư ngỏ của các trí thức gửi cho Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị vạch rõ những tai hại của dự án này và tha thiết yêu cầu chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho ngưng lại. Tuy nhiên, ba lá thư ngỏ không một tiếng vang từ nơi nhận, chúng như bay vào không gian vô tận của sự im lặng rất... bình thường !
Ngày 10 tháng 7 năm 2011, một thư ngỏ khác của 71 trí thức với tiêu đề "Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay" cũng được gửi đi tới cơ quan cao nhất là Bộ Chính Trị và nó cùng chung số phận với những bức thư ngỏ trước đó.
Hơn một tháng sau, ngày 21 tháng 8 năm 2011, 36 trí thức hải ngoại cũng gửi thư ngỏ cho Bộ Chính trị kêu gọi chính quyền thúc đẩy cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa để "có đủ sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước" trước mưu đồ lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Có lẽ do quá xa lá thư hình như không tới tay Bộ Chính Trị do đó không ai phụ trách việc trả lời.
Rồi đầu năm 2013 nhóm trí thức nhân sĩ gồm 72 người ký tên gửi Quốc hội với bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp có tên "Dự thảo mới". Kiến nghị 72 trở thành lịch sử không phải nó được lắng nghe mà vì tâm huyết của những người ký nó cũng rơi vào u minh. Không một phúc đáp, không một tiếng vang nào từ người nhận.
Rồi thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức, thư ngỏ của 61 đảng viên trung thành với cách mạng, thư ngỏ yêu cầu ngưng dự án Đặc khu và Luật An ninh mạng, thư ngỏ trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức... và bây giờ là thư ngỏ của nhóm trí thức cựu thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương rút lại biện pháp kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo.
Không ai nghi ngờ sự trong sáng của những người ký vào những lá thư ngỏ đầy hoài bão, nhưng người ta nghi ngờ sự công chính của các nơi được gửi tới. Hai đơn vị Quốc hội và Bộ Chính trị được những bức thư ngỏ công khai hướng tới nhưng hết thư này tới thư khác cả hai nơi không nơi nào có phản ứng dù tích cực hay tiêu cực đối với tâm huyết của những bức thư ngỏ này.
Có điều rất lạ là tính kiên nhẫn phi thường của những vị trí thức, nhân sĩ từng ký tên liên tục vào những bức thư ngỏ ấy. Có thể tâm lý nước chảy đá mòn làm cho họ trì chí trước những hòn đá vô tri, nhưng họ quên một điều sự vô tri ấy không phải do bẩm sinh mà do tính "kiêu ngạo cộng sản" đã làm họ biến tướng để trở thành đá tảng.
Đá chỉ có thể đập chứ không thể đối thoại hay yêu cầu, đặc biệt vô ích hơn khi nghĩ rằng đá có thể đọc những bức thư đầy tâm huyết của những con người yêu nước thương nòi.
Một trong những lý giải về sự kiên nhẫn vô giới hạn của các tác giả thư ngỏ là quý vị ấy còn tin vào tính bản thiện của người nhận thư. Thời gian sẽ làm cho một ý chí, một định kiến hay một chính sách sai lầm có thể điều chỉnh hay thay đổi. Cả tin vào đó cho nên những bức thư ngỏ không dán tem tiếp tục xuất hiện cho tới ngày hôm nay, ngày mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nhận thêm một chức vụ nữa trong cuộc đời chính trị đầy hào quang của ông.
Hào quang từ khi tuyên thệ Chủ tịch Quốc hội khóa XI vào năm 2006, để 3 năm sau chính ông là người được thư ngỏ của nhân sĩ trí thức gửi Quốc hội yêu cầu ngưng dự án Bauxite Tây nguyên. Ông đã im lặng trong suốt hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội với biết bao lần nhận được thư ngỏ tương tự.
Rồi ông lên chức Tổng Bí thư, những nhân sĩ trí thức lại hy vọng lần này có thể ông sẽ thay đổi. Nhưng lạ, ông vẫn là ông tuy có khác đi vị trí cầm quyền. Lại im lặng nhận thư rồi không đọc.
Rồi ông nhận thêm chức Chủ tịch nước. Hai chức vụ trong một con người hẳn làm ông ít nhiều thay đổi, nhưng một lần nữa, các nhân sĩ trí thức của IDS lại lầm. Ông vẫn là ông và thư ngỏ vẫn là thư ngỏ.
Những bức thư ngỏ ấy như được gửi tới một người tình phụ bạc. Khi đã phụ bạc rồi thì con tim trở nên lạnh lùng, khối óc không còn tư duy theo nghĩa thông thường. Người gửi thư cứ hy vọng và phía sau bức thư không niêm ấy là sự dửng dưng tàn nhẫn.
Trả lời phỏng vấn của RFI, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS, cho biết lý do thư ngỏ được gửi tới UB Kiểm tra Trung ương như sau :
"Mục tiêu của thư ngỏ không phải là nói với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tuy lá thư này là gởi cho ủy ban đó, mà những người soạn thảo muốn kêu gọi các đảng viên và giới trí thức, những người còn đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, những người có thể nói không khác gì chúng tôi, có khi còn nói mạnh hơn nữa, nhưng bảo họ ký một cái gì đấy, lên tiếng một cách tập thể, thì họ có thể còn ngần ngại".
Suy cho cùng, các vị học giả trí thức chỉ dùng hình thức thư ngỏ để gián tiếp gửi thông điệp cho những người trách nhiệm cao nhất là Quốc hội hay Bộ Chính trị chứ trong tận cùng suy tư họ không thể không hiểu rằng không bao giờ hai cơ quan này hạ cố trả lời cho những bức thư đậm chất chống đối mặc dù ngôn ngữ khôn khéo và đầy thuyết phục. Nếu khởi động một lần trả lời thư ngỏ thôi, Đảng, Chính phủ và Quốc hội sẽ ê chề khi phát hiện ra rằng khả năng biện luận của mình chỉ là một anh học trò lớp ba trường làng so với những cái đầu đầy kiến thức của những người ký tên vào những bức thư ngỏ ấy.
Lần sau, cũng cùng nội dung ấy nhưng thư ngỏ không gửi cho Quốc hội, Bộ Chính trị hay Chính phủ nữa, mà người nhận là "đồng bào cả nước" thì sự thể sẽ ra sao ?
Con đường từ đồng bào tới Quốc hội, Bộ Chính trị chắc chắn là gần hơn so với cách gửi trực tiếp. Đồng bào sẽ lan truyền thông tin và sự lan truyền ấy có hiệu quả gấp ngàn lần so với cách gửi hiện nay. "Đồng bào" sẽ hành xử khác với "Nhân dân" sau khi bị chụp lên đầu đủ thứ mũ, mà chiếc mũ "đồng thuận" nặng nề đã làm vấy bẩn danh từ cao quý này mất rồi.
Xin hãy bắt đầu bằng câu "Thư ngỏ gửi đồng bào cả nước…".
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 30/10/2018
Chỉ vài ngày sau lễ đăng quang của ông Nguyễn Phú Trọng là bản án cho một trí thức nổi tiếng Việt Nam : Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, được Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đưa ra với những cụm từ quen thuộc mà ông Trọng từng lặp đi lặp lại trong những lần có dịp phát biểu trước cử tri hay trước các Đại hội do Đảng tổ chức.
Giáo sư Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục".
Có lẽ đây là hồ sơ đầu tiên được ông Trọng ký duyệt bắt đầu cho giai đoạn mới cầm quyền của ông. Trong vai trò Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chữ ký của ông đã khắc họa lên bề mặt của lịch sử Đảng thêm một chương mới, phơi bày câu chuyện một đảng viên cao cấp đã âm thầm chống đảng trong bao năm qua bằng trí tuệ khi mang sự thật đến cho quần chúng hiểu rõ hơn về những gì họ đang bị bao vây, thúc ép, lừa lọc hay nhồi sọ một cách bền bỉ trong gần một thế kỷ qua.
Giáo sư Chu Hảo không phải là một cái tên xa lạ với người dân. Qua những lần trả lời phỏng vấn của các đài truyền thông quốc tế như RFA, VOA, BBC hay RFI, ông giải mã rất nhiều điều về hệ thống cũng như thẳng thắn đưa quan điểm của mình mặc dù biết rằng những quan điểm ấy hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ của Đảng mà ông là một thành viên. Ông cũng không hề xa lạ với giới trí thức trong và ngoài nước bởi các hoạt động văn hóa trong đó có vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nhà xuất bản này thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Chức năng đầu tiên của Liên hiệp được xác định là : "Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước".
Nhưng Nhà xuất bản Tri Thức lại khác thường ở chỗ không cho xuất bản những cuốn sách mà người dân không muốn xem. Những cuốn sách ngợi ca lãnh tụ hay Đảng cộng sản khi đặt trên kệ sách vĩnh viễn không ai mở ra xem vì nội dung của nó đã quá nhiều người biết đến. Sách của Tri Thức là những gì được chưng cất từ sự thật, từ những lý luận, tư duy mở và chủ đề của nó làm người đọc sáng thêm những mảng tối trong cách nghĩ, cách làm.
Trong những cuốn sách do nhà xuất bản Tri Thức in và phát hành không ít cuốn đã bị tịch thu, cấm tái bản hoặc bị phạt hành chánh vì nhiều lý do mà lý do thông thường nhất là không phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng.
Giáo sư Chu Hảo hẳn nhiên tự biết sách do ông phê duyệt không bao giờ đúng đường lối, chủ trương của Đảng cả bởi chính con người ông là một ví dụ điển hình.
Trong khi Đảng chủ trương im lặng trước mọi cuộc xâm lược kín hay công khai của Trung Quốc thì ông và nhiều trí thức khác đi biểu tình chống nó. Trong khi Đảng chủ trương mọi cơ quan truyền thông quốc tế đều là đài địch, dù là công dân bình thường cũng bị cấm không được nghe thì ông lại công khai trả lời hết đài này tới đài khác. Trong khi Đảng xuất bản những cuốn sách dày cộm, kinh điển về lịch sử xây dựng đảng thì ông lại cho xuất bản những cuốn sách làm thế nào để một chế độ độc tài phải sụp đổ. Trong khi Đảng chủ trương khỏa lấp những gì không có lợi cho tiến trình khai hóa dân trí thì ông lại hăng hái tham gia vào những tổ chức, xã hội dân sự như Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS - Institute of Development Studies) hay mới đây là Viện Phan Chu Trinh, nơi phát huy tinh thần của một chí sĩ yêu nước mà đảng rất dị ứng khi nhắc tới.
Sách của nhà xuất bản Tri Thức phát hành rất đa dạng nhưng mảng chính trị có thể nói là chiếc gai nhọn nằm trong những chiếc giày lóng lánh của Đảng gây khó chịu cho toàn hệ thống một cách âm ỉ nhất. Những cuốn như : Bàn về tự do, Chủ nghĩa tự do truyền thống, Hòa bình-tình yêu và tự do, Khảo lược Adam Smith, và nhất là cuốn Đường về nô lệ.
Có lẽ cuốn sách gây dị ứng cho Đảng nhất là cuốn Đường về nô lệ dịch theo tác phẩm The Road to Serfdom, được nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek viết vào giữa các năm 1940–1943, cảnh báo về "mối nguy hiểm của chế độ chuyên chế" rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hôm nay.
Khó có thể nói tại sao cho tới hôm nay Giáo sư Chu Hảo mới bị đem ra đấu tố trong căn phòng cực kỳ cơ mật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các tội danh : "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật". trong khi những việc làm công khai của ông đã xuất hiện từ lâu. Ông là một thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ năm 2007, ký vào Kiến nghị 72 trong năm 2013, Kiến nghị đổi tên Đảng, đổi tên nước, hay phản đối dự luật An Ninh mạng năm 2018, mạnh mẽ kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến tù đày, ông tham gia vào rất nhiều hoạt động văn hóa, xã hội từ hàng chục năm qua…
Rõ ràng không thể bỏ qua yếu tố "xây dựng Đảng" trong diễn biến này khi những cụm từ quen thuộc như "suy thoái tư tưởng về chính trị, đạo đức" "tự diễn biến" "tự chuyển hóa"… được mang ra để kết án một nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường như đã từng lột "nguyên" những ông thứ trưởng, bộ trưởng khác. Có một điều khác là đối với Giáo sư Chu Hảo, hành vi này chỉ làm cho ông bớt "tâm tư" bởi bỏ thì thương mà vương thì tội cái thẻ đảng trong túi của mình.
Thẻ đảng đối với ông tuy chỉ là kỷ niệm nhưng nó cũng chứa biết bao sai lầm mà ông từng phạm phải. Bỏ nó là từ khước sai lầm của mình. Và vì vậy hôm nay chính là ngày vui mừng của ông.
Xin chúc mừng ông, Giáo sư khả kính Chu Hảo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 26/10/2018
Ngày 3/10/2018, Chính phủ ban hành dự thảo "Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng" mà Quốc hội đã thông qua. Dự thảo này không có gì mới so với Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.
Cuộc biểu tình chống cả hai dự luật, An Ninh Mạng và Đặc Khu Kinh Tế, tại Việt Nam.
Người được cho là tâm đắc với luật này nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từng là Bộ trưởng Công an trước khi làm Chủ tịch nước, ông Quang bị ám ảnh bởi tự do thông tin trên mạng xã hội đã làm cho dân chúng trở thành sành sõi, cứng đầu hơn so với trước đây khi hệ thống internet và nhất là mạng xã hội chưa đạt tới mức sấm sét như hiện nay.
Trong tinh thần ấy, Luật An ninh mạng (an ninh mạng) được sao chép nhằm mục đích bảo vệ chế độ trước sự tấn công của cư dân mạng. Những blogger, những trang web bất đồng chính kiến và nhất là những Facebooker đang tập trung soi từng hành vi, động thái dù nhỏ nhất của chính phủ cùng các quan chức lãnh đạo để đưa ra những bình phẩm, cười cợt lẫn lên án, gọi tên từng người mà không có vùng cấm. Cơn sóng thần phê phán lúc cao lúc thấp của mạng xã hội làm cho cả hệ thống run sợ, ít nhất là ngại ngùng không còn dám công khai phạm tội như trước.
Bên cạnh sự lo ngại phê phán gay gắt dễ dẫn tới căm phẫn và bạo loạn, Luật an ninh mạng còn có mục đích ngăn chặn những cuộc biểu tình lớn như vào ngày 10 tháng Sáu khi người dân dùng mạng xã hội thông tin cho nhau một cách bí mật (inbox) và cùng lúc tại nhiều địa phương trước khi cuộc biểu tình bùng nổ.
Luật an ninh mạng sẽ chấm dứt những câu chuyện oan trái, tham nhũng tàn bạo như Thủ Thiêm xuất hiện trên mạng xã hội. Nó cũng chấm dứt công khai tên tuổi của những kẻ nhúng tay vào tội ác, kể cả tội ác ăn cắp công quỹ và đất đai của dân. Nó chấm dứt tiếng kêu oan trái của những người bị hiếp đáp thậm chí bị giết hại trên mạng xã hội. Nó chấm dứt cùng lúc những hình ảnh không được đẹp đẽ không những của chính phủ Việt Nam mà cả của Trung Quốc khi bạn viết những gì lên án hành vi xâm lược của nước này cũng bị gọi là tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam vì đã "chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc... và nhân dân các nước".
Điều 54 của dự thảo Nghị định này quy định : các công ty cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng, và phải nộp bất cứ khi nào Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) yêu cầu, để bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Đối với dữ liệu cá nhân, ngoài tên tuổi, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, sở thích, sở trường, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, niềm tin triết lý, vị trí trong xã hội, sinh trắc học, mối quan hệ của cá nhân trên mạng : bạn bè, trang, tài khoản, từ khóa, tương tác.
Chỉ cần lướt trên vài quy định như thế, người ta sẽ không thấy bất cứ một cánh cửa sổ nào có thể mở ra bầu trời thế giới từ không gian mạng Việt Nam, ngay cả những người lên mạng với mục đích vui chơi giải trí hay mua hàng trực tuyến từ trang Facebook, Google hay Amazon.
Nhưng các công ty nước ngoài có làm ăn tại Việt Nam cũng không thoát được Luật an ninh mạng.
Buộc Google, Facebook hay Amazon đặt máy chủ tại Việt Nam là cách thức Hà Nội muốn tẩy chay họ thay vì cộng tác. Với trói buộc cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng cho Cục an ninh mạng khi bị yêu cầu, những công ty này sẽ vi phạm pháp luật, không phải tại Việt Nam mà từ quốc gia của họ.
Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gọi tắt là VCCI cho rằng khi buộc các công ty ngoại quốc đặt máy chủ tại Việt Nam, Luật an ninh mạng sẽ trực tiếp phá bỏ lời cam kết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp ký sẽ là một trở ngại to lớn, hơn cả vấn đề nhân quyền mà Việt Nam vừa hứa hẹn.
Các doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam cũng vậy, họ không được phép tiết lộ an toàn dữ liệu cá nhân của nhân viên, kể cả người Việt, cho chính phủ Việt Nam. Họ không thể tùy tiện làm theo yêu cầu của Cục an ninh mạng vì sẽ bị chế tài bởi luật pháp nước họ. Cách hay nhất là họ sẽ rút lui khỏi Việt Nam từng phần hay toàn bộ công ty để chờ một cơ hội nào đó khiến cho Luật an ninh mạng bị đào thải.
Có lẽ quy định cung cấp dữ liệu cá nhân khi bị yêu cầu làm cho người dân phẫn nộ hơn hết. Khi biết mình bị các công ty mang những thông tin có tính chất riêng tư cung cấp cho nhà nước thì bất cứ ai cũng không khỏi lo lắng và bất mãn. Số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hoạt động tài chánh, ngay cả sở thích, quan điểm chính trị hay thói quen khi bày tỏ chính kiến… những riêng tư hơn nữa như chat, tin nhắn, e-mail, hình ảnh, phone book…bất cứ thứ gì liên quan đều bị phanh phui và chia sẻ. Xã hội không còn một chút riêng tư thử hỏi xã hội đó có còn đáng sống ?
Vì vậy bất cứ ai cũng sẽ là nạn nhân của Luật an ninh mạng chứ không hẳn là những người thích phản biện. Doanh nghiệp nổi tiếng ư ? Bạn chưa từng "tránh" thuế ư ? Bạn chưa từng bôi trơn cho ai đó để một dự án được trúng thầu ? Bạn chưa từng vui vẻ sau khi trót lọt và tự thưởng cho mình một "chân dài" trong chuyến du lịch cuối tuần. Nếu trước đây những vụ này sẽ bị im đi vì thiếu tang chứng nhưng sau khi Luật an ninh mạng thông qua bạn sẽ ân hận vì mình có quá nhiều tiền trong nhà băng và quá nhiều thư từ, hình ảnh các em trong điện thoại.
Theo đó, quan to cũng coi chừng vị trí mà mình đang đứng, có thích hợp với người đốt lò hay không vì kể từ nay, ông ấy sẽ biết quý vị đến từng chân tóc.
Các công ty như Facebook hay Google có lẽ sẽ chọn con đường rút lui và Việt Nam cũng biết như thế. Nhưng Quốc hội, Chính phủ không sợ vì nghĩ rằng không có Mỹ thì Trung Quốc sẵn sàng thế chân từ những trang mạng như Baidu, Alibaba, Weibo, WeChat. Điều duy nhất mà cả Quốc hội, lẫn Chính phủ sợ là mất Đảng, vì vậy bất kể mang các công ty Trung Quốc vào Việt Nam không khác mang cọp vào nhà, chính phủ vẫn chấp nhận sự nguy hiểm do Luật an ninh mạng mang tới.
Nhưng họ quên, sự nguy hiểm lớn nhất mà Luật an ninh mạng sẽ mang tới là sức phản kháng của người dân đối với Luật này. Cái tên của nó đã bị người dân thay đổi thành Luật Animal, Luật súc vật… mà dân thì không phải súc vật, vì vậy xin đừng máng vào mồm của họ hai sợi giây cương như máng vào những chú bò ốm đói.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 17/10/2018
Tham nhũng từ xưa tới nay là vấn nạn khó giải quyết nhất đối với mọi chính phủ của các nước đang phát triển. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm trong thể chế dân chủ của chính quyền ấy. Càng dân chủ thì vấn nạn tham nhũng càng ít đi.
Nhà nước có thể thất thoát 400 tỷ VND để mua một công ty đang trên đà phá sản.
Nhiều người so sánh các nước khu vực Đông Nam Á với Việt Nam và cho rằng dù sao thì tham nhũng tại Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước khác khi lãnh đạo của họ công khai xài tiền ngân sách do tham nhũng với con số kinh khủng không thể tưởng tượng chỉ sau khi họ bị lật đổ thì số tiến ấy mới bị phát hiện ra con số chính xác.
Tổng thống Suharto của Indonesia sau khi bị lật đổ bị phát hiện có tài sản gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia. Cựu Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines thì biển thủ 100 tỷ dollars, ông Najib Razak cựu Thủ tướng Malaysia đang đối diện cáo buộc lạm dụng chức vụ và tham ô, đã tự tiện chuyển vào tài khoản riêng số tiến 628 triệu dollar lấy từ quỹ 1Malaysia Development Berhad.
Tổng thống những nước này có tình trạng tham nhũng giống nhau, trước tiên họ xây dựng nền móng sức mạnh cho riêng mình, sau đó cung cấp nguồn lợi từ các chính sách của chính phủ cho gia đình hay thân hữu. Trong tất cả các chế độ vừa nêu con số người thừa hành, tiếp tay với kẻ chủ mưu có nguồn thu từ tham nhũng rất ít, điều này nói lên sức mạnh tuyệt đối của riêng mình họ trong bộ mày chính quyền do họ tạo ra.
Nhưng ở Việt Nam thì khác. Cấu trúc chính trị của Việt Nam không cho phép gia đình trị, cũng không cho phép một người tham nhũng còn những kẻ khác đứng nhìn. Tham nhũng tại Việt Nam có tính hệ thống và vì vậy muốn chống lại nó không phải là chuyện dễ dàng. Tham nhũng tại Việt Nam là một vòng tròn khép kín, từ lúc bắt đầu vẽ ra một dự án cho tới lúc hoàn thành có hàng trăm con người chúi đầu vào. Xem ra có vẻ suy tư tới sự thành bại của dự án ấy nhưng thật ra họ chúi vào để tìm cách chia xẻ ngân sách nhà nước với những kỹ thuật lòn lách học được từ những ngày đầu tiên khi đất nước bắt tay vào hai chữ "đổi mới".
Tham nhũng lừng lững như sóng thần ngày càng cao, càng vào gần bờ thì sức công phá càng mạnh. Gần mười năm trước người dân khi nghe nhắc tới vụ tham nhũng PMU 18 đã cho là dữ dội vì cấp độ tham nhũng của nó vào lúc ấy, nhưng thật ra PMU 18 chỉ là hạt vừng so với các vụ án sau này của các quan chức trong chính phủ. Nếu PMU 18 có sai phạm và thất thoát chưa tới 2 triệu dollars thì vụ án Dương Chí Dũng của Vinalines có mức độ thiệt hại ngân sách nhà nước gấp 10 lần vụ PMU 18. Thời gian càng trôi thì những đại án tham nhũng càng lớn, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ với dự án Đại lộ Đông Tây chỉ là muỗi so với vụ tham nhũng Thủ Thiêm mà người ta ước đoán số tiền tham nhũng có thể lên tới con số bạc tỷ dollar. Vũ Nhôm với những tờ giấy có thể gây sợ hãi cho nhiều bí thư của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nằm trong vòng điều tra vì số người "tham gia" quá đông và quá "nguy hiểm", đó là chưa nói tới MobiFone và AVG nếu không phát hiện kịp thời vụ án có thể gây thất thoát cho nhà nước ít nhất là 400 tỷ vì tiền ngân sách phải bỏ ra mua một công ty đang trên đà phá sản.
Những tên tuổi như Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh sẽ nhanh chóng đi vào quá khứ vì báo chí còn dành đất để khai thác những vụ tham nhũng khác. Vụ sau lớn hơn vụ trước về mức độ lẫn tài sản quốc gia. Tham nhũng gần như chiếc xe không phanh, cứ lầm lũi chạy trên con đường không ai kiểm soát.
Lớn tham nhũng kiểu lớn, nhỏ tham nhũng kiểu nhỏ. Cả một guồng máy như đang cố gằng hết sức mình gậm nhấm chiếc bánh ngân sách lẫn tài sản của dân chúng.
Những vụ án đất đai khắp nước xuất phát từ tham nhũng và cũng từ đó các nhóm lợi ích đua nhau ra đời. Tài sản người dân teo tóp và họ phấn đầu ngày này sang ngày khác để giữ lại phần nào hay phần nấy miễn sao đừng rơi vào hố sâu nghèo đói bần hàn.
Viên chức chính phủ với đồng lương không thể sống vẫn ngày ngày ghé quán bia ăn nhậu phủ phê với bạn cánh hẩu. Vợ con họ vẫn ung dung đếm những đồng tiền "không dấu vân tay" tuy không nhiều nhưng vẫn đủ cho một cuộc sống trung lưu trong thời buổi xã hội lẫn lộn vàng thau. Đồng tiền của những viên chức ấy đến từ các con dấu đóng vào đơn của doanh nghiệp hay vài trăm ngàn lót tay của người dân cùng khổ. Họ sáng tạo ra những quy định, những rào cản hành chánh cho các cuộc truy hoan mà một chai rượu có thể lên đến chục ngàn dollar, số tiền này được chung chi cho họ cũng trong vòng tròn móc túi lẫn nhau mà sống.
Nhà nước không cần phát lương, họ tự lập nguồn chi thu cho cơ quan và cho bản thân. Họ chính là nhà nước.
Những cảnh sát giao thông ra đứng ngoài đường chỉ làm một công việc duy nhất là thu tiền mãi lộ. Cả nước biết hành động của họ là sai trái, chính phủ biết hành vi này làm cho xã hội bất bình, căm phẫn. Nhưng cả nước cũng biết rằng thu tiền trên đường là sự sống còn của bộ phận gìn giữ an toàn cho người dân, thiếu nó sẽ không ai vào công an vì lương quá ít.
Khi chính phủ một nước không chấp nhận tăng lương cho nhân viên mà ngầm khuyến khích họ tự bươn chải kiếm ăn chính là hành vi giả lơ cho họ tham nhũng. Mỗi người một chiếc chìa khóa trong cơ quan, kẻ mở ngăn giấy phép kinh doanh, người phụ trách sổ đỏ, kẻ chăm sóc luật môi trường doanh nghiệp, hay chí ít cũng là an toàn thực phẩm. Không tham nhũng được thì ăn cắp giờ làm việc của riêng mình. Mọi người trong tập thể ấy vừa làm việc vừa tự tính lương "căn bản" cho mình trên những hồ sơ gửi vào cơ quan xin đóng dấu. Vòng tròn tham nhũng ấy sống vững vàng từ bao năm nay và xem ra nó còn vững vàng nhiều hơn nữa trong những ngày tháng tới.
Tham nhũng là vòng tròn bất tử, nó ký sinh trên thân xác của chủ nghĩa cộng sản, nơi mà thể chế chính trị không chấp nhận sửa sai một cách quyết liệt ngoại trừ bị phát hiện.
Liều thuốc khai tử duy nhất cho nó là thể chế dân chủ thật sự, nhưng bộ máy hiện nay tuy đã rệu rã nhưng nó phản ứng cật lực trước mọi ý tưởng trùng tu vì nó đã quen với những con ốc vít được chế tạo từ Cách mạng Tháng tám.
Mạc Lâm
Nguồn : VOA, 10/10/2018
* Lấy cảm hứng từ tác phẩm "Gạc Ma-vòng tròn bất tử" của nhà xuất bản Trí Việt do Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên.
Tràn ngập thông tin về biểu tình vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 không những đào sâu khoảng trống ngạc nhiên cho hàng triệu người trong và ngoài nước, mà sức cộng hưởng của hàng chục ngàn người đã làm ngân vang tiếng chuông báo hiệu một bình minh đang dần ló dạng trên vùng trời Việt Nam, vốn u ám từ hơn nửa thế kỷ, khi mỗi ngày thức giấc là một ngày kéo dài những dồn nén vì áp bức từ phía nhà cầm quyền đối với dân chúng.
Biểu tình ngày 10 tháng 6 năm 2018 đã làm ngân vang tiếng chuông báo hiệu một bình minh đang dần ló dạng trên vùng trời Việt Nam
Biểu tình là phương cách duy nhất tập trung đông đảo thành phần cùng một hoàn cảnh, gom nhau lại tỏ thái độ với đối phương. Sự tập họp này cùng mục đích là đòi hỏi quyền lợi hay sự công bằng. Biểu tình còn dẫn tới những mục tiêu khác đó là thông báo cho những cộng đồng khác ngoài khu vực biểu tình về những bức bách, dồn nén, chà đạp đang xảy ra tại khu vực biểu tình.
Số lượng người biểu tình càng nhiều thì giá trị thông tin càng lớn. Thế giới chú ý vào con số trước khi nhận thức nguyên nhân.
Cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 đã hội đủ hai điều kiện cần có nên tạo được sự chú ý của truyền thông quốc tế: Con số người biểu tình lớn nhất từ hơn 40 năm qua tại Việt Nam. Lý do: Lên án hành vi gian xảo nhằm mưu cầu lợi ích cho Đảng nhưng bỏ mặc sự nguy vong mất nước của người dân khi ưu đãi Trung Quốc vào chiếm cứ Việt Nam thông qua hành vi thành lập 3 đặc khu kinh tế.
Sao chép bài học bóp nghẹt tự do trên mạng Internet của Trung Quốc nhằm áp dụng vào Việt Nam, nơi người dân đã hình thành thói quen tiếp cận thông tin từ mạng lưới toàn cầu.
Thế giới đang lo sợ sự lấn áp quyền lực mềm của Trung Quốc trên những quốc gia nghèo đói nên cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 đã củng cố thêm một sự thật: 95 triệu người dân Việt Nam đang cố thoát ra áp lực đen tối đó.
Việt Nam không phải là quốc gia nghèo đói nhưng lại bất hạnh hơn cả nghèo đói khi bị Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì cùng chung hệ thống, Đảng Cộng sản Việt Nam học tập toàn bộ những gì mà Trung Quốc đang áp dụng vào đất nước họ, và còn hơn thế, Hà Nội tuân lệnh Trung Quốc như một chư hầu trung thành bất kể lòng dân ta thán.
Ngày 10 tháng 6 người dân không còn âm thầm ta thán. Họ bước xuống lòng đường và bắt đầu hiểu ra rằng họ có cái quyền đó: Quyền biểu tình đòi hỏi quyền lợi và công lý.
Đảng Cộng sản Việt Nam có thể quên bài học lịch sử khi cố viết lại lịch sử theo cách của họ. Nhân dân Việt Nam mặc dù không thuộc làu làu lịch sử, nhưng họ khắc ghi sâu đậm vào máu những gì có liên quan đến giặc phương Bắc. Dù bao ngàn năm, họ ghi nhớ truyền đời về họa Trung Quốc và vì vậy khi Đảng Cộng sản rắp tâm "chia sớt" đất nước cho "đồng chí" thì người dân lập tức thức tỉnh. Và khi đã tỉnh trước họa mất nước, thế lực nào có thể ru ngủ họ trở lại như đã từng làm hơn 40 năm qua ?
Có thể sau ngày 10 tháng 6 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hiểu ra ý nghĩa của ngày này : Dù mua sắm thêm bao khí tài quân dụng để chống biểu tình cũng không thể thành công khi người cầm thứ vũ khí chống dân ấy chính là con cháu trong nhà của người bị chống.
Cả nước biểu tình nhưng chỉ có người dân Phan Rí Cửa bạo loạn. Vì sao ?
Phan Rí Cửa là nơi chỉ sống về nghề đánh bắt cá và các dịch vụ liên quan. Họ quen sống với thứ khí hậu trong lành của biển, của những rặng phi lao cát trắng. Tuy chấp nhận an thân nhưng họ không chấp nhận bức hiếp. Ngư dân Phan Rí vốn có tiếng mạnh bạo và dễ nóng giận trong ứng xử. Vợ con của ngư dân Phan Rí cũng sống nhờ những sinh hoạt có liên quan đến con cá. Đa số những người vợ người mẹ của ngư dân cũng nóng nảy, dữ dội và sẵn sàng lăn xả vào ai đối xử bất bình đẳng với mình. Những cá tính ấy hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác và cá tính ấy bộc lộ qua cách mà người dân biểu tình dẫn đến bạo động trong ngày 10 tháng 6.
Đối với người dân Phan Rí Cửa, nguyên nhân dẫn đến bạo loạn không phải từ hai dự luật mờ ám mà xa hơn, nó xuất phát từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Trung Quốc nơi xảy ra ô nhiễm khủng khiếp cho người dân tại huyện Tuy Phong nơi thị trấn Phan Rí Cửa trực tiếp chịu đựng từng cuộn khói tràn vào phá hủy không thương tiếc khí hậu trong lành mà hơi thở biển mang đến cho họ hàng trăm năm nay.
Người dân Phan Rí đã hơn một lần đụng độ với cảnh sát chống biểu tình khi họ bao vây lực lượng này và dồn công an được trang bị tới răng phải bỏ chạy. Sau đó là những cuộc bắt bớ âm thầm khiến cơn giận âm ỉ trong lòng người dân xứ biển không có nơi giải thoát.
Ngày 10 tháng 6 là cơ hội cho họ bày tỏ ẩn ức kéo dài. Chính quyền một lần nữa chạy trốn để người dân tiến chiếm trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Rồi bừng tỉnh trở lại, họ huy động nhân sự, lực lượng để chống nhân dân.
Mọi kịch bản xấu nhất đều có thể xảy ra và người dân Tỉnh Bình Thuận lại cùng nhau đối phó với nhà nước. Khi nhân dân đồng lòng đối phó bất kể thân xác họ có bị vùi dập, thì lúc ấy nhà nước cần phải sửa soạn vị trí cai trị của mình chứ không khải chỉ lo lau chùi súng đạn, dùi cui, áo giáp hay khiên chống người biểu tình. Bởi hôm nay người dân Phan Rí Cửa nói riêng và Bình Thuận nói chung không còn đơn độc như lần trước, họ có đồng bào khắp nơi theo dõi và chia sẻ niềm tin của họ.
Ngày 10 tháng 6 cũng còn có máu đổ tuy ít hơn những lần biểu tình trước, tuy nhiên người bị đánh đập ngày hôm nay lại hãnh diện vì mình bị đánh trong khi đồng bào chung quanh an toàn. Cái gì làm cho họ mạnh mẽ vậy? Đơn giản, đó là lòng yêu nước. Họ yêu nước mà không cần thế lực nào nhắc nhở hay lên giây cót.
Ngày 10 tháng 6 còn hai điểm đáng chú ý khác : Một, mạng xã hội hầu như không biết chắc sẽ xảy ra cuộc biểu tình tổng lực như vậy. Thế mà người dân làm sao đồng lòng một cách kỳ diệu mà không ai, kể cả lực lượng tinh nhuệ 47 có thể nghĩ tới ?
Người dân đã áp dụng chiến thuật rỉ tai, ém quân một cách ngoạn mục. Những chuyến xe từ Phước Tỉnh, Phước Hải, Long Điền, Long Hải chở đầy người về Sài Gòn mà không bị phát giác. Những chiếc xe gắn máy từ Bình Dương, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Đồng Nai… đổ về trung tâm Nhà thờ Đức Bà là đội quân khó kiếm soát nhất đối với chính quyền.
Khi người dân còn trăm phương ngàn kế để bày tỏ chính kiến của mình thì chính quyền không nên chỉ lo lau chùi vũ khi.
Hai, không một lá cờ đỏ nào xuất hiện tại Sài Gòn như vẫn thường thấy trong những lần biểu tình trước đây.
Người biểu tình quen cầm cờ tổ quốc như một phương tiện chống đỡ vì họ nghĩ rằng công an sẽ chùn tay khi muốn hành hung người cầm cờ. Nhưng không, họ có kinh nghiệm đau đớn về điều này, cầm cờ hay không cũng bị đối xử như nhau có khi còn tệ hơn. Lá cờ không đại diện cho tổ quốc dưới mắt công an hay dân phòng. Lá cờ vì vậy lần này họ không cần xử dụng đến.
Dân chúng không tin chính quyền đến độ bất cần lá cờ mà chính quyền này ém vào tay họ mỗi lần ra khơi đánh cá như một cách khẳng định chủ quyền. Lá cờ không còn sức mạnh nó vốn có để dựa vào khi cần một niềm tin, dù niềm tin đó thơ ngây như một chiếc áo giáp có thể bảo vệ thân thể mình không bị đánh đập. Lá cờ tổ quốc đang đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi từ cả hai phía : nhà nước và dân chúng.
Thông điệp của ngày 10 tháng 6 : Dân muốn thay đổi nhà nước bằng đôi chân của họ thay vì bằng cánh tay bỏ phiếu đã bị nhà nước chặt mất. Những bàn chân hôm nay có làm Đảng thay đổi hay không tùy thuộc vào niềm tin của Đảng vào dân chúng.
Từ trước tới nay đó là niềm tin về sự nhu nhược của quần chúng đối với bất cứ kế sách nào mà Đảng đưa ra. Nay, niềm tin ấy cần phải thay đổi : Nhân dân sẽ đạp đổ Đảng bằng những đôi chân gầy guộc thô ráp của họ nếu Đảng tiếp tục tin rằng họ là những công dân không chịu lớn.
Mạc Lâm
Nguồn : VNTB, 10/06/2018
Mỗi năm theo thông lệ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân về trời, chầu Ngọc Hoàng để tường trình những việc quan trọng xảy ra trong năm vừa qua. Năm Đinh Dậu được xem có khá nhiều sự kiện đặc biệt hơn mọi năm và vì vậy ba ông bà Táo bận bịu hơn những năm trước đây.
Táo quân RFA năm Đinh Dậu
Lúc này tại sân chầu chốn thiên cung, Nam Tào Bắc Đẩu đi đi lại lại có vẻ sốt ruột vì gần tới giờ Ngọc Hoàng ngự giá mà chẳng thấy Táo Việt Nam xuất hiện. Thiên Lôi hầm hừ xách búa đi tới đi lui sẵn sàng đợi lệnh Ngọc Hoàng xử tội bất cứ ai không giữ khuôn phép thiên đình. Không khí căng thẳng cho tới khi Quan Ngự Lâm báo hiệu Ngọc Hoàng ngự cung để nghe tổng kết năm cũ.
(tiếng phèng la nổi lên…)
Tập thể : Ngọc Đế giá lâm, Ngọc Hoàng vạn tuế vạn vạn tuế…
Ngọc Hoàng : Miễn lễ cho các khanh, mọi người yên vị và chuẩn bị tường trình nhanh lên. Hôm nay ta có hẹn với bà xã xuống trần xem dân gian ăn tất niên ra sao nên cho phép các khanh nói ngắn ngắn một chút cũng không sao. Bắt đầu từ Táo nào đây ?
Nam Tào : Kính bẩm Hoàng thượng, hôm nay tới lượt táo Việt Nam nhưng đã hơn 1 phút rồi mà chưa thấy bọn hắn xuất hiện, chúng thần đang lo không biết có trục trặc gì không…
Thiên Lôi : Tâu Hoàng thượng, ngài cứ ra lệnh xử, hạ thần sẽ tuân chỉ liền ạ !
Bắc Đẩu : Tâu Hoàng thượng, theo sổ bộ của hạ thần giữ đây thì ba vợ chồng Táo Việt Nam đã được đặc cách làm thiên sứ và miễn tội khi quân do câu chuyện cảm động của ba vợ chồng nhà này. Chính Ngọc Hoàng đã ban chiếu miễn tố cho chúng nó đấy ạ !
Ngọc Hoàng : Ừ, theo ta thấy mỗi năm ba đứa nó vẫn đều đặn báo cáo từng việc nhỏ tới việc lớn rất chăm chỉ, chắc là do trục trặc chi đây nên lần này mới đến trễ dữ vậy !
Quân lính : Dạ dạ kính bẩm Ngọc Hoàng, có ba ông bà Táo Việt đang chờ trước sân rồng đợi lịnh.
Ngọc Hoàng : Vậy là tụi nó tới rồi hả, cho vào cho vào …
Ba Táo : (cùng lúc) Kính bẩm Ngọc Hoàng, chúng thần là Táo Việt Nam xin dập đầu tạ tội vì đến trễ khiến Hoàng thượng lo lắng, triều đình nhốn nháo. Trăm phần xin Ngọc đế niệm tình tha thứ.
Táo Vợ : Tâu Hoàng thượng, không phải tại em mà tại anh Táo về trễ khiến em và Táo Nhỏ chờ mãi…
Ngọc Hoàng : Táo lớn bị hư xe à ?
Táo Lớn : Tâu Hoàng thượng, xe của hạ thần là loại xịn không thể hư được nhưng do thần tranh thủ về miền Tây lấy thêm tin tức cuối năm lại gặp kẹt xe quá cỡ nên không thể lên thiên đình đúng giờ ạ !
Hàng chục nghìn người dân chạy xe máy hướng về các tỉnh miền Tây, khiến giao thông khu vực Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh tắc nghẽn
Ngọc Hoàng : Kẹt phà nữa hay sao ?
Táo Vợ : Dạ không phải, Việt Nam không còn phà nữa mà kẹt vì BOT đấy !
Nam Tào : BOT là cái giống gì vậy ?
Bắc Đẩu : Để ta tra sổ coi nó là cái quỷ quái gì ?
BOT là cái quỷ quái gì ?
Táo Lớn : Bắc Đẩu tra cũng vô ích không có trong sổ của ông đâu. Số là như thế này :
Khải tấu Ngọc Hoàng
Việt Nam phát triển
Xe cộ liên miên
Mà đường quá thiếu
Chính quyền đành chịu
Cho doanh nghiệp thầu
Dè đâu bọn xấu
Lợi dụng tình hình
Đường sửa linh tinh
Sửa cho có sửa
Con đường cụt ngủn
Dựng trạm thu tiền
Tài xế nổi điên
Trả bằng tiền lẻ
Dân chúng bất bình
Không ai chịu nộp
Công an đòi hốt
Tài xế tỉnh bơ
Đường kẹt cứng đơ
Đấy là Bê Ốt…
Thưa bệ hạ
Thiên Lôi : Cha chả, giỏi cho bọn gian thương lợi dụng chính quyền, giỏi cho bọn móc nối móc tiền dân chúng, ta cho một búa là ba đầu sáu tay gì cũng chầu Diêm vương hết cho bây coi.
Ngọc Hoàng : Thôi thôi, hãy để chuyện đó ta tính sau. Bây giờ các Táo cho ta biết sự tình một năm qua như thế nào đi !
Táo Vợ : Muôn tâu Ngọc Đế, không biết tại sao mà năm nay Thủy thần tức giận với dân miền Trung tụi con dữ quá, đã làm thiệt mạng 107 người và hàng ngàn căn nhà, hàng vạn mẫu đất không còn thu hoạch được. Dân tình rên xiết lắm bệ hạ ơi
Ngọc Hoàng : Mấy năm trước ta đã nói rồi, mỗi năm đều có thiên tai không lũ lụt thì động đất, núi lửa hay sóng thần không nước nào tránh khỏi vận hạn của trời đất. Ta đã phê duyệt không thể thay đổi. Các ngươi về trần bảo chúng nó đừng phá rừng, đừng làm thủy điện thì bão tố lụt lội sẽ bớt đi chứ đừng than trời trách đất làm chi nghe không ?
Táo Nhỏ : Tuy có lụt lội có thiên tai nhưng năm nay Việt Nam tổ chức rất thành công Hội nghị APEC, Đủ các tai to mặt lớn của thế giới đều có mặt kể cả tân tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rồi Putin của Nga rồi Shinzo Abe của Nhật cũng tới vui lắm
Nam Tào : Hội nghị đông vui như vậy Việt Nam có chấm mút được gì không ?
Bắc Đẩu : Khỏi trả lời ta cũng biết chắc là xin xỏ nữa chứ gì ? ODA phải không ?
Táo Lớn : Dạ không phải đâu, chưa có đồng nào hết nhưng Tổng thống Mỹ gửi gấm vài điều đáng nhớ ạ !
Ngọc Hoàng : Gửi gấm gì vậy ?
Táo Lớn : Dạ, ổng nói Việt Nam phải nhớ đến lịch sử oai hùng của mình trước đây có hai Bà Trưng giữ nước thì bây giờ cũng phải như hai bà vậy đừng để nước lớn tự tiện đàn áp mà phải mạnh mẽ lên !
Thiên Lôi : OK, ta cho mượn búa !
Ngọc Hoàng : Thiên Lôi, đừng vọng động. Này các Táo như vậy xem ra dân tình đâu có được lợi lộc gì sau cái APEC này phải không ?
Tổ chức Theo Dõi Nhân Qyyền (HRW) : Lãnh đạo các nước tham dự APEC 2017 tại VN đừng làm ngơ với hơn 100 tù nhân chính trị đang bị giam giữ. Ảnh: HRW
Táo Lớn : Dân tình chẳng những không lợi lộc gì mà còn rất nhiều người mang họa vì cái APEC khỉ gió này. Không biết sợ cái gì mà trước APEC mấy hôm công an lùng sục nhà dân bắt đi hầu hết những người bất đồng chính kiến. Theo Tổ chức Nhân quyền Thế giới thì đợt này họ nhập kho hơn trăm người, trong đó rất nhiều người không ai biết tên tuổi của họ ra sao cho tới nay thì lần lượt mấy người bị bắt mới bị mang ra tòa gọi là xét xử.
Táo Nhỏ : Hồi gần đây nhà nước cũng lôi đầu mấy thằng quan tham ăn hại phá nát ra xử vui và ly kỳ lắm ạ.
Ngọc Hoàng : Sao mà vui mà ly kỳ ?
Táo Vợ : Chuyện là như vầy :
Thiên hạ đồn rằng
Ông Nguyễn Phú Trọng
Quyết tâm đút củi
Nướng bọn quan tham
Ăn bẩn của dân
Từ thời ba Dũng
Táo Lớn :
Hồi xưa lúng túng
Ném sợ vỡ bình
Nay có cứu tinh
Là anh họ Tập
Thế là cứ dập
Bọn Dũng thẳng tay
Lệnh mới vừa hay
Chúng bèn tháo chạy
Táo Nhỏ :
Phú Trọng rất khôn
Dí thằng chuột nhắt
Là Trịnh Xuân Thanh
Khiến nó chạy quanh
Cuối cùng sang Đức
Công an lùng sục
Qua tuốt trời Tây
Còng Trịnh thẳng tay
Mang về Hà Nội
Táo Vợ :
Nước Đức bực bội
Cũng chằng làm gì
Hà Nội nhếch môi
Nói Thanh đầu thú
Hú hú cái mà hú hú
Táo Lớn :
Chuột nhắt bắt rồi
Mới sang chuột cống
Hơn hai chục mạng
Đục khoét mỏ dầu
Tiền chạy đi đâu
Chúng khai không biết
Vậy mà dân biết
Cái kẻ chịu ăn
Nhưng cứ chối phăng
Làm như liêm chính
Là Đinh La Thăng
Tuổi đời còn trẻ
Cơ cấu vào ngay
Trong Trung ương Đảng
Táo Nhỏ :
Ra tòa tá hỏa
Cả bọn quan tham
Thằng nào cũng vậy
Khi tòa luận tội
Chúng khóc hu hu
Kêu Tổng bí thư
Xuống ơn mưa móc
Dân gian châm chọc
Bác Tổng nhà mình
Kiêm luôn tòa án
Táo Vợ :
Riêng Trịnh Xuân Thanh
Còn xin tòa xét
Cho về nước Đức
Ăn Tết với vợ con
Rồi đến sang năm
Mới về thụ án
Bắt và truy tố chuột nhắt Trịnh Xuân Thanh ra tòa
Ngọc Hoàng : Cha chả, giỏi cho Trịnh Xuân Thanh xem thường phép nước, làm thân tù tội mà còn yêu cầu cao dữ vậy ha ? Còn Đinh La Thăng thì sao, hắn có xin sỏ gì không ?
Táo Vợ : Dạ có, hắn xin được là ma tự do chứ không muốn làm ma tù.
Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu : (đồng thanh) Ma tự do là con ma gì ?
Táo Lớn : Là con ma không bị nhốt ạ.
Ngọc Hoàng : Cha chả, bọn này quá đáng dám qua mặt Diêm Vương muốn làm ma gì thì làm à ?
Nam Tào : Tâu bệ hạ, Thần có lời này muốn hỏi thăm các táo. Trong mấy ngày qua ta nghe thấy tiếng rên la thảm khốc ai oán lắm mà những tiếng than khóc này từ miền Trung bay lên tận đây. Ta bấm độn thì biết rằng ở Huế. Vậy các khanh biết vụ gì không ?
Táo Nhỏ : Tâu Ngọc Đế, đó là tiếng kêu khóc của những oan hồn chết oan trong vụ Tết Mậu Thân năm 1968 họ kêu la đấy ạ.
Ngọc Hoàng : Lạ chưa ? Chết đúng năm mươi năm rồi chưa đầu thai hay sao mà lại than khóc ?
Táo Nhỏ : Họ không đầu thai được vì chết oan ức và không ai chịu trách nhiệm giết họ cả tuy thân nhân của họ xác quyết là do bộ đội miền Bắc giết họ và chôn tập thể.
Tiếng kêu khóc của những oan hồn chết oan trong vụ Tết Mậu Thân năm 1968 từ 50 năm qua vẫn còn văng vẵng
Ngọc Hoàng : Nhưng chuyện qua lâu rồi sao bây giờ còn khóc ?
Táo Vợ : Muôn tâu Thánh đế, họ khóc vì Hà Nội tổ chức ăn mừng 50 năm chiến thắng Tổng Công kích Mậu Thân.
Ngọc Hoàng : Cha chả, quân ác nhân, tàn độc nào xúi quẩy chuyện này vậy ? Bắc Đẩu Nam Tào ghi sổ cho ta nghe chưa ?
Nam Tào, Bắc Đẩu : (lầm bầm) Ghi hoài mà có thấy chúng bị phân thây hay xuống 9 tầng địa ngục đâu nà ?
Ngọc Hoàng : Các Táo nói chuyện buồn không hà, hổng lẽ chẳng có gì vui sao ?
Táo Lớn : Dạ có đấy Bệ hạ, số là hơn bốn chục năm nay Việt Nam mới có một trận bóng đá thiệt hay khiến cả nước quên hết đói nghèo hay oan ức. Đội tuyển U 23 của Việt Nam được vào chung kết và đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được thế giới biết đến từ khi giải vô địch Đông Nam Á là giải Merdeka năm 1966 tại Malaysia
Thiên Lôi : Hay đa, hay đa !
Táo Vợ : Dạ bẩm Ngọc Hoàng, khi trái bóng lăn vào khung thành Qatar cả nước Việt Nam mất ngủ luôn. Mọi người đổ ra đường ăn mừng nhưng thần thấy chướng mắt lắm vì có mấy con nhỏ cởi truồng ngồi trên xe Honda chạy vòng vòng phất cờ la hét, thiệt là khiếm nhã lắm ạ !
Mọi người đổ ra đường ăn mừng nhưng có mấy con nhỏ cởi truồng ngồi trên xe Honda chạy vòng vòng phất cờ la hét, thiệt là khiếm nhã lắm ạ !
Ngọc Hoàng : (cười nhẹ) Ha ha ! Ta không thấy nên không biết có khiếm nhã hay không. Rồi sao nữa ? Đội U gì đó thắng bại ra sao vậy các khanh ?
Táo Lớn : Muôn tâu thánh thượng
Thắng được Qatar
Vào vòng chung kết
Đội tuyển Việt Nam
Kỳ này rất mệt
Mặc dù còn hăng
Uz-be-kis-tan
Phải đâu dễ nuốt
Gặp trời mưa tuyết
Sân đấu trắng tinh
Đi đứng khó khăn
Huống gì đá bóng
Táo Nhỏ :
Vậy mà cầm cự
Rất đỗi can trường
Dù lạnh thấu xương
Cũng không nhụt chí
Cuối cùng tỉ số
Hai một xít xao
Thua mà không đau
Mọi người bảo thế
Táo Vợ :
Nếu chỉ thế thôi
Còn gì để nói
Viet jet e lai
Chộp ngay cơ hội
Quảng cáo máy bay
Bằng chiêu rất mới
Một bầy con gái
Nhan sắc lõa lồ
Lắc lư ưỡn ẹo
Má mông xà nẹo
Với mấy chàng trai
Mặt đỏ tía tai
Thiếu điều độn thổ
Thiên Lôi :
Thiệt là hết nói
Cái lũ mặt dày
Là hãng máy bay
Trần truồng sao đặng
Ngọc Hoàng : Thôi thôi, các khanh bình tĩnh. Nam Tào Bắc Đẩu tiếp tục ghi sổ cái hãng máy bay Việt Sex này cho ta.
Nam Tào : Việt Jet chứ không phải Việt Sex ạ, tâu Hoàng thượng !
Việt Jet chứ không phải Việt Sex ạ, tâu Hoàng thượng !
Ngọc Hoàng : Vậy hả, thôi sửa lại cho đàng hoàng chốn thâm nghiêm ta không muốn nghe mấy cái từ nhạy cảm đó nha. Các Táo về trần cho ta gửi lời thăm gia đình mấy người bị bắt vì tranh đấu cho dân chúng. Ta gửi lời khen tới các cháu cầu thủ đã vì quốc gia mà tận lực. Ta cũng nghiêm khắc cảnh cáo mấy đứa lộng quyền, coi trời bằng vung thì sớm muộn gì cũng như Đinh La Thăng mà thôi. Bãi chầu !
Cả ba Táo : Chúc Hoàng thượng vạn an triệu năm sống khỏe ạ !
Mặc Lâm
Nguồn : RFA, 05/02/2018