Rồng là một linh vật được người Trung Hoa tưởng tượng hàng ngàn năm qua. Hình ảnh của nó được các chế độ phong kiến lấy làm biểu tượng cho vua chúa và sau khi các triều đại phong kiến sụp đổ rồng lại được ước lệ hóa thành hình ảnh của một nền kinh tế thành đạt đến cực điểm khiến cho các nước khác lấy đó làm thang giá trị để noi theo áp dụng vào đất nước của mình.
Google công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hôm 9/3/2019. Hình minh họa.
Rồng vốn bản chất là một con vật không có thật, nó được các họa sĩ Trung Hoa cổ xưa diễn đạt như một con vật không cánh nhưng lại biết bay, chỉ xuất hiện khi thời điểm quan trọng của xứ sở đặt niềm tin vào nó. Rồng luôn xuất hiện khi ẩn khi hiện và điều chắc chắn là nó không bao giờ… đi bộ ở cõi phàm trần này dẫu cho quân vương của nước ấy có đem lễ vật to lớn cách mấy để dụ dỗ nó.
Đó là rồng phương Bắc, riêng con rồng Việt Nam thì có khác. Rồng Việt hơn hẳn các nước tôn thờ nó ở chỗ không những biết bay, nó còn biết đi bộ nữa, đặc biệt khi nó được ẩn dụ cho một nền kinh tế hóa rồng.
Có lẽ sau khi ước mơ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đẩy nền kinh tế Việt Nam hóa rồng bằng những quả đấm thép là các tập đoàn kinh tế quốc doanh như Vinashin, Vinaline, EVN, Than-Khoáng sản… thì những con rồng ấy sau hơn 10 năm đã trụi cả vảy lẫn sức bay bổng của một con rồng kinh tế. Tuy nhiên ước mơ hóa rồng ấy chưa khi nào biến mất trong thời khóa biểu làm việc của lãnh đạo nhà nước vì họ nhận ra một điều : người dân Việt Nam vốn mê tín, tin tưởng vào những câu chuyện không có thật để làm lực đẩy cho cuộc sống đầy vất vả của họ. Từ nhận thực ấy, nhà nước Việt Nam xem việc tuyên truyền nền kinh tế Việt Nam "hóa rồng" là điều tất yếu để dẹp yên nỗi thất vọng về những bất cập mà giới chức làm kinh tế thất bại. Cứ mỗi lần đánh hơi sức đề kháng của quần chúng sắp đến chỗ nguy hiểm thì cụm từ "hóa rồng" lại hiện ra.
Mới nhất là sau khi giá điện tăng phi mã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Thông tin-Truyền thông chủ trì cuộc họp nhằm bàn đến việc "hóa rồng".
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và truyển thông tổ chức hôm 9 tháng 5 đã quy tụ gần 1.000 đại biểu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn đến các start-up công nghệ.
Theo báo Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng : "Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới là làm sao để có một bước tiến dài đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, với trên 50% dân số ở tầng lớp trung lưu. Câu trả lời phải có một cuộc cách mạng về công nghệ với sự góp sức của các doanh nhân công nghệ. Ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, xây dựng sứ mệnh lịch sử, quyết không để đất nước vào bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp công nghệ thành công. Theo Thủ tướng, hiện nay thương mại trên nền tảng số của Việt Nam mới đạt khoảng 3,5 tỉ USD, chiếm khoảng 1,7% GDP Hiện nay, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động mang lại tổng doanh thu khoảng 100 triệu USD".
Những ý tưởng làm cho Việt Nam hóa rồng thông qua phát triển nền công nghệ thông tin của Việt Nam xem ra khó thể trở thành hiện thực vì những rào cản của chính Việt Nam trong nổ lực thúc đẩy nền công nghệ này. Sau hơn 30 năm Việt Nam vẫn loay hoay trong lĩnh vực gia công cho nước ngoài mà chưa có một thành tựu nào đáng kể trong lĩnh vực sáng tạo, vốn là chìa khóa nâng nền công nghiệp này vượt qua giới hạn của lắp ráp. Những nhà máy Intel, IBM, Sam sung, Evolable Asia Vietnam. NTT communication, Softbank Telecom Vietnam, Fujitsu Vietnam, DTC sotfware, Ricoh…và những công ty khác của Âu Châu đã góp phần tạo nên khuôn mặt của nền công nghệ IT lắp ráp Việt Nam. Với công nhân được công ty huấn luyện bài bản họ có quyền hãnh diện là những công nhân có thể làm việc chính xác và đầy trách nhiệm trước một sản phẩm mà công ty giao phó, nhưng những sản phẩm ấy không có một chút kiến thức nào của họ góp vào, vì đơn giản họ chỉ là những con robot không thể sáng tạo.
Công nghệ thông tin trong vài chục năm gần đây đã biến thế giới thành một hành tinh hoàn toàn khác với trước đây không lâu. Microsoft, Apple, Intel, IBM… đã làm nước Mỹ vĩ đại chứ không phải công nhân lắp ráp IT của họ làm cho đất nước này giàu có.
Việt Nam muốn thành rồng không thể phát triển từ mô hình đầy lãng mạn của một vài người có tư tưởng bay bổng vượt qua thực tế của đất nước, vốn đang chìm ngập trong nợ công, môi trường kinh doanh đầy bất trắc, dân oan vẫn đang vất vưởng vì chính sách đất đai. Y tế, giáo dục chìm đắm trong cơn lốc hoảng loạn của bài toán chính sách, và nhất là mơ tưởng đào tạo người làm nên lực thúc đẩy thành rồng phải là những kỹ sư tài năng của Việt Nam, những người mơ ước biến đất nước này mang một bộ mặt khác.
Điều dễ hiểu là nền giáo dục Việt Nam không tạo ra được những kỹ sư thực chất mà công nghệ IT thế giới yêu cầu.
Thủ tướng Phúc có thể đang được tư vấn lầm về vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực IT nên hết sức tin tưởng vào "cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, xây dựng sứ mệnh lịch sử, quyết không để đất nước vào bẫy thu nhập trung bình".
Một sự thật khó tranh cãi là doanh nghiệp chỉ yêu tiền, yêu sự phát triển vô giới hạn của công ty mà họ làm chủ và khái niệm yêu nước trong thời buổi hiện nay không khác gì một tấm bích chương kêu gọi "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội".
Vậy thì nếu chủ trương "hóa rồng" chỉ trông cậy vào phát triển công nghệ IT không khác nào một con rồng không biết bay. Mặc dù nó có nanh, có vuốt nhưng không biết bay thì hóa rồng để làm gì ?
Nó chỉ có giá trị ngang với một con gà được thả rông thay vì nhốt chuồng, nó có cái tên mới cho những ý tưởng vượt bậc : Rồng đi bộ.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 13/05/2019
Sau 30 tháng Tư cả nước rơi vào tình trạng khó thể tả trong vài trang viết. Sụp đổ, tan tác, vui mừng, trốn chạy, tuyệt vọng, sợ hãi, hận thù, ngạo nghễ, nước mắt, sum họp và chia lìa….
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhạc vàng tuy ít có bài mới, hay và gắn bó người nghe như thời kỳ trước năm 75 nhưng bù lại, dòng nhạc này đã là người bạn chân tình vuốt ve cảm nhận đến tận cùng của sự rung cảm.
Bên cạnh những cách nói xa lạ từ Bắc tràn vào, người miền Nam được nghe những ca khúc lạ lẫm trên đài Tiếng Nói Việt Nam phát từ những chiếc loa phường hàng ngày rồi quen dần, chai dần với những khó chịu ban đầu. Giai điệu chiến tranh vẫn đầy dẫy trong các nhạc phẩm ca ngợi hòa bình, ca ngợi chiến thắng. Những ca từ mang sắc tố đỏ chói làm cho không ít người gục đầu nuối tiếc một thời chữ nghĩa của miền Nam. Cái thời mà người ta yêu nhau không dám đặt mạnh chân trên con đường hò hẹn vì sợ nó đau dưới gót chân mình. Người ta gọi đó là lãng mạn, có người xem đó là văn chương, nhưng đông hơn cả là sự cảm nhận với cách diễn đạt nỗi niềm đầy tính người trong ngôn ngữ.
Miền Bắc có dòng nhạc chiến đấu trong khi đó mặc dù thời kỳ chiến tranh nhưng miền Nam thiếu vắng những bước chân rầm rập, những ngọn lưỡi lê căm thù chĩa vào đối phương, những tiếng hô xung phong đầy máu lửa. Thay vì phanh thây uống máu quân thù thì miền Nam lại :
"Anh ! Anh ! Nhớ anh trời làm cơn bão
Anh ! Anh ! Tiếc anh chiều rừng thay áo
Ôi ! Vết đau nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn"
trong nhạc phẩm Người ở lại Charlie, kể lại câu chuyện của Đại tá Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù tử trận năm 1972 trên đồi Charlie. Mặc dù cả miền Nam lúc ấy ngưỡng mộ sự hy sinh của ông nhưng câu chữ viết về sự hy sinh ấy chỉ gói gọn trong hai chữ "tiếc thương" và "buồn", rồi thôi.
Mặc dù ai cũng dễ dàng chấp nhận "anh nằm xuống cho hàng ngàn người đứng lên" là phải đạo, hợp lý, nhưng hầu hết tác giả miền nam lại từ chối sự hợp lý ấy và chọn cho mình niềm thương tiếc, vốn khó thể chấp nhận trong hoàn cảnh chiến tranh. Thay vì trả thù, người ta lại ca tụng sự hy sinh. Thay vì miêu tả sự hy sinh lẫm liệt đến tàn khốc của ông thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lại hình ảnh sự hy sinh ấy bằng chiều rừng thay áo, bằng vết đau, bằng nhớ thương của người ở lại và cuối cùng là bức chân dung trên công viên buồn !
Yếu đuối và tang thương quá.
Nhưng chính cái yếu đuối mang dấu ấn tang thương ấy đã làm cho nhạc phẩm tranh sống với thời gian. Nó lay động sự tỉnh thức của con người rằng không gì quý bằng sinh mạng chính nó. Một cái chết không thể đánh đổi bằng hàng chục cái chết khác để trả lại món nợ chiến tranh. Chân lý này khó thể biện minh trong khi chiến tranh xảy ra vì nó phản lại với sức chiến đấu, thế nhưng nó vĩnh cữu. Chiến tranh dù lớn cách nào cũng phải kết thúc và thời gian qua đi người ta có khuynh hướng tìm về với bản ngã và quay lưng với những lời lẽ tuyên truyền sắt máu.
Bolero xuất hiện giữa Sài gòn kéo theo cơn sốt hát và nghe trên mọi hệ thống truyền thông của nhà nước.
Người miền Nam không gọi nhạc bên này vĩ tuyến là "nhạc vàng" như người miền Bắc. Hai chữ "nhạc vàng" có lẽ chỉ xuất hiện sau năm 1968 tại Hà Nội khi vụ án của ông Nguyễn Văn Lộc và nhóm bạn của ông vì đam mê các nhạc phẩm tiền chiến cả trong Nam ngoài lẫn Bắc trước năm 1954 đã lén lút hát với nhau và bị bắt, bị kết án tù nặng nề như những tội phạm chính trị nguy hiểm. Ông Lộc hát "nhạc vàng" nên thành danh với cái tên Lộc Vàng từ đó.
Không riêng ông Lộc vàng hát trong các buổi sinh hoạt bạn bè, hàng ngàn người dân miền Bắc đã biết âm thầm nghe và hát dòng nhạc này trong khi họ sống và chiến đấu với dòng nhạc đỏ kế cận. Từ trong chiến tranh, những chiếc radio nho nhỏ mang theo tiếng hát trữ tình từ miền Nam phát ra đã chinh phục một số không nhỏ người miền Bắc. Rồi chiến tranh kết thúc, người bộ đội vào Nam mang về những tiện nghi cần thiết trong đó không thiếu những bản nhạc còn sót lại của miền Nam trước ngày giải phóng.
Những bản nhạc ấy từ đó sống cùng với đồng bào miền Bắc. Sống và chia sẻ với đồng bào của mình những gì đã xảy ra qua các ca khúc vượt thời gian, vượt ngôn ngữ vùng miền và nhất là vượt cả ý thức hệ một thời họ từng mang nặng.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhạc vàng tuy ít có bài mới, hay và gắn bó người nghe như thời kỳ trước năm 75 nhưng bù lại, thời gian giống như một trợ thủ cho dòng nhạc này vì khả năng thẩm thấu của giai điệu, rung động của ca từ đã làm nó tái sinh trong lòng người nghe. Nó như người bạn chân tình vuốt ve cảm nhận người thưởng thức nó đến tận cùng của sự rung cảm. Giống như Lộc vàng trước đây, người ta nghe : Gửi gió cho mây ngàn bay hoặc Tà áo xanh của Đoàn Chuẩn - Từ Linh ; Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong ; Biệt ly của Doãn Mẫn ; Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương ; Cô láng giềng của Hoàng Quý ; Buồn tàn thu hay Bến Xuân của Văn Cao ; Bên cầu biên giới của Phạm Duy hay Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng…
Nhưng chưa đủ nếu không nhắc tới một thể loại khác trong dòng nhạc vàng của miền Nam : Bolero.
Nửa bình dân, nửa trau chuốt, Bolero xuất hiện giữa Sài gòn kéo theo cơn sốt hát và nghe trên mọi hệ thống truyền thông của nhà nước. Những cuộc thi hát Bolero được tổ chức rầm rộ trên đài truyền hình quốc gia. Ca sĩ hát nhạc Bolero từ hải ngoại về có giá cát xê ngất ngưỡng làm các ca sĩ "cách mạng" cũng chạy theo thị trường âm nhạc bất ngờ này.
Câu chuyện Bolero hot đến nỗi báo Nhân Dân phải có bài viết về nó. Bài "Ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Bolero" có đoạn : "Từ khi Bolero trở thành một trào lưu trong đời sống âm nhạc nước nhà, nhiều giọng ca từng định danh và tạo dựng dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng với đa dạng phong cách (từ thính phòng, dân ca, cách mạng đến đương đại, nhạc trẻ...) đều đã lần lượt chọn ngã rẽ "nhạc trữ tình", như một cách làm mới bản thân. Dù đánh giá dưới góc độ nào thì cũng phải ghi nhận một điều, họ đều rất bản lĩnh, khi chọn chinh phục khán giả bằng dòng nhạc vốn được coi là "sở đoản".
Người dân cả nước không cần "bản lĩnh" như các ca sĩ mà báo Nhân Dân nhắc tới. Họ chỉ cần có "tâm trạng" là Bolero lập tức đáp ứng, chia sẻ.
Rất nhiều bài viết phân tích hiện tượng Bolero trong những năm qua trên báo chí nhà nước, trong đó cho rằng sở dĩ nó nổi tiếng vì tính chất kể chuyện dễ làm người nghe rung động, tính chất tự sự và đơn giản trong cách diễn tả đã khiến Bolero chinh phục gần như mọi giai cấp xã hội.
Nhưng có một điều báo chí không nhắc tới đó là yếu tố chiến tranh và kỷ niệm của người miền Nam đã làm cho dòng nhạc này sống dai dẳng trong lòng người nghe đến vậy.
Chiến tranh tất có chia lìa, đau thương và nhất là chết chóc. Nhiều ca khúc trong thời kỳ chiến tranh được viết trên căn bản của ba nguồn cảm hứng này, tuy nhiên Bolero là thể loại được nhiều nhạc sĩ miền Nam dùng để chuyên chở ý tưởng của mình và sự sáng tạo của họ thành công khi luôn luôn xem trọng yếu tố tình yêu đôi lứa trên từng nốt nhạc.
Nhạc phẩm Con Đường Xưa Em Đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương.
Trong bài Con đường xưa em đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương ca từ thật mộc mạc và đơn giản nhưng phía sau những con chữ ấy chứa đựng tâm sự của một lớp trai thời chinh chiến. Bản phác họa đơn giản ấy có thể đại diện cho một thời kỳ chiến tranh tuy khốc liệt ngoài mặt trận nhưng hậu phương vẫn lãng mạn trong lúc chia lìa :
"Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe...
Hỏi còn ai cố tri ?"
Cũng có những cuộc chia ly nhưng không tan vỡ. Họ là những đôi tình nhân, thậm chí là vợ chồng trong thời chiến vợ tiễn chồng lên đường ra chiến trường với hình ảnh tuyệt đẹp của một đêm không trăng sao. Tạ từ trong đêm là một ca khúc có ý nghĩa ấy :
"Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không ?"
Vô số chuyện tình với đủ sắc màu được dòng nhạc Bolero chuyển tải để lại cho người nghe những cảm xúc đặc biệt mà trước đó họ không tìm thấy được trong dòng nhạc cách mạng. Sau năm 75 có nhiều gia đình mất tất cả. Miền Bắc mất chồng mất con, miền Nam mất con người, của cải lẫn tương lai… những cái mất ấy được đền bù phần nào trong dòng nhạc vàng mà trước đó hàng ngàn người đã sáng tạo, bồi đắp bằng kinh nghiệm, nỗi đau, mất mát của chính họ với một nhãn quan nhân bản lấy cảm xúc thật làm gốc cho tác phẩm của mình.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 29/04/2019
Sáng ngày 26 tháng 4 một bài báo trên Thanh Niên Online của nhà báo Trung Dân có tựa : "Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Thành phố Hồ Chí Minh hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình" thì ngay buổi chiều cũng bài báo ấy đã được sửa cả tựa lẫn nội dung : "Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng". Tựa hai bài báo cách nhau một trời một vực và xem ra cái tựa sau rất ngớ ngẩn vì nội dung là bài phát biểu của ông Nhân trong vai trò Bí thư thành Ủy thành phố nói trước cán bộ cấp tướng nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước thì làm sao lọt doanh nghiệp vào trong đó ?
Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, chống luật đặc khu và luật an ninh mạng. (Hình : FB Kim Bảo Thư)
Thật ra ngay khi bài báo thứ nhất xuất hiện thì cộng đồng facebook đã chia nhau loan tải với những nhận định thú vị từ tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân về chống biểu tình. Người đứng đầu thành phố cho rằng Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh biểu tình như lần trước vào ngày 10 tháng Sáu năm 2018 quy tụ hơn 10 ngàn người từ nhiều nơi về thành phố chống lại dự luật 99 năm của Đặc khu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay hết tháng 6 năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có khoảng 600 người dẫn đầu, dẫn dắt, tổ chức biểu tình để có phương án phụ trách từng người, khi có biểu hiện lôi kéo, tụ tập sẽ có biện pháp xử lý ngay. Những người kêu gọi ra đường biểu tình cũng sẽ bị chính quyền, đoàn thể nhắc nhở ngay. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định : Sau tháng 6 năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh hứa với Bộ Chính trị, hứa với Chính phủ là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không có biểu tình.
Những tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn không xa lạ đối với cấp lãnh đạo Cộng sản dù thấp nhất huống chi là một Bí thư Thành ủy như ông. Từ lâu biểu tình là kẻ thù của người Cộng sản, không có chữ biểu tình trong tự điển Cộng sản vì nó là nguyên nhân, động cơ và lực hút khủng khiếp của nhân dân để làm sụp đổ một chế độ, bất cứ chế độ nào mà người dân chán ngán.
Hiến pháp Việt Nam dù có ghi rõ là người dân có quyền biểu tình nhưng không bao giờ cái luật tốt đẹp ấy được chính phủ trình cho Quốc hội để ban hành. Nó như con cá gỗ của người nghèo trong mâm cơm, chỉ để nhìn và tự thắng lợi tinh thần dù sao thì gia đình mình cũng có cá để mà …gắp.
Động lực thúc đẩy biểu tình của người Việt trong thời gian qua phát xuất từ yếu tố Trung Quốc hơn là từ phản ứng trước sự cai trị ngạo mạn, chà đạp người dân của chính quyền. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhiều năm về trước được lập lại bài bản và có tổ chức hơn vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 sau khi Quốc hội manh nha thông qua dự luật Đặc khu trong đó cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể thuê đất với thời hạn 99 năm và người dân phát hiện ra rằng những "doanh nghiệp" nước ngoài tiềm năng không ai khác hơn là Trung Quốc.
Tuy người dân biểu tình vì yếu tố Trung Quốc nhưng chính quyền rất sợ hãi. Cái sợ thứ nhất là phật lòng người bạn lớn, cái sợ thứ hai quan trọng hơn là những tổ chức chống chính phủ âm thầm nằm trong dân chúng sẽ nhân cơ hội để lật đổ chế độ. Hai cái sợ cùng lúc đẩy chính quyền sát với bờ vực bạo loạn mà người cộng sản thường ví von là "bạo lực cách mạng". Họ biết hơn ai hết cách mạng chỉ xảy ra từ đám đông của quần chúng, thiếu đám đông không một cuộc nổi dậy nào thành công cả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không ngoài nỗi sợ ấy và ông hứa với Bộ chính trị là phải phép, nếu không, hai cuộc cách mạng đã và đang xảy ra hiện nay khó làm cho Đảng cộng sản Việt Nam không dè chừng đó là hai cuộc biểu tình dậy sóng tại Venezuela và Algerie mỗi nơi một cách nhưng mục đích chung là lật đổ chế độ hiện hành.
Hàng triệu người thay nhau biểu tình ngày này sang ngày khác đòi lật đổ chính phủ tại Algerie chính là hình ảnh người Việt hôm nay : thờ ơ với chính trị, cam chịu trước bạo quyền, không màng tới tương lai đất nước và nhất là tìm kiếm cái ăn cho gia đình trước nhất. Thế mà bỗng nhiên hàng triệu người đứng dậy khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika của Algerie, cầm quyền từ 20 năm qua muốn tiếp tục cai trị một xứ gần 45 triệu dân mặc dù ông không còn khả năng của một người bình thường : ngồi xe lăn và liệt nửa người sau một cơn tai biến.
Trùng hợp với sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trên chính trường và nguy cơ trước tai họa "Một vành đai, một con đường" người dân Việt Nam có thể tụ họp lại đòi chính quyền một câu trả lời thỏa đáng về tình hình đất nước trước họa ngoại xâm về kinh tế và chủ quyền, vì vậy phản ứng của ông Nguyễn Thiện Nhân là có điều kiện và có lẽ không riêng gì tại Thành phố Hồ Chí Minh mà các thành phố quan trọng khác đều chuẩn bị phương án đối phó với người biểu tình cũng nên ?
Có lẽ do lo sợ phản ứng của người dân từ bài báo thứ nhất, Ban Tuyên giáo thành phố đã chỉ đạo cho báo Thanh Niên điều chỉnh lại nội dung mà ông Nhân phát biểu. Có lẽ cũng vì vậy mà cái tựa "Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng" được thay vào.
Điều thú vị là trong bài thay thế ông Nhân trở nên hiền lành đến ngạc nhiên khi phát biểu : "để không có những vụ tụ tập đông người, phải lo cho dân, an dân, làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng. Đối với những thông tin xuyên tạc, kích động, chống đối chế độ thì phải có thêm những biện pháp khác, như : thông tin chính xác về tình hình thực tế, phản bác thông tin bịa đặt, vu cáo ; chính sách đền bù tái định cư phải đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của dân ; chống tham nhũng ; tiếp thu ý kiến của nhân dân kể cả qua tin nhắn, hình ảnh..."
Dù hiền lành hay chuyên chính thì căn bệnh sợ biểu tình cũng không thể nào chữa trị, nhất là tình hình hiện nay, người dân chỉ thấy một màu xám trong đời sống. Vừa mù mịt vừa ngột ngạt, không khí chính trị Việt Nam không có cơ hội bừng sáng như cách đây hơn 70 năm Đảng Cộng sản đã hứa lúc bắt đầu đi vào con đường giải phóng dân tộc.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 30/04/2019
Đó là số tiền mà chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Hà Lan về Việt Nam đầu tư, tài sản bị nhà nước tịch thu, bản thân bị giam giữ trái phép và chính phủ thất tín với người đi kiện mình. Tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí cộng với 15 triệu đô la mà Việt Nam đã trả cho ông Bình tại Singapore vào năm 2005.
Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICA – International Court of Arbitration)), một cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bên cạnh Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), có trụ sở tại Paris
Đây là vụ án chấn động Việt Nam trong những năm qua từ thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư và ông Trần Đức Lương là Chủ tịch nước. Vụ án mang hình ảnh "trấn lột" rõ rệt của các sứ quân địa phương khi Việt Nam vừa đổi mới, chính phủ kêu gọi sự đóng góp của kiều bào về xây dựng đất nước. Ông Trịnh Vĩnh Bình là người nhanh nhẩu trở về với hy vọng tạo dựng một cơ sở kinh doanh theo ý tưởng mới. Chỉ sau 8 năm làm việc ông đã thành công vượt mức và tạo dựng hẳn một cơ ngơi có thể gọi là đồ sộ nhất thời bấy giờ, tháng 6 năm 1987 cho tới 1996, ông đã chiếm lĩnh thị trường địa ốc tại tỉnh Vũng Tàu bằng cách thu mua hàng trăm héc ta đất, xây dựng những cơ sở kinh doanh triệu đô, nuôi dưỡng hơn 3 ngàn công nhân làm việc và thu nhập của ông lên hơn tám lần, khoảng 30 triệu đô la so với số vốn ban đầu ông mang vào Việt Nam.
Thế nhưng do một nhóm nhân viên và người nhà của ông có toan tính bất chính trong việc chi thu, nên ông mang họ ra tòa và lạ thay, từ nguyên đơn ông trở thành bị cáo với cáo buộc trốn thuế, Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bình về tội "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và tội "đưa hối lộ".
Vụ án này rõ ràng mang tính gian lận, chính quyền địa phương đã cậy thế lèo lái người bị cáo buộc tố cáo lại nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình nhằm trấn lột tài sản mà ông Bình đã tạo ra. Với kỹ thuật dàn dựng lời khai, hồ sơ, cũng như nhân chứng, ông Bình trở thành nạn nhân Việt kiều đầu tiên hiểu thế nào là đầu tư tại Việt Nam nơi mà hai chữ "bôi trơn" luôn dẫn đầu trong mọi quan hệ kinh doanh.
Ông bị kêu án 11 năm tù và trong khi được tại ngoại một tuần lễ ông bỏ trốn về Hà Lan, sau đó nhờ công ty luật Covington Burling của Mỹ ở Washington khởi kiện chính phủ Việt Nam ra tòa quốc tế yêu cầu bồi thường thiệt hại 100 triệu đô la.
Tại Việt Nam một tội phạm con con cũng không thể trốn ra nước ngoài nếu không được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh làm ngơ. Ông Trịnh Vĩnh Bình thành công vì chính quyền muốn cho ông đi để rảnh nợ. Họ biết với lệnh truy nã sau đó ông Bình khó lòng về lại Việt Nam để đòi công bằng. Tuy nhiên ông không về mà ông nhờ Tòa án Quốc tế bênh vực cho trường hợp của ông, và ông đã thành công.
Năm 2005 hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa ký tại Singapore ông Bình được trả số tiền 15 triệu USD và Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu, đổi lại lại ông Bình rút đơn kiện tại tòa quốc tế và giữ im lặng đối với truyền thông về thỏa thuận này.
Ngày 21 tháng 8 năm 2007, hai năm sau thỏa thuận Singapore, ông Bình lại tiếp tục kiện do Việt Nam không giữ lời hứa và ngày 11 tháng 4 năm 2019 kết quả phiên tòa đã nghiêng về ông Trịnh Vĩnh Bình.
Bản án cho thấy sự vô tư của những thẩm phán quốc tế qua phán quyết căn cứ trên bằng chứng do hai bên đưa ra. Tuy nhiên kết quả phiên tòa tuy gọi là quốc tế nhưng Việt Nam học được rất nhiều bài học về luật pháp ứng dụng trong guồng máy tư pháp, bắt đầu là phiên xử của tòa án Nhân dân Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 1998.
Việt kiều về đầu tư nhà đất, tuy văn bản chính phủ không cho phép người nước ngoài đứng tên trên nhà cửa đất đai nhưng không cấm họ cho phép người thân đứng tên trên tài sản ấy cho mình vì vậy Trịnh Vĩnh Bình đã mạnh dạn mua hàng trăm héc ta đất cũng như xây dựng những cơ sở kinh doanh bề thế, kết quả là bị cáo buộc "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và thậm chí là "đưa hối lộ".
Nếu thật sự ông Bình vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai thì Sở Nhà đất Bà Rịa Vũng Tàu mới là nơi đáng bị truy tố vì đã cấp giấp phép cho những vuông đất mà ông Bình đã mua. Ít nhất 10 người có liên quan đến vụ án không được tòa triệu tập và người chỉ đạo cơ quan điều tra vụ án là Thiếu tá công an Ngô Chí Đan có tai tiếng trong vụ người anh rể là Phạm Văn Phương, thường được gọi là "Phương Xoăn" hay "Phương Vicarrent" mà báo chí từng phanh phui một thời.
Chính phủ đã làm ngơ cho Bà Rịa-Vũng Tàu phá hoại ý chí mở cửa cho Việt kiều về đầu tư khi im lặng trước tố cáo của ông Trịnh Vĩnh Bình. Tâm lý coi thường Tòa án Quốc tế đã ăn sâu vào nhiều lãnh đạo Việt Nam và hậu quả đã phải muối mặt chi trả cho ông Bình 15 triệu tại Singapore nhưng không có ai trong vụ này bị truy tố vì cố tình vi phạm pháp luật.
Đã thế chính nhà nước chứ không ai khác, đã nuốt lời đối với ông Trịnh Vĩnh Bình không chịu trả lại tài sản hợp pháp cho ông sau khi hai bên thỏa thuận. Ai là người đại diện, tư vấn không giữ lời hứa cho chính phủ cũng không bị truy tố để số tiền bị phạt hôm nay lên đến 60 triệu đô la cùng với tai tiếng trên diễn đàn thương nghiệp quốc tế sẽ mãi mãi không gột rửa được.
Kể từ nay, Việt kiều về nước sẽ khôn ngoan hơn, cẩn thận hơn trước tính toán của chính quyền địa phương, họ sẽ không mở hết tấm lòng ra cho nhà nước móc ruột của mình. Bài học Trịnh Vĩnh Bình mặc dù chỉ dành cho người Việt nhưng các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam không thể bỏ qua. Họ rút được một bài học khác : Đối với Việt Nam công lý chỉ được thực thi khi đất nước của nhà đầu tư đứng phía sau lưng họ.
Những con chuột không những cắn phá tài sản, trí não của người đầu tư nước ngoài mà cơ chế hành chính của Việt Nam đã thúc đẩy bọn chuột có cơ sở để tung hoành trong bao nhiêu năm nay. Hãy nhìn trường hợp của một đại công ty là Quốc Cường Gia Lai cũng có thể hiểu ra cách mà các quan tham nhũng lạm như thế nào. Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các sở ngành liên quan ngày 10 tháng 4, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai bày tỏ nỗi mệt mỏi, chán ngán khi thốt lên câu : "Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp".
Doanh nghiệp lớn và có quan hệ tốt còn như thế, nói chi đến vài Việt kiều còn "mơ làm người Quang Trung" khi có sự tình làm sao tháo gỡ ? Đâu phải ai cũng là Trịnh Vĩnh Bình để sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la cho một vụ kiện tầm cỡ lịch sử như vụ kiện này ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 13/04/2019
Vậy là nhà nước chính thức bắt tay vào việc đối phó với những người chống BOT bẩn.
Chuyện xảy ra ở BOT An Sương - An Lạc : Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm này
Sáng ngày 15 tháng 3 hàng trăm nhân viên thuộc nhiều lực lượng đã đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long-Nội Bài nhằm "ổn định" tình hình an ninh trật tự mà thực chất là đối phó với giới tài xế không chịu chấp hành nộp tiền lệ phí thu quá mức quy định.
Người muốn qua trạm phải trả phí nếu không chấp hành lập tức bị xe cẩu đi còn người thì bị bắt giữ. Theo hình ảnh ghi nhận được từ các trang mạng xã hội có ít nhất 5 người bị bắt và 3 xe đã bị cẩu đi. Lực lượng giữ trật tự tại đây hùng hậu vượt quá yêu cầu khi các loại xe như cứu hỏa, cứu thương, xe cẩu, xe của Cảnh sát giao thông… cùng xuất hiện cho thấy quyết tâm bảo vệ các BOT bẩn của chính quyền.
BOT nói cho cùng chỉ là một doanh nghiệp, không hề là một cơ quan nhà nước. Nếu doanh nghiệp và người sử dụng không đồng ý với nhau thì chính quyền với vai trò là trung gian cần có hành động hòa giải và cùng tìm giải pháp công bằng cho cả hai bên. Nếu người dân có hành vi bạo động, phá hoại an ninh trật tự công cộng thì biện pháp trấn áp như đang đưa ra là cần thiết, nhưng trấn áp, bắt bớ, lưu giữ phương tiện trong khi người dân chỉ vì không đồng ý trả tiền là biện pháp cả vú lấp miệng em, có ý đồ bênh vực những BOT bẩn mà người dân đang lên án hàng ngày.
Nhiều lực lượng đã đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long-Nội Bài nhằm "ổn định" tình hình an ninh trật tự mà thực chất là đối phó với giới tài xế không chịu chấp hành nộp tiền lệ phí thu quá mức quy định
Tại sao chính quyền địa phương nhiều nơi không ngại ra mặt tấn công người dân khi họ công khai lên tiếng tố cáo những sai trái của các trạm thu phí ? Bởi vì không ít các vị được gọi là "chính quyền" ấy góp vốn trực tiếp vào các BOT tại địa phương, nếu không bằng tiền thì bằng "quyền" mà báo chí đã từng công khai một cái tên cộm cán đó là ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Tổng Giám đốc CIENCO 4 cũng là một "phần hùn" trong các BOT thuộc tỉnh này.
Ngoài ra các BOT bẩn khác đều được sự giả lơ của Bộ Giao thông và vận tải khi người dân tố cáo các BOT bẩn có dấu hiệu lường gạt nhà nước trong khi khai thu nhập của nó nhằm trốn thuế. Vụ người dân phát hiện trạm thu phí Long Thành-Dầu Giây thu phí vượt báo cáo hàng ngày nhưng Tổng cục Đường bộ sau một ngày điều tra đã khẳng định "Không phát hiện gian lận thu phí qua trạm Dầu Giây" càng làm cho mối nghi ngờ có móc ngoặc giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) và Bộ Giao thông và vận tải thêm mạnh mẽ.
Và kết quả của các "Kiểm toán nhân dân" tại trạm thu phí Ninh Lộc, Khánh Hòa cho thấy số thu tại trạm này vượt xa sự tưởng tượng của người dân, thu trung bình mỗi ngày là 1 tỷ 100 triệu đồng đó là chưa kể những khoảng mua theo tháng và theo quý. Số tiền thu này dĩ nhiên là Bộ Giao thông và vận tải biết rõ và sự im lặng của Bộ này gây nghi ngờ lớn cho những người theo dõi.
Sự phát hiện chấn động này làm cho các BOT bẩn có nguy cơ bị xem xét lại các hợp đồng dự thầu, kết quả là một nhóm người bịt mặt tấn công người dân đang ngồi đếm xe tại dây, cướp các cuốn sổ ghi chép trong 7 ngày và mọi con số đếm xe xem như mất sạch.
Ai làm việc này nếu không phải là chủ nhân của BOT Ninh Lộc Khánh Hòa ?
Người dân thừ biết các doanh nghiệp đầu tư vào các BOT không thể im lặng hưởng trọn lợi nhuận khổng lồ mà nó kiếm được, nếu không "lại quả" thì mọi nguy cơ phản đối của dân chúng sẽ không được bảo vệ một cách tích cực như chính quyền đã làm trong những ngày vừa qua. Đàn áp bằng hình thức côn đồ tấn công người chống đối, hay tấn công thẳng vào tư cách công dân của người tố cáo bằng cách chụp mũ họ những tội danh mà họ không hề làm. Một ví dụ điển hình nhất là anh Hà Văn Nam, người rất tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Kết quả là sau nhiều lần bị hành hung bởi côn đồ, sáng ngày 5 tháng 3 anh bị hàng chục công an, cảnh sát giao thông vây quanh nhà, bắt giam để điều tra vụ án "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra ở trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018 tức là hơn hai tháng trước đó.
Vụ bắt giữ Hà Văn Nam cho thấy sự tùy tiện và coi thường luật pháp của người thi hành công vụ đã đến mức báo động. Hà Văn Nam hoàn toàn không có một hành động quá đáng nào khi đứng lên cùng bạn bè chống lại cái phi lý của các BOT bẩn. Bắt Nam là bắt công lý phải thần phục sức mạnh của các nhóm lợi ích. Bắt Nam là vỗ vào mặt nhân dân những cái tát mà trước đây một thế kỷ người Pháp đã từng làm và từng bị trừng phạt.
BOT bẩn sẽ không bao giờ giải quyết được bằng sức mạnh vũ lực bởi sức mạnh của người dân đang âm ỉ dưới những tờ biên lai thu phí mà họ cắn răng trả hàng ngày khi đi ngang qua. Khi nào đồng tiền của họ còn bị bóc lột một cách công khai và hợp pháp thì ngày ấy họ vẫn còn đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Sức sáng tạo của người dân đã nuôi sống người Cộng sản từ hơn 7 thập niên trước thì cũng chính sức sáng tạo ấy sẽ trừng phạt những ai đang dẫm lên mồ hôi của họ đang nhỏ xuống trên đất nước này.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 20/03/2019
Thông thường khi nói đến trình độ dân trí, người ta thường tự động nghĩ tới ba thành phần được xem là cần nâng cao dân trí đó là nông dân, công nhân và thị dân nghèo thành phố. Sở dĩ họ bị cho là dân trí thấp vì sức học của họ giới hạn ở mức độ biết chữ hoặc tốt nghiệp trung học là tối đa và vì nghèo nên phải bươn chải kiếm sống không có cơ hội trau dồi kiến thức ở nhà trường như thành phần có của ăn của để.
Người dân 'hôi hoa' giữa phố Kim Mã - Hình minh họa (Ảnh VietnamNet)
Việt Nam có hơn 62% dân thuần nông cũng như gần 7% là công nhân trong các hãng xưởng. Số phần trăm còn lại chia đều cho dịch vụ kinh doanh và các hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng. Phần tinh hoa khó lòng cân đối khả năng hiểu biết của đại bộ phận quần chúng. Từ những con số này không ngạc nhiên khi biết được rằng Việt Nam có tỷ lệ dân trí khá thấp.
Nói về dân trí là mặc định bằng thước đo kiến thức cũng như cách hành xử, giao tiếp của một người đối với cộng đồng. Tri thức càng cao thì mức độ khiếm khuyết càng thấp, nhất là cung cách sống giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn.
Một giá trị cốt lõi khác của dân trí là mức độ quan tâm của người dân trước các vấn đề xã hội. Mức độ dấn thân và khả năng hành xử trách nhiệm với người khác trong đó có việc thấu hiểu và chia sẻ quan niệm dân chủ là dấu hiệu cao nhất của dân trí.
Dân trí là thước đo sự phát triển của một quốc gia và đất nước nào có phần trăm dân trí cao là quốc gia đó chắc chắn không thể nghèo đói và lạc hậu. Ngược lại, số phần trăm dân trí thấp áp đảo thì quốc gia đó khó lòng phát triển bình thường trên mọi lĩnh vực. Dân trí thấp trì kéo sức bật của một dân tộc vì tư duy lạc hậu không thể giúp cho sự phát triển thăng hoa.
Bên cạnh khả năng phân tích cũng như hấp thụ căn bản kiến thức, người có dân trí thấp thể hiện ra bằng cách hành xử giữa xã hội, cộng đồng. Do thiếu ý thức về hành xử họ thoải mái tranh giành về mình cho bằng được bất cứ những gì mà họ thấy người khác đang tham gia giành giật nơi công cộng. Tâm lý ai sao ta vậy khiến lòng tự trọng bẩm sinh không có cơ may xuất hiện thay vào đó là mọi cố gắng đạt cho bằng được những gì mà người khác đang cố công giành lấy. Những đám đông cướp ấn đền Trần hàng năm, những nhà hàng buffet hết sạch thức ăn trong chốc lát sau khi mở cửa, những hội chợ bị đám đông tàn phá vì dẫm đạp lên nhau dành chỗ tốt… là hình ảnh thường ngày của đất nước hôm nay.
Theo báo VietnamNet, số liệu thống kê năm học 2013 - 2014, Việt Nam có 214 trường cao đẳng, 214 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên cao đẳng và hơn 1,46 triệu sinh viên đại học. Số giảng viên Đại học là gần 92 nghìn người, trong đó có 4.155 giáo sư, phó giáo sư. Hằng năm có hơn 400.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong nước.
Từ con số tốt nghiệp khá lớn, người ta sẽ ngạc nhiên hơn khi đa số những người thiếu dân trí lại là những người rất trẻ. Họ là sinh viên đại học hay chí ít cũng sắp hết bậc trung học, vậy mà chính họ là nhóm người thường xuyên gây phản cảm nơi công cộng nhiều nhất. Tranh giành nhau không xếp hàng như những quốc gia văn minh mà không ít người đã có dịp tiếp cận. Lên xe buýt hay phi cơ họ cũng có thói quen tranh chỗ ngồi tốt nhất, khi phát hiện ra máy bay có số ghế sẵn thì mới tự xấu hổ biết mình lầm. Khạc nhổ bừa bãi hay gây ầm ĩ chỗ đông người không hề thua kém dân Trung Quốc. Vi phạm luật giao thông một phần vì vô trách nhiệm một phần khác cố gắng chứng tỏ và tự khẳng định mình khác với đám đông. Những hành vi thiếu ý thức ấy như căn bệnh bất trị, nó lây lan trong giới trẻ và biện pháp phòng chống chưa được ai để ý hay báo động một cách hiệu quả.
Thiếu ý thức ứng xử không những do dân trí thấp mà còn từ tinh thần bầy đàn. Nó lan tỏa như bệnh dịch giữa những người cùng chung một nếp nghĩ, một trình độ nhận thức hay hoàn cảnh sống giống nhau. Nó thường xuất hiện và tác động chung lên những người cùng trình độ hay cùng mức thu nhập trong xã hội, đặc biệt là những thị dân nghèo.
Thế nhưng không phải cứ nghèo mới có hành động bầy đàn khiến xã hội lên án. Rất nhiều người nghèo tuy dân trí thấp nhưng lòng tự trọng thiên bẩm không cho phép họ có những hành vi bất nhã, nhất là việc cướp giật giữa chốn đông người.
Trong khi đó nhà giàu tuy được tiếng là nhà cao cửa rộng nhưng nếu thiếu tự trọng, kiến thức hành xử thì cũng không khác mấy với nhưng người bình dân, giai cấp thấp. Vụ trộm hoa mới đây nhất là một ví dụ điển hình cho thấy nhà giàu không phải luôn luôn có trình độ dân trí cao.
Một đoạn văn ngắn ngủi đọc được trên báo chí làm cho không ít người phẫn nộ : "Trưa ngày 6/3, trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại hình ảnh người đi ô tô ngang nhiên dừng xe giữa đường Kim Mã để lấy hoa trang trí phục vụ dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. Không chỉ chị em phụ nữ, nhiều người đàn ông cũng tranh thủ "hôi"... hoa".
Hành vi này cho thấy lòng tham chỉ có thể bị ngăn chặn bởi lòng tự trọng và luật pháp. Khi luật pháp vắng bóng thì lòng tự trọng của con người ngăn cản không cho làm những việc phi pháp. Hành vi dừng xe ô tô giữa đường công khai ngồi chọn những giỏ hoa vừa ý rồi lấy cắp bỏ lên xe của những người giàu có cho thấy cả hai yếu tố luật pháp và lòng tự trọng đều không được họ quan tâm.
Giàu có không có nghĩa là dân trí cao và câu chuyện trộm hoa trên đường Kim Mã là một vết cắt vào tim của những người tự trọng.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 10/03/2019
Sau Giáo sư Chu Hảo, bây giờ tới lượt nhà nghiên cứu Biển Đông, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Bản tin từ báo chí trong nước cho biết Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019. Đặc biệt là tin này không làm cho ai ngạc nhiên mà thậm chí rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng.
Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Trên trang facebook riêng của mình, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bình thản cám ơn người hâm mộ, bạn bè trong và ngoài nước của ông khi nghe tin. Không một lời biện bạch, phân giải hay xúc động ông chỉ bình thản cho rằng mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì được trở về với chính mình.
Khác với nhiều người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền Tiến sĩ Sơn tuyên bố thẳng thừng ông là một nhà khoa học, một sử gia và không phải là người hoạt động chính trị. Ông bị khai trừ đảng với lý do giống như nhiều người khác : do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa cho các đài phát thanh ngoại quốc. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích : trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình. Từ năm 2009 khi nhận trách nhiệm với Viện Nghiên cứu phát triển, Tiến sĩ Sơn không ít lần gây đau đầu cho chính quyền Đà Nẵng khi đòi công bố bản đồ mà ông phát hiện được chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhiều lần tổ chức kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Đà Nẵng và không ít lần bị cảnh cáo từ Thành ủy.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn là người "ăn cơm đảng mà lại chống Tàu", không những chống trên mặt trận báo chí và mạng xã hội ông còn bỏ công sức nhiều năm ra để thu nhặt các bản đồ quý giá nhiều nơi trên thế giới để chống lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Quan niệm của ông là nhà nước phải công bố những bản đồ này và dùng nó trong việc kiện Trung Quốc đề đòi lại chủ quyền biển đảo như Philippines đã làm và thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Philippines nên nỗ lực của ông không thực hiện được. Trả lời nhà báo Mike Ives của tờ New York Time Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn gay gắt cho rằng "Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là những người nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng tôi có rất nhiều tài liệu vẫn còn nằm trong bóng tối".
Gọi ông là "người săn bản đồ", New York Times cho rằng trong số các học giả Việt Nam nghiên cứu về các yêu sách lãnh thổ của chính phủ về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Sơn là một trong những người nổi bật nhất. Ông từng bỏ tiền túi ra để sang các nước mà ông nghĩ có lưu giữ những tấm bản đồ ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải Việt Nam và bộ sưu tập của ông tuy có giá trị nhưng Việt Nam không hài lòng vì ông muốn dùng chúng như những bằng chứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Theo New York Times thì ông là người xuất thân từ nghèo khó, cha của ông đã bị giết chết vào năm 1970 trong khi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam, Tiến sĩ Sơn đã vươn lên bằng sự kiên trì và lòng hiếu học. Ông là một nhà sử học và luôn trung thành với những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Từ cách nhìn của người hoạt động ghi lại lịch sử ông đã lặn lội tới Nhật để tiếp tục nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ. Thành công này giúp ông thực hiện giấc mơ nóng bỏng của một trí thức muốn đóng góp cho quê hương bằng chính sở học của mình.
Sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với giấc mộng thôn tính Việt Nam đã khiến ông mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội ngưng lại việc thông qua Luật Đặc Khu mà theo ông nó sẽ là bàn đạp để Việt Nam nằm gọn trong vòng tay kiểm soát của Trung Quốc. Bức thư ngỏ gửi 496 vị đại biểu Quốc Hội của ông có lẽ là một sản phẩm lạ lùng nhất từ trước tới nay khi ông không rào đón mà thẳng thắn cho rằng :
…"Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai : vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ và đại diện chính quyền các cấp (hành pháp) ; vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, lại vừa là những "mắc xích ngầm" của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này để bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình"…
Không đề nghị, không yêu sách và không thỏ thẻ, ông ngắn gọn như một tuyên bố thách thức kẻ nào trong số 496 đại biểu ấy dám bấm nút thông qua :
…"Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn lịch sử hiện tại của nước nhà để lưu lại cho đời sau.
Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA "dự luật đặc khu" vào ngày 15/6/2018 để chép lại và lưu truyền cho các thế hệ sau".
Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng là điều dễ hiểu vì vai trò chức trách của ông khá lớn để làm cho Trung Quốc phải nghĩ cách đối phó nếu tiếp tục ý đồ xem Biển Đông là ao nhà và đường lưỡi bò 9 đoạn không thể nào tranh cãi. Nổ lực của Trần Đức Anh Sơn nếu được người dân khắp nơi biết ơn thì ngược lại lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận có một đồng chí chống bạn bè mình như thế. Bi kịch đối phó với Trung Quốc tuy xảy ra quá nhiều nhưng công trình dài hơi đầy tâm huyết của một nhà khoa học như Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn càng làm bóng tối che khuất sự thật mỏng đi cho tới ngày ánh sáng tràn vào xóa tan mọi lấp liếm, ngụy tạo và độc đoán của ngày hôm nay.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 10/03/2019
Mạng xã hội vài hôm nay nóng lên với hình ảnh của một tu sĩ đứng chụp hình chung với hơn một chục phụ nữ phía sau là tấm biểu ngữ chức mừng sinh nhật của sư thầy.
Sư trụ trì chùa tổ chức sinh nhật hoành tráng chưa từng có, nhồm nhoàm uống bia giữa hàng chục phụ nữ
Không khó lắm để biết đó là Đại đức Thích Thanh Cường, người trước đây được báo chí chú ý vì thích iPhone, đến nỗi Đại đức chịu khó xếp hàng để được là người thứ nhất sở hữu chiếc iPhone đời mới nhất tại Việt Nam. Từ chiếc iPhone đó Thích Thanh Cường tung lên mạng xã hội những hình ảnh của chính mình mà tấm ảnh mặc đồ trận đứng trước chiếc xe Jeep quân đội đã vang vọng danh tiếng của Đại đức.
Người ta cũng lần ra rằng Đại đức Thích Thanh Cường hiện đang là Ủy viên Nghi lễ Trung ương Giáo hội, Chánh văn phòng Phật giáo tỉnh Hải Dương, Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ.
Một tu sĩ khác nổi tiếng còn hơn Thích Thanh Cường đó là Thượng tọa Thích Chân Quang. Trong một bài thuyết pháp được tung lên Youtube trước đây đã nói "Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn".
Thượng tọa Thích Chân Quang nói : "Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn".
Thượng tọa Thích Chân Quang từng tuyên bố mình là cháu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bác ruột và thật ngạc nhiên cả hệ thống tuyên giáo cũng như công quyền chưa thấy lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về khẳng định này.
Một vị tu sĩ Phật giáo khác, có danh phận lớn trong guồng máy quyền lực là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quảng Ninh, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quyền Trưởng ban Giáo dục Tăng ni Trung ương cùng các chức vụ khác đang giữ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông đã và đang trụ trì 3 ngôi chùa nổi tiếng nhất nhì miền Bắc đó là chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh và chùa Non Nước.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết kiến nghị Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Trong phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp, Thích Thanh Quyết kiến nghị Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phát biểu này bị dư luận lên án gay gắt vì đã là một tu sĩ Phật giáo thì yếu tố từ bi phải đặt lên hàng đầu vì vậy đề nghị phát triển guồng máy chiến tranh làm cho Đạo Phật vốn tích đức, từ bi nay trở thành bạo lực, giết người không khác với hồi giáo cực đoan là mấy.
Cả ba vị tu sĩ vừa nêu đều có liên quan mật thiết tới guồng máy nhà nước, vì vậy người dân nhìn họ dưới nhãn quan là tu sĩ quốc doanh cũng là điều bình thường.
Nhưng câu hỏi đặt ra tại sao nhà nước lại dung túng cho những con sâu trong một tôn giáo lớn nhất nước, ban cho họ chiếc áo đảng viên, mà hành động, lời nói đi ngược lại với những gì đẹp đẽ nhất mà đạo Phật giảng dạy cho chúng sinh, phải chăng đây là cách hạ bệ Phật giáo bằng cách dung tục hóa tu sĩ để từ đó Phật tử bị định hướng có những cái nhìn sai trái về đạo của mình đang phụng sự hay thờ kính ?
Không những dung tục hóa, đảng hóa tu sĩ, nhà nước còn có chính sách kinh doanh hóa đạo Phật qua chiêu bài du lịch tâm linh bằng cách cho phép, khuyến khích đầu tư vào việc xây chùa thật lớn thật hoành tráng. Trong khuôn viên những ngôi chùa này là chốn ăn chơi trá hình, những nhà nghỉ, sòng bài công khai thu hút khách du lịch và hệ quả mà nó mang tới đang được báo chí mổ xẻ, phản biện gay gắt.
Trong 10 năm trở lại đây hàng loạt các ngôi chùa to lớn được hình thành, như chùa Bái Đính ở Ninh Bình, khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Ba Vàng thuộc Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh hay mới đây nhất là ngôi chùa được cho là vĩ đại nhất thế giới : Chùa Tam Chúc, Ba Sao, Hà Nam.
Ngôi chùa Bái Đính là một trong các chùa được cho là hoành tráng nhất nước đang thu hút khách du lịch với con số đáng nể… với số vốn đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng do đại gia Nguyễn Xuân Trường bỏ tiền ra xây dựng. Ông Trường là tổng giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư. Thu nhập từ khách du lịch đến Bái Đính hàng ngày được cho là không dưới hai tỷ từ thu phí cho tới những hòm công đức mà báo chí phanh phui.
Chùa Tam Chúc ở Kim Bảng, Hà Nam rộng 5.100 héc ta, là khu du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành. Tuy rộng hơn 5.000 héc ta nhưng mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ chiếm 144 héc ta. Phần đất còn lại sẽ thành khu trung tâm ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu nghỉ dưỡng, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, cùng hàng trăm biệt thự cao cấp...
Khi nói đến Chùa người ta nghĩ ngay đến chốn thanh tịnh có khả năng giúp Phật tử tịnh tâm tu học, nhưng các ngôi chùa tổ chức du lịch đi kèm làm lệch lạc tôn chỉ của một ngôi chùa truyền thống và ảnh hưởng xấu của nó tuy không được các tăng ni Phật tử ra mặt chống đối nhưng tiềm ẩn bên trong là bất mãn, xấu hổ của những người tu hành chân chính.
Câu chuyện cúng sao giải hạn ầm ỉ một thời gian sau Tết cho thấy số tiền mà ngôi chùa Phúc Khánh do nhà sư Đại biểu quốc hội Thích Thanh Quyết trụ trì đáng để người dân suy gẫm. Mỗi một sao giải hạn giá là 150 ngàn đồng, với người xin sao lên tới con số hàng trăm ngàn người thì nguồn thu vô tận ấy được chi vào đâu cho hết ? Dĩ nhiên số tiền "bán" sao giải hạn không phải chịu thuế và vì vậy nhà chùa hưởng trọn còn nghĩa vụ đóng thuế thì kể như quên bẵng.
Các ngôi chùa như Bái Đính hay Tam Chúc… có hình thức như BOT đó là nhà nước góp vốn bằng quỹ đất còn nhà đầu tư thì góp tiền xây dựng và thu phí trong vòng bao nhiêu năm… vì vậy báo cáo thu nhập khác với số tiền thu thật sự là có khả năng xảy ra. Nếu người dân vì bức xúc như BOT bẩn tự động ngồi đếm xe, nhưng do niềm tin tôn giáo không ai dám công khai ngồi đếm số khách du lịch thập phương để báo cáo cho nhà nước do đó các khu du lịch tâm linh còn sống mạnh sống khỏe và sẽ không bao giờ… lỗ cả.
Chùa là nơi huấn dụ những bài thuyết pháp khiến con người trở về với tính thiện nhưng các ngôi chùa vừa kể chỉ chuyên tâm tới chuyện ăn chơi, vốn đi ngược lại với ý thức hành thiện thì liệu Phật tử tới đó để hành hương thu hoạch được gì cho đạo đức bản thân ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 08/03/2019
Họ không phải là nhân viên trong các ngân hàng để được đếm… tiền. Họ không phải là chuyên gia trong các lab để ngồi đếm bạch huyết cầu và họ cũng không phải là nhân viên trồng rừng khoanh từng lô và đếm số cây trồng xuống. Tất cả những công việc thuộc về hành động "đếm" này đều được trả tiền, thế nhưng hôm nay có lẽ duy nhất tại Việt Nam phát sinh ra việc người dân ngồi ở các trạm BOT để đếm… xe, công việc hoàn toàn tự nguyện và dĩ nhiên không ai trả tiền công cho họ.
Hành hung người lái xe tại BOT Phú Gia Phước Tượng. Hình : Trích xuất từ trang Phá BOT Bẩn, YouTube.
Không trả tiền công đã đành, những người dân đang làm cái công việc đếm xe ấy "bị" trả công bằng những hành vi khá trẻ con của nhà đầu tư : kêu gọi chính quyền địa phương có biện pháp với người đếm xe ngang qua phạm vi BOT mà họ làm chủ, lý do đưa ra là những người đếm xe cố tình gây náo loạn tại các điểm thu phí.
Câu chuyện khá bất ngờ này làm người dân và báo chí theo dõi không rời mắt bởi các BOT bẩn đang là lý do khiến cả xã hội nổi sóng trước việc thu tiền vượt sức chịu đựng của người dân. Những BOT mọc lên như nấm khắp các tuyến đường trên cả nước từ các nhóm lợi ích đã gây phẫn nộ cho người đi đường, tài xế, lẫn hành khách. BOT không từ loại người nào, cứ có xe đi ngang là BOT có tiền do thu phí.
Cách đây vài tháng người dân phản ứng trước việc thu phí bất hợp lý bằng cách đổi tiền lẻ ra để trả phí. Những tờ 200 đồng dày cộm khiến nhân viên bỏ thời gian ra gấp nhiều lần cho một xe qua trạm khiến nhiều BOT tê liệt và đây là đòn bất ngờ của người dân phản ứng lại các BOT bẩn. Do tiền lẻ ngày càng khan hiếm và sự ra mặt của các nhóm côn đồ đã gây bất ổn cho người dân khiến phản ứng này ngày một ít đi. Các trạm có côn đồ hành hung tài xế bị người dân phản ứng như An Sương, Cai Lậy, Phước Tương, Tân Đệ và Bắc Hải Vân... ngày 15 tháng 2 trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay cảnh côn đồ mặt bịt khẩu trang, tay cầm hung khí như dùi cui, roi điện, bình xịt hơi cay hành hung một chiếc xe ô tô khi xe này qua trạm Bắc Hải Vân. Không may cho nhóm côn đồ này người trên xe là một nhóm nhà báo đang đi điều tra hành vi thu tiền của các BOT và những tay côn đồ đã bị công an bắt sau đó ít hôm.
Chiếc xe bị hành hung là của nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng với hai người bạn là Phương Ngô và Huỳnh Long có hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc nhằm điều tra và đánh các BOT bẩn dọc tuyến đường Nam bắc. Sau trạm Bắc Hải Vân, khi đi ngang qua BOT Bến Thủy, Nghệ An họ đã bị gây hấn bởi lực lượng CSGT và một nhóm côn đồ mặc thường phục mang khẩu trang màu xanh. Do tình hình nguy hiểm họ chấp nhận trả tiền phí để qua trạm nhưng báo Giao thông Vận tải vẫn đăng bài cho rằng nhóm người này có hành vi gây rối. Rất nhanh sau đó người dân phát hiện ông Lê Ngọc Hoa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Tổng Giám đốc CIENCO 4 cũng là một "phần hùn" trong các BOT thuộc tỉnh này kể cả BOT Bến Thủy.
Măt trái của các BOT bẩn dần dần lộ ra. Lợi ích nhóm không chỉ trong các tay tài phiệt đỏ, các ông trùm bất động sản hay truyền thông mà còn được góp mặt bởi các quan chức chính quyền đang tại nhiệm hay đã về hưu. Họ góp vốn thì ít mà góp "quyền lực" thì nhiều. Quyền lực bao gồm giả lơ cho côn đồ hành hung, cho công an vào cuộc hù dọa, đàn áp những ai muốn chống đối lại quyền lợi của họ…sự việc diễn ra liên tục trên khắp nước cho đến khi vụ cướp 2 tỷ 200 triệu tiền thu phí tại trạm Dầu Giây hôm mùng 3 tết Kỷ hợi xảy ra thì khuôn mặt các BOT bị người dân thay nhau vạch ra trước công luận ngày càng nhiều. Số tiền mà BOT Dầu Giây trên đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây thu hàng ngày vượt xa con số mà nó báo cáo lên Bộ Giao Thông Vận tải.
Mấu chốt vấn đề là đây : số tiền thu không hề được báo cáo đúng cho thấy có sự móc ngoặc lớn lao từ các BOT tới nhân viên chính phủ. Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra toàn diện công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ cao tốc Dầu Giây nhưng kết quả cho thấy có sự gian lận từ BOT lẫn TCĐB khi báo cáo là trạm thu phí không sai phạm vì con số xe hoàn toàn khớp với số tiền mà BOT Dầu Giây khai báo.
Không tin vào kết quả điều tra, người dân tự nghĩ ra cách giám sát của mình. Tập trung thành nhiều nhóm nhỏ chia ra theo dõi suốt ngày đêm bằng cách "đếm" số lượng xe chạy ngang trạm BOT và ghi xuống nhằm đối chiếu, làm căn cứ gửi thẳng cho Bộ Giao thông và vận tải. Việc làm cực kỳ khó khăn và không kém phần gian khổ của họ đã khiến xã hội quan tâm và động viên bằng cách tham gia tùy theo giờ giấc rảnh rỗi của từng người, nấu ăn mang tới cho người ngồi đếm xe, đưa tin hàng ngày lên mạng xã hội cho mọi người theo dõi... hành động ngoạn mục này của người dân đã khiến cho các BOT lo sợ, họ gửi các báo cáo lên cơ quan công an kêu gọi điều tra, nhưng cho tới nay chưa thấy có đơn vị công an nào nghe theo các báo cáo ấy.
Trường hợp thành công của các nhóm người dân đếm xe cụ thể nhất là trạm thu phí Ninh Lộc, Khánh Hòa. Số vốn mà công ty bỏ ra xây dựng là 1.437 tỷ dự kiến sẽ thu phí 14 năm 5 tháng nhưng sau đó BOT này tự điều chỉnh thời gian thu phí là 21 năm 8 tháng. Hành động phi pháp này nếu không được sự làm ngơ của quan chức các cấp thử hỏi BOT Ninh Lộc làm sao dám tự ý điều chỉnh một con số khó tưởng tượng như thế.
Không những vậy, kết quả sau những ngày ngồi đếm xe qua lại tại đây người dân đã phát hiện BOT Ninh Lộc thu trung bình mỗi ngày là 1 tỷ 100 triệu đồng đó là chưa kể những khoảng mua theo tháng và theo quý. Chỉ tính sơ khởi nếu thu liên tục 21 năm 8 tháng thì số tiền thu được sẽ là 8.500 tỷ. So với con số đầu tư 1.437 tỷ thì chủ nhân của nó sẽ lãi bao nhiêu ?
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao trả lời trong một bài phỏng vấn của báo Thanh Niên thì "các dự án BOT của Việt Nam chủ yếu là làm trên nền đường cũ, láng lại theo kiểu "tráng men", mở rộng ra một chút rồi thu phí của dân. Mức phí đặt ra cao ngất ngưởng, kéo dài hàng chục năm nhưng người dân không biết, không kiểm soát được mức độ đóng góp của nhà đầu tư như thế nào. Cái đó dường như nằm trong hợp đồng bí mật giữa Bộ Giao thông và vận tải và chủ đầu tư".
Những bí mật giữa các chủ đầu tư và Bộ Giao thông và vận tải rồi ra sẽ dần dần hiện rõ qua hành động "đếm xe" của người dân. Bất kể họ phản ứng thế nào thì những con số thuyết phục từ những bàn tay chai sạn của dân chúng sẽ giúp chính phủ vén bức màn che đậy những hành vi móc túi của các nhóm lợi ích qua các BOT bẩn đang hoành hành cả nước.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 05/03/2019
Tàu hỏa đối với dân chúng Việt Nam là phương tiện giao thông rẻ tiền, ai cũng đã từng nghe hơn một lần tiếng còi của nó khi vào ga hay ngang những đoạn đường có xe ô tô băng ngang mà không hề ngạc nhiên, cho tới khi một con tàu hỏa khác thường xuất hiện tại ga Đồng Đăng, thuộc tỉnh Lạng Sơn thì hình ảnh con tàu cũ kỹ, nhem nhuốc trong trí óc người dân tại đây đã hoàn toàn thay đổi : đó là đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-un từ Bình Nhưỡng đến Việt Nam.
Đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng - Ảnh minh họa
Con tàu bọc thép này là phương tiện chỉ đưa đón một người khi nó di chuyển bất kể trong nước hay ngoại quốc. Từ thời Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) tới Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) và bây giờ là Kim Jong-un (Kim Chính Ân) thay nhau cai trị Bắc Triều Tiên, con tàu bọc thép này như hình ảnh của chiếc Air force One của các đời Tổng thống Mỹ. Nó không bay nhưng chạy xuyên cả Đông bắc Á và con tàu này có lẽ là hình ảnh vừa sống động lại lấp ló nỗi kinh hoàng cho những ai trông thấy nó. Kinh hoàng vì nó chứa bên trong Chủ tịch Kim Jong-un con người nguy hiểm nhất hành tinh, người đang sở hữu vài chục đầu đạn hạt nhân và gần 26 triệu người dân trong đó có gần 9 triệu rưỡi quân lính chính quy và dự bị, với quân đội thường trực lên đến 1 triệu 210 ngàn người, lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Nguy hiểm bởi Kim Jong-un đã bị báo chí thế giới lên án là kẻ đã không run tay khi giết dượng và anh trai của mình để củng cố quyền lực từ khi mới bắt đầu lên ngôi. Kim Jong-un thừa kế chính sách Songun (Tiên quân), nghĩa là "quân sự trên hết", chính sách này nhằm mục tiêu tăng cường sức mạnh của quân đội để tái thống nhất dân tộc Triều Tiên. Chính sách này cũng có mục tiêu tăng cường sở hữu sức mạnh vũ khí hạt nhân nhằm lấy nó làm con cờ để đối phó với thế giới bên ngoài, nhất là với những nước thù địch như Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản.
Sức mạnh vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng đã làm thế giới mất ăn mất ngủ, tiến thoái lưỡng nan chỉ biết mở hầu bao khi Bắc Triều tiên công khai kêu cứu vì đói, vì mất mùa hay những đợt khủng hoảng y tế. Và cũng chính vũ khí hạt nhân đã mang con tàu bọc thép tiến vào sân ga Đồng Đăng, đất nước quyết tâm lấy Chủ nghĩa Xã Hội làm phương châm chủ đạo cho bất cứ nghị quyết hay chính sách phát triển quốc gia.
Nhưng Bình Nhưỡng không theo Chủ nghĩa Xã hội mặc dù Trung Quốc là quốc gia đỡ đầu cho nó trong nhiều lỉnh vực, kể cả quân sự lẫn chính trị. Bình Nhưỡng cũng không phải là Thủ đô của một đất nước thuần cộng sản bởi từ năm 2009 quốc hội nước này đã loại bỏ khỏi hiến pháp các mối liên hệ với Chủ nghĩa cộng sản theo học thuyết Marx-Lenin. Bình Nhưỡng hoàn toàn khác Hà Nội, cái giống nhau duy nhất có thể nhận thấy là cả hai chế độ đều độc tài như nhau và bất cứ giá nào lãnh đạo cao nhất cũng phải giữ cho bằng được chiếc ghế mà họ đang ngồi.
Độc tài của Bình Nhưỡng được cai trị chỉ duy nhất một người, trong khi độc tài của Hà Nội được hai trăm người cùng nhau chia phần "gánh vác".
Con tàu bọc thép khi tới ga Đồng Đăng đã bất ngờ khi thấy dòng người đón tiếp nó. Bên cạnh giới chức chính phủ, đã đành, là hàng trăm người cầm cờ xếp hàng hai bên đường. Báo chí nước ngoài đã chú ý tới hình ảnh của các học sinh Lạng Sơn run rẩy trong cơn mưa tầm tã, Kim Jong-un tươi tỉnh bắt tay Võ Văn Thưởng, người được xem đang giữ chìa khóa công luận cho Đảng cộng sản Việt Nam. Kim Jong-un chắc chắc không ngờ rằng sau bao nhiêu năm lạnh nhạt hai nước cũng có ngày đoàn viên thắm thiết như thế này.
Và rồi báo chí được mớm ý tưởng cho chiến dịch tụng ca lĩnh tụ. Bài vở viết về Bình Nhưỡng ùn ùn lên trang nhất, những thành tựu về hạt nhân được trầm trồ đến nỗi có cả bài "Tổng Bí Thư Lê Duẩn từng chuẩn bị kế hoạch phát triển vũ khí nguyên tử" Hay câu chuyện ông nội của Kim Jong-un từng đến thăm Việt Nam hai lần…có những bài báo bị facebooker mang ra làm trò hề về tính thần ca tụng của nó.
Kim Jong-un được bộ tam tiếp đón nồng nhiệt như một đồng chí lâu ngày không gặp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch quốc hội Kim Ngân xem ông Kim Jong-un là một ngôi sao chính trị trong bầu trời Đông Bắc á, riêng TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn dành hẳn một đêm để chiêu đãi người hùng trong buổi quốc yến có tên Ánh dương mùa xuân. Kim Jong-un được ca tụng không khác một anh hùng đáng để noi gương. Nhiều ca nhạc sĩ có danh hiệu NSND hay NSUT bày tỏ xúc động khi được đứng gần lãnh tụ, được lãnh tụ biết ơn cụ thể như nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo trình bày bài Đam mê, ca ngợi cố chủ tịch Kim Jong-il. Tất cả nổ lực này được chính phủ Việt Nam tính toán rất kỹ, rất bài bản chỉ để cho một người trông thấy đó là kẻ đã có thể khiến cho siêu cường là Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị.
Và tất cả mọi hình ảnh ấy đều được báo chí ngoại quốc đưa tin, mổ xẻ sau khi Hội nghị thượng đỉnh thất bại hoàn toàn. Những hình ảnh ấy cho thấy Hà Nội và Bình Nhưỡng không khác mấy về bản chất sùng bái lĩnh tụ, sùng bái tính chất chống Mỹ của nước bạn. Không nói ra nhưng đại sứ quán các nước thuộc EU, Mỹ, Hàn, Nhật đều thấy rõ mục tiêu chính trị của Việt Nam khi tung ra hành động vinh danh Kim Jong-un, vinh danh một thế lực đang chống lại hầu như toàn thế giới chỉ chấp nhận một số rất ít đồng minh, trong đó có Việt Nam.
Chọn Bắc Triều tiên là đồng minh thân thiết qua cách hành xử sau nhiều năm gián đoạn Hà Nội muốn gửi thông điệp gì cho Mỹ sau khi ông Trump về nước ? Hà Nội muốn chứng tỏ mình có khả năng "trung gian" cho lần họp sắp tới chăng ?
Hay Hà Nội muốn khắp thế giới biết rằng họ vinh danh Kim và ý hướng trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không ai có thể cản trở ?
Cả hai đáp án vừa nêu đều không khả thi. Chỉ còn một đáp án khả dĩ chấp nhận được : Kim Jong-un được Việt Nam đánh bóng chẳng qua muốn người dân Việt Nam nhớ rằng lãnh tụ, nhất là lãnh tụ độc tài, luôn là người duy nhất đúng và đáng được sùng bái.
Một nhắc nhở không hề thừa khi đất nước đang có quá nhiều căn bệnh.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 04/03/2019