Vụ Rạng Đông : Khi đà điểu đối phó thảm họa
Mặc Lâm, VOA, 09/09/2019
Câu chuyện đà điểu chui đầu vào cát mỗi khi thấy bão ập tới hay có kẻ thù nguy hiểm rình rập thực ra chỉ là câu chuyện ngụ ngôn không có thật, người xưa chỉ lấy hình ảnh to lớn của đà điểu đứng một mình giữa hoang sơ cúi đầu tìm thức ăn gây ấn tượng nó đang tránh né điều gì đó đang ập tới nhằm ngụ ý phê phán những con người có chức phận nhưng không hoàn thành trách nhiệm của mình, như con đà điểu trốn tránh trách nhiệm phải bảo vệ chính nó.
Khu nhà kho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị phá hủy do vụ cháy hôm 28/8/2019.
Câu chuyện này không khác mấy với thái độ chui đầu xuống cát của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong mấy ngày qua khi nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông bị cháy gây phát tán chất độc thủy ngân có thể làm cho người dân quanh vùng bị nhiễm chất độc này. Từ khi xảy ra vụ cháy cho đến những tranh cãi về các thông báo cho người dân tránh xa vùng bị nhiễm độc, người dân cả nước thật sự ngạc nhiên khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoàn toàn im lặng, không hề có bất cứ chỉ đạo nào đối phó với tại họa này trong khi vai trò mà Ủy ban nhân dân thành phố mang trên vai là phải nhanh chóng xử lý vụ việc nhanh nhất có thể.
Câu chuyện về thông báo khẩn cấp của Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình cho thấy trách nhiệm của một chủ tịch phường lớn hơn nhiều lần lãnh đạo cấp cao hơn. Ngay hôm sau khi đám cháy xảy ra thông bao của phường Hạ Đình cho biết số bụi khói, không khí nhiễm bẩn chắc chắn sẽ gây tổn hại đến sức khỏe người dân trên một số địa bàn của phường Hạ Đình vì vậy phường khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km tính từ tâm đám cháy trong vòng 21 ngày.
Nhận xét về văn bản này Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng thông báo của Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình phát đi là rất kịp thời, cần thiết, hữu ích. Ông Tùng cho rằng tuy văn bản do chính quyền phường ban hành nhưng đã được cơ quan chuyên môn tư vấn rất kỹ vì các khuyến cáo đưa ra khá chính xác, chi tiết. Người soạn thảo, ký cho ban hành đã nhìn thấy rõ nguy cơ về ô nhiễm hóa chất của một vụ cháy không phải thông thường kho hàng của một nhà máy sản xuất có chứa hóa chất trong khu dân cư đông đúc, khuyến cáo như vậy là cần thiết.
Tuy nhiên văn bản cần thiết này dưới mắt của cấp cao hơn là Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân lại cho rằng không phù hợp với cương vị của một chủ tịch phường do đó bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) Lê Mai Trang cho biết, Ủy ban nhân dân quận đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Một lần nữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vẫn rúc đầu xuống cát.
Sau khi phán xử Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình, hai ngày sau quận Thanh Xuân tiến hành cho lấy mẫu quan trắc môi trường rồi vội kết luận : An toàn ! Nhưng sau đó Bộ Tài nguyên và môi trường đã chứng minh môi trường không hề an toàn đối với sức khỏe người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Viện phó Viện Sức khỏe Nghề nghiệp - Môi trường thuộc Bộ Y tế, người trực tiếp dẫn đoàn của đơn vị này đến quan trắc khu vực đám cháy tại công ty Rạng Đông, khẳng định với báo chí chưa từng có văn bản nào trả lời kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại công ty Rạng Đông, như thông tin do Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân tự đưa ra. Vậy hóa ra Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đang dùng chiêu trò trấn an quần chúng bằng phương pháp trấn áp thông tin một chiều.
Ngay cả việc làm sai trái đi ngược lại với "đạo đức cách mạng" này của quận Thanh Xuân thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đơn vị chủ quản của nó vẫn tiếp tục im lặng làm như Thanh Xuân trực thuộc thành phố HCM.
Người dân không cần sự quan tâm hay trách nhiệm gì của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vì họ biết có quan tâm thì cũng chỉ là những thông báo vô thưởng vô phạt chẳng mấy ai nghe, nhưng dù sao thì một thông báo dù ngớ ngẩn cũng có thể gọi là "quan ngại" sức khỏe quần chúng, có đâu tâm lý đà điểu đã làm cho cán bộ từ thấp đến cao trong cái UB này chỉ biết nhìn nhau chờ đợi.
Người dân không nói nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biều quốc hội đã nói. Theo ông thì "Trong việc này, lẽ ra Thành phố phải có trách nhiệm nhưng lại không làm. Thậm chí khi người ta làm có trách nhiệm thì lại lờ đi không bênh vực, cũng không công khai thông tin. Vì thế, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về việc Thành phố bao che cho quận Thanh Xuân - đơn vị liên quan trực tiếp nhưng cũng chưa có động thái kịp thời ứng phó với sự cố".
Vào ngày 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 15,1 - 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường vì vậy Bộ Tài nguyên và môi trường xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy và cho hay, đã kiến nghị TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai tẩy độc khu vực bị cháy. Ngoài ra, khuyến cáo người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm bảo vệ sức khỏe.
Vậy là phường Hạ Đình đã làm một công việc hết sức cần thiết tuy thẩm quyền của một phường không cho phép quyết định một việc vượt quá chức năng của nó. Tuy nhiên trong đối phó với thảm họa, hành động quyết đoán này cẩn được nhân rộng thay vì phủ nhận bởi vì văn bản kịp thời này làm cho người dân hiểu rõ mức độ nguy hiềm của chất độc trong nước và không khí, nó cảnh báo chứ không o ép người dân phải ngay lập tức di tản tránh tai họa, phần việc này thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố, cấp cao nhất và có đủ thẩm quyền nhất cho những hành động tiếp theo kể cả việc thông báo gỡ bỏ những biện pháp mà phường Hạ Đình đưa ra lúc ban đầu.
Cho tới nay đã hơn một tuần lễ, theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết kể từ sau khi vụ cháy xảy ra, đã có trên 100 người được làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu 24 giờ để xét nghiệm thủy ngân, đã có 82 người ghi nhận có thủy ngân trong máu với hàm lượng thấp 10 mcg/L (mức tối đa cho phép). Tuy thấp nhưng đây là dấu hiệu đã có sự xuất hiện của thủy ngân trong nước hay trong không khí. Từ thấp đến cao là một khả năng hoàn toàn có thể.
Báo chí đã có ý kiến chuyên gia cho rằng Hà Nội cần buộc các nhà máy công nghiệp có hóa chất độc hại di dời ra khỏi nội đô vì mỗi lần có sự cố thì người dân không biết tránh đâu vì hạ tầng phòng chống thảm họa của Việt Nam là một bi kịch, nếu có sự cố lớn xảy ra thì tai họa sẽ rất khôn lường. Tuy nhiên theo nhiều người trách nhiệm cho biết chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, độc hại ra khỏi nội đô đã được quyết định từ những năm 2010 tới 2014 nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện.
Và một lần nữa trách nhiệm của chú đà điểu đã được nhắc tới mặc dù không ai tin rằng chú sẽ nghe và phản hồi tích cực.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 09/09/2019
*******************
Vụ Rạng Đông và bi kịch từ ‘các cơ quan chức năng’
Trân Văn, VOA, 09/09/2019
Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường vừa kết luận : Công ty Rạng Đông gian dối. 480.000 bóng đèn dài 1,2 mét đã cháy trong vụ hỏa hoạn hôm 28 tháng 8 chứa thủy ngân lỏng chứ không phải là hợp chất amalgam như báo cáo. 1,6 triệu bóng loại compact tuy chứa hợp chất amalgam nhưng hàm lượng thủy ngân vẫn chiếm khoảng 25% trọng lượng. Khoảng hai triệu bóng tròn, tuy không chứa thủy ngân nhưng có vonfram và những hóa chất độc hại cho sức khỏe và môi trường (1)…
Người dân kéo đến trụ sở công ty Rạng Đông đòi "đối thoại" vào ngày 6/9/2019.
Nói cách khác, vụ cháy kho chứa bóng đèn của Công ty Rạng Đông đe dọa sức khỏe của cư dân quanh khu vực phát cháy. Tổng cục môi trường chính thức khuyến cáo. Nếu cư trú trong bán kính 200 mét tính từ hàng rào của nhà máy thuộc Công ty Rạng Đông, dân chúng nên khám sức khỏe định kỳ. Nếu cư trú trong bán kính từ 200 mét đến 500 mét tính từ hàng rào của nhà máy mới cháy, phải theo dõi xem có dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân hay không. Ngoài phạm vi 500 mét, cần tẩy rửa mái nhà, tường, sàn nhà, đồ gia dụng,…
***
Nhìn một cách tổng quát, tuy cùng thuộc hệ thống công quyền, cùng "của dân, do dân, vì dân" nhưng trong vụ cháy kho chứa bóng đèn của Công ty Rạng Đông, cách ứng xử của các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương không những mâu thuẫn mà còn nhằm triệt hạ nhau.
Nhà máy sản xuất bóng đèn của Công ty Rạng Đông bị cháy hôm 28 tháng 8 thì ngày 29 tháng 8, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình – nơi nhà máy tọa lạc – phát hành thông báo, khuyến cáo dân chúng tạm ngưng dùng rau, trái, cá gia cầm, gia súc,… được trồng, được nuôi trong bán kính một cây số tính từ điểm phát cháy, ít nhất là 21 ngày.
Tuy giới chuyên môn cho rằng, hệ thống công quyền cần hành động như chính quyền phường Hạ Đình, phải khuyến cáo để dân chúng tự phòng ngừa (2) nhưng ngày 30 tháng 8), Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân ra lệnh cho Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình thu hồi thông báo vừa kể với lý do khuyến cáo lạm quyền, "không đủ cơ sở khoa học".
Trong văn bản đề cập đến vụ cháy kho của Công ty Rạng Đông, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân dẫn "thông tin ban đầu từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp - Môi trường thuộc Bộ Y tế", trấn an rằng, sau khi dùng phương tiện thử nghiệm nhanh, hiện đại, "các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng đều nằm trong ngưỡng an toàn".
Đáng lưu ý là ngay sau đó, qua tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Sơn – Viện phó Viện Sức khỏe Nghề nghiệp - Môi trường thuộc Bộ Y tế đính chính : Cơ quan của ông chưa có văn bản nào thông báo chính thức về kết quả khảo sát môi trường sau hỏa hoạn ở khu vực quanh kho của Công ty Rạng Đông (3).
Đến ngày 31 tháng 8, tới lượt Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội nhập cuôc. Cơ quan này công bố báo cáo triển khai hoạt động "khắc phục ‘sự cố môi trường’ xảy ra khi cháy kho của Công ty Rạng Đông", nhấn mạnh, sau khi kiểm tra môi trường quanh khu vực hỏa hoạn, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội "không phát hiện nồng độ thủy ngân" (4).
Không may cho Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội là báo cáo ấy lập tức bị biến thành trò hề. Chẳng ai tin môi trường quanh khu vực hỏa hoạn an toàn khi báo giới dùng tấm ảnh chụp ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Tổng cục môi trường, đeo mặt nạ phòng độc khi thị sát hiện trường để minh họa cho tuyên bố "không phát hiện nồng độ thủy ngân" (5).
Quái đản hơn : Cùng lúc với việc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội khẳng định "không phát hiện nồng độ thủy ngân", Bộ Tài nguyên và môi trường nhắc nhở dân chúng trong vùng, đặc biệt là những người cư trú trong bán kính 1,5 cây số tính từ kho của Công ty Rạng Đông phải phòng ngừa nhiễm độc. Nếu đến gần Công ty Rạng Đông, nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang…
Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như thế kéo dài đã nửa tháng. Các cơ quan hữu trách của chính quyền địa phương (phường, quận, thành phố) và chính quyền trung ương (Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế, thậm chí cả Bộ Quốc phòng - tình nguyện tham gia bài độc cho môi trường) liên tục đưa ra những tuyên bố mà tự chúng là sự thóa mạ lẫn nhau.
Không chỉ có thế, tuần trước, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, công khai chỉ trích ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Tổng cục môi trường, ứng xử… phản cảm (khi đến hiện trường, mọi người chỉ mang khẩu trang trong khi ông này lại đeo mặt nạ phòng độc) (6) ! Cứ như lập luận của ông Chung thì ông Thức không có quyền phòng ngừa, giống như dân chúng không có quyền nghi ngờ môi trường sống của họ đang bị nhiễm độc.
***
Cho tới hôm nay, tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" vẫn tiếp diễn. Bất kể chỉ trong một ngày (6 tháng 9), ít nhất 52/179 người cư trú trong bán kính 500 mét tính từ tâm kho bị cháy, đã được hệ thống y tế xác định là có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (7), bất kể Tổng cục môi trường vừa đưa ra thêm hàng loạt khuyến cáo, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội vẫn khẳng định, tất cả các chỉ số thu thập từ đợt quan trắc mới nhất đều trong ngưỡng an toàn (8) giống như kết quả quan trắc ngay sau khi kho bị cháy (9).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thích gọi các cơ quan hữu trách (có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm của mình) là… "các cơ quan chức năng". Vụ cháy kho của Công ty Rạng Đông chính là ví dụ minh họa cho cái gọi là "chức năng" vốn hết sức mơ hồ về ngữ nghĩa và trách nhiệm vốn hết sức chung chung, nhạt nhòa của "các cơ quan chức năng".
Đến giờ "chức năng" rõ nhất của "các cơ quan chức năng" vẫn chỉ là có… quyền, không có và chẳng bao giờ phải chịu… trách nhiệm (chẳng hạn trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội thế nào khi qui hoạch đến cả… vỉa hè nhưng vẫn để sót những doanh nghiệp mà hoạt động vốn sử dụng rất nhiều hóa chất nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe dân chúng, tồn tại giữa nơi dân cư hết sức đông đúc như phường Hạ Đình ?).
Đặc điểm rõ nhất về "chức năng" của "các cơ quan chức năng" là không trên, không dưới nên lúc hữu sự không biết ai đúng, ai sai. Cũng vì vậy, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội mới không thèm bận tâm chuyện Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan đặc trách về tài nguyên và môi trường của chính phủ Việt Nam. Khi nhận định của Bộ Tài nguyên và môi trường khác với nhận thức của chính quyền thành phố Hà Nội, ông Chung lập tức chỉ đạo "trưng cầu cơ quan độc lập có trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất để đưa ra thông số chính xác nhất".
Trong nhận thức của ông Chung – người đứng đầu một "cơ quan chức năng", chuyện đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết họ là "nơi duy nhất có thiết bị hiện đại bẫy được hàm lượng thủy ngân" là… vớ vẩn, rằng "kết quả quan trắc cho thấy thủy ngân đã phát tán ra môi trường, vượt ngưỡng mà theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe" còn… vớ vẩn hơn. "Cơ quan chức năng" do ông Chung lãnh đạo "cũng lắp đặt thiết bị của Pháp - đạt tiêu chuẩn Châu Âu - có thể xác định chỉ số rất chính xác" nên Bộ Tài nguyên và môi trường thích thì cứ "cảnh báo" còn Hà Nội vẫn khẳng định… "an toàn" !
Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền gồm toàn "các cơ quan chức năng" mang các đặc điểm như thế, vận hành theo kiểu như thế thì thực trạng xã hội như hiện nay là tất nhiên. Cả "ý thức trách nhiệm" lẫn "truy cứu trách nhiệm" tất nhiên phải thuộc về phạm trù… giả tưởng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/09/2019
Chú thích :
(6) https://news.zing.vn/chu-tich-ha-noi-can-bo-deo-mat-na-phong-doc-la-phan-cam-post986879.html09/2019
(9) https://tuoitre.vn/vu-chay-cong-ty-rang-dong-khong-khi-trong-nguong-an-toan-20190830205805059.htm
Theo bản tin của VOA, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26 tháng 7 cáo buộc Việt Nam đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính từ tháng 5 chứ không phải mới đây. Tuyên bố này không mới ở nội dung nhưng rất nghiêm trọng trong thời gian hiện tại, nó cho thấy Trung Quốc đã quyết định tiến xa hơn trong hành vi xâm lấn bằng thủ đoạn liên tục lên tiếng tố cáo Việt Nam mới là tác nhân xâm phạm quyền chủ quyền của nước khác.
Bắc Kinh tự ý vẽ ra đường 9 đoạn trong đó có bãi Tư Chính rồi dùng truyền thông để rêu rao rằng Việt Nam chính là kẻ xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã dùng kinh nghiệm của Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức để áp dụng vào Biển Đông : "Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật".
Các nhà tâm lý học gọi đây là "ảo tưởng về sự thật" nhưng người cộng sản lại tin vào cái ảo tưởng này lâu dần sẽ trở thành chân lý đối với người quen nghe nó. Bà Hoa Xuân Oánh lại càng tin hơn khi nhất mực cho rằng chính Việt Nam mới là nước xâm chiếm chứ không phải Trung Quốc. Lời nói dối ấy đã ăn vào tâm trí của lãnh đạo Bắc Kinh và gây cho họ ảo giác của sự thật. Không may cho Việt Nam, tuy cùng học chung một người thầy Cộng sản nhưng có lẽ tâm cơ chưa tới nên không đạt được trình độ tự lừa mình như giới chức lãnh đạo Trung Quốc.
Chưa bao giờ thoát ra được hai chữ "quan ngại" bởi bị lệ thuộc khá sâu vào "đại cục" cả hệ thống chính trị Việt Nam cho tới giờ này vẫn cả tin rằng Trung Quốc không bao giờ dám dấn sâu hơn vào quyền chủ quyền của Việt Nam trên bãi Tư Chính, có chăng đây chỉ là động thái ném đá dò đường và Việt Nam lại theo con đường cũ tiếp tục đu dây trên đống lửa dưới chân. Nhưng qua tuyên bố lần này của bà Hoa Xuân Oánh người ta e rằng sức nóng của ngọn lửa bên dưới sợi dây không cho phép Việt Nam sang bên kia bờ "hữu nghị" như mọi lần, bởi nhiều lý do mà lý do lớn nhất là Việt Nam đang thất bại trên nhiều mặt trận trong lẫn ngoài nước.
Bên trong, Bộ chính trị còn vướng mắc những tranh cãi, so đo, trì kéo giữa thế lực chính trị lấy đảng làm tiêu chuẩn tiến thân, một bên khác là những nhóm khác nhau về nhận thức giữa lợi và hại nếu tiếp tục theo con đường cũ là chấp nhận sự căm ghét của người dân, chấp nhận sự tha hóa bên trong nội bộ và đồng thời chấp nhận luôn bàn tay thô bạo của Trung Quốc nhúng vào chính trường Việt Nam. Cái lợi trước mắt là nếu chấp nhận cải cách triệt để thì Trung Quốc không thể làm mưa làm gió như từ trước tới nay mặc dù chấp nhận hy sinh và mất mát.
Bên ngoài, Bộ ngoại giao Việt Nam không có tiếng nói dủ mạnh để thuyết phục thế giới về hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Thiếu tiền, thiếu nhân sự giỏi, thiếu cả sự trung tín cần thiết với các nước có quan tâm, Việt Nam không đưa ra một chiến lược tuyên truyền với ý thức dân tộc đủ mạnh để làm các nước khác tin vào vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với một vùng biển mà Trung Quốc đang lăm le chiếm cứ.
Phương tiện duy nhất mà Việt Nam có thể làm lại phân vân trước nhiều lựa chọn đó là mang Trung Quốc ra tòa án Quốc tế như Philippines từng làm. Phân vân không phải vì sợ thua, sợ tốn kém mà sợ mất đi chỗ dựa cho Đảng, cho những cán bộ trung với Tàu, hiếu với Bắc Kinh và một mực cho rằng Trung Quốc luôn luôn tốt với nhân dân Việt Nam. Phân vân vì sợ sau này nếu có "mệnh hệ" gì thì làm sao sang Bắc Kinh tiếp tục xin chỉ đạo làm cái này hay thực hiện cái nọ. Những hệ quả ấy làm cho Việt Nam chùn bước trước một hành động đáng ra phải làm từ năm 2014 lúc Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam nằm lì ra đó hơn hai tháng trời.
Lần này e rằng con số hai tháng sẽ không còn thích hợp khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức "lên tiếng" về cái mà họ không sở hữu.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc không dại gì đánh Việt Nam vì họ đã khuynh loát hệ thống chính trị của nước này từ nhiều năm qua, nếu xảy ra chiến tranh thì công trình gây dựng của họ bao năm nay thành ra công dã tràng se cát. Lý thuyết này có thể đúng một phần vì dù sao thì Việt Nam cũng từng làm cho Trung Quốc điêu đứng trong các trận chiến tại các tỉnh biên giới phía Bắc vì vậy thay vì đánh nhau Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật tầm ăn dâu với vùng biển mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra đường 9 đoạn trong đó có bãi Tư Chính.
Lần này Trung Quốc sẽ dùng truyền thông để rêu rao rằng Việt Nam chính là kẻ xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc từ đó đưa ra các lý do nhằm thuyết phục người dân trong nước và sau đó là các nước được Trung Quốc bảo trợ và cuối cùng là các nước không liên quan.
Trung Quốc sẽ dùng luận điệu : "Tại sao Việt Nam chỉ biết lên tiếng một cách yếu ớt về vụ việc trong khi Trung Quốc lên tiếng nhiều lần, nhiều lúc, nhiều nơi trước công luận quốc tế về vấn đề này ? Tại sao người dân Việt Nam không hề bức xúc trước việc bãi Tư Chính xảy ra tranh chấp mặc dù báo chí nhà nước hô hào hãy bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc ? Tại sao Việt Nam luôn nói rằng họ có đầy đủ chứng cứ về quyền chủ quyền của họ nhưng chưa bao giờ họ chính thức trưng ra bằng cớ trước dư luận thế giới…".
Đi kèm với những luận điệu vừa nói là hành động phá rối khu vực bãi Tư Chính khiến cho các giàn khoan của quốc tế đang hoạt động tại đây nản lòng và cảm thấy không an toàn. Kết quả dễ thấy nhất là yêu sách buộc Việt Nam phải bảo vệ cho họ trong lúc thực hiện hợp đồng trong khi Việt Nam không biết làm cách nào để đối phó với sự vô liêm sĩ của Trung Quốc. Thành công này Trung Quốc không cần một viên đạn trong khi cho kẹo Việt Nam cũng không dám bắn một phát nào về phía tàu hải cảnh của Trung Quốc.
Bài toán ăn vạ của Trung Quốc đã được giải mã qua tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh và có lẽ chính phủ Việt Nam cũng cần một hành động dứt khoát để đuổi người ăn vạ trước cửa nhà mình. Hành động ấy chỉ có thể là buộc Trung Quốc im tiếng bằng một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Người xưa nói chớ hề sai "Không thành công thì cũng thành nhân". Chính phủ nên chứng minh mình là người trưởng thành, tức là thành nhân, dám đối phó với một kẻ gian manh và mạnh mẽ như Trung Quốc bằng một vụ kiện, chứ không phải là người chỉ biết đứng phía sau bức màn mang tên Chủ nghĩa Xã hội để biện minh cho tình hữu nghị viễn vông giữa hai đảng cộng sản với nhau.
Khi một chính phủ tự mình trưởng thành, dám vượt qua sợ hãi, thì không lý gì nhân dân của chính phủ ấy lại không đồng hành để bảo vệ chính đất nước của mình.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 31/07/2019
Báo chí Việt Nam trong thời điểm này có hai đề tài chính được người dân theo dõi hàng ngày đó là bãi Tư Chính của Việt Nam bị tàu thăm dò địa chất Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 xâm phạm, thứ hai là nỗi lo của các chuyên gia kinh tế, trí thức, người dân về nhà đầu tư cùng với nhà thầu Trung Quốc sẽ thu tóm dự án Cao tốc Bắc Nam do Bộ giao thông Vận tải chủ trì.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)
Bãi Tư Chính có tầm vóc quốc gia về chủ quyền nên dĩ nhiên quan trọng hơn dự án Cao tốc Bắc Nam mặc dù dự án này có kinh phí rất lớn đến nỗi chính phủ hiện nay không thể nào xoay sở để có thể tự do trong vấn đề xây dựng và thực hiện dự án.
Tuy nhiên nếu xét ở mức độ chủ quyền thì hình như Dự án Cao tôc Bắc Nam không hề kém cạnh vụ tàu Haiyang Dizhi 8 đang xâm lấn ngoài bãi Tư chính.
Do chính phủ không có ngân sách cho dự án Cao tôc Bắc Nam kể cả các doanh nghiệp cỡ lớn của Việt Nam cũng không thể chứng minh đủ năng lực tài chánh khi thực hiện dự án nên các Tập đoàn tài chánh, xây dựng lớn của Trung Quốc mới có hội nhảy vào, điển hình là cổng thông tin của Bộ Giao thông và vận tải đã đăng tải thông tin buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Công với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa và phía sau buổi làm việc ấy ai cũng thấy là kết quả sẽ ra sao khi Thái Bình Dương đưa ra những đề nghị rất phấn khởi cho Việt Nam.
Không riêng một mình Tập đoàn Thái Bình Dương mà rất nhiều tập đoàn, công ty khác của Trung Quốc đang khống chế mọi ngõ ngách dự thầu của dự án.
Rất ít nhà đầu tư đến từ Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong khi áp đảo là nhà đầu tư Trung Quốc. Có tổng số16 nhà đầu tư Trung Quốc tham gia sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam, đông nhất trong số các doanh nghiệp ngoại dự thầu. 16 nhà đầu tư Trung Quốc đến mua hồ sơ sơ tuyển tại cao tốc Bắc - Nam. Trong đó có nhiều công ty thuộc các tập đoàn đường sắt như Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Cục 21 đường sắt Trung Quốc, China Railway Construction Investment Group Co, China Railway Construction Corp...
Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, công ty mẹ của công ty Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng tham gia. Ngoài ra còn có Tập đoàn Cầu và đường Trung Quốc cũng dự thầu.
Những tập đoàn Trung Quốc tham gia dự thầu nhiều như vậy vì hai nguyên do, thứ nhất là phía sau các tập đoàn, công ty dự thầu là các ngân hàng của Trung Quốc sẵn sàng cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi chỉ cần doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu.
Thứ hai, Việt Nam không đủ uy tín kêu gọi nhà đầu tư quốc tế từ các nước phát triển (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu) tham gia các dự án BOT giao thông của Việt Nam do quá nhiều rào cản, từ cung cách quản lý, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch, thường yêu cầu giá rẻ, trong khi các nước phát triển thường làm chất lượng, giá thành cao, bên cạnh đó là tỷ giá chưa ổn định khiến việc thu hồi vốn khó khăn.
Ngược lại nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó thi công rồi cố tình trì hoãn tiến độ để yêu cầu tăng vốn gấp 2-3 lần ban đầu. Trong khi chất lượng công trình thường rất kém và những cơ quan kiểm nghiệm của Việt Nam lại thiếu kinh nghiệm nhưng thừa khả năng tham nhũng đã giúp cho các công trình đội vốn, chậm tiến độ vẫn ngang nhiên tồn tại mà Đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một điển hình trước mắt.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nói : Đằng sau sự cố tình làm kém, làm chậm trễ ở những dự án có tầm quan trọng quốc gia như thế này – Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là âm mưu làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh ông Trần Đình Thiên là các chuyên gia kinh tế, môi trường như bà Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Tô Văn Trường, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cùng hàng chục người trong ngành quan tâm đến dự án đều tỏ ta lo sợ một khi Trung Quốc trúng thầu (mà đây là điều chắc chắn) Việt Nam sẽ rơi vào bẫy nợ mà Trung Quốc đã thực hiện tại nhiều nước. Khi đã nợ lớn đến mức không thể trả nỗi vậy chủ quyền trên bộ có thể giữ được hay sao ?
Kinh tế thiếu tự chủ là hình thức mất chủ quyền rõ rệt nhất mặc dù nó không gây bức xúc như chủ quyền vật thể như biên giới, hải đảo hay gần đây nhất là Bãi Tư chính.
Có lẽ thấu hiểu điều này nên chỉ đạo của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúcgửi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, ngày 10/11/2018 rằng phải đổi mới tư duy trong việc triển khai dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, theo tinh thần :
- Bảo vệ quyền lợi và khả năng tự chủ của Việt Nam.
- Bám sát năng lực hiện có và sẽ có.
- Không để nước ngoài thâu tóm toàn bộ các loại hợp đồng của dự án hàng chục tỷ USD và chúng ta rơi vào vị thế bị phụ thuộc.
Thủ tướng chỉ đạo về Đường sắt cao tốc Bắc Nam nhưng cũng có thể áp dụng chung cho Đường cao tốc Bắc Nam vì tuy hai mà một. Tuy nhiên Bộ giao thông Vận tải xem ra không thích làm theo, có lẽ ông Bộ trưởng được các nhóm lợi ích phía sau chống lưng để hô hào giá nào cũng phải làm đường Cao tôc Bắc Nam trong khi ngoài bãi Tư Chính vẫn tồn tại hình ảnh xâm lược của con tàu Haiyang Dizhi 8 và các tàu hải cảnh bảo vệ cho nó.
Nếu Việt Nam chấp nhận cầm đồng tiền đầu tư của Trung Quốc để thực hiện dự án thì tương lai những chủ nợ của Việt Nam có thể mạnh miệng đề nghị những phương án như Trung Quốc đã đề nghị đối với Sri Lanka lấy luôn hải cảng Hambantota trong 99 năm của nước này để trừ món nợ mà chính quyền Sri Lanka nhiều năm vay mượn từ Trung Quốc để phung phí.
Các nước phương Tây sẵn sàng bảo vệ công ty của họ kinh doanh ở nước ngoài nhưng không chấp nhận dùng phương tiện kinh doanh trong mưu toan chính trị. Trung Quốc thì khác, bất cứ điều gì có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ không hề từ nan, bài học từ Huawei là một ví dụ hết sức thuyết phục. Khi cần Bắc Kinh sẵn sàng dùng món nợ của Việt Nam đối với các ngân hàng Trung Quốc để làm áp lực trên hồ sơ chính trị, lúc đó mới thấy chủ quyền kinh tế của đất nước mong manh như thế nào và e rằng không còn kịp nữa.
Nếu quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mạnh hơn ắt hẳn ông chỉ cần đặt ra một câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải rằng : Động cơ nào mà bộ Giao thông và vận tải luôn đưa tiền đề Trung Quốc vào dự án Đường Cao tốc Bắc Nam trong khi đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vẫn đang là chiếc gai làm nhức nhối cả thành phố Hà Nội vẫn chưa được giải đáp ?
Quan trọng hơn, nếu bãi Tư Chính mất vào tay Trung Quốc liệu Bộ Giao thông và vận tải sẽ ăn nói ra sao với nhân dân Việt Nam, những người đau đáu vì mất biển, mất dầu lại phải mang nợ Trung Quốc, kẻ đánh cắp Tư Chính, vì một dự án lắm câu hỏi về tính minh bạch của người ký lẫn kẻ thực hiện ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 29/07/2019
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa có phát ngôn ấn tượng vào ngày 15 tháng 7 trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam. Bộ trưởng Hùng cố thuyết phục các doanh nghiệp IT rằng Việt Nam cần một mạng xã hội và công cụ tìm kiếm "Made in Vietnam" và khẳng định : "Việt Nam muốn hùng cường, phát triển thì phải dựa vào công nghệ. Trọng trách này đặt lên vai các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Sự chuyển đổi này mang sứ mạng cho hàng nghìn năm. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên bản đồ thế giới thì phải đi nhanh, đi đầu để có lợi thế".
Ngày 15/6, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam.
Cái sứ mạng hàng nghìn năm đó có thể làm cho chủ doanh nghiệp phía dưới hưng phấn vì được mang trọng trách khá vinh quang nhưng khi suy nghĩ lại thì họ ngay lập tức phát hiện ra rằng hai chữ "sứ mạng" không có trong tự điển doanh nghiệp, mà nói cách khác chỉ có "lợi nhuận" mới có thể làm họ "sung mãn" và lập kế hoạch thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có vẻ cao hứng thái quá khi cho rằng "Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức" Tuy nhiên cũng những lời nói ấy khi chưa được báo chí biên tập lại, câu chữ có vẻ huyền bí và khó hiều hơn nhiều khi nghe giọng ông nói trên chương trình VTV 24 : "Vì triết học của facebook bây giờ nó thay đổi rồi không phù hợp với thế giời nữa rồi"
"Người dân làm chủ thể tri thức" và "triết học của facebook" là ý tưởng mà ông Hùng muốn hạ gục facebook, nhưng suy nghĩ hoài doanh nghiệp cũng không hiểu ngọn ngành của câu nói đầy chất "học thuật" ấy cho tới khi ông đưa ra nhận xét : "2 tỷ 3 trăm triệu người tạo ra giá trị thì rơi vào một người là Mark Zuckerberg và luật chơi trên đấy 2 tỷ 3 người không được quyết định".
Từ tiền đề này Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn dắt thêm : "Mình phải thay đổi triết học của Facebook thì mới có giá trị. Tức là mạng xã hội của tôi giá trị được chia sẻ với tất cả mọi người, Mạng xã hội của tôi luật chơi được anh em mình hoàn toàn quyết định. Mạng xã hội của tôi được may đo theo luật pháp địa phương. Ra một mạng xã hội như thế thì may ra mới có cửa thắng, thế nên may được một cái áo giống người khác chưa hẳn là giỏi. May một cái áo với một triết học khác thì đấy mới là cửa thành công"
Mặc dù ngôn ngữ của ông vẫn rối rắm nhưng ít ra người nghe cũng có thể mang máng nhận ra rằng ông đang cổ vũ doanh nghiệp IT lập ra một mạng xã hội khác để đối trọng với Facebook đang làm mưa làm gió tại Việt Nam.
Ông cho rằng Facebook lấy tiền của người sử dụng nhưng không tôn trọng họ và ông khuyến khích lập một trang mới tôn trọng người dùng bằng cách thay đổi giá trị và nhất là may đo theo luật pháp địa phương, ở đây là Việt Nam, nơi đang có một Luật An ninh mạng treo lơ lửng trên đầu người sử dụng mạng lưới Internet.
Nếu Facebook không chấp nhận tuân theo luật địa phương làm cho ông Hùng trăn trở thì phải xem xem cái luật ấy như thế nào và nếu chấp nhận liệu facebook có còn hấp dẫn người tham gia nhiều đến thế tại Việt Nam hay không.
Việt Nam đòi hỏi Facebook phải cung cấp hồ sơ cá nhân của người sử dụng khi được chính phủ yêu cầu nếu người này vi phạm điều khoản của Luật an ninh mạng. Tuy nhiên người dân rất lo ngại những quy định hết sức mơ hồ và rất dễ bị quy chụp ngay cả khi họ nhận xét một nhân vật nào đó của chính phủ có những phát ngôn đi ngược lại với văn hóa cộng đồng vẫn có thể bị gán ghép vào tội xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác như trường hợp bà PGS TS Phan Thị Hồng Xuân vừa xảy ra vài ngày trước đây.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mạng xã hội mà ông khuyến khích sẽ "may đo theo luật pháp địa phương" trong ý nghĩa mà Luật an ninh mạng nhấn mạnh.
Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần khẳng định sẽ không cấm Facebook và Google nhưng khi bộ trưởng Hùng ví von rằng "Tại sao mình không làm công cụ tìm kiếm để cho mẹ mình ấy chỉ nói một câu, cụ nói thế này này thì máy tính không đưa ra 1 triệu câu trả lời mà 1 câu trả lời thôi ?" thì người dân lo ngại điều ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong tương lai của Internet tại Việt Nam khi bạn đánh vào mục tìm kiếm do Bộ trưởng Hùng chỉ đạo viết phần mềm với một câu đơn giản "Hồ Chính Minh là ai" ngay lập tức hiện ra một trả lời hoàn chỉnh, đầy đủ với hàng trăm trang giấy. Tất cả được trích ra từ lịch sử Đảng do Ban tuyên giáo nhiều đời bí thư hợp soạn. Không có một kết quả thứ hai trái ngược lại với những gì Ban tuyên giáo muốn.
Doanh nghệp sau khi được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hướng dẫn có thể không cần suy nghĩ về giấy phép hoạt động khi hình thành một trang mạng xã hội nhưng điều khó tránh khỏi là doanh nghiệp sẽ họp nội bộ thuyết phục Hội đồng quản trị về "sứ mạng hàng nghìn năm" để bắt đầu thuê người viết một chương trình thay thế facebook. Tuy nhiên khi bị Hội đồng quản trị đặt câu hỏi về lợi nhuận lấy ở đâu ra cho một mạng xã hội không có phản biện, không có mọi thứ đang hấp dẫn người sử dụng như bên facebook, không có hẳn sự an tâm khi viết một status nhạy cảm thì lấy đâu ra số like cho một trang quảng cáo ?
Dù sao những gợi ý của ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã góp phần cho một hình ảnh không chóng thì chày sẽ xuất hiện tại Việt Nam : Google và facebook sẽ chào tạm biệt Việt Nam, ngoại trừ nếu hệ thống vệ tinh Internet của Elson Musk đi vào hoạt động.
Elson Musk đã phóng 60 vệ tinh Internet lên vũ trụ vào ngày 25/05/2019 và kế hoạch phóng tiếp gần 12.000 vệ tinh nữa trong vòng 6 năm đã được chính phủ Mỹ và Uỷ ban truyên thông liên bang phê duyệt. Việc nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ tuyền tin radio và laser với tốc độ ánh sáng đã được triển khai.
Mạng Starlink của tỷ phú Elon Musk sẽ phủ sóng Internet tốc độ cao đến tất cả các vùng xa xôi hẻo lánh nhất trên thế giới, từ rừng sâu, núi cao, sa mạc, hải đảo, biển khơi…. Cái ngày mà chúng ta chỉ cần một cái ăng ten nhỏ lắp trong nhà, lắp trên nóc xe ô tô, để truy cập Internet trên toàn cầu với tốc độ cao gấp nhiều lần 5G, lẫn 4G mà không cần bất cứ sợi dây cáp nào không còn xa nữa.
Nếu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có ước mơ thực hiện một mạng xã hội theo ý của Đảng Cộng sản Việt Nam để trói buộc quyền tự do thông tin thì người dân Việt cũng có quyền mơ rằng một ngày nào đó vấn đề kiểm soát facebook sẽ không thể xảy ra vì mạng Starlink như một vị thần bảo trợ cho ước mơ này của toàn dân Việt.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 19/07/2019
Câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 đang được lập lại, và không ai biết nó sẽ còn lập lại bao nhiêu lần nữa, ngoại trừ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng Năm, 2014. Liệu có sẽ xảy ra một vụ tương tự lần này không ?
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sau 75 ngày khiêu khích và gặp sự chống đối của Việt Nam cũng như quốc tế, ngày 16 tháng 7 giàn khoan này đã buộc phải rút khỏi khu vực mà nó chiếm đóng trái phép để di chuyển sang một địa điềm khác.
Ngày 12 tháng 7 năm 2019, theo tin từ South China Morning Post (SCMP), có ít nhất 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đangđối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Người đầu tiên tiết lộ thông tin là ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Naval War College. Trong một tin nhắn Twitter ông cho biết vào ngày 03/07, chiếc tàu khảo sát dầu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất) của Trung Quốc đã “tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại một vùng biển ở ngay phía Tây quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát”.
Theo báo SCMP tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh bảo vệ tàu Haiyang Dizhi của Trung Quốc đã đối mặt với nhau suốt hơn 10 ngày qua. Mặc dù chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng không ai dám chắc lần này có khác với lần trước hay không bởi sự ngông cuồng của Trung Quốc ngày một leo thang và bất chấp mọi phản ứng của quốc tế, kể cả Mỹ là cường quốc hải quân đã công khai lên tiếng phủ nhận mọi ý đồ thống trị Biển Đông bằng đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ ra rồi áp đặt các nước trong khu vực phải nhìn nhận.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung quốc và Mỹ, có lẽ Bắc kinh muốn dùng sự kiện này làm lu mờ tầm quan trọng của cuộc bao vây kinh tế mà Washington phát động nhằm lái sự bất an của người dân trong nước sang một điểm khác qua chiến lược thôn tính Biển Đông. Bắc Kinh có quyền nghi ngờ sự cương quyết của Việt Nam do những kinh nghiệm trước đây và họ tin rằng kéo dài cuộc căng thẳng này sẽ có lợi hơn là có hại, mặc dù Trung Quốc cũng biết rất rõ nếu không nhượng bộ như lần trước thì nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.
Chọn lựa chiến tranh với Việt Nam không phải là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc mà dùng áp lực, đe dọa bằng khí tài quân sự, bao vây kinh tế cũng như giúp Việt Nam ổn định chính trị bằng phương châm 4 chữ vàng mới là con bài mà Trung Quốc đang nắm chặt. Họ không có lý do gì phải lo ngại sự phản kháng mạnh mẽ của Hà Nội nếu con tàu Haiyang Dizhi tiếp tục thả neo tại bãi Tư Chính thêm vài tháng nhằm răn đe, hay chí ít làm cho các công ty đang có hợp đồng khai thác dầu với Việt Nam nghi ngờ sự an toàn mà Việt Nam có thể bảo đảm cho họ vì khu vực mà tàu Haiyang Dizhi đang khiêu khích có hàng chực công ty quốc tế đang khai thác dầu tại đây.
Điều trớ trêu nhất và cũng làm cho Bộ Chính trị Việt Nam bẽ bàng nhất là thái độ trở mặt một cách nhanh chóng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Khi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn đang hạnh phúc với những gì được hứa tại Bắc Kinh, nhất là lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam “nhìn vào đại cục” và đưa quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới nhưng khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài bà mới giật mình khi biết mình và cả Đảng bị lừa một lần nữa.
Lần trước, vào sáng 6/11/2015 cũng ông Tập đã tha thiết đứng trước Quốc hội Việt Nam phát biểu rằng láng giềng khó tránh va chạm nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng.
Mặc dù báo chí đồng loạt im lặng nhưng lại vô tình tiết lộ rằng sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thămBộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Nếu đây không phải là chuyến đi tình cờ mà là phản ứng có điều kiện thì chắc là Bộ Chính trị đã có quyết sách đối phó, còn đối phó cách nào thì rất khó đoán , kề cả yếu tố sắp tới vào chuyến đi Mỹ của TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như đã được sắp xếp trước đây nhiều tháng.
Nhiều người cho rằng bà Kim Ngân sang Bắc Kinh lần này là vì sự tránh mặt của ông Trọng trước chuyến đi, và cũng có người còn suy ra vụ tàu Haiyang Dizhi là một thông điệp từ Bắc Kinh nhằm đưa ra với ông Trọng. Nếu cả hai đều đúng thì vụ này chỉ là việc nhỏ, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và Việt Nam có dám phá vỡ “đại cục” để dành lấy sự độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không ?
Mỹ sẽ khó lòng can thiệp vì không có bên nào nổ súng. Mỹ sẽ lên tiếng hay tăng thêm lực lượng tuần hành tại Biển Đông thì cũng không đủ để làm Bắc Kinh sợ hãi. Một vài đơn hàng mua nông phẩm của Mỹ đủ làm cơn thị phi của Washington hạ nhiệt, và Việt Nam tiếp tục bị lấn lướt, hạnh họe như đã từng bị nhiều lần trước đây.
Tờ South China Morning Post tiên đoán rằng sẽ có làn sóng biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam như vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Đó là chuyện của Hà Nội chứ không phải chuyện của Bắc Kinh vì họ biết người dân càng biểu tình thì lãnh đạo Việt Nam càng gắn bó với Trung Quốc.
Năm 2014 lòng dân còn có vẻ tha thiết tới chủ quyền biển đảo nhưng đến năm 2019 thì sự tha thiết ấy ít nhiều phai nhạt. Có nhiều lý do nhưng lý do dễ thấy nhất là sự không vừa lòng của chính quyền khi người dân ra mặt chống Trung Quốc. Sự không vừa lòng ấy ngày càng tăng và rất nhiều người vẫn đang còn trong trại giam vì chống Trung Quốc. Do đó, nói theo ngôn ngữ tòa án, yếu tố biểu tình không được thành lập.
Thay vì biểu tình giành lấy đất nước cho chính quyền tiếp tục cai trị, người dân tỏ ra điềm tĩnh hơn khi im lặng ngồi xem TV chờ nhà nước trực tiếp truyền hình cuộc đấu pháo giữa hai lực lượng cảnh sát biển như xem bóng đá, và biết đâu sẽ có hàng trăm ngàn người đi bão nếu cảnh sát biển Việt Nam hạ gục một trong những chiếc tàu hộ tống của đối phương ?
Mặc Lâm
Trận cháy rừng tại Nghệ An – Hà Tĩnh đang chìm vào quên lãng nhưng hình ảnh những người công an được đồng đội cột chiếc bình nylon chứa nước trên lưng, trèo đồi cứu lửa vẫn đọng lại trong tâm trí người xem khó gột cho trôi được cảm xúc trong lòng họ. Không ít người cho rằng lực lượng công an đóng kịch nhằm mua sự thấu cảm của người dân. Có người cười cợt vì con số công an viên mang thùng nước trên lưng tiến vào rừng chữa cháy sao quá nhỏ nhoi tệ hại, mỗi một người cõng một thùng nước 15 lít chữa được bao nhiêu cây rừng và tại sao họ lại làm một công việc xem thường nhận thức người dân như vậy ?
Việt Nam chưa dùng máy bay chữa cháy rừng, dập lửa 'kiểu du kích'
Nhưng cái đọng lại trong lòng hầu hết mọi người trước hình ảnh này là sự thụt lùi của đời sống. Thụt lùi không những về khoa học kỹ thuật mà chúng còn cho thấy tư duy chịu đựng của những người cầm quyền tại các khu vực khó khăn. Họ không dám lên tiếng đòi hỏi những phương tiện hỗ trợ phòng cháy chữa cháy vì họ biết chắc rằng có đòi hỏi cũng không ai nghe vì cung cấp phương tiện cho những khu vực này sẽ không mang chút lợi lộc gì cho người ký duyệt.
Những thùng nước trên lưng người công an điển hình cho mặt trái của ổn định phát triển mà Việt Nam đang rất đỗi tự hào. Những thùng xăng trên vai bộ đội xuất hiện gần 60 năm trước trên chặng đường hành quân từ Bắc vô Nam nay sống lại một cách bất ngờ giữa lúc biển lửa hoành hành và chính quyền khoanh tay chịu trận. Thế nhưng những thùng nước ấy hình như đang biến thành những ngón tay, chỉ thẳng vào những phá hoại đang thay nhau giày xéo đất nước bằng những dự án, những công trình đậm màu đen của chia chát và xẻ thịt ngân sách. Những công trình kêu to không khác gì sấm sét nhưng lụi tàn cũng chẳng khác một cơn mưa. Có cái rất khác là sau cơn mưa trời lại sáng nhưng sau cơn lên đồng nổ như súng thần công thì những dự án, công trình ấy trở thành ảm đạm u tối như địa ngục.
63 ngàn tỉ, 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương là điển hình cho vùng tối của ổn định phát triển vừa được Ban tuyên giáo cho phép báo chí lên tiếng sau bao năm nằm im ắng dưới chiếc dù doanh nghiệp nhà nước.
Lần này tới phiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hát lại điệp khúc rút kinh nghiệm khi phát biểu : "12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu sắc".
Người dân nghe quá nhàm nhưng hình như câu nói này là "kinh thánh" của đảng cộng sản Việt Nam, chỉ cần đặt tay vào đó là mọi sự sẽ trôi tuột vào thùng rác "rút kinh nghiệm". Sáu mươi ba ngàn tỉ không phải là quá nhiều nếu so với những thất thoát khác nhưng nếu đừng hoang tưởng vào tài năng của những cái đầu trong Bộ Công thương thì bao nhiêu chiếc xe cứu hỏa, bao nhiêu trạm cứu rừng, bao nhiêu đường dẫn nước sẽ được lấp đặt thay thế cho những chiếc thùng nhựa nhỏ nhoi trên lưng người chiến sẽ công an trong vụ cháy rừng vừa qua ?
Trung ương có lẽ đang ngồi nhẩm tính thiệt hại của 12 dự án thua lỗ này nhưng chưa bao giờ Trung ương nhẩm tính trước khi những dự án thua lỗ tương tự bắt đầu thành hình với những cái đầu từ những Bộ, những Viện những đơn vị xin ngân sách nhà nước bằng quan hệ, bằng tham nhũng chính sách, bằng vận động của các nhóm thân hữu, và kể cả bằng sự coi thường kiến thức của cấp trên.
Trung ương tiếp tục nhìn cấp dưới rút sợi giây kinh nghiệm bằng những tán thán từ nhưng chưa bao giờ chính Trung ương lên tiếng thừa nhận sự bất lực của mình khi gián tiếp chấp nhận những lời lẽ "nhận khuyết điểm" ranh mãnh ấy của cấp dưới.
Không những ranh mãnh mà còn mang đậm sự khinh nhờn khi phát biểu nó. Bằng chứng dễ thấy nhất khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố sự đau lòng ấy khi báo chí tường trình buổi lễ hôm 9-7, ông Trần Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Công thương bàn giao 11/12 dự án ngàn tỉ thua lỗ cho Ủy ban Quản lí Vốn Nhà nước quản lí. "Siêu ủy ban" này sẽ gánh thay trách nhiệm của Bộ công thương tìm phương án xử lí hiệu quả các dự án hoặc cho phá sản.
Đăng kèm với bản tin là hình ảnh ông Trần Tuấn Anh và người đại diện cho "Siêu Ủy ban" cùng cười hớn hở như đang tham dự một dự án mới mà "tiền đồ" rộng mở trước mắt của cả hai người.
Họ cười vì biết chắc 12 dự án này rồi sẽ đi vào quên lãng. Tiền nhà nước trôi tuột vào túi tham của quan chỉ làm nhân dân đau lòng, chưa bao giờ thấy ai trong số Ban tham mưu Trung ương lên tiếng tự nhận sai lầm và đưa ra kế hoạch chấn chỉnh cho lần sau. 12 dự án này tiếp nối các dự án trước đây thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ cũng chẳng ai quan tâm vì từ trên xuống dưới đều đã học rất thuộc bài "rút kinh nghiệm".
Người dân mới đây phấn khởi ra mặt khi Bộ Kế hoạch Đầu tư trình chính phủ dự án Cao tốc Bắc Nam với kinh phỉ chưa bằng phân nửa của kinh phí mà Bộ Giao thông và vận tải đưa ra trước đây, thế nhưng ca khúc "rút kinh nghiệm" hình như vẫn đang ám ảnh những ai theo dõi và quan tâm tới các dự án mà các Bộ trình lên cho Thủ tướng chính phủ, kể cả dự án này khi nó được tiếng là rẻ và khả thi nhưng ai dám đoan chắc nó không thất bại, đội vốn, kéo dài thời gian thi công và nhất là điệp khúc rút kinh nghiệm lại được lu loa trên báo chí ?
Bởi suy cho cùng, thất bại không nằm trong dự án mà nó nằm sẵn bên dưới mặt bàn của những kẻ đặt bút ký vào nó.
Bộ Chính trị tỏ ra thiếu khả năng phán đoán ai là kẻ thủ lợi trong từng dự án thua lỗ và vì vậy không kịp thời chấn chỉnh nên mới tạo ra hàng loạt sự sụp đổ liên tiếp của các doanh nghiệp nhà nước mà kết quả là hàng trăm chiếc thùng nhựa sẽ tiếp tục nằm trên vai các công an, bộ đội trong các đợt cháy rừng tiếp theo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 12/07/2019
Ngày 19/06/2019, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, người dân tham dự đã bày tỏ lo lắng trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án cao tốc Bắc Nam. Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Ông Nguyễn Thiện Nhân đã trấn an người dân và cho rằng ‘không cần lo lắng’.
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thăm một tu viện ở Thủ Thiêm, 2/2/2019.
Ông Nhân khẳng định : "Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia".
Nghe những lời hứa chắc như đinh đóng cột của ông cử tri trong phòng họp khó lòng cưỡng lại được vì một người chức cao vọng trọng như ông khi hứa tức là phải làm được, cho dù không thực hiện lời hứa đủ 10 phần thì ít ra cũng được đến 8 phần, mà đối với cử tri 8 phần của một lời hứa đã đủ cho họ đặt niềm tin vào ông, một lãnh đạo cao cấp của chế độ.
Có hai vế ở đây, vế thứ nhất là cử tri và vế thứ hai là dân chúng. Cử tri được vào phòng họp để chất vấn các đại biểu còn nhân dân thì không. Vì vậy lời ông Nhân hứa có thể được cử tri trong phòng họp hưởng ứng nhưng bên ngoài căn phòng máy lạnh ấy người dân có tin ông hay không lại là chuyện khác.
Người dân bây giờ lại không cả tin như thời kỳ đồng bào các vùng xôi đậu của miền Nam tin vào cán bộ cộng sản len lỏi vào từng nhà nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Người dân bây giờ thực tế hơn và họ cũng thường xuyên đọc báo để tìm hiểu những gì mà nhà nước công bố, trong đó không hiếm những câu chuyện tiêu cực được diễn giải qua nhiều lăng kính của người viết nhưng dù dưới lăng kính nào thì người dân vẫn mơ hồ nhận ra không ít lần mình bị lừa qua các phát biểu của những vị bộ trưởng có vấn đề dính líu tới những công trình được xem là thất bại.
Từ câu chuyện đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện được xem là công trình xấu nhất thế kỷ, lùi tiến độ hơn 10 lần, đội vốn hơn 40 ngàn tỷ và sau nhiều năm thi công cho tới nay vẫn chưa lăn bánh theo lời hứa của nhiều cán bộ cao cấp của ngành Giao thông và vận tải.
Không riêng gì công trình Cát Linh-Hà Đông những dự án lớn như Bauxite Tây Nguyên, Đường ống nước Sông Đà, Nhà máy Formosa hay nhiệt điện Vĩnh Tân Bình Thuận…tất cả đều nằm dưới bàn tay không chế của Trung Quốc và những công trình đầy tai hại này làm người dân thực sự lo âu khi dự án Đường cao tốc Bắc Nam chính thức được công khai trong lúc gần đây.
Mới đây Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã báo trước Quốc hội rằng : "Khi ký hiệp định với Trung quốc, chúng ta không có quyền chỉ định nhà thầu, nhà thầu là do Trung quốc chỉ định". Đây là sự thật được phanh phui sau khi vụ tai tiếng Cát Linh-Hà Đông vở lở. Từ kinh nghiệm thực tiễn này người dân có quyền lo sợ cho một dự án có tầm cỡ quốc gia bị bộ GTVT thao túng để giao vào tay Trung Quốc như họ đã từng làm trong nhiều dự án trước đây. Phản ứng của người dân là có thật và có lẽ vì vậy ông Nguyễn Thiện Nhân trong vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đơn vị Thành phố HCM đã lên tiếng "bảo kê" cho dư luận về vai trò của quốc hội trước các công trình trọng điểm.
Người dân đọc báo và họ cười với nhau khi có một vấn đề hài hước xảy ra trong các cơ quan công quyền, đặc biệt là Quốc hội, nơi có những phát biểu đáng nhớ của nhiều vị đại diện cho nhân dân. Ngay cả bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách Chủ tịch Quốc hội cũng đã không ngần ngại cho rằng : "Không lẽ giờ "ông" Thanh tra Chính phủ lại đi kiện "ông" Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hóa Việt Nam lắm".
Người dân liệu còn bao nhiêu niềm tin vào Quốc hội sau khi nghe bà Ngân phát biểu như vậy trước gần 500 đại biểu và liệu công trình Cao tốc Bắc Nam có được Quốc hội giám sát hay cũng phớt lờ khi nhân danh truyền thống văn hóa Việt Nam ?
Không riêng gì bà Chủ tịch Quốc hội, bản thân ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không ít lần "hứa" mà không làm, nhất là trong lúc ông đang ở đỉnh cao quyền lực hơn cả bây giờ, vừa là Phó Thủ tướng, vừa là Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo.
Vào ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Lời hứa ấy không bao giờ được thực hiện.
Chưa hết, hồi gần đây trong lúc lò lửa Thủ Thiêm lên tới đỉnh cao nhất, trong vai trò Bí thư Thành Ủy ông Nguyễn Thiện Nhân đã tới gặp gỡ những nạn nhân mất đất và cũng mạnh miệng hứa "Trong khi chờ đợi thì bố trí bà con chỗ tạm cư tốt hơn. Chúng tôi không gạt bà con đâu. Vào khu tạm cư mới thay khu tạm cư cũ không phải là chúng tôi bỏ mặc bà con".
Sau bao nhiêu tháng, hôm nay bà con Thủ Thiêm vẫn tiếp tục ngồi nghe chính quyền hứa và lần này không biết bà con có còn tin vào lời ông Nhân nữa hay không ?
Vẫn biết lời hứa của một chính trị gia là cần thiết đối với dân chúng nhưng hứa như ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ làm cho dân mất thêm lòng tin của họ vào Quốc hội vốn dĩ không còn được bao nhiêu nữa. Quốc hội tỏ ra bất lực và hạn chế đến mức bà Kim Ngân phải nhìn nhận "khi Bộ chính trị đã quyết thì Quốc hội phải thông qua", như một điều kiện, một "quy trình" hay đúng hơn một sự thật của cái cơ quan cao nhất nước này.
Cao tốc Bắc Nam chưa hình thành đã lộ ra quá nhiều dấu hiệu do bàn tay Bắc Kinh thao túng. Dù ông Nguyễn Thiện Nhân hay bà Kim Ngân có đứng ra bảo đảm chăng nữa nhưng khi Bộ chính trị đã ra nghị quyết thì những lời lẽ đanh thép của họ sẽ đổi chiều như một tay tài xế rành nghề trên đường cao tốc.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 24/06/2019
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" nói về những tiềm ẩn nguy hiểm mà mạng xã hội có thể đem lại cho guồng máy chính trị hiện nay (1). Bài viết công phu và nhìn nhận hai mặt tích cực và tiêu cực của người dùng mạng xã hội trong nước nhằm đề ra biện pháp đối phó mà tác giả ghi nhận trong "5 là" có nội dung định hướng cho giới chức trách mà tác giả chỉ ra gồm các cơ quan đảng. cơ quan thực thi pháp luật, báo chí, các doanh nghiệp IT, và ngay cả người dân có nhu cầu sử dụng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Fanpage, Twitter.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Mở đầu bài viết tác giả nhấn mạnh đến những phong trào cách mạng màu với cái nhìn có thể chưa đủ thuyết phục :
"Nhìn lại các cuộc "cách mạng màu" hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của "cách mạng màu" được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh".
Truyền thông xã hội không hề châm ngòi cho bất cứ cuộc cách mạng nào mà nó chỉ là phương tiện để các cuộc cách mạng ấy lan rộng ra với quần chúng. Châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của quần chúng là các chế độ độc tài, sống quá lâu trên mồ hôi nước mắt của nhân dân, bóc lột, đày đọa người dân của họ bằng sức mạnh của nòng súng khiến sự căm phẫn dồn nén nhiều năm có cơ hội nổi dậy từ một sự kiện bất công nào đó.
Viết về cuộc biểu tình dài ngày của "Áo Vàng" tại Pháp, tác giả cho rằng : "Phong trào lan nhanh bởi những lời kêu gọi phát tán trên mạng xã hội đã thổi bùng cơn giận dữ, vượt xa mục tiêu ban đầu là kích động biểu tình để phản đối chính sách, trở thành bạo loạn". Nhưng trên tờ Tuổi Trẻ đã trích dẫn lại thì khác với những gì mà ông Võ Văn Thưởng nhận định :
"Nhà nghiên cứu Romain Pasquier ở CNRS ghi nhận ngoại trừ vài thành phố lớn và thủ đô Paris, phong trào biểu tình áo khoác vàng chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoại ô.
Tham gia biểu tình gồm đủ thành phần, từ công nhân, người thu nhập thấp cho đến người buôn bán, thợ thủ công. Họ là những người phải lái xe hơi mỗi ngày, có thu nhập khiêm tốn và không phải là thành phần nghèo nhất trong xã hội" (2).
Tác giả Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh ở điều mà ông gọi là thông tin giả qua cái nhìn của Tuyên giáo :
"Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là "công cụ của bạo loạn".
Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những "đám đông" kích động, đó là : châm ngòi xuống đường ; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn ; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài".
Rất tiếc, tác giả không nghĩ xa một chút về các cuộc biểu tình ở phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Nếu ông được lớn lên trong cuộc chiến tranh Việt Nam ông sẽ thấy rằng lúc mà Internet chưa được sinh ra người Mỹ đã có những cuộc biểu tình long trời lở đất chống chiến tranh Việt Nam, dẫn tới cuộc rút quân của quân đội Mỹ và tạo tiền đề cho ngày 30 tháng 4. Lập luận mạng xã hội gây nên những cuộc bạo loạn là không thuyết phục.
Nếu đi sâu hơn về thông tin giả mà tác giả lo ngại, đối với Việt Nam có lẽ trong vị trí của một người đứng đầu ban Tuyên giáo ông nên nhìn lại những gì mà Đảng Cộng sản đang làm hiện nay có thể bị cáo buộc là đang thực hiện những thông tin giả một cách công khai bất kể sự hiểu biết của dân chúng đã trưởng thành sau nhiều năm sống dưới chế độ.
Có những thông tin giả chỉ vài giờ là nhận ra nhưng cũng có những thông tin đến vài năm người dân mới phát hiện. Thí dụ ông Nguyễn Thiện Nhân trong khi giữ chức Bộ trường Bộ Giáo dục đã điềm nhiên công bố "đến năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương" (3) và thông tin này sau đó được toàn thể nhân viên của Bộ giáo dục chứng minh là "giả".
Mạng xã hội có thể là nơi duy nhất để người dân bàn bạc thảo luận hay chia sẻ những gì họ quan tâm, tuy nhiên có những chủ đề chính đáng lại bị nhà nước cho là "nhạy cảm" và ngăn cản mặc dù cũng chính nhà nước khuyến khích người dân "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Sau khi bài viết của ông Võ Văn Thưởng xuất hiện thì tạp chí Cộng sản phát hành ngày 21 tháng 6 năm 2019 nhắc lại câu này như một khẳng định của chân lý :
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà phải trở thành một định chế và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa" (4).
Với tinh thần của bài báo này thử hỏi khi dân chúng nêu câu hỏi về Hội Nghị Thành Đô trên Facebook có phải là phản động hay không mặc dù trên mạng Internet đã xuất hiện dầy dặc những thông tin về vấn đề này. Chẳng hạn như bài viết của Hồng Khiêm, Nguyên Tham tán Bộ Ngoại giao về Hồi ký Trần Quang Cơ, có đoạn :
"Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm hoạ ‘diễn biễn hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm ""giải pháp Đỏ" (5).
Nếu nhà nước không bưng bít thông tin như lâu nay thì làm gì người dân có cơ hội bàn tán trên mạng xã hội, thay vì vui chơi, mua sắm hay khoe hình ảnh gia đình, con cháu của mình ?
Đã từ lâu báo chí bị cấm nhắc tới hai chữ Trung Quốc khi những chiếc tàu này đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam mà phải dùng từ "tàu lạ". Chính từ ngữ tránh né này đã chọc giận tinh thần dân tộc khiến người dân Việt Nam bùng lên những cơn biều tình chống Trung Quốc chứ không phải do mạng xã hội kích động như ông Võ Văn Thưởng biện bạch. Những nguyên nhân tiềm ẩn này nhà nước phải thấy trước khi người dân bùng lên như ngày 10 tháng 6 năm 2018 khi hàng chục ngàn người biểu tình đòi bải bỏ dự luật Đặc khu.
Điều thú vị là cuộc biểu tình này nhà nước không tìm ra chứng cứ nào từ internet hay mạng xã hội có sự kích động nhưng nó vẫn xảy ra. Vậy thì trước khi lo nó tác động tới người dân gây hậu quả nghiêm trọng thì chính bản thân Đảng, chính phủ phải nghiêm khắc nhìn lại chính mình trước khi lên án một phương tiện đang giúp cho người dân sống cuộc đời đáng sống.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 23/06/2019
(1) http://soha.vn/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-
(2) https://tuoitre.vn/vi-dau-con-gian-ao-khoac-vang-o-phap-20181204153230927.htm
(3) https://thanhnien.vn/giao-duc/nam-2010-giao-vien-co-the-song-duoc-bang-luong-120291.html
(5) http://www.viet-studies.net/THDung/DocLaiHoiKyTQCo_HongKhiem.htm
Lần đầu tiên trong chính trường của quốc gia cộng sản Việt Nam xuất hiện một khuôn mặt dám từ chức công khai vì bị phân công trái với sở thích của mình.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần trực tiếp xử lý vi phạm trật tự lòng, lề đường trên địa bàn Q.1 (Ảnh : Thanh niên)
Người ấy là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, từng được biết là người trực tiếp chỉ huy phá bỏ những người chiếm cứ vỉa hè của thành phố HCM để buôn bán, làm ăn, tuy nhiên không lâu sau đó ông đã nộp đơn từ chức vì cảm thấy công việc của mình không được cấp trên hết lòng hậu thuẫn và còn có biểu hiện trách cứ do phản ứng của dư luận quần chúng.
Theo báo chí thì từ năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải trở thành một hình mẫu cán bộ tận tâm trong công tác lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại lối đi cho người đi bộ. Tại thời điểm đó, một lãnh đạo Thành ủy đã đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành vào cuộc quyết liệt để ông Đoàn Ngọc Hải không trở thành "ngôi sao cô đơn".
Tháng 1 năm 2018, ông Hải gửi đơn xin từ chức vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân". Nhưng bất ngờ đến tháng 5 năm 2018, ông Hải lại có đơn xin "rút đơn từ chức" với một số lý do.
Sau hơn một năm im lặng, vào sáng ngày 4 tháng 6 năm 2019, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trao quyết định điều động ông Hải về làm Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn (SGCC). Nhưng cũng bất ngờ không kém lần từ chức trước đây, ngay buổi chiều ngày 4 tháng 6, ông Hải lại có đơn từ chức với lý do ông không có chuyên môn về xây dựng.
Có thể nói ông Hải là người đầu tiên trong hệ thống dám công khai chống lại quyết định điều động vốn bất di bất dịch trong chế độ từ bao năm nay. Trong đơn từ chức ông Hải đã nhắc lại những công việc ông làm trong khi nhận công tác giải phóng vỉa hè đã gặp rất nhiều thách thức, và ông tự hỏi phải chăng những thách thức ấy vẫn đeo đuổi ông cho tới ngày hôm nay. Điểm đáng chú ý nhất trong đơn từ chức là đoạn : "Những lần dự định điều động như thế này, có thể nói đó là sự tùy tiện trong công tác điều động cán bộ đã làm tổn thương đến cá nhân tôi, đây là một trăn trở nhất đối với tôi trong cuộc đời này. Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có ‘máu mặt’ và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy ?"
Câu hỏi được đặt ra : Những người có ‘máu mặt’ mà ông Hải nói trong lá đơn là ai, và liệu những kẻ có ‘máu mặt’ ấy có trực tiếp hay ngấm ngầm chỉ đạo việc điều động ông Hải nhằm vô hiệu hóa một cán bộ ‘liêm chính’ của thành phố ?
Việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức dấy lên những bài báo với lời lẽ nghi ngờ một kịch bản phía sau. Người nhanh chóng bênh vực ông nhất là Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ông Nhưỡng cho rằng "đây là sự liêm chính của cán bộ" mà ông Hải là người điển hình. Trong khi đó, những viên chức nhà nước khác tỏ ra từ tốn hơn trước lá đơn từ chức của ông Hải.
Bộ trưởng Nội vụ khẳng định "Ông Hải phải chấp hành sự phân công", còn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng "cách ứng xử của ông Đoàn Ngọc Hải thiếu tôn trọng với tổ chức". Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, người ký quyết định điều động, phân trần : "Đây là một tổng công ty lớn chứ có phải nhỏ gì đâu, lại trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hệ số lương ngang với Phó Giám đốc sở".
Trong đơn xin từ chức Phó tổng giám đốc SGCC, ông Đoàn Ngọc Hải viết rằng lý do ông từ chức là sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, ông nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác. Ông Hải nhấn mạnh nếu miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nên ông từ chức.
Nếu nhìn kỹ vào bằng cấp mà ông Đoàn Ngọc Hải có thì lý do ông đưa ra là hợp lý. Một người tốt nghiệp thạc sĩ Chính trị, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật và Cử nhân Xã hội học chắc chắn không thể vào một công ty xây dựng, huống hồ là đảm nhiệm chức Phó giám đốc. Thiếu kiến thức chuyên môn là chuyện không hiếm thấy của cán bộ chủ chốt trong các tập đoàn nhà nước, vì vậy ông Hải được xem là người can đảm dám vạch ra những lỗ hổng điều chuyển cán bộ trong guồng máy từ bao lâu nay.
Vậy vị trí nào trong guồng máy hiện nay phù hợp với ông nhất ?
Có thể ông sẽ trả lời rằng chức Chủ tịch UBND thành phố hay các quận nội thành thì phù hợp cho văn bằng của ông hơn. Nhưng chắc ông cũng biết hơn ai hết, một người từng từ chức rồi lại xé đơn từ chức như ông khó có cơ hội làm lãnh đạo vì ông trót mất lòng hệ thống Đảng. Đối với Đảng không có chuyện chống đối dù chống đối trong ôn hòa và đầy thuyết phục. Đảng không thể chấp nhận một đảng viên có ‘hành vi’ bất tuân sự điều động của Đảng lại được phép điều hành Ủy ban Nhân dân, nơi có khẩu hiệu "Trung với Đảng, Hiếu với Dân" treo trịnh trọng trên tường.
Ông Hải có thể là người liêm chính như nhận xét của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nhưng cũng có thể ông đang giận dỗi chế độ mà ông đang phục vụ.
Bởi không giận sao được khi ông can đảm nhận lấy hàng triệu lời thóa mạ, chửi rủa khi mang quân đi xóa trắng vỉa hè cho cả hệ thống được tiếng thơm để rồi nhận những chức vụ ‘không xứng đáng’ với ‘công trạng’ mà ông đã bỏ ra trong quá khứ ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 07/06/2019
Ngày 6/4/2019 Giám đốc Công an Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh công văn số 495/CAT-CSMT được nhiều tờ báo trong nước đăng lại với cái tựa : "Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa" có nội dung Formosa Hà Tĩnh đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn chất thải khác nhau tất cả đều rất độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên Formosa Hà Tĩnh không hợp tác với cơ quan chức năng để theo dõi xử lý mặc dù cảnh sát điều tra môi trường đã gửi văn bản yêu cầu Formosa nhiều lần phải báo cáo các chất thải gây nguy hại.
Cá chết ở Hà Tĩnh. Hình chụp tháng Tư, 2017. (Hình : Reuters)
Sau ba ngày bài báo này đã bị gỡ tuy nhiên trên nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại lẫn mạng xã hội đều lan truyền thông tin này như một bằng chứng cụ thể do công an xác định về hành vi xả chất thải công nghiệp gây tác hại trực tiếp cho môi trường mà người dân sống gần là những nạn nhân đầu tiên.
Hầu hết người Việt tuy vẫn bị mang tiếng là bàng quan trước mọi diễn biến chính trị nhưng khi nghe nói đến chữ "Formosa" thì phản ứng của mọi người đa số là giống nhau : Giận dữ và đau lòng. Giận dữ vì từng có một thời gian dài sau khi Formosa bị phát hiện là nguyên nhân gây cho cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh duyên hải miền Trung thì bàn ăn của đồng bào cả nước vắng bóng các loại cá như thường nhật. Họ đau lòng vì biết cả triệu người miền Trung bị ảnh hưởng tới công ăn việc làm và cái đói nghèo vốn đã đè nặng lên gia đình họ nay viễn ảnh rách rưới lại càng rõ rệt hơn sau khi nhà máy Formosa chính thức hoạt động.
Người dân cà nước còn nhớ vụ hàng ngàn người dân Thị xã Kỳ Anh tập trung đông chưa từng có trước cổng chính của tập đoàn Formosa vào sáng ngày 2 tháng10 năm 2016 yêu cầu trả lại biển sạch cho họ sau khi phát hiện Formosa đã thải hàng tấn hóa chất độc công nghiệp gây ra cái chết hàng loạt cho cá ven biển trải dài hơn ba cây số. Tiếp theo sau đó là hàng loạt vụ biểu tình đòi bồi thường thiệt hai cho dân chúng cũng như đòi chính quyền phải đóng cửa nhà máy này vì hóa chất cũng như khí thải của nó gây bệnh tật cho người dân địa phương và vùng phụ cận. Trước sức ép của dư luận và các cuộc biểu tình không ngưng nghỉ, Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận gây ra vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Mức bồi thường 500 triệu đô la dành cho 3 vấn đề : thiệt hại của người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường biển cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Số tiền nhỏ nhoi ấy cũng không được tới tay nạn nhân mà hầu như có khiếu kiện mới được lãnh tiền. Cách giải quyết quan liêu này một lần nữa gây bức xúc cho dân chúng khiến hàng chục cuộc biểu tình đòi công bằng lại nổ ra giữa lúc biển tiếp tục chết, bầu trời Kỳ Anh Hà Tĩnh tiếp tục nhận luồng khói của nhà máy thép Formosa gây không biết bao nhiêu di hại cho sức khỏe người dân.
Formosa có Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Không cần phải là một kỹ sư hay tiến sĩ, người dân cũng thấy rõ, mức giá này quá rẻ, gần như cho không.
Không phải chính phủ Việt Nam không biết thành tích của Formosa đối với gây nguy hại môi trường biển. Gần nhất là bài học của Campuchia, năm 1998, Formosa đã thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihaoukville và bị buộc phải bồi thường 13 triệu đô la. Năm 2009, tập đoàn này đã "vinh hạnh" nhận giải "Hành tinh đen" do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường "trao tặng. Tại Đài Loan nơi mà Formosa được sinh ra không ít lần nó bị đồng hương biểu tình đòi giải thể vì cách làm ăn thiếu lương thiện của nó. Tại Mỹ, nơi môi trường được giữ kín kẽ nhất thế giới đã cho Formosa rất nhiều bài học khi tập đoàn này có hành vi khuất tất trong việc gây nguy hiểm môi sinh.
Một năm sau khi sự cố Formosa xảy ra, ngày 25 tháng 07 năm 2017, Báo Tiền Phong có đăng bài viết : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Formosa : Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa". Cụ thể, Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng : "Tinh thần lớn là nếu không an toàn thì không sản xuất" và "Nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này".
Và hai năm sau, lời của Thủ tướng đương nhiệm có vẻ bị Formosa thách thức thông qua công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh "kêu cứu" chính phủ vì cung cách bất tuân pháp luật mà tập đoàn này đang hành xử.
Nếu công an Hà Tĩnh bức xúc một thì dân chúng tại khu vực bị ảnh hưởng có lẽ bức xúc đến mười. Sức khỏe gia đình họ bị đe dọa nghiêm trọng, công ăn việc làm của họ kể như trở về con số không và tương lai cuộc sống của gần hai triệu con người trực tiếp bị ảnh hưởng sẽ ra sao nếu hàng ngàn tấn hóa chất len lỏi vào nguồn nước biển ?
Ai là người trách nhiệm khi vận động chính phủ cung cấp giấy phép cho tập đoàn Formosa vào Việt Nam để lại di chứng khó xóa sạch trên bản đồ môi sinh của thế giới ?
Chính là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 người chính thức đặt bút ký đầu tiên khi đề nghị chính phủ Nguyễn Tấn Dũng duyệt xét. Người trách nhiệm thứ hai là Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, đáng ra phải cho khảo sát dự án lại nhanh chóng cho phép Formosa được sinh ra. Đứa con thiếu tháng ấy bây giờ đã trở thành một bứu độc ung thư gây lo sợ cho hàng triệu người Việt Nam không những chung quanh nó mà có lẽ sẽ di căn trên khắp nước.
Ông Võ Kim Cự thì bặt vô âm tín, nhưng ông Trần Hồng Hà vẫn còn đó trên chiếc ghế Bộ trường Bộ Tài nguyên Môi trường và sáng ngày 5 tháng 6 năm 2018, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Trần Hồng Hà khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa "đảm bảo an toàn về môi trường".
Là một Bộ trưởng phụ trách môi trường, tức là lá phổi của toàn dân Việt Nam nhưng cung cách mà ông Hà nói trước Quốc hội khiến người ta khó thể tin nổi vào lúc ấy cho đến gần một năm sau thì Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận những khẳng định của ông Bộ trường là hoàn toàn dối trá.
Trên lá phổi của Việt Nam đã đóng dấu ấn có hình dạng Formosa và di chứng của nó liệu kéo dài tới bao lâu sau khi ông Trần Hồng Hà lại hạ cánh an toàn như Võ Kim Cự ?
Mặc Lâm