70 nước trên thế giới kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân
Trong một bản tuyên bố được chính thức công bố hôm qua 10/05/2019, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, 70 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ tất cả "vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các chương trình liên quan". Đối với các nước ký tên, chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với sự ổn định của thế giới.
Bắc Triều Tiên : Ảnh vệ tinh chụp trung tâm hạt nhân Yongbyon, công bố ngày 16/04/2019. Reuters
Đây là một văn kiện do Pháp soạn thảo và đưa ra xin chữ ký từ một tuần lễ nay. Trong số các nước ký vào bản tuyên bố này, có Mỹ, Hàn Quốc cùng nhiều nước Á, Âu, Phi và Mỹ La Tinh. Riêng hai nước ủng hộ Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc thì không ký tên vào bản tuyên bố.
Theo một nguồn tin ngoại giao, có khoảng 15 nước đã yêu cầu được ký tên vào văn kiện này ngay sau khi Bắc Triều Tiên cho thử nghiệm tên lửa trở lại.
Các bên ký kết đã "khuyến khích Bắc Triều Tiên tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào… tiếp tục thảo luận với Mỹ về phi hạt nhân hóa".
Bắc Triều Tiên đã cho phóng hai tên lửa tầm ngắn hôm 09/05, chỉ 5 ngày sau vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực khác. Loạt thử nghiệm này đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại sau hon một năm yên tĩnh : từ tháng 11/2017, Bình Nhưỡng không hề thực hiện bất kỳ vụ phóng tên lửa nào.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un năm ngoái cũng tuyên bố chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Trump : Bắc Triều Tiên không nuốt lời hứa khi thử lại tên lửa
Việc Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa trở lại không làm cho tổng thống Mỹ lo lắng. Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Politico hôm 10/05/2019, ông Trump cho rằng Bắc Triều Tiên chỉ thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn, không vi phạm các cam kết lãnh đạo mà Kim Jong-un từng đưa ra.
Trọng Nghĩa
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục sau thất bại ở Washington (RFI, 11/05/2019)
Cuộc thương lượng Mỹ - Trung trong hai ngày tại Washington kết thúc hôm qua, 10/05/2019, không đạt kết quả, trong bối cảnh tổng thống Trump liên tục gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Ngay sau khi đàm phán kết thúc, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố sẽ nối lại thương lượng.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trao đổi với đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh tại Washington, ngày 10/05/2019. Reuters/Clodagh Kilcoyne
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu đoàn đàm phán, hôm qua, 10/05/2019, cho hay : Bắc Kinh và Washington đồng ý tiếp tục đàm phán về các bất đồng thương mại song phương tại thủ đô Trung Quốc.
Trong một đoạn video được phổ biến trên trang mạng của Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV), lãnh đạo đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định : "Thương thuyết sẽ không bị đứt đoạn". Phó thủ tướng Trung Quốc giải thích : "một số thất bại nhỏ là điều bình thường và không thể tránh khỏi trong quá trình thương lượng". Ông Lưu Hạc cũng tỏ ra "lạc quan chừng mực" về triển vọng đàm phán tương lai, bởi khác biệt giữa hai bên rất lớn về "nhiều vấn đề mang tính nguyên tắc".
Về phía Hoa Kỳ, trong một thông điệp gửi lên Twitter, tổng thống Trump cho biết : trong hai ngày vừa qua, hai bên "đã có nhiều trao đổi thẳng thắn và xây dựng về bản chất của mối quan hệ thương mại giữa hai nước". Donald Trump khẳng định không vội vã ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc, đàm phán sẽ tiếp tục, và Hoa Kỳ có thể đơn phương ra quyết định tăng hoặc xóa bỏ các khoản thuế với hàng Trung Quốc trong thời gian thương lượng sắp tới.
Reuters dẫn hai nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, theo đó trên thực tế, trong cuộc thương lượng kéo dài 90 phút hôm qua, hai bên đã không đạt được một tiến bộ đáng kể nào. Các nhà thương thuyết Mỹ đã không chấp nhận đề xuất mới của Trung Quốc. Cụ thể là theo ông Lưu Hạc, thay vì ra luật để thực thi các đòi hỏi của Hoa Kỳ, Bắc Kinh chỉ chấp nhận ban bố một số nghị định. Đây chính là điều mà các nhà đàm phán Mỹ bác bỏ.
Trọng Thành
*******************
Tổng thống Trump cho khởi động thủ tục áp thuế trên hầu hết hàng Trung Quốc (RFI, 11/05/2019)
Theo đúng chiến thuật áp lực tối đa, tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm 10/05/2019 đã ra lệnh cho các cơ quan hữu trách khởi động thủ tục áp thuế đối với hầu như toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước các đòn tấn công liên tiếp của Mỹ, Bắc Kinh cho biết sẽ trả đũa, nhưng vẫn duy trì các cuộc đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tại Washington, ngày 9/05/2019. Alex Wong/Getty Images/AFP
Trong một bản thông cáo báo chí, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận rằng tổng thống Trump "đã ra lệnh cho chúng tôi bắt đầu tiến trình tăng thuế trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, được ước tính khoảng 300 tỷ đô la".
Thủ tục này, trên nguyên tắc sẽ bắt đầu được thực hiện kể từ thứ Hai, 13/05.
Cho đến nay, trên tổng số hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, chỉ mới có hơn 250 tỷ đô la là bị áp thuế trừng phạt, với mức thuế đã tăng vọt từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa kể từ ngày 10/05.
Theo hãng tin Pháp AFP, việc khởi động thủ tục đánh thuế không có nghĩa là 300 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ bị tăng thuế ngay. Tiến trình này phải lần lượt qua nhiều khâu, từ thông báo công khai, cho đến tham khảo ý kiến trước khi quyết định áp thuế hay không.
Nói cách khác, biện pháp tăng thuế quan sẽ không thể có hiệu lực trước vài tháng tới đây. Quyết định của tổng thống Mỹ do đó là một hình thức cho thấy là Washington không hề nới lỏng gọng kềm trên Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
*********************
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh "già néo" nên bị "đứt dây" ? (RFI, 10/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Vào lúc mọi người đều nghĩ là Washington và Bắc Kinh sắp sửa đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ nhiều tháng nay, thì ngày 05/05/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ loan báo quyết định tăng mức thuế quan lên 25%, đánh vào 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc, tố cáo Bắc Kinh trở cờ trong đàm phán, hứa cải tổ rồi lại nuốt lời ngay sau đó.
Trong bài phân tích ngày 08/05 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã căn cứ vào 6 nguồn thạo tin khác nhau, trong đó có 3 từ phía Mỹ, để xác nhận rằng Trung Quốc quả thực là đã nuốt lại hầu hết các cam kết mà họ đã đưa ra trong quá trình đàm phán, và chính điều này đã khiến tổng thống Donald Trump nổi cơn thịnh nộ.
Tối thứ Sáu, 03/05, Washington đã nhận được bản dự thảo thỏa thuận dày gần 150 trang đã được đúc kết sau nhiều vòng thương thuyết giữa hai bên. Thế nhưng, hầu như điểm nào trong dự thảo thỏa thuận cũng có đoạn bị Trung Quốc xóa bỏ.
Cụ thể, trong toàn bộ 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa bỏ các cam kết sẽ thay đổi luật pháp của nước này để giải quyết những đòi hỏi cốt lõi của Mỹ vốn là những ngòi nổ dẫn đến chiến tranh thương mại: Đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại; ép buộc công ty Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ; cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chánh Trung Quốc; và thao túng tiền tệ.
Tất cả những điểm trên đều từng được tổng thống Mỹ nhấn mạnh là đã đạt được khi đàm phán với Trung Quốc, điều đó giải thích lý do vì sao ông Trump lại phản ứng mạnh sau khi nhận được bản dự thảo thỏa thuận trong đó Bắc Kinh đã xóa bỏ tất cả những cam kết "luật hóa".
Hai người dẫn đầu phái đoàn thương thuyết Mỹ là Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đã choáng váng trước hành động trở cờ của Trung Quốc.
Theo hai nguồn tin được Reuters trích dẫn, ông Lưu Hạc vào tuần trước đã trấn an hai nhà đàm phán Mỹ rằng nên tin tưởng vào lời hứa của Trung Quốc, nhưng hai ông Mnuchin và Lighthizer đã phản đối, nhắc lại rằng trong quá khứ Bắc Kinh nhiều lần nuốt lời hứa tiến hành cải cách.
Kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 09/05 cho rằng Trung Quốc một lần nữa, lại đánh giá sai về tổng thống Trump, bắt bí vào giờ phút chót với hy vọng là phía Mỹ sẽ chấp nhận để có được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Rất có thể là Trung Quốc đã hiểu sai về các tuyên bố và hành động của ông Trump gần đây, cho rằng tổng thống Mỹ đang lo ngại về tình trạng của nền kinh tế Mỹ và sẽ sẵn sàng nhượng bộ.
Ngoài ra, rất có thể là Bắc Kinh đang say men "chiến thắng" khi thấy rằng dù bị Mỹ đánh về thương mại, nhưng họ vẫn tăng trưởng mạnh trong quý một năm nay, trong lúc Sáng Kiến Một Vành Đai và Một Con Đường của ông Tập Cận Bình đã gặt hái thêm thành công sau hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng trước.
Theo CNN, đánh giá cho rằng thế mạnh mới của Bắc Kinh có thể khiến Donald Trump lùi bước như vậy quả là sai lầm. Kinh tế Mỹ không yếu như một số người ở Bắc Kinh lầm tưởng, trong lúc cách bắt bí giờ chót lại đặc biệt làm cho tổng thống Trump nổi giận.
Trung Quốc dường như đã quên rằng, chỉ mới đây thôi, ông Trump đã bỏ ngang thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, bất chấp hàng tháng trời hai bên tìm cách xích lại gần nhau.
Trọng Nghĩa
Thương chiến Mỹ-Trung : trước giờ sự thật
Donald Trump làm mưa làm gió tại vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tối hậu thư Iran. Châu Âu bước vào mùa bầu Nghị Viện Châu Âu, Macron lên võ đài. Bài trừ tệ nạn ấu dâm trong Giáo hội, Giáo hoàng đánh mạnh là những chủ đề chiếm các trang quan trọng.
Từ trái sang phải : Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tại Bắc Kinh, ngày 29/03/2019.Nicolas Asfouri/Pool via REUTERS
Bắc Kinh : thà bị phạt hơn là đổi luật chơi
Với tựa "Donald Trump làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán", Les Echos cho biết trong vòng một tuần, hơn 1300 tỷ đôla bốc thành mây khói. Căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, lệnh áp thuế đánh lên hàng Trung Quốc đã làm cho các sàn giao dịch Á - Âu chao đảo.
Câu hỏi đặt ra là vì sao căng thẳng leo thang ? Chính quyền Trump thật sự muốn gì và vì sao chính quyền Trung Quốc từ chối ?
Trên Libération, David Dollar, cựu chuyên gia kinh tế tài chính của chính phủ Mỹ, thẩm định tổng thống Donald Trump rất bực bội vì ông bị chỉ trích từ nhiều phía. Đã có 10 vòng đàm phán mà không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Do vậy ông cần phải tỏ ra cứng rắn để trấn an cử tri Cộng hòa. Nhưng Hoa Kỳ cũng có mối lo âu chính đáng, đó là sợ Trung Quốc không giữ lời hứa. Do vậy, chính quyền Trump mới nhiều lần cảnh cáo là sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nếu không có các biện pháp kiểm soát Bắc Kinh có tôn trọng hay không.
Trên thực tế, nếu Trung Quốc muốn tỏ thiện chí thì chỉ cần thay đổi luật chơi giống như phần còn lại của thế giới, chấm dứt các chính sách bất bình đẳng như sau : tài trợ cho công ty quốc doanh cạnh tranh bất chính, bắt đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ và phát minh. Trong khuôn khổ "mậu dịch tự do", Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc mở cửa thị trường đúng nghĩa. Do đó, Mỹ có lý do chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc vận hành, phá hoại tính hợp pháp và hợp lý của hệ thống tự do thương mại toàn cầu. Hiện nay, hàng loạt lãnh vực kinh tế ở Hoa lục như xe hơi, viễn thông cấm cửa đầu tư nước ngoài. Chính ở điểm này mà Hoa Kỳ được Châu Âu hoàn toàn ủng hộ.
Cũng theo chiều hướng phân tích này, Le Figaro cho biết thêm Trung Quốc nhất quyết bảo vệ lập trường, chống lại mọi cơ chế đi ngược lại mô hình tư bản Nhà nước. Bắc Kinh sẵn sàng nhập thêm hàng hóa Mỹ nhưng sẽ không chấp nhận ghi các nhượng bộ này thành luật, tạo ra tình trạng không thể đảo ngược. Rút kinh nghiệm trong quá khứ, Washington nghi ngờ Bắc Kinh hứa hão, một khi hết bị trừng phạt, thì sẽ tiếp tục chứng nào tật nấy. Bắc Kinh tự tin, dám đương cự lại áp lực của Donald Trump vì theo suy đoán của các chiến lược gia của chế độ, tương quan lực lượng đã khá thuận lợi : tăng trưởng phất lên nhờ Nhà nước can thiệp. Diễn đàn "Con đường tơ lụa" mới đây thu hút được nhiều nước tham gia, cho dù Washington chống kịch liệt, cho phép chủ tịch Tập Cận Bình tự tin hơn vào khả năng kết hợp một liên minh rộng lớn, không bị lẻ loi, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại với Washington. Do vậy, Le Figaro dự đoán, kể từ thứ Sáu, biện pháp áp thuế 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc sẽ được thi hành.
Theo một chuyên gia ở Hồng Kông, thái độ cứng rắn của Donald Trump phản ảnh tâm trạng bất lực không thuyết phục được Bắc Kinh chuyển đổi chế độ kinh tế quốc doanh sang kinh tế thị trường.
Trung Quốc có phải là một đồng minh đáng tin cậy hay chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng ?
Sau khi tường thuật cuộc khẩu chiến giữa Tehran và Washington cũng như đòn mặc cả của Iran trên hồ sơ hạt nhân, Le Monde lưu ý tối hậu thư của Iran kỳ hạn cho các nước ký kết Hiệp Định 2015 có 60 ngày để thực thi lời hứa giúp Iran thoát cấm vận dầu hỏa và giao dịch ngân hàng. Tối hậu thư nhắm vào Liên Âu và Trung Quốc. Trong khi Liên Hiệp Châu Âu nghiêng theo phía Mỹ dứt khoát bác bỏ tối hậu thư gây áp lực thì Trung Quốc làm gì ?
Trong bài "Trung Quốc, cha đỡ đầu của Tehran trốn mất", Le Monde cho biết, đây cũng là câu hỏi của báo chí Iran. Trong ba năm từ 2012 đến 2015, Bắc Kinh luôn mạnh mẽ ủng hộ Iran đương cự với áp lực của Mỹ nhưng từ từ thì biến đi dần. Trước hết là về dầu hỏa. Năm 2018, Trung Quốc đặt mua 580.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Đầu tháng 05/2019, trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt thương mại, Trung Quốc không mua một lít dầu nào của Iran. Đầu tư dài hạn cũng ngưng lại. Trong các lĩnh vực khác cũng thế, từ tháng 10/2018, hầu hết các cơ sở thương mại Trung Quốc ở Tehran đều ngưng trả lời điện thoại vì sợ lãnh đòn của Hoa Kỳ. Thương mại cũng sụt giảm đáng kể : xuất khẩu Trung Quốc từ hơn 1 tỷ đôla năm 2018, trả bằng dầu thô, sụt xuống còn 396 triệu. Cùng lúc, các kênh chuyển ngân cũng khép lại. Ngân hàng Côn Luân của Nhà nước Trung Quốc ngày càng như vỏ ốc khô, không giúp gì được cho đồng minh Trung Đông. Trong hoàn cảnh này, Ngân Hàng Trung Ương của Iran chỉ thị cho các ngân hàng trong nước ngưng mua đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Tú Anh
Dân Pháp "hờ hững" với bầu cử Nghị Viện Châu Âu
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu và hồ sơ hạt nhân Iran là hai hồ sơ lớn trên các nhật báo Pháp ngày 09/05/2019. Còn chưa đầy ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu.
Nghị Viện Châu Âu trong một phiên họp ngày 17/04/2019, Strasbourg, Pháp. FREDERICK FLORIN / AFP
Thế nhưng tại Pháp, bầu không khí vẫn tĩnh lặng. Les Echos ghi nhận : "Người Pháp hờ hững với chiến dịch bầu cử Châu Âu".
Theo một cuộc thăm dò của EuroTrack OpinionWay-Tilder thực hiện cho nhật báo kinh tế Les Echos và đài Radio Classique, tỉ lệ tham gia bầu cử hy vọng ở mức 41%, thấp hơn mức tham gia kỳ bầu cử năm 2014 là 1,4 điểm. Dù tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức thăm dò được thực hiện hồi tháng Ba, nhưng kết quả trên cho thấy cử tri Pháp không mấy hào hứng với cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, các nhà phân tích ghi nhận là mức độ quan tâm cuộc bầu cử của người dân Pháp vẫn ở mức ổn định là 55%. Với đảng cầm quyền, cuộc bỏ phiếu này mang tính chất quyết định cho tương lai của Châu Âu. Nhưng các đảng đối lập Nước Pháp Bất Khuất và Tập Hợp Quốc Gia thì lại xem đợt bỏ phiếu này như là một cuộc trưng cầu dân ý bài Macron.
Dù hờ hững với Nghị Viện Châu Âu, nhưng khi được hỏi các lãnh đạo Châu Âu nên có ưu tiên kinh tế nào cho những năm sắp tới, thì 42% số người được hỏi đặt trọng tâm vào "mãi lực" của người dân và 28% số người được hỏi ưu tiên "cuộc chiến chống thất nghiệp". Điều này cho thấy "các thách thức quốc gia là mối bận tâm chính của cử tri Pháp" như phân tích của Frédéric Micheau, giám đốc viện nghiên cứu OpinionWay.
Trong khi các vấn đề như thỏa thuận thương mại, thành lập các ngành kinh tế đầu tàu cho Châu Âu được xếp cuối bảng các ưu tiên của dân Pháp. Một tầm nhìn ngắn hạn ?
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron đổi màu giờ chót
Cũng liên quan đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu, trang nhất Libération, đăng hình tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên phông ảnh mầu xanh lá cây đưa tít lớn : "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron, quân bài xanh lá cây".
Nhật báo thiên tả đặt ra một loạt các câu hỏi : "Phải chăng Macron đang chuyển sang sinh thái ?", "Emmanuel Macron, người khổng lồ mầu xanh mới ?". Bởi vì trong chương trình tranh cử Nghị Viện Châu Âu, đảng Những người Cộng hòa Tiến bước LREM của tổng thống Pháp đặt ưu tiên cho chuyển đổi sinh thái. Thế nhưng, sự thành tâm này của tổng thống Pháp vẫn khiến Libération nghi ngờ. Thật là khó tin thiện chí bảo vệ môi trường của ông Macron khi mà trong suốt buổi họp báo hôm 25/04 trình bày các giải pháp để thoát cuộc khủng hoảng Áo Vàng, tổng thống Pháp không một lời nhắc đến cụm từ "đa dạng sinh thái".
Iran phản công dồn Châu Âu vào chân tường
Hồ sơ hạt nhân Iran chiếm lĩnh nhiều trang báo Pháp. Chính quyền Tehran hôm qua bất ngờ thông báo tạm ngưng thực thi một phần thỏa thuận hạt nhân Iran được đúc kết với sáu cường quốc khác năm 2015. Mục tiêu là nhằm đáp trả quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận cách nay một năm và tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào chế độ Cộng hòa Hồi giáo này.
Không còn gì để mất, Iran quyết định phản đòn, đánh lá chủ bài "được ăn cả ngã về không". Hôm qua, 08/05/2019, tròn một năm Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Hassan Rohani gia hạn cho các nước còn lại bao gồm Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc có 60 ngày để bảo vệ thỏa thuận này cũng như là Iran trước các đòn trừng phạt của Mỹ, bằng không Iran sẽ ngưng thực thi một số các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân.
Như vậy là "Iran đang dồn Châu Âu vào chân tường" như nhận xét của Le Figaro và Les Echos. "Chính quyền Tehran cáo buộc các nước có tham gia ký kết còn lại đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình", tựa trên La Croix. Từ một năm qua, nền kinh tế Iran bị các lệnh trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt. Xuất khẩu dầu khí giảm đến một nửa tác động mạnh đến nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng.
Quyết định này đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran lên đến cực điểm. Phía Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Ormuz lối thông thương hàng hải quan trọng. Còn Washington vừa thông báo gởi hàng không mẫu hạm cùng với oanh tạc cơ B-52 đến vịnh Ba Tư.
Châu Âu giờ trong thế lưỡng nan, giữa một bên là giữ chặt thỏa thuận hạt nhân đạt được mà Anh, Pháp, Đức cũng như là Liên Hiệp Châu Âu dầy công gầy dựng và bên kia là "áp lực" tối đa của Hoa Kỳ, mang hơi hướm của một chiến lược đòi "thay đổi chế độ".
Lời đe dọa này của Iran có nguy cơ làm cho Châu Âu thêm chia rẽ. Dù vậy, Les Echos vẫn còn thấy chút tia hy vọng : Thời hạn 60 ngày, dấu hiệu cho thấy cánh cửa đối thoại vẫn chưa khép hẳn. Thỏa thuận chưa bị xé bỏ và các biện pháp đưa ra vẫn còn có thể "đảo chiều" bất kỳ lúc nào.
Trung Quốc : "Tang lễ sinh thái"
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp. Ngoài thông tin giáo dân Asia Bibi được phép rời Pakistan sau 10 năm bị giam trong tù chờ ngày thi hành án tử vì tội xúc phạm đạo Hồi, báo Le Figaro có bài phóng sự khá dài đề tựa "Tại Trung Quốc, tang lễ xanh làm thay đổi các lễ tục truyền thống".
Trung Quốc dự báo từ đây đến năm 2050, mỗi năm có khoảng 20 triệu người tạ thế. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn rằng vào năm 2020, 50% tang lễ phải được thực hiện với các chất liệu có thể phân hủy "sạch". Chính quyền Bắc Kinh cũng hy vọng giải tỏa được tình trạng khan hiếm chỗ tại các nghĩa trang và giảm dần vị trí của tôn giáo trong xã hội.
Béo phì không chừa một ai !
Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro có bài viết báo động tình trạng béo phì đang có xu hướng tăng nhanh tại các vùng nông thôn.
Từ lâu giới chuyên gia luôn cho rằng hiện tượng đô thị hóa là động cơ chính cho nạn dịch béo phì trên thế giới. Thế nhưng, khi thực hiện các khảo sát về chiều cao và cân nặng có tính cả yếu tố giới tính, tuổi tác và nơi sinh sống của khoảng 112 triệu người lớn, trong vòng 33 năm (1985 – 2017), các nhà khoa học nhận thấy là xu hướng thân hình đẫy đà đang tăng nhanh trên khắp mọi vùng thế giới.
Từ năm 1985, chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) tăng trung bình hai điểm ở phụ nữ và 2,2 điểm ở nam giới. Con số này tương đương với mức tăng thêm từ 5-6 kg cho một người có chiều cao trung bình.
Trên bình diện quốc tế, mức tăng này thể hiện rõ ở những vùng nông thôn (2,1 điểm) hơn là ở chốn đô thị (1,3 cho phụ nữ và 1,6 cho nam giới). Các nhà khoa học trường Imperial College of London lưu ý là "năm 1985 tại ¾ nước trên thế giới, người dân đô thị có chỉ số BMI cao hơn người dân nông thôn. Cùng với thời gian, cách biệt này được rút ngắn, thậm chí bị đảo chiều".
Hiện tượng này thấy rõ ở những quốc gia có thu nhập thấp hay ở mức trung bình như Thổ Nhĩ Kỳ, Chilê hay Malaysia. Theo giả định của các nhà khoa học, chính việc cơ giới hóa nông nghiệp và việc sử dụng xe ô tô ngày càng thường xuyên hơn tại các vùng nông thôn đã dẫn đến việc giảm các hoạt động thể lực, trong khi mà việc cải thiện mức sống đã cho phép họ có thể tiếp cận các loại thực phẩm chế biến giá rẻ, nhiều chất béo và kém dinh dưỡng.
Dân Pháp thích để râu, dao cạo "ế ẩm"
Cuối cùng mục điểm báo xin được khép lại với một bài viết khá thú vị trên tờ Les Echos với hàng tựa "Ngành công nghiệp dao cạo đối diện với chiếc gương thần nam giới".
Chăm sóc gương mặt không chỉ là mối bận tâm của các quý bà quý cô, mà giờ là của cả đấng mày râu nữa. Nếu như việc cạo râu vẫn là một hoạt động chính của nam giới để giữ gìn khuôn mặt và thân thể, thói quen cạo râu ngày nay đang có xu hướng thay đổi. Les Echos trích quan sát của tạp chí "GQ" dành cho nam giới ghi nhận chỉ có "32% nam giới vẫn thích một gương mặt nhẵn nhụi"… Gần hai phần ba số người được hỏi cho biết bắt đầu để râu và "6% thích để ria".
Khảo sát của hãng Wilkinson còn nêu chi tiết hơn. Số người thích cạo râu mỗi buổi sáng, nằm trong độ tuổi trên 45, chiếm 50%. Số còn lại là những người thích có vẻ mặt thay đổi. Nghĩa là đôi khi có cạo râu, đôi khi thích để râu ba ngày hay nhiều hơn nữa.
Hệ quả là thị trường dao cạo râu trong những năm gần đây sụt giảm. Tại Pháp, trong năm 2018, lượng dao cạo bán ra giảm mất 6,1%, tương đương với khoản thất thu 317,9 triệu euro. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất bắt đầu có những thay đổi các thiết kế và mẫu mã dao cạo cho phù hợp với thị hiếu, đồng thời gia tăng và nâng cấp các dòng sản phẩm chăm sóc râu cho các quý ông.
Minh Anh
Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?
Về thời sự quốc tế, đặc biệt đáng chú ý có hồ sơ nguy cơ nợ nần quá tải. Tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Paris, hôm qua, 07/05/2019, Trung Quốc bị lên án dùng bẫy nợ siết cổ các nước nghèo. Tuy nhiên, dường như gió đang đổi chiếu, với đòi hỏi minh bạch trở thành vấn đề trung tâm.
Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thoát khỏi bẫy nợ
Le Monde có bài phân tích đáng chú ý "Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?".
Bài phân tích của nhà báo Frédéric Lemaitre nêu bật một nghịch lý là, lâu nay người ta thường lo sợ Trung Quốc, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cái bẫy nợ mà Trung Quốc giương ra cũng rất có thể gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh. Quan điểm của tác giả bài viết dường như đi ngược lại với đa số các quan điểm phổ biến hiện nay về vấn đề "bẫy nợ Trung Quốc".
Nhà báo Frédéric Lemaitre dẫn lại một nghiên cứu công bố ngày 29/04, của trung tâm nghiên cứu Mỹ Rhodium Group. Theo đó, sau khi phân tích khoảng 40 trường hợp phải đàm phán lại về nợ với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trường hợp như Sri Lanka phải gán đất để trả nợ chỉ là một "ngoại lệ". Một ngoại lệ thứ hai là Tadjikistan, phải nhượng cho Trung Quốc 1.158 km² đất để trừ nợ, hồi 2011.
Theo nhà báo Le Monde, thì cho dù cơ sở dữ liệu trong điều tra nói trên chắc chắn không đầy đủ, nhưng vấn đề được nêu ra là "quan trọng". Các nhà nghiên cứu nhóm Rhodium Groupe khẳng định là, trong hiện tại nhìn chung, Trung Quốc không có đủ phương tiện, để đơn phương dùng sức mạnh buộc các nước phải hoàn nợ, trong trường hợp quốc gia liên quan không tôn trọng cam kết.
Trên thực tế, trong đa số các trường hợp được khảo sát trong điều tra này, Bắc Kinh buộc phải "xóa nợ" (khi số tiền không quá cao), "giãn nợ", hoặc "thương lượng lại" một số điều kiện. Đây là những trường hợp mà bên vay nợ có được các khoản tín dụng mới, hoặc ở trong tương quan sức mạnh ít bất lợi hơn trước Trung Quốc.
Trung Quốc không dễ thủ lợi, nếu ở ngoài các định chế quốc tế
Trong một số trường hợp, Trung Quốc cũng buộc phải quay sang một số định chế pháp lý quốc tế để nhờ phân xử, theo đó Ukraine đã buộc phải dùng lương thực để trả khoản tín dụng 3 tỉ đô la vay của Trung Quốc.
Nhà báo Le Monde tỏ ra lạc quan. Theo tổng giám đốc IMF, phát biểu tại Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI – Belt and Road Initiative) lần thứ hai, tại Bắc Kinh, hôm 26/04, thì quy tắc mới về tín dụng được áp dụng để đánh giá các dự án trong khuôn khổ BRI đang trở thành "một chuyển biến quan trọng theo hướng đúng". Điều đó phải chăng có nghĩa là cộng đồng quốc tế sắp tới có thể dùng các quy tắc minh bạch để xử sự với Trung Quốc, một khi Bắc Kinh chấp nhận tham gia cuộc chơi quốc tế ?
Tuy nhiên liệu có gì bảo đảm là vay tiền Bắc Kinh với các điều khoản dễ dãi sẽ không để lại các hậu quả khủng khiếp, cho dù theo nghiên cứu của Rhodium Groupe, chỉ có hai trường hợp Sri Lanka và Tadjikistan phải gán đất để trả nợ ?
Nợ nần quá tải như "thuốc độc"
Về hồ sơ nợ nần quá tải, Le Figaro cho biết, 40 bộ trưởng tài chính họp tại Paris hôm qua kêu gọi "minh bạch hơn trong các hoạt động cấp tín dụng". Nợ nần quá tải đe dọa "tăng trưởng bền vững" là chủ đề chính của hội nghị Paris. Theo một số định chế kinh tế quốc tế, chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), tỉ lệ các nước nghèo lâm vào tình trạng nợ quá tải đã tăng gấp đôi, từ 21% đến 42%.
Ví dụ kinh điển được đưa ra vẫn là Sri Lanka bị Trung Quốc bắt chẹt phải nhượng lại cảng Hambatona cho Bắc Kinh trong 99 năm, để hoàn nợ. Nợ nần quá tải khiến nhiều nước lâm vào tình trạng mất "chủ quyền quốc gia", buộc phải nhượng lại nhiều cơ sở hạ tầng, các nguồn nguyên liệu chiến lược. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc nợ nần quá tải thường trước hết dẫn đến việc các quốc gia liên quan phải cắt giảm mạnh chi phí công, với nạn nhân đầu tiên chính là dân chúng địa phương, như ghi nhận của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Bộ trưởng Pháp ví các khoản nợ này như "thuốc độc".
Đòi hỏi minh bạch : Gió đổi chiều
Tuy nhiên, gió dường như đang đổi chiều. "Minh bạch" là cụm từ được nói đến nhiều nhất trong các thảo luận tại Paris hôm qua. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christian Lagarde hoan nghênh Viện Tài chính quốc tế đang tiến hành việc "xác định các quy tắc minh bạch về tín dụng". Mặc dù không bị nêu đích danh, nhưng đối tượng bị chỉ trích chính tại hội nghị này là Trung Quốc. Bắc Kinh là một trong các nhà cấp tín dụng chủ yếu trên thế giới, nhưng lại không tuân thủ các chuẩn mực minh bạch quốc tế.
Về chủ đề này, Le Figaro trong bài "Bắc Kinh bị cáo buộc dùng tín dụng siết cổ các nước nghèo" chỉ ra một số trường hợp khác như Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á nói trên buộc phải chấp nhận tiếp tục dự án đường sắt khổng lồ với Trung Quốc, do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng, với nhiều hệ quả bất lợi, hơn là nộp phạt 5 tỉ đô la. Gần đây, một số nước Châu Phi, đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc. Cuối năm 2018, quốc gia miền tây Châu Phi Côte d’Ivoire đã lập ra một ủy ban đặc biệt để giám sát khoảng 15 dự án do Trung Quốc tài trợ.
Trung Quốc có chấp nhận thương thuyết với "dao kề cổ" ?
Căng thẳng Mỹ - Trung vào lúc đàm phán tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos.
"Trump làm đảo lộn thị trường thế giới" là tựa trang nhất. Les Echos ghi nhận "Đe dọa của tổng thống Mỹ khiến chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 6%". Nhật báo Pháp nhận định là "Trước đe dọa của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh tỏ ra mềm mỏng để tránh leo thang căng thẳng". Chính quyền Trung Quốc tiếp tục cử phái đoàn đến Washington bất chấp đe dọa tăng thuế nhãn tiền, gây bất ngờ của tổng thống Trump hôm Chủ Nhật.
Phản ứng của Bắc Kinh là điều gây ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Mỹ, và từ chối thương thuyết trong tình trạng "dao kề cổ". Les Echos dùng từ "học trò giỏi" để nói về thái độ nhũn nhặn của Trung Quốc, sẵn sàng thương thuyết đến cùng để đạt được một thỏa thuận với Washington nhằm chấm dứt bất đồng thương mại.
Cũng Les Echos trong bài "Nghệ thuật thương thuyết thương mại" đặc biệt chú ý đến thái độ hung hăng của tổng thống Mỹ, đe dọa làm đảo lộn sự ổn định của chứng khoán toàn cầu, từ Á sang Âu, và kể cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là thủ thuật rõ ràng của tổng thống Mỹ : Dùng đe dọa để đạt được các nhân nhượng vào phút chót.
Les Echos dự báo hai kịch bản. Kịch bản lạc quan : Donald Trump sẽ đạt được điều mà ông chờ đợi bằng các thủ đoạn hung hăng kể trên. Lý do là kinh tế Mỹ gần như không có dấu hiệu yếu kém nào. Thất nghiệp thấp chưa từng thấy, lương bổng của nhân viên các tập đoàn lớn đang tăng trở lại, thị trường chứng khoán Wall Street đang khởi sắc ngay trước tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, cũng có một kịch bản thứ hai là các dòng Tweet hung bạo của tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy đàm phán với Trung Quốc đang sắp đổ vỡ. Bởi chính quyền Bắc Kinh cũng không chấp nhận một cuộc thương thuyết với tình trạng dao kề cổ như vậy. Và kết quả sẽ là một cuộc chiến thương mại toàn cầu, với những hệ quả hết sức nặng nề.
Vùng Vịnh : Kịch bản chiến tranh Mỹ-Iran
Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thu hút sự chú ý của giới kinh tế, nhưng thế giới còn có một điểm nóng khác tại Trung Cận Đông. Tình hình đang ngày càng căng thẳng hơn với việc Tehran hôm nay, tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân, Hoa Kỳ gia tăng hiện diện quân sự, với lý do các đơn vị Mỹ tại Iraq và Syria bị đe dọa. Theo một chuyên gia Pháp am hiểu về tình hình vùng Vịnh, cho dù khó bùng phát chiến tranh với Iran, nhưng đụng độ vượt tầm kiểm soát có thể xảy ra.
Nếu chiến tranh Mỹ - Iran bùng nổ, đâu là các kịch bản chính ? Le Figaro dự đoán.
Trong trường hợp xung đột với Mỹ, rất nhiều khả năng Iran sẽ phong tỏa eo biển Ormuz, một trong các tuyến đường hàng hải tấp nập nhất thế giới, bằng thủy lôi. Hàng trăm xuồng chiến, di chuyển với vận tốc 65 hải lý/giờ, sẽ được giao nhiệm vụ rải thủy lôi, cùng với đội quân tàu ngầm cỡ nhỏ. Đội chiến xuống này có thể nhanh chóng tiếp cận các tàu chở dầu, hay các tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, để tấn công. Bên cạnh đó, Iran còn sở hữu hàng nghìn tên lửa ven bờ, đủ sức phong tỏa eo biển. Cho dù không thắng được Mỹ, nhưng chế độ Tehran có thể khiến Hoa Kỳ tổn thất nặng nề.
Theo một số chuyên gia, hiện tại không khí chiến tranh tại vùng Vịnh gia tăng. Saudi Arabia quốc gia đồng minh với chính quyền Trump, dường như đã có một kế hoạch "xâm chiếm Iran", theo một nguồn tin quân sự Pháp. Từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống mới của Mỹ, còn khoảng hơn một năm, các thế lực diều hâu có thể tìm được tiếng nói chung để phát động một cuộc chiến tại vùng Vịnh.
Bảo vệ Sinh thái : Tổng thống Pháp đột ngột lên tiếng
Trong lĩnh vực sinh thái, tổng thống Pháp đã đột ngột lên tiếng mạnh mẽ chống lại một dự án gây ô nhiễm nặng nề của các doanh nghiệp Pháp tại Nam Mỹ, vốn bị giới bảo vệ môi trường lên án lâu nay. Theo Le Monde, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổ chức chuyên gia của Liên Hiệp Quốc IPBES, đầu tuần này họp tại Paris, đã đưa ra báo động chưa từng có về nguy cơ đại diệt chủng nhãn tiền, đối với các giống loài trên trái đất. Thái độ của nguyên thủ Pháp tương phản hoàn toàn với phát biểu của ông cuối tháng trước, khép lại cuộc Thảo luận toàn quốc ba tháng, tìm giải pháp cho khủng hoảng Áo Vàng, trong đó, môi trường - sinh thái bị lu mờ.
Điểm mới trong tuyên bố hôm thứ Hai tại điện Elysée là nâng số lượng diện tích biển được bảo vệ lên 30% vào năm 2022 (so với 22%) hiện nay, trong đó 10% được bảo vệ nghiêm ngặt (nghĩa là cấm mọi hình thức can thiệp của con người). Với 11 triệu km² biển thuộc đặc quyền kinh tế, Pháp - cường quốc đại dương thứ hai thế giới - có trách nhiệm rất lớn đối với Đa dạng sinh học ở biển khơi. Paris cũng đặt mục tiêu tái chế 100% rác nhựa vào năm 2025. Một dự luật về kinh tế tuần hoàn sẽ được đưa ra trong những tuần tới.
Theo Le Monde, chính quyền Pháp đứng trước áp lực phải hành động quyết liệt hơn để nêu gương, nhằm tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực quốc tế vì sinh thái. Năm nay, Pháp là chủ tịch luân phiên G7 - khối các cường quốc công nghiệp. Paris muốn đóng vai trò kết nối cộng đồng quốc tế trong việc thông qua một Hiệp ước bảo vệ Đa dạng sinh học, dự kiến vào năm tới, cũng như tiếp tục thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris 2015.
Trang nhất các báo
Trang nhất các báo Pháp số ra mùng 8 tháng Năm 2019, tập trung trước hết vào các chủ đề thời sự lớn trong nước. "Vì sao giá xăng tăng vọt ?" là tựa của Le Monde. Libération dành hồ sơ chính cho "Thuốc giảm đau. Nạn nghiện dược phẩm ở mức báo động". Le Figaro bàn về nguy cơ liên hệ huyết thống theo truyền thống tan vỡ, nếu luật cho phép các cặp đồng tính nữ có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (PMA).
Trọng Thành
Trung Quốc "xuất khẩu" không khí ô nhiễm sang Châu Âu
Dự án "Vành đai và con đường" của Trung Quốc được chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Trong thượng đỉnh thứ hai về "Con đường tơ lụa mới", quy tụ 500 đại diện từ 123 nước về Bắc Kinh, Tập Cận Bình cho biết có hàng ngàn dự án được triển khai trong khuôn khổ siêu dự án. Từ năm 2012 đến năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào các nước tham gia dự án đã vượt quá 80 tỉ đô la. Trong số hàng ngàn dự án đó, Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực nhiệt điện than.
(Ảnh minh họa) Một nhà máy nhiệt điện gần Bắc Kinh. Từ năm 2018, Trung Quốc hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng đẩy mạnh đầu tư các nhà máy loại này ở nước ngoài. Reuters/Jason Lee
Trong bài viết "Trung Quốc đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than tại Châu Âu", báo Le Monde cho biết theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), các tổ chức, cơ quan tài chính của Trung Quốc tham gia vào ¼ số dự án nhiệt điện than trên toàn thế giới, trong khi đó nhiệt điện than lại là thảm họa cho khí hậu, vì các nhà máy phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và gây ô nhiễm không khí.
Ở trong nước, sau khi đạt mức khánh thành 1 nhà máy nhiệt điện than mỗi ngày, vào năm 2018, Bắc Kinh quyết định hạn chế khai thác các nhà máy nhiệt điện than, vốn cung cấp 60% lượng điện cho cả nước. Chính sách "bầu trời xanh" đã thúc đẩy nhiều vùng hạn chế mạnh việc sử dụng than đá, giảm nhịp độ xây thêm nhà máy nhiệt điện than, thúc đẩy sử dụng khí ga và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang xuất khẩu ngành công nghiệp nhiệt điện than. Nhiều nước như Việt Nam, Bangladesh hoặc Pakistan đều xây dựng nhà máy nhiệt điện than với sự "hỗ trợ" của các ngân hàng Trung Quốc.
Theo tổ chức Sustainable Energy của Đan Mạch, khoảng 10 nhà máy nhiệt điện chạy than ở các nước Nam Âu đang được Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng Balkan. Một số dự án của Trung Quốc có thể được triển khai ở các nước trong lòng Liên Hiệp Châu Âu, chẳng hạn Romania, Hy Lạp, cho dù Liên Âu có những mục tiêu quan trọng về bảo vệ khí hậu. Theo tổ chức Bankwatch, hầu như tất cả các nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư xây dựng ở nước ngoài đều không tuân thủ các quy định về môi trường hoặc được hưởng sự hỗ trợ, vẫn còn gây tranh cãi từ chính quyền các nước đó.
Ông Wawa Wang, tư vấn viên của tổ chức phi chính phủ Sustainable Energy của Đan Mạch cảnh báo là việc triển khai các dự án xây nhà máy nhiệt điện than nói trên có thể khiến các quốc gia mắc kẹt vào việc sử dụng than đá trong hàng trăm năm và rất khó hoàn trả cho Trung Quốc các khoản vay nợ, còn môi trường sẽ bị phá hủy đến mức không thể phục hồi được.
Cho dù là dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có đề ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường, nhưng theo ông Jonathan Elkind, thuộc Trung tâm nghiên cứu năng lượng, Đại học Columbia, Hoa Kỳ, thì yếu tố môi trường không được nhấn mạnh là "thiết yếu" trong các tài liệu định hướng của dự án "Vành đai và con đường", thêm vào đó, không có điều nào ghi rõ là các dự án dẫn tới việc phát thải nhiều khí CO2, chẳng hạn các dự án xây nhà máy nhiệt điện than, bị cấm. Chuyên gia Jonathan Elkind nhấn mạnh Bắc Kinh phải nhanh chóng xem xét lại chính sách này, nếu không các đầu tư trong khuôn khổ dự án "Vành đai và con đường" sẽ có những tác động nghiêm trọng tới môi trường, ở tầm mức quốc gia, cũng như trong khu vực và trên toàn cầu.
Đa dạng sinh học trong cơn hiểm họa
Đề tài được nhiều báo Pháp ngày 07/05/2019 quan tâm đặc biệt là hệ đa dạng sinh thái. Báo Le Monde dành cả tiêu đề trang nhất, bài xã luận và ba trang bài cho hồ sơ lớn "Đa dạng sinh học đang gặp hiểm họa". Tờ báo giật tít lớn "Một triệu giống loài có nguy cơ biến mất. Chưa phải là quá muộn để hành động".
Trong bài xã luận "Loài người đối mặt với trách nhiệm", Le Monde nhắc lại là cách nay 65 triệu năm, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5 đã xảy ra, tiêu diệt 3/4 số giống loài trên Trái đất. Những cuộc đại tuyệt chủng trước đó hàng trăm triệu năm đã tiêu diệt 95% số sinh vật sống. May mắn là chúng ta chưa rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng không gì có thể phủ nhận là hành tinh của chúng ta đang hướng tới cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 và sự kiện này sẽ xảy ra với nhịp độ rất nhanh, tức là chỉ trong vài thập niên. Và thủ phạm duy nhất chính là loài người.
Hội nghị GIEC của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu hôm 06/05 đã phát đi lời cảnh báo đến toàn thế giới về mức độ tiệt chủng các giống loài tự nhiên nghiêm trọng chưa từng có, nhanh gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với 10 triệu năm qua. Một triệu giống loài động, thực vật, trên cạn cũng như dưới biển (1/8 tổng số) đang có nguy cơ biến mất. Và tốc độ tuyệt chủng đang tăng nhanh khủng khiếp.
Theo nhận định của giới khoa học, con người phải chịu trách nhiệm về nguy cơ các giống loài sinh vật tuyệt chủng không kém gì so với trách nhiệm làm Trái Đất nóng dần lên, ít nhất là vì hai lý do. Thứ nhất, không gì có thể thanh minh cho việc loài người tự ban cho mình quyền cho các giống loài khác được sống hay phải chết. Ấy vậy mà hệ đa dạng sinh học lại sụp đổ chỉ vì con người. Loài người đã tàn phá cuộc sống của nhiều giống loài trong tự nhiên, khai thác thái quá các nguồn tài nguyên đất, rừng, đại dương, khiến khí hậu biến đổi chệch hướng, thải rác, nhựa, thuốc trừ sâu khiến các hệ sinh thái bị ô nhiễm...
Lý do thứ hai là loài người là một phần không thể tách rời khỏi hệ đa dạng sinh học, và số phận của loài người cũng gắn liền với số phận của các loài động - thực vật. Sự thật là khi ngầm phá hoại đa dạng sinh thái, loài người đã đẩy tương lai của chính chúng ta vào hiểm họa.
Le Monde khẳng định đáp án hiện nằm trong tay chính phủ các nước. Năm 2010, tại Hội nghị đa dạng sinh thái ở Aichi, Nhật Bản, các quốc gia đã đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hầu như không có mục tiêu nào đạt được. Hội nghị sẽ lại được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối năm 2020. Le Monde nhấn mạnh là lần tới các nước tham gia sẽ phải đưa các cam kết cụ thể, với sự tham gia của các tác nhân kinh tế và xã hội dân sự.
Họ cũng không thể lẩn tránh câu hỏi về cách thức phát triển ít có hại tới thiên nhiên, cũng như về sự đóng góp tài chính, cách phân chia đóng góp giữa các nước giàu với các nước nghèo để duy trì và khôi phục hệ sinh thái. Hiện nay, toàn thế giới đóng góp 8 tỉ euro/năm cho công tác này. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, cần có tới 200-300 tỉ euro/năm. Le Monde kết thúc bài xã luận bằng câu hỏi để độc giả tự suy ngẫm : "Chúng ta định giá sự sống đáng giá bao nhiêu ?".
Bảo vệ con người hay bảo vệ thiên nhiên ?
Cũng giống như Le Monde, báo Le Figaro dành cả tít trang nhất, bài xã luận và hồ sơ hai trang cho đề tài đa dạng sinh thái. Trên trang nhất, Le Figaro đặt câu hỏi "Một triệu loài bị đe dọa : Liệu chúng ta có thể cứu được không ?". Trong bài xã luận "Nghịch lý Prométhée", tác giả tóm lược nghịch lý : con người có được lửa, đồng nghĩa với sức mạnh, sự sống và tiến bộ, và với ngọn lửa đó, co người đang phá hủy Trái đất. Những cánh đồng bị ô nhiễm, những khu rừng bị chặt đốn, tài nguyên biển cạn dần...
Chúng ta đang bất lực đứng xem một cảnh tượng kinh hoàng : Thiên nhiên đang chết dần, trở thành một kiệt tác sống nhưng lại lâm cảnh nguy khốn. Sự tăng trưởng kinh tế thế giới đã đưa một phần nhân loại thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Nhưng cái giá phải trả cho môi trường là gì ? Phải cứu con người hay cứu tự nhiên ? Nhất là khi loài người thì lại cần thiên nhiên. Đối với Le Figaro, đây là sự lựa chọn giữa hai ngả đường ở thời hiện đại mà hiện chúng ta vẫn chưa suy tính xong.
Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người
Trong khi đó, trong bài xã luận "Tất cả mọi người đều có trách nhiệm", báo La Croix lại hướng độc giả đến những việc cần làm để bảo vệ sự đa dạng sinh học : chọn phương thức tiêu dùng, ưu tiên phát triển nền kinh tế bền vững hơn, tiêu thụ bớt năng lượng, sử dụng ít hóa chất hơn, tiêu dùng ít thực phẩm, nước hơn, ưu tiên mua các sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất hơn là hàng hóa được nhập từ những nơi xa xôi trên thế giới, giảm lượng rác thải ra môi trường, sử dụng vật dụng trong thời gian lâu dài hơn... La Croix cũng nhấn mạnh là nỗ lực của mỗi cá nhân phải đi kèm với trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, cho dù là lãnh đạo doanh nghiệp hay lãnh đạo nhà nước.
Ấn Độ : Cuộc chiến chống đói nghèo vẫn là thách thức đối với thủ tướng Modi
Nhìn sang Châu Á, báo Le Figaro nhận định "Tại Ấn Độ, cuộc chiến chống đói nghèo vẫn là một thách thức đối với thủ tướng Modi". Hồi năm 2014, trong chiến dịch tranh cử thủ tướng, ông Modi đã đặt ưu tiên là "xóa xổ nạn đói nghèo trong vòng một thế hệ". Trong vòng 5 năm qua, chính phủ của ông Modi đã khởi động kế hoạch cải thiện điều kiện sống của 400-600 triệu người nghèo, làm sạch các thành phố và xây dựng nhà vệ sinh, trợ giá cho các gia đình nghèo sử dụng khí ga phục vụ sinh hoạt, mở tài khoản ngân hàng cho người nghèo, cung cấp cho mỗi gia đình có khó khăn một gói bảo hiểm y tế có giá tương đương 6.500 euro/năm...
Tuy nhiên, 5 năm sau khi ông Modi lên cầm quyền, mọi chuyện vẫn chưa thay đổi nhiều, vẫn còn hố sâu ngăn cách giữa những lời hứa và thực tế. Chẳng hạn, trong một khu ổ chuột ở phía nam Delhi, các cư dân vẫn không có nhà vệ sinh riêng, hàng ngàn người dân chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí có nhiều nhà vệ sinh công cộng được phá đi để xây nhà vệ sinh mới, nhưng sau đó chẳng có nhà vệ sinh nào được xây mới cả. Điều đáng lo ngại hơn là nước trong đường ống cấp nước lại không phải là nước sạch.
Thùy Dương
Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải của Châu Á ?
Bài viết trên báo Le Figaro, trang 17 thu hút độc giả quan tâm về Châu Á. Kèm theo đó là ba tấm bản đồ về các vùng biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương với các hàng chú thích "Một khu vực chiến lược đối với các hoạt động thương mại... tâm điểm của tham vọng Trung Quốc... có thể dẫn tới xung đột".
Chiến hạm Pháp Le Vendémiaire (F734), bắt đầu chuyến ghé thăm hữu nghị Manila (Philippines) ngày 12/03/2018. Reuters/Romeo Ranoco
Cyrille Pluyette trở lại với sự kiện tháng 4/2019, Trung Quốc tức giận vì Pháp điều chiến hạm Vendémiaire đi ngang eo biển Đài Loan. Bắc Kinh coi đây là một hành vi "bất hợp pháp" vì "không muốn bất kỳ một ai gây trở ngại cho tham vọng của mình đối với vùng biển này".
Tác giả lần lượt giải đáp các câu hỏi : "Tại sao Bắc Kinh đã có phản ứng khi tàu Vendémiaire tiến vào eo biển Đài Loan ? Phải chăng Bắc Kinh xem toàn bộ eo biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc" ? Về phía Paris, Hải quân Pháp cho biết "trung bình mỗi năm vẫn đi ngang khu vực eo biển Đài Loan một lần" và hoạt động trong vùng biển được phép lưu thông. "Vậy tại sao lần này Trung Quốc lại phản ứng gay gắt" ?
Hai lý do cho phép trả lời câu hỏi này : thứ nhất Bắc Kinh bực mình vì cho rằng Paris về hùa với Mỹ, thực thi quyền "tự do hàng hải" và Trung Quốc muốn dằn mặt Pháp sau khi tổng thống Macron thông báo tăng cường hiện diện trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, đẩy mạnh hợp tác với hải quân Nhật Bản trong vùng. Thứ nhì, là Trung Quốc muốn thị uy vài tuần lễ trước diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Singapore và chiếc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp sẽ dừng lại tại cảng Singapore nhân dịp này.
Một số các câu hỏi khác được tác giả bài báo trên Le Figaro nêu ra : "Đâu là mục đích của Hải quân Mỹ khi đưa tàu chiến vào vùng eo biển Đài Loan ? Thực hư về sức mạnh của Hải quân Trung Quốc và liệu rằng tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc có đang thay đổi trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hay không" ?
Chiến thuật của Bắc Triều Tiên để mặc cả với Mỹ
Cũng Le Figaro trở lại với vụ Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm tên lửa tầm ngắn cách nay hai ngày và tờ báo ghi nhận : "Kim Jong-un phô trương cơ bắp nhằm thúc đẩy trở lại đàm phán với Hoa Kỳ".
Trăng mật Donald Trump – Kim Jong-un có dấu hiệu "mệt mỏi" từ sau hai thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội. Một chuyên gia Mỹ cho rằng đến nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn chưa "nuốt trôi" việc ông đã ra về tay không sau lần gặp gỡ cuối cùng với tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Do vậy, các động thái gần đây như vụ thử vũ khí chiến thuật có trang bị hệ thống dẫn đường vào tháng 4/2019, và vụ thử tên lửa từ bãi Hodo hôm 04/05/2019 là "một thông điệp nhằm thúc giục Donald Trump quay lại bàn đàm phán, với những đòi hỏi mà Bình Nhưỡng có thể dễ chấp nhận hơn. Đồng thời đây cũng là cách để Kim Jong-un trấn an công luận Bắc Triều Tiên" về khả năng quân sự của chế độ.
Le Figaro trích lời chuyên gia Scott Snyder thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Mỹ, Council of Foreign Relations, Kim Jong-un phải tỏ ra cứng rắn để chứng minh về thế mạnh của ông đã phần nào bị sứt mẻ từ sau thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Chính vì muốn củng cố sức mạnh mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khai thác lá bài ngoại giao qua việc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Mỹ Su Mi Terry thuộc trung tâm CSIS chờ đợi : "Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục cho thử nghiệm tên lửa, nhưng sẽ không vượt quá lằn ranh đỏ, nghĩa là sẽ tránh thử nghiệm tên lửa liên lục địa, và sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước lớn trên thế giới" để mặc cả với Washington.
Pháp : Thực tế thách thức tổng thống Macron
Ngày mai 07/05/2019 đánh dấu đúng hai năm Emmanuel Macron, đắc cử tổng thống Pháp. Hai năm trong điện Elysée, Emmanuel Macron là một vị tổng thống "cô đơn", tựa của La Croix trên nền bức ảnh ông một mình trên những bậc thềm của phủ tổng thống. Tờ báo phân tích : "Macron không có được những vị bộ trưởng tầm cỡ, chính phủ thiếu trọng lượng còn đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông thì còn quá non nớt. Đó là những nhược điểm lớn của chủ nhân điện Elysée". La Croix so sánh : tháng 6/2017 trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, Emmanuel Macron được 57 % người Pháp tín nhiệm. Gần hai năm sau, theo thăm dò được thực hiện hồi tháng 4/2019, chính sách của nguyên thủ Pháp chỉ còn được 26 % dân chúng tán đồng.
Báo Le Figaro nói đến hai năm "Thực tế đặt vị tổng thống trước những thử thách". Tờ báo thiên hữu phân tích tổng thống Pháp đánh mất hào quang từ sau tai tiếng mang tên Benalla bị phơi bày ra ánh sáng. Alexandre Benalla là một cận vệ và cũng là người thân tín nhất của Macron. Tiếp theo đó là nhiều nhân vật nặng ký trong chính phủ, nhiều cố vấn trung thành với Emmanuel Macron đua nhau từ chức. Tham vọng cải tổ sâu rộng đất nước từ kinh tế, đến xã hội, y tế và cả kế hoạch cải tổ Hiến pháp tổng thống Macron muốn tiến hành đều bị đóng băng. Ngay cả tham vọng cải tổ Liên Hiệp Châu Âu cũng không còn sức thuyết phục đối với các đối tác chính của Paris, đứng đầu là Đức.
Đến mùa thu vừa qua, phong trào Áo Vàng bùng lên và đã kéo dài suối 25 tuần lễ mà vẫn chưa tới hồi kết. Tổng thống Emmanuel Macron đã hai lần thông báo một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu công luận, tốn hàng chục tỷ euro. Nhưng Le Figaro lo ngại vẫn chưa giải tỏa được những bức xúc trong xã hội, của những "người nổi loạn vì bất công thuế khóa".
Báo Le Figaro tiếc rằng, "khủng hoảng Áo Vàng đã buộc Emmanuel Macron phải hoãn lại nhiều dự án cải tổ" từ kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng, đến hệ thống an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp ...
Bà phù thủy trong thung lũng tin học Silicon Valley
Les Echos tặng cho một phụ nữ danh hiệu "cơn ác mộng của vùng thung lũng tin học Silicon Valley. Đó là nhà báo Kara Swisher, 56 tuổi : người đàn bà có ảnh hưởng lớn nhất ở sườn tây nước Mỹ. Bà đã chứng kiến ngày những tập đoàn như Netscape hay AOL ra đời, mời từ Steve Jobs đến Bill Gates tham luận, và cũng là người đã tấn cho Yahoo! một đòn chí tử, là người khiến Marc Zuckerberg đổ mồ hôi hột.
Sở dĩ có quyền sinh sát trong tay như vậy do Kara Swosher có 1,3 triệu followers trên Twitter, là sáng lập viên của trang mạng Re/code và từ 20 năm qua, chỉ cần một tiếng nói của bà cũng đủ để những công ty high tech ở thung lũng Silicon Valley "lên voi hay xuống chó".
Cựu lãnh đạo Twitter Dick Costolo giải thích : "Kara Swisher mà nhắc đến tên của hãng nào, là lập tức người người nghe theo. Bà là một nhà báo ngoại hạng và rất có uy tín với giới trong ngành. Người ta theo chân bà trên các mạng xã hội để xem Kara phán những gì. Swisher là một loại hàn thử biểu rất chính xác".
Người Mỹ hào phóng với nhà thờ Đức Bà Paris
Người Mỹ hào phóng đóng góp để xây dựng lại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Phụ trang văn hóa của tờ Le Figaro cho biết quỹ FHS có trụ sở tại New York, từ ba tuần qua làm việc không ngơi tay. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu người liên lạc với quỹ này, để tặng khi thì 5 khi thì 10 đô la hay 10 triệu đô la, giúp nước Pháp xây dựng lại Nhà Thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn hôm 15/04/2019.
Một quỹ khác mang tên Những người Bạn của Notre Dame đến nay đã quyên góp được 850.000 đô la... Các buổi hòa nhạc gây quỹ tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris được dân New York, Washington hay San Francisco, New Orleans nhiệt tình tham gia. Trong số các vị mạnh thường quân ấy, có rất, rất nhiều người chưa bao giờ được đặt chân đến Pháp, Paris hay Nhà Thờ Đức Bà.
Nhưng một người nói với phóng viên của báo Le Figaro, "Notre Dame de Paris là của tất cả mọi người, của cả thế giới (...) Vụ hỏa hoạn vừa rồi là hồi chuông thức tỉnh công luận, rằng tất cả mọi người đều họ có trách nhiệm chăm chút cho di sản mà chúng ta đã kế thừa của cha ông, và đến lượt chúng ta phải tiếp tục gìn giữ những gì đã có để truyền lại cho các thế hệ sau này".
"Điện Biên Phủ, lòng chảo tai họa"
"Cách nay 65 năm, quân đội Pháp xem thường sức mạnh của Việt Minh, thất trận thảm bại trong lòng chảo Bắc Kỳ. Các hiệp định hòa bình sau đó là điểm khởi đầu, khai tử đế chế thực dân".
Ảnh tư liệu ngày 22/04/1954 : Bộ đội Việt Nam tấn công vị trí của lính Pháp tại sân bay Mường Thanh trong trận Điện Biên Phủ.AFP / VNA FILES
Laurent Joffrin của báo Libération mở đầu bài viết về trận đánh Điện Biên Phủ như trên và tờ báo dành bốn trang để nhìn lại sự kiện này.
Ngày 15/03/1954 trung tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ dùng lựu đạn tự sát. Cả một biểu tượng. Qua cử chỉ tuyệt vọng của Piroth người ta ý thức được rằng "chính sách thực dân bắt đầu lung lay, chiến tranh Đông Dương vừa xa vời, vừa không được lòng dân, là một cuộc chiến đẫm máu, phi lý và vô ích".
Libération nhắc lại với độc giả chặng đường dài từ tháng 3/1954 rồi đến cuộc tổng tấn công ngày 01/05 và hồi kết ngày mồng 7 : Pháp thất thủ. Khoảng 8.000 lính Việt Nam thiệt mạng ; 2.000 bên phía Pháp ; 11.000 tù binh. Trong số này, chỉ có 3.290 người sống sót cho tới sau hiệp định hòa bình 20/07/1954.
"Điện Biên Phủ là hồi kết của những năm dài trong chính sách thực dân của Pháp. Sau Điện Biên Phủ, Mặt trận Giải phóng Algeria FNL vùng lên. Chiến thắng của Võ Nguyên Giáp tạo nên sức mạnh cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tại các quốc gia bị đô hộ (...) Độc lập của các quốc gia này nảy sinh từ lòng chảo ẩm ướt nơi vùng núi rừng Bắc Kỳ : Điện Biên Phủ".
Bên cạnh bài viết của Laurent Joffrin, tờ báo đã tìm đến với hai nhân vật đã trải qua trận đánh lịch sử này. Người thứ nhất là đại tá Jacques Allaire, một lính dù trong trận đánh Điện Biên Phủ. 65 năm sau ông gọi đấy là một "thảm họa" đã "ngấm vào da thịt ông".
Nhân vật thứ nhì là ông Đoàn Minh Tuấn. Mùa xuân năm 1954 trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông là một công binh 17 tuổi. Libération gặp được ông trong căn hộ ở Antony, ngoại ô phía nam Paris. Tiếp phóng viên Libération, ông cụ nói : suýt quên mất ngày mồng 7 tháng 5, và đã "sang trang" giai đoạn ấy.
Nhưng chỉ cần khơi lại một chút ký ức, những hình ảnh Điện Biên Phủ lại tràn về. Ông còn nhớ rõ, trong trận đánh quyết định ngày 13 tháng 3, có từ 20 đến 30 người trong đơn vị đã ngã xuống. Ông chỉ bị thương nhẹ ở chân. Gần hai tháng sau, khi quân Pháp đầu hàng, ông đã trông thấy những binh sĩ Pháp "rất gầy gò và rất thiểu não".
65 năm sau, cụ Đoàn Minh Tuấn mỉm cười "chiến tranh là một bài học trải nghiệm của thời trai tráng. Nhưng không có gì là anh hùng cả, có biết bao người cũng đã trải qua kinh nghiệm này".
Thanh Hà
Mỹ bóp nghẹt về dầu lửa, Iran vất vả tìm cách sống sót
Các bài học cần rút ra từ ngày lễ Lao động 1/5 vừa qua, ảnh hưởng của các nghiệp đoàn lên giới công chức, vụ những người biểu tình đột nhập vào bệnh viện La Pitié-Salpétrière, các nhà hát Opéra tại Pháp, sức mua....là tựa chính các báo Paris hôm nay. Về thời sự quốc tế, tình hình Venezuela và Iran được bàn luận nhiều nhất.
Một giàn khoan dầu ở giếng Soroush của Iran trên vịnh Péc-xích. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/07/2005. Reuters/Raheb Homavandi/File Photo
Suy thoái, lạm phát đang chờ
Còn tại Trung Đông, Libération nhận định "Trừng phạt Iran : Phương pháp thô bạo của Trump", Les Echos nói về "Cú siết cuối cùng của Hoa Kỳ lên dầu lửa Iran", "Washington gia tăng áp lực lên Iran", theo Le Monde. Hôm qua Hoa Kỳ thông báo không còn đặc miễn cho bất kỳ nước nào để mua dầu của Iran. Sự bóp nghẹt này có thể làm lạm phát của Iran lên đến 37% và tạo ra suy thoái ở mức kỷ lục.
Trong số 8 nước trước đây còn được mua, Ấn Độ lập tức ngưng, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ suy nghĩ lại, còn Đài Loan, Ý, Hy Lạp thì đã ngưng giao dịch trước đó. Bắc Kinh vốn mua của Iran 580.000 thùng dầu/ngày trong năm ngoái, mạnh mẽ tố cáo Washington, nói rằng không chấp nhận tuân lệnh Mỹ, nhưng Tehran chẳng nhận được đơn đặt hàng nào trong tháng Năm của Trung Quốc cũng như các nước khác.
Le Mondenhận định "Các phương tiện né tránh cấm vận giảm xuống nhiều đối với Tehran". Năm ngoái, toàn bộ các tàu hàng của Iran đều vô hiệu hóa hệ thống định vị GPS từ vùng biển quốc gia cho đến eo biển Ormuz để chống theo dõi. Nhiều vụ sang mạn dầu lửa ngoài khơi đã được ghi nhận tại vùng biển xung quanh các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, xuất xứ dầu thô Iran được che giấu bằng giấy tờ giả.
Khó thể lén lút bán đến 1 triệu thùng dầu/ngày
Nhưng Abudi Zein, giám đốc công ty ClipperData chuyên nghiên cứu lượng giao dịch dầu lửa quốc tế khẳng định : "Không dễ che giấu một lượng dầu quá lớn, Iran chỉ có thể xuất đi tối đa 350.000 thùng/ngày từ tháng Giêng đến tháng Hai năm 2019". Bà Sara Vakhshouri, cựu giám đốc Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) cho rằng ước tính trên vẫn còn quá cao, Tehran chỉ có khả năng xuất lậu được khoảng 150.000 – 200.000 thùng. Đặc biệt là do mạng lưới vệ tinh và ăng-ten theo dõi đã dày đặc thêm từ 5 năm qua. Việc xử lý khối lượng dữ liệu được tự động hóa, và các hình ảnh vệ tinh ngày càng chính xác, giúp ước tính được trọng tải của các tàu.
Cho đến năm 2015, Iran bí mật chuyển dầu bằng đường bộ sang Thổ Nhĩ Kỳ và được trả bằng vàng để né tránh chuyển ngân. Nay Tehran cũng có thể sử dụng cách tương tự với miền nam Iraq hay Azerbaizan, hoặc đưa dầu qua biển Caspi (Caspienne). Nhưng làm thế nào nhận tiền mà không bị Mỹ phát hiện ? Một chuyên gia nhận xét : "Iran luôn có thể lén bán dầu, nhưng cần phải bán được 1 triệu thùng mỗi ngày để có thể sống sót, như thế là quá nhiều !".
Cấm vận và nghĩa địa máy bay ở thủ đô Tehran
Trong khi chính quyền khoe khoang đã chống chọi được trước các trừng phạt của Mỹ, những chiếc phi cơ chờ đợi phụ tùng thay thế hay đã quá cũ nằm chen chúc tại sân bay Mehrabad, ở thủ đô Iran. Libération mô tả tình trạng này trong bài viết "Ngay giữa Tehran, một nghĩa trang máy bay cồng kềnh".
Từ trên không nhìn xuống là cả một khung cảnh lộn xộn : những cánh máy bay đan chéo nhau, mũi chiếc này đụng vào hông chiếc kia hoặc húc vào chiếc khác… ngay cả dùng Google Maps cũng thấy được, chẳng cần hình ảnh vệ tinh. Chúng phải nằm bẹp trên mặt đất do bị quốc tế cấm vận từ 40 năm qua, và từ năm 2018 tổng thống Mỹ Donald Trump lại siết chặt thêm, cấm bán phụ tùng máy bay cho Tehran.
Phát ngôn viên tổ chức hàng không dân dụng Iran (OACI) nói với các nhà báo là số chuyến bay đã tăng lên gấp 10, và số phi trường thì gấp đôi, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên theo Libération, số phi cơ bay được chỉ là 145/311 chiếc vì cũ kỹ, chúng trở thành nguy hiểm. Tỉ lệ hành khách tử vong lên đến 1,89 trên 1 triệu người, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,34.
Với hiệp định nguyên tử Iran, Mỹ cho phép Tehran được mua máy bay và phụ tùng. Airbus đã bán được 118 chiếc trị giá 27 tỉ đô la cho Iran Air, cho thuê thêm 29 chiếc với giá 17 tỉ đô la ; một số công ty hàng không nhỏ hơn cũng đặt mua nhiều máy bay. Nay hầu như không có chiếc nào được giao ngoài ba chiếc Airbus lúc đầu. Về phụ tùng, một công ty Na Uy là Norwegian Air Shuttle đã có kinh nghiệm xương máu khi phải hạ cánh khẩn cấp xuống Shiraz, miền nam Iran và phải nằm ở đó suốt hai tháng trời chờ OFAC, cơ quan áp dụng cấm vận của Mỹ cấp giấy phép mới sửa chữa được.
Diễn biến cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela
"Tại Venezuela, Maduro chống chọi với cuộc tấn công mới của Guaido", đó là nhận xét của Le Monde. Trong khi đó, "Washington hy vọng lôi kéo được những người ủng hộ chế độ".
Thủ lãnh đối lập Juan Guaido đã kêu gọi tham gia "cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử đất nước"vào ngày 1/5. Nhưng 24 giờ trước đó, ông gây bất ngờ khi tung ra "giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do" chống Maduro, và đã không thành công. Ông Maduro đã chiến thắng, như những người ủng hộ ông khẳng định, hay ngược lại, sự kiện này đã làm chế độ thêm yếu đi và chia rẽ ?
Đặc phái viên của Le Monde tại Caracas thuật lại, ngay từ rạng đông hôm thứ Ba 30/4, một video của Juan Guaido đã xuất hiện trên các mạng xã hội. Ông đứng cạnh Leopoldo Lopez, thủ lãnh chính trị uy tín đã bị kết án 14 năm tù, cùng với nhiều vệ binh quốc gia vũ trang, gần một căn cứ quân sự ở La Carlotta, trung tâm Caracas. Ông Lopez từ cuối năm ngoái được chuyển sang quản thúc tại gia, và vừa được các quân nhân giải thoát. Những người lính đứng bên cạnh đều đeo băng xanh, tỏ dấu hiệu đứng về phía chiến dịch Tự Do.
Các nhà đối lập tin rằng thời khắc đã đến, các tướng lãnh đã bỏ rơi Maduro, những lời kêu gọi xuống đường nở rộ trên các mạng xã hội. Trong nhiều tiếng đồng hồ, tình hình vẫn lộn xộn : hơi cay, đạn cao su được bắn vào đám đông, ông Nicolas Maduro không thấy xuất hiện. Métro không hoạt động, nhiều trang web thông tin bị đóng. Trên Twitter, hình ảnh một xe bọc thép của cảnh sát lao vào những người biểu tình gây lo sợ bạo động. Đến chiều thì đã rõ : các tướng lãnh không theo phe đối lập. Leopoldo Lopez và gia đình vào tị nạn tại đại sứ quán Chilê, sau đó sang tòa đại sứ Tây Ban Nha. Buổi tối, mới thấy ông Maduro trên truyền hình.
Maduro trụ lại được, nhưng ngờ vực bao trùm
Thông tín viên Le Monde tại Washington dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thêm : "Một chiếc máy bay đã đậu sẵn trên đường băng, Maduro đã định chạy trốn nhưng người Nga khuyên không nên".
Theo những người thân cận của ông Guaido, thì"giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do"dự kiến vào thứ Tư 1/5. Nhưng có thông tin là chế độ định bắt giam cả hai thủ lãnh Guaido và Lopez, khiến họ phải tiến hành sớm hơn. Dường như sự phối hợp với các nhà đối lập khác bị trục trặc. Maduro đe dọa trừng trị những quân nhân phản bội. Còn phe đối lập cho rằng đã thắng khi chính quyền không dám bắt giữ hai thủ lãnh.
Le Monde cho biết các tướng lãnh đã do dự mất nhiều tiếng đồng hồ, còn các lãnh đạo ở tỉnh thì buộc chế độ phải trả giá đắt cho sự trung thành của họ. Theo Washington, liên lạc đã được thiết lập với nhiều tướng tá và nhân vật quan trọng trong chính quyền, nhưng vào phút chót họ lại đổi ý. Nhà cựu ngoại giao Nicolas Rojas nhận xét : "Maduro giờ đây nghi ngờ lòng trung thành của các tướng và những người thân cận. Ông ta vẫn chống chọi được nhưng không còn lãnh đạo nổi".
Tại Paris, đại diện của ông Guaido giải thích chiến lược là nhằm duy trì áp lực thường trực lên chế độ, dần dà tranh thủ giới quân đội. Le Monde ghi nhận ý kiến của một người dân : "Kêu gọi tổng đình công tại một đất nước không làm việc, chẳng sản xuất được gì ? Thật vô nghĩa !". Ông tin rằng chỉ có can thiệp quân sự mới thay đổi được chính thể, và nhiều người Venezuela khác cũng chia sẻ quan điểm này.
Vùng phi quân sự Triều Tiên sẽ thành khu du lịch
Về Châu Á, đặc phái viên La Croix mô tả vùng phi quân sự Triều Tiên, vẫn còn là khu vực quân sự nhưng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái trong tương lai.
Hiệp định quân sự liên Triều được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Bàn Môn Điếm hồi tháng Chín năm ngoái dự kiến biến vùng phi quân sự (DMZ), biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh, thành vùng đất hòa bình. Nhiều con đường dã ngoại sẽ được mở ra từ nay cho đến mùa xuân, "du lịch sinh thái" được thử nghiệm với một nhóm nhà báo quốc tế. Năm ngoái có sáu triệu du khách đến thăm trong đó 40% là khách ngoại quốc, và văn phòng du lịch Gyeonggi dự định xây dựng cáp treo, công viên giải trí. Họ cho biết "Người miền Bắc không còn là kẻ thù", sau làn sóng hòa bình mới đây.
Tuy vậy vẫn còn một triệu lính Bắc Triều Tiên ở phía bên kia, và gần 600.000 quân nhân (trong đó có 25.000 lính Mỹ) đóng ở phía Nam. Mối đe dọa vẫn còn đó, dù không rõ rệt như trong quá khứ. Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhận xét : "Sau phép lạ kinh tế Hàn Quốc, chúng tôi cần phải hoàn tất phép lạ cuối cùng, đó là thống nhất đất nước".
Thụy My
Ngày Quốc tế Lao động tại Pháp : An ninh đảm bảo, chính phủ thở phào
Tình hình ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng Năm 2019 là tâm điểm báo chí Pháp ngày 02/05/2019. "Chính phủ thở phào nhẹ nhõm" (Le Figaro), mưu toan phá phách, bạo động về cơ bản "bị vô hiệu hóa" (Libération), nhiều đụng độ, nhưng "không đáng kể" so với bạo lực hồi Quốc tế Lao động hồi năm ngoái (Les Echos) là tựa chính của một số báo.
Tuần hành ngày Quốc tế Lao động 01/05/2019 tại Paris : Nhiều người Áo Vàng trong hàng ngũ biểu tình của các nghiệp đoàn. ReutersS/Gonzalo Fuentes
Tình hình đặc biệt căng thẳng tại Paris, Le Figaro ghi nhận không khí lạ lùng của ngày Quốc tế Lao động tại Paris, khi "hoa linh lan trắng" - một biểu tượng ngày hội của người lao động - chìm trong khói lựu đạn cay. Các lời kêu gọi "Cách mạng ! Cách mạng !" vang dội ngay từ 10 giờ sáng, tức nhiều tiếng đồng hồ trước thời điểm tuần hành chính thức bắt đầu.
Riêng Paris, khoảng 7.400 cảnh sát và hiến binh được huy động, so với 1.500 người hồi năm ngoái. Theo bộ Nội Vụ, khoảng 28.000 người xuống đường ở Paris, 40.000 theo báo chí, và 80.000 theo nghiệp đoàn CGT.
"Ngày mùng 1 tháng Năm căng thẳng" là tựa lớn trang nhất của La Croix, với nhận định : "tại Paris, một số va chạm đã xảy ra giữa nhiều phần tử cực đoan và lực lượng an ninh cản trở cuộc tuần hành, với Áo Vàng là thành phần nổi bật".
"Vàng" át "Đỏ"
La Croix cũng có bài "Tại Paris, một ngày mùng 1 tháng Năm, Vàng át Đỏ". "Vàng" để chỉ những người tranh đấu Áo Vàng, còn "Đỏ" để chỉ giới tranh đấu nghiệp đoàn. Tờ báo Ccông giáo phân biệt rõ những người Áo Vàng hiện diện đông đảo trong cuộc tuần hành của các nghiệp đoàn, với một số phần tử "Áo Vàng" chống nghiệp đoàn, sẵn sàng tham gia vào các hành động phá phách cùng với các nhóm Áo Đen bịt mặt.
Xã luận của La Croix với tựa đề "Ý nghĩa của một ngày hội" đứng về phía các nghiệp đoàn, lo ngại ngày Lao động Quốc tế không khí hội hè, tranh đấu trong hòa bình và thân ái, bị bạo lực phá hỏng. Tuy nhiên, Paris đã không biến thành "thủ đô của bạo động", hay "ngày Tận thế" như một số đe dọa.
Bài "Chính phủ thở phào sau cuộc biểu tình nằm trong tầm kiểm soát" của Le Figaro chia sẻ nỗi lo của bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner trước ngày mùng 1 tháng Năm. Hôm qua, bộ trưởng Nội Vụ đã trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo công đoàn thiên tả CGT, Philippe Martinez, để trao đổi về nguy cơ một số phần tử "Áo Vàng" phối hợp với các nhóm Black Blocs gây hỗn loạn. Theo Le Figaro, chính lực lượng an ninh đông đảo được huy động đã cho phép tránh được "hỗn loạn".
Cảnh sát được khen ngợi
Libération cũng đặc biệt chú ý đến tình thế nguy hiểm cao độ đối với tổng thống Emmanuel Macron. Hồi tuần trước tổng thống Pháp vừa thông báo một loạt biện pháp nhằm tăng sức mua, đáp ứng các đòi hỏi của tầng lớp trung lưu và dân nghèo, nhằm chấm dứt cuộc phản kháng Áo Vàng, phong trào xã hội chưa từng có, kéo dài từ nửa năm nay. Nếu ngày Quốc tế Lao động hôm qua kết thúc trong hỗn loạn, uy tín của tổng thống sẽ bị tổn thương nặng nề.
Tờ báo thiên tả Libération cũng khen ngợi lực lượng cảnh sát đã có các biện pháp xử trí hợp lý, cho phép giới hạn thiệt hại. Bài "Black Bloc xì hơi, cảnh sát yên lòng" cho biết, với việc chọn đúng địa điểm để can thiệp, theo dõi sát sao, kiểm soát trước để ngăn chặn…, cảnh sát về cơ bản đã không cho phép các phần tử cực đoan rảnh tay hoành hành. Tổng cộng đã diễn ra gần 20.000 trường hợp kiểm soát ngăn chặn, 336 trường hợp câu lưu. Tuy nhiều va chạm diễn ra, nhưng rốt cục, chỉ có 33 trường hợp bị thương nhẹ, về phía người biểu tình. Về phía cảnh sát có 5 người bị thương, trong đó có một bị thương nặng.
Thu hút nhiều giới trẻ
Một lý do khác khiến tình hình ít nghiêm trọng hơn là chỉ có khoảng 500 phần tử cực đoan hiện diện tại Paris ngày hôm qua, so với từ 1.500 đến 2.000 theo dự báo của bộ Nội Vụ.
Tuy nhiên, có nhiều bất bình từ về phía các công đoàn. Theo Les Echos, lãnh đạo công đoàn CGT đã lên án việc đoàn tuần hành bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa cảnh sát và các phần tử cực đoan, bản thân lãnh đạo CGT, đứng trên hàng đầu cuộc tuần hành, cũng bị tấn công bằng lựu đạn khói, buộc phải tạm rời khỏi đoàn. Đích thân bộ trưởng Nội Vụ đã gửi lời hỏi thăm sức khỏe lãnh đạo CGT.
Nhìn chung, theo Les Echos, cuộc tuần hành Quốc tế Lao động năm nay thu hút giới trẻ nhiều hơn, mang không khí hội hè nhiều hơn các cuộc tuần hành nghiệp đoàn truyền thống. Bài "99% mọi người đến đây là để biểu tình" của Libération thì nhấn mạnh là, "bất chấp không khí bạo lực, cuộc hẹn của các nghiệp đoàn dù sao cũng đã thành công… Đây là dịp các nhà tranh đấu công đoàn kết nối với giới Áo Vàng".
Còn theo La Croix, trong cuộc tuần hành của các công đoàn thiên tả, từ Montparnasse đến quảng trường Place d’Italie, hay cuộc tập hợp của các công đoàn "cải cách" tại quảng trường Odéon, đều xuất hiện các yêu sách xã hội đi liền với các đòi hỏi hành động khẩn cấp vì môi trường, sinh thái.
Venezuela : Guaido không thu hút được quân đội, nhưng chính quyền phân hóa
Tình hình Venezuela ngày trước ngày Quốc tế Lao động là một tâm điểm thời sự khác của báo chí Pháp. Nhật báo La Croix có bài : "Bạo lực và tình trạng không rõ ràng ở Caracas" cho biết lãnh đạo đối lập Juan Guaido đang tìm cách cô lập dần dần tổng thống Nicolas Maduro, để buộc quân đội phải nhường bước.
Ngày 30/04, một hôm trước ngày hành động toàn quốc mùng 1 tháng 5, đối lập Venezuela thông báo đã nhận được sự ủng hộ của một nhóm quân nhân. Nhiều cuộc tập hợp phản đối chính quyền diễn ra tại khoảng 65 thành phố trên cả nước. Đàn áp khiến tổng cộng hơn 100 người bị thương, một người thiệt mạng.
Chính quyền Maduro lên án cuộc đảo chính bị phá vỡ và đe dọa truy tố các thủ phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo đối lập bác bỏ cách mô tả tình hình của chính quyền Maduro. Ngược lại, theo đối lập Venezuela, không hề có "nổi dậy vũ trang" hay đảo chính vào ngày 30/04, mà chỉ có một số quân nhân tham gia vào hàng ngũ phong trào phản kháng. Dường nhưkhó xác định rõ thực hư ra sao tại Venezuela hiện tại, đất nước mà theo La Croix, "thông tin xác thực cũng trở nên khan hiếm như bột và trứng".
Libération thì đặc biệt chú ý đến việc mọt lãnh đạo nổi tiếng khác của đối lập, ông Leopold Lopez, đối thủ đáng gờm của tổng thống Maduro vừa được giải thoát khỏi nơi quản thúc.
Trung Quốc : Tập Cận Bình muốn giới trẻ phải "yêu nước và vâng lời"
Phải chăng Bắc Kinh long trọng kỷ niệm Phong Trào Ngũ Tứ (04/05/1919) vì 2019 là tròn 100 năm hay muốn đánh lạc hướng công luận, đặc biệt là giới trẻ Trung Quốc về vụ đàn áp Thiên An Môn, xẩy ra cách nay 30 năm, mà thế giới và đặc biệt là Hồng Kông sẽ kỷ niệm vào đầu tháng Sáu tới đây ? Theo báo Le Monde, trong bài "Tập Cận Bình muốn giới trẻ Trung Quốc phải yêu nước và vâng lời", quả thực là lễ kỷ niệm Phong trào Ngũ Tứ diễn ra trong bối cảnh sắp đến ngày xẩy ra vụ đàn áp Thiên An Môn, một chủ đề cực kỳ nhậy cảm đối với chế độ Bắc Kinh.
Trong bài diễn văn dài gần một tiếng đồng hồ trong lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào Ngũ Tứ, ở Bắc Kinh, ngày 30/04 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại một lần nữa nhắc lại những đòi hỏi của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với giới trẻ nước này : "Trong đất nước Trung Hoa ngày nay, điều cốt lõi của tinh thần yêu nước là kết hợp tình yêu đất nước với tình yêu Đảng và chủ nghĩa xã hội". Điều đáng chú ý là trong diễn văn của mình, lãnh đạo Trung Quốc không hề nhắc đến đòi hỏi chính của giới trẻ trong Phong trào Ngũ Tứ : Đó là dân chủ.
Cách nay 30 năm, giới trẻ tại Thiên An Môn cũng đòi dân chủ và đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, giới trẻ cần nghe theo lời Đảng và đi trên con đường mà Đảng vạch ra.
Cùng chủ đề này, trong bài "Khi Tập Cận Bình ca ngợi một phong trào của sinh viên", báo Les Echos cho biết lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu tầm quan trọng lịch sử của Phong trào Ngũ Tứ, nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia không mệt mỏi vào việc phục hưng đất nước. Theo tờ báo, việc tiến hành kỷ niệm Phong trào Ngũ Tứ diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tư tưởng trong giới giảng viên, sinh viên đại học, tiến hành bắt giữ nhiều sinh viên "mác-xít" chỉ vì họ ủng hộ các đòi hỏi của công nhân và thanh trừng nhiều giảng viên vì thái độ phê phán chính quyền.
Pháp : Bercy đàm phán "thuế ưu đãi" với các doanh nghiệp
Trở lại nước Pháp, một tuần sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giảm thuế thu nhập khoảng 5 tỉ euro cho dân Pháp, hôm nay, bộ kinh tế Pháp (Bercy) tiếp đại diện giới chủ các doanh nghiệp nhằm thảo luận về việc giảm bớt các ưu đãi về thuế, để bổ sung cho nguồn tài chính của Nhà nước. "Giảm thuế ưu đãi : các doanh nghiệp dưới áp lực của chính phủ" là chủ đề trang nhất của Les Echos.
Báo Les Echos cho biết, tổng các ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp lên tới khoảng 40 tỉ euro, như miễn cho giới chủ một số khoảng đóng góp xã hội, giảm thuế giá trị gia tăng, bù đắp thuế tiêu dùng các sản phẩm năng lượng… Như Les Echos dự báo, cuộc đàm phán sẽ cam go vì giới chủ cho rằng các ưu đãi về thuế là nhằm bù đắp lại việc mức thuế ở Pháp đánh các doanh nghiệp khá cao. Do vậy, giới chủ có thể chấp nhận giảm bớt các loại thuế ưu đãi này, nhưng đổi lại, chính phủ phải xem xét lại một số loại thuế đánh vào hoạt động sản xuất, như ngành nghề, theo khu vực vùng miền…
Theo cùng chủ đề, cũng trên báo Les Echos, bài "Những hạn chế của việc truy tìm các ưu đãi thuế" để hủy bỏ, cho rằng có thể xem xét lại và hủy bỏ một số ưu đãi về thuế có ít tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chiến lược này cần phải được thực hiện trong khuôn khổ của chính sách giảm thuế nói chung đối với các doanh nghiệp. Sở dĩ có nhiều loại thuế ưu đãi như vậy, vì Pháp, so với các nước Châu Âu khác, có mức thuế rất cao đánh vào các phương tiện sản xuất. Cần tránh tình trạng "đưa bằng tay trái, rồi lấy lại bằng tay phải". Mặt khác, khi tiến hành rà soát lại các loại thuế ưu đãi để giảm bớt hoặc hủy bỏ, nhất thiết phải chú ý tới các loại thuế có thể đưa ra những tín hiệu trái ngược với mục tiêu giảm phát thải khí CO2.
Về phương pháp, việc điều chỉnh các loại thuế ưu đãi này cần phải được thực hiện từng bước, bởi vì mọi biện pháp nhanh vội, phũ phàng, có thể gây ra những tổn hại đối với các hoạt động sản xuất và việc làm.
Trọng Thành