Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà thờ Đức Bà bị cháy, dân Paris mới tiếc nuối viên ngọc quý

Nhà thờ Đức Bà vẫn là chủ đề lớn nhất của các báo Paris hôm nay 19/04/2019. Bên cạnh đó là việc công bố báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Muller về nghi vấn ê-kíp tranh cử Donald Trump thông đồng với Nga, và việc Bắc Triều Tiên lại thử hỏa tiễn.

chay1

Tín đồ Công giáo dự Chặng Đàng Thánh Giá nhân lễ Phục Sinh dọc theo bờ sông Seine (Paris) gần Nhà Thờ Đức Bà, ngày 19/04/2019. Reuters

Giữ lại hồn xưa hay hiện đại hóa ?

Trên trang nhất của Le Figaro là bức hình Nhà thờ Đức Bà Paris chụp từ trên cao, chạy tựa "Nhà thờ Đức Bà : Câu hỏi về tái thiết". Xây dựng lại y như cũ hoặc mạnh dạn có sáng tạo về kiến trúc ? Trong khi vấn đề dựng lại tháp mũi tên đang gây tranh luận, các chuyên gia nhắc nhở rằng trước hết cần giữ an toàn khu vực hỏa hoạn.

Tương tự, Le Monde đặt vấn đề "Có nên tái thiết Nhà thờ Đức Bà y như xưa ?". Cựu kiến trúc sư trưởng công trình này cho rằng "hầu như không thể thực hiện được". Việc thẩm định những hư hại và giữ ổn định địa điểm sẽ mất rất nhiều thời gian, khó thể hoàn thành trong 5 năm. Trong bài xã luận mang tên "Vì một Vương cung Thánh đường của thế kỷ 21", Le Monde hoan nghênh quyết tâm của tổng thống Emmanuel Macron "trùng tu Nhà thờ Đức Bà đẹp đẽ hơn trước", nhưng cho rằng cần thận trọng. Bởi vì đó là một di sản độc đáo, chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử và là một hình ảnh đã bắt rễ lâu đời qua nhiều thế hệ người Paris.

Le Figaro nhắc lại câu nói của Eugène Viollet-le-Duc, kiến trúc sư nổi tiếng thế kỷ 19 đã trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris : "Người nghệ sĩ phải hoàn toàn nép mình phía sau. Đây không phải là làm nghệ thuật, mà là tuân thủ theo nghệ thuật của một thời đại đã đi vào dĩ vãng". Ông cảnh báo : "Việc tái thiết có thể gây thiệt hại cho di tích nhiều hơn cả sự tàn phá của những thế kỷ qua".

Khi viên ngọc quý bị bỏ quên

Trên trang Ý kiến của Les Echos, tác giả Eric Le Boucher kêu gọi "Và bây giờ hãy tái thiết Vương cung Thánh đường của nước Pháp". Rất nhiều người Paris vì đi qua hàng ngày, đã quên mất vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà, cũng như nhiều người Pháp quên rằng mình có một cuộc sống khá tốt đẹp trên đất nước này. Những khó khăn vẫn hiện diện, nhưng không thể biện hộ cho bạo lực trong những tháng gần đây, cũng như các tranh cãi vô ích về những món tiền đóng góp.

Đối với người dân Paris, vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà khiến họ phải tự trách mình : đã đi qua không biết bao nhiêu lần, cứ nghĩ rằng lần khác sẽ vào nhà thờ, sẽ thảnh thơi đi dạo ở khu vườn bên cạnh, nhưng cứ tất bật rồi bỏ qua. Cũng như hàng ngày vẫn nhìn thấy Vẻ Đẹp này, người ta không còn chú ý nhiều nữa.

Thế rồi vụ hỏa hoạn đã đốt cháy sự chểnh mảng. Thế rồi hồi chuông báo động đã đánh thức cái thú mỗi ngày được ngắm nhìn ngôi đại giáo đường, cảm thấy được ưu đãi khi sống trong một trong những thành phố xinh đẹp nhất thế giới - thủ đô Paris.

Tương tự đối với nước Pháp. Cú sốc trên thế giới khi ngôi tháp nhọn sụp đổ đã nhắc nhở người Pháp rằng họ may mắn được sống trong một trong những đất nước tươi đẹp nhất. Thời tiết ôn hòa, đất đai phì nhiêu nhất là cho rượu vang và sợi lanh, phong cảnh xinh đẹp và đa dạng. Lịch sử nước Pháp cũng đã làm nên những giáo đường, lâu đài… nổi tiếng, vô số di sản giá trị.

Người Pháp "bất hạnh" trong nước Pháp xinh đẹp

Vụ hỏa hoạn cũng đã thiêu rụi một sự bất hợp lý : trong các thăm dò về hạnh phúc, người Pháp tự cho là "bất hạnh", được xếp hạng thứ 24 bên cạnh Mexico (World Happiness Report 2019). Trong khi người Anh đứng thứ 15 dù đang khốn khổ vì Brexit, người Đức thứ 17, còn người Phần Lan đứng đầu. Chỉ có tuổi thọ là được đánh giá tích cực, còn lại thì theo những người Pháp được thăm dò, tất cả đều tệ hại : thu nhập trên đầu người, tình trạng xã hội, quyền tự do, nạn tham nhũng, lòng hào hiệp…

Những món tiền hiến tặng tới tấp được gởi đến để tái thiết Nhà thờ Đức Bà cho thấy trên thực tế người Pháp hào phóng hơn rất nhiều so với bảng xếp hạng trên đây của Liên Hiệp Quốc. Những tiêu chí khác cũng vậy, người dân Pháp nói rằng họ kém may mắn trong khi họ không thực sự nghĩ như thế, một sự "bất hạnh" không thực sự là bất hạnh.

Trong cái rủi có cái may, sự kiện Nhà thờ Đức Bà như một bức tường chặn lửa đối với "Áo Vàng". Đã hẳn là những khó khăn vẫn còn đó và tăng thêm đối với giai cấp trung lưu, những vấn đề to lớn đang đặt ra cho chủ nghĩa tư bản toàn thế giới mà hiện chưa ai có được giải pháp. Nhưng từ sáu tháng qua, việc phóng đại sự "bất hạnh" đã dẫn đến bạo lực, mạng xã hội dẫn dắt dư luận thay cho báo chí truyền thống.

Bên cạnh đó là những tranh cãi vô nghĩa nổi lên khi những người giàu tặng những món tiền lớn để tái thiết Nhà thờ Đức Bà : lợi ích được giảm thuế, lẽ ra nên đem cho người nghèo… Theo tác giả, điều này chứng tỏ một nước Pháp đã mất đi ý niệm về văn hóa, về lịch sử, về sự đoàn kết, trong khi sự đa dạng về mọi mặt, trong đó có thu nhập, đã làm nên xã hội. Bài viết kết luận, tái thiết Nhà thờ Đức Bà cũng là mang đến niềm hạnh phúc lại được nhìn thấy, được vào chiêm ngưỡng di sản vô giá này, và hạnh phúc được sống trên đất Pháp.

"Thằng gù" một lần nữa sẽ cứu vãn Nhà thờ Đức Bà Paris ?

Về mặt văn hóa, Le Monde nói về việc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Victor Hugo về Nhà thờ Đức Bà đang lại trở thành best-seller, đóng góp vào việc gây quỹ tái thiết.

"Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà" (tựa gốc "Le bossu de Notre Dame de Paris") liệu một lần nữa có thể cứu vãn được di sản hơn 850 tuổi này ? Ngay sau vụ hỏa hoạn hôm 15/4, bộ tiểu thuyết ra đời từ năm 1831 vọt lên dẫn đầu danh sách trên trang Amazon và vô số các nhà sách Pháp. Cùng với hiện tượng best-seller bất ngờ này, các nhà xuất bản cam kết dành một phần lợi nhuận cho quỹ tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

Phiên bản bỏ túi hiện đang "cháy hàng". Nhà xuất bản Folio sẽ tái bản thêm 30.000 cuốn, giảm giá phân nửa để thu hút người mua, Pocket cũng đang vội vã in thêm 23.000 cuốn. Các nhà Dargaud, Dupuis, Lombard khuyến khích các tác giả tham gia vào bộ truyện hoạt hình về chủ đề Nhà thờ Đức Bà Paris, toàn bộ tác quyền và lợi nhuận sẽ được tặng cho quỹ.

Báo cáo Mueller : Trump trắng án nhưng chưa hẳn vô tội

Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro nhận định "Trump bình an vô sự sau khi báo cáo Mueller được công bố". Libération cho rằng "Báo cáo Mueller : Trump được trắng án tuy chưa hẳn vô tội", còn Les Echos nhấn mạnh "Báo cáo Mueller không loại trừ việc ông Trump cản trở tư pháp".

Libération dành hai trang lớn để giải thích cặn kẽ hồ sơ này. Kết luận của công tố viên đặc biệt Robert Mueller không cho rằng nhà tỉ phú và các cộng sự thông đồng với Moskva. Tuy nhiên một khi đã đắc cử, tổng thống nhiều lần gây áp lực để ngăn trở cuộc điều tra, nhưng không thành công.

Les Echos nhắc lại : 22 tháng trời điều tra, một ê-kíp lên đến 60 người, 500 nhân chứng, 2.800 trát tòa, 34 vụ buộc tội, tiêu tốn 25 triệu đô la… để cho ra bản báo cáo dày 400 trang công bố hôm qua, và được diễn đạt theo hai cách hoàn toàn đối nghịch. Các luật sư của ông Trump cho rằng đây là một "chiến thắng toàn bộ", "không hề có sự thông đồng" trong khi báo cáo không khẳng định dứt khoát như vậy.

Người ta cũng được biết rằng Donald Trump hết sức lo âu về cuộc điều tra. Ngay khi biết ông Robert Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt, ông Trump đã nói với những người thân cận : "Khủng khiếp ! Đây là hồi kết của nhiệm kỳ tổng thống, tôi coi như tiêu rồi !" - theo ghi chép trong sổ tay của chánh văn phòng Jeff Sessions.

Để làm rõ hơn tình hình, Quốc hội muốn ông Mueller ra điều trần. Ủy ban Pháp luật Hạ Viện đã gởi thư mời "trễ nhất là đến ngày 23/5", và Ủy ban Tình báo cũng thế. Phe Dân Chủ sau đó có thể tiến hành những thủ tục chống lại tổng thống, thậm chí có thể dẫn đến thủ tục phế truất.

Mất kiên nhẫn, Kim Jong-un thử hỏa tiễn để trêu Donald Trump

Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Les Echos nhận định "Để trêu chọc Washington, Kim cho thử nghiệm một hỏa tiễn mới". Nhà độc tài cũng muốn chứng tỏ với tổng thống Mỹ là sẵn sàng đối đầu nếu không nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận.

Kim Jong-un muốn thu hút sự chú ý của ông Donald Trump. Sau nhiều tháng trời tránh các hành động quân sự phô trương, hôm qua nhà độc tài trẻ tuổi đã xuất hiện trên báo chí nhà nước và tại địa điểm thử nghiệm  "vũ khí chiến thuật thế hệ mới, có gắn một đầu đạn uy lực lớn". Các chuyên gia cho biết thử nghiệm này không vi phạm lời hứa hồi tháng 4/2018 về hỏa tiễn đạn đạo và đầu đạn nguyên tử, trước thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất, vì ông Kim hoàn toàn có thể cho thử một loại hỏa tiễn mới. Nếu Kim Jong-un thận trọng không muốn nhận lãnh một loạt chỉ trích hoặc trừng phạt mới, ông ta cũng chứng tỏ không có gì ngăn cản được Bình Nhưỡng triển khai các chương trình vũ khí.

Trong cuộc họp ở Hà Nội mà theo Les Echos đã không được chuẩn bị kỹ lưỡng, Donald Trump từ chối dỡ bỏ cấm vận nếu Bắc Triều Tiên không có được nhượng bộ ý nghĩa. Harry Kazianis, thuộc Center for National Interest nhận định : "Chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu cảm thấy bực tức vì Washington thiếu linh hoạt trong các cuộc đàm phán gần đây".

Tại Nhà Trắng, không chắc rằng những trò "chọc quê" nho nhỏ của Kim Jong-un có thể khiến ông Donald Trump thay đổi chiến lược đàm phán. Nhiều chuyên gia Mỹ ghi nhận hành động có vẻ thiếu kiên nhẫn của nhà độc tài Bắc Triều Tiên chứng tỏ chế độ đang gặp nhiều khó khăn do trừng phạt, và như vậy càng cần phải duy trì để buộc Bình Nhưỡng phải thực sự giải trừ vũ khí nguyên tử.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nhà Thờ Đức Bà : Bảo vật Tôn giáo và Cộng hòa

Lịch sử của chúng ta, Nhà Thờ Đức Bà sẽ tái sinh,Tổng động viên, làn sóng liên đới tràn ngập các trang chính báo chí Pháp hôm nay bên cạnh hai chủ đề Châu Á : Indonesia quốc gia đạo Hồi đông nhất thế giới đứng giữa hai mô hình xã hội và nợ Trung Quốc đến mức độ nguy hiểm.

baovat1

Mão gai đội đầu của Chúa Giêsu trong một dịp trưng bày tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 21/03/2014. Reuters/Philippe Wojazer/File Photo

Mái Nhà Chung

Nhà Thờ Đức Bà bốc khói trên Le Monde. Ngôi đại giáo đường 800 năm sừng sững sau cơn bão lửa trên trang nhất của Le Figaro, thánh giá vẫn rực rỡ màu vàng ánh trước đống gỗ cháy thành than trên báo La Croix là những hình ảnh tiêu biểu cho các bài xã luận, 24 giờ sau khi ngọn lửa được dập tắt.

Trong bài "Ngôi nhà chung của chúng ta", nhật báo công giáo nhận xét, sau ngọn lửa thiêu đốt báu vật tôn giáo xuất hiện một ngọn lửa khác, ngọn lửa hy vọng. Ở nước Pháp ngày nay, hiếm khi có một niềm xúc động chung được tất cả mọi người chia sẻ. Khi mái nhà thờ sụp xuống, không ai là không cảm thấy một nỗi buồn sâu kín tràn ngập tâm hồn và vẫn kéo dài cho đến hôm sau. Vì sao ? Bởi vì một ngôi nhà thờ, từ muôn đời là một mái nhà chung.

Nhà Thờ Đức Bà là một trong những nơi mà cả mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội, không phân biệt tôn giáo có thể quy tụ về mà không tốn một đồng xu. Có đạo hay vô thần, mọi người đều ý thức giá trị chung đó khi thấy Nhà Thờ Đức Bà, thiếu chút nữa, bị thiêu rụi. Nhưng báu vật này, dù đẹp cách mấy, không phải chỉ là một tòa kiến trúc đơn thuần mà vì nó là ngôi nhà chung của mỗi chúng ta. Tái thiết nó, như đã từng giúp cho các nhà thờ Reims, Rouen, Turino bị lửa đạn tàn phá hồi sinh là xây lại chính căn nhà của mình.

Cầu nối giữa con người và Thiên Chúa

Le Monde, cùng một nhận định : Trái tim nước Pháp bị trúng thương. Nằm bên bờ hai nhánh sông Seine từ muôn đời, Nhà Thờ Đức Bà là cầu nối đặc biệt giữa con người hữu hạn và Thượng Đế vĩnh hằng.

Từ địa lý, quốc sử cho đến văn học, Nhà Thờ Đức Bà là trung tâm của nước Pháp. Đó là cây số "số không", là tọa độ gốc tính khoảng cách Paris với các địa danh khác. Cung thánh (chánh điện) là nguồn cảm hứng làm nên những chương tiểu thuyết tuyệt tác của văn học Pháp và cũng là nơi chứng kiến những vì vua quỳ gối trước thánh giá trong lễ đăng quang, lễ cưới hay mừng chiến thắng.

Nhà Thờ Đức Bà cũng là một chứng nhân lịch sử của chế độ Cộng hòa khi vui cũng như lúc buồn. Vui khi mừng ngày chiến thắng Đệ nhất Thế chiến 1918, hay vào ngày 26/05/1944 tướng De Gaulle dự thánh lễ giải phóng thủ đô. Lúc tai biến, Cung thánh đã ba lần đón tiếp hàng trăm nhân vật của địa cầu trong năm 1970, 1974 và 1996 đến dự tang lễ của De Gaulle, Pompidou và Mitterand - ba vị tổng thống Cộng hòa. Văn hào Victor Hugo viết lại một câu để đời : bên cạnh những nét nhăn trên mặt nhà thờ người ta luôn thấy một vết sẹo. Vết sẹo lần này, không cách nào xóa được cho dù "Chúng ta sẽ xây lại nhà thờ" mà tổng thống Macron cam kết trong đêm xảy ra hỏa hoạn.

Trái tim thế giới trúng thương

Libération : Nhà Thờ Đức Bà của nhân dân. Trong vòng ít phút, tâm trạng xúc động lan khắp địa cầu. Thế giới như bị trúng tên vào giữa trái tim.

Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả khẳng định Nhà Thờ Đức Bà là cội rễ của Thiên Chúa Giáo lẫn Cộng Hòa là "bản sắc của dân Pháp" : Jeanne d’Arc, Henri 4, Louis 14, Napoleon, De Gaulle cho đến tu sĩ Pierre… cả một kho tàng ấn tượng, hình ảnh, ký ức, cảm xúc làm nên chất keo gắn bó với nước non, như mô tả của Jean Jaurès đã bị cháy. Nhưng, hy vọng là đây "sau ngọn lửa, các nhà hảo tâm chữa cháy", Libération chơi chữ. Trong vòng 24 giờ, tiền quyên góp tái xây dựng Nhà Thờ Đức Bà lên đến 700 triệu euro.

Nhưng không phải chỉ có các nhà tài phiệt hay đại công ty hảo tâm, một làn sóng liên đới lan khắp thế giới và khắp nước. Tại trụ sở Quỹ Bảo Tồn Di Sản Quốc Gia, chuông điện thoại reo không ngớt : buổi sáng nhận được 1,3 triệu euro, đến buổi chiều được 4 triệu. Le Figaro dành một trang tóm lược những lời chia buồn và bài tỏ tình liên đới trên khắp thế giới tái thiết nhà thờ. Nhật báo thiên hữu cảnh báo : đây là một công trình gian nan cho dù tổng thống Pháp cam kết sẽ hoàn tất trong vòng năm năm, trước Thế vận hội Paris 2024.

Làm cách nào ? Nhật báo Les Echos chú ý đến ngọn gió "tổng động viên tái thiết". Cùng quan điểm, La Croix thông báo nỗ lực chung phối hợp quỹ tư nhân và ngân sách nhưng cái khó không phải là có tiền là làm nhanh và làm gì cũng được. Kiểm điểm thiệt hại và bảo tồn cho được kiến trúc thời Trung Cổ là hai công trình mất nhiều thời gian. Một vấn đề nát óc khác mà Le Figaro, cũng như đồng nghiệp Le Monde nêu lên là "điều tra tìm nguyên nhân hỏa hoạn". 50 thanh tra được huy động.

Indonesia giữa hai mô hình xã hội

Thời sự Châu Á nổi bật với hai chủ đề : Trang quốc tế của Les Echos phân tích ý nghĩa cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia, quốc gia Đông Nam Á có dân số đông nhất khu vực và có tín đồ đạo Hồi đông nhất địa cầu.

Theo nhật báo kinh tế, với 260 triệu dân mỗi năm tăng thêm 2,5 triệu, cuộc bầu cử hôm nay, thể hiện nền dân chủ non trẻ đã bắt rễ tại Indonesia và lợi thế có vẻ nghiên về tổng thống mãn nhiệm.

Cử tri Indonesia có hai lựa chọn : hoặc tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo hoặc cựu tướng Prabowo Subianto, nguyên là rể của nhà độc tài Suharto.

Joko Widodo đại diện cho xu hướng đất nước tân tiến, trẻ trung. Tại quốc gia Hồi giáo mà ông táo bạo chủ trương nam nữ bình quyền. Về kinh tế, chiến lược phát triển đặt trên nền tảng kích thích kinh tế vĩ mô, kiến thiết hạ tầng cơ sở. Nhưng chiến lược này cần nhiều thời gian nên chưa mang lại kết quả thấy được sau năm năm nhiệm kỳ một. Hệ quả là tổng thống Joko Widodo đứng trước phán xét của người dân với thành tích nửa tốt nửa tồi, theo phân tích của một chuyên gia Pháp.

Ngoài khác biệt giữa hai cá nhân ứng cử viên, kẻ dân sự người quân sự, cử tri Indonesia còn đứng trước hai mô hình phát triển xã hội.

Đối thủ của Joko Widodo là cựu tướng biệt kích Prabowo Subianto, nay là một doanh nhân giàu có, tìm hậu thuẫn ở phe Hồi giáo bảo thủ. Ông thu hút cử tri qua lời hứa tận diệt nạn tham ô, tiết kiệm ngân sách và nhất là "rà soát lại" ảnh hưởng, thế lực của Trung Quốc tại quốc đảo.

Mẫu số chung duy nhất của hai ứng cử viên là tập trung vận động giới trẻ từ 18 đến 35, chiếm đến 40% lực lượng cử tri. Để trấn an cử tri theo đạo Hồi, tổng thống Joko Widodo chọn giáo sĩ Ma’ruf Amin, chủ tịch Hội Đồng Thần Học làm phó. Trong khi đó, đối thủ Prabowo Subianto chọn một doanh nhân trẻ đứng chung liên danh.

Trung Quốc : Nợ công, nợ tư

Nợ Trung Quốc đã quá tải, chính quyền không cứu không được mà ra tay cứu còn nguy hiểm hơn. Đó là thông tin báo động cũng trên trang quốc tế của Les Echos.

Xí nghiệp Trung Quốc nợ ngập đầu. Đó là nội dung bản báo cáo hàng năm của OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế. OCDE nhận thấy nợ doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn nhiều so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Đây là một thử thách lớn nhất của một nền kinh tế đang bị suy yếu vì cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Các biện pháp đối phó của nhà nước như tăng ngân sách, đổ thêm tiền đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nới lỏng điều kiện cho vay có thể thúc đẩy được tỉ lệ tăng trưởng nhưng lại tạo ra thêm rủi ro nếu tiền không được sử dụng đúng chỗ, chỉ tạo thêm nợ chỗ này và bỏ rơi chỗ kia.

OCDE đương cử hai thí dụ điển hình : tập trung đổ vốn vào phi trường nhưng xao lãng giao thông và những nhu cầu thiết yếu của dân thành phố. OCDE cảnh báo Trung Quốc coi chừng tình trạng dân số già nua trong những năm tới sẽ gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống an sinh xã hội. Nói cách khác, Trung Quốc đang đứng trước một ngã ba đường với nhiều thử thách nghiêm trọng với các yếu tố bất lợi trong cũng như ngoài nước.

Đừng lo cháu mất gốc

Ở trang Gia đình, La Croix đưa độc giả vào thế giới trẻ con với những khám phá mới bổ ích làm an tâm các ông bà nội ngoại có cháu đi xa. Xa mặt nhưng không cách lòng, trái lại là khác. Vì ở xa nên hai bên chỉ có chuyện vui trao đổi qua internet, khiến tình bà cháu, ông cháu ấm áp hơn. Theo giới tâm lý, trẻ con có khả năng thích nghi rất lớn. Khi theo cha mẹ định cư hay tạm cư ở một góc trời nào đó xa quê hương, đứa trẻ sẽ học hỏi thêm văn hóa phổ quát và đa dạng. Ông bà có thể yên tâm, đừng lo con cháu mất gốc.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Nhà Thờ Đức Bà Paris : Dư luận trái chiều về các khoản quyên góp lớn

Dưới dạng tựa đậm hay ảnh lớn trang nhất, các báo Pháp ra ngày 18/04/2019 tiếp tục đưa tin rộng rãi về vụ hỏa hoạn đã phá hủy đáng kể Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15/04, phân tích về quyết tâm tái thiết nhanh chóng công trình văn hóa độc nhất vô nhị này, cũng như làn sóng đoàn kết, sẵn sàng quyên góp khôi phục di tích. Thế nhưng, các báo cũng nêu bật luồng dư luận trái chiều tại Pháp, chỉ trích các đại gia giầu có, rất hào phóng tái thiết Nhà Thờ Đức Bà, nhưng dửng dưng trước cảnh khốn khó của nhiều tầng lớp xã hội Pháp.

notre1

Một cuộc biểu tình của người Áo Vàng trước Nhà Thờ Đức Bà Paris, đầu năm 2019. ERIC FEFERBERG / AFP

Theo ghi nhận của Le Monde, ngay khi tai họa giáng xuống đầu Nhà Thờ Đức Bà được biết đến, những người hảo tâm lớn cũng như nhỏ đã tỏ ý sẵn sàng quyên góp để tái thiết di sản này.

Hàng ngàn người "vô danh" đã đăng ký góp tiền cho Quỹ Di Sản, gởi tiền tặng các quỹ nhỏ đã được mở ra trên Internet để quyên góp, trong lúc các đại gia giầu có nhất nước Pháp, các doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã đua nhau loan báo quyên tặng những món tiền khổng lồ… Mốc một tỷ euro, theo Le Monde sẽ dễ dàng được vượt qua.

Les Echos ghi nhận là chính phủ Pháp vào tuần tới, sẽ đệ trình ngay một dự luật tăng cường quyền lợi về thuế cho tất cả các cá nhân đóng góp tiền bạc cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà.

Thế nhưng, theo Le Monde, chỉ ít lâu sau khi phong trào quyên góp xuất hiện, từ thứ Ba 16/04, nhiều tiếng nói đã vang lên, cả trong đa số cầm quyền lẫn trong phe đối lập, để chỉ trích việc giảm 60% thuế trên các khoản tiền mà các doanh nghiệp đóng góp cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà. Đối với cá nhân, khoản khấu trừ này sẽ là 75% cho những khoản dưới 1.000 euro, và 66% cho các khoản lớn hơn.

Dân biểu đảng Những Người Cộng Hòa Gilles Carrez, báo cáo viên đặc biệt phụ trách vấn đề di sản tại Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội Pháp, hôm thứ Ba vừa qua, đã cho rằng trong số gần 700 triệu euro [tiền quyên góp được các đại gia công bố vào thời điểm đó], có khoảng 420 triệu sẽ được Nhà nước tài trợ, theo ngân sách năm 2020.

Nói cách khác, chính người dân, qua tiền đóng thuế, sẽ phải chịu gánh nặng tái thiết, trong khi những người quyên tặng lại được quảng cáo nhờ hành động rất hào phóng của mình.

Một luồng dư luận chỉ trích thứ hai nhắm vào các nhà tài trợ lớn, cho rằng giới giầu có đã có thể búng tay một cái là tung ra 100 triệu, 200 triệu euro chi cho việc tái thiết. Họ đã lợi dụng thảm kịch, tỏ ra rất hào phóng để quảng cáo cho mình trong tư cách là cứu tinh của Nhà Thờ Đức Bà, trong khi không thèm đếm xỉa gì đến "tình trạng cấp bách" của xã hội, với những tầng lớp nghèo đang bị rơi vào cảnh khốn cùng.

Những lời chỉ trích này được ghi nhận chủ yếu trong những người thuộc phong trào Áo Vàng, giới công đoàn, các đảng cánh tả hay cực hữu.

Tái thiết Nhà Thờ Đức Bà trong 5 năm : Nhiệm vụ bất khả ?

Một điểm chung giữa Le MondeLibération hôm nay là cả hai tờ báo đã tiếp tục giành tựa lớn trang nhất cho Nhà Thờ Đức Bà Paris, và đều chú ý đến tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đó công trình lịch sử này sẽ được khôi phục trong thời hạn 5 năm.

Dưới tựa đề lớn rất khách quan : "Công trình khôi phục Nhà Thờ Đức Bà", Le Monde nhắc lại rằng trong thông điệp gởi toàn dân tối thứ Ba 16/04, tổng thống Macron đã tỏ hy vọng là Nhà Thờ Đức Bà sẽ được khôi phục trong vòng 5 năm.

Trái lại, Libération lại tỏ ý hoài nghi về thời hạn mà tổng thống Pháp đề ra. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình tháp "Mũi Tên" của Nhà Thờ Đức Bà lúc còn nguyên vẹn, chưa bị phá hủy, tờ báo cho rằng "5 năm để tái thiết Nhà Thờ Đức Bà : Macron tin vào kỳ tích".

Đối với Libération, 5 năm là một kỳ hạn không thực tế do quy mô to lớn của công việc, nhất là khi công trình chưa được gia cố một cách an toàn sau hỏa hoạn. Theo tờ báo, tổng thống Pháp Macron, đã cho rằng 5 năm là điều "có thể", nhưng nếu làm được trong thời hạn đó thì quả là một "kỳ công".

Libération đã nêu bật một loạt những công việc cần thời gian lâu dài. Trước hết là phải đảm bảo sao cho phần còn lại của Nhà Thờ vẫn vững vàng sau khi nhiều cột gỗ đã thiêu rụi, sau khi khối gạch đá làm nên công trình bị tưới nước trong 48 tiếng đồng hồ liên tục. Một chuyên gia đã cho rằng, để cho Nhà Thờ khô hẳn, phải mất một năm.

Vấn đề tiếp theo là phải ước tính được sức nặng của các vật thể sẽ được chồng lên cái sườn còn đứng vững của tòa nhà, mà sức chịu đựng đã giảm sụt đáng kể sau cơn hỏa hoạn.

Về kiến trúc công trình, cũng có vấn đề, đặc biệt là Mũi Tên đã bị phá hủy hoàn toàn. Thủ tướng Philippe đã loan báo khởi động một cuộc thi kiến ​​trúc quốc tế về tái thiết tháp Mũi Tên (của Nhà Thờ Đức Bà), cho rằng công cuộc tái thiết là "một thách thức to lớn, một trách nhiệm lịch sử, là công trình mà thế hệ hiện thời cũng như các thế hệ về sau phải đảm đương". Vấn đề là làm lại Mũi Tên như thế nào, như cũ (tức là từ thế kỷ 19) mà người ta thường thấy, như vào thời khởi thủy khi Nhà Thờ mới được xây dựng, hay thay bằng một cái gì mới hoàn toàn cho phù hợp với công nghệ ngày nay.

Libération còn nêu lên nhiều vấn đề khác như đấu thầu xây dựng, các thủ tục hành chánh phải thực hiện, tìm được nhân công lành nghề…, biết bao vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian, làm cho thời hạn 5 năm trở thành quá ngắn.

Nhà nước Pháp thiếu quan tâm đến bảo tồn di sản văn hóa ?

Một tranh cãi khác liên quan đến cái gọi là sự "thiếu quan tâm của chính quyền" đến việc bảo tồn các công trình văn hóa.

Trên vấn đề này, Le Monde ghi nhận những tiếng nói phê phán từ phía giới hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, tố cáo tình trạng phương tiện eo hẹp mà Nhà nước cung cấp cho việc bảo vệ di sản, cũng như tình trạng thiếu tôn trọng các quy định phòng cháy chữa cháy.

Chuyên gia Didier Rykner, tổng biên tập của tạp chí trực tuyến La Tribune de l’Art chẳng hạn, đã tố cáo tình trạng thiếu bảo trì tại các di tích lịch sử và đặc biệt là các nhà thờ ở Paris.

Chủ tịch Trung Tâm André-Chastel, Alexandre Gady, người đứng đầu nhóm nghiên cứu lớn nhất của Pháp về lịch sử nghệ thuật, cũng chỉ ra sự nghèo nàn trong ngân sách của các di tích lịch sử Pháp, không tương xứng với tầm cỡ một cường quốc văn hóa như Pháp, một trong những quốc gia cung cấp nhiều di sản thế giới nhất cho cơ quan Unesco.

Tuy nhiên, theo Le Monde, một chuyên gia khác về các vấn đề di sản, xin ẩn danh đã phản bác lập luận bi quan kể trên, cho rằng các di tích như Viện Bảo Tàng Louvre, Lâu Đài Versailles hoặc Nhà Thờ Đức Bà chẳng hạn, được cung cấp những phương tiện hoạt động quan trọng, không hề bị bỏ bê chút nào.

Chuyên gia này nhắc lại rằng Nhà nước chi khoảng 320 triệu euro mỗi năm cho tất cả các di tích lịch sử tại Pháp.

Các trang nhất khác

Ngoài chủ đề Nhà Thờ Đức Bà trên Le MondeLibération, các tờ báo khác đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự Pháp.

Nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy tít lớn một cách đắc thắng : "Tăng trưởng : Tại sao Pháp làm tốt hơn Đức".

Tờ báo ghi nhận là Berlin không còn nhắm mục tiêu tăng trưởng 0,5% trong năm nay. Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Pháp rõ ràng là đã vượt qua được Đức với 1,4%. Đức bị cản trở vì căng thẳng thương mại, trong lúc Pháp cầm cự tốt nhờ tình trạng tăng sức mua đến từ các biện pháp được gọi nôm na là Áo Vàng.

Một hệ quả của phong trào Áo Vàng cũng được Le Figaro đưa thành tựa lớn trang nhất : "Khủng hoảng Áo Vàng : Trường Quốc gia Hành chánh Pháp ENA trên ghế bị cáo".

Theo Le Figaro, bị vạch mặt chỉ tên trong nhiều đề nghị được gởi đến trang web của Cuộc Thảo Luận Toàn Quốc, định chế đào tạo cán bộ lãnh đạo nổi tiếng này có nguy cơ bị xóa sổ hay thay đổi đáng kể.

Riêng nhật báo công giáo La Croix đã tạm thời bỏ rơi hồ sơ Nhà Thờ Đức Bà để nêu bật một chủ đề xã hội trên trang nhất : "Phải chấm dứt tệ nạn không chi tiền cấp dưỡng". Theo La Croix, tổng thống Macron dự kiến ​​sẽ loan báo việc Nhà nước can dự sâu hơn vào vấn đề này, trong bối cảnh từ 30 đến 40% các khoản tiền cấp dưỡng không được thanh toán hoặc thanh toán thất thường.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Pháp : Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, thảm kịch quốc gia

Ngoại trừ tờ Le Monde ra từ chiều qua, toàn bộ các nhật báo hôm nay đều đã sửa kịp trang nhất trong buổi tối để đưa tin về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), với hình ảnh ngọn tháp của nhà thờ đang bị sập trong khói lửa, trước sự bàng hoàng không chỉ của dân Pháp, mà của cả thế giới.

chay1

Quang cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, sáng ngày 16/04/2019 Reuters/Benoit Tessier

Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến việc vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra ngay đầu Tuần Thánh, trước sự chứng kiến của hàng ngàn du khách ngoại quốc.

Tờ báo trích lời tổng giám mục Reims, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Eric de Moulins-Beaufort : 

"Đó là một phần máu thịt của chúng ta đang bị thiêu hủy. Cả nước Pháp đều xúc động, vì Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi tập hợp của nhiều sự kiện lớn. Thật là kinh khủng khi nhìn thấy công trình của bao thế kỷ bị thiêu rụi như vậy, nhất là một giáo đường đã được Nhà nước rất quan tâm chăm sóc".

Trong bài xã luận, tờ báo viết : 

"Nhà thờ Đức Bà Paris chiếm một vị trí đặc biệt trong ký ức tập thể, ở Pháp, ở Châu Âu, cũng như trên thế giới. Công trình kiến trúc được tham quan nhiều nhất Châu Âu đã từng trải qua bao thế kỷ, bao cuộc chiến và bao cuộc cách mạng. Tại đây, người ta đã cử hành hôn lễ cho các vì vua, tang lễ cho các vị nguyên thủ quốc gia. Đây cũng là một trong những biểu tượng của nghệ thuật gothique".

Nhưng La Croix tin tưởng : 

"Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ tái sinh từ đóng tro tàn. Cả một dân tộc sẽ lo việc đó. Cả một dân tộc sẽ ăn mừng ngày nhà thờ này mở cửa lại".

Tờ Libération cũng nhắc lại là từ thời Trung cổ, Nhà thờ Đức Bà Paris đã từng chứng kiến những thăng trầm của thủ đô Paris, từ thời nữ hoàng Margot cho đến lúc giải phóng thủ đô khỏi ách Đức Quốc Xã.

Nhưng không chỉ đánh dấu lịch sử nước Pháp, Notre-Dame de Paris còn là một di sản của quần chúng, nhờ tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo. Tờ báo trích lời linh mục Olivier Ribadeau Dumas, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp : 

"Tôi đã thụ phong linh mục tại đây, nhưng Notre-Dame cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc, là nơi mà người dân Pháp vẫn tề tựu khi xảy ra những bi kịch".

Về phần Le Figaro, trong bài xã luận, tờ báo này lưu ý : 

"Kiệt tác kiến trúc, nằm giữa lòng Paris, đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng nhiều lần bị cướp phá. Nhưng chưa bao giờ nó là bị hủy hoại đến mức đó, chưa bao giờ bị thiêu rụi trong ngọn lửa kinh khủng như thế. Dù là người có đạo hay không, dù có mê nghệ thuật hay không, ai cũng cảm thấy bàng hoàng : một cái gì đó trong cái đẹp của nước Pháp, trong sự vĩ đại của nước Pháp, trong linh hồn của nước Pháp đã tan theo khói bụi và đây quả là một tin buồn vô hạn".

Trong một bài báo khác, Le Figaro nhấn mạnh : 

"Đối với người Công giáo, giống như là nhà của họ đang bốc cháy. Các giám mục nước Pháp không nói nên lời, mà chỉ biết khóc than cho sự mất mát không phải của một người bạn, mà là của một người mẹ". Tờ báo cho rằng Nhà thờ Đức Bà "không chỉ là một giáo đường, di sản của một thời mà con người chỉ biết hướng lên trời, nhưng đó là một căn nhà chung, là cái vòm của lịch sử nước Pháp".

Nhật báo Kinh tế Les Echos nhân dịp này cũng nhắc lại rằng Nhà thờ Đức Bà Paris là di sản kiến trúc được tham quan nhiều nhất ở Châu Âu, với khoảng 13 triệu du khách và khách hành hương mỗi năm, có những ngày nhà thờ đón tiếp đến 50 ngàn người.

Tờ báo cũng quan tâm đến hậu quả của vụ hỏa hoạn này đối với chính trường nước Pháp, vì tối qua, vài phút trước khi lên tiếng thông báo các biện pháp để xoa dịu phong trào Áo Vàng, tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải đình hoãn bài phát biểu của ông. Theo Les Echos, mọi việc đã được chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ cho bài phát biểu long trọng này, nhưng hình ảnh vụ cháy dữ dội Nhà thờ Đức Bà đã làm đảo lộn tất cả.

Tuy vậy, theo tờ báo này, đó chỉ là tạm hoãn thôi, ông Macron sẽ phải nhanh chóng ngỏ lời với quốc dân đồng bào, vì cả nước đang chờ những thông báo của ông và đây sẽ là khởi đầu tập 2 của nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Kế hoạch "hòa bình" của Trump cho Trung Đông

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị một kế hoạch hòa bình cho vùng Trung Đông. Đó là đề tài được tờ Le Monde nêu bật hôm nay ở phần trang quốc tế.

Theo tờ báo này, tuy hầu như mỗi ngày đều có những tiết lộ về chính quyền Trump, nhưng có một đề tài cho tới nay vẫn được giữ bí mật, đó là kế hoạch hòa bình để giải quyết xung đột Israel – Palestine. Kế hoạch này đã được ba nhân vật thân cận của tổng thống Mỹ vạch ra : Jason Greenblatt, trước đây là luật sư của ông Trump, Jared Kushner, con rễ của ông Trump và David Friedman, đại sứ Hoa Kỳ ở Israel. Cả ba nhân vật này đều là những người chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng các khu định cư Do Thái và cũng là những người ủng hộ thủ tướng Israel Benjamin Netayahou. Họ tự tin rằng có thể làm được một việc mà các chính quyền Mỹ từ nhiều thập niên qua vẫn thất bại, thông qua việc tạo điều kiện cho bình thường hóa bang giao giữa Israel với các nước Ả Rập.

Le Monde cho biết, theo tiết lộ của ông Robert Malley, nguyên là nhà thương thuyết dưới thời tổng thống Obama, kế hoạch hòa bình nói trên trước hết bao gồm một vế kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân Palestine, "nhưng với một tính toán sai lầm là việc cải thiện này sẽ thúc đẩy người Palestine chống lại các lãnh đạo của họ". Theo kết quả một cuộc thăm dò vừa được công bố ngày 19/03, có đến 79% người dân Palestine bác bỏ kế hoạch của tổng thống Trump, ngay cả trước khi biết nội dung của nó.

Kèm theo vế kinh tế sẽ là một kế hoạch chính trị. Theo Le Monde, tuy không đề nghị một quốc gia Palastine, kế hoạch này có nguy cơ gây căng thẳng trong liên minh mới mà thủ tướng Netayahou sẽ phải thành lập trong những tuần tới với phe cực hữu và các đảng tôn giáo.

Trên thực tế, kế hoạch của tổng thống Trump đã được thực hiện, vì Washington kể từ nay xem giải pháp hai quốc gia Israel, Palestine chỉ là "khẩu hiệu suông". Hoa Kỳ cũng đã đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và không còn công khai lên án việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở vùng West Bank (Cisjordanie) chiếm đóng.

Indonesia : Bầu cử và "fake news"

Về thời sự Châu Á, tờ Le Monde chú ý đến tình hình Indonesia, một ngày trước cuộc tổng tuyển cử 1/04. Mặc dù có nhiều fake new (tin giả) chống ông, tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo vẫn là ứng cử viên nặng ký nhất.

Tờ báo trích lời tỉnh trưởng tỉnh Tây Java Ridwan Kamil, ủng hộ tổng thống Widodo, lo ngại : "Internet kể từ nay quan trọng đến mức sự lan truyền các tin giả có thể đóng một vai trò trọng yếu". 

Với 48 triệu dân, Tây Java là tỉnh đông dân nhất và lá phiếu của cử tri tỉnh này sẽ có một ảnh hưởng đặc biệt.

Theo Le Monde, mối lo ngại của tỉnh trưởng Ridwan Kamil là có cơ sở, bởi vì theo các số liệu thống kê gần đây, có đến khoảng 130 triệu người Indonesia, tức gần phân nữa tổng dân số, mỗi ngày bỏ ra ba tiếng đồng hồ để lên các mạng xã hội, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất thế giới. Theo lời ông Kamil, những tin đồn khó tin nhất về tổng thống "Jokowi" có thể ảnh hưởng đến quyết định của một số người ít học, nhất là những cử tri dễ "bức xúc". Một trong những tin đồn đó là tổng thống "Jokowi" đã đặt mua từ Trung Quốc các thùng chứa đầy lá phiếu mang tên ông để bỏ vào các thùng phiếu.

Ngay cả đối thủ chính của ông "Jokowi" là trung tướng Prabowo Subianto, cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Indonesia, cũng là nạn nhân của fake news, vì có tin đồn là ông đã bị cắt mất "của quý" trong một chiến dịch quân sự. Đến mức ứng cử viên này đã phải công bố một thông cáo nói rõ : "Nếu tôi không có cái đó, làm sao tôi có con được ?".

Bầu cử Indonesia cũng thu hút sự chú ý của tờ Libération, trong một bài báo với hàng tựa "Indonesia : Hai thời kỳ trong các thùng phiếu". Tờ báo dự báo rằng tổng thống mãn nhiệm "Jokowi", người đã thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa Indonesia, dường như sẽ giành chiến thắng trước đối thủ của ông, cựu trung tướng Prabowo.

Theo Libération, ngày mai, người dân Indonesia sẽ chọn lựa giữa hai thế giới. Một bên là tổng thống Joko Widodo, vẫn tin tưởng là Indonesia trong tương lai có thể đảm nhận vai trò là tác nhân quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Ông đã cho tiến hành nhiều công trình lớn để hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là xây dựng các cơ sở hạ tầng mà quốc gia quần đảo này đang thiếu rất nhiều. Hiện đang hơn đối thủ từ 13 đến 20 điểm, "Jokowi" được sự ủng hộ của các thành phần cấp tiến và trí thức, vì ông được họ xem là biểu tượng của nước Indonesia hiện đại.

Bên kia là cựu trung tướng Probowo Subianto, vẫn cho rằng chỉ có một quân nhân như ông mới đủ sức lãnh đạo Indonesia, giống như vào thời chế độ độc tài, tuy chế độ này đã chấm dứt cách đây 21 năm. Tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, với 264 triệu dân, lập trường cực đoan về tôn giáo thu hút một phần cử tri ở nông thôn và những người tiếc nuối chế độ độc tài.

Theo Libération, tuy là cuộc đối đầu giữa hai gương mặt quen thuộc, cuộc bầu cử này có tính chất lịch sử : Lần đầu tiên, 192 triệu cử tri Indonesia, đông hàng thứ ba thế giới, sẽ bầu liên danh tổng thống – phó tổng thống trong một vòng, đồng thời bầu lại cả hai viện của Quốc Hội, cũng như bầu các hội đồng địa phương.

Bắc Triều Tiên : Dịch lao thêm trầm trọng

Cũng về Châu Á, tờ Le Figaro quan tâm đến tình hình tại Bắc Triều Tiên, nơi mà các trừng phạt của quốc tế đang khiến cho dịch lao đang trở nên trầm trọng.

Theo Le Figaro, kể từ nạn đói của thập niên 1990, bệnh lao đã bùng phát mạnh mẽ trở lại ở Bắc Triều Tiên. Các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân khiến cho công việc của số hiếm hoi các tổ chức phi chính phủ thêm phức tạp, theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc. Những loại thuốc nào có chứa những chất bị cấm đều có thể bị cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên.

Cuộc đọ sức về hạt nhân giữa quốc tế với Bắc Triều Tiên cũng khiến cho việc quyên góp tiền thêm khó khăn. Le Figaro trích lời một bác sĩ thuộc tổ chức Eugene Bell của Mỹ : "Bây giờ có ai muốn cho tiền một người Bắc Triều Tiên ? Nhiều người vẫn không phân biệt giữa người dân với chế độ". Vào năm ngoái, trước sự ngạc nhiên của mọi người, Global Fund, tổ chức quốc tế phòng chống SIDA, lao và sốt rét, đã thông báo rút khỏi Bắc Triều Tiên. Theo lời báo động của nhiều nhà khoa học trên tạp chí y khoa The Lancet, quyết định nói trên có thể dẫn đến một "khủng hoảng nhân đạo lớn" ở nước này. Theo thẩm định của tổ chức Eugene Bell, phải cần đến 10 triệu đôla để nhổ tận gốc dịch lao kháng thuốc ở Bắc Triều Tiên.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Liệu tổng thống Macron có hòa giải được "hai nước Pháp" ?

Chủ đề chính của báo Pháp ngày 15/04/2019 là phát biểu rất được trông đợi của tổng thống Macron, khép lại 3 tháng Thảo luận toàn quốc, nhằm tìm lối ra cho "khủng hoảng Áo Vàng".

macron0

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn chúc mừng Năm Mới 2019 tại điện Elysée, Paris, ngày 31/12/2018. Michel Euler/Pool via Reuters

Le Monde chạy tựa trang nhất : "Thảo luận toàn quốc : Những quyết định khó khăn với Macron". Libération : "Những người ủng hộ Macron tiến thoái lưỡng nan". Nhiều báo coi đây là điểm khởi đầu cho "Hồi 2" của nhiệm kỳ. Chính quyền có thể lại được cử tri ủng hộ, với điều kiện Macron không lựa chọn sai.

Hàng tựa nhật báo thiên hữu Le Figaro nhấn mạnh : "Macron đặt cược toàn bộ nhiệm kỳ 5 năm vào lúc 20 giờ, tối hôm nay". "Tối hôm qua, tổng thống đã triệu tập hai cuộc họp tại điện Elysée... Cuộc họp thứ nhất với thủ tướng Edouard Philippe. Cuộc họp thứ hai với một số bộ trưởng chủ chốt, phụ trách các dự án cải cách. Suốt kỳ nghỉ cuối tuần này, tổng thống Macron liên tục có các cuộc gặp những người thân cận, đặc biệt là chủ tịch Quốc Hội Richard Ferrand, lãnh đạo đảng cánh trung Modem François Bayrou, thủ tướng Edouard Philippe". Những người gần gũi với tổng thống cho biết "ông sẽ tuyên bố nhiều cải cách thực sự, sâu sắc, đặt chính phủ và toàn bộ bộ máy hành chính dưới áp lực".

Hy vọng nhiều, nguy cơ thất vọng cao

Nhật báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh đến thách thức vô cùng lớn với tổng thống Macron, trong bối cảnh một bộ phận đông đảo người Pháp tỏ ra nghi ngờ về các tuyên bố của tổng thống, trong suốt cuộc Thảo luận toàn quốc. Tuy nhiên, một người thân cận của tổng thống bày tỏ hy vọng là, cũng như mọi lần, lần này Emmanuel Macron sẽ tiếp tục gây ngạc nhiên. Trong những ngày gần đây, nhiều lãnh đạo chính quyền đã đưa ra các tuyên bố khiến nhiều người nuôi hy vọng, nhưng nguy cơ thất vọng cũng sẽ lớn.

Hôm thứ Sáu tuần trước, lãnh đạo chương trình tranh cử Nghị Viện Châu Âu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Stéphane Séjournée, khẳng định các biện pháp được đưa ra "sẽ rất mạnh". Dự kiến các biện pháp tổng thống Macron sẽ đưa ra liên quan đến "gần như không trừ một lĩnh vực nào", từ thuế khóa, đến nền dân chủ, hưu trí, việc làm, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, quan hệ với chính quyền, y tế, giáo dục…

Việc dân chúng tham gia rộng rãi vào quá trình ra quyết định cũng nổi bật lên như vấn đề hàng đầu. Cho dù việc Trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân (RIC), một yêu sách chủ yếu của phong trào Áo Vàng, đã không được chính quyền trực tiếp hưởng ứng, nhưng nhiều chính trị gia thuộc đảng cầm quyền LREM cũng cho rằng cần hạ thấp các tiêu chuẩn của cơ chế trưng cầu dân ý (RIP), hiện có. Đảng LREM cũng đề xuất, nếu một vấn đề được hơn một triệu cử tri đòi hỏi, thì một nhóm công dân – thông qua thể thức rút thăm – sẽ có trách nhiệm thảo ra một dự luật, để thảo luận tại Quốc Hội.

Đảng cầm quyền "giằng xé", tổng thống "nước đôi"

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh đến "thái độ nước đôi" của tổng thống và sự phân hóa cao độ trong hàng ngũ đảng cầm quyền, trước thời khắc quyết định. Bài xã luận mang tựa "Nước đôi" giải thích : "Những người xuất thân từ cánh hữu muốn nhìn thấy, từ cơ thể Macron, xuất hiện một Juppé mới (tức Alain Juppé, một cựu thủ tướng cánh hữu). Ít thuế hơn, ít chi phí công hơn, giảm thâm hụt ngân sách, và một lãnh đạo nhiều quyền uy hơn. Ngược lại, những người xuất thân từ cánh tả, vốn bị nhiều ngược đãi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bởi một "tổng thống của người giàu", thì than thở sau khi lực đẩy cải cách xã hội bị mất đi.

Bài toán thật vô cùng khó giải với tổng thống Pháp, bởi theo Libération, "để củng cố hy vọng của cử tri (thân Macron), cần có các biện pháp thiên về kinh tế, mang tính chính thống. Ngược lại để giảm bớt nỗi giận của người dân, cần phải có các biện pháp xã hội".

Gánh nặng lớn

Tựa đề của xã luận La Croix là câu hỏi : "Phải chăng thay đổi chính là bây giờ ?", với nhận định : "Toàn bộ giai đoạn 22 tuần lễ sóng gió, không ít thì nhiều, trên khắp cả nước cùng một cuộc Thảo luận rộng rãi trên toàn quốc, đang khép lại với phát biểu sắp được tổng thống đưa ra. Ông là người duy nhất trong chế độ hiện nay có đủ phương tiện để chấm dứt sự hỗn loạn. Gánh nặng trên vai ông ấy là rất lớn…"

Nhật báo công giáo lưu ý là "những biện pháp được các bộ trưởng đưa ra rất rộng, liên quan đến yêu sách của cánh tả, cũng như cánh hữu", tuy nhiên, tổng thống cần rút ra các bài học từ tình trạng bế tắc hiện nay, để đưa ra lựa chọn dứt khoát. Theo La Croix, "trên địa hạt chính trị, thoát khỏi tình trạng nước đôi (vừa tả, vừa hữu) hiện nay là cần thiết, cho dù không dễ dàng. Về mặt hành động cụ thể, chỉ duy nhất mục tiêu đoàn kết toàn dân mới có thể mang lại cho ông các câu trả lời đúng".

"Mọi người cần nắm bắt cơ hội"

Le Monde, Les Echos La Croix cũng có một số bài tổng kết về cuộc Thảo luận toàn quốc, và mối quan hệ giữa cuộc Thảo luận với các quyết định của tổng thống, từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Đối với Les Echos, tổng thống Pháp đã dự kiến trước là sẽ không thể làm hài lòng được hàng triệu đòi hỏi cá nhân được bùng lên, cùng với cuộc nổi dậy của phong trào Áo Vàng. Không có câu trả lời nào có thể đáp ứng được làn sóng yêu sách, với các kiến nghị vô cùng đa dạng, thậm chí mâu thuẫn này. Như vậy, câu trả lời của tổng thống cần phải rộng hơn là một loạt các biện pháp cụ thể. Điều đặc biệt quan trọng là "mang lại niềm tin rằng một con đường tiến lên là có thể được". Theo Les Echos, "chỉ riêng phát biểu của một ông vua sẽ không làm thay đổi nước Pháp. Mọi người Pháp cũng cần phải nắm lấy các cơ hội mở ra với họ. Tiến bộ không từ trên trời rơi xuống".

Nguyện vọng của 2 nước Pháp

Về phần mình, La Croix tỏ ra hết sức lo ngại khi dẫn lại các nhận định của Đài quan sát cuộc Thảo luận toàn quốc (Observatoire des débats), với hàng tựa "Những hoài nghi về cuộc Thảo luận toàn quốc". Đài quan sát cuộc Thảo luận toàn quốc được một viện nghiên cứu về sự tham gia của công dân của CNRS lập ra hồi cuối tháng Giêng (Institut de la concertation et de la participation citoyenne), với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, hoạt động hiệp hội.

Theo đánh giá của Đài quan sát này, các nguyện vọng, quan điểm được rút ra từ cuộc Thảo luận toàn quốc nói trên không đại diện cho phong trào Áo Vàng. Cử tri tham gia thảo luận tại địa phương tương đối cao tuổi, nam nhiều hơn, về hưu chiếm đa số (49%), trình độ học vấn rất cao (62% có bằng cấp đại học). Họ cũng là chủ sở hữu (72%), và nhìn chung thỏa mãn về điều kiện sống cá nhân. Ngược lại, những người tham gia vào phong trào Áo Vàng, trên các điểm giao lộ, thường trẻ tuối (12 tuổi ít hơn trung bình), nữ nhiều hơn nam, chỉ có một phần ba là người hưu trí. Và một điểm chủ yếu khác là đa số họ sống trong tình trạng bấp bênh, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thấp hơn, sức khỏe yếu hơn...

Đài quan sát, được La Croix trích dẫn, lưu ý là, để bù lấp cho tính thiếu đại diện này : chính quyền cần chú ý đến các ý kiến hết sức đa dạng được thể hiện qua tất cả các hình thức đóng góp ý kiến trong thời gian qua. Như vậy, thách thức hàng đầu của tổng thống Macron tối hôm nay là tổng hợp được các nguyện vọng của "hai nước Pháp" : Một nước Pháp đã lên tiếng đông đảo qua cuộc Thảo luận toàn quốc và một nước Pháp chủ yếu bày tỏ quan điểm phản đối trên đường phố, hay các giao lộ.

Le Monde cũng dẫn một tổng kết khác của một nhóm kinh tế gia, với tựa đề "Phải chăng cuộc Thảo luận toàn quốc về cơ bản đã đi trật đích ?". Nhận định, dựa trên phần tổng hợp 569.000 ý kiến đóng góp trên trang mạng thu thập nguyên vọng của người dân (Granddebat.fr), cũng nhấn mạnh cùng một hướng với La Croix. Đó là tỉ lệ ý kiến đóng ở các khu vực trung tâm cao hơn rất nhiều so với các vùng ngoại vi (đơn cử như tại Paris 5 lần nhiều hơn so với cư dân vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis). Khác biệt cũng rất lớn giữa các vùng miền, tùy theo từng vấn đề.

Mùa Xuân ả rập mới và những bài học cũ

Cuộc nổi dậy của dân chúng tại Sudan, châu Phi cũng là chủ đề lớn của Le Monde. Nhật báo Pháp nói đến một "Làn sóng Mùa Xuân ả rập mới".

Tiếp theo phong trào phản kháng tại Algeria dẫn đến sự ra đi của tổng thống Bouteflika, cuối tuần trước, tổng thống độc tài Al-Bachir cũng bị quân đội lật đổ, rồi đến lượt lãnh đạo lực lượng đảo chính phải từ chức, để nhường chỗ cho một viên tướng khác được coi là ôn hòa hơn. Le Monde đặc biệt chú ý đến các bài học kinh nghiệm của phong trào Mùa Xuân ả rập hồi 2011, ngoại trừ Tunisia, đa số đều bất thành, với sự trở lại của các chế độ độc tài quân sự, như ở Ai Cập, hoặc rơi vào hỗn loạn.

Bài tổng hợp của Le Monde trước hết dẫn lời tâm sự của ông Gamel Eid, một hình tượng tiêu biểu của phong trào nhân quyền Ai Cập : "Cách mạng nửa vời là tự sát. Đừng để quân đội tước đoạt các thành quả do các bạn đấu tranh mà có".

Theo chuyên gia Peter Harling, làm việc tại một cơ sở nghiên cứu ở Beyrouth, thế giới ả rập từ 20 năm nay đã "chìm trong không khí cách mạng, do đời sống chính trị hoàn toàn xơ cứng" tại khu vực vực này. Một số biến động bất thường như chiến tranh Irak 2003, hay chiến tranh Lebanon lần hai 2006, giữa Israel và Hezbollah, có thể khiến dân chúng bị đánh lạc hướng, nhưng một khi các căng thẳng này chấm dứt, vấn đề căn bản lại trở lại : sự bế tắc của các hệ thống chính trị. Các nguyện vọng của dân chúng không được chính quyền đếm xỉa, người dân không có con đường nào khác là phản kháng.

Trung Quốc : Trụ cột dân chủ sau này đều thuộc thế hệ "Thiên An Môn"

Châu Phi dường như đang bước vào một làn sóng dân chủ hóa mới, trong lúc Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 30 năm phong trào sinh viên đòi dân chủ, bị chính quyền đàn áp trong máu. Nhiều người cho rằng phong trào Mùa xuân Bắc Kinh đã bị người dân quên lãng, do chính quyền tìm mọi cách xóa sạch hồi ức, Libération có bài "Phong trào Thiên An Môn đã có một ảnh hưởng sâu sắc tại Trung Quốc".

Nhân vật chính trong phóng sự của Libération là một cựu sinh viên, từng tham gia phong trào phản kháng, có mặt vào cái đêm kinh hoàng, với khoảng 10.000 người có thể đã bị quân đội sát hại. 30 năm sau, ông vẫn ở lại Trung Quốc. Nhà tranh đấu này bị chính quyền tước hết bằng cấp đại học, và cuộc sống của ông sau đó cũng bị gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Cheng không mất hy vọng, và cũng không thỏa hiệp với chính quyền bằng cách nhận một chỗ làm trong bộ máy Nhà nước, để có phương tiện sống, con cái có hộ khẩu.

Hồi 2009, Cheng ký tên vào Hiến chương 08, do cố nhà văn Lưu Hiểu Ba chấp bút, đòi dân chủ cho Trung Quốc. Bản Hiến chương khiến Bắc Kinh sợ hãi đến mức phải giam cầm Lưu Hiểu Ba đến chết.

Nhà tranh đấu Thiên An Môn năm xưa chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó, và tiếp tục viết hồi ký về thảm kịch Thiên An Môn. Theo ông, "phong trào Thiên An Môn có một ảnh hưởng sâu sắc tại Trung Quốc. Từ đó nhiều người Trung Quốc tiếp tục đấu tranh vì các quyền căn bản. Tất cả các trụ cột của phong trào này là những người thuộc thế hệ 1989".

Về việc nhiều sinh viên hiện nay muốn dùng chủ nghĩa Mác để giải quyết các vấn đề của xã hội Trung Quốc, ông đánh giá điều này chẳng khác nào "uống thuốc độc, để giải cơn khát".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Mặt trận 5G : Ai sẽ thống lĩnh thị trường internet ?

5G cuộc chiến tranh giành độc quyền internet thế hệ 5. Từ Algeria cho đến Sudan những bố già lãnh đạo bị quân đội bỏ rơi. Cam Bốt, tử huyệt của chế độ Hun Sen. Ấn Độ, liệu Modi có thể thua ngược ? Đó là một số chủ đề quốc tế trên các tạp chí Pháp tuần này.

5g1

Ai sẽ làm chủ hệ thống 5G của thế giới ? Robyn Beck / AFP

Courrier International dành sáu trang để phân tích và trả lời câu hỏi "Mỹ- Trung Quốc- Nga, ai sẽ thống lĩnh internet" ? Cụ thể Hoa Kỳ và Trung Quốc khai thác công nghệ thông tin thế hệ 5 để áp đặt mô hình chính trị internet.

Mỹ và Trung Quốc, hai mô hình internet

Ước mơ một thế giới không gian mạng không biên giới đã trở thành ảo vọng. Thị trường internet thế giới đang từ từ bị chia cắt : một bên là hệ thống Trung Quốc với chiếc điện thoại di động đa năng từ một ứng dụng có thể làm mọi việc mua bán, chuyển ngân, thay thế tiền mặt. Vấn đề là chính quyền theo dõi kiểm sóat tất cả mọi sinh họat của người dân. Phía bên kia là một hệ thống internet tự do, mở rộng nối kết khắp địa cầu. Người sử dụng gần như muốn nói gì thì nói, muốn phát minh sáng chế gì thì cứ làm. Đối với người dùng internet Trung Quốc, mô hình của Hoa lục rất kềnh càng và không thoải mái. Nhiều website không được lập trình để có thể tiếp cận bằng một điện thoại đa năng.

Với thế hệ 5G, hai hệ thống Mỹ-Trung sẽ xung đột trực diện bởi vì Bắc Kinh muốn trói buộc khách hàng dử dụng hệ thống "vạn lý trường thành điện tử" của Trung Quốc để chế độ có thể kiểm sóat thông tin và để ngăn chận ảnh hưởng của Tây phương. Hệ thống 5G của Trung Quốc là một phát minh công nghệ tuyệt vời nhưng xem nhẹ tự do cá nhân và những bảo đảm căn bản quyền con người.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc ngăn cấm mạng lưới internet Tây phương như Facebook, Google hoạt động tại Hoa Lục nhưng mọi cố gắng ủng hộ các tập đoàn Trung Quốc như Tencent và Alibaba xâm nhập thị trường nước ngoài cũng không thành công.

Người sử dụng nghĩ gì ?

Giữa hai mô hình này, đâu là lợi thế và đâu là nhược điểm của mỗi bên ? Tự do thông tin theo văn hóa Mỹ hay nhà nước kiểm duyệt theo kiểu Trung Quốc, người sử dụng nghĩ gì ?

Thế hệ G5 làm căng thẳng Mỹ-Trung leo thang vì một số nước sẽ chạy theo hệ thống Trung Quốc để có thể thu phim ảnh một cách chớp nhoáng và nhiều ứng dụng khác trong rô-bô. Mục tiêu không che giấu của Trung Quốc là muốn thống lĩnh thị trường. Do vậy không nên ngạc nhiên khi Washington và Quốc hội Mỹ ra tay ngăn chặn tham vọng của Hoa Vi.

Hai nước đã được Trung Quốc bán trang thiết bị internet thế hệ 5 trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới là Việt Nam và Tanzania. Nhưng dường như ý thức được nguy cơ gián điệp, năm 2018, Tanzania ban hành luật mới, trừng phạt, bỏ tù các nhà cung cấp từ chối thay thế các "trang thiết bị bị cấm".

Vương Hỗ Ninh, lý thuyết gia của chế độ cộng sản Trung Quốc, cách nay hai năm ca ngợi nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình "phát huy chiến lược internet của Trung Quốc và nhận được nhiều đáp ứng thuận lợi trên thế giới".

Phản ứng công dân Trung Quốc ra sao ?

Một là họ lách tường lửa bằng thẻ SIM nước ngoài và hai là trao đổi bằng tiếng lóng để đánh lừa an ninh mạng. Một nữ doanh nhân Hồng Kông hoạt động tại Hoa Lục cho biết các bạn người Hoa làm việc trong ngành báo chí hay chính quyền tỏ ra cảnh giác cao độ khi trao đổi qua WeChat. Đôi khi chuyện chẳng có gì là "nhạy cảm" nhưng họ dùng từ ngữ được mã hóa. Hệ quả là mất khá nhiều thời giờ để hiểu bạn mình muốn nói gì.

Vì sao Moskva bỏ sân đấu quay về cố thủ trong bốn bức tường ?

Cuối cùng, trong trận chiến 5G, trong khi Mỹ-Trung giằng co, nước Nga sẽ heo phe nào ?

Theo L’Express, Hàn Quốc đúng là nước chiến thắng trong cuộc đua cao tốc 5G. Ngày 05/04/2019, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đề nghị hệ thống truyền thông thế hệ 5. Dù trang thiết bị, sử dụng công nghệ do tập đoàn nào cung cấp, chỉ một chiếc điện thọai Galaxy S10 Samsung là có thể kết nối với mạng lưới internet mới này. Ngay Apple của Mỹ cũng đang thương thuyết với Samsung.

Còn nước Nga, theo Courrier International, nguyên tắc số một của Putin là "nếu tình hình bất trắc thì lập tức phong tỏa internet". Trong bài "Nước Nga sau chiến hào phòng thủ", báo mạng Gazeta.ru cho rằng trong bối cảnh tình hình "trong và ngoài nước hiện nay " một đạo luật "chủ quyền thông tin số" là cần thiết. Những nước yêu chủ quyền chưa sẵn sàng tham gia, nối kết vào mạng toàn cầu. Ý tưởng lập rào cản xuất hiện từ năm 2014, sau khi chiếm Crimea và bị quốc tế trừng phạt.

Cụ thế, chính quyền sử dụng mọi phương tiện kỹ thuật để kiểm sóat luồng thông tin tất cả mọi kênh liên lạc qua biên giới. Có người cho rằng chính quyền Nga bị hoang tưởng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không gian mạng bị tấn công như sợ NATO tiến đánh. Thế nhưng tác giả nói là "Mỹ cũng thế, cũng hoang tưởng nghi ngờ Moskva can thiệp vào bầu cử".

Nói dông nói dài, cuối cùng Gueorgui Bovt, tác giả bài báo biện minh : Dự án lập một mạng lưới internet riêng của Nga là bắt chước chính sách của Trung Quốc. Bởi vì đó là truyền thống Châu Á, chính quyền quyết định cái gì xấu cái gì tốt, cái gì cần phải cấm, cái gì cần phổ biến. Kiểm duyệt ảnh hưởng bên ngoài xâm nhập còn là truyền thống lịch sử từ thời Trung Cổ. Tác giả lấy chiến hào ngăn chặn "làn sóng xâm lăng" của Mông Cổ so sánh với nhiệm vụ tường lửa chống Công giáo phương Tây truyền đạo vào nước Nga, lãnh thổ của Chính Thống giáo.

Nói tóm lại, cô lập nước Nga với internet toàn cầu, theo tác giả là lập trường chung của đa số dân Nga. Bởi vì nói cho cùng người Nga không chơi với ai hết. Có người phê bình là hoang tưởng, có người nói đó định mệnh.

Trong khi đó phản ứng của cộng đồng mạng rất gay gắt, lên án đạo luật chống dân, chính quyền dối trá triền miên, thối tha. Ngày 03/04/2019 cảnh sát Saint Petersbourg phát hiện một tấm mộ bia với hàng chữ : "Vladimir Putin, 1952-2019, kẻ phản bội dân tộc".

Châu Phi lại sôi sục không đầy 10 năm sau Mùa Xuân Ả Rập

Dường như làn gió cách mạng lại tấn công vào các chế độ độc tài. Sau Bouteflika của Algeria đến lượt Al Bachir của Sudan bị quân đội ép buộc ra đi, trước phong trào phản kháng của dân chúng.

Biến động chính trị tại Algeria là cơ hội tốt để thống chế Libya Khalifa Haftar mở cuộc tiến quân về Tripoli, theo nhận định của Al Jazeera trong bài "Thống chế Haftar sẽ đi tới đâu ?". Bởi lẽ, với tư thế là cường quốc khu vực, Algeria, xem những nước Ả Rập lân cận như Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập với lập trường ủng hộ lãnh chúa miền đông Lybia, là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng. Dù mưu đồ chiếm Tripolo thành công hay thất bại, thì Libya sẽ là một lò lửa ở Bắc Phi và mối lo lớn nhất trên trường quốc tế.

Trong khi đó tại ở Algeria, thời hậu Bouteflika bắt đầu, theo nhận định của báo Tout sur Algerie, được Courrier Internatinal trích dịch. Vấn đề là chủ tịch Thượng viện Bensalah tạm lên thay tổng thống từ nhiệm, tuy theo quy định Hiến pháp, nhưng đi ngược lại yêu sách cải cách của người dân. Đối với nhà báo Algeria Makhlouf Mehenni, nhìn thoáng qua thì chính quyền Algeria dựa vào bản Hiến pháp như để trêu chọc hàng chục triệu người biểu tình. Trên thực tế, bản Hiến pháp này đã bị chế độ tùy tiện vi phạm không biết bao nhiêu lần với sự đồng lõa của chính những người gọi là đại biểu quốc hội. Cho đến khi quân đội, đúng hơn là tướng Salah thúc giục thì điều 102 mới được áp dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng khi tướng Salah nhiều lần kêu gọi áp dụng cùng lúc ba điều luật 102, điều 7 và điều 8 (liên quan đến chủ quyền dân tộc) là ông muốn nói đến khả năng dẹp bỏ chế độ hiện nay, trả chính quyền lại cho dân, theo đúng nguyện vọng của phong trào phản kháng.

Nhưng nói gì thì nói, theo tác giả, một cuộc cách mạng thật sự chỉ xảy đến một khi tương quan lực lượng đảo ngược hoàn toàn. Mà trong ván cờ này, tướng Salah là đạo diễn, theo nhật báo khác là Algerie Part.

Trong khi đó, tuần báo L’Obs dành nhiều trang và hình ảnh trở lại sự nghiệp chính trị của tổng thống từ nhiệm : "Từ Vinh quang đến sụp đổ". Nhưng theo tạp chí thiên tả, dù rơi xuống vực sâu, Bouteflika vẫn là một khuôn mặt quan trọng của lịch sử Algeria.

Sudan : Phụ nữ đi đầu

L’Obs, ở trang "hình ảnh trong tuần" tuần báo thiên tả Pháp nhấn mạnh đến yếu tố can đảm của phụ nữ Sudan qua hình ảnh một nữ phóng viên 22 tuổi, áo trắng đứng trên mui xe, kêu gọi nhà độc tài Al Bachir từ chức.

Phong trào tranh đấu cho tự do có thêm một biểu tượng mới và một chiến thắng mới. Vài tháng trước khi nhân vật lãnh đạo Sudan suốt 30 năm với bàn tay sắt bị quân đội truất phế, giới quan sát đã linh cảm được tín hiệu gió đổi chiều.

The Times liệt kê một số sự kiện : thành phần tiến bộ trong đảng cầm quyền và báo chí ủng hộ nhóm sĩ quan cải cách, tổng thống Al Bachir huy động thành phần côn đồ Janjawid, lực lượng dân quân thảm sát 300.000 dân ở Darfour năm 2003, tuần tra gần tổng hành dinh quân đội. Càng ngày càng có nhiều nhà đối lập ôn hòa và kỷ luật tham gia biểu tình chống tăng giá bánh mì và giá xăng dầu. Bất chấp nguy hiểm cho tính mạng, phụ nữ luôn chiếm đa số và đi đầu trong các cuộc xuống đường đòi nhà lãnh đạo bị khinh khi, cố thủ trong dinh phủ, ra đi cho xong nợ.

Vào ngày 19/12/2018, chính ông đã tự gieo gió : tăng giá bánh mì lên ba lần. Cơn giận của người dân tỉnh Atbara, cách thủ đô Khartum 350 cây số, biến thành bão sa mạc kéo về bao vây dinh tổng thống.

Thật ra Al Bachir đã được giới lãnh đạo trong khu vực khuyên là nên từ chức lúc chưa quá trễ. Tuy nhiên, lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế làm ông lo ngại và chần chờ để rồi lâm vào thế bị bao vây. Kết luận của The Times được lên khuôn trước khi Al Bachir bị truất phế.

Điểm mạnh cũng là tử huyệt của chế độ Hun Sen

Nguyệt san Asie Reportage số tháng Tư của hiệp hội Les Enfants du Mekong, tổ chức thiện nguyện giúp trẻ em, học sinh đồng bằng sông Cửu Long dành nhiều trang để giới thiệu sinh hoạt của sắc tộc Hmong giữa truyền thống và hiện đại : Giáo dục là vũ khí hiệu quả giúp phụ nữ có chỗ đứng trong xã hội, tránh cạm bẫy nô lệ tình dục. Trang chính trị, Asie Reportage phân tích thế mạnh và thủ đoạn củng cố quyền lực theo xu hướng cha truyền con nối của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. Tuy nhiên, chính điểm mạnh này cũng là tử huyệt của mọi chế độ gia đình trị.

Theo phân tích của Gregory Mekaelian, chuyên gia của Trung tâm Đông Nam Á, người ta không thể hiểu được nhờ đâu mà thủ tướng Cam Bốt Hun Sen có thể trị vì đến năm nay là 34 năm. Muốn biết, phải xem xét mớ bòng bong của mạng lưới quan hệ đặt trên nền tảng liên đới gia đình và quan hệ tỉnh lẻ, một truyền thống của xứ chùa Tháp.

Thứ nhất, đàn bà Cam Bốt không quan tâm đến chuyện chính trị của chồng nhưng lại đóng vai trò tối quan trọng trong gia đình. Với quyền của người mẹ, người chị, em, con gái, bà nội, bài ngoại, họ "đan dệt" quan hệ qua thông gia, mở rộng ảnh hưởng thế lực.

Thứ hai là truyền thống lịch sử : Hun Sen cũng như những lãnh đạo Cam Bốt từ đầu thế kỷ trước, họ có khả năng hiểu biết về hành chánh và xuất thân từ giai cấp trung lưu nên tận dụng ưu thế này để bảo vệ quyền lực từ trung ương đến địa phương trong tay những người cùng phe.

Vấn đề là từ khi quốc vương Sihanouk qua đời, người hùng của Cam Bốt lấn áp tân vương Sihamoni. Trên thượng tầng lãnh đạo, các con của Hun Sen được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng. Có người đã tiên đoán người con nào của Hun Sen sẽ thay cha. Nhưng, đây chính là cội nguồn của bất trắc. Bởi lẽ, việc "truyền thừa" ở Cam Bốt không theo dòng chính mà do "dòng bên mẹ", do vậy, số "ứng viên" nhân lên gấp nhiều lần. Thêm vào đó, lịch sử nối ngôi ở Cam Bốt, theo mô hình trong đầu của thành phần quý tộc, là phải có sự tranh đua chém giết giữa các hoàng tử để phân định người xứng đáng.

Đó là lý do mà Gregory Mekaelian phải cảnh báo giới đầu tư xem gia đình Hun Sen là yếu tố ổn định, coi chừng sẽ thất vọng.

Ấn Độ đã xong mùa tranh cử

Chiến dịch bỏ phiếu bắt đầu và kéo dài trong 6 tuần. Trong khi mọi kết quả thăm dò đều cho là đảng BJP của thủ tướng Modi sẽ chiếm đa số, nhưng một số báo tỏ ra thận trọng.

Hai yếu tố được tờ Diplomat của Nhật lưu tâm là các đảng đối lập cấp điạ phương có thể nhân bất mãn xã hội sẽ liên kết với nhau "đẩy" đảng của thủ tướng liên bang khỏi chính quyền cấp bang. Thứ đến là thành phần bị xem là "tiện dân" liệu có còn tin cậy vào thủ tướng Modi hay không ?

Tình trạng thất nghiệp lên cao cũng là yếu tố bất lợi cho ông Modi, theo báo Outlook ở New Delhi.

Tin khoa học

Trong lãnh vực khoa học, Le Point khẳng định "đường lên sao Hỏa là kế hoạch nghiêm túc". Trong khi L’Express thông báo "bệnh Parkinson sắp có thuốc trị".

L’Express đưa ra bốn phương pháp trị liệu bệnh liệt rung phối hợp loại trừ protein độc hại, lấy bớt chất sắt, dùng hồng ngoại tuyến tăng năng lực cho tế bào thần kinh chống lão hóa.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Khối 16+1 : Nhiều nước thành "luật sư" bảo vệ Trung Quốc tại Châu Âu

Sau thượng đỉnh thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Croatia dự thượng đỉnh 16+1.

khoi1

Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, tại Croatia, ngày 10/04/2019. AFP

Thượng đỉnh giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra trong ba ngày 10-12/04/2019. Báo La Croix giới thiệu bài viết "Những người bạn Châu Âu của Trung Quốc tập trung tại Dubrovnik".

Thượng đỉnh 16+1 bắt đầu từ năm 2012, 16 nước Châu Âu tham gia là Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, Croitia… trong đó có 11 thành viên Liên Âu, bị hấp dẫn bởi sức mạnh tài chính và khả năng đầu tư của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh tranh thủ thượng đỉnh 16+1 để phục vụ dự án "Con đường tơ lụa mới" và chiến lược gây ảnh hưởng về kinh tế và chính trị tại Châu Âu. Trong số các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đáng nói nhất là tuyến đường sắt cao tốc từ Athens (Hy Lạp) đến Budapest (Hungary), chạy qua Beograd (Serbia).

Báo cáo của Hội nghị Munich về an ninh hồi tháng 02/2019 đã nhấn mạnh : "Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế vào mục đích chính trị. Các dự án của Trung Quốc không phải lúc nào cũng phù hợp với tiêu chuẩn Châu Âu về phát triển bền vững và tính minh bạch. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bao gồm các nguy cơ cho khu vực, nhất là về nợ, bởi vì một phần lớn tiền đầu tư là dưới dạng các khoản tiền cho vay".

Quả thực, 1/5 tổng số tiền Macedonia nợ nước ngoài là từ Trung Quốc. Tỉ lệ này ở Montenegro là 39%. Montenegro đã vay Bắc Kinh 809 triệu euro để xây một phần đường cao tốc tới Serbia. Còn Bosnia- Herzegovina mới thông qua khoản vay 600 triệu euro của Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc cho dự án xây một nhà máy nhiệt điện than ở Tuzla, với sự tham gia của 3 doanh nghiệp Trung Quốc.

Chỉ trong một vài năm, tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc CEFC đã chi hơn 1 tỉ đô la vào Cộng hòa Czech để mua hãng hàng không quốc gia, một nhà máy bia và một đội bóng của Czech. La Croix chơi chữ, nhấn mạnh để đổi lấy những khoản tiền đầu tư nói trên, nhiều nước trong nhóm 16+1 trở thành "luật sư" bảo vệ Bắc Kinh ở Châu Âu.

Từ vài tháng nay, Ủy ban Châu Âu nỗ lực tìm cách chống đỡ trước các đòn tấn công kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự đề phòng của Liên Hiệp Châu Âu không cản trở được Croatia, nước gia nhập Liên Âu từ năm 2013, ký 9 thỏa thuận song phương mới với Trung Quốc nhân thượng đỉnh 16+1 năm nay.

Tổng thống Brazil Bolsonaro : Donald Trump của miền nhiệt đới ?

Chỉ sau 100 ngày kể từ khi Bolsonaro chính thức nắm quyền tổng thống Brazil, người dân đã hiểu ra rằng ông không phải là "người cứu nguy cho dân tộc" như họ từng trông chờ. Trong bài xã luận có tiêu đề "Bolsonaro, Trump của miền nhiệt đới", báo Le Monde cho biết là theo nhiều thăm dò ý kiến ở Brazil, chỉ có 32% số người được hỏi ủng hộ tổng thống. Đây là tỉ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục được ghi nhận trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của một vị tổng thống Brazil.

Trong suốt 30 năm làm dân biểu, Jair Bolsonaro nổi tiếng về sự thô thiển và khiêu khích, hơn là nhờ thành tích trong công việc lập pháp. Và nay khi đã thành tổng thống, ông vẫn chưa đảm đương được trọng trách hàn gắn đất nước - vốn bị chia rẽ nặng nề từ sau khi tổng thống Dilma Roussef bị phế truất vào năm 2016. Bolsonaro vẫn hành xử như đang trong chiến dịch vận động tranh cử, chỉ chú tâm vào thành phần cử tri cực đoan nhất, mà là quên đi những người dân còn lại đang phải đối đầu với những thách thức khổng lồ.

Được sự hỗ trợ của các con trai, những người hiện diện khắp nơi ở "chóp bu nhà nước", cho dù họ không có chức vụ chính thức, tổng thống Bolsonaro điều hành đất nước bằng các tin nhắn Twitter và Livestream - video trực tiếp - trên Facebook. Bolsonaro cho thấy ông có nhiều điểm giống với tổng thống Mỹ. Người ta gọi ông là "Trump của miền nhiệt đới".

Tuy nhiên, báo Le Monde nhấn mạnh nếu tổng thống Mỹ có được những số liệu thống kê kinh tế có thể khiến người dân hài lòng, thì tại Brazil, kinh tế vẫn trượt dốc, tỉ lệ thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách đều tăng. Trong quý đầu nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro, chính phủ hoàn thành chưa đến 1/5 số mục tiêu đã đề ra. Bolsonaro khiến mọi người có cảm giác ông không có ý tưởng cụ thể về cách thức lãnh đạo đất nước.

Chính ông Bolsonaro hôm 05/04/2019 đã thừa nhận sự thất bại : "Hãy tha thứ cho những thiếu sót : Tôi không được sinh ra để làm tổng thống, tôi được sinh ra để làm một quân nhân". Nhưng thực tế là Bolsonaro đã bị giáng thành quân dự bị sau một phiên tòa về tội vô kỷ luật khi mới 33 tuổi. Le Monde kết luận, sự thật nói trên khiến người dân Brazil không thể yên tâm về tổng thống. Họ cần các kết quả cụ thể hơn là sự vênh vang của viên một sĩ quan dự bị.

Đảm bảo an ninh nước sạch, thách thức mới cho các đô thị

Trong lĩnh vực an ninh, báo Les Echos chú ý đến "An ninh cho hệ thống cấp nước, thách thức mới của các đô thị". Đảm bảo an ninh cho hệ thống cấp nước là thách thức ngày càng lớn mà một thành phố trong tương lai phải học cách quản lý.

Hồi tháng 10/2016, cơ quan quản lý nước Rhin-Meuse của Pháp bị tin tặc tấn công và mất hàng triệu dữ liệu về chất lượng nguồn nước. Vào tháng 03/2016, một nhà máy nước sạch của Mỹ bị tấn công mạng. Tin tặc đã thay đổi liều lượng hóa chất xử lý nước.

Les Echos cho biết nạn khủng bố nhắm vào hệ thống nước không nhiều nhưng cũng không phải là không có. Hồi năm 2017, tại Ý, một người Morocco muốn làm nhiễm độc nguồn nước sạch ở Roma. Năm 2018, một vụ tương tự nhắm vào mạng lưới cung cấp nước sạch trên đảo Sardaigne.

Theo Franck Galland, một chuyên gia về "an ninh nước", vấn đề thường gặp nhất là việc các thanh niên phá hoại bể chứa nước của thành phố, chẳng hạn đổ hóa chất vào nước. Giá kim loại tăng cũng kéo theo nhiều vụ ăn cắp đường ống, thiết bị bằng đồng và inox.

Việc đảm bảo sự an toàn cho hệ thống cấp nước sạch bắt đầu từ năm 2008, nhưng chỉ hạn chế ở các cơ quan lớn phụ trách hệ thống cấp nước ở đô thị. Theo chuyên gia Franck Galland, hoạt động này cần mở rộng ra cả hệ thống thoát nước thải và các nhà máy làm sạch nước đã qua sử dụng. Quả thực, hồi năm 2007, Queensland (Úc) bị ô nhiễm nặng vì một nhân viên cũ của nhà máy lọc nước thải nước bẩn đã khiến hệ thống làm sạch nước ngưng hoạt động. Một lượng lớn nước bẩn không qua xử lý bị đổ thẳng vào các nguồn nước tự nhiên.

Pháp : Thuốc trừ sâu diệt cỏ vẫn được sử dụng nhiều

Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, sinh thái, báo La Croix đặt câu hỏi "Tại sao thuốc trừ sâu không giảm ?". Tại Pháp, việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ tiếp tục tăng cho dù từ năm 2008 chính phủ đã đề ra hai kế hoạch hướng tới giảm lượng hóa chất trong nông nghiệp. Hôm 10/04, chính phủ Pháp cũng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 giảm 1/2 lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ và đến năm 2020 loại bỏ được thuốc diệt cỏ glyphosate.

Bà Claudine Joly, phụ trách các vấn đề về thuốc trừ sâu diệt cỏ thuộc FNE - Liên đoàn các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên, môi trường của Pháp, nhận định việc sử dụng các hóa chất nói trên là một dạng "bảo hiểm rủi ro" đối với nhà nông. Suốt 70 năm qua, việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ tỏ ra hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho nông dân nhờ mang lại năng suất cao và ổn định. Các nhà phân phối và người tiêu dùng cũng có lợi vì việc sử dụng hóa chất giúp giảm giá nông phẩm. Trong khi đó, các vấn đề về sức khỏe và môi trường bị gạt ra ngoài lề.

Tuy nhiên, ông Christian Durlin, một nhà quản lý của Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp lưu ý là chỉ số sử dụng hóa chất tính theo diện tích trồng trọt tăng không có nghĩa là tổng lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ được sử dụng tăng. Theo ông, nếu tính về số lượng, thì lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp vẫn giữ ở mức ổn định.

Ông cũng nhấn mạnh tần suất phun thuốc tăng cũng là do việc sử dụng chất glyphosate giảm, các hóa chất khác kém hiệu quả hơn nên phải phun thuốc nhiều lần hơn, ngoài ra cũng phải nói tới tình trạng có thêm nhiều bệnh khó diệt trừ hơn bằng hóa chất nên cũng phải sử dụng nhiều thuốc hơn.

Đại diện Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp còn khẳng định với báo La Croix là từ mười năm nay, nông dân Pháp cũng đã có nhiều tiến bộ, giảm liều lượng hóa chất, cải thiện điều kiện phun thuốc và chú ý hơn đến sự an toàn của người dân sống trong khu vực và người tiêu dùng. Theo ông Christian Durlin, các mục tiêu của chính phủ Pháp sẽ không đạt được nếu nhà chức trách không chú ý đến điều kiện thực tế. Ông Durlin kết luận : Muốn thay đổi mọi chuyện thì phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều đề tài. Về thời sự nước Pháp, Libération quan tâm đến dự án tư hữu hóa công ty quản lý các sân bay Paris (Aéroport de Paris - ADP) và chơi chữ qua hàng tựa lớn : "Chống bán ADP - đường đua của công dân". Trong khi các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập đã đề xuất trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân, thì việc huy động đông đảo công luận phản đối việc tư nhân hóa các sân bay Paris có thể khiến dự án của chính quyền Pháp gặp trở ngại.

Liên quan tới Liên Hiệp Châu Âu, báo La Croix nhận định "Brexit gây rạn nứt Anh Quốc", còn Le Figaro nói về "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron muốn chỉ huy chiến dịch tranh cử". Nhìn ra thế giới, Le Monde hướng sự quan tâm đến Trung Đông qua hàng tựa "Bầu cử tại Israel : Thủ tướng Netanyahou thắng cược". Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến vụ "Renault - Nissan - Mitsubishi tái thiết liên minh".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Pháp : Tập đoàn Airbus thay lãnh đạo trong giai đoạn đầy thách thức

Châu Âu và Pháp là hai chủ đề chính nổi bật trên trang nhất các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay 10/04/2019.

airbus1

Ông Guillaume Faury, tân lãnh đạo Airbus.AFP Photos/Eric Piermont

Lý thú nhất có lẽ là bài trên nhật báo kinh tế Les Echos về sự kiện tập đoàn chế tạo phi cơ Châu Âu Airbus thay đổi lãnh đạo vào một thời điểm đầy thách thức.

Le Figaro cũng chạy tít lớn về Châu Âu, nhưng chú ý đến Brexit. Về thời sự Pháp, Le Monde chú ý đến đích nhắm 2022 của tổng thống Macron, Libération nhấn mạnh đến một sáng kiến dân chủ nổi lên sau cuộc Đại Thảo Luận, còn La Croix vui mừng trước sự kiện chế độ thu thuế tận gốc đã được áp dụng một cách suôn sẻ.

"Chuyển giao lịch sử" tại Airbus

Hàng tựa lớn nhất ngay trang đầu của Les Echos ghi nhận : "Chuyển giao quyền điều hành lịch sử tại Airbus". Đối với Les Echos, đây là một sự kiện lịch sử vì lãnh đạo người Đức của Airbus Thomas Enders, 61 tuổi, tại chức từ 14 năm qua, rốt cuộc đã trao lại quyền hành cho Guillaume Faury, 51 tuổi, một người Pháp, hiện là phụ trách mảng hàng không của tập đoàn hàng không không gian Châu Âu.

Chân dung của lãnh đạo mới của Airbus rất ấn tượng. Là một người thông thạo tiếng Đức, tốt nghiệp Đại học Bách khoa lừng lẫy của Pháp là Polytechnique, ông từng làm việc ở Tổng Cục Quân Giới Pháp, trước khi qua phụ trách hai bộ phận quan trọng của Airbus là sản xuất trực thăng và phi cơ.

Với một lý lịch như vậy, cũng dễ hiểu là ông Faury đã được Hội đồng quản trị Airbus gần như là nhất trí chọn làm tân lãnh đạo tập đoàn vào tháng 12 năm 2018. Một lãnh đạo như thế rất cần cho Airbus vào thời điểm tập đoàn Châu Âu phải đối phó với vô số thách thức.

Theo Les Echos, ông chủ mới của Airbus trước tiên sẽ phải đối mặt với những bất ổn về địa chính trị, được minh họa bằng xáo trộn do vấn đề Brexit và nhất là sự hồi sinh của cuộc chiến tranh thương mại giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, với Airbus là đối tượng bị Washington nhắm tới.

Guillaume Faury cũng sẽ phải chống lại cuộc phản công sắp tới của Boeing, nổi tiếng là rất đáng sợ mỗi khi bị khủng hoảng. Ông cũng sẽ phải bảo vệ tên lửa Ariane và ngành công nghiệp không gian vũ trụ Châu Âu trước sự tấn công của các tác nhân mới, trong đó có hai tập đoàn tư nhân Mỹ Space X và Blue Origin.

Trong lãnh vực hàng không quân sự, thách thức quan trọng nhất đối với tân lãnh đạo Airbus là làm sao biến thảm họa tài chính của máy bay vận tải quân sự A400M thành một sản phẩm xuất khẩu, kéo dài tuổi thọ cho loại chiến đấu cơ Eurofighter, đồng thời đặt nền móng cho hệ thống không chiến Châu Âu trong tương lai, trong khuôn khổ hợp tác với hãng Dassault, chuyên chế tạo loại chiến đấu cơ Rafale.

Brexit : Theresa May muốn kéo dài thời hạn để làm gì ?

Về hồ sơ Brexit, các báo đều chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh bất thường của lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu mở ra tối nay để xem xét đề nghị của thủ tướng Anh Theresa May, muốn dời ngày chia tay với Châu Âu đến cuối tháng 6.

Ngay trang nhất của mình, Le Figaro đặt câu hỏi "Brexit : Dời ngày ra đi thêm một lần nữa để làm gì ?". Đối với tờ báo cánh hữu, khả năng Liên Hiệp Châu Âu đồng ý gần như là tất yếu, vì không nước nào trong khối muốn gánh vác trách nhiệm về một Brexit-No deal, tức là không thỏa thuận.

Theo ghi nhận của Le Figaro, lập trường của lãnh đạo hai nước đầu tầu Châu Âu là Pháp và Đức đã cho thấy rõ khả năng này. Ngay từ đầu, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho rằng việc hoãn "vài tháng" là một điều chấp nhận được, có thể là cho đến đầu năm 2020. Nước Pháp, dù có thái độ cứng rắn trong một thời gian dài, cũng đã tuyên bố không phản đối dời ngày ly hôn, nhưng đặt ra một số điều kiện và cho rằng thời hạn một năm sẽ là "quá dài".

Đối với Le Figaro, trong bối cảnh Luân Đôn chắc chắn sẽ được Bruxelles cho hoãn ngày Brexit, hy vọng đang đặt vào các cuộc đàm phán giữa phe Bảo Thủ đang cầm quyền, với Công Đảng trong phe đối lập, để tìm ra đồng thuận về thỏa thuận Brexit.

Có điều, theo nhà bình luận Arnaud de la Grange của tờ Le Figaro, "Không có gì chắc chắn rằng các cuộc thảo luận giữa Theresa May và Công Đảng sẽ có kết quả. Chuông báo động đã rít lên trong giới kinh doanh tại Vương quốc Anh. Giới chính khách thì cận kề bờ vực của sự điên loạn, khiến cho một trong những lãnh đạo cảnh sát hàng đầu của nước Anh đã phải kêu gọi giới lãnh đạo chính trị là phải biết tự kềm chế…".

May đến Bruxelles trong thế yếu

Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo thiên tả Libération cho rằng bộ phim Brexit sẽ còn kéo dài. Theo tờ báo, tại Bruxelles hôm nay, thủ tướng Anh rõ ràng là ở trong thế yếu, và tương tự như lần xin dời ngày Brexit vào tháng 3 vừa qua, lần này, yêu cầu của bà May có khả năng chỉ được thỏa mãn một phần, nhất là khi bà chưa hề thực hiện các điều kiện mà Liên Hiệp Châu Âu đặt ra trong lần đầu tiên.

Libération giải thích thêm : Thỏa thuận Brexit đạt được với các nhà đàm phán Châu Âu vào tháng 11 năm ngoái vẫn chưa được các nghị sĩ Anh thông qua, trong lúc thủ tướng May lại không thực sự có một phương án thay thế. Bà kêu gọi hoãn Brexit cho đến ngày 30 tháng 6, với hy vọng là thỏa thuận tháng 11/2018 sẽ được thông qua.

Đây là hy vọng hay ảo vọng ? Dẫu sao thì Libération nhắc lại rằng thỏa thuận đó đã bị Hạ Viện dứt khoát bác bỏ ba lần rồi.

Đà tan băng tăng tốc : Núi Alpes có thể không còn băng

Một vấn đề môi trường đã thu hút sự chú ý của hầu như tất cả các báo : Tình trạng băng sơn tăng tốc độ tan chảy.

Không hẹn mà gặp, Le Monde Le Figaro đều dành vị trí trang trọng nhất ở trang đầu cho một bức ảnh chụp băng sơn, kèm theo một bài viết giải thích rõ bên trang trong.

Dưới tựa đề "Môi trường : Đà tan băng tăng tốc", Le Monde đăng ảnh khu núi băng Tracy Arm ở vùng Alaska, Hoa Kỳ, vào tháng 8 năm 2018. Thế nhưng băng không thấy đâu, mà chỉ thấy đá trơ trụi. Tờ báo cho biết : "Một công trình nghiên cứu đã tính toán được một mức độ tan chảy khủng khiếp trong vòng 50 năm và hiện tượng này chỉ ngày càng dữ dội hơn mà thôi".

Le Figaro thì cụ thể hơn, xoáy vào tình trạng ở Pháp, ghi nhận qua hàng tựa : "Băng vùng núi Alpes có thể biến mất từ nay đến cuối thế kỷ". Bên dưới một tấm ảnh chụp Biển Băng ở phía trên thị trấn nghỉ đông Chamonix vùng núi Alpes bên Pháp, tờ báo ghi nhận : "Giống như biển băng trên Chamonix, đã mất 2,5 km kể từ thế kỷ 19, hàng chục ngàn dải băng hà trên hành tinh đang tan chảy trông thấy. Hiện tượng đó ngày càng góp phần vào việc làm mực nước biển dâng cao".

Dựa vào đâu mà hai nhật báo Pháp lại lên tiếng báo động như vậy ? Le Monde cho biết là chính tạp chí khoa học nổi tiếng Nature của Anh đã cảnh báo như trên trong công trình nghiên cứu công bố hôm 08/04, theo đó thì từ vùng Alaska cực bắc nước Mỹ, cho đến vùng Patagonia ở mũi cực nam Châu Mỹ, hay trên dãy núi Alpes ở Châu Âu, tức là ở khắp mọi nơi trên thế giới, đà tan chảy của băng hà đang gia tăng. Những người "lính canh" của khí hậu này, đã mất đi hơn 9.000 tỷ tấn băng kể từ năm 1961, góp phần làm mực nước biển dâng cao.

Nhật báo Pháp nhắc lại rằng vào năm 2013, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC (hay GIEC theo từ tắt tiếng Pháp) đã gợi lên khả năng mực nước biển dâng cao từ 26 cm đến 98 cm từ giờ đến cuối thế kỷ, bắt nguồn từ mọi nguyên nhân gộp lại, theo các kịch bản khí hậu bị hâm nóng.

Dự báo đáng ngại này càng lúc càng có khả năng trở thành sự thật...

Mới tại chức 2 năm, Macron đã nghĩ đến 2022

Về thời sự Pháp, Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Đảng của Emmanuel Macron chuẩn bị chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022 như thế nào".

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ngân quỹ. The tờ báo Pháp, đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã dự trù dành 15 triệu euro trong quỹ vận hành của mình cho việc đó, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, với một điểm mới là đa dạng hóa nguồn đóng góp, thay vì chủ yếu dựa vào các nhà đại hảo tâm như trong cuộc vận động năm 2017.

Một trong những người thân cận với tổng thống Macron khẳng định với Le Monde : "Tổng thống sẽ không bao giờ nói công khai trước công chúng, nhưng thật ra ông chỉ nghĩ đến năm 2022. Đó là động lực thôi thúc ông".

Một sáng kiến lạ để phát huy dân chủ ở Pháp

Cũng về thời sự Pháp, Libération đã dành trang nhất cho một ý tưởng đã được nêu lên nhân cuộc Đại Thảo Luận vừa kết thúc mà phần tổng kết đang được chính phủ Macron công bố.

Dưới tựa đề : "Hãy cho việc bốc thăm có cơ hội", nhật báo cánh tả Pháp cho rằng đề xuất theo đó người ta có thể chỉ định một cách ngẫu nhiên một số công dân để cho họ tham gia vào việc đề ra một số quyết định chung của đất nước có thể là một giải pháp tốt, bổ sung cho các cuộc bầu cử đại biểu dân cử truyền thống. Libération nhắc lại rằng đây là một phương án từng được gợi lên nhân cuộc Đại Thảo Luận vừa qua, và từng được hành pháp nghiên cứu.

Việc bốc thăm chọn người tham gia một cơ chế nào đó không phải là một sáng kiến mới lạ. Theo Libération, đây là điều mà người ta vẫn làm khi chọn các thành viên cho bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa. Ưu điểm của phương án này là cho phép đáp ứng đòi hỏi của đa số người dân, đang có cảm giác là các đại biểu dân cử truyền thống đã xa rời quần chúng, không còn quan tâm đến nguyên vọng chính đáng của người dân.

Thu thuế tận gốc : một cải cách suôn sẻ bất ngờ

Cũng về thời sự Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã nêu bật một tin vui ngay trong tựa chính trang nhất : "Thu thuế tận gốc, tình trạng hỗn loạn được loan báo đã không xẩy ra".

Theo ghi nhận của La Croix, bốn tháng sau khi được áp dụng, kế hoạch cải cách phương thức thu thuế thu nhập đã không tạo ra vấn đề gì lớn, trái hẳn với những dự báo bi quan của rất nhiều "chuyên gia", đã cho rằng một dự án cải cách được nghiên cứu đi, nghiên cứu lại từ bốn thập kỷ nay, nhưng không ai dám thực hiện, không thể nào thành công.

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác : Không có lỗi tin học, không có tình trạng lộn xộn, không có hoảng loạn. Việc áp dụng chế độ thu thuế tận gốc, tức là khấu trừ ngay vào lương, tiến hành từ tháng Giêng, đã không gây nên bất kỳ xáo trộn nào trong các cơ quan, cũng như trong các hộ gia đình.

Thay đổi căn bản về cách đánh thuế thu nhập cũng không gây hỗn loạn ở Bộ Kinh tế Tài chánh Pháp, không gây nên không khí điên cuồng tại các doanh nghiệp, cũng không làm cho các hộ gia đình bàng hoàng, vì thấy thu nhập hàng tháng bị sút giảm hẳn.

Tuy nhiên, ban đầu, rất ít người đặt cược vào thành công của cải cách này. Ngay tại Bộ Kinh tế Pháp, các quan chức cấp cao cũng không hào hứng thực hiện bước đột phá lớn này.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Gián điệp Nga hoành hành tại Thụy Sĩ

Nằm trong loạt bài điều tra về cung cách nước Nga thời ông Putin mở rộng mạng lưới gây ảnh hưởng ra thế giới, bài viết cuối của Le Monde mang tựa đề "Những nụ hôn từ Genève", dựa theo tựa tập thứ năm bộ tiểu thuyết gián điệp về James Bond của nhà văn Anh Ian Fleming "Những nụ hôn từ nước Nga". Bài báo nói về hoạt động của các điệp viên Nga dưới vỏ bọc ngoại giao ở Thụy Sĩ.

spy1

Các điệp viên Nga dưới vỏ bọc ngoại giao ở Thụy Sĩ - Reuters - Ảnh minh họa

Hacker hoạt động ngay trên thực địa

Evgueni Serebriakov là chỉ huy phó đơn vị 26165 của tình báo quân đội Nga (GRU), mũi nhọn về gián điệp mạng, vũ khí ưa thích của điện Kremlin. Thay vì dán chặt vào máy tính, nhân viên tình báo này tích cực hoạt động trên thực địa với tư cách nhà ngoại giao. Luôn đi đôi với một điệp viên khác là Alexei Morenets, cả hai không ngần ngại du hành khắp nơi từ Brazil, Hoa Kỳ đến Malaysia với tên tuổi thật.

Ngày 19/09/2016, Serebriakov và Morenets có mặt tại Lausanne, trong một khách sạn lớn, nơi lưu trú của nhiều thành viên tham dự hội nghị Cơ quan chống doping quốc tế (AMA). Vào thời điểm đó, Nga đang bị chỉ trích gay gắt về doping. Một báo cáo điều tra của luật gia Canada Richard McLaren đã gây tiếng vang lớn, ngoài ra còn một báo cáo khác sắp công bố về việc tổ chức doping trong bóng đá Nga. Nhiệm vụ của hai điệp viên là tiếp cận với địch thủ - AMA - để xâm nhập vào hệ thống.

Do không tấn công được từ xa vì được bảo vệ nghiêm ngặt, tin tặc đôi khi phải đến tận nơi, lợi dụng sự yếu kém về an ninh của hệ thống wifi tại các khách sạn, trung tâm hội nghị. Con mồi của hai điệp viên Nga hôm đó là một viên chức của Trung tâm đạo đức thể thao Canada (CCES), một tổ chức cứng rắn với Nga. Serebriakov và Morenets đã cài được nhiều loại virus : Gamefish, X-agent, X-tunnel, Remcomsvc… vào máy tính xách tay của viên chức này. Nhờ đó họ xâm nhập được vào máy chủ của CCES ở Canada, khoảng 100 tài liệu mật liên quan đến báo cáo McLaren bị lọt vào tay GRU.

Đánh cắp các tài liệu tố cáo Nga doping và đầu độc

Đến tháng 3/2017, Serebriakov quay lại Lausanne nhân một hội nghị chuyên đề của AMA tại Swiss Tech Convention Center, một trong những trung tâm high-tech lớn nhất thế giới.

Trước gần 700 chuyên gia chống doping tham dự, luật gia Richard McLaren cho biết cụ thể cách thức gian lận của Nga trong Thế vận hội mùa đông Sotchi năm 2014. Những mẫu nước tiểu dương tính biến mất trong phòng thí nghiệm qua một lỗ đục trên tường từ văn phòng tình báo Nga bên cạnh, và bị thay thế bằng mẫu nước tiểu "sạch".

"Ngựa quen đường cũ", cặp Serebriakov & Morenets lại ở cùng khách sạn với các thành viên và xâm nhập bằng wifi. Nhưng lần này, tư pháp Thụy Sĩ đã tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với họ, còn một nhân vật thứ ba là nhà ngoại giao Nga tại Thụy Sĩ đã kịp cao chạy xa bay.

Tuy nhiên không phải ở Thụy Sĩ, mà tại Hà Lan, cặp điệp viên trên đã phải dừng bước. Hôm 13/04/2018 ở La Haye, tình báo Hà Lan bắt quả tang Serebriakov & Morenets cùng với hai đồng nghiệp trong một chiếc xe hơi chứa đầy các thiết bị tấn công tin học, đậu trước trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC theo tiếng Pháp, OPCW theo tiếng Anh). OIAC thảo luận về vũ khí hóa học ở Syria, nơi mà Nga đóng vai trò trung tâm. Tổ chức này cũng dự kiến bàn về vụ cựu điệp viên GRU Serguei Skripal bị đầu độc ở Salisbury (Anh).

Ngoại giao đoàn Nga tại Thụy Sĩ đầy gián điệp

Vụ bắt giữ này là kết quả sự phối hợp giữa tình báo nhiều nước phương Tây. Các thiết bị tịch thu cho thấy GRU định xâm nhập phòng thí nghiệm liên bang Spiez - nơi OIAC và AMA thường sử dụng - và nhiều bằng chứng khác. Báo cáo năm 2018 của cơ quan tình báo Thụy Sĩ (SRC) nhấn mạnh có đến 1/4, thậm chí 1/3 ngoại giao đoàn Nga tại nước này là gián điệp.

Tình báo Nga hoành hành cho đến nỗi chính quyền Thụy Sĩ vốn luôn trung lập đã phải lên tiếng. Trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis chỉ trích thẳng thừng đồng nhiệm Serguei Lavrov, mà không hề dành vài phút cho công thức ngoại giao. Ông Cassis cũng gởi giám đốc tình báo SRC đến Moskva để nói chuyện tay đôi với các đồng nhiệm Nga.

Ngoài việc dỡ bỏ tư cách miễn trừ ngoại giao của cặp Serebriakov & Morenets, triệu tập đại sứ Nga, Thụy Sĩ trong năm 2018 còn từ chối đề nghị cấp quy chế ngoại giao đến năm lần – một sự kiện hiếm hoi. Tuy vậy Thụy Sĩ vẫn duy trì đối thoại với Nga. Đất nước nhỏ bé này khó thể vừa truy lùng các nhà ngoại giao giả mạo, lại vừa là trung tâm thương thuyết quốc tế. Chỉ riêng tại Genève, đã có gần 29.000 nhà ngoại giao và viên chức quốc tế đăng ký – một cộng đồng chi ra đến 6 tỉ quan Thụy Sĩ (5,34 tỉ euro) – và mỗi ngày đều có sự kiện diễn ra.

Chiến lược lobby của Nga cho Nord Stream 2 tại Đức

Cũng liên quan đến Nga, đặc phái viên Le Figaro tại Đức ghi nhận về "Nord Stream 2 : Đường ống dẫn khí Nga và hệ thống lobby ở Đức". Dự án giúp tập đoàn Gazprom của Nga vận chuyển khí đốt sang Châu Âu mà không cần đi qua lãnh thổ Ukraine vẫn đang tiến triển, nhưng tiếp tục gây chia rẽ các nước Châu Âu đồng thời khiến Hoa Kỳ tức giận.

Nord Stream 2 là hai đường ống dẫn khí chạy song song với Nord Stream 1 dưới đáy biển Baltic, giúp Gazprom tăng sản lượng khí đốt bán cho Châu Âu thêm 55 tỉ mét khối mỗi năm. Dự án khổng lồ 8 tỉ euro do Gazprom góp phân nửa vốn, còn lại là năm công ty Châu Âu. Theo người phụ trách truyền thông của Nord Stream 2, dự án này rất hiệu quả về kinh tế và tôn trọng môi trường hơn đường ống chạy qua Ukraine.

Tuy nhiên nhà báo Jens Hovsgaard của Đan Mạch trong cuốn sách "Khí đốt, tiền bạc và lòng tham : Đức đã gây nguy hiểm cho tương lai Châu Âu như thế nào" tố cáo các áp lực chính trị, cũng như việc Gazprom dùng tiền để dập tắt những chỉ trích. Chẳng hạn một chuyên gia Thụy Điển sau khi phê phán Nord Stream 2 đã được Nga tài trợ nghiên cứu, và thế là những đả kích chấm dứt. Matthias Warnig, giám đốc Nord Stream 1, cựu nhân viên tình báo Đông Đức nhận xét đó là "phương pháp cây gậy và củ cà rốt thường dùng của KGB".

Tại Đức, người Nga huy động các phương tiện quy mô để bênh vực dự án, có hẳn chiến lược lobby địa phương và cấp quốc gia. Lợi dụng cảm tình sẵn có với Nga ở khu vực Đông Đức cũ, Gazprom tác động vào chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern (Mecklembourg-Poméranie-Occidentale). Cựu thủ tướng Gerhard Schröider, sau khi thất cử năm 2005 đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị Nord Stream 2, và nhờ mối quan hệ rộng lớn có sẵn, ông đã mở cánh cửa nước Đức cho dự án.

Thủ tướng Angela Merkel vốn thực dụng, đã bị thuyết phục trong lúc bà vừa quyết định ngưng sử dụng năng lượng nguyên tử. Trong nhiều năm liên tục bà luôn khẳng định Nord Stream 2 "là một dự án kinh tế", nhưng nay trước căng thẳng tăng cao giữa Nga và phương Tây, bị cô lập tại Châu Âu, bị các nước kể cả Pháp chỉ trích, bà Merkel rốt cuộc đã nhìn nhận tầm vóc "chính trị" của công trình này.

Thượng đỉnh EU-Trung Quốc : Bắc Kinh dịu giọng vì đang khốn đốn với Mỹ

Về quan hệ Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles hôm 09/04/2019 được dự báo gay gắt hơn những lần trước. Les Echos nhận định đây là một thượng đỉnh "trên căn bản đối địch ngày càng rõ".

Châu Âu đòi hỏi cải cách các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tránh cạnh tranh bất chính của Trung Quốc (trợ cấp trá hình, cưỡng bức chuyển giao công nghệ…). Đồng thời nhanh chóng hoàn tất thỏa ước đầu tư để tạo điều kiện cho các công ty Châu Âu tại Hoa lục. Về yêu sách thứ nhất, Châu Âu trông cậy vào lời đe dọa của Mỹ để thúc ép Bắc Kinh chấp nhận một cuộc chơi bình đẳng hơn.

Ngay trước khi đến Bruxelles, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cố gắng cải chính là không muốn chia rẽ Châu Âu với dự án "Con đường tơ lụa mới". Theo Les Echos, đang khốn đốn vì cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc không muốn mở thêm một mặt trận mới với Châu Âu.

Bầu cử Israel tập trung cho chủ đề an ninh

Cải cách thuế khóa ở Pháp và cuộc bầu cử ở Israel là hai chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tít "Tranh luận toàn quốc : Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố tình trạng khẩn cấp về thuế khóa". Les Echos dùng câu nói của ông Philippe làm tựa đề "Chúng ta phải trả lời về tình trạng sưu cao thuế nặng".

"Bầu cử Israel : Bibi hoặc không Bibi", đó là tựa lớn của Libération. Le Monde nhận xét "Israel : Khẩu hiệu tranh cử quá lố của ông Netanyahou", còn La Croix ghi nhận "Israel, cuộc bầu cử tập trung cho chủ đề an ninh". Các ứng cử viên đã bỏ qua các chủ đề như bất bình đẳng xã hội hay tiến trình hòa bình. Trong trường hợp chiến tranh, các chuyên gia ước lượng mỗi ngày Hezbollah sẽ bắn sang đất Israel hàng ngàn hỏa tiễn. Người Do Thái cảm thấy mối đe dọa đến từ khắp nơi : Hamas, Iran… dưới nhiều dạng thức khác nhau, từ tấn công bằng dao, bằng xe hơi gài chất nổ cho đến súng trường, hỏa tiễn tầm xa…

Đương kim thủ tướng Benjamin Netanyahou (thường được gọi bằng biệt danh "Bibi") có nhiều triển vọng nhất, cho dù đang gặp rắc rối với tư pháp trên ba hồ sơ "gian lận, lạm dụng tín nhiệm và tham nhũng", mà theo ông là do giới tinh hoa muốn quấy nhiễu.

Le Figaro nói về "Mười ba năm cầm quyền đã làm thay đổi Israel". Kinh tế tăng trưởng thường xuyên, tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%, đất nước trở thành quốc gia start-up với trên 6.000 công ty khởi nghiệp, dỡ bỏ tối đa những giới hạn về các khu định cư… Le Figaro cho rằng dù kết quả bầu cử hôm nay như thế nào đi nữa, ông Netanyahou vẫn gây dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Nhà nước Do Thái.

Thụy My

Published in Quốc tế

Anh và Châu Âu sẽ trả giá đắt cho một Brexit "cứng"

Vào lúc khả năng Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận ngày càng rõ nét, theo Le Figaro (08/04/2019), các tập đoàn cũng như các công ty vừa và nhỏ của Pháp đang thi hành các biện pháp nhằm tránh tình trạng bị tê liệt.

brexit1

Người dân Anh ủng hộ Brexit cắm quốc kỳ trước Nghị Viện ở Luân Đôn. Reuters/Hannah McKay

Theo tờ Le Figaro, dân Anh, mà người ta đã hứa hẹn một tương lai tươi sáng bên ngoài Châu Âu, sẽ là những người đầu tiên vỡ mộng. Ngân hàng Trung ương Anh Quốc lo ngại một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Brexit sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, trong một thời gian rất dài : tăng trưởng sụt giảm, vật giá leo thang, thất nghiệp gia tăng, khan hiếm hàng hóa.

Nhưng tờ Le Figaro lưu ý, toàn bộ Châu Âu cũng sẽ trả một cái giá rất đắt cho một Brexit "cứng". Theo tính toán của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế INSEE, tăng trưởng kinh tế của Pháp sẽ mất 1,7%. Mặc dù đang được các cơ quan công quyền trợ giúp, nhiều công ty Pháp, mà trước hết là các công ty nhỏ và vừa, các nông gia, ngư dân sẽ bị tác động lây.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì phân tích thế khó xử của các lãnh đạo Châu Âu trước đề nghị dời ngày Brexit thêm một thời gian dài. Vào ngày 10/04, Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh đặc biệt tại Bruxelles để quyết định một trong hai kịch bản : tiếp tục cho Luân Đôn gia hạn Brexit thêm một thời gian, điều chẳng làm ai hào hứng, hoặc chấp nhận một Brexit không thỏa thuận, điều mà chẳng ai muốn.

Les Echos nhắc lại là hôm thứ Sáu 05/04, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã cho biết ông sẽ đề nghị với các lãnh đạo Châu Âu một sự gia hạn "linh động", với thời hạn có thể lên tới một năm. Thời hạn này có thể được rút ngắn nếu các nghị sĩ Anh Quốc thông qua được một thỏa thuận cho cuộc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

Pháp : Bước kế tiếp của "thảo luận toàn quốc" ?

Về mặt chính trị nội bộ của nước Pháp, các nhật báo dĩ nhiên dành nhiều trang cho sự kiện thủ tướng Pháp Edouard Philippe, ngày 08/04, công bố bản tổng kết đầu tiên về đợt thảo luận toàn quốc do tổng thống Emmanuel Macron phát động và đã kéo dài gần 3 tháng qua, nhằm thu thập ý kiến của nhân dân về các kế sách cho đất nước, và qua đó xoa dịu những người Áo Vàng, vẫn xuống đường vào mỗi thứ Bảy.

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp đang đối diện với một nhiệm vụ "bất khả thi". Ông Macron đã nêu lên tiêu chí của ông "không chối bỏ, không cố chấp". Không chối bỏ, có nghĩa là ông sẽ không rút lại những quyết định đã được đưa ra, trong đó có việc xóa bỏ thuế đánh vào người giàu ISF, cho dù theo kết quả một cuộc thăm dò, có đến 77% dân Pháp đòi tái lập thuế này. Không cố chấp, có nghĩa là ông phải đề ra những biện pháp đủ mạnh để không ai có thể nói rằng chẳng có gì thay đổi sau đợt thảo luận vừa qua.

Còn theo tờ Les Echos, đợt thảo luận toàn quốc đã giúp chính phủ thoát khỏi cuộc đối đầu trực diện với những người Áo Vàng. Phong trào biểu tình đã giảm cường độ, nhưng ngược lại những giải pháp được đề ra sau đợt thảo luận phải tương xúng với sự chờ đợi của dân Pháp, nếu không, bất mãn xã hội sẽ lại bùng nổ. Tờ báo cho rằng, tổng thống Macron đang trong tình thế hết sức tế nhị : phải tỏ dấu hiệu cho thấy đoạn tuyệt với cách thức cầm quyền từ 2 năm nay, nhưng không chối bỏ điều gì về căn bản.

Mối đe dọa cực hữu ở vùng Baltic

Nhìn sang vùng Baltic, tờ Libération lo ngại trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu tại Estonia, vì cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05 có thể sẽ khẳng định vị thế vững chắc của đảng dân túy EKRE tại quốc gia này.

Tờ Libération nhắc lại là trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 03/2019, đảng cực hữu này đã giành được 18% số phiếu. Sự lớn mạnh của đảng này có thể gây bất ngờ cho những người ở ngoài quốc gia Baltic nhỏ bé chỉ có 3,1 triệu dân, nổi tiếng là quốc gia khởi nghiệp (startup nation) trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các nhà quan sát tình hình chính trị Estonia không lấy làm ngạc nhiên. Họ cho biết là rất nhiều người dân không hài lòng về cách vận hành của chính phủ mãn nhiệm.

Tuy tỷ lệ thất nghiệp ở Estonia không cao (chưa tới 5%), nhưng mức lương ở nước này cũng rất thấp. Cách biệt giữa thành thị và nông thôn thì ngày càng tăng. Đảng cực hữu EKRE đã biết khai thác tâm lý bất mãn này, với những tuyên bố chống thiểu số nói tiếng Nga (chiếm 1/4 dân số Estonia), chống người nhập cư, người đồng tính, đồng thời hoạt động rất mạnh trên mạng xã hội.

NATO bước vào thời kỳ thứ tư

Trong mục Địa-Chính trị, tờ Le Monde có một bài báo dài về Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, vừa mừng sinh nhật 70 tuổi hôm 04/04, vào lúc khối này vừa bị tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép, vừa lo ngại về nước Nga, vừa bị chỉ trích về thành quả quân sự của mình.

Lẽ ra đây phải là một buổi lễ long trọng, thể hiện sự đoàn kết của đại gia đình hai bên bờ Đại Tây Dương trước những mối đe dọa mới. Rốt cuộc đó chỉ là một buổi lễ mang tính tượng trưng, quy tụ các ngoại trưởng ở Washington, nơi mà vào năm 1948, 12 quốc gia đã ký hiệp ước thành lập khối NATO để chống Liên Xô.

Theo Le Monde, khối NATO đang bước vào thời kỳ thứ tư, sau thời kỳ chiến tranh lạnh, thời kỳ can thiệp vào các nước Balkan, Afghanistan, Libya, thời kỳ đối phó với việc nước Nga xâm lược Ukraine. Các nước Châu Âu đang chịu áp lực của Mỹ, muốn NATO phải đề ra một chiến lược đối phó với Trung Quốc. Đối với Washington, quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh với Roma và Budapest là những mối đe dọa đến sự gắn kết của khối phương Tây, ấy là chưa kể nguy cơ gián điệp công nghiệp quy mô lớn, như vụ Hoa Vi.

Theo một chuyên gia quân sự của NATO, khối này cũng nên để ý đến sự phát triển của quan hệ quân sự Nga-Trung. Hai nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng Hắc Hải, Địa Trung Hải và vùng Baltic.

Theo Le Monde, các nước Châu Âu hiện đang chịu áp lực từ phía tổng thống Mỹ, đòi các nước này phải đảm nhận thêm các chiến dịch và khối NATO phải mở rộng phạm vi hoạt động. Áp lực này buộc các nước Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào việc phòng thủ, dựa trên tiềm lực quân sự của Pháp và Anh, và trên vai trò lãnh đạo của Đức.

Nhật Bản : Những thách đố trong thời kỳ Lệnh Hòa

Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nhật trong bài viết dưới tựa đề : "Nhật Bản trước những thách đố của thời kỳ Lệnh Hòa".

Một trăm năm mươi mốt năm kể từ khởi đầu thời kỳ Minh Trị đánh dấu sự mở cửa ra thế giới bên ngoài, vào ngày 01/05/2019, Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ Lệnh Hòa, với việc hoàng thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị.

Theo Le Figaro, tuy Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế hàng thứ ba thế giới và dường như vẫn là một ốc đảo bình yên, nhưng trên thực tế quốc gia này đang đối đầu với nhiều thách đố.

Về mặt dân số, dân số Nhật sẽ sụt giảm mạnh từ 126 triệu người xuống còn 90 triệu người năm 2060 và còn 60 triệu người năm 2100. Hiện giờ nước Nhật đã gặp tình trạng lão hóa dân số ngày càng nhanh và khan hiếm nhân công.

Về mặt kinh tế, vẫn tồn tại áp lực giảm phát với mức tăng trưởng rất thấp (chỉ đạt 0,8% năm 2019), trong khi xuất khẩu đang sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Về mặt tài chính, nợ công của Nhật nay đã lên tới 250% GDP. Về mặt kinh tế, đảng Dân chủ Tự do vẫn gần như nắm độc quyền lãnh đạo, khiến chính giới Nhật vẫn chưa thoát khỏi nạn tham nhũng triền miên và sự ù lì.

Theo Le Figaro, Nhật Bản không có sự chọn lựa nào khác là phải tự canh tân. Tuy đã huy động thêm phụ nữ và người già vào lực lượng lao động, nhưng Nhật Bản buộc phải mở cửa đón người lao động nhập cư. Xuất khẩu của Nhật phải chuyển hướng một phần vào thị trường nội địa, nhưng không phải dễ dàng, bởi vì dân số nước này đang sụt giảm và già đi.

Tờ Le Figaro cũng cho rằng, trên bàn cờ quốc tế của thế kỷ 21, Nhật Bản sẽ buộc phải tìm một vị trí mới, vừa giành quyền tự chủ đối với Hoa Kỳ, vừa tìm thêm những đồng minh mới để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe tâm thần

Về y tế, tờ Les Echos nói những tác động của biến đổi khi hậu lên sức khỏe tâm thần, vấn đề mà các nhà nghiên cứu tâm thần học quan tâm ngày càng nhiều.

Mọi chuyện coi như khởi đầu từ cơn cuồng phong Katrina đã tàn phá bang New Orleans và các bờ biển bang Louisiana tháng 08/2005. Theo lời bác sĩ Guillaume Fond, một nhà tâm thần học làm việc cho một bệnh viện ở Marseille, thiên tai này đã thúc đẩy trở lại nghiên cứu tâm lý ở Hoa Kỳ, tương tự như vào thời kỳ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở về. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các cựu chiến binh Việt Nam vào đầu thập niên 1980 đã góp vào từ điển y khoa một hội chứng mới, có tên là post-traumatic stress disorder (hậu rối loạn tâm thần).

Một năm sau cơn bão Katrina, một bác sĩ Mỹ đã gióng lên tiếng chuông báo động khi thấy tỷ lệ tự tử ở bang New Orleans đã tăng từ 9/100.000 dân lên 26/100.000 dân trong bốn tháng cuối năm 2005. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí nổi tiếng PNAS, vào tháng 10/2018, bác sĩ Nick Obradovich, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết số ca rối loạn tâm thần, đủ các loại, đã tăng 4% tại những vùng bị Katrina tàn phá.

Trang nhất các báo

Các công ty Pháp chuẩn bị cho một Brexit "cứng". Đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro. Tờ Les Echos thì quan tâm đến chính trị nội bộ của nước Pháp với hàng tựa : "Chính phủ mở cuộc tấn công để ra khỏi thảo luận toàn quốc". Le Monde thì dành tựa lớn trên trang nhất cho cuộc tranh luận về tuổi về hưu, một vấn đề đang gây chia rẽ đảng cầm quyền tại Pháp.

Libération đặc biệt chú ý đến tình hình nước Ý, nhất là lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini, phó thủ tướng, nhân dịp ông họp với các lãnh đạo dân túy khác ở Châu Âu tại Milano hôm 08/04.

Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho các cặp đã ly dị nay tái hôn và thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các cặp này đã thay đổi như thế nào.

Thanh Phương

Published in Quốc tế