Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 22 juillet 2023 21:21

Thủ Thiêm

Từ Varsovie, nhà báo Mạc Việt Hồng vừa gửi đến độc giả của trang Đàn Chim Việt đôi (ba) câu chuyện hơi ngộ nghĩnh.

thuthiem1

Xin ghi lại một :

"Tôi đã từng đi xin giấy phép chặt một cây sồi trong chính mảnh vườn của nhà mình. Sự việc diễn ra vào năm 2011. Thủ tục này mất đúng 3 tuần. Khi tới quận kê khai đơn xin chặt cây, họ đã đặt ra những câu hỏi rất chi tiết như : Đó là cây gì, cao khoảng bao nhiêu, đường kính gốc bao nhiêu cm ?

Nhưng có một câu hỏi, hoàn toàn bất ngờ và ‘đương sự’ ấp úng không trả lời được, vì thực sự không biết, không chú ý. Đó là : Trên cây có tổ chim hay không ?

Sau đó vài tuần, một nhân viên hành chính quận tới thực địa. Ảnh ngó nghiêng chiếc cây rồi dùng một ống nhòm soi lên ngọn. Cây không có tổ chim. Và nhờ đó, gia đình tôi đã được phép chặt nó.

Vâng. Cơ quan hành chính Ba Lan ‘rỗi hơi’ vậy đó…".

Những di dân da trắng ở Hoa Kỳ đều có nguồn gốc từ Châu Âu nên dân Mỹ cũng "rỗi hơi" không kém. Năm 1996, tiểu bang California bán 90 mẫu đất – vốn là khuôn viên của bệnh viện tâm thần Agnews, nơi mà tôi đã được gửi đến thực tập cả năm thuở còn đi học – cho công ty Sun Microsystems khai thác.

Tiền trao, cháo múc xong rồi thiên hạ mới khám phá ra là trong khu đất này có vài cây cổ thụ, vốn là nơi trú ngụ của một loài cú (burrowing owls) có tên trong danh sách cần được bảo vệ. Để giải quyết vấn đề chính quyền tiểu bang đồng ý mua lại một khoảnh đất thích hợp cho chim cú nương thân, với sự trợ giúp tài chính của cả thành phố San Jose lẫn công ty Microsystems.

Phú quí sinh lễ nghĩa chăng ? 

E cũng không hẳn thế. Trong phim Seven Years in Tibet, tôi nhớ có đoạn Đức Đạt Lai Lạt Ma bầy tỏ sự quan ngại về sinh mệnh của giun dế khi ngài nhìn thấy phu phen đang đào đất làm nền để xây tu viện. Mà Tây Tạng thì có giầu sang hay phú quí (mẹ) gì.

Năm ngoái, sau vài tháng đi giang hồ vặt (và tiêu sài đến đồng bạc cuối cùng) tôi buộc phải quay về với… mái ấm gia đình. Vì ở townhouse nên taxi đỗ sau nhà, ga ra đã mở sẵn, vừa xách ba lô ra khỏi xe đã thấy con gái đứng ngay cửa cười toe nhưng lại đưa ngón trỏ lên miệng, và bàn tay còn lại thì xua lia (xua lịa) ra dấu im lặng và dừng bước… 

Tôi đứng yên ngơ ngác… Gần cả phút con bé mới chạy ào ra đón bố, giọng hớn hở :

– Có đôi chim di đến làm tổ trong giàn bông giấy bố ơi. Chim con nở rồi. Chim mẹ vừa tha mồi về nên nếu bố bước vào ngay sẽ làm nó sợ !

Sau đó, "ái nữ" phổ biến ngay qui định mới của gia đình vì nhà chúng tôi vừa có thêm mấy "thành viên" nữa :

– Từ nay, mỗi khi muốn ra sân sau tôi phải dòm chừng. Nếu chim bố hay chim mẹ đang tha mồi về tổ thì dừng bước ngay, chờ cho chim con ăn xong mới được tiếp tục…

– Từ nay, tôi phải hút thuốc ở sân trước vì khói thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của lũ chim non.

– Từ nay, tôi phải…

Ah ! 

Tôi mới rời nhà một khoảng thời gian ngăn ngắn mà khi quay lại đã bị "tịch thu" nguyên cả cái sân sau. Nói là cái sân (nghe cho nó bảnh) chứ thực ra chỉ là mảnh đất nhỏ xíu xiu, vừa vặn để giồng một cây ngọc lan và giàn bông giấy. Chấm hết. 

Sân trước rộng nhưng là đất chung với nhiều căn khác. Chúng tôi chỉ sở hữu cái townhouse (cũng chung vách với nhà kế cạnh) bé tí teo, mua theo kiểu trả góp, và vẫn còn nợ ngân hàng cả đống tiền chứ không phải ít. Tài sản rất nhỏ hẹp, bấp bênh như thế mà con bé vẫn vui vẻ mang chia sẻ với lũ chim trời (ơi) không biết từ đâu đến.

Cái kiểu "rỗi hơi" của người dân Ba Lan, Hoa Kỳ (và ngay cả con cái trong nhà) khiến tôi cũng hơi bị… lây lan, rồi suy nghĩ lan man tới những vụ "thu hồi đất" ngang xương nơi quê hương đất nước của mình. Erik Harms (tác giả cuốn Luxury and Rubble Civility and Dispossession in the New Saigon) nhận xét như sau : "Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại".

Lạ nhỉ ? 

Trước khi cho phép bà Mạc Việt Hồng đốn hạ một cái cây – trong khu vườn của chính chủ nhân – nhà nước Ba Lan đã cử nhân viên đến tận nơi, dùng ống nhòm săm soi, sợ có dăm ba con chim mất ổ. Còn chính phủ Việt Nam hiện hành thì giải tỏa nguyên cả bán đảo Thủ Thiêm mà sáu chục ngàn cư dân ở phần đất này đều "bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại" vậy ! 

thuthiem2

Mục sư Nguyễn Hồng Quang cảm thán : "Lòng tham vô đáy của con người đã đẩy hơn 6 vạn dân bơ vơ tan lạc !"

Tác giả Lê Hồng Hà nhận diện : "Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ‘bộ tứ’ Lê Thanh Hải – Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang – Lê Hoàng Quân cũng cùng nhau ‘xẻ thịt’ đất đai Sài Gòn, bất chấp tất cả".

Bốn vị quan chức cao cấp này đều là đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam khiến tôi không khỏi dư băn khoăn tự hỏi cái đảng này chủ trương thế nào, và giáo dục họ ra sao để tất cả đều có thể trở thành những kẻ "bất chấp" (và bất nhân) đến vậy ? 

Trước khi đốn hạ vài cái cây cổ thụ thiên hạ còn lo cho bầy cú, sợ chúng mất nơi nương náu. Vậy mà mấy ông đảng viên cộng sản Việt Nam ("vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh") lại có thể nhẫn tâm cướp đất của cả trăm ngàn lương dân, và đẩy họ vào cảnh bần cùng (hay màn trời chiếu đất) một cách lạnh lùng và thản nhiên như thế – được sao ? 

Gần hai mươi năm sau, sau khi cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống, cho đến lúc vụ cưỡng chế đất Thủ Thiêm sắp chìm xuồng (tới đáy) thì bỗng có tin vui giữa giờ tuyệt vọng : 

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 20 tháng 6 năm 2018, nhiều người đồng loạt vỗ tay khi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân hứa hẹn : "Thành phố không gạt bà con Thủ Thiêm… bà con chờ một chút để 15/7 có kết luận chính thức".

Chờ một chút thì đâu có nhằm nhò chi nên "bà con" chờ luôn… 4 năm cho nó chắc. Đến hôm 14 tháng 12 năm 2022, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên "phát biểu chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm các vấn đề còn lại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước Tết âm lịch 2023". 

Sau Tết, vào chiều ngày 13 tháng 4 năm 2023, người dân Thủ Thiêm lại nhen nhúm chút hy vọng khi nghe Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi hứa hẹn "đến tháng 6 này giải quyết cơ bản các vấn đề khiếu nại, tồn đọng ở Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Khu đô thị Thủ Thiêm". 

Tháng 6 đã qua nhưng lời hứa thượng dẫn vẫn còn lại đôi chút dư âm (nghe) không vui vẻ lắm :

– Hôm nay 5/7/2023 rồi chưa làm được con c.c chi !

– Nghe mõm của người cộng xản ăn cú lừa 48 năm chưa đủ, giờ nghe nó mõm tiếp, cái giống dân ngu đ.ó đỡ được.

– Lâu lâu chúng nó lại "vẽ" cho cái cuộc gặp mặt, thả cho ý kiến ý cò xong rồi ai cút về nhà nấy. Mọi chuyện vẫn vậy, nhà nào húng chó thì suỵt an ninh tới canh cổng vài bữa là ngoan hẳn.

Chớ sống trong một chế độ công an trị mà không "ngoan" sao được. Thà mất của vẫn hơn là bị ở tù chớ, đúng không ? 

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : VNTB, 22/07/2023

Published in Văn hóa

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho báo nhà nước biết đang có kế hoạch đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

daugia1

Bốn lô đất Thủ Thiêm (màu đỏ) đấu giá vào năm 2021 - Courtesy Google Map

Bốn lô đất được đấu giá lại thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh trước đó vào cuối tháng 12/2021 đã được công bố "đấu giá thành công" với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp bảy lần giá khởi điểm.

Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Bình Minh, Công ty Sheen Mega và Công ty Dream Republic. Tuy nhiên sau đó, cả bốn công ty này đều bỏ cọc, rút lui.

Sau vụ đấu giá 30.000 mét vuông đất ở Thủ Thiêm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Tuy nhiên ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 3/3/2023 cho biết ý kiến của mình :

"Tôi nghĩ đấu giá đất cần phải công khai minh bạch, cần phải công bố sớm và đầy đủ các điều kiện của đấu giá, tất cả những người nào đăng ký để tham gia cũng phải được đăng lên và phiên đấu giá cũng phải được công khai trên mạng. Phải có hội đồng độc lập giám sát vì đây là một tài sản rất lớn, đầu tư lớn... cho nên rất cần sự giám sát một cách độc lập và nghiêm túc để bảo đảm tính pháp lý, công bằng và công khai minh bạch".

Liên quan việc đấu giá 3.790 căn hộ nhiều lần trước không thành công, không có chủ đầu tư nào tham gia, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :

"Có lẽ các điều kiện đấu giá không hấp dẫn chứ nhu cầu về nhà ở là rất lớn và người ta cần có nhà ở từ đường sức mua của người ta nếu cả quả sức mua của người có yêu cầu giá không được cao quá sức mua của người có nhu cầu còn những người đầu tư có tính chất đầu cơ thì có thể họ không quan tâm ngắm hình này nhóm hàng này vì nếu họ nâng giá lên thì cũng không có ai mua"

Tại buổi báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ tài nguyên môi trường hôm 2/3/2023, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phương thức khi tham gia đấu giá lần này sẽ phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó, 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ.

Như vậy so với lần đấu giá 4 lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2021... thì quy định nộp tiền trúng đấu giá có điều chỉnh. Khi đó, người trúng đấu giá trong vòng 180 ngày phải nộp tiền đủ, rồi sau đó mới ký hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá.

Tuy nhiên việc xử phạt nếu doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc đã không được Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nói đến.

Ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm hôm 3/3/2023 cho biết ý kiến :

"Việc thành phố Hồ Chí Minh bán đấu giá là coi thường kiến nghị của người dân Thủ Thiêm. Tại vì những căn hộ chung cư đó đúng ra là bây giờ thuộc quyền sử dụng của những người dân bị ảnh hưởng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng người ta không giải quyết cho người dân mà người ta đi bán đấu giá. Như vậy chứng tỏ coi thường những khiếu nại của người dân, người ta không cần biết chủ trương của đảng và luật pháp nhà nước quy định như thế nào hết. Đây là việc làm hoàn toàn gây mất niềm tin và không còn một chút hy vọng nào cho người dân Thủ Thiêm".

Theo ông Ca, những lô đất lần trước đấu giá trên trời là ý đồ chiếm đoạt tiền ngân hàng làm thiệt hại cho nhà nước. Nhưng ông Ca cho rằng với tình trạng bất động sản đang đóng băng hiện nay, người ta sẽ bỏ giá thấp và theo ông Ca, có thể Nhà nước sẽ căn cứ vào những giá thấp đấy để tính toán đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

Liệu nếu đấu giá với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam từ năm 2002 đến 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nhận định :

"Tôi cho là giữ nguyên như vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tương tự như trước đây. Bởi vì với quy định như hiện nay trong Luật Đấu giá, cũng như những quy định về đấu giá trong Luật Đất đai thì chắc cũng không tránh khỏi câu chuyện mà ta đã gặp. Hiện nay cũng có nhiều đề xuất là phải thay đổi một số quy định, thế nhưng pháp luật chưa thay đổi. Tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh chưa nên đưa ra đấu giá tiếp, mà chờ sửa Luật Đất đai lẫn Luật Đấu giá để theo đúng tinh thần của nghị quyết 18".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, đó chính là cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung để xem xét chỉnh sửa và khi đó đưa vào thực tế chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy trước đây liên quan vấn đề này, cho rằng :

"Chuyện ngăn ngừa doanh nghiệp thắng đấu giá không bỏ tiền ra mua nó không khó. Chỉ cần quy định rằng doanh nghiệp thắng đấu giá nếu không tiến hành mua thì sẽ bị phạt một số tiền theo một tỉ lệ với mức giá cuối cùng của phiên đấu giá. Mức giá cần cao để ngăn những hành động phá hoại, nhưng đủ vừa phải để khuyến khích các doanh nghiệp chân chính tham gia đấu giá bởi vì đôi khi vì không huy động được nguồn vốn để tiến hành thanh toán nên doanh nghiệp buộc phải bỏ. Một mức phạt có thể nằm trong khoảng 5% giá trị của mức giá cuối cùng chẳng hạn".

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra.

Về lâu về dài, theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều người dân Thủ Thiêm chưa được đền bù thỏa đáng.

Nguồn : RFA, 03/03/2023

Published in Việt Nam

Phóng sự

Phần 1

Cờ bay phấp phới

Chị Sáu mặc chiếc đầm bông thiệt đẹp, đi qua đi lại xếp dọn trong căn phòng rộng. Ngày cúng ông Táo, nói bận rộn thì thiệt bận rộn mà nói thảnh thơi cũng thiệt thảnh thơi. Chiếc bàn lớn đặt áp tường đã chưng đủ bình bông, khay trà, bánh mứt… Con gà luộc thì chồng chị Sáu đang làm lông. Vòi nước mềm bắc từ nhà kéo dài ra ngoài, anh ngồi ngay trước cửa nhà rửa con gà, tỉ mỉ làm sạch bộ lòng. Thau nước rửa xong đổ ngay tại chỗ, nước chảy ướt đẫm cả một khúc đường đi.

Mà giờ anh Sáu có đổ nước tè le ướt hết toàn bộ con đường cũng chẳng có ma nào ở đó mà rầy.

thuthiem1

Khu đất Thủ Thiêm bị giải tỏa - RFA

"Địa chủ" bất đắc dĩ

Giờ vợ chồng anh chị là "địa chủ" bất đắc dĩ, thuộc hàng chúa trùm khu này, vì có còn ai sinh sống chung quanh nữa đâu. Con hẻm lớn nối thông hai đoạn chữ U của khúc đường vòng Lương Định Của chỗ gần cầu Cá Trê (quận 2 cũ, nay là Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trước kia đông bà cố, nhà nào nhà nấy to lớn, buôn bán rộn rịp. Chị Sáu là chủ trường mầm non, ngôi nhà ba tầng lầu đồ sộ này vừa ở vừa làm trường, lúc đông nhất có tới hơn 100 học sinh. Giờ những ngôi nhà phía trước chị đã đập sạch, những ngôi nhà bên phải cũng đập sạch. Đi tuốt vào sâu bên trong mới có hai ngôi nhà nữa còn bám lại giống anh chị.

Thiên nhiên thừa thắng chiếm lại đất đai. Khắp mọi nơi đủ loại cây cỏ không biết tên chen vào nhau cao ngất tốt bời bời. Giữa những thân cây cổ thụ trồng ven đường và trước nhà dân hồi xưa là vô vàn dây leo quấn chặt, rũ xuống từ tít trên cao cả chục mét như những tấm mành khổng lồ. Ở dưới, cỏ mọc cao vút thành rừng. Rêu xanh và địa y phủ kín những tảng xi măng, gốc cột, các kiến trúc cũ còn sót lại. Khung cảnh hoang dã y như một mảnh rừng rậm được ai cắt ra đặt lọt thỏm vào ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Vì thế, công an địa phương đặt khá nhiều tấm bảng cảnh báo đoạn đường có camera an ninh ở đây để nhắc nhở, nhưng dường như chúng không có tác dụng mấy.

Người dân đã dời đi gần hết nhưng khu này giờ vẫn đang là tâm điểm tranh chấp chưa giải quyết xong, nên về thực tế, nó bị bỏ mặc. Với vị trí quá đẹp : chỉ chạy ít phút là đến cầu Thủ Thiêm nối vào quận 1, nên các bãi đất hoang mênh mông trở thành khu đất vàng để tập kết phế liệu. Vài ngôi nhà còn lại được ngăn phòng cho thuê. Người thuê hầu hết là dân lao động nghèo, phòng ốc chật hẹp xập xệ, mái tôn rỉ sét, quần áo giăng dây thấp là đà phơi giữa mấy thân cây, cỏ dại và bụi bẩn lầm lên trên những vồng đất khô, giữa những vũng nước đọng sau cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Từ một khu ve chai có xen mấy túp lều cho người làm ở, một rãnh nước đen đặc bẩn thỉu được khơi ra cho chảy từ bên trong băng ngang qua con đường mòn đầy rác, chảy xuống bên kia đường rậm rịt cỏ cao vút.

Nhưng đó đây sự giàu có một thời vẫn in đậm nét trên đôi cây cột trụ tường bao rất cao lớn còn sót lại và những chiếc cổng chào đồ sộ đã mục nát, đổ nghiêng đổ ngửa.

thuthiem2

Khu Thủ Thiêm hồi năm 1996. AP

Chào mừng đến với câu lạc bộ bốc đầu xe

Từ ngoài đường Lương Định Của vào khu này, rẽ trái là xóm nhà chị Sáu, rẽ phải thì qua một bãi ve chai rất lớn, rồi đến một khu dân cư mới giàu có, xây hàng rào kín mít biệt lập, có trạm gác bên ngoài. Trước đó, con đường mòn dơ dáy chạy ngang qua những đống rác sinh hoạt đủ loại cao đến vai, giữa trưa nắng vẫn bốc mùi hôi thối nực mũi. Vào sâu khoảng vài trăm mét nữa, "thành quả" của cuộc chiến xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện ra ở ba bốn làn đường nhựa phẳng lì thẳng tắp dài hút mắt nhưng bị bít cả hai đầu, lề đường cỏ dại mọc cao vi vu theo gió. Bốn làn đường này cực kỳ lý tưởng để dân chơi mô tô tập drift, bốc đầu xe, chặt cua nên hầu như lúc nào cũng có vài chiếc mô tô đang rít bánh. Vắng tanh vắng ngắt đến nỗi họ quẳng cả ba lô tư trang ra đường, thật xa chỗ khởi động mà chẳng ai thèm quan tâm có bị trộm hay không. Ngoài những người chơi mô tô ra, chẳng hề có bóng dáng một người nào nữa.

Tuy nhiên, nhánh đường bên ngoài còn hoang vu, khuất nẻo hơn và được che chắn bằng những luống cỏ dại úa vàng thì thỉnh thoảng lại có hai chiếc xe máy chở hai người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang kín mít, ghé vào nhau chớp nhoáng rồi lại mạnh ai nấy phóng. Nhìn sơ cũng biết họ hẹn nhau mua bán "ma tóe". Dễ hiểu vì sao ở đây công an cũng gắn nhiều bảng báo khu vực cảnh báo an ninh đến vậy. Ban đêm, nếu không đi nhiều người, có đàn ông và bật đèn pha sáng, chắc chẳng ai dám bước chân vào đây.

Nhưng trước khi trở thành bãi đất trống lau lách đầy rác rưởi và tệ nạn này, nó đã là khu dân cư cực kỳ đông đúc, chỉ vài phút ra đến cầu Thủ Thiêm. Địa thế quá đẹp của khu vực đã khiến các quan tham Thành phố Hồ Chí Minh ròng ròng nước dãi. Nên vốn không thuộc khu vực bị giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chiếc lưỡi tham tàn của bọn họ đã thè ra liếm trọn nó. Mãi cho đến năm 2018, sau khoảng 20 năm đằng đẵng khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ mới có Kết luận khẳng định khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án, còn lại là nằm trong ranh. Với phần ngoài ranh, trước đó hầu hết người dân đã bị buộc phải di dời, nhường đất cho dự án. Phần còn lại, Thanh tra Chính phủ kết luận là trong ranh quy hoạch, nhưng hàng trăm người dân thuộc năm khu phố ở ba phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh không đồng ý. Nổi bật trong đó là vụ bản đồ quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm "bỗng dưng" biến mất, theo lời các vị lãnh đạo thành phố. Cú đá giò lái ngoạn mục là ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp bốn bản quy hoạch của khu này ; người dân cũng có giấy tờ, căn cứ hẳn hoi chứng minh nhà đất của mình đã bị giải tỏa oan và nhất định không đi. Tuy nhiên, phía chính quyền vẫn vận động dân chấp nhận đền bù và di dời, nhường toàn bộ phần đất này cho dự án tiếp tục thực hiện.

Năm nay tiền tuyến biết có thắng to ?

Cứ lằng nhằng như vậy nên từ tháng 6/2022 đến nay, những cuộc gặp gỡ giữa dân oan Thủ Thiêm và đại diện các cơ quan Trung ương vẫn giẫm chân tại chỗ, không tiến lên được bước nào, ngoại trừ việc lãnh đạo thành phố đều đều đến ủy lạo tinh thần bà con ở khu tạm cư vào dịp Tết, đồng thời tranh thủ thuyết phục họ rời khu tạm cư dưới đất để… lên khu tạm cư trên chung cư !

Người dân không đồng ý. Một số nhà chưa bị đập vẫn cố gắng trụ lại sinh sống, cho dù khung cảnh chung quanh đã biến đổi như qua một trận bể dâu. Cái xóm vô cùng đông đúc của chị Sáu thực sự đã biến thành khu rừng hoang. Chị không mở trường được nữa mà phải đi làm thuê cho người khác.

Những nhà hàng xóm giờ chỉ còn nền đất đầy cỏ dại. Vợ chồng chị Sáu cuốc miếng đất đối diện ra, trồng vô mấy bụi chuối, ít cây đu đủ, đám rau răm, tiết kiệm cho cuộc sống. Cái khung cảnh bên ngoài đầy bình an, điền viên nhưng bên trong thì đau thắt.

- Cái lòng gà này chôn nhé ? Chôn dưới cây đu đủ cho nó tốt !

Anh Sáu đã làm xong con gà. Gà nhà tự nuôi luôn, đã nói anh chị giờ là "địa chủ" sống giữa cả một vùng cỏ cây hoang vu rậm rạp, nuôi cả bò cũng được chứ nói gì mấy con gà. Chị Sáu đã quét dọn xong lần cuối khu bàn thờ trong nhà, xách xẻng, cầm rổ đựng mớ lòng gà bước qua đường, đến chỗ gốc đu đủ thụt sâu vào bên trong. Chiếc đầm in hoa rực rỡ thấp thoáng trong bụi chuối, đu đủ um tùm mà hậu cảnh là những khu nhà chung cư cao vút hiện đại. Cảm giác lạ lùng trái ngược đến khó mà tin vào mắt mình.

- Chả đi đâu sất. Nhà mình giấy tờ đầy đủ, có bị quy hoạch đâu mà phải đi. Anh chị cứ ở đây. Chờ cái bọn ăn bẩn ấy chúng nó trả giá. Năm nay (2022) bị bác Trọng sờ rồi, thế nào mà chả đến lượt - chị Sáu nói.

Rồi chị vui vẻ đọc mấy câu thơ trích trong bài thơ chúc Tết năm 1969 của Hồ Chí Minh :

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to

Hai câu thơ miêu tả trọn vẹn niềm hy vọng của chị Sáu cũng như nhiều người trong khu này. Sau hàng chục năm khiếu kiện mỏi mòn tưởng như tuyệt vọng, cuối cùng mấy năm gần đây Chính phủ đã chịu ngồi lại với người đi kiện, nghe họ trình bày và tố cáo. Những Tất Thành Cang (người dân đọc trại là Tan thành c.), Lê Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt… người đã bị bắt, người bị cách toàn bộ chức vụ. Tù hay không thì chưa biết, nhưng ít nhiều dân Thủ Thiêm đã có chút ít kết quả để hả dạ và phấn chấn tiếp tục cuộc hành trình.

Nhưng tôi không nói với chị Sáu là mấy câu cuối của bài thơ ấy mà đọc nốt thì oái oăm lắm.

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Để hợp lý hơn, chắc phải thay như sau :

Đánh cho Hải cút, đánh cho Quân nhào !

Tác giả chắc không thể hình dung một bài thơ hiệu triệu lòng dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược chỉ hơn 50 năm sau khi cuộc cách mạng thành công lại được chính những thành viên từng góp công góp sức trong cuộc cách mạng đó đọc lại lần nữa, nhưng lần này đối tượng cần phải đánh đuổi lại chính là "người nhà". Hơn thế nữa, là chính những trụ cột của chính quyền mới vừa được đoạt lại. Sự mỉa mai thật không lường nổi.

Con gà cúng ông Táo cuối cùng đã được làm sạch sẽ. Bưng rổ gà vào nhà, anh Sáu chỉ tay nói kia, anh là bộ đội, anh luôn tuân theo pháp luật, anh không chống đối gì cả. Nhà anh treo cờ kia, em thấy không ?

Cờ Đảng, cờ nước song song, hai tấm vải đỏ tươi bay phấp phới trên nóc nhà anh Sáu trong gió lộng cuối năm.

********************

Phần 2

Tết không tết trong Khu tạm cư Thủ Thiêm

Suốt đoạn đường Lương Đình Của từ ngã tư đến cầu Cá Trê dài mấy trăm mét thuộc phường Bình Khánh, quận 2 cũ (giờ là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) từng rất sầm uất, bên ngoài là dãy cửa hàng và chợ, bên trong rất nhiều chung cư lớn nhỏ cũ mới, vô cùng nhộn nhịp. Một mét vuông đất ở đây đẻ ra tiền suốt 24 tiếng một ngày : sáng, người ta bày bán cà phê, đồ ăn sáng, thực phẩm tươi sống cho đến xế trưa. Chợ đồ tươi vừa vãn thì quán nhậu bày ra tới nửa đêm. Khúc nào rộng làm chỗ gởi xe. Hàng chục ngàn người dân trong các chung cư ăn uống, mua sắm rầm rập suốt ngày đêm, tràn lấn nghẹt cả những con đường nhỏ hẹp chưa được quy hoạch.

thuthiem3

Khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm mất đất - RFA

Nhất là từ khi bên kia sông-trung tâm quận 1- nở nồi ra, đất đai ngày càng thiếu thốn khiến người dân và doanh nghiệp phải nhìn sang bên kia sông Sài Gòn thì sinh khí vùng đất này càng bốc lên ngùn ngụt, mặc dù nó xô bồ, chen chúc và thiếu trật tự như bất cứ khu vực đang phát triển nóng sốt nào khác.

Nhà bà Phan Thị Thủy ở đó.

Bỗng dưng ra đường

Năm 1982, bà mua lại cái quán cà phê ở mặt tiền đường Lương Đình Của, nay là chỗ đối diện với cây cầu vượt xây dang dở rồi bỏ hoang từ năm nảo năm nào tới giờ. Ngôi nhà cấp 4 rộng 45 m2 có gác lửng, gia đình bà vừa buôn bán, vừa sinh sống. Giá mua năm đó là 2,5 cây vàng.

Tuy mua giấy tờ tay, chưa được cấp sổ hồng nhưng bà Thủy có xác nhận của địa phương, hàng năm đều lên phường đóng lệ phí sử dụng đất theo quy định của Nhà nước. Toàn gia đình gồm vợ chồng bà và hai con cũng được đăng ký KT3 tại địa chỉ này. Theo quy định, KT3 là bước xác nhận "tiền hộ khẩu", do Công an địa phương xác thực và đăng ký cho người dân sinh sống ổn định tại một địa chỉ hợp pháp.

Giai đoạn đó muốn được cấp hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh theo con đường chính thức là gần như không thể, do những quy định vô lý : Muốn mua nhà buộc phải có hộ khẩu, nhưng muốn có hộ khẩu thì phải có sẵn nhà. Quy định này tạo cơ hội làm mưa làm gió và làm giàu cho công an khu vực và công an hộ khẩu tại các quận suốt vài chục năm. Người dân muốn mua nhà hay muốn nhập hộ khẩu thành phố, không có cách nào khác là "chạy" công an. Giá chạy hộ khẩu tính bằng vàng.

Gia đình cô Thủy được cấp KT3 tại ngôi nhà họ đã mua, kinh doanh và sinh sống ổn định tại đó nhiều năm, nghĩa là dù quy định khó khăn cách mấy thì họ cũng đã sắp hoàn tất. Tối đa sau ba năm, họ sẽ được cấp hộ khẩu, từ đó chính thức xác nhận chủ quyền với ngôi nhà và được hưởng các chế độ hành chính của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, như việc làm (nếu muốn vào Nhà nước), học hành của con cái, bảo hiểm chữa bệnh.v.v.

Ai ngờ, đang làm ăn sinh sống ngon lành thì tháng 1/2000, địa phương cho biết khu này giải tỏa. Mà ngôi nhà của cô thuộc loại giải tỏa trắng, không đền bù.

21 của dân, 48 của quan

"Họ kêu mình tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế" -bà Thủy kể - "Buồn quá, tôi dọn qua quận 4 ở với chị gái".

Tháng 7/2001, biết thêm thông tin về vụ giải tỏa, bà đăng ký về khu tạm cư một héc-ta (1 ha) ở phường Bình Khánh, quận 2. Cả gia đình bốn người, hai con đang tuổi trưởng thành dồn vô căn phòng vỏn vẹn 21 mét vuông.

Rộng 3,2 m, sâu 7 m. Hơn 21 mét vuông chớ đâu ra 48 mét vuông mà người ta nói !

48 mét vuông là con số trên biên lai thu tiền điện nước của một gia đình hàng xóm cách nhà bà vài căn, cùng cảnh dân tạm cư trong khu 1 ha này. Tất cả các căn phòng đều như nhau, được xây dựng (tạm) hàng loạt để làm chỗ tạm cư cho dân bị giải tỏa khu vực Thủ Thiêm lúc bấy giờ. Nó thông thống từ trước ra sau, rộng 3,2 m, sâu 7 m, thành từng dãy trệt và trên lầu, đi lên bằng cầu thang sắt. Nhưng không hiểu sao trên giấy tờ lại ghi mỗi căn phòng rộng 48 m2.

- 21 chứ lấy đâu ra mà 48 !

Bà Thủy cứ lầm thầm nhắc đi nhắc lại những con số đã thuộc lòng từ 22 năm nay, như cách phản ứng kiên nhẫn cùng cực của dân Thủ Thiêm với chính quyền. 21 mét vuông, căn phòng đúng nghĩa "chui rúc", vì nó thiếu sáng, chật hẹp và bức bối không tả. Gom tất tật chỗ để xe máy, toilet, bếp vô đó nên không còn chỗ đặt bàn ghế, giường tủ gì nữa. Ban ngày, tấm nệm lớn dựng lên kiêm luôn chức năng bức vách chia căn phòng làm hai. Bên ngoài để xe máy và bà ngủ. Bên trong, cháu gái ngủ. Lênh đênh qua hành trình tạm cư của gia đình, cháu đã thành sinh viên. Chiếc bàn học nhỏ tí xíu kê giữa bề bộn áo quần chăn gối.

Chỉ cách đó đúng ba bước chân là bếp và phòng vệ sinh. Ban đầu Khu tạm cư không làm bếp riêng cho từng phòng, nhưng chật chội quá nên mọi gia đình đều phải tìm cách cơi nới. Có nhà xin lấn ra đoạn hành lang chung, lát gạch cao và che chắn thêm bên trên để kê bếp, chạn và dựng một chiếc bàn ăn chân xếp. Nhà bà Thủy không cơi ra ngoài mà cơi vào bên trong, ở đoạn thông thủy giữa hai dãy nhà tạm cư để làm bếp. Gọi là bếp nhưng nó chỉ đủ đặt một chiếc bàn kê vừa hai ba cái nồi nhỏ liền nhau. Không gian bên trên là chỗ treo, kê, móc tất cả các thứ đồ dùng bếp núc của một gia đình ba người. Dưới sàn, nước lép nhép, đen ngòm bẩn thỉu.

- Mỗi lần nhà bên kia xài nước là bên này nó dội lên, hôi, dơ lắm cháu ơi, mà phải chịu. Ban quản lý (Khu tạm cư) người ta cũng chẳng làm gì được !

Đã 22 năm, đủ để một thế hệ mới ra đời và trưởng thành, gia đình bà Thủy vẫn kẹt trong khu tạm cư. Không nghề nghiệp vì từ khi về khu tạm cư, bà không có không gian, mặt bằng và khách hàng để tiếp tục mở quán cà phê. Bà chuyển sang một "sự nghiệp" mới một cách bắt buộc : Đi kiện, đòi đền bù thỏa đáng cho ngôi nhà đã bị giải tỏa trắng.

Sau một thời gian kiện, chính quyền trả lời bà : được đền bù 50.000 đ/m2.

Tại sao lúc trước thì giải tỏa trắng, sau lại đền bù ? Tại sao có giá 50.000 đ ?

Bà Thủy cho rằng cách giải quyết của chính quyền không minh bạch. Nên bà không chấp nhận mà tiếp tục kiện.

Theo lời bà Thủy, chồng bà là thiếu tá Phòng điều tra Công an quận 10, sau được chuyển về Đội điều tra Công an quận 2. Nhưng vì chồng công an mà vợ đi kiện chính quyền suốt nên ông bị giáng cấp xuống đại úy. Không những thế, ông bị gây khó khăn liên tục trong công việc. Nên sau khi về khu tạm cư ít lâu, ông xin ra khỏi ngành.

Một ngày nọ, ông tự tử chết trong chính căn phòng tạm cư rộng 3,2 m, sâu 7 m mà gia đình mình đang tá túc.

thuthiem4

Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà rộng 3,2 m, sâu 7 m. RFA

Ở tạm 22 năm

Còn lại một mình, bà Thủy vẫn kiên trì đi kiện.

Bàn tay những kẻ cướp đất xô những người dân bắn khỏi ngôi nhà của họ, nhưng cũng đẩy họ đến với nhau, giúp đỡ và cố kết với nhau thành một khối kiên gan trong suốt 26 năm đi kiện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, dù luôn trong tâm thế trứng chọi đá.

Từ năm 2018, vừa đi kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thủy vừa bắt đầu hành trình đi kiện tận Hà Nội. Cứ mỗi năm hai lần, những người dân Thủ Thiêm đang sống vật vờ ở khu tạm cư lên đường ra Hà Nội, tìm đến Trung ương để đưa đơn, trình bày. Tiền-con cái họ vắt sức lao động để cung ứng cho cha mẹ đi kiện, mỗi năm khoảng hơn chục triệu đồng. Dân oan Thủ Thiêm thuê những căn nhà trọ xa tít ngoại ô cho thật rẻ, ăn uống chi phí vô cùng tiết kiệm để bám trụ được dài ngày ở thủ đô. Từ sáng sớm đến đêm khuya, những người dân cơ cực thay phiên nhau đến nhà riêng các vị lãnh đạo từ trước 7 giờ sáng để đảm bảo gặp bằng được trước khi các vị này rời khỏi nhà. Sau đó, bà con đến các cơ quan công quyền có chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo để căng băng rôn, yêu cầu được giải quyết. Họ đi bộ và xe bus, tính toán tỉ mỉ từng chặng đường để những đồng tiền đi kiện ở lại trong túi lâu nhất có thể.

Sau hơn 20 năm, đại án máu và nước mắt mang tên Thủ Thiêm dần dần hé lộ. Nhưng đã qua năm đời chủ tịch thành phố, những người dân bị cướp đất cướp nhà vẫn kéo dài sự tồn tại lay lắt trong những khu tạm cư. Mái tôn của những khu nhà rỉ một màu nâu đỏ. Cầu thang, lan can sắt đã mục thủng từ rất lâu. Nhưng chữ "tạm" mỉa mai vẫn bám chặt họ, có người năm năm, có người 13 năm, có người 22 năm...

Giữa hai dãy nhà của khu tạm cư 1 ha có một lối đi nhỏ. Công nhân vệ sinh chọn luôn chỗ ấy làm khu tập kết rác. Mặc dù thùng rác đã được rửa qua và úp lại chờ đến ngày mai, nhưng lối đi không lúc nào khô vì nước rỉ ra liên tục, nhuộm đen cả lòng đường. Chiều chiều, những người bán cá từ chợ tự phát gần đó hắt đổ nước sục và rửa cá còn thừa trước khi ra về khiến con đường biến thành một vũng nước đọng tanh hôi. Bà Thủy và con cháu thường xuyên phải xách nước ra dọn quét cho bớt mùi và ruồi nhặng.

Chúng tôi đến khu tạm cư vào những ngày cùng tận của năm Nhâm Dần. Dưới những mái nhà tối tăm, những bức vách tôn rỉ sét, những con đường nội khu lầy lụa ngập nước bẩn đen ngòm và cỏ dại, những căn phòng ổ chuột che chắn cơi nới đủ hình đủ dạng, đó đây vẫn có hoa vạn thọ vàng tươi rực rỡ, mào gà đỏ thắm, cành mai nhú những chùm nụ chen chúc căng mẩy… đặc trưng cái tết phương Nam.

Tết vẫn đến thản nhiên dù cho những con người sinh sống trong Khu tạm cư chẳng còn lòng dạ nào mong chờ. Tết nối Tết. Thời gian biến những mái tóc xanh ngày nào thành vầng cỏ bạc xơ xác. Nhưng trong lòng những kiếp người bỗng dưng tai bay vạ gió, cơ cực trầm luân suốt hai mươi mấy năm trời, dù cạn kiệt niềm tin vào luật người vẫn le lói hy vọng vào nhân quả, vào thứ luật lệ của Trời. Mỗi sợi khói tỏa lên từ mỗi nén nhang bàn thờ gia tiên ngày Tết đều chở oằn lời van vái cầu xin về một chốn định cư, an cư cho những ngày cuối của đời mình và cho các đời con cháu.

Các đời lãnh đạo thành phố gần như đều từng đến úy lạo tinh thần bà con dân oan Thủ Thiêm vào dịp tết. Năm nay cũng vậy, bà Thủy kể một vị lãnh đạo nào đó vừa đến tặng quà tết cho các hộ dân và thuyết phục họ lên chung cư Bình Khánh kế bên để sống vì khu này đã quá mục nát bẩn thỉu. Khu chung cư đồ sộ được xây từ 2014, làm nơi cư trú cho các hộ bị giải tỏa để nhường đất cho dự án Thủ Thiêm. Thời điểm đó nó vắng tanh và xa ngắt. Bây giờ, nó là vị trí đắc địa : nằm ở đường Lương Định Của, thuộc quận 2 cũ, khu vực rất sầm uất, chỉ cách quận 1 ít phút xe. Nhưng, mặc dù sống cảnh chen chúc vơí chuột và gián, mùi hôi thối, cái nóng nực ngột ngạt trong khu ổ chuột, thậm chí không thể gọi đó là cuộc sống, nhưng nhiều người dân Thủ Thiêm không cam lòng rời nó để lên ở trong chung cư thoáng mát lộng gió.

- Ở đó thì tốt hơn thiệt. Nhưng rồi ra sao ? Ở đây tụi tui cũng tạm cư, lên đó vẫn tạm cư tiếp. Tạm cư hai mươi mấy năm rồi, lên đó lại tạm bao nhiêu năm nữa ? Thì mình vẫn tiếp tục đi kiện được, tụi tui kiện tới chừng nào chánh phủ, bác Trọng giải oan cho tụi tui. Nhưng nếu tui chết thì con cháu tui người ta có cho ở tiếp không ? Nó hổng có tên đi kiện, người ta đuổi nó thì sao ? Mà người ta thấy mình sống ổn rồi, họ làm lơ luôn thì sao ? - bà Thủy trầm ngâm.

********************

Phần 3

21 của dân, 48 của quan

Đại gia đình anh Vũ Ngọc Tài tạm cư tại khu 1 ha, nằm sâu trong hẻm 311 Lương Định Của, phường An Phú quận 2 cũ (Thành phố Hồ Chí Minh), qua tết này là "ăn mừng" năm tạm cư thứ 13.

thuthiem5

Một khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm - Photo: RFA

Đây là khu tạm cư thứ hai. Trước khi về đây, họ đã có 5 năm tạm cư ở khu tạm cư phường An Lợi Đông.   Cả hai khu, như tên gọi, trước kia được xây dựng gấp để chính quyền đưa người dân bị giải tỏa trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm về ở tạm, chờ đền bù bằng tiền hoặc đổi nhà, đổi đất. Sau đó thì "tạm" trở thành "không giới hạn" khi thời gian cứ loãng dần ra mãi với tiến trình thưa kiện ròng ròng nước mắt của dân Thủ Thiêm. Khu tạm cư biến thành cái túi đen ngòm đựng những phận người bất hạnh vì lỡ có nhà đất nằm trúng tầm ngắm của lũ quan lại tham lam tàn bạo, giấu nó vào sự quên lãng cố tình của nhiều cấp, nhiều đời chính quyền.

Nằm dưới tầng trệt dãy nhà đầu tiên của khu 1 ha, "nhà" của anh Tài thuộc loại khang trang, sạch sẽ do nhiều công sức và tiền bạc bỏ ra sắp xếp. Vài chậu mai chúm chím nụ vàng, mồng gà vươn những cái mào đỏ tươi, vạn thọ vàng chói như những mâm xôi tí hon đã đặt rải rác sát nhà. À không, nó vốn là lề đường nhưng dân tạm cư đã cơi nới trọn một đoạn hành lang để có thêm chỗ ở, nên lề đường không còn mà từ lòng đường là bước thẳng vào "nhà".  

Tết mà! Tết mang rộn ràng vào những biệt thự dát vàng lẫn những đáy hầm sâu đen tối. Tết thản nhiên rắc phấn hồng vào lòng bất cứ ai, kể cả những con người gần như từ lâu đã mất hết hy vọng vào luật pháp.

Bỗng nhiên mất đất

Anh Tài vốn không phải dân gốc Thủ Thiêm. Năm 2001, anh và một đoàn anh em họ hàng cùng vợ con họ, tổng cộng 12 người từ Nam Định vào Thủ Thiêm lập nghiệp. Họ có một ông bác giàu có đã bỏ phần lớn tiền mua 935 m2 đất có ao cá. Đoàn di dân góp thêm mỗi người một ít tiền tùy theo khả năng, rồi đào vét lại ao, nuôi và bán cá, làm những ngôi nhà tạm bằng gỗ lợp tôn để ở, bắt đầu vắt sức gây dựng cuộc sống nơi đất mới với niềm hy vọng tràn trề. Đất phương Nam màu mỡ, rộng lớn, khí hậu bốn mùa điều hòa, con người chân thật. Đại gia đình lao động cật lực trong niềm vui, bởi hiện tại sáng sủa từng ngày và bên họ luôn có hình ảnh thành công của những anh em đồng hương đã di dân vào miền Nam trước vẫy gọi, thúc đẩy và động viên.

Đất quận 2 những năm đó không phải là đất dát kim cương hột xoàn với những khu dân cư Sala hay đảo Kim Cương giá năm bảy trăm triệu/m2 như bây giờ. Tuy chỉ cách trung tâm phồn hoa của Sài Gòn qua một dòng sông không mấy rộng, nhưng bên kia sông rực rỡ sáng chói bao nhiêu thì bên này vẫn tối mờ bấy nhiêu. Ao cá, ruộng lúa, chuồng heo, vườn rau thản nhiên đối diện với khách sạn, bar, pub, quán rượu xa hoa hào nhoáng. Bên kia sông ăn chơi như thiêu thân đến sáng. Bên này sông, người ta đặt lưng lên giường từ chập tối sau cả ngày trời lăn lộn với chợ búa, ruộng vườn. Một giấc ngủ mạnh khỏe trong lành thẳng một mạch đến sáng.  

Nhìn qua sông, dân Thủ Thiêm có thèm thuồng ánh đèn và sự tiện nghi hiện đại của quận 1 hay không ? Dĩ nhiên có, nhưng Thủ Thiêm vẫn đang sôi sục phát triển, người dân vẫn đang chăm chỉ làm ăn và làm giàu ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của họ. Tương lai giàu có và hiện đại là chắc chắn, nó đang từng ngày rạng rỡ trên mảnh đất này, chỉ cần chờ thời gian.  

Nhưng trước khi bị cướp đất cướp nhà, tuyệt đại người dân Thủ Thiêm vẫn tin vào nguyên tắc đền bù giải tỏa được quy định trong Luật Đất đai, mà các cấp chính quyền, nhỏ lớn đều thuộc như cháo chảy : khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

935 m2 đất của đại gia đình anh Tài nằm ở số nhà 11 KT3 tổ 39 ấp 4 phường An Lợi Đông quận 2, bây giờ đi hết khu Sala là tới. Khi thành phố quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân phải khai giấy tờ để được tính tiền đền bù. Mảnh đất 935 m2 chuyển nhượng trực tiếp từ người chủ ngay trước đó, vẫn ghi rõ ràng trong sổ đỏ không hề chỉnh sửa, không bán cho ai, vẫn đóng thuế sử dụng đất cho đến ngày cuối cùng trước khi bị san bằng. Bỗng nhiên quận giáng xuống tờ giấy, bảo nó chỉ có 789,28 m2 thôi, phần còn lại chủ cũ đã bán cho người khác. Chính quyền cũng nói 12 người đang ở đó không đủ điều kiện được bố trí tái định cư. Họ chỉ được đền bù tất cả là 700 triệu đồng.  

thuthiem6

Nơi ở của người dân Thủ Thiêm sau cưỡng chế. RFA

21 hay 48, vì sao ?

Người bác và đại gia đình anh Tài đành nhận 700 triệu đồng, nhưng về diện tích đất thì họ quyết không đồng ý. Họ không bán đất cho ai cả, nếu diện tích đất thiếu so với giấy tờ thì đó là lỗi của chính quyền, tại sao đổ lên đầu họ? Họ kiện chính quyền đòi 145,72 m2 đất còn thiếu. Vụ kiện dai dẳng 13 năm nay chưa kết thúc. Không có nơi nào khác để ở, cũng không đủ tiền mua lại nơi định cư khác, toàn bộ gia đình xin vào khu tạm cư sống và đi kiện.  

Tháng 3/2011, họ vào khu tạm cư phường An Lợi Đông. Đến năm 2015, phường An Lợi Đông tiếp tục giải tỏa nên đến tháng 12 họ lại chuyển vào khu tạm cư 1 ha ở hẻm 311 Lương Định Của phường An Phú, quận 2 cũ (nay là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).  

Lúc này, từ 12 người ban đầu đã thành 18. Họ xin với Ban quản lý Khu tạm cư cho ở trong ba căn phòng.

Phòng ở trong khu tạm cư 1 ha đều giống nhau, chiều rộng khoảng 3,2 m, dài 7 m. Tính ra diện tích mỗi phòng chỉ 21 m2. Nhưng không hiểu sao toàn bộ giấy tờ thu tiền điện nước mà Ban quản lý phát xuống đều ghi rõ mỗi phòng rộng 48 m2. Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ của chính quyền mà không tận mắt chứng kiến cảnh sống của người dân, chắc không nhiều người đồng tình với dân Thủ Thiêm. 48 m2 x 3 = 144 m2 cho 18 người lớn trẻ em ở ngay trung tâm thành phố, kêu ca gì nữa !

Chỉ tay vào chiếc trường kỷ xếp vào thành ghế, kéo ra thành giường, anh Tài nói phòng ở chật quá nên phải dùng cách này. Nhưng xếp mấy thì xếp, vẫn không thể đủ chỗ cho toàn gia đình đều được ngủ trên giường. Con cháu anh Tài đều phải ngủ ngay trên nền nhà. Bếp, bàn ăn, tủ chén, đồ gia dụng bếp núc đưa tất ra hành lang. Nấu nướng ăn uống ngay sát lề đường.  

Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nước ngập sát vào tận đây. Rác rưởi tanh hôi, bẩn thỉu hôi thối lắm. Xấu hổ không dám mời ai đến nhà. Mà phải chịu. Chứ giờ mình đi đâu ? Họ bảo lên chung cư Bình Khánh, thì ai cũng biết lên đấy sạch sẽ hơn hẳn, đời sống chắc chắn tốt hơn dưới này rồi. Nhưng đây tạm cư, lên đấy cũng lại tạm cư, mà tạm cư dưới này mình còn xin thông cảm cho ở được ba phòng rồi cơi nới. Lên đấy phòng chung cư ai cho mình ngăn vách hay cơi nới, mà không cơi nới thì lấy đâu chỗ cho vợ chồng (các cháu lớn lên) ngủ riêng ? Nên chúng tôi xác định cứ ở đây thôi. 

thuthiem7

Bên trong một căn hộ tạm cư của người dân Thủ Thiêm. RFA

Chúng tôi cũng không đi kiện, đi tiếp xúc gặp gỡ gì nữa cả. Trước đi nhiều lắm chứ, nhưng ông nào cũng hứa rồi về hưu, có ai giải quyết đâu ? Chúng tôi cứ đi theo kiện thì lấy đâu thì giờ làm ăn nuôi các cháu ? -nhiều người trong gia đình anh Tài đồng thanh nói.

Tháng 7/2018, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát các Khu tạm cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. "Tạm cư không phải giải pháp cuối cùng. Thành phố đang tìm giải pháp chấm dứt tạm cư, đưa người dân vào các khu tái định cư" - ông Nhân khẳng định với người dân như vậy.

Đại diện lãnh đạo quận 2 bấy giờ cũng hùng hồn : Việc vận động người dân từ khu tạm cư An Phú lên ở chung cư tái định cư chỉ là thay đổi không gian sống tốt hơn cho người dân trong lúc chờ giải quyết chính sách chứ không phải đây là việc giải quyết chính sách. Đến cuối năm 2018, quận 2 phấn đấu sẽ giải quyết xong tạm cư.

Từ đó đến nay đã lại trôi qua một nhiệm kỳ lãnh đạo mới.

- Giờ chúng tôi chỉ mong muốn có chỗ ở chính thức, định cư chứ không tạm cư nữa. Long đong 13 năm trời rồi, khổ lắm. Mua cái bảo hiểm y tế cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Các đoàn (giải quyết khiếu nại tố cáo của dân Thủ Thiêm) đến mời tiếp xúc cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Làm giấy tờ cho các cháu đi học cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Mỗi lần xin có nhanh đâu, mất cả một buổi làm. Chúng tôi chán rồi, sau này đoàn nào về thì về, chúng tôi kệ, mình phải đi làm kiếm sống.   Giờ chúng tôi còn 145 m2 đất đấy, chúng tôi xin mua nhà ở xã hội theo giá không lợi nhuận, trả thẳng hay trả góp cũng được. Nhưng chúng tôi viết đơn, tiếp xúc bao nhiêu lần, họ cũng chỉ nói ghi nhận. Mình lại về. Cứ thế. Chả ai giải quyết gì. Tạm cư từ lúc con chúng tôi học lớp Một, nay cháu tốt nghiệp đại học rồi, cả nhà vẫn tạm cư - anh Tài cười méo xệch.

Những đốm lửa Thủ Thiêm

"Thủ Thiêm" từ lâu đã trở thành cục xương cứng mắc dính trong cổ họng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh qua năm đời lãnh đạo, nuốt không trôi, nhả không đặng. Vụ việc càng kéo dài không biết điểm kết thúc khi Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Thành phố Thủ Đức. Vốn là những quyết định sai trái kéo dài qua nhiều năm của nhiều lãnh đạo, nhiều cấp và nhiều đời của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ việc giải quyết hậu quả được đẩy về cho một cấp bậc hành chính nhỏ hơn, nói đúng ra là "siêu quận" Thủ Đức.  

Hành động chuyền bóng này chỉ gây thêm phẫn nộ cho người dân. Vì trong thực tế, quyền hạn, nhân lực và tài lực của lãnh đạo Thủ Đức (không hơn gì so với trước kia, chỉ là ba cái quận chập một) không thể đủ để gỡ hay chặt bỏ cái mớ bòng bong khổng lồ mà các đàn anh của họ đã ưu ái để lại.  

Một cách cấp bách, đại án Thủ Thiêm phải được xem là tiêu điểm, ưu tiên giải quyết số một của liên minh gồm tất cả bốn cấp chính quyền : các phường nơi người dân bị cướp đất và thưa kiện ; chính quyền Thành phố Thủ Đức vì là nơi sự việc diễn ra trên địa bàn ; chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vì đây chính là di sản tồi tệ nhất mà các đời lãnh đạo tham nhũng trước để lại ; và cuối cùng là chính quyền trung ương, để giám sát, thúc đẩy và kiểm tra kết quả thực hiện.

Là vì câu chuyện Thủ Thiêm không chỉ là việc vài trăm hộ dân bị mất đất mất nhà mải miết đi kiện suốt gần 30 năm qua nữa. Nó là hình ảnh tái hiện, là những đốm lửa trông thấy hoặc không trông thấy bằng mắt thường như những Thái Bình 1997, những Tiên Lãng, Bắc Giang… Những đốm lửa của sự đau thương tột độ nơi người dân có thể bùng lên thiêu rụi những gì, lịch sử đã nhiều lần cho biết.  

Cách giải quyết bỏ lơ, dây dưa của hiện tại, dường như đang bịt tai chờ thời gian bẻ gãy sự kiên trì của người dân. Tuy nhiên, nó không khác gì đổ lên lò than rực hồng một lớp tro rồi gật gù yên tâm với cái bề mặt yên ắng. Chỉ có cách trực diện với người dân, khơi bùng nó ra rồi sửa sai tận gốc từng vụ việc một thì mới rửa sạch nổi khối uất hận của người dân Thủ Thiêm.

_________________

Tham khảo :  

https://bnews.vn/du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-bao-gio-het-canh-tam-cu/90988.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

http://daidoanket.vn/hanh-trinh-tai-dinh-cu-cua-nguoi-thu-thiem--ky-i-noi-buon-duoi-mai-tam-cu-424704.html

********************

Phần 4

Pháo đài cô độc giữa đồng hoang Thủ Thiêm

Giữa hàng trăm ngàn mét vuông rậm rì, xanh ngắt cỏ lau hai bên đoạn đường Lương Định Của phường Bình An, quận 2 (cũ, nay là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), từ ngã tư Trần Não đến cầu Cá Trê có một ngôi nhà cũ đứng một cách chơ vơ kỳ lạ. Cả khúc đường dài này chỉ còn một mình ngôi nhà đó. Đồng cỏ lau cao ngập đầu người ôm bọc lấy nó từ cả hai bên và phía sau, đối diện cũng chỉ là đồng cỏ hoang ngút mắt, nhưng ngôi nhà ấy vẫn có người ở, ra vào, chăm chút sáng tối. Như một pháo đài cô độc.

thuthiem8

Khu nhà ở của những người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa để nhường đất cho khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Photo : RFA

Nếu người đi đường biết đồng cỏ hoang rậm rịt này đã và đang là hiện trường tranh chấp giữa hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quanh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ gần 30 năm nay thì sẽ thấm thía trong sự tồn tại trơ trọi của ngôi nhà đó là tinh thần thép và sự thách thức cường quyền đã đến ranh giới tận cùng của người phụ nữ chủ nhà. Một người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường, tên Nguyễn Thị Hà.

Ngôi nhà vẫn còn dấu vết gạch vỡ nham nhở và một mảnh tường đập dở in những đường nứt chạy dài suốt tường - chứng tích của cuộc cưỡng chế điên cuồng xưa kia. Nó từng được sơn màu trắng, cái màu luôn phải giữ thật sạch sẽ và mới mẻ, ngầm nói lên một phần về khả năng tài chính khá giả và thẩm mỹ của chủ nhà. Tuy nằm lọt giữa đồng cỏ hoang nhưng sâu bên trong vẫn lấp ló đầy sắc lá, hoa và muôn màu tươi rói của vô số đồ trang trí. Ngôi nhà tụt sâu vào bên trong, mảnh đất trống hàng trăm mét trước mặt nhà được người chủ chăm chút cắm những cành cây khô lột vỏ sơn trắng và treo nhiều chiếc chuông màu sắc tạo thành lối đi vào. Sự mến khách và tươi vui mà lối đi này toát ra trái ngược hoàn toàn với vị trí cô độc, lẻ loi dễ khiến người ta chạnh lòng của ngôi nhà.

Lối đi dẫn tới một cánh cổng bằng tre và gỗ sơ sài nhưng khóa chặt. Nhìn qua cổng, thấy chủ nhà đang ngồi rất an nhiên trên ghế dựa cao, trước một bàn trà đặt rất nhiều ly tách, khay mứt và đồ trang trí đẹp đẽ. Một không gian mở, xung quanh chen chúc hoa và cây cảnh, đỏ thắm và vàng tươi, xanh ngắt và tím hoa cà trồng trong các chậu sứ cao, thấp, tròn, vuông, trái tim… đủ hình dạng. Phía trên, những chiếc chuông Giáng sinh kích cỡ rất to xanh biếc, đỏ thắm, óng vàng và trắng bạc chụm đầu nghiêng nghiêng như sắp ngân lên báo tin lành. Các thiên thần nho nhỏ mặc y phục voan cứng đang hạ cánh xuống các lùm cây. Cùng với nó, dải vải đỏ tươi in hàng chữ vàng óng Happy New Year trên cửa ra vào cho thấy chủ nhà không quên đánh dấu thời khắc quan trọng nào trong một năm. 

Thấy người ngồi đó nhưng không dễ gặp. Phải cho biết tên người giới thiệu, chị Hà mới kêu đứa cháu ra mở khóa cổng cho tôi vào.

thuthiem9

Chị Nguyễn Thị Hà bên bức tường nham nhở của ngôi nhà của mình ở phường Bình An, Thủ Thiêm. VnExpress

Vào nhà rồi, nghe hai tiếng Thủ Thiêm, chị Hà bặm môi, nhíu chặt lông mày, nước mắt đổ tràn ngay xuống khỏi đôi mắt đỏ hoe. Chị vớ chiếc điện thoại bấm lia lịa và cứ chảy nước mắt lặng lẽ như thế, không mở miệng nói một tiếng nào. 

Chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu. Tôi ngắm lần lượt cây, hoa, lá, chuông, thiên thần và vô số vật trang trí trong cái nắng vàng mơ mát rượi hiếm hoi của sáng sớm cuối năm Sài Gòn, trong khi chỉ cách đó vài mét là cả một rừng cỏ lau hoang dại trùm kín hoang dại, trong lòng có rất nhiều câu hỏi. Rất lâu sau, chị Hà mới lên tiếng, giọng nghẹn tức và ngắt quãng nhiều lần :

- Tết gì… Chánh quyền ở đây người ta quên nhà chị, quên còn có người sinh sống ở đây rồi… Em xem… còn có mấy ngày nữa là Tết mà quanh nhà chị người ta để cỏ hoang vầy đây... Mấy năm trước cứ gần Tết thì họ cho người xuống phát cỏ. Năm nay… Em đã tìm đến đây, chắc có mục đích ?

- Em không có mục đích gì. Chỉ là nhiều lần nhìn thấy ngôi nhà này, nghĩ tới cảnh sống của những người dân Thủ Thiêm, em cũng… chịu không nổi.

Rất không chuyên nghiệp, vì chỉ nói được đến thế, một cục to phồng cứng vô hình đã chẹn lấy cổ họng tôi, một luồng hơi nóng xông lên mũi khiến tôi nghẹn giọng. 

Lát sau, chị Hà đưa điện thoại, cho tôi xem vài dòng tin nhắn với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ, người mà gia đình đã mất đến ba bốn chục ngàn mét đất khi dự án Thủ Thiêm được khởi công mà không được đền bù. Hóa ra khi tôi nói đến Thủ Thiêm thì chị Hà im lặng và bấm điện thoại nhắn tin với người phụ nữ này. Họ thông tin và an ủi nhau, người kia bảo cả năm nay khi nhớ tới Thủ Thiêm cô vẫn van vái một người hết sức thân thiết để lấy niềm tin và sự nương tựa, mặc dù người ấy đã qua đời. Đó là một người đã giúp họ cất lên tiếng nói thành thật của những người dân bị cướp đất, cướp nhà suốt nhiều chục năm qua ở Thủ Thiêm lên công luận rộng rãi. 

Nhưng chị Hà không muốn nói về Thủ Thiêm nữa.

- Chị không bao giờ muốn nhắc một cái gì về Thủ Thiêm nữa. Hồi nãy em nói sống như thế này không phải là sống. Vậy mà gia đình chị đã phải sống mười mấy năm nay như vầy. Không ai hình dung nổi cuộc sống của dân Thủ Thiêm cùng cực tới mức nào đâu em. Như em nói đó, nó không phải là cuộc sống. Hồi trước, lúc đường chưa làm, ngoài đường nó ổ trâu ổ voi, mưa xuống là nước đọng vũng, ngập vô cả trong nhà chị. Cỏ thì mênh mông ngập đầu như vầy. Ngoài đường cỡ 8 giờ là vắng người qua lại, tối thui sợ lắm. Sợ rắn rít, trộm cắp, ăn cướp, sợ đủ thứ. Nhà chị ở đây có một mình như vầy. Sợ lắm chớ. Trộm vô nhà chị ba lần rồi. Nhưng nhà chị, chị phải ở. Không ai vô đây bắt chị đi được. 

Trước kia, chính quyền từng xuống bắt chị Hà phải dẹp bỏ những bụi chuối, vạt rau, luống hoa… mà chị trồng ra xung quanh nhà mình, lý do là "chiếm đất công". 

- Chị nói tui sống ở đây quá khổ rồi, tui chỉ có chút cây hoa, trang trí khắp nơi để tạo niềm vui. Ai mua tui bán, kiếm tiền sinh sống. Để tui yên. O ép tui quá, tui nói với chủ tịch phường rồi, tui dám giết người đó - chị nói.

Chị Hà mua ngôi nhà trên con đường dẫn từ bến phà Thủ Thiêm vào trung tâm quận 2, ở địa chỉ B12/1A Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2, cách đây mười mấy năm. Nhà rộng, lầu cao, vị trí đắc địa nơi chợ Bình Khánh cực kỳ sầm uất. Kinh doanh rất tốt, cuộc sống khá giả. Sau này, giấy tờ quy hoạch mà bà con Thủ Thiêm dày công tìm được sau hàng chục năm đi kiện chứng minh nó nằm ở rìa dự án Thủ Thiêm, không thuộc khu vực giải tỏa. Với vị trí và quy mô của Thủ Thiêm bây giờ, một mét vuông đất phải có giá từ vài chục tới trăm triệu. Cơ hội đó, theo luật phải được dành đầu tiên cho những người dân địa phương đã bị quy hoạch giải tỏa. Nhưng mới sống được vài năm thì vào năm 2014, như nhiều gia đình khác, nhà chị Hà bị giải tỏa trắng.

- Chánh quyền không công bố quy hoạch, không có quyết định thu hồi, không có thỏa thuận đền bù, không có phương án tái định cư… gì hết. Họ chỉ gởi quyết định cưỡng chế xuống. Buộc tự di dời, nếu không họ đập - chị nói.

thuthiem10

Bà Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi) bên căn nhà bị đập loang lổ và lau sậy cao lút đầu người ở Thủ Thiêm

Sau khi cơ quan Trung ương vào cuộc, xác định sai phạm của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhiều thời kỳ trong việc xác định ranh đất giải tỏa, việc cưỡng chế tháo dỡ nhà dân dừng lại. Những dự án sai phạm đang xây dựng dở dang cũng bị dừng lại. Nhưng hàng chục ngàn ngôi nhà đã bị san bằng, những khu dân cư đông đúc đang nhộn nhịp đã vắng bặt tiếng người, chỉ còn là bãi hoang mênh mông trống toác. Cỏ dại mọc lên cao quá đầu người quanh những con đường được phóng thẳng băng rộng rãi, trải nhựa phẳng lì nhưng không chân người bước lên. Ở những đoạn khuất nẻo, rác rưởi đủ loại chất đống cao ngang ngực, bốc mùi hôi thối. 

Đang sống trong đô thị lớn nhất nước, những ngôi nhà gan lì bám trụ lại như nhà chị Hà bỗng nhiên thấy chỉ còn mình mình trơ trọi giữa hoang vu lau lách và tối tăm, nước bẩn dềnh lên ngập sân sau những cơn mưa lớn, rắn rết côn trùng bò thẳng vào nhà. Họ mất sinh kế, mất tài sản, mất quan hệ hàng xóm láng giềng vì có còn ai ở xung quanh nữa đâu. Trong phạm vi hàng chục ngàn m2 xung quanh nhà chị Hà không còn một ngôi nhà nào nữa. Khu vực quanh đó cũng vậy. Những người chủ nhà, những công dân của một đất nước lấy câu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc làm quốc hiệu, mười mấy năm nay sống lay lắt trong lo sợ và hoảng loạn khôn nguôi, trong khi vẫn vừa phải lăn lộn kiếm tiền, vừa phải vật vã thưa kiện, vừa phải chống chọi với các nguy cơ bỗng nhiên xuất hiện như bệnh tật, trộm cướp... 

Hiện tại lênh đênh, tương lai bấp bênh. Hết cơ quan nọ tiếp xúc đến cơ quan kia gặp gỡ. Lê Thanh Hải đã thành lê lết sợ hãi, Tất Thành Cang đã tan thành c…, như người dân bình phẩm. Nhưng, những nạn nhân bị bọn chúng làm cho tan nhà nát cửa, trầm luân vật vờ qua hết khu tạm cư này đến khu tạm cư khác, nhiều người đã chết, có người tự tử, có người uất ức dẫn đến tai biến, có người bỏ đi mất tung tích, có người mất nhà, mất sinh kế, phải đi ăn xin lúc cuối đời… Những cuộc đời bị lũ quan chức tham ô vùi dập tang thương gần 30 năm nay vẫn chưa được giải oan, chưa được đền bù.

Chị Hà vừa làm lại tấm bảng số nhà kèm với tên mình, thật to, nổi bật, chữ sơn đỏ trên nền ngôi nhà trắng đập vào mắt người đi đường : Hà Nguyễn, B12/1A (Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An). Phường Bình An, cái địa danh chất chứa ước mơ và nguyện cầu của người dân lành, bây giờ nghe mỉa mai đến chát đắng khi từng hòn đất của nó đã căng tức nước mắt và máu của người dân.

- Để người giao hàng dễ tìm - chị Hà nói ngoài miệng như vậy. 

Nhưng không chỉ đơn giản thế. Như vài chục ngôi nhà khác còn đứng vững nơi này, cho dù cánh cổng đã rỉ sét không thể quay được nữa, dù chủ nhà vì lo sợ cảnh sống trơ trọi mất an ninh nên đã dời đi nơi khác hoặc cho thuê lại, nhưng những tấm biển số nhà trên cánh cổng nhà họ vẫn được sửa sang nguyên vẹn, rõ ràng. Đó là một cách người dân khẳng định chủ quyền hợp pháp của họ với ngôi nhà, tài sản cả đời của gia đình mình trước cường quyền hung bạo. Họ không cam chịu để sự bao che, dây dưa, hứa hão, hoặc cố tình cứt trâu hóa bùn của nhiều tầng nấc "công bộc của dân" mài cùn nhụt ước nguyện giành lại những gì của mình, dù nó đã bị bọn cướp ngày cướp trắng hàng chục năm qua.

- Bác Trọng đang làm đó. Cho dù cả chính quyền này thối nát thì chừng nào còn có một người nghĩ tới dân Thủ Thiêm thì chừng đó chị vẫn còn tin - chị Hà nói. 

Mai Tiên

Nguồn : RFA, 29/01/2023

Tham khảo : 

https://thanhnien.vn/thu-thiem-chuyen-mai-nha-va-hy-vong-dung-vung-post866403.html. 

https://vnexpress.net/hien-trang-4-3-ha-dat-bi-thu-hoi-sai-o-khu-do-thi-thu-thiem-3808887.html

https://vnexpress.net/topic/khieu-nai-o-khu-do-thi-thu-thiem-22960https://zingnews.vn/nguoi-dan-thu-thiem-de-nghi-lam-ro-4-con-duong-12-km-gia-gan-12000-ty-post841206.html

Published in Diễn đàn

Báo chí nhà nước mới đây đồng loạt loan tin là hơn 80% người dân khu 4,3ha Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đồng thuận với chính sách bồi thường bổ sung.

thuthiem1

Ông Lê Thanh Hải và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA Edited.

Cụ thể, tin cho biết, quyết định đền bù bổ sung vừa nêu được thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, để bồi thường bổ sung cho các hộ dân nằm trong khu vực 4,3 hecta thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cho đến nay, chính quyền chỉ công bố phương án bồi thường cho các hộ dân khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể, đất có giấy tờ hợp pháp sẽ được giao đất tương đương ; đất không có giấy tờ nhưng dùng ổn định trước ngày 15/10/1993 được giao đất với diện tích tương đương nhưng không quá 200 m2.

Ngoài ra, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các hộ dân trong khu 4,3 ha cũng được bồi thường về nhà, công trình xây dựng và vật kiến trúc khác trên đất ; hoa màu, cây trồng hỗ trợ ổn định sống ; chi phí di dời… thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh...

Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/9/2022 liên quan việc này cho biết, dân oan Thủ Thiêm không đồng thuận như báo chí đưa tin :

"Đây là trò lừa bịp của nhóm tàn dư phá nát khu đô thị mới Thủ Thiêm, họ tính lừa nhân dân, lừa dư luận… để chứng tỏ thực tâm đã giải quyết cho khu 4,3 hecta rồi. Mà khu 4,3 hecta này vào năm 2008 thanh tra thành phố đã kết luận ngoài ranh quy hoạch. Sau đó đến năm 2019, Thanh tra chính phủ mới xác nhận lại ngoài ranh theo quyết định 367, nhưng chây ì đến nay không chỉ giải quyết. Nay mấy ổng lại mời 320 hộ đã nhận tiền đền bù từ năm 2010, những hộ này đều đã có cuộc sống ổn định, giờ lại mời về để trả thêm tiền cho người ta, đa số người ta đồng ý vì đây là của trên trời rơi xuống. Còn một số người có nhà đất nhiều vẫn chưa đồng thuận. Theo tôi cái số mà họ nói đồng thuận chỉ 60% thôi".

Theo ông Cao Thăng Ca, khu 4,3 hecta này ban đầu được cơ quan chức năng toan tính cho một số dự án. Nhưng do phát hiện ra sai sót nên không dám giao cho dự án nào. Bây giờ chính quyền lấy đất những chỗ khác cũng ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, để đền bù cho những hộ này là hoàn toàn trái pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một người dân mất đất ở Thủ Thiêm, nói với RFA hôm 19/9 rằng nói 80% người dân Thủ Thiêm đồng thuận là không đúng :

"Nếu họ nói 80% người dân trong 4,3 hecta đồng thuận là nói sai, nó không đúng, số lượng rất là ít… Vấn đề ở đây là quyền lợi của người dân không được đền bù thỏa đáng, nên người ta không chấp nhận, quyền lợi người dân không được bảo đảm thì họ đâu có chịu. Bây giờ tôi có thể nói Thủ Thiêm là một vở bi hài kịch, dở khóc dở cười, tiến cũng không được, lùi cũng không xong… do quyết định 1997 của ông Lê Thanh Hải ký hoàn toàn đảo ngược quyết định 367 của ông Võ Văn Kiệt. Chính điều đó nên quyền lợi của dân không còn, cho đến giờ này không thể nói người dân đồng thuận, không bao giờ có".

Theo ông Nguyễn Đình Đệ, chính quyền chỉ xử lý những cái sai phạm ở Thủ Thiêm được phần nổi, còn phần chìm chưa xử lý được. Còn rất nhiều cán bộ cần phải bị xử lý nghiêm khắc, tại vì đây là những nhóm sân sau của họ, họ cố tình đưa ra một quyết định sai để lấy đất của người dân vô tội.

Tin cho biết, theo thống kê của báo nhà nước, có 331 trường hợp bị ảnh hưởng trong khu 4,3 hecta. Trong số hơn 80% các hộ dân đã đồng thuận với chính sách bồi thường bổ sung của Thành phố Hồ Chí Minh, có 48 hộ dân đã nhận Giấy chứng nhận, nhận nền đất và xây nhà ở nhằm ổn định cuộc sống. Mới đây có thêm 23 hộ được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Cao Thăng Ca nói tiếp về vấn đề này :

"Họ mời 23 hộ lên nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (sổ đỏ) là người ta đánh bóng, người ta lừa dư luận thôi. Còn 10 hộ khiếu nại gay gắt nhất từ trước đến giờ thì họ không giải quyết. Người ta đền bù cho những hộ này còn kém hơn. Và điều bất hợp lý nhất là Chính phủ đã kết luận 4,3 hecta này ngoài ranh quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài ranh thu hồi đất theo quyết định 1997 của UBND Thành phố. Nay người ta lại vẫn căn cứ vào quyết định 367 và 1997 để đền bù cho dân, không có một cơ sở pháp lý nào cho phép làm điều đó".

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Đặc biệt những hộ dân nằm ngoài khu 4,3 hecta.

Trở lại với thông tin đăng trên báo Nhà nước mới đây về Thủ Thiêm, một dân oan Thủ Thiêm, mục sư Nguyễn Hồng Quang, khi trả lời RFA hôm 19/9, cho biết :

"Họ quảng bá như vậy là do họ chịu một áp lực nặng nè muốn cho qua nó nhanh, nhưng người trong cuộc thì thấy không liên quan gì 4,3 hecta, không có liên quan đến khiếu nại gay gắt của Thủ Thêm. Họ đem văn bản 445, 5208 và 561 của UB thành phố cùng thanh tra liên ngành gợi ý 4,39 hecta đó cùng với một số lô không rõ ràng pháp lý nên loại khỏi Thủ Thiêm, thì phải phục hồi nguyên trạng, khởi tố vụ án và đền bù vật chất, tinh thần cho người dân. Tại sao chưa có quyết định đền bù mà vẫn đền bù, rồi cấp sổ đỏ ? Ví dụ Mục sư Trương Thế Hiền và bà Đức là mẹ 107m vuông bị xuống Nam Rạch Chiếc nhận có 80 mét vuông. Trong khi một mét vuông ở đây cả tỷ thì ở dưới kia có 100 triệu. Làm gì có chuyện mà 80% đồng thuận".

Kết luận 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ xác định 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm dựa theo kết luận năm 2008. Tuy nhiên, sau đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại xác định 4,3 hecta nằm trong ranh quy hoạch. Việc này khiến người dân càng bức xúc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm :

"Theo ông Trọng nói Thủ Thiêm làm mãi vẫn chưa được, đợi cho nó chín thì hái cả chùm. Tôi tin tưởng ông Tổng bí thư sẽ sẽ làm được chuyện này, vì đây là chuyện hoàn toàn coi thường pháp luật, coi thường chủ trương của đảng và nhà nước. Họ phá nát Thủ Thiêm để giao cho các công ty sân sau kiếm lời. Chính phủ mới chỉ phê duyệt 770 hecta mày người ta thu hồi 1.300 hecta, con số này quá lớn. Chính vì lớn, tiền bạc là vô cùng lớn, nên rất là khó giải quyết".

Theo ông Ca, người dân Thủ Thiêm rất là mệt mỏi, nhưng vẫn phải cương quyết chiến đấu đòi hỏi quyền lợi chính đáng đến hơi thở cuối cùng.

Nguồn : RFA, 19/09/2022

Published in Việt Nam

Bạn tôi rủ về nhà chơi. Ở thành phố đáng sống, trung tâm tài chính và khoa học, năng động sáng tạo, cực phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đất mới của các chuyên gia và trí thức, làng đại học trung tâm.. vân vân.

thuthiem1

Một tàu chở hàng đi trên sông Sài Gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/12/2021 - AFP

Chính là thành phố trong thành phố, Thủ Đức đó quý độc giả.

Ăn gian giờ công sở, chúng tôi có mặt ở bến xe buýt trung tâm nằm trong Công viên 23/9, gần chợ Nguyễn Thái Bình quận 1 vào 4 giờ rưỡi chiều. Chờ khoảng năm phút thì xe buýt khởi hành.  

Chạy được năm bảy phút, đến đoạn Bạch Đằng, gần chân cầu Thủ Thiêm 2 thì kẹt xe cứng ngắc. Mưa rắc nho nhỏ, phía trước bạt ngàn xe hơi đủ thứ hạng nằm lọt trong một cánh đồng dưa hấu toàn mũ bảo hiểm tròn xoe bóng loáng. Chị tiếp viên xe từ lâu đã mở hé một cánh cửa sổ, thò tay ra đập liên tục vào thùng xe, miệng kêu : "Vô đi vô đi". Nhưng đường đâu mà vô ? Chị kêu kệ chị.

Đập hoài mỏi tay, chị rút điện thoại gọi một bạn đồng nghiệp đã khởi hành trước rồi cười phớ lớ : "Nó kêu từ từ về chị ơi, không có đường đâu".

Chẳng hành khách nào buồn đáp lời chị. Ôm ba lô, dựa vào túi xách, họ đã ngả đầu ra sau ngủ tít gần như ngay từ lúc lên xe. Bạn tôi cũng đã yên giấc. Dường như tất cả đều quá quen với lộ trình và thời gian vượt hai mươi mấy cây số từ trung tâm về đến nhà vào mỗi chiều.

Vật vã, oằn oại nhích từng mét, rồi chúng tôi cũng thoát ra đến cầu Thủ Thiêm 1. Khu vực này khá thông thoáng. Bác tài bẻ tay lái lạng lách lao như tên bắn. Nếu trễ giờ, họ sẽ bị trừ tiền, mà chiều nay đã mất đứt mười mấy phút rồi.

Có phải chúng tôi vẫn còn ở Sài Gòn không ?  

Con đường ngoằn ngoèo, nước đọng đầy ắp trong các ổ gà to bằng chiếc chiếu đôi. Hai bên lau lách, cỏ hoang xanh rì, trải rộng hút tầm mắt. Lòng đường chỉ vừa đủ để hai chiếc xe buýt tránh khéo nhau, mỗi khi xe hơi lưu thông thì tất cả xe máy-đông như quân Nguyên-bị ép dúi dụi vào bờ cỏ. Mùa mưa, lau xanh tốt bời bời như một cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười. Có những con đường bê tông đã làm lề đường hai bên đẹp đẽ bỗng bị chặt cụt trong đồng cỏ.  

Cỏ và lau ở đâu ra ?  

Nơi đây từng là địa phận Thủ Thiêm cực kỳ sầm uất một thời. Cũng là vùng đất đẫm nước mắt và oan khiên của những người dân bị đập nhà, lấy đất oan ức trong vụ tranh chấp kéo dài suốt 20 năm với chính quyền, mà đến nay vẫn còn vật vã giải quyết.

Một người đàn ông quặt chiếc xe máy rẽ phải xuống con đường mòn quanh co, thụt sâu lầy lội giữa đồng cỏ, rồi biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Cho dù đã có hơn 80% số hộ dân tranh chấp ở Thủ Thiêm đã đồng ý với phương án bồi thường nhà và đất của chính quyền (theo báo chí ngày 16/9/2022) và nhận đất, rời đi, nhưng phần còn lại vẫn chưa thỏa thuận được giá bồi thường. Trong đồng cỏ, vẫn có những ngôi nhà nhẫn nại bám ghì vào mặt đất nơi nó đã được sinh ra và truyền lại từ tổ tiên, có thể từ hàng trăm năm trước, khi mảnh đất kim cương Thủ Thiêm hiện tại chỉ là đất hoang. Vách tường rêu phong mục nát, mái rơi rụng, chen với ngập lụt, côn trùng, rắn rết, trộm cướp, họ vẫn cắn răng ôm riết địa chỉ mái nhà của mình suốt hàng chục năm qua, cố chờ một ngày công lý tìm về.

Có những người dân mang quan tài người qua đời ra đặt dưới dạ cầu đường cao tốc. Bàn thờ cũng được mang ra đó làm tang cho đến hết 49 ngày. Không biết lý do vì sao họ không để ở nhà. Đàn ông trung niên, thanh niên trai tráng đặt một tấm nệm lên mảnh ván kê cao chân để nằm ngủ và nhang khói cho người thân ngay cạnh đó, cũng là ngay sát con đường bẩn thỉu lầy bụi, ngày đêm ầm ào người qua lại.  

Chỉ sau vài đoạn rẽ, vùng cỏ hoang biến mất. Con đường phẳng lì, mở rộng sáu làn xe, hai bên là những dãy nhà phố vách kính sáng choang cao rộng hết mặt tiền. Bãi cỏ thênh thang cắt tỉa xanh biếc, những bụi cây lúp xúp ngang đầu nở đầy hoa vàng rực rỡ như một bó hoa khổng lồ. Những vọng gác bảo vệ nằm đầu các con đường thẳng tắp dẫn vào các khu dân cư biệtthự riêng tư. Trên lề đường, vài người đàn ông trung niên mặc quần short, mang giày thể thao hàng hiệu, xách vợt hoặc cần câu đi câu cá. Phụ nữ mặc đầm dài dắt chó cảnh đi dạo thong dong dưới bầu trời lộng gió.  

Giữa giàu có và rách rưới, giữa no đủ sang trọng và bùn lầy, giữa xa hoa và khổ đau, giữa hưởng thụ và oan khiên nơi này, chỉ là vài vòng bánh xe.

thuthiem2

Một người đàn ông đẩy xe với một chiếc tủ lạnh trên con đường đất ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Hình chụp 18/10/1996. AP

Chân không đến đất, cật không đến trời, đố là con gì ?

Chạy vài chục phút nữa, đến Nguyễn Duy Trinh thì chúng tôi lại nếm mùi kẹt cứng. Con đường bé tẹo, lòng chợ cũ nhỏ xíu không đủ chứa, người bán tràn ra chiếm gần trọn lòng đường. Chẳng thấy bóng dáng anh cảnh sát nào đứng ra điều tiết giao thông. Dù sao chỗ này cũng là ngoại thành, còn "bộ mặt" của Sài Gòn là ở trung tâm cơ !

Hơn hai tiếng cho hơn 20 km, cuối cùng chúng tôi cũng về được đến nhà bạn tôi.  

Đang hí hửng bấm chuông, tôi giật mình rụt ngay tay lại. Dưới ánh sáng lốm đốm vì bị cây cối che khuất, từ khoảng đất trống đối diện xéo, có những bóng dáng to lớn đang chậm rãi nhưng liên tục di chuyển đến gần sát chúng tôi.

"Trâu đó ! Chỗ này còn đất hoang cỏ mọc nhiều lắm, người ta thả trâu bò đi ăn hoài" - bạn tôi thản nhiên giải thích.

Rồi trước con mắt bảy phần lo lắng ba phần ngạc nhiên của tôi, đàn trâu no tròn đủng đỉnh đi sát qua chúng tôi, sau đó dần khuất dạng trên con đường sáng rực ánh đèn cao áp.

Thủ Đức từ hai năm nay đã là thành phố riêng biệt trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với 1, 2 triệu dân. Tính con số thực tế có lẽ là 1,5 triệu (theo báo chí). Nhưng mọi hy vọng, kỳ vọng của người dân vào một "thành phố trẻ năng động sáng tạo" được đầu tư tập trung và đúng mục đích đã tắt ngủm ngùm ngum. Dấu chấm được đặt cách đây vài hôm, khi Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ chất vấn công khai tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội : "Thủ Đức từ một tách thành ba, giờ lại ba nhập một thì là loại gì ?".
Loại gì mà lửng lửng lơ lơ, trên không đến tỉnh, dưới không chạm quận. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bấm nút quyết định thành lập thành phố Thủ Đức vào năm 2020, vẫn chưa có cơ sở hay đề xuất gì về cơ chế cụ thể cho mô hình "thành phố trong thành phố" hoạt động. Do vậy, họ phải tuân thủ theo luật hiện hành, nghĩa là về thực chất, Thủ Đức chỉ có cái danh hão thành phố, còn mọi mặt vẫn y chang cấp quận huyện, không có gì thay đổi.

Bất ngờ chưa bà già ?

"Giả dép bố về"

25 năm trước, khi tách huyện Thủ Đức bấy giờ ra làm 3 quận : 2, 9 và Thủ Đức, một trong những lý do chính là địa bàn quá rộng (trên 200 km2), khiến người dân mất rất nhiều thời gian và công sức khi cần làm giấy tờ, thủ tục với chính quyền. Khoảng cách vật lý quá lớn cũng khiến chính quyền xa dân hơn.

Lý do thứ hai là sự phát triển nội tại của các vùng dân cư, khu công nghiệp… đã khiến bộ máy quản lý nông thôn cấp xã/huyện không còn đủ thẩm quyền, năng lực cũng như tài chính để quản lý và thúc đẩy nó phát triển.

Quả thực, sau khi chia tách, Thủ Đức đã lột xác. Ở vùng sát với lõi trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cách một con sông, khu vực Thủ Thiêm bứt tốc chóng mặt với giá đất và các dự án thế kỷ. Phía Thủ Đức, khu Thảo Điền định danh là nơi cư trú của ngoại kiều. Lấy trung tâm hành chính của các quận làm lõi, các khu dân cư nhanh chóng mọc lên quanh đó. Biệt thự, chung cư và nhà phố san sát chiếm chỗ ruộng lúa, đìa dừa nước, ao bèo…

Tuy nhiên cảnh sầm uất chỉ là da beo lốm đốm. Giữa các phường ở xa cũng như giữa các quận, những con đường kết nối vẫn vắng vẻ và da beo giữa các khu vực đông đúc và bị bỏ hoang. Quý vị có hình dung được cảnh chúng tôi ngồi trên xe buýt lúc 6 giờ chiều mà tim đập thon thót vì sợ. Con đường từ trung tâm quận Thủ Đức (cũ), qua công ty Samsung, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia… chạy về hướng Vinhomes Grand Park (nằm bên bờ sông Tắc, xưng danh là khu vực dành cho tinh hoa) quanh co băng qua những khu đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại và rác rưởi chen lẫn. Chúng đều là các dự án của các doanh nghiệp hoặc Nhà nước nhưng không rõ vì sao giờ toàn nằm im chết lâm sàng. Có lúc hai bên đường không hề có nhà dân, bụi rậm và cỏ hoang tràn lấn ra lòng đường (chưa có lề đường). Mồ mả cũ của người dân nằm ngay sát đường, đối diện với những khu tường vây hoa lá cỏ trồng xén tỉa cầu kỳ, quảng cáo những là The Riverside Village hay Diamond Land các kiểu… Qua cây cầu sắt bé tẹo đầy bụi, dưới mặt sông xa xa có chiếc thuyền chài nhỏ xíu bơi bơi câu cá trong hoàng hôn đỏ sậm đang chuyển nhanh qua màn đêm đen tuyền, cảnh tượng quá đỗi hư ảo. Những khung cửa kính sáng choang, dòng người chen chúc trong tiếng còi xe không ngớt chỉ cách đó vài cây số, vụt xa xôi thăm thẳm như thuộc về thế giới khác.  

Cho nên, khi nhập ba trở lại làm một, người dân đến trung tâm hành chính của thành phố vẫn khó khăn và xa cách gần như trước đó 25 năm. Chủ tịch Thành phố Thủ Đức chia sẻ trên báo chí : Thành phố chia làm ba khu vực để làm các thủ tục hành chính cho dân, nhưng con dấu thì chỉ được giữ ở khu vực một. Hai khu vực kia xin cho thêm con dấu để thuận tiện hơn cho cả cán bộ và người dân nhưng về luật pháp thì không được.

Thành thử, tiếng là thành phố chỉ dưới Thành phố Hồ Chí Minh và trên rất nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng hai năm nay Thủ Đức vẫn chỉ ôm được cái danh hão. Tài chính vẫn do Trung ương cấp về cho cả Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Thành phố Hồ Chí Minh rót về các quận huyện y như trước. Thẩm quyền chẳng tăng lên tí nào vì trên luật pháp, Thủ Đức vẫn chỉ ngang hàng với các quận huyện khác.

Tiền không, quyền không, công việc như cũ hoặc tăng thêm nhưng nhân lực lại bị rút đi khá nhiều, vì gom ba quận lại làm một thì đầu tiên số cán bộ quản lý phải bị… thanh lý đi một ít cái đã ! Suốt hai năm được "nâng cấp", Thủ Đức kêu gào thê thiết đòi phải được cho cơ chế đặc thù thì mới hoạt động nổi… "Nếu không giả dép bố về, bố chả thiết" - câu này của tôi nha quý độc giả. Nói hộ tiếng lòng của các lãnh đạo Thủ Đức mà các anh ấy không dám thốt ra miệng thôi ấy mà !  

Chỉ ngạc nhiên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có thể hồn nhiên ra một quyết định lớn như vậy khi trong tay chẳng hề có cơ sở pháp lý nào, cũng chẳng hề có ý nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm đặc thù cho Thủ Đức. Để rồi hai năm sau thỏ thẻ hỏi ngược lại cứ như chẳng hề liên quan !

Cạp đất muôn đời no

Thôi thì sự đã rồi. Muốn nhanh thì phải từ từ. Lại họp tiếp, đề xuất tiếp, nghiên cứu tiếp và… chạy tiếp !

Hôm 16/9, Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức nói trên báo Tuổi Trẻ rằng người dân Thủ Đức hỏi ông : "Lên thành phố mà hẻm vẫn ngập, thu gom rác vẫn không tốt hơn, mọi chuyện y như cũ thì lên làm gì ?".

Cảm ơn ông Bí thư đồng cảm với dân. Nhưng ông sai rồi. Phải lên chứ ! Lên để các nhà đầu tư bất động sản lộ diện và giấu mặt đẩy được vô số đất hoang chó ỉa, sau khi đã dát vàng nó thành trung tâm khoa học và trí thức, Silicon Valey của Việt Nam, nơi hội tụ tinh hoa, cực phát triển mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Đếm tiền mỏi tay, cười như nghé ngọ và tiếp tục hiện thực hóa ước mơ về những thành phố giấy bìa tương tự.  

Không cạp đất thì lấy gì mà ăn ?

Trương Tuấn Vũ

Nguồn : RFA, 18/09/2022

Tham khảo :  

https://tuoitre.vn/bi-thu-tp-thu-duc-tran-tro-cau-hoi-cua-nguoi-dan-len-tp-ma-nhu-cu-thi-len-lam-gi-20220916140748905.htm

https://plo.vn/sau-khi-thanh-lap-tp-thu-duc-chua-dat-nhu-ky-vong-cua-nguoi-dan-post698915.html

https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-tp-hcm-de-nghi-co-che-dac-thu-cho-tp-thu-duc-vi-cai-ao-chat-qua-20220912115639333.htm

https://bnews.vn/co-che-dac-thu-nao-cho-thanh-pho-thu-duc-phat-trien/230763.html

Published in Diễn đàn
mercredi, 15 juin 2022 13:44

Dưới chân Vinhomes

Vừa qua cầu Thủ Thiêm, con đường Lương Định Của đang to rộng bỗng biến thành đường mòn. Hai bên um tùm lau sậy và cỏ dại, mùa mưa cỏ cây trải một màu xanh ngút mắt. Chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học Lương Đình Của hẳn sẽ rất ưng ý về khung cảnh đầy chất thiên nhiên hai bên con đường mang tên ông.

thuthiem1

Dọc đường Lương Định Của ngày nay, lề đường không có, lòng đường không được mở rộng, cỏ dại chen chúc với rác rưởi hôi thối. - Photo : RFA

Nếu đó không phải là bãi chiến trường suốt hàng chục năm nay của cuộc chiến đòi quyền lợi đất đai giữa cư dân Thủ Thiêm và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối diện với trung tâm phồn hoa nhất của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ qua một khoảng sông hẹp, bán đảo Thủ Thiêm từ lâu đã là nơi dân cư sầm uất. Vị trí này đắc địa gần như bậc nhất, chỉ sau trung tâm hiện tại do nó chỉ cần nối một cây cầu là bước qua. Do vậy nó cũng là miếng bánh béo bở hạng nhất của các cặp mắt chằm chằm nhìn vào đất đai và phận người mà chỉ thấy nó lóe ánh vàng. Những đôi mắt đó, hầu hết là của các quan chức (đã nằm xếp lớp trong tù hoặc đang chờ gọi tên) và các doanh nghiệp thân hữu với họ.

Trong trùng trùng những tòa cao ốc mọc lên nơi đất vàng Thủ Thiêm, hoành tráng nhất là Vinhomes. Tập đoàn này chiếm giữ những vị trí tốt nhất ở những đô thị lớn nhất, xây nên những cao ốc không biết gọi tên là gì cho phải. Vì nó toàn màu xám hay đất nhạt, mọc lên từng khối cao lừng lững và san sát nhau đến nỗi giới kiến trúc sư thì kêu lên vì nguy cơ cháy lan từ tòa này sang tòa khác nếu có sự cố không may, còn dân sống trong đó mở mắt ra chỉ nhìn thấy la liệt những bức vách cao ngất và xám ngắt. Họ đặt những cái tên kêu xoang xoảng như đô thị sinh thái, đô thị công viên, nơi dành cho giới thượng lưu… nhưng cứ đi tìm thiên nhiên ở đó mà xem ! Hầu hết nó là cây trồng trong chậu và cỏ cảnh, đáp ứng rất nhanh chóng và hời hợt vỏ ngoài cho yêu cầu tỷ lệ mảng xanh trên đầu người.

Khi Vinhomes, hay những tập đoàn thân hữu ruột thịt khác chiếm được những vị trí đẹp nhất của Thủ Thiêm để xây cao ốc, thì những chủ nhân thực sự và lâu đời của nó đang chui rúc suốt 22 năm nay trong mịt mùng lau sậy và cỏ dại. Họ là hàng trăm ngàn hộ dân có đất lọt trong lõi quy hoạch, được hứa hẹn tái định cư tại chỗ nhưng đã bị nuốt lời. Hoặc, nhà cửa đất đai của họ nằm ngoài bản đồ quy hoạch của thành phố, nhưng qua bàn tay phù phép của các thuật sĩ cạp đất mà ăn thì đã nằm trọn trong vùng này. Tại các cuộc họp giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm với UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc với các đoàn kiểm tra của Trung ương, nhiều người dân đã trưng rõ ràng bằng chứng họ bị đập phá, tháo dỡ nhà cửa không thương tiếc, không được báo trước và không được đền bù một đồng nào.

Đất Thủ Thiêm tăng giá vùn vụt, một mét vuông lên tới hàng trăm triệu đồng do những chiếc cầu bắc qua bờ sông phía quận 1 đã được xây dựng, và các thông tin quy hoạch thành phố hứa hẹn sẽ còn thêm nhiều cây cầu nữa. Một mặt, nó minh chứng cho tư duy quy hoạch (à mà không, nhầm, làm gì có tư duy quy hoạch ở tầng lớp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh) theo kiểu hốt rác của họ. Nghĩa là ngọn chổi (hay vị thế quyền lực, sự móc nối lợi ích) quơ được tới đâu thì quơ hết đà tới đó, gom lại một đống rồi… gang họng ra nhai nuốt. Đống to thơm nhiều, đống nhỏ thơm ít, đống nào cũng phải ăn.

thuthiem2

Trẻ em Thủ Thiêm phải chèo ghe, lội sình để đến trường mỗi buổi sáng

Mặt khác, nó chứng minh sự trơ trẽn và tham lam tột độ của những Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang và lũ ô dù của chúng. Vứt sọt rác những lời khuyên của các chuyên gia xây dựng và quy hoạch về hướng phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Nuốt trọn lời hứa trịnh trọng với những người chủ đất thực sự khi thuyết phục họ nhường lại nơi ăn chốn ở rằng sẽ xây dựng Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính và thương mại tầm cỡ quốc tế, và họ dĩ nhiên được tái định cư tại chỗ để hưởng phần lợi ích sẽ có ấy. Cuối cùng, chẳng có trung tâm tài chính mẹ gì cả. Chỉ san sát toàn cao ốc chung cư, biệt thự, nhà phố liên kế, với giá đất "dành cho giới thượng lưu". Và tài khoản no căng của lũ quan chức tham nhũng, phình ra như sắp nứt vỡ, như cái bụng bệnh hoạn và những bản mặt nhờn mỡ của chúng.

"Tôi nhận tiền đền bù 18 triệu đồng/m2, rồi sau khi tìm hiểu được biết họ bán lại giá 350 triệu đồng/m2, và nói bán hết rồi, đến cuối 2018 mới có một số căn (căn hộ chung cư) nữa, giá 23 tỉ một căn", bà Lê Thị Bạch Tuyết (ngụ Lương Định Của, phường Bình An) kể trong một lần gặp đoàn cán bộ Trung ương. Đó cũng là tình trạng chung của những người dân chất phác bị cả một dàn từ bí thư, chủ tịch đến giám đốc sở, chủ tịch ủy ban cấp quận… tại Thành phố Hồ Chí Minh lừa gạt từ nhiều năm trước.

thuthiem3

Dưới chân những tòa cao ốc đắt đỏ san sát rợp trời bên kia sông Sài Gòn là cuộc sống của những người chủ đất giữa lau lách, cỏ dại, rác rưởi và bùn lầy suốt 22 năm qua ở Thủ Thiêm.

Thủ Thiêm trở thành trò cười bậc nhất trong vụ đặt cọc (rồi xù) lên đến 500 triệu đồng/m2 đất của bốn doanh nghiệp vào cuối năm ngoái. Với trò thổi giá mới mẻ, những kẻ lừa đảo đã đẩy đi được vô số đất đai xung quanh với những cái giá màu mỡ, đủ để họ đánh cược với luật pháp khi chơi trò này. Suốt thời gian đó, hàng trăm hộ dân vẫn tiếp tục "sống" trong những túp lều rách nát, những ngôi nhà đã bị đập phá nham nhở, che bạt, che tôn, che giấy dầu, bìa carton chống chọi với nắng như lửa và mưa như bão. Họ quyết bám trụ trên mảnh đất ông cha khai phá hoặc mua lại bằng tiền bạc mồ hôi nước mắt, chờ một ngày giành lại được lợi ích chính đáng của mình.

Dưới chân những tòa cao ốc đắt đỏ san sát rợp trời là cuộc sống của những người chủ đất giữa lau lách, cỏ dại, rác rưởi và bùn lầy suốt 22 năm qua. Một bức tranh bi thảm lồ lộ hàng ngày, hàng giờ dưới con mắt của tất cả những ai biết nhìn, trừ lũ quan chức mù lòa.

Dọc đường Lương Định Của, ở rìa của những tòa chung cư vẫn là san sát các cửa tiệm đủ mọi ngành nghề với ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy vui mắt. Nhưng cùng lúc với sự cố gắng quyết liệt đó, đập vào mắt người ta vẫn là sự nghèo khó không thể che giấu : các cửa tiệm chỉ có bề sâu rất hẹp, tường cũ nát đen thui, nhiều vách tường bị đập dang dở. Ánh đèn màu, lớp sơn mới và vài tấm băng rôn đủ màu sắc không che nổi sự cùng khổ. Lề đường không có, lòng đường không được mở rộng, cỏ dại chen chúc với rác rưởi hôi thối. Xe chạy sát vào cửa tiệm, phà khói bụi vào thẳng bên trong.

Các cửa tiệm đó là của những người chủ cố cựu ở nơi này. Họ từng kinh doanh phát đạt trên mảnh đất tuy chưa phồn hoa nhưng vô cùng sầm uất, cho đến một ngày cách đây 22 năm, bỗng dưng bị mất trắng toàn bộ mọi thứ.

Còn chút mặt bằng sót lại khi cuộc đấu tranh với phe quan chức tham nhũng chưa ngã ngũ, họ cố bám vào nó để mưu sinh. Họ bán từng chén chè, ly nước mía, làm thuê, làm mướn. Nhiều người phải lặn lội mương rạch chung quanh đặt lọp, giăng câu, đốn dừa nước chặt ra bán từng ly, cặm cụi vét từng đồng xu nhỏ. Tiền kiếm được bao nhiêu, dành dụm phần lớn ra Hà Nội chặn đầu xe các đại biểu quốc hội, các quan chức cấp to để tố cáo. Có gia đình đã đi đi lại lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội đến hơn trăm lần để nộp đơn, riêng chi phí đi lại đã hơn trăm triệu. Đầu tắt mặt tối, hiện tại và tương lai đều cùng khổ, nhưng hễ đoàn cán bộ nào về địa phương để đối thoại với dân thì có nhịn đói họ cũng phải tới nghe và đòi quyền nói cho bằng được.

Mùa này là mùa mưa ở Sài Gòn. Những cơn mưa rào trắng trời đất, kéo dài suốt cả một buổi sáng, một buổi chiều, một buổi đêm hoặc suốt cả một ngày làm nhớp nháp thêm những mảnh "sân" đất, nơi những "ngôi nhà" tạm vẫn đang che chắn những con người bất hạnh. Ban đêm, khu vực này rậm rạp, đen ngòm như một mảnh rừng hoang. Thiếu người và ánh sáng, rắn rết côn trùng tha hồ sinh sôi nảy nở, đe dọa thêm cuộc sống vốn đã không an toàn của họ.

thuthiem4

Trước căn nhà bị nhập nước, chị Hồ Thị Thư Xuân, 55 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp, là cư dân lâu năm ở Thủ Thiêm sống bằng nghề bán vé dố dạo.

"Con mong đường đi về nhà sáng một chút, trước cửa là rừng cây, bãi rác, không có đèn đường, con rất sợ", bé Nguyễn Cao Trí 6 tuổi, nhà ở khu phố 1, phường Bình An nói trong một cuộc gặp giữa dân Thủ Thiêm với đoàn đại biểu quốc hội cách đây mấy năm.

Hơn 160 hecta đất quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm bị biến thành đất thương mại dịch vụ, bán hàng chục tỉ đồng một căn chung cư. Cưỡng chế trái phép 4,3 hecta đất của những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch không một đồng đền bù. 22 năm hết lứa lãnh đạo này đến lứa lãnh đạo khác thay nhau hứa và thề, cam kết, đồng cảm như rút gan rút ruột với người dân. Rồi mọi chuyện vẫn gần như nguyên đó.

"Lò" đốt rừng rực cách mấy đi nữa, nhưng những tòa cao ốc lộng lẫy mọc lên trên đất cha ông của người dân Thủ Thiêm có bị nhổ đi để trả lại cho họ nơi đã từng là nhà cửa của họ không ? Những quan chức nối đuôi nhau vào tù có lấy gia sản của chúng để xây dựng những gì chúng đã hứa như lươn : dịch vụ, tiện ích, việc làm ? Những con người đã chết cùng với nỗi cay đắng vì bị cướp đất đai nhà cửa có sống dậy được hay không ? Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó thì dưới chân những tòa cao ốc Thủ Thiêm mới không còn oán hận và căm hờn.

thuthiem5

Các căn nhà ở tạm bợ của người dân Thủ Thiêm sau khi bị giải tỏa để lấy đất cho chính quyền xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

Oán hờn của dân Thủ Thiêm mấy chục năm nay đã thấu tận trời xanh. Chúng đã và sẽ len lỏi vào những tòa biệt thự vàng son, những tài khoản ngân hàng nước ngoài, những tấm hộ chiếu tại các quốc gia văn minh và phát triển, những thế hệ cháu con sinh ra trong tiền tài và danh vọng, thì thầm vào lỗ tai lũ quan chức đốn mạt đang phè phỡn những lời nguyền rủa đời đời kiếp kiếp. Phẫn uất tột độ của người dân sẽ hóa thành bóng ma đứng bên giường ngủ của bọn chúng đêm đêm, cười thét lên trên bàn thờ tổ tiên chúng, biến thức ăn trong họng chúng thành gai sắc và đá nhọn. Những số phận khốn cùng đã qua đời trong tức tưởi sẽ kéo tuột cổ chân chúng từ làn nước dập dềnh dưới thân du thuyền xa hoa. Cho dù chúng có tái sinh qua bao nhiêu kiếp nữa, những căm hờn ấy vẫn không bao giờ hóa giải, sẽ mãi mãi luẩn quẩn ám ảnh cuộc đời chúng và con cháu của chúng, trả thù và đòi lấy công bằng.

Nguyễn Kai

Nguồn : RFA, 15/06/2022

Published in Diễn đàn
samedi, 28 novembre 2020 19:03

Đối thoại lừa bịp

Hẹn đi hẹn lại, hoãn lên hoãn xuống suốt mấy năm trời cuối cùng cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ và chính quyền thành Hồ với dân oan Thủ Thiêm cũng diễn ra chớp nhoáng và chiếu lệ vào chiều cuối tuần 27/11/2020.

doithoai1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì buổi đối thoại với dân oan Thủ Yhieem chiều ngày 27/11/2022

Chiếu lệ vì nỗi oan ngút trời của người dân Thủ Thiêm, hàng chục ngàn gia đình bị san bằng nhà cửa, bị cưỡng chế phi pháp mảnh đất sống, gia đình li tán vất vưởng vô gia cư, màn trời chiếu đất hơn hai chục năm trời, có người oan ức phải tìm đến cái chết. Đối thoại với hơn sáu mươi ngàn nỗi oan chồng chất, nhức nhối, đau khổ, đối thoại với hơn sáu mươi ngàn thân phận dân đen lầm than bị chà đạp, ức hiếp, bị tước đoạt hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn sơ, tước đoạt nguồn sống, tước đoạt cả mạng sống mà chỉ trong hơn hai giờ chiều cuối tuần thì đối thoại cái gì ?

Chiếu lệ vì tuy cùng bị cướp đất nhưng hơn sáu mươi ngàn thân phận con người, mỗi thân phận một cảnh ngộ, một nỗi đau, mỗi thân phận phải nhận một bất công, ngang trái khác nhau mà chỉ có hai mươi người được chọn phải qua tầng tầng lớp lớp công an bủa vây canh gác vào phòng kín đối thoại.

Chính quyền không dám động đến cái lông chân của những tên quan tham tội phạm cướp đất của dân, vơ vét hàng ngàn tỉ tiền của nước, chính quyền còn bảo kê cho những tên tội phạm Thủ Thiêm thì không dám nghe sự thật Thủ Thiêm, không dám gặp những người nắm rành rẽ sự thật Thủ Thiêm và dám nói sự thật. Hai mươi người dân Thủ Thiêm được chọn đối thoại với chính quyền chỉ là những người âm thầm cam chịu và an phận. Cam chịu, họ coi nỗi oan Thủ Thiêm như số kiếp cuộc đời và an phận chấp nhận. Họ được chọn chỉ để có đủ thành phần, đủ hình thức của một cuộc đối thoại.

Đối thoại với người dân Thủ Thiêm chỉ có nước mắt và chỉ còn sót lại chút xíu hi vọng mỏng manh vào luật pháp, vào công lí mà nơi đối thoại phải rải công an chìm nổi vòng trong vòng ngoài ngăn chặn dân, sóng điện thoại cũng bị phá.

Chiều thứ sáu 27/11/2020 cuộc đối thoại chiếu lệ với người dân Thủ Thiêm chỉ có nước mắt mới diễn ra nhưng từ sáng sớm 27/11/2020, công an thành Hồ phải tung hàng ngàn quân rải khắp thành phố từ Củ Chi, Hóc Môn tới quận 7, Nhà Bè, từ Thủ Đức, quận 9 đến An Lạc, Bình Chánh bủa vây, chặn cửa, không cho những tiếng nói dân chủ, nhân quyền, không cho những tiếng nói vạch tội ác Thủ Thiêm ra khỏi nhà.

Còn bảo vệ, bao che cho những tên quan bự gây tội ác với dân Thủ Thiêm thì chính quyền còn trốn tránh sự thật Thủ Thiêm. Còn trốn tránh sự thật Thủ Thiêm, những trò đối thoại với nước mắt Thủ Thiêm chỉ là những trò lừa bịp.

Phạm Đình Trọng

(28/11/2020)

**********************

Đối thoại Thủ Thiêm : Vì sao vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ?

Nguyễn Nam, VNTB, 28/11/2020

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nói rằng, mục tiêu đối thoại là đi tìm thống nhất, mà thống nhất về pháp lý rất khó. Theo ông, mỗi một cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân đều có điều kiện tiếp cận pháp lý khác nhau, nên nhận thức khác nhau.

doithoai1

Người dân Thủ Thiêm nhìn Thành phố Sài Gòn xa hoa và lộng lẫy - Ảnh minh họa

Theo ông Hoan, cần có một cơ quan để đánh giá cơ sở pháp lý của người dân đưa ra và cơ quan Nhà nước đưa ra. Việc này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chiều 27/11, Thanh tra Chính phủ cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với người dân thuộc 5 khu phố 3 phường (An Khánh, Bình Khánh, Bình An) về khiếu nại phần đất 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không phải chỉ 4,3ha như kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.

Chủ trì buổi đối thoại có ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương.

Tóm tắt ý kiến từ phía đại diện Thanh tra Chính phủ :

Theo Thanh tra Chính phủ, người dân cung cấp cho tổ kiểm tra một số tài liệu photo. Qua nghiên cứu cho thấy có hai văn bản không liên quan đến quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là : Quyết định số 255 ngày 15/1/1998 của UBND Thành phố về phê duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không có nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2, và Quyết định 13585 ngày 16-9-1998 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố về phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết quả kiểm tra cho thấy đối với Quyết định số 255 được ban hành sau quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996. Theo quy định, nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê, phần diện tích đang được thuê để họ cải thiện điều kiện nhà ở.

Danh mục quy hoạch khu vực không có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở quận 2 ban hành kèm Quyết định 255 đã không cập nhật, và vẫn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trong phạm vi quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quyết định 367 của Thủ tướng. Hơn nữa diện tích quy hoạch tại Quyết định 255 nhỏ hơn diện tích quy hoạch tại Quyết định 367.

Những việc làm trên của UBND Thành phố và các cơ quan chức năng của Thành phố là không đúng quy định, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Thành phố xử lý, chấn chỉnh việc này.

Theo Nghị định 91 năm 1994 của Chính phủ về ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, Quyết định 255 của UBND Thành phố nêu trên không phải cơ sơ xác định ranh quy hoạch thu hồi đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do đó, việc người dân căn cứ vào việc làm không đúng của Thành phố để khiếu nại về ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở xem xét giải quyết.

Mặt khác, đối với Quyết định số 13585 có sự sai sót về vị trí. Cụ thể, Quyết định nêu hướng Bắc giáp ranh sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và Xa lộ Hà Nội là không đúng so với bản đồ thực tế. Nội dung đúng phải là hướng Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An (quận 2).

Quyết định nêu phía Đông giáp với phần còn lại phường An Khánh (quận 2) cũng không đúng so với bản đồ và thực tế. Nội dung đúng phải là phía Đông giáp phần còn lại của phường Bình Khánh (quận 2).

Quyết định nêu phía Tây giáp sông Sài Gòn, trung tâm quận 1 là chưa phù hợp với bản đồ và thực tế. Nội dung đúng phải là phía Tây giáp sông Sài Gòn (quận 1). Việc làm không đúng, thiếu trách nhiệm nêu trên của Kiến trúc sư trưởng Thành phố đã được thông báo tại Kết luận 1483.

Như vậy, qua kiểm tra và rà soát đã có đủ cơ sở để xác định là vị trí, ranh giới, số thửa đất các hộ dân đang khiếu nại thuộc 5 khu phố ở 3 phường nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do đó, theo Thanh tra Chính phủ, việc người dân căn cứ Quyết định số 255 và Quyết định 13585 để cho rằng nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở giải quyết theo quy định.

Kết thúc buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, mục tiêu đối thoại là đi tìm thống nhất mà thống nhất về pháp lý rất khó. Theo ông, mỗi một cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân đều có điều kiện tiếp cận pháp lý khác nhau nên nhận thức khác nhau. Vì vậy, thảo luận để tìm sự thống nhất nhưng hôm nay chưa có sự thống nhất.

Theo ông, cần có một cơ quan để đánh giá cơ sở pháp lý của người dân đưa ra và cơ quan Nhà nước đưa ra. Việc này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Gợi ý cho ông Võ Văn Hoan : hãy ‘cầu cứu’ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để ông ‘điều’ nhân sự từ Ủy ban kiểm tra trung ương vào Sài Gòn giúp giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại kéo quá dài của người dân Thủ Thiêm.

Lý do : theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất đỗi tự hào khen tặng Ủy ban kiểm tra trung ương là ‘Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, liêm và sạch’ (*).

Những cán bộ ‘bắn không thủng’ này sẽ giúp giải quyết được băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trong đi tìm thống nhất về pháp lý ở vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hoặc đơn giản hơn : hãy cùng nhau ra tòa để cơ quan tố tụng xét xử với những tranh biện của luật sư ở đôi bên…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 28/11/2020

Chú thích :

(*)https://tuoitre.vn/can-bo-kiem-tra-phai-la-nhung-chien-si-kien-cuong-co-ban-linh-liem-va-sach-20201127170955125.htm

Published in Diễn đàn

Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 26/6, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khi lý giải việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm bị chậm nói rõ "thành phố đã lỡ sai một lần rồi nên cần phải làm lại cho thật đúng".

thuthiem1

Người dân Thủ Thiêm trong một lần đối thoại với chính quyền. Photo : VOV

Ông Lê Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm nói với RFA rằng, chính quyền đã thừa nhận sai thì phải giải quyết cho bà con càng sớm càng tốt, chứ đời người chỉ có 60 năm mà mất nhà gần 20 năm rồi. Người dân rất bức xúc nhưng vì ở thế yếu, thấp cổ bé miệng nên đòi lại được đất là mừng rồi. Họ chỉ mong thế. Ông nói thêm :

"Người ta đã lang thang ngoài đường mấy chục năm rồi. Bây giờ nhận sai thì phải khẩn trương khắc phục - tui nhấn mạnh là phải khẩn trương. Những con người Thủ Thiêm đó, như tui, cũng không biết còn sống được bao nhiêu năm vì ai cũng lớn tuổi hết rồi. Đã có kết luận hai năm rồi mà vẫn cứ còn lòng vòng, không biết đến hết năm này đã khắc phục được chưa.

Họ đã thừa nhận là sai thì nguyện vọng của tôi là phải khẩn trương khắc phục bằng cách trả lại nhà đất hoặc đổi chỗ khác, giao đất khác cho dân để chúng tôi cất nhà ổn định cuộc sống. Chúng tôi lớn tuổi hết rồi mà vẫn không biết ngày nào được giao nền, giao đất lại (gọi là hoán đổi chứ không phải là bồi thường). Đúng ra là phải trả lại đất và bồi thường nhà cửa cho chúng tôi và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là chúng tôi nhịn dữ rồi, vì cuộc sống của mình, của gia đình mình".

Theo ông Lung, giải quyết càng lâu thì càng ảnh hưởng tới sự phát triển chung của xã hội, bởi việc của chính quyền là quản trị đất nước và trách nhiệm của người dân là đóng góp cho an sinh xã hội. Người dân không thể cứ suốt đời đi khiếu kiện.

Vào ngày 9 tháng 4 năm 2020, Thanh tra Chính phủ ký quyết định thành lập tổ công tác phục vụ đối thoại với người dân khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra chính phủ và UBND thành phố đã nhiều lần tiếp xúc đối thoại với người dân nơi đây nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân.

Nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già nêu ý kiến của mình với RFA về việc đền bù cho người dân nơi đây :

"Thứ nhất, nói riêng về Thủ Thiêm thì suốt 20 năm qua, người dân Thủ Thiêm đã mất đất, mất mạng và mất rất nhiều tài sản. Bây giờ phải đền bù cho họ về vật chất, tinh thần và thể xác suốt 20 năm qua. Đương nhiên, tinh thần và thể xác thì không có gì bù đắp nổi nhưng buộc nhà cầm quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tính toán vấn đề này cho dân Thủ Thiêm.

Thứ hai, những kẻ gây sai lầm cho dân Thủ Thiêm phải trả lời trước pháp luật và phải nhận bản án đích đáng. Đó là cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và tập đoàn của ông ta".

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trương quy hoạch Thủ Thiêm bắt đầu từ năm 1992 và đến năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án này.

Để xây dựng khu đô thị mới này, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 con người bị đẩy ra khỏi nhà và gần 20 năm qua mòn mỏi khiếu kiện do mức bồi thường không thỏa đáng.

Xử lý cán bộ như thế nào ?

thuthiem2

Ông Lê Thanh Hải và hình ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA

Chiều ngày 9 tháng 1 năm 2020, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận sai phạm của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 ; Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân, trong đó có ông nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Lê Văn Lung, chính quyền cần phải thu hồi tài sản của các quan chức sai phạm để bồi thường cho dân chứ không thể lấy công quỹ ra bồi thường, vì đó là tiền của dân. Ông Lung nói :

"Tôi cũng từng có đơn đề nghị những cán bộ, cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan làm sai trong dự án này, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chúng tôi, cho xã hội phải bị truy cứu và xử lý theo pháp luật. Phải truy thu, tịch thu tài sản của các vị cố ý làm trái để trả lại cho những nạn nhân mà họ gây ra. Đó là trách nhiệm dân sự. Chứ bây giờ nhà nước lấy của công bồi thường cho chúng tôi thì lại lấy tiền của dân trả cho dân thôi. Phải lấy lại tài sản của các vị đó trả lại cho chúng tôi. Đó là ý của tôi !".

Với nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già thì khi nhìn toàn cảnh dân oan từ vấn đề Thủ Thiêm, mọi người sẽ nhìn thấy cách giải quyết của nhà cầm quyền trong vấn đề đất đai là cách giải quyết chắp vá. Họ luôn đặt người dân vào tình thế chuyện đã rồi. Họ đưa cái mà ông gọi là tư duy ‘trại lính vào trong vấn đề dân sự’. Có nghĩa là chấp hành trước, khiếu nại sau. Và thực tế đã bày ra cái thực trạng gần 20 năm người dân la lết, mòn mỏi, mất rất nhiều thứ. Ông nêu giải pháp :

"Cái quan trọng hơn là phải sửa luật đất đai. Mà muốn sửa luật đất đai thì phải sửa hiến pháp. Đó là một cái rất bế tắc đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và bế tắc đối với cả người dân. Bởi vì khi họ sửa hiến pháp tức là công nhận có sở hữu tư nhân thì đó là bước ngoặc có thể nói là ghê gớm để thay đổi cả một chế độ.

Tuy nhiên, trước mắt tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền phải có tinh thần văn minh về pháp luật. Có nghĩa là phải cấm tuyệt đối khái niệm gọi là vận dụng phù hợp theo từng địa phương trong việc đền bù đất đai cho dân.

Nói tóm lại, về vấn đề đất đai hiện nay, đền bù được cho dân Thủ Thiêm là điều đáng mừng cho họ, nhưng tôi không thấy bóng dáng gì tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn cho dân oan mất đất trên toàn quốc".

Một nhân vật ‘đình đám’ trong vụ Thủ Thiêm là ông Tất Thành Cang. Khi còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Việc ký kết này, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương là sai nguyên tắc, khi thẩm quyền của thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Hôm 15/11/2018, Ủy ban kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra vi phạm của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Lúc bấy giờ, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang có bài viết trên facebook cá nhân của ông và cho phép RFA sử dụng, trong đó có đoạn :

"Mọi chính thể xã hội xưa nay đều lấy chính sách an dân làm trọng. Khi lòng dân có yên thì đất nước mới ổn định, xã hội mới phát triển. Vụ việc Thủ Thiêm xảy ra đã trên 2 thập kỷ qua, lòng tin của người dân nơi đây đã gần như cạn kiệt. Việc nhất thiết phải làm là lấy lại lòng tin nơi dân chúng càng sớm càng tốt".

Ông Quang đề nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố khởi tố hình sự, bắt tạm giam, tiến hành điều tra, hoàn chỉnh cáo trạng, đưa ra xét xử công khai Tất Thành Cang và đồng bọn về những tội ác họ đã gây ra đối với bà con Thủ Thiêm và Quận 2 trong thời gian tại chức.

Người dân nơi đây cho biết họ đã quá mệt mỏi với gần 20 năm khiếu kiện và đã nhiều lần nghe các cấp chính quyền thừa nhận sai phạm. Điều mong mỏi nhất của họ là được ổn định cuộc sống cho phần đời còn lại.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 26/06/2020

Published in Diễn đàn

Báo Cafef.vn ngày 10/7/2019 đăng bài [1] "Hàng chục nghìn căn hộ không ai ở, bán đấu giá nhiều lần thất bại", trong đó "không ảnh" cho thấy cả vùng đất rộng lớn nhưng hoang vắng như những "đô thị ma" !

canho1

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA

Những hình ảnh đó, kết hợp những khuôn mặt đau đớn cùng dòng lệ ràn rụa đầy phẫn uất của người dân Thủ Thiêm, cho thấy sự dốt nát của Lê Thanh Hải và đồng bọn, khi ra tay tàn phá cả một vùng ngoại ô yên tĩnh và hiền hòa bên kia sông Sài Gòn.

Lê Thanh Hải và đồng bọn cố gắng "trấn" một "đống căn hộ"cho những người dân - vẫn quen thuộc với "văn hóa nông nghiệp" từ bao đời nay là một thất bại thấy rõ - vốn xuất phát từ lòng tham vô đáy mà gây ra tội ác khó dung thứ !

Văn hóa Việt Nam vẫn là nền văn hóa nông nghiệp.

Loại hình nhà chung cư không phải là sản phẩm do nền "văn minh lúa nước" đẻ ra. Mâu thuẫn tất yếu đó, trở thành mấu chốt góp phần lớn cho ý thức "không gian sống" của người Việt cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, tính tư hữu đã đẩy phần lớn người dân Thủ Thiêm tránh xa "căn hộ", một khi có đủ khả năng (hoặc vay mượn thêm phần nào đó) để tậu một căn nhà cấp 4, dù tọa lạc trong hẻm nhỏ chen chúc, chật hẹp, nguy cơ cháy nổ, xô bồ, cãi cọ, hoặc đầy tệ nạn xã hội v.v... nó vẫn tỏ ra "hấp dẫn" và quen thuộc hơn.

Khái niệm "chung cư" được sử dụng phổ biến rộng rãi, có lẽ từ sau cuộc tổng tấn công đẫm máu và tàn phá nhiều khu vực tại Sài Gòn vào năm 1968 - biến cố "Tết Mậu Thân".

Tại Sài Gòn, lúc bấy giờ, chung cư vốn dĩ không phải là sản phẩm được "đẻ ra" dùng cho mua bán, tìm kiếm lợi nhuận. Chiến tranh đã sinh ra nó.

Sau khi đẩy lui các cuộc tấn công, đứng trước nhiều khu phố bị đốt phá, nhiều chục ngàn người dân mất nhà, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhanh chóng xây trên một số khu vực một loại nhà từ những mảnh đất hình chữ nhật khoảng 5.000 m2 - 10.000 m2, 1 trệt 3 lầu. Mỗi tầng khoảng 40 - 60 gian phòng, mỗi gian khoảng 30m2, với vách ngăn bằng gạch 4 lỗ.

Mục tiêu là bảo đảm thời gian ngắn nhất để an sinh cho người dân tức thời.

Cần nhắc lại yếu tố khách quan về kỹ thuật và vật liệu trong xây dựng của gần 50 năm trước còn lạc hậu, nó trở thành trở ngại lớn khi rút ngắn thời gian hoàn thành.

Với yêu cầu khẩn như thế, từng khoảnh đất lớn của các khu vực trong thành phố, một loại nhà như miêu tả (thô kệch, khô khan và đầy chất dã chiến) mọc lên hàng loạt ; không cần mỹ thuật, không có tiện ích gì khác ngoài cầu thang bộ dẫn lên các tầng trên, có điện nước, mỗi nhà chỉ có một phòng vệ sinh, đồng một diện tích (3mx10m).

Mỗi tầng như thế là 4 mặt tiền hướng ra bốn hướng, hình chữ nhật, đều tăm tắp, cùng một kiểu cửa sổ cửa cái, một màu sơn, hàng lang bộ (khoảng 2m) dài dằng dặc, giúp cho cư dân có thể đi thông thống và vòng quanh, từ nhà mình, ngang qua trước cửa nhà hàng xóm.

Những người dân thời đó được báo ở tạm trong khoảng 5 - 7 năm để chờ một chính sách dài hạn, quy củ hơn từ phía chính quyền, sau khi chiến tranh chấm dứt.

Quá trình ở như thế bắt đầu cho những cuộc sống của các gia đình "cháy nhà" (từ được dùng vào lúc bấy giờ) từ năm 1970 cho đến (tất nhiên) 1975.

Quá trình ở "tạm bợ" chờ chiến tranh kết thúc, đã nảy sinh tâm lý "ăn nhờ ở đậu" từ "hội chứng chiến tranh" lan tràn, làm cho"văn hóa chung cư" nhếch nhác, ồn ã, xô bồ !

Vết tích của loại hình nhà này còn in dấu nhiều nơi hiện nay tại Sài Gòn với tên gọi : Chung cư Sư Vạn Hạnh (trước 1975 gọi là c/c Ấn Quang), Chung cư Ngô Gia Tự (trước 1975 gọi là C/c Minh Mạng), Chung cư Nguyễn Kim, Chung cư Nguyễn Thiện Thuật và nhiều khu khác trong nội hạt thành phố, chỉ bao gồm các quận nội thành lúc bấy giờ. Các khu vực Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, lúc đó gần như được xem là khá xa trung tâm, gần với ngoại ô nhiều hơn.

Cuộc sống xô bồ, thắc thỏm, bất an do chiến tranh mang lại, khiến những khu chung cư này không phải là nơi "đất lành chim đậu" như dân Sài Gòn mong muốn. Nó đã bị chiến tranh cộng với cuộc sống nơm nớp làm méo mó và nhịp sống người Sài Gòn trở nên vội vã hơn nhiều người tưởng, khi bước chân vào chỗ ở mới. Vì vậy người Sài Gòn đành chấp nhận một cuộc sống tạm bợ mà người ta nghĩ chỉ là nhất thời.

Tuy nhiên, những người bám trụ lại các chung cư dã chiến như thế, đa số là người lao động bình dân.

Những người không chấp nhận lối sống tạm bợ và quá hỗn tạp là người lao động trí óc. Giới "lao động trí óc" quyết "sang tay" căn chung cư được cấp.

Những người nhận việc "sang nhượng" một phần là người lao động chân tay, buôn bán nhỏ bình dân và một phần là dân ngoại ô, "dân tản cư" từ các vùng chiến sự của miền Nam khi xưa, người ta dạt về trung tâm Sài Gòn để tránh bớt nguy hiểm đối mặt hàng ngày, nếu có thể.

Chiến tranh kết thúc vào 1975. Cuộc sống tại các chung cư vẫn tiếp diễn như bấy lâu nay. Sau 1975, thị trường chung cư vẫn tự phát và sơ khai.

Cuộc sống bao cấp với "sổ gạo", "tem phiếu" v.v... từ miền Bắc tràn vào và lên ngôi, người Sài Gòn ngẩn ngơ với biết bao điều vừa lạ vừa… "kỳ" mà lặng lẽ làm quen và thích nghi dần, một khi họ không thể tính chuyện vượt biên hay một cách gì hay hơn được !

Song song với "lịch sử chung cư Sài Gòn" như miêu tả trên, thì những khốn cùng của những khu nhà tập thể thời bao cấp ở Hà Nội mà nhắc tới môi trường sống bát nháo, hỗn độn, nhếch nhác theo kiểu "cha chung không ai khóc", có lẽ nó ám ảnh triền miên và kinh hoàng trong hàng chục năm, nên Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định [2] : "Về bản chất, chung cư là phục vụ cho tầng lớp những người có thu nhập trung bình và thấp". Điều đó cho thấy người cộng sản Việt Nam vẫn nhìn chung cư rất rẻ rúng, mặc dù hầu hết họ đều từ "bùn" mà "đứng dậy sáng lòa" trong hiện tại (!).

Chung cư ngày nay

Ngày nay, chung cư có thể lên đến 20 tầng, 30 tầng, 40 tầng.

Không gian sống như vậy, không bao giờ phù hợp nổi với tầng lớp nghèo, mưu sinh hàng ngày, dù cho đó là một chị bán xe bánh mì hay một anh chạy xe chở hàng, dù cho đó là một người bán trái cây hay một cô bán thịt cá v.v... bởi những người dân đó cần những không gian vừa ở, vừa tiện cho việc vận chuyển, chứa hàng hóa, kể cả tiết kiệm chi phí sinh hoạt tối đa.

canho2

Khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm. Photo : RFA

Lê Thanh Hải và đồng bọn vì "ăn trắng mặc trơn" bằng những đống tiền tham nhũng khổng lồ, nên không bao giờ hình dung nỗi hình ảnh một chị bán xe bánh mì hay một người bán trái cây v.v... mỗi ngày vào thang máy lên tầng 10 (đã xảy ra tại chung cư Miếu Nổi 18 tầng, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) với vật dụng lỉnh kỉnh, bộn bề, khó xoay trở trong phạm vi thang máy có hạn ! Trước sau gì, những người lao động bình dân cũng buộc tìm cách "chuyển giao" sự "vô duyên" đó. Một trong các cách đơn giản nhất là bán đi, tìm một căn nhà nhỏ khác, phù hợp việc mưu sinh.

Ngoài những bất tiện như trên ; đối với người làm công, công chức - viên chức, cả những người lao động trí óc ; thử hỏi bằng đồng lương eo hẹp, những khoản phí cho đội bảo vệ, bơm nước, điện thang máy, giữ xe, thắp sáng công cộng, vệ sinh khu vực sân, sảnh chung v.v... không lẽ không trở thành gánh nặng mà họ chưa thật sự cần đến, cho cuộc sống còn quá nhiều khó khăn ? !

Thay vì chi trả cho những khoản phí đó, người ta dễ dàng chấp nhận để trước nhà xấu xí một chút bằng những bịch nilon chứa rác, chờ công nhân vệ sinh đến lấy đi với mức phí khoảng 30.000 đồng/tháng, họ có thể nằm ngủ cạnh 2 chiếc xe gắn máy cà tàng trong gian nhà nhỏ hẹp để không phải tốn phí gửi xe, họ cũng chẳng cần vườn hoa hay khu vực sân chung mỗi tối ra dạo mát, hàn huyên tâm sự chòm xóm để phải tốn phí dọn sân, tốn điện thắp sáng khu vực v.v... Nói chung, họ chấp nhận tiết giảm tối đa mọi khoản chi phí nhằm tiết kiệm lo cho gia đình và bản thân.

Nhu cầu giao lưu hàng xóm, một nét có thể gọi là "văn hóa nông nghiệp" người Việt, vừa không cần phải tốn tiền (như phân tích trên) vừa phù hợp theo góc nhìn không lạnh lùng với láng giềng như tục ngữ "tối lửa tắt đèn có nhau", "bán bà con xa mua láng giềng gần" v.v... là nhu cầu có thật. Không gian chung cư hiện đại ngày nay tỏ ra không phù hợp với nhu cầu này !

Ngoài việc tiết giảm chi phí hàng ngày càng nhiều càng tốt, không gian chung cư ngày nay không đáp ứng sự "gần gũi" "thân tình", bởi mỗi tầng chỉ có một số căn hộ nhất định (thường là 6 - 8 căn/tầng), và mỗi căn hộ đều khép kín, khi từ thang máy bước ra. Đây cũng là một nét đặc sắc của loại hình chung cư ngày nay, bởi nó ảnh hưởng từ văn hóa phương tây, thông thường được thiết kế theo dạng các khách sạn. Mỗi nhà hầu như tự thu xếp với nhau trong không gian sống riêng. Chính điều này trở nên gò bó và co cụm đối với người lao động nghèo cần hàn huyên, than vãn và chia sẻ, cảm thông với nhau.

Một nét văn hóa khác nữa, đó chính là tang chế. Một người thân trong gia đình "thu nhập trung bình và thấp", khi mất đi trong chung cư, không phải là mối bận tâm của Lê Thanh Hải và đồng bọn, bởi những món tiền tham nhũng khổng lồ đã lấn át hết lý trí và "tình đồng bào" của chúng, mà lẽ ra buộc phải yêu cầu kiến trúc sư tính tới trong thiết kế, theo phong tục ma chay của người Việt.

Đa số các chung cư tại Thủ Thiêm hiện nay, bọn tham nhũng không thèm nghĩ đến nhà công cộng cho 3 ngày quàn người mất tại gia, chúng cũng không quan tâm tới việc, làm sao đưa một chiếc quan tài từ tầng 25 hay 38 gì đó vào trong thang máy để đi chôn hay thiêu (!).

Sẽ " rất buồn" và... "chết cười" nếu như nhắc thêm dàn kèn trống ầm ĩ và rong ruỗi trên đường đi tới nghĩa trang, trở thành "nhu cầu"... dứt khoát phải có trong ma chay ! Thật nan giải đối với chung cư thời nay ! Và thế, những ai "chuộng" loại hình đám ma thế này sẽ giải quyết ra sao, nếu ở chung cư hiện đại ?

Bên cạnh đó, các hủ tục như : đốt vàng mã vào ngày lễ tết, cúng cô hồn, giỗ quảy v.v... có thể sẽ làm cho hệ thống báo cháy một phen hú hồn cùng những nỗi nháo nhào, bực mình cho cả ban quản lý, đội bảo vệ và cư dân v.v...

Đã nói tới cái chết bất tiện cho những cuộc đưa ma từ chung cư hiện nay, thì cũng nên nhắc về cái vui, đó là ... đám cưới !

Với phong tục cưới hỏi còn nặng màu sắc văn hóa nông nghiệp (lễ mễ, cầu kỳ, mâm quả, rước dâu, ăn hỏi v.v...) nó trở thành một thách đố quá sức tưởng tượng về không gian chỉ khoảng 50 - 60 m2, buộc phải chứa đựng khoảng vài chục người để đứng đón tiếp và cô dâu, chú rễ phải vái lạy tổ tiên ông bà trước khi "đưa nàng về dinh" (sau này ít nhất là ra nhà hàng với "công nghệ tiệc cưới" trở nên vô hồn và đầy chất ăn nhậu, mất tính thiêng liêng và nồng ấm của ngày vui trọng đại đời người !)

Thế nên, nếu Lê Thanh Hải và đồng bọn có đủ lương tâm nghĩ đến xây một chung cư còn phải phục vụ cho cả những người khuyết tật trong việc di chuyển, những trường hợp cấp cứu y tế là điều "không tưởng" đối với những bộ não chỉ biết "ăn tàn phá mạt" !

Một nét "văn hóa nông nghiệp" nữa, không thể không nhắc tới, đó là "văn hóa ăn uống".

Người thu nhập trung bình và thấp vẫn có nhu cầu tụ họp anh em, bè bạn cho những giỗ chạp, lễ tiết, mừng nhà mới, thăng tiến trong nghề nghiệp v.v... Do đó, họ có quyền tổ chức ăn mừng tại gia.

Với không gian nhỏ hẹp, đó không phải là nơi cho những chú gà, chú vịt còn sống hay con cá tươi mua nguyên con từ chợ về để "tiến hành một cuộc"... nhổ lông cắt cổ, nạo vảy, cắt tiết v.v... như ở dưới quê ! Đó là chưa kể, những màn "hậu ăn nhậu" như : karaoke, hát với nhau ồn ào, hỗn loạn, thậm chí có thể dẫn đến ẩu đả, chết người v.v...

Không thể chối cãi "văn hóa ăn nhậu" kiểu Việt Nam hiện nay đã trở thành cản ngại quá lớn cho ai muốn một cuộc đổi đời hiện đại về chỗ ở, từ các căn chung cư !

Rõ ràng, chung cư ngày nay đã quá khác xa, trong khi Lê Thanh Hải và đồng bọn không hề màng đến các yếu tố văn hóa, lịch sử Việt Nam mà chỉ thuần túy chạy theo món tiền "tham nhũng khổng lồ" để xây... một "đống" căn hộ ngất ngưởng cao và giờ đây, chúng nhỏ "những giọt nước mắt cá sấu", càng khiến người dân thêm phẫn nộ và căm ghét... !

canho3

Khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh - AFP - Ảnh minh họa

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 7/4/2007 có bài [*] "Thành phố Hồ Chí Minh : Quản lý đất ở Q.2 cần "bàn tay sắt", trong đó Lê Thanh Hải hùng hổ tuyên bố : "Phải xây dựng quận 2 thành khu đô thị văn minh, hiện đại, tầm cỡ của thế kỷ 21, hơn cả Phú Mỹ Hưng hiện nay" và "cần phải có "bàn tay sắt" trong quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng và quản lý qui hoạch ở địa phương này" (!)

Tập đoàn CT&D và Tập đoàn LTH&D

Phú Mỹ Hưng với diện tích khoảng 500ha, chỉ do một nhà đầu tư duy nhất - Tập đoàn CT&D của Đài Loan - chịu trách nhiệm. Các "nhân vật" Việt Nam tham gia trong liên doanh này chỉ có vai trò "làm cảnh" và "thụ hưởng" những thành quả mà tập đoàn CT&D tạo ra.

Thủ Thiêm với khoảng 750 ha, lại do khá nhiều "chủ đầu tư" tham gia và chịu thao túng toàn bộ bởi "tập đoàn Lê Thanh Hải & đồng bọn" - "LTH&D".

Bất kỳ khu đô thị nào, đạt thành công hay chịu thất bại, đều do người đầu tư am tường "kinh tế thị trường" cùng các quy luật, các đòn bẫy, dự báo kinh tế (economic forecasting) v.v... đến cỡ nào. Đó là điểm khác biệt quan trọng thứ nhất, khi so sánh CT&D với LTH&D..

Trong khi CT&D đầu tư vốn & tri thức vào Phú Mỹ Hưng với mục đích tìm kiếm lợi nhuận (chân chính) thì LTH&D "đầu tư" "bạo quyền" & "ngu dốt" vào Thủ Thiêm với mục đích tìm kiếm... "tiền" (tham nhũng) nhưng nấp dưới ý nghĩa cao cả "xây dựng quận 2 thành khu đô thị văn minh, hiện đại, tầm cỡ của thế kỷ 21" ! Đây là điểm khác biệt quan trọng thứ nhì, khi so sánh CT&D và LTH&D.

Từ hai điểm quan trọng nói trên, chúng kéo theo các kết quả thành công mỹ mãn của Phú Mỹ Hưng và hậu quả thảm thương tàn khốc của Thủ Thiêm.

Trong khi CT&D "chớp thời cơ" giá đất rẻ bèo trên vùng đầm lầy không người ở và không trồng trọt gì cho "ra hồn" từ hồi 1993, thì LTH&D "vồ con mồi" ngay trên vùng đất Thủ Thiêm mà "con mồi" sinh sống hàng trăm năm qua, cùng biết bao lịch sử và văn hóa trên đó !

Trong khi CT&D hầu như không thay đổi quy hoạch và làm hạ tầng đồng bộ, cho đến xây dựng, kinh doanh, bảo hành, bảo trì, quản lý một cách chuyên nghiệp thì LTH&D phá nát quy hoạch, băm xẻ mảnh đất 750 ha cùng những thủ đoan man trá, lọc lừa, tàn ác, phi nhân một cách cũng "chuyên nghiệp" không kém !

Trong khi nội khu của 500 ha Phú Mỹ Hưng hầu như không bao giờ ngập lụt thì nội khu của 750 ha Thủ Thiêm hầu như không bao giờ không ngập lụt mỗi khi mưa !

Trong khi nội khu Phú Mỹ Hưng có nhiều Hội thánh Tin Lành của người Hàn Quốc hoạt động tự do thì nội khu Thủ Thiêm có chùa Liên Trì bị đập tan nát và nhà thờ Thủ Thiêm bị đe dọa san phẳng !

Trong khi nội khu Phú Mỹ Hưng hầu như không thiếu và khá tập trung dịch vụ dành cho cư dân thì nội khu Thủ Thiêm gần như khá thiếu và rất rải rác các dịch vụ gì dành cho cư dân !

Trong khi nội khu Phú Mỹ Hưng hầu như người ta thấy cư dân là người nước ngoài chiếm đa số với khuôn mặt nhẹ nhõm, ánh nhìn vui tươi cùng tiếng cười nói ríu rít của con trẻ, thì nội khu Thủ Thiêm hầu như người ta chỉ thấy cư dân là người Việt Nam chiếm đa số, với khuôn mặt đau đớn, ánh nhìn căm phẫn, nụ cười đờ dẫn, những dòng lệ tuôn trào uất ức và vắng lặng hẳn tiếng nói cười vô tư lự của trẻ con !

Trong khi CT&D hình thành và phát triển, tính cho đến nay được 26 năm thì LTH&D thành hình và suy thoái, tính cho đến nay cũng tròn... 23 năm, kể từ quyết định số 367/TTg của Võ Văn Kiệt ký ngày 4/6/1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm !

"Bàn tay sắt" !

So sánh như trên để LTH&D không còn gì có thể chối cãi về thảm trạng điêu linh mà chúng gây ra cho dân lành không ngơi nghỉ, suốt 20 năm từ cái thứ gọi là "bàn tay sắt" !

Người ta chưa bao giờ thấy bất kỳ một "đại gia đỏ" nào sống trong căn hộ (dù hiện đại nhất) ngay cả những "chuyên gia căn hộ" như : Đoàn Nguyên Đức, Dương Quốc Minh, Diệp Bạch Dương. Cường Đô La hay anh em nhà Phạm Nhật Vũ, Phạm Nhật Vượng v.v...

Và "bàn tay sắt" Lê Thanh hải và tập đoàn LTH&D của hắn cùng gia quyến chúng, cũng chưa bao giờ có ý định rời bỏ những căn biệt thự mặt tiền, rộng mênh mông để "dấn thân"vào "căn hộ không người ở" nhằm "đi sâu vào trong quần chúng" như chúng và cha ông của chúng thề thốt rằng : "Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác" (!) - Hồ Chí Minh.

Kết

Hàng chục ngàn căn hộ không người ở cùng nước mắt, máu và nỗi uất hận của người dân Thủ Thiêm do "bàn tay sắt" của tập đoàn LTH&D trực tiếp gây ra, xuất phát từ tư duy "cướp của giết người" nhưng được gọi là "luật đai đai", "hiến pháp".

Cho đến khi cương lĩnh của người cộng sản Việt Nam thôi "trát phấn tô son" lên chính bộ mặt của họ về mấy cái loại :

1/ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ;

/2/ Do nhân dân làm chủ ;/

3/ Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp ;

4/ Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ;

5/ Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện ;

...lúc đó, người dân Thủ Thiêm nói riêng và người Việt Nam nói chung mới mong...

Còn bây giờ, người Thủ Thiêm nói riêng và người Việt Nam nói chung hãy tạm lau khô dòng lệ và hướng về "bàn tay sắt" của tập đoàn LTH&D, coi thử chúng có phải trả giá cho tội ác do chúng gây ra hay không (?!)

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 19/07/2019

_________________

[*] https://tuoitre.vn/tphcm-quan-ly-dat-o-q2-can-ban-tay-sat-195267.htm

Published in Diễn đàn

Thủ Thiêm, tên gọi của bi kịch

Trân Văn, VOA, 20/06/2019

Sáng 19 tháng 6, ba đại biu do dân chúng qun 2, qun 9 và qun Th Đc bu vào Quc hi khóa 14 đã gp c tri, báo cáo v kết qu Kỳ hp Quc hi th by (đã din ra t ngày 20 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6). Ging như nhng ln tiếp xúc vi c tri trước đây, ba đi biu ca khu vc bu c s 7 thuc Thành phố Hồ Chí Minh : Nguyn Th Quyết Tâm, Phan Nguyn Như Khuê (cùng là Phó Đoàn đi biu ca Thành phố Hồ Chí Minh ti Quc hi), Trnh Ngc Thúy (Phó Chánh án Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh) lại phơi mt đ nghe dân chi...

thuthiem1

Nguyễn Th Thùy Dương phát biu trong bui tiếp xúc c tri Q2 ngày 22/11/2018

***

Người s dng mng xã hi Vit ng đang chuyn cho nhau xem mt video clip, ghi li tám phút phát biu ca cô Nguyn Th Thùy Dương (1) – c tri khu vc bu c s 7, năm ngoái tng b pht 750.000 đng vì ném dép vào mt bà Nguyn Th Quyết Tâm. Xin lược ghi những phát biu này…

Cô Dương đã dn trường hp bà Nguyn Th Tiếu, phường Cát Lái : Thu hi đt là UBND qun 2 và UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đi tượng nhn tin đn bù là người nhà ca cán b - và đt vn đ : Có phi người dân là nn mt v cướp vi phía ch mưu là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, va là ch đu tư, va thu hi đt và đi tượng nhn tin đn bù là người nhà ca cán b ?

Cô Dương cho biết, khiếu ni ca bà Tiếu đã được gi cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nơi này chuyn cho UBND qun 2. Ông Nguyn Phước Hưng - đi din cho UBND quận 2 hn gp g đương s đ trao đi vào đu tháng 5, bây gi đã gn cui tháng 6 nhưng vn chưa thy ông Hưng xut đu l din đ tiếp công dân !

Đối vi trường hp Khu đô thị mới Th Thiêm. Cô Dương nhn đnh, quy hoch Khu đô thị mới Th Thiêm vốn nhân đạo (cho người dân b thu hi đt được tái đnh cư ngay ti ch đ được th hưởng các phúc li v giáo dc, y tế, văn hóa và c kinh tế khi Khu đô thị mới này hình thành). Chính hy vng đó khiến h chp nhn di di, giao đt nhưng cui cùng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh – chủ đầu tư và cũng là phía thc hin vic thu hi đt, quyết đnh giá đn bù – nơi thay vì qun lý, điu hành li tham gia "làm kinh tế" đã không cho người dân gì c.

Theo cô Dương, mun hay không nhà nước cũng nên tha nhn đây là mt cú la lch s mà nhà nước dành cho chính nhân dân ca mình, dành cho ch th ca đt nước này. Cô thc mc : Ch trương ca nhà nước có phi là bn cùng hóa nhân dân hay không ? Ti sao li đy nhân dân vào con đường bn cùng ?

Cô Dương bo rng : Nhân dân không dám xem quan chc n đy t vì không có đy t nào li bit th, dùng siêu xe, tha tin cho con du hc trong khi ch nhân phi chy cơm tng ba. Bo quan chc là cha m cũng không đúng bi chng có cha m nào đp nhà con cái ri cho con đi tr. Cho nên chúng tôi mun các vị xác nhn, các v là gì ca chúng tôi ? Quan chc tht ra là gì ca nhân dân ?

Cử tri Nguyn Th Thùy Dương cho rng, quy hoch Khu đô thị mới Th Thiêm xét cho cùng là mt cuc mua bán gia quan chc và các nhóm li ích. Dân chúng b la, không có li ích nào liên quan đến quc gia hết – nên yêu cu : Các v có trách nhim phi lp ra mt chính sách bi thường mi cho 15.000 gia đình khu vc này, đng thi phi tr li rõ ràng v 160 héc ta mà theo quy hoch là cho vic tái đnh cư.

Kết thúc mt bui tiếp xúc c tri na, nhng thc mc ca cô Dương và cũng là thc mc t lâu ca vài chc ngàn nn nhân : Ti sao dùng Quyết đnh thu hi đt Th Thiêm đ thu hi đt phường An Phú, phường Cát Lái, phường Thnh M Li nhưng cui cùng cũng bán hết ? Gi là sa sai nng li to ra mt cái sai khác và chung cuc vì lòng tham, sai chng sai. Xét v bn cht, các quan chc đã khiến nhng người được tái đnh cư, tái đnh cư trái pháp lut bi theo các quyết đnh đã ban hành, h không có quyn tái đnh cư đó. UBD Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sa sai như thế nào ? – vn không có câu tr li

Đã đến lúc "tc nước, v b", cô Dương cht vn : Đng là cơ quan có quyn lc cao nht trong vic dn dt dân tc này. Đng là tm khiên bo v người dân, ti sao ch có đng viên mi làm tn thương nhân dân ? Khi các cơ quan quyn lc, (t Thành y, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến S Xây dng) "làm kinh tế", va nm gi quyn lc, va chăm chăm kiếm tin thì gia vòng xoáy vn hành quyn lc và n lc kiếm tin đó, làm sao nhân dân sng ni ? Các công ty nm gi đt liên tục được c phn hóa, giá đt càng ngày càng cao, cơ hi làm ch mt căn nhà ca người dân càng ngày càng khó.

Cô Dương cũng là c tri yêu cu tr li : Trách nhim ca ông Lê Tn Hùng, em trai ông Lê Thanh Hi như thế nào đi vi 160 héc ta đt bán đo Bình Lợi tr thành tài sn ca Công ty c phn Thnh M Li ?.. Đng thi đ ngh HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phi rà soát đ làm rõ nhng sai phm đó, mt khác phi son chính sách bi thường mi cho nhng người dân b mt đt Th Thiêm, nhng người dân Cát Lái b thu hồi đt đ giao cho người nhà cán b. Kết qu phi được công khai ch không lén lút son – gi nhng báo cáo mt chiu. Cô cũng yêu cu : Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ c trường hp Công ty Tân Cng Sài Gòn vi vã thu hi phn đt mà trên danh nghĩa dành cho Khu Công nghiệp Cát Lái, vi vã chuyn đi công năng và vi vã thu hi đt bù cho quân đi.

Cô nhấn mnh : Tôi ch biết trách nhim ca B Quc phòng là bo v đt nước, gi, sao li da dân cướp đt ?

***

Thủ Thiêm là tên mt bi kch tròm trèm hai thp niên, thm đẫm nước mt và máu. Máu ca nhng người chn cái chết, chu đánh đp vi hy vng s có ai đó, nơi nào đó thu được oan khiên. Hai thp niên, chính quyn "ca dân, do dân, vì dân" ch mi tiến được mt bước, đó là thôi xem các nn dân là "k xu", b các "thế lc thù đch" kích đng chng li "đường li, ch trương", chu gi h là "cô bác", cính thc xin li "bà con" nhưng vn chưa làm gì c.

Những k th ác, đy hàng chc ngàn công dân vào tuyt l, sng v vt như súc vt, tuyt vng vì không thy tương lai đã được ch mt, gi tên nhưng… trong thc tế, chng hn đng chí Lê Tn Hùng mà cô Dương đ cp ch b "khin trách", sau đó do hình thc k lut này gây tr ngi cho vic thu phc s tin yêu ca nhân dân, mc k lut được nâng lên thành… "cnh cáo". Mới đây, do sai phạm ca đng chí Lê Tn Hùng nhung nhúc như giun sán trong… lòng đng, thi nhau trườn ra gia thanh thiên, bch nht, chính quyn "ca dân, do dân, vì dân" quyết đnh "h bc lương" như mt cách x lý các sai phm nghiêm trng mi được xác đnh, ri… "đình ch công tác".

Hệ thng công quyn như thế chính là hu qu ca mt h thng chính tr "ưu vit" hơn phn còn li ca nhân loi. Dưới s lãnh đo toàn din, tuyt đi ca đng, ba đi biu ca Quc hi đi din cho cơ quan đi din "ý chí, nguyện vng ca toàn dân" ch làm được mt chuyn : Mi năm vài ln, trước và sau các kỳ hp Quc hi phơi mt đ dân chi như mt cách giúp h h ha, đng thi cũng là đ xin dương th chế "dân ch gp vn ln thiên h". Mt trn T quc – tp hp các tổ chc chính tr đi din cho tt c các gii, các thành phn khác nhau trong xã hi – cũng thế và cũng vì thế, mi b cô Dương t cáo : C tri mun tiếp xúc vi đi din ca mình ti Quc hi phi… đăng ký vi Mặt trận Tổ quốc và n lc duy nht ca Mặt trận Tổ quốc là… ngăn cản.

Cô Dương phát biu ch tám phút nhưng b đi din Mặt trận Tổ quốc chn hng ba ln vì… phát biu ngoài ni dung đã đăng ký, vì… nói quá thi gian quy đnh và vì… dám thc mc : Trách nhim ca Mặt trận Tổ quốc là gì ? Chng l là bóp ming không cho dân nói ? Cô Dương b đi diện Mặt trận Tổ quốc ch trích là không tôn trng Mặt trận Tổ quốc. Đó là git nước tràn ly, c khán phòng bng bng phn n. Không ch cô Dương, nhiu c tri bng bùng phn n : Các viên chc có tôn trng h không mà đòi được tôn trng ? Không có viên chc hu trách nào, t đi biểu ca c tri khu vc bu c s 7 thuc Thành phố Hồ Chí Minh ti Quc hi đến các thành viên Mặt trận Tổ quốc thèm tr li, ch có mt người mc thường phc bước ti ch cô Dương thu li micro. Ch thế mà thôi !

Trân Văn

Nguồn : VOA, 20/06/2019

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/hongquang.nguyen.14473/videos/483383749072780/

*****************

Dân Thủ Thiêm lại phải nghe hứa hẹn

Trung Khang, RFA, 19/06/2019

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 hôm 19/6/2019, Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuối tháng 6 này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm.

thuthiem2

Người dân Thủ Thiêm có còn tin vào lời hứa của quan chức ? Ảnh minh họa

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng nhìn nhận, việc giải quyết đơn thư khiếu nại chưa tốt, các cơ quan đùn đẩy nhau… Ông nói : "Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm".

Ông Cao Văn Ca, cử tri phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm, khi trao đổi với RFA hôm 19/6 cho biết :

"Buổi tiếp xúc cử tri hôm nay rất hỗn loạn và mất trật tự vì cử tri bức xúc, cho rằng Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã vô cảm trước những sai sót của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không nêu lên được vấn đề Thủ Thiêm trước diễn đàn Quốc Hội theo yêu cầu của cử tri Thủ Thiêm. Người dân Thủ Thiêm cho rằng tổ Đại biểu có vấn đề, yêu cầu tổ Đại biểu từ chức".

Cùng tham dự buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 với ông Khuê, còn có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bản thân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố không vô cảm với người dân Thủ Thiêm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các thành viên của đoàn, trong đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân luôn "tranh thủ từng giờ giải lao để gặp các Phó thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ đốc thúc giải quyết sớm cho bà con".

Đáp lại lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đó, theo truyền thông trong nước, một phụ nữ luống tuổi đã đứng lên chỉ tay lên tổ đại biểu quốc hội, lớn tiếng "bà ấy hứa mà có làm đâu" rồi liên tục đề cập đến các bức xúc. Bà la hét, khóc và bị an ninh đưa ra ngoài, cả hội trường náo loạn, phản đối.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết không phải ông vô cảm, vô trách nhiệm với cử tri Thủ Thiêm. Ông cũng hiểu vì sao cử tri giận dữ, bởi thời gian vụ Thủ Thiêm kéo dài quá sức chịu đựng của mọi người…

Tuy nhiên ông Cao Văn Ca bày tỏ nghi ngờ về lời hứa của ông Khuê liên quan việc cuối tháng 6 này sẽ có kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vì theo ông, điều lạ lùng là Thanh tra Chính phủ chưa hề có quyết định thành lập đoàn, và Thanh tra Chính phủ chưa hề tiếp xúc với người dân, không gặp người bị hại, mà tự nhiên đẻ ra kết luận toàn diện của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều này là trò nực cười.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6, chị Nguyễn Thùy Dương, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm cho rằng, lời hứa ông Khuê nói cuối tháng 6 thì cũng như lời ông Nhân nói cuối tháng 11 năm 2018. Chị cho biết lý do vì sao chị đã phải viết thư cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây vài tháng, để ngăn cản quyết định cuối cùng vào tháng 5 và tháng 6 khi báo chí đưa tin về việc này trước đây :

"Bởi vì chị có cảm nhận, và chị biết rằng, quyết định đó của họ hoàn toàn bất lợi cho người dân. Thời gian quyết định cuối cùng này là tốt hay xấu thì chúng ta cũng không biết được, đôi khi nó kéo dài là tốt, đôi khi nó kết thúc nhanh lại là tốt. Người già thì người chết, rắn già rắn lột da, quan chức thì 5 năm hết nhiệm kỳ, kéo dài lắm là 10 năm thì về hưu hay làm việc khác, giống như rắn. Nhưng dân thì không thể, cho nên nếu kéo quá dài, chính quyền nói từ từ sẽ giải quyết, nhưng chị sợ lúc đó dân chết hết rồi. Nhưng khi họ quyết định quá vội thì sẽ sinh ra vấn đề là quyết định vội cho xong, và đóng án lại, đóng vụ việc đó lại, đóng khiếu nại lại không cho khiếu nại nữa, họ có thể sẽ ra một quyết định vội vã bất lợi cho dân".

Theo chị Dương, người dân không cần quyết định cuối cùng, cái người dân cần là chính quyền ngồi xuống đàm phán, nói chuyện với họ. Khi phát biểu tại buổi tiếp xúc chị có nói đây là cú lừa lịch sử, họ hứa quy hoạch dân sẽ được gì đó, nhưng không có gì cả, vậy thì đây là một cuộc mua bán. Chị nói tiếp :

"Anh tới mua đất nhà tôi, tôi bán bao nhiêu, anh mua bao nhiêu phải thương lượng, chứ không có việc anh muốn trả bao nhiêu thì trả. Anh vừa là chủ đầu tư, vừa là người ra quyết định cuối cùng thì không hề công bằng với người dân. Cho nên quyết định vào tháng sau chưa chắc là một quyết định tốt đẹp".

thuthiem3

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố (giữa) và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm hôm 19/6/2019. Courtesy TP

Vào ngày 20/10/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khi dẫn đầu tổ đại biểu quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri quận 2 đã hứa với người dân Thủ Thiêm rằng, vào tháng 11 năm 2018 sẽ xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên cho đến nay, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 hôm 19/6, ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm nói : "Giấy không thể gói lửa được nữa", ông Đệ cho rằng sai phạm của chính quyền thời kỳ trước đã quá rõ, không thể bao che : "Không hiểu lý do gì mà đại biểu không dám mang ra Quốc hội nói ? Nếu các vị không đại diện được cho người dân thì từ chức đi".

Trả lời RFA qua điện thoại sau buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Đình Đệ nói :

"Sai phạm ở Thủ Thiêm là đại án quốc gia chứ không đơn thuần nữa, quyền lợi của phe nhóm lợi ích lớn quá đi. Năm lần bảy lượt, tôi và bà con Quận 2 muốn đưa vấn đề này ra quốc hội, nhưng Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh không đưa ra được, không đưa được, hứa hẹn thì người ta hứa hẹn thôi. Lời hứa như ông Khuê thì họ cũng hứa nhiều rồi, Bí thư Thành ủy cũng hứa mà cũng không làm nỗi, phep phái cài cắm nhiều quá, trên bảo dưới không nghe thì chẳng làm gì được hết. Tôi nghĩ lời hứa chẳng có giá trị gì cả".

Trước khi diễn ra buổi tiếp xúc cử tri, theo một số người dân, không dễ để có được giấy mời tham dự, cũng như phiếu đăng ký phát biểu. Điều này được cho là kỳ lạ tại Việt Nam.

Chị Nguyễn Thùy Dương cho biết, mặc dù cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, tuy nhiên chị cũng không được mời cũng như được phát biểu, chị cho biết đã đi đòi thư mời tham dự buổi tiếp xúc cử tri và giấy phát biểu nhiều lần, từ nhiều ngày trước, từ Mặt trận tổ quốc quận cho đến phường dù mới phải mổ xong, nhưng họ nhất quyết không cho. Cho đến đêm trước ngày tiếp xúc, thì người dân đã huy động nhau tìm cho chị một thư mời trống và một phiếu phát biểu trống. Chị nói tiếp :

"Khi chị ngồi rất là lâu ở sảnh để chờ tới giờ tiếp xúc, thì lực lượng công an, an ninh… không cho những người không có thư mời vào. Điều này không hợp nguyên tắc, bởi vì tiếp xúc cử tri là tiếp xúc công khai, và cử tri được quyền, chỉ cần mang giấy chứng minh của mình có địa chỉ ở quận đó sẽ được vào. Tất cả những lần trước đều vậy, nhưng lần này họ đòi thư mời mới cho vào, mỗi phường chỉ có 4 thư, trong khi hội trường vài trăm chỗ ngồi, không lẽ nào 11 phường chỉ tiếp xúc cử tri có 40, 50 chục người… đại diện cho cả quận 2… Sau đó người dân làm dữ thì họ mới chỉ đạo cho dân vào".

Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ cũng chỉ biết chờ đợi.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 19/06/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2