Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tuy 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng, nhưng phán quyết "bỏ túi" với bản án 20 năm tù vẫn được giữ nguyên với Cựu chiến binh chống Trung Quốc.

tnlt1

Tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không ?

Thượng tuần tháng 08/2018, tại Thành phố Vinh, tòa án tỉnh Nghệ An đưa ông Lê Đình Lượng, một nghi can chính trị ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.

Bị đánh giá là người đứng đầu Tổng Bộ Việt Tân tại miền Trung, cho nên, chính quyền đã xếp đặt việc xét xử ông Lê Đình Lượng theo cách hết sức nghiêm ngặt.

Đầu tiên, họ ngăn cản luật sư sao chụp hồ sơ vụ án bất chấp pháp luật quy định về việc đó là quyền hạn của luật sư. Chưa hết, cho đến gần ngày xét xử, tòa án gởi văn bản cho Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở luật sư phải bảo đảm thu xếp đến dự phiên tòa. Có thể nói, đây là một động thái "Vô tiền khoáng hậu" của tòa án đối với một luật sư tính cho đến nay và dĩ nhiên, nó không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào cả.

Trong phiên xử, họ đã cho dẫn giải đến tòa án 2 nhân chứng.

Mọi sự đã sẵn sàng ở mức chu đáo nhất để họ có một màn trình diễn mãn nhãn, từ đó, đưa ra phán quyết khiến cho bị cáo và công chúng cả nước phải tâm phục, khẩu phục.

Hôm xét xử, công an cho phong tỏa mọi ngả đường đi đến trụ sở tòa án từ khoảng cách xa hàng cây số. Luật sư phải lội bộ và trình giấy tờ mấy lượt mới di chuyển đến cổng tòa án. Sau đó, cởi bỏ giày, thắt lưng, điện thoại đi động, laptop, rồi đi qua cổng từ… nghiêm ngặt hơn cả an ninh sân bay.

Lực lượng công an đứng vòng trong, vòng ngoài đen đặc cho đến bên trong khán phòng xét xử.

Chuẩn bị kỹ càng như thế. Tuy nhiên, màn trình diễn lại như một quả pháo xịt vì nhiều lẽ. Chủ yếu, vì chính sự bình thản của ông Lê Đình Lượng (xem tại đây) và sự phản cung kiên cường của 2 nhân chứng.

Hai nhân chứng được dẫn giải đến phiên xử gồm em Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) và em Nguyễn Văn Hóa. Đây được xem là 2 nhân chứng của bên công tố, giúp cho họ chứng minh một cách mạnh mẽ về các tội trạng cáo buộc ông Lê Đình Lượng.

Thế nhưng, tại tòa, khi trả lời sự xét hỏi của tòa án và công tố, không hẹn mà cả 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận tất cả những lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng !? Như có ai ngầm ra lệnh, sau lời phản cung, công an dẫn giải tiến sát ngay sau lưng nhân chứng như tạo áp lực. Đứng giữa một rừng an ninh, 2 nhân chứng vẫn thản nhiên bác bỏ từng lời dẫn dụ lẫn hàm ý đe dọa công khai của tòa án và công tố.

Vở kịch phá sản với nhân chứng, cả 2 mau chóng bị công an đưa ngay ra ngoài.

Đến phần làm việc của luật sư, chúng tôi yêu cầu đưa 2 nhân chứng trở lại để xét hỏi, thì một công an trong đội dẫn giải cho biết : Nguyễn Viết Dũng bị đau họng đột xuất ?! và Nguyễn Văn Hóa cũng bị đau bụng đột xuất, nên cả 2 không thể tiếp tục trở lại làm việc ?!

Lo lắng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa có thể đã bị hành hung trả đũa ngay sau khi lột trần màn "trình diễn" quá tệ của chế độ, tôi kiên quyết yêu cầu chủ tọa cho họ trở lại trước phiên tòa để tự khai báo về tình trạng sức khỏe của mình. Thì vài phút sau, một người mặc áo choàng màu trắng tự giới thiệu là nhân viên y tế khẳng định 2 nhân chứng không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc… Tòa án chấp nhận lời nhân viên y tế, không ra lệnh cho 2 nhân chứng trở lại phiên tòa nữa.

Tuy luật sư không thể khai thác được gì thêm, nhưng rõ ràng, việc phải dùng lời dối trá trắng trợn ngay trước mặt nhau để từ chối dẫn giải 2 nhân chứng trở lại phiên tòa làm việc đã nhanh chóng làm vở diễn sớm hạ màn. Mặc dù sau đó, lời phán quyết bỏ túi với bản án 20 năm tù giam vẫn được tuyên đối với ông Lê Đình Lượng, nhưng đã không còn hương vị ngọt ngào, hoành tráng như kịch bản mà họ đã dày công tạo dựng được nữa.

Kết thúc phiên tòa cho đến nhiều năm sau này, tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không ?

Cũng trong năm 2018, nhân chứng can trường Nguyễn Viết Dũng bị tuyên bản án 7 năm tù giam về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự "Tuyên truyền chống nhà nước…" trong một vụ án khác tại tỉnh Nghệ An. Năm 2023, em mãn hạn tù, thế nhưng, em ấy vẫn tiếp tục bị lực lượng an ninh địa phương sách nhiễu, đàn áp, đe đọa khiến em ấy phải lánh đi tìm tự do cho mình từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay. Trong hoàn cảnh phải lánh đi, em vẫn tiếp tục lên tiếng về những vấn đề của đất nước, của tù nhân chính trị…

Với nhân chứng can trường Nguyễn Văn Hóa, trước đó, năm 2017 em bị tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án 7 năm tù giam, cũng tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về "Tuyên truyền chống nhà nước…". Cuối năm 2023, em mãn hạn tù trở về địa phương và đang cố thích nghi dần với cuộc sống hiện tại sau những năm tháng tù đày.

Tất cả những vụ án chính trị đều bị chế độ buông bức màn sắt để che giấu những sự phi lý, phi pháp, bất công, bất nhân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông khổng lồ của chế độ với hơn 1.000 báo, đài lại nhận lệnh của an ninh đã nỗ lực bôi nhọ hình ảnh những người đấu tranh, tô vẽ họ như những tội phạm cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trong hoàn cảnh đó, luật sư không thể chỉ đảm nhận trách vụ bào chữa một cách thuần túy vốn đã bị chế độ vô hiệu hóa bằng những phán quyết bỏ túi. Mà cần phải bạch hóa về chúng, về cả những sự kiên cường, bất khuất của người đấu tranh trước bạo quyền… để công chúng có thể biết điều gì đã từng xảy ra sau bức màn sắt. Vì lẽ, luật sư đã là người chứng kiến tận mắt sự thật của từng vụ án chính trị. Không chỉ thế, bạch hóa về sự thật, cũng chính là cách luật sư bảo vệ thân chủ mình, ít nhất về hình ảnh thật sự của họ trước lịch sử.

DC, ngày 25/02/2024

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 27/02/2024

Published in Diễn đàn

Gia đình hai tù nhân lương tâm bị sách nhiễu trước và sau Tết Nguyên đán

RFA, 20/02/2024

Trong khi hai nhà hoạt động Bùi Văn Thuận và Bùi Tuấn Lâm đang phải thi hành án tù dài hạn thì vợ con họ ở bên ngoài liên tục bị nhà chức trách địa phương sách nhiễu và gây khó khăn trong sinh nhai.

tnlt1

Nhà hoạt động Bùi Văn Thuận và Bùi Tuấn Lâm trước khi bị bắt - Facebook Thuận Văn Bùi/RFA edit

Công an kêu làm việc vì danh khoản Facebook giả

Bà Trịnh Thị Nhung, vợ tù nhân lương tâm (tù nhân lương tâm) Bùi Văn Thuận, bị công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa tra hỏi về một danh khoản Facebook Nhung Trịnh và lấy ảnh của chồng bà làm ảnh đại diện.

Sáng 16/2, công an phường Mai Lâm, nơi bà Nhung đang sinh sống cùng con nhỏ trong khi chồng đang thụ án tù tám năm về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước", mời bà lên làm việc vào buổi chiều cùng ngày. Giấy mời do trưởng công an phường ký không ghi rõ nội dung làm việc.

Bà Nhung thuật lại buổi làm việc với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/2 :

"Họ nói là họ phát hiện ra một tài khoản Facebook có avatar (ảnh đại diện-PV) giống anh Thuận chồng em và họ nghi ngờ là em sử dụng tài khoản Facebook đó để viết một bài viết chưa có tính xác thực".

tnlt3

Tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận

Bà Nhung cho biết trong buổi làm việc với sĩ quan an ninh của Công an thị xã Nghi Sơn tên Hoàng Anh, bà khẳng định bản thân không sử dụng danh khoản Facebook nêu trên.

Danh khoản này chỉ mới được lập vài ngày gần đây và có hai bài viết bịa đặt mang nội dung mà theo bà là "có thể bị xử lý theo Điều 331" về "lợi dụng quyền tự do dân chủ".

Khi công an yêu cầu khai báo thông tin cha mẹ và ký vào biên bản làm việc, bà từ chối vì thấy mình không liên quan gì đến danh khoản giả mạo kia.

Bà cho rằng việc Công an thị xã Nghi Sơn triệu tập lên làm việc gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà và gia đình.

"Em hi vọng là về sau sẽ không bị mời lên làm việc về những lý do chưa đủ thuyết phục. Nếu sự việc này tái diễn, em sẽ không lên làm việc".

Bà cho biết trong thời gian năm ngày từ ngày 15/02, có nhiều người lạ mặt đến canh gác gần nhà cả ngày và đêm, và đi theo mỗi khi bà có việc đi ra ngoài.

Phóng viên gọi điện cho Công an thị xã Nghi Sơn để kiểm chứng thông tin bà Nhung cung cấp nhưng người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo cơ quan.

Không rõ lý do vì sao bên phía cơ quan an ninh có hành động nêu trên đối với bà Nhung, tuy nhiên hồi năm 2023, thầy giáo Dương Tuấn Ngọc vài ngày trước khi bị công an tỉnh Lâm Đồng bắt với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" cũng bị mời làm việc để chứng minh danh khoản Facebook đang bán ma túy không phải là của ông, đồng thời xác thực danh khoản mạng xã hội ông đang dùng để đăng tải các bài viết, video...

Vợ tù nhân lương tâm Bùi Tuấn Lâm buôn bán nhỏ bị làm khó

Ông Bùi Tuấn Lâm, người được biết đến với biệt danh "thánh rắc hành" vì nhại theo "thánh rắc muối Salt Bae", bị bắt ngày 07/9/2022 về cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước". Năm sau, ông bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam. Hiện ông đang thi hành án tù ở Trại giam Xuân Lộc.

tnlt2

Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm trước khi bị bắt

Hai vợ chồng trước đây có xe bán Bún bò Huế ở Đà Nẵng, tuy nhiên, sau khi ông bị bắt thì quán đóng cửa. Hiện nay để có tiền nuôi ba con nhỏ và thường xuyên tiếp tế cho chồng, bà Lê Thanh Lâm- vợ của ông phải bán hàng trực tuyến một số mặt hàng như rong biển, mít sấy, xì dầu đóng chai... Trên sản phẩm có dán nhãn ghi rõ "ủng hộ tù nhân lương tâm Bùi Tuấn Lâm".

Ngay trước Tết Nguyên đán, ngày 02/2, khi đang giao hàng cho khách tại nhà, đội quản lý thị trường cùng công an thành phố Đà Nẵng ập vào và lập biên bản rồi thu giữ hàng hóa với giá trị khoảng hai triệu đồng vì "bán hàng lậu không hóa đơn". Bà nghi ngờ công an và quản lý thị trường địa phương đã gài bẫy để thu giữ hàng hóa của mình.

Ngày 19/2, Đội quản lý thị trường số 2 mời bà lên làm việc và phạt hành chính số tiền 1,5 triệu đồng với hành vi trên.

Bà Lâm cho rằng nhà chức trách Đà Nẵng đang trấn áp bà và ba con nhỏ, như một viên công an đã chỉ vào mặt bà và nói "Tao sẽ không để mẹ con chúng mày được yên" trong ngày xét xử ông Bùi Tuấn Lâm.

Trong một bài viết trên trang cá nhân, bà khẳng định :

"Trong khi chồng tôi đang chịu tù tội vì dám lên tiếng về các vấn nạn, bất công của xã hội. Một án tù bất công dành cho người ngay. Chồng đi tù, gánh nặng gia đình dồn lên vai tôi, nuôi ba đứa con nhỏ, nuôi chồng trong tù. Tôi buôn bán nhỏ góp nhặt từng đồng.

Những món tôi bán chỉ là thực phẩm ăn vặt, những món đặc sản vùng miền của nông dân, những món ăn làm từ tay của những con người nghị lực dù bị liệt cả thân thể nhưng vẫn cống hiến cho đời, những đồng tiền từ mồ hôi công sức lương thiện và chân chính như bao người đàn bà khác vì gia đình, vì chồng vì con. Thế nhưng, họ không để tôi yên".

Theo Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ sẽ bị coi là "hàng hóa nhập lậu".

Theo Điều 15 của Nghị định này, việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ ba triệu đồng đến dưới năm triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng.

Phóng viên gọi điện cho Cục Quản lý Thị trưởng Đà Nẵng theo hai số điện thoại của cơ quan này để hỏi về trường hợp của bà Lê Thanh Lâm, tuy nhiên không có ai nghe máy.

Nguồn : RFA, 20/02/2024

**************************

Gia đình các tù nhân lương tâm mệt mỏi vì liên tục bị sách nhiễu

Tuấn Khanh, RFA, 19/02/2024

Từ trước Tết Nguyên Đán, nhiều gia đình tù nhân lương tâm cho biết họ cảm thấy lo ngại trong đời sống bình thường vì dường như chính quyền địa phương đang có ý gây khó sinh hoạt của họ. 

tnlt1

Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm cùng ba con nhỏ. Ảnh trên mạng

Bà Lê Thanh Lâm và của tù nhân lương tâm Bùi Tuấn Lâm tại Đà Nẵng cho biết, Vì liên tục lên tiếng cho chồng mình cho nên công an Thành phố Đà Nẵng đã công khai nói rằng sẽ không để cho gia đình bà được yên. Vào lúc phiên tòa sơ thẩm của Bùi Tuấn Lâm, công an đã bắt cóc bà Lâm mang về đồn, nơi đây, nhân viên an ninh thành phố Đà Nẵng đã chỉ tay vào mặt bà, và nói "Tao sẽ không để cho mẹ con mày được yên". 

Mới đây, vào đầu tháng Hai, bà Lâm nhận được một đơn mua hàng online của một người nói là sẽ đến tận nhà để nhận chứ không cần phải gửi. Bà đồng ý và đợi người đến lấy hàng, nhưng không hề biết đó là một cái bẫy của công an nhằm để kết tội bà mua bán trái phép.

Kể từ khi ông Bùi Tuấn Lâm đi tù, thì quán bún bò Ba Cô Gái nổi tiếng của gia đình cũng bị đóng cửa theo, chấm dứt phương thức sinh sống cuối cùng của gia đình. Bà Lâm chỉ còn cách là buôn bán hàng online để tìm chút tiền lời nuôi con và đi thăm nuôi chồng. Phía công an hiểu rõ khó khăn của gia đình, và dựng một kế hoạch để đánh triệt đường sinh sống của người mẹ có ba đứa con nhỏ.

Nói về việc kiếm sống của mình, bà Lâm kể "Tôi buôn bán nhỏ góp nhặt từng đồng. Những món tôi bán chỉ là thực phẩm ăn vặt, những món đặc sản vùng miền của nông dân, những món ăn làm từ tay của những con người nghị lực dù bị liệt cả thân thể những vẫn cống hiến cho đời, những đồng tiền từ mồ hôi công sức lương thiện và chân chính như bao người đàn bà khác vì gia đình, vì chồng vì con. Thế nhưng, họ không để tôi yên".

Đúng hẹn, người gài bẫy của công an đến nhận hàng, thì lập tức cả chục người của chính quyền ập đến kiểm tra, lập biên bản và thu giữ "tang vật vi phạm". Mà tất cả chỉ là những hủ rong biển, mít sấy, vài chai xì dầu và ít lon sữa đặc. Họ bao vây bắt bà Lâm nhận tội bàn hàng gian gần 4 tiếng đồng hồ, ép ký vào biên bản.

Kẻ mua hàng chạy mất, cũng như khóa số điện thoại. Câu chuyện được kể lại, khiến ai cũng hiểu đây là một cái bẫy quá ấu trĩ.

"Các ông đày chồng tôi đi xa nhà cả ngàn cây số. Các ông thấy hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc còn ngái ngủ 4giờ sáng lay lắt bên đường chờ bắt xe đi thăm cha, bây giờ thì đến tịch thu những gói mít sấy rong biển tụi nhỏ vẫn ăn hàng ngày trong tay mẹ nó. Các ông muốn gì đây mà không để mẹ con tôi yên ?", Bà Lâm tức giận nói về chuyện này, vốn xảy ra khi chuẩn bị vào Tết Nguyên Đán.

tnlt2

Gia đình của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận. Ảnh trên mạng

Gần nhất, bà Trịnh Nhung, vợ của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận ở Thanh Hóa nói bà không có cái tết yên ả, bởi từ mùng Sáu Tết (16/2), bà đột nhiên nhận được giấy mời của công an, không nói rõ lý do gì.

Đến lúc làm việc với công an, bà Nhung được cho thấy một danh khoản facebook có tên và ảnh của mình, chỉ vừa được lập một ngày, trong đó có một số bài copy từ trang nhà của bà, và kèm thêm một bài viết về nạn thu phí chợ ở chợ Mai Lâm - mà bà Nhung nói loại bài viết dễ dàng bị ghép tội 331. Công an yêu cầu bà xác nhận và ký tên, nhưng bà Nhung từ chối và ra về, sau nhiều tiếng nhất quyết không để lại thủ bút nào bất lợi.

Chuyện tưởng như xong, nhưng kể từ sau lúc ấy, bà đi đâu cũng có người theo, nhà bị canh gác suốt đến đêm. Cảnh giác bất an theo bà cùng con nhỏ suốt những ngày nghỉ Tết.

Mô tả tình trạng của mình, bà Nhung kể "Không hiểu vì sao mẹ con em đột nhiên được ưu tiên "bảo vệ" nghiêm ngặt, cả ngày và đêm. Họ thay ca để liên tục canh giữ, vào từ 7 giờ tối, thì họ đã tiến áp sát nhà em. Hai mẹ con em ở một mình đơn chiếc, và không có khách khứa gì cả. Từ ba ngày nay, mẹ con em đi đâu cũng có các đối tượng lạ mặt, bịt khẩu trang kín mít như đi ăn trộm bám sát theo bên cạnh. Lúc này, họ còn bắt hàng xóm bật đèn để soi sáng nhà em cả đêm".

Được biết ở Hà Nội, bà Trần Thị Thảo, vợ của tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách cũng sống trong những ngày Tết với nỗi lo kéo dài, chưa có lối thoát. Sau khi bị kết án 5 năm tù giam, ông Đặng Đình Bách còn bị buộc phải nộp số tiền 1,4 tỷ đồng trong vụ án gọi là "trốn thuế" cho các khoản tài trợ của các dự án xã hội thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), nơi ông Bách làm giám đốc. Trong nhiều tháng qua, Cục Thi hành án dân sự của Hà Nội đã gây sức ép với chủ tòa nhà nơi có căn hộ trả góp của vợ chồng ông Bách bà Thảo, không giao sổ hồng cho bà nếu bà chưa đóng tiền phạt, nếu không sẽ bị cưỡng chế nhà.

Bà Thảo cho biết gia đình bà không thể đăng ký hộ khẩu thường trú do không có sổ hồng, dẫn đến hậu quả là con trai gần ba tuổi không thể đăng ký học trường công ở khu vực, ngoài ra gia đình bà không thể ký hợp đồng mua nước sạch với giá ưu đãi cho cư dân chung cư mà bị buộc phải trả tiền với giá cao.

Các chính sách gây khó, sách nhiễu các tù nhân lương tâm đang xuất hiện đồng bộ từ Bắc chí Nam, khiến cho giới theo dõi nhân quyền cảm thấy lo ngại, và cho rằng đây là một khuynh hướng mới nhằm trấn áp từ bên ngoài, tạo áp lực không để tồn tại chuyện các gia đình lên tiếng, và cũng là một sức ép với những người đang chịu tù đày ở bên trong.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 18/02/2024

Published in Diễn đàn

…ở Trại An Điềm sau khi biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền

Hai tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương và Phan Công Hải bị đánh đập và kỷ luật cùm chân sau khi biểu tình phản đối việc bị đối xử hà khắc, vi phạm quyền con người trong Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam).

tnlt1

Trịnh Bá Phương (trái) trong một cuộc biểu tình về đất đai và đòi công lý cho mẹ là bà Cấn Thị Thêu - Hội Anh em Dân chủ

Thông tin trên được gia đình ông Phương cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 13/10, ngay sau khi trở về từ trại giam nơi ông đang thi hành án tù mười năm về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Trịnh Thị Thảo, em gái ruột của ông Phương, thuật lại sự việc xảy ra từ hơn một tháng trước với anh ruột mình sau khi được ông kể lại câu chuyện trong buổi thăm gặp trong sáng ngày 12/10 :

"Khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 09/9/2023, tại phân đội 34, anh Phương cùng ông Dũng Trương (Trương Văn Dũng- PV), em Phan Công Hải, bạn Phạm Văn Điệp biểu tình có cầm biểu ngữ ‘Đả đảo cộng sản vi phạm nhân quyền.’

Khoảng 30 phút sau khi anh Phương cùng mọi người hô khẩu hiệu ‘Đả đảo Đảng cộng sản, đả đảo bè lũ bán nước hại dân’ thì bất ngờ ông Trần Thanh Việt trưởng Phân trại số 2 đi cùng hơn 10 người công an lao vào cướp biểu ngữ của anh Phương cùng mọi người".

Ông Phương cho biết sau khi cướp các biểu ngữ in trên tờ giấy khổ A4, quản giáo xông vào nhóm biểu tình và đánh đập họ rồi lôi đi kỷ luật.

"Nhóm người này còn có hành vi bóp cổ anh Phương và đẩy anh Phương lao vào tường, đánh anh Phương gây vết bầm tím ở vùng ngực bên phải. Sau đó Trại giam An Điềm đã còng tay anh Phương và đưa anh Phương ra cổng phân trại, tiến hành lập biên bản kỷ luật và đưa anh Phương đi cùm chân, cùm hai chân 10 ngày".

Theo thông tin mà bà Thảo nhận được từ anh ruột mình thì những người bị quản giáo đánh đập trong ngày 09/9 ngoài ông Phương còn có ông Trương Văn Dũng và Phan Công Hải, tuy nhiên, chỉ có ông Hải cũng bị kỷ luật cùm chân còn ông Dũng chỉ bị khiển trách.

Ông Hoàng Đức Nguyên, em trai ruột của tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình- người cũng bị giam ở Phân đội 34, đi thăm anh ruột mình ngày 12/10. Ông được anh ruột kể rằng ban đầu quản giáo cũng định lôi ông Dũng đi kỷ luật nhưng một số tù nhân lương tâm trong đó có ông Bình cản lại, nói rằng ông Dũng tuổi cao lại nhiều bệnh tật. Ông Bình không tham gia biểu tình nhưng chứng kiến cuộc biểu tình cũng như việc quản giáo trại giam trấn áp nhóm biểu tình.

Bà Thảo kể lại quá trình bị cùm chân của anh ruột :

"Hôm mà đưa anh Phương đi cùm chân, trong hai ngày đầu thì họ đã dùng cái cái móng cùm là cái thanh thép dùng trong xây dựng, nghĩa là nó không được mài mà nó vẫn bị xù lên gây rất là đau xương chân cho anh Phương.

Sau đó anh ý kiến nghị với trại giam là phải thay cái móng cùn khác thì họ mới thay cái móng cùm có độ nhẵn hơn thì anh Phương mới không bị đau chân".

Ông Phương cho gia đình biết sau khi hết hạn kỷ luật cùm chân, ông đã viết đơn tố cáo việc mình bị quản giáo đánh đập và gửi Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên, đã ba tuần mà ông không thấy phản hồi từ phía cơ quan kiểm sát. 

Trước đó, vào ngày 02/9, ông Phương, ông Dũng và một số tù nhân lương tâm khác trong Trại giam An Điềm đã tiến hành một cuộc biểu tình nhỏ để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, quản giáo trại giam chỉ đến tịch thu các biểu ngữ của họ mà không có hành động trấn áp bạo lực, và cũng không ai bị kỷ luật trong vụ này. 

Gia đình ông Dũng cho biết ông Dũng gọi điện về ngày 08/9 và khi đó mọi việc vẫn bình thường. Từ đó đến nay gia đình chưa thăm gặp và cũng không nhận được điện thoại từ ông nên chỉ biết thông tin từ gia đình bạn tù khác.

Để kiểm chứng thông tin xảy ra với ông Phương và một số tù nhân khác trong Trại giam An Điềm, phóng viên có gọi điện cho cơ sở giam giữ này nhưng không ai nghe máy. Chúng tôi cũng gọi điện cho Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam nhưng bà Huỳnh Thị Thủy, trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự từ chối trả lời, yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan này để được xếp lịch gặp lãnh đạo cơ quan.

Điều 10 của Luật Thi hành án hình sự nghiêm cấm nhiều hành vi trong thi hành án hình sự, trong đó có "tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp".

Điều 27 của luật này nói các tù nhân có quyền "Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm…"

Năm 2015, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia thành viên của Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn ác hay đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình tuyệt thực bốn ngày

Ông Nguyên cho biết anh ruột mình, ông Hoàng Đức Bình, đã tuyệt thực bốn ngày, từ ngày 08/10 đến 11/10 để phản đối sự hà khắc và trả thù vặt của giám thị và quản giáo của Trại giam An Điềm. 

tnlt2

Tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình - Ảnh minh họa

Nói với RFA, ông Nguyên cho biết sau hai cuộc biểu tình đầu tháng trước, Trại giam An Điềm siết chặt việc tù nhân lương tâm nhận quà tiếp tế từ gia đình. Nếu như trước kia gia đình có thể gửi quá số cân theo quy định thì giờ đây các tù nhân lương tâm chỉ được nhận đúng 5 kg cho mỗi lần thăm gặp và 6 kg cho mỗi lần gửi quà qua bưu điện.

Ông Bình là người không nhận đồ ăn của trại giam trong hơn hai năm qua. Do vậy, khi không được nhận gạo từ gia đình như trước kia, ông Bình đã nhịn ăn trong bốn ngày. Khi ông Nguyên vào trại giam thăm anh ruột ngày 12/10 thì ông Bình đã ăn trở lại.

Ông Nguyên được ông Bình chia sẻ nếu trại giam không cải thiện việc đối xử với tù nhân lương tâm thì có thể họ sẽ cùng nhau tiến hành tuyệt thực nhiều ngày để phản đối.

Trại giam An Điềm là cơ sở giam giữ của Bộ Công an ở một khu vực hẻo lánh của xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây hiện giam giữ mười tù nhân lương tâm, trong đó có phóng viên ảnh của RFA Nguyễn Văn Hóa và một số người thuộc nhóm tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo.

Phóng viên có liên lạc với gia đình Nguyễn Văn Hóa thì được chị ruột Nguyễn Thị Huệ cho biết gần đây gia đình không đi thăm nên không cập nhật thông tin.

Các ông Nguyễn Văn Hóa, Phan Công Hải, Phạm Văn Điệp, Trương Văn Dũng, và Trịnh Bá Phương bị kết tội "tuyên truyền chống nhà nước" với mức án từ năm năm đến mười năm tù giam trong khi ông Hoàng Đức Bình bị án 14 năm về hai tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" và "chống người thi hành công vụ".

Nguồn : RFA, 13/10/2023

Published in Việt Nam

Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng đang tuyệt thực đến ngày thứ năm ở Trại giam số 6 để bảo vệ Hiến pháp

RFA, 07/09/2023

Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng, thành viên của nhóm CHTV đang thụ án tù tại Trại giam số 6, tuyên bố tuyệt thực trong hơn hai tháng để bảo vệ Hiến pháp Việt Nam vốn đang bị nhiều quan chức vi phạm mà không bị trừng phạt.

tnlt1

Ông Lê Trọng Hùng tích cực vận động và có kế hoạch tranh cử Đại biểu Quốc hội trước khi bị bắt - AFP/RFA edited

Nhà báo Lê Trọng Hùng, 44 tuổi, là thành viên của "Phong trào chấn hưng nước Việt" có mục tiêu sử dụng nền tảng mạng xã hội để khai dân trí bằng cách thẳng thừng phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng lãnh tụ, cũng như phổ biến sách về Hiến pháp Việt Nam.

Ông bị bắt vào tháng ba năm 2021 sau khi nộp đơn tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm đó. Sau đó, ông bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về cuộc tuyệt thực của chồng mình trong ngày 07/9 :

"Tính đến hiện tại chồng tôi đã tuyệt thực được 5 ngày trong Trại giam số 6. Anh sẽ tiến hành một đợt tuyệt thực bắt đầu vào ngày 3/9 đến ngày 9/11- ngày pháp luật Việt Nam".

Bà cho biết trong cuộc thăm gặp chồng định kỳ ở trại giam vào tháng trước, chồng bà đã thông báo kế hoạch tuyệt thực của ông. Sau khi trở về Hà Nội, bà đã gửi thư cho bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện của Quốc hội cùng một số đại biểu quốc hội khác để trình bày nguyện vọng của chồng.

Nói về mục tiêu của cuộc tuyệt thực mà chồng mình đang tiến hành ở Trại giam số 6, một trong những cơ sở giam giữ hà khắc nhất của Bộ Công an, bà Na khẳng định :

"Thứ nhất chồng tôi mong muốn những người có thẩm quyền của Quốc hội Việt Nam cũng như là các đại biểu quốc hội có thể vào Trại 6 để tiếp xúc gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng của anh, nếu có cuộc gặp gỡ đó thì anh sẽ kiến nghị Quốc hội Việt Nam phải ngay lập tức thành lập tòa án hiến pháp thì đã có khá nhiều cá nhân, tổ chức và cơ quan ở Việt Nam vi phạm một cách nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam.

Mục đích thứ hai của đợt tuyệt thực này của chồng tôi yêu cầu đang trại giam phải tôn trọng quyền lợi cũng như là quyền làm người của các tù nhân nói chung cũng như là tù nhân lương tâm nói riêng chẳng hạn như là quyền được chăm sóc y tế được khám chữa bệnh, phải cho họ viết thư liên lạc với gia đình…"

Bà cho biết trong hơn nửa năm nay, bà và các con không hề nhận được thư của chồng mặc dù ông vẫn viết đều cho vợ con. Bên cạnh đó, ông Hùng có viết thư cho Chủ tịch nước cũng như nhiều đơn tố cáo về phiên tòa phúc thẩm, tuy nhiên cán bộ quản giáo không gửi thư và đơn tố cáo của ông đi những nơi mà ông yêu cầu.

Bà Na, giáo viên khiếm thị của một trường dành cho trẻ em khuyết tật ở Hà Nội, cho biết gia đình rất lo lắng cho sức khoẻ của ông Hùng vì ông tuyên bố chỉ dừng tuyệt thực khi đại biểu quốc hội vào gặp ông trong trại giam.

Việc đại biểu quốc hội hầu hết là đảng viên cộng sản vào gặp người tù chính trị đang tuyệt thực là việc làm chưa từng có tiền lệ, cho nên bà Na vô cùng lo ngại cho sức khỏe của chồng mình.

Bà kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế chú ý đến vụ tuyệt thực của chồng mình và trợ giúp, gây áp lực cho đại biểu quốc hội để họ có hành động kịp thời nhằm cứu tính mạng của Lê Trọng Hùng.

Ông Hùng từng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.

Ông tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do nhằm thay đổi nhận thức của xã hội hướng tới một nền văn minh, dân chủ. Ông còn tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt của nhà hoat động Vũ Quang Thuận.

Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Lê Trọng Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn hưng TV) để phổ biến kiến thức pháp luật và giúp dân oan tố cáo sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai và giúp họ soạn thảo đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ông cùng nhiều người trong nhóm mua bản in Hiến pháp Việt Nam để tặng cho người dân nhằm giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.

Từ năm 2015 đến ngày bị bắt, ông Hùng còn tích cực tham gia hoạt động cùng nhóm cựu giáo chức Chu Văn An do giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng một số trí thức yêu nước thành lập.

Trước và sau ông bị kết án, nhiều tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.

Trại giam số 6, toạ lạc ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là một trong những nhà tù hà khắc nhất đối với tù nhân lương tâm, theo những tù nhân từng bị giam giữ ở đây và nhiều nơi khác.

Gần đây, hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách tố cáo một nhóm mặc quần áo tù nhân đang đêm vào khu vực giam giữ tù chính trị và đe doạ họ. Sau khi thông tin cho gia đình việc này, luật sư Đặng Đình Bách đã bị quản giáo đánh đập gây nhiều thương tích ở gáy và một số nơi khác trên cơ thể.

Nguồn : RFA, 07/09/2023

****************************

Tù nhân chính trị biểu tình chống Trung Quốc trong trại An Điềm

RFA, 06/09/2023

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cùng với một số tù nhân lương tâm tại trại giam An Điềm (Quảng Nam), vào ngày 2/9, biểu tình phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông ngay nơi bị giam giữ.

tnlt2

Ông Trịnh Bá Phương, một nhà bảo vệ quyền đất đai - Photo : RFA

Thông tin này được ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động quyền đất đai, nói với vợ của mình là bà Đỗ Thị Thu, trong một cuộc điện thoại gọi từ trại giam hôm 4/9.

Cuộc gọi được bà Thu ghi âm lại và gởi cho RFA có nội dung nguyên văn lời nói của ông Phương như sau :

"Hôm kia, vào ngày 2/9/2023, anh và em Phan Công Hải, chú Trương Dũng, Phạm Văn Điệp và anh Tạ Tấn Lộc đã cầm biểu ngữ đả đảo Trung Quốc xâm lược…, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng vũ lực đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Anh và mọi người biểu tình tới trưa thì có khoảng 20 người cảnh sát cơ động vào giật băng rôn và còng tay bọn anh đưa ra ngoài.

Mọi người không làm việc vì họ không tháo còng tay. Sau đó, mọi người không bị đưa về buồng kỷ luật mà đưa lại về buồng giam. Đến chiều, anh và mọi người tiếp tục biểu tình đả đảo Trung Quốc xâm lược, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.

Không có ai bị đánh đập và không có ai bị đưa đi cùm chân.

Anh ở đây sức khỏe bình thường".

Bà Thu cho biết, ông Phương bị giam ở khu dành riêng cho tù nhân chính trị. Cứ hai người bị giam chung một buồng. Mọi người được sử dụng giấy và bút. Theo bà Thu, có thể là các anh em tù chính trị đã trao đổi với nhau và bí mật viết các biểu ngữ trong những lần được ra sân sinh hoạt vào mỗi buổi sáng :

"Ở trong đó có bút và có giấy, thế nên mọi người đã viết ra giấy khổ A4, ghi là "Đả đảo Trung Quốc xâm lược, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam".

Họ (quản giáo - PV) nói với chồng tôi là lập biên bản kỷ luật nhưng mà hiện tại họ chưa đưa ra một văn bản kỷ luật mọi người".

Bà Hợp, vợ tù nhân lương tâm Trương Dũng, cũng đang thụ án tại trại giam này, nói với RFA rằng ông Dũng đã gọi về nhà hôm 5/9, xác nhận về cuộc biểu tình :

"Chú (Trương Dũng - PV) nói là ở trong đấy có hơn 1000 can phạm thì người ta cũng đứng xem và chú cũng nói là anh em chú cháu ở trong đấy biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa, Hoàng Sa". 

Phóng viên RFA đã nhiều lần gọi điện đến số điện thoại của trại An Điềm nhưng không thể kết nối với cán bộ trại giam.

Luật sư Lê Quốc Quân, từng bị giam ở trại An Điềm từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015, nói với RFA rằng với điều kiện giam giữ ở trại này, việc chuẩn bị các biểu ngữ nhỏ trên giấy A4 và biểu tình trong trại là hoàn toàn khả thi :

"Về cơ bản thì mình có bút và giấy, với sự bí mật và kín đáo thì cũng có thể làm nên được những cái biểu ngữ, tuy là nhỏ nhưng mà điều đó là có khả thi".

Dù ở trong tù nhưng ông Phương vẫn nắm được thông tin rằng Trung Quốc vừa phát hành một bản đồ mới hôm 28/8, tuyên bố chủ quyền bao trùm lên toàn bộ "đường 9 đoạn" cùng với nhiều khu vực thuộc EEZ của các quốc gia Biển Đông khác, trong đó có Việt Nam. Bản đồ mới này bị nhiều nước phản đối, như Việt Nam Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia và Đài Loan…

Ông Lê Quốc Quân cho biết các tù nhân được phép xem các chương trình thời sự nên biết được thông tin "chính thống" từ chính phủ :

"Cơ bản các thông tin về thời sự là ở trong trại biết và biết nhiều. Tuy nhiên, đọc một cách khách quan thì khó bởi vì hàng ngày đều có một tờ báo Nhân Dân và một tờ báo tỉnh được đưa vào. Hàng đêm họ mở chương trình Thời Sự trên TV trong vòng khoảng hai tiếng".

Ngoài năm người tham gia biểu tình, trại giam An Điềm là nơi đang giam giữ một số nhà hoạt động ôn hòa được nhiều người biết đến như Nguyễn Văn Hoá, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển…

Hồi năm 2019, ông Nguyễn Văn Hóa từng bị đánh trong trại. Ông Nguyễn Bắc Truyển cùng một số tù nhân lương tâm khác cũng tuyệt thực nhằm phản đối cán bộ trại giam đã ngược đãi và kỷ luật biệt giam các tù nhân án an ninh quốc gia.

Nguồn : RFA, 06/09/2023

Published in Việt Nam

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách bị đánh vào đầu sau khi tố "nhóm phạm nhân cầm dao uy hiếp tù chính trị"

RFA, 05/09/2023

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách bị hành hung ngay sau cuộc gọi về nhà để tố cáo sự việc nghiêm trọng xảy ra trong Trại giam số 6.

tnlt1

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách - Ảnh do gia đình cung cấp

Hôm 5/9/2023, người thân của ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách lên trại giam ở Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp và tìm hiểu về sự việc các tù nhân chính trị bị đe dọa tính mạng khi đang thụ án ở đây.

Như chúng tôi đã thông tin, ông Thức trong cuộc gọi về gia đình hôm 31/8 tố cáo sự việc bốn tù nhân chính trị trong Tổ A, Phân trại số 1, Trại giam số 6 bị một nhóm người mặc đồ phạm nhân nhảy vào khu giam giữ tù chính trị uy hiếp tính mạng.

Sự việc sau đó được chính ông Đặng Đình Bách xác nhận lại với vợ là bà Trần Phương Thảo trong cuộc điện đàm cùng ngày.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức trong buổi trưa ngày 5/9 cho hay khi cuộc thăm gặp mới diễn ra, ông Thức kêu gia đình ghi lại tên và số hiệu của 7-8 người công an đứng xung quanh và cho biết đó là "những người đàn áp và gây khó khăn cho anh ở trong trại".

Gia đình cũng cho biết vụ việc xảy ra hôm 25/8 là do trước đó bốn tù nhân chính trị gồm : Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Đình Bách, Nguyễn Trọng Bằng và Nguyễn Thanh Quang gửi đơn cho giám thị yêu cầu trại giam phải niêm yết công khai định mức khẩu phần ăn ở Phân trại số 1 của trại giam.

Ông Thức cũng nói rõ với người thân là "nhóm cầm dao đó không phải do cán bộ làm mà nhóm người nào đó mặc đồ phạm nhân vào uy hiếp". Ông Tân nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :

"Anh Thức đợi hết giờ vào cuối buổi thăm gặp nói câu sau cùng cho gia đình biết, vì anh biết khi nói việc này ra sẽ bị ngăn lại. Anh nói câu sau cùng, hét thật to cho gia đình biết là "hôm anh Bách (Đặng Đình Bách-PV) gọi về cho gia đình ngày 31/8 thì anh ấy bị cán bộ hành hung nghiêm trọng".

Nói tới đó, gia đình tranh thủ hỏi lại thì anh Thức nói bản thân không bị hành hung".

Gia đình trước đó gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến ông Trần Bá Toan - giám thị Trại giam số 6 và Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Nghệ An để đề nghị thực hiện ngay các biện pháp để bảo vệ tính mạng, đảm bảo sự an toàn cho bốn tù nhân chính trị ở Tổ A – Phân trại 1 – Trại giam số 6.

Sau khi kết thúc buổi thăm gặp, những người thân của ông Thức yêu cầu được gặp trực tiếp ông Trần Bá Toan để chất vấn về vụ việc, tuy nhiên chỉ có một cán bộ đồng ý gặp một người thân, cho biết trại giam đã nhận được đơn nhưng ông giám thị đang đi công tác, sẽ trả lời sau khi xem xét lá đơn.

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách bị chấn thương đầu

Bà Trần Phương Thảo, vợ của luật sư Đặng Đình Bách - giám đốc trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) cho hay, trong cuộc nói chuyện ngắt quãng qua điện thoại và ngăn cách bởi vách kính ngăn gia đình đoán được ông Bách bị hành hung ngay sau cuộc gọi cho gia đình ngày 31/8.

Cuộc thăm gặp hôm 5/9 diễn ra trong một căn phòng khác với những lần trước, cán bộ yêu cầu ông Bách không được cầm theo cuốn sổ ghi chép lại những gì đã diễn ra. Bà Thảo trong tin nhắn với RFA trong cùng ngày thuật lại :

"Anh Bách giơ tay ra cho tôi xem, tôi thấy có ba vết rách da ở cổ tay và bàn tay mỗi vết chừng 2-3 cm, đang lên da non.

Tôi hỏi anh bị sao ? Anh Bách nói tôi tự hiểu, có nhiều điều anh không thể nói được nhưng ang tin là em tự nhận thức được điều gì đang diễn ra trong này".

Trong cuộc nói chuyện chắp vá sau đó, ông Bách cho biết ông có vết thâm tím sau gáy dài khoảng 7 cm và đến nay vẫn còn bị đau đầu, tuy nhiên bị cán bộ từ chối cho đi khám, chụp chiếu.

"Vào ngày 31/8, ngay sau cuộc gọi về nhà anh bị đánh chí mạng vào đầu từ phía sau. Ngày 1/9, anh có tố cáo và có người đến ghi nhận hiện trường, trong biên bản còn có dấu giày.

Ở trong này anh không vi phạm điều gì, mọi chuyện tự nhiên đến" - bà Thảo thuật lại lời của ông Bách cho biết sức khỏe ông không được cải thiện sau lần tuyệt thực trước và cân nặng chỉ còn 43kg.

Sau khi nói ra những điều này cán bộ quản giáo hăm dọa sẽ dừng cuộc thăm gặp nếu còn tiếp tục.

Bà Thảo cũng cho biết, cả bốn tù nhân chính trị trong Tổ A đều từ chối nhận khẩu phần ăn của trại và chỉ sử dụng thức ăn của gia đình gửi.

Phóng viên gọi điện thoại cho Trại giam số 6 để xác minh thông tin, tuy nhiên không thể kết nối.

Nguồn : RFA, 05/09/2023

****************************

Bốn tù nhân chính trị bị bạn tù cầm dao đe dọa tính mạng ở Trại giam số 6

RFA, 01/09/2023

"Hiện nay tụi em đang rất lo lắng vì thứ sáu tuần trước có người cầm dao vào đe dọa kinh lắm. Sự việc nghiêm trọng lắm, nghiêm trọng lắm..".

traigiam1

Ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách - AFP/gia đình cung cấp/ RFA edited

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) nhắn nhủ gia đình một cách gấp gáp trong cuộc gọi vào chiều 31/8/2023.

Sau câu nói này là khoảng lặng vài chục giây, dường như ông Thức bị an ninh trại giam ngăn cản không cho tiếp tục câu chuyện với gia đình.

Trong đoạn âm thanh gia đình ghi lại cuộc đàm thoại, bên phía đầu dây bên kia có một giọng nam khác nhiều khả năng là của cán bộ quản giáo nói : "Ở trong này ai đe dọa anh ?".

Tiếp đến ông Thức phản đối : "Tôi mới gọi có ba phút à, tôi không đồng ý ! Tôi không đồng ý ! Không, không, tôi không đồng ý ! Tôi không đồng ý !" rồi cuộc gọi bị cúp hẳn.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 57 tuổi, đang thụ án tù 16 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" vì các hoạt động cổ suý dân chủ và quyền con người, chỉ còn khoảng hơn một năm nữa sẽ mãn án.

Một tù nhân lương tâm khác đang ở cùng khu giam giữ với ông Thức là luật sư Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), trong buổi chiều cùng ngày cũng gọi điện thoại cho gia đình, thông báo về việc bị đàn áp trong trại giam.

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách, cho RFA biết về nội dung chồng bà nhắn gửi :

"Yêu cầu của anh Bách nhắn với gia đình là ngay lập tức tìm một hãng luật quốc tế ở Việt Nam, một pháp nhân quốc tế đứng ra cho anh bởi vì anh ấy nói quyền và lợi ích hợp pháp của anh đang bị xâm hại. Nghĩa là anh cần luật sư vào trại giam để gặp anh ấy.

Đây không phải là lần đầu tiên anh ấy nói đến cái nội dung này nhưng mà lần này anh ấy cầu cứu rất là khẩn thiết".

Cũng theo bà Thảo, ông Bách cho biết tình trạng an ninh ở trong trại giam đang nguy cấp và bị o ép khủng khiếp.

"Cái câu tiếp theo anh ấy nói là có một nhóm người mặc quần áo phạm nhân nhảy vào khu giam của anh vào nửa đêm.

Anh ấy đang nói đến cái câu đấy thì ngay lập tức bị quát và cắt (điện thoại-PV) luôn. Lúc đấy mới được có 5 phút gọi đã bị cắt giữa chừng".

Gia đình của hai tù nhân lương tâm liên lạc với nhau ngay trong buổi chiều 31/8, thông qua những câu nói không trọn vẹn của hai nhà hoạt động sống cùng phòng giam, hai gia đình nghi ngờ rằng đã có một nhóm người mặc quần áo phạm nhân cầm dao nhảy vào khu giam giữ vào ngày 25/8 để đe dọa, uy hiếp đến tính mạng của bốn tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Tổ A của cơ sở giam giữ này.

Phóng viên RFA hôm 1/9 gọi vào số điện thoại của Trại giam số 6 đăng trên mạng Internet để kiểm chứng thông tin, tuy nhiên không thể kết nối được với trại giam.

Chúng tôi cũng gửi email tới Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an để đề nghị xác minh vụ việc tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Trước đó, ông Thức có dặn gia đình lên thăm gặp vào thứ ba tuần sau và đưa các luật sư đến trại giam để gặp ông, đồng thời phải chất vấn Giám thị của trại giam là ông Trần Bá Toan yêu cầu ông phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người tù chính trị ở Tổ A, Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An.

Hai tù nhân lương tâm bị đàn áp từ nhiều tháng qua

Kể từ khi bị bắt giam và bị kết án năm năm tù với tội danh "trốn thuế" vào tháng 1 năm 2022, ông Đặng Đình Bách nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc bị bắt giam tuỳ tiện và kết án một cách không công bằng. Lần gần đây nhất, ông tuyệt thực trong một tháng bắt đầu từ ngày 09/6.

Bà Thảo cho biết trong thời gian từ 08/8 đến 25/8, ông không lấy thức ăn cung cấp bởi trại giam để phản đối việc Trại giam số 6 không chuyển thư của ông tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và không chuyển quà cho vợ là cuốn sổ tay ông tự làm trong đó có thơ và thư đề tặng, và bị quản giáo tịch thu một số đồ đạc cá nhân vào cuối tháng 7 như đèn đọc sách, sạc pin, lọ dầu gió.

Cuối tháng 5 vừa qua, một nhóm sáu chuyên gia nhân quyền thuộc cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) gửi thư chung cho Chính phủ Việt Nam, bày tỏ quan ngại của họ khi tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách và gia đình đang chịu sự đàn áp và sách nhiễu bởi nhà chức trách địa phương.

Trong thư chung này, các chuyên gia nhân quyền đề cập đến thông tin mà họ nhận được liên quan đến việc gia tăng sách nhiễu hành chính và tư pháp đối với bà Thảo cũng như việc ông tiếp tục bị giam giữ chỉ vì các hoạt động thực hiện quyền tự do ngôn luận, bảo vệ môi trường và các hoạt động nhân quyền.

Trong khi đó, doanh nhân và kỹ sư về công nghệ thông tin Trần Huỳnh Duy Thức vẫn tiếp tục đấu tranh trong trại giam để phản đối sự áp bức và đòi được trả tự do trước thời hạn. Ông đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo bởi giám thị và quản giáo.

Trong tháng 8, ông từ chối thăm gặp người thân đồng thời không nhận thức ăn và một số thứ thiết yếu như thuốc trị viêm xoang, trị đau răng, pin và đồ dùng hỗ trợ sức khỏe gia đình gửi vào.

Việc từ chối này nhằm phản đối việc quản giáo tịch thu các thiết bị y tế cá nhân của ông trong tháng 7 sau khi ông lên tiếng đòi trả tự do cho bản thân trước hạn.

Hai gia đình cho biết họ rất lo lắng cho tính mạng và an toàn của hai nhà hoạt động cùng hai bạn tù khác. Họ dự định sẽ đến trại giam vào thứ ba tới để yêu cầu ban giám thị giải trình về sự việc xảy ra từ tuần trước, cũng như yêu cầu trại giam bảo đảm an toàn cho họ.

Hai gia đình cũng kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm đến tình trạng của bốn nhà hoạt động trong Trại giam số 6, cùng lên tiếng để bảo vệ họ khi tính mạng và quyền con người của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nguồn : RFA, 01/09/2023

Published in Việt Nam
samedi, 15 avril 2023 21:40

Nước mắt, tự do và hoa

Họ là những nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền. Họ là những nhà văn nhà thơ đấu tranh cho sự thật và tự do tư tưởng. Đối đầu với họ là đế quốc ác, là quần đảo ngục tù, lưu đày, và cái chết. Sức mạnh duy nhất và mạnh nhất của họ là tinh thần. Họ là những người Nga sống dưới bóng chế độ gần như nghiền nát tất cả mọi người thành nô lệ. Nhưng họ vượt lên đau khổ, tù đày, định mệnh để sống và hành xử như những công dân tự do về tinh thần. Câu chuyện người Việt chúng ta đấu tranh với chế độ cộng sản, xét cho cùng, còn bi tráng hơn rất nhiều. Nhưng câu chuyện của họ cũng khích lệ chúng ta trong cuộc đấu tranh trường kỳ và gian nan hiện nay để giành lại tự do và nhân quyền đã bị chế độ cướp đoạt.

tunhan1

Ảnh chụp Andrei Amalrik và vợ Gyusel tại Moskva năm 1976

Andrei Amalrik là một trong những nhà hoạt động nhân quyền đầu tiên ở Liên Xô. Ông trở thành biểu tượng của Phong trào Dân chủ từ lâu trước những nhân vật như Andrei Sakharov và Alexander Solzhenitsyn. Sau khi tác phẩm nổi tiếng của ông Liệu Liên Xô có tồn tại đến năm 1984 ? xuất bản ở phương Tây vào năm 1970, ông bị bắt, bị kết tội "ăn bám xã hội" vì không có công việc lâu dài, rồi bị kết án ba năm tù ở trại lao động ở Siberia. 

Vào cuối hạn tù, ông được thả ra nhưng rồi lại ra tòa tiếp về "tội nói xấu chế độ Xô viết". Ở phiên tòa thứ hai này ông từ chối tham gia vào thủ tục tố tụng của tòa án và ông không nhận tội trong bản tuyên bố ghi rằng : "Tôi nghĩ vấn đề đúng sai của những quan điểm được diễn đạt công khai chỉ có thể được khẳng định qua cuộc thảo luận tự do và công khai, không phải qua cuộc điều tra của tư pháp. Không có tòa án hình sự nào có quyền đạo đức để xét xử bất kỳ ai về những quan điểm họ diễn đạt. Kết án tư tưởng hình phạt hình sự, dù tư tưởng ấy đúng hay sai, theo tôi tự thân việc kết án ấy là tội ác". 

Ông bị kết án thêm ba năm tù nhưng vì lý do sức khỏe và trước sự lên án của Phương Tây, thay vì ở tù ông chỉ bị lưu đày đến một làng xa xôi ở Siberia. Đến năm 1976, KGB ra tối hậu thư cho ông : lưu vong hay tù đày. Ông cùng với vợ tên Gyusel chọn lưu vong. Ông kể ngày ông rời Liên Xô như sau : 

"Vào sáng sớm ngày 15/7/1976, bạn chúng tôi Dick Coombs ở Tòa Đại sứ Mỹ đến đón chúng tôi... Khi tôi nhìn vào mặt những người bạn ra tiễn chúng tôi ở phi trường Sheremetevo, tôi cảm thấy hổ thẹn : tôi bỏ họ đi trong lúc khó khăn... Gyusel tựa đầu lên vai tôi ngủ thiếp đi, con mèo Disa lặng lẽ bò vào lòng tôi. Tôi không nghĩ gì lúc máy bay bay qua biên giới. Tất cả những gì tôi có thể thấy qua ô cửa sổ là lớp mây trắng bên dưới. Rồi tôi ngạc nhiên thấy bỗng dưng tôi bắt đầu khóc, mặc dù tôi vẫn im lặng khi nước mắt chảy xuống má. Chúng tôi đã rời xa một đất nước lớn mà cả hai chúng tôi đều vừa thương vừa ghét. Liệu chúng tôi thật sự không bao giờ trở lại quê hương ?".

Ông luôn luôn tâm niệm rằng điều ta làm quan trọng hơn nơi ta ở. Cho nên, theo ông, phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền có ba tuyến phòng thủ hay tấn công : (1) những người tiếp tục cuộc đấu tranh ở trong tù hay trong trại cải tạo ; (2) những người tự do ở trong nhà tù lớn bên ngoài xã hội ; (3) những người đã ra đi và đang tiếp tục đấu tranh từ nước ngoài. 

Từ nước ngoài ông vẫn không ngừng đấu tranh cho nhân quyền ở Liên Xô. Ông qua đời lúc mới 42 tuổi trong một vụ tai nạn xe hơi khi ông trên đường đi tham dự hội nghị của những nhà hoạt động nhân quyền Xô viết ở thủ đô Tây Ban Nha vào ngày 12/11/1980. 

tunhan2

Chân dung nhà thơ Joseph Brodsky

Vào tháng 2/1964 nhà thơ Nga Joseph Brodsky lúc ấy 23 tuổi ra tòa vì tội làm thơ lậu. Sau đây là trích đoạn cuộc đối thoại giữa chánh án và nhà thơ trẻ giữa tòa : 

Chánh án : Bị cáo làm nghề gì ? 

Brodsky : Dịch giả và nhà thơ. 

Chánh án : Ai công nhận bị cáo là nhà thơ ? Ai ghi danh bị cáo vào hàng ngũ nhà thơ ? 

Brodsky : Chẳng có ai cả. Ai ghi danh tôi vào hàng ngũ con người ? 

Ông bị kết tội "ăn bám xã hội" và bị kết án 5 năm lao động khổ sai ở vùng Bắc Cực. Ban ngày ông chẻ củi, kéo phân, đập đá. Tối về ông đọc thơ Anh và Mỹ. Trước sự phản đối của các nhà văn ở trong và ngoài nước, nhà cầm quyền Liên Xô giảm án ông xuống còn 18 tháng. 

Ra tù ông vẫn sáng tác nhưng tác phẩm của ông chỉ xuất bản ở Phương Tây. Ông không được phép dự hội nghị nhà văn ở nước ngoài. Cuối cùng vào năm 1972 ông bị cơ quan thị thực mời đến và hỏi tại sao ông không nhận lời mời đến Do Thái. Khi ông đáp rằng ông đã không được phép đi Châu Âu vài lần rồi, một viên chức ra lệnh cho ông phải điền đơn để ra đi, nếu không "trong khoảng 10 hay 20 ngày tới cuộc sống ông sẽ trở nên rất khó khăn". 

Brodsky nhớ lại lúc ấy "tôi nhìn qua cửa sổ và hiểu ra mọi thứ. Tôi đã đi tù ba lần và hai lần bị giam trong nhà thương điên... Tôi nói : Được, đưa tôi tờ đơn".

Ông được cấp thị thực rồi bị giải ra phi trường và bị trục xuất. Ông đi để cha mẹ ở lại. Lúc ông đến phi trường để vĩnh viễn rời xa quê hương, nhân viên hải quan tháo tung chiếc máy đánh chữ xách tay của ông ra "từng con ốc một...", Brodsky nói. "Về sau ở Vienna, tôi ngồi trong khách sạn ráp nó lại. Đó là cách họ nói lời chia tay". 

Ngay từ lúc nhỏ ông đã ghét chế độ cộng sản. Ông kể "tôi bắt đầu khinh bỉ Lenin ngay khi tôi còn học lớp một, không hẳn vì triết học hay thực tiễn chính trị của ông ta... mà vì ảnh của ông ta ở khắp mọi nơi". 

Ông được trao giải thưởng Nobel văn chương năm ông 47 tuổi. 

Trong một bài thơ, Brodsky mơ ước được trở về thành phố St.Petersburg, nơi ông chào đời, "để chết trên Đảo Vasilievsky". Nhưng ông không bao giờ trở lại nơi chốn xưa ngay cả sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ. Ông nói "nếu ta về, ta phải ở lại. Nhưng thời điểm ấy đã qua rồi". 

Ông trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1977 và qua đời ở New York vào năm 1996. 

Trong một bài thơ tiếng Anh ông viết như sau về tự do : 

"Tự do 

Là khi ta quên tên của lãnh tụ 

Và nước miếng trong miệng ta ngọt hơn bánh, 

Và mặc dù não ta bị siết rất chặt 

Nhưng không có gì rớt ra từ mắt xanh nhạt của ta". 

tunhan3

Alexander Solzhenitsyn bị KGB giải từ nhà tù lên máy bay để trục xuất ông ra khỏi Liên Xô.

Alexander Solzhenitsyn bị KGB giải từ nhà tù lên máy bay để trục xuất ông ra khỏi Liên Xô. Trước khi bị giải đi ra phi trường, ông kể "tôi đã nhét khoanh bánh mỳ vào túi áo vét. Biết đâu tôi có thể cần đến khoanh bánh mỳ khác trước khi tôi đến chân trời Phương Tây xa xăm ấy". Từ ấy miếng bánh mỳ của nhà tù Lefortovo theo nhà văn sang Tây Đức. Ông là hành khách duy nhất trên chuyến bay toàn là nhân viên an ninh ngồi quanh ông và theo ông mỗi khi ông đi vệ sinh. Khi ông ra khỏi máy bay ông bất ngờ thấy hàng trăm phóng viên vỗ tay và chụp hình và quay phim ông. Rồi đại diện bộ ngoại giao Tây Đức đến tận cầu thang máy bay chào đón ông. Một phụ nữ bước đến tặng hoa ông. Ông kể tiếp : 

"Tôi được xe cảnh sát đưa ra khỏi phi trường theo ngã đi ra khẩn cấp. Những người đi chung với tôi gợi ý chúng tôi đi đến chỗ nhà văn Böll, và ngay lập tức chúng tôi phóng nhanh trên xa lộ, và nói về cuộc sống mới của tôi mà thực sự đã bắt đầu. 

"Chúng tôi lái xe với tốc độ 75 dặm một giờ thì một chiếc xe cảnh sát khác phóng còn nhanh hơn đuổi kịp chúng tôi và ra lệnh chúng tôi tấp vào bên đường. Một thanh niên tóc đỏ vội vàng xuống xe tặng tôi một bó hoa rất lớn và giải thích rằng đấy là "hoa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Bộ trưởng tin rằng đây là lần đầu tiên ông được một Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng hoa". 

"...Thật đúng như vây ! Bộ trưởng của chúng tôi chỉ có thể tặng tôi cái còng tay thôi. Họ thậm chí không cho phép tôi sống với gia đình tôi". 

Trần Quốc Việt

(15/04/2023)

Published in Văn hóa

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình : Trại giam An Phước đánh đập, buộc tù nhân nữ lao động nặng nhọc

RFA, 23/11/2022

Nhà hoạt động Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù ngày 22/11, nói tù nhân nữ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại trong khi chế độ dinh dưỡng và khám chữa bệnh tồi tệ, đôi khi còn bị đánh đập dã man bởi quản giáo.

tnlt1

Bà Lê Thị Bình - Công an Nhân dân

Bà Bình, 46 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt vào tháng 12/2020 với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, bà bị kết án hai năm tù giam.

Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc sống trong Trại giam An Phước trong hơn một năm qua.

"Ở ngoài đời tôi thấy cộng sản ác nhưng ít thôi. Vô trong đó rồi, cái ác của nó tôi thấy nhiều hơn nữa. Nó kinh doanh tù. Nó bắt tù nhân làm 10 tiếng (mỗi ngày -PV). Ăn thì cá thúi".

Theo bà Bình, trong Trại giam An Phước có khoảng 500 tù nhân nữ. Gần 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm bị giam chung một khu có tên "An ninh", nơi họ được giao tiếp với nhau hàng ngày, trong số này có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đinh Thị Thu Thuỷ, Huỳnh Thị Tố Nga, Ngô Thị Tường Vi…

Nhà tù cô lập nhóm tù An ninh và không cho tù hình sự giao tiếp với tù chính trị. Khi một người tù hình sự nói chuyện với tù thuộc nhóm An ninh, quản giáo sẽ gọi họ lên để tra khảo và đe nẹt.

Quản giáo trong Trại giam An Phước thường xuyên đánh đập tù nhân nữ, bà Bình cho biết.

"Án chính trị an ninh thì nó (quản giáo - PV) không dám đánh, nhưng các án khác thì (quản giáo) đánh phạm nhân một cách dã man luôn".

Chế độ dinh dưỡng kham khổ

Bà Bình nói theo quy định của trại giam thì một tuần tù nhân có ba bữa thịt, hai bữa cá và hai bữa trứng. Tuy nhiên, thịt thì được hai miếng nhỏ, còn cá thì là cá khô và hôi thối, được hấp qua loa rồi cho tù nhân ăn.

Bà nói loại cá này kém phẩm chất đến nỗi vứt cho chuột thì chuột cũng chê, và đa số tù nhân không ăn mà chỉ có khoảng 100 tù nhân vẫn phải ăn vì họ không nhận được tiếp tế từ gia đình. 

Cơm thì đủ nhưng rau thì không, cả tuần phải ăn rau muống cả gốc, bà Bình thuật lại. 

Lao động nặng nhọc

Theo Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự, thời gian lao động của tù nhân "không quá tám giờ trong một ngày và năm ngày trong một tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật" và có thể bị yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều luật này yêu cầu trại giam áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Thực tế, bà Bình nói tất cả phụ nữ ở Trại giam An Phước bị buộc phải lao động 10 giờ mỗi ngày và thường phạm phải làm cả tuần trong khi tù nhân lương tâm thì chỉ phải làm năm ngày.

"Một tuần làm đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ nhật nó (trại giam) nói tự nguyện nhưng các đội khác án khác (hình sự) thì vẫn bị bắt làm. Đội làm (cạo mủ) cao su thì suốt tuần luôn. Nhiều đội làm cả tuần luôn".

Những người nào chống đối lao động thì bị trừng phạt bằng hình thức giam giữ trong phòng và không được ra ngoài. Tù hình sự thì có thể bị đánh đập dã man khi lên tiếng phản đối.

Công việc là cạo mủ cao su hoặc làm đồ vàng mã để xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên liệu làm hàng mã được sản xuất từ phế liệu tái chế và phẩm màu công nghiệp nên rất độc hại trong khi người lao động không được trang bị bảo hộ lao động.

"Nó bắt đi làm vàng mã mà bụi lắm. Hàng mã để xuất sang Trung Quốc. Không có trang thiết bị (bảo hộ lao động - PV) gì".

Nhà tù giao định mức sản phẩm cho ngày công rất cao, và định mức này cho thường phạm cao nhiều lần so với tù chính trị, bà Bình cho hay.

Nếu không hoàn thành định mức, người tù phải nộp tiền hoặc chịu kỷ luật bằng nhiều hình thức như không được giảm án, bị đánh, bắt phạt mang cơm cho cả đội và cọ rửa nồi cơm sau khi đi lao động về.

Bà Bình cho biết bà cũng như các tù nhân tham gia lao động không được trại giam trả tiền cho công sức của họ.

Người tù hình sự bị buộc lao động nặng nhọc và đánh đập nhiều nên mỗi khi có tù nhân chính trị mãn hạn tù thì thường phạm mong họ đưa thông tin ra bên ngoài, mong xã hội can thiệp để cuộc sống của họ được cải thiện, bà Bình nói.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA trước đây, cựu tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương, người vừa mãn hạn tù đầu tháng 3 năm nay cho biết, cán bộ trại giam An Phước bóc lột sức lao động của tù nhân và chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế lao động.

Ông Phương cho biết, một người có sức khỏe như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khỏe mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam. 

Chăm sóc y tế tồi tệ

Bà Bình nói chế độ chăm sóc y tế trong Trại giam An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc cho tất cả các bệnh trong khi nhà tù chỉ cho phép gia đình gửi vào cho thân nhân một số loại thuốc nhất định.

"Đau răng đau đầu hay đau ngực thì cũng có một viên thuốc Paradol thôi".

Bà kể tuần trước có một đoàn y tế vào trại để khám bệnh cho tù nhân, tuy nhiên, họ chỉ làm một cách chiếu lệ, không thực hiện việc khám bệnh mà chỉ hỏi người tù vài câu rồi ghi "bình thường" vào sổ y bạ.

Điều kiện giam giữ và cách đối xử với tù chính trị trong Trại giam An Phước đã từng được nêu lên trước đây. Gần đây nhất là vào đầu năm 2022 khi người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho RFA biết ông Lộc bị cán bộ trại giam đánh đập. Lý do là ông đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị. Ông Lộc sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên hệ với Trại giam An Phước nhiều lần để lấy phản hồi về các cáo buộc này nhưng không ai trả lời máy.

Điều kiện giam giữ và đối xử với tù chính trị tại các trại tù ở Việt Nam đã từng bị các tổ chức về nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối.

****************************

Gia đình cáo buộc Trại giam số 6 gây áp lực nhằm buộc tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư lao động

RFA, 23/11/2022

Cựu tù nhân lương tâm Trịnh Bá Khiêm nói Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) gây áp lực nhằm buộc con trai ông Trịnh Bá Tư đi lao động ngay sau khi tù nhân lương tâm này bị kỷ luật cùm chân và tuyệt thực.

tnlt2

Ông Trịnh Bá Tư - Facebook Trịnh Bá Tư/RFA edit

Ông Trịnh Bá Khiêm cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết thông tin trên vào ngày 23/11, hai ngày sau khi ông đi thăm con trai út, người đang thi hành án tù tám năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

"Trại giam gây áp lực để bắt Tư đi lao động. Tư bảo là 'tôi không có tội. Lao động thì chỉ là tự nguyện, thích thì làm không thích thì thôi. Tôi không có tội nên tôi không đi lao động'. Họ gây áp lực trong tháng mười và sang tháng 11 thì bớt đi".

Phóng viên đã gọi điện cho Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Ông Khiêm cho biết con trai ông đã dừng tuyệt thực gần hai tháng trước và hiện giờ sức khỏe đã hồi phục nhiều.

Trong buổi gặp vào thứ hai vừa qua, Trịnh Bá Tư cho bố mình biết là ông đã tuyệt thực trong 22 ngày, từ ngày 6/9 và kết thúc vào ngày 28/9. Sau lần bị đánh, bị cùm chân và tuyệt thực thì tù nhân lương tâm 37 tuổi này bị giảm 10 kg.

Ngày 23/11, bà Đỗ Thị Thu, vợ tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, đã vào Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An để làm việc theo đơn tố cáo của bà về việc Trại giam số 6 đã đánh đập, kỷ luật, cùm chân ông Trịnh Bá Tư trong 10 ngày vào tháng 9 vừa qua.

Bà cho RFA biết bà đã làm việc với ông Lê Quốc Bảo - Phó trưởng phòng 8 của Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Nghệ An, người đã vào Trại giam số 6 để điều tra về cáo buộc đàn áp ông Trịnh Bá Tư trong tháng 9.

Ông Bảo cho biết theo tố cáo của ông Tư thì vào ngày 4/9, ông Tư đã làm đơn tố cáo Trại giam số 6 độc ác vì không dừng thi hành án cho tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương để ông có thể được về nhà khám chữa bệnh. Nhà báo công dân Đỗ Công Đương mất tại trại giam này vào đầu tháng tám vừa qua vì không được chữa trị y tế kịp thời.

Vẫn theo lời khai của Trịnh Bá Tư, vào ngày 6/9, đại tá Trần Anh Quế và trung tá Trương Công Hiển của Trại giam số 6 đã làm việc với ông về đơn tố cáo. Ngoài ra, trong buổi làm việc còn có thêm hai tù nhân bị kết tội buôn ma tuý khác.

Trong lúc làm việc, trung tá Hiển đã ném bật lửa vào ông Trịnh Bá Tư nhưng không trúng. Thấy buổi làm việc có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến mình nên ông Tư đã đứng dậy và từ chối không làm việc.

Khi đó, một trong hai phạm nhân đã ghì cổ ông Tư xuống, còn viên công an tên Hiển đã đứng dậy đánh vào gần đỉnh đầu bên trái ông. Viên công an này còn hô "mang cái dùi cui vào đây, chết tao chịu trách nhiệm !".

Ông Bảo cho bà Thu biết ông đã vào Trại giam số 6 ngày 26/9 để điều tra về cáo buộc trại giam đánh ông Tư nhưng những người bị ông Tư tố cáo đều khẳng định không hành hung ông Tư.

Đại diện Viện Kiểm sát nói vì không có bằng chứng về việc đánh đập nên không thể khẳng định ông Tư bị đánh.

Về việc kỷ luật cùm chân và không cho quyền gặp thân nhân trong tháng 10, phía trại giam nói với ông Bảo là do ông Tư vu cáo họ trong vụ tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương nên ông Tư bị kỷ luật như vậy.

Bà Thu cho rằng Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Bà nói với RFA qua tin nhắn :

"Tôi nghĩ phía Viện Kiểm sát Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Tôi tin rằng nếu có một cơ quan nhân quyền hay tờ báo độc lập vào điều tra thì sẽ biết em Tư bị đánh. Nếu em Tư ở trong đó được dùng điện thoại để ghi âm, ghi hình thì sự thật sẽ được phơi bày cho công luận biết".

Tin tức về việc tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân cũng khiến tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hồi tháng 9 vừa qua ra thông cáo kêu gọi nhà chức trách điều tra. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong thông cáo : "Cách đối xử đó là quá đáng và không thể chấp nhận được, và thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ngược đãi tù nhân".

Human Rights Watch cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép họ được tiếp cận ông Tư trong trại giam.

****************************

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca bị bệnh ở Trại giam Xuân Lộc, vẫn chờ phẫu thuật

RFA, 22/11/2022

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, người đang thi hành án tù năm năm sáu tháng tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), bị bệnh và cần phải phẫu thuật nhưng bác sĩ của trại giam chưa xếp lịch.

tnlt3

Ông Huỳnh Trương Ca tại tòa án hồi năm 2018 - Công an Đồng Tháp

Gia đình nói họ nhận được thông tin ông Ca bị bệnh từ thân nhân của một tù nhân khác cùng buồng giam ngày 16/11. Một ngày sau đó, hai con của ông đã đến thăm ông tại trạm xá của trại giam.

Bà Phạm Thị Tâm, vợ của ông Ca, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại như sau :

"Anh Ca rất là yếu. Anh cho biết đã vô trạm xá được tám ngày rồi. Vào đó thì qua xét nghiệm đường máu và huyết áp thì ổn. Bác sĩ cho biết cần phải phẫu thuật mụn ở háng nhưng chờ theo dõi hoài. Hiện giờ mụn sưng rất to và đỏ, gây nhức và sốt làm anh ấy rất khó chịu".

Bà được hai con kể lại ông Ca trông rất tiều tuỵ, không tự đi được mà phải có sự trợ giúp của một quản giáo. Ông cũng không nói chuyện được nhiều với các con, kêu mệt và muốn quay về phòng giam trước khi thời gian thăm gặp kết thúc.

Ông dặn gia đình chuẩn bị tiền để phẫu thuật, và có thể phải chuyển đi viện khác.

Bà Tâm cho biết thêm gia đình rất lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của chồng bà. Tuy nhiên, gia đình chỉ được thăm ông một lần một tháng theo quy định chung và phải đợi sang tháng 12 tới mới có thể gặp lại ông.

Bà nói ông Ca ngoài ra còn có một số bệnh như bệnh tiểu đường, viêm phổi, và cao huyết áp.

Phóng viên có gọi điện cho Trại giam Xuân Lộc để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 9/2018 khi đang trên đường đến thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Ông là một thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp với tôn chỉ giúp cho người dân hiểu rõ các quyền của họ được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.

Cuối năm 2018, ông bị kết tội "Tuyên truyền chống nhà nước" kèm theo án tù 5 năm và 6 tháng.

Kể từ khi bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc, ông bị giam giữ trong điều kiện hà khắc. Ông bị giam chung với bốn tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.

Vào tháng 10/2019, ông cùng nhiều tù nhân tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của trại giam.

Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ một số tù chính trị ở phía Nam và nổi tiếng là nơi có chế độ giam giữ hà khắc đối với những người tù này. Việc tuyệt thực của tù chính trị phản đối điều kiện giam giữ xảy ra khá phổ biến ở nhà tù này. Mới đây nhất là vụ tuyệt thực của một số tù nhân lương tâm ở đây vào tháng 9/2020 để phản đối điều kiện giam giữ và đòi quyền lợi. 

****************************

Đồng Nai : Hai vợ chồng bị kết tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" trong phiên tòa không luật sư

RFA, 22/11/2022

Tòa án Nhân dân huyện Tân Phú, Đồng Nai ngày 22/11 đã kết án một cặp vợ chồng theo tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" để bôi xấu chế độ và xúc phạm lãnh đạo trong một phiên tòa không có luật sư.

tnlt4

Ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng - FBNV/RFA edit

Trong phiên tòa bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc sau gần ba giờ, ông Nguyễn Thái Hưng (sinh năm 1972) chủ kênh YouTube "Nói bằng thực TV" với gần 40.000 người đăng ký theo dõi, bị kết án bốn năm tù giam. Người vợ chưa cưới của ông, bà Vũ Thị Kim Hoàng (sinh năm 1978), bị kết án hai năm sáu tháng tù.

Bà Hoàng, người bị bắt cùng chồng vào đầu tháng 1 năm nay nhưng được tại ngoại từ cuối tháng tư, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cả hai vợ chồng không thuê luật sư và cũng không có luật sư chỉ định.

Bà nói ban đầu họ cũng thuê luật sư Nguyễn Văn Miếng nhưng phía công an kết hợp thuyết phục và đe doạ khiến cả hai phải viết đơn từ chối luật sư. Họ cũng tự tin cho rằng tự mình có thể tự biện hộ khi bị xét xử.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Bà Hoàng kể về diễn biến phiên tòa hôm nay :

"Hôm nay tòa xét xử nhưng mình không được tranh luận bao nhiêu. Gần như là họ hỏi mình đúng hoặc sai, xác nhận như vậy thôi. Mình không có luật sư, mình không được nói.

Còn mình có nói vô tình hay không như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng án vẫn như Viện Kiểm sát đề nghị ban đầu".

Bà nói mặc dù là phiên tòa mở công khai nhưng chỉ có con gái bà được vào phòng xử án, những người thân khác phải quan sát phiên tòa từ ngoài cổng của trụ sở tòa án huyện.

Ngay sau khi tòa tuyên án, cả ông Hưng và bà Hoàng đều tuyên bố sẽ kháng án và thuê luật sư nhằm tìm kiếm một bản án công bằng hơn.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt, ông Nguyễn Thái Hưng lấy danh khoản YouTube có tên "Nói bằng thực TV" để thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến có nội dung "nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây".

Cáo trạng cũng nói những bình luận của ông Hưng "gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm nghiêm trọng lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước".

Những vụ việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ cộng sản, pháp luật Việt nam… Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.

Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube.

Hiện kênh YouTube này đã không còn nội dung nào kể từ sau khi hai người bị bắt giữ.

Bà Hoàng bị buộc tội "là người liên quan, tiếp sức" vì đã cung cấp chỗ ăn ở cho ông Hưng bên cạnh việc cho ông này mượn tài khoản ngân hàng và một máy tính xách tay. Bản thân bà Hoàng không hề có phát ngôn nào trên mạng xã hội.

Cáo trạng cho biết bà Hoàng thừa nhận các hành vi trên còn ông Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng việc ông phát trực tiếp các buổi nói chuyện trên YouTube là thực hiện quyền tự do dân chủ và ngôn luận.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Phú kết luận trong cáo trạng rằng ông Hưng và bà Hoàng đã vi phạm điểm a khoản 1 và khoản 5 của Điều 16 Luật An ninh mạng và phạm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại khoản 2 Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Trong khi bà Hoàng được tại ngoại từ cuối tháng tư thì ông Hưng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Quá trình điều tra kết thúc từ cuối tháng sáu nhưng năm tháng sau nhà chức trách huyện Tân Phú mới đem vụ án ra xét xử.

Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 15 người bị kết tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" với mức án từ một đến năm năm tù.

Nguồn : RFA, 22/11/2022

Published in Việt Nam

Trong thời gian gần đây, liên tục có những thông tin liên quan đến các tù nhân lương tâm bị đánh, bị sách nhiễu và khủng bố trong các trại tù. Gần đây nhất, tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh tuyệt thực vì bị "khủng bố" trong trại tù Xuân Lộc. Anh đã bị trại giam cho ở phòng giam chật chội, ẩm thấp và ở cùng một bạn tù có thần kinh không ổn định ban đêm mộng du đá anh Ánh, làm ồn suốt đêm khiến anh không ngủ được, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

tnlt1

Ông Nguyễn Ngọc Ánh tại phiên tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019 - AFP

Tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy, ngày 9/10 khi gặp gia đình đã nói với con gái nhỏ (vì bị quản giáo giám sát khi tiếp xúc gia đình), cô đã bị quản giáo đánh, bóp cổ. tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, ngày 20/9 khi gặp gia đình cũng nói anh bị đánh và đưa đi kỷ luật, không được gặp gia đình vì đã viết đơn tố cáo trong tù (không rõ nội dung đơn). Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác như tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng không được gặp gia đình vì không mặc quần áo tù…

Những vụ việc tương tự nêu trên đã diễn ra liên tục từ trước tới nay, cộng thêm việc rất nhiều tù nhân lương tâm đã bị đưa đi thụ lý án tù cách xa nhà hàng ngàn cây số đã chứng tỏ việc sách nhiễu, đàn áp các tù nhân lương tâm đã trở thành hệ thống. Đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân việc các tù nhân lương tâm bị sách nhiễu, đàn áp, chúng ta có thể nhận thấy có những vụ việc, các cá nhân tù nhân lương tâm bị đối xử phân biệt, bị sách nhiều bởi các quyết định từ phía an ninh ; có những vụ việc xuất phát trong quá trình thụ án, tức là quá trình sinh hoạt trong tù của các cá nhân. Nhưng dù việc sách nhiễu, đàn áp đến từ đâu, chúng ta đều thấy được những người đấu tranh vẫn còn gặp khó khăn, bị sách nhiễu ngay cả khi đã bị bắt vào tù. Cuộc đấu tranh của họ quá khắc nghiệt.

Những trường hợp bị sách nhiễu, đàn áp từ phía an ninh, có thể đó là chủ trương chung cho một số trường hợp, có thể xuất phát từ sự trả thù quá trình hoạt động trước đó của Tù nhân lương tâm. Những trường hợp này phía trại giam chỉ đơn thuần thực hiện lệnh cấp trên bên an ninh đưa ra. Đặc trưng của những vụ việc này, có thể thực hiện ngay từ khi tù nhân lương tâm đến trại tù, hoặc đó là khi người tù nhân lương tâm hoàn toàn không có bất kỳ một sai phạm, mắc mớ hay rắc rối nào trong quá trình sinh hoạt. Tức là những việc sách nhiễu ngay cả khi không có nguyên cớ nào. Đó là những việc như bố trí, chỉ đạo những người ở cùng, xung quanh tù nhân lương tâm làm những việc sách nhiễu tù nhân lương tâm, cô lập, phân biệt đối xử với tù nhân lương tâm. Thậm chí có những trường hợp gây sự, đánh đập và khủng bố tù nhân lương tâm. Đôi khi, việc sách nhiễu ở cả trong thực hiện quyền lợi của tù nhân, như thăm gặp gia đình, gửi và nhận thư, gọi điện cho gia đình, nhận quà…

tnlt1

Đôi khi, việc sách nhiễu ở cả trong thực hiện quyền lợi của tù nhân, như thăm gặp gia đình, gửi và nhận thư, gọi điện cho gia đình, nhận quà… Ảnh minh họa những tù nhân lương tâm đang còn bị giam giữ

Những trường hợp bị sách nhiễu, đàn áp nảy sinh trong quá trình sinh hoạt ở trại tù. Trong trại tù có rất nhiều những khác biệt so với cuộc sống bên ngoài. Khoảng cách giữa quản giáo và tù nhân thường phạm rất lớn, phạm nhân rất sợ quản giáo. Nhưng khi những tù nhân lương tâm đến các trại tù, sinh hoạt cùng với các tù nhân thường phạm, thì có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Có những trường hợp, tù nhân lương tâm chưa có kinh nghiệm, chưa biết được khoảng cách giữa tù nhân và quản giáo hoặc các quy định bất thành văn trong trại tù, họ vẫn thực hiện các quyền con người của mình, khi đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Từ những mâu thuẫn vì lý do này, các tù nhân lương tâm đã bị sách nhiễu và đàn áp. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, đó là vì tinh thần đấu tranh của những tù nhân lương tâm, luôn đấu tranh cho những cái đúng, phản đối những cái xấu, cái sai và cái bất công trong trại tù. Những tù nhân lương tâm đã đấu tranh ở ngoài xã hội, họ vẫn mang trong mình tinh thần đấu tranh đó vào trong tù bất chấp những sự đàn áp, sách nhiễu có thể đến với bản thân. Trong môi trường tù đày, có rất nhiều những điều sai trái, bất công thậm chí xấu xa, ác độc. Chúng ta thấy có nhiều tù nhân lương tâm đã lên tiếng về điều kiện sống, sinh hoạt như nước không sạch, phòng giam ở gần nơi ô nhiễm môi trường, tiếng ồn. Nhiều tù nhân lương tâm lên tiếng về việc tù nhân bị bớt xén tiêu chuẩn, chế độ, làm việc quá sức… có những tù nhân lương tâm bênh vực bạn tù bị đàn áp, đánh đập hoặc phân biệt đối xử. Có nhiều tù nhân lương tâm đã giúp đỡ chia sẻ đồ ăn, thức uống, vật chất cho bạn tù nhưng phía trại giam hoàn toàn không muốn họ làm vậy. Tóm lại, có nhiều lý do trong sinh hoạt dẫn tới việc mâu thuẫn và phía trại giam đã đàn áp, sách nhiễu tù nhân lương tâm.

Có một trường hợp đặc biệt trong vấn đề sách nhiễu, đàn áp tù nhân lương tâm, đó là những người không nhận tội. Những người không nhận tội là những người công khai phản đối kết quả phiên tòa, họ nói rằng họ không vi phạm pháp luật, hoặc họ không có tội. Ở trong tù, những người này luôn viết ở bản kiểm điểm hàng tháng, hàng quý, nửa năm, một năm là họ không có tội. Việc đối xử với những người này cũng hoàn toàn không đồng nhất, nhưng phần lớn đều bị sách nhiễu và đàn áp trong trại tù. Có người thì an ninh và trại tù không gây khó dễ nhiều, có nhiều người thì bị sách nhiễu suốt quá trình ở tù. Có những người thì mỗi năm bị kỷ luật mấy tháng vì không nhận tội… những con người đấu tranh kiên cường thường bị đàn áp và sách nhiễu nhiều nhất, kể cả khi ở ngoài xã hội hoặc khi đã vào trong tù.

Nguyễn Vũ Bình (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 24/10/2022

Published in Diễn đàn

Lâu nay chúng ta vẫn bày tỏ sự phẫn nộ trước những bản án phi lý phi nhân của nhà cầm quyền dành cho những nhà hoạt động dân sự, những người bất đồng chính kiến, những người bị đàn áp vì tôn giáo…Những bản án dành cho họ theo thời gian càng ngày càng nặng nề, khắc nghiệt hơn : 9 năm tù dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang, tổng cộng 26 năm tù dành cho 3 mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu (8 năm), Trịnh Bá Phương (10 năm), Trịnh Bá Tư (8 năm), 37 năm tù dành cho ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc Lập-trong đó Tiến sĩ Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù, trước đó nữa Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã phải nhận 16 năm tù, nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù, Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ ở Quảng Ngãi 16 năm tù…

tnlt1

Thân nhân các tù nhân lương tâm phản đối người thân bị ngược đãi trong tù. Hình chụp 07/2019.

Con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo công bố mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức thống kê cũng cho rằng con số thực có thể còn cao hơn.

Khi tai họa giáng xuống đầu, thì không chỉ cuộc sống của những người bị đi tù mà cả gia đình người thân của họ cũng bị mất mát, xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề, nhất là những đứa trẻ thơ phải thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ, tình yêu thương của cha hay mẹ trong nhiều năm dài. Nếu bố hay mẹ đi tù nhưng gia đình còn lại một người kia thì cũng còn là may mắn, nhưng có những trường hợp mẹ đơn thân như blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước đây, khi chị bị tù chỉ có người mẹ già chăm hai con nhỏ, may sao 3 mẹ con chị và cả mẹ già giờ đây đã đoàn tụ cùng nhau và đang sống tại Mỹ ; blogger Đoàn Thị Hồng, một người bảo vệ môi trường, bị bắt tháng 9 năm 2018, khi đó con gái của chị chỉ mới 30 tháng tuổi, và kể từ đó em gái của chị đã thay chị chăm sóc bé.

Trong vụ Đồng Tâm, một số dân làng đã bị bắt và bị cáo buộc chống người thi hành công vụ, tham gia vào việc thiêu chết 3 sĩ quan cảnh sát-một lời cáo buộc mà ai cũng thấy là vô lý, ngụy tạo. Trong đó, như ông Bùi Văn Tiến và bà Trần Thị Phượng bị bắt và bị khởi tố về tội giết người. Họ có ba người con sinh năm 2007, 2013 và nhỏ nhất sinh năm 2018, mới 18 tháng vào thời điểm bị cha mẹ bắt. Cả ba đứa trẻ được để lại cho bà chăm sóc. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Tiến và bà Đào Thị Thanh Kim, có 3 con sinh năm 2004, 2007 và 2013. Bà mẹ đơn thân Trần Thị Là, bị bắt, bỏ lại một đứa con. Ông Nguyễn Văn Quân, một người cha đơn thân của 3 đứa con, cũng bị bắt về cùng tội danh.

Các nhà chức trách Việt Nam đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam, Điều 67 và Điều 68, cũng như Điều 9 của UNCRC (Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (UN Child Rights Committee (CRC) bằng cách bắt giữ cha mẹ của trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Điều 67 và 68 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam của chính họ tuyên bố rằng người bị kết án có con dưới 36 tháng tuổi có thể có bản án hoãn lại cho đến khi đứa trẻ được 36 tháng tuổi, nếu bị cáo là người làm ra nguồn thu nhập duy nhất của gia đình và sự tù đày của người đó khiến cho gia đình phải đối mặt với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, người đó có thể được hoãn thi hành án lên đến 1 năm.

Trong trường hợp blogger bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy, đã bị tuyên án 2 năm 9 tháng vì tội danh "xúc phạm quốc kỳ" vào ngày 30/11/2018. Bản án được đưa ra khi Huỳnh Thục Vy có một con gái nhỏ dưới ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai, nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, Huỳnh Thục Vy không phải thực hiện án tù cho đến khi con tròn ba tuổi. Nhưng đến 1/12/2021 thì chị bị bắt lại, khi đứa con đầu 5 tuổi và đứa thứ hai chưa tròn 3 tuổi.

Xót xa hơn nữa là trường hợp của những đứa trẻ hoàn toàn không có cha hay mẹ, chỉ có người bảo trợ, nay người đó cũng bị tù, như trường hợp của những đứa trẻ mồ côi tại Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ.

Vào ngày 21/7 vừa qua tòa án huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tuyên án 6 thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền Am Bên bờ Vũ trụ) tổng cộng 23,5 năm tù, trong đó ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, bị kết án 5 năm tù vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân".

Trừ ông Lê Tùng Vân già yếu, có ít nhất 3 thành viên trong 5 người còn lại là lao động chính nuôi hai mươi mấy người gồm có trẻ em, người già, các nữ tu tại gia. Nay họ đi tù, những người còn lại và nhất là 10 đứa trẻ thơ mồ côi từ 8 tháng tuổi đến 8 tuổi, gồm 6 trai 4 gái, bị tách khỏi những người chăm sóc và đang đối mặt với một tương lai vô định. Trước đó, trong suốt cả một thời gian dài, từ công an cho tới toàn bộ truyền thông dòng chính, một số nhân vật có vị thế trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam như nhà sư Thích Nhật Từ…đã vu khống, bịa đặt các thành viên của Thiền Am những tội danh kinh khủng như loạn luân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người khác v.v…Hàng ngàn, hàng triệu người dân nghe theo truyền thông nhà nước, nghe theo những Youtuber xạo láo câu views đã hùa theo chửi bới, chế diễu, sỉ nhục các thành viên của Thiền Am, có ai đó còn ghé tận mặt những đứa trẻ thơ 3, 4 tuổi chụp hình làm "gia phả loạn luân" đưa lên rồi đua nhau xúc phạm họ.

Cần phải hiểu rằng dưới chế độ độc tài toàn trị chuyện không có mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam còn dựng thành có, thì trong quá trình điều tra nếu tìm thấy bất cứ bằng chứng nào dù nhỏ nhất về tội loạn luân hay lừa đảo, chắc chắn nhà nước này và công an sẽ không tha. Nhưng cuối cùng phiên tòa đã diễn ra mà hoàn toàn không nhắc gì đến tội loạn luân hay lừa đảo, nhưng từ báo chí nhà nước cho tới những Youtuber, dân thường có ai có một lời xin lỗi ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Thiền Am ? Và những đứa trẻ mồ côi, dù còn nhỏ nhưng nếu chúng nghe được những lời như vậy đến tai, nhìn cảnh Thiền Am nhiều lần bị côn đồ vào đập phá, sau đó bị công an vào lục soát, bắt bớ những người chăm sóc chúng lâu nay mang đi, tâm hồn chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào ?

Những ai đã từng trải qua những năm tháng có cha mẹ, người thân bị bắt vì liên quan đến những tội danh "phản động" hay bị trù dập vì có cha mẹ là trí thức, văn nghệ sĩ dính dáng tới những vụ án kiểu như Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc trước ngày 30.4.1975, những ai đã từng trải qua những năm tháng mà gia đình bị liệt vào thành phần "ngụy quân ngụy quyền", có cha đi "học tập cải tạo" ở miền Nam sau ngày 30.4.1975 đểu hiểu cái cảm giác cô đơn, thiếu vắng người cha hay người mẹ trong nhà, ra ngoài xã hội thì bị xa lánh vì sợ bị liên lụy hay bị phân biệt đối xử…như thế nào. Tất cả những điều đó đều để lại những vết sẹo trong tâm hồn suốt một thời gian dài.

Và bây giờ, mấy chục năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo trên toàn cõi Việt Nam, danh sách số người phải đi tù vì đòi tự do ngôn luận, đòi tự do tôn giáo, phản đối bị nhà nước cưỡng chế đất đai hay đòi những quyền lợi căn bản nhất của con người một cách ôn hòa vẫn tiếp tục nối dài, bỏ lại bên ngoài song sắt những đứa trẻ lớn lên với tâm hồn bị tổn thương sâu sắc, hoặc bị cướp đi cơ hội vươn lên bình đẳng như những đứa trẻ khác trong xã hội.

Từ ngày 29/8 đến ngày 23/9 tại cuộc họp của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (UN Child Rights Committee (CRC), Geneva, các quốc gia : Bắc Macedonia, Ukraine, Uzbekistan, Nam Sudan, Đức, Việt Nam, Philippines và Kuwait sẽ phải trải qua cuộc rà soát về thực thi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của Trẻ Em.

Không chỉ là những thiếu sót trong việc thực thi đầy đủ quyền được cung cấp giáo dục và y tế công bằng cho mọi đứa trẻ, hay tình trạng nạn bạo hành, xâm hại tình dục…mà quốc gia nào cũng phải đối mặt, Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều điều để giải trình, trong đó có chuyện vi phạm quyền trẻ em, thậm chí trừng phạt những đứa trẻ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm nhân quyền, quan điểm chính trị của cha mẹ chúng.

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/08/2022

Published in Diễn đàn

Cựu đại tá Trưởng Công an Tây Hồ Phùng Anh Lê bị tuyên 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ

RFA, 15/08/2022

Cựu đại tá Trưởng Công an Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội Phùng Anh Lê vào ngày 14/8 bị tòa tuyên bảy năm sáu tháng tù về tội nhận hối lộ.

vn1

Ông Phùng Anh Lê tại tòa ở Hà Nội hôm 13/8/2022 - Công Lý

Bản án được tuyên sau hai ngày xét xử vụ án ‘tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù’.

Ngoài ông Phùng Anh Lê bị tuyên án như vừa nêu về tội ‘nhận hối lộ’ ; ba cựu nhân viên dưới quyền ông Lê là Nguyễn Đức Châu- cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự, bị tuyên 10 tháng 28 ngày và trả tự do tại tòa ; Vũ Công Ngọc - cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự sáu tháng tù treo và Lê Đình Trung - cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp bốn tháng 12 ngày tù, ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 6/5 vừa qua được truyền thông Nhà Nước dẫn cho biết cựu trưởng Công an Quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội, đại tá Phùng Anh Lê bị truy tố tội nhận hối lộ về hành vi nhận tiền để chỉ đạo tha người đang bị tạm giam.

Cụ thể, từ tháng 9/2016, Công an Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ thụ lý đơn tố giác của ông Nguyễn Công Thành về việc bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ một cách trái luật và gây thương tích. Nghi phạm là ông Nguyễn Hữu Tài sau đó đến Công an đầu thú và bị tạm giam.

Người nhà của ông Tài nhờ người quen liên lạc với trưởng Công an Quận Tây Hồ là Phùng Anh Lê nhờ giúp đỡ. Ông Lê báo gia đình ông Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giả với phía bị hại. Người nhà thực hiện theo đúng điều ông Phùng Anh Lê nêu ra : mang tiền đến giao cho ông Lê. Sau khi nhận tiền, ông Lê chỉ đạo thuộc cấp thả ông Tài về nhà và không bị điều tra, xác minh xử lý mà không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam theo quy định của pháp luật. 

Vào ngày 23/9/2021, Cơ quan Điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với đại tá Phùng Anh Lê theo Điều 378 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào ngày 21/9/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã tiến hành khám xét nhà riêng của đại tá Phùng Anh Lê. 

Trước đó, vào tháng 2/2021 lãnh đạo TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với đại tá Phùng Anh Lê, lúc đó là Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu thuộc Công an TP Hà Nội để làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông Lê còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.

***********************

Dân biểu Đức : Sẽ yểm trợ cho tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình đến khi được tự do và phục hồi danh dự !

RFA, 15/08/2022

Dân biểu Julian Pahlke của Quốc hội Liên bang Đức trong bài phỏng vấn gần đây khẳng định, "bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm" và sẽ yểm trợ cho một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam cho đến khi ông này được trả tự do.

vn2

Ông Hoàng Đức Bình (ở giữa, áo đen) tại phiên tòa ở Nghệ An hôm 6/2/2018 - AFP

Hồi tháng 1/2022, Dân biểu Julian Pahlke, thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh tuyên bố bảo trợ cho ông Hoàng Đức Bình (hay còn gọi là Hoàng Bình), người bị tuyên án 14 năm tù giam vì đã tường trình về thảm họa môi trường do Nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra hồi năm 2016.

Bài phỏng vấn Dân biểu này đăng trên trang mạng của Quốc hội Liên bang Đức hôm 27/7 được tổ chức VETO ! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch lại sang tiếng Việt.

Theo đó, ông Julian Pahlke cho biết bản thân đã viết thư cho Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức và yêu cầu Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho ông Bình, cũng như tôn trọng những quy ước tối thiểu của Liên Hiệp quốc về việc đối xử với tù nhân hay còn gọi là Quy ước Nelson Mandela.

Ông kêu gọi Việt Nam thực thi những cam kết của mình về nhân quyền, trong đó có sự tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như được qui định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Với việc nhận bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Dân biểu Julian Pahlke nói ông sẽ yểm trợ cho đến khi tù nhân lương tâm này được trao trả tự do và phục hồi danh dự.

Pahlke là Dân biểu Đức thứ hai nhận bảo trợ cho Hoàng Đức Bình. Trong nhiệm kỳ quốc hội trước, bà Margarete Bause thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh đưa ông Hoàng Đức Bình vào chương trình bảo trợ.

Chương trình bảo trợ tù nhân lương tâm là sự mở rộng của chương trình "Dân biểu bảo trợ cho dân biểu." Nói về chương trình này, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, người từng được bảo trợ bởi dân biểu Đức và hiện đang sống tị nạn tại nước này, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :

"Việc bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền hay môi trường trên thế giới là một chuyện mới đối với Quốc hội Đức. Trước đây, Quốc hội Đức thông qua một nghị quyết bảo vệ cho đồng nghiệp của họ là dân biểu hay thượng nghị sỹ ở các quốc gia độc tài- chương trình Dân biểu bảo vệ cho Dân biểu. Năm 2017, tổ chức VETO ! vận động Quốc hội Đức không chỉ bảo vệ cho dân biểu mà còn người hoạt động chính trị và nhân quyền ở các quốc gia khác."

Ông Đài, người đồng sáng lập Hội Anh em Dân chủ và hiện là chủ tịch của tổ chức này, cho biết nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã và đang được bảo trợ bởi chương trình này, trong đó có chính ông, ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, và Hoàng Đức Bình.

Nói về hiệu quả của việc bảo trợ tù nhân lương tâm, ông Đài, người được Dân biểu Marie-Luise Dott bảo trợ, nói : "Bản thân tôi thấy được ngay hiệu quả của nó, là khi những người an ninh điều tra làm việc với tôi thì họ chắc là do bức xúc quá họ hỏi tôi ‘Ông có quan hệ như thế nào với Đức mà họ gây áp lực với chúng tôi khiếp như vậy ?’"

Trong vai trò là thành viên chính thức của các Ủy ban Châu Âu, Uỷ ban Nội vụ và Quê hương, và thành viên dự khuyết của Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, Dân biểu Pahlke nói rằng trong vụ án của ông Hoàng Đức Bình, toàn bộ quá trình tố tụng, từ cáo trạng cho đến tuyên án và điều kiện giam giữ đã vi phạm các công ước của Liên Hiệp quốc.

Với ông, "Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm" và tuy thảm họa môi trường tại Việt Nam ở cách nước Đức thật xa nhưng "mọi thứ đều có liên quan và có trách nhiệm liên đới với nhau. Cuộc khủng hoảng về khí hậu và những vấn đề về môi trường đều không bị giới hạn trong biên giới của mỗi nước."

Không chỉ yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho ông Bình, Dân biểu Pahlke còn ưu tiên chú ý đến việc cải thiện điều kiện giam giữ.

Theo ông, ông Bình cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam đang bị giam giữ tại những nơi cách gia đình thật xa trong điều kiện sống vô cùng hà khắc, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền.

Ông phê phán việc nhà nước Việt Nam luôn dùng mọi cách để đàn áp những người đối lập và hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như lợi dụng những năm tháng tù để đày đoạ họ.

Vị dân biểu Đức giải thích về sự bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trên một bình diện rộng hơn, đó là "Nếu muốn thay đổi những vấn đề về khí hậu và môi trường, chúng ta phải yểm trợ sự dấn thân của những người hoạt động trên khắp thế giới và cần hỗ trợ cho sự lớn mạnh của một xã hội dân sự ở mọi quốc gia."

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc nhận bảo trợ chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình đấu tranh đòi tự do cho người được bảo trợ, và hiệu quả của việc này cần có nhiều yếu tố, trong đó cách vận động của người nhận bảo trợ đóng vai trò quan trọng. 

Ông nói người nhận bảo trợ cần tranh thủ mọi cơ hội để thúc giục các cơ quan của nhà nước Đức gây áp lực lên nhà nước Việt Nam bên cạnh việc trực tiếp nêu vấn đề này trong mọi cuộc tiếp xúc với đại diện của Việt Nam.

Ngoài dân biểu Đức, nhiều Dân biểu và Thượng nghị sỹ ở Hoa Kỳ cũng nhận bảo trợ cho người hoạt động Việt Nam, như trường hợp Dân biểu Alan Lowenthal bảo trợ cho luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Tiến Trung và nhà báo của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Văn Hoá, Thượng nghị sĩ Ben Cardin bảo trợ cho ông Cù Huy Hà Vũ, và gần đây nhất là Dân biểu Ro Khanna nhận bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang.

Published in Việt Nam
Trang 1 đến 6