Việt Nam đứng 131/167 trong Chỉ số Dân chủ 2016 của Economist (BBC, 02/03/2017)
Quyền biểu tình được cho là một khía cạnh của dân chủ
Việt Nam đứng thứ 131/167 bảng Chỉ số Dân chủ 2016 của EIU (Economist Intelligence Unit), tổ chức dự báo và tư vấn có uy tín của Anh.
EIU thuộc nhóm The Economist Group, nhà xuất bản tạp chí The Economist.
Đây bảng xếp hạng mức độ dân chủ của 165 quốc gia và hai vùng lãnh thổ được EIU thực hiện hàng năm với đánh giá gần như toàn bộ dân số và đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Bảng xếp hạng chia các quốc gia thành bốn loại :
- Thực sự dân chủ : 19 nước
- Dân chủ chưa hoàn hảo : 57 nước
- Dân chủ lai tạp (đang chuyển đổi) : 40 nước
- Chế độ chuyên chế, độc tài : 51 nước
Và Việt Nam (đứng thứ 131), Trung Quốc (136), Lào (151) và Bắc Hàn (167 - cuối bảng) là nằm trong nhóm Chế độ chuyên chế độc tài. So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng.
Nhóm nghiên cứu EIU, nhóm thực hiện bảng Chỉ số Dân chủ, gọi năm 2016 là "năm suy thoái dân chủ toàn cầu và với Hoa Kỳ là phá hủy dân chủ".
Các yếu tố và tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng của EIU
Chỉ số Dân chủ được EIU thực hiện theo đánh giá gồm 5 yếu tố, với thang điểm 10 (tối đa), bao gồm :
I. quy trình bầu cử và đa nguyên ;
II. các quyền tự do của công dân ;
III. hoạt động của nhà nước ;
IV. sự tham gia chính trị ; và
V. văn hóa chính trị
và chỉ số dân chủ của mỗi quốc gia được tính trung bình từ 5 yếu tố này.
Bản đồ Chỉ số Dân chủ 2016 do EIU thực hiện
So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng, và Việt Nam và một trong ba nước duy nhất trong số này (cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn) có yếu tố Quy trình bầu cử và đa nguyên đạt 0 điểm.
Việt Nam cũng là một trong số 5 nước (cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan) có chế độ chuyên chế độc tài tại vùng Châu Á-Úc, vùng bị đánh giá là trì trệ, không có chút thay đổi nào về dân chủ so với năm 2015.
Tuy nhiên so với năm 2015, Việt Nam lên được 3 bậc trong bảng xếp hạng (từ 134 lên 131).
Các nhà nước thuộc diện Chế độ chuyên chế, độc tài theo EIU là các nhà nước không có đa nguyên chính trị.
Tại đây một số cơ chế dân chủ chính thức có thể tồn tại nhưng không có thực chất. Bầu cử nếu có diễn ra thì không tự do và công bằng.
Các đặc điểm khác là :
- Những vi phạm quyền tự do dân sự bị bỏ qua.
- Truyền thông đặc trưng là thuộc sở hữu nhà nước hoặc do các nhóm có liên hệ với chính phủ cầm quyền kiểm soát.
- Có tình trạng đàn áp những chỉ trích chính phủ và kiểm duyệt nặng nề.
- Không có hệ thống tư pháp độc lập.
******************
Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển 'bị bắt vì làm clip xấu' (BBC, 03/03/2017)
Ông Vũ Quang Thuận (trái) và Nguyễn Văn Điển (phải) cùng Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ
Hôm 3/3, Thông tấn xã Việt Nam phát đi bản tin Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố Hà Nội, đã bắt giữ ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển có hành vi "làm, phát tán nhiều clip có nội dung xấu lên mạng Internet".
Tuy nhiên bản tin chính thức này không nói rõ các clip "nội dung xấu" này là gì.
Trong khi đó có ý kiến nói hai ông bị bắt vì livestream trên Facebook "hướng dẫn biểu tình đúng luật".
Ông Thuận được cho là người gây dựng "Câu lạc bộ Chấn hưng Nước Việt".
Post mới nhất của ông trên trang Facebook cá nhân là clip hôm 2/3 chia sẻ Facebook live của ông Nguyễn Văn Điển "hướng dẫn biểu tình đúng luật".
Động thái này diễn ra trong bối cảnh trên mạng xã hội đang có lời kêu gọi biểu tình mọi Chủ Nhật và ngày nghỉ suốt năm 2017, bắt đầu từ hôm 5/3/2017 phát xuất từ linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân lương tâm.
'Tội mù mờ'
Hôm 3/3, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói : "Việc bắt giữ ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là hành động vi hiến của chính quyền, nhằm trấn áp những tiếng nói đối lập".
"Rõ là ông Thuận và ông Điển chỉ thực hiện quyền lên tiếng, nói ra nhận thức của họ về tình hình xã hội, sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam".
"Quyền ấy được Hiến pháp ghi nhận nhưng trên thực tế thì không".
"Mà nếu nói bắt vì họ làm và phát tán clip xấu thì cũng chẳng thấy luật Việt Nam định nghĩa thế nào là clip xấu".
"Quả là một cái tội mù mờ".
"Hai ông ấy đề cập đến việc biểu tình vốn được Hiến pháp quy định nhưng việc hoãn luật Biểu tình thì cù nhầy từ thập niên 1990 đến nay".
*********************
Dân biểu Mỹ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam (RFA, 02/03/2017)
Dân Biểu Alan Lowenthal phát biểu trong một lần vận động cho nhân quyền Việt Nam. Ảnh minh họa. RFA
Sáu dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 3 cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Mỹ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.
Bức thư viết ‘trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều’.
Trong bức thư, các dân biểu nêu tên 3 nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam đang bị cầm tù và quản chế là mục sư Lutheran Nguyễn Công Chính, hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Bức thư cũng nói đến thảm họa ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây nên kể từ tháng tư năm ngoái ở Việt Nam và sự chậm trễ của chính phủ Hà Nội trong ứng phó, giải quyết thảm họa. Trong khi đó nhà nước lại ra tay đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Formosa.
Các dân biểu ký tên yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra các dân biểu cũng yêu cầu phía chính phủ Hà Nội phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm. Theo các dân biểu Hoa Kỳ, đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.
Sáu dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa.
**************************
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ cố vấn cho Đại biểu Correa (VOA, 02/03/2017)
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm có Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành), Linh mục Trần Văn Kiễm (Công Giáo), Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo), Chánh Trị Sự Hà Thủ Băng (Cao Đài) và ông Nguyễn Khanh gặp Dân biểu liên bang Lou Correa tại văn phòng Địa Hạt 46 của Hạ Viện Hoa Kỳ tại quận Cam, 23/2/2017.
Dân biểu liên bang Lou Correa muốn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ làm cố vấn về tôn giáo và nhân quyền cho ông và thường xuyên cập nhật cho ông về các diễn biến liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, theo một thành viên của Hội đồng.
Một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa đã gặp gỡ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Buổi gặp diễn ra tại văn phòng Địa Hạt 46 của quận Cam, California, ngày 23/2.
Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ nói với VOA hôm 28/2 rằng dân biểu Correa rất quan tâm đến tình hình Việt Nam và "ông muốn có những biện pháp thích ứng ngay". Giáo sư Giàu nói :
"Trong tuần vừa qua Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có cuộc gặp mặt với dân biểu liên bang Lou Correa. Chúng tôi biết ông là một người tích cực trong mọi công tác tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, và đặc biệt là tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vừa qua, trước việc đồng bào Việt Nam bị đàn áp, chúng tôi không thể thờ ơ trước thảm họa của đất nước. Tiếng nói của dân biểu và Quốc hội Hoa Kỳ là những tiếng nói quan trọng. Chúng tôi cũng trình bày cho ông biết những việc xảy ra ở đất nước mình".
Theo giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, dân biểu Correa mong muốn Hội Đồng Liên Tôn thường xuyên trao đổi thông tin, nhất là giúp ông cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam :
"Ông muốn là Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ giữ liên hệ thường xuyên với ông, giúp cho ông, làm cố vấn trong vấn đề nhân quyền, cũng như tự do tôn giáo ở tại quê nhà. Ngày hôm đó chúng tôi cũng đệ trình cho ông một bản lên tiếng của Hội Đồng Liên Tôn tại Việt Nam cho văn phòng của ông Lou Correa và bản lên tiếng mới nhất của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ yểm trợ cho vấn đề hiện tại".
Giáo sư cho biết thêm trong buổi gặp với dân biểu Correa, các chức sắc đại diện các tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lần lượt trình bày những vụ đàn áp tôn giáo, việc giam giữ, quản thúc, sách nhiễu các chức sắc tôn giáo khi họ đến tỉnh Vĩnh Long ngày 13/2, và đàn áp giáo dân Song Ngọc ngày 14/2 khi họ lên tiếng đòi Formosa phải ngưng việc làm thiệt hại cho môi trường và phải bồi thường thoả đáng cho những thiệt hại mà Formosa đã gây ra.
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1993, là một tổ chức bao gồm các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo gồm có : Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Tin Lành.
Các chức sắc của Hội đồng gặp dân biểu Correa gồm có Mục sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành), Linh mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo), Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo), Chánh trị sự Hà Thủ Băng (Cao Đài) và ông Nguyễn Khanh.
Dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa, thành viên đảng Dân chủ, đại diện cho địa hạt 46 của California tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/2. Ông Correa đắc cử chức dân biểu tiểu bang California năm 1998. Ðến năm 2004, ông đắc cử chức giám sát viên quận Cam. Năm 2006, ông đắc cử chức Thượng nghị sĩ California, Địa Hạt 34, và giữ vị trí này cho tới năm 2015.
Theo Giáo sư Giàu ông Correa "là một người bạn tốt và luôn nhiệt tình tranh đấu cho tất cả những nguyện vọng và nhu cầu của cộng đồng Việt Nam trong hơn 20 năm qua".