World Bank : Triển vọng kinh tế Việt Nam 'tiềm ẩn rủi ro' (VOA, 16/12/2018)
Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng "tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng, cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu".
Theo báo cáo có tên gọi "Điểm lại", World Bank đưa ra nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 "dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương".
"Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt", Ngân hàng Thế giới nhận định trong ngày công bố ấn phẩm bán thường niên về kinh tế về Việt Nam hôm 11/12.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói rằng "dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định".
Chuyên gia kinh tế này cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam "nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công".
Ngoài ra, báo cáo "Điểm lại" cũng chỉ ra rằng triển vọng trên "vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi".
Ngân hàng Thế giới nhận định rằng "trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài".
"Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công", theo World Bank.
Theo nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, "tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu".
"Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra", ông Eckardt nói.
Báo cáo của World Bank nhận định rằng "mặc dù thuế quan đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên".
"Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ", theo Ngân hàng Thế giới.
Tổ chức này nói rằng "kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả, và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia".
Theo báo cáo, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa rành mạch và tốn kém, dẫn đến chi phí tuân thủ cao.
"Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu hiện ở mức 16,6%, so với mức bình quân là 8,3% ở các quốc gia ASEAN", World Bank nói.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV hôm 22/10, theo Đài tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ước tính GDP cả năm 2018 của Việt Nam vượt chỉ tiêu quốc hội đề ra là 6,7%.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng nói rằng trước những biến động cả ở trong nước và trên thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, Hà Nội "đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội".
Viễn Đông
****************
Số người Việt bị Mỹ trục xuất tăng hơn 70 phần trăm so với năm ngoái (VOA, 16/12/2018)
Số lượng người gốc Việt bị Mỹ trục xuất trong năm 2018 tăng hơn 70 phần trăm so với năm trước, theo một báo cáo của cơ quan thi hành di trú liên bang, tiếp tục mức tăng mạnh dưới thời chính quyền Trump vốn đang ráo riết xúc tiến chính sách di trú khắt khe hơn.
Chính quyền Trump giờ đang diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam bảo vệ những người Việt tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất.
Báo cáo được công bố giữa lúc nhiều bản tin của giới truyền thông trong tuần này cho biết chính quyền Trump sẽ tái tục việc trục xuất về Việt Nam một số người tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995, bất chấp một thỏa thuận mà hai nước đã kí vào năm 2008 cung cấp sự bảo vệ cho những người này.
Trong năm tài chính 2018, Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã trục xuất 122 người được xác định mang quốc tịch Việt Nam, tăng lên từ mức 71 người trong năm tài chính 2017, theo báo cáo tổng kết của cơ quan công bố hôm thứ Sáu. Con số này trong năm 2016 là 35 người, 32 người năm 2015 và 48 người năm 2014, năm đầu tiên mà ICE liệt kê cụ thể số lượng người bị trục xuất theo nước mà họ mang quốc tịch.
Không rõ trong số 122 người này có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995, thời điểm mà Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. VOA không thể liên lạc được ngay với ICE để yêu cầu cung cấp con số cụ thể, nhưng BuzzFeed News tuần này cho biết 11 người đến Mỹ trước 1995 đã bị trục xuất kể từ tháng 7 năm 2017, theo số liệu mà ICE cung cấp tại tòa án trong các vụ kiện tụng.
Tuy nhiên trong số 86 yêu cầu trục xuất mà Mỹ đã chuyển cho Việt Nam trong năm nay, chỉ có một yêu cầu được chấp thuận, BuzzFeed News cho biết.
Nguồn : Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE)
The Atlantic hôm thứ Tư loan tin chính quyền Trump đã tái tục chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt mà họ đã lặng lẽ rút lại vào tháng 8. Tạp chí này dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói rằng chính quyền Trump giờ diễn dịch lại thỏa thuận 2008 rằng nó không áp dụng cho những người không có giấy tờ hoặc phạm tội hình sự.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó, theo The Atlantic.
"Hiện đang có 5.000 người ngoại quốc từ Việt Nam phạm tội hình sự đã bị kết án với lệnh trục xuất cuối cùng – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán di trú liên bang ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie Waldman, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, được dẫn lời nói. "Ưu tiên của chính quyền này là trục xuất những người ngoại quốc phạm tội hình sự trở về đất nước quê nhà của họ".
Tin tức này đã khơi ra chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, phần lớn theo Đảng Dân chủ, đại diện những khu vực đông người Việt sinh sống. Trong một bức thư đề ngày 13 tháng 12, họ mạnh mẽ chống đối việc chính quyền thương thuyết lại thỏa thuận 2008 và hối thúc ông Trump "tôn trọng tinh thần nhân đạo" của nó.
Truyền thông ở Mỹ cũng tường trình dồn dập về diễn biến này trên báo đài tiếng Anh trong những ngày qua, từ vùng thủ đô Washington cho tới khu Little Saigon ở miền nam California. Đa phần những cư dân người Việt được phỏng vấn bày tỏ sự bất mãn, chống đối và lo ngại về những gì có thể xảy ra sắp tới.
"Tôi hoàn toàn không đồng tình với [chính sách đó]," một người phụ nữnói với đài FOX 5 DC tại khu trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia. "Chúng tôi đóng thuế và giúp hỗ trợ cộng đồng của mình mà".
Madison Nguyễn, người từng là phó thị trưởng San Jose ở bắc California, được báo The San Francisco Chronicle dẫn lời nói rằng lật ngược thỏa thuận 2008 sẽ làm tan nát các gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
"Chuyện đó rõ ràng là đáng hổ thẹn và tàn ác," bà nói.
Tùng Nguyễn, 43 tuổi, từng bị thọ án 18 năm tù vì dính líu trong một vụ cướp của và giết người năm 16 tuổi, giờ tích cực vận động cho trẻ vị thành niên dính vào vòng tù tội. Bị trục xuất là nỗi lo sợ thường trực của anh.
"Bây giờ Trump muốn tiếp tục gán cho chúng tôi là tội phạm vì điều mà chúng tôi đã làm lúc còn nhỏ," anh Tùng trả lời phỏng vấn của đài CBS Los Angeles. "Vấn đề là nếu chúng tôi ra tù mà vẫn tiếp tục phạm tội thì rõ ràng chúng tôi đáng phải chịu như vậy. Nhưng 20, 25 năm rồi chúng tôi chẳng phạm tội gì cả, chúng tôi sống cuộc đời bình thường".
"Điều tôi muốn nói là, hãy nhìn con người tôi bây giờ này", anh nói.