Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/12/2018

Nhân quyền, Đại biểu quốc hội, Facebook, trộm cắp quần áo, trục xuất về nước

Tổng hợp

HRW chỉ trích tình hình nhân quyền Việt Nam trong báo cáo cho Liên Hiệp Quốc (RFA, 17/12/2018)

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 16 tháng 12 công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC).Theo đó, Chính phủ Hà Nội chỉ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam một chút ít kể từ thời điểm Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) năm 2014 cho đến nay, và tiếp tục hạn chế các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân.

nq1

Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 3/12/19, ở Hà Nội. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn

Báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam với nội dung nêu trên là cho kỳ UPR chu kỳ 3 của UNHRC, sẽ diễn ra vào ngày 22/01/2019.

Trong báo cáo đưa ra, Tổ chức Human Rights Watch nêu rõ Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo và tiếp tục duy trì quyền lực tuyệt đối. Kể từ năm 1954 cho đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Đại biểu quốc hội hầu hết là thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam được chọn lựa vào. Tòa án và các bộ, ngành đều dưới quyền kiểm soát của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm :

- Việt Nam kiểm soát truyền thông, khóa hoặc đóng các trang website nhạy cảm về chính trị, bắt bớ những người sử dụng mạng mạng xã hội để lên tiếng chỉ trích Chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019 để can thiệp sâu hơn liên quan quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của người dân.

- Việt Nam cấm đoán các hiệp hội thương mại độc lập, cũng như kiểm soát chặt chẽ các tổ chức xã hội, các nhóm sinh hoạt tôn giáo và các xã hội dân sự.

- Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật hình Sự sửa đổi và tiếp tục sử dụng các điều luật mơ hồ như Điều 89 "phá rối an ninh", Điều 79 "có hành vi lật đổ chính quyền nhân dân"… để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 136 người dưới các điều luật này vì họ bị cho là tạo ra mối đe dọa đối với Nhà nước Việt Nam. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù ít nhất 26 nhà hoạt động nhân quyền và blogger.

- Tình trạng người dân bị tra tấn và chết trong đồn công an ngày càng nhiều, và Công an Việt Nam không chịu trách nhiệm đối với những trường hợp bị thiệt mạng khuất tất như vậy.

Tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh trong báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 năm 2019 rằng mặc dù Việt Nam hứa hẹn thay đổi theo các đề nghị của UNHRC tại UPR năm 2014, tuy nhiên qua các liệt kê trong báo cáo cho thấy Việt Nam không có dấu hiệu thay đổi như đã cam kết.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 12, tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của UNHRC, đại diện của Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của UNHRC vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.

********************

Có hay không chuyện đại biểu sợ chất vấn ngành công an ? (RFA, 17/12/2018)

Sau vụ Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát ngôn về vi phạm của ngành công an tại nghị trường rồi ngành này phản ứng gay gắt khiến công luận lại đặt vấn đề về hành xử của ngành Công an. Gần nhất tại phiên chất vấn giám đốc công an Thanh Hóa liên quan tín dụng đen, chỉ có 7 trên 94 đại biểu chất vấn. Có phải có tâm lý đại biểu sợ chất vấn ngành công an sau vụ Lưu Bình Nhưỡng ?

nq2

Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII hôm 13/12/2018. Courtesy thanhhoa.gov.vn

Chế độ công an trị

Vào ngày 13 tháng 12 năm 2018, tại buổi chất vấn Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Thiếu Tướng Nguyển Hải Trung, về tình trạng tín dụng đen bị cho là phức tạp trên địa bàn tỉnh này ; chỉ có 7 trên 94 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đăng ký chất vấn mặc dù đây là vấn đề có sự quan tâm lớn của nhân dân và cử tri trong tỉnh. Theo thuật lại của báo giới thì nhiều thời điểm hội trường rơi vào im lặng.

Mặc dù khó có thể so sánh giữa cấp độ trung ương và địa phương, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có thể có tâm lý đại biểu sợ chất vấn ngành công an sau vụ Lưu Bình Nhưỡng ?

Trao đổi với Đài Châu Á Tự Do liên quan vấn đề này, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, cho biết :

"Tại sao các Đại biểu quốc hội ngại chất vấn ngành công an ? Tại vì ngành công an từ lâu đã đã được là chế độ công an trị mà. Đặc điểm của nó là dùng quyền lực để át đi những tiếng nói phản biện, đối lập, át đi những tiếng nói mà nêu ra những cái xấu của ngành công an. Theo một số người quen của tôi làm trong ngành kiểm sát, tòa án, nói thì thầm với tôi, thì sau vụ ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn ngành công an. Họ nói ông Lưu Bình Nhưỡng nói đúng đấy, nhưng chẳng qua ông cô đơn quá, cô độc quá. Cho nên tất cả đều bị át đi hết. Và ngành công như chúng ta đã biết là sau đó đã phản ứng rất dữ dội, thậm lấy truyền thông công an đa dọa hàm ý muốn bắt ông Lưu Bình Những. Nếu thế thì các Đại biểu quốc hội sao có thể lên tiếng được, vì họ đã quen với việc bị định hướng chính trị, quen sợ sệt chính trị, thì với với cái thói hống hách của công an làm sao Đại biểu quốc hội có thể liên tiếng nói".

nq3

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng Photo courtesy of quochoi.vn

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định liên quan vấn đế này :

"Cái suy đoán chỉ có 7 trên tổng số gần 100 đại biểu Hội đồng nhân dân ở Thanh Hóa chất vấn giám đốc công an Thanh Hóa về bê bối của ngành công an tín dụng đen, thì tôi nghĩ rằng nó cũng chưa hẳn là sau cú sốc của ông Lưu Bình Nhưỡng ngoài Quốc hội. Cái vụ ông Lưu Bình Nhưỡng với ngành công an thì cho đến bây giờ số liệu vẫn chưa được làm rõ… Cái đó nó làm gây chấn động dư luận cả nước".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, ngành công an do quyền lực quá lớn, là chế độ công an trị, cho nên nó sinh ra một lực lượng hư hỏng kiêu binh. Theo ông, ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thế thì cũng không có một hành động gì là chơi xấu ngành công an. Vì ông Nhưỡng cũng là một đại biểu của chế độ, thì cũng biết công an là một lá chắn của chế độ, thì chơi xấu với ngành công an để làm gì. Nhưng thái độ của ngành công an lại ghim gút trả thù, ông Tạo cho rằng thái độ của ngành công an là rất dở và sai lệt.

E ngại chất vấn lẫn nhau

Còn theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, không chỉ e ngại chất vấn ngành công an, các Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân ở Việt Nam còn ngại chất vấn lẫn nhau. Theo ông họ được định hướng chính trị, và nếu không được bật đèn xanh từ cấp trên thì họ sẽ không hỏi, mà bằng chứng rõ nét nhất là những vấn đề liên quan đến Biển Đông, liên quan vấn đề chống tham nhũng… hay liên quan đến những vấn đề nóng sốt của xã hội như vấn đề Đồng Tâm, Thủ Thiêm thì cũng có rất ít Đại biểu quốc hội đặt câu hỏi về vấn đề này. Ông Dũng cho biết, chỉ vài đại biểu trong tổng số 500 đại biểu quốc hội đặt câu hỏi về vấn đề này. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, trong khi mỗi ngày họp quốc hội tiêu tốn khoản 1 tỷ đồng, mà các đại biểu này quá thiếu liêm sĩ, vẫn nhận những đồng lương này, vẫn ngồi họp, ăn uống với nhau, vẫn phè phỡn và

"Thật ra tỷ lệ 7/94 ở Thanh Hóa cũng không phải là thấp đâu. Tức là khoảng 5 đến 10% chịu chất vấn đã là thành công cho một Quốc hội mà người ta gọi là Quốc hội Nghị gật, hoặc những Hội đồng nhân dân toàn là Nghị gật, im lặng, á khẩu… Cho nên tỷ lệ đó không phải là thấp, nhưng vấn đề câu hỏi xoáy vào vấn đề gì, câu hỏi có chất lượng hay không, câu hỏi có mang tính phản biện hay không, và có bật ra được những vấn đề mà người dân quan tâm hay không ? Hay chỉ là những câu hỏi xuôi chéo mát mái và làm vừa lòng nhau".

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc ở Thanh Hóa hay ở nơi khác, ít người phản biện và ít tiếng nói phản biện chất lượng, là một hiện tượng rất phổ biến, rất phổ cập ở Việt Nam. Mà khi nói đến phổ biến phổ cập ở Việt Nam thì nói một ít liên quan đến phổ cập giáo dục, như tình trạng "xâm hại tình dục" trong giáo dục nổi lên mấy ngày gần đây. Ông kết luận :

"Tôi cho rằng đó là một cái gì đó đi vào Quốc hội Việt Nam, tức là Quốc hội Việt Nam nói theo một cách nào đó cũng bị ‘xâm hại tình dục’, làm cho các đại biểu á khẩu".

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào 31 tháng 10 năm 2018, khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thuộc doàn Bến Tre cho biết rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an, tuy nhiên qua báo cáo ông thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất "khủng khiếp". Ông dẫn chứng tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94% ; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86% ; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76%…

Ngay sau đó, nhiều tranh luận gay gắt đã diễn ra không chỉ trong nghị trường mà cả bên ngoài. Ngành công an cho rằng số liệu sai và đòi ông Lưu Bình Nhưỡng phải đính chính phát ngôn của mình, thậm chí nhiều tờ báo thuộc ngành công an còn yêu cầu xử lý đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Trung Khang

***********************

Facebook gián tiếp triệt tiêu nhân quyền của blogger Việt Nam ? (VNTB, 17/12/2018)

Facebook đang được sử dụng để bịt miệng các blogger chỉ trích chính phủ Việt Nam, theo Phóng viên không biên giới. Các nhà vận động cho biết có 26 nhân viên truyền thông bị cầm tù ở quốc gia Đông Nam Á này, theo hãng tin DW mới đây.

nq4

Blogger Việt Nam Bùi Thành Hiếu từng bị giam nhiều lần tại quê nhà

Các nhà vận động Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết các blogger Việt Nam sống lưu vong đang bị kiểm duyệt vì lạm dụng một tính năng an toàn trên Facebook.

RSF cho biết mạng xã hội đã xóa các bài đăng và các tài khoản bị chặn vì bị cáo buộc vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng.

Christian Mihr, giám đốc điều hành của RSF cho biết : 'Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chính phủ Việt Nam rõ ràng đang lạm dụng không gian kỹ thuật số để ngăn chặn những tiếng nói quan trọng ở nước ngoài. Những người có trách nhiệm phải ngăn chặn các cuộc tấn công này và tôn trọng tự do báo chí'.

Bùi Thanh Hiếu, một blogger người Việt được cấp tị nạn chính trị ở Đức, là một trong những người có liên quan, theo RSF. Anh ấy viết về các bệnh xã hội ở quê nhà trên Facebook của anh, nhưng anh ấy đã nhiều lần bị cấm kể từ tháng giêng.

Hiếu đã bị cấm Facebook vào tháng 10 vì là 'người vi phạm nhiều lần' sau khi hình ảnh từ tài khoản của anh ta được sao chép và tải lên các tài khoản khác. Những chủ tài khoản sau đó đã buộc tội Hiếu vi phạm bản quyền.

'Tấn công độc hại'

Nhà báo Việt Nam Trung Khoa Le đã sống ở Đức từ năm 1993. Ông điều hành trang tin tức trực tuyến Thoibao.de. Ông đã bị chặn xuất bản một video chỉ trích chính phủ cộng sản của Việt Nam bằng tài khoản của mình. Facebook đã thừa nhận đã có một 'cuộc tấn công độc hại' và thực hiện một số thay đổi.

RSF cho biết đã có hơn 20 trường hợp tương tự như vậy.

Blogger và nhà hoạt động Đỗ Công Dương đã bị kết án năm năm tù vào tháng 9 với cáo buộc 'lạm dụng quyền tự do dân chủ'. Điều này đến chỉ vài tuần sau khi anh ta bị kết án bốn năm vì 'gây rối trật tự công cộng'.

Dương bị bắt vì đăng các bài báo và video báo cáo về quyền đất đai. Các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất của dân số Việt Nam có liên quan, do quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam, RSF báo cáo.

Nhà hoạt động và blogger Huỳnh Thục Vy đã bị kết án gần ba năm tù vào tháng trước. Vy, người đang mang thai đứa con thứ hai, bị kết án vì bôi nhọ quốc kỳ bằng sơn trắng.

Tôn trọng tự do báo chí

Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam được kiểm duyệt chặt chẽ. Những người công khai viết về các cuộc biểu tình của công nhân, giành đất hoặc tham nhũng trong các chính trị gia cấp cao phải đối mặt với sự khủng bố và nhà tù.

Theo RSF, có ít nhất 26 nhân viên truyền thông bị cầm tù tại Việt Nam, nơi các nhà chức trách nói riêng nhắm vào các nhà báo công dân nói riêng. Về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia.

Hoa Nghi

****************

Hàng loạt tài khoản Facebook bị cảnh báo vì dùng từ ‘Trung Cẩu’ (Người Việt, 17/12/2018)

Nhiều cá nhân dùng mạng xã hội Facebook bị nhận cảnh báo, xóa nội dung hoặc khóa tài khoản do đăng chữ "Trung Cẩu".

nq5

Nội dung cảnh báo do Facebook gửi các cá nhân đăng chữ "Trung Cẩu" lên trang nhà. (Hình : Facebooker gửi Người Việt)

Sự việc diễn ra trong ngày Thứ Hai, 17 tháng Mười Hai, năm 2018. Mạng xã hội truyền nhau thông tin, kể cả đăng tải ảnh chụp từ màn hình cho thấy Facebook gửi cảnh báo và xóa nội dung những bài viết có dùng chữ "Trung Cẩu". Không chỉ thế, những "comment" có sử dụng từ này cũng bị tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, công đồng mạng xã hội Việt Nam có vẻ không bất ngờ trước động thái này của Facebook. Ngược lại họ tỏ thái độ hứng thú trong việc đăng thử và chấp nhận bị xóa bài, nhận cảnh báo.

Rất nhiều cá nhân đã viết lên tường nhà của họ những dòng chữ ngắn gọn có chữ Trung Cẩu trong đó. Kết quả là tất cả những ai thử đều nhận được cảnh báo. Trong đó, có một tài khoản bị Facebook khóa 3 ngày là ông Hoàng Huy Vũ.

nq6

Hình ảnh phản đối Luật An ninh mạng. (Hình : HRW)

Phóng viên Người Việt có liên lạc những cá nhân nhận cảnh báo từ Facebook thì được họ cho biết sự việc như sau :

"Khi ông Bổn (Nguyễn Đình Bổn) đăng bài đó, thì tôi có còm (comment), thay vì viết Trung Cẩu, thì tôi viết "Trung quần…" Vừa quay qua quay lại thì nó xóa. Xóa xong là tôi không "còm", không mở trang Facebook được. Nó báo là đã hết hạn".

"Trong vòng chưa đến 5 phút là bị thoát ra khỏi messenger, thoát ra khỏi Facebook luôn. Khi trở lại được là xóa dòng đó rồi, không vào được nữa".

Ngày 12 tháng Sáu vừa qua, bất chấp sự phản đối của người dân, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua với 86% đại biểu tán thành. Luật an ninh mạng đưa ra nhiều quy định từ việc cấm người dùng phát tán tài liệu bị cho là kích động biểu tình đến các tài liệu bị mà cơ quan chức năng nói là xúc phạm quốc kỳ hay lãnh đạo, lãnh tụ của Việt Nam,… Nếu bài viết vi phạm sẽ bị Google và Facebook gỡ xuống trong vòng 24 giờ.

Thêm vào đó, được biết là theo đạo luật an ninh mạng vừa mới được thông qua thì các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.

Luật an ninh mạng sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng, năm 2019.

Báo Financial Times hôm 12 tháng Mười Hai, 2018, có đăng tải 1 bài viết cho biết Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ khác đã thúc giục Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu các tập đoàn này phải lưu trữ dữ liệu trong nước, trong lúc chính phủ Hà Nội đang gây sức ép toàn cầu lên quyền lực của những gã khổng lồ Internet của Mỹ. (K.L)

****************

Singapore : Bốn người Việt bị tù vì trộm cắp quần áo trị giá gần 45.000 USD (Người Việt, 17/12/2018)

Cảnh sát Singapore vừa phá một trong những vụ trộm cắp quần áo lớn nhất từ trước đến nay do bốn người Việt Nam thực hiện, với các mặt hàng trị giá gần 45.000 USD, theo The Strait Times đưa tin hôm Thứ Hai, 17 tháng Mười Hai.

nq7

Uniqlo là chuỗi cửa hàng thời trang của Nhật Bản nhưng có mặt ở các nước Đông Nam Á như Singapore Malaysia, Thái Lan. (Hình : YOSHIKAZU TSUNO/AFP/Getty Images)

Bốn người Việt này bao gồm, Nguyen Thi Thu Huong, 31 tuổi, bị kết án một năm 11 tháng tù giam, và một người phụ nữ khác, Tran Thi Phuong Thao, 29 tuổi, một năm và 10 tháng tù giam. Hai can phạm khác là Duong Tuan Dat, 27 tuổi và Van Tu Nguyen, 30 tuổi, mỗi người nhận một năm và 11 tháng tù.

Cũng theo The Straits Times, tòa án Singapore có đủ bằng chứng để khẳng định bốn người này đã chuẩn bị kế hoạch từ khi ở Việt Nam. Sau đó họ đến Singapore thực hiện hành vi trộm cắp từ các cửa hàng Uniqlo và dự định sẽ bán các món hàng lấy cắp này khi trở về nước.

Strait Times dẫn lời Công tố viên Shana Poon nói rằng trước khi đến Singapore vào ngày 13 tháng Chín, bốn người này đã chuẩn bị sẵn các túi mua sắm đặc biệt được lót bằng nhôm để đảm bảo rằng các mặt hàng lấy được từ bất kỳ cửa hàng nào cũng sẽ không bị kích hoạt hệ thống báo động cảm biến.

Việc đánh cắp của cả nhóm diễn ra trót lọt cho đến khi Duong Tuan Dat ra khỏi một cửa hàng với túi đồ lấy cắp thì hệ thống báo động bất ngờ kêu lớn. Cả nhóm cố gắng chạy trốn trong lúc nhân viên của cửa hàng thời trang Uniqlo truy đuổi.

Cảnh sát được gọi đến và cả bốn người bị bắt trong một căn phòng tại một khách sạn ở đường Chin Swee vào ngày 16 tháng Chín.

Duong Tuan Dat đã nói với Thẩm phán Jill Tan rằng anh ta có ý định kháng cáo bản án tòa đã tuyên. (C.Thành)

******************

Cựu Đại Sứ Osius : ‘Trục xuất người Việt được thỏa thuận 2008 bảo vệ là trái tinh thần Mỹ’ (Người Việt, 17/12/2018)

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius đả kích kế hoạch trục xuất người tị nạn Việt Nam bị bỏ tù vì phạm pháp trở lại Việt Nam là trái với thỏa thuận đã ký giữa hai nước.

nq8

Ông Ted Osius khi làm đại sứ chụp hình với một số học sinh đến tìm hiểu nhân dịp tòa đại sứ tổ chức hội chợ giáo dục cao đẳng và đại học Mỹ ngày 30/1/2015. (Hình : HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

"Tôi nghĩ rằng hoàn toàn không phải tinh thần Mỹ (un-American) khi rũ bỏ những người đã từng chiến đấu bên cạnh chúng ta hoặc lại là con của các quân nhân Mỹ. Bởi vậy, tôi đã chống lại (chủ trương của Tổng Thống Trump) và chống đối rất nhiều lần. Tôi đã gửi thông điệp đến ngoại trưởng hồi đó là ông Tillerson, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis và cố vấn an ninh quốc gia McMaster. Tôi nói tôi không nghĩ điều đó đúng khi chúng ta thi hành chính sách này". Ông Ted Osius trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Sài Gòn với ký giả Michel Martin của đài phát thanh công cộng NPR (National Public Radio) ngày 16 tháng Mười Hai, 2018.

Hồi tháng Tư, 2018, ông Osius đã đột ngột từ chức đại sứ tại Việt Nam để phản đối kế hoạch trục xuất các người tị nạn Việt Nam vi phạm pháp luật ở Hoa Kỳ về Việt Nam gồm cả những người bị bắt giam trước năm 1995 tức trước khi hai nước thiết lập bang giao và đạt thỏa thuận để Hoa Thịnh Đốn trục xuất về nguyên xứ các người vi phạm pháp luật bị kết án.

Ông Osius hiện đang làm cố vấn cho công ty tư vấn đầu tư quốc tế Albright Stonebridge Group tại Sài Gòn. Ông cho hay, ông bị Hoa Thịnh Đốn thúc ép chính phủ Việt Nam nhận các người bị chính phủ Mỹ trục xuất hầu hết là những người đến nước Mỹ trong tư cách người tị nạn đã phải bỏ nước ra đi khi sau năm 1975.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài NPR, ông Osius kể trường hợp của một ông tên Tuấn ở San Jose, California, đến Mỹ khi tuổi còn vị thành niên. Ông Tuấn phạm tội ăn cắp xe, bị kết án 3 năm tù nhưng suốt 18 năm sau khi ra tù, ông ta không có rắc rối gì với pháp luật. Ông Tuấn lấy vợ, có con rồi xây dựng một công ty kinh doanh rất thành công, mỗi năm đóng thuế nửa triệu đô la cho chính phủ, thuê 45 nhân công. Hai năm qua, ông Tuấn bị bắt vào trại tạm giam chờ trục xuất về Việt Nam.

Theo ông Osius nói trong cuộc phỏng vấn : "Nên cân nhắc hoàn cảnh đã đưa người ta đến nước Mỹ. Tôi tin Quốc hội và phần lớn người Mỹ không ủng hộ trục xuất người tị nạn đã từng chiến đấu bên cạnh chúng ta thời thập niên 1960, 1970 hay chính là con của các quân nhân Mỹ".

Tổng Thống Trump đảo ngược tinh thần một thỏa thuận mà Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội ký kết năm 2008 về việc nhận lại người Việt sang Mỹ tị nạn sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Theo đó, người Việt đến Mỹ trước ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 12 tháng Bảy, 1995, sẽ không là những người bị áp dụng các điều khoản trục xuất của thỏa thuận.

Đầu năm 2017, chính phủ Trump giải thích lại thỏa thuận vừa kể theo cách loại bỏ sự bảo vệ đối với những người vi phạm luật lệ để quyết định trục xuất một phần người tị nạn gốc Việt Nam tới nước này trước ngày 12 tháng Bảy, 1995. Theo cách diễn giải đó, khoảng hơn 8.000 người Việt tại Mỹ đối diện với nguy cơ bị trục xuất.

Khi các người tị nạn bị trục xuất về Việt Nam thì họ sẽ ra sao ?

"Tôi biết một thực tế là những người này sẽ không được đối xử tử tế. Họ không còn thân nhân, gia đình tại Việt Nam nữa. Mọi người trong gia đình của họ đều ở Mỹ cả". Ông Osius nói với NPR. "Họ không thể kiếm được việc làm tại Việt Nam vì họ sẽ không được cấp thẻ căn cước (CSVN gọi là thẻ Chứng Minh Nhân Dân). Họ nhiều phần rồi sẽ bị vào tù. Một chính phủ Mỹ tương lai sau này sẽ phải coi họ là những trường hợp nhân đạo và phải đưa họ trở lại Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ có lý khi đưa họ lại Việt Nam".

Thứ Năm tuần trước, 22 dân biểu liên bang gửi thư cho Tòa Bạch Ốc, Bộ Nội An và Bộ Ngoại Giao khuyến cáo chính phủ đừng làm ngược tinh thần thỏa hiệp đã ký với Việt Nam 10 năm trước, vì làm như vậy là vừa trái với tinh thần nhân đạo, vừa trái với thỏa hiệp. (TN)

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)