Một thăm dò dư luận nói tham nhũng ở Việt Nam 'đã giảm' (BBC, 07/01/2020)
Theo một thăm dò dư luận ở Việt Nam, có vẻ người dân cho rằng tham nhũng đã giảm trong những năm gần đây, cùng thời gian diễn ra công cuộc 'đốt lò' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các chuyên gia tham gia Hội thảo công bố báo cáo Phong vũ biểu Tham nhũng ở Việt Nam 2019.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam, hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019.
Họ phỏng vấn 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 7 và tháng 8 và tháng 11 năm 2019.
Các tỉnh, thành phố được lựa chọn cho khảo sát bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, và Cà Mau.
Dịch vụ công ở miền Bắc 'tham ô nhiều hơn miền Nam'
Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của tham nhũng trong khu vực công, bao gồm tất cả các ngành, dịch vụ mà nhà nước sở hữu, quản lý và điều hành, 73% người tham gia khảo sát cho biết tham nhũng là "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng".
Người dân tham gia khảo sát được hỏi xem trong vòng 12 tháng qua họ có liên hệ/tiếp xúc với bất kỳ lĩnh vực dịch vụ công nào trong số 7 lĩnh vực được đưa ra hay không (bao gồm trường học công, bệnh viện hoặc phòng khám công, làm giấy tờ, dịch vụ tiện ích (điện, nước…), công an, cảnh sát giao thông và tòa án).
Và nếu có liên hệ/tiếp xúc thì họ có phải đưa hối lộ hay không.
66% người được hỏi có liên hệ/tiếp xúc với ít nhất một lĩnh vực dịch vụ và cứ 5 người thì lại có 1 người - tương đương 18% phải đưa hối lộ ít nhất một lần.
Khảo sát cho hay việc hối lộ ở miền Bắc dường như xảy ra nhiều hơn ở miền Nam.
Kết quả cho thấy, khi tiếp xúc với các cán bộ, công chức thuộc một trong 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát những người sử dụng dịch vụ công ở miền Bắc, đặc biệt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng đưa hối lộ nhiều hơn.
Tỷ lệ đưa hối lộ ở Hà Nội (39%) cao gấp 3 lần tỷ lệ này ở thành phố Hồ Chí Minh (12%).
Công ty tư nhân 'chi phối chính sách'
Tham nhũng cũng được cho là một vấn đề trong khu vực tư, theo đó 62% người được hỏi coi tham nhũng "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" trong khu vực này.
Theo khảo sát, 54% người được hỏi cho rằng các công ty tư nhân lớn "luôn" hoặc "thường" chi phối các chính sách và quyết định của chính phủ.
Đặc biệt, số người ở Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ cho rằng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn "luôn" chi phối chính sách và quyết định của chính phủ nhiều gấp đôi số lượng người ở những nơi khác.
Đáng chú ý là 64% người dân Hà Nội (hơn 10% so với tỷ lệ chung cả nước) có quan điểm này so với 56% người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận về mức độ tăng của tham nhũng
Mặc dù mức độ tham nhũng vẫn được cảm nhận là cao trên phạm vi cả nước nhưng có cải thiện trong 3 năm qua. Năm 2019, 43% người Việt Nam cho rằng tham nhũng ở Việt Nam tăng lên trong 12 tháng qua (thấp hơn so với 58% năm 2016) ; 31% cho rằng tình hình không thay đổi (so với 25% năm 2016) ; và 26% cho rằng tham nhũng đã giảm (so với 17% năm 2016).
Cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận.
Tỷ lệ người dân ở thành phố Hồ Chí Minh tin rằng tham nhũng đã giảm, ít hơn nhiều so với tỷ lệ người dân ở Hà Nội có niềm tin như vậy (13% so với 35%).
Có 5 nhóm đối tượng được người dân cho là tham nhũng nhất ở Việt Nam, bao gồm : cảnh sát giao thông (30%), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ này giảm đáng kể trong 6 năm qua.
Theo kết quả khảo sát của Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam 2019, người dân ngày càng tin rằng tham nhũng đang thuyên giảm và các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là có hiệu quả hơn.
Qua chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ năm 2016.
Số lượng người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).
Khuyến nghị
Hướng tới Minh bạch kêu gọi Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu nạn hối lộ và các loại hình tham nhũng khác, gia tăng các biện pháp đảm bảo tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, cụ thể là các quy định về bộ quy tắc ứng xử, xung đột lợi ích và kê khai tài sản.
Ngòa ra, họ đề nghị ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh tác động không chính đáng vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân.
Tổ chức này cũng cho rằng Việt Nam nên trao quyền cho người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông (kể cả truyền thông xã hội) bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào phòng, chống tham nhũng.
*******************
Khảo sát tham nhũng tại Việt Nam : tham nhũng giảm nhưng lo ngại lợi ích nhóm và thiếu minh bạch (RFA, 07/01/2020)
Một khảo sát nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam mới được Tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố hôm 7/1 cho thấy số người dân đánh giá tham nhũng tăng trong 12 tháng qua thấp hơn so với khảo sát trước đó.
Hình minh họa. Hai cựu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa (hàng trên giữa) và Phan Văn Vĩnh ra tòa về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn hôm 30/11/2018 AP
Dữ liệu thu thập được cho cuộc khảo sát được thực hiện trong các tháng 7, 8 năm 2019 thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành mang tính đại diện cho cả nước.
Khảo sát cho thấy có 43% người được hỏi cho rằng tham nhũng đã tăng lên trong vòng 12 tháng qua, thấp hơn con số 56% trong khảo sát vào năm 2016. Có 31% số người nói rằng tình hình hông thay đổi (cao hơn con số 25% so với năm 2016). 26% số người được hỏi cho rằng tham nhũng đã giảm (cao hơn con số 17% của năm 2016).
Có 5 nhóm đối tượng được người dân cho là tham nhũng nhất ở Việt Nam, bao gồm : cảnh sát giao thông (30%), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doan nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Những người được hỏi cũng cho rằng có sự khác biệt trong công cuộc phòng chống tham nhũng (71% so với 55% vào năm 2016).
Tuy nhiên, gần 1/5 số người được hỏi nói rằng họ đã đưa hối lộ trong năm qua. Ngoài ra, người dân cũng tỏ ra quan ngại về việc chi phối, thiếu minh bạch của các công ty, tập đoàn tư nhân lớn và các nhóm lợi ích vào việc đưa ra chính sách và thực hiện chính sách của Nhà nước.
49% số người được hỏi nói rằng việc tố cáo không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo.
Đây là lần thứ tư Tổ Chức Hướng tới Minh bạch tiến hành khảo sát nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam kể từ năm 2010. Theo truyền thông trong nước, từ năm 2010, Phong vũ biểu tham nhũng đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng xem là nguồn tham khảo có giá trị cho việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá tham nhũng ở Việt Nam.
*****************
Khảo sát người dân Việt Nam : Công an đứng đầu danh sách tham nhũng (VOA, 07/01/2020)
Công an nói chung đứng đầu danh sách tham nhũng ở Việt Nam, theo một khảo sát trong năm 2019 vừa được tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố hôm 7/1. Nếu tách riêng cảnh sát giao thông, chức vô địch về tham nhũng thuộc về lực lượng này, với tỷ lệ ý kiến đánh giá tiêu cực nhiều nhất từ người dân.
Công an được coi là "thanh kiếm, lá chắn" bảo vệ chính quyền (ảnh : Báo Công an nhân dân)
Cuộc khảo sát cho thấy có 5 nhóm đối tượng bị xem là tham nhũng nhất gồm : cảnh sát giao thông (chiếm 30% bình chọn của người dân), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Tham gia khảo sát là 1.085 người ở 19 tỉnh thành, báo cáo mang tên "Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam 2019" của Hướng tới Minh bạch cho biết.
Hướng tới Minh bạch (Toward Transparency), tên gọi tắt là TT, được thành lập năm 2008, là tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có mục tiêu góp phần vào việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Tháng 3/2009, TT trở thành cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International-TI) tại Việt Nam.
Báo cáo của TT cho hay 73% số người được vấn ý nhận xét rằng tham nhũng ở vào mức "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" trong khu vực công, bao gồm tất cả các ngành, dịch vụ mà nhà nước sở hữu, quản lý và điều hành.
Một tỷ lệ lớn người tham gia khảo sát, 43%, xếp tham nhũng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những vấn đề quan trọng nhất mà chính phủ Việt Nam cần giải quyết, đứng sau xóa đói giảm nghèo, an toàn thực phẩm và an ninh/tội phạm.
Điều này cho thấy người dân Việt Nam "ngày càng quan ngại về tham nhũng", TT nhận định, và so sánh rằng vấn đề này đã nhảy từ vị trí số 7 cách đây 2 năm lên vị trí thứ 4 hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn chung, theo bản báo cáo, cảm nhận của người dân Việt Nam về tình trạng tham nhũng trở nên tích cực hơn trong 3 năm qua.
Khảo sát năm 2019 cho thấy 43% người Việt Nam nghĩ rằng tham nhũng ở Việt Nam tăng lên trong 12 tháng qua, mức này thấp hơn đáng kể so với 58% có suy nghĩ như vậy hồi năm 2016.
Trong khi đó, 26% cho rằng tham nhũng đã giảm, như vậy, số người có cái nhìn lạc quan đã cao hơn so với mức 17% năm 2016.
TT bình luận rằng trong vòng 3 năm trở lại đây, "khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được cải thiện, nhiều biện pháp và hành động phòng, chống tham nhũng được thực thi và một số quan chức cấp cao bị đưa ra truy tố".
Gần một nửa số người được khảo sát, 49%, nói các biện pháp phòng, chống tham nhũng của nhà nước "có hiệu quả" hoặc "rất có hiệu quả", tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ 21% vào năm 2016, theo báo cáo của TT.
Góp ý về cách thức đẩy lùi tham nhũng hơn nữa, 36% ý kiến người dân cho rằng "cần nâng cao tính liêm chính" của các cán bộ, công chức nhà nước, và một tỷ lệ lớn hơn, 39%, đề nghị "áp dụng hình phạt nghiêm khắc" đối với các đối tượng tham nhũng, TT viết trong báo cáo vừa công bố.
Bản báo cáo cũng cho thấy một điều đáng khích lệ là 71% những người được khảo sát nghĩ rằng họ "có vai trò trong đấu tranh chống tham nhũng".
Tỷ lệ nêu trên cao hơn nhiều so với các mức 55% của năm 2016 và 60% của năm 2013, đồng thời là tỷ lệ cao nhất tính đến nay về số người có quan điểm như vậy.
Tuy nhiên, TT lưu ý rằng gần một nửa những người được vấn ý thú nhận họ không tố cáo tham nhũng do "sợ phải gánh chịu hậu quả".
Mặc dù vậy, TT nhận xét rằng một số kết quả của khảo sát mang lại "niềm hy vọng" về những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
"Cần tiếp tục duy trì đà phát triển này nhằm giảm tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững", báo cáo của TT viết.
Qua bản báo cáo, tổ chức phi lợi nhuận này cũng đưa ra một số khuyến nghị có ích cho đà tiến nêu trên, có xét đến bối cảnh là Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra.
Về phía đảng và nhà nước, Hướng tới Minh bạch khuyến nghị 3 việc lớn. Thứ nhất là tiếp tục tăng cường thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nhấn mạnh vào các quy định về ứng xử, xung đột lợi ích và kê khai tài sản.
Thứ hai, cần đưa ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh "tác động không chính đáng" vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân, theo Hướng tới Minh bạch.
Người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông, kể cả truyền thông xã hội, cần được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào phòng, chống tham nhũng, đó là khuyến nghị lớn số 3 của Hướng tới Minh bạch.
Về phía doanh nghiệp, Hướng tới Minh bạch gợi ý họ "thúc đẩy và thực hành liêm chính, minh bạch trong kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh".
Liên quan đến người dân, tổ chức này nhấn mạnh rằng các công dân có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách "kiên quyết chấm dứt việc đưa và từ chối đưa hối lộ".
****************
Đề nghị kỷ luật nguyên chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa vì sai phạm đất đai (RFA, 07/1/2020)
Đại tá Hồ Thanh Tùng – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị xem xét kỷ luật do những sai phạm về đất đai trong vụ việc cho thuê gần 10.000m2 trên đảo Bình Ba trong Vịnh Cam Ranh để phục vụ du lịch.
Đại tá Hồ Thanh Tùng – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Nguồn : Báo Khánh Hòa
Báo mạng Tuổi Trẻ loan tin ngày 7/1, trích thông tin từ thông báo kết luận kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra tỉnh Khánh Hòa đã được một lãnh đạo của Ủy ban xác nhận.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Khánh Hòa vào ngày 6/1 đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa xem xét kỷ luật ông Hồ Thanh Tùng – nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, vì đã vi phạm những nguyên tắc tập trung dân chủ ; làm trái quy định của Luật Đất đai, của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Cụ thể, vào năm 2016, ông Tùng khi còn là Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Khánh Hòa đã để cơ quan này và đồn biên phòng Bình Ba ký hợp đồng với 1 công ty du lịch sinh thái và 3 hộ dân thuê gần 9.900m2 đất trong khu vực quản lý để mở nhà hàng.
Trong khi đó, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không tổ chức du lịch ở đảo Bình Ba vì đảo này có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Đến cuối tháng 7/2019, Bộ đội biên phòng Khánh Hòa đã thu hồi toàn bộ diện tích do biên phòng quản lý nêu trên, đồng thời kỷ luật hai người liên quan là ông Nguyễn Văn Ánh – nguyên Đồn trưởng đồn biên phòng Bình Ba và ông Phùng Văn Thành – nguyên Chính trị viên đồn biên phòng Bình Ba. Cả 2 ông đều bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, cách chức và điều chuyển làm trợ lý Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa.
*******************
Đề nghị chủ đầu tư cung cấp cho Công an hồ sơ những người quấy rối các trạm thu phí BOT (RFA, 07/01/2020)
Bộ Giao thông và vận tải vừa có công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với nhà đầu tư, cung cấp ngay cho Bộ Công an, Công an địa phương hồ sơ, tài liệu liên quan đến những người kích động, chống phá, quấy rối các trạm thu phí BOT, bao gồm cả những người đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình.
Hình minh họa. Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11/2018 tại trạm BOT Cai Lậy. Courtesy of FB Bạn Hữu Đường Xa
Truyền thông trong nước loan tin này hôm 7 tháng 1.
Công điện mới của Bộ Giao thông và vận tải liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí BOT trong dịp tết năm 2020.
Theo công điện này, Bộ Giao thông và vận tải yêu cầu Tổng cụ Đường bộ nghiên cứu, đề xuất giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự tại các trạm thu phi để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, mới đây đơn vị quản lý tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đề nghị Công an huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xem xét, xử lý phương tiện gây rối, làm ùn tắc giao thông tại trạm thu phí Vực Vòng.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vào ngày 31/12/2019, tài xế có tên NVT đã dừng đỗ phương tiện giữa làn thu phí, phản đối mức phí đóng, gây cản trở phương tiện giao thông tại trạm thu phí Vực Vòng.
Nhiều trạm thu phí đường bộ BOT ở Việt Nam thời gian qua vấp phải những phản đối của người dân và tài xế. Những người phản đối cho rằng các trạm thu phí hoặc đóng ở sai vị trí, hoặc thu phí quá cao.
Chính quyền một số địa phương thậm chí đã huy động công an để giải tán các cuộc phản đối. Một số người phản đối đã bị bắt và kết án tù với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.