Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/04/2020

Việt Nam vừa chống Covid-19 vừa chống lợi dụng chức quyền

RFI tiếng Việt

"Cuộc tiến công mùa xuân" của Việt Nam trước virus corona (RFI, 22/04/2020)

Với chưa đầy 300 ca dương tính và không có trường hợp tử vong nào, hiện nay Việt Nam đang thành công trong việc chận đứng được nạn dịch virus corona chủng mới. Trang web của Le Monde ngày 20/04/2020 trong bài viết "Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19" đã nhận định như trên.

vn1

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng trao tặng khẩu trang chống dịch virus corona cho đại sứ Ý tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro tại Hà Nội ngày 07/04/2020. © Khanh/VNA via Reuters

Có một "ngoại lệ Việt Nam" chăng ? Một số nhà quan sát và báo chí Châu Á tự hỏi. Quả thật là tỉ lệ người bị nhiễm rất thấp : theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam đến cuối tuần qua, chỉ có 268 ca bị nhiễm, 171 người đã khỏi bệnh, không có ai bị thiệt mạng vì con virus đến từ Vũ Hán (cập nhật theo báo chí trong nước : số người khỏi bệnh đến hôm nay 21/4 là 216 người).

Đất nước nằm sát Trung Quốc đã nhanh chóng tránh được hậu quả tai hại của nạn dịch qua việc đóng cửa biên giới với người láng giềng khổng lồ từ ngày 01/02, không mở cửa lại các trường học sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Việt Nam còn phong tỏa toàn quốc từ đầu tháng Tư, buộc cách ly hàng loạt một số địa phương bị coi là ổ dịch từ giữa tháng Hai.

Le Monde dẫn lời Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội : "Việt Nam đã đánh giá nguy cơ từ đầu tháng Giêng, ít lâu sau loan báo của Trung Quốc về việc xuất hiện những ca bị lây nhiễm đầu tiên". Qua kết quả chống dịch tốt, phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuần trước còn loan báo rằng con virus "đang nằm trong vòng kiểm soát".

Với mạng xã hội, khó thể giấu được một nạn dịch quy mô lớn

Ngoại lệ này không có gì là bí mật, đó là kết quả của một chính sách hiệu quả : nhận diện và theo dõi những người và những nhóm bị lây nhiễm, hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Chiến lược này dựa trên hệ thống kiểm soát dân cư, một trong số những dấu ấn của chế độ toàn trị đang lãnh đạo cả nước kể từ khi đoàn quân cộng sản "giải phóng" Saigon năm 1975.

Một người Pháp gốc Việt mới từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh (Saigon cũ) cách đây không lâu cho biết qua điện thoại : "Khi xét nghiệm thấy tôi bị dương tính với virus corona, lập tức tôi được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, trong đó phải ghi ra tên của tất cả những người mà tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay mà tôi đi từ Pháp, đều được xét nghiệm và cách ly".

Người Việt kiều ẩn danh, thường xuyên qua lại giữa Paris và Việt Nam thổ lộ : "Tại Việt Nam, công an không ngần ngại đánh thức bạn vào lúc 1 giờ sáng để báo cho biết một trong những người mà bạn có quan hệ đã bị dương tính với virus. Đó là một hệ thống can thiệp sâu nhưng đa số người dân đều tuân theo".

Việc giám sát phong tỏa cũng rất nghiêm ngặt, những ai vi phạm quy định bị trừng phạt nghiêm khắc : gần đây một công dân không đeo khẩu trang và còn đánh lại cán bộ của chốt kiểm soát phòng chống dịch, đã bị lãnh 9 tháng tù.

Một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier vừa nằm viện ở Hà Nội do bị dương tính với virus, trong một bài viết đăng trên trang mạng của tạp chí Causeur cho biết "chiến lược chống dịch của Việt Nam là đơn giản, có phần xâm phạm cuộc sống riêng tư".

Ghi nhận tính chất "Nho giáo" của một đất nước dựa trên sức mạnh của "một nhóm người gắn bó, kỷ luật - và nếu có thể, được lãnh đạo tốt - luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai nấy làm", nhà ngoại giao hoan nghênh tính hiệu quả của một chiến lược đã giúp Việt Nam đạt được "các kết quả phi thường".

Sự trộn lẫn triết lý Nho giáo với độc đoán chính trị chừng như đã mang lại kết quả tốt : Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, cùng với Lào và Cam Bốt, không có trường hợp tử vong nào do con virus từ Vũ Hán. Nếu sự khả tín của số liệu Lào và Cam Bốt còn phải xem lại, thì chế độ Việt Nam bình thường vốn tiết kiệm thông tin, lần này đã tỏ ra minh bạch.

Ông Poirier ghi nhận : "Các bệnh viện không bị quá tải, lượng bệnh nhân nhập viện và ra viện nằm trong vòng kiểm soát". Còn người Việt kiều bị dương tính trên đây vừa được ra khỏi bệnh viện cũng nhận xét : "Tại Việt Nam, tất cả mọi người đều dán mắt vào mạng xã hội, nên rất khó giấu nổi một nạn dịch có quy mô lớn".

"Chơi xỏ" Trung Quốc

Trước thành công này, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi so sánh với cuộc "tổng tiến công mùa xuân" năm 1968, đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh trước đây. Hà Nội còn dám "chơi xỏ" Trung Quốc, láng giềng có quan hệ ngày càng phức tạp thậm chí rất ghét nhau. Trong lúc Bắc Kinh lao vào chiến dịch "ngoại giao virus corona" với việc xuất khẩu vật liệu thiết bị y tế, Việt Nam vừa tặng nửa triệu khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh…

Ngày 06/04, báo chí đã làm đậm chiến lược này khi đăng tải hình ảnh một nhóm đại sứ các nước Châu Âu nhận các hộp khẩu trang từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hà Nội cũng không quên các nước láng giềng nhỏ bé của Đông Dương cũ ngay bên cạnh là Cam Bốt và Lào, nơi mà ảnh hưởng của Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị xói mòn bởi Trung Quốc : gần 800.000 khẩu trang đã được chuyển giao cho Phnom Penh và Viêng Chăn.

Về mặt địa chính trị, quan hệ chiến lược ngày càng được củng cố với Hoa Kỳ. Washington vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat, được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch. Nhờ vậy tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời cám ơn các "bạn bè" Việt Nam về thương vụ này.

Le Monde kết luận, tại Việt Nam, "cuộc tổng tiến công mùa xuân" đang tiếp diễn bằng các phương tiện khác.

Thụy My

*******************

Việt Nam : Một số cựu cán bộ lãnh đạo 'xin trả lại' nhà công vụ (BBC, 22/04/2020)

12 cựu quan chức các cơ quan nhà nước Việt Nam có vẻ đồng ý trả lại nhà công vụ sau "nhiều lần bị đòi".

vn2

Nhà công vụ loại 2 (100 - 115m2) thuộc diện được phân theo một quyết định về tiêu chuẩn nhà công vụ vào năm 2015

Báo Vietnamnet ngày 21/04 đưa tin 12 cựu lãnh đạo đã "liên hệ xin trả lại" nhà công vụ sau khi lãnh đạo Bộ Xây dựng ký loạt thông báo gửi họ "2-3 lần" và sau khi báo chí vào cuộc.

Những nhà được phân khi họ đang đương chức này là nhà công vụ tại chung cư thuộc khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), khu nhà ở Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội).

Danh sách 12 cựu lãnh đạo này gồm nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, nguyên phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ và nguyên thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và nguyên tổng biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản.

Luật Nhà ở năm 2014 nói việc trả lại nhà công vụ được thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.

Được biết các nhà công vụ loại 2 (100 - 115m2) thuộc diện được phân và đang phải trả lại được Nhà nước trang bị nội thất và các loại đồ đạc, tủ lạnh, giường, đệm, máy giặt… theo một quyết định về tiêu chuẩn nhà công vụ vào năm 2015 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Quyết định này cũng nói đối tượng được phân nhà công vụ phải thuộc diện như chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội...

Báo Tuổi Trẻ ngày 21/04 dẫn lời một số cựu quan chức cho biết "họ không có ý chiếm dụng nhà công vụ, một số người đang làm thủ tục trả lại nhà, có người chờ hoàn thiện nhà mới và có người chờ nhà nước hóa giá nhà ở công vụ để mua với giá rẻ như một đặc quyền".

Một số người nói lý do chưa trả lại nhà công vụ là bị vướng vào dịp dịch bệnh Covid-19 bùng phát và sẽ bàn giao lại nhà công vụ sớm.

Bài báo cũng nói về một trường hợp đã chuyển vào phía Nam sinh sống và để lại căn nhà công vụ "cho các cháu họ" để ở.

Người này nói không cố tình "chây ì" giữ nhà công vụ và "chờ mua hóa giá". Và nếu cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản không thông tin việc đang trình Thủ tướng đề án hóa giá nhà ở công vụ cho các cán bộ nghỉ hưu thì gia đình bà đã trả nhà công vụ cho nhà nước từ lâu rồi.

"Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, không phải 12 cựu quan chức "chây ì" không bàn giao nhà ở công vụ tại tòa CT1-CT2 Yên Hòa đều thiếu nhà ở.

"Ngoài một số ít trường hợp thực sự thiếu nhà ở, nhiều cựu quan chức có nhà ở rồi vẫn muốn giữ nhà công vụ để cho thuê và chờ để được mua hóa giá nhà ở công vụ với giá rẻ như một đặc quyền," báo này cho biết.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)