Việt Nam ‘giám sát’ mạnh mẽ công dân trong ứng phó với Covid-19 (VOA, 21/04/2020)
Việt Nam được một viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đánh giá là đã làm tốt trong việc khống chế sự lây lan của đại dịch virus corona nhờ vào "văn hoá giám sát" được thực hiện một cách mạnh mẽ và có sự đồng thuận của phần lớn người dân.
Một người lái xe máy qua một poster kêu gọi người dân bảo vệ sức khoẻ trước virus corona trên một đường phố ở Hà Nội hôm 14/4. CSIS nói người dân Việt Nam đồng thuận với sự giám sát của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Quốc gia Đông Nam Á này nằm trong số những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất thế giới và, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát lây nhiễm nCoV.
Theo đánh giá của giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Amy Searight, Việt Nam - cùng với Singapore - đã sớm hành động để ứng phó với sự bùng phát dịch ngay từ đầu. Mặc dù Singapore đang phải chống đỡ với một làn sóng mới các ca lây nhiễm thì Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu, đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong gần 1 tuần qua, với 268 trường hợp dương tính mà không có ca tử vong nào tính đến ngày 21/4.
Thành viên tư vấn cao cấp của viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC cho rằng, trong khi Singapore sử dụng các công cụ công nghệ cao để truy tìm virus thì Việt Nam dựa vào việc huy động nguồn lực nhân dân và đóng cửa xã hội cũng như giám sát trên diện rộng công dân của mình.
Ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, Việt Nam đã đóng tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu, trường học và thực hiện cách ly trên diện rộng. Một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc là khu vực đầu tiên bị cách ly toàn bộ trong 21 ngày và hàng chục nghìn người đã được đưa đi cách ly tập trung, phần lớn tại các doanh trại quân đội.
Một yếu tố quan trọng trong việc giúp Việt Nam khống chế dịch tốt, được bà Searight nhắc tới trong bài bình luận của mình đăng tải trên trang web của CSIS hôm 20/4, là sự "theo dõi và giám sát chặt chẽ công dân" của mình. Theo nhà nghiên cứu của CSIS, hoạt động này được hỗ trợ bởi một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp tin tức và việc này giúp xác định danh tính cũng như cách ly những người bị nghi nhiễm virus và những người đã tiếp xúc với họ. Bà Searight cho rằng "văn hoá giám sát" của Việt Nam mang tính hiệu quả cao trong việc giúp cơ quan chức năng theo dõi và giao tiếp với người dân. Đồng thời, theo bà, hệ thống này được phần lớn công chúng ở Việt Nam chấp nhận hoặc ít nhất là thích ứng với "mức độ xâm nhập" này của chính phủ, mà ở các nước phương Tây có thể vấp phải sự kháng cự của người dân.
Việt Nam bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả người dân cũng như người nước ngoài ở Việt Nam, khi nhập cảnh cũng như khi đi đến bệnh viện hoặc tới nhà hàng hay thậm chí đến các cơ sở làm đẹp hoặc massage. Người dân Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội toàn quốc trong 3 tuần liên tiếp theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ.
Để việc giám sát đạt hiệu quả hơn, một ứng dụng di động nhằm truy dấu các trường hợp F1, F2 khi xuất hiện các ca dương tính với Covid-19 bằng định vị Bluetooth đã được Bộ Thông tin - Truyền thông công bố hôm 18/4. Thông qua ứng dụng, được cho là "bảo mật, ẩn danh và minh bạch", cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ biết được những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Takeshi Kasai nói với truyền thông trong nước hôm 21/4 rằng người dân Việt Nam sự hợp tác cao với chính phủ và có ý thức kỷ luật trong việc "tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm".
Báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thực sự phục vụ nhân dân’ ? (RFA, 21/04/2020)
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, khi trả lời báo chí hôm 21/4/2020, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh mới, báo chí càng phải khẳng định vai trò quan trọng dẫn dắt, định hướng dư luận bằng thông tin chính xác, khách quan, trung thực...
Một sạp bán báo tại Việt Nam. RFA - Ảnh minh họa
Ông Hồ Quang Lợi còn nhấn mạnh, làm báo để phục vụ đất nước, nhân dân.
Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Hồ Quang Lợi ?
Chị Hằng, hiện sinh sống tại Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020 :
"Tôi thấy báo chí Việt Nam làm gì có phục vụ nhân dân ? Tôi chẳng bao giờ muốn đọc. Báo chí cần phải nói thẳng và nói thật, không giấu diếm. Báo chí phải đứng về phía người dân để viết, chứ không viết theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Ngoài ra, người viết bài cần có nghiệp vụ, người viết báo cần có cái tâm và chính nghĩa. Nếu báo chí Việt Nam thay đổi được, thì tôi nghĩ sẽ thu hút nhiều người dân đọc báo hơn".
Còn Chị Phan Thị Mỹ Xuyên, ở Hà Tĩnh, khi nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, thì cho rằng, báo chí cần phải trong sáng, nói đúng sự thật bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân. Nhưng ở Việt Nam hiện nay báo chí còn hùa theo những người tham nhũng, hãm hại dân, đăng tin sai sự thật, dẫn đến việc nhiều gia đình có thể bị cảnh oan sai trong nhiều năm vẫn không được giải quyết.
Mặc dù quy hoạch phát triển và quản lý báo chí Việt Nam đến năm 2025, sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam vẫn còn hơn 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40 ngàn người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Từ Nha Trang, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, Nhà báo Võ Văn Tạo nói :
"Để báo chí phục vụ nhân dân, theo tôi nghĩ trước tiên phải phục vụ một cách thiết thực. Chứ hiện nay, hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cứ nói báo chí phục vụ nhân dân, nhưng quan điểm của tôi cũng như đa số người dân, báo chí ít phục vụ nhân dân lắm, phục vụ ‘các cụ’ thôi. Khi làm báo trước đây, chúng tôi thường nói lóng, tin bài đó thuộc dạng ‘kính cụ’, tức là tin bài đó được lòng lãnh đạo, dân chả cần xem... ví dụ như tin ‘hôm nay Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đồng chí gì đó’ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Lào…".
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, người dân đâu cần những tin bài lấy lòng lãnh đạo, cái họ cần là những gì thực tế như việc : ‘bao giờ hết giãn cách xã hội và những bước như thế nào để chuẩn bị’...
Một sạp bán báo ở Việt Nam RFA - Ảnh minh họa
Báo chí tại Việt Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, định hướng dư luận xã hội… thì không có gì mới, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Để tìm thêm về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020, liên lạc Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, và được bà đưa ra nhận định :
"Nhìn chung thì tôi nghĩ những ai làm về báo chí đều biết phải đánh đúng nhu cầu của người dân, những cái người dân đang quan tâm thì mình đánh đúng nhu cầu đó. Thứ hai là cái mà bây giờ người ta hay dùng là ‘hot’, chạy theo những cái ‘hot’ trên thị trường... thì người ta sẽ quan tâm hơn. Còn nói về thông tin không đúng sự thật thì bây giờ nó là một vấn đền rất lớn, vì ngay cả báo lớn nhưng có khi cũng đưa những thông tin không đúng lắm, còn những tờ báo vừa hay người ta còn gọi là lá cải, thì đôi khi người ta còn lợi dụng cả những tin đấy để gây sự chú ý, hoặc là thậm chí tạo ra một scandal, và scandal đó lại càng tăng tranh cãi và tò mò của người đọc, thì có khi họ lại sử dụng nó như một công cụ để tăng người đọc".
Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thật sự ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Lợi ?
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch - Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/4/2020 từ Sài Gòn, liên quan vấn đề này cho biết ý kiến của mình :
"Báo chí là một sản phẩm của thị trường thì không thể nói phục vụ nhân dân mà phải nói bán ra thị trường, như vậy phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được. Tóm lại, thứ nhất là phải quy về cái căn bản nhất là nền kinh tế thị trường, như vậy mới có thể vực nền báo chí đang rệu rã, dối trá hiện nay tại Việt Nam.
Thứ hai, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, báo chí phải làm việc theo luật, phải bỏ hết những tin bài không liên quan luật báo chí, tức là những kiểu mà người cộng sản Việt Nam hay dùng, đó là những chỉ thị, nghị quyết... thậm chí mệnh lệnh miệng để điều khiển báo chí. Theo ông, việc đó là sai lầm. Ông nói tiếp :
"Thứ ba, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, là một cái thiếu hụt trầm trọng suốt hàng chục năm qua. Như vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đồng thời phải gắn chặt tính trách nhiệm đi đôi với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... mới giải quyết được tình trạng báo chí như hiện nay".
Cũng xoay quanh vấn đề quan trọng nhất là kinh tế thị trường trong lĩnh vực báo chí. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, tất cả báo chí Việt Nam phải tự thu xếp, tự nuôi sống bản thân, chứ không thể nào còn nhận ngân sách từ nhà nước cấp. Ví như những trang báo lớn, quan trọng của nhà cầm quyền như báo Nhân dân, Sài gòn Giải phóng... thì hầu như không bán được, mà phải buộc các cơ quan, tổ chức mua những tờ báo của họ, để họ có kinh phí mà họ sống.
Đồng quan điểm, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng, báo chí muốn phục vụ nhân dân thì phải có tự do báo chí, không bao cấp, thì báo chí mới có trách nhiệm, chứ còn nhà nước, đảng bao cấp thì báo chí cũng chỉ là công cụ tuyên truyền cho đảng, chứ không phải báo chí đúng nghĩa.
Vào ngày 21/4, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố phúc trình về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020, theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được đánh giá.