Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/07/2020

Ca chết Kiên Giang, nguồn gốc thép, thất nghiệp, thi hoa hậu

RFA tồng hợp

Hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè chết tại Kiên Giang (RFA, 15/07/2020)

Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/7 thông báo, những ngày qua nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải và đảo Sơn Hải huyện Kiên Lương thông báo cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

cachet1

Cá chết hàng loạt tại Kiên Giang. RFA Edited

Truyền thông trong nước loan tin dẫn thông báo của ông Nguyễn Thanh Điền, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải cho biết như vừa nêu.

Theo ông Điền, từ đầu tháng 7 đến nay cá nuôi lồng bè của các hộ dân đã chết ba đợt. Đợt 1 xảy ra vào ngày 7/7, có 16 hộ bị thiệt hại gần 7.000 con, đợt 2 vào ngày 8/7, có năm hộ bị thiệt hại gần 1.200 con và đợt 3 vào ngày 15/7, có 10 hộ thiệt hại hơn 4.500 con. Ước tính tổng thiệt hại sau ba đợt gần 42 tấn cá.

Hiện tại, các hộ dân nuôi cá lồng bè bị ảnh hưởng đang cố gắng thu gom cá bán lẻ ra Hòn Tre và chuyển đến một số nơi trong đất liền để tiêu thụ nhằm thu hồi phần nào vốn liếng đã bỏ ra đầu tư.

Lý giải nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt, cơ quan chức năng cho rằng có thể do ảnh hưởng nguồn nước nhưng nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được các ban ngành chuyên môn xác định để có biện pháp xử lý.

Trước đó, vào ngày 7 và 8/7, tại xã đảo Sơn Hải của huyện Kiên Lương cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhưng số lượng cá chết gấp 10 lần số cá thiệt hại tại Hòn Tre với gần 500 tấn cá.

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.

*******************

Philippines điều tra 3 sản phẩm thép nhập từ Việt Nam (RFA, 15/27/2020)

Cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines sẽ khởi xướng điều tra 3 vụ việc tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm thép Việt Nam nhập khẩu vào Philippines, bao gồm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu.

cachet2

Nhà máy sản xuất thép cuộn do nước ngoài đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam. AFP

Báo trong nước loan tin ngày 15/7, dẫn nguồn từ Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công thương Việt Nam.

Tin cho biết, Cục Phòng vệ Thương mại đã gửi thư đến Cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đề nghị cơ quan điều tra của Philippines tuân thủ nghiêm túc các điều kiện khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo đó, phía Philippines cần xem xét các số liệu nhập khẩu cập nhật nhất khi phân tích, đánh giá việc nhập khẩu có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.

Cục Phòng vệ Thương mại dựa vào số liệu nhập khẩu cập nhật cho rằng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu của Philippines từ Việt Nam ở mức không đáng kể.

Vì vậy, 3 sản phẩm thép vừa nêu đủ điều kiện để được loại trừ khỏi các biện pháp tự vệ của Philippines căn cứ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ và các phán quyết liên quan của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.

Trong thời gian tới, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp theo dõi diễn biến vụ việc, tiến hành các hoạt động cần thiết.

******************

Hơn một triệu người thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 (RFA, 15/07/2020)

Hơn một triệu người không có công ăn việc làm trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

cachet3

Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - AFP

Tổng cục Thống kê hôm 15/7 đã đưa ra con số trên trong báo cáo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm trở lại ; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động, nghĩa là không tham gia hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm cũng giảm 106 nghìn đồng, chỉ đạt 5,5 triệu đồng.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 55,46 triệu người, chiếm 57,65% tổng dân số. Tuy nhiên, lực lượng lao động có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,3% tương ứng hơn 12 triệu người.

Trong một diễn biến khác diễn ra cùng ngày, Bộ Công thương cho biết 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.

Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính mất khoảng 50% đơn đặt hàng trong tháng 5.

*******************

Loạn thi hoa hậu - ngành kinh doanh béo bở ? (RFA, 14/07/2020)

Trong buổi thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn diễn ra sáng ngày 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là lĩnh vực khó và phức tạp.

cachet4

Cô H'Hen Nie với phần thi trang phục dạ hội trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tại Bangkok vào ngày 13 tháng 12 năm 2018.

Đáng chú ý, ông Hiển cũng nhận định rằng tình trạng những cuộc thi người đẹp với nhiều cấp độ đang trở nên loạn đi vì gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, tốn giấy mực trên báo chí.

Vì vậy ông cho rằng nếu không cẩn thận thì những cuộc thi nhan sắc sẽ trở thành ngành kinh doanh béo bở, vì mục tiêu lợi nhuận, không chính đáng, từ đó làm méo mó hoạt động thi người đẹp, người mẫu.

Nhận xét về phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội với kinh nghiệm nghiên cứu xã hội lâu năm, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc từ lâu đã được kinh tế hóa :

"Chẳng phải bây giờ mà cũng từ khá lâu rồi nó đã là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận đáng kể cho những người tham gia vào cuộc thi như vậy, cả về ban tổ chức, người thi, doanh nghiệp đồng hành, doanh nghiệp trao giải… Tôi nghĩ nếu xem đấy là ngành kinh doanh nên có quy định rõ ràng để đảm bảo tính thị trường đồng thời đảm bảo không tác động xấu về mặt xã hội, văn hóa, truyền thống, đạo đức… Tôi thấy đấy là điều cần thiết nhưng chắc để đạt được cái đó thì phải còn tốn nhiều thời gian. Vì đối với Việt Nam những khả năng đưa ra luật để đảm bảo những điều chúng ta mong muốn thì còn lâu lắm".

Trao đổi với RFA tối 14/7, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cho biết pháp luật hiện nay có quy định rất rõ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực giải trí, du lịch, đặc biệt các cuộc thi người đẹp. Ông nói thêm :

"Hiện nay chính phủ ban hành Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu. Đối tượng tổ chức thi phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật hoặc có quyết định thành lập chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với mô hình công ty mà nếu công ty nào muốn tổ chức thì phải thực hiện theo đúng Nghị định 79 ban hành năm 2012 đối với cuộc thi người đẹp thì vùng, ngành hay đoàn thể nào ở trung ương và mỗi năm không quá 3 lần".

Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng giải thích trong Nghị định 79 nói rõ tiêu chuẩn thí sinh dự thi, giấy tờ hợp pháp để tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người mẫu…

Theo quan điểm cá nhân, chị Quỳnh Trang hiện đang sống tại Hà Nội bày tỏ chị đồng ý một phần nội dung mà ông Phùng Quốc Hiển nêu ra :

"Tổ chức nhiều cuộc thi thì bị loãng và cảm giác danh hiệu không còn cao quý như ngày xưa nữa. Ngày xưa một năm chỉ có 1, 2 lần thì mình thấy những người đoạt danh hiệu hoa hậu rất đáng ngưỡng mộ. Bây giờ thì tràn lan, quá nhiều giải nên không biết giải nào với giải nào và thấy rằng ai cũng có thể là hoa hậu hết, tiêu chuẩn hoa hậu bị giảm đi. Còn cái kêu là kinh doanh thật ra là không hẳn vì mọi người cứ bị áp đặt những vụ bắt bán dâm liên quan đến hoa hậu, người mẫu thì nghĩ đó là kiểu kinh doanh, nhưng thật ra không hẳn thế. Nếu nhiều quá mà đại trà chỉ làm giảm đi giá trị danh hiệu".

cachet5

Thiệp mời chương trình ‘Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019’. Nguồn : giadinh.net.vn

Thời gian gần đây, báo chí trong nước nhiều lần đưa tin về những bê bối liên quan đến các cuộc thi nhan sắc khắp dải đất chữ S bao gồm việc thí sinh mua giải, ban tổ chức sắp xếp kết quả, các chương trình không có giấy phép vẫn được tổ chức… Bên cạnh đó, thông tin về những đường dây người đẹp với mác hoa hậu, người mẫu ‘đi khách’ lâu lâu lại được tung ra.

Mới đây nhất, Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/7 đã bắt giữ anh Lục Triều Vỹ, 27 tuổi, ở Đà Nẵng với lý do đã đứng ra môi giới cho các chân dài gắn mác ‘hoa hậu, người mẫu’ bán dâm giá từ 18.000-30.000 đô la Mỹ.

Nhiều nhận định đưa ra cho rằng việc tham gia các cuộc thi nhan sắc, đem về những danh hiệu sẽ giúp cho hình ảnh thí sinh được nhiều người biết đến, có thể đem lại nhiều hỗ trợ cho những mục tiêu của người đoạt giải sau này.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận định đây là một thực tế mà có người thừa nhận và cũng có người không :

"Có người thừa nhận mục đích rõ ràng là đi thi để có danh tiếng để tạo ra hình ảnh, được nhiều người biết đến cho mục đích sau này, ví dụ cho kinh doanh chẳng hạn. Cũng có những người không thừa nhận. Trên thực tế tôi nghĩ phần đông những người tham gia đều có mục đích như vậy. Miễn là bất kỳ người nào cũng đều phải có đạo đức nghề nghiệp và có nhận thức chuyên môn đáng kể chứ không nên dùng những biện pháp mập mờ, gian lận thì bất kỳ người nào cũng không nên".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, dù chính phủ Hà Nội đã có những quy định được ban hành văn bản trong lĩnh vực nghê thuật tổ chức những cuộc thi hoa hậu, người mẫu, nhưng trong thực tế vẫn chưa được thực hiện triệt để. Do đó, ông đưa ra đề xuất :

"Tôi thấy cần phải có quy định để có những chế tài kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp. Phải có một quy định về chuẩn mực đạo đức đối với những người thi này. Nếu như họ vi phạm chuẩn mực đạo đức thì chúng ta sẽ thu hồi quyết định công nhận hoa hậu và tước quyền được công nhận đó bởi vì nếu không nó sẽ trở thành ngành kinh doanh béo bở qua những cuộc thi có người trục lợi, không đúng với ý nghĩa của nó và sẽ làm rối loạn xã hội. Hoạt động trong thời gian vừa qua mang lại rất nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu những trái đắng và chúng ta phải nhìn một cách thấu đáo, quản lý thế nào để đảm bảo định hướng văn hóa Việt Nam".

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần phải xử lý nghiêm, xử phạt vi phạm hành chính thật nặng và phải có hậu kiểm trong lĩnh vực biểu diễn để làm sao quản lý đối với hoạt động nghệ thuật trong lãnh vực thi hoa hậu, người mẫu hiện nay.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)