Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/05/2024

Chính trị Việt Nam xáo động, tại sao Trung Quốc được nhắc tới ?

BBC tiếng Việt

Quan sát những biến động chính trị từ trong vài tháng đầu năm ở Hà Nội, nhiều nhà phân tích quốc tế đưa ra các nhận định và câu hỏi lớn về tương lai của Việt Nam.

chinhtri1

Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

Bài viết của tác giả Bill Hayton được đăng tải trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) tập trung nhiều hơn tới sự ảnh hưởng của chính trị tới chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Hayton, tình hình chính trị của Việt Nam cho thấy việc Hà Nội đang dần rời xa phương Tây và nghiêng dần về phía Trung Quốc.

Trong khi đó, Bloomberg, một lần nữa, tiếp tục xoáy vào tác động của "bất ổn chính trị" tới nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại những biến động vài tháng gần đây trong chính trường Việt Nam, có một số sự kiện đáng chú ý sau :

- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt

- Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh mất chức

- Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Bình bị bắt

- Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

- Cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật

- Một số ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội bị khởi tố

- Các doanh nghiệp lớn bị điều tra, kéo theo đó là sự liên lụy của các quan chức (Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An…)

‘Nghiêng dần về phía Trung Quốc’

Dù từng hưởng lợi nhiều từ việc phương Tây đa dạng hóa đầu tư và rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang ngày càng trở thành một lựa chọn "rủi ro cho các nhà đầu tư", theo Tiến sĩ Bill Hayton trong bài viết đã đề cập ở trên.

Không lâu sau khi ông Thưởng từ chức, trong bài bình luận trên tờ Bloomberg, bà Karishma Vaswani cũng đánh giá rằng Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược "Trung Quốc + 1" do sẽ xuất hiện những lo ngại từ Mỹ về tính hình chính trị của Việt Nam.

Hiện trong Bộ Chính trị, chỉ có 4 người đạt đủ tiêu chuẩn nắm giữ chức vụ thuộc "Tứ Trụ", gồm :

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

- Thủ tướng Phạm Minh Chính

- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai

- Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự, các nhân vật khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thể được xét "ngoại lệ" để giới thiệu cho hai vị trí còn khuyết sau sự ra đi của ông Thưởng và ông Huệ.

Với việc cả ông Chính lẫn ông Tô Lâm đều đi lên từ ngành công an, Tiến sĩ Hayton cho rằng Việt Nam đang càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước "công an trị". Theo ông Hayton, điều này sẽ khiến các quốc gia dân chủ gặp khó khăn trong việc hợp tác với Việt Nam.

"Tuy những cuộc tranh giành quyền lực này không liên quan đến chính sách đối ngoại, nó sẽ khiến [Việt Nam] nghiêng dần về phía Trung Quốc và rời xa phương Tây".

"Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có thể tìm thấy sự chấp thuận nhiều hơn từ phía Nga và Trung Quốc", ông viết.

chinhtri2

Chỉ còn 4 người trong Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn nắm giữ chức vụ thuộc "Tứ Trụ"

Dù vẫn còn đó những bất đồng về chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn là đối tác lâu đời của Việt Nam trên nhiều phương diện.

Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2008, tới nay đã hơn 15 năm, và vào cuối năm ngoái đã nhất trí cùng nhau xây dựng cộng đồng "chia sẻ tương lai".

Lãnh đạo hai nước thường xuyên có các cuộc gặp mặt để tăng cường nhận thức chung của hai Đảng cộng sản và chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước.

Ông Hayton đánh giá rằng "Việt Nam có vẻ sẽ bắt chước xu hướng chính trị của Trung Quốc".

Chỉ vài ngày trước khi khi ông Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.

Có thể trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng cộng sản Việt Nam đã cập nhật cho "đảng bạn" những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.

Khoảng hai tuần trước khi mất chức chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, hôm 9/5, đã có thông tin Việt Nam trì hoãn cuộc gặp với Liên minh Châu Âu (EU) để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.

Gần đây, tài khoản X (Twitter) của BRICS đã đăng thông tin Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức này trong năm 2024.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/5, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng không hề phủ nhận thông tin này. Thay vào đó, bà Hằng cho biết Việt Nam "quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS".

BRICS là nhóm ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

‘Biến thành một tỉnh của Trung Quốc’

Trong bài viết mới đây trên trang Bloomberg, chuyên gia tài chính Shuli Ren nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một yếu tố khiến xu hướng đầu tư vào Việt Nam dần tập trung về các tỉnh và thành phố miền Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh.

Về xu hướng này, bà Ren nhận định rằng các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc, sẽ ưu tiên "lợi ích của giới tinh hoa chính trị [Việt Nam]" - điều mà theo bà là "không nằm ở miền Nam Việt Nam".

Những chuyển động bên trong chính trường Việt Nam đang dần "biến miền Bắc Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc", bà Ren đánh giá.

Năm 2023, Trung Quốc và Hong Kong lần đầu tiên vượt mặt Hàn Quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam kể từ năm 2014.

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, cũng có đánh giá tương đồng.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Brown cho rằng đó là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.

"Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay", ông nói.

Nói thêm về Quảng Ninh, bà Ren đánh giá rằng tỉnh này có lợi thế thu hút các nhà máy sản xuất do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đặc biệt nếu tình trạng thiếu điện diễn ra.

Tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải mua điện từ Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc.

Theo VnExpress, toàn bộ thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã sử dụng điện do Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) cung cấp từ tháng 5-7/2023.

Cần lưu ý rằng tỉnh Quảng Ninh có 132 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Việc mua bán điện tương tự sẽ "bất khả thi" nếu các nhà máy được đặt ở miền Nam Việt Nam, bà Ren đánh giá.

Bộ máy hành chính ‘trì trệ’

Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo thông tin do Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2024 đạt 16,41% tổng kế hoạch và đạt 17,46% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) thì giải ngân năm nay có tăng, nhưng vẫn khiêm tốn.

Bà Ren cho rằng chiến dịch "đốt lò" khiến các quan chức quá sợ hãi nên không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào, vì sợ sẽ gặp rủi ro.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, cũng đã có những nhận định tương tự từ nhiều nhà phân tích quốc tế. Họ cho rằng "bộ máy hành chính quan liêu" của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên "trì trệ".

Nhiều trong số các nhận định này được đưa ra trước cả khi ông Vương Đình Huệ mất chức, ông Phạm Thái Hà hay ông Mai Tiến Dũng bị bắt và trước khi ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật.

Nguyên nhân khiến ông Võ Văn Thưởng mất chức được cho là liên quan tới những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tương tự, việc ông Vương Đình Huệ mất chức và trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt được cho là liên quan tới sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.

Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố thì liên quan tới dự án ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Còn ông Lê Thanh Hải đang bị đề nghị kỷ luật liên quan tới các sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Có thể thấy được rằng hàng loạt những xáo trộn trong chính trị Việt Nam đều liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngày 9/5, trong báo cáo gửi Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định rằng trong nhiều vụ án tham nhũng, "có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp tư nhân".

Đánh đổi bằng sự phát triển của đất nước

Trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu Iseas (Singapore), Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát chính trị đương đại Việt Nam, đánh giá rằng chiến dịch "đốt lò" của Việt Nam không giải quyết được cốt lõi vấn đề.

Theo Phó Giáo sư London, việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đang gây ra "tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong đầu tư công".

Với cơ chế độc đảng, Đảng cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch "đốt lò" hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng "phải biết xấu hổ" của ông Trọng là vô vọng.

Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Chia sẻ với BBC vào tháng 7/2023 nhân phiên tòa "Chuyến bay giải cứu", ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS), đánh giá rằng vụ án này cho thấy chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chưa đủ để ngăn chặn nạn tham nhũng.

"Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự - đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng", ông David Hutt nhận xét.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông đặt vấn đề :

"Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng cộng sản sụp đổ ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ ? Hay chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và nhiều quan chức tham nhũng thoát tội ?"

Trong bài viết đã đề cập ở trên, tác giả Jonathan London nhận định thêm rằng lực lượng an ninh Việt Nam đang sử dụng chiến dịch "đốt lò" làm vỏ bọc cho một cuộc thanh trừng chính trị.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), cũng từng có đánh giá tương tự với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4.

Theo quan sát của Giáo sư Abuza, ông Tô Lâm đang "lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình".

chinhtri3

Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng" và được đóng dấu "Mật"

Cuối bài viết, ông London nhắc tới Chỉ thị 24 vừa bị rò rỉ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nội dung chỉ thị này đã gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức và hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Nhận xét về Chỉ thị 24, ông London cho rằng nó có nguy cơ "làm suy yếu hợp tác quốc tế và khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức phát triển quan trọng".

Tiến sĩ Bill Hayton, trong bài viết trên trang web của Chatham House, cũng đánh giá Chỉ thị 24 "sẽ gây ra tác động xấu tới nhiều lĩnh vực và đặc biệt sẽ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế".

Hôm 9/5, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội (MOLISA), đã bị bắt với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước.

Ông Bình được biết đến là người thúc đẩy nhiều cải cách về quyền của người lao động tại Việt Nam, vận động Việt Nam tham gia các cam kết quốc tế về công đoàn độc lập.

Việc bắt giữ ông Bình, theo đánh giá của tổ chức vận động nhân quyền Dự án 88 là có liên quan tới Chỉ thị 24 và điều này càng khiến Việt Nam bị đánh giá là không thực tâm trong các cam kết quốc tế về công đoàn độc lập, về quyền của người lao động.

Nguồn : BBC, 12/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 269 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)