Thủ tướng Việt Nam một lần nữa nhắc đến việc phải trọng dụng nhân tài, kể cả Việt kiều, trong khi một kinh tế gia Áo gốc Việt nổi tiếng về phản biện xã hội nói rằng cơ chế của nhà nước về sử dụng người tài "dậm chân tại chỗ hoặc tệ đi" trong 5-10 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017", Hà Nội, 28/8/2017
Báo chí trong nước dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 28/8 : "Chúng ta cần tạo những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước, kể cả đối với kiều bào nước ngoài".
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào" về phát triển kinh tế xã hội nói chung và về phát triển khoa học, công nghệ nói riêng. Theo ông, việc này "góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước".
Lời phát biểu của ông Phúc được đưa ra tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017". Cuốn sách nói về 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu.
Việc trọng dụng nhân tài dường như được thủ tướng đương nhiệm rất coi trọng. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tháng 4 năm ngoái, ông Phúc cho báo chí biết trong số 6 trọng tâm điều hành chính phủ của ông, trọng dụng nhân tài là một thành phần trong trọng tâm thứ nhì, đứng ngay sau trọng tâm thứ nhất là "ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Trong suốt hơn một năm nắm quyền, vị thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến thu hút, trọng dụng nhân tài.
Ba tháng sau lễ nhậm chức, trong một phiên họp nội các, ông Phúc phát biểu về công tác rằng việc các cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển là "để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà". Ông nói thêm, "Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ".
Khi còn là phó thủ tướng, ông Phúc từng làm xôn xao dư luận khi thẳng thắn chỉ ra rằng "có 30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", với hàm ý số người không có năng lực trong các cơ quan nhà nước chiếm tỉ lệ rất lớn.
Tháng 8/2016, trong một lần gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Phúc khẳng định để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên "thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi" và nói thêm rằng "do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền".
Đầu tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phúc từng nói đến việc cần phải "tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy, sử dụng nhân tài", mà theo ông là bao gồm cả "người chưa vào đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những diễn biến trái với mong muốn của vị thủ tướng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, nói với VOA :
"Nhìn chung khu vực nhà nước trong vòng 5, 10 năm qua vẫn còn rất là kém trong chuyện thu hút người tài. Có lẽ người tài hoặc là không muốn làm việc trong khu vực nhà nước hoặc không vào làm việc được nếu như người tài đấy không có quen thân hoặc con ông cháu cha. Qua khảo sát PAPI mà chúng tôi làm, là chỉ số về sự hài lòng của người dân, thì thấy phần lớn người dân phản ảnh là nếu không có quan hệ cá nhân, không có quen thân, không có phong bì thì không thể xin vào khu vực nhà nước được. Rõ ràng với cơ chế như thế, chúng ta sẽ loại người tài ra bên ngoài".
Vị tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt nói ngoại lệ hiếm hoi là thành phố Đà Nẵng. Địa phương này trả những mức lương rất cao và có chế độ coi trọng người tài rất cụ thể, trong khi hầu hết các tỉnh thành khác không làm tương tự.
Đà Nẵng được xem là nơi có chính sách tốt thu hút nhân tài
Ông Giang, người tham gia một số cuộc nghiên cứu, khảo sát ở Việt Nam, bình luận thêm rằng cá nhân ông thấy trong nhiều năm qua cơ chế sử dụng người tài của nhà nước "vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí còn tệ đi" và đó là "vấn đề rất lớn khi quốc gia muốn phát triển".
Đối với những người không có mối quan hệ, tình hình là như vậy. Trong khi đó, những năm gần đây, có những người còn rất trẻ được bổ nhiệm thần tốc vào những vị trí rất cao trong các cơ quan hay tập đoàn nhà nước Việt Nam. Công chúng đã kết nối việc bổ nhiệm này với thực tế là những người đó có bố hoặc chú, bác là các quan chức cấp cao.
Nhiều người bình luận trên báo chí và mạng xã hội rằng việc con cháu quan chức thành đạt là điều bình thường ở nhiều nước ngoài vì họ có cơ chế tranh cử hoặc thi tuyển công khai, minh bạch. Còn với thực tế ngược lại ở Việt Nam, đã nổi lên những nghi vấn về sự thăng tiến nhanh chóng của các "con quan", "cháu quan".
Tiến sĩ Giang cho rằng bên cạnh việc cần phải cải thiện sự công khai, minh bạch, công cuộc thu hút nhân tài của Thủ tướng Phúc còn phải đối mặt với lực cản lớn từ tính cục bộ của các địa phương và bộ ngành :
"Cái quan trọng nhất là phải bỏ đi, phải diệt trừ chủ nghĩa vị thân, con ông cháu cha, nepotism [gia đình trị], và phải công khai, minh bạch hóa tất cả các quy trình tuyển người, đánh giá, thi cử công chức, tuyển chọn, v.v… Nói như ông thủ tướng thì rất dễ, nhưng từ việc nói đấy đến chỗ thực hiện là một khoảng cách rất là dài. Vì làm sao phải công phá được những lô cốt là các chính quyền địa phương và các bộ ngành. Tôi nghĩ mình ông thủ tướng chắc sẽ không làm được".
Trong lời phát biểu hôm 28/8, ông Phúc cũng lưu ý đến việc cần "trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào" về phát triển kinh tế xã hội.
Tiến sĩ Giang một lần nữa chỉ ra rằng giữa những hô hào của người đứng đầu chính phủ với các động thái của các bộ ngành, địa phương có một khoảng cách lớn.
Theo lời tiến sĩ, chỉ riêng vài tháng gần đây, nhiều điều thể hiện rằng ý thức lắng nghe từ phía chính quyền "rất là thấp", thậm chí không đếm xỉa đến các ý kiến của các nhà khoa học hoặc các tổ chức xã hội dân sự.
Ông Giang nêu ra một loạt các ví dụ, từ dự án phát triển du lịch gây hại môi trường, cảnh quan ở Sơn Trà, Đà Nẵng, đổ chất thải ở nam trung bộ, cho tới dự định xây cáp treo vào Hang Én, gần Sơn Đoòng, Quảng Bình.
Vị phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cảnh báo rằng việc không lắng nghe sẽ dẫn đến những phản ứng xấu :
"Khi mà người ta có cảm giác không được lắng nghe, người ta sẽ bức xúc, sẽ phản ứng tiêu cực, hoặc là sẽ chán nản. Những người giỏi và bình tâm thì chán nản. Những người hay thích sa vào chuyện chửi đổng, chửi bới sẽ còn giận dữ hơn nữa. Tóm lại sẽ thiệt cho đất nước mà thôi".