Phiên xử cựu Đại biểu Quốc hội : Tín hiệu âm thanh mất ‘đúng quy trình’ (VOA, 11/10/2017)
Tín hiệu âm thanh từ phòng xử án ngày 9/10 mất đột ngột đến 2 lần khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và luật sư nói về 12 tỷ đồng "chạy" dự án. Cộng đồng mạng gọi đây là sự cố "tắt đúng quy trình", trong khi một luật sư từ Việt Nam cho đây là điều "rất không hay" cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Hình ảnh trong phiên tòa xử bà Châu Thị Thu Nga ngày 9/10/2017. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.
Theo Tiền Phong, trong phiên xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dự án B5 Cầu Diễn, khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đến số tiền "chạy" ghế đại biểu quốc hội, tín hiệu âm thanh từ phòng xử sang phòng báo chí bị tắt đột ngột, chỉ còn lại phần hình ảnh. Đáng ngạc nhiên là tín hiệu âm thanh lại tiếp tục "mất lần hai" khi luật sư nói đến 12 tỷ đồng "chạy" dự án.
Một trong những nhân chứng có mặt trong phòng xử, Luật sư Trương Anh Tú, nói với VOA rằng ông không hay biết gì về chuyện này.
"Bản thân tôi là người bào chữa trong phiên tòa thì thấy không khí diễn ra một cách bình thường. Hội đồng xét xử rất dân chủ. Không gian để luật sư làm việc trong vụ này tương đối thoải mái. Còn ở phía ngoài thì tôi không rõ tình huống xảy ra thế nào".
Trong khi đó, Luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi sát và có nhiều ý kiến được quan tâm về vụ án, diễn giải sự việc :
"Các nhà báo ngồi ở phòng khác. Còn các luật sư ngồi ở phòng có bị cáo. Cho nên cho dù có hay không thì mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, người ta sẽ lập luận rằng vấn đề kỹ thuật này chỉ xảy ra đối với phòng có các nhà báo thôi. Đó là vấn đề kỹ thuật, còn việc xét xử chúng tôi vẫn làm đầy đủ".
Theo cáo trạng, bà Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng cho môi giới, chi hơn 80 tỷ đồng cho mục đích cá nhân và hoạt động của công ty Housing Group do bà đứng đầu. Ngoài ra, Housing Group còn thực hiện một số dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tin cho hay bà cựu đại biểu Quốc hội đã thu của khách hàng hơn 377 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án xây dựng ở Hà Nội. Trong đó, có 157 tỷ sử dụng không có chứng từ. Theo Vietnamnet, bà Nga khai ngoài số tiền đã chi cho 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc Housing Group, bà đã chi 47,7 tỷ đồng để "chạy" dự án và để được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Trong một video đăng trên trang mạng của Zing ngày 10/10, bà Nga đã đề nghị "làm rõ vấn đề tội danh" và "trong bản án có những vấn đề chưa khách quan". Bà nói : "Tôi khẳng định tôi cùng tất cả 9 bị cáo ở đây, chúng tôi không lừa đảo, chúng tôi không chiếm đoạt tài sản, nên tôi đề nghị Hội đồng Xét xử làm rõ giùm tôi thực chất vấn đề này là gì".
Trong phiên xử trước đó vài ngày, khi bà Châu Thị Thu Nga xin khai về số tiền 30 tỷ đồng (tương đương 1,5 triệu đôla) mà bà "chạy" chức bà nghị, tín hiệu âm thanh trong phòng báo chí cũng bị mất.
Trên mạng xã hội, một số người nói tín hiệu âm thanh trong phòng xử bà Nga đã "tắt đúng quy trình", trong khi nhiều người khác tỏ ý nghi ngờ về những chi tiết "nhạy cảm" của vụ án có thể đã bị ngăn chặn để tránh hậu quả lớn.
Từ Hà Nội, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng đây là một điều "rất không hay" cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Ông nói : "Vụ này khiến người ta nhớ lại nhiều vụ án khác nhạy cảm hay liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng. Phải chăng người ta ngại rằng có những thông tin nào đó nhạy cảm lọt ra ngoài, các nhà báo sẽ đăng lên Facebook hoặc trên báo chí thì sẽ là phốt. Tức là chúng ta suy đoán rằng có sự lo ngại về vấn đề đấy, nhưng chúng ta không có bằng chứng. Tuy nhiên nếu việc này xảy ra nhiều, người ta sẽ nghi ngờ rằng phía tòa án đã có lệnh của ai đó, không muốn thông tin đầy đủ của vụ án bị đưa ra ngoài".
Hội đồng Xét xử vụ án nói lý do không để bà Nga và luật sư đề cập đến số tiền 157 tỷ đã sử dụng là vì hết thời hạn điều tra.
Luật sư Trương Anh Tú giải thích thêm về yếu tố "vướng" này :
"Thời hạn điều tra trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế này thì cũng chỉ được phép diễn ra hơn 1 năm thôi. Mà vụ án này đã điều tra đến hai năm, họ không thể ngâm hồ sơ mãi đến 3, 4, 5 năm rồi mới giải quyết được. Cho nên xét về mặt hình thức, một số nội dung có thể được tách ra để giải quyết trong một vụ án khác để tránh việc xâm phạm thời hạn điều tra trong tố tụng hình sự. Còn về mặt nội dung thì nói chung là phức tạp".
Trong khi đó, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng việc tách riêng nội dung có liên quan đến việc "chạy" dự án và ghế Quốc hội là không đúng.
"Đúng ra phải có cái quyết định tách của ban điều tra. Nhưng theo tôi được biết, không có quyết định tách này. Quyết định bằng văn bản ra quyết định tách, căn cứ theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự, hoặc khởi tố vụ án khác về vụ đưa nhận hối lộ là không có. Cho nên việc thẩm phán dựa vào các văn bản của cơ quan điều tra mà lại không đúng theo trình tự thủ tục tố tụng thì theo tôi là không đúng".
Theo ông, các luật sư và các bị cáo có thể khiếu nại về việc này.
Trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Trần Vũ Hải nói "việc bà Nga chạy dự án (cùng việc chạy ghế bà nghị) cũng liên quan mật thiết đến vụ án này, để xác định nguyên nhân, sự thật của vụ án".
Theo ông, lời khai của bị cáo, vốn là người trong cuộc, cần phải được tôn trọng, nhất là khi Đảng và Nhà nước Việt Nam đang "kêu gào chống tham nhũng, đặc biệt trong chạy chức, chạy dự án".
Khánh An
****************
Chuyên gia : ‘Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân muộn còn hơn không’ (VOA, 11/10/2017)
Chính phủ Việt Nam mới đây thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong đó có Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu đánh giá động thái này là "đúng hướng" và "muộn còn hơn không".
Kinh tế tư nhân Việt Nam còn nhỏ lẻ, cần sự thúc đẩy của nhà nước
Các trang thông tin chính thức của chính phủ cho hay hôm 6/10 rằng đứng đầu Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Thành viên hội đồng gồm một số nhân vật đình đám như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam ; ông Don Di Lam, một doanh nhân Việt kiều Canada, người cũng có chân trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới ; hay ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban Cố vấn Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam.
Trong hội đồng này, có Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình làm trưởng ban và ông Don Di Lam là phó trưởng ban.
Thông tin của chính phủ cho biết ban này sẽ nghiên cứu, tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.
Hồi cuối tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình lên thủ tướng đề án về phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đề án của bộ đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP đạt khoảng 50% và năm 2035 đạt khoảng 60-65%.
Số liệu thống kê cho đến năm 2015 cho thấy kinh tế tư nhân đóng góp hơn 39,21% GDP so với gần 29% của khu vực kinh tế Nhà nước, và hơn 18% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc lập hội đồng và ban kể trên diễn ra trong bối cảnh từ nhiều năm nay ngày càng có những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn muốn nhà nước giảm thủ tục hành chính và "cởi trói" cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi nhiều tập đoàn nhà nước thua lỗ nặng hoặc hoạt động hiệu quả thấp do quản lý kém hoặc tham nhũng.
Không có con số thống kê đầy đủ nhưng tại phiên họp Quốc hội Việt Nam hồi tháng 5, một phó thủ tướng xác nhận có ít nhất 12 dự án của nhà nước bị thua lỗ lớn. Các dự án này có tổng mức đầu tư là 63 nghìn 600 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp đó chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 5, Bộ Tài chính cảnh báo rằng trong năm nay, mức hụt thu ngân sách do doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12 nghìn đến 14 nghìn tỷ đồng.
Nhiều nhà phân tích đã đánh giá rằng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cho thấy họ chưa đóng được vai trò là nòng cốt của nền kinh tế đất nước, vì vậy cần trao cho doanh nghiệp tư nhân các điều kiện tốt hơn để họ đóng vai trò lớn hơn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét về quyết định hôm 6/10 của chính phủ :
"Muộn còn hơn không. Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 55 về năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng xếp rất thấp về mặt thể chế, về bộ máy, về chi phí ngoài pháp luật. Cho nên việc chính phủ nhận thức thấy và thúc đẩy việc này, theo tôi là điều đúng đắn, và dấy lên niềm hy vọng cho các doanh nghiệp".
Việt Nam đã phát triển chậm lại kể từ năm 2011, vừa do những vấn đề nội tại của nền kinh tế, vừa do tác động đáng kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân toàn nền kinh tế đạt khoảng hơn 5,9%, thấp hơn so với mức 6,32% của 5 năm trước đó.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần tuyên bố mạnh mẽ rằng chính phủ của ông đặt trọng tâm vào việc kiến tạo phát triển, trong đó có nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá các chuyển biến còn chậm. Chuyên gia Lê Đăng Doanh khẳng định cải cách hành chính và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển giờ đây là những vấn đề cấp bách để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Ông nêu ra kỳ vọng về Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân :
"Tôi rất mong là hai ban này sẽ làm việc một cách công khai minh bạch, sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong xã hội, và sẽ nêu lên các kiến nghị cụ thể và sát cánh để giúp đỡ chính phủ để thực thi cái đó trong thực tế. Tôi lại một lần nữa nhấn mạnh là phải công khai minh bạch, hợp tác rộng rãi để tránh, để khắc phục những biểu hiện lợi ích nhóm".
Các con số không thống nhất của hai bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có trên 535.000 doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, tính đến giữa năm nay. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh từ 6.000 vào năm 2001 còn 718 ở thời điểm tháng 12/2016.
Theo đề án phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nhắm mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, năm 2025 là khoảng 1,5 triệu và đến năm 2030 khoảng 2 triệu doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu, đề án kiến nghị chính phủ thực hiện việc quan trọng hàng đầu là sửa đổi các quy định bất hợp lý đang làm gia tăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.