Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/10/2017

Đảng cộng sản xúi báo chí hăm dọa "những bàn tay nhúng chàm"

GDVN

"Ai đã trót nhúng chàm thì cần soi gương, rửa tay cho sạch sẽ, không tái phạm" (GDVN, 16/10/2017)

"Dù đau xót, nhưng đã vi phạm điều lệ Đảng thì phải xử lý, vì sự tồn vong của Đảng, xử lý cho những ai đã trót nhúng chàm thì soi gương, rửa tay cho sạch sẽ".

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như trên, tại hội nghị tiếp xúc với cử tri của huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/10.

Như những buổi tiếp xúc cử tri khác, vấn đề phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề được đông đảo cử tri của thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt.

Có quá nhiều hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu

Cử tri Lê Hùng (xã Tân Hiệp) nêu vấn đề : "Hiện có quá nhiều hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu. Một số cán bộ vi phạm, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, mà chỉ kỷ luật khiển trách, thuyên chuyển công tác thì nhẹ quá. Xử lý kiểu vậy chỉ làm mất lòng tin với nhân dân, với quốc tế".

hamdoa1

Cử tri huyện Hóc Môn phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (ảnh : P.L)

Cử tri Nguyễn Kiên (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) thì đánh giá cao việc gần đây, trung ương đã xử lý rất quyết liệt một số vụ tham nhũng lớn, đi đến cùng và đã xử lý cán bộ cấp cao, đang tại chức có sai phạm. 

Dù vậy, cử tri Kiên có mong muốn, thành phố cũng sẽ làm được mạnh tay như trung ương, tập trung vào những đối tượng tham nhũng vặt, hối lộ, mãi lộ…

"Nó đang gây nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân" – cử tri Nguyễn Kiên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Kiên còn bức xúc đề cập đến một vấn đề, tài sản do tham nhũng mà có thường không được kê khai, nên khi bị sờ tới, thì những đối tượng tham nhũng đã tẩu tán mất tiêu.

Theo ông Nguyễn Kiên, dứt khoát không thể nào để bọn tham nhũng nằm trong bộ máy Nhà nước. Chủ động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, đã có luật rồi thì xây dựng các văn bản dưới luật thật chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho bọn tham nhũng hình thành.

Ai đã trót nhúng chàm thì cần soi gương, rửa tay cho sạch sẽ

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cử tri bức xúc với vấn đề chống tham nhũng là chính đáng.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội đã làm rõ được trách nhiệm của những cán bộ vi phạm.

Nếu trước đây, ta chỉ xử lý những cán bộ đã về hưu, thì nay đã xử lý những cán bộ cấp cao, hiện vẫn còn đang đương chức.

hamdoa2

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết luận tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn chiều 15/10 (ảnh : P.L)

"Dù đau xót, nhưng đã vi phạm điều lệ Đảng, đã tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý, vì sự tồn vong của Đảng, xử lý cho những ai đã trót nhúng chàm thì soi gương, rửa tay cho sạch sẽ, không được tái phạm nữa" – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề là làm sao, phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực ?

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân thông tin : Hiện Thường trực Thành ủy đang chuẩn bị một đề án, cơ chế tiếp nhận tố cáo hay khiếu nại của dân, xử lý nguồn thông tin thông qua thông tin báo chí, giám sát của Mặt trận.

Người đứng đầu Thành ủy thành phố nói tiếp : Như vậy, hiện ta đã có 4 kênh tiếp nhận thông tin là : Thành ủy, Ủy ban, Mặt trận và báo chí. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân thì sự phối hợp có vẻ chưa chặt chẽ.

Trong quí 4, thành phố sẽ cử các đoàn công tác, về tận các quận huyện, ghi nhận về ý kiến của người dân đánh giá về hệ thống chính quyền hài lòng hay không.

"Gần dân để giải quyết sớm những bức xúc của người dân. Cái nào làm được thì làm ngay, còn cái nào chưa làm được ngay, vướng ở chỗ nào thì nói cho dân biết, nghiên cứu để sớm có giải pháp thực hiện phù hợp". – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

Phương Linh

***********************

Thủ tướng : "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được" (GDVN, 15/10/2017)

Các địa phương thực hiện nghiêm thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Ngày 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới"

Tham dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Lãnh đạo các địa phương dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, nhất là từ các địa phương. Các bộ, ngành cũng đã báo cáo giải trình, bổ sung thêm về một số vấn đề liên quan.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Hiện nay, đối với một số địa phương, rừng đã trở thành thế mạnh.

"Vừa rồi, tôi có đi lên Tây Bắc bằng máy bay, đi Đồng bằng sông Cửu Long, thấy màu xanh thì mừng lắm", Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên.

Năm 2016 tăng 315.826 ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD.

"Có người nói phá rừng nhiều thì độ che phủ sao lại cao thế. Nhưng tôi nói lại là, không phải, anh chỉ nhìn vào một số vụ nổi lên thôi chứ tổng thể thì giảm", Thủ tướng chia sẻ và cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác rừng tự nhiên được các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện. 

hamdoa3

Thủ tướng trao đổi với lực lượng công an, kiểm lâm bên lề hội nghị - ảnh : vgp.

Việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng, tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. 

Đánh giá một cách tổng quát, Thủ tướng cho rằng, mặt nổi trội vẫn nhiều hơn hạn chế, bức tranh tổng thể về công tác quản lý, bảo vệ rừng là tích cực.

Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. 

Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà theo Thủ tướng, là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp các ngành. Địa phương thiếu cương quyết trong xử lý. 

"Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không ?", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.

Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng chia sẻ qua chuyến khảo sát tại Hà Lan cũng như Đồng bằng sông Cửu Long gần đây thì biện pháp rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, chống sạt lở.

"Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay", Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng "cha chung không ai khóc".

Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán quyền phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.

Khẩn trương rà soát để giao, cho thuê đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý, hoàn thành vào năm 2020 với tinh thần "rừng, đất rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm".

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn các tổ chức có liên quan, nhất là lực lượng kiểm lâm. Chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chú ý đến vấn đề hợp thức hóa những "khu vực đất vàng" có rừng ở xung quanh những đô thị lớn", Thủ tướng nói.

Các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội phải có sự phân công, xác định trách nhiệm cụ thể. 

Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên.

Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về gương điển hình trong quản lý, bảo vệ rừng, phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất để đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm.

Diệu Linh

Quay lại trang chủ
Read 816 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)