Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/10/2017

Công an tham nhũng thì chịu kỷ luật nào ?

Tổng hợp

Tướng công an nói về Phó phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai : 'Kỳ lắm' (news.zing, 22/10/2017)

"Cán bộ đã cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông mà bố trí lại làm cảnh sát giao thông thì kỳ lắm", trung tướng Nguyễn Phúc Thảo, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) nói.

Trao đổi với Zing.vn chiều 21/10, trung tướng Nguyễn Phúc Thảo, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), cho biết khi ông còn làm Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, những cán bộ có điều tiếng là bị luân chuyển ngay sang bộ phận khác. Đối với cảnh sát giao thông, khi ra khỏi lực lượng này thì sẽ không được làm cảnh sát giao thông nữa.

"Cán bộ đã cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông mà bố trí lại làm cảnh sát giao thông thì kỳ lắm", vị trung tướng nói.

csgt1

Ông Võ Đình Thường. Ảnh : Người Lao Động

Cùng quan điểm, thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, nói rằng không có văn bản nào trong ngành quy định việc cảnh sát giao thông bị kỷ luật thì không được làm cảnh sát giao thông trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Bé Tư thì việc tổ chức bố trí, sắp xếp như vậy là không nên bởi một người từng bị tai tiếng, ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông mà nay lại làm cảnh sát giao thông thì chắc chắn sẽ bị dư luận không tốt.

"Ở chỗ đó mà đi vì sai phạm thì không nên bố trí lại, cần cân nhắc. Còn chuyện bị kỷ luật 14 năm trước mà nay làm phó phòng thì không nhanh. Bị cách chức, một năm sau là xóa kỷ luật, nếu phấn đấu tốt thì quy hoạch trở lại, sau đó lên đội phó rồi đội trưởng và phó phòng. 14 năm cũng gần 3 nhiệm kỳ chứ đâu có ít", thiếu tướng Bùi Bé Tư nêu quan điểm với Zing.vn.

Những ngày qua xuất hiện dư luận không tốt về thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an Đồng Nai, khi ông này ký giấy mời tài xế lên làm việc vì cho rằng họ có hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

csgt2

Ông Thường ký giấy mời tài xế. Ảnh : H.X.

Sau vụ việc này, nhiều người lật lại hồ sơ của ông Thường và cho rằng ông có quá trình thăng tiến bất thường.

Theo thông tin xác minh, năm 2003 ông Võ Đình Thường (lúc đó mang hàm đại úy, Trưởng trạm cảnh sát giao thông Dầu Giây) bị báo chí phanh phui về việc ông cùng các chiến sĩ có hành vi tiêu cực.

Công an Đồng Nai và các cơ quan chức năng sau đó vào cuộc làm rõ vụ việc. Đến tháng 6/2003, Công an Đồng Nai cách chức ông Võ Đình Thường và xử lý sai phạm, tiêu cực với 10 thuộc cấp của cán bộ này.

Việt Tường

***********************

Đồng Nai : Phó phòng Cảnh sát giao thông xác nhận từng bị kỷ luật (BBC, 21/10/2017)

Tên tuổi ông Võ Đình Thường bắt đầu thu hút dư luận sau khi có thông tin ông gửi giấy mời làm việc với 20 tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa hôm 18/10.

ca1

Ông Võ Đình Thường bắt đầu được dư luận chú ý sau khi ông ký đơn mời các tài xế trả tiền lẻ lên làm việc

Người dùng mạng xã hội sau đó nhanh chóng phát hiện có một đại úy trùng tên ông, từng làm Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây nhưng đã bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng Cảnh sát giao thông cách đây 14 năm.

Hôm 21/10, Thượng tá và Phó phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai Võ Đình Thường chính thức thừa nhận ông là vị cán bộ Cảnh sát giao thông bị kỷ luật năm 2003.

Trả lời phóng viên báo Người Lao Động, ông nói : "Hồi đó, tôi làm Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây và có nhiều cán bộ, chiến sĩ sai phạm nên bị Ban Giám đốc Công an tỉnh kỷ luật cách chức và luân chuyển công tác.

Nói chung, không ai muốn nói lại quá khứ làm gì. Anh cũng biết rồi, trong đời ai cũng có khuyết điểm".

Ông Thường giải thích thêm rằng sau khi bị kỷ luật, ông về công tác tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Đồng Nai, ông đã "làm việc rất tốt và được chiến sĩ thi đua", và được xóa kỷ luật.

ca2

Lá thư ông Thường ký mới một tài xế trả tiền lẻ ở trạm BOT Biên Hòa

Sau đó, ông về làm tại Đội Cảnh sát trật tự 113. Ông nói ông "nỗ lực hết mình và bắt rất nhiều tội phạm" và "thường xuyên được tặng giấy khen".

Ông tiếp đó được bổ nhiệm làm Phó phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường và cuối cùng luân chuyển về làm Phó phòng Cảnh sát giao thông.

Ông phủ nhận chuyện mình là con rể Giám đốc BOT Biên Hòa, nói đó là "lời đồn ác ý".

Ông cũng nói việc viết thư mời triệu tập tài xế liên quan đến BOT Biên Hòa không phải là do cá nhân ông quyết định mà có sự chỉ đạo từ UBND tỉnh.

"Chuyện tin đồn mấy hôm nay khiến tôi buồn lắm…", báo Người Lao Động dẫn lời ông Thường.

Trong khi đó, cũng hôm 21/10, báo Infonet dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công An đang yêu cầu làm rõ vụ việc của ông Thường.

Cũng theo báo này, vào năm 2003, Đại úy Võ Đình Thường bị phát hiện "nhận hối lộ, tổ chức 'làm luật' với ô tô trên các tuyến đường trạm Dầu Giây.

Hôm 21/10, VTC News cũng tiết lộ một đoạn ghi âm lại buổi giao ban chiều 16/6/2003 của Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây, trong đó ông Thường phát biểu rằng :

"Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết... Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý".

Trong văn bản quyết định cách chức ông Thường năm 2003 có ghi, "Đại úy Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Khi xảy ra sai phạm, ông Thường không chấn chỉnh mà còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành".

****************

Công an Gò Vấp bao che cán bộ vòi tiền ‘chạy án’ (Người Việt, 19/10/2017)

Một thượng úy Đội Điều tra tổng hợp công an quận Gò Vấp, bị tố đã gợi ý gia đình nghi phạm đưa 300 triệu đồng để được tại ngoại. Thế nhưng, lãnh đạo nơi này cho rằng "hành vi chưa được thực hiện" nên không buộc tội.

ca3

Hình ảnh công an ăn hối lộ trở thành chuyện thường ngày ở Việt Nam. (Hình : Getty Images)

Ngày 19 tháng Mười, ông Trà Văn Lào, trưởng công an quận Gò Vấp, xác nhận với báo Tuổi Trẻ cho biết, đang xem xét, làm rõ trách nhiệm của ông N.T.B., thượng úy, cán bộ đội điều tra tổng hợp, công an quận Gò Vấp do bị tố cáo "có hành vi gợi ý gia đình nghi phạm đưa 300 triệu đồng để giúp chạy án".

Đồng thời, công an quận Gò Vấp đang xem xét trách nhiệm của các cán bộ sơ suất trong quá trình kiểm tra, giám sát bị can trong nhà tạm giữ, để bị can viết thư ra ngoài.

Trước đó ngày 27 tháng Ba 2017, công an quận Gò Vấp bắt giữ bà P.T.K.L. để điều tra tội "Trộm cắp tài sản" với số tiền gần 7.000 USD (tương đương 150 triệu đồng). Ông N.T.B. được phân công thụ lý vụ việc.

Theo nội dung tố cáo, trong thời gian điều tra, Thượng Úy B. gọi điện thoại đề nghị bà D., là con gái của bà L., nói muốn bà L. được tại ngoại phải "chạy" số tiền 300 triệu đồng.

Đến đầu tháng Năm 2017, có hai người phụ nữ đến gặp bà D. đưa bức thư được chính bà L. viết từ trong trại giam, nhắn : "Bà L. nhờ chạy lo số tiền 300 triệu đồng để được ra ngoài". Do bị thúc ép gợi ý chạy tiền, bà D. đã làm đơn tố cáo.

"Tuy nhiên, qua toàn bộ các chứng cứ chưa đủ cơ sở kết luận cán bộ B. tiêu cực trong vụ việc này, do sự việc chưa xảy ra, hành vi chưa được thực hiện. Thượng Úy B. chỉ gọi điện thoại hẹn gặp bà D. để thông báo, trao đổi, giải thích về vấn đề khởi tố vụ án của mẹ bà D. là việc cá nhân, không nằm trong kế hoạch điều tra", kết quả giải quyết tố cáo kết luận. (Tr.N)

*****************

Đắk Lắk : Bắt thượng tá công an lừa đảo đang trốn chạy (Người Việt, 17/02/2017)

Sau khi bị khởi tố để điều tra tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thượng tá phó Phòng Cảnh Sát Công An tỉnh Đắk Lắk đã bỏ trốn vừa bị truy nã bắt lại sau hơn nửa năm lẩn trốn.

ca4

Một trong những nạn nhân (trái) tố cáo ông Y Tuyến Ksơr. (Hình : Báo Người Lao Động)

Chiều 17 tháng Hai, nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Bùi Trọng Tuấn, trưởng Phòng Công An tỉnh Đắk Lắk cho biết, công an đã di lý bị can Y Tuyến Ksơr, thượng tá, phó phòng cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội tỉnh từ Đà Nẵng về Đắk Lắk để điều tra.

Theo ông Tuấn, sau khi bị khởi tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Y Tuyến Ksơr đã bỏ trốn khỏi nơi cơ trú. tháng Mười Hai, 2016, công an tỉnh buộc phải ra lệnh truy nã ông Ksơr. Nhưng cho đến ngày 16 tháng Hai, Phòng Cảnh Sát truy nã tội phạm tỉnh Đắk Lắk phối hợp với công an Đà Nẵng mới bắt được ông này.

Như truyền thông Việt Nam đã loan tin, giữa năm 2016, trong lúc đang công tác, ông Ksơr bị nhiều người tố cáo đã nhận tiền để "chạy" cho con em của họ được vào học các trường thuộc ngành công an, mỗi trường hợp hàng trăm triệu đồng, với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Để tạo niềm tin, ông Ksơr đã viết giấy giao nhận tiền, ghi rõ tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, nơi công tác. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của nhiều người, ông này không "chạy" được trường, không hoàn trả lại tiền và cắt đứt liên lạc nên người dân đã làm đơn tố cáo.

Qua xác minh, cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Lắk đã xác nhận sự vụ và khởi tố vụ án. Tuy nhiên, ông thượng tá công an "xin nghỉ ốm và nghỉ phép đi điều trị bệnh liên quan đến thần kinh ở Sài Gòn" và lẫn trốn cho đến khi bị truy nã bắt giữ. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)