Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/12/2017

Việt Nam : bế tắc nghề cá nhưng mức sống khá hơn ?

RFA tiếng Việt

Tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng (RFA, 05/12/2017)

Từ cuối năm 2015 đến nay, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp.

tauca1

Làng chài Đại Lãnh hôm 19/3/2016.   AFP photo

Điều này được nêu ra trong báo cáo về kết quả giám sát thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến thủy sản và an ninh quốc phòng giai đoạn 2011 đến 2016. Báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc hội vào hôm 5/12.

Báo cáo nêu rõ từ năm 2010 đến năm 2016 đã có hơn 1.000 vụ và gần 14.000 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.

Những tàu cá này chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang. Và các quốc gia những tàu cá này vi phạm vùng biển bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia và một số quốc đảo Thái Bình Dương.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho chủ yếu là vì lợi ích kinh tế. Báo cáo nhận định tình trạng này xảy ra phần lớn là do quản lý Nhà nước giữa kinh tế và quốc phòng an ninh chưa hiệu quả.

Trong một diễn biến khác, Tổng cục Kiểm ngư cho biết tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ngày càng gia tăng. Nếu năm 2015 chỉ phát hiện hơn 5.200 lượt tàu Trung Quốc vi phạm thì đến năm 2016 con số này lên tới hơn 15.500 lượt tàu.

*******************

Việt Nam thông qua kế hoạch khắc phục đánh bắt cá trái phép (RFA, 04/12/2017)

Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển- Nông thôn Việt Nam vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách sau khi bị Liên Minh Châu Âu cảnh cáo thẻ vàng về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).

tauca2

Công nhân đang xúc đá lên tàu cá ở một cảng ở thành phố Đà Nẵng hôm 10/11/2017 - AFP

Vietnam News loan tin vào ngày 4 tháng 12 như vừa nêu và cho biết những giải pháp được đưa ra bao gồm việc chấn chỉnh lại khuôn khổ pháp lý theo quy định của khu vực và quốc tế ; thực hiện một cách hiệu quả các quy định sửa đổi về đánh bắt cá trái phép, và các quy định quốc tế về hình thức xử phạt.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ giải quyết những tồn tại trong hệ thống giám sát để phục vụ việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản ; cải tiến hệ thống quản lý tàu cá ; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và tuân thủ các quy định về thu thập dữ liệu cũng như báo cáo liên quan đến thủy sản.

Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển -Nông Thôn Việt Nam cũng có kế hoạch tổ chức hội nghị quốc gia với 28 tỉnh thành ven biển để thảo luận về vấn đề đánh bắt cá trái phép và hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định khai thác liên quan IUU.

Xin nhắc lại, tháng 9 vừa qua Việt Nam đã bị EU cảnh báo thẻ vàng vì nạn đánh bắt cá trái phép. EU cho Việt Nam thời hạn 6 tháng phải đưa ra kế hoạch giải quyết tình hình. Nếu sau 6 tháng tình trạng này được khắc phục, thẻ vàng sẽ được chuyển thành thẻ xanh, còn nếu vẫn không được giải quyết Việt Nam sẽ phải chịu thẻ đỏ. Thẻ đỏ này có thể dẫn đến lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản.

Năm ngoái, Việt Nam đã thu về 1,2 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản sang EU và 1,05 tỷ đô la trong chín tháng đầu năm nay.

**************

Nghiên cứu : Người Việt Nam cho rằng cuộc sống hiện tại tốt hơn 50 trước (RFA, 05/12/2017)

Trung tâm Nghiên Cứu PEW, trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 12 cho công bố kết quả thăm dò ý kiến người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới về cuộc sống hiện nay so với nửa thế kỷ trước.

tauca3

Các em nhỏ người H'mong đang ăn trưa miễn phí tại một trường mẫu giáo ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hôm 3/4/2015. AFP

Nghiên cứu thăm dò ý kiến của gần 43 ngàn người tại 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuộc nghiên cứu kéo dài từ tháng hai cho đến giữa năm 2017.

Theo kết quả được đưa ra thì có đến 88% những người Việt được hỏi cho rằng cuộc sống hiện nay tốt hơn cách đây 50 năm. Trong khi đó, những người tại Hoa Kỳ được hỏi ý kiến thì có 41% nói cuộc sống hiện nay tệ hơn 50 năm trước và 37% cho rằng tốt hơn trước kia. Hơn phân nửa những người được hỏi ý kiến tại các nước từ Italia, Hy Lạp đến Nigeria, Kenya, Venezuela thì cho rằng hiện nay đời sống tệ hơn so với nửa thế kỷ trước. Tỷ lện này tại Venezuela là 72%.

Theo phân tích của PEW thì những biến cố lịch sử đặc biệt đối với mỗi quốc gia là yếu tố không thể bỏ qua khi người dân tại đó cho biết hiện nay tốt hay xấu hơn so với nửa thế kỷ trước. Tuy vậy, hiện trạng kinh tế là một chỉ dấu mạnh để người được hỏi ý kiến đi đến nhận định của họ. Như trong trường hợp Việt Nam, có đến 91% người được hỏi ý kiến thừa nhận điều kiện kinh tế hiện nay là tốt nên 88% cho rằng cuộc sống vào thời điểm này tốt hơn so với 50 năm trước.

Một kết quả được đưa ra trong thăm dò của PEW là những người có học thức hơn đánh giá cuộc sống tốt đẹp hơn so với trước. Ở Việt Nam 93% người được hỏi ý kiến có học thức thừa nhận đời sống hiện nay tốt hơn xưa, trong khi 85% người có trình độ học vấn thấp hơn được hỏi cho rằng đời sống hiện nay tốt hơn xưa..

Tuổi tác, tôn giáo và quan điểm chính trị cũng được đưa vào cuộc thăm dò ; tuy nhiên đối với Việt Nam kết quả từ những yếu tố này không thấy nêu ra.

Tại nhiều nước như Anh, Úc, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Đức…, giới trẻ từ 18 đến 29 tuổi có khuynh hướng tích cực hơn về cuộc sống hiện nay so với những người ở độ tuổi lớn hơn.

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)