Không đặc xá và ông Quang vắng mặt bất thường : điều gì đang xảy ra ? (VOA, 25/08/2017)
Một luật sư nói rằng việc chính quyền Việt Nam không ký đặc xá dịp lễ Quốc Khánh 2/9 năm nay là một thiếu sót, và không thể vì chủ tịch nước vắng mặt mà gây cản trở hay đình trệ quốc sự.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/08/2/26/2690486a-dbc3-4cf8-89ba-441a58b77efe.mp4
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 16/1/2017.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh nói rằng việc không xét đặc xá dịp lễ 2/9 này là một thiếu sót lớn :
"Việc không xét đặc xá trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, một dịp lễ lớn nhất của quốc gia, là một sự thiếu sót rất lớn. Điều này không nên".
Công an tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội.
Hôm 24/8, truyền thông Việt Nam trích lời trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, nói rằng dịp Quốc khánh năm nay Nhà nước sẽ không tiến hành đặc xá mà chờ "đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện" sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Ông Mạnh nói ông "rất ngạc nhiên" trước quyết định "không hợp lý" này :
"Tôi cho là lý do như vậy là không đúng. Quan điểm chung của xã hội hiện nay là rất ngạc nhiên. Việc này xảy ra cùng lúc với những đồn đoán nói rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt trên các hoạt động chính trị, xã hội trong một thời gian khá lâu vừa qua".
Luật sư Mạnh nói rằng nếu chủ tịch nước vắng mặt theo luật phải có người thay thế :
"Về phương diện luật pháp là có sự thiếu sót. Thông thường tôi nghĩ là phải có sự kế thừa, dự liệu trước. Nếu như chủ tịch nước có vấn đề về sức khỏe, ví dụ như ốm hay phải điều trị bệnh thì theo quy định phải có người thay thế như phó chủ tịch nước chẳng hạn. Như vậy thì công việc điều hành theo qui định pháp luật không bị đình trệ".
Theo hiến pháp Việt Nam năm 2013, quyết định đặc xá là quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch nước.
Báo chí trong nước hôm 20/8 đăng tải một bài được cho là do Chủ tịch Trần Đại Quang viết về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông. Tuy nhiên các blogger nói rằng bài viết này được soạn lại từ một bài viết đã xuất hiện vào năm 2013.
Trước đó hôm 10/8, Facebooker Huy Đức viết : "Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25/7/2017. Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán".
Hôm 25/8, báo Nikkei Asian Review có bài nói rằng việc vắng mặt bất thường của ông Trần Đại Quang làm dấy lên những nghi ngờ trong chính trường Việt Nam.
Tờ báo Nhật viết : "Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng gần một tháng qua mà không có lời giải thích từ phía chính phủ, gây ra tranh cãi về cuộc đấu đá quyền lực và tin cho rằng lãnh đạo cao nhất - Tổng bí thư Đảng cộng sản - có thể sẽ từ chức vào năm tới".
Ngoài việc chủ tịch nước không ký lệnh đặc xá dịp 2/9 năm nay, việc điều chỉnh lịch trình của một nguyên thủ phương tây khi đến Việt Nam cũng làm tăng thêm những đồn đoán về sức khỏe của ông Quang.
Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 23/8/2017.
Tờ báo này cho biết thêm : "Chủ tịch nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia các sự kiện như các buổi lễ và tiệc đón tiếp. Không có dấu hiệu cho thấy ông Quang có mặt ở nước ngoài có nghĩa là ông Quang vẫn còn ở trong nước, việc vắng mặt của ông trở nên bất thường hơn trong một quốc gia cộng sản, vốn luôn đặt trọng tâm vào trật tự chính trị".
"Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Quang là ngày 25/7, khi ông gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev. Ông Quang kể từ đó đã bỏ lỡ các sự kiện quan trọng như dịp kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân – tiền thân của cảnh sát Việt Nam, thứ Sáu vừa qua. Ông Quang không xuất hiện, mà chỉ gửi lời chúc mừng và động viên".
Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại thực hiện các hoạt động thăm viếng ngoại giao thường xuyên một cách bất thường.
Báo Nikkei Asian Review viết tiếp :
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường các hoạt động ngoại giao như thể để khỏa lấp sự vắng mặt rõ ràng của Chủ tịch nước, người thường đảm nhiệm thăm viếng lễ tân. Ông Trọng thăm Indonesia từ thứ Ba 22/8 đến thứ Năm 24/8, gặp Tổng thống Joko Widodo, và đang thực hiện chuyến thăm 3 ngày tới Myanmar, nơi mà ông Trọng sẽ nói chuyện với Tổng thống Htin Kyaw.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tiếp Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Jarkata, ngày 23/8/2017.
"Sự im hơn lặng tiếng của ông Quang trong con mắt công chúng không phải là sự việc kỳ quặc duy nhất trong chính trường Việt Nam trong vài tháng qua. Vào ngày 30/7, ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, được cho là một ứng cử viên để thay thế ông Trọng, vì lý do sức khỏe đã được uỷ viên Bộ chính trị Trần Quốc Vượng thay thế.
Một chuyên gia về chính trị Việt Nam cho tờ Nikkei Asian Review biết khó có việc ông Huynh quay trở lại chức vụ vì có tin đồn rằng ông đang điều trị bệnh ung thư.
"Các lãnh đạo Việt Nam được bầu tại các kỳ Đại hội Đảng mỗi 5 năm, lần kế tiếp là vào năm 2021. Nhưng ở độ tuổi 73, ông Trọng đã tái nhiệm vào năm 2011 đã làm tăng nghi ngờ rằng ông có thể bàn giao quyền lực cho một người kế nhiệm vào năm tới.
"Chủ tịch Trần Đại Quang, một sự lựa chọn có nhiều khả năng nhất vào chức tổng bí thư, bây giờ dường như vắng mặt. Ông Huynh vì bị bệnh coi như đã loại khỏi danh sách. Việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng liên quan đến mối quan hệ của ông ta với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cựu đối thủ chính trị của Trọng. Liệu tất cả những điều này có thể được cho là sự trùng hợp hay không vẫn còn chưa rõ ràng".
Các nhà quan sát Hà Nội đang chờ xem liệu ông Quang có xuất hiện vào ngày lễ Quốc Khánh 2/9 này hoặc đánh trống khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 như các vị chủ tịch nước tiền nhiệm đã làm hay không.
Việc không xét đặc xá 2/9, không tiếp thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với sự vắng mặt bất thường của ông Quang trong tháng qua, vẫn chưa ngơi những lời đồn đoán trong chính trường Hà Nội.
*****************
Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang (BBC, 25/08/2017)
Tờ Nikkei, báo kinh doanh phiên bản trên mạng, vào hôm 25/08 có bài với tựa 'Vietnam president's mysterious absence raising eyebrows' (Sự vắng bóng bí ẩn của Chủ tịch Việt Nam gây thắc mắc).
Sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức gần đây cũng là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên Internet
Bài của tác giả Atsushi Tomiyama nói về biểu hiện được mô tả là bất thường về nghi lễ ngoại giao trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nghị trình chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim được sửa đổi đột ngột vào đêm hôm thứ Ba.
"Chương trình đã thay đổi gửi tới phóng viên không đề cập tới cuộc gặp được lên lịch lúc đầu [của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ] với Chủ tịch Quang vào hôm thứ Tư và Bộ Ngoại giao Việt Nam không đưa ra lời giải thích nào", theo tác giả.
Hôm 8/8, Giáo sư Phạm Gia Khải, cố vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao, nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã "sang Nhật điều trị bệnh", tuy nhiên "không có thành viên nào của Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương đi theo".
Giáo sư Khải mô tả trường hợp ông Trần Đại Quang đi chữa bệnh tại Nhật mà không có thành viên nào của Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương đi theo là điều "bất thường".
Tuy nhiên ông cũng cho biết thường thì các cán bộ cao cấp của nhà nước khi đi chữa bệnh nặng ở nước ngoài "chỉ có người đi cùng là nội bộ của họ, và không nói ra điều gì hết, kể cả với chúng tôi".
"Dân chúng rất muốn biết sức khỏe của lãnh đạo thế nào, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ người ta không có chủ trương cho biết", giáo sư Khải nói thêm.
'Vắng mặt trong các sự kiện quan trọng'
Bài báo đăng trên Nikkei mô tả thường thì những quốc khách tới Việt Nam luôn gặp "tứ trụ" và rằng chủ tịch nước thường có mặt trong các nghi lễ đón tiếp như vậy.
Chủ tịch Trần Đại Quang cùng lãnh đạo Nga, Trung Quốc và các nước khác tại hội nghị Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh giữa tháng 5/2017.
Tuy nhiên, khác với nhận xét của Giáo sư Khải hồi đầu tháng Tám rằng Chủ tịch Quang sang Nhật trị bệnh, Nikkei cho rằng ông Quang vào thời điểm hiện tại đang ở Việt Nam.
"Việc không có chỉ dấu nào cho thấy ông Quang đang ở ngoài Việt Nam có nghĩa là có thể ông vẫn đang ở trong nước, và điều này khiến việc ông vắng mặt lại càng thêm khác thường", bài báo bình luận.
Chủ tịch Quang xuất hiện trước công chúng lần gần nhất là vào 25/07/2017 khi ông tiếp Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Nikolai Patrushev.
Chủ tịch [Quang] kể từ đó không có mặt tại các sự kiện quan trọng chẳng hạn như dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công an Nhân dân, lực lượng từng dưới quyền chỉ đạo của ông khi ông giữ ghế bộ trưởng.
'Chờ ngày Quốc Khánh'
Truyền thông Việt Nam vào dịp này đăng bài ký tên ông Quang với tựa "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới" với tấm hình mô tả ông 'tặng quà cho các điển hình tiên tiến trong lực lượng Cảnh sát nhân dân' với tấm hình được ghi là chụp ngày 11/7/2017.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm Indonesia và Myanmar
Bài viết đề cập tới các hoạt động ngoại giao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai chuyến đi tới Indonesia và Myanmar với các cuộc gặp người đứng đầu nhà nước như thể để trám vào sự vắng mặt của Chủ tịch Quang, vốn hay thực hiện nhiệm vụ này.
Việc ông Quang không xuất hiện trước công chúng, theo tác giả, không phải là chuyện bất thường duy nhất trong chính trị Việt Nam trong vài tháng qua.
Việc bổ nhiệm người tạm thay ông Đinh Thế Huynh hiện đang lâm bệnh, cáo buộc của Đức rằng Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, cũng như việc cách chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh và ghế ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng cũng được đề cập tới.
Ai sẽ thay thế Tổng bí thư Trọng ?
Bài viết cùng bàn về những đồn đoán được mô tả là khả năng Tổng bí thư Trọng sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào năm sau.
"Sự lựa chọn [cho ghế Tổng bí thư] có thể xảy ra nhất là đối với ông Quang, người hiện đang dường như vắng mặt. Việc ông Huynh nghỉ chữa bệnh kể như khiến ông [Huynh] không còn nằm trong danh sách.
Đảng cộng sản nói Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh gần đây lâm bệnh và phải tạm chuyển trách nhiệm cho người khác kể từ 1/8/2017
"Cáo buộc bắt cóc ông Thanh, người có quan hệ với ông Dũng [cựu thủ tướng] và là cựu đối thủ chính trị của ông Trọng.
"Liệu tất cả những diễn biến này có thể diễn ra như sự trùng hợp cùng lúc hay không vẫn là điều chưa rõ", tác giả nhận định.
"Sự kiện lớn sẽ là Ngày Quốc Khánh. Giới quan sát Hà Nội sẽ theo dõi xem ông Quang có xuất hiện hay không".
Liên quan tới ông Đinh Thế Huynh, người cũng được nhắc tới trong bài báo của Nikkei, thì hồi đầu tháng, Đảng cộng sản Việt Nam xác nhận ủy viên Bộ Chính trị này đang "điều trị bệnh" và loan báo ông Trần Quốc Vượng tạm thời tham gia Thường trực Ban bí thư thay ông Huynh.
Ông Đinh Thế Huynh giữ chức Thường trực Ban bí thư, là nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng.
Tòa án Hàn Quốc đã tuyên án Lee Jae-yong, Phó chủ tịch và là người thừa kế của tập đoàn lớn nhất nước, Samsung, với tội danh hối lộ trong giai đoạn quốc gia này đang xem xét việc làm giảm quyền lực của các tập đoàn lớn.
Quyền chủ tịch Samsung Lee Jae-yong lĩnh án 5 năm tù
Lee Jae-yong, 49 tuổi, người đàn ông quyền lực nhất tại Hàn Quốc, và giàu thứ ba trong cả nước, bị tuyên án 5 năm tù giam với một loạt tội danh bao gồm hối lộ, tham ô và khai man, trong vụ xét xử được coi là "phiên tòa thế kỷ".
Phán quyết dành cho Lee Jae-yong có nguy cơ sẽ ảnh hưởng xấu tới danh tiếng toàn cầu và chiến lược lâu dài của Samsung và cũng đặt ra nhiều câu hỏi về kế hoạch tiếp quản tập đoàn sắp tới của Lee Jae-yong từ cha ông, Chủ tịch Lee Kun-hee.
Người biểu tình với chống lại Lee Jae-yong có mặt tại phiên tòa ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc)
Ông Lee Kun-hee đã phải tạm dừng điều hành công việc sau một cơn nhồi máu cơ tim năm 2014.
Các luật sư của ông Lee Jae-yong đã ngay lập tức kháng cáo.
Đây cũng không phải là một trường hợp hiếm gặp tại Hàn Quốc khi lãnh đạo doanh nghiệp được ân xá đặc biệt do vai trò khổng lồ của các tập đoàn đa ngành trong sự phát triển kinh tế của quốc gia này.
Đế chế công nghệ
Tuy chủ yếu được biết đến trên thế giới bởi sản phẩm điện thoại thông minh, Samsung là một đế chế lớn mạnh vươn tới mọi khía cạnh của cuộc sống và việc kinh doanh tại Hàn Quốc.
Riêng mảng kinh doanh cốt lõi do Tập đoạn Điện tử Samsung làm chủ, đã chiếm tới hơn 20% tại sàn giao dịch chính của thị trường chứng khoán quốc gia.
Bà Park, tổng thống bị phế truất của Hàn Quốc, hiện đang ngồi trong nhà giam chờ xét xử
Mặc dù ông Lee Jae-yong bị bắt giam từ tháng 2/2017, Samsung vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Tháng trước, Samsung đã vượt qua Apple để trở thành tập đoàn công nghệ có lợi nhuận cao nhất thế giới ở mức 9,9 tỷ USD trong quý vừa rồi.
Samsung cũng vượt mặt Intel để trở thành nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới - danh hiệu mà công ty của Mỹ đã nắm giữ từ năm 1993.
Tuy nhiên bản án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về phương hướng của Samsung và liệu triều đại này có nên tiếp tục đi theo hướng "cha truyền con nối".
Công tố Hàn Quốc đã đề nghị mức án 12 năm cho Lee Jae-yong tại phiên tòa có liên quan tới vụ án của cựu Tổng tống Park Geun-hye, người cũng sẽ bị xét xử.
Lee Jae-yong bị tuyên án sau khi tòa án xác định cáo trạng về việc ông đã chi hàng triệu USD cho bà Park và bạn thân của bà Choi Soon-sil để được ưu đãi về chính sách kinh doanh.
Chuyến thăm Indonesia và Myanmar tuần này của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam có mục tiêu lớn hơn là chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào như hồ sơ Biển Đông, theo một nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Việt Nam từ Hà Nội.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia và Myanmar từ 22-26/8/2017.
Đồng thời chuyến đi tiếp tục thi triển chính sách ngoại giao 'kênh đảng' mà đảng cộng sản Việt Nam đang tiến hành trong suốt thời gian gần đây mà vẫn theo ý kiến này việc này cũng có ý nghĩa tầm vóc quốc gia.
Bình luận với BBC Việt ngữ hôm 22/8/2017 về chuyến thăm hai quốc gia ở ASEAN của ông Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam nói :
"Thực chất chuyến đi này là một chuyến đi cấp cao và rất hiếm có dịp như vậy", nhà nghiên cứu trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu chuyến thăm có liên quan hay không đến việc vận động của Việt Nam trong ASEAN nhằm nhận được hỗ trợ 'thuận lợi hơn' cho lập trường ở Biển Đông, nhất là trước Trung Quốc.
"Do vậy mà mục đích của chuyến đi lớn hơn rất là nhiều, không chỉ tập trung vào giải quyết một vấn đề", ông nói tiếp.
Tiến sĩ Trần Việt Thái bình luận chuyến thăm Indonesia và Myanmar của Tổng bí thư Trọng.
"Thứ nhất, chuyến đi nhằm tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cũng như là nhân dân của Việt Nam với hai nước Indonesia và Myanmar, riêng với Indonesia thì làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ trước. Với Myanmar là xây dựng một khuôn khổ quan hệ mới để đưa quan hệ này đi vào hợp tác một cách sâu sắc và thực chất hơn".
"Cả Indonesia và Myanmar là những đối tác ngày càng quan trọng đối với Việt Nam, trong khuôn khổ khu vực, nhất là trong ASEAN, do vậy mà hai bên Việt Nam-Indonesia, Việt Nam-Myanmar đều có nhu cầu tăng cường phối hợp, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
"Do vậy nếu nói về vấn đề Biển Đông, thì vấn đề Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể cả chiến lược của chuyến đi", Tiến sĩ Thái nói.
Ngoại giao kênh đảng
Trước câu hỏi ngoại giao kênh đảng có liên hệ ra sao và thể hiện thế điều gì qua chuyến thăm hai nước trên của Tổng bí thư Trọng, Tiến sĩ Thái nêu quan điểm :
"Thực ra trong quan hệ đối ngoại hiện nay của Việt Nam với các nước, thì quan hệ không chỉ có kênh nhà nước với nhà nước, hay chính phủ với chính phủ, mà Đảng và nhà nước Việt Nam đều chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các loại hình quan hệ với các đối tác ở trong và ngoài khu vực.
"Quan hệ kênh đảng bao gồm quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và cánh tả trên thế giới, cũng như là quan hệ của Đảng cộng sản Việt Nam với các chính đảng cầm quyền trên thế giới, thì đang ngày càng được mở rộng.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang mới có hai bài viết được công bố trên truyền thông Việt Nam từ ngày 19/8/2017.
"Do vậy, chúng tôi cho rằng quan hệ kênh đảng cũng là một kênh quan trọng để góp phần vào duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác, cũng như quan hệ ngày càng thực chất giữa hai bên.
"Hơn nữa, ở Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và đảng duy nhất, cho nên yếu tố quan hệ kênh đảng cũng không chỉ giao lưu thúc đẩy giữa các đảng mà nó còn có ý nghĩa ở tầm quốc gia".
Trả lời câu hỏi về việc liệu các nhà lãnh đạo là tổng thống Indonesia và tổng thống Myanmar có mời Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, sang thăm chính thức các nước này hay không và nếu có thì khi nào, Tiến sĩ Thái đáp :
"Hiện tại tôi không có thông tin, nhưng riêng về vấn đề này, tôi cho rằng đây là những lời mời chính thức, và chỉ trên cơ sở những lời mời chính thức như vậy, thì các chuyến đi mới được tiến hành, vì ở cấp cao không thể không có những lời mời", chuyên gia chiến lược ngoại giao của Việt Nam nói với BBC hôm 22/8/2017.
Cũng hôm thứ Ba, báo Điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam đưa tin cho hay :
"Chiều 22/8, tại trụ sở Quốc hội Indonesia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân (tức Hạ viện) Indonesia Setya Novanto...
"Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Việt Nam và Indonesia là hai nước có vai trò quan trọng trong ASEAN, là đối tác tin cậy của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích và quan điểm tương đồng. Hai bên cần nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ trên cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức nhân dân, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Setya Novanto nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 8 tỷ USD vào năm 2018 và sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD..".
Theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Indonesia (22-24/8) và Myanmar (24-26/8) theo lời mời của tổng thống hai nước này.
Việt Nam cần minh bạch về các hoạt động làm kinh tế của quân đội nước này để lộ trình 'cải cách' được thực hiện đúng đắn và hợp lý và người dân có được thông tin, theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm.
Nhà báo Trần Tiến Đức nhấn mạnh nhu cầu minh bạch các thông tin về làm ăn kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội trước người dân ở Việt Nam.
Từ Hà Nội, hôm 06/7/2017, nhà báo Trần Tiến Đức trước hết đưa ra quan niệm của ông về vai trò và chức năng của quân đội, ông nói :
"Tôi có đọc những ý kiến lấy thí dụ những bằng chứng lịch sử từ thời nhà Trần, các thời vua từ trước, đến khi hết chiến tranh, người ta binh sĩ về làm nông, nhưng tôi nghĩ thời đại mỗi thời một khác.
"Thời này, có lẽ theo tôi hiểu quân đội phải chính quy hiện đại, phải tập trung vào việc tập luyện để bảo vệ Tổ quốc, và những cơ sở quốc phòng chủ yếu tập trung vào sản xuất là khí tài, vũ khí, quân trang v.v... để phục vụ cho việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội để bảo vệ đất nước".
'Minh bạch thông tin'
Nhấn mạnh nhu cầu về tính minh bạch trong thông tin về các hoạt động kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói tiếp :
Ở Việt Nam, khi nhà nước, trong đó có một bộ phận là quân đội, làm kinh doanh, thì tài nguyên quốc gia do nhà nước toàn quyền sử dụng và người dân không được biết về các cân nhắc lời lãi, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
"Về ngân sách như thế nào, tôi phải nói rằng chúng tôi không biết rõ được ngân sách quốc phòng của Việt Nam là bao nhiêu và ngân sách đó có đủ để chi cho những nhu cầu quốc phòng hay không. Cái đó người dân chúng tôi không được biết.
"Qua các con số dẫn ra về các doanh nghiệp quân đội, thì chắc chắn họ có đóng góp phần nào cho quốc phòng, nhưng vấn đề như tôi muốn nói là tính minh bạch của các thông tin đó như thế nào ? Vấn đề minh bạch và trung thực về tình hình tài chính (như thế nào) ?
"Cái đó trong thông tư 182 năm 2016 do Bộ Quốc phòng ban hành cũng đã nêu rất rõ, chứng tỏ trong đó có những vấn đề và chúng ta biết là có những vụ tham nhũng liên quan đến quân đội mà trước đây cũng đã phải xử và sau này cũng có những tin đồn này nọ mà chắc cũng khó nói ra được.
"Tất nhiên, tôi đồng ý với ông Nguyễn Xuân Nghĩa là chuyện này không thể làm được ngày một, ngày hai, mà chắc chắn phải có một lộ trình ; và trước hết tôi nghĩ rằng nó phải minh bạch từ những đầu vào, tức là từ đất đai sử dụng như thế nào ? Có hợp lý hay không ?
"Nếu là lấy đất của dân, phải đền bù rõ ràng như là vụ Đồng Tâm, chứ không thể nào nhập nhằng được, và tất cả nguồn đầu vào cũng phải tiến đến rất minh bạch, vậy những doanh nghiệp ấy đóng góp được gì cho quốc phòng, có thế chúng ta mới có thể có một lộ trình đúng đắn và hợp lý được", nhà báo tự do nói với BBC.
'Tranh luận là tốt'
Thời gian gần đây, truyền thông của Việt Nam, trong đó có báo Quân Đội Nhân Dân và báo Dân Trí, đã đăng tải các thông tin giới thiệu các quan điểm khác nhau trong giới chức lãnh đạo quân đội, đảng và chính quyền về việc quân đội thôi làm kinh tế, hay vẫn tiếp tục như một nhiệm vụ 'chính trị'.
Cuộc tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam về quân đội có nên tiếp tục làm kinh tế hay không là một điều'tốt', theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ.
Bình luận về diễn biến này, từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói với BBC :
"Tôi đồng tình với ý kiến rằng đây là một việc tốt, khi chúng ta (Việt Nam) vẫn diễn ra những cuộc tranh luận như thế này, trước hay sau chúng ta cũng phải có hướng giải quyết, Sự việc nóng bỏng lên bắt đầu từ việc sân golf ở trong Tân Sơn Nhất, mà đất đó đã được giao cho Bộ Quốc phòng, dù trước đó nó có ở trong quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất
"Sau đó Bộ Quốc phòng quản lý, bây giờ trước nhu cầu mới và phát triển của ngành hàng không Việt Nam, trong đó có hàng không dân dụng yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại, đi đến một quyết định của Thủ tướng và Chính phủ là quân đội tạm dừng, hay là thôi, không làm kinh tế nữa mà tập trung làm sau đó cho chuyên nghiệp.
"Tuy nhiên, sau khi ý kiến này được tung ra và được công khai trên các mặt báo rồi trong dư luận, thì lại có một luồng ý kiến ngược lại gần đây xuất hiện một cách khá mạnh mẽ cho rằng... là quân đội nhưng vẫn phải làm kinh tế và đó là một nhiệm vụ chính trị.
"Đây là một suy nghĩ từ rất lâu rồi từ khi quân đội của chúng ta (Việt Nam) là quân đội nhân dân, sau đó trải qua một thời kỳ chiến tranh rất là dài với một lực lượng rất hùng hậu và thậm chí rất nhiều trang thiêt bị do quân đội quản lý, thì đã xuất hiện việc vừa làm kinh tế và vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Đấy là tính chất lịch sử.
"Tuy nhiên, 30 năm đổi mới rồi, chúng ta đã chuyển từ một trạng thái từ chiến tranh, sau đó là giải quyết hậu quả sau chiến tranh và bây giờ chúng ta đang chuyển sang thời bình, trong lúc chuyển này, đôi lúc cũng có những tranh chấp biên giới, hải đảo, tuy nhiên chủ đạo vẫn là chuyển sang kinh tế thị trường, phải khẳng định như vậy.
"Khi chuyển sang kinh tế thị trường, không những kinh tế tuân theo kinh tế thị trường, mà người dân, chính phủ và chính quyền cũng dần dần phải tuân theo kinh tế thị trường,.."., chuyên gia về chính sách công nói với BBC.
Khi nào ngã ngũ ?
Nếu có cải cách trong vấn đề quân đội thôi không làm kinh tế nữa, thì quá trình sẽ 'rất chậm chạp' và 'khó khăn', theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cuộc tranh luận này thực ra là một cuộc 'đấu tranh nội bộ' giữa các nhóm có quan điểm và lợi ích khác nhau ở trong đảng và quân đội mà hiện chưa 'ngã ngũ', ông nói :
"Qua cuộc thảo luận chủ yếu trên Quân đội Nhân dân và một số báo, có thể thấy rằng lực lượng có thể nói là bảo thủ muốn giữ nguyên trạng thái quân đội làm kinh tế bây giờ đã có một cuộc tấn công rất mãnh liệt để chống lại những tư tưởng có vẻ tiến bộ một chút là quân đội dừng hoạt động.
"Và việc này chỉ có ngã ngũ nếu mà ở trên chóp bu lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, hai phái ấy, phái nào thật sự ưu thế áp đảo, thì lúc đó sẽ thắng và có thể sẽ có cải cách gì đó một chút, nhưng cải cách ấy sẽ diễn ra một cách rất chậm chạp và khó khăn.
"Còn ngược lại phe bảo thủ mà thắng thế, thì họ vẫn giữ nguyên và thậm chí họ nói đây là nhiệm vụ chính trị từ xưa đến nay rồi và thậm chí lại tăng cường hơn nữa.
"Thực sự ở đây người ta nói rất nhiều về các nhóm lợi ích, ở bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy các nhóm đó cạnh tranh, đấu tranh với nhau một cách rất quyết liệt, và từ bên ngoài xã hội, chúng ta cũng phải lên tiếng để làm sao góp sức vào việc thay đổi cho tốt hơn".
Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra ý kiến, ông nói với BBC :
"Nếu để đi đến một tiến bộ như là Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm nói thì cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa, ông Chiêm nói vào ngày 23/6 thì ngày 05/7 có bài của Thượng tướng Trần Đơn.
"Ông Chiêm cũng như là ông Đơn đều là Thứ trưởng, cùng là Thượng tướng, nhưng ông Đơn nằm trong Thường vụ Quân ủy (trung ương), còn ông Chiêm chỉ nằm trong Chi ủy viên,
"Chuyện này có lẽ sắp tới Quân ủy phải họp thường xuyên, cần phải để ý xem (trong) các cuộc họp thì Bí thư Quân ủy, tức là Tổng Bí thư và các Ủy viên Thường vụ khác nói như thế nào.
"Thế còn cho đến năm 2025 như là Nghị quyết số 425 của Thường vụ Quân ủy trung ương, thì chắc chắn rằng không có bỏ hoạt động kinh tế của quân đội", ông Hà Hoàng Hợp nêu nhận định.
Nguồn : BBC, 07/07/2017
Từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á, cho tới Hoa Kỳ, không ở nước nào mà quân đội 'tham gia làm kinh tế' như ở Việt Nam, các khách mời nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC.
Duyệt binh ở Việt Nam
Từ California, Hoa Kỳ, hôm 06/7/2017, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói về quân đội Mỹ :
"Ở Hoa Kỳ, quân đội không đi làm kinh doanh, họ có thể có những nhiệm vụ nghiên cứu, làm sao để giải quyết những bài toán của tương lai. Và một số kết quả nghiên cứu đó cho đến bây giờ đưa ra chuyện chúng ta mới dùng iPhone, điện thoại thông minh...là xuất phát từ quân đội ra.
"Nhưng quân đội Mỹ làm lĩnh vực nghiên cứu, tại vì họ vì nhu cầu bảo vệ tổ quốc của họ đi vào..., họ tìm những giải pháp gọi là tiên tiến nhất, sau đó người dân được hưởng kết quả của những giải pháp đó và tôi không nghĩ rằng chúng ta (Việt Nam) không nên bắt chước nước Mỹ để thực hiện việc cải cách của nước ta.
"Tại vì mỗi quốc gia có hoàn cảnh khác, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta nên thảo luận về chuyện này để thấy xem rằng trong một đất nước có từng thành phần dân chúng, mỗi người có nhiệm vụ ra làm sao.
Quân đội Việt Nam tham gia làm kinh tế, kinh doanh và thương mại trong khá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
"Người mà bảo vệ sức mạnh của Tổ quốc có bảo vệ được hay không và người và làm cho Tổ quốc, đất nước giàu mạnh hơn, thí dụ như thành phần tư nhân đã có thể làm được chuyện ấy chưa ?
"Và nếu chưa làm được những chuyện đó mà bây giờ vẫn còn loanh quanh trong những vấn đề mà Trung Quốc đã nhìn thấy từ mười mấy năm trước, biết rằng là sai và đã muốn sửa, mà nó lại gây những sức ép rất lớn cho đất nước mình, mà mình vẫn còn loay hoay về những chuyện lặt vặt đó, tôi cho rằng đó là một điều không phải đáng buồn đâu, nó đáng lo," ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói với Bàn tròn của BBC.
'Không đâu như Việt Nam'
Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra quan sát kinh nghiệm ở khu vực này và một số quốc gia ở Châu Á :
"Hiện nay ở trong ASEAN và các nước Châu Á khác ở Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, ngoài Việt Nam ra, không có một nước nào mà quân đội tham gia làm kinh tế cả.
"Nước gần đây nhất mà bỏ kinh tế trong quân đội đi, tất nhiên người ta bỏ không hết, người ta có che lấp đi một chút, tức là Thái Lan, thì việc mà các quan chức quân đội làm kinh tế, thì người ta cho phép là không phải những người ấy đứng ra, mà là một người nào đó được ủy quyền đứng ra lập một doanh nghiệp hoặc một công ty làm gì đó liên quan đến quân đội.
"Nhưng bản thân những người ấy khi đang đương chức thì không làm, đấy là cách mà người ta vận dụng, người ta che lấp, như kiểu quân đội Thái Lan có hơi khác. Còn ngoài ra thì không có một quân đội của nước nào ở trong các nước ASEAN này làm kinh tế cả.
"Tại Nhật Bản thì sau Chiến tranh Thế giới 2 thì 100% bỏ hết, không có làm gì đến quân đội hết, còn những người trước đây từng tham gia quân đội, ở chỗ này chỗ nọ mà người ta còn trẻ, thì người ta ra lập doanh nghiệp.
"Thí dụ như những doanh nghiệp rất nổi tiếng như Sony hay Toyota..., những người sáng lập ra Mitsubishi đã từng đi lính, Nam Triều Tiên cũng y hệt như thế...", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn Thứ Năm.
'Như hai chiếc cánh chim'
Tin cho hay, hôm 06/7 tại Hà Nội, một Tọa đàm chuyên đề đã được tổ chức tại báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam với tựa đề "Kết hợp kinh tế với quốc phòng- nhiệm vụ chiến lược lâu dài".
Báo Quân đội Nhân dân có nhiều bài vở, chuyên đề liên quan tới chủ đề kết hợp kinh tế - quốc phòng của quân đội Việt Nam.
"Kết hợp kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân là khẳng định của các đại biểu tham dự Tọa đàm," tờ báo là cơ quan của Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng Việt Nam cho hay.
Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được báo này dẫn lời nói :
"Phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng như hai chiếc cánh của một con chim. Nếu bỏ đi cánh nào thì con chim cũng không thể bay được.
"Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải được coi là "gen trội", và việc phát triển kinh tế là "gen bổ sung", ông Vũ Khoan được trích thuật nói.
Tham dự tọa đàm dưới sự chủ tọa của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội, còn có một số đại khác như Giáo sư "Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương ; đại diện lãnh đạo một số địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng.
"Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn gửi tham luận về tọa đàm. Cùng dự tọa đàm có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban biên tập và đại diện chỉ huy các phòng, ban của Báo QĐND," tờ báo của Quân đội Việt Nam cho biết.
Nguồn : BBC, 06/07/2017
Là cựu Cục trưởng Cục S thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), phụ trách chương trình điệp viên chìm, huyền thoại tình báo Yuri Drozdov nắm rõ tất cả những gì cần thiết để đào tạo nhân viên tình báo "nhân dạng giả" hoạt động ở nước ngoài.
Huyền thoại tình báo Liên Xô Yuri Drozdov
Những điệp viên này học cách nói, nghĩ và cư xử, thậm chí một cách vô thức, cũng phải giống hoàn toàn những công dân Mỹ, Anh, Đức hay Pháp mà họ sẽ đóng giả khi đặt chân đến các nước đó.
Yuri Drozdov, sinh ngày 19/9/1925 tại Minsk, trong một gia đình quân nhân.
Ông tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Quân sự và bắt đầu hoạt động tình báo từ năm 1957 dưới danh nghĩa một viên thanh tra người Đức tên là Claynert ở Berlin.
Vadim Alekseevich Kirpichenko, người tiền nhiệm của ông Drozdov tại Cục S, miêu tả các điệp viên "bất hợp pháp" là các điệp viên "nhân tạo được chúng tôi tạo ra".
Những phẩm chất của những ứng viên điệp viên chìm là "sự dũng cảm, tập trung, ý chí mạnh mẽ, khả năng dự báo nhanh chóng nhiều tình huống khác nhau, khả năng chịu được căng thẳng, khả năng thông thạo ngoại ngữ xuất sắc, thích nghi tốt với điều kiện sống hoàn toàn mới, và sở hữu kiến thức ngành nghề có cơ hội kiếm ra việc làm", ông Kirpichenko cho biết.
Anna Chapman là một trong những nữ điệp viên Nga xinh đẹp bị Mỹ trục xuất hồi năm 2010
Nhân dạng giả
Các điệp viên của KGB ở Mỹ và nhiều nước khác thường đi lang thang quanh các nghĩa trang, tìm kiếm những đứa bé đã chết có độ tuổi trùng với những người đang được đào tạo để trở thành điệp viên nước ngoài.
Đó là phương pháp hiệu quả để đánh cắp danh tính thật ở thời đại tiền internet.
Sau khi tìm được đối tượng phù hợp, một tiểu sử "ảo" chi tiết sẽ được "phù phép", cùng các giấy tờ cần thiết như giấy khai sinh để biến điệp viên Liên Xô thành công dân của một nước nào đó.
Các nhà thờ sẽ được trả tiền để sửa sổ sách và xóa đi phần ghi chép về thông tin tử vong của đối tượng.
Đây là công việc tốn kém và đòi hỏi sự thận trọng cũng như xét tuyển nghiêm ngặt.
Thậm chí, việc nói tiếng Nga trong khi mơ ngủ cũng là lý do để một ứng viên tiềm năng có thể bị loại.
Điệp viên "bất hợp pháp" thường sống lẫn vào cộng đồng dân cư bình thường ở nước ngoài, thay vì dưới vỏ bọc ngoại giao như điệp viên "hợp pháp"
Không hưởng miễn trừ ngoại giao
Huyền thoại tình báo Yuri Dozdov vừa qua đời vào ngày 21/6/2017, thọ 91 tuổi.
Sự ra đi của ông đã kết thúc cuộc đời của một huyền thoại khét tiếng từng trải qua hàng chục năm trên cương vị lãnh đạo cấp cao của KGB.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2010, ông Drozdov đã mô tả về một cặp "điệp viên bất hợp pháp" gồm một nam và một nữ. Họ được cử đến Mỹ qua ngả Tây Đức và đóng vai một cặp vợ chồng.
"Khi làm việc ở New York, tôi thỉnh thoảng lái xe đến con phố nhà hai vợ chồng này, và chỉ nhìn qua cửa sổ", ông Drozdov nói với báo Rossiiskaya Gazeta.
Tuy nhiên, không ai được tiếp xúc với các điệp viên này vì rủi ro quá lớn.
Không giống các điệp viên "hợp pháp" - những người được cử ra nước ngoài dưới vỏ bọc ngoại giao hoặc bảo trợ chính thức khác, điệp viên "bất hợp pháp" sống và làm việc như người bình thường ở những khu vực ngoại ô.
Do đó họ cũng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như các điệp viên khác nếu bị bắt giữ.
Thông tin thu thập được từ những điệp viên chìm này sẽ được tập hợp lại và chuyển tới tay người phụ trách thông qua các phương tiện bí mật
Điều này bao gồm các vị trí giao nhận bưu tín bí mật - nơi hai người có thể trao đổi tài liệu mà không cần gặp mặt, qua radio điện đàm hoặc các cuộc gặp kín ở nước ngoài.
Vụ trao đổi điện viên giữa Mỹ và Liên Xô năm 1962 diễn ra tại cầu Glienicke nối liền Tây Berlin và Postdam
Người đàm phán và 'cầu gián điệp'
Cầu Glienicke bắc qua sông Havel, nối biên giới Đông và Tây Đức được giới truyền thông gọi là "cầu gián điệp" vì Liên Xô và Mỹ nhiều lần dùng cầu này để trao đổi điệp viên bị bắt.
Vào thập niên 40 và 50, Rudolf Abel là một tình báo Liên Xô ở Mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là một nhiếp ảnh gia tại New York.
Ông được cho là người giúp Liên Xô đánh cắp bí mật hạt nhân, và bị FBI bắt và kết án 30 năm tù vào năm 1957.
Sau 5 năm ngồi tù tại Mỹ, ngày 10/2/1962, Rudolf Abel, đã được trao đổi tại cầu Glienicke biên giới giữa Đông và Tây Đức lấy một phi công Mỹ Francis Gary Powers.
Yuri Drozdov, khi đó là một nhân viên KGB trẻ tại Đông Đức, đã giúp đàm phán và dàn xếp việc trao đổi điệp viên nói trên.
Câu chuyện này đã được đạo diễn lừng danh Holywood Steven Spielberg dựng thành phim năm 2016.
Diễn viên Mark Rylance và Tom Hanks trong phim 'Người đàm phán' của Steven Spielberg năm 2016 về việc trao đổi điệp viên Xô Mỹ năm 1962.
'Di sản không thể đếm hết'
Gần đây, vào năm 2010, nhóm 10 điệp viên ẩn của Nga đã bị bắt tại New York, Mỹ. Hai người trong số họ sống như vợ chồng với nhau và đã có con cái trưởng thành.
Một trong số đó là Ana Chapman, một điệp viên nữ xinh đẹp được cho là được đào tạo để gài 'bẫy tình' đối với các thành viên nội các Chính phủ Hoa Kỳ.
Anna sang Mỹ và tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản ở Manhattan, New York.
Ban đêm, Anna thường xuyên có mặt ở các sàn nhảy, hộp đêm sôi động nhất thành phố. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đây chính là vỏ bọc hoàn hảo cho các hoạt động bí mật của Anna tại Mỹ.
Vẫn còn nhiều bí mật về chương trình "điệp viên bất hợp pháp", nhất là về số lượng thành viên, chưa được tiết lộ.
Người ta ước tính rằng Liên Xô đã đào tạo hàng trăm điệp viên như vậy trong thời Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù Liên Xô đã sụp đổ và việc triển khai những điệp viên ẩn để thu thập thông tin cũng như tiếp cận các nhân vật quyền lực đã không còn mang lại nhiều hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, nhưng chương trình "điệp viên bất hợp pháp" được cho là chưa kết thúc.
Di sản của huyền thoại tình báo Drozdov vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó.
Nguồn : BBC, 04/07/2017
Chính phủ Việt Nam 'trả nợ' cho Đạm Ninh Bình ? (BBC, 03/07/2017)
Một chuyên gia kinh tế nói trong việc nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khoản vay từ Trung Quốc nên phải có "trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ".
Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư
Truyền thông Việt Nam cho hay nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, xin ngân hàng Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ và nơi này cho biết "người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam".
Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình, theo VnEconomy.
Trong dự án này, Eximbank Trung Quốc cho vay Vinachem 250 triệu USD, với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.
VnEconomy tường thuật, Bộ Tài chính Việt Nam yêu cầu : "Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ".
Hôm 3/7, trả lời BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú cho hay : "Đạm Ninh Bình là dự án do một doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%. Các khoản nợ vay, nhất là đối với Eximbank Trung Quốc là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, do đó trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ là của chính phủ".
"Chính vì vậy mà Chính phủ đã có yêu cầu Vinachem cố gắng trả nợ đúng hạn, để không ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ".
"Tuy nhiên, đây là cách nói tu từ, vì cuối cùng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi cách để trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc, dù đang ở trong bối cảnh nợ công, nợ xấu rất cao".
'Vấn đề chung'
"Theo như tôi biết, việc Đạm Ninh Bình thua lỗ có yếu tố khách quan từ thị trường (giá vật liệu tăng...), nhưng cũng có yếu tố do nhà máy không hoạt động đúng công suất và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế".
"Phần này liên quan đến công ty HQC, tổng thầu xây dựng nhà máy".
"Tuy nhiên, không biết là Đạm Ninh Bình và Vinachem có yêu cầu bồi thường gì trong hợp đồng hay không".
Chuyên gia nói thêm : "Việc Đạm Ninh Bình thua lỗ cho thấy vấn đề chung của các doanh nghiệp nhà nước : lập dự án, vay vốn nước ngoài, dự án xây dưng nhà máy hoàn thành nhưng không đúng yêu cầu, hoạt động thua lỗ và cuối cùng là xin nhà nước can thiệp để giảm lỗ (can thiệp về vốn hoặc thuế). Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lên ngân sách nhà nước và nợ công, nhất là nợ nước ngoài".
"Việc Eximbank Trung Quốc nói nợ của Đạm Ninh Bình là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh giống như vụ 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có Tập đoàn dầu khí".
"Hơn nữa, đến nay cách tính nợ công của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng".
"Trong nợ công, phải tính đến các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng là do chính phủ bảo lãnh".
"Như vậy cần phải minh bạch là nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu, trong đó có tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh hay chưa ?"
"Theo tôi tìm hiểu, nợ công đã vượt trần quy định (65% GDP) rất xa".
Năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP ; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP ; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP
"Việc để nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, có nguy cơ vỡ nợ".
"Các khoản nợ nước ngoài này nếu cộng dồn lại đều là những nghìn tỷ đồng và đều do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh hết".
Trong một diễn biến khác, tờ Nikkei Asian Review cho hay trước mức trần nợ công, chính phủ Việt Nam đang phải vật lộn để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho các dự án hạ tầng, tìm kiếm các nhà tài chính sẵn sàng rót vốn cho khu vực tư nhân.
"Chính phủ Việt Nam có những kỳ vọng cao đối với đầu tư của Nhật. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật không tỏ vẻ mặn mà, đưa ra một số yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Cải cách là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để thu hút các khoản tiền cần thiết", tờ báo viết.
"Cán cân nợ công của Việt Nam đã ở mức 64,7% GDP vào cuối năm 2016, cao nhất khu vực Đông Nam Á, tương đương với Lào, và sát ngưỡng 65% mà chính phủ tự áp mức trần".
***********************
GDP Việt Nam cao hơn dự kiến nhưng vẫn 'chịu áp lực' (BBC, 29/06/2017)
Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,73%, hơn mức 5,5% của Bloomberg, theo Financial Times.
GDP nay không được xem là thước đo tốt để đánh giá một nền kinh tế có khỏe mạnh hay không.
Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay với mức ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước là 5,1%.
Tuy nhiên với mục tiêu GDP năm 2017 mà Quốc hội Việt Nam đưa ra là tăng 6,7%, truyền thông trong nước nói áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn.
Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%, khu vực dịch vụ chiếm 41,84%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.
Được biết xuất khẩu tăng 18,9% tính tới tháng Sáu, tháp hơn dự đoán 19,6% nhưng lại cao hơn mức xuất khẩu trong tháng Năm là 17,4%.
Trong khi đó nhập khẩu tăng 24,1% tính theo năm, cao hơn dự đoán 23,7% và cao hơn mức tăng vào tháng Năm là 23,9%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tuần này cho biết 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, gồm cả vốn đăng ký và cấp mới - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng cộng có 1.183 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 11,83 tỷ USD ; có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD - tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016, theo VnEcon.
'Bằng mọi giá'
Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật
Hồi tháng Năm năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strasbourg, Pháp bình luận về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ Việt Nam đưa ra".
"Đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay nghĩa là Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá".
"Và việc này chỉ đáp ứng ngắn hạn, về dài hạn có thể có hại cho nền kinh tế".
"Từ mấy năm nay, năm nào chính phủ cũng ưu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP".
"Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu".
"Quan trong là một khi ngân sách bị thâm hụt, nợ công quá cao, thì phải giảm chi tiêu công, tiết kiệm đầu tư vào những khoản không sinh lợi, chỉ đầu tư vào sản xuất, kiềm chế lạm phát…"
"Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khủng hoảng kinh tế ở các nước như ở Argentina và gần đây nhất là ở Hy Lạp để rút kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô".
"Trường hợp của Hy Lạp rất giống Việt Nam ở chỗ là có nợ công quá cao, khiến nền kinh tế phải mất nhiều năm mới vực dậy được".