Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ hồ sơ tài chính mới bị rò rỉ đã cho thấy cách tầng lớp siêu giàu và đầy quyền lực, gồm cả công ty đầu tư của Nữ hoàng Anh, đã đầu tư tiền vào các "thiên đường thuế".

para1

Rò rỉ cho thấy 10 triệu bảng tiền của Nữ hoàng được đầu tư ở hải ngoại

Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị phát hiện có cổ phần trong một công ty làm ăn với chính những người Nga bị Mỹ trừng phạt.

Vụ rò rỉ, được đặt tên Hồ sơ Thiên đường, gồm tới 13,4 triệu văn bản, đa số là của một công ty hàng đầu về tài chính bình phong hải ngoại.

Chương trình BBC Panorama tham gia cùng gần 100 cơ quan truyền thông điều tra kho tài liệu này.

Giống như vụ Hồ sơ Panama năm 2016, các văn bản lần này cũng do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập.

Tờ báo này đã nhờ tới Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ) phụ trách cuộc điều tra.

Các tiết lộ mới nhất hôm Chủ nhật 5/11 chỉ mới là một phần nhỏ, và những tuần tới, các báo sẽ còn công bố chi tiết hồ sơ tài chính và thuế của nhiều cá nhân và công ty bị nêu trong kho dữ liệu.

Chúng cho thấy nhiều chính trị gia, công ty đa quốc gia, người nổi tiếng, người giàu có đã dùng mạng lưới phức tạp của các quỹ, công ty bình phong để giấu tiền khỏi sở thuế hoặc che giấu các thương vụ của họ.

Đa số các thương vụ này không phạm luật.

para2

Bất động sản của Nữ hoàng Anh có khoản đầu tư nhỏ ở BrightHouse

Vì sao dính líu Nữ hoàng Anh ?

Hồ sơ Thiên đường cho thấy khoảng 10 triệu bảng tiền của Nữ hoàng Anh từng được đầu tư tại lãnh thổ ưu đãi hoặc không đánh thuế.

Tiền được Duchy of Lancaster cho vào các quỹ ở Quần đảo Cayman và Bermuda.

Duchy of Lancaster là nơi cung cấp thu nhập cho Nữ hoàng, và quản lý các khoản đầu tư cho bất động sản 500 triệu bảng của Nữ hoàng.

Các khoản đầu tư này đều hợp pháp, và không có bằng chứng là Nữ hoàng không đóng thuế. Nhưng có thể có câu hỏi liệu Hoàng gia Anh có nên đầu tư ở các "thiên đường thuế" hay không.

Có những khoản đầu tư nhỏ vào nhà bán lẻ BrightHouse, từng bị tố cáo bóc lột người nghèo, và chuỗi cửa hàng Threshers, sau này phá sản và nợ 17,5 triệu bảng tiền thuế.

Duchy of Lancaster nói họ không dính líu các quyết định của các quỹ, và không có bằng chứng là Nữ hoàng biết về các khoản đầu tư cụ thể nhân danh bà.

para3

Khó xử cho Ross và Trump ?

Ông Wilbur Ross từng giúp ông Donald Trump thoát khỏi phá sản hồi thập niên 1990 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại dưới thời Tổng thống Trump.

Tài liệu cho biết ông Ross vẫn có lợi ích trong một công ty tàu biển thu hàng triệu đôla mỗi năm nhờ vận chuẩn dầu khí cho một công ty năng lượng Nga. Cổ đông công ty này có con rể Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai người bị Mỹ trừng phạt.

Sẽ lại có câu hỏi về mối liên hệ giữa Nga và nhóm cố vấn của ông Donald Trump.

Chính quyền của ông Trump đã dính cáo buộc rằng Nga đồng lõa để tác động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump đã gọi cáo buộc là "tin giả".

para4

Rò rỉ tài liệu từ đâu ?

Đa phần dữ liệu là từ một công ty pháp lý đặt ở Bermuda, Appleby. Họ giúp khách hàng ở các khu vực có mức thuế thấp hoặc bằng không.

Tờ báo Süddeutsche Zeitung lấy được tài liệu của công ty này, và các công ty chủ yếu ở khu vực Caribê. Tờ báo không cho biết nguồn cung cấp.

Các cơ quan truyền thông tham gia điều tra nói việc này có lợi cho công chúng vì tài liệu rò rỉ từ các thiên đường thuế thường bộc lộ những sai phạm.

Công ty Appleby phản hồi rằng "không có bằng chứng sai phạm về chúng tôi hay khách hàng".

Một số tin liên quan công bố hôm 5/11

Một cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dính líu các khoản đầu tư hải ngoại, có thể khiến Canada thiệt hàng triệu đôla tiền thuế.

- Rò rỉ đặt câu hỏi về Stephen Bronfman, người gây quỹcho đảng của ông Trudeau, và cũng là bạn thân của ông.

- Nhà tài trợ của đảng Bảo thủ Anh, Lord Ashcroft, đã bỏ qua các quy định về việc quản lý đầu tư hải ngoại, theo tài liệu rò rỉ. Ông đã cho Quỹ Punta Gorda ở Bermuda các tài sản trị giá hàng trăm triệu đôla năm 2000. Hồ sơ Thiên đường cho thấy ông thỉnh thoảng ra quyết định mà không hỏi viên chức của quỹ.

- Hồ sơ Thiên đường cũng đặt câu hỏi ai kiểm soát câu lạc bộ bóng đá Everton FC và liệu quy định của Premier League có bị phá vỡ không.

Farhard Moshiri bán cổ phần Arsenal năm 2016 để mua gần 50% Everton. Nhưng rò rỉ cho thấy cổ phần gốc của ông ở Arsenal là "quà" của đại gia Alisher Usmanov, người kiểm soát 30,4% Arsenal.

Điều này đặt câu hỏi phải chăng tiền của ông Usmanov nay ở trong Everton. Ông Moshiri đã bác bỏ cáo buộc tiền này là quà.

Thuật ngữ "tài chính hải ngoại" là gì ?

Tóm gọn lại, đó là nơi nằm ngoài kiểm soát một quốc gia, để công ty hay cá nhân có thể chuyển tiền, tài sản, lợi nhuận nhằm tranh thủ thuế thấp.

Chúng thường được gọi là "thiên đường thuế" hay trong ngành thì gọi là "trung tâm tài chính hải ngoại". Đó thường là các hòn đảo nhỏ, ổn định, bí mật, có những mức độ kiểm tra sai phạm khác nhau.

Vương quốc Anh có vai trò lớn, một phần vì nhiều lãnh thổ hải ngoại của Anh chính là "trung tâm tài chính hải ngoại". Và còn vì nhiều luật sư, kế toán, ngân hàng ngồi ở London và làm cho ngành công nghiệp này.

Brooke Harrington, tác giả cuốn Capital Without Borders : Wealth Managers and the One Percent, cho rằng tài chính hải ngoại chỉ dính líu tới .001% người giàu toàn thế giới. Những tài sản khoảng 500.000 đôla cũng là quá nhỏ, không đủ để đóng các khoản phí.

Nhóm điều tra Hồ sơ Thiên đường (BBC Panorama)

Published in Quốc tế

‘Làm sạch tận gốc’ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ? (BBC, 01/11/2017)

14 cá nhân là ủy viên Hội đồng thành viên, tổng giám đốc của PetroVietnam (PVN) qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đã bị xử lý kỷ luật.

tham1

Ông Đỗ Văn Hậu từng là Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014, bị cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo như vậy cho Quốc hội trong báo cáo về xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp của ngành công thương.

Ngoài ra, tất cả thành viên Hội đồng quản trị của tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 bị "phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Bộ Công Thương nhận định các nguyên lãnh đạo của PVN, Vinatex phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ.

Tại PVN, báo cáo cho biết có 1 người diện thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý về mặt kỷ luật Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và 1 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính.

2 người khác đã bị cảnh cáo và 10 người bị khiển trách.

tham2

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo

Bộ Công Thương nhắc lại quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương cách chức bí thư và phó bí thư Đảng ủy PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu.

Cơ quan kỷ luật Đảng cũng đã khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh - đều là nguyên bí thư Đảng ủy, chủ tịch tập đoàn PVN.

Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Bộ Công Thương nói họ đang "khẩn trương" xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Ban Bí thư Đảng Cộng sản, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tháng Chín, đã cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem.

Theo chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án bị điều tra là gần 43,7 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63,6 nghìn tỷ đồng (tăng 45,65%).

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm hết 2016 là hơn 16,12 nghìn tỷ đồng.

Hồi tháng Sáu, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã họp để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các dự án này.

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

tham3

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị khai trừ Đảng

Cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Từ 5 dự án ban đầu báo cáo ra Quốc hội, Ban này sau đó xác định 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

(1) Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón : Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai

(2) Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học : Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

(3) Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép : Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

(4) Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex)

(5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

(6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

******************

Vụ Khaisilk : Giới chức chịu trách nhiệm đến đâu ? (BBC, 01/11/2017)

Liên quan cuộc điều tra cáo buộc Khaisilk bán khăn lụa 'Made in China', cơ quan chức năng nhiều năm qua đã "thiếu trách nhiệm hay có sự thông đồng", hai nhà quan sát ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi.

tham4

Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hôm 1/11, trả lời BBC, ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói : "Tôi cho rằng việc mở rộng điều tra, khả năng sắp tới là khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có) trong vụ Khải Silk là cần thiết".

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 1/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công ty Khải Đức, chủ thương hiệu Khaisilk.

Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công an, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học - Công nghệ, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng và Hiệp hội Dệt may.

Trước đó, hôm 31/10, đội Quản lý thị trường quận 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk trên đường Đồng Khởi ở Thành phố Hồ Chí Minh.

"Trong vụ việc này, có thể nói trách nhiệm của quản lý thị trường đã quá rõ ràng, việc để hành vi vi phạm của Khaisilk diễn ra trong một thời gian dài. Ở đây, cần làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo, cá nhân Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương và Chi cục Quản lý thị trường của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là do thiếu trách nhiệm hay là có sự thông đồng giữa cơ quan này với đơn vị kinh doanh ?", ông Nguyễn Việt Khoa đặt câu hỏi.

"Ngoài Bộ Công thương, Cảnh sát kinh tế cần điều tra làm rõ để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ công chức đã và đang làm việc trong thời gian công ty này vì phạm".

"Trước mắt, lãnh đạo có thẩm quyền cần ra quyết định đình chỉ ngay chức vụ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ trách nhiệm, qua đó thể hiện quyết tâm trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần chỉ đạo xem xét một cách đầy đủ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công thương qua các thời kỳ cũng như trách nhiệm của các cơ quan thuế, hải quan thuộc Bộ tài chính (nếu có) trong việc để công ty này vi phạm trong một thời gian dài".

tham5

Vụ Khaisilk bán khăn lụa vỡ lở từ một cửa hàng ở Hà Nội

'Che đậy rất kỹ càng'

Theo ông Khoa, hành vi vi phạm của Khaisilk có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 1999.

Tuy nhiên, hành vi này cũng có đủ yếu tố cấu thành tội mua bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009). Đây thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nên mức phạt tù cao nhất có thể đến 15 năm.

Vì vậy, việc xử lý tội danh nào tùy thuộc vào việc xem xét và đánh giá đầy đủ chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Khoa nói thêm : "Theo tôi, cần phải xử lý tội buôn bán hàng giả để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe các hành vi tương tự trong tương lai".

"Có thể nói đây là một sự lừa dối khách hàng thuộc loại lớn nhất lịch sử của Việt Nam đã kéo dài qua hơn hai thập kỷ, hành vi được che đậy rất kỹ càng và chỉ được phát hiện vì một sơ suất nhỏ, nếu vụ việc không được phát hiện bởi một người mua hàng thì có thể nói Khaisilk tiếp tục lừa dối người tiêu dùng, điều nguy hiểm của vụ việc này là việc thu lợi bất chính rất lớn dựa trên niềm tự hào dân tộc đối với hàng Việt Nam".

"Lòng tin bị đánh sập"

Cũng trong hôm 1/11, nhà báo Võ Đức Phúc nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh : "Theo tôi, vụ Khaisilk không dừng lại ở câu chuyện về đạo đức kinh doanh của một doanh nghiệp trong nước nữa mà còn là câu chuyện lòng tin danh hiệu về một sản phẩm của một quốc gia. Lòng tin đó đang bị đánh sập".

"Khaisilk đã lừa dối cả xã hội, lừa dối chính phủ, lừa dối cả bạn bè các nước và chính khách đến Việt Nam khi họ nhận được món quà tặng là tấm khăn choàng mang dáng dấp một sản phẩm đầy tự hào của dân tộc".

"Rõ ràng Khaisilk đã không có đạo đức kinh doanh và vi phạm pháp luật khi làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, gian dối trong kinh doanh, lừa bịp khách hàng trong suốt một thời gian dài 30 năm qua".

Bên cạnh đó, nhà báo Võ Đức Phúc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của giới chức trong việc để tình trạng gian dối kéo dài.

"Một thương hiệu lớn như thế mà chủ thương hiệu đã gian dối 30 năm không bị phát hiện. Lực lượng chức năng đã ở đâu trong câu chuyện này ?"

"Câu hỏi này lẽ ra phải được trả lời sớm chứ không phải bây giờ các cơ quan chức năng mới tình cờ phát hiện. Chuyện này không trách được những nghi ngờ của dư luận là có sự "bảo kê" cho hoạt động của Khaisilk".

"Dù muộn còn hơn không. Những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra các địa điểm bán hàng của Khaisilk, Bộ Công thương cũng đã lên tiếng đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng.~

"Sự vào cuộc nhanh chóng đó cũng đã phần nào lấy lại uy tín cho nhiều thương hiệu sản phẩm trong nước khác đang bị giảm sút nghiêm trọng qua vụ Khaisilk. Bởi người tiêu dùng đang nghĩ đến sự tệ hại về giá trị của những danh hiệu khác hiện nay, nó có vẻ thật dễ dàng có được, chỉ cần doanh nghiệp có tiền và "mua" nó", ông Phúc nói thêm, và "dường như chính phủ đang nỗ lực dẹp bỏ những nghi ngờ đó".

Ông Phúc cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Việt Khoa, rằng cần phải làm rõ những hành vi sai trái trong vụ này. "Vụ việc sẽ phải đi đến tận cùng. Đó là cần khởi tố vụ án để làm rõ đúng sai trong hoạt động kinh doanh của Khaisilk".

Published in Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (1917-2017), Tạp chí Cộng sản ở Việt Nam có bài xác nhận mô hình Liên Xô như đã tồn tại về cơ bản đã bị tiêu diệt.

cntb1

Belarus là nơi vẫn có các triển lãm về Lenin, nhiều năm sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ

Cùng lúc, bài của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng chủ nghĩa Tư bản có "rất nhiều khuyết tật nhưng vẫn tồn tại và phát triển", và đây là một thực tế mà hệ thống chính trị ở Việt Nam cần quan tâm.

Bài cũng nói cả về lý luận và thực tiễn, mô hình chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam "khác nhau".

Cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa hai hệ thống gây ra "chạy đua vũ trang và cuối cùng là góp phần dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu nửa cuối thế kỷ XX", bài báo viết.

"Trong cuộc đối đầu "một mất một còn" ấy chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình Xô Viết về cơ bản đã bị tiêu diệt và chủ nghĩa tư bản với rất nhiều khuyết tật của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển".

Trên thực tế, "sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc thì chủ nghĩa tư bản trở thành "nhân vật chính" của vũ đài thế giới và sự vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay nhìn chung bị chi phối bởi chủ nghĩa tư bản hiện đại".

Và dù chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô đã tan rã năm 1991, nay bài báo đi tới nhận thức rằng, "hầu như đa số người dân ở các quốc gia này, không muốn quay trở lại xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình như trước đây".

Cách nhận định lịch sử Liên Xô và sự kết thúc của mô hình cộng sản Đông Âu trong bài của Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu có vẻ khác với đánh giá của Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn.

Phát biểu trên VTV1 gần đây, ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cho rằng "sai lầm của Liên Xô dẫn tới sụp đổ là "đưa một loạt những kẻ cơ hội, đặc biệt là ông Gorbachev lên vị trí cao nhất".

'Hội nhập quốc tế, thực tiễn gần dân, không giáo điều'

cntb2

Tuần lễ thời trang Moscow : diện mạo nước Nga ngày nay đã khác xa thời xã hội chủ nghĩa và "hầu như đa số người dân không muốn quay trở lại xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình như trước đây"

Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu nêu ra một số nhận xét mang tính định hướng đáng chú ý cho Việt Nam, nhấn mạnh tới thành quả và nhu cầu hội nhập quốc tế tích cực, và ra các chính sách căn cứ vào thực tế, không giáo điều, duy ý chí như một thời gian trước.

Quan điểm này nêu rằng trong bối cảnh này, Việt Nam, do Đảng Cộng sản lãnh đạo "phải ngày càng thực sự trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới ; cũng như thực sự trở thành "bạn" của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới".

"Đây chính là một điều kiện "tiên quyết", "bắt buộc" để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa", tác giả viết.

Nhắc lại giai đoạn trước 1986, Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu cảnh báo :

"Xa rời thực tiễn, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, quan liêu, bất chấp quy luật khách uan là những bài học đắt giá mà Đại hội VI của Đảng ta đã chỉ ra".

"Không xuất phát từ thực tiễn đất nước sẽ ban hành những chỉ thị, nghị quyết không phù hợp với thực tiễn vì vậy sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn".

"Không xuất phát từ thực tiễn khi áp dụng những kinh nghiệm quốc tế thường dập khuôn, máy móc, giáo điều xa lạ đối với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi đó, người dân sẽ không tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước".

Nhiều yếu tố 'cộng sản' ở xã hội tư bản ngày nay

cntb3

"...nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới"

Một điều đáng chú ý nữa là bài báo nhận định rằng tại các xã hội Phương Tây ngày nay, "nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới".

"Đó là thời đại của sự phát triển đỉnh cao của nhân loại. Đó không còn là chủ nghĩa tư bản với đúng nghĩa của nó nữa. Có người gọi đó là xã hội hậu tư bản".

"Thực tiễn cho thấy, trong các nước tư bản phát triển ở đỉnh cao hiện nay đã xuất hiện rất nhiều nhân tố của chủ nghĩa cộng sản như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác dự báo".

Nhưng bài báo không nói bằng cách nào Việt Nam có thể đạt được trình độ phát triển như vậy.

Có vẻ như giải pháp đề ra vẫn là nhấn mạnh vai trò "Đảng lãnh đạo" nhưng kiến nghị Đảng Cộng sản Việt Nam "phải đổi mới toàn diện về tổ chức và phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội".

cntb4

Việt Nam thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ : Đà Nẵng vừa khai trương Trung tâm Báo chí APEC để phục vụ hội nghị thượng đỉnh quan trọng bậc nhất tại Châu Á hàng năm

Trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, thậm chí cần phải xóa cả một số cơ sở Đảng suy thoái, tác giả kiến nghị :

"Kiên quyết giải tán các tổ chức đảng cơ sở suy thoái, mất sức chiến đấu ; Kiên quyết loại bỏ những phần tử thái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ Đảng".

Sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vai trò của các nhà lý luận kiêm tham mưu cao cấp cho lãnh đạo của Đảng này được đề cao.

Điều này cho thấy để giải quyết vấn đề khó khăn, mang tính nội tại của hệ thống chính trị kiểu Trung Quốc, và một phần tương tự là Việt Nam, người ta rất cần lý luận.

Tuy thế, như Giáo sư Đại học Harvard, Niall Ferguson viết trên trang Sunday Times tại Anh hôm 29/10/2017, 'chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc' thực chất chỉ là cách gọi khác đi của 'chủ nghĩa tư bản' do nhà nước quản trị.

Nguồn : BBC, 31/10/2017

Published in Diễn đàn

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm thứ Năm nói rằng bà sẽ tái đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Việt Nam trong thời gian hai tuần nữa.

tpp1

Chính phủ liên minh của bà Thủ tướng Jacinda Ardern chính thức nhậm chức hôm 26/10/2017

Mục đích là nhằm để chính phủ New Zealand có thể ra lệnh cấm người nước ngoài mua nhà tại nước này, hãng tin Reuters đưa tin.

Bà Ardern chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Năm sau khi đàm phán thành công, thành lập chính phủ liên minh do đảng Lao Động cánh tả dẫn dắt.

Bà nói bà đã bắt đầu khởi động việc áp lệnh cấm. "Cho dù đó là TPP hay bất kỳ thỏa thuận nào khác, cần phải đảm bảo rằng chúng ta có thể cấm người nước ngoài mua các ngôi nhà đã có sẵn tại New Zealand", bà Ardern nói với các phóng viên tại Wellington.

tpp2

Nhà ở khu bờ biển Orakei, Auckland, New Zealand giá hàng triệu đô la một căn nhưng không thiếu khách mua

11 thành viên TPP đặt mục tiêu đạt thỏa thuận trong tháng 11 này tại kỳ họp thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, nhưng tuyên bố của tân lãnh đạo New Zealand khiến khả năng hiện thực hóa mục tiêu này trở nên xa hơn.

Trong thời gian 30/10 đến 1/11, các bên sẽ có vòng đàm phán tiếp theo tại tỉnh Chiba, miền đông Nhật Bản.

New Zealand là quốc gia vốn tích cực thúc đẩy hiệp định tự do thương mại và là một trong các thành viên nhiệt thành của TPP Trừ Một, sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Tuy nhiên, nay đảng Lao Động tỏ y quan ngại rằng về việc TPP khiến nước này không thể cấm người nước ngoài mua các căn nhà đã có sẵn.

Theo dự kiến của chính phủ thì người nước ngoài vẫn được mua các căn nhà mới xây hoặc các căn hộ.

Mối quan ngại xuất phát từ thực tế là có rất nhiều người New Zealand không đủ khả năng mua nhà do giá bất động sản đã tăng hơn 50% trên toàn quốc trong thời gian khoảng 10 năm qua. Thậm chí thành phố Auckland giá còn tăng gấp đôi.

tpp3

Báo chí nói chuyến thăm đến Đà Nẵng là dịp đầu tiên bà Jacinada Ardern, 37 tuổi, thể hiện vai trò Thủ tướng New Zealand ở một diễn đàn quốc tế lớn

New Zealand là thị trường bất động sản được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng, Reuters dẫn lời Jane Lu, người đứng đầu trang web chuyên về bất động sản Juwai.com.

Trung Quốc đi đầu trong danh sách nước có nhiều người đầu tư vào thị trường bất động sản ở New Zealand nhất.

Theo một báo New Zealand hồi 2016, chỉ trong ba tháng đầu năm đó, chừng 60% nhà ở tại Auckland được bán cho khách hàng là nhà đầu tư Trung Quốc.

Bên cạnh việc muốn đàm phán lại về TPP, bà Ardern hôm thứ Năm cũng nói cần hạn chế và giảm bớt lượng người nhập cư, hiện từ mức cao kỷ lục trên 70.000 xuống còn tối đa là 30.000 trường hợp.

Published in Quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết hợp tác ‘với các đối tác như Việt Nam’.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Việt gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Việt gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.

"Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để đảm bảo một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.

"Họ cũng tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và nêu bật những tiến bộ kể từ cuộc họp hồi tháng Tám tại Washington.

"Ông Mattis nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ là hợp tác với các đối tác như Việt Nam để thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định", người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Dana W. White nói trong một thông cáo.

ADMM-Plus được mô tả là nền tảng cho các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề quốc phòng và an ninh chiến lược bao gồm Bắc Hàn, khủng bố và an ninh biển…

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được dẫn lời nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là lĩnh vực để có hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

Hoa Kỳ đề xuất tổ chức một cuộc tập trận hải quân mới với các đối tác ASEAN năm 2018, cũng như tổ chức một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải với các lực lượng hải quân khu vực và thực thi luật hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không...

"Bộ trưởng Mattis khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không, đi lại trên biển và tiến hành hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", bà White nói.

Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm gây áp lực với Bắc Hàn nhằm loại bỏ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược được tại bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như sẽ không tham dự được các phiên chính của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thành phố Angeles, Philippines vào ngày 14/11.

Hội nghị EAS có sự tham dự của lãnh đạo hơn 10 nước tại Châu Á, Australia, New Zealand và Nga sẽ khai mạc vào ngày 13/11 nhưng ông Trump theo dự kiến sẽ ở thủ đô Manila ngày 12-13.

Tại Manila, ông Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và sẽ tham dự một số phiên họp khác "liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á".

Published in Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 25/10 đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự tổng thanh tra Chính phủ, theo đó giới thiệu ông Lê Minh Khái.

sáu

Tổng Thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu vừa được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng

Ông Lê Minh Khái từng giữ chức phó tổng kiểm toán nhà nước giai đoạn 2007-2014, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, sẽ trở thành Tổng thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu đã được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Hôm 25/10, trả lời BBC từ Sài Gòn, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói : "Tôi mong là người được bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay".

"Tôi theo dõi thì thấy Tổng thanh tra Chính phủ trước giờ thường chậm công bố những vụ lớn. Có những vụ thanh tra nhiều lần nhưng công luận không biết kết quả ra sao, như vụ Mobifone mua AVG, rồi vụ "biệt phủ Yên Bái" thì chỉ mới công bố gần đây sau một thời gian dài".

'Khó có chuyện sáp nhập'

"Theo tôi nhận thấy, có những vụ cứ thanh tra, kiểm tra đến đâu thì lòi ra sai phạm của bộ máy Đảng, Nhà nước đến đấy. Điều này là do những người tiền nhiệm ở cơ quan Tổng thanh tra làm không tốt".

"Do vậy, tôi mong người ngồi vào ghế tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay và giữ đúng tôn chỉ là không có vùng cấm trong công tác thanh tra".

Bình luận về ý kiến của một thành viên Hội đồng lý luận trung ương đề xuất sáp nhập Thanh tra chính phủ với Ủy ban Kiểm tra trung ương, Luật sư Thuận nói : "Trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 6 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa khẳng định điều đó. Có thể là do Hội nghị trung ương chưa quyết vấn đề gây tranh cãi này".

"Theo tôi, sẽ khó có chuyện sáp nhập hai tổ chức này, có chăng chỉ là phối hợp, vì phạm vi của cơ quan kiểm tra chỉ là trong nội bộ Đảng, trong lúc cơ quan thanh tra mang tính đại trà hơn và liên quan đến chính sách Nhà nước".

Cùng ngày, Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân được báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời :

"Nếu như người đứng đầu ngành thanh tra không xử nghiêm được các vụ việc tiêu cực mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân. Sự cố gắng của người đứng đầu lĩnh vực thanh tra sẽ góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước".

"Người này cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Có thể nói áp lực với người đứng đầu ngành thanh tra trong bối cảnh hiện nay là rất lớn".

Ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín phê chuẩn nhân sự mới nắm giữ Thanh tra chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

Published in Việt Nam

Hoa Kỳ biết người dân bị "tàn sát" trong cuộc thanh trừng chính trị ở Indonesia trong thập niên 1960 nhưng im lặng, theo tài liệu vừa giải mật.

indo1

Gia đình những nạn nhân thăm viếng nghĩa trang nghi là chốn cất những người đã bị tàn sat

Ít nhất 500.000 người bị giết từ 1965 đến 1966, sau khi quân đội và dân quân Hồi giáo địa phương tấn công.

Washington giữ im lặng khi đó.

Nhưng tài liệu mới giải mật cho thấy Mỹ biết rõ các sự kiện này.

Theo các điện tín, nhân viên Mỹ đã mô tả đây là "thảm sát", "giết người vô tội vạ", rằng quân chính phủ Indonesia muốn "thanh lọc toàn bộ" Đảng Cộng sản và các nhóm cánh tả.

Có những giả thiết rằng có thể ba triệu người đã chết chỉ trong một năm.

Sự kiện bạo lực này tiếp tục là chủ đề rất nhạy cảm tại Indonesia.

indo2

Biến cố 1965-1966 vẫn ít được nói tại Indonesia

Biến cố xảy ra sau khi phe cộng sản bị tố cáo giết sáu viên tướng vào tháng Chín 1965.

Đó đang là giai đoạn đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, có tranh chấp quyền lực giữa phe cộng sản, quân đội và Hồi giáo tại Indonesia.

indo3

Cảnh sinh viên Hồi giáo ở Jakarta năm 1965 đòi cấm các nhóm cộng sản

50 năm sau, nội dung các bức điện tín Mỹ khiến người ta rùng mình.

Brad Simpson, sáng lập dự án tài liệu Indonesia và Đông Timor, đã vận động để công bố bộ hồ sơ này.

Ông nói: "Các tài liệu cho thấy chi tiết giới chức Mỹ biết bao nhiêu người đang bị giết khi đó".

Ông Simpson nói ngày càng nhiều người dân tại Indonesia muốn biết sự thật sau nhiều năm tuyên truyền chống cộng.

39 văn bản được giải mật xuất phát từ bộ hồ sơ của sứ quán Mỹ ở Jakarta giai đoạn 1964-1968.

Trung tâm Giải mật Quốc gia, thuộc Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, đã công bố tài liệu.

Published in Châu Á

Tại Áo, ông được gọi là "Wunderwuzzi" - có nghĩa "thần đồng" hay "thiên tài".

Ở tuổi 31, lãnh đạo phái bảo thủ Sebastian Kurz trở thành Thủ tướng trẻ nhất Châu Âu , sau khi đã làm thay da đổi thịt Đảng Nhân dân Áo.

tre1

"Black is Cool" : Sebastian Kurz (ngồi trên xe) trong bức ảnh vận động tranh cử năm 2011

Chẳng có điều gì là quá nhỏ đối với chính trị gia trẻ tuổi đầy tham vọng đang nhắm tới đỉnh cao quyền lực chính trị.

Năm 2011, ông Kurz chụp hình trên chiếc xe Jeep cho chiến dịch vận động "Màu đen là sành điệu" (Black is Cool) - khi màu đen là màu của Đảng Nhân dân Áo

Nhưng trong kỳ bầu cử này, khi mà ông là chắc chắn sẽ là người thắng cuộc, ông đổi màu của đảng thành xanh lam, một thay đổi thương hiệu lớn.

Màu mới này rõ ràng là có tác dụng. Nhưng còn những yếu tố nào đưa lớp chính trị gia trẻ tuổi đầy sức hút lên vị trí quyền lực trong những năm gần đây ?

tre2

Ngoại trưởng Áo và lãnh đạo Đảng Nhân dân Áo Sebastian Kurz trở thành Thủ tướng Áo

Ông Kurz là nhà lãnh đạo trẻ mới nhất trên chính trường quốc tế làm rung chuyển hệ thống chính trị ở nước mình.

Trước đó, nước Pháp đã bầu Emmanuel Macron làm tổng thống khi ông chỉ mới ở tuổi 39. Macron làm một cuộc cách mạng chính trị bằng việc lập ra một đảng tự do mới, Đảng Cộng hòa Tiến bước (La République En Marche !). Chỉ vài tuần sau khi ông Macron thắng cử, đảng này giành chiến thắng lớn trong các kỳ bầu cử quốc hội.

Năm 2014, nước Ý có thủ tướng trẻ nhất - ông Matteo Renzi, khi đó cũng mới 39 tuổi. Cũng như Macron, ông chưa bao giờ làm trong quốc hội, và là một người chưa có kinh nghiệm trên chính trường.

Nước Estonia bé nhỏ cũng có "Wunderkind" riêng của mình. Tham vọng chính trị đã đưa Taavi Roivas lên giữ chức thủ tướng từ 2014 đến 2016 khi ông mới 38 tuổi.

tre3

Tổng thống Pháp Macron không bỏ qua cơ hội chụp ảnh với Thủ tướng Canada tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Thành công của những nhà lãnh đạo trẻ này cho thấy cử tri tìm kiếm nhiều điều hơn là kinh nghiệm khi họ bầu chính trị gia của mình. Tuổi trẻ và sức hút đóng vai trò đáng kể, cũng như khả năng thuyết trình đầy thuyết phục khi tranh cử.

Có ý kiến lo ngại rằng trong thời đại số giờ đây, khi hình ảnh và mạng xã hội thống trị, hình thức thắng thế nội dung trên chính trường.

"Họ trông bảnh bao, nhưng họ có thực lực tương đương với hình thức không ?" ông Kadri Liik, chuyên gia chính trị Estonia tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu đặt câu hỏi.

Thạo về truyền thông và năng chơi thể thao

Hình ảnh khoáng đạt của "thần đồng" Kurz thể hiện sự khôn ngoan của ông - ông nhận thấy người Áo trẻ đang mong mỏi có sự thay đổi chính trị.

Phong cách mặc áo mở khuy cổ và chải tóc vuốt ngược của Kurz đưa ra một hình ảnh trẻ trung - không như hình ảnh già cỗi của những chính trị gia Áo mặc những bộ vét xám.

tre4

Cựu Thủ tướng Ý Matteo Renzi mặc áo khoác da làm tăng hình ảnh trẻ trung của mình

Trang trọng nhưng thoải mái cũng là phong cách của Matteo Renzi, người từng có những bức ảnh mặc áo phông trắng và áo khoác da.

Bà Sophie Gaston, phó giám đốc Viện nghiên cứu Demos của Anh, cho rằng lớp lãnh đạo mới này "có chung hiểu biết về những thế mạnh cần thiết thời hiện đại khi đi vận động tranh cử - đặc biệt là thông thạo kỹ thuật số và mạng xã hội - và làm thế nào tận dụng mạng xã hội để kết nối trực tiếp với cử tri".

"Điều này làm họ vượt trội so với giới chính trị tinh hoa 'truyền thống' ở các đảng chính thống".

Các ông Kurz, Macron và Renzi đều nổi lên từ các cơ cấu đảng truyền thống, nhưng họ thuyết phục được các cử tri rằng họ là một làn gió mới và thực sự muốn thay đổi.

tre5

Barack Obama đưa ra hình ảnh yêu thể thao từ trước khi trở thành tổng thống

Đưa ra hình ảnh khỏe mạnh và năng chơi thể thao cũng góp phần cho thành công của những vị lãnh đạo này.

Trong chiến dịch bầu cử năm 2008, Barack Obama chơi bóng rổ khi chụp hình ở Indiana. Và khi đã lên tổng thống, ông thường xuyên chơi golf.

Nhiều vị lãnh đạo ngày nay có ảnh chụp khi họ đang chạy bộ, trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau, 45 tuổi.

tre6

Tổng thống Pháp Macron chơi tennis trên xe lăn

Theo ông Robyn Urback, một phát thanh viên của hãng truyền thông Cadana CBC, không phải ngẫu nhiên mà nhiếp ảnh gia riêng của Trudeau chụp các kiểu ông đang chạy bộ có "một nhóm trẻ em đang chụp ảnh trên đường ven hồ" đứng đằng sau. Những bức ảnh này mang đến cảm giác "dễ chịu" cho người xem.

Tổng thống Macron thì chơi tennis trên xe lăn hồi tháng Sáu - một cơ hội chụp hình khó quên.

Published in Quốc tế

Tinh gọn hệ thống chính trị Việt Nam : Làm được không ? (BBC, 14/10/2017)

Hội nghị trung ương 6 vừa kết thúc tại Hà Nội đã bàn về "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

tinhgon1

Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang chỉ đạo tiếp tục làm thí điểm dự án nhất thể hóa các cơ quan đảng và chính quyền ở cấp cơ sở, địa phương.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn 'cồng kềnh', tổ chức và biên chế ngày càng phình to, số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý.

Phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ; thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở nơi có đủ điều kiện.

Ông Trọng nói "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu".

Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam đưa ra bình luận với BBC tiếng Việt :

"Người ta đòi hỏi phải có một luật về đảng, trong khi sửa đổi và xây dựng Hiến pháp năm 2013 người ta đặt ra rất nhiều, nhưng tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam như một tổ chức tạm gọi xen vào trong.

"Tức là đảng lãnh đạo thông qua ban cán sự, rồi đảng của các bộ phận, đảng đoàn, chẳng hạn như đảng là Bộ Chính trị mà lãnh đạo, thì thông qua ban cán sự đảng chính phủ, hoặc lãnh đạo trong Quốc hội là thông qua đảng đoàn trong Quốc hội.

"Thực tế cũng là Đảng cả nhưng họ đặt ra để lãnh đạo thông qua cái đó... không phải đứng lên trên Quốc hội, trên Chính phủ mà lãnh đạo thông qua Ban cán sự đảng, thông qua đảng đoàn, thông qua đảng ủy, qua các cơ quan ban cán sự.

"Tổ chức của Đảng là như vậy, còn lãnh đạo như thế nào, thì trong Hiến pháp, điều 4 cũng có nói, còn chuyện người ta đòi hỏi Đảng phải có một luật về đảng, thì chuyện đó người ta đòi hỏi cũng nhiều và nhiều kiến nghị lắm.

"Từ trước đến giờ, từ năm 1992 đến giờ người ta đặt đi, đặt lại rất nhiều lần chuyện đó, nhưng cuối cùng vẫn chưa có gì đặt ra. Còn bây giờ người ta muốn để cho chính danh, thì ông Tổng bí thư có thể kiêm Chủ tịch nước để khi đi nước ngoài, tiếp nước ngoài thì nó rõ ràng.

"Nhưng bây giờ trong ngoại giao, chúng ta thấy là cũng có câu chuyện là Tổng bí thư đi thăm Mỹ, đi thăm Nhật, người ta cũng ký cái này kia, có lẽ người ta không ngạc nhiên, nhưng mà rõ ràng là cái đòi hỏi rất lớn. Còn lãnh đạo Việt Nam là lãnh đạo thông qua đảng đoàn, đảng bộ và ban cán sự".

Hợp nhất thế nào, có luật hay không ?

Hôm 12/10, nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cũng đưa ra bình luận về chủ đề nhất thể hóa các cơ quan thuộc các hệ thống đảng và chính quyền này, ông nói với BBC :

"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào ?

"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.

"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết !".

Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận thêm về vấn đề có tính giả thuyết là nếu đã hợp nhất, nhất thể hóa rồi, thì khi có nhu cầu tách ra, sẽ tách ra như thế nào, ông nói :

"Có những người nói đảng này nên thành lập đảng Hồ Chí Minh, đảng Lao Động trở lại, rồi đảng cộng sản này kia, thì cũng không đơn giản bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam là gì ? Tức là một đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện, mà lãnh đạo toàn diện là thế nào ?

"Trước nhất là lãnh đạo tổ chức là lãnh đạo con người, phân công, bổ nhiệm con người, rồi trực tiếp nắm về tư tưởng, rồi thông tin, truyền hình, báo chí thì Đảng phải trực tiếp nắm, rồi nắm lực lượng vũ trang, nắm công an, quân đội.

"Thì cũng có người cũng hỏi là nếu mà tách ra thì các lực lượng chia làm sao ? Người ta chia công an thì ai nắm bộ phận công an, ai nắm bộ phận kia, ai nắm quân đội ? Ai thế này, thế kia, rồi ai nắm bộ máy tổ chức ? Tổ chức đảng là tổ chức họ lãnh đạo toàn diện, tức là ba lãnh vực 'trực tiếp' là lực lượng vũ trang, chính trị tư tưởng và tổ chức bộ máy, thì đều Đảng chi phối.

"Bây giờ trong Nghị quyết trung ương 6 này, họ siết chặt chữ đó nữa, đảng phải trực tiếp quản lý, nhất là thông qua nghị quyết mới của Bộ Chính trị bởi vì những nhân sự, tất cả các cấp ủy đều phải có sự ưng thuận và đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp nắm chặt, không có chuyện có thể có ý kiến khác thế này, thế kia được", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC tiếng Việt từ Sài Gòn.

*********************

Đảng 'quyết' nhất thể hóa, nhưng 'căn cứ luật nào' ? (BBC, 14/10/2017)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bình luận về Hội nghị trung ương 6 khóa 12 vừa bế mạc ở Hà Nội và chủ trương nhất thể hóa quyền lực đảng - chính của Đảng và nhà nước Việt Nam.

tinhgon2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 12/10/2017, người hiện đang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt, nêu quan điểm về chủ trương nhất thể hóa nói trên mà Hội nghị trung ương 6 quyết định sẽ thực hiện tiếp sau vòng thí điểm ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhưng có thể được bắt đầu ở cấp cơ sở phường, xã, ông Khắc Mai nói :

"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào ?

"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.

"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết !".

Trong cuộc trao đổi hôm thứ Năm với Quốc Phương của BBC Việt ngữ, cựu Vụ trưởng Ban Dân vận cũng đưa ra một số nhận xét, nhận định 'thẳng thắn' từ góc độ quan điểm riêng về tính hiệu quả hay không của Hội nghị 6 khóa 12 Ban chấp hành trung ương  Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi, bổ sung các nhân sự trong trung ương và các ban của Đảng có ý nghĩa gì thực sự gì không hay có thể bình luận gì về vị thế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đầu nhiệm kỳ II của ông đến nay.

Published in Việt Nam

Tiền chính phủ Trung Quốc tới Việt Nam bao nhiêu ?

BBC, 12/10/2017

Việt Nam nhận hơn 4,3 tỉ đôla viện trợ và tài trợ từ nguồn chính phủ Trung Quốc từ 2000 đến 2013, theo nghiên cứu mới về tổng dòng số tiền Trung Quốc 354 tỷ đôla Mỹ trợ giúp 140 nước trong giai đoạn này.

tien1

Trung Quốc viện trợ cho những nước nào ? Số liệu tính bằng đôla Mỹ

Con số này, có thể không đầy đủ, cho thấy các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia nhận tiền từ Trung Quốc hơn nhiều so với Việt Nam.

Đặc biệt, Lào là nước có dân số nhỏ nhất trong năm quốc gia trên, nhưng nhận tới 12 tỉ USD từ Trung Quốc trong cùng thời gian.

Văn phòng Nghiên cứu AidData tại College of William & Mary, bang Virginia, Hoa Kỳ, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Harvard của Mỹ và Đại học Heidelberg của Đức.

Nhóm AidData giám sát và thu thập tin tức về các dòng tiền từ Trung Quốc sang các nước, qua sử dụng tin chính thống, tài liệu sứ quán, cũng như thông tin về nợ nần, viện trợ của các nước.

Trong bảng số liệu gửi cho BBC, AidData cho biết nghiên cứu của họ bao gồm ba dạng tài chính mà Trung Quốc dành cho các nước :

Viện trợ và tiền ngân hàng cho Việt Nam

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) : có mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, lãi suất ưu đãi, chủ yếu do Bộ Thương mại Trung Quốc cấp. Trong hạng mục ODA, ví dụ, Trung Quốc từng viện trợ không hoàn lại 60 triệu nhân dân tệ cho Việt Nam bổ sung vào phần kinh phí xây dựng ký túc xá học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

tien2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015

Dòng tiền chính thức khác (AidData dùng chữ tiếng Anh là Other Official Flows, gọi tắt OOF) : cũng do chính phủ Trung Quốc cấp, thường thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank). Nhưng các dự án này không thuộc mục đích giúp phát triển, hoặc không đủ ưu đãi để gọi là ODA. Một ví dụ OOF là Trung Quốc năm 2003 cung cấp hai khoản vay cho dự án xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung tại Hà Nội.

Dòng tiền không rõ (AidData gọi là Vague Official Finance, gọi tắt OF) : các dự án cũng dùng tiền chính phủ Trung Quốc nhưng AidData không đủ thông tin để xác minh đây là ODA hay OOF.

Một ví dụ về dòng tiền không rõ (OF) là AidData dẫn lại khoản vay 530 triệu Nhân dân tệ (64 triệu đôla) năm 2003 của Trung Quốc, cho Việt Nam hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội.

tien3

AidData thống kê khoản tín dụng ODA 85,5 triệu USD để xây Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, Thái Nguyên, của tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Theo bảng số liệu mà AidData cung cấp cho bbcvietnamese.com, từ 2000 đến 2013, tổng cộng Việt Nam nhận từ Trung Quốc hơn 4,3 tỉ đôla, trong đó :

Số liệu của AidData về Việt Nam dựa theo 19 dự án ODA, 7 OOF và 9 OF trong giai đoạn 2000-2013.

Việt Nam
ODA OOF OF
gần 350 triệu đôla Mỹ gần 986 triệu đôla gần 3 tỉ đôla
     
Tổng cộng : 4,3 tỉ đôla  
   

Để so sánh, sau đây là các con số liên quan một số nước Đông Nam Á nhận tiền từ nguồn chính phủ Trung Quốc :

Campuchia
ODA OOF OF
3 tỉ đôla 4,9 tỉ đôla 741 triệu đôla
Tổng cộng : 8,7 tỉ đôla  
   

Indonesia
ODA OOF OF
869 triệu đôla 5,5 tỉ đôla 2,9 tỉ đôla
Tổng cộng : 9,3 tỉ đôla  
   

Lào
ODA OOF OF
663 triệu đôla 10,9 tỉ đôla 383 triệu đôla
     
Tổng cộng : 12 tỉ đôla  
   

Myanmar
ODA OOF OF
764 triệu đôla 527 triệu đôla 726 triệu đôla
     
Tổng cộng : 2 tỉ đôla  
   

Thái Lan
ODA OOF OF
gần 14 tỉ đôla 1,2 tỉ đôla  
     
Tổng cộng : hơn 15 tỉ đôla  
   

Lãi suất cao

Trong một bài trên BBC News, có mô tả dòng tiền từ Trung Quốc viện trợ hoặc tài trợ cho nước ngoài.

Từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỉ đôla, so với tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỉ đôla trong cùng thời gian.

Số liệu AidData cho thấy Mỹ và Trung Quốc phân phát số tiền gần bằng nhau trong giai đoạn 2000-2014 nhưng theo cách khác nhau.

Chừng 93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Số tiền có mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay.

Còn với Trung Quốc, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống.

Đa số còn lại là các khoản vay thương mại mà sau này phải trả lại cho Bắc Kinh cùng lãi suất.

Đây là sự thay đổi trong cách cấp viện của Trung Quốc, cả về số lượng và tỷ lệ viện trợ không hoàn lại và tiền cho vai có lãi suất.

Trong một bài hồi 2015 trên Huffington Post, Daniel Wagner, CEO của công ty Country Risk Solutions ở Mỹ nêu con số rằng Trung Quốc viện trợ ra nước ngoài 39 tỷ USD trong sáu thập niên, từ 1950 đến 2009.

Trong khoản này, có 40% là viện trợ, và 60% còn lại là tiền cho vay không lãi suất và cho vay có lãi suất.

Nguồn : BBC, 12/10/2017

Xem bài tiếng Anh 'China's secret aid empire uncovered' và bản tiếng Việt trích thuật một số nét chính trong bài tường thuật của của Celia Hatton.

********************

Vén màn bí mật 'tiền viện trợ' Trung Quốc

BBC, 11/10/2017

Các nhà nghiên cứu nước ngoài vừa công bố một bí mật nhà nước của Trung Quốc : số tiền Bắc Kinh viện trợ cho các nước khác.

tien4

Công nhân Trung Quốc ở Sri Lanka : Nhiều dự án viện trợ kèm theo công việc cho người Trung Quốc

Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu nước ngoài công bố bảng dữ liệu ghi lại hầu hết số tiền viện trợ của Trung Quốc.

Dẫn lại hơn 5.000 dự án ở 140 nước, trong đó có Việt Nam, họ cho thấy Trung Quốc đang cạnh tranh gắt gao với Mỹ về chuyện giúp đỡ nước ngoài.

Phòng nghiên cứu AidData tại College of William & Mary, bang Virginia, Hoa Kỳ, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Harvard của Mỹ và Đại học Heidelberg của Đức.

Nhóm AidData tìm kiếm các dòng tiền từ Trung Quốc đến các nước, sử dụng các tin tức chính thống, tài liệu sứ quán, cũng như thông tin nợ nần, viện trợ của các nước.

tien5

2015 : Công nhân Trung Quốc xây đường sắt tại Ethiopia

Sau thời gian công phu thâu gom dữ liệu, họ đưa ra bức tranh tương đối đầy đủ về dòng viện trợ quốc tế của Bắc Kinh.

Số liệu chính thức cho biết từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỉ đôla.

Trong cùng thời gian, tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỉ đôla.

Nó cho thấy Mỹ và Trung Quốc phân phát số tiền gần bằng nhau trong giai đoạn 2000-2014. Nhưng hai nước phân phối tiền theo cách khác nhau.

93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Số tiền có mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay.

Còn với Trung Quốc, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống. Đa số là các khoản vay thương mại mà sau này phải trả lại, có lãi suất, cho Bắc Kinh.

tien6

Tiền Mỹ và Trung Quốc cho nước ngoài

Tiền dùng làm gì ?

Nhóm nghiên cứu cũng nhận ra rằng khi Trung Quốc viện trợ truyền thống, các nước có lợi về kinh tế. Nghiên cứu của họ chứng minh rằng Trung Quốc cũng có thể điều hành các dự án viện trợ tốt như phương Tây.

Theo nhóm nghiên cứu, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Trung Quốc giúp tăng trưởng kinh tế, còn dòng tiền chính thức khác (AidData dùng chữ tiếng Anh là Other Official Flows, gọi tắt OOF) thì không.

Họ thấy rằng mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 5 tỉ đôla cho ODA, nhưng đa số tiền của Trung Quốc thực ra là ở dạng OOF, không đáp ứng tiêu chuẩn ODA và có thể bao gồm các dự án thương mại.

Brad Parks, từ AidData, nói : "Chúng tôi chứng tỏ các sự phân biệt này rất quan trọng".

"Chỉ có ODA của Trung Quốc là đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế cho nước nhận".

Cũng có bằng chứng rằng các khoản cho vay dễ dãi vô điều kiện của Trung Quốc lại tác động tới cả hệ thống cho vay toàn cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, khi một nước Châu Phi nhận hỗ trợ của Trung Quốc, World Bank cũng phải hạ thấp các điều kiện cho vay. Cụ thể, khi viện trợ Trung Quốc tăng 1%, thì World Bank cũng giảm đi 15% đòi hỏi liên quan giải phóng thị trường hay minh bạch kinh tế.

tien7

Tiền Trung Quốc chi để làm cảng Gwadar của Pakistan

Cả Bắc Kinh và Washington thường dành tiền cho những nước ủng hộ họ tại Liên Hiệp Quốc.

Nhưng kinh tế cũng đóng vai trò chủ chốt cho Bắc Kinh. Nghiên cứu cho thấy Bắc Kinh thường chú trọng thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, hay dành khoản vay với giá thị trường ở những nước mà Trung Quốc muốn họ phải trả lại tiền với lãi suất.

tien8

Trung Quốc đem tiền đi đâu ?

tien9

Nơi đến của tiền Mỹ

Dữ liệu cho thấy những nước nhận khoản vay giá thị trường của Trung Quốc thì không sa sút về kinh tế nhưng cũng không tăng trưởng kinh tế. Nhóm nghiên cứu lo ngại ngay cả điều này cũng có thể thay đổi sau 10, 15 năm nữa - khi mà những nước này mang nợ vì không đủ tiền trả lại cho Bắc Kinh.

Brad Parks, thuộc nhóm nghiên cứu, nói : "10, 15 năm nữa, họ có thể gặp cùng vấn đề giống như khi nhà tài trợ phương Tây gặp phải khi các khoản vay không được trả".

"Nếu việc đó xảy ra, có thể Bắc Kinh sẽ phải xem lại cách cấu trúc các khoản vay".

Nguồn : BBC, 11/10/2017

Published in Diễn đàn