Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 28/07/2021
Kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam. Kể từ năm 2018, quan hệ kinh tế song phương càng được tăng cường hơn nữa, một phần nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dẫn đến sự chuyển hướng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc sang một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Chẳng hạn, trong quý đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 21,2 tỷ đô la, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư từ các công ty Mỹ như Apple và Intel, cùng với các nhà cung cấp của họ, cũng đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động xuất khẩu và năng lực chế tạo của mình.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin
Trong khi khía cạnh kinh tế của quan hệ song phương đã phát triển vượt bậc, quan hệ an ninh – quốc phòng vẫn còn khiêm tốn và thiếu thực chất.
Một trở ngại lớn đối với việc làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng là mong muốn của Việt Nam trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, và lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực nếu Việt Nam xích lại quá gần Mỹ. Đồng thời, sự ngờ vực vẫn còn vương vẩn đối với Mỹ trong một bộ phận giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đang hạn chế quan hệ song phương. Sự thiếu hụt lòng tin này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cả sự thù địch trong quá khứ và sự khác biệt trong hệ thống chính trị của hai nước. Một lý do khác cũng có thể đã khiến Việt Nam chần chừ trong việc phát triển quan hệ quốc phòng song phương có thể là mong muốn được Mỹ nhượng bộ trong việc giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tới Việt Nam, bắt đầu từ chiều nay (28/7), có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt lòng tin và di sản chiến tranh giữa hai nước, qua đó mở đường cho hợp tác quốc phòng ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Phù hợp với chương trình nghị sự tổng thể của chuyến đi, vốn bao gồm cả các điểm dừng ở Singapore và Philippines, Bộ trưởng Austin dự kiến sẽ tái nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cam kết của chính quyền Biden đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam đối với các nỗ lực của Mỹ trong việc chống lại ảnh hưởng chiến lược ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Để phục vụ mục tiêu này, Bộ trưởng Austin có thể sẽ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc "tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam", hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào chính trị nội bộ hay tìm cách thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam. Khác biệt trong hệ thống chính trị hai nước và sự ủng hộ lâu đời của Mỹ đối với các giá trị dân chủ và tự do từ lâu đã là một mối quan ngại cho một số nhà lãnh đạo Việt Nam, những người lo ngại rằng một mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ sẽ làm xói mòn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam. Do lo ngại này, một số người trong số họ cũng muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ trên lý thuyết, hơn là với Hoa Kỳ. Do đó, cam kết lặp đi lặp lại của Washington trong việc tôn trọng các lợi ích chính trị của Hà Nội, được đề cập lần đầu trong tuyên bố của hai nước về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện hồi năm 2013, là chìa khóa cho nỗ lực của Washington nhằm trấn an các nhà lãnh đạo Việt Nam về thiện chí cũng như ý định chân thành của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ song phương.
Một bằng chứng khác về nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng lòng tin với Việt Nam là việc hai bên dự kiến ký kết, trong chuyến thăm của ông Austin, một bản ghi nhớ (MOU) về việc giải quyết vấn đề di sản chiến tranh giữa hai nước. Bản ghi nhớ sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt của hàng trăm nghìn quân nhân Việt Nam đã hi sinh trong Chiến tranh Việt Nam nhưng vẫn nằm trong danh sách quân nhân mất tích (MIA). Bốn mươi sáu năm sau khi chiến tranh kết thúc, vấn đề này vẫn còn mang ý nghĩa tình cảm lớn lao đối với Việt Nam, đặc biệt là gia đình của những quân nhân vẫn còn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, chủ yếu là do Việt Nam thiếu thông tin và các nguồn lực. Với việc ký Bản ghi nhớ, Hoa Kỳ dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam các công nghệ liên quan, bao gồm các công nghệ phân tích DNA tiên tiến, cũng như quyền tiếp cận hàng triệu tài liệu chiến tranh của Hoa Kỳ trong kho lưu trữ của họ ở cả Washington và các nơi khác, để giúp tìm kiếm và quy tập hài cốt của các liệt sĩ Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Cần lưu ý rằng mặc dù Mỹ coi sự hợp tác vô điều kiện của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh (POW) và quân nhân Mỹ mất tích là điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong những năm 1990, nhưng Washington đã khá chậm chạp trong việc đáp ứng yêu cầu giúp đỡ từ phía Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của mình. Tuy nhiên, sau nhiều năm trì hoãn, Washington hiện đã có động lực mạnh mẽ hơn để cuối cùng có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Quyết định của Hoa Kỳ, dù chủ yếu dựa trên các lý do nhân đạo, cũng được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược. Vốn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc chống lại sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc vào Đông Nam Á, Mỹ rất quan tâm đến việc có được các mối quan hệ quốc phòng ngày càng mạnh mẽ và thực chất hơn với Việt Nam, chẳng hạn như quyền tiếp cận lớn hơn đối với các cơ sở quân sự của Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia các cuộc tập trận do Mỹ tổ chức, hoặc bán vũ khí cho Việt Nam. Giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ loại bỏ một trở ngại mang tính biểu tượng chính trị mạnh mẽ đối với hợp tác quốc phòng song phương.
Việc ký Bản ghi nhớ, cùng với các thỏa thuận trước đây của Mỹ nhằm giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh khác mà Việt Nam đang đối mặt, chẳng hạn như rà phá bom mìn chưa nổ và tẩy rửa dioxin, sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hòa giải giữa hai cựu thù và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Điều này, đến lượt nó, sẽ tạo tiền đề cho hai nước tiến hành các hoạt động hợp tác quốc phòng thực chất và có ý nghĩa hơn trong tương lai. Do đó, việc ký Bản ghi nhớ có thể sẽ là kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm Việt Nam ngày hôm nay của Bộ trưởng Austin.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg.
Mỹ nỗ lực tăng cường quan hệ với ASEAN và Việt Nam
Nguyễn Quang Dy, Nghiên cứu quốc tế, 27/07/2021
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thời Biden cũng như thời Trump, dựa trên quan hệ với ASEAN và "Bộ Tứ" (Quad) làm nền tảng cho cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi Trump coi trọng quan hệ song phương và coi nhẹ đồng minh thì Biden coi trọng quan hệ đa phương với đồng minh. Đó là bối cảnh của chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Singapore, Việt Nam, Philippines vào cuối tháng này.
Quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN - Ảnh minh họa
Bối cảnh
Theo một khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute tại Singapore), 61,5% những người được hỏi ở khu vực đã ủng hộ liên kết với Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Sự trở lại của các quan chức ngoại giao kỳ cựu dưới thời Obama đã làm nhiều nước ASEAN kỳ vọng vào một "thời kỳ vàng son" trong quan hệ Mỹ-ASEAN.
Sau bốn năm dưới thời Trump, hầu hết các nước ASEAN hoan nghênh Biden trở lại, và mong đợi chính quyền Biden sẽ chủ động cải thiện quan hệ với ASEAN. Nhưng sau nửa năm cầm quyền, họ vẫn cảm thấy bị Washington lãng quên. Cú sốc đầu tiên là Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời chỉ nhắc một cách chung chung đến ASEAN và một số nước như Việt Nam và Singapore, nhưng không nói đến Philippines và Thailand.
Cú sốc thứ hai là các ngoại trưởng ASEAN phải chờ 45 phút tại cuộc họp (trực tuyến) lần đầu với ngoại trưởng Mỹ (ngày 25/5) khi Antony Blinken đang bay từ Châu Âu đi Trung Đông, nên phải hoãn cuộc họp vào phút chót vì không kết nối được mạng.
Các nước ASEAN thường phàn nàn về sự vắng mặt của lãnh đạo Mỹ tại các cuộc họp cấp cao ở khu vực. Đối với các nước ASEAN, sự có mặt của tổng thống Mỹ không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà đó còn là dấu hiệu của sự cam kết về chính sách. Trong khi các nước ASEAN thất vọng trước sự cố ngoại giao nói trên, thì Bắc Kinh "ngư ông đắc lợi". Ngay sau đó, ngoại trưởng Trung Quốc đã tổ chức một "hội nghị đặc biệt" với các ngoại trưởng ASEAN tại Trùng Khánh (7-8/6/2021).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã thay mặt Ngoại trưởng Blinken xin lỗi các ngoại trưởng ASEAN. Washington đã cử thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman tới Indonesia, Campuchia, và Thailand (25/5-4/6/2021). Theo giới truyền thông, Wendy Sherman là quan chức ngoại giao cao nhất của Mỹ đến thăm ASEAN kể từ khi Biden nhậm chức. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cũng khẳng định rằng Washington đang chuẩn bị một cuộc họp ngoại trưởng với ASEAN (13/7) để thay thế cho cuộc họp đã bị hoãn.
Theo học giả Joshua Kurlantzik, sự cố ngoại giao nói trên đã khiến Mỹ mất điểm với khu vực, làm các nước ASEAN cảm thấy không được coi trọng như mong đợi. Trong sáu tháng đầu, Team Biden "xoay trục sang Châu Á", nhưng ưu tiên cho "Bộ Tứ", họp cấp cao lần đầu và ra tuyên bố chung (13/3). Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Austin thăm Nhật và Hàn Quốc (16/3). Tổng thống Biden dự họp cấp cao G-7 tại Anh (12/6). Dự kiến Tổng thống Biden sẽ trực tiếp dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm.
Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với 7/10 ngoại trưởng ASEAN. Tổng thống Biden đã mời ba nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu (tháng 4/2021), nhưng ông chưa điện đàm với một ai trong số 10 nhà lãnh đạo ASEAN. Sau các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, ASEAN dường như bị lãng quên.
Gần đây, Washington càng tỏ ra khó chịu trước việc lãnh đạo ASEAN không phản ứng quyết liệt đối với cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar (2/2021). ASEAN đã không đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar, mà còn ngăn cản các biện pháp trừng phạt (dù khiêm tốn) đối với chính quyền quân sự của Myanmar. ASEAN đã hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar bằng cách mời họ tới dự các cuộc họp cấp cao trong khu vực.
Nhưng Trung Quốc mới là nguồn bất cập lớn nhất giữa chính quyền Biden và ASEAN. Trên thực tế, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN (ngoại trừ Việt Nam), không dám công khai liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc. Các đồng minh Philippines và Thailand đã "xoay trục" về phía Trung Quốc. ASEAN đã tỏ ra ngần ngại tham gia bất kỳ chiến lược ngăn chặn nào do Mỹ dẫn dắt, nhằm đối phó với sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc.
Tuy chính quyền Biden cũng như Trump xác định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chính", và định vị Trung Quốc là "phép thử địa chính trị lớn nhất", nhưng các nước ASEAN chưa quên bài học đã từng bị Mỹ bỏ rơi. Đó là chưa kể Trung Quốc tăng cường phân hóa và lôi kéo ASEAN, bao gồm các nước đồng minh của Mỹ như Philippines và Thailand.
Chính quyền Biden đang cổ vũ kế hoạch "Tái thiết Thế giới Tốt hơn" (Build Back Better World) do Mỹ hậu thuẫn cho các dự án hạ tầng chất lượng cao. Tuy kế hoạch này sẽ giúp các nước khu vực có sự lựa chọn thay thế cho chương trình "vành đai Con đường" của Trung Quốc, nhưng kế hoạch đó khó triển khai nhanh vì đại dịch.
Mỹ với khu vực
Theo giáo sư Carl Thayer , Chính quyền Biden đã xác định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên chiến lược, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời (3/2021) cam kết "cộng tác với Singapore và Việt Nam để đạt được mục tiêu chung".
Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đã có kế hoạch đến thăm Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la (Singapore, 4-5/6/2021), nhưng phải hủy bỏ vì đại dịch bùng phát. Vì vậy, tiếp theo cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken và các ngoại trưởng ASEAN (13/7/2021), chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines của Austin là một chỉ dấu rằng Mỹ đang tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.
Trong cuộc họp báo ngày 21/7, Austin nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ củng cố một trong những "tài sản chiến lược là mạng lưới đồng minh và đối tác hùng mạnh của chúng ta". Austin xác định ba thông điệp chính trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ trong bài diễn văn chính tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Thứ nhất, "Mỹ là đồng minh đáng tin cậy cho an ninh khu vực", giúp các nước đối phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Thứ hai, "Mỹ cam kết vì một trật tự khu vực công bằng hơn, cởi mở hơn, và bao trùm", cùng với các giá trị chung. Thứ ba, "Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác để theo đuổi tầm nhìn mới và khả năng răn đe tích hợp", nhằm hiện đại hóa năng lực của Mỹ và ASEAN để đối phó với Trung Quốc đang bắt nạt khu vực.
Tại sao Austin lại chọn Singpapore, Hà Nội, và Manila ? Singapore là đồng minh và đối tác quân sự đáng tin cậy nhất của Mỹ trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời nhắc đến Singapore và Việt Nam. Mỹ đã đồng ý bán 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cho Singapore như một ưu tiên cao.
Philippines vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng Duterte đã ngả theo Trung Quốc. Về lâu dài, Mỹ phải lôi kéo Manila trở lại, nhưng trước mắt Austin cần thỏa thuận với Manila về Hiệp định Lực lượng Viếng thăm cho Mỹ đóng quân tại nước này. Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Austin chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris (dự kiến vào giữa tháng 8).
Austin sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước ASEAN mà ông đến thăm về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm cập nhật và hiện đại hóa năng lực quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và đề xuất chương trình hợp tác song phương với các nước khu vực trong tương lai. Việt Nam được các chính quyền Mỹ đánh giá cao là đối tác an ninh tiềm năng có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng quốc phòng Austin đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm kết nối với các đồng minh và đối tác chiến lược ở khu vực. Trong cuộc họp trực tuyến lần đầu với các ngoại trưởng ASEAN, Blinken nhấn mạnh đến "lợi ích chung" và cam kết ủng hộ "vai trò trung tâm của ASEAN" để định hình cơ chế an ninh khu vực.
Trong cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-ASEAN (13/7), Blinken đã nói thẳng về "mối quan ngại sâu sắc của Washington" đối với hành động thiếu quyết đoán của ASEAN trước cuộc khủng hoảng Myanmar, và kêu gọi phải thả ngay các nhà hoạt động dân chủ và lãnh đạo dân sự, đã bị giới cầm quyền quân sự ở Myanmar "bắt giam một cách bất công".
Trong khi Trung Quốc không để phí thời gian nhằm lôi kéo các nước khu vực bằng đầu tư, và gần đây bằng vaccine, thì Mỹ cũng nóng lòng lôi kéo các nước ASEAN. Blinken nhấn mạnh cam kết của Chính quyền Biden muốn thông qua ASEAN để đối phó với các thách thức của Trung Quốc ở khu vực. Mỹ kiên quyết bác bỏ các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, lên án Trung Quốc bắt nạt Malaysia, Việt Nam, và Philippines.
Vào giữa tháng 3 và tháng 5/2021, Philippines đã bị cuốn vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), khi 238 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế nước này. Tại Singapore, Austin sẽ giới thiệu các nét chính về Chiến lược Quốc phòng của Chính quyền Biden nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyến thăm của Austin chứng tỏ vai trò quan trọng của ASEAN như "một phần thiết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".
Manila đã nhảy từ cực này sang cực khác dưới thời tổng thống Duterte. Chuyến thăm Manila của Austin đúng vào thời điểm quan trọng, chỉ vài tuần sau khi Duterte quyết định hoãn việc khôi phục hoàn toàn Hiệp định Lực lượng Viếng thăm. Nay Tổng thống Duterte đang chìa cành ô-liu cho Tổng thống Biden. "Lúc này tôi chỉ muốn đàm phán với ai đó ở Washington, dù là Phủ Tổng thống hay là Bộ Ngoại giao, hay là Bộ Quốc phòng".
Mỹ với Việt Nam
Chính quyền Biden đánh giá cao vai trò của Việt Nam, và muốn nâng quan hệ song phương với Việt Nam lên mức cao hơn. Marc Knapper (dự kiến là đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam) đã nói với Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần (ngày 13/7) rằng "Hiện nay, chúng ta có quan hệ "đối tác toàn diện" với Việt Nam ; hy vọng chúng ta sẽ nâng cấp lên thành "đối tác chiến lược", qua tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam.
Các cuộc thảo luận của Austin với lãnh đạo Việt Nam sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại Biển Đông, để đối phó với hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược, nhằm điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc, và các ưu tiên của Việt Nam về hợp tác quốc phòng trong tương lai.
Theo Carl Thayer, trong chuyến thăm này, Austin có thể mời bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang thăm Mỹ. Nếu hai bên khó đạt được một thỏa thuận chính thức, hãy giao cho các quan chức quốc phòng hai bên tiếp tục làm việc, như mua/bán, chuyển giao khí tài quân sự và công nghệ quốc phòng, cũng như đào tạo các chuyên gia cho Việt Nam.
Các đại sứ Việt Nam ở Mỹ cũng như các đại sứ Mỹ ở Việt Nam đều nhấn mạnh "mô tả quan hệ song phương như thế nào không quan trọng bằng bản chất chiến lược của quan hệ đó". Chính quyền Biden tuy nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược", nhưng nếu Austin nêu vấn đề này ra, chắc Hà Nội sẽ lúng túng.
Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Mỹ muốn ưu tiên cho đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhưng Thayer cho rằng quan điểm đó thiếu thực tế vì quan hệ Mỹ-Việt là "đồng sàng dị mộng". Việt Nam hợp tác quân sự với Mỹ rất thận trọng, để tránh bị Trung Quốc coi đó là khiêu khích. Tuy bên ngoài tích cực hợp tác, nhưng bên trong Hà Nội cần đồng thuận.
Hà Nội muốn Chính quyền Biden tái khẳng định lập trường cứng rắn mà cựu Ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố (7/2020) rằng Bãi Tư Chính là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền khai thác dầu khí ở đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội muốn nâng cấp ngay quan hệ lên đối tác chiến lược, mà cần xúc tiến một cách thận trọng.
Việt Nam nằm trong danh sách các nước khu vực được ưu tiên nhận vaccine của Mỹ qua cơ chế Covax. Đến nay Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna, và hứa sẽ cung cấp thêm vaccine cho Việt Nam để đối phó với đại dịch đang diễn biến phức tạp. Viện trợ vaccine cho Việt Nam đúng lúc là một bước xây dựng lòng tin, như câu thành ngữ "người bạn thực sự là người bạn khi cần".
Mỹ và Việt Nam đều không muốn Trung Quốc cư xử một cách côn đồ, nhưng hai bên vẫn khó nhất trí phải làm thế nào. Theo các chuyên gia, sau việc ưu tiên đối phó với đại dịch Covid-19 sẽ là ưu tiên đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là khi John Kerry (một người thân thiện với Việt Nam) đang phụ trách vấn đề đó.
Theo các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Việt, mỗi khi vấn đề nhân quyền nổi lên, nó thường làm gián đoạn các sáng kiến mà lãnh đạo hai nước đang theo đuổi và có thể làm cho quan hệ thụt lùi. Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á đề cập đích danh Việt Nam trong phần nói về nhân quyền, và để ngỏ khả năng trừng phạt nếu Việt Nam vi phạm.
Mấy năm qua, Mỹ và Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc về đồng thuận chiến lược, do mối lo chung trước sự trỗi dậy đầy nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực, từ thượng lưu sông Mekong đến Biển Đông. Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ký thỏa thuận về tiền tệ.
Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức cáo buộc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Đến tháng 4/2021, tuy Bộ Tài chính Mỹ đã rút Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ, nhưng nói rằng Việt Nam, cùng với Đài Loan và Thụy Sỹ, đã vượt ngưỡng. Trong tuyên bố chung ngày 19/7, Việt Nam đã xác nhận cam kết theo quy định của IMF "sẽ không thao túng tỷ giá hối đoái để tránh phải điều chỉnh cán cân thanh toán, hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng", và hứa "sẽ không phá giá đồng tiền để cạnh tranh".
Vai trò của Bộ Tứ
Nếu chính quyền Trump đã nhân cơ hội Trung Quốc bành trướng ở khu vực để hồi sinh "Bộ Tứ" thì chính quyền Biden đặt "Bộ Tứ" vào tâm điểm của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một bước chuyển lớn, đặt "Bộ Tứ" vào đúng chỗ và đúng lúc.
"Bộ Tứ" có thể phát huy vai trò đối với các nước ASEAN ven biển như Indonesia, Việt Nam và Philippines, để định hình lại các nỗ lực nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc, với các biện pháp làm giảm thiểu rủi ro để tránh leo thang do xung đột xảy ra ngoài ý muốn. "Bộ Tứ" có thể chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, theo đó đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
"Bộ Tứ mở rộng" có thể đưa sáng kiến ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để thông qua hoặc giao vấn đề đó cho Diễn đàn Khu vực ASEAN hay các cơ chế khu vực khác thảo luận và báo cáo cho EAS. Cuộc họp cấp cao giữa các nguyên thủ quốc gia có thể xem xét để phê chuẩn sự hợp tác về các vấn đề cụ thể. Đối với các vấn đề phức hợp, "Bộ Tứ" có vị trí thuận lợi để xúc tác giúp các nước khu vực hợp tác hiệu quả hơn, làm đòn bẩy cân bằng lực lượng, hoặc hợp tác với Trung Quốc. Nói cách khác, "Bộ Tứ" có vai trò lớn trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ họp cấp cao "Bộ Tứ" tại Washington vào cuối năm nay, với nội dung hợp tác trên các lĩnh vực như hạ tầng số chất lượng cao, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, và công nghệ thông tin, kỹ thuật số. "Bộ Tứ" là một cơ chế tuy không chính thức nhưng bền vững, và có tác dụng "nhân bản sức mạnh" để đảm bảo an ninh khu vực. Vì mang tính ứng biến (improvisational), nên chưa rõ "Bộ Tứ" sẽ tham gia thế nào vào cơ chế chính thức của khu vực.
Trong một khu vực còn nhiều thể chế cứng nhắc, nhàm chán, và quan liêu, thì bước chuyển nhằm kiến tạo các hành động tập thể theo chức năng là một sự đổi mới lớn dựa trên nguyên tắc đơn giản là "hình thức phải theo chức năng". Nói cách khác, ai ngồi vào bàn phải đảm bảo sẵn sàng và có thể đem lại giá trị gia tăng. "Bộ tứ" có thể mời các nước ASEAN ven biển như Indonesia, Viêt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines tham gia thảo luận về lập trường chung hoặc các hành động cụ thể.
"Bộ Tứ" có thể quyết định nâng cao năng lực hàng hải cho khu vực. Để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, "Bộ Tứ" có thể mời Hàn Quốc và Singapore tham gia, như hai trung tâm công nghệ lớn của Châu Á. Vì ASEAN không đe dọa lợi ích các nước lớn, nên họ hoan nghênh vai trò đối thoại về chính trị và an ninh khu vực để các bên tham gia. Nói tóm lại, ASEAN có vai trò quan trọng trong mạng lưới ngoại giao của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhiều người cho rằng diễn đàn ASEAN chỉ là nơi để nói chứ không đem lại kết quả. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận thay vì đối đầu, tuy đạt được một số thành công nhưng nếu ASEAN áp dụng nguyên tắc đó vào đàm phán COC cho tranh chấp Biển Đông thì có thể phản tác dụng. ASEAN không thể im lặng vì lý do đồng thuận trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ cuối thập niên 2000, các nước Malaysia, Philippines, và Singapore đã buộc phải lên tiếng cùng với Việt Nam trước thái độ ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu đồng thuận đòi hỏi tất cả các thành viên ASEAN phải nhất trí thì triển vọng các nước ASEAN dám đương đầu với Trung Quốc chỉ là ảo tưởng.
Theo quan điểm của Mỹ, sự có mặt của hải quân Mỹ và "Bộ Tứ" có thể làm thay đổi cục diện bất lợi giữa Malaysia và Trung Quốc, giúp Malaysia có sự răn đe cần thiết. Nhưng lãnh đạo Malaysia lại có quan điểm khác, lo ngại sự có mặt của hải quân Mỹ sẽ buộc Trung Quốc leo thang vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của họ. Vì vậy, trong cuộc đối đầu năm ngoái, trong khi tàu chiến Mỹ phải rút, thì tàu chiến Trung Quốc vẫn ở lại.
Các nước khu vực từng hy vọng rằng ASEAN có thể định đoạt quan hệ của họ với nhau và với các nước lớn. Nhưng trên thực tế, các nước lớn như Trung Quốc đang định đoạt quan hệ nội bộ của ASEAN. Nhưng ASEAN vẫn có cơ hội thành công nếu họ chấp nhận vai trò các nước khác như "Bộ Tứ" để cân bằng lực lượng. Dù muốn hay không, sức mạnh vẫn cần thiết trong quan hệ quốc tế. Nếu ASEAN không từ bỏ ý tưởng về "con đường thứ ba" và không cần đến các nước lớn, thì đó chỉ là ảo tưởng.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/07/2021
Tham khảo
1. Interim National Security Strategic Guidance, the White House, March 03, 2021.
2. Why Biden has been a disappointment to Southeast Asia so far, Richard Heydarian, South China Morning Post, June 8, 2021.
3. The Quadrilateral Security Dialogue Is Consolidating Its Power Against China, Robert Manning & James Przystup, National Interest, July 4, 2021.
4. Vietnam-US Reach Accord on Alleged Currency Manipulation, Sebastian Strangio, Diplomat, July 20, 2021.
5. US moves to repair its ties with ASEAN, Richard Heydarian, Asia Times, July 21, 2021.
6. US Defense Secretary Austin to Visit Vietnam, Singapore and the Philippines, Carl Thayer, July 22, 2021.
Chuyến thăm của Esper làm khăng khít hơn đối tác quốc phòng Mỹ-Việt (VOA, 22/11/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông từ ngày 19-21/11, nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc phòng hai nước, đồng thời kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.
"Chuyến thăm của Bộ trưởng Esper tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác với Việt Nam và sự ủng hộ lâu dài của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông", Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ra tuyên bố hôm 21/11.
Trong một video trên Twitter với hơn 11 ngàn lượt người xem, được Lầu Năm Góc đưa ra nhân chuyến thăm của ông Esper đến Hà Nội, có đoạn : "Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng trong đó có tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật".
Điểm nhấn của chuyến thăm này là bài phát biểu của ông Esper trước các sinh viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam về quan hệ đối tác quốc phòng quan trọng giữa hai nước và cam kết của Washington với an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và tuyên bố chuyển cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai vào năm tới. Đây là một trong những lớp tàu lớn nhất trong trong hạm đội Tuần duyên Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Esper tuyên bố : "Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do ; cho tất cả các nước được tự do triển khai hoạt động thương mại và thực thi chủ quyền ; và giữ cho các vùng biển và các tuyến đường thuỷ mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào thì rộng mở đối với tất cả các bên".
Ông cũng nói rõ : "Hoa Kỳ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên có tuyên bố chủ quyền nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định".
Bộ trưởng Esper lên tiếng tố cáo các hành động bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông : "Các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột".
Cũng trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 20/11, Bộ trưởng Esper thông báo : "Hoa Kỳ sẽ chuyển cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai".
"Việc chuyển giao con tàu này - một trong những lớp tàu lớn nhất trong trong hạm đội Tuần duyên Hoa Kỳ - là biểu tượng cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và sẽ giúp tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam", theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ hôm 21/11. Trước đó Việt Nam đã nhận một chiếc tàu tuần duyên cùng loại, hiện mang tên CSB 8020, vào ngày 25/05/2017.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Esper đã gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ; và Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng.
"Tại mỗi cuộc gặp, Bộ trưởng Esper đều tái khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập đóng góp cho an ninh quốc tế và thượng tôn pháp luật", theo thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ.
TTXVN trích lời ông Trần Quốc Vượng phát biểu trong buổi tiếp ông Esper rằng Việt Nam "khẳng định chủ trương nhất quán coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng".
Sau khi thăm di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, ông Esper viết trên Twitter hôm 21/11 : "Trong chuyến thăm Việt Nam, tôi đã đi thăm nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ tù binh Mỹ. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các tù binh và những người vẫn còn mất tích trong chiến tranh. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam để giúp xác định và trao trả hài cốt của các quân nhân của chúng tôi".
Bình luận về chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Bộ trưởng Esper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 21/11 nói : "Chuyến thăm nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai bộ quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm đóng góp thiết thực cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ".
Theo Cổng thông tin Chính phủ, bà Hằng cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian tới, "Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tích cực đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực trong vấn đề nhân đạo, đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước, vì sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ".
****************
Bộ Quốc phòng ‘rút kinh nghiệm’ công tác bảo vệ biển đảo (VOA, 21/11/2019)
Tại hội nghị rút kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2019 vào ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, cho rằng Việt Nam đã "theo dõi, nắm chắc tình hình" và "kịp thời tham mưu đề xuất" với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để đưa ra "các phương án đấu tranh phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo", đặc biệt trước hành vi xâm phạm của tàu Hải Dương Địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, phía Việt Nam đã có "kế hoạch hiệp đồng" trong việc đối phó với Trung Quốc trong sự kiện này.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng cho biết đã phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức các đoàn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên thực địa, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để "đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội".
Ngoài ra, Bộ này cũng khẳng định đã "kiên trì đấu tranh ngoại giao ở các cấp" và chuẩn bị nhân lực và phương tiện, "tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận".
Sự kiện tàu thăm dò Trung Quốc công khai hoạt động trong khu vực gần bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong nhiều tháng liền, bắt đầu từ đầu tháng 7, đã đẩy căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia cao đến mức đỉnh điểm kể từ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương HD-981 vào năm 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội chính thức lên tiếng phản đối nhiều lần trước sự xâm phạm của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trong công luận cho rằng phản ứng của Việt Nam chưa đủ mạnh để đẩy lùi hành vi hung hăng của Trung Quốc.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ tự rút lui vào cuối tháng trước sau khi đã "hoàn tất nhiệm vụ".
Tại cuộc họp hôm 20/11, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng cần phải nâng cao chất lượng việc đánh giá, dự báo tình hình và không để bị động về chiến lược trong thời gian tới. Đồng thời, cần phải đầu tư thêm cho việc sản xuất quốc phòng, xây dựng công trình phòng thủ, lực lượng dân quân, tự vệ biển, "thế trận chiến tranh nhân dân" để có thể đối phó với mọi tình huống.
******************
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc ngay trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên (VOA, 20/11/2019)
Ngay trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm 20/11 lên án Trung Quốc "cưỡng ép và đe doạ" các quốc gia châu Á nhỏ hơn nhằm áp đặt yêu sách của mình trên Biển Đông. Ông kêu gọi Việt Nam và các nước khác trong khu vực hãy mạnh mẽ "đẩy lùi" những hành vi này.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội ngày 20/11/2019.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận những âm mưu khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên sự bất lợi của các quốc gia tuân thủ luật pháp khác", AP dẫn lời ông Esper nói trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.
"Hoa Kỳ kiên quyết phản đối hành vi đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp và bắt nạt", AP dẫn lời ông Esper nói thêm.
Sau lễ đón chính thức tại Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Esper đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
"Họ đã có một cuộc nói chuyện tuyệt vời ! Bộ trưởng Esper đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác quốc phòng với Việt Nam và Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, giúp ích cho an ninh quốc tế trong khu vực", Đại sứ quán Mỹ cho biết trên trang Facebook.
Tại trụ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Esper nói thêm rằng Hoa Kỳ "cực lực phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và yêu sách chủ quyền quá mức" của nước này. Đồng thời, ông công bố Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam một tàu tuần tra hàng hải vào năm tới, nhưng không cho biết thời điểm chính xác.
Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á lần thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trước khi đến Việt Nam, ông Esper đã thăm Hàn Quốc, Thái Lan và Phillipines.
Tại Manila, ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông bất chấp những cảnh cáo của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng hứa với Manila rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "hỗ trợ và hiện đại hoá" các lực lượng vũ trang và cải thiện năng lực hàng hải của Philippines.
Chuyến thăm 4 quốc gia châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thực hiện nhân dịp ông đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM-Plus).
Trong suốt chuyến đi, ông Esper liên tục lên án hành vi bắt nạt và vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia ASEAN chống lại những hành vi này và không để cho Bắc Kinh thao túng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiện đang được đàm phán.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng : "Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã nỗ lực phá vỡ sự ổn định và hòa bình trên Biển Đông bằng cách kích động rắc rối và gây chia rẽ" và khẳng định thêm rằng "các nước trong khu vực đã nhận thức sâu sắc về điều này".
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Mark Thomas Esper đang có chuyến thăm ba ngày, từ 19-21 tháng Mười Một, tới Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á của ông, theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Việt Nam tại Hà Nội ngày 20/11/2019
Đây là chuyến thăm thứ hai tới Châu Á nhưng là lần đầu tiên tới Việt Nam của ông Mark Esper sau khi đảm nhiệm cương vị mới là lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ từ ngày 23/7/2019.
Đây là một phần chuyến thăm Châu Á của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, bắt đầu từ ngày 13/11, thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
"Đại tướng Ngô Xuân Lịch chào mừng ngài Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam trên cương vị mới. Hai bên đã chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển ; đưa quan hệ quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần tích cực vào khuôn khổ Đối tác toàn diện giữa hai nước", báo Quân đội Nhân dân thuộc bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin hôm 20/11/2019.
"Hai bộ trưởng đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện ; đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước".
Về triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt, tờ báo cũng thuộc Quân ủy Trung ương của quân đội Việt Nam cho hay :
"Thời gian tới, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hợp tác đã xác định trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015 và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2018 - 2020 ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực : Trao đổi đoàn cấp cao ; tăng cường cơ chế tham vấn, đối thoại, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh…
"Trước mắt, hai bên tập trung phối hợp triển khai Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa ; tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo ; an ninh biển, quân y, đào tạo tiếng Anh ; nghiên cứu nhu cầu hợp tác về công nghiệp quốc phòng và gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc".
Kỳ vọng của Việt Nam
Bình luận và nêu kỳ vọng từ Việt Nam về chuyến thăm này, hôm thứ Tư, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt :
"Trong tình hình hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển, quan hệ đó tôi nghĩ có lợi không những cho Việt Nam, cho Hoa Kỳ, mà lợi cho khu vực và quốc tế nữa. Trong quan hệ đó, không chỉ là quan hệ về ngoại giao, kinh tế, mà vấn đề an ninh quốc phòng là một trong những kênh mà quan hệ đã được đặt ra từ khi hai nước đã có quan hệ toàn diện.
"Tôi nghĩ chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng lần này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất là có ý nghĩa. Tất nhiên, việc đó sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh cho phía Việt Nam để có thể bảo vệ một cách đầy đủ và hiệu quả, trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những hoạt động của Trung Quốc xâm phạm đến các vùng biển và thềm lục địa thuộc các quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như chúng ta đã biết.
"Việc đó chắc chắn sẽ có đề cập đến và đặc biệt là vấn đề tăng cường hơn nữa giúp Việt Nam về phương diện pháp lý, kể cả sức mạnh quân sự, thì tôi nghĩ đấy cũng là một câu chuyện mà tôi cho rằng là giúp cho Việt Nam có khả năng tự vệ để chống lại tất cả những vi phạm có thể xảy ra trong hiện tại và cũng như trong tương lai", ông Trần Công Trục nêu quan điểm từ Hà Nội.
Cuộc họp giữa hai phía tại Hà Nội ngày 20/11/2019
Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore), nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cùng ngày thứ Tư, bình luận :
"Chuyến thăm này là chuyến thăm đã được thu xếp từ trước, nhưng nó bị chậm lại do việc ở bên Mỹ, ông Patrick M. Shanahan (quyền Bộ trưởng Quốc phòng) từ chức, và vì thế mà Tổng thống Mỹ đề xuất bổ nhiệm ông Mark T. Esper. Ông Esper đã chậm mất một vài tháng làm các thủ tục để tiếp nhận Bộ Quốc phòng và đến bây giờ việc ấy mới xảy ra được đối với Việt Nam, và đối với cả khu vực, các đối tác và các đồng minh của Mỹ.
"Thì bây giờ là thời gian thích hợp để Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ đi Châu Á. Đây là chuyến đi thứ hai của ông ấy, nhưng là chuyến đầu tiên đi Việt Nam".
Về mục tiêu và trọng tâm của chuyến công du Châu Á và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Esper, nhà phân tích chính trị này bình luận :
"Trước hết ở Châu Á, nước Mỹ vẫn khẳng định quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và củng cố các mối quan hệ bạn bè và đối tác với Singapore, Việt Nam, Thailand, Philippines. Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không thăm Singapore mà ông tập trung vào Philippines, Việt Nam.
"Đó là quan hệ đối tác, còn đương nhiên, ông đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc và nếu so sánh thời gian phân bổ thì ông Mark Esper đến Việt Nam là lâu nhất, tức là gồm có ba ngày. Và trong ba ngày đó, chính phủ Mỹ nói rất rõ là Chính phủ Mỹ cũng như Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong quan hệ quốc phòng đối với Việt Nam và ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, giúp ích cho an ninh quốc tế và an ninh khu vực".
'Đối tác đang nổi lên'
Trước đó, hôm 18/11, trang The Diplomat đăng bài của tác giả Ankit Panda về chuyến đi Châu Á của bộ trưởng Mỹ.
Bài báo gọi Việt Nam là một "đối tác đang nổi lên" của Hoa Kỳ, có đoạn :
"Chuyến đi của Bộ trưởng sẽ đưa ông đến Đông Nam Á tiếp theo - một khu vực gần đây đã thấy bằng chứng trực tiếp về sự không quan tâm của Hoa Kỳ bất chấp những gì mà các văn kiện chiến lược về Ấn -Thái Dương từ chính quyền đã tuyên bố.
"Việc ông Trump không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay của Asean đã tạo không gian cho Trung Quốc.
"Esper dừng chân ở Thái Lan tham dự cuộc Họp Bộ trưởng Quốc phòng Asean cộng, và các điểm dừng của ông tại Philippines - một đồng minh của Hoa Kỳ - và Việt Nam - một đối tác mới nổi - cung cấp cơ hội để khắc phục một số thiệt hại.
"Nhưng sau tất cả những gì được nói và làm, "phần mềm" vận hành đằng sau các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Á đang gặp trục trặc sâu sắc.
"Nếu Hoa Kỳ giữ được vai trò và ảnh hưởng lịch sử của mình trong khu vực, thì nên hy vọng rằng những gì đã mất hôm nay có thể lấy lại được vào ngày mai", biên tập viên cao cấp tại The Diplomat và giám đốc nghiên cứu của Diplomat Risk Intelligence nêu quan điểm.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 20/11/2019
Đặc sứ Mỹ trong liên minh chống IS từ chức để phản đối quyết định về Syria (VOA, 23/12/2018)
Brett McGurk, đặc sứ Hoa Kỳ trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo, đã từ chức để phản đối quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria, truyền thông Mỹ loan tin.
Ông Brett McGurk được nói là có bất đồng mạnh mẽ với quyết định chóng vánh của Tổng thống Donald Trump rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria.
Quyết định từ chức của ông được xác nhận bởi một quan chức Bộ Ngoại giao nắm rõ sự việc, báo The Washington Post cho biết. Sự việc diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis loan báo từ chức trong tuần này vì những khác biệt về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, nổi bật là ở Syria.
Ông McGurk được nói là đã có kế hoạch rời vị trí này vào tháng 2 năm 2019, nhưng đài CBS News dẫn các nguồn tin của họ cho biết ông đã thông báo với Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng ông sẽ tăng tốc rời chức vì bất đồng mạnh mẽ với quyết định chóng vánh của ông Trump rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria mà trên thực tế bỏ mặc các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Ông McGurk đệ đơn từ chức vào ngày thứ Sáu, theo CBS. Quyết định ra đi của ông sẽ có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12, tờ Post cho biết.
Trước đó trong tháng này, ông McGurk nói rằng Nhà nước Hồi giáo chưa hề bị đánh bại hoàn toàn dù nhóm này đã mất nhiều lãnh thổ.
"Không người nào ứng phó với các vấn đề này hàng ngày tỏ ra tự mãn. Không ai tuyên bố sứ mệnh đã hoàn tất", ông McGurk phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao. "Đánh bại về mặt lãnh thổ là một giai đoạn trong một chiến dịch lâu dài hơn nhiều".
Ông Trump trước đó tuyên bố Mỹ đã đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Syria và đã đến lúc đưa binh sĩ về nước.
Ông McGurk đã dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ chống lại ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo trên các chiến trường Syria, Iraq, Afghanistan và những nơi khác kể từ năm 2015. Ông là một trong số ít những người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm được đội ngũ của ông Trump yêu cầu ở lại vị trí của mình. Trước đó, ông đã phục vụ trong chính quyền Bush.
*******************
Mỹ rút khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lên tuyến đầu chống "khủng bố" (RFI, 22/12/2018)
Một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút hết quân khỏi Syria, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới lên tiếng phản ứng. Ngày 21/12/2018, ông Erdogan hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi "hai mối đe dọa khủng bố" : lực lượng dân quân Kurdistan, luôn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố, và những thành viên thánh chiến cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 21/12/2018 hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi "hai mối đe dọa khủng bố" Reuters/Umit Bektas
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette cho biết thêm :
"Đích thân tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu hôm thứ Sáu (21/12) : "Nếu quyết định rút hết quân Mỹ khỏi Syria được áp dụng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xóa sổ quân thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cũng như lực lượng bảo vệ Nhân Dân Kurdistan (YPG)".
Theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, mọi chuyện đã diễn ra đúng như những gì được thống nhất trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ ngày 14/12. Sau khi hội đàm với đồng nhiệm Mỹ, ông Erdogan có lẽ đã chấp nhận tạm lùi chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đó sắp được tiến hành, nhắm vào lực lượng người Kurdistan ở phía Đông dòng sông Euphrate và để Washington có thời gian rút hết quân nhân Mỹ.
Tóm lại, sau thông báo của Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tự cho là chủ luật chơi. Theo ông Erdogan, từ giờ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo chiến lược để loại bỏ những khu vực cuối cùng vẫn do thánh chiến Hồi Giáo kiểm soát. Thậm chí, ông Erdogan còn gây sức ép với Hoa Kỳ : Ông muốn hoãn cuộc tấn công nhắm vào vào lực lượng dân quân Kurdistan nhưng quyết định tạm hoãn này không phải là vô hạn".
Thu Hằng
*****************
Mattis ra đi, đồng minh Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương mất người bạn tin cậy ở Washington (VOA, 22/12/2018)
Quyết định từ chức đột ngột của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã gây quan ngại sâu xa nơi các đồng minh của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Tư liệu : Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis tại hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Thượng đỉnh An ninh ở Châu Á, ngày 4/6/2017. (DOD photo by Navy Petty Officer 2nd Class Dominique A. Pineiro)
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức khu vực và các nhà phân tích nhận định hôm 21/12 rằng những đồng minh của Mỹ vẫn xem tướng hồi hưu Jim Mattis là người đã xây dựng được niềm tin, và có công kiềm hãm khuynh hướng bốc đồng, tự cô lập hóa của chính quyền Mỹ hiện tại.
Khu vực Á Châu-Thái Bình Dương - bao gồm các đồng minh kiên cường của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – là những vùng có nhiều biến động và là địa điểm của một số điểm nóng nhất trên thế giới, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, và các động thái của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gây ra nhiều xích mích.
Ông Mattis là người vẫn hậu thuẫn các quan hệ với những đồng minh truyền thống của Mỹ. Ông từ chức vì có quan điểm bất hòa với Tổng thống Donald Trump về các chính sách đối ngoại, kể cả các quyết định bất ngờ trong tuần này đòi rút quân ra khỏi Syria, và bắt đầu lên kế hoạch rút quân ở Afghanistan.
Trao đổi với tờ báo The Australian, Thượng nghị sĩ Jim Molan của Úc nhận định : "Nói chung, Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis được coi là một trong những nhân vật có uy tín, là "người lớn" trong chính quyền Tổng thống Trump".
Thượng nghị sĩ Molan nói sự ra đi của ông Mattis rất đáng lo ngại bởi vì đây lại là "thêm một yếu tố bất định khác nữa trong việc làm quyết định của Hoa Kỳ".
Giới phân tích cho rằng ông Mattis là một người hay mạnh mẽ chỉ trích sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên ông đã nỗ lực làm việc để đảm bảo căng thẳng không sôi sục quá mức.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Euan Graham, Giám đốc ban Á Châu của Đại học La Trobe, Úc Châu, nhận định : "Tướng Mattis bảo đảm sự liên tục trong các chính sách của chính phủ Mỹ, ông được tin tưởng là nhân vật có thể tin cậy để kiềm hãm những hành vi bốc đồng của ông Trump, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ là người có khuynh hướng cô lập hóa, và rõ ràng hoài nghi các cam kết của Mỹ với các đồng minh truyền thống".
Vẫn theo Reuters, sự ra đi của Mattis sẽ khiến Úc mất đi một đồng minh quan trọng trong chính quyền Trump, giữa lúc nước Úc không có một đại sứ Hoa Kỳ từ năm 2016 tới bây giờ.
******************
Vụ Mattis từ chức gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ ở Châu Á (RFI, 21/12/2018)
Vụ bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis bất ngờ thông báo từ chức đang gây lo ngại cho các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á, bởi vì cho tới nay, đối với các quốc gia này, trong chính quyền Donald Trump, tướng về hưu Mattis là một nhân tố giúp duy trì tính ổn định, tạo sự tin tưởng, cũng như giúp hạn chế bớt những quyết định bốc đồng của một vị tổng thống tính khí thất thường. Đó là nhận định chung của các quan chức trong khu vực và giới phân tích.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, trong cuộc họp báo tại Oslo, Na Uy, ngày 14/07/2018. Reuters
Châu Á là khu vực hiện Hoa Kỳ có những đồng minh rất thân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, và cũng là khu vực tập trung một số điểm nóng nhất trên thế giới, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Đây là một vùng rất cần có sự can dự lâu dài và ổn định của Hoa Kỳ để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột.
Cho tới nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, đồng thời ông cũng nỗ lực giúp làm giảm căng thẳng ở vùng biển đang có tranh chấp này.
Trên nhật báo The Australian, thượng nghị sĩ Úc Jim Molan khẳng định tướng Mattis vẫn được xem là một trong những người "trưởng thành" - (chín chắn), nếu không muốn nói là người "trưởng thành" cuối cùng trong chính quyền Trump. Theo vị thượng nghị sĩ này, việc ông Mattis ra đi rất đáng lo ngại, vì nó làm tăng thêm một yếu tố bất ổn vào các quyết định tương lai của Mỹ trong các hồ sơ địa chính trị. Đặc biệt, đối với Canberra, tướng Mattis là một đồng minh chủ chốt trong chính quyền Trump. Một nguồn tin ngoại giao tại Mỹ xác nhận với Reuters : "Ông Mattis vẫn thường lắng nghe ý kiến của Úc".
Còn theo nhận định của ông Adam Mount, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, được hãng tin Reuters trích dẫn, trước một nước Bắc Triều Tiên không từ bỏ tham vọng hạt nhân, trước một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng, những nỗ lực của bộ trưởng Mattis đã giúp duy trì liên minh giữa Hoa Kỳ với các nước đồng minh Châu Á. Nhưng ông Adam Mount nhấn mạnh, còn nhiều vấn đề lớn cần được giải quyết để cho liên minh này thật sự vững mạnh.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg lưu ý, ngoài những quyết định đã được loan báo như triệt thoái toàn bộ quân khỏi Syria, rút một phần lực lượng khỏi Afghanistan, thì việc bộ trưởng Mattis từ chức có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền Trump về Bắc Triều Tiên, vào lúc mà Kim Jong Un đang tìm cách làm rạn nứt liên minh Mỹ-Hàn, thông qua việc làm hòa với Donald Trump. Bản thân tổng thống Trump cũng đã góp phần làm suy yếu liên minh Washington - Seoul, khi ông đơn phương quyết định tạm ngưng các cuộc tập trận chung hàng năm giữa hai nước.
Cho tới nay, trong khi bộ trưởng Mattis ủng hộ hết mình liên minh Mỹ-Hàn, thì tổng thống Trump thường xuyên đặt lại vấn đề về sự cần thiết phải duy trì 28 ngàn quân ở Hàn Quốc và đòi Seoul phải trả thêm tiền để Hoa Kỳ bảo vệ an ninh. Hiện giờ, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ chi phí duy trì lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc. Theo dự báo của giáo sư Daniel Pinkston, Đại học Troy, Seoul, được Bloomberg trích dẫn, nếu trong cuộc đàm phán với Hàn Quốc, tổng thống Trump không thấy đạt được kết quả như mong muốn và nếu trong thời gian tới, ông gặp thêm khó khăn trong nước, thì không loại trừ khả năng là chủ nhân Nhà Trắng sẽ ra lệnh rút lực lượng Mỹ khỏi miền nam Triều Tiên.
Cũng theo nhận định của hãng tin Bloomberg, việc tổng thống Trump bất ngờ quyết định rút quân khỏi Syria mà không tham khảo ý kiến các cố vấn an ninh quốc gia sẽ càng khiến cho Bình Nhưỡng chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với Trump, chứ không thông qua ai khác trong chính quyền Mỹ, nhất là kể từ nay không còn ai dám can ngăn tổng thống Mỹ.
Thanh Phương
*********************
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bất ngờ thông báo từ chức (RFI, 21/12/2018)
Hôm 20/12/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã bất ngờ thông báo từ chức, do bất đồng với tổng thống Donald Trump về chiến lược mới của Nhà Trắng, cụ thể là quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria và chuẩn bị rút một phần lực lượng khỏi Afghanistan.
Hôm 20/12/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã bất ngờ thông báo từ chức. Reuters/Joshua Roberts
Trên mạng Twitter, tổng thống Trump không dùng chữ "từ chức" mà chỉ thông báo là bộ trưởng Quốc Phòng Mattis sẽ rời khỏi chức vụ này vào cuối tháng 02/2019 và ông sẽ sớm bổ nhiệm một người thay thế.
Theo nhận định của hãng tin AFP, vụ từ chức của tướng Mattis, một nhân vật rất được nể trọng trên trường quốc tế, là một vố rất đau đối với tổng thống Hoa Kỳ, đang ngày càng bị cô lập.
Từ Wahsington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :
"Mặc dù tổng thống Trump khẳng định là tướng Mattis nghỉ hưu, nhưng rõ ràng đây là một vụ từ chức do có những bất đồng sâu sắc. Lá thư của bộ trưởng Quốc Phòng gởi chủ nhân Nhà Trắng đã nói rất rõ điều đó.
Ông Jim Mattis viết : Quan điểm trước sau như một của tôi là phải đối xử các đồng minh với sự tôn trọng và phải rất tỉnh táo với thế lực xấu xa và các đối thủ chiến lược. Ông viết thêm : Bởi vì ngài có quyền chọn một bộ trưởng Quốc Phòng theo lập trường của ngài, nên tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là tôi từ chức. Nói chung, ông không thể nào chấp nhận việc rút quân khỏi Syria.
Một trong những người đầu tiên có phản ứng về vụ từ chức của bộ trưởng Mattis là thượng nghị sĩ Cộng Hòa thân cận với tổng thống Trum, Lindsey Graham, một nhân vật cũng chống lại việc triệt thoái khỏi Syria.
Ông Graham viết : Tướng Mattis là một người vừa thông minh, vừa trong sạch, từ hàng mấy thập niên qua vẫn nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống Hồi giáo và đã đóng góp những ý kiến rất sáng suốt và hợp đạo lý cho tổng thống.
Nhưng rõ ràng là Donald Trump không thèm nghe vị bộ trưởng Quốc Phòng của ông nữa. Ông Jim Mattis hôm qua đã đến Nhà Trắng để cố gắng thuyết phục tổng thống duy trì lực lượng ở Syria, nhưng đã không thành công".
Thanh Phương
**********************
Mỹ sẽ rút một số lượng lớn quân khỏi Afghanistan (RFI, 21/12/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/12/2018 đã quyết định giảm một phần lớn quân nhân Mỹ tại Afghanistan, vào cùng ngày ra thông báo rút hết quân khỏi Syria.
Ngày 20/12/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút một phần lớn quân nhân Mỹ hiện có mặt tại Afghanistan. Reuters
Ngay lập tức, ngày 21/12, phủ tổng thống Afghanistan đã trấn an rằng quyết định trên "sẽ không tác động đến an ninh" của đất nước vì quân đội đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn từ bốn năm nay.
Phát biểu với AFP ngày 20/12, một quan chức ngoại giao Mỹ ẩn danh khẳng định "quyết định đã được đưa ra" và "sẽ có một đợt rút quân quan trọng", cụ thể là khoảng vài nghìn quân nhân Mỹ, theo phát ngôn viên phủ tổng thống Afghanistan, Haroon Chakhansuri.
Quyết định bất ngờ của tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và phe Taliban Afghanistan vừa tiến hành các cuộc đàm phán hòa giải, tại Abou Dhabi trong tuần này và Washington cố đạt được một thỏa thuận hòa bình với phe Taliban trước kỳ bầu cử tổng thống Afghanistan vào tháng 04/2019.
Theo hai nhật báo Wall Street Journal và New York Times, khoảng 7.000 trên tổng số 14.000 quân nhân Mỹ nằm trong kế hoạch rút quân. Tại Afghanistan, lực lượng Mỹ có hai nhiệm vụ tách biệt : hỗ trợ quân đội Afghanistan trong khuôn khổ NATO và tiến hành các chiến dịch riêng lẻ chống khủng bố thánh chiến.
Theo AFP, hai quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến nhiều hệ quả địa-chính trị quan trọng tại các khu vực liên quan.
Về hồ sơ Afghanistan, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ mang lại cho phe Taliban một thắng lợi chiến thuật mà không cần phải có một nhượng bộ nào.
Thu Hằng
********************
Donald Trump tự ý quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria (RFI, 20/12/2018)
Tuyên bố chiến thắng Daesh tại Syria, tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh triệt thoái toàn bộ 2000 quân đang bố trí ở miền bắc Syria. Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo hành pháp Mỹ thông báo ý định rút quân. Nhưng quyết định loan trên "tweet" hôm thứ Tư 19/12/2018 gây sửng sốt và chống đối ngay trong phe của tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tại Nhà Trắng ngày 18/12/2018. Reuters/Jim Young
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :
"Chắc chắn Donald Trump đã làm cho giới thân cận chưng hửng. Bởi vì trong những ngày gần đây, nhiều quan chức Mỹ còn nói là lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở miền bắc Syria trong một thời gian nữa. Thứ nhất, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào và quan trọng hơn nữa là vấn đề chính trị tại Syria chưa giải quyết xong. Thế mà, toàn khu vực có ổn định hay không, điều đó tùy thuộc vào tình hình Syria.
Sự thực là dường như Donald Trump lấy quyết định một mình và gần như không thông báo một ai trong giới thân cận. Ngày thứ Tư, vẫn chưa có một thông tin nào liên quan đến phương thức tổ chức và lịch trình triệt thoái. Cũng không tìm ra một viên chức nào lên tiếng biện minh cho quyết định của Donald Trump. Trái lại, ngay trong đảng Cộng Hòa, nhiều nghị sĩ không giấu thái độ bất bình. Một người còn lên án gay gắt : "Đây là một quyết định chiến lược ngu ngốc nhất lịch sử".
Giới phân tích không quên nhắc lại sai lầm của tổng thống Obama khi quyết định rút quân khỏi Irak, mở đường cho Daesh tấn công. Quyết định của tổng thống Donald Trump sẽ tạo thuận lợi cho Iran, kẻ thù của Mỹ, cũng như giúp cho Nga phát huy ảnh hưởng tại Trung Đông.
Ngược lại, người Kurdistan, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Daesh, có nguy cơ phải phó mặc số phận cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi một sự ngẫu nhiên, hôm qua cũng là ngày Washington thông báo đạt được một hợp đồng khổng lồ bán vũ khí cho Ankara".
Phản ứng quốc tế : Đồng minh lo ngại, Moskva hài lòng
Theo bản tin Reuters ngày 20/12/2018, một viên chức Mỹ giấu tên cho rằng toàn bộ 2000 quân sẽ rút đi, sau khi chiến dịch chống Daesh kết thúc, có thể kéo dài từ 60 đến 100 ngày.
Quyết định của tổng thống Mỹ được Moskva khen ngợi ngay lập tức là sẽ tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị tại Syria.
Trái lại, Israel, đồng minh của Mỹ trong khu vực rất lo âu. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ngắn gọn : Israel sẽ tự lo bảo vệ an ninh cho chính mình.
Anh Quốc, qua tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Tobias Ellwood, cho là Donald Trump đã sai lầm khi nói Daesh chiến bại : Daesh đã biến thành những dạng cực đoan khác.
Pháp sẽ tiếp tục can thiệp quân sự vào Syria. Theo bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly, Daesh chưa bị tiêu diệt, mầm mống vẫn còn. Phát ngôn viên quân đội Pháp Patrick Steiger cho biết thêm : chiến dịch chống Daesh vẫn tiếp diễn, quyết định của tổng thống Mỹ không làm thay đổi gì.
Tú Anh
Thăm Việt Nam, James Mattis tố giác thái độ "cá lớn nuốt cá bé" của Trung Quốc (RFI, 16/10/2018)
Hoa Kỳ rất lo ngại vì Trung Quốc gia tăng biểu dương sức mạnh quân sự tại Châu Á và thực hiện một chính sách kinh tế "cá lớn nuốt cá bé" đối với các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis lúc đến Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/10/2018. Reuters/Phil Stewart
Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis với phóng viên quốc tế trên chuyến bay đưa ông đến Hà Nội thăm viếng hai ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2018.
Theo AFP, bình luận về vòng du hành "ngoại giao" ở hai nước Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore, bộ trưởng James Mattis cho biết Hoa Kỳ "không tìm cách cản trở" Trung Quốc , đối thủ của Washington tại Thái Bình Dương bởi vì "không có giải pháp nào hay hơn". Ông James Mattis giải thích : Mỹ và Trung Quốc là "hai đại cường quân sự và kinh tế có khi dẫm chân lên nhau, do vậy, cả hai sẽ phải tìm một phương cách hữu hiệu để quản lý mối quan hệ song phương".
Theo AFP, khi đề cập đến những bất đồng trong quan hệ Mỹ-Trung , chủ nhân Lầu Năm Góc có dụng ý tố cáo Bắc Kinh lấn áp các nước Đông Nam Á "ỷ mạnh hiếp yếu" trang giành chủ quyền ở Biển Đông : Hoa Kỳ vô cùng quan ngại trước tình trạng nhiều khu vực tại Biển Đông tiếp tục bị quân sự hóa. Chưa hết, trong lãnh vực kinh tế, Trung Quốc cư xử với các nước nhỏ như một con thú săn mồi, dùng chính sách tín dụng dễ dãi để làm các quốc gia nghèo vì thiếu nợ ngập đầu phải nhượng phần nào chủ quyền cho Bắc Kinh. Cụ thể là trường hợp Sri Lanka, vì không đủ khả năng trả nợ 1,4 tỷ đôla cho Trung Quốc, phải nhượng cho Bắc Kinh quyền quản lý hải cảng nước sâu trong 99 năm.
Chuyến viếng thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong mọi lĩnh vực từ quân sự, thương mại cho đến chính trị. Bắc Kinh bị tố cáo "can thiệp vào bầu cử Mỹ, triệt hạ tổng thống Donald Trump". Vì những căng thẳng này mà chuyến viếng thăm Trung Quốc của chủ nhân Lầu Năm Góc, dự kiến vào cuối tháng 10, bị hủy bỏ.
Tú Anh
********************
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghé Sài Gòn trên đường đến Singapore (VOA, 15/10/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hôm 15/10 lên đường sang thăm Việt Nam, trong một chuyến đi gây nhiều chú ý bởi lẽ đây là lần viếng thăm thứ nhì của ông Mattis trong vòng một năm, điều được giới bình luận Mỹ cho là khá hiếm hoi.
Tư liệu : Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James N. Mattis, gặp Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Đối thoại Shangri-La ở Shangri-La, Singapore, ngày 1/6/2018. (VOA)
Cũng gây chú ý là điểm đến, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất nước và cũng là trung tâm kinh tế của Việt Nam. Dự kiến ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, và đến thăm sân bay Biên Hòa, một căn cứ không quân cũ của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam.
Tường thuật về chuyến đi này, hãng tin AP lưu ý rằng chuyến thăm diễn ra giữa lúc ở Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển tiếp lãnh đạo sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Việc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hàng hải chiến lược trong khu vực và xây các đảo nhân tạo tại vùng biển đông trong vòng tranh chấp với nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, có phần chắc sẽ là một trong các chủ đề chính tại buổi họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các vị tương nhiệm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, và Nhật Bản.
Washington ngày càng lớn tiếng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh, mà phía Mỹ cho là có tính cách gây hấn để xác quyết chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, khiến cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại đây trở thành chủ đề nóng của hội nghị, đặc biệt sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mạnh mẽ đả kích hành động mà ông cho là hung hăng của Trung Quốc tiếp theo sau sự cố hôm 30/9 vừa rồi khi một tàu khu trục Trung Quốc cắt mũi tàu chiến Mỹ, khiến hai chiếc tàu suýt nữa đã va vào nhau. Các tấm ảnh đầy kịch tính do hải quân Mỹ công bố mới đây cho thấy chiếc tàu của hải quân Trung Quốc chỉ còn cách chiến hạm Mỹ USS Decatur có hơn 40m.
Ông Aaron Rabena, một nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines, nhận định về lập trường của Mỹ tại hội nghị ADM sắp tới :
"Có lẽ chúng ta sẽ thấy Mỹ tái khẳng định sự hậu thuẫn dành cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và một lần nữa công khai chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông". Nhà nghiên cứu này tiên đoán rằng giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Asean sẽ chịu áp lực từ cả hai phía.
Nhà nghiên cứu Elena Collinson thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ Úc-Trung của Đại học Kỹ thuật Sydney nói:
"Dự kiến sẽ có các cuộc tranh luận gây cấn về một số nội dung quan trọng tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng kỳ này. Bất cứ quyết định nào cũng sẽ phải tính tới các quan hệ giữa mỗi nước thành viên của Asean với không những Trung Quốc, mà còn với phương Tây".
Hội nghị này diễn ra sau khi Trung Quốc và Asean hồi tháng 8 đồng ý về dự thảo của một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, sau hơn 1 năm thuong thuyết, mặc dù các nhà phân tích cho rằng khó có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng trong thời gian tới.
Ông Bill Hayton, một chuyên gia về Biển Đông, và là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Chatham House, một think-tank của Anh, nói :
"Điều quan trọng là phải nghĩ một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển là một hành trình, hơn là một điểm đến".
Nhà nghiên cứu này nói ông không trông đợi một tuyên bố quan trọng sẽ được công bố sau hội nghị, nhưng sẽ là một ‘ngạc nhiên thích thú’ nếu các đại biểu có thể đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào.
*******************
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặt Việt Nam vào thế đối đầu hơn với Trung Quốc (RFA, 15/10/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ đến thăm Việt nam vào thứ Ba ngày 16/10 trong nỗ lực nhằm siết chặt quan hệ hơn nữa giữa Mỹ và Việt Nam nhằm đối phó với những hành động quân sự gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.
Hình minh họa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (giữa) tại Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 25/1/2018 AFP
Trong bài phân tích viết trên trang Scribd hôm 15/10, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định: "Bộ trưởng Mattis sẽ tìm kiếm một mối liên minh tạm thời với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, để đối lại với Trung Quốc. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một môi trường đối đầu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ cả trong khu vực và quốc tế".
Chuyến thăm diễn ra giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc trên cả hai lĩnh vực là thương mại và quốc phòng.
Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố đánh thuế lên khoảng 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng việc áp thuế lên 60 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Mỹ.
Về mặt quốc phòng, Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng các hoạt động quân sự hóa khu vực Biển Đông là vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam. Tại diễn đàn Shangri-la ở Singapore hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng James Mattis đã gọi các hành động triển khai vũ khí ra các đảo ngoài Biển Đông của Trung Quốc là nhằm mục đích đe dọa quân sự và xâm lấn.
Để phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC vào tháng 7 vừa qua giữa các nước.
Mới đây nhất , vào hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã điều tàu chiến ra gần tàu Decatur của Hải quân Mỹ khi tàu chiến Mỹ đi qua đá Gaven ở quần đảo Trường Sa trong chương trình Tự do Hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong vài năm qua.
Những căng thẳng trong quan hệ hai nước Mỹ Trung đã khiến chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ diễn ra trong lần công du Châu Á này của ông bị hủy bỏ. Trung Quốc mới đây cũng từ chối đề nghị của Mỹ cho tàu chiến ghé thăm cảng Hong Kong.
Trong khi quan hệ Mỹ Trung xấu đi, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong năm qua. Điển hình là chuyến thăm lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua.
Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng James Mattis tới Việt Nam là chuyến thăm thứ 2 trong năm nay. Chuyến thăm đầu diễn ra vào hồi tháng 1.
Giáo sư Carl Thayer viết rằng các chuyến thăm của Bộ trưởng James Mattis tới Việt Nam là theo Chiến lược về An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Mỹ. Trong các chiến lược này, Mỹ đã bao gồm Việt Nam vào mạng lưới hợp tác quốc phòng để đối phó với những thách thức hiện có về an ninh trong khu vực, trong đó có những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. "Việt Nam sẽ phải chịu sức ép hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm cả việc chấp nhận cho phép tàu chiến Mỹ tới thăm các cảng thường xuyên hơn", Giáo sư Carl Thayer viết.
Hãng tin AP trích lời chuyên gia cao cấp về Châu Á của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài của Mỹ, ông Josh Kurlantzick, nói rằng Việt Nam đã đi gần hơn với một số những chính sách của Tổng thống Trump. Ý ông muốn nói đến Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đã được Tổng thống Trump lần đầu tiên đưa ra tại APEC hồi tháng 11 năm ngoái ở Đà Nẵng. "Ngoài Singapore, Việt nam là nước có nhiều nghi ngờ nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và là đối tác tự nhiên nhất đối với Mỹ", chuyên gia Kurlantzick được AP trích lời cho biết.
Vẫn còn những vấn đề nhạy cảm
Theo truyền thông trong nước, trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng James Mattis sẽ đến thăm sân bay Biên Hòa, một trong những điểm nóng về chất độc da cam còn lại sau chiến tranh Việt Nam. Chuyến thăm này cũng cho thấy sự ủng hộ của ông trong việc đề cập đến những tàn dư của chiến tranh.
Theo Giáo sư Carl Thayer, trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, cam kết tiếp tục thực hiện các hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất được trông đợi bàn thảo lần này là đạo luật Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA). Theo đạo luật này, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào mua vũ khí của Nga, trong khi Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Bộ trưởng James Mattis, trước đó, đã đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị trừng phạt. Theo Giáo sư Carl Thayer thì cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này. "Điều này đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam đã chuẩn bị để mua vũ khí đáng kể từ Hoa Kỳ hay chưa", Giáo sư Carl Thayer viết.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã lặng lẽ bỏ hơn 15 hoạt động tương tác quốc phòng với phía Mỹ trong năm 2019. Theo ông, rất có thể quyết định này có liên quan đến việc Mỹ vận động Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thay vì của Nga. "Việt Nam có thể coi hành động này là sức ép và can thiệp lên công việc nội bộ của mình", theo Giáo sư Carl Thayer.
Việt Nam từ trước đến này vẫn duy trì chính sách độc lập trong quan hệ với các cường quốc. Trong khi tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, Việt Nam cũng có những lo ngại về người láng giềng Trung Quốc ở ngay sát cạnh. Đó là chưa kể thực tế là cả Việt Nam và Trung Quốc đều duy trì chế độ đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo duy nhất.
******************
Mỹ chèo kéo Việt Nam để chống Trung Quốc (Người Việt, 15/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Việt Nam lần thứ hai trong năm nay cho thấy dấu hiệu Mỹ muốn chèo kéo Hà Nội đến thế nào để nghiêng về phía mình cùng chống lại Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis duyệt hàng quân danh dự khi ông đến Bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 25 tháng Giêng, 2018. (Hình : AFP/Getty Images)
Hãng thông tấn AP hôm Thứ Hai 15 tháng Mười, 2018 nhận định như thế về chuyến thăm viếng Việt Nam vào các ngày 16 và 17 tháng Mười, 2018 của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis. Đây là dấu hiệu báo cho biết sự chú trọng nhiều đến đâu của chính phủ Trump trong nỗ lực lôi cuốn các nước nhỏ ở khu vực cùng chung lập trường chống lại chủ trương bá quyền bành trướng quân sự của Bắc Kinh.
Chuyến đi của ông Mattis cũng đồng thời cho thấy mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước cựu thù đã phát triển được đến đâu sau khi cuộc chiến chấm dứt gần nửa thế kỷ trước.
Cho tới sáng ngày Thứ Hai, chưa thấy TTXVN đưa tin gì về cuộc thăm viếng Việt Nam có vẻ "nhạy cảm" của ông Mattis trước các con mắt cú vọ của Bắc Kinh. Chỉ thấy một số báo "lề phải" "vòng trong vòng ngoài" của chế độ đưa tin tóm tắt theo các hãng tin ngoại quốc.
Báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông Hà Nội lược dịch lại bản tin của AP viết "Với việc lần thứ hai trong cùng một năm đi thăm Việt Nam, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đang cho thấy chính quyền Trump đang muốn chống lại những hành động mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông bằng việc kết nối với những quốc gia lân cận". Tức là lược bỏ đi những từ ngữ "nhạy cảm" cho mối quan hệ "đồng chí – anh em" Hà Nội – Bắc Kinh.
Báo Một Thế Giới của "Hội thông tin khoa học và Công nghệ Việt Nam" cũng khai thác bản tin của AP hôm Thứ Hai nhưng mở đầu bản tin hơi khác một chút khi viết "Hãng tin AP ngày 15 tháng 10 đưa tin khi thực hiện chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đang phát tín hiệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm chống hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, báo điện tử Một thế giới cho biết".
Bộ trưởng Mattis, một tướng 4 sao nghỉ hưu, đã gia nhập lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra nhưng không phục vụ tại Việt Nam. Chuyến thăm viếng Việt Nam hồi cuối tháng Giêng 2018 của ông lại trùng với dịp chế độ Hà Nội kỷ niệm 50 năm ngày "tổng tiến công Tết Mậu Thân".
Cộng sản Hà Nội tuyên bố ngưng bắn giết ba ngày Tết Mậu Thân (đầu năm 1968) để quân lính hai bên có dịp sống với Tết truyền thống và gia đình. Tưởng thật, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng tuyên bố ngừng bắn, cho một số quân lính nghỉ phép. Ngay Đêm 30 Tết thì Cộng quân trở mặt, tấn công khắp nơi, ngay cả thủ đô Sài Gòn. Tuy bị bất ngờ nhưng các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chống trả mãnh liệt và gây cho Cộng quân những thiệt hại nặng nề.
Nơi bị tàn phá nặng nhất là thành phố Huế. Tại đây, Cộng quân khi tràn vào đã bắt và giết hơn 3 ngàn người, một số bị chôn sống với hai tay còn bị trói trong những nấm mồ tập thể được khai quật.
Khi đến Hà Nội họp với Bộ Quốc phòng, ngày 25 tháng Giêng, 2018 ông Mattis đã đến dâng hương tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ hơn 1.400 năm lịch sử bên Hồ Tây. Hành động của ông có vẻ như muốn nói với Bắc Kinh là "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" như một bài thơ cổ của Việt Nam minh định.
Sau ông Mattis, Đại tướng Robert B. Brown, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đã đến Hà Nội thảo luận với các giới chức quân sự của Việt Nam. Dịp này, ông cũng đã thăm đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội ngày 20 tháng Tám, 2018 cả quyết với báo chí trong nước là "quân đội Mỹ sẽ hợp tác với quân đội Việt Nam trong việc góp phần vào việc giữ gìn hòa bình trong khu vực và thế giới, giữ gìn quyền tự do hàng hải cũng như giữ gìn trật tự dựa trên luật pháp quốc tế".
Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng chống lại quân xâm lược phương bắc của dân tộc Việt Nam được nhân dân lập đền thờ tại nhiều nơi.
Mới hơn tuần trước, ngày 5 tháng Mười, 2018, ông Randall G. Schriver, phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, thăm hai ngày tại Việt Nam, nhân dịp có cuộc họp Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng thường niên lần thứ 9 giữa hai nước. Ông Schriver đặc trách các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, và đây là lần thứ ba ông đến Việt Nam trong chín tháng.
"Việt Nam là đối tác toàn diện của chúng tôi trong khu vực, là quốc gia có sự cam kết đối với hoà bình, ổn định và thịnh vượng, đây là những nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ", ông Schriver được trích phát biểu. "Điều khiến mối quan hệ hợp tác của chúng ta quan trọng chính là cam kết chung đối với tư tưởng thượng tôn pháp luật quốc tế, an ninh biển và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Hãng tin AP thuật lời nhà phân tích Josh Kurlantzick , một chuyên viên về Châu Á của tổ chức nghiên cứu đối ngoại Council on Foreign Relations cho rằng thời gian sau này, có vẻ Việt Nam không còn giữ kỹ lưỡng chủ trương đối ngoại "đu dây" cân bằng giữa Trung Quốc và tây phương, đặc biệt là Mỹ mà có vẻ hơi nghiêng theo chiến lược "Ấn độ – Thái Bình dương của Hoa Thịnh Đốn. (TN)
*****************
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam nhằm kiềm chế Trung Quốc (RFI, 15/10/2018)
Tướng James Mattis chính thức thăm Việt Nam trong hai ngày 16 và 17/10/2018. Đây là lần thứ nhì trong năm 2018, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tiếp đồng nhiệm Mỹ James Mattis, Hà Nội, ngày 25/01/2018AFP / Hoàng Đình Nam
Theo giới quan sát, Washington đặc biệt quan tâm đến Hà Nội trong nỗ lực kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực.
Hãng tin Mỹ AP cho biết, ngoài các buổi làm việc tại Hà Nội, lãnh đạo Lầu Năm Góc dừng chân tại Thành Phố Hồ Chí Minh, lá phổi kinh tế của Việt Nam.
Theo chương trình nghị sự, trong hai ngày thăm Việt Nam, tướng Mattis cũng sẽ tới thăm căn cứ Không Quân Biên Hòa, hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Biên Hòa từng là một căn cứ Không Quân chính của quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh.
AP nhắc lại, lần trước Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm Việt Nam là hồi tháng Giêng 2018. Ba tháng sau đó, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson ghé thăm cảng Đà Nẵng. Đây cũng là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ trở lại Đà Nẵng từ sau chiến tranh. Các nhà phân tích cho rằng, cử chỉ này nhằm nhắc nhở Trung Quốc là Hoa Kỳ tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực, vào lúc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Chuyến đi Việt Nam của tướng James Mattis lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung liên tục gia tăng cả về kinh tế lẫn quốc Phòng. Đôi bên vừa hủy một chuyến công du Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : quan hệ Mỹ - Trung càng xấu đi, đối tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam lại càng thêm vững chắc.
Chuyên gia về Châu Á, Josh Kurlantzick, thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế (Council on Foreign Relations), được AP trích dẫn cho rằng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, vốn thận trọng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong những năm gần đây, có phần nghiêng về phía Hoa Kỳ.
Vẫn theo chuyên gia này, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, Việt Nam là "đối tác tự nhiên nhất của Mỹ" trong khu vực.
Tin đồn Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bị thất sủng
Tướng Mattis đến Việt Nam vào lúc tại Washington, tổng thống Donald Trump không loại trừ khả năng thay thế Bộ trưởng quốc phòng.
Trả lời đài truyền hình Mỹ CBS trong một chương trình được phát vào Chủ Nhật 14/10/2018, tổng thống Mỹ cho biết có quan hệ tốt với tướng Mattis, nhưng đồng thời, theo Donald Trump, James Mattis là "một dạng người thuộc cánh Dân chủ". Chủ nhân Nhà Trắng để ngỏ khả năng "đến một lúc nào đó" sẽ để tướng Mattis "ra đi".
Trong cuốn sách công bố hồi tháng 09/2018, nhà báo Bob Woodward tiết lộ, tướng James Mattis từng có những chỉ trích rất mạnh mẽ nhắm vào Donald Trump. Trong mọi cuộc trả lời báo chí, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ luôn từ chối bình luận về quan hệ của ông với tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.
Thanh Hà
**********************
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Việt Nam lần hai (BBC, 15/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis khởi hành chuyến công du chính thức Việt Nam vào thứ Hai 15/10, theo The Straits Times .
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu của ông Mattis hồi tháng 1/2018
Theo lịch làm việc được báo Việt Nam đăng tải, ông James Mattis sẽ tới Thành phố Hồ Chí Minh vào 16-17/10.
Tại Việt Nam, ông James Mattis sẽ gặp Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch để bàn về hợp tác song phương, theo VnExpress.
Ông James Mattis cũng có lịch thăm sân bay Biên Hòa, nơi quân đội Mỹ chứa chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam và hiện vẫn đang là điểm nóng ô nhiễm dioxin.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Singapore cho hay sau Việt Nam, ông James Mattis cũng sẽ tới Singapore để tham gia Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á dự kiến diễn ra từ 18-20/10.
Ông Mattis sẽ gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt để tái khẳng định các mối quan hệ quốc phòng và đàm phán song phương và ba bên với các quan chức cấp cao, vẫn theo thông cáo báo chí mà The Straits Times nhận được.
Ông James Mattis từng hủy chuyến công du tới Trung Quốc, dự kiến cũng vào trung tuần tháng 10/2018, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, theo CNBC.
Chuyến đi của ông Mattis được công bố trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về số phận của vị tướng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ nghỉ hưu này trong chính quyền Trump, theo The Straits Times.
Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ Nhật 14/10, ông Trump đã nói ông James Mattis có thể 'ra đi', và gọi ông Mattis là "một kiểu người của phe Dân chủ".
Tờ New York Times đưa tin hôm thứ Bảy 13/10 rằng mối quan hệ giữa ông Donald Trump và ông James Mattis đã trở nên 'tồi tệ' tới mức không thể cứu vãn.
Ông James Mattis từng tới Việt Nam lần đầu hồi tháng 1/2018 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. "Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, góp phần vào quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ", theo Dân Trí.
*********************
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Việt Nam vì chuyện bán võ khí ? (Người Việt, 14/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis bỏ đi Trung Quốc nhưng sang Việt Nam thăm viếng hai ngày giữa những căng thẳng Biển Đông và các vụ mua bán võ khí tiềm năng còn đang mở ngõ.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đến thắp hương tại chùa Trấn Quốc ngày 25 tháng Giêng, 2018 khi ông đến Hà Nội. (Hình : AFP/Getty Images)
Thông tin trên các hệ thống truyền thông cho hay Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đến Hà Nội để họp với các giới chức Bộ quốc phòng vào các ngày 16 và 17 tháng Mười, 2018. Đồng thời, ông cũng đi thăm Sài Gòn và Biên Hòa, nơi từng có căn cứ lớn của Mỹ và tồn trữ một lượng lớn thuốc khai quang hiện đang có các chương trình tẩy rửa.
Đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam trong năm nay, một việc được mô tả là không bình thường. Theo phân tích của thông tấn AP, việc ông Mattis đến Hà Nội họp với Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch lần này nhắm thúc đẩy thêm nữa mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước giữa lúc những căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh có dấu hiệu ngày một nặng hơn cả về mậu dịch lẫn sóng gió Biển Đông.
Trong cuộc thăm viếng Việt Nam hồi cuối tháng Giêng, ông đã đến thăm chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất gần Hồ Tây Hà Nội với hơn 1,400 năm lịch sử, và thắp nhang. Một số nhà phân tích thời sự cho rằng ông muốn nhắn gửi thông điệp "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" mà cổ nhân Việt từng nói với kẻ thù phương Bắc.
Ba tháng sau chuyến thăm viếng vừa kể, hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson đã đến thăm cảng Đà Nẵng, một dấu hiệu nhắc nhở để Bắc Kinh thấy Mỹ đang có những cố gắng xây dựng niềm tin và củng cố mối quan hệ an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, nước đang phải chống đỡ khó khăn với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và cả bản Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc ký công nhận, Bắc Kinh đã bồi đắp biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sợ khổng lồ gồm cả cảng biển và phi trường và các giàn hỏa tiễn phòng không, mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.
Trong cuộc họp với các đối tác quốc phòng khu vực ở Singapore hồi tháng Hai, ông Mattis đả kích Bắc Kinh đã "ức hiếp" các nước nhỏ phía Nam. Lần ông đến Hà Nội hồi tháng Giêng, không thấy có những chi tiết đặc biệt nào cụ thể về vấn đề bán võ khí cho Việt Nam được loan báo. Nhưng tin tức từ hồi đầu tháng Tám, 2018 cho hay, Việt Nam đã đặt mua của Mỹ một số lượng võ khí trị giá gần 100 triệu USD.
Không thấy nêu ra danh mục các loại võ khí nào và đây cũng chỉ là con số nhỏ so với số lượng lớn võ khí trị giá nhiều tỷ đô la mà Việt Nam mua của Nga những năm gần đây, gồm 6 chiếc tầu ngầm lớp Kilo, 4 chiếc hộ tống hạm lớp Gepard, 36 máy bay khu trục Sukhoi SU-30MKV.
Một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ từng cho hay các cuộc mua bán võ khí giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội tiến hành chậm chạp vì Việt Nam chưa quen thuộc với thủ tục phức tạp của Mỹ đối với các chương trình bán võ khí cần phải được quốc hội thông qua. Nhưng một mặt khác, Hà Nội vẫn dè dặt trước các phản ứng của Bắc Kinh trong khi túi tiền thì cũng chẳng có bao nhiêu.
Việt Nam từng cử phái đoàn sĩ quan không quân sang một căn cứ không quân tại Hawaii để được xem bay thử và biểu diễn các hoạt động của máy bay tuần tra săn ngầm Orion P-3 hồi tháng Tư, 2016, trước ít ngày Tổng thống Barack Obama sang Hà Nội loan báo gỡ bỏ cấm vận võ khí hoàn toàn đối với Việt Nam.
Giữa tháng Mười Hai năm ngoái, Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã đến Bộ quốc phòng gặp Thượng tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng quân đội, thứ trưởng Bộ quốc phòng. Dịp này, có tin Mỹ huấn luyện phi công cho Việt Nam như một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang tiến dần tới mua sắm một số máy bay quân sự dư thừa hiện đang được bỏ phủ bụi tại sa mạc tiểu bang Arizona.
Bản tin của tờ Quân đội nhân dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ quốc phòng, viết rằng "Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y…".
Tuần này, khi Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đến Hà Nội vấn đề bán một số máy bay Orion P-3 đang phủ bụi ở sa mạc Arizona có được xới lại cụ thể hay không, dư luận đang chờ ngóng tin tức.
Tháng Mười Một, 2017, khi đến Việt Nam thăm viếng và dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai "chào hàng" Việt Nam về các loại võ khí tối tân của Mỹ gồm cả hỏa tiễn phòng không. (TN)
Bộ trưởng Mỹ thắp hương chùa Trấn Quốc để gửi thông điệp gì ? (VOA, 25/01/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã dành riêng thời gian trong chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Hà Nội để thăm viếng ngôi chùa cổ nhất tại thủ đô của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giữa) dâng hương tại chùa Trấn Quốc hôm 25/1. (Ảnh chụp màn hình ZingNews)
Giữa các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis đã tới thắp hương tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam trên Hồ Tây ở Hà Nội.
Hồ Tây là nơi gần chỗ máy bay của Thượng nghị sĩ John McCain bị bắn rơi vào năm 1967 trong chiến tranh Việt Nam. Lúc bấy giờ ông McCain là một phi công của Hải quân Mỹ. Ông McCain bị áp giải từ hồ Trúc Bạch và giam tại nhà tù Hỏa Lò cho tới khi được thả vào năm 1973.
Trong chiến tranh Việt Nam, máy bay của Thượng nghị sỹ John McCain, lúc đó là phi công của hải quân Hoa Kỳ bị bắn rơi trên Hồ Tây cách chùa Trấn Quốc không xa.
Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không hề tham chiến tại Việt Nam. Tại Chùa Trấn Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc trao đổi với nhà sư trụ trì và ca ngợi không gian thanh bình của ngôi chùa cổ hơn 1.400 năm gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
"Tuyệt đẹp. Thanh bình. Tôi nghĩ không gian này làm cho ta trầm tư hơn", ông Mattis nói với các nhà sư trong lúc thăm viếng ngôi chùa vào khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương, theo ghi nhận của William Gallo, phóng viên VOA tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới chùa Trấn Quốc "mang tính biểu tượng để gửi đi một thông điệp về sự tôn trọng và hiểu biết về lịch sử và quá khứ của ông Mattis đối với Việt Nam".
Truyền thông trong nước cho rằng đây là hoạt động nhằm tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam của ông Mattis.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof-Ishak nói việc thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam của người đứng đầu bộ quốc phòng Mỹ cho thấy ông Mattis muốn tạo dựng một sự tin tưởng và gần gũi hơn với lãnh đạo và người dân Việt Nam.
Trước khi tới Hà Nội, Bộ trưởng Mattis nói muốn "xây dựng lòng tin" trong chuyến thăm Việt Nam.
Trước khi tới Hà Nội hôm 24/1, Bộ trưởng Mattis nói ông tìm kiếm "sự tin cậy và hợp tác" với Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được Washington coi là một trong 3 đối tác an ninh quan trọng trong khu vực.
Tiến sĩ Hiệp cho rằng ông Mattis, một nhân vật vốn được coi là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, còn gửi đi một thông điệp sâu hơn từ chuyến viếng thăm chùa Trấn Quốc.
"Bản thân chữ ‘Trấn Quốc’ liên quan đến việc bảo vệ đất nước và lãnh thổ của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh có các mối đe dọa đặc biệt từ phương Bắc. Tôi nghĩ chuyến thăm ngôi đền của ông Mattis còn để gửi đi thông điệp là Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và quốc gia của mình giống như ý nghĩa của tên ngôi đền đó".
Trong chuyến thăm chùa, ông Mattis cùng phái đoàn tháp tùng đã lưu lại để dùng trà với các sư.
Tổng thống Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng tại thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.
Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã từng đến thăm một ngôi chùa ở Việt Nam trong chuyến thăm của ông vào tháng 5/2016. Vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump tới thăm chùa Ngọc Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh để tỏ lòng tôn kính đối với truyền thống văn hóa của Việt Nam.
***************
Lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam (RFI, 25/01/2018)
Lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam trong tháng 3/2018, một sự kiện lịch sử đối với hai quốc gia cựu thù và nay trở thành gần như là đồng minh đang hợp lực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đang hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 3/3/2017... Reuters/Erik De Castro
Thông tin nói trên đã được đưa ra hôm nay, 25/01/2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis.
Tuyên bố với báo chí, phát ngôn viên của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, đại tá Jeff Davis, cho biết là lãnh đạo hai nước đã đồng ý tổ chức chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử, vì cho tới nay, chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ đi ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của ông, bộ trưởng Jim Mattis đã gặp bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch và chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cũng như khi gặp các lãnh đạo Indonesia ở Jakarta trước đó, khi gặp các lãnh đạo
Thanh Phương
************************
Tàu sân bay Mỹ sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam (VOA, 25/01/2018)
Một tàu sân bay của hải quân Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng Việt Nam xác nhận.
Máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN76) trên Biển Đông hôm 17/11/2017. Mỹ sẽ lần đầu tiên gửi tàu sân bay tới cập cảng Việt Nam dự kiến vào tháng 3 năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 25/1 cho biết là dự kiến tàu sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm nay. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết Bộ trưởng Mattis đã thảo luận với người đồng cấp phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, về chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ trong một cuộc họp kín.
Ý tưởng tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam được đưa ra trong chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tới Mỹ vào giữa năm ngoái.
Ông Davis được AP trích lời cho biết bộ Quốc phòng Việt Nam đang chờ sự thông qua của các quan chức cấp cao trong chính phủ, nhưng thông báo của Bộ trưởng Mattis cho thấy dường như mọi việc đã êm xuôi.
Trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis cho biết tàu sân bay Mỹ sẽ cập cảng Việt Nam vào tháng 3.
Trong một cuộc gặp gỡ chính thức với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis nói : "Xin cám ơn ông đã tăng cường hợp tác bằng chuyến thăm sắp tới của tàu sân bay của chúng tôi tới Đà Nẵng vào tháng 3".
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định với VOA rằng tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, nơi trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ ở Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam.
AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận vì đây là một động thái quan trọng của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Năm 2010, một tàu sân bay của hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã neo lại ngoài khơi Đà Nẵng để đón tiếp một đoàn quan chức Việt Nam tới thăm.
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis tới Việt Nam, Tân Hoa Xã nhận định ông Mattis đang mưu tìm một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội bằng việc tăng cường mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam và Hoa Kỳ.
Các quan hệ và hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục được củng cố trong mấy năm gần đây trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng việc xây dựng và quân sự hóa trên biển Đông.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã tăng chi tiêu quốc phòng với mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt là trên biển.
Vào tháng 4 năm ngoái, Mỹ chuyển giao một tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton cho Việt Nam và nhiều tàu tuần tra biển khác.
Việt Nam có nhiều khả năng sẽ mua tàu tuần tra lớp Hamilton thứ 2 và các trang thiết bị quốc phòng khác, theo nhận định của Giáo sư Thayer với VOA.
********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm cảng Đà Nẵng (RFA, 25/01/2018)
Một tàu sân bay của Mỹ dự kiến sẽ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Thông tin được Bộ Quốc phòng Việt Nam thông báo tại Hà Nội hôm thứ năm, ngày 25 tháng 1 năm 2018 sau buổi hội đàm giữa Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis,
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) trao những di vật còn sót lại của lính Mỹ tại Việt Nam cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau cuộc gặp ở Hà Nội hôm 25/1/2018 - AP
Đây là lần thứ 6 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, và cũng là lần đầu tiên ông James Mattis đến Việt Nam với cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến thăm của ông Mattis kéo dài hai ngày từ 24 – 25 tháng 1 năm 2018.
Tại buổi hội đàm, hai vị bộ trưởng Việt Nam và Mỹ chia sẻ một số vấn đề được khu vực và quốc tế quan tâm, đánh giá kết quả hợp tác song phương trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, hai bên đã thống nhất sẽ trình lãnh đạo cấp cao để phê duyệt tàu sân bay Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 3 tới.
Trước đó, trong tuyên bố chung Việt - Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam vào tháng 11.2017, lãnh đạo hai nước đã đồng ý kế hoạch cho phép tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng của Việt Nam trong năm 2018.
Cũng tại buổi hội đàm, hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, và Hoa Kỳ giúp Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên đường công du Châu Á hôm nay, 1/2, để trấn an các quốc gia ở Châu lục này, sau khi có nhiều quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", như khẩu hiệu tranh cử của ông, mà bỏ rơi Châu Á.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Mattis trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, và ông cũng là thành viên nội các đầu tiên của ông Trump đi công du ngoài Hoa Kỳ.
Một quan chức trong chính quyền của ông Trump được Reuters dẫn lời nói rằng chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản lần này nhằm mục đích trấn an những ai "quan ngại về chuyện ông Trump sẽ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo mang tính truyền thống ở khu vực".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến đi cho thấy Mỹ "vẫn xem trọng", "không bỏ rơi các đồng minh ở Châu Á", trong khi Châu lục này đối mặt với "các thách thức".
Theo ông Trường, chuyến công du của ông Mattis cũng "làm cho người ta yên tâm" rằng "ở vùng này không phải ai cũng có thể ‘múa gậy vườn hoang’ được".
Dù Việt Nam không có trong lịch trình của ông Mattis, theo các nhà quan sát, chuyến đi này cũng sẽ khiến Hà Nội an tâm hơn về vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á.
Tiến sĩ Trường nhận định :
"Việt Nam mong muốn các nước lớn có sự hiện diện cân bằng, ổn định, đối trọng lẫn nhau thì mới đảm bảo được hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam phải sử dụng các đòn bẩy chiến lược. Việc Mỹ, Nhật Bản có sự hiện diện mạnh ở khu vực này là giúp cho Việt Nam có được một vị thế ổn định và cân bằng để giữ được độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam không đi với nước này chống nước kia, nhưng Việt Nam mong muốn các nước lớn giữ được sự hiện diện và cân bằng chiến lược giữa họ với nhau và với các nước trong khu vực".
Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về các động thái quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Căng thẳng dâng lên tuần trước sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ "lãnh thổ quốc tế" ở vùng biển tranh chấp này, khiến Trung Quốc đáp trả với tuyên bố có chủ quyền "không thể tranh cãi".
Đích thân Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, và ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc "tiếp cận các đảo nhân tạo" ở đó.
Theo cựu quan chức ngoại giao Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường, những động thái của chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc "rất thận trọng", nhưng cũng "rất kiên quyết".
Ông nói tiếp :
"Biển Đông là một bộ phận không tách rời của chính sách Châu Á của Mỹ được. Biển Đông chưa thể trở thành vấn đề nóng ngay. Biển Đông nóng hay lạnh, sự phát triển của nó như thế nào thì phải xem chính sách của Mỹ đối với biển Đông như thế nào. Chúng ta mới nghe nói những tuyên bố, chứ còn chúng ta chưa thấy hành động của Mỹ. Các nước có liên quan tới biển Đông đang chờ đợi xem bước đi tiếp theo của ông Trump sẽ là như thế nào, và cuộc cọ xát chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại biển Đông sẽ diễn ra như thế nào".
Dẫn chuyện Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo ở tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới với Nga, được cho là nhắm vào Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu này cho rằng "bố cục chiến lược của hai bên đã hình thành để đối phó với nhau".
Sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, giới quan sát cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi các động thái của Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu chính sách sắp tới của chính quyền Trump đối với Hà Nội.
Viễn Đông