Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam cần 368 tỷ đô la để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 ?

chong1

Thành phố Hồ Chí Minh ngập nước sau một trận mưa. AFP PHOTO

Thông tin vừa nêu được Ngân hàng Thế giới WB đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo khí hậu Việt Nam của cơ quan này tổ chức tại Hà Nội hôm 14/7/2022.

Theo Báo cáo, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài 3.260 km và nhiều vùng trũng, thấp, phân tán khắp lãnh thổ.

Những khu vực chịu tác động nhiều nhất theo Ngân hàng Thế giới là các khu đô thị, khu công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh ; Đồng bằng sông Cửu Long...

Nếu không có 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 thì Việt Nam sẽ đối mặt hiểm họa như thế nào ? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Đại Học Cần Thơ, giải thích với RFA hôm 15/7/2022 :

"Tôi chưa biết Ngân hàng Thế giới căn cứ vào cái gì ? Nếu mà nói từ đây cho đến năm 2030 thì Việt Nam sẽ chịu tác động bởi biến đổi khí hậu đối với ngành sản xuất nông nghiệp khá rõ, hay đánh bắt thủy sản... Còn những ngành khác thì cũng có nhưng mà không lớn lắm, nhưng một số nơi hơi thổi phồng lên. Ví dụ như ngành sản xuất lúa có thể đến năm 2030 - 2050 thì Việt Nam sẽ không còn đủ sức để sản xuất gạo bán ra thế giới, mà cao lắm chỉ đủ ăn trong nước. Khi đó nhu cầu sử dụng gạo cũng không cao nữa vì có thể có những thực phẩm khác thay thế. Ngoài ra, có một số cơ sở hạ tầng hay đất đai sẽ chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng kéo dài chứ không phải tức thời".

Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo khí hậu Việt Nam, ông Darryl J. Dong, quyền quản lý quốc gia về Việt Nam tại International Finance Corporation, chi nhánh khu vực tư nhân của World Bank Group cho rằng : ‘Việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ không dễ dàng. Cần có nguồn tài chính lớn.’

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh, thành phố có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, nguyên Trưởng khoa Quản lý Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Đại học Cần Thơ, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho biết :

"Ở Việt Nam cũng đã có kịch bản về biến đổi khí hậu. Tức là mực nước biển dâng thì ví dụ khoảng 30% đất đai ven biển sẽ bị ngập, nếu mà nó ngập đúng như kịch bản như vậy thì tình hình dân mình sẽ như thế nào để có thể ứng phó. Với lại điều kiện thay đổi như vậy, ví dụ về mặt nông nghiệp phải ra sao, về thủy sản như thế nào, rừng như thế nào, và con người thì sao ? Nói chung chuyện đó bây giờ là chuyện chung, gặp nhau thì nói rất nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng mà cụ thể ra sao thì sự thật mà nói là cũng đang chuẩn bị thôi".

Báo cáo của WB cũng ước tính giá trị đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến 6,8% GDP của Việt Nam mỗi năm. Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người Việt Nam rơi vào cảnh cùng cực vào năm 2030.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nếu phải đưa ra một con số thiệt hại thì đến nay chưa có một nhà khoa học nào ở Việt Nam thực hiện công trình này. Chủ lực của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp, nhưng theo ông Tuấn tiên đoán, đến lúc nào đó Việt Nam sẽ không còn mạnh về nông nghiệp nữa do biến đổi khí hậu. Ông Tuấn cho biết thêm về những hỗ trợ cần thiết cho người nông dân :

"Người nông dân cần những hỗ trợ có thể từ chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ để họ có thể đối phó biến đổi khí hậu. Nhưng theo điều tra của tôi thì biến đổi khí hậu chỉ là một phần, cái khó nhất của người nông dân là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những nông sản mới. Cái đó đôi khi vượt qua tầm của người nông dân, những cái này đòi hỏi hỗ trợ từ chính phủ, doanh nghiệp hoặc của các nhà kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới quy hoạch tích hợp kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050... nhưng đòi hỏi đầu tư của chính phủ tương đối lớn, đầu tư đó còn thay đổi theo tuần từng giai đoạn, tùy theo tình hình thực tế vì có nhiều tố mình không thể chắc chắn trước như thị trường, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…".

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Tài chính Quốc tế khi phát biểu tại Hội nghị hôm 14/7 được truyền thông nhà nước dẫn lại cho rằng, Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải carbon ròng bằng 0 trong 30 năm tới... thì Việt Nam phải huy động một lượng lớn vốn tư nhân. Theo ông Mora, ngoài nghiên cứu, ban hành thuế carbon hoặc các quy định liên quan tới mua bán khí thải, thì Việt Nam cần ‘xanh hóa’ lĩnh vực tài chính, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trên nhiều lĩnh vực. Ông Mora cho rằng, đây sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu kép về phát triển và khí hậu.

Nếu ngân sách không thể đáp ứng, cũng như không thu hút được nguồn lực tư nhân... thì Việt cần những điều kiện gì để có thể có được số tiền này từ các tổ chức quốc tế ?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thực tế ông biết :

"Những tài trợ từ nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải có vốn đối ứng, tùy theo dự án. Ví dụ những dự án công trình đòi hỏi nhiều hơn. từ 20 đến 25%, tùy theo thỏa thuận. Còn những dự án mang tính nâng cao nhận thức người dân, hay thay đổi một số mô hình canh tác... thì thường ít hơn. Thứ hai là Việt Nam phải thỏa mãn một số điều kiện, tùy theo cộng đồng hay các nhà khoa học đưa ra. Theo tôi được biết thì có những khoản tài trợ họ ràng buộc liên quan đến các dự án giảm phát thải khí nhà kính và những chi phí này thường lại lớn hơn chi phí mà người nông dân thích ứng được".

Theo Tổ chức Công ước và Khung Hành động về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc, Việt Nam có tên trong danh sách các nước đang tăng gia sử dụng nhiệt điện than. Những nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam hiện vẫn tiếp tục sử dụng nguyên vật liệu rẻ là than để sản xuất điện cung ứng cho nhu cầu năng lượng trong nước.

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam nên chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon để giúp cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng.

Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela Ferro khi phát biểu tại Hội nghị hôm 14/7 cho rằng, để giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện cam kết phát thải carbon ròng bằng '0' vào năm 2030, Việt Nam phải hành động mạnh mẽ ở các lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp chế biến...

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu - COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021, Việt Nam cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tuyên bố này không phải là lời hứa suông.

Nguồn : RFA, 15/07/2022

Published in Việt Nam

Bất chấp những ý kiến phản đối, ngày 02/02/2022, Ủy Ban Châu Âu công nhận nguyên tử và khí đốt là năng lượng "xanh", kèm theo một số điều kiện, góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu.

nangluong1

Nhà máy điện hạt nhân ở Doel, Bỉ. Ảnh chụp ngày 01/02/2022.  Reuters – Johanna Geron

Tại cuộc họp hàng tuần vào sáng 02/02, các ủy viên Châu Âu thông qua danh sách các tiêu chí cho phép xếp loại "bền vững" các khoản đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân hoặc khí đốt để sản xuất điện. Văn bản này sẽ giúp huy động nguồn vốn tư nhân vào các hoạt động giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đạt đến mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 của Liên Hiệp Châu Âu.

Văn bản, được giới thiệu đến báo chí vào chiều cùng ngày, quy định nhiều điều kiện nghiêm ngặt đối với việc đánh giá hạt nhân và khí đốt là năng lượng "xanh", trong đó có hạn chế về thời gian, cũng như bắt buộc sử dụng những công nghệ mới nhất.

Ví dụ, để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới, các dự án phải nhận được giấy phép xây dựng trước năm 2045. Việc cải tiến giúp kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại phải được cấp phép trước năm 2040.

Liên quan đến khí đốt, Ủy Ban Châu Âu quy định mức tối đa khí thải CO2 : dưới 100 gram đối với mỗi kWh. Theo giới chuyên gia, đây là ngưỡng khó đạt được với những công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi, các nhà máy sử dụng khí đốt để sản xuất điện nhận được giấy phép xây dựng trước ngày 31/12/2030 sẽ được phép vượt ngưỡng quy định trên, lên thành 270 gram khí thải CO2 đối với mỗi kWh, với điều kiện phải thay thế những cơ sở hạ tầng gây ô nhiễm nhất.

AFP nhắc lại đây là những chủ đề gây chia rẽ 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền bất bình và gây nghi ngờ trong giới tài chính. Pháp, Ba Lan và Cộng Hòa Séc ủng hộ dự án vì Paris muốn tái khởi động ngành năng lượng hạt nhân, trong khi hai nước Trung Âu muốn thay thế các nhà máy nhiệt điện.

Một nhóm nhỏ gồm Áo, Luxembourg và Đức thì muốn loại điện hạt nhân và tập trung vào năng lượng tái tạo. Bốn nước khác, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển thì phản đối nhãn hiệu "xanh" đối với khí đốt.

Trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày 02/02, Nghị Viện Châu Âu có thể bác văn bản này chỉ cần với đa số phiếu. Về lý thuyết, Hội Đồng Châu Âu cũng có quyền phản đối với điều kiện phải được 20 nước thành viên bỏ phiếu chống.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Ngành điện than Việt Nam trước áp lực của chống biến đổi khí hậu

Trong chiều hướng thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều tập đoàn quốc tế đang phải rút ra khỏi các dự án nhà máy điện than, bị xem là gây nhiều ô nhiễm và làm gia tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính. Ngành điện than Việt Nam cũng đang gặp tình trạng như vậy.

dienthan1

Một nhà máy điện than ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 18/07/2019. Dưới áp lực của các cổ đông muốn đẩy mạnh việc chống biến đổi khí hậu, một số tập đoàn đã rút khỏi hoặc ngưng tài trợ các dự án điện than.  Reuters - Shivani Singh

Để sản xuất đủ điện nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Nhưng theo hãng tin Reuters và báo Nikkei Asia ngày 26/02, tập đoàn Nhật Mitsubishi đã quyết định rút ra khỏi dự án nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, ở tỉnh Bình Thuận, một dự án có tổng đầu tư khoảng 2 tỷ đôla, dự kiến ​​đi vào hot động năm 2024. Theo báo chí Vit Nam, lãnh đạo Cc Đin lc và Năng lượng tái to (B Công Thương) đã xác nhận thông tin nói trên. Cũng theo lãnh đạo cơ quan này, cơ cấu cổ phần Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 có 29% là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là cổ phần của OneEnergy, liên doanh giữa Mitsubishi với Tập đoàn CLP của Hồng Kông.

Áp lực của các cổ đông

Quyết định của Mitsubishi cho thấy là các công ty năng lượng và các công ty tài chính quốc tế, trong đó có các công ty của Nhật Bản, nay không còn ủng hộ mạnh mẽ các dự án điện than, dưới áp lực của các cổ đông và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Một ví dụ mới nhất : Theo hãng tin AFP ngày 11/03/2021, dưới áp lực của các cổ đông, tập đoàn ngân hàng Anh Quốc HSBC, trong đại hội cổ đông lần tới ngày 28/05, sẽ đề nghị ngừng tài trợ cho ngành công nghiệp than từ đây đến năm 2040.

Riêng Mitsubishi đã cam kết giảm đầu tư vào điện than để theo đúng các mục tiêu của quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Theo Nikkei Asia, đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi một dự án điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than nào mới sau dự án Vũng Áng 2 mà tập đoàn này có tham gia. Thay vào đó, Mitsubishi có kế hoạch góp phần phát triển các dự án năng lượng ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/03/2021, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định về quyết định của Mitshubishi :

"Theo thiết kế thì nhà máy này có công suất lên tới 2.000 MW, một đơn vị phát điện chiếm một phần khá lớn trong tổng công suất điện than của Việt Nam hiện nay. Mitsubishi rút ra khỏi dự án này. Ngoài ra còn có thông tin là những ngân hàng như Standard Chatered đang rút lại tiền tài trợ cho dự án thứ hai là Vũng Áng 2 với công suất 1.200 MW, nhưng Mitsubishi và chính phủ Nhật nói là họ vẫn ở lại dự án này.

Tại sao họ rút khỏi Vĩnh Tân 3 ? Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đó là những tập đoàn lớn và họ đã cam kết góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu, mà điện than thì phát ra khí CO2 rất nhiều. Nhiều công ty khác của các nước lớn cũng đi theo hướng ấy. Thành ra chuyện đó mình cũng đã lường trước."

Áp lực trong nước

Không chỉ bị áp lực bên ngoài, ngành điện than Việt Nam còn bị áp lực của dư luận trong nước, một phần là do các nhà máy điện than có thể gây ô nhiễm không khí, theo lời giáo sư Phạm Duy Hiển :

" Ở Việt Nam nói chung thì công chúng phản đối các nhà máy điện than, một phần vì nó làm tăng lượng khí CO2 gây biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác nó có thể gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay đã khá là nặng, nhất là ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có nhiều nhà máy điện than chạy suốt ngày đêm. Không khí ở những nơi như Hà Nội có thể bị ảnh hưởng, khiến cho dân chúng không chấp nhận điện than.

Nhưng tôi có hỏi những người bạn ở EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thì họ nói là các nhà máy điện than mới có quy trình công nghệ tương đối tốt. Thứ hai là họ luôn luôn có các sensor (bộ cảm biến) đặt ở những nơi phát thải. Những sensor đó truyền luôn các tín hiệu về Sở Tài nguyên Môi trường ở địa phương. Do đó, không có nhiều nguy cơ các nhà máy này thải ra nhiều khí, bụi."

Nhưng sức ép của dư luận trong nước ngày càng tăng. Theo tờ Lao Động ngày 04/03/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vào ngày 02/03 đã gửi đến Bộ Công Thương thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia. Các tổ chức này kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó phải có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Thư kiến nghị nhấn mạnh : "Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia."

Nhưng trước mắt, cũng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, chắc là EVN sẽ tìm những đối tác mới để làm nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, bởi vì những nhà máy đó rất lớn, không thể dừng lại được. Thật ra thì bản thân Việt Nam cũng đang đi theo hướng từ bỏ dần dần điện than để gia tăng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo :

"Theo quy hoạch điện mới, gọi Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026-2030. Còn trong giai đoạn từ 2020-2026 thì vẫn phải xây theo như kế hoạch, tổng cộng công suất của 15 dự án là 18.000 MW. 

Thêm vào đó, mình cũng không có đủ than, do đó, theo báo cáo chính thức của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập 12 triệu tấn than để sản xuất điện. Con số này đến năm 2025 sẽ tăng lên thành 30 triệu và đến năm 2030 sẽ tăng lên thành 50 triệu.

Cho nên, trước mắt, các dự án nhà máy điện than vẫn tăng về công suất so với các nguồn điện khác. Ví dụ như năm 2020, nhiệt điện than chiếm 44% tổng sản lượng điện, nhưng đến năm 2030, dù có tăng về tuyệt đối, nhưng tỷ lệ sẽ giảm xuống còn 40%. Vì sao ? Là bởi vì chúng ta đang có phương án dùng dầu và khí. Dầu và khí hiện chỉ chiếm 17% tổng công suất trong năm 2020, nhưng tới năm 2030 sẽ tăng lên 21%.

Một điểm đáng mừng thứ hai, giúp cho ta giải quyết vấn đề, đó là năng lượng tái tạo. Khả năng phát điện của các nhà máy điện dùng sức gió và mặt trời hiện nay chỉ có 5%, nhưng đến năm 2030 sẽ tăng lên 15%. Trước đây ít ai ngờ là năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời, lại chiếm phần đáng kể như thế, nhưng nhờ các chính sách của nhà nước, mà thực chất là chính sách trợ giá, cho nên các nhà đầu tư nhảy vào xây dựng rất là nhiều. Với một hệ thống điện tương đối mạnh ở Việt Nam mà năng lượng tái tạo hiện nay đã chiếm 5% và sẽ tăng lên thành 15% trong năm 2030, thì đó là một tỷ lệ rất lớn.

Như vậy là trong cơ cấu điện của Việt Nam thì các nhà hoạch định chính sách cũng đã thấy rõ và cũng có cách để làm sao mà, mặc dù điện than vẫn tăng, nhưng tỷ lệ của nó giảm đi, trong đó đặc biệt phải nói là việc nhập khí hóa lỏng hiện nay đang rất là mạnh. Tỷ lệ về khí nói chung, trong đó khí hóa lỏng là chính, hiện nay là 17%, sẽ tăng lên thành 21%, một khối lượng rất đáng kễ.

Nhưng có một vấn đề, đó là việc tiếp tục thực hiện các dự án điện than sẽ gây khó khăn cho việc tuân thủ các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra về chống biến đổi khí hậu, theo lời giáo Phạm Duy Hiển :

" Trước đây chính phủ Việt Nam cam kết mạnh về việc này là bởi vì 5 năm về trước, Việt Nam có chương trình phát triển điện hạt nhân. Mà phát triển điện hạt nhân với quy mô như hồi đó thì rõ ràng là Việt Nam có thể giải quyết cam kết của mình về khí phát thải CO2 là rất tốt. Nhưng chương trình điện hạt nhân nay đã bị hủy, cho nên Việt Nam đứng trước khó khăn : thực hiện cam kết đó như thế nào ?"

Tiết kiệm năng lượng

Thật ra thì trong chiến lược phát triển điện năng, có một hướng khác mà Việt Nam có thể làm, đó là tiết kiệm năng lượng. Giáo sư Phạm Duy Hiển nhắc lại điều mà ông vẫn nhấn mạnh từ lâu nay, đó là hiệu quả tiêu thụ điện năng của Việt Nam vẫn còn rất kém so với nhiều nước :

"Việc họ rút ra khỏi các dự án ấy (nhiệt điện than) cũng sẽ gây khó khăn, nhưng sẽ không đến mức mà mình không làm gì được. Tuy vậy, việc nhập khẩu than quá nhiều thì rất là không tốt. Nếu phát triển đất nước mà cứ dựa vào tài nguyên thiên nhiên của mình thì không ổn.

Giải pháp lâu dài nhất để giải quyết những vấn đề điện năng nói chung, mà trong đó có điện than, vẫn là quy hoạch lại nền kinh tế theo hướng không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nội địa. Thứ hai, còn rất dư địa để điều chỉnh, để thực hiện kế hoạch phát triển điện năng.

Thực chất chúng ta tiêu thụ điện hiện nay vẫn còn rất dễ dãi. Không có bất cứ nước nào mà vẫn giữ hệ số đàn hồi bằng 2. Hệ số đàn hồi là tỷ số giữa tăng trưởng điện năng trên tăng trưởng kinh tế GDP. Hệ số này ở đa số các nước là thấp hơn 1, ở Việt Nam thì cứ gần bằng 2. Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019, tăng trưởng điện năng có giảm bớt, những vẫn ở mức gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2019 trở về trước, tăng trưởng điện năng là 10%, trong khi tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ là 5 hoặc 6%".

Trong chiều hướng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để góp phần đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Việt Nam vừa nhận được sự hỗ trợ tài chính của của quốc tế. Theo thông báo của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 08/03/2021, định chế tài chính quốc tế này, thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), vừa ký hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu đôla với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. 

Theo lời bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, "thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc : đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp". 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 15/03/2021

Published in Diễn đàn

Chống biến đổi khí hậu : Mấu chốt là tiền

Thời sự trong nước là chủ đề hàng đầu của nhiều báo Pháp số ra ngày mùng 2 tháng Giêng 2019.

climat1

Khoảng 10 nghìn người tuần hành tại Paris kêu gọi quyết liệt chống biến đổi khí hậu, ngày 12/12/2015. Khẩu hiệu của cuộc tuần hành : "Công lý, Khí hậu, Hòa bình" - Photo : Coalition Climat 21

Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu tổng thống Macron có dẫn dắt thành công các cải cách trong năm 2019 ?". Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Thuế : 2018 năm của những thay đổi lớn". La Croix chú ý đến hiện tượng mới người di cư vượt biển từ Pháp qua Anh trên những chiếc thuyền mong manh. Libération dành gần như trọn số báo đầu năm mới cho cuộc chiến vì môi trường, với tựa đề trang nhất : "Gây ô nhiễm ít hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Các giải pháp của Libé".

Hồ sơ "Sinh thái và xã hội, sự phối hợp của hai cuộc chiến" của Libération nhấn mạnh là cuộc chiến vì chuyển đổi sang kinh tế sinh thái và cuộc chiến vì công bằng xã hội hoàn toàn không đối lập nhau. Bởi những nhóm xã hội nghèo khó nhất cũng chính là các nhóm chịu các tổn thất lớn nhất, do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, các giống loài sinh vật bị tiêu diệt.

Libération nêu bật bốn biện pháp cho phép vừa giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa tiết kiệm được ngân sách. Đó là cải tạo lại nhà ở để tiết kiệm năng lượng hơn, nguyên tắc ai gây ô nhiễm người ấy trả tiền, với mục tiêu nhắm vào các ngành công nghiệp phát thải chính, cũng như các phương tiện giao thông phát thải chính, như hàng không, hàng hải. Thứ ba là cải tiến phương thức đi lại sao cho tiết kiệm năng lượng hơn và thứ tư là thay đổi cách ăn uống, ưu tiên các thực phẩm ít gây khí thải và tổn hại cho sức khỏe hơn. Libération cũng dành nhiều bài cho chủ đề làm sao để con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Gắn bó với thiên nhiên cần được coi là hậu thuẫn số một cho cuộc chiến vì sinh thái. Nhật báo Pháp có bài phỏng vấn nhà sinh học Emmanuelle Pouydebat. Bà kêu gọi đừng thờ ơ với thế giới sinh vật muôn màu muôn vẻ, bởi vì nhiều loại sinh vật có những khả năng hơn hẳn con người, có những bài học thú vị, những giải pháp mà con người có thể học hỏi. Từ loài sứa méducula kích thước 5 mm có khả năng cải lão hoàn đồng, đến nhiều loại kiến và chim có khả năng định vị tuyệt vời trong không gian, nhiều loài thú có khả năng tìm được những nguồn thuốc chữa bệnh cho mình… Bên cạnh đó là những năng lực mang tính bản năng mà con người vốn có, với tư cách động vật, nhưng đã và đang mất đi với đời sống công nghiệp, hiện đại hóa.

Đặc biệt đáng chú ý trong loạt bài của Libération hôm nay là cuộc phỏng vấn nhà kinh tế Pierre Larrouturou, mang tựa đề "Cứu khí hậu : Cuộc chiến duy nhất không gây tổn thất nhân mạng".

Các tổn thất khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra là điều mà ngày càng nhiều người nhận thức được. Không có tháng nào mà không có các trận khô hạn, cháy rừng, mưa lũ, hay các hiện tượng khí hậu bất thường khác – do Trái đất bị hâm nóng - làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Từ Nhật Bản, đến Châu Âu, Hoa Kỳ hay Châu Phi. Riêng tại nước Pháp, đợt lũ lụt hè 2018 gây thiệt hại 31% sản lượng lúa mì. Tại Châu Phi, thu hoạch nông nghiệp sụt giảm từ 35% đến 60% tùy theo từng vùng, trong lúc dân cư lục địa này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến 2050. Nếu không có các nỗ lực đáng kể, xu thế Trái đất nóng lên ít nhất từ 2 đến 3°C trong vài chục năm tới là điều chắc chắn. Thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn.

Lấy đâu ra 1.000 tỉ euro ?

Theo nhà kinh tế Pháp, cũng giống như trong mọi cuộc chiến khác, vấn đề chủ chốt hiện nay là "tiền". Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần phải tăng gấp 3 lần chi phí so với hiện nay mới đủ. Riêng tại Châu Âu, chi phí cần thiết cho khí hậu là 1.000 tỉ đô la hàng năm. Lấy đâu ra số tiền khổng lồ này ?

Kinh tế gia Pierre Larrouturou nhấn mạnh là việc huy động số tiền này là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Liên Hiệp Châu Âu. Năm 2008, để tránh cho hệ thống ngân hàng sụp đổ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã tung ra 1.000 tỉ euro. Cách đây 3 năm, để kích thích tăng trưởng Liên Âu đã rót 2.500 tỉ. Do vậy, không có lý do gì mà hiện nay Châu Âu không huy động được một số tiền tương đương. Một ví dụ cụ thể là, năm 1989, trong bối cảnh cần đầu tư khẩn cấp để giúp các nước khối Liên Xô cũ, Đức và Pháp đã quyết định lập ra một ngân hàng riêng dành để giúp các quốc gia này thành công giai đoạn quá độ.

Ngân hàng Châu Âu về khí hậu có thể là một chi nhánh của Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI), để có thể được hưởng các điều kiện cho vay ưu đãi. Ngân hàng này có thể nhận được nhiều đầu tư, bởi BEI có hệ số tín nhiệm AAA. Đến lượt mình, Ngân hàng sẽ cho vay các dự án khí hậu vay với lãi suất 0%. Bên cạnh Ngân hàng chung của Liên Âu về khí hậu, theo kinh tế gia Pierre Larrouturou, mỗi quốc gia cần dành 2% GDB cho cuộc chiến vì khí hậu. Như vậy, Đức sẽ có thể đầu tư 65 tỉ euro cho khí hậu, Pháp 45 tỉ, Tây Ban Nha 25 tỉ… Bên cạnh Ngân hàng về khí hậu Liên Âu, đầu tư của mỗi nước, tác giả đề nghị lập ngân sách chung về khí hậu của Liên Âu.

Về nguồn lực huy động cho ngân sách khí hậu của các quốc thành viên, và của Châu Âu, tác giả đề nghị tấn công vào nạn lậu thuế kinh doanh. Theo kinh tế gia Pháp, tỉ lệ tiền thuế trung bình đánh vào lợi nhuận ở Châu Âu đã sụt giảm mạnh trong những thập niên gần đây, từ 40% còn 19% hiện nay. Trong lúc, tại Hoa Kỳ, từ thời Roosevelt đến trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, tỉ lệ này luôn ổn định ở mức 38%. Nếu Liên Âu lập ra được một sắc thuế của khối đánh vào lợi nhuận của các cổ đông, với mức 5%, hàng năm Châu Âu sẽ có thêm 100 tỉ cho khí hậu. Đầu tư mạnh mẽ cho cuộc chiến khí hậu cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở Châu Âu, riêng tại Pháp là khoảng một triệu, theo cơ quan Môi trường và Quản lý Năng lượng Pháp.

"Hổ Việt Nam" dẫn đầu Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất từ hơn 10 năm nay : "Hổ Việt Nam" trỗi dậy mạnh mẽ. Trên đây là nhận định của Le Figaro. Nhật báo Pháp lược lại các thỏa thuận mậu dịch tự do khu vực, quốc tế, và song phương mới đây, đã giúp kinh tế Việt Nam cất cánh.

Hiệu ứng tổng hợp của các thỏa thuận là hàng rào thuế quan hạ thấp đáng kể, bên cạnh đó là các nỗ lực cải cách giảm nạn quan liêu, tư bản Nhà nước và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất tại Châu Á. Sự vọt lên của Việt Nam kinh tế khởi sự từ ngành dệt may, nay là ngành xe hơi, điện tử bắt đầu thu hút các tập đoàn lớn của thế giới. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68 thế giới về năng lực cạnh tranh so với hạng 104 năm 2006 (xếp hạng của "Doing business" của Ngân hàng Thế giới).

Trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trái ngược với nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước được hưởng lợi.

Tuy nhiên đằng sau bức tranh sáng sủa này là mặt tối. Điểm yếu của Việt Nam, theo công ty bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp), là sự tương phản giữa khu vực kinh tế tư nhân năng động và các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước ngập trong nợ. Nợ công của Việt Nam chiếm gần 60% GDP, trong khi đây là một quốc gia có thu nhập trung bình. Tỉ lệ nợ xấu cao đe dọa lĩnh vực ngân hàng. Một số tệ nạn khác đe dọa Việt Nam là tham nhũng hoành hành trong các doanh nghiệp Nhà nước, và tiến độ tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm.

"Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga"

Nhật báo kinh doanh nổi tiếng tại Nga "Vedomosti" vinh danh Pavel Dourov là nhân vật của năm 2018. Báo La Croix có bài "Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga". Vậy Pavel Dourov là ai ?

Doanh nhân 34 tuổi này là người sáng lập mạng nhắn tin Telegram, được sử dụng trên toàn thế giới, là nơi người Nga có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do, mà không sợ chính quyền can thiệp. Người sáng lập Telegram từ chối đòi hỏi của cơ quan an ninh Nga, cung cấp mã khóa để truy cập tài khoản của những người sử dụng. Một tòa án Nga đã quyết định phong tỏa Telegram tại Nga. Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, mạng xã hội này vẫn hoạt động bình thường.

Do tính bảo mật cao của Telegram, tại Nga, có nhiều quan chức trong chính quyền sử dụng mạng này, trong số 100.000 khách hàng. Telegram đặc biệt bảo vệ danh tính của những người cung cấp các nguồn tin cảnh báo, hay các tố cáo về những vấn đề nhạy cảm. Một số bộ trong chính quyền Nga thậm chí cũng sử dụng dịch vụ của Telegram để gửi thông tin đến các nhà báo.

Ông Pavel Dourov hiện sống lưu vong, sau khi chính quyền Nga tước quyền sở hữu của ông đối với mạng xã hội VKontakte, được coi là một mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga, được coi là một Facebook của thế giới nói tiếng Nga.

Châu Âu quyết nã thuế các tập đoàn đa quốc gia

Ủy Ban Châu Âu ước tính mỗi năm Châu lục thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỉ đô la do việc các công ty đa quốc gia trốn thuế. Ngay từ ngày đầu năm mới 2019, Bruxelles coi đây là mục tiêu hàng đầu. Ủy Ban Châu Âu chỉ đích danh các tập đoàn đa quốc gia là thủ phạm chính gây thiệt hại cho Liên Âu. Ủy viên kinh tế, tài chính và thuế của Liên Âu, ông Pierre Moscovici, tuyên bố : "…nhiều biện pháp mới sẽ đánh dấu một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại những ai mưu đồ khai thác những khiếm khuyết của các hệ thống thuế của các quốc gia thành viên".

Một trong các biện pháp chính của Liên Âu là ngăn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận, không chịu thuế, sang các nước có mức thuế thấp, và nơi mà các tập đoàn này không có bất cứ một hoạt động kinh tế thực sự nào. Biện pháp này đã được thúc đẩy sau hàng loạt bê bối tài chính liên quan đến các "thiên đường thuế", như Luxleaks, Panama Papers, Paradise Papers… Vào đầu năm tới 2020, Liên Âu dự kiến sẽ đưa ra các quy định ngăn cản các doanh nghiệp đa quốc gia khai thác sự khác biệt giữa các hệ thống tài chính giữa hai nước thành viên Liên Âu, để trốn thuế.

Tổng thống Pháp cổ vũ cho việc "chia sẻ sự thật"

Giao thừa 2019, tổng thống Pháp có bài diễn văn chúc Tết gửi đến người Pháp, với ba từ chủ chốt : Sự thật, phẩm giá và hy vọng. La Croix đặc biệt chú ý đến từ đầu tiên : "Sự thật".

Xã luận La Croix với tựa đề "Chia sẻ sự thật" nhấn mạnh là trong phát biểu của tổng thống Pháp, từ "sự thật" là từ gây bất ngờ nhất. Trước hết "sự thật" là một từ gây bất ổn do tính cách đòi hỏi của từ này. Người sử dụng từ sự thật dễ dàng bị nghi ngờ là "không có lòng khoan dung". Tuy nhiên, nhật báo công giáo nhấn mạnh là việc tìm kiếm sự thật là một nhu cầu thực sự của xã hội, và một nhân tố cần thiết cho đoàn kết dân tộc. Đây chính là "một động lực cho phép vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và tinh thần hiện nay ở nước ta". Cuộc khủng hoảng tuy La Croix không nói ra, nhưng mọi người đều biết là liên quan đến phong trào Áo Vàng trỗi dậy từ hơn một tháng rưỡi nay.

La Croix cũng lưu ý thêm là "mệnh lệnh của sự thật" còn có một đức hạnh khác, lớn hơn nữa. Đó là bắt buộc chúng ta phải đối chiếu các quan điểm riêng, phần sự thật riêng của mỗi người để đi đến một sự thật lớn hơn, sự thật cho phép chúng ta đoàn kết. Bởi trong sâu thẳm của khát vọng truy cầu sự thật ấy là "khả năng lắng nghe, đối thoại và sự khiêm nhường» như phát biểu của tổng thống Macron. La Croix nhìn thấy trong phát biểu này thái độ tự phê bình của người đứng đầu nước Pháp.

Vượt biển từ Pháp qua Anh bằng phương tiện thô sơ

Vượt biên qua eo biển Manche, rộng khoảng 30 km, từ Pháp sang Anh bằng các phương tiện thô sơ là hiện tượng ngày càng phổ biến trong những tuần cuối năm 2018. La Croix có bài phóng sự "Người di cư, những chiếc thuyền con trên eo biển Manche".

Bài phóng sự trang nhất của La Croix cho biết : chỉ riêng trong hai tuần lễ, từ 13 đến 27/12, chính quyền Pháp đã phát hiện được 57 người, bao gồm nhiều trẻ em, đang tìm đường vượt sang Anh. Đa số là người Iran. Dĩ nhiên, so với nạn vượt biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi sang Châu Âu, thì tình hình tại đây không thấm gì, nhưng mức độ người liều mình vượt biển Manche như hiện nay là hoàn toàn mới. Một trong những lý do khiến di dân mạo hiểm vượt biển là do đường qua ngả Pas-de-Calais (phía bắc nước Pháp) bị quản lý rất chặt.

Hiện tại, ở Pas-de-Calais vẫn còn khoảng 400, 500 người tìm đường di cư sang Anh, so với khoảng 10.000 người cách nay hai năm. Tại chỗ, chính quyền tiếp tục phân phối thực phẩm và duy trì các điều kiện tối thiểu trong đời sống hàng ngày cho người di cư ở Pas-de-Calais. Nhưng một số tổ chức bảo vệ nhân quyền lo ngại cho đời sống của họ, trong bối cảnh chính quyền chưa có các biện pháp về dài hạn.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Thượng đỉnh khí hậu Paris : 12 cam kết vì hành tinh xanh (RFI, 13/12/2017)

Giảm nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích năng lượng tái tạo. Đó là nội dung 12 cam kết cụ thể của những công ty, ngân hàng, nhà tài trợ tham dự thượng đỉnh "Vì một hành tinh" ngày 12/12/2017 tại Paris để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong hiệp định COP 21. Huy động tài chính tư nhân và quỹ đầu tư nhà nước là mục tiêu mà thượng đỉnh Paris nhắm tới.

paris1

Tổng thống Macron chụp với trẻ em sau khi phát biểu kết thúc thượng đỉnh khí hậu Paris ngày 12/12/2017. Reuters

Để chiến lược "chuyển đổi năng lượng" thành công, phải cần đến 3.500 tỷ đô la hàng năm, trong vòng 30 năm, cho đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tuy kết quả thượng đỉnh "Vì một hành tinh» còn khiêm tốn, nhưng 12 cam kết của các tác nhân tham dự được giới bảo vệ môi trường xem là rất khích lệ, vì đã đánh tan được não trạng thụ động.

Những thông báo mang ý nghĩa lớn nhất đến từ các định chế tài chính như Ngân Hàng Thế Giới, nhân hàng tư nhân, quỹ đầu tư nhà nước. World Bank thông báo kể từ 2019 sẽ ngưng tài trợ đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, sẽ báo cáo hàng năm số lượng khí thải làm tăng nhiệt độ khí quyển. Biện pháp thứ hai là dành 4,5 tỷ đôla trong vòng ba năm để giúp 150 thành phố chống biến đổi khí hậu và thu hút vốn đầu tư

Công ty bảo hiểm Axa thông báo ngưng bảo hiểm cho các xí nghiệp khai thác than đá. Nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates hứa đóng góp 350 triệu đôla để nghiên cứu nông nghiệp, giúp nông dân nghèo, đặc biệt là ở Châu Phi, thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu. Cơ quan Phát triển Pháp AFD chọn bốn quốc gia bị đe dọa là đảo Maurice, Comores ở Ấn độ Dương, Tunisia và Niger ở Châu Phi, để trợ giúp đối phó với nạn xâm thực (biển hay sa mạc).

Ngoài quyết định bỏ nhiên liệu gây ô nhiễm, các định chế tài chính nhà nước và tư nhân còn dành ngân khoản quan trọng để giúp các đảo quốc bảo vệ bờ biển hay các nước nhiệt đới bảo vệ nguồn nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, cho rằng thượng đỉnh Paris đã giúp lấy lại phần nào thời gian chậm trễ trong cuộc chiến bảo vệ địa cầu. Ông thông báo thành lập diễn đàn "One Planet" trên mạng để thu nhận mọi sáng kiến và hy vọng thượng đỉnh "Vì một hành tinh" sẽ diễn ra mỗi năm.

Một chi tiết đáng được ghi nhận là phát biểu của diễn viên, cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger khi trả lời một học sinh Pháp là liệu có thể lật ngược tình trạng hâm nóng địa cầu hay không ? "Terminator" dứt khoát là "được". Ông nói : " Muốn là được, các em hãy nhìn tấm gương thành công của tôi, của một thanh niên gốc Áo, ở Hollywood cũng như trên chính trường Mỹ".

Tú Anh

*******************

Bắc Cực ấm lên nhanh chóng : Một "điều bình thường mới" (RFI, 13/12/2017)

Đúng vào lúc mở ra hội nghị thượng đỉnh One Planet Summit tại Paris, ngày 12/12/2017, Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ (NOAA) đã công bố phúc trình thường niên, với một lời cảnh báo về tốc độ tăng nhiệt độ nhanh chóng tại Bắc Cực. Theo bản báo cáo, đó là một hiện tượng đã trở thành một "điều bình thường mới", và băng tan sẽ gây ra những biến đổi môi trường tác động đến toàn địa cầu.

paris2

Một con gầu Bắc Cực tại quần đảo Svalbard, Bắc Băng Dương. Getty Images/E+/Dag SjAstrand

Bản báo cáo thường niên thẩm định rằng Bắc Cực đang trải qua một "giai đoạn chuyển đổi chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại", với nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực còn lại của hành tinh, làm cho mực nước biển dâng cao nhanh chóng, và khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (như hạn hán, ngập lụt hay bão tố) diễn ra thường xuyên hơn.

Bản báo cáo mang tựa đề The Arctic Report Card ghi nhận là vào năm ngoái 2016, diện tích biển Bắc Cực mà băng bao phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong lúc nhiệt độ tại đấy tăng lên mức cao thứ hai trong thời kỳ hiện đại.

Đối với 85 nhà khoa học tại 12 nước tham gia vào bản báo cáo của Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ, điều đáng ngại là không có dấu hiệu nào cho thấy là tình trạng kể trên sẽ giảm bớt, khí hậu tại miền cực bắc địa cầu sẽ trở về thời kỳ băng giá hoàn toàn như nhiều thập kỷ trước, và có thể nói là hệ môi trường tại Bắc Cực đã đạt đến ngưỡng "bình thường mới".

Theo ông Jeremy Mathis, giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Bắc Cực của NOAA, đồng tác giả bản báo cáo, hệ quả của việc Bắc Cực tiếp tục ấm lên rất đáng ngại, vì những gì xẩy ra ở Bắc Cực không chỉ đóng khuôn trong khu vực đó, mà sẽ tác động đến đời sống con người ở mọi nơi trên Trái Đất.

Chuyên gia này giải thích là con người "sẽ phải sống chung với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, chí phí đắt hơn cho lương thực, thực phẩm, và phải xử lý tác động của việc số người tị nạn vì khí hậu gia tăng". Theo ông, những đợt giá lạnh bất thường, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại miền Tây nước Mỹ và những cơn bão ở vùng duyên hải Vịnh Mexico có thể đã bắt nguồn từ tình trạng tan băng ở Bắc Cực.

Đây là lần thứ 12 mà bản báo cáo về Bắc Cực được cơ quan NOOAA công bố, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, và mô tả tình trạng trái đất bị hâm nóng như là một "trò lừa bịp" của Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

******************

Biến đổi khí hậu : Nước Mỹ không đầu hàng dù Trump đã rút lui (RFI, 13/12/2017)

Dù tổng thống Trump đã quay lưng lại với thỏa thuận khí hậu Paris, cựu ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, nguyên thị trưởng thành phố New York, nhà tỷ phú Mike Bloomberg, thống đốc bang California, Jerry Brown… tại thượng đỉnh One Planet Summit đã thể hiện một cái nhìn khác của nước Mỹ về chống biến đồi khí hậu.

paris3

Tổng thống Pháp Macron đón tiếp ông Michael Bloomberg tại điện Elysée trước khi đến thượng đỉnh One Planet Summit ngày 12/12/2017. Reuters

Cựu thị trưởng của trung tâm tài chính Hoa Kỳ New York, ông Mike Bloomberg là người khởi xướng phong trào "America's Pledge" để nổ lực thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Tại thượng đỉnh One Planet Summit ngày 12/12/2017, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ "rất muốn giảm rủi ro về khí hậu, vì chính họ là những nạn nhân của hiện tượng đó. Sẽ không ai nghe theo những lời khuyên của chính quyền Trump, nếu như họ biết được là hiện tượng này có những tác động tai hại tới mức nào"

Nhà tỷ phú Bloomberg, chủ nhân hãng tin kinh tế mang tên ông, thông báo là tại Mỹ có tới 237 doanh nghiệp, kiểm soát tổng số vốn 6.300 tỷ đô la, đã cam kết thành động vì môi trường, đầu tư vào những lĩnh vực ít làm tổn hại tới thiên nhiên. Ông đã không quên chỉ trích tổng thống Trump, một tên tuổi khác trong câu lạc bộ các nhà tỷ phú New York. Theo ông, việc Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Paris càng khiến người Mỹ năng động hơn, quan tâm hơn tới môi trường.

Một giờ sau tuyên bố của Mike Bloomberg, đến lượt cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố đầu tư vào môi trường rất "tốt cho túi tiền của các doanh nhân". Phát biểu về vai trò của các thành phố và chính quyền địa phương trong nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, thống đốc bang California, Jerry Brown mở đầu bài phát biểu bằng tiếng báo động "khi hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy tại tiểu bang giàu có nhất của Hoa Kỳ, đừng ai nghĩ rằng thời tiết bị đảo lộn chỉ tác hại tới người nghèo, và nước Mỹ thì vẫn được bình yên".

Về phần ông vua tin học Bill Gates thì thông báo nâng khoản đóng góp từ 300 triệu lên thành 500 triệu đô la cho chương trình nghiên cứu về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Châu Âu muốn cùng Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực khí hậu (RFI, 02/06/2017)

Hồ sơ khí hậu với việc tổng thống Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận COP 21 Paris là một trong những chủ đề chính tại thượng đỉnh Châu Âu-Trung Quốc, khai mạc hôm 02/06/2017 tại Bruxelles.

cop1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) tại hội nghị thượng đỉnh song phương Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 1/06/2017. REUTERS/Virginia Mayo/Pool

Phát biểu khai mạc hội nghị, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, được AFP trích dẫn, đã khẳng định là không có chuyện thay đổi thụt lùi các cam kết trong thỏa thuận Paris, về tiến trình chuyển đổi sử dụng năng lượng. Về phần mình, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh luôn luôn "bảo vệ các quy định đa phương".

Không chỉ các quốc gia mà ngay cả các định chế Châu Âu cũng chỉ trích gay gắt quyết định của tổng thống Mỹ.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :

"Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên sự đồng thuận bên trong các định chế Châu Âu, và đã giúp cho cánh tả, cánh hữu và phe môi sinh đạt đồng thuận trong việc chỉ trích ông.

Ví dụ, phe bảo thủ thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump là vô trách nhiệm và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến uy tín quốc tế của Hoa Kỳ. Về phần mình, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker coi quyết định này là một sai lầm nghiêm trọng.

Phe môi sinh dự tính đến việc đưa ra các trừng phạt về các-bon trong việc nhập khẩu sản phẩm Mỹ vào Châu Âu, bởi vì Donald Trump bắt đầu tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại bằng cách muốn tận dụng các lợi thế trước mắt để tiếp tục sử dụng thoải mái các nhiên liệu hóa thạch.

Trong mọi trường hợp, tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều bày tỏ tham vọng tiếp tục áp dụng đầy đủ thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu muốn đi tiên phong và chuẩn bị cùng với Trung Quốc nhân hội nghị thượng đỉnh song phương đang diễn ra, tiến hành một chiến dịch vận động trong lĩnh vực khí hậu. Hai bên có thể ra tuyên bố chung kêu gọi đẩy nhanh việc áp dụng thỏa thuận khí hậu Paris".

RFI tiếng Việt

********************

Việt Nam có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris ? (BBC, 02/06/2017)

Thảo luận Facebook Live về sự kiện Donald Trump bỏ Thỏa thuận Paris.

cop2

Đê ngăn nước mặn ngập vào đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long

"Tôi có thể hình dung một số quốc gia đang rất phấn khởi - coi đây như một cơ hội tốt để bắt đầu khởi động vươn ra thế giới," Mark Howden, Giám đốc Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu tại trường đại học quốc gia Australia, nói với CNBC hôm 2/6.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu tạo cơ hội cho các quốc gia khác "trám vào lỗ hổng quyền lực Mỹ để lại sau khi rút ra khỏi những thỏa thuận như thế này", ông Howden nói thêm.

Còn ông Frank Yu từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng các công ty Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo sang Châu Á.

Ông Yu, chuyên gia về năng lượng tại Châu Á Thái Bình Dương, được Reuters trích lời nói thêm rằng, điều này sẽ giúp đỡ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, vốn đang cần vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu năng lượng sạch.

"Bằng cách chuyển các dòng sản xuất năng lượng sang Trung Quốc và các nước Châu Á, giá thành của năng lượng sạch sẽ giảm nhanh và thậm nhập sâu hơn để thay thế nhiên liệu hóa thạch 'bẩn' như than trong thị trường Châu Á," ông Yu nói thêm.

Hiện tại, các nước trong Châu Á vẫn tiến hành phát triển nguồn năng lượng nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo báo cáo năm 2015 của Greenpeace, có hơn 1000 nhà máy điện đốt than lên quy hoạch ở Châu Á không kể Trung Quốc và Ấn Độ.

cop3

Các quốc gia Châu Á vẫn đang tiến hành phát triển nhiệt điện than

Ông Tara Buakamsri, Giám đốc văn phòng Greenpeace tại Thái Lan cho biết ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thoả thuận Paris sẽ phức tạp hơn so với những gì các chuyên gia trên nhận định.

Thứ nhất, ông nói. việc Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu và công khai ủng hộ ngàng công nghiệp than sẽ tạo ra một tác động tuy ngắn hạn nhưng rất tốt đến ngành công nghiệp than không chỉ trong Hoa Kỳ mà trên thế giới, vì các ngành công nghiệp than có thể đầu tư vào các nước ở Châu Á.

Thứ hai, hiện tại ngành công nghiệp năng lượng sạch rất phát triển rộng khắp trên thế giới. Trong khu vực Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn, giá thành vật liệu sản xuất năng lượng mặt trời tại Ấn Độ rất rẻ. Nếu các công ty Hoa Kỳ có muốn đầu tư ở Châu Á, họ sẽ phải cạnh tranh với hai 'ông lớn' này.

cop4

Việt Nam sẽ cho một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng

Việt Nam đứng thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia vì số lượng người chết sớm vì hấp thụ lâu dài các hạt phân tử PM 2,5 phát tán từ nhà máy nhiệt điện than.

Hồi đầu năm 2017, Bộ Công Thương Việt Nam ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.

Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.

Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông nước này.

******************

Tổng thống Pháp Macron lên tuyến đầu chống biến đổi khí hậu (RFI, 02/06/2017)

cop5

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trên kênh truyền hình LCI, phát biểu từ điện Élysée, Paris, sau thông báo của ông Donald Trump rút khỏi COP 21. REUTERS/John Schults

Vì tương lai trái đất, tân tổng thống Pháp đã đột phá tập quán giao tế của điện Élysée. Trong thông điệp truyền hình gửi đến dân chúng Mỹ bằng Anh Ngữ, tổng thống Emmanuel Macron nhái lại khẩu hiệu của chủ nhân Nhà Trắng "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" để kêu gọi người Mỹ "Hãy làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại".

Hai giờ sau khi Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí hậu COP 21, tổng thống Pháp trực tiếp lên truyền hình tố cáo tổng thống Mỹ đưa quốc gia vào chổ "sai lầm" và "phạm lỗi với tương lai của hành tinh".

Tổng thống Macron cho biết đã gọi điện "trao đổi thẳng thắn" với chủ nhân Nhà Trắng. Khi đề cập đến "đàm phán lại", chủ nhân Nhà Trắng bị đồng nhiệm trẻ tuối của Pháp trả lời "no" một cách dứt khoát : không có gì phải thương lượng lại trong Hiệp Định Paris.

Không dừng lại ở đây, tổng thống Pháp kêu gọi chất xám của Mỹ không có đất dụng võ hãy sang Pháp làm việc : kỹ sư, khoa học gia, doanh nghiệp, công dân Mỹ thất vọng Donald Trump hãy chọn Pháp làm quê hương thứ hai, cùng tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho khí hậu.

Bản thân tổng thống Macron, mới đây tại G7, còn tin vào thiện chí và lý trí của tổng thống Donald Trump trên hồ sơ môi trường. Trái lại, thủ tướng Đức Angela Merkel không dấu thất vọng đối với tổng thống tỷ phú địa ốc.

Sáng hôm nay 02/06/2017, tổng thống Pháp tiếp Bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot và tuần sau sẽ tham khảo toàn Bộ nội các để phát họa kế hoạch tiếp đón chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài cùng chí hướng sang Pháp làm việc.

Tú Anh

*********************

Quốc tế chỉ trích tổng thống Mỹ bỏ Hiệp Định Khí Hậu (RFI, 02/06/2017)

cop6

Biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Berlin, Đức, phản đối Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu COP 21 Paris, ngày 01/06/2017. REUTERS/Fabrizio Bensch

Sau một thời gian bắt thế giới chờ đợi, ngày thứ năm 01/06/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris COP21. Quyết định này, nhân danh "quyền lợi nước Mỹ trên hết" gây ra một làn sóng chỉ trích trên khắp địa cầu.

Theo chủ nhân Nhà Trắng, Hiệp Định Paris vừa vi phạm chủ quyền vừa là một "gánh nặng tài chính" cho dân Mỹ. Diễn văn của Donald Trump, với nhiều đoạn mơ hồ lẫn lộn, không đề cập đến thực chất hiệu ứng nhà kính đe dọa tồn vong của nhân loại.

Ông chỉ nói đến tiền, đòi thương thuyết lại sao cho có lợi cho Mỹ gây phẫn nộ trong 190 nước thành viên COP21. Ngay tức khắc, cộng đồng quốc tế cũng như công luận Mỹ quan tâm đến môi trường đã lên tiếng chỉ trích Donald Trump.

Từ Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện thoại nhắn nhủ một cách thách thức chủ nhân Nhà Trắng : không có chuyện thương thuyết lại Hiệp Định Paris. Pháp và Mỹ tiếp tục hợp tác, trừ vấn đề khí hậu. Đó cũng là quan điểm của Berlin, Paris và Roma trong một bản tuyên bố chung.

Theo AFP, từ nay, Hoa Kỳ của Donald Trump bị cô đơn. Liên Hiệp Châu Âu, qua tuyên bố của ủy viên hành động vì khí hậu Miguel Arias Canete, sẵn sàng đóng vai trò "chủ đạo". Trung Quốc cũng cho biết "gắn bó với thành quả đạt được tại Paris và sẽ có biện pháp cụ thể để thực thi hiệp định".

Donald Trump cũng bị công luận Mỹ lên án

Quyết định rút bỏ Hiệp Định Khí Hậu gây thất vọng ngay trong nước Mỹ. Từ người tiền nhiệm cho đến tác nhân kinh tế đều chỉ trích Donald Trump.

Cay đắng, cựu tổng thống Barack Obama lấy làm tiếc là nước Mỹ thụt lùi thay vì đi tiên phong. Tuy nhiên, ông tin rằng, cho dù Donald Trump đã làm Hoa Kỳ mất vai trò lãnh đạo, đánh mất tương lai, thì các tiểu bang, các thành phố và giới doanh nghiệp sẽ nỗ lực hơn để bảo vệ các thế hệ mai sau.

Cũng trong chiều hướng này, lãnh đạo tập đoàn General Electric, Jeff Immelt kêu gọi giới công kỹ nghệ hãy làm gương sáng, tỏ ra độc lập với chính phủ, nhìn nhận biến đổi khí hậu là một thực tế.

Elon Musk, chủ tịch tổng giám đốc công ty xe hơi điện Tesla và cũng là người bảo vệ triệt để năng lượng tái tạo tuyên bố rút lui khỏi các nhóm đại gia cố vấn cho Donald Trump. Bob Iger, chủ tịch tổng giám đốc Disney cũng bỏ ông Trump.

Lloyd Blankfein, chủ tịch tổng giám đốc ngân hàng Goldman Sachs trách tổng thống làm nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới.

Tú Anh

*******************

Donald Trump bỏ hiệp định khí hậu : Trong rủi có may (RFI, 02/06/2017)

cop7

Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu COP 21. Ảnh tại Nhà Trắng ngày 1/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu, gây phản ứng bất bình trên khắp thế giới kể cả tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và giới ngoại giao lại cho rằng trong cái rủi có cái may : việc thực thi hiệp định COP 21 sẽ không bị cản trở từ bên trong.

Có một thành viên thế lực như Mỹ luôn tìm cách cản trở tiến trình thực thi hiệp định Paris về khí hậu trong khuôn khổ hội nghị COP hàng năm là nỗi lo của giới chuyên gia.

"Để Donald Trump đứng ngoài vẫn tốt hơn là đứng bên trong làm trì trệ hiệp định". "Đứng bên trong hiệp định Hoa Kỳ có thể gây nhiều tác hại hơn là nếu đứng bên ngoài". Mohamed Adow, chuyên gia khí hậu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid và Luke Kemp, tác giả bài phân tích "Thà ở bên ngoài hơn là bên trong" trên tạp chí khoa học The Nature, tuần trước không phải là những tiếng nói đơn độc chào mừng quyết định của Donald Trump.

Mầm hy vọng

Quan điểm "Tái ông thất mã", thiếu Hoa Kỳ biết đâu lại là chuyện tốt cho nhân loại, đang được lan rộng trong giới khoa học và ngoại giao.

Anden Meyer, chuyên gia theo dõi đàm phán khí hậu từ 20 năm qua dự đoán : Washington muốn nói gì thì nói, chẳng có nước nào ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Từ khi hiệp định COP21 được long trọng ký kết tại Paris vào năm 2015, còn nhiều nguyên tắc thực thi đang được thương thảo đặc biệt là bản tổng kết đầu tiên về "nỗ lực chung" làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018.

Cũng quan trọng không kém là công khai hóa chính sách khí hậu của "từng thành viên" mà mục tiêu là giữ cho nhiệt độ khí quyển, từ nay đến cuối thế kỷ chỉ được tăng dưới 2°C, hầu tránh đại họa diệt vong, thiên tai, lũ lụt.

Hiệp định COP21 là kết quả của hơn 20 năm đàm phán gay go, và thỏa hiệp, tính từ hiệp định khung đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về trái đất được 160 quốc gia ký kết tại Rio (Brazil) năm 1992, rồi đến Nghị định thư Kyoto 1997, giảm khí thải làm nóng bầu khí quyển.

Donald Trump cho là hiệp định COP 21 gây nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ và cần phải thương thuyết lại. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc trên bảng xếp hạng các quốc gia gây ô nhiểm nhất địa cầu.

Không có Mỹ góp phần, liệu mục tiêu chung có thể đạt được hay không ? Theo bà Laurence Tubiana, nguyên là trưởng đoàn thương thuyết của Pháp, yêu sách của tổng thống Mỹ sẽ làm cho tình thế nghiêm trọng hơn. Kinh tế Mỹ sẽ chậm chuyển đổi trong khi nhân loại không còn đủ thời gian để hành động.

Tuy nhiên, Thoriq Ibrahim, Bộ trưởng Bộ môi trường đảo Maldives và cũng là phát ngôn viên của các tiểu quốc đảo đang bị nước biển đe dọa xóa tên lại nhẹ nhõm. Ông cho rằng sự kiện Hoa Kỳ rút chân là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm "đối đầu với thử thách" diệt vong.

Bằng chứng là tin Donald Trump đắc cử tổng thống rơi vào thời điểm Thượng đỉnh COP 22 diễn ra tại Maroc, làm cử tọa choáng váng như bị "điện giật". Thế là, nhiều quốc gia bỏ ngay thái độ lưỡng lự, tuyên bố gia nhập hiệp định khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia… tái cam kết thực thi. Châu Âu, Trung Quốc và Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch.

Tổng giám đốc Hiệp Hội WWF, bảo vệ động vật thiên nhiên, Pascal Canfin, thẩm định "không có Trump, Hiệp Định COP sẽ được nước Mỹ, dân Mỹ thực thi từ cấp doanh nghiệp, thành phố cho đến tiểu bang".

Nhưng mối lo lớn khi Mỹ rút chân, là vấn đề tài chính cho Hiến Chương Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Xanh (100 tỷ đôla) tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Tú Anh

******************

Đa số dân Mỹ phản đối việc rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris (RFI, 02/06/2017)

cop8

Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Texas. Dù là một tập đoàn dầu khí, nhưng Exxon tôn trọng Hiệp Định Khí Hậu Paris. REUTERS

Ngày 01/06/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định rút ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, nhân danh quyền lợi dân Mỹ. Tuy nhiên, ngay tại Hoa Kỳ, một số đông người dân đã tỏ ý bất bình với quyết định của ông Trump.

Theo ghi nhận của nhà báo Phạm Trần tại Washington, nếu các nghị sĩ Cộng Hòa cùng đảng với tổng thống Trump đã ủng hộ việc rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thì quyết định của ông Trump đã bị phía đảng Dân Chủ đánh giá là sai lầm, bị báo chí ôn hòa phê phán.

Nhà báo Phạm Trần tại Washington (Hoa Kỳ)

02/06/2017 - Trọng Nghĩa

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170602-da-so-dan-my-phan-doi-viec-rut-khoi-hiep-dinh-khi-hau-paris#

Nghe

Điều đáng ghi nhận là thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy tỷ lệ người chống quyết định trên vượt mức 60%, trong lúc có đến 30 trên 50 tiểu bang Mỹ cho biết sẽ tuân thủ các quy định trong Hiệp Định Khí Hậu Paris.

Nhiều đại tập đoàn Mỹ, cụ thể là ExxonMobil và Walmart cũng không tán đồng việc rút Mỹ ra khỏi COP 21.

Trọng Nghĩa, Phạm Trần 

Published in Quốc tế