Việt Nam khó xử khi đối mặt với kỷ nguyên Trump vì thặng dư thượng mại với Mỹ
Cảng Đình Vũ ở Hải Phòng, Việt Nam, 6/9/2024. (Nhac Nguyen/AFP)
Khi mà công chúng Việt Nam tò mò theo dõi cuộc bầu cử Mỹ thì giới lãnh đạo Hà Nội có lẽ lại nhìn kết quả với tâm trạng lo lắng.
Trong khi chính sách "ngoại giao cây tre" của Hà Nội trong việc xây dựng mối quan hệ chiến lược cân bằng với các cường quốc trên toàn cầu đã mang lại cho họ sự thoải mái nhất định, thì Việt Nam lại dễ bị tổn thương hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trước những thay đổi trong chính sách kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ, chưa kể đến chính sách an ninh.
Thặng dư thương mại thường xuyên và ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ hiện có thể sẽ là vấn đề hàng đầu trong mối quan hệ song phương.
Năm 2017, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Trump, Việt Nam có thặng dư thương mại 38,3 tỷ USD với Hoa Kỳ. Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ, đến năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ trước, thặng dư thương mại đã tăng lên 69,7 tỷ USD.
Điều đó đã khiến chính quyền Trump gán cho Việt Nam cái mác "nước thao túng tiền tệ". Dù chính quyền Biden nhanh chóng giải quyết tranh chấp tiền tệ với Hà Nội, nhưng thâm hụt thương mại tiếp tục phình to.
Năm 2023, Hoa Kỳ thâm hụt 104,6 tỷ USD thương mại song phương với Việt Nam và trong chín tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại đã lên tới 96 tỷ USD.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong câu chuyện này, và cũng là thứ sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền sắp tới, là việc Việt Nam không hề gia tăng nhập khẩu từ Mỹ.
Năm 2017, Hoa Kỳ xuất khẩu 8,1 tỷ USD hàng hóa sang Việt Nam. Xuất khẩu vào năm 2022 là 11,3 tỷ USD, nhưng sau đó đã giảm, tổng cộng chỉ còn 9,8 tỷ USD vào năm 2023. Hoa Kỳ xuất khẩu nhiều dịch vụ sang Việt Nam để bù đắp một phần thâm hụt song phương, nhưng dù sao, Hà Nội đã không khôn ngoan khi để thâm hụt thương mại gia tăng.
Vào ngày 2/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định không trao cho Việt Nam quy chế "kinh tế thị trường".
Đây là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Hà Nội và đại sứ quán của họ ở Washington. Việt Nam đã thuê một công ty luật để thay mặt mình vận động hành lang các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia và Canada, để xếp Việt Nam vào hạng nền kinh tế thị trường.
Đừng kỳ vọng sự tiến triển
Hà Nội "thất vọng" với quyết định này, nhưng thật ngây thơ khi nghĩ rằng trong một năm bầu cử mà các bang chiến trường lại là các bang công nghiệp ở vùng trung tây, Washington sẽ xếp nước này vào loại nền kinh tế thị trường, trong khi phần lớn nền kinh tế Việt Nam vẫn được bảo hộ hoặc thuộc sở hữu nhà nước.
Báo Economist xếp hạng Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ tư từ những sự thay đổi của chính quyền Trump, khi thặng dư thương mại của nước này với Hoa Kỳ lớn thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Trong khi quy chế nền kinh tế thị trường vẫn là ưu tiên ngoại giao của Việt Nam, Hà Nội chắc chắn sẽ không đạt được tiến triển nào trong những năm tới.
Việt Nam sẽ muốn tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.
Các hiệp định thương mại tự do là một trong những chương trình nghị sự chính sách quan trọng của Việt Nam, nước này đã tham gia bốn Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, bao gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN, FTA ASEAN-EU, RCEP, cũng như các FTA song phương với Vương quốc Anh, Hàn Quốc. , và Nhật Bản.
Thế nhưng, Hà Nội cũng không nên hy vọng gì ở lĩnh vực này.
Khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, họ đã đưa ra triển vọng về một hiệp định thương mại song phương, nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Điều đó phần nào giải thích tại sao Hoa Kỳ chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 vào Việt Nam– mặc dù một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ đi qua ngả Singapore. Nếu các công ty lo ngại về khả năng áp thuế cao, như Trump đã tuyên bố, điều đó sẽ làm giảm thêm đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đối với Việt Nam, tầm quan trọng của việc giao thương với Hoa Kỳ là không phải là nói quá. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 22,1% GDP của Việt Nam, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 80% GDP, khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài.
Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ còn quan trọng vì một lý do khác: nó xóa bỏ thâm hụt thương mại khổng lồ hàng năm của Việt Nam với Trung Quốc.
Trong khi thương mại đang trở thành vấn đề khó chịu trong mối quan hệ song phương, Hà Nội đã chủ động liên hệ với chính quyền sắp tới.
Vào tháng 9, Tập đoàn Trump đã đạt được thỏa thuận đầu tư một tỷ USD vào một sân golf và khách sạn ở tỉnh Hưng Yên, ngoại ô Hà Nội. Hưng Yên là quê hương của Tổng bí thư Tô Lâm và những nhân vật chủ chốt thân cận của ông.
Bỏ qua vấn đề nhân quyền
Những vấn đề nhức nhối truyền thống trong mối quan hệ song phương – bao gồm nhân quyền, quyền lao động, tự do tôn giáo – lại không phải là vấn đề đối với chính quyền Trump.
Về lĩnh vực nhân quyền vốn đã bị hạn chế rất nhiều và dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trước Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 14 vào tháng 1/2026, Hà Nội sẽ vui mừng khi trong bốn năm sắp tới sẽ không chịu sức ép về vấn đề này.
Có lẽ trở ngại duy nhất mà Việt Nam sẽ gặp phải trong vấn đề nhân quyền nằm ở phía các công ty công nghệ.
Các yêu cầu nội địa hóa việc lưu trữ dữ liệu, và vô số luật quản lý mạng xã hội của Việt Nam không được các gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ hoan nghênh. Nếu có bất kỳ sự phản kháng nào đối với Hà Nội thì nó sẽ xảy ra ở lĩnh vực này và phần lớn là được thúc đẩy bởi lợi ích doanh nghiệp.
Về mặt năng lượng và môi trường, Việt Nam sẽ có mối quan hệ phức tạp với chính quyền mới, cả hai đều phủ nhận biến đổi khí hậu và không muốn bị ràng buộc bởi các hiệp định đa phương về giảm khí CO2.
Đối với một quốc gia như Việt Nam, hiện đang phải hứng chịu ngày càng nhiều các cơn bão lớn và an ninh lương thực bị đe dọa do xâm nhập mặn vào Đồng bằng sông Cửu Long, điều này là rất đáng lo ngại.
Nhưng Việt Nam đã đi ngược lại kế hoạch chuyển đổi năng lượng của mình và thay vào đó tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Hà Nội sẽ phải đối mặt với sự cắt giảm đáng kể trong hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Có lẽ lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác nằm ở các khoáng sản chủ chốt.
Sau vụ va chạm năm 2010 giữa một tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, Trung Quốc đã tạm thời cắt xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật.
Dù điều này đã dẫn đến sự phát triển khai thác mỏ đất hiếm ở nhiều quốc gia khác, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm gần như độc quyền tinh chế loại khoáng sản này.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai sau Trung Quốc, ước tính khoảng 22 triệu tấn. Tuy nhiên, đất nước này có khả năng tinh chế rất hạn chế. Hiện nay, các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất kém.
Dịch chuyển địa chính trị
Người dân Việt Nam có xu hướng thích Trump vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, điều này dẫn đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.
Nhưng trên thực tế, Việt Nam bị gắn chặt với chuỗi cung ứng của Trung Quốc, và bất kỳ cuộc đối đầu thương mại hoặc quân sự lớn hơn nào cũng sẽ có hại cho nền kinh tế Việt Nam.
Hoa Kỳ và Việt Nam có rất ít hợp tác về khía cạnh an ninh, do đó Hà Nội khó có thể cảm nhận được ngay lập tức, tác động từ những thay đổi chính sách đột ngột của Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ âm thầm tiếp tục hiện đại hóa quốc phòng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cho dù Hà Nội đã vận dụng một cách lão luyện chính sách ngoại giao đa cực, dẫn đến việc không quá phụ thuộc vào Washington, nhưng có một điều không thể chối cãi, không ai duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng sẽ phải thích ứng với bất kỳ cấu trúc an ninh khu vực mới nào phát sinh từ sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ dưới thời Trump, người đã công khai bày tỏ thái độ coi thường các liên minh và quan hệ đối tác.
Việc Mỹ triệt thoái có thể dẫn đến sự hung hăng từ Trung Quốc, bởi quốc gia này quá lớn và có khả năng đe dọa đơn phương.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với Washington và sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Nhưng họ cũng sẽ phải tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Việt Nam.
Chính quyền Trump sẽ đẩy nhanh việc hình thành trật tự thế giới đa cực, điều mà Hà Nội, với quan hệ đối tác gần đây với nhóm các nước đang phát triển BRICS, muốn thấy.
Đồng thời, Việt Nam nhận thức được rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ bị suy yếu trong những năm tới.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 11/11/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Khánh Hòa, VNTB, 23/12/2020
Tại buổi Công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12-2020 chiều 21-12, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi quanh việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ "dán nhãn" thao túng tiền tệ.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk, nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.
Theo báo cáo, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, của WB tại Việt Nam, cho rằng giai đoạn này, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ nhiều hơn về một số chính sách của mình, đơn cử như chính sách về tỷ giá hối đoái.
"Thế giới những tháng vừa qua có nhiều biến động về tiền tệ, như đồng EURO, USD, Yen, đây cũng có thể là dịp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam suy nghĩ xem đồng tiền nào Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ, có thể suy nghĩ đến việc đa dạng hóa, đưa ra chiến lược trên cơ sở xem xét những đối tác khác, điểm đến khác về đầu tư, thương mại" – chuyên gia Jacques Morisset phân tích.
Ông Jacques Morisset cũng cho rằng đây có thể là thời điểm Việt Nam có thể suy nghĩ về chính sách thương mại. "Việt Nam là một nước mở cửa, nền kinh tế liên quan mật thiết đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta có thể xem xét việc khai thác số hóa, những công nghệ ngày càng quan trọng, phải loại bỏ một số rào cản thương mại đối với dịch vụ. Trong thách thức có cơ hội, Việt Nam có thể tăng tốc một số chính sách, một số cải cách để ứng phó với thách thức tốt hơn" – ông gợi ý.
Ông Morisset cũng cho biết, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc-xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.
Theo dự báo của WB, ngành nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng trong quý I năm 2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020.
Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ từng bước phục hồi.
Vẫn theo WB, thực tế thì quy mô và thời gian hoành hành của đại dịch, cũng như tác động kinh tế của nó, khó có thể dự đoán. Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra.
Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng Covid-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.
Trong một hội thảo cập nhật chủ đề : "Kinh tế Việt Nam trong thế giới biến động : Covid, hậu bầu cử Hoa Kỳ và RCEP", theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), thì một vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đó là thặng dư thương mại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2020 là 50,9 tỷ USD.Trong khi phía Mỹ ước tính con số thâm hụt thương mại với Việt Nam là 56 tỷ USD.
Chính vì vậy, Mỹ đang gây sức ép rất lớn lên Việt Nam với cáo buộc gần đây về điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ thông qua việc định giá đồng Việt Nam thấp hơn 4,7% so với tỷ giá hối đoái thực tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và chính sách tỷ giá đó đã gây thiệt hại cho các ngành kinh tế nội địa của Hoa Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ hay không. Cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, điều khoản pháp lý tương tự mà Mỹ đã sử dụng để bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá để giữ đồng tiền thấp hơn giá trị thực thì đó sẽ là các căn cứ để Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ có thể đề xuất các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, từ kết luận đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt là cả một quá trình.
"Khách quan mà nói, tỷ giá hoàn toàn không phải là yếu tố gây ra thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam. Yếu tố cơ cấu mới là nguyên nhân chính.Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN rồi gia công, chế tạo với giá trị gia tăng thấp để xuất sản phẩm cuối cùng sang thị trường Mỹ và EU. Vì thế, Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, với EU, nhưng thâm hụt ở mức tương đương với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN", ông Thành phân tích.
Ông Thành cho rằng, ngay cả khi kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá, thì xác xuất có những hành động trừng phạt nặng nề như đối với Trung Quốc là rất thấp, vì ông Biden sẽ không áp dụng cách tiếp cận của ông Trump. Mặc dù vậy, một số ngành xuất khẩu ở Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động nhất định vì Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp bảo hộ với từng ngành hàng cụ thể.
Khánh Hòa
Nguồn : VNTB, 23/12/2020
*********************
VNTB, 23/12/2020
Sau khi bị Mỹ gắn mác "Thao túng tiền tệ" hôm 16/12/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuọc điện đàm với Tổng Thống Trump lúc đêm khuya ngày 22/12/2020 từ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chào Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka 28/6/2019 - Ảnh minh họa
Trang Facebook của chính phủ, Thông tin Chính phủ với hàng triệu người theo dõi, đưa tin quan trọng :
"TỔNG THỐNG DONALD TRUMP RẤT QUÝ TRỌNG ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM"
Trong đó nêu rõ mục đích chính của cuộc điện đàm là động thái gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam từ phía Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ hôm 16/12/2020.
"Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Tổng thống Hoa Kỳ đã trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng thống Donald Trump về phát triển thành công 2 loại vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.
Tổng thống Donald Trump khẳng định rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới".
Thế nhưng, theo Reuters, tin tức từ phía Nhà Trắng đưa ra có vẻ lại không khớp với thông tin của chính phủ Việt Nam
Hôm thứ Ba 22/12/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ trong một cuộc điện đàm cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết : "Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các biện pháp mạnh để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Ai nói đúng hơn ai ?
Các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm hàng may mặc, điện tử và các sản phẩm gỗ.
Nguồn : VNTB, 23/12/2020
*********************
VOA, 23/12/2020
Hôm 22/12, Tổng thống Donald Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng cho biết.
Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các chuyên gia thương mại cho rằng có thể mở đường cho việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.
Phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết : "Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các bước đi táo bạo để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo hôm 22/12 rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, "khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế".
Thủ tướng Phúc khẳng định : "Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế".
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump còn trao đổi về việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Mục 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam viết : "Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi".
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi cho rằng quốc gia này đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.
Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất là 2% GDP.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hôm 17/12 nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh là không có những dấu hiệu thao túng tiền tệ như Bộ Tài chính Mỹ vừa định danh.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nói : "Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không ? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó".
Bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở ở Singapore, phát biểu trong một sự kiện trực tuyến hôm 18/12 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức : "Nếu khôn ngoan thì nên có kế hoạch ngay từ bây giờ cho kết luận điều tra theo Mục 301, bởi vì, nhất là với việc xác định của Bộ Tài chính, rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một số hình thức trả đũa đối với Việt Nam".
Bà nhấn mạnh rằng : "Sẽ có những hậu quả kinh tế".
Nguồn : VOA, 23/12/2020
*************************
Thủ tướng Việt Nam điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
RFA, 12/12/2020
Việt Nam và Hoa Kỳ đồng tin tưởng mối quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, trong đó hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 22/12/2020. Courtesy of VGP News
Nội dung vừa nêu được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định trong cuộc hội đàm, vào ngày 22/12.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 22/12, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc điện đàm, bày tỏ Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tình cảm tốt đẹp mà Tổng thống Donald Trump đã dành cho Việt Nam trong những năm qua và cảm ơn ông Donald Trump luôn quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump được cho biết khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Tổng thống Trump đồng thời chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch Covid-19. Ông Trump cũng hoan nghênh sự hợp tác trong phòng chống dịch bệnh giữa hai nước.
Cũng theo tin từ báo giới Nhà nước Việt Nam, ông Donald Trump nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng ông mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới.
*************************
VOA, 23/12/2020
Việt Nam vừa chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc kể từ ngày 28/12/2020 và sẽ kéo dài trong 5 năm, với thuế suất có thể lên đến trên 25%.
Hôm 23/12, Bộ Công thương Việt Nam cho biết vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 4,43% đến 25,22%, vẫn theo Bộ Công thương.
Mục đích áp dụng mức thuế này là "để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước do tác động từ lượng lớn các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu đang được bán phá giá vào Việt Nam".
Trong quá trình điều tra từ tháng 9/2019, Bộ Công Thương phát hiện lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc lên đến 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam.
Việt Nam cho biết việc điều tra này được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ mở một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế.
Theo một thông cáo báo chí của Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITA) hôm 12/5, Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, sau đó gia công hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Từ trước đến nay các quan chức Việt Nam nói rằng luôn quyết tâm ngăn chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc gắn mác Việt Nam để né thuế xuất khẩu sang Mỹ.
Khi đến thăm Việt Nam vào tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’brien khuyên rằng Việt Nam nên ngăn chăn việc trung chuyển trái phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 23/12/202
***********************
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đến hơn 25% với thép từ Trung Quốc
RFA, 23/12/2020
Việt Nam sẽ áp thuế với biên độ 4,43% đến 25,22% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ 16 nhà sản xuất thép Trung Quốc.
Ảnh minh họa - Courtesy of doanhnhanvn
Đó là quyết định do Bộ Công thương Việt Nam công bố hôm 23/12 và mạng Bloomberg loan đi. Đây được coi là động thái chống bán phá giá của Việt Nam đối với các mặt hàng thép Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Quyết định của Bộ công thương có hiệu lực trong vòng 5 năm, tính từ ngày 21/12/2020 đối với thép cán nguội dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bộ này cho rằng việc nhập các sản phẩm thép bán phá giá có thể gây thiệt hại đáng kể cho ngành thép trong nước.
Theo nguồn truyền thông Nhà nước Việt Nam, việc áp thuế chống bán phá giá 5 năm với thép cán nguội Trung Quốc là từ kết quả kiểm tra của Bộ công thương từ tháng 9/2019. Qua đó, lượng nhập khẩu thép nguội từ Trung Quốc xấp xỉ 273.000 tấn chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam.
Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với sản lượng sản xuất tại Việt Nam và Bộ cho rằng sự gia tăng đó là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trong lịch sử, hầu hết cử tri người Mỹ gốc Á có xu hướng bỏ phiếu "phe màu xanh" – Đảng cộng hòa – và nhiều người Mỹ gốc Á tự nhận thấy rằng mình đã bỏ phiếu cho Joe Biden cho cuộc bầu cử năm nay. Phần lớn, tôi muốn nói đến mọi nhóm người Châu Á ngoài nhóm cử tri Việt Nam. Các nhóm vận động – Dữ liệu AAPI, APIA Vote và Người Mỹ gốc Á thúc đẩy Công lý – thực hiện một cuộc khảo sát thăm dò ý kiến vào tháng 9 năm 2020 cho thấy cử tri người Việt có nhiều khả năng bỏ phiếu cho ông Trump nhất so với các nhóm người Mỹ gốc Á khác.
Cử tri người Mỹ gốc Việt cũng đã lên tiếng ủng hộ ông Trump : nhiều cuộc mít tinh của MAGA (Make America Great Again) đã được tổ chức bởi các người Việt Đảng cộng hòa tại Santa Ana, California , Houston, và Texas.
Cử tri người Việt luôn có xu hướng nghiêng về đảng Cộng hòa, vì vậy đối với một số người, có thể không ngạc nhiên khi họ trung thành với đảng Cộng hòa và bỏ phiếu cho ông Trump. Cử tri Cuba cũng theo loại hình này, người Cuba cũng có xu hướng bảo thủ hơn các nhóm Latinh khác – có lẽ là vì cả người Cuba lẫn người tị nạn Việt Nam cùng chạy trốn khỏi các chế độ cộng sản, do đó có cùng quan điểm chính trị.
Mặc dù vậy, việc lan truyền thông tin sai lệch tràn lan qua Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác cũng góp phần đáng kể vào sự ngưỡng mộ mãnh liệt của họ đối với ông Trump và sự phản đối dành cho Biden.
Ví dụ, tờ The Washington Examiner, một tờ báo được biết đến là có khuynh hướng bảo thủ và thiên tả, đã đăng một bài báo ám chỉ ông Biden tin rằng Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Tuy nhiên, bài báo đã không nói đến ngữ cảnh về lời nói của ông Biden.
Năm 1975, ông Biden phân biệt rõ ràng giữa việc giúp đỡ người tị nạn Việt Nam rời bỏ Việt Nam với viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông ấy ủng hộ điều đầu tiên, nhưng không ủng hộ điều thứ 2. Ông Biden kiên định với cương lĩnh phản chiến mà ông được bầu, nói rõ rằng ông muốn đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước.
Lầm tưởng rằng ông Biden "không quan tâm đến" người Việt Nam vì ông đã bỏ phiếu chống lại Dự luật HR 6755 của Quốc hội năm 1975, còn được gọi là Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Đông Dương, cũng đã góp phần làm mất uy tín của ông Biden và đảng Dân chủ trong mắt cử tri Việt Nam.
Đạo luật này được sự bảo trợ của ông Peter Rodino Jr. – một thành viên Đảng Dân chủ, không phải Đảng Cộng hòa. Dự luật cho phép 130.000 người tị nạn từ Đông Nam Á vào Hoa Kỳ và phân bổ 455 triệu Mỹ kim để giúp họ tái định cư, số tiền tương đương khoảng hơn 2 tỷ Mỹ kim ngày nay.
Mặc dù đúng là ông Biden đã không bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ông cũng hoàn toàn không tham gia bỏ phiếu cho dự luật này.
Năm 1975, ông Biden gặp khó khăn trong việc di chuyển từ Delaware đến thủ đô Washington– một số người thân trong gia đình ông đã qua đời vào cuối năm 1972 và các con trai của ông cũng bị thương nặng. Trong giai đoạn này, Biden dành nhiều thời gian cho gia đình và cuối cùng đã không tham dự một số cuộc bỏ phiếu của Quốc hội.
Do những vấn đề gia đình nghiêm trọng này, sẽ không chính xác nếu nói rằng ông Biden đã bỏ phiếu chống lại dự luật cụ thể này. Tuy nhiên, ông Biden là một thành viên của Ủy ban Dịch vụ nước ngoài, cơ quanphê duyệt dự luật để dự luật được đưa ra bỏ phiếu ngay từ đầu.
Trái ngược hoàn toàn và trớ trêu với sự chào đón người tị nạn Đông Nam Á này, chính quyền của Trump đã giảm bớt các biện pháp bảo vệ đối với người tị nạn chiến tranh Việt Nam bằng cách mở rộng đối tượng người tị nạn có thể bị trục xuất. Chính quyền Trump đã tiến hành trục xuất hàng ngàn người tị nạn Việt Nam trở về cố quốc – mặc dù những người tị nạn này đã chạy trốn khỏi chính đất nước đó cách đây 40 năm.
Một khía cạnh trong chiến dịch tranh cử của Trump đã thúc đẩy thành công của ông với cử tri người Mỹ gốc Việt là luận điệu "chống Trung Quốc" rõ ràng và thẳng thắn của ông.
Cộng đồng Việt Nam chỉ trích Bắc Kinh do Trung Quốc đã từng đô hộ Việt Nam và tiếp tục ý định xâm lấn đất Việt. Căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao, thể hiện trong cuộc xung đột về yêu sách lãnh thổ đối với các đảo, nạn tàu thuyền và tuyên truyền chống Trung Quốc ngày càng gia tăng trên mạng xã hội ở Việt Nam.
Lập trường của ông Trump chống lại Trung Quốc đã cho phép người Việt Nam cảm thấy như thể họ đang nhận được sự đồng cảm. Một số người Việt Nam rất biết ơn về luận điệu chống Trung Quốc vì họ cũng tin rằng ông Trump sẽ đứng lên chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hành động và sự liên kết của Trump nói khác với quan điểm này : ông ta đi từ thái cực này sang thái cực ngược lại, từ đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã làm tổn thương nền kinh tế của Hoa Kỳ cho đến việc tiếp đón long trọng chủ tịch Trung Quốc tại câu lạc bộ Mar-A-Lago riêng của mình.
Thái độ luôn thay đổi của ông đặt ra nhiều câu hỏi cho người Mỹ, đặc biệt là khi tờ The New York Times tiết lộ rằng ông Trump trả thuế cho Trung Quốc xấp xỉ 200.000 Mỹ kim, khác xa so với 750 Mỹ kim mà ông nộp cho Hoa Kỳ.
Mối quan hệ của Trung Quốc với Trump vẫn rất đặc biệt – Forbes báo cáo dòng tiền 5,4 triệu Mỹ kim từ một ngân hàng nhà nước đến Trump Tower, nơi Trump duy trì các mối quan hệ khi ông trở thành tổng thống thứ 45, có thể vi phạm Mục 9 của Hiến pháp Hoa Kỳ "quan chức liên bang không được chấp nhận bất kỳ món quà nào, tượng đài, văn phòng hoặc danh hiệu nào, dưới bất kỳ hình thức nào, từ bất kỳ vua, hoàng tử hoặc quốc gia nước ngoài nào" mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Có vẻ như tất cả hoặc thậm chí phần lớn lợi nhuận từ các giao dịch của Trump với Trung Quốc cũng không chuyển vào kho bạc Hoa Kỳ, bởi vì chỉ có khoảng 190.000 đô la được quyên góp vào năm ngoái từ lợi nhuận làm việc với các chính phủ nước ngoài. Dựa trên thỏa thuận giữa Trump Towers và đơn vị thuê, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng này vẫn đăng ký địa chỉ của họ trong tòa nhà của Trump.
Ông Trump đã không nhất quán về lập trường chỉ trích đối với Trung Quốc. Ông được cho là đã chấp thuận việc Bắc Kinh bỏ tù người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung và tuyên bố rằng quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa bao giờ tốt hơn, bất chấp việc ông liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc kể từ khi ông bắt đầu vận động tranh cử vào năm 2016. Đầu năm nay, Trump đã nhiều lần ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã làm việc hiệu quả trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Ngoài ra, các động thái của Trump để "chống lại" Trung Quốc đôi khi đã phản tác dụng. Một số cử tri Việt Nam có ấn tượng rằng Trump đã làm tốt kể từ khi ông đặt ra các lệnh trừng phạt thương mại và thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc, tin rằng tổng thống đang đứng trước "kẻ bắt nạt lớn" Trung Hoa.
Thực tế đáng buồn là những mức thuế này đã gây tổn hại về mặt kinh tế, làm tổn thương người tiêu dùng và các ngành công nghiệp Mỹ nhiều hơn là giúp ích cho họ. Chi phí của các mức thuế này rơi vào người tiêu dùng và doanh nghiệp, chủ yếu là những người phụ thuộc vào hàng hóa nhập cảng và các ngành xuất khẩu phải đối mặt với sự trả đũa từ các quốc gia khác.
Trong khi nhiều cử tri gốc Việt tiếp tục công khai sự ủng hộ của họ với Trump, thì có một sự chia rẽ ngày càng tăng trong các gia đình Việt Nam khi các thế hệ trẻ ủng hộ ông Biden hơn là ông Trump. Cuộc bầu cử căng thẳng năm nay đã bộc lộ khoảng cách lớn giữa các bậc cha mẹ bảo thủ và con cái thiên tả của không chỉ người Việt Nam mà còn của tất cả các gia đình trên khắp nước Mỹ. Trong trường hợp của những cử tri người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi như tôi, cuộc đấu tranh để nâng cao nhận thức của các thành viên gia đình truyền thống, bảo thủ chắc chắn là một cuộc chiến khó khăn, nhưng nó là một cuộc chiến cần thiết.
Nhiều cử tri gốc Việt không được trang bị một bức tranh đầy đủ để ủng hộ một ứng cử viên thực sự sẽ làm việc vì lợi ích cao nhất của họ cũng như của cả đất nước nói chung. Điều thiếu sót này đặc biệt đúng đối với thế hệ người Việt lớn tuổi hơn thường dựa vào các nguồn truyền thông nước ngoài để đưa tin do bất đồng ngôn ngữ. Tin tức thiên lệch cả từ hải ngoại ở Việt Nam và các nguồn tiếng Việt đã góp đáng kể vào mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam theo khuynh hướng bảo thủ và lớn tuổi với ông Trump.
Một số trang web tổng hợp tin tức bao gồm The Interpreter và PIVOT’s Viet Fact Check đã ra đời nhờ nỗ lực của những người trẻ Việt Nam tiến bộ và tiến bộ nhằm giải quyết tình trạng thiếu các bài báo chính xác và phi đảng phái dành cho những người gặp khó khăn với tiếng Anh.
Hiện tại, sự chia rẽ giữa các gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng – trừ khi chúng ta có thể đưa thông tin cho hai nhóm người trên ở trên cùng một trang, một phần do khoảng cách thông tin này. Việc nhiều trang tin tức cung cấp tin tức bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và các ngôn ngữ khác cho khán giả là điều vô cùng cần thiết.
Ngày nay, các công ty công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội cũng có trách nhiệm "đánh dấu" và xác minh các thông tin sai lệch đang lưu hành. Và đối với các cử tri trẻ, chúng ta phải nhận ra trách nhiệm công dân của mình bao hơn là chỉ bỏ phiếu bốn năm một lần. Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp cận với những người xung quanh mình mỗi ngày và trân trọng khuyến khích ý thức cao hơn để cải thiện cộng đồng của chúng ta.
Hana Dao
Nguyên tác : "Misled and misinformed : Why Vietnamese voters make up the largest Asian demographic in favor of Trump", The Stanford Daily, 10/11/2020
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 10/11/2020
Chưa bao giờ người Việt chia rẽ bởi một tổng thống Mỹ như hiện nay. Quan điểm khác nhau về Donald Trump đang làm cho nhiều người Việt khó chấp nhận nhau.
Tác giả nói người Việt hải ngoại và trong nước ủng hộ Trump vì ông thể hiện việc chống Trung Quốc. Ảnh minh họa
Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đang là chủ đề tranh cãi giữa người Việt với nhau ở mức độ không kém gì những tranh cãi xoay quanh người Quốc gia và Cộng sản từ 1975 tới nay.
"Đừng viết về ông Tổng thống của anh nữa"
Tuần trước tôi bị một người anh thân tình sống cùng thành phố nói lời chia tay và xóa bạn với tôi trên Facebook. Lý do, anh đã nhiều lần nhắc, "Thôi, em đừng viết gì về ông Tổng thống của anh nữa", tôi vẫn không làm theo.
Đây không phải lần đầu tôi bị người khác ngưng nói chuyện, hủy kết bạn sau khi tôi viết về Donald Trump, dù trước đó chúng tôi khá thân nhau ngoài đời, hợp nhau về nhiều chủ đề từ chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, đến niềm tin.
Trên mạng xã hội Facebook tôi có bạn ở khắp vùng miền, quốc gia, khác tôn giáo, không cùng cách thức đấu tranh, chẳng chung sở thích… trước đây vẫn trao đổi với nhau về nhiều vấn đề để học hỏi lẫn nhau. Nhưng khi biết tôi suy nghĩ về Trump khác họ, đã có không ít người ngừng tương tác, hủy kết bạn.
Không chỉ cá nhân, mà cả những nhóm và tổ chức cũng bị cuốn hút vào cuộc tranh cãi này. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một tổ chức chính trị có thành viên tại nhiều quốc gia vừa mất một thành viên ở Australia có hơn 20 năm gắn bó. Nguyên nhân vì anh ủng hộ Donald Trump, trong khi đa số các thành viên khác của Tập Hợp lại không.
Sự chia rẽ giữa người Việt vì Tổng thống thứ 45 của Mỹ dễ thấy nhất qua vụ cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đưa lên Facebook. Đây là nhận định cá nhân về Donald Trump, về nước Mỹ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại quốc gia này hồi nửa cuối tháng Ba.
Phát biểu của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gây gây tranh cãi mạnh mẽ giữa hai nhóm bênh và chống cô trên mạng. Ảnh minh họa
Các điều cô Quỳnh viết đều đúng với thực tế tại thời điểm đó và cả sau này.
Tuy nhiên, chẳng cần suy xét lời cô Quỳnh viết đúng hay sai, rất nhiều người Việt đã hùa vào sỉ vả, 'ném đá' cô trên không gian mạng. Họ nói cô không biết mang ơn Donald Trump khi ra khỏi nhà tù cộng sản Việt Nam, họ vu khống cô là "cộng sản nằm vùng"…
Không ít người đấu tranh trong nước cũng hùa theo cho rằng, Quỳnh nói không đúng về cá nhân ông Trump và nước Mỹ. Số khác tung ra những khác biệt cá nhân để thêm đòn nhằm hạ gục.
Họ 'đấu tố' cô bởi cô dám chê Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và nói quốc gia này không vĩ đại ngược lại với những điều Trump tự khoe.
Một số còn đi xa hơn thu thập chữ ký kêu gọi trục xuất cô về lại Việt Nam.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thái độ tiếp đón nồng hậu dành cho Quỳnh chưa đầy một năm trước, mời cô nói chuyện sau khi bị chính quyền Việt Nam trục xuất từ nhà tù.
Nhiều người Việt ủng hộ Donald Trump còn lập danh sách những người không thích Trump để tấn công. Có cái gì đó na ná những người đấu tranh bị dư luận viên trong nước lập danh sách để đánh phá, răn đe.
Người không thích Trump, thường bị nhóm ủng hộ cáo buộc, "cộng sản nằm vùng", "phá hoại nước Mỹ", "bọn thổ tả", "tình báo Hoa Nam", "nhận tiền từ cộng sản Trung Quốc để viết"…
Với không ít người Việt, Donald Trump như một chân lý tuyệt đối. Họ đồng nhất ủng hộ Donald Trump mới yêu nước Mỹ, yêu Việt Nam và ngược lại. Sao mỉa mai giống yêu đảng cộng sản, yêu chủ nghĩa xã hội và yêu nước là một ?!
Ủng hộ Trump vì không thích Trung Quốc
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, một người đấu tranh trong nước được nhiều người biết viết, "Tui có xu hướng ủng hộ Trump, vì ổng làm Trung Cộng suy yếu. Những yếu tố khác có thể xếp sau".
Tương tự, cô Huỳnh Thục Vy cũng thổ lộ, "Ai trấn áp được kẻ thù truyền kiếp của đất nước tôi, thì tôi đều thích". Donald Trump là người như thế nên cô thích, ủng hộ.
Người Việt hải ngoại và trong nước ủng hộ Donald Trump gặp nhau ở điểm, ông thể hiện việc chống Trung Quốc mạnh mẽ mà chẳng cần suy xét đến hiệu quả, cách làm của chủ nhân Nhà Trắng.
Căng thẳng Mỹ Trung kéo dài trên nhiều mặt trận - Ảnh minh họa
Đây là tâm lý dễ hiểu của đa số người Việt trước một Trung Quốc hàng ngàn năm qua chỉ muốn xâm chiếm, đồng hóa, khống chế Việt Nam. Do đó, người Việt dễ dàng ủng hộ bất kỳ ai chống lại Trung Quốc.
Tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông có thêm lý do để người Việt đặt hy vọng vào Donald Trump để kiềm hãm được sự tham lam, hung hăng của Trung Quốc.
Nhiều người Việt đặt niềm tin dễ dãi, Donald Trump gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ làm cho quốc gia này sụp đổ. Dẫn đến chính quyền Việt Nam hiện nay cũng sẽ tan rã để tiến đến xã hội tự do, dân chủ.
Rất đông người Việt theo đạo Công giáo, Tin lành còn có thêm lý do để ủng hộ Donald Trump, vì ông ta chống phá thai, phản đối hôn nhân đồng tính.
Có người đưa lý do ủng hộ Donald Trump, vì ông làm Tổng thống chỉ nhận lương một đô la/năm. Suy nghĩ theo cách dân Mỹ thiếu tiền trả lương cho Tổng thống của mình.
Số khác ủng hộ Tổng thống Mỹ đương nhiệm vì ông ấy nói năng bộc trực, phản ứng nhanh chóng. Thực tế thì Trump hành xử một cách đầy cảm xúc, trong cái tôi lớn, nặng tính hơn thua, thiếu tầm nhìn chiến lược.
Người Việt tại Mỹ lại ủng hộ Donald Trump vì ông thuộc đảng Cộng hòa. Với nhiều người Việt phải bỏ quê hương ra đi sau ngày 30/4/1975, đảng Cộng hòa như cuộc 'hôn nhân' chính trị.
Làm ngơ trước sự thật
Vì ủng hộ Donald Trump, nhiều người Việt không nhìn vào sự thật đang xảy ra cho nước Mỹ trong gần nửa năm qua. Một nước Mỹ vừa qua cơn khủng hoảng pháp lý với vụ luận tội Tổng thống ở Lưỡng viện Quốc hội, lại vướng vào đại dịch Covid-19.
Sau hơn ba tháng bùng phát, nước Mỹ vẫn ở đỉnh với hàng chục ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong khi đa số các nước bùng phát dịch với thời gian ngắn hơn đã khống chế được dịch bệnh.
Chính phủ Trump lúng túng trong việc xử lý đại dịch. Các cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng đã cho thấy tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" giữa Tổng thống và các chuyên gia y tế, giữa chính phủ liên bang và các thống đốc tiểu bang, giữa vấn đề giãn cách xã hội và mở lại hoạt động bình thường.
Khi cơn dịch chưa dứt thì xảy ra vụ George Floyd hồi cuối tháng Năm đã làm bùng lên cơn sốt âm ỉ về bạo lực cảnh sát và nạn phân biệt đối xử với người da màu.
Trong khi nhiều người Việt ủng hộ ông Trump bất chấp thực tế thì đã có những dấu hiệu cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống đang đi xuống.
Một loạt các viên chức quân đội, cựu cố vấn an ninh đã công khai chỉ trích ông Trump chà đạp Hiến pháp.
Những cáo buộc của John Bolton trong cuốn sách của ông đã khiến Donald Trump tức giận - Ảnh minh họa
Ngay trong đảng Cộng hòa đã hình thành nhóm Lincoln Project để ngăn ngừa ông Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Mùa hè này hứa hẹn vài ba cuốn sách chứa những yếu tố không có lợi cho ông Trump như cuốn hồi ký của cựu cố vấn an ninh John Bolton hay của cháu ruột tổng thống Mary Trump.
Ủng hộ nhưng xin đừng làm ngơ trước sự thật để bênh vực bằng mọi cách.
Để ủng hộ Donald Trump nhiều người Việt đang cố gắng tự đầu độc mình và cộng đồng bằng tin giả.
Từ chuyện Joe Biden quỳ trước hòm của George Floyd ; bốn cảnh sát bị người biểu tình giết ; đập phá nghĩa trang, bia tưởng niệm ; chủ tiệm nail bị người da đen hiếp dâm ; hay việc Trump vận động ở Tulsa có hàng trăm ngàn người tham dự…
Ủng hộ hay không với Donald Trump đó chuyện bình thường trong xã hội dân chủ. Nhưng đừng vì ủng hộ hay phản đối mà phát tán tin giả, bịa đặt, chứng minh bằng thuyết âm mưu, vu cáo, đấu tố người có suy nghĩ khác.
Điều này chỉ đem lại sự hả hê vì hạ nhục, miệt thị, đè bẹp được người khác. Tuy nhiên không thể hiện được một người biết tôn trọng sự thật, ứng xử văn minh, lại hành xử dân chủ méo mó và không hướng tới một xã hội tốt đẹp.
Cần để sự thật được phơi bày, các chính sách, cách làm việc của Donald Trump cần được phân tích dưới nhiều góc nhìn.
Tất cả để thấy được Tổng thống Mỹ hiện nay có đặt sức khỏe, ích lợi, an toàn của người dân, nước Mỹ lên hàng đầu hay không ? Và cường quốc số một thế giới như Mỹ hiện nay có còn là quốc gia trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế hay không ?
Đừng để yếu tố Donald Trump làm cho người ủng hộ và không ủng hộ trở nên khó chấp nhận nhau. Khoảng cách giữa hai nhóm này trong cộng đồng người Việt ngày càng xa.
Giữa một nước Mỹ chia rẽ thì với nhiều người khẩu hiệu "America first" không bằng Donald Trump first.
Võ Ngọc Ánh
Nguồn : BBC, 28/06/2020
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Võ Ngọc Ánh từ thành phố Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.
Nhà bình luận chính trị David Hutt nói rằng mục tiêu chiến tranh thương mại kế tiếp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ là Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đứng trước một lá cờ Việt Nam trong một buổi lễ đến Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2017. Ảnh : AFP / Jim Watson
Trong bài viết Trump's next trade war target : Vietnam , nhà báo làm việc tại Á Châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, cũng thường xuyên viết cho Asia Times, nhận định rằng Việt Nam rất có thể là mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của Trump.
Trả lời phỏng vấn với BBC Việt Ngữ hôm 21/7, ông David giải thích rõ hơn những lý do chính tại sao ông Trump xem Việt Nam như mục tiêu kế tiếp của cuộc chiến thương mại, cũng như Hà Nội có thể làm gì để giảm thiểu tối đa rủi ro này.
David Hutt : Có hai lý do. Việc định tuyến lại các sản phẩm của Trung Quốc qua Việt Nam là một điều mới, và khá nghiêm trọng, nhưng có lẽ đó không phải là mối quan tâm chính của chính phủ Hoa Kỳ - xét cho cùng, Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc chuyển sản phẩm của mình qua nhiều quốc gia khác, và đã làm như vậy ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, để tận dụng các thỏa thuận thương mại ưu đãi của quốc gia khác với Mỹ.
Nghiêm trọng hơn là thặng dư mậu dịch lớn mà Việt Nam có với Mỹ. Như tôi lưu ý trong bài viết, đã lên đến mức lớn nhất trong năm ngoái (khoảng 40 tỷ USD) và có thể tăng hơn trong năm nay, vì mới trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư đã đạt 21,6 tỷ USD.
Ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống, thặng dư mậu dịch là vấn đề lớn đối với ông - chúng ta nhớ rằng trong vài tháng đầu cầm quyền, ông Trump khá chống Việt Nam ; ông thường nhắc đến con số thặng dư mậu dịch khổng lồ của Việt Nam, nhiều hơn nhắc đến Trung Quốc lúc bấy giờ, và ông quyết định đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP, điều làm cho những người ở Hà Nội rất khó chịu.
BBC : Giới phản biện có thể lập luận rằng, những tuyên bố từ Trump, như ''Việt Nam lợi dụng chúng ta thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc"có thể chỉ là một trong những tuyên bố nhất thời, vì trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ sẽ cólợi hơn khi giữ mối quan hệ tốt với Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam không trộm cắp tài sản trí tuệ, do đó không làm tổn hại nhiều cho Mỹ như Trung Quốc. Ông nghĩ sao ?
David Hutt : Vâng, tôi có lưu ý trong bài viết rằng, theo các nguồn tin chính phủ mà tôi có được tại Việt Nam, mọi người thực sự không biết phải phản ứng như thế nào với bình luận của ông Trump. Với Trump, người ta luôn luôn phải đoán xem một bình luận ông đưa ra có phải là chính sách thực sự của Nhà Trắng không, hay chỉ là một phát ngôn mang tính cách thời điểm, hoặc Trump nghĩ rằng nếu ông nói điều gì đó thật kỳ quặc thì sẽ buộc người khác phải sửa đổi cung cách của họ.
Nếu chúng ta nhìn vấn đề với đôi mắt phân tích, thì những lời bình luận của ông Trump chắc chắn là kém ngoại giao và phi lý. Việt Nam không có chính sách cạnh tranh thương mại không công bằng như những chính sách bất công của Trung Quốc đối với thương mại Hoa Kỳ. Và Hà Nội chắc chắn sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Washington, ít nhất là trong quan hệ kinh tế. Vì vậy, không, Việt Nam không lợi dụng Mỹ tệ hơn Trung Quốc.
Hơn nữa, và đây là điều khiến cho những bình luận của Trump trở nên kỳ quái, là ít nhất từ năm 2011, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đặt ưu tiên và nuông chiều Việt Nam vì những phản đối của Việt Nam với sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Không có quốc gia Đông Nam Á nào được Washington trao cho nhiều ưu đãi như thế, và không có quốc gia nào trong khu vực có nhiều vấn đề chính trị như Việt Nam - chẳng hạn như hồ sơ nhân quyền khủng khiếp và việc bảo trì hệ thống độc đảng - những điều thường khiến cho Mỹ rất quan tâm đã được ngó lơ. Chỉ cần so sánh cách Mỹ phản ứng với các sự kiện chính trị ở Campuchia với Việt Nam chúng ta sẽ thấy.
Việt Nam thực sự có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Một cách đặc biệt, Trump thực sự đã làm theo chính quyền Obama trong các giao dịch với Việt Nam - điều này rất độc đáo, vì Trump có xu hướng làm ngược lại với Obama trong những lãnh vực khác - và thực tế ông Trump đã nâng quan hệ với Việt Nam lên cấp độ cao hơn, ngoại trừ trong vài tháng đầu nhậm chức. Tôi tin rằng ông Trump đã đến thăm Việt Nam ba lần. Ông gần như không bao giờ nói chuyện công khai về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong khi ông Obama ít nhất đã đề cập đến những vấn đề này. Và ông Trump cũng đã dành nhiều lời khen ngợi có lẽ hơi quá lời cho Hà Nội khi thủ đô nước này tổ chức cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vào tháng Hai.
Vì vậy, những bình luận gần đây của ông Trump không những chỉ bất thường, mà còn đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ với Việt Nam trong gần một thập niên qua. Cho nên, tôi cảm thấy những lời này đáng kinh ngạc - có lẽ do ông cố tình phát ngôn như thế để buộc Hà Nội giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ, và cũng có lẽ để thể hiện, theo cái kiểu của Trump, là ngay cả các đồng minh của ông cũng phải coi chừng.
BBC : Tuyên bố của ông Trump, cộng thêm việc Mỹ áp 400% thuế lên thép có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan gia công tại Việt Namdường như cũng khiến Việt Nam quan ngại. Theo ông thì Việt Nam đã làm đủ chưa để giảm thiểu xác suất có thể trở thành mục tiêu kế tiếp trong chiến tranh thương mại của ông Trump ? Ông khuyên Hà Nội nên làm gì thêm để khỏi trở thành mục tiêu này ?
David Hutt : Tôi cho là, như đã đề cập ở trên, bình luận của ông Trump và việc áp thuế - không phải là là những điều quá hệ trọng - được đưa ra để khiến cho Việt Nam tìm cách giảm thặng dư mậu dịch bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ. Những điều đó có lẽ cũng khiến Việt Nam suy nghĩ rõ hơn về vị trí của mình, là Việt Nam đứng ở đâu trong lúc Mỹ và Trung Quốc được xem như là đang ở trong một chiến tranh lạnh mới.
Nhân công tại một xưởng may ở Hà Nội. Nhiều nước Á Đông mong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp nước họ ở vào vị trí thuận lợi hơn
Điều tốt cho Việt Nam là việc điều chỉnh thặng dư mậu dịch sẽ dễ hơn việc giảm thiểu các sản phẩm của Trung Quốc được chuyển vào Mỹ qua Việt Nam nhiều. Muốn giảm thặng dư mậu dịch Việt Nam đơn giản chỉ phải mua thêm hàng hóa từ Mỹ (mọi người đều biết Washington đã vận động Việt Nam mua vũ khí quân sự từ Mỹ, thay vì từ Nga), trong khi giảm hàng Trung Quốc đi qua ngả Việt Nam vào Mỹ đòi hỏi phải tổ chức lại hải quan và biên giới, một điều khá khó khăn.
Có bằng chứng cho thấy là Hà Nội đang cố gắng giảm thiểu các sản phẩm Trung Quốc được chuyển qua Việt Nam để vào Mỹ. Quan trọng hơn, cũng có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều nhà lập pháp ở Việt Nam bắt đầu đặt câu hỏi tại sao họ phải chấp nhận đầu tư nhiều như vậy từ Trung Quốc - và liệu chất lượng chứ không phải số lượng có phải là cách tiếp cận tốt hơn. Mặc dù Việt Nam thường không cùng có quan điểm chính trị và địa chính trị với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, nhưng về kinh tế, cả hai nước rất thân thiết.
Nhưng nếu Việt Nam cố gắng thay đổi chính sách thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn như bằng cách trở nên kén chọn hơn về những khoản đầu tư mà họ chấp nhận, điều này sẽ làm hài lòng Mỹ. Nếu ông Trump hành xử hợp lý, ông sẽ cố gắng sử dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra để thu hút thêm sự ủng hộ cho Mỹ từ các nước Châu Á khác. Chúng ta không thể phỏng đoán là ông ấy chắc chắn sẽ hành xử đúng như thế, nhưng đe dọa sẽ biến Việt Nam thành mục tiêu kế tiếp của chiến tranh thương mại có thể là cách mà ông Trump buộc Hà Nội phải thay đổi để có cách tiếp cận thân thiện hơn với Hoa Kỳ.
Tina Hạ Giang
Nguồn : BBC, 22/07/2019
Tổng thống Trump nói Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc (RFA, 26/26/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa lên tiếng chỉ trích Việt Nam đã lạm dụng thương mại với Mỹ và ông nói Việt Nam là "nước lạm dụng kinh khủng nhất" liên quan đến thương mại không công bằng với Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại một hội nghị ở Washington DC hôm 26/6/2019 - Hình minh họa (AP)
Trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26/6, chỉ vài giờ trước khi lên đường dự Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã nói : "Gần như tất cả các nước trên thế giới đều lợi dụng Mỹ". Ông cũng nêu ra một loạt những tên nước mà ông cho là đang lợi dụng Mỹ bao gồm Việt Nam, Đức và Nhật Bản.
"Việt Nam thậm chí đối xử với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc", Tổng thống Trump phát biểu.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam không (tương tự như với Trung Quốc), Tổng thống Trump nói rằng Việt Nam là nước lợi dụng nhất dù Việt Nam đã mua nhiều than từ West Virginia, Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích đồng minh Đức là đã chậm trễ trong việc đóng góp vào ngân sách của NATO trong khi trả hàng tỷ đô la tiền khí đốt cho Nga.
Nói về Nhật Bản, Tổng thống Trump phát biểu : "Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ chiến đấu cuộc Chiến Thế giới thứ III. Chúng ta sẽ bảo vệ họ bằng chính sinh mạng và tiền của của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản sẽ không giúp chúng ta".
Nói về Trung Quốc, Tổng thống Trump cảnh báo nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị tổn thất nếu Trung Quốc không đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng do chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ mới đây đã áp 25% thuế lên 200 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Tổng thống Trump mới đây dọa rằng Hoa Kỳ sẽ có thể sẽ áp thêm thuế lên những hàng hóa còn lại của Trung Quốc, ước tính là khoảng hơn 300 tỷ đô la.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo những nước trong khối ASEAN cũng sẽ tham dự Thượng đỉnh G20 lần này diễn ra từ ngày 28 đến 29/6 ở Osaka, Nhật Bản.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đạt trên 47 tỷ đô la, tăng hơn 14% so với năm trước đó. Xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 2018 là gần 35 tỷ đô la.
***************
Trump đả kích Việt Nam là 'kẻ lạm dụng' thương mại (VOA, 26/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc", Tổng thống Trump nói hôm thứ Tư.
Ông đưa ra những phát biểu này trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business mà trong đó ông bình luận về một loạt vấn đề kinh tế, vài tiếng trước khi ông lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị của Nhóm 20 cường quốc kinh tế.
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc", tổng thống nói, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng.
"Ông có muốn đánh thuế Việt Nam không ?" người dẫn chương trình Maria Bartiromo đặt câu hỏi.
"Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam", ông Trump trả lời. "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người".
"Giờ họ đang mua than đá từ West Virginia, điều này làm tôi hài lòng", ông nói thêm.
**********************
Hai chiếc trực thăng thương mại đầu tiên của Mỹ đã được bàn giao cho phía Việt Nam, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Daniel Kritenbrink, nói rằng đây là "một mốc quan trọng".
Ông David Sale, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Bell, mới cho VOA tiếng Việt biết rằng Công ty trực thăng miền bắc, vốn thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, mua hai chiếc trực thăng Bell 505 để phục vụ cho dịch vụ du lịch ở Vịnh Hạ Long, và nói rằng đây là hợp đồng "quan trọng" đối với cả hai bên.
"Hàng không là một ưu tiên hàng đầu cho cả Mỹ lẫn Việt Nam. Bell có lịch sử lâu đời về việc đổi mới, và sự hợp tác giữa Bell và Công ty trực thăng miền Bắc, một doanh nghiệp điều hành trực thăng hàng đầu, sẽ định hình tương lai của chúng tôi ở Việt Nam", ông Sale nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt ngữ, Bell 505 là loại trực thăng 5 chỗ ngồi sử dụng "công nghệ hàng không tiên tiến", với giá thành hơn một triệu đôla một chiếc.
Ngoài Việt Nam, ông Sale cho biết rằng các nước khác cũng sử dụng trực thăng này gồm Campuchia, Indonesia và Australia. Không chỉ sản xuất trực thăng thương mại, tập đoàn Bell còn bán cả các máy bay lên thẳng quân sự.
Công ty trực thăng miền Bắc nói trên trang web của mình rằng doanh nghiệp nhà nước này "có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ trực thăng" phục vụ du lịch, chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, thăm dò và khai thác dầu khí cũng như tìm kiếm cứu hộ.
Công ty này cho biết "đang sở hữu đội tàu bay trực thăng tiên tiến, hiện đại" từng mua của Nga và Châu Âu như Mi-17 và EC-155B1.
Viết trên Facebook của Đại sứ quán Mỹ, đại sứ Kritenbrink nói rằng "dù đã có trực thăng Mỹ ở Việt Nam trong những năm gần đây, song đây là lần đầu tiên có giao dịch thương mại".
"Tôi muốn chúc mừng Bell và các đối tác của họ về thỏa thuận này. Tôi cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho một sự hợp tác kinh tế lớn hơn nhiều trong thời gian sắp tới", nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam nói.
Theo VietNamNet, Bell 505 "là dòng trực thăng hiện đại đầu tiên của Mỹ được Việt Nam biên chế kể từ sau khi kết thúc chiến tranh". Báo điện tử này viết thêm rằng "không quân Việt Nam vẫn đang duy trì hoạt động của trực thăng UH-1 của Mỹ, vốn là chiến lợi phẩm sau năm 1975".
Việc mua bán trên được thực hiện trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ mới xác nhận rằng Hoa Kỳ "cung cấp" cho Việt Nam máy bay huấn luyện T-6 cũng như đào tạo phi công quân sự Việt Nam để giúp quốc gia cựu thù tăng cường "khả năng phòng thủ".
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái khẳng định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Viễn Đông
********************
Hồi hương hơn 700 bộ hài cốt quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (RFA, 26/06/2019)
Đã có hơn 700 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam đã được tìm thấy trong suốt hơn 30 năm qua.
Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ ở sân bay Đà Nẵng hôm 25/6/2019 - Courtesy of FB U.S. Embassy in Hanoi
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ hôm 24/6 cho biết, với sự hợp tác của Văn phòng tìm kiếm người mất tích Việt Nam và Cơ quan tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), đã có 727 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ được tìm thấy từ năm 1985 đến nay.
Từ ngày 9/5 đến này 23/6, một đội tìm kiếm hỗn hợp gồm các chuyên gia quân sự và dân sự Hoa Kỳ và Việt Nam đã tìm được một bộ hài cốt quân nhân Mỹ. Các nhà khoa học pháp y hai nước đã kiểm tra bộ hài cốt và khuyến nghị đưa bộ hài cốt tới phòng giám định của DPAA ở Hawaii để kiểm tra thêm.
Một lễ hồi hương hài cố quân nhân Mỹ vừa được tổ chức vào sáng ngày 25/6 tại Đà Nẵng. Đây là lần hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 150
Theo Đại sứ quán Mỹ, có tổng cộng 1.246 quân nhân Mỹ hiện vẫn chưa được tìm thấy sau chiến tranh Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt vào tháng 4 năm 1975. Cuộc chiến đã khiến khoảng 3 triệu người Việt và 58.000 người Mỹ thiệt mạng.
Bắc Hàn có thể thử hạt nhân trở lại (BBC, 16/03/2019)
Thứ trưởng ngoại giao Choe Sun-hui của Bắc Hàn nói Mỹ đã ném đi 'một cơ hội vàng' tại Thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.
Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un - Ảnh minh họa (Soha)
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có thể phá vỡ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, bà Choe Sun-hui nói.
Bắc Hàn đã đề nghị dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân chính tại Yongbyon.
Nhưng các cuộc đàm phán thất bại sau khi ông Trump từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trừ khi Bắc Hàn phá hủy tất cả các địa điểm hạt nhân của nước này.
Bắc Hàn đã nói gì ?
Ông Kim chuẩn bị đưa ra thông báo chính thức về lập trường của mình liên quan đến các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ, bà Choe nói tại Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi không có ý định nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, chúng tôi cũng không sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán kiểu này", bà nói với các phóng viên ở Bắc Hàn, theo Thông tấn xã Tass của Nga.
Bà cáo buộc Hoa Kỳ có lập trường "giống như xã hội đen", theo Associated Press, nhưng nói thêm rằng "quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo vẫn tốt".
Bà Choe nói rằng yêu cầu của Bắc Hàn trong Thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam là Mỹ gỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt kinh tế, chứ không phải tất cả, như ông Trump nói sau khi cuộc đàm phán thất bại.
"Điều rõ ràng là Mỹ đã vứt bỏ một cơ hội vàng lần này", bà nói. "Tôi không rõ tại sao Hoa Kỳ lại diễn giải khác đi như vậy. Chúng tôi không bao giờ yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt".
Lập trường của Mỹ
Thứ trưởng ngoại giao Bắc Hàn, bà Choe Sun-hui tại Thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội 2/2019
Ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rõ ràng sau cuộc hội đàm hồi tháng Hai rằng các quan chức Bắc Hàn đã yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt.
"Họ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó", ông Trump nói với các phóng viên. "Đôi khi bạn phải từ chối và lần này là vậy", ông nói.
Tại Washington tuần này, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Bắc Hàn, ông Stephen Biegun, nói rằng các chinh sách ngoại giao vẫn "đang được thúc đẩy", mặc dù ông không nói có phải hai bên đã có bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ Thượng đỉnh lần hai, hoặc đã phác thảo bất kỳ kế hoạch nào cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tại Singapore năm ngoái, trong một hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một lãnh đạo Bắc Hàn. Cuộc gặp lần hai của ông Trump và ông Kim được tổ chức vào tháng Hai tại Hà Nội.
Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, ông Trump nói rằng không có kế hoạch nào cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba, nhưng ông bày tỏ sự lạc quan về một "kết quả tốt" trong tương lai.
Cánh cửa ngoại giao vẫn mở
Laure Bicker, phóng viên BBC Seoul
Vậy thì, điều này có nghĩa sẽ lại có "lửa và giận dữ" ? Không hẳn. Có thể chiến thuật của Bắc Hàn là để mong có phản ứng từ Mỹ. Bình Nhưỡng nhận thức được rằng Donald Trump đã khoe khoang về khả năng khiến ông Kim ngừng phóng tên lửa và ngừng thử hạt nhân.
"Miễn là không thử vũ khí hạt nhân", ông Trump nói, "Tôi không vội vàng".
Sau khi hai nhà lãnh đạo không đưa ra được một thỏa thuận chung nào tại Thượng đỉnh ở Hà Nội và các biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn còn đó, Bắc Hàn có thể đang cố gắng để đưa ông Trump trở lại bàn đàm phán với một thỏa thuận tốt hơn.
Điều đáng chú ý là bà Choe Sun-hui vẫn ca ngợi mối quan hệ cá nhân giữa Kim Jong-un và Donald Trump. Vì vậy, cánh cửa ngoại giao vẫn mở. Thay vào đó, bà đổ lỗi cho Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc giaJohn Bolton vì đã làm cho lập trường của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.
Bắc Hàn cũng có những cá nhân theo đường lối cứng rắn, những người có thể cho rằng chuyến tàu kéo dài 120 giờ của Kim Jong-un tới Hà Nội và quay về Bắc Hàn là một thất bại. Thông báo này cho họ, cùng với chính quyền Trump, biết rằng, ông Kim rất kiên định.
******************
Triều Tiên đo phản ứng của Mỹ trước khi có bước kế tiếp (VOA, 16/03/2019)
Triều Tiên đang xem xét đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ và cân nhắc lại một lệnh cấm các cuộc thử hạt nhân và tên lửa trừ khi Washington nhượng bộ, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố hôm 15/3.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton được cho là người có lập trường cứng rắn với Triều Tiên
Phía Triều Tiên đổ lỗi rằng các quan chức cấp cao của Mỹ ‘tạo ra môi trường thù địch và thiếu tin tưởng’ dẫn tới sự đổ vỡ của thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội vào tháng trước, đồng thời cảnh báo rằng họ có thể sẽ suy nghĩ lại về chuyện tạm ngưng các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân.
Phát biểu ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ mong muốn tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng và ‘hết sức mong chờ’ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn giữ đúng cam kết không nối lại các cuộc thử hạt nhân và tên lửa.
Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tố cáo "lập trường hành xử như lưu manh của Mỹ" "đe dọa tình hình".
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton phát biểu với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng rằng : "Tôi nghĩ điều đó không chính xác".
Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì nói với báo giới rằng đây không phải là lần đầu tiên ông bị Triều Tiên gọi là ‘lưu manh’. "Và sau đó chúng tôi tiếp tục có cuộc đối thoại rất chuyên nghiệp… Tôi hoàn toàn tin rằng chúng tôi vẫn tiếp tục như vậy", ông nói.
Ông cũng nói rằng trong tuyên bố của Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán.
"Mong muốn của chính quyền là chúng tôi tiếp tục đàm phán về vấn đề này", ông Pompeo nói. "Như Tổng thống đã nói khi ông ở Hà Nội, đề xuất họ đưa ra, đơn giản là không đến mức độ có thể chấp nhận được, xét trên những gì mà họ đòi để đáp lại".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết nhiều lần với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội rằng ông sẽ không nối lại các vụ thử hạt nhân hay tên lửa, ông Pompeo cho biết. "Đó là lời của Chủ tịch Kim. Chúng tôi hết sức trông chờ ông ấy sẽ giữ đúng cam kết".
Lời phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên thể hiện giọng điệu trước đây của Bình Nhưỡng tại những thời điểm căng thẳng trong việc đối phó với Washington.
Chuyên gia về Triều Tiên Joshua Pollack tại Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Monterey, California, cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang đưa ra tối hậu thư.
Ông Joel Wit thuộc tổ chức ‘38 độ Bắc’ nhận định Triều Tiên nhiều khả năng trở nên cứng rắn hơn sau khi thượng đỉnh Hà Nội sụp đổ. "Họ có thể đang đo lường phản ứng của Mỹ trước khi đưa ra quyết định phóng tên lửa", ông nói.
Hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động : những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 10 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh "ngoại viện" gần như đóng lại.
Nguyễn Phú Trọng có gỡ khỏi ‘công bằng và đối ứng’ ?
Nhiều khả năng, và trên thực tế tương quan quyền lực nội bộ đảng hiện nay thì cũng chẳng còn khả năng nào khác, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao’ để công du Mỹ, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Vương Đình Huệ vào cuối tháng Sáu năm 2018.
Nguyễn Phú Trọng sẽ làm thế nào để gỡ khó từ ràng buộc ‘công bằng và đối ứng’ của Trump ?
Trong cuộc gặp Trump – Phúc tại Mỹ vào tháng Năm năm 2017, không những không đề cập gì đến "Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ", Trump lại xoáy vào một vấn đề cực kỳ khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam : trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng hôm 31/5/2017, Tổng thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại ‘lớn’ với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ ‘sớm được cân bằng’. Ngay trước đó, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.
Ngay trong năm 2017 và đến đầu năm 2018 đã mở đầu bằng hàng loạt "điềm xấu" dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ : Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn 25%.
Đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ "tình yêu" đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ "siết nợ". Ảnh : VTC News
Riêng tôm – mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường Mỹ – sẽ phải chịu thuế cao gấp 21 lần so với trước đây. Cộng hưởng với việc bị Liên minh Châu Âu "rút thẻ vàng" đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló "thẻ đỏ", kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể, so với doanh số năm 2017.
Vào năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD. Nếu biện pháp đánh thuế tôm lên hơn 25% được Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết áp dụng, chắc chắn giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ còn giảm sút thê thảm, dẫn đến khả năng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018 bị sụt giảm so với năm 2017 đang ngày càng hiện rõ, càng khiến rệu rã chân đứng của chế độ chính trị này.
Dù trong năm 2017, hàng Việt Nam đã lập kỷ lục xuất siêu vào thị trường Mỹ lên tới khoảng 35 tỷ USD và vào thị trường Châu Âu đến khoảng 25 tỷ USD – những con số cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải nhập siêu đều đặn từ "bạn vàng" Trung Quốc gần 30 tỷ USD/năm theo đường chính ngạch, chưa kể đường tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD/năm. Nhưng rõ là người thay thế tổng thống cũ Obama đã không còn dành nhiều ưu ái cho Việt Nam.
Tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia "gây hại" cho nền kinh tế Mỹ, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ "tình yêu" đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ "siết nợ" thông qua nội dung "hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng".
Nhưng vẫn chưa hết. Trump luôn là một ẩn số khó đoán định. Không hề ưu ái Việt Nam, vị tổng thống này đang trở thành trong những nhà chính trị thực dụng nhất trên thế giới.
Dấu hỏi lớn là sau "công bằng và đối ứng" về thép, nhôm và tôm, Trump sẽ còn có thêm những chế tài thương mại nào đối với Việt Nam ?
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ "siết" các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành "nạn nhân", đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Vào năm 2015, Nguyễn Phú Trọng phải lần đầu tiên ‘xuất tướng’ sang Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, mà kẻ hưởng lợi phía sau đương nhiên là ngân sách đảng cầm quyền của ông ta trong bối cảnh sắp hết tiền, được tham gia và Hiệp định TPP. Còn vào năm 2018 này, ngân sách nuôi đảng của Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cạn kiệt và có thể lao xuống vực xoáy nguy hiểm của nạn vỡ nợ. Cần phải gấp rút tìm ra lối thoát cứu đảng và cứu vãn chế độ mà hơi thở của nó có lẽ chỉ còn kéo dài từng năm này.
Liệu với gợi ý ‘sẽ cải cách’ và hứa hẹn ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’ mà chẳng có bất kỳ bản thuyết minh chi tiết nào kèm theo, Nguyễn Phú Trọng có dễ dẫn dụ Donald Trump mở hầu bao viện trợ và đối ứng thương mại ?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 03/07/2018
Thương mại thế giới náo loạn vì Donald Trump
Washington chuẩn bị ban hành sắc lệnh áp thuế nhôm - thép phá vỡ "khung thương mại" do chính Hoa Kỳ đã lập ra. Việc cố vấn kinh tế của tổng thống Trump từ chức đẩy mậu dịch toàn cầu vào một tương lai vô định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp về tăng thuế nhôm-thép vào Mỹ tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/03/2018. Reuters/Kevin Lamarque
Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : Việc cố vấn kinh tế của tổng thống Donald Trump từ chức phản đối chính sách bảo hộ làm náo loạn Nhà Trắng, đảo lộn thế cân bằng trong dàn cố vấn của lãnh đạo Mỹ trên một hồ sơ quan trọng. Phe chủ trương đẩy mạnh giao thương quốc tế với những gương mặt hàng đầu như ngoại trưởng Rex Tillerson, bộ trưởng quốc phòng James Mattis hay cố vấn kinh tế Gary Cohn bị suy yếu.
"Chủ trương bảo hộ chia rẽ Nhà Trắng", tựa một bài báo trên Libération. Le Figaro đưa tin "Phe ôn hòa trong Nhà Trắng yếu thế". Thêm một cộng tác viên thân cận của tổng thống Trump giũ áo ra đi. Le Monde nói tới "một sự chảy máu" về nhân sự ở phủ tổng thống.
Nhưng không chỉ có thế. Sự ra đi của ông cố vấn kinh tế Gary Cohn là một dấu hiệu cho thấy thế giới cận kề một cuộc chiến tranh thương mại.
Les Echos phân tích : có lẽ hồ sơ duy nhất mà từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không hề thay đổi ý kiến là bảo hộ mậu dịch. Từ thép của Trung Quốc đến máy bay và gỗ nhập của Canada, từ máy giặt Hàn Quốc đến xe hơi Châu Âu... đều trong tầm ngắm của lãnh đạo Hoa Kỳ. Donald Trump không chỉ tăng thuế nhập khẩu, mà còn muốn phá vỡ luôn cả luật chơi thương mại từng do chính Hoa Kỳ đặt ra 70 năm về trước.
Vì muốn dành ưu tiên cho các thỏa thuận song phương thay vì đa phương, Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông cũng là người ngăn chặn việc cho bổ nhiệm ba trong số bảy thẩm phán của tòa án trọng tài thuộc Tổ chức Thương mại có trọng trách giải quyết các xung đột giữa các thành viên. Donald Trump đang đẩy thương mại thế giới vào hoàn cảnh "hỗn loạn chưa từng thấy từ nhiều thế kỷ qua".
"Thế giới trong tình trạng hỗn loạn" cũng là cụm từ được Libération sử dụng trong bài viết mang tựa đề "Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng đọ sức với Trump" để trả đũa đòn Washington áp thuế nhôm-thép.
Tờ báo cho rằng, tổng thống Hoa Kỳ dùng "nhầm vũ khí để giải quyết một vấn đề có thực", chính vì vậy mà Liên Hiệp Châu Âu phản ứng mạnh mẽ và dọa trả đũa đích đáng, tức là đánh thuế vào quần Jean Levi's, vào rượu whisky Bourbon hay bơ đậu phộng của Mỹ nhập vào thị trường Châu Âu.
TPP hồi sinh
Le Monde dành một bài báo dài nói về một Thỏa thuận Thương mại xuyên Thái Bình Dương được hồi sinh. Nhà báo Marie de Vergès nhắc lại những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP - được 11 nền kinh tế cùng ký kết tại Chile.
Washington để ngỏ khả năng đàm phán để gia nhập câu lạc bộ này kèm theo một số điệu kiện. Có điều chính quyền Trump thiên về những thỏa thuận song phương, mà trước mắt "không một quốc gia nào muốn một mình đàm phán với Mỹ".
Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute tại Washington đánh giá : với CPTPP giữa 11 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương, các doanh nghiệp Mỹ phải "đứng ngoài một tổ chức mà trớ trêu thay, do Hoa Kỳ từng là một trong những nhà kiến trúc". Rồi đây, với CPTPP, doanh nhân Mỹ mất lợi thế trên thị trường Nhật Bản so với các hãng của Canada hay Mexico.
Vì sao Kim Jong-un chọn giải pháp hòa hoãn ?
Tên tuổi người đàn ông thứ nhì xuất hiện nhiều trên các trang báo Paris trong ngày là Kim Jong-un. Kim Jong-un "mở mặt trận ngoại giao", tựa của Le Figaro.
Le Monde trên trang nhất đăng ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên tiếp phái đoàn cao cấp của Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng. Bên trên là hàng tựa : "Vì sao Kim Jong-un hòa hoãn ?".
Ở trang trong, nhà báo Philippe Pons giải thích : ông Kim "cũng muốn thoát khỏi tình trạng bế tắc". Dù có khả năng chống chọi với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của quốc tế, Bắc Triều Tiên bắt đầu mệt mỏi. Bình Nhưỡng sưởi ấm quan hệ với Seoul nhằm "nới lỏng gọng kềm" của quốc tế.
Yếu tố thứ nhì là sau một loạt các vụ thử nghiệm, Bắc Triều Tiên đã buộc cả thế giới, đứng đầu là Mỹ, phải công nhận khả năng răn đe của chế độ được cho là còn rất khép kín này. Giờ đây, Bình Nhưỡng có thể tự cho phép thông báo "tạm ngưng các vụ thử nghiệm" trong lúc diễn ra đàm phán.
Trong mọi trường hợp, theo lời một chuyên gia về hạt nhân Bắc Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Sejong tại Seoul, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ các chương trình hạt nhân vì ba lý do : Một là không có vũ khí hạt nhận, an ninh của Bắc Triều Tiên dễ bị đe dọa. Hai là trang bị vũ khí nguyên tử ít tốn kém hơn so với việc trang bị các loại vũ khí quy ước. Sau cùng từ bỏ tham vọng hạt nhân có thể hiểu như một tín hiệu mềm yếu của bản thân Kim Jong-un.
Philippe Pons kết luận : Điều chắc chắn là thái độ hòa hoãn của Bình Nhưỡng đang khiến chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên thêm nan giải.
Nga và Trung Quốc, điểm tựa của Hàn Quốc ?
Trong bối cảnh hai nước Triều Tiên giành lại quyền tự định đoạt lấy tương lai, Seoul giữ khoảng cách với đồng minh truyền thống là Washington, Le Figaro nhận định : trên bàn cờ quốc tế, "nhà độc tài trẻ" Bắc Triều Tiên từng được đào tạo ở Thụy Sĩ này đang làm tổng thống Hoa Kỳ bối rối.
Các chiến lược gia ở Washington còn hoài nghi về thiện chí của Bình Nhưỡng. Biết đâu, tổng thống Moon "có thể trông chờ vào Nga và Trung Quốc" làm hạ nhiệt tình hình bán đảo Triều Tiên.
Mục tiêu lâu dài của Kim Jong-un là làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, chấm dứt các đợt tập trận chung giữa hai đồng minh truyền thống này và sau cùng là đẩy 28.500 lính Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Một cách gián tiếp, tác giả bài báo muốn nói là Trung Quốc và Nga tán đồng cả ba mục đích mà Bình Nhưỡng hướng tới.
Có một điều chắc chắn là trước mắt, việc Seoul - Bình Nhưỡng nối lại đường dây điện thoại đỏ "tạm thời xua tan đe dọa kịch bản đánh phủ đầu và đang làm dấy lên hy vọng quốc tế giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên".
Kim Jong-un, không chỉ là một "Rocket man" như biệt danh mà tổng thống Mỹ Donald Trump dành tặng cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, mà nhân vật số 1 ở Bình Nhưỡng còn là một "chiến lược gia" tầm cỡ.
Nữ ứng cử viên tổng thống Nga duy nhất
Trở lại với những bài báo nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, La Croix phác họa chân dụng nữ ứng cử viên tổng thống Nga duy nhất, đương đầu với Vladimir Putin, là Ksenia Sobtchak.
Năm nay 36 tuổi, Ksenia Sobtchak là con gái cố thị trưởng thành phố Saint Petersburg. Ông này là người từng đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của Vladimir Putin. Thành danh trong làng giải trí, Ksenia từng được mệnh danh là con búp bê của đài truyền hình. Thuở bé, cô từng thấy Vladimir Putin rất thường xuyên lui tới trong gia đình, khi còn là "cộng tác viên và dưới quyền của cha cô là Anatoli Sobtchak". Những người xấu miệng cho rằng, cô gái tóc vàng Ksenia Sobtchak là "một ứng cử viên được điện Kremlin điều khiển từ xa".
Bình đẳng nam nữ, mục tiêu còn xa vời
Để đánh động công luận về phân biệt đối xử - nam nữ tại Pháp, báo Libération đặc biệt có hai giá báo khác nhau. Bán cho phụ nữ chỉ có 2 euro, và 2,5 euro cho các ông. Tờ báo giải thích : "Đây không phải để phạt nam giới mà chỉ nhằm xoáy vào cách biệt về mức lương giữa hai giới tính. Cùng công việc, cùng bằng cấp, lương phụ nữ thấp hơn so với các đồng nghiệp nam 25%". Les Echos chạy trang nhất : "Tổng thống Macron hứa bình đẳng về mức lương", một mục tiêu tờ báo đánh giá là "đầy tham vọng".
Bạo hành với phái đẹp
Le Figaro nhân ngày 8 tháng 3 dành trang nhất để nói về "dư âm từ vụ án Weinstein" trước hiện tượng phụ nữ bị bạo hành. Xã luận của tờ báo không phủ nhận những đóng góp của các phong trào bảo vệ nữ giới, của những sáng kiến từ các hội đoàn, từ những cá nhân... vạch trần những hành vi khiếm nhã dưới mọi hình thức của phái nam. Nhưng theo Le Figaro thì chìa khóa cho phép chấm dứt hiện tượng tiêu cực đó, là giáo dục. Le Monde đưa ra cùng quan điểm : Giáo dục là chìa khóa chống các hình thức kỳ thị và phân biệt giới tính.
Công trình dài hơi đó phải được thực hiện từ rất sớm, gần như là từ khi đứa trẻ mới lọt lòng. Không thể dậy cho con gái những đức tính như là dịu dàng, nhẫn nhục, hòa nhã... Còn con trai thì phải hùng, dũng, xông pha... Thậm chí, một số sách dành cho trẻ nhỏ bị chỉ trích là đưa ra một cái nhìn sai lệch về vai trò của nữ giới. Tại sao những nghề như cảnh sát, phi công, lính cứu hỏa... lại chỉ hướng về mấy cậu con trai ? Còn con gái thì được đọc sách về thần thoại, thiên nhiên, và được hướng về những ngành nghề như làm cô giáo, hay y tá ?
Tôn giáo không là lá bùa hộ mệnh cho phụ nữ
La Croix dành ba trang báo nhường lời cho những sáng kiến san bằng "bất bình đẳng" nam nữ. Người thì cho rằng, giải pháp hay nhất là bắt các ông tham gia nhiều hơn vào công việc nhà, vào việc dậy dỗ con cái. Người thì coi việc bảo đảm cho nữ giới độc lập về mặt tài chính là thượng sách. Nhưng có rất nhiều tiếng nói quan niệm, kiến thức và học vị là hai lá chắn khá hiệu quả, giới hạn rủi ro phụ nữ bị bạo hành hay bị lạm dụng.
Les Echos, trong một bài báo nhỏ mang tựa đề "Làn sóng phản kháng từ các nữ tu sĩ tại Vatican" cho biết, trong số báo gần đây nhất, nguyệt san Femmes Eglise Monde, tạm dịch là Phụ nữ Giáo hội Thế giới, được ấn bản chung với hãng thông tấn của Tòa Thánh, ba nữ tu sĩ lên tiếng về hiện tượng trọng nam khinh nữ trong Giáo hội Công giáo. Các vị nữ tu bị bóc lột. Nhiều người phải nhận lấy những công việc như là dọn bữa điểm tâm cho các "cha", quét dọn tu viện, giặt chăn màn... mà không được trả lương và giờ giấc làm việc của họ cũng không được ấn định rõ ràng như những quy định về luật lao động trong đời thường ngoài xã hội.
Hiện tượng bất bình đẳng về giới tính đã len lỏi vào cả các tu viện !
Thanh Hà
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có bài viết trên báo Nhân Dân của Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm 10/11, kêu gọi hai nước làm việc cùng nhau để kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng trên biển Đông, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại đối thoại Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC ở Đà Nẵng hôm 10/11/2017 - AFP
Bài viết của Chủ tịch Tập Cận Bình có đoạn ‘chúng ta cần xuất phát từ đại cục cải cách, phát triển, ổn định của mỗi nước và hữu nghị Trung – Việt, kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được’.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi hai bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tích cực thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực biển Đông, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng hồi năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước. Sau đó lãnh đạo hai nước đã có các cuộc gặp làm giảm căng thẳng.
Hồi giữa năm nay, Trung Quốc cũng gây sức ép buộc Việt Nam phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi. Sau đó Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Sa khiến Việt Nam phải lên tiếng phản đối.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói đến tình hữu nghị hai nước. Ông viết ‘nhân dân hai nước kề vai chiến đấu, chi viện lẫn cho nhau, đã kết nên tình hữu nghị nồng thắm vừa là đồng chí, vừa là anh em trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc của mỗi nước’.
Ông dẫn chứng là trong cuộc chiến Việt Nam, Trung quốc đã giúp đỡ vô tư cho Việt Nam. Ông trích câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông rằng ‘700 triệu người dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam’.
Chủ tịch Trung Quốc cũng ca ngợi thương mại song phương giữa hai nước với kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt 100 tỷ đô la, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, điển hình là tập đoàn Thiên Hồng, kinh doanh ở Bắc Ninh đã xây dựng nhà máy và tạo hơn 7.000 việc làm tại địa phương.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng một lần nữa khẳng định trong bài viết của mình quan hệ giữa hai nước trên tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, và kêu gọi hai nước cần giữ gìn và phát triển quan hệ hai nước, thúc đẩy sự nghiệp chủ nghĩa xã hội.
********************
Việt Nam có nhận được hậu thuẫn của Donald Trump ? (RFI, 10/11/2017)
Sau thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 11/11/2017 trước khi đi Philippines dự thượng đỉnh Đông Á. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với những bận tâm của chính quyền Việt Nam vì Hà Nội cho rằng chính quyền mới của Mỹ chưa làm hết sức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên chiếc Air Force One rời Trung Quốc lên đường đến Việt Nam, ngày 10/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Theo bài viết trên The Diplomat (08/11/2017) của nhà báo Bennett Murray, phụ trách văn phòng của Deutsche Presse-Agentur tại Hà Nội, ông Trump sẽ không hoàn toàn giữ vị trí trọng tâm trong tuần này. Nguyên thủ nhiều cường quốc trên thế giới sẽ có mặt tại Đà Nẵng, một ngày trước chuyến thăm chính thức của tổng thống Mỹ, để tham dự diễn đàn APEC thường niên, trong đó sẽ có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như thủ tướng của nhiều nước trong APEC.
Vừa mới củng cố thêm quyền lực sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam sau thượng đỉnh APEC.
Mọi ánh mắt trong nước đổ dồn vào hai chuyến viếng thăm cấp cao nhất vì Việt Nam cố gắng khai thác cả hai cường quốc để duy trì cam kết không liên kết có từ lâu. Theo đánh giá của ông Lê Đăng Doanh, một cựu cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ, "chuyến công du chính thức của tổng thống Donald Trump tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam để giữ cân bằng sức mạnh trong vùng, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc trỗi dậy từ sau Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 19".
Còn ông Nguyễn Quang A, một doanh nhân nghỉ hưu và là một nhà hoạt động ly khai, cho rằng bất chấp tình trạng nhân quyền tại Việt Nam mà ông là một nhà đấu tranh tích cực, mối bận tâm của mọi người là Hà Nội và Wasshington duy trì mối quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tỏ ra táo bạo hơn. Ông cho biết : "Chúng tôi đã có kinh nghiệm từ lâu, lâu lắm rồi… Chúng tôi phải chống cự chính sách bành trướng (của Trung Quốc), và tôi nghĩ, nếu Việt Nam có thể có được sự ủng hộ của các nước khác, như Nhật Bản, Mỹ, thì sẽ rất tốt".
Tuy nhiên, ông Quang A tỏ ra lo ngại rằng tổng thống Trump sẽ ít dấn thân vào quan hệ song phương : "Chúng tôi sợ rằng các chính sách của Trump không tốt đẹp cho lắm vì ông là một doanh nhân, nên các chính sách của ông có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh doanh, thương mại…". Ông Quang A cũng sợ rằng Việt Nam sẽ bị Trump sử dụng như một quân cờ để thúc đẩy một chương trình nghị sự không liên quan gì đến tương lai của vùng Đông Nam Á. Ông nói thêm : "Việt Nam đã bị các nước khác bán đi bán lại nhiều lần, vì thế chúng tôi phải nghĩ đến những khả năng xấu".
Việt Nam và hai cựu thù
Nhà báo Đức nhắc lại, mối thù của Việt Nam với Trung Quốc có từ thời xa xưa. Miền Bắc Việt Nam từng bị nhà Hán đô hộ vào thế kỷ II-TCN, cho đến nhà Minh vào thế kỷ XV.
Các huyền thoại chống xâm lược Trung Quốc đã ăn sâu tại Việt Nam với những con phố mang tên các anh hùng dân tộc thời xưa. Ký ức về cuộc chiến biên giới 1979, khiến vài chục nghìn người chết ở cả hai phía chỉ trong vòng 1 tháng, vẫn còn hằn sâu và các tranh chấp đang diễn ra liên quan đến các hòn đảo ngoài khơi Biển Đông được cho là sự tiếp tục của mối hiềm khích thường xuyên. Trung Quốc đòi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nổi tiếng là giầu nguồn nhiên liệu hoá thạch.
Theo ông Quang A, nghi ngờ Trung Quốc là thói quen ở Việt Nam : "Ông Tập thường nói với thế giới rằng họ phát triển một cách hoà bình, họ không chủ ý làm hại ai hết, nhưng quan hệ với Trung Quốc, bạn phải hiểu được toàn bộ mối quan hệ. Bạn phải thận trọng với những gì họ nói, vì những gì họ nói hoặc đã nói là rất, rất tốt đẹp, nhưng hành động thực tế lại hoàn toàn ngược lại".
Tuy nhiên, vẫn theo ông Quang A, một mức độ thân thiện với Bắc Kinh là điều cần thiết trong thực tiễn địa lý vì "một mặt, Trung Quốc vẫn ở đó, là láng giềng của chúng tôi. Không thể di chuyển Việt Nam sang chỗ khác, vì vậy phải có quan hệ tốt với Trung Quốc. Nhưng đồng thời, chúng tôi phải kháng cự hành động của họ ở Biển Đông, và có thể không chỉ ở trên biển, mà còn cả trên đất liền nữa".
Trong khi đó, Hoa Kỳ lại được đánh giá cao ở Việt Nam, 84% người dân tin vào Mỹ theo tham khảo của Pew được công bố vào tháng 06/2017. Thậm chí, 58% người dân Việt tin tưởng vào tổng thống Donald Trump ; đây là tỉ lệ khá cao so với thế giới. Mối quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam hiện cũng được ủng hộ trong giới chính trị gia Washington ; tại đậy, ủng hộ Hà Nội ít bị phản đối hơn trong thế kỷ 21.
Theo nhận định của ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Washington và là chuyên gia về chính sách quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương, các lợi ích của Hoa Kỳ nằm trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ông nói : "Một mối quan hệ song phương vững chắc có tiềm năng làm tăng thêm thịnh vượng cho cả hai nước, tạo điều kiện cho Mỹ lan rộng trong vùng, ngăn chặn hành vi xấu của Trung Quốc, và, nói chung, hình thành một Đông Nam Á và rộng hơn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dẫn tới lợi ích của Mỹ".
Vẫn theo chuyên gia này, những ký ức từ cuộc chiến tranh Việt Nam không còn đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ đương đại, ngoài việc hợp tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ và xử lý hậu quả của chất độc da cam. Ông Mazza cho rằng "khó mà nói được là quan hệ song phương sẽ đi đến đâu. Hoa Kỳ và Việt Nam phải đi từ hai nước chiến tranh thành hai nước hợp tác và duy trì hòa bình, trật tự ở Biển Đông".
Donald Trump tìm gì ?
Vì Việt Nam tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, các nhà quan sát tại Washington và Hà Nội tập trung đánh giá Trump quan tâm đến việc duy trì phía Mỹ trên cán cân đến mức nào.
Việc Mỹ rút khỏi hiệp định mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP đã gây bối rối và làm mất tinh thần tại Hà Nội. Việt Nam cũng chú ý theo dõi các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ (FONOP) để thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, hiện khởi động khá chậm chạp dưới thời Trump.
Ông Mazza nói, ngoài TPP mà Việt Nam là một bên tích cực tham gia, có lý do để nghi ngờ rằng chính sách đối với Việt Nam của chính quyền Obama, được phần lớn hai đảng ủng hộ, được tiếp tục dưới thời Trump. Ông nhắc lại chuyến thăm Nhà Trắng của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 05/2017 :
"Đoạn nói về Biển Đông trong thông cáo chung đã đề xuất một sự nhất quán về triển vọng và cách tiếp cận của Hoa Kỳ và Việt Nam về thách thức đặc biệt này đối với luật pháp quốc tế". Vẫn theo ông Mazza, thông cáo này cũng tăng thêm khả năng một tầu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, lần đầu tiên từ khi kết thúc chiến tranh.
Tuy nhiên, mối đe doạ hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể khiến ông Trump phân tán tập trung đến vấn đề Biển Đông, do đó có thể mở ra cơ hội cho Trung Quốc. Điều này có lẽ được thể hiện qua việc Nhà Trắng tạm ngừng hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong vòng vài tháng trong lúc tìm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, "dường như Hoa Kỳ đã tiến hành thường xuyên trở lại các đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và đã có sự cam kết cấp cao nhất quán với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong 6 tháng qua".
Giáo sư Carlyne Thayer, một chuyên gia về Biển Đông, thuộc đại học New South Wales, nhận xét Việt Nam đã "nhạy bén" sau lễ nhậm chức của Trump để thu hút sự chú ý của tân tổng thống Mỹ bằng cách đánh vào "máu" kinh doanh của Donald Trump.
Giáo sư Thayer nói : "Trong chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều thỏa thuận thương mại trị giá nhiều tỉ đô la đã được ký kết, Việt Nam chấp nhận thương lượng một hiệp định tự do trao đổi mậu dịch với Mỹ, và Việt Nam chấp nhận cải thiện điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ và tăng cường quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ".
Dù sao, Việt Nam vẫn hạn chế khả năng xích quá gần đến Mỹ. Hà Nội tôn trọng chiến lược "ba không" : không liên minh quân sự, không căn cứ nước ngoài, không để một nước sử dụng Việt Nam làm phương hại nước khác.
Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh lại cho rằng những luật lệ này có thể bị thay đổi đề thích nghi với thực tế đang biến chuyển trong thế kỷ 21 và ông "ủng hộ mạnh mẽ một khái niệm mới, theo đó Việt Nam sẽ cố gắng tìm đồng minh với các nước thân thiện để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ lợi ích quốc gia khỏi bất kỳ cuộc tấn công thù nghịch nào từ bên ngoài". Song ông Doanh không nêu bất kỳ tên một quốc gia nào như một đồng minh tiềm năng.
*****************
TT Trump ca ngợi dũng khí Hai Bà Trưng trong diễn văn APEC (VOA, 10/11/2017)
Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế tại Đà Nẵng hôm 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi dũng khí của Hai Bà Trưng và tinh thần dân tộc đầy tự hào của người dân Việt Nam. Các nhà phân tích nhận định rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ về vai trò của phụ nữ và chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC, Đà Nẵng, hôm 10/11/2017.
Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại của các lãnh đạo và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp trong Hội nghị Hợp tác Phát triển kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trưa thứ Sáu 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ, ông nhắc đến chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam với hình tượng nữ anh hùng Hai Bà Trưng :
"Hào khí đó cháy bỏng trong con tim của mỗi người yêu nước và mỗi quốc gia. Người dân nước chủ nhà Việt Nam đã nhận biết về hào khí này không phải chỉ cách nay 200 năm, mà có từ gần 2000 năm trước. Vào khoảng năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã tiên chinh đánh thức tinh thần dân tộc của người dân trên mảnh đất này. Đó là lần đầu tiên người Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc".
Hai Bà Trưng khởi nghĩa (Tranh dân gian Đông Hồ - Ảnh chụp Báo Giáo dục)
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà sử học Nguyễn Nhã nói ông rất ấn tượng với hào khí anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng mà Tổng thống Hoa Kỳ ngợi khen :
"Tôi rất ấn tượng về bài phát biểu của ông Trump có nói về Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam chiến thắng quân xâm lược và trở thành nữ vương. Thật ấn tượng khi Tổng thống Mỹ đến Việt Nam và quan tâm đến sự kiện lịch sử Việt Nam có từ hơn 2000 năm nay".
Cảm kích trước sự ngợi khen của ông Trung về nền độc lập Việt Nam đã có từ hơn hai thiên niên kỷ trước, và nhất là khi ông chủ Tòa Bạch Ốc so sánh với nền độc lập của Hoa Kỳ chỉ có cách nay hơn 200 năm, bà Bùi Thị Minh Hằng ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói :
"Khi nghe bài phát biểu của Tổng thống thì tôi hiểu rằng ông muốn nói đến chủ quyền của đất nước, qua hình ảnh Hai Bà Trưng mà tôi còn nhớ : Bà Trưng quê ở Châu Phong, Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên, Chị em nặng một lời nguyền, Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân. Bài phát biểu của ông Trump khiến cho chúng tôi nghĩ đến vai trò của phụ nữ trong việc giành lấy độc lập – tự do. Theo tôi ông Trump nêu các nhân vật lịch sử là gửi đi thông điệp : người dân không chịu làm nô lệ, yêu chuộng tự do, dân chủ và tôn trọng chủ quyền".
Ngoài ra, theo bà Minh Hằng ông Trump muốn nhắc nhở chính quyền Việt Nam về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, những người lên tiếng vì sự tiến bộ xã hội nhưng bị Hà Nội giam cầm :
"Thông điệp của ông Trump trong bài phát biểu cũng khá rõ : ông muốn hợp tác với những nước mà nhà lãnh đạo không độc tài, ám chỉ rằng lãnh đạo Việt Nam không thể cứ tiếp tục áp đặt chế độ độc tài đối với đất nước, và thân phận của nhiều người phụ nữ như blogger Mẹ Nấm, Trần Thị Nga đang bị giam cầm. Có lẽ đây là thông điệp nhắc nhở của ông Trump".
Ông Trump nói :
"Ngày nay những anh hùng ấy và câu chuyện ấy vẫn là lời nhắc nhở về lịch sử, là câu trả lời cho câu hỏi lớn về tương lai của chúng ta. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng : Chúng ta là ai, chúng ta cần phải làm gì. Cùng với nhau, chúng ta có sức mạnh để cùng vươn đến tầm cao mới mà chúng ta chưa bao giờ vươn tới được".
Nói về vấn đề bảo vệ chủ quyền, Tổng thống Mỹ nhận định : "Chúng ta hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập chủ quyền. Chúng tôi sẽ tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của các nước. Đó là cách chúng ta sẽ cùng nhau lớn mạnh".
Bà Minh Hằng nói thêm :
"Ông Trump cũng từng khẳng định rằng ông chọn những láng giềng tốt, chứ không phải láng giềng đầy mưu mô, thủ đoạn. Việt Nam từng coi Mỹ là đế quốc xâm lược nhưng họ không lấy đi của Việt Nam một tấc đất nào cả, trong khi đó một 1000 năm đô hộ giặc Tàu thì Trung Quốc luôn luôn xâm lược, lấn chiếm, lãnh thổ, lãnh hải. Vì vậy Việt Nam nên tận dụng quan hệ quốc tế để giữ chủ quyền, và tôi nghĩ Việt Nam nên chọn Mỹ".
Tàu Hải quân Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, đồng thời là một nhà nghiên cứu tình hình Biển Đông cũng nhận định rằng Hoa Kỳ là nước có thể hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều trong việc gìn giữ chủ quyền lãnh hải :
"Sự hỗ trợ bên ngoài và nhất là tình hình thế giới biến định như hiện nay thì những nước như Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo".
Tuy nhiên, tác giả Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng ở thành phố Houston, bang Texas nhận định rằng trong mối quan hệ ba bên Hoa Kỳ - Việt Nam – Trung Quốc, Hoa Kỳ luôn tìm cách dung hòa các lợi ích và làm vừa lòng nhà lãnh đạo Bắc Kinh :
"Ở trong thế một cổ đôi tròng, buộc Việt Nam phải duy trì chính sách đi dây, không dám ngã hẳn về phía Hoa Kỳ, vì nếu ngã theo thì lập tức sẽ có phản ứng bất lợi hơn nữa, vì hiện tại đã quá lệ thuộc về kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Vì vậy chuyến đi này của ông Trump đến Việt Nam còn phải làm sao để làm vừa lòng Trung Quốc".
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh : "Hãy chọn tương lai của lòng yêu nước, sự thịnh vượng, niềm tự hào, chứ không phải nghèo đói hay sự tôi tớ. Hãy chọn một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, thông thoáng".