Ngày 3/10/2018, Chính phủ ban hành dự thảo "Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng" mà Quốc hội đã thông qua. Dự thảo này không có gì mới so với Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.
Cuộc biểu tình chống cả hai dự luật, An Ninh Mạng và Đặc Khu Kinh Tế, tại Việt Nam.
Người được cho là tâm đắc với luật này nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từng là Bộ trưởng Công an trước khi làm Chủ tịch nước, ông Quang bị ám ảnh bởi tự do thông tin trên mạng xã hội đã làm cho dân chúng trở thành sành sõi, cứng đầu hơn so với trước đây khi hệ thống internet và nhất là mạng xã hội chưa đạt tới mức sấm sét như hiện nay.
Trong tinh thần ấy, Luật An ninh mạng (an ninh mạng) được sao chép nhằm mục đích bảo vệ chế độ trước sự tấn công của cư dân mạng. Những blogger, những trang web bất đồng chính kiến và nhất là những Facebooker đang tập trung soi từng hành vi, động thái dù nhỏ nhất của chính phủ cùng các quan chức lãnh đạo để đưa ra những bình phẩm, cười cợt lẫn lên án, gọi tên từng người mà không có vùng cấm. Cơn sóng thần phê phán lúc cao lúc thấp của mạng xã hội làm cho cả hệ thống run sợ, ít nhất là ngại ngùng không còn dám công khai phạm tội như trước.
Bên cạnh sự lo ngại phê phán gay gắt dễ dẫn tới căm phẫn và bạo loạn, Luật an ninh mạng còn có mục đích ngăn chặn những cuộc biểu tình lớn như vào ngày 10 tháng Sáu khi người dân dùng mạng xã hội thông tin cho nhau một cách bí mật (inbox) và cùng lúc tại nhiều địa phương trước khi cuộc biểu tình bùng nổ.
Luật an ninh mạng sẽ chấm dứt những câu chuyện oan trái, tham nhũng tàn bạo như Thủ Thiêm xuất hiện trên mạng xã hội. Nó cũng chấm dứt công khai tên tuổi của những kẻ nhúng tay vào tội ác, kể cả tội ác ăn cắp công quỹ và đất đai của dân. Nó chấm dứt tiếng kêu oan trái của những người bị hiếp đáp thậm chí bị giết hại trên mạng xã hội. Nó chấm dứt cùng lúc những hình ảnh không được đẹp đẽ không những của chính phủ Việt Nam mà cả của Trung Quốc khi bạn viết những gì lên án hành vi xâm lược của nước này cũng bị gọi là tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam vì đã "chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc... và nhân dân các nước".
Điều 54 của dự thảo Nghị định này quy định : các công ty cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng, và phải nộp bất cứ khi nào Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) yêu cầu, để bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Đối với dữ liệu cá nhân, ngoài tên tuổi, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, sở thích, sở trường, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, niềm tin triết lý, vị trí trong xã hội, sinh trắc học, mối quan hệ của cá nhân trên mạng : bạn bè, trang, tài khoản, từ khóa, tương tác.
Chỉ cần lướt trên vài quy định như thế, người ta sẽ không thấy bất cứ một cánh cửa sổ nào có thể mở ra bầu trời thế giới từ không gian mạng Việt Nam, ngay cả những người lên mạng với mục đích vui chơi giải trí hay mua hàng trực tuyến từ trang Facebook, Google hay Amazon.
Nhưng các công ty nước ngoài có làm ăn tại Việt Nam cũng không thoát được Luật an ninh mạng.
Buộc Google, Facebook hay Amazon đặt máy chủ tại Việt Nam là cách thức Hà Nội muốn tẩy chay họ thay vì cộng tác. Với trói buộc cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng cho Cục an ninh mạng khi bị yêu cầu, những công ty này sẽ vi phạm pháp luật, không phải tại Việt Nam mà từ quốc gia của họ.
Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gọi tắt là VCCI cho rằng khi buộc các công ty ngoại quốc đặt máy chủ tại Việt Nam, Luật an ninh mạng sẽ trực tiếp phá bỏ lời cam kết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp ký sẽ là một trở ngại to lớn, hơn cả vấn đề nhân quyền mà Việt Nam vừa hứa hẹn.
Các doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam cũng vậy, họ không được phép tiết lộ an toàn dữ liệu cá nhân của nhân viên, kể cả người Việt, cho chính phủ Việt Nam. Họ không thể tùy tiện làm theo yêu cầu của Cục an ninh mạng vì sẽ bị chế tài bởi luật pháp nước họ. Cách hay nhất là họ sẽ rút lui khỏi Việt Nam từng phần hay toàn bộ công ty để chờ một cơ hội nào đó khiến cho Luật an ninh mạng bị đào thải.
Có lẽ quy định cung cấp dữ liệu cá nhân khi bị yêu cầu làm cho người dân phẫn nộ hơn hết. Khi biết mình bị các công ty mang những thông tin có tính chất riêng tư cung cấp cho nhà nước thì bất cứ ai cũng không khỏi lo lắng và bất mãn. Số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hoạt động tài chánh, ngay cả sở thích, quan điểm chính trị hay thói quen khi bày tỏ chính kiến… những riêng tư hơn nữa như chat, tin nhắn, e-mail, hình ảnh, phone book…bất cứ thứ gì liên quan đều bị phanh phui và chia sẻ. Xã hội không còn một chút riêng tư thử hỏi xã hội đó có còn đáng sống ?
Vì vậy bất cứ ai cũng sẽ là nạn nhân của Luật an ninh mạng chứ không hẳn là những người thích phản biện. Doanh nghiệp nổi tiếng ư ? Bạn chưa từng "tránh" thuế ư ? Bạn chưa từng bôi trơn cho ai đó để một dự án được trúng thầu ? Bạn chưa từng vui vẻ sau khi trót lọt và tự thưởng cho mình một "chân dài" trong chuyến du lịch cuối tuần. Nếu trước đây những vụ này sẽ bị im đi vì thiếu tang chứng nhưng sau khi Luật an ninh mạng thông qua bạn sẽ ân hận vì mình có quá nhiều tiền trong nhà băng và quá nhiều thư từ, hình ảnh các em trong điện thoại.
Theo đó, quan to cũng coi chừng vị trí mà mình đang đứng, có thích hợp với người đốt lò hay không vì kể từ nay, ông ấy sẽ biết quý vị đến từng chân tóc.
Các công ty như Facebook hay Google có lẽ sẽ chọn con đường rút lui và Việt Nam cũng biết như thế. Nhưng Quốc hội, Chính phủ không sợ vì nghĩ rằng không có Mỹ thì Trung Quốc sẵn sàng thế chân từ những trang mạng như Baidu, Alibaba, Weibo, WeChat. Điều duy nhất mà cả Quốc hội, lẫn Chính phủ sợ là mất Đảng, vì vậy bất kể mang các công ty Trung Quốc vào Việt Nam không khác mang cọp vào nhà, chính phủ vẫn chấp nhận sự nguy hiểm do Luật an ninh mạng mang tới.
Nhưng họ quên, sự nguy hiểm lớn nhất mà Luật an ninh mạng sẽ mang tới là sức phản kháng của người dân đối với Luật này. Cái tên của nó đã bị người dân thay đổi thành Luật Animal, Luật súc vật… mà dân thì không phải súc vật, vì vậy xin đừng máng vào mồm của họ hai sợi giây cương như máng vào những chú bò ốm đói.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 17/10/2018
Khi dư luận cả nước dường như bị cuốn vào trong vòng xoáy tranh cãi ‘phát ngôn của Mỹ Linh về nhà hát’ thì đồng nhân dân tệ chính thức được tiêu thụ ở 7 tỉnh biên giới ; các văn bản hướng dẫn an ninh mạng đang thành hình…
Dư luận đang bị dắt mũi ? Dư luận Việt Nam là ‘cô gái ngây thơ’ dễ dàng bị điều khiển (định hướng) bằng các chiêu trò truyền thông ? Và điều này khiến họ bỏ quên những vấn đề trọng đại, mang tính đe dọa đến đời sống và cả tương lai con cháu của họ.
Tại thành phố mang tên Bác (Thành phố Hồ Chí Minh), dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền này đang tiến hành xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt trên không gian mạng.
Chi tiết kế hoạch này chưa được đề cập trên báo chí, nhưng nhiều báo đăng tải đoạn ‘đáng chú ý’, theo đó Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Đảng ủy Công an Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ luật và quy định của Chính phủ, của ngành phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng (thực hiện từ năm 2018). Nếu hiểu theo cách này thì các luật sẽ được áp dụng là Luật an ninh mạng (sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2019) ; Nghị định 72 về Quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Cũng trong bức ảnh do tác giả Đình Quân (báo Thanh Niên Online) chụp, có thể thấy hầu như các cánh tay được được giơ lên, và ở hàng ghế chủ trì, có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông tất Thành Cang. Những người liên tục được cư dân mạng đào xới và phê phán theo đúng ‘chủ nghĩa hiện thực’ qua sự kiện thu hồi đất đai trái quy hoạch ở Thủ Thiêm.
Nhưng có thể mọi chuyện khác đi, từ nay chính quyền thành phố sẽ ‘trong sạch, vững mạnh’, đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ‘vững mạnh, tiêu biểu’ khi kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành một cách triệt để. Tạo cơ sở cho khối chính quyền và đảng bộ dưới sự lãnh đạo ‘toàn diện, trách nhiệm’ của Bí thư Thành ủy Thiện Nhân sống tốt trong các luận điệu của ‘thế lực thù địch’, nhấn chìm những tỳ vết không hay liên quan đến Thủ Thiêm (?).
Và từ nay, sẽ không còn thấy tin xấu về Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là liên quan đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố hoặc do Trung ương quản lý trên mặt báo, Facebook.
Đó là những gì có thể mường tượng về cách mà Luật an ninh mạng hiện diện, mà Thành phố Hồ Chí Minh đang tiên phong áp dụng nó, nếu chúng ta vẫn thờ ơ.
Những Facebooker sẽ bị tuyên án tại tòa ngày một nhiều về sự bôi nhọ lãnh đạo hay gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh mạng, hoặc bất kỳ một tội trạng nào được áp dụng nếu như nó khiến chạm vào vùng cấm: giải thiêng một chính quyền.
Quay trở lại với Luật an ninh mạng đang thành hình, điều đáng sợ là nó lột trần toàn bộ quyền riêng tư của một công dân trong xã hội. Hiểu nôm na, bất kỳ những gì bạn chia sẻ, tất cả những website đã vào, những hình ảnh bạn chụp, hay bạn có bao nhiêu đồng trong tài khoản và dùng nó vào việc gì đều bị thâu tóm trong cái gọi là trung tâm dữ liệu do Bộ Công an xây dựng.
Nó không phải là con ‘ngáo ộp’ mà là sự thật, điều đó khiến bản thân không ít người liên đới đến chính trị - xã hội như Facebooker Huy Đức phải liên tục ra bài để cảnh giác, đánh thức không ít người về độ nguy hiểm của nó.
Còn riêng Kỹ sư Dương Ngọc Thái, người từng có bài viết phản biện về dự luật An ninh mạng ngay từ thời đầu, người tham dự 100 nhân tài Việt Nam ở Hà Nội đã buộc phải thốt lên trong chia sẻ ở trang cá nhân của mình : Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.
Theo kỹ sư này, Luật an ninh mạng nếu được áp dụng theo Hướng dẫn của Bộ công an không những không đem lại lợi ích an ninh mạng thuần túy, mà còn xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư và những lợi ích kinh tế, ngăn cản trầm trọng sự hội nhập và sự phát triển internet tại Việt Nam.
Nhà báo Phạm Việt Thắng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong cảm nhận chính trị Việt Nam cũng bày tỏ sự bi quan, Luật an ninh mạng chính là Luật nhốt mình. Và ông cho rằng, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ‘Luật an ninh mạng là để bảo vệ chế độ’, ông đồng thời truyền đạt cứng cho cấp dưới phải làm mọi cách để ‘bảo vệ’, còn các thứ khác là không quan trọng.
Nhưng vấn đề, dân vẫn bị cuốn vào vòng xoáy ‘Mỹ Linh và nhà hát 1.500 tỷ’, còn cảnh bị ‘lột truồng thông tin’ sắp tới thì lại vô cùng thờ ơ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 17/10/2018
Từ Silicon Valley nghĩ về dự thảo nghị định thực thi Luật an ninh mạng
Sau khi tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và nước miếng viết hai lá tâm thư mà Quốc hội vẫn thông qua Luật An ninh mạng, tôi muốn đưa ra một đánh giá toàn diện về bộ luật này, ở góc độ kỹ nghệ và pháp lý, nên đã dành ra bảy bảy bốn chín ngày tìm hiểu luật pháp an ninh mạng quốc tế. Những gì tôi đọc được thật thú vị. Hóa ra công việc của luật sư không khác lắm công việc của hacker, thay vì tấn công và phòng thủ bằng code họ chơi bằng từ ngữ.
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam ấn nút bỏ phiếu cho Luật An ninh mạng tại phiên họp hôm 12/06/2018
Tôi tính sẽ viết một loạt bài về đề tài này, nhưng rồi giữa tháng 8 năm nay bạn tôi rủ tham gia nhóm 100 "nhân tài" về Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam với kỳ vọng tôi sẽ có cơ hội được chụp hình chung với thủ tướng, tay bắt mặt mừng rồi nếu còn thời gian thì phân tích cho ngài thủ tướng nghe lợi và hại của Luật An ninh mạng. Nhưng rốt cuộc, vì mải chụp hình, tôi không có cơ hội chia sẻ ý kiến.
Với những thay đổi về nhân sự trong nhóm những người làm ra Luật An ninh mạng và quan sát quyết tâm phát triển kinh tế công nghệ của chính phủ, tôi đã từng hi vọng các ý kiến của tôi không còn cần thiết nữa, rằng khi soạn thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật, vì phát triển kinh tế, vì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, vì riêng tư cho người dân và an ninh quốc gia, chính phủ sẽ giữ cho người dân Việt Nam một Internet mở, tự do và an toàn.
Nhưng tôi đã lầm. Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 [1] còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.
Vì dự thảo chỉ tiếp nhận ý kiến đóng góp trong vòng 20 ngày, thay vì 6 tháng như thường lệ, tôi viết vội bài này, thôi thì không nói được với thủ tướng thì chia sẻ với quốc dân đồng bào tại sao tôi nghĩ dự thảo nghị định 03/10/2018 sẽ không giúp ích được gì trong việc phòng chống tội phạm, mà còn tạo ra những nguy cơ không thể xem thường về kinh tế và an ninh quốc gia.
Ý kiến của tôi giải thích thì dài nhưng mục tiêu rất ngắn gọn : bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018.
Thượng tướng Tô Lâm chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng hôm 9/10/2018
Tóm tắt
Dự thảo có năm chương, ngoại trừ chương 5, phần lớn nội dung tập trung vào vấn đề bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Mặc dù có những quy định khá ngớ ngẩn như bắt buộc đổi mật khẩu mỗi tháng một lần, chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của nhóm soạn dự thảo và thành công phần nào của họ khi đưa ra được một chính sách an toàn thông tin chung cho các hệ thống trọng yếu.
Tôi sẽ có ý kiến riêng về nội dung an toàn thông tin của dự thảo, ở đây tôi tập trung vào chương 5. Chỉ trong vòng vài trang giấy, dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo đã trao cho Cục An ninh mạng, Bộ Công an những quyền sau đây :
Điểm b, khoản 1, điều 57 : Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải có sự đồng ý của Cục An ninh mạng.
Điều 54, 55, 56, 57 : Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ tất cả dữ liệu ở Việt Nam và phải cung cấp tất cả dữ liệu khi nhận được yêu cầu của Cục An ninh mạng.
Khoản 5, điều 58 : Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ và chuyển giao cho Cục An ninh mạng "nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch" sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.
Khi tôi viết tất cả, ý của tôi là tất cả. Tất cả những gì bạn gõ vào Facebook hay Zalo. Tất cả hình bạn đã chụp và chia sẻ. Tất cả những email bạn đã gửi. Tất cả những gì bạn đã tìm kiếm. Tất cả website bạn đã vào. Tất cả những thông tin tế nhị, nhạy cảm, sâu thẳm nhất.
Trong các phần tiếp theo tôi sẽ giải thích tại sao dự thảo này không đem lại lợi ích gì mà còn tạo ra nhiều nguy cơ kinh tế và an ninh. Tôi giải thích chi tiết nên hơi dài, ở đây tôi tóm tắt các ý chính :
1. Dự thảo bắt buộc các công ty Internet quốc tế phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Việt Nam tại Việt Nam, nhưng bất kể các công ty tuân thủ, chính phủ cũng không thể tự ý truy cập vào nguồn dữ liệu này. Về mặt kỹ thuật, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khóa, nếu chưa có sự đồng ý của Bộ Tư Pháp hoặc Nhà Trắng. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.
2. Bắt buộc các công ty mở văn phòng ở Việt Nam không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng chính phủ cần phải hiểu được tại sao người ta không muốn mở. Singapore đâu cần ra luật gì, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Bắt buộc người ta vào, người ta sẽ vào cho có lệ, rốt cuộc Việt Nam sẽ không nhận được vốn hay công nghệ gì cả, mà lại còn tạo tiền lệ xấu. Việt Nam không thể tự lực tự cường thành cường quốc công nghệ, mà chúng ta cần vốn, công nghệ và tri thức của phương Tây. Chọn thế đối đầu với các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, chúng ta chỉ từ chết đến bị thương, không được gì cả.
3. Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ khiến họ chỉ có hai lựa chọn : rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Rất nhiều công ty nước ngoài phản đối Luật An ninh mạng vì việc sao chép dữ liệu thô làm gia tăng rủi ro dữ liệu bị xâm phạm, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của họ, vốn dựa rất lớn vào niềm tin của khách hàng. Và đương nhiên họ phải tốn thêm chi phí thiết kế lại hệ thống, thuê mướn thêm thiết bị lưu trữ, chi phí này sẽ do chính người dân Việt Nam phải chi trả, khi các công ty phải tăng giá thành dịch vụ, sản phẩm đối với thị trường Việt Nam.
Bộ Công an còn yêu cầu các công ty phải bàn giao dữ liệu hàng loạt. Ưu tiên hàng đầu của các công ty quốc tế là đảm bảo an toàn dữ liệu và riêng tư cho khách hàng, trừ khi có lệnh của tòa án và luật sư của họ đồng ý, họ không thể nào đơn phương tùy tiện chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu có chuyển họ cũng chuyển từng trường hợp cụ thể, chứ không thể nào chuyển tất cả. Họ làm sao biết được Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ như thế nào. Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì dữ liệu bị lộ ra ngoài, họ sẽ hứng đủ. Vả lại, dữ liệu là tài sản của công ty, yêu cầu họ chuyển sang cho chính phủ Việt Nam chẳng khác nào quốc hữu hóa. Còn ai muốn làm ăn ở Việt Nam ?
Một khi rủi ro, áp lực chính trị, và chi phí hoạt động quá cao, các công ty sẽ phải tính đến phương án rút khỏi Việt Nam. Đã có rất nhiều tiền lệ các công ty rút khỏi thị trường khi không thể chịu đựng được luật pháp sở tại. Mới đây thôi, khi Châu Âu chính thức đưa vào thực thi General Data Protection Regulation, rất nhiều trang web ở Mỹ đã ngưng phục vụ khách hàng Châu Âu. Nếu các công ty rút khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ lấy gì thay thế, Baidu và Weibo chăng ?
4. Chuyển dữ liệu từ Singapore hay Đài Loan về Việt Nam sẽ không khiến dữ liệu được an toàn hơn. Internet không có biên giới, chuyển địa điểm lưu trữ không làm cho dữ liệu an toàn hơn, trái lại là đằng khác. Thay vì sử dụng dịch vụ Cloud Computing của những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thế giới, các công ty trong và ngoài nước sẽ phải sử dụng dịch vụ của các công ty nội địa, vốn có rất ít kinh nghiệm trong việc chống tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia. Thay vì chỉ phải tập trung bảo vệ dữ liệu ở một nơi, các công ty phải phân tán nguồn lực để bảo vệ nhiều nơi khác nhau. Các công ty công nghệ lớn còn có đủ tài chính và nhân lực để thiết kế các giải pháp đảm bảo an ninh, còn các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là những công ty đang sử dụng dịch vụ Cloud Computing ở nước ngoài, sẽ chọn những giải pháp nội địa đơn giản, rẻ tiền nhưng cũng kém an toàn nhất.
5. Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất, tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia.
6. Toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, Bộ Công an. Với viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984, ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc ? Nếu không thu hút được tài năng, làm sao Việt Nam có đủ nhân lực để làm cách mạng công nghệ ?
7. Sau 30 năm nhận vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh và đe dọa cả thế giới. Phương Tây đang rất lo ngại và muốn tìm đối tác đầu tư thay thế. Đây là cơ hội của Việt Nam, nhưng dự thảo 03/10/2018 chẳng khác nào một lời tuyên bố rằng Việt Nam không muốn đi cùng với thế giới. Nguy hiểm hơn hết, khi Việt Nam cản trở các công ty công nghệ phương Tây, các tập đoàn công nghệ rất giàu mạnh của Trung Quốc sẽ thao túng thị trường và dữ liệu của người Việt Nam, tạo ra những hiểm họa khôn lường.
Vì những lý do kể trên, tôi đề nghị chính phủ loại bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018 và giới hạn phạm vi của dự thảo vào nội dung bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Yêu cầu lưu trữ dữ liệu nội địa cần được tách ra và hướng dẫn thực hiện bằng một dự thảo khác.
Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp.
Bắt buộc lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam không đem lại ích lợi gì
Chính phủ muốn yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam là để nắm chủ quyền trên dữ liệu của người Việt Nam và có quyền tài phán đối với các công ty này. Đây không phải là một yêu cầu vô lý, vì suy cho cùng chính phủ phải có trách nhiệm và can dự vào việc bảo vệ dữ liệu của người dân. Tuy vậy có một lỗ hổng pháp lý lớn và vài vấn đề kỹ thuật mà Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 đã bỏ qua.
Đa số các công ty Internet quốc tế phổ biến ở Việt Nam đến từ Mỹ, nên trong phần này tôi tập trung vào luật của Mỹ. Về mặt kỹ thuật, để an toàn, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.
Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA [2]) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp. Đây là lý do mà trong những lần điều trần trước Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ, đại diện Facebook đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Việt Nam, vì chia sẻ như thế là trái luật.
Hồi tháng 3 năm nay, Đạo luật ECPA đã được bổ sung bởi Đạo luật Đám Mây (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act - CLOUD Act [3]). Đạo luật Đám Mây quy định các công ty chỉ được phép cung cấp dữ liệu cho các chính phủ đã được Nhà Trắng phê duyệt. Vương quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu có thể là hai chính thể được phê duyệt đầu tiên. Nếu muốn truy cập dữ liệu để phục vụ cho việc phòng chống tội phạm, chính phủ Việt Nam nên gấp rút nghiên cứu Đạo luật Đám Mây, đàm phán với chính phủ Mỹ. Một khi đã được chính phủ Mỹ phê duyệt, chính phủ Việt Nam có thể đường hoàng yêu cầu các công ty Mỹ cung cấp thông tin và các công ty phải nhanh chóng đáp ứng như thể đó là yêu cầu từ chính phủ Mỹ.
Cần phải nhấn mạnh rằng việc Việt Nam phải được Mỹ phê duyệt không phải là chuyện nước lớn ép nước nhỏ, nhắc lại ngay cả Anh và Châu Âu vẫn phải đàm phán với Mỹ, mà chỉ đơn giản vì người Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ. Nếu như người Mỹ sử dụng Zalo của Việt Nam, chính phủ Mỹ muốn truy cập dữ liệu này họ vẫn phải thông qua chính phủ Việt Nam. Đây là cách thế giới vận hành, muốn hay không muốn chúng ta vẫn phải tuân theo. Tạo ra một bộ luật nội địa không làm thay đổi luật chơi quốc tế.
Vừa rồi Apple đã nhún nhường Trung Quốc, chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về giao lại cho một công ty Trung Quốc. Đây là một cách lách luật và Apple đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích [24]. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có đủ tài lực để ép Apple như Trung Quốc đã làm ? Nếu có đủ đi chăng nữa, liệu Việt Nam có nên làm như vậy ? Tôi sẽ phân tích những điểm này trong phần cuối khi nói về Trung Quốc.
Phải thừa nhận rằng lưu trữ dữ liệu nội địa là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Kể từ sau sự kiện Snowden năm 2013, một số quốc gia đã đưa ra luật nội địa hóa dữ liệu lên bàn nghị sự. Nhưng thông tin "đã có 18 nước quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước" dễ gây lầm tưởng rằng tất cả các quốc gia đều yêu cầu lưu tất cả dữ liệu cá nhân hay cho phép một đơn vị như Cục An ninh mạng được phép tự ý truy xuất các dữ liệu đó. Sự thật không phải như vậy. Cùng với Việt Nam, chỉ có Trung Quốc, Nga, Indonesia là bắt buộc lưu trữ tất cả dữ liệu cá nhân. Đa số các quốc gia như Mỹ, Anh, Bỉ, Phần Lan, Thụy Điển, New Zealand, Hà Lan, Venezuela, v.v. chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu thuế, kế toán, tài chính, hoặc dữ liệu của các tổ chức đại chúng [21].
Ngoài lưu trữ dữ liệu nội địa, dự thảo còn bắt buộc các công ty phải mở văn phòng ở Việt Nam. Đây không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng câu hỏi mà chính phủ cần đặt ra là tại sao chúng ta phải ép bằng luật. Singapore đâu cần ép gì đâu, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Thậm chí nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đều đăng ký ở Singapore. Không chỉ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar đều có các công ty Internet lớn của thế giới đặt trụ sở. Rõ ràng mở văn phòng ở đâu là quyết định của doanh nghiệp, chính phủ không nên can thiệp mà chỉ có thể khuyến khích. Chính sách thuận lợi, không cản trở kinh doanh, luật pháp minh bạch, văn minh, không cần ra luật người ta cũng tự tìm đến.
Chính phủ nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Các quan chức đã nhiều lần tuyên bố muốn biến Sài Gòn, Hòa Lạc hay Bình Dương thành Silicon Valley. Đây là một giấc mơ lớn, đáng trân trọng, muốn thực hiện trước nhất phải thu hút được đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, mà quan trọng nhất là Mỹ và Châu Âu. Nhưng chính sách và luật pháp của Việt Nam ra sao để rồi bây giờ chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà người ta vẫn không muốn vào ? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định 03/10/2018 không phải là câu trả lời.
Những nguy cơ mới cho nền kinh tế
Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam chẳng những không đem lại lợi ích gì trong việc phòng chống tội phạm, đẩy Việt Nam vào thế đối đầu các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn tạo ra nhiều nguy cơ không thể xem thường cho nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghệ, quyền riêng tư của người dân và cả hệ thống chính trị. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi mà còn là của rất nhiều học giả, luật sư, chuyên gia công nghệ và các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế.
Trong phần này tôi sẽ nói về các rủi ro cho nền kinh tế, sau đó tôi sẽ bàn về các rủi ro an ninh.
Muốn lưu dữ liệu thì phải có trung tâm dữ liệu. Nhưng khả năng các công ty nước ngoài xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam là gần như bằng không. Không phải họ ghét bỏ gì Việt Nam, mà đây là bài toán kinh tế. Việt Nam không phải là trung tâm, đầu mối Internet của thế giới và khu vực.
Đường truyền Internet quốc tế của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng dăm bữa nửa tháng lại có sự cố. Chỉ số Rủi Ro Trung Tâm Dữ Liệu, một báo cáo xếp hạng các quốc gia dựa vào công nghệ, kinh tế và an ninh chính trị đối với trung tâm dữ liệu, thậm chí còn không xếp hạng Việt Nam (Trung Quốc, Indonesia và Nga, những quốc gia bắt buộc lưu dữ liệu nội địa xếp hạng rất thấp).
Có thông tin cho rằng các công ty lớn trên thế giới đã đặt hàng ngàn máy chủ ở Việt Nam từ lâu rồi. Nói thế chỉ đúng một nửa. Đúng là các công ty đã có thuê mướn, đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng các máy chủ này đều không lưu dữ liệu cá nhân (như đã định nghĩa trong dự thảo 03/10/2018), mà chỉ lưu tạm (caching) một số ít dữ liệu ai cũng đã biết ví dụ như các video công cộng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Về mặt kỹ thuật, việc lưu trữ đầy đủ dữ liệu cá nhân đòi hỏi các công ty lớn phải thiết lập cơ sở hạ tầng máy chủ, sử dụng phần cứng chuyên biệt, với quy mô gấp vài chục lần những gì họ đang có tại Việt Nam.
Nếu không có trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, các công ty sẽ lưu dữ liệu người dùng ở đâu ?
Họ chỉ có hai lựa chọn : đóng cửa không phục vụ Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô về đặt ở các máy chủ thuê mướn của các công ty như Viettel hay VNPT. Các công ty lớn, có doanh thu tương đối ở Việt Nam sẽ sao chép dữ liệu, còn lại đa số những công ty nhỏ hơn, doanh thu không đáng kể, tôi dự đoán sẽ cấm cửa người đến từ Việt Nam.
Việc bóc tách dữ liệu, sao chép về Việt Nam sẽ làm tăng chi phí thiết kế, vận hành sản phẩm. Tất cả chi phí này sẽ đổ lên đầu người dân Việt Nam, khi các công ty tăng giá thành dịch vụ, sản phẩm đối với thị trường Việt Nam.
Việc sao chép dữ liệu đến nhiều nơi còn làm gia tăng rủi ro dữ liệu bị xâm phạm, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ, vốn dựa rất lớn vào niềm tin của khách hàng. Đó là lý do nhiều công ty đã phản đối Luật An ninh mạng.
Đơn cử, Business Software Alliance, một tổ chức có nhiều thành viên là các công ty công nghệ lớn như Adobe, Apple, IBM, Microsoft, Oracle, hay Salesforce, đã có một kiến nghị rất chi tiết phản đối Luật An ninh mạng và yêu cầu xóa điều luật lưu trữ dữ liệu nội địa.
Ngoài ra Asia Internet Coalition, hiệp hội bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu về Internet như AirBnB, Amazon, Apple, Expedia, Facebook, Google, Line, LinkedIn, Rakuten, Twitter và Yahoo, đã đưa ra một thông báo rằng họ nghĩ Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Ngoài yêu cầu lưu trữ dữ liệu, Khoản 5, điều 58 của dự thảo 03/10/2018 còn yêu cầu các công ty phải chuyển giao hàng loạt cho Cục An ninh mạng "nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch" sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.
Quy định này hoặc là không thực hiện được hoặc là sẽ đẩy tất cả các công ty quốc tế ra khỏi Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu của các công ty quốc tế là đảm bảo an toàn dữ liệu và riêng tư cho khách hàng, họ không thể nào đơn phương tùy tiện chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu có chuyển các công ty cũng chỉ có thể chuyển từng trường hợp cụ thể, sau khi có lệnh của tòa án, xét duyệt của luật sư và cơ quan tư pháp chính phủ Mỹ.
Các công ty làm sao biết được Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ như thế nào. Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì dữ liệu bị lộ ra ngoài, họ sẽ hứng đủ.
Sự cố lộ dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica đã khiến cổ phiếu Facebook sụt giảm 13%, tức khoảng 75 tỉ USD. Để so sánh, theo một nguồn tin không chính thức, doanh thu năm 2015 của Facebook ở Việt Nam là 150 triệu USD. Rõ ràng doanh thu ở Việt Nam chỉ là muối bỏ bể so với thiệt hại mà Facebook có thể phải gánh chịu nếu để xảy ra sự cố lộ dữ liệu.
Vả lại, dữ liệu là tài sản của công ty, yêu cầu họ chuyển sang cho chính phủ Việt Nam chẳng khác nào quốc hữu hóa. Ai sẽ còn muốn làm ăn ở Việt Nam ?
Một khi rủi ro, áp lực chính trị và chi phí hoạt động quá cao, các công ty sẽ phải tính đến phương án rút khỏi Việt Nam. Đã có rất nhiều tiền lệ các công ty rút khỏi thị trường khi không thể chịu đựng được luật pháp sở tại. Mới đây thôi, khi Châu Âu chính thức đưa vào thực thi General Data Protection Regulation rất nhiều trang web ở Mỹ đã ngưng phục vụ khách hàng Châu Âu.
Nếu các công ty rút khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ lấy gì thay thế, Baidu và Weibo chăng ?
Không phải Việt Nam không thể tự xây dựng những sản phẩm "Made in Vietnam" để thay thế. Nhưng để vươn ra thế giới, có một nền công nghiệp số tầm cỡ thế giới, Việt Nam cần vốn, công nghệ và tài năng của thế giới. Buôn có bạn, bán có phường, một khi các tập đoàn lớn nói không với Việt Nam thì cả thế giới công nghệ sẽ chẳng ai muốn chơi với chúng ta nữa (ngoại trừ Trung Quốc, tôi sẽ nhắc đến trong phần sau). Không có vốn, không có công nghệ, không có tài năng, không có cách chi Việt Nam xây dựng được những công ty công nghệ tầm cỡ thế giới.
Hy sinh kinh tế mà không đảm bảo được an ninh
Đôi khi vì an ninh quốc gia, vì riêng tư của người dân chúng ta buộc phải cắn răng chọn lựa những chính sách gây hại cho phát triển kinh tế.
Nhưng trong phần này tôi sẽ giải thích tại sao Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 khiến cho Việt Nam tiền mất tật mang, vừa gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế vừa tạo ra những rủi ro đáng ngại cho an ninh quốc gia và sự riêng tư của người dân cũng như toàn bộ hệ thống chính trị.
Như đã phân tích ở trên, vì lý do kinh tế, các công ty sẽ không thể nào xây dựng trung tâm dữ liệu đúng chuẩn ở Việt Nam. Họ sẽ phải chép dữ liệu ra khỏi các trung tâm dữ liệu được bảo vệ tối đa của họ, nghĩa là dữ liệu của người Việt Nam sẽ không được bảo vệ như dữ liệu của phần còn lại của thế giới.
Thay vì chỉ phải tập trung bảo vệ dữ liệu ở một nơi, các công ty phải phân tán nguồn lực để bảo vệ nhiều nơi khác nhau. Các công ty công nghệ lớn còn có đủ tài chính và nhân lực để thiết kế các giải pháp đảm bảo an ninh, còn các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là những công ty đang sử dụng dịch vụ Cloud Computing ở nước ngoài, sẽ chọn những giải pháp nội địa đơn giản, rẻ tiền nhưng cũng kém an toàn nhất.
Tại khoản 6, điều 58 của dự thảo 03/10/2018, Bộ Công an tuyên bố họ sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Nói cách khác, toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất, tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm mạng và lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác.
Nếu chúng ta lo lắng giới tội phạm hay lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác xâm phạm dữ liệu của người Việt Nam, tôi không hiểu tại sao dự thảo lại cho rằng việc chuyển dữ liệu từ Singapore hay Đài Loan về Việt Nam sẽ khiến dữ liệu được an toàn hơn. Internet không có biên giới, chuyển địa điểm lưu trữ không làm cho dữ liệu an toàn hơn, trái lại là đằng khác.
Thay vì sử dụng dịch vụ Cloud Computing của những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thế giới, các công ty sẽ phải sử dụng dịch vụ của các công ty nội địa, vốn có rất ít kinh nghiệm trong việc chống tội phạm chuyên nghiệp và lực lượng tình báo mạng của các quốc gia.
Tôi chia sẻ lo lắng của chính phủ về việc dữ liệu cá nhân của người Việt Nam nằm trong sự kiểm soát của các công ty quốc tế, nhưng nóng vội đem dữ liệu về Việt Nam ở thời điểm hiện tại không giúp được gì mà còn làm tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm.
Tôi thấy rất khó hiểu khi người ta giải thích Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 sẽ giúp bảo vệ riêng tư của người dân. Có lẽ câu hỏi đầu tiên chúng ta cần phải đặt ra là : bảo vệ chống lại ai ?
Tôi được biết Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sử dụng Gmail. Tôi đoán ngài Bộ trưởng, như bao người dân khác, cũng mong muốn có được an toàn và riêng tư khi sử dụng Internet.
Nhưng dự thảo 10/03/2018 sẽ cho phép Cục An ninh mạng đơn phương, không thông qua bất kỳ cơ chế kiểm soát, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ cung cấp tất cả dữ liệu, bao gồm tất cả email của ngài bộ trưởng. Sau khi đã lấy được thông tin, Cục An ninh mạng sẽ lưu trữ, sử dụng, tiết lộ thông tin đó như thế nào, là toàn quyền quyết định của họ. Nói cách khác, không chỉ người dân, mà cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị sẽ nằm trong tầm kiểm soát của công an.
Với viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984, ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc ? Nếu không thu hút được tài năng, làm sao chúng ta có đủ nhân lực để làm cách mạng công nghệ ?
Sao chép Trung Quốc chỉ dẫn đến sự lệ thuộc
Thật khó để không nghĩ đến yếu tố Trung Quốc khi bàn đến Luật An ninh mạng, nhất là khi Luật An ninh mạng Việt Nam rất giống Luật An ninh mạng Trung Quốc. Trong phần này tôi giải thích tại sao sao chép Trung Quốc chỉ làm lợi cho họ nhưng gây hại cho Việt Nam.
Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai và sức hút của thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thừa khả năng đặt ra luật chơi riêng và bắt buộc các công ty phải tuân theo. Apple vừa rồi đã đồng ý chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về Trung Quốc. Facebook luôn thèm khát thị trường Trung Quốc, đã nhiều lần xin giấy phép, nhưng vẫn chưa được chính phủ Trung Quốc cho vào. Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc cấp giấy phép cho Facebook nhưng ngay lập tức thu hồi chỉ sau đó một ngày.
Có thể thấy rằng cách mà Trung Quốc ép các công ty công nghệ là cơ sở để những nhà làm luật Việt Nam tạo ra Luật An ninh mạng, nhưng Việt Nam không phải Trung Quốc, chúng ta không có đủ tài lực để ra yêu sách với thế giới. Trung Quốc không cho Facebook vào, còn Facebook không thèm vào Việt Nam. Cùng một chính sách, nhưng kết quả không thể khác nhau hơn.
Mô hình phát triển kinh tế số của Trung Quốc không thể áp dụng cho Việt Nam. Trung Quốc có một thị trường nội địa rộng lớn, và sau hơn 30 năm liên tục nhận vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đã có những trung tâm nghiên cứu, những trường đại học, những tập đoàn công nghệ, những quỹ đầu tư top đầu thế giới.
Trước đây Trung Quốc chỉ sao chép công nghệ thế giới, nhưng bây giờ họ đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ vượt Mỹ, đứng đầu thế giới về những công nghệ cao cấp như Trí Tuệ Nhân Tạo.
Việt Nam không có gì có thể so sánh được cả. Chúng ta chỉ có gần 100 triệu dân, nhưng sức mua không lớn vì dân còn nghèo, phương tiện thanh toán điện tử còn chưa phổ biến. Tình trạng gian lận tràn lan (ví dụ như đánh cắp thẻ tín dụng để mua hàng hay click quảng cáo giả) cũng khiến việc kinh doanh trên Internet ở Việt Nam có chi phí cao hơn các quốc gia khác.
May mắn cho chúng ta, phương Tây đang rất lo sợ Trung Quốc, họ mong muốn tìm kiếm một đối tác khác để đầu tư, hợp tác và Việt Nam đang nổi lên như là một lựa chọn tốt. Để phát triển, Việt Nam cần dịch vụ, sản phẩm tiên tiến của thế giới, nhưng cần nhất vẫn là vốn, công nghệ và tri thức để tự phát triển các sản phẩm tương tự.
Nhưng dự thảo 03/10/2018 chẳng khác nào một lời tuyên bố rằng Việt Nam không muốn đi cùng với thế giới. Không gì có lợi hơn cho Trung Quốc và bất lợi hơn cho Việt Nam khi Việt Nam "xù lông nhím" với phương Tây, vì Trung Quốc sẽ "bất chiến tự nhiên thành" loại bỏ bớt một đối thủ cạnh tranh thu hút vốn và công nghệ của thế giới.
Nguy hiểm hơn hết, khi Việt Nam cản trở các công ty công nghệ phương Tây, các tập đoàn công nghệ rất giàu mạnh của Trung Quốc sẽ thao túng thị trường và dữ liệu của người Việt Nam. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Baidu, Tencent, Alibaba tổng "tấn công" thị trường Việt Nam ?
Trước khi phát triển được những sản phẩm nội địa, chúng ta vẫn cần những đối tác phương Tây để đảm bảo dữ liệu không rơi vào tay Trung Quốc, nếu không muốn học lại mãi bài học lịch sử ngàn đời của cha ông.
Thay vì sao chép Trung Quốc để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Việt Nam cần phải đi một con đường khác, xích lại gần hơn với thế giới.
Chúng ta vẫn phải chơi với Trung Quốc, nhưng mục tiêu là giảm lệ thuộc và phải tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Nhờ có Internet tự do hơn, so với Trung Quốc, Việt Nam có một xã hội cởi mở hơn và một không gian tự do ngôn luận rộng rãi hơn. Để tồn tại và phát triển, chúng ta phải giữ được những khác biệt này.
Nếu Trung Quốc yêu cầu lưu trữ dữ liệu nội địa, Việt Nam phải giải phóng dữ liệu và trở thành thiên đường dữ liệu nơi mà cả thế giới có thể an tâm lưu trữ dữ liệu của họ. Nếu Trung Quốc đóng cửa Internet, Việt Nam phải có Internet tự do. Nếu Trung Quốc có Vạn Lý Hỏa Thành (Great Fire Wall), Việt Nam phải dùng Internet để kết nối và đi cùng thế giới.
Dương Thái
Nguồn : BBC, 15/10/2018
Tác giả Dương Thái là một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, California, Hoa Kỳ.
Nguyên tắc quản lý không gian mạng và người dùng internet đó chính là nguyên tắc tương xứng đời và ảo.
Các ý kiến nói với BBC họ quan ngại Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.
Tức là nếu một cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì khi ở ngoài đời thật thì họ không được phép có nhiều hay ít quyền và nghĩa vụ hơn khi ở trên mạng. Mọi thứ phải như nhau.
Điều này có nghĩa là anh không có quyền núp đằng sau một nick ảo để phỉ báng một ai khác, cũng như không được phép lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo.
Phỉ báng trên mạng hay phỉ báng ngoài đời thì cũng đều là phỉ báng. Trộm cắp ngoài đời hay trộm cắp trên mạng thì cũng là trộm cắp.
Điều này áp dụng tương tự cho quyền lực của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân.
Nhà nước không có quyền đánh thuế người kinh doanh trên mạng internet cao hơn người kinh doanh ngoài đời thực.
Nhà nước cũng có nghĩa vụ phải đối xử với các chỉ trích trên mạng tương tự như họ đón nhận những phản biện ngoài đời. Đó là nguyên tắc.
Internet là một công cụ liên lạc, lưu trữ, thông tin. Đừng nhầm lẫn nó là một thế giới khác.
Phải hiểu được nguyên tắc đó thì mới thấy Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đáng lo ngại thế nào.
Ở ngoài đời thật, không có một cơ chế nào cho phép Nhà nước thu thập thông tin (một cách hợp pháp và chính thức) liên quan đến những thứ được coi là tối riêng tư của công dân (sở thích, sở trường, thông tin sức khoẻ, thông tin tài chính, thói quen tìm kiếm, chat log), cũng như xâm phạm đến những tự do tuyệt đối của con người (quan điểm chính trị, niềm tin triết lý).
Ở ngoài đời thường, tất cả mọi tiếp cận hay hạn chế quyền công dân đều phải trải qua một tiến trình công bằng (due process) và nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, công an muốn khám nhà thì bắt buộc phải có lệnh của toà án hoặc viện kiểm sát.
Cảnh sát muốn xâm phạm thư tín thì cần có trát tư pháp và do Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định.
Những thông tin mà cảnh sát thu thập mà bất hợp pháp thì cũng không dùng làm gì được (nguyên tắc quả trên cây sâu).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại đòi hỏi quy trình khắt khe như vậy và có lẽ chỉ có thời chiến với tình trạng khẩn cấp thì người ta mới cho phép lược bỏ những thủ tục đó vì sự sống còn của quốc gia.
Đọc vào những gì mà dự thảo nghị định đưa ra và soi chiếu với những nguyên tắc trên không khỏi khiến chúng ta phẫn nộ.
Cơ sở nào khiến Nhà nước nghĩ rằng họ có quyền tiếp cận những thông tin đó của người dân ?
Quan điểm chính trị hay niềm tin cá nhân thì phục vụ gì cho việc bảo vệ Tổ quốc ?
Vai trò của toà án và viện kiểm sát ở đâu để ngăn cản cảnh sát tiếp cận thông tin của người dân (mà còn hơn cả thông tin, đó có thể là đức tin và triết lý của họ) ? Không một quy trình, không một trát lệnh.
Tất cả vỏn vẹn trong năm từ "phục vụ cho việc điều tra" rất mơ hồ và mông lung.
Nó khiến cho ta chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận : hoặc chính quyền đã thực sự tuyên chiến chống một kẻ thù nào đó trên mạng internet, hoặc con người trên internet của ta không bằng con người ngoài đời thật của ta.
Dù là cách hiểu nào thì nó cũng đáng bị lên án.
Nó sẽ mở đường cho sự lạm quyền, theo dõi quần chúng, giám sát tư tưởng, hay tệ hơn là sự kiểm soát cá nhân mang tính thù ghét.
Và đã là con người thì không một ai muốn sống trong một đất nước như vậy.
Người dân có thể không tin vào lá phiếu bầu của mình nhưng đôi lúc họ có thể chọn bầu bằng đôi chân ra đi của mình, để đến với một thế giới tự do hơn.
Và khi không còn ai ở lại, đất nước tất nhiên cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Nguồn : BBC, 13/10/2018
BBC trích đăng từ Facebook cá nhân của tác giả, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tựa đề do ban biên tập BBC đặt.
Đề nghị xây ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ 2.000 tỷ tại Thủ Thiêm (RFA, 12/10/2018)
Tiếp theo đề nghị xây nhà hát giao hưởng hàng ngàn tỷ đồng gây tranh cãi, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa có đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’.
Tượng Hồ Chí Minh trước văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/5/2016 - Hình minh họa. AFP
Theo báo trong nước, ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ dự kiến rộng 27 hecta, bao gồm các hạng mục như cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày về chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá, công viên bờ sông, cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với Quận 1.
Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được nói sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng.
Theo truyền thông trong nước, với sức chứa tối đa 430.000 người, đây sẽ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị lớn và giao lưu văn hóa được nói nhằm ‘tạo hình ảnh một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa truyền thống và hiện đại’.
Dự án này sẽ được Công ty Đại Quang Minh thực hiện theo phương thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, và do một công ty của Pháp là Defrain Souquet Deso thiết kế.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải tỏa, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải tỏa, quy hoạch mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
Hôm 8/10, Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh biểu quyết 100% đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Nhiều ý kiến của người dân trên mạng sau đó đã phản đối việc xây dựng nhà hát giao hưởng tốn kém vì cho rằng còn nhiều cơ sở hạ tầng khác người dân thành phố cần hơn vào lúc này.
*******************
Nhà hát Thủ Thiêm 64 triệu USD sẽ nằm cạnh ‘nấm mồ hoang phế’ 35 triệu USD (Người Việt, 12/10/2018)
Nhờ vụ xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu Mỹ kim (hơn 1.500 tỷ VND) đang gây tranh cãi mà người ta phát hiện công trình này sẽ được đặt cạnh Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố trị giá 35 triệu Mỹ kim (815 tỷ VND) nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm.
Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố (tòa nhà hình chữ A) trị giá 35 triệu USD nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm. (Hình : Zing)
Với người dân Sài Gòn, Trung Tâm Triển Lãm nêu trên là khối bê tông đồ sộ, hình chữ A có thể nhìn thấy bên kia sông Sài Gòn từ đường Tôn Đức Thắng, thường được mô tả là "nấm mồ hoang phế" hoặc "lô cốt màu xám".
Lật lại báo cũ, VnExpress hồi tháng Mười Một, 2012, tường thuật : "Với diện tích 18.000 m2, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố cao 5 tầng là công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh phí xây dựng công trình này là 35 triệu USD, được khởi công trong quý một năm 2013 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Đây cũng là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên được xây dựng trên khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Hiện tại đã quá thời hạn nêu trên từ lâu nhưng người ta không thấy tin công trình này khánh thành.
Báo Zing hôm 11 tháng Mười mô tả : "Hiện tại lô đất [có Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố và nhà hát giao hưởng sắp xây] là vùng đầm lầy, cây cối mọc um tùm. Một phần diện tích là mặt hồ đầy rau muống. Nơi đây cũng là chỗ câu cá cho nhiều cần thủ".
Các hình chụp từ trên cao của báo này cũng cho thấy Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố nằm trơ trọi giữa đồng cỏ và không có dấu hiệu được sử dụng.
Blogger Phan Quang Tuyến bình luận trên trang cá nhân : "Ôi biết bao lời nói có cánh, gió bay phành phạch của những kẻ làm "dự án" và phê duyệt "dự án". Nhưng đến nay thì… ai cũng đã thấy, công trình đang bỏ hoang phế, cỏ mọc um tùm, là bãi đáp lý tưởng cho những con bò… đến gặm cỏ. Theo dự kiến thì nhà hát giao hưởng hàng chục triệu đô la sẽ được xây dựng bên cạnh Trung tâm triển lãm này. Rồi không biết số phận của nó có hẩm hiu như anh bạn cùng ‘phường chèo’ này không : Cũng hết vốn, cũng hoang phế, cũng đội vốn, chờ rót vốn… ? Đồ rằng trách nhiệm gây lãng phí tài nguyên quốc gia, thất thoát tiền thuế của dân rồi cũng như ‘sợi dây kinh nghiệm’, rút hoài không hết !"
Cùng thời điểm, nhà báo Hà Phan ở Sài Gòn cảm thán trên trang cá nhân : "Nếu một, hai năm nữa may mắn hoàn thành không biết trung tâm này sẽ hoạt động ra sao khi bốn bề cỏ dại mọc đầy, hạ tầng hầu như chưa có gì ? Không biết sau khi giơ tay thông qua chủ trương xây những dự án như thế này, các vị dân biểu có một lần ngó ngàng hay giám sát ? Tôi không tin là có và nhìn rất xót xa cho những đồng thuế của chúng ta".
Trong một diễn biến khác, bất chấp dư luận vẫn không ngớt phản đối, giới chức ở Sài Gòn vẫn mạnh miệng bảo vệ việc xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn tiếp tục hứng nhiều chỉ trích khi phát ngôn : "Vài ngày qua, có một vài người gọi điện hỏi tôi làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo. Tôi có trả lời là người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được và nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng". (T.K.)
***************
Thủ tướng Việt Nam cảm ơn Indonesia trả 177 ngư dân Việt về nước (RFA, 12/10/2018)
Hôm 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Bali nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF - WB).
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Diễn đàn kinh tế ASEAN, 9/2018. AFP
Tại buổi gặp gỡ này, Tổng thống Widodo thông báo rằng Jakarta đã trả tự do cho 177 ngư dân Việt Nam bị nước này bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia.
Indonesia là nơi có nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Lần gần đây nhất Indonesia trao trả 42 ngư dân cho phía Việt Nam vào ngày 24/7 vừa qua. Năm ngoái, Indonesia đã trao trả hơn 1.000 ngư dân bị bắt giữ cho phía Việt Nam.
Nhiều ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ cho biết họ không đi vào lãnh hải của phía Indonesia. Khi ra tòa, một số yêu cầu cần chứng minh tọa độ nơi bị bắt, nhưng yêu cầu đó không được đáp ứng.
Cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Indonesia nói đang đàm phán để phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lẫn giữa hai nước ở phía đông nam Việt Nam. Trong lần gặp vào ngày 12 tháng 10 ở Indonesia, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Indonesia Joko Widodo được Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời cho biết là cả hai bày tỏ sự vui mừng về việc phân định ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai bên đang tiến triển tốt đẹp.
***************
Ân Xá Quốc Tế cảnh báo về Luật An Ninh Mạng của Việt Nam (RFA, 12/10/2018)
Ân xá Quốc tế cảnh báo Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong 2 tháng tới
Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 11/10 phát đi hình ảnh cảnh báo cho thấy Luật An ninh mạng còn 2 tháng nữa sẽ có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua vào ngày 12/6/2018, bất chấp phản đối của nhiều người dân tại Việt Nam.
Hình minh họa của Ân Xá Quốc Tế - Courtesy Amnesty International
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) viết trên Facebook cá nhân rằng trong dự thảo nghị định hướng dẫn luật an ninh mạng mới ra đời, các điều khoản của nghị định này sẽ yêu cầu các công ty dịch vụ internet bao gồm cả Facebook, Google, Zing lẫn Zalo lưu trữ quan điểm chính trị, các mối quan hệ, lịch sử nhắn tin, thông tin tài khoản, số bảo hiểm xã hội và cả chi tiết tài khoản ngân hàng của người dùng. Và nguy hại hơn, cơ quan chức năng được quyền biết các thông tin đó bất cứ lúc nào họ muốn.
Ông Nguyễn Trường Sơn viết rõ "nếu bạn còn không chắc về mối họa mà luật An Ninh Mạng đem lại, thì giờ bạn đã rõ rồi chứ ?"
Hôm 10/10/2018, trên Fanpage của blooger Lê Nguyễn Hương Trà cũng đăng tải bản dự thảo hơn 40 trang - Qui định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành.
Đáng chú ý là trong điều 54 của dự thảo này, những công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam như Facebook, Google… sẽ phải lưu trữ thông tin như các cuộc trò chuyện, thông tin giao dịch, thói quen tìm kiếm… và phải cung cấp cho Cục trưởng Cục An ninh mạng khi có yêu cầu điều tra.
Nghị định Luật An ninh mạng ra đời : kiểm soát thông tin trong tay một người ?
Chính phủ Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định giao cho Bộ Công an xây dựng 3 văn bản để sớm 'trình Chính phủ xem xét ban hành, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019'. Trưởng ban soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh này là ông Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an, người đứng đầu cơ quan được Chính phủ Việt Nam giao soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.
Sự gấp rút soạn thảo lần này có thể yêu cầu các công ty công nghệ lớn thiết lập văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu cục bộ.
Hà Nội ngày càng tích cực trong truy tố các nhà bất đồng chính kiến liên quan đến các bài đăng trên Facebook, những người từng kêu gọi Facebook làm nhiều hơn nữa để chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.
Sau quyết định chấp thuận dự luật An ninh mạng vào tháng 6/2018, đã có không ít sự phản đổi mạnh mẽ đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền, chính phủ Tây phương (trong đó có cả Mỹ) vì lo ngại, biện pháp an ninh mạng mới này sẽ làm suy yếu sự phát triển kinh tế, sự phát triển trong người dùng internet, và tạo ra một đường ray để siết chặt người bất đồng chính trị.
Nhiều công ty lớn như Facebook, Google… hy vọng dự thảo Nghị định về luật này sẽ giảm bớt những điều khoản khó chịu, nhưng hy vọng đó đã chấm dứt khi các tài liệu này không những không giảm, mà còn chi tiết hóa việc cung cấp dữ liệu người dùng hơn nữa. Vấn đề là các công ty đó có chịu tuân thủ hay sẽ rút ra khỏi thị trường 100 triệu dân như cách mà các công ty này rút khỏi Trung Quốc ?
Chỉ biết rằng, Bộ ngoại giao Việt Nam đã từ chối bình luận trước sự phản ứng, Facebook và Google cũng như vậy. Mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và tăng tính cởi mở cho sự thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ sự kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Riêng đối với Facebook, doanh nghiệp này từng tuyên bố ‘cũng có những lúc chúng tôi phải xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung vì vi phạm luật ở một quốc gia cụ thể, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi’. Một trường hợp mà Facebook loại bỏ nội dung là liên quan đến gia đình hoàng gia ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất theo yêu cầu của chính phủ nước này, và đây không phải là trường hợp duy nhất, sau cùng.
Trong thời gian gần đây, Facebook của không ít nhà hoạt động Việt Nam đã phải gặp trục trặc. Thậm chí, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn còn than phiền rằng : bị báo cáo vì vấn đề bản quyền liên quan đến bức ảnh do chính mình chụp. Còn đối với những nhà hoạt động khác, tài khoản bị khóa hay bài đăng bị xóa vì 'vi phạm các nguyên tắc cộng đồng' diễn ra một ngày nhiều hơn. Nó khiến cho tính những nhà bất đồng chính kiến tin rằng, đã có sự hợp tác giữa gã khổng lồ mạng xã hội này với chính quyền Hà Nội.
Dự thảo nghị định mới yêu cầu các công ty cung cấp một loạt các dịch vụ, bao gồm email, truyền thông xã hội, video, nhắn tin, ngân hàng và thương mại điện tử, để thiết lập văn phòng tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu người dùng cá nhân.
Các công ty cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ một loạt các dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị, hoặc thế mạnh và lợi ích trong biên giới Việt Nam.
Facebook và Google, cả hai đều được sử dụng rộng rãi trong nước, nhưng không có văn phòng đại diện hoặc các cơ sở lưu trữ dữ liệu cục bộ.
Dự thảo nghị định cũng cho phép cơ quan an ninh không gian mạng và đơn vị tội phạm công nghệ cao của cảnh sát Việt Nam yêu cầu dữ liệu điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc bảo vệ an ninh quốc gia.
Facebooker Võ Trí Hảo, cũng là một người từng học luật sau khi đọc Nghị định đã phản hồi : Nội dung (sự cần thiết), thẩm quyền và quy trình là ba vấn đề khác nhau : Không cần Tòa án, không cần Viện kiểm sát, không cần Thủ trưởng cơ quan điều tra ; chỉ cần một người là đủ.
Và ông 'thực sự quan ngại' về tính minh bạch, thẩm quyền, tính trách nhiệm mù mờ khi việc theo dõi điện thoại thì đã phải đòi hỏi thẩm quyền (Tòa, Viện kiểm sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra) và theo quy trình rất chặt chẽ của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Còn ở đây là dữ liệu về cả đời người (trong thời đại kỹ thuật số) lại đi theo quy trình nằm ngoài Tố tụng Hình sự (không cần khởi tố vụ án). Privacy, Business Secret, Commercial Secret... nhìn vào C50 thì lấy gì bảo đảm là sẽ không bị lạm dụng ; nạn nhân làm sao biết... là doanh nhân hãi rồi.
Thời kỳ kiểm soát mà tác phẩm 1984 từng miêu tả đang hiện diện tại Việt Nam ?
Trước đó, khoảng 1.500 cá nhân bao gồm các nhóm xã hội dân sự đã ký một bản kiến nghị kêu gọi sửa đổi luật an ninh mạng.
Vào ngày 13/9, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng ‘Facebook, nếu muốn kinh doanh thành công ở Việt Nam, nên dự trữ doanh thu để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và sớm mở văn phòng tại Việt Nam’. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với Simon Milner, Phó chủ tịch chính sách công của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội nên hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, loại bỏ thông tin xấu và chịu trách nhiệm bảo vệ 60 triệu tài khoản người dùng của mình tại Việt Nam.
Các nhà hoạt động cho biết luật cũng đe dọa việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Bởi các thành viên của Nghị viện châu Âu đang đòi hỏi nhiều tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam trước sự phê chuẩn có thể của EVFTA. Họ kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật an ninh mạng và tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã là một quốc gia từ năm 1982.
Trong một diễn biến khác, theo FB Huy Đức, một chuyên gia về chính sách - người đã đăng tải dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng, người chỉ ra khuynh hướng trao quyền cho cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) vượt quá phạm vi mà Luật hướng tới đã 'gỡ bài viết' trên Facebook cá nhân.
Điều rõ ràng, Việt Nam đang tiến tới thiết lập một xã hội số mà không bị xem là góc khuất như Trung Quốc, tiến tới thành lập một xã hội tín nhiệm, một điều mà trong tác phẩm 1984 đã từng đặc tả.
Ánh Liên
VNTB, 12/10/2018
Việt Nam bắt giam nhiều người trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực (Người Việt, 11/10/2018)
Hôm 11 tháng Mười, tin cho hay ông Lê Minh Thể, 55 tuổi, là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật an ninh mạng".
Ông Lê Minh Thể (bìa trái) là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình". (Hình : Zing)
Báo Zing dẫn nguồn tin cơ quan cảnh sát điều tra Công An quận Bình Thủy cáo buộc ông này "có hành vi xuyên tạc, cấu kết với phần tử phản động".
Ông Thể, một blogger ít người biết đến, bị khép tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước ; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
"Ông Thể lập nhiều tài khoản Facebook để post và comment xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Việc làm của ông Thể gây hoài nghi trong người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương", tờ báo viết.
Cũng với tội danh nêu trên, hôm 27 tháng Chín, 2018, Tòa Án Nhân Dân quận Thốt Nốt tuyên phạt blogger Bùi Mạnh Đồng 2 năm rưỡi tù giam. Ông Đồng bị phạt tù vì hành vi "post Facebook nói xấu, chửi đảng, nhà nước, lãnh đạo lực lượng công an, cũng như vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng".
Trước đó, hôm 24 tháng Chín, 2018, ông Đoàn Khánh Vinh Quang (tự Facebooker Quang Đoàn) bị Tòa Án quận Ninh Kiều phạt 2 năm 3 tháng tù, với cùng tội danh do có hành vi "post Facebook xuyên tạc đảng, nhà nước".
Đáng lưu ý, cả ông Quang và ông Đồng được đưa ra xét xử "hết sức khẩn trương" trong chưa đầy một tháng, vì họ cùng bị bắt hôm 1 tháng Chín.
Cũng trong tháng Chín, Tòa Án quận Cái Răng tuyên phạt blogger Nguyễn Hồng Nguyên (tự Facebooker Bồ Công Anh) 2 năm tù và Trương Đình Khang (tự Facebooker Hồ Mai Chi) 1 năm tù cũng vì cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật hình sự.
Việc Cần Thơ bắt, phạt tù liên tiếp 5 người chưa phải là nhân vật đấu tranh có tên tuổi trong vòng một tháng, tất cả cùng một tội danh với những cáo buộc mơ hồ và mang tính áp đặt làm dấy lên quan ngại đây là đòn trấn áp của nhà cầm quyền trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.
Hầu hết trong các bị cáo nêu trên được báo Việt Nam tường thuật là "thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ ra ăn năn hối lỗi và khai báo thành khẩn". Tuy vậy, các bài tường thuật phiên tòa không cho thấy các bị cáo có luật sư bào chữa hay không, và lập luận bảo vệ thân chủ của những người này là gì.
Điều 331 Bộ luật hình sự được hiểu là Điều 258 trong Bộ luật hình sự cũ. Khoản 2 của Điều này ghi "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". Theo giới luật sư, Điều 331 có "mơ hồ" do khái niệm "gây ảnh hưởng xấu" có thể được áp đặt tùy tiện. (T.K.)
********************
Việt Nam yêu cầu Facebook lưu trữ 'quan điểm chính trị' (BBC, 11/10/2018)
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Reuters được tiếp cận cho thấy Google, Facebook sẽ buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng ở Việt Nam.
Facebook, Google sẽ phải lưu trữ nhiều thông tin của người dùng Việt Nam, trong đó có quan điểm chính trị
Theo đó, dự thảo nghị định này yêu cầu các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ email, mạng xã hội, video, tin nhắn, ngân hàng và thương mại điện tử, phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu cá nhân.
Các công ty như Facebook, Google cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị.
Dự thảo này cũng cung cấp cho cơ quan an ninh mạng và cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao của Việt Nam quyền yêu cầu cung cấp các dữ liệu để điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia.
Nghị định này cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị để thực thi chặt chẽ Luật An ninh mạng, theo Reuters.
Các nhà lập pháp Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng Sáu, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền quyền và chính phủ phương Tây.
Các ý kiến phản đối cho rằng luật này sẽ làm suy yếu nền kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số và bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Trước đó, Google, Facebook và các công ty công nghệ lớn khác đã hy vọng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng sẽ giảm bớt các điều khoản mà họ thấy khó chấp nhận nhất.
Nhưng tài liệu mà Reuters được tiếp cận cho thấy những hy vọng đó dường như không thể hiện thực hóa.
Thay vì thế, các công ty này bị đặt trước thách thức là tuân thủ luật của Việt Nam hay rút khỏi thị trường nước này.
Việt Nam là thị trường nhiều người tiêu dùng trẻ cho các dịch vụ mạng
Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Facebook và Google đều chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này theo đề nghị của Reuters.
Cả Facebook và Google đều được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các nhà quản lý của hai công ty này đã bày tỏ một các cá nhân rằng họ lo ngại Luật An ninh mạng sẽ giúp giới chức Việt Nam dễ dàng kiểm soát khách hàng của mình và khiến nhân viên người địa phương có nguy cơ bị chính quyền bắt giữ.
Việt Nam là 'trường hợp điển hình'
Việt Nam được coi là trường hợp điển hình ở Châu Á, nơi Facebook và Google phải đối mặt với áp lực khi hoạt động dưới một chính phủ đàn áp, theo Reuters.
Nó cũng cho thấy cách chế độ độc tài đang cố gắng đi theo con đường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào.
Giới chỉ trích lo ngại luật mới sẽ khiến kinh tế internet đang phát triển bị suy yếu, nhưng lại gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến online. Việt Nam ngày càng tích cực trong việc truy tố các nhà bất đồng chính kiến đăng bài chống chính phủ trên Facebook.
Các Đại biểu quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng hồi tháng 6/2018
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, cho biết hồi tháng Sáu rằng việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là khả thi, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Dự thảo nghị định dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới để thăm dò ý kiến người dân. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nhưng các quy định đối với các công ty kỹ thuật số về việc mở văn phòng tại Việt Nam và nội địa hóa dữ liệu sẽ chưa có hiệu lực trong một năm nữa.
Trước đó, hôm 13-14/9, phó chủ tịch Facebook Simon Milner đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo báo Vietnamnet.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về "sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".
Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như "con dâu về nhà chồng" và Facebook, cần phải "tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng".
Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook "cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại".
Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.
*****************
Việt Nam sắp thi hành Luật an ninh mạng để gia tăng kiểm soát dân (Người Việt, 10/10/2018)
Các dự thảo quy định chi tiết của Luật an ninh mạng "cơ bản hoàn thành". Đây chính là cái để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng kiểm soát dân từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.
Biểu tình phản đối Luật an ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10 tháng Sáu, 2018. (Hình : Facebook Dũng Hoàng)
Hôm 10 tháng Mười, 2018, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Bộ Công An được giao xây dựng ba văn bản trình chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.
Việc Luật an ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu và "cơ bản hoàn thành" dự thảo quy định chi tiết chỉ trong hơn ba tháng sau đó khiến nhiều blogger là chế độ sẽ gia tăng kiểm soát người dân.
Vì tiến độ làm luật này được coi là bất thường, trong khi Luật Biểu Tình – điều luật mà người dân trông đợi bấy lâu nay thì liên tục bị trì hoãn bàn thảo sau các kỳ họp Quốc hội gần đây.
Hành động đẩy nhanh tốc độ ra văn bản quy phạm pháp luật về Luật an ninh mạng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam phớt lờ những lời kêu gọi của giới chuyên gia, học giả, nhà hoạt động về việc cần hoãn thực thi điều luật "bóp nghẹt công luận và ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của người dân".
Cùng lúc với việc ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng, nhà cầm quyền Việt Nam cũng lệnh cho các tòa án địa phương phạt tù hàng chục người tham gia biểu tình phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu hồi tháng Sáu, với các cáo buộc "kích động, gây rối trật tự công cộng".
Theo Now Campaign – chiến dịch có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế – cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng Sáu để phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù.
Con số này chắc chắn chưa dừng lại vì còn hàng chục người bị bắt giam sau cuộc biểu tình ở Sài Gòn đến nay vẫn chưa được đem ra xét xử.
Thời điểm Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết hôm 21 tháng Chín, nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang nêu suy đoán trên trang cá nhân rằng ông Quang "nhiều khả năng là tác giả, là người bảo trợ và là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho Luật an ninh mạng".
Suy đoán này có cơ sở vì ông Quang từng làm bộ trưởng công an và từng bao biện trên báo VNExpress hồi tháng Sáu rằng : "Luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không xâm phạm đời tư của công dân". (T.K.)
*******************
Khó thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn (RFA, 11/10/2018)
Nhiều ngàn tỉ trong các vụ đại án đang gặp nhiều khó khăn để thu hồi.
Những vụ án xử lý tham nhũng lớn - Ảnh minh họa - File photo
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước hôm 11 tháng 10, trích dẫn từ báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018.
Theo báo cáo, có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi.
Theo Bộ Tư pháp, có 3 nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền, tài sản là dự án chưa thực hiện xong.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.
******************
Việt Nam thừa nhận thực tế khiếu nại - tố cáo phức tạp (RFA, 11/10/2018)
Tình hình khiếu nại - tố cáo trong 5 năm qua phức tạp và cần phải tăng cường để có thể giải quyết thỏa đáng.
Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương - Nguyễn Tường Thụy
Đây là thừa nhận được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 11 tháng 10.
Số liệu được trình bày tại hội nghị cho thấy trong 5 năm qua các cơ quan tiếp dân đã tiếp hơn 72.600 lượt công dân đến trình bày hơn 21.000 vụ việc và có hơn 2.000 lượt đoàn khiếu kiện đông người.
Trong đó 70% các vụ khiếu nại tố cáo do Thanh tra Chính phủ tiếp ; Ban Dân nguyện tiếp 20% ; Văn phòng Chính phủ tiếp 5% ; các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp gần 4%.
Tin cho biết việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương chưa đúng trình tự, thủ tục, tiếp công dân mang tính hình thức. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra chính phủ, được báo giới trích dẫn rằng trong hơn 3 năm qua tình hình khiếu kiện vượt cấp mặc dù có giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu kiện ngày càng phức tạp. Ông nhấn mạnh các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp đồng bộ để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn chứ không làm riêng lẻ như lâu nay.
Ông Khái nhắc đến vụ Thủ Thiêm rằng qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Nếu trước đây đưa đoàn giám sát vào giám sát trước để xem giải quyết lần 1, lần 2 làm có tới nơi, tới chốn hay không, có tiếp công dân có đạt không thì chắc chắc vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.
Hiện nay, nhiều người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng chế nhà đất phi pháp phải đi khiếu kiện suốt 20 năm qua, tỏ ra bức xúc hơn ; sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần này, biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Kinh phí được nói rõ hơn 1.500 tỷ đồng.
Trước phản ứng không đồng tình của công luận, vào ngày 11 tháng 10, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng bảo vệ quyết định biểu quyết đồng ý 100% của mọi thành viên trong hội đồng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là cho cả thế hệ hiện nay và mai sau.
****************
Việt Nam tiếp tục thủ tục để thông qua chủ tịch nước (RFA, 11/10/2018)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam tại phiên họp thứ 28 diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 10 vào tuần tới đây sẽ chuẩn bị nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu.
Chủ tịch Trần Đại Quang (trái) đứng đầu Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đứng đầu Đảng Cộng sản. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, tháng 1/2016. AFP
Thông tin này được Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho báo giới biết vào ngày 11 tháng 10.
Vào ngày 3 tháng 10 vừa qua, Hội nghị thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 được cho biết 100% đồng ý giới thiệu ông đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước thay cho ông Trần Đại Quang, người qua đời đột ngột vào ngày 21 tháng 9.
Thủ tục tiếp theo là Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 6 dự kiến bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 tới đây sẽ tiến hành bỏ phiếu và phê chuẩn.
Nhiều người cho rằng đây là kế hoạch ‘nhất thể hóa’ mà giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đề cập đến lâu nay ; tuy nhiên chính ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Hội nghị Trung ương 8 nói rằng ‘đó chỉ là biện pháp tình huống’.
Ngoài việc bỏ phiếu và phê chuẩn chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa 6 cũng thực hiện động thái này đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, người hiện đang giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từ vai trò lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel được cử nắm chức vụ hiện nay sau khi cả hai ông nguyên bộ trưởng Bộ Thông Thông tin và truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chịu kỷ luật trong vụ Mobifone nâng khống giá mua lại 95% Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG.
Cựu Đại sứ Mỹ : Luật An ninh mạng sẽ làm chậm phát triển kinh tế của Việt Nam (RFA, 09/08/2018)
Luật An ninh mạng, mà Quốc Hội Việt Nam vừa thông qua, là một bước thụt lùi gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm đến 98% tổng số các doanh nghiệp ở quốc gia này.
Ông David Shear, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 2011-2014. AFP
Ông David Shear, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 2011-2014, nhận định như vừa nêu trong một bài viết, vừa được phổ biến trên The National Interest.
Quốc hội Việt Nam hôm 12 tháng 6 vừa qua đã thông qua luật An ninh mạng vốn bị cộng đồng quốc tế và nhiều người dân trong nước phản đối vì lo ngại luật mới sẽ hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân.
Đại sứ David Shear cho rằng Luật An ninh mạng mà Quốc Hội Việt Nam thông qua là một cú sốc đối với những gì mà Chính phủ Việt Nam đang cố gắng phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ David Shear trích dẫn số liệu được ghi nhận bởi Temasek và Google, cho thấy nền kinh tế internet của Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ đô la Mỹ (USD) lên 5,7 tỷ USD, tính từ năm 2015 đến năm 2017. Số liệu báo cáo của Bộ Công Thương về tăng trưởng doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 20% mỗi năm.
Ông David Shear cho rằng Luật An ninh mạng làm suy yếu tiềm năng to lớn của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi phải tiếp cận thị trường và công nghệ toàn cầu vì các doanh nghiệp cần phải sử dụng nhiều dữ liệu hơn để duy trì tính cạnh tranh, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, thương mại điện tử và điện toán đám mây để tăng năng suất. Yêu cầu nội địa hoá dữ liệu chặt chẽ của Luật An ninh mạng mới sẽ khiến các doanh nghiệp không thể truy cập dữ liệu tốt nhất và các dịch vụ điện toán mà thế giới cung cấp.
Theo ước tính của Trung tâm Châu Âu về Kinh tế Chính trị Quốc tế đưa ra hồi năm 2014, việc nội địa hóa dữ liệu toàn bộ sẽ khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 1,7% mỗi năm và giảm đầu tư nội địa khoảng 3,1%.
********************
Cựu đại sứ Mỹ : Luật An ninh mạng 'là bước lùi lớn' (BBC, 09/09/2018)
Cựu đại sứ Mỹ nhận định rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật An ninh mạng là "bước lùi lớn" và làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
"Năm ngoái, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,8%, một phần là nhờ sự sôi nổi của nền kinh tế Internet"
Viết trên trang National Interest, ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2011 đến 2014, tiết lộ : "Trong nhiệm kỳ của mình, tôi luôn phải tự trấn an khi đối mặt với trở ngại ngoại giao là Việt Nam cứ tiến thêm được hai bước là lùi lại một bước. Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng và đó là "bước lùi lớn" - gây hệ lụy là khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tốn thêm chi phí".
Hồi tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam ban hành chỉ thị đầy tham vọng : "Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0".
Chỉ thị này hướng dẫn các cơ quan chính phủ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam bằng cách tận dụng công nghệ số và truyền thông. Văn bản này cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ bị tụt hậu và khuyến khích các cơ quan chính phủ "cho phép mọi người và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển nội dung số một cách dễ dàng và công bằng".
Chỉ thị này đánh giá những đóng góp tiềm năng đáng kể của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Năm ngoái, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,8%, một phần là nhờ sự sôi nổi của nền kinh tế Internet và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo nghiên cứu gần đây của Temasek và Google, nền kinh tế Internet tăng từ 3,3 tỷ đôla lên 5,7 tỷ đôla trong giai đoạn 2015 - 2017. Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực đặc biệt đầy hứa hẹn tại Việt Nam.
Bộ Công thương báo cáo rằng tăng trưởng doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 20% mỗi năm.
"Do đó, việc luật An ninh mạng được thông qua là một đòn giáng đáng ngạc nhiên với quỹ đạo tích cực này", ông Shear bình luận.
Vị cựu đại sứ Mỹ nhấn mạnh : "Luật này sẽ làm suy yếu tiềm năng to lớn của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Nó ngăn cấm những nội dung trên Internet bị coi là đe dọa chế độ hoặc xã hội Việt Nam. Nó yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho người dùng Việt Nam phải lập văn phòng đại diện trong nước. Đáng lo ngại nhất, nó cũng yêu cầu các công ty đó lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam".
Ông David Shear, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong sự kiện giao lưu quân sự Việt-Mỹ ở Đà Nẵng hồi tháng 4/2012
'Gánh nặng không cần thiết'
"Luật An ninh mạng biến Việt Nam thành nơi bị cô lập trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tiếp cận thị trường và công nghệ toàn cầu".
"Cách mạng công nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp phải thu thập, phân tích dữ liệu nhiều hơn để duy trì tính cạnh tranh, dùng truyền thông xã hội, thương mại điện tử và điện toán đám mây để tăng năng suất".
"Nhưng một khi buộc phải nội địa hóa dữ liệu chặt chẽ, họ không thể truy cập dữ liệu và các dịch vụ điện toán đám mây mà thế giới cung cấp".
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng vì khả năng hạn chế trong việc giảm thiểu những thiệt hại do luật này. Ví dụ, nghiên cứu của hãng bảo mật Leviathan Security Group phát hiện rằng việc nội địa hóa dữ liệu có thể làm tăng chi phí máy tính của một công ty nhỏ khoảng 30 đến 60%".
"Không có gì ngạc nhiên khi việc thực thi luật An ninh mạng có thể đem lại những hậu quả tiêu cực đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam".
Ngay từ năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị Châu Âu (ECIPE) ước tính rằng các biện pháp nội địa hóa dữ liệu đầy đủ sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 1,7% mỗi năm.
Các biện pháp này cũng có khả năng sẽ làm giảm 3,1% đầu tư trong nước.
"Đó là lý do tại sao các hiệp hội ngành công nghiệp Việt Nam cùng các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu quốc tế công khai bày tỏ sự quan ngại với luật mới", ông Shear viết thêm.
"Bây giờ là thời điểm để Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày nay, luồng dữ liệu tự do rất quan trọng đối với dòng chảy tự do thương mại và luồng dữ liệu xuyên biên giới là rất cần thiết cho các hoạt động kinh doanh. Một luật đưa ra yêu cầu nội địa hóa dữ liệu thì áp đặt gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp".
"Hơn nữa, các quốc gia cản trở luồng dữ liệu sẽ ít được các công ty quốc tế phục vụ tốt. Chính quyền Việt Nam đã thừa nhận tầm quan trọng của công nghệ số và truyền thông đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ. Họ cũng nên nhận biết những rủi ro về kinh tế của việc nội địa hóa dữ liệu".
"Một Việt Nam tự thoát khỏi các luồng dữ liệu toàn cầu là một Việt Nam tự đẩy mình ra khỏi sự phát triển toàn cầu", cựu đại sứ Mỹ kết luận.
*****************
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam : Luật an ninh mạng mới sẽ cản đà tăng trưởng kinh tế (VOA, 09/08/2018)
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nói luật an ninh mạng mới được Quốc hội Việt Nam thông qua là một bước lùi lớn – sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Trong một bài viết đăng trên trang mạng tờ The National Interest, ông David Shear nói luật an ninh mạng mới của Việt Nam sẽ biến nước này thành một thành trì bị cô lập ngay giữa lúc các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tiếp cận thị trường và công nghệ toàn cầu".
Tư liệu : Giáo sư Đặng Hữu và các chuyên gia kêu gọi quốc hội Việt Nam sửa một số điều trước khi thông qua dự luật an ninh mạng, 5/6/2018
Tháng 5 năm 2017, chính phủ Việt Nam ban hành một chỉ thị đầy tham vọng - được gọi là Chỉ thị 16, để dẫn dắt đất nước qua cái gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 (4IR), giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách tận dụng công nghệ số và truyền thông xã hội, thương mại điện tử vv.. và tránh nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu.
Tuy nhiên chỉ thị này thiết lập các quy định cấm truy cập các nội dung internet được coi là có thể trở thành một mối đe dọa đối với nhà nước hoặc xã hội Việt Nam. Luật mới còn đòi hỏi các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ ICT cho người tiêu dùng Việt Nam phải thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, và phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng mạng Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam.
55555555555555
Ông David Shear, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện là Trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương
Ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 2011-2014, khuyến cáo :
"Cách mạng công nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp phải thu thập và phân tích các dữ liệu nhiều hơn để duy trì tính cạnh tranh, dùng truyền thông xã hội, thương mại điện tử và kỹ thuật điện toán đám mây để tăng năng suất".
Ông Shear nói những quy định nghiêm ngặt sẽ cản trở việc tiếp cận các nguồn dữ liệu và dịch vụ công nghệ đám mây tốt nhất mà thế giới có thể cung cấp. Hệ quả là Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi một cách vô lý, "tác động tiêu cực đáng kể tới nền kinh tế quốc gia".
Cựu Đại sứ David Shear trích dẫn một phúc trình năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị Châu Âu (ECIPE) ước lượng rằng các biện pháp quy định phải nội địa hóa hoàn toàn các dữ liệu sẽ làm giảm đà tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 1,7% mỗi năm, đồng thời có thể giảm đầu tư trong nước khoảng 3,1%.
Năm ngoái, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,8%, một phần là nhờ sự năng động của nền kinh tế Internet và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đại sứ Shear khuyến cáo nếu Việt Nam hạn chế các luồng dữ liệu toàn cầu thì cũng sẽ tự đẩy mình ra khỏi sự phát triển toàn cầu.
Hẳn nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như các đồng chí đang lãnh đạo ngành, lãnh đạo các địa phương thuộc đủ mọi cấp đang đếm từng ngày, mong năm 2018 chóng qua và năm 2019 mau tới.
Hình minh họa.
Ngày đầu tiên của năm 2019 – ngày Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực thực thi, chắc chắn nhiều đồng chí sẽ ăn ngon hơn, ngủ yên hơn vì ít nhất cũng có 90 triệu công dân Việt Nam, dù muốn hay không vẫn phải nhìn trước, ngó sau, tự nguyện hạn chế chuyện nghĩ sao, nói vậy trên Internet, phiền muộn, tất nhiên sẽ giảm đáng kể.
Theo dõi diễn biến của scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang, vốn đang làm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vừa đau đầu, vừa loay hoay đối phó một cách hết sức chật vật, sẽ rất dễ thấy, nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua (thời điểm Quốc hội Việt Nam thông qua và Chủ tịch Nhà nước Việt Nam ký lệnh ban hành) thì bất kể thế nào, dân chúng Việt Nam cũng phải chấp nhận, Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 cũng vẫn “phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi” như Bộ Giáo dục – Đào tạo từng khẳng định hôm 12 tháng 7(1).
***
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua thì với các qui định trong luật này(2), ba giáo viên Vũ Khắc Ngọc, Đỗ Ngọc Hà, Nguyễn Thanh Tùng (đang tham gia điều hành một Trung tâm Giáo dục Online tại Hà Nội) sẽ không dám liên tục công bố các phân tích, chứng minh trên mạng xã hội rằng đã xảy ra gian lận trong kết quả khảo thí ở kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang(3). Trong trường hợp ba giáo viên này liều lĩnh đánh động dư luận xã hội, căn cứ vào các qui định của Luật An ninh mạng, công an Việt Nam có thể xử lý cả ba ngay lập tức, trước khi chuỗi hành vi của họ “gây hậu quả nghiêm trọng” như đã thấy.
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua thì sẽ chẳng có bao nhiêu người dám chia sẻ kết quả phân tích, nhận định của cả ba giáo viên vừa kể. Do thiếu thông tin, công chúng không ưng cũng sẽ chỉ “bán tín, bán nghi” chứ không dám đồng loạt đòi xét lại kết quả khảo thí ở kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang và tất nhiên Bộ Giáo dục – Đào tạo không bị động tới mức : Buổi sáng ngày 12 tháng 7, vừa mới tuyên bố như đinh đóng cột, Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 “nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi” thì tới buổi chiều cùng ngày phải miễn cưỡng yêu cầu Ban Chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang phải “rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi” (4).
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua, mạng xã hội yên tĩnh vì dân không biết để bàn, hệ thống công quyền không bị đẩy đến tình thế phải kiểm tra, phải làm gì đó để công chúng hạ hỏa thì làm gì có chuyện ông Vũ Trọng Lương - Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Hà Giang bị khởi tố, ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh Hà Giang phải than… buồn, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo bị ép phải thoái bộ từng bước, từ chỗ hứa sẽ nghiêm túc “trả lại công bằng cho học sinh” và “niềm tin cho nhân dân” (5) tới chỗ phải chỉ đạo “rà soát toàn bộ kết quả kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 trên toàn quốc” (6)…
***
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng ông Lương đã dám sửa – nâng điểm cho 114 thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang mà bài thi nhiều môn vốn chỉ đạt 0,75 điểm hay 1 điểm, 1,2 điểm được nâng lên thành 8,75 điểm, 9 điểm, thậm chí 9,5 điểm, bất kể điều đó sẽ gạt hàng trăm đứa trẻ xứng đáng hơn nhiều khỏi các đại học mà chúng và gia đình chúng mong ước. Thiếu “niềm tin nội tâm” rằng an toàn cá nhân được bảo đảm, ông Lương đâu có… liều như vậy. Ông Lương lâm nạn chỉ vì ông không dè sức mạnh của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua mạng xã hội có thể lộn ngược những thứ xưa nay cho dù có tầm bậy, tầm bạ vẫn được xem như đúng tùm lum, tà la thôi !
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi, kèm theo đó là cam kết “không có vùng cấm” trong xử lý scandal sửa – nâng điểm cho 114 đứa trẻ là con cháu các viên chức lãnh đạo hệ thống công quyền và con cháu một số “doanh nhân thành đạt” ở Hà Giang nhưng tới giờ chỉ có 4/114 đứa trẻ chính thức bị lôi vào vòng thị phi : Một đứa là cháu ông Lương, ba đứa là con và cháu ông Triệu Tài Vinh. 110 đứa trẻ còn lại là con, cháu những ai vẫn còn đang được bảo mật. Báo giới cũng chỉ dám nói xa, nói gần về những đứa trẻ còn lại. Không phải tự nhiên mà ngay cả khi con, cháu được hưởng “xái” từ hành động sửa – nâng điểm của ông Lương, ông Vinh vẫn khẳng định một cách mạnh mẽ, rằng đó là “bị”, là “âm mưu”. Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng giá trị của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng chỉ có giá trị… tương đối. Chưa bao giờ đưa “cán bộ vào tròng” là chuyện dễ dàng, ông Vinh cũng như nhiều cán bộ khác biết rất rõ điều đó, tự tin là tất nhiên.
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng tờ Thanh Niên vẫn “tự ý đục bỏ” bài “Cả Sở và Bộ Gíao dục đã biết về sai phạm ở Hà Giang trước khi rà soát” (7). Đây là bài viết giới thiệu một Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, theo đó, ngày 7 tháng 7, Hội đồng Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang đã phát giác ông Lương tự ý di chuyển các thùng đựng bài thi trắc nghiệm và một số phương tiện phục vụ chấm thi (máy tính, máy quét bài thi) ra khỏi nơi qui định nên đã đình chỉ công tác Phó Thư ký Hội đồng thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang của ông Lương từ hôm ấy. Ngày 10 tháng 7, Hội đồng Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang đã báo cáo “sự cố” cho cả Ban Chỉ đạo Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang lẫn trung ương. Những ban này không làm gì cả. Ngày 11 tháng 7, Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố kết quả Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 trên toàn quốc. Sáng 12 tháng 7, Bộ Giáo dục – Đào tạo tuyên bố Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 “nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi”, dư luận trên mạng xã hội dậy lên thành bão, chiều cùng ngày, Bộ Giáo dục – Đào tạo yêu cầu Ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang phả i “rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi”…
Chắc chắn Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang không nói điêu, tờ Thanh Niên không “thông tin sai sự thật” khi giới thiệu báo cáo ghi ngày 18 tháng 7 này. Vậy thì tại sao tờ Thanh Niên lại “tự ý đục bỏ” bài viết giúp hệ thống hóa các dữ kiện giúp người ta thấy một cách tường tận rằng các Ban Chỉ đạo Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 của cả tỉnh Hà Giang lẫn trung ương (bao gồm lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo ngành công an và đại diện các sở, ngành có liên quan) biết rõ Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 không bình thường nhưng không hành động(8). Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực thực thi, mạng xã hội lặng như tờ, chắc chắn sẽ không có scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang.
***
Dường như trong mắt giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam, chia sẻ thông tin, bình phẩm về scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang đã trở thành… quá trớn, quá mức… chịu đựng của hệ thống này, cuối tuần vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, người được chính phủ Việt Nam ủy nhiệm tổ chức, điều hành Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018, tuyên bố : Không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi vừa qua làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội ! Đầu tuần này, dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi song thông tin liên quan tới những bất cập trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 trên hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam có vẻ chừng mực hơn.
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực thực thi, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tự khép mình vào khuôn khổ, dù chẳng có gì bảo đảm hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn, kinh tế - xã hội sẽ ổn định, ít những điều bất toàn hơn nhưng chắc chắc chẳng còn bao nhiêu đất cho các scandal. Đó là lý do cả giới lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ và đại đa số Đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng cố hết sức để đưa Luật An ninh mạng vào đời.
Trân Văn
Nguồn VOA, 24/07/2018
Chú thích :
(1) http://tamnhin.net.vn/bo-giao-duc-dao-tao-ty-le-tot-nghiep-thpt-2018-toan-quoc-dat-9757-37604.html
Việt Nam phản ứng trước lời kêu gọi chống Luật An ninh mạng của 17 nghị sĩ Mỹ (RFA, 21/07/2018)
Ngày 20/7, bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời về phản ứng của Việt Nam trước lời kêu gọi của 17 nghị sĩ Mỹ với các giám đốc điều hành của Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mới được thông qua của Việt Nam.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - RFA edit
Theo đó, bà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà cho rằng :
"Việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội".
Bà cho biết thêm : "Đồng thời, việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng các quyền đó để có các hành vi vi phạm pháp luật”.
Trước đó, vào ngày 17/7 Reuters loan tin cho biết 17 nhà lập pháp Mỹ đã ký thư kêu gọi giới chức điều hành cấp cao của 2 công ty Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6. Những thay đổi được qui định trong luật này bị giới chỉ trích nói là tạo thêm quyền để nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đàn áp đối lập.
"Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc công ty của các bạn hỗ trợ việc cung cấp và kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần phải được nêu ra ở mức cao nhất của ngoại giao. Chúng tôi đề nghị các bạn nên thực thi đúng nhiệm vụ các bạn đã cam kết là thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”, lá thư đề ngày 12/7 nêu rõ.
Ngoài ra, vào ngày 17/7, ba Thượng nghị sĩ Mỹ khác đã gửi thư đến quan chức điều hành của Facebook và Google kêu gọi bất tuân luật An ninh mạng của Việt Nam. Thư do ba Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Robert Menendez và Ron Wyden cùng ký tên. Các nghị sĩ cho rằng luật mới sẽ cho phép cơ quan chức năng Việt Nam tiếp cận thông tin cá nhân, theo dõi người sử dụng, giới hạn thêm nữa các quyền tự do hạn chế trên mạng ở Việt Nam bao gồm quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận.
************************
Phong toả tài sản 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng liên quan vụ án Vũ ‘nhôm’ (RFA, 21/07/2018)
Mạng báo Zing hôm 21/7 trích nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cho biết công an đã có văn bản yêu cầu thành phố Đà Nẵng phong toả tài sản của hai cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố hiện đang bị khởi tố là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) và Văn Hữu Chiến - RFA edit
Ông Trần Văn Minh là Chủ tịch Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2011. Ông Trần Văn Minh bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 17/4 vừa qua với cáo buộc ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Văn Hữu Chiến là Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014. Ông này bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú hôm 17/4 vừa qua để với cùng cáo buộc giống như của ông Trần Văn Minh.
Trong cùng ngày 17/4/2018, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với 3 các quan chức Đà Nẵng khác với các cáo buộc liên quan đến những sai phạm trong quản lý đấ đai.
Những quan chức bị khởi tố đều có liên quan đến vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời là một sĩ quan công an. Ông này bị bắt giam và khởi tố với các tội bao gồm ‘cố ý làm lộ bí mật quốc gia’, trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.
Vũ ‘nhôm’ cũng là người sở hữu nhiều khu đất ‘vàng’ tại thành phố Đà Nẵng.
Theo Zing, Vũ ‘nhôm’ sẽ ra toà xử kín vào ngày 30/7 tới đây cùng với hai đồng phạm khác liên quan đến cáo buộc ‘làm lộ bí mật nhà nước’.
Cùng bị khởi tố và bắt giam vào ngày 14/7 vừa qua còn có ông Phan Hữu Tuấn, 63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ Công An và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công An, 55 tuổi. Hai người này bị khởi tố vì tội ‘làm lộ bí mật nhà nước’.