Trong một bức thư gởi đến lãnh đạo hai tập đoàn Facebook và Google, 17 nhà lập pháp Mỹ mới đây đã kêu gọi các đại tập đoàn internet này chống lại những thay đổi được quy định trong Luật An Ninh Mạng vừa được Việt Nam thông qua, đặc biệt là đòi hỏi lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu cá nhân người sử dụng Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/06/2018 tại Hà Nội. TTXVN/ AFP
Theo hãng tin Anh Reuters, trong bức thư đề ngày 12/07/2018, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã cho rằng Luật An Ninh Mạng của Việt Nam thực ra không hề nhằm mục tiêu bảo vệ những người sử dụng Internet, mà là một công cụ để đàn áp những tiếng nói bất đồng trong nước.
Các nghị sĩ Mỹ, trong đó có ông Christopher Smith, nghị sĩ Cộng Hòa bang New Jersey, và hai dân biểu đảng Dân Chủ bang California là Alan Lowenthal and Zoe Lofgren, đồng chủ tịch Nhóm Vietnam Caucus tại Quốc hội Mỹ, không ngần ngại cho rằng : "Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc các công ty của quý vị phải hỗ trợ và kiểm duyệt thông tin, thì đó là một vấn đề đáng quan ngại, cần được nêu lên qua con đường ngoại giao và ở cấp cao nhất".
Lời kêu gọi của các nghị sĩ Mỹ tập trung vào hai điểm trong bộ Luật An Ninh Mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng Sáu vừa qua, và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Trước hết là quy định theo đó Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu khác phải lưu trữ ngay tại Việt Nam, dữ liệu cá nhân của người dùng tại Việt Nam, và mở văn phòng trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó là quy định buộc các công ty có hoạt động tại Việt Nam là phải gỡ bỏ các nội dung bị chính quyền Việt Nam phản đối trong vòng 24 tiếng đồng hồ, sau khi có yêu cầu từ bộ Công An hay bộ Văn Hóa Thông Tin.
Nhật báo Anh Financial Times ghi nhận là trong thư, các nghị sĩ Mỹ Mỹ nói rõ với lãnh đạo của Facebook và Google rằng : "Đã có những thông tin, theo đó công ty của quý vị đã gỡ bỏ video và đóng cửa tài khoản (của một số người sử dụng) theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam… trong đó có cả tài khoản người dùng ở California và Đức".
Theo ghi nhận của Reuters, các tập đoàn internet toàn cầu đã có những phản ứng rất mạnh trước đòi hỏi lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam ngay tại Việt Nam, nhưng lại không cứng rắn lắm trước các yêu cầu mà mục tiêu chính là nhằm gia tăng đàn áp các hoạt động chính trị trên mạng.
Báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng
Vào lúc các nghị sĩ Mỹ kêu gọi kháng lại Luật An Ninh Mạng Việt Nam, vấn đề thông tin trên mạng đặc biệt nổi cộm tại Việt Nam với sự kiện chính quyền ra lệnh đình bản Báo Tuổi Trẻ Online, tức là trang mạng của báo Tuổi Trẻ, trong thời hạn ba tháng, với lý do loan tin "sai sự thật" và đăng bình luận "gây mất đoàn kết dân tộc".
Trên trang mạng của mình ngày 16/07 vừa qua, tờ Tuổi Trẻ Online đã lên tiếng tạm biệt độc giả trong ba tháng, đồng thời công bố giải thích về hai lỗi lầm khiến tờ báo bị phạt.
Liên quan đến việc loan tin sai sự thật, báo Tuổi Trẻ cho biết nội dung như sau : "Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19/06/2018 đăng bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình". Trong bài viết này, Tuổi Trẻ Online có đăng: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/06/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên".
Trọng Nghĩa
Mặt trận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lầm vào mê hồn trận của Luật An ninh mạng khi Ban Tuyên giáo đảng chỉ biết rung cây dọa khỉ.
Luật An ninh mạng chỉ nhằm khóa miệng dân, tiêu diệt quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng
Trước hết hãy bàn về mối lo âu của Ban Tuyên giáo đảng khi Luật An ninh mạng được chuẩn bị đi vào cuộc sống từ ngày 01/01/2019.
Trao đổi với cử tri Biên Hòa ngày 20/06/2018, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhìn nhận :
"Hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh tạo ra môi trường ảo, tuy là ảo nhưng lại là thật. Vấn đề an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, việc ra đời Luật An ninh mạng là để điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật".
(Đài Tiếng nói Việt Nam, VoV-Voice of Vietnam)
Nói thế vì ông Thưởng không thể nói khác trong khi ai cũng biết Luật An ninh mạng, được Quốc hội chấp thuận ngày 12/06/2018 và đã được ban hành ngày 09/07/2018, chỉ nhằm khóa miệng dân, tiêu diệt quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và vi phạm quyền được tiếp cận thông tin của người dân đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013 (Điều 25 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…).
Những ngăn cấm trong Luật An ninh mạng và trừng phạt vi phạm theo Bộ Luật hình sự, sửa đổi ngày 20/06/2017 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, là bằng chứng phơi bầy chủ trương dùng Luật do mình tự viết để giúp Đảng duy trì chế độ độc tài.
Nhưng người đứng đầu ngành tuyên truyền để bảo vệ đảng, Võ Văn Thưởng, vẫn chối biến Luật An ninh mạng không có cạm bẫy gì. Ông ta nói :
"Phải khẳng định rằng ra Luật An ninh mạng hoàn toàn không có chuyện vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân. Mà ngược lại còn tạo điều kiện thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến nhưng chúng ta phải theo quy định của pháp luật, không phải chúng ta nói tự do rồi muốn làm gì thì làm. Mà có quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công dân với xã hội, giữa công dân với Nhà nước".
(VoV, 20/06/2018)
Nhưng "theo quy định của pháp luật" là luật nào ? Nếu đó là Luật An ninh mạng và Luật hình sự là ngụy biện cộng sản. Trong bất kỳ quốc gia nào, không phải có tự do là được phép vi phạm pháp luật. Nhưng tự do ở các nước dân chủ là thứ tự do có thượng tôn luật pháp. Mọi người, từ dân tới lãnh đạo, đều bình đẳng như nhau và không ai được hưởng đặc quyền đặc lợi trước tòa án.
Ngược lại, ở các nước độc tài, nhất là độc tài cộng sản như Việt Nam, luật pháp chỉ nằm trong tay kẻ cầm quyền và phe nhóm. Quan tòa ở Việt Nam, như đã chứng minh trong quá khứ và hiện nay, là thành phần tham nhũng quyền lực và địa vị vì chỉ biết xử bị cáo chính trị theo lệnh nhà nước, nhất là đối với những người tranh đấu đòi dân chủ và tự do.
Con số trên 100 tù nhân lương tâm và chính trị đang bị giam cầm, đánh đập trong các nhà tù cộng sản Việt Nam, trong đó có hai phụ nữ can trường Nguyễn Ngọc Như Qùynh (Mẹ Nấm) và Trần Thị Nga là một bằng chứng của những phiên tòa luật rừng của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Bối rối chạy quanh
Vì vậy, khi bị các tổ chức nhân quyền, tôn giáo và các nước dân chủ lên tiếng chỉ trích, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ biết chối quanh nói rằng : "Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật".
Nhưng lời nói quanh co ngày 05/04/2018 của Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, vẫn không thay đổi được bộ mặt vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam vì chẳng ai tin lời bà Hằng nói.
Vì vậy, khi đã bị "một sự bất tín, vạn sự bất tin" nên ngành Tuyên giáo của đảng cũng thất bại trên mặt trận tuyên truyền giả mạo.
Tình trạng bối rối này đã được nhìn nhận bởi ông Võ Văn Thưởng tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo ngày 09/07/2018 tại Hà Nội. Ông Thưởng nói :
"Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có việc chưa kịp thời ; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, bộ, ngành với Ban Tuyên giáo trung ương trong cung cấp, định hướng thông tin và chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa còn có việc, có lúc chưa chặt chẽ, nên chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là một số vấn đề phức tạp nảy sinh còn chậm, việc phản ánh, báo cáo và định hướng thông tin chưa kịp thời, công tác tuyên truyền chưa chủ động, chưa đáp ứng nhu cầu và trình độ ngày càng cao của nhân dân, phương pháp chưa thực sự phù hợp".
(TTXVN, 09/07/2018)
Song song với những tuyên bố của ông Thưởng là hàng loạt bài viết bênh vực và ca tụng Luật An ninh mạng xuất hiện trên các báo dòng chính như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và hai cơ quan VoV và TTXVN v.v…
Dưới cái tựa "Tỉnh táo, chủ động trước tin tức bịa đặt, sai sự thật", báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng viết hồ hởi rằng :
"Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá về an ninh mạng năm 2017 của BKAV cho biết : 63% người dùng ở Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hằng ngày. Ðây là số liệu thống kê cần được quan tâm, nhất là trong điều kiện các loại tin tức giả mạo do thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn thường xuyên gieo rắc trên in-tơ-nét (internet) nhằm đầu độc người nhẹ dạ, cả tin hoặc kích động những ai vì nhận thức cảm tính mà dễ bức xúc, tự đẩy mình tới hành vi vi phạm pháp luật…".
(Nhân Dân, 03/07/2018)Nhưng BKAV là của ai và số liệu của BKAV có khả tín không ?
BKAV là tên viết tắt của Bách Khoa Anti Virus, và tên Bách Khoa được lấy từ Đại học kỹ thuật Bách khoa Hà Nội, do chuyên viên điện tử Nguyễn Tử Quảng, tốt nghiệp từ trường này thành lập. Ông Nguyễn Tử Quảng cũng là người sáng lập ra Bach Khoa Internetwork Security center (BKIS), một công ty an ninh mạng hàng đầu của Việt Nam.
Vậy liệu Công ty BKIS và BKAV có là một bộ phận của Nhà nước Việt Nam hay chỉ là công ty tư nhân hợp tác với chính quyền cộng sản Việt Nam không phải là điều quan trọng. Chỉ biết rằng những số liệu của ông Quảng công bố và được báo Nhân Dân của đảng chốp lấy tuyên truyền cũng chẳng thuyết phục được ai.
Có chăng thì cũng chỉ là trò rung cây dọa khỉ của báo Nhân Dân để hù họa những người đang sử dụng Internet ở Việt Nam.
Để phụ họa với BKAV, Nhân Dân viết tiếp :
Cùng với việc tự sản xuất tin tức bịa đặt, sai sự thật, BBC, VOA, RFA và một số địa chỉ chống phá Việt Nam còn thường xuyên khai thác loại tin tức này từ internet, đặc biệt là mạng xã hội. Phải nói rằng càng gần đây, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã biến internet, cụ thể là mạng xã hội, thành nơi truyền tải tin tức giả mạo mục đích mà họ trông đợi là những thông tin này sẽ gây hoang mang, nghi ngờ, gieo mầm và hướng sự bức xúc vào vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, nhằm tác động và lũng đoạn niềm tin xã hội, đẩy tới hành vi chống đối".
Lo bị lật đổ
Ngoài Nhân Dân cón có báo Quân đội nhân dân cũng viết nhiều bài giải thích "Vì sao Việt Nam cần phải có Luật An ninh mạng ?" :
"Khác với các thời kỳ lịch sử trước, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ biên cương, bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển của đất nước, ngày nay, bảo vệ Tổ quốc còn phải bảo vệ không gian điện tử của Tổ quốc. Thực tế cho thấy từ khi internet, mạng xã hội ra đời đến nay đã từng diễn ra việc lợi dụng internet, mạng xã hội để tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối, kêu gọi lật đổ chính quyền. Ngày nay, các thế lực thù địch đã có thêm một phương thức mới để chống phá nhà nước, đó là sử dụng internet, mạng xã hội để tấn công cơ quan, tổ chức, thậm chí còn có thể gây bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội… Vì vậy, Nhà nước Việt Nam cần có chế tài nghiêm minh đối với tội phạm mạng là điều hết sức cần thiết".
(Quân đội nhân dân, 09/07/2018)
Những lời cáo buộc các cuộc xuống đuờng biểu tình bất bạo động của hàng ngàn người dân khắp Việt Nam, trong các ngày 10, 11 và 17 tháng 06/2018 chống Luật An ninh mạng của Quân đội nhân dân cũng như dọa dẫm của Nhân Dân, chỉ để lộ nỗi lo sợ bị lật đổ của đảng cộng sản cầm quyền và các cấp lãnh đạo địa phương.
Đảng và những cộng sản chỉ lấy được lòng tin của mọi công dân Việt Nam nếu họ chứng minh được rằng Luật này sẽ không đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng và tôn trọng quyền được thông tin như Hiến pháp 2013 đã minh thị.
Phạm Trần
(12/07/2018)
Nhân quyền ‘biến mất’ khỏi Facebook của Đại sứ Mỹ, gây tranh cãi (VOA, 09/07/2018)
Một bài trên trang Facebook chính thức của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi khi cư dân mạng nhận thấy có sự bất nhất về nội dung nói đến nhân quyền và pháp quyền.
Bài gốc trên Facebook hôm 8/7 của Đại sứ Mỹ Kritenbrink nói về cuộc gặp của Ngoại trưởng Pompeo
Bài của Đại sứ Kritenbrink được đăng vào khoảng 9h30 tối hôm 8/7, giờ Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp tại một khách sạn ở thủ đô Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông.
Đại sứ Mỹ cho hay trong bài trên Facebook của ông : "Tại buổi gặp gỡ các doanh nhân, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định rằng : ‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng... Một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta.’"
Ngay dưới nội dung tiếng Việt là phần lời bằng tiếng Anh, mà theo ảnh ghi lại màn hình bài viết ban đầu của ông Kritenbrink do chính VOA chụp, có thể dễ dàng nhận thấy có sự bất nhất.
Khoảng 3 tiếng sau khi bài được đăng, bắt đầu có những phàn nàn từ một số người rằng phần tiếng Việt bị thiếu.
Nhà hoạt động trẻ được nhiều người biết tiếng Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng đầu tiên. Anh nêu ý kiến : "Bạn nào bên sứ quán dịch thiếu rồi", với hàm ý rằng có thể không phải chính Đại sứ Kritenbrink viết và đăng bài trên Facebook mà do đội ngũ nhân viên của ông thực hiện.
Tiếp đến, anh Tuấn bổ sung các cụm từ còn thiếu để phần tiếng Việt hoàn toàn tương đương với phần tiếng Anh, đó là "vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền."..
Kể từ khi nhà hoạt động trẻ chỉ ra phần dịch thiếu, cho đến tối 9/7, hàng chục người sử dụng Facebook đã dồn dập gửi đến những lời bình luận và câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho đại sứ Mỹ về sự không nhất quán này.
Facebooker Bao Trung Nguyen có lượng người theo dõi đông đảo viết "Đến fb [Facebook] của ngài đại sứ mà cũng tự kiểm duyệt".
Một số người khác liên kết sự việc này với Luật An ninh Mạng của Việt Nam mới được thông qua và bị nhiều chỉ trích. Họ đưa ra bình luận mỉa mai rằng đến cả đại sứ quán Mỹ mà cũng "sợ" Luật An ninh Mạng và dịch thiếu những lời đề cập đến nhân quyền.
Cùng lúc, không ít người đặt ra nghi vấn về những nhân viên người Việt trong đại sứ quán. Facebooker có tên Nguyễn Bảo viết : "Có VC [Việt Cộng] ở trong sứ quán tham gia bộ phận PR [public relations – quan hệ công chúng] hay sao mà cứ thấy chữ human rights [nhân quyền], the rule of law [pháp quyền]... là cắt, không dịch ? !"
Facebooker khác, Thach Vu, góp ý bằng tiếng Anh rằng đại sứ quán Mỹ cần rà soát nghiêm chỉnh đội ngũ những người dịch. "Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Vietnamese Communist Party – Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ", người này viết.
VOA đã liên lạc bằng email với văn phòng của Tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ để hỏi về nguyên nhân của sự việc này, và hôm 9/7, nhận được câu trả lời ngắn gọn : "Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc".
Đại sứ quán Mỹ trả lời về "lỗi dịch thuật" liên quan đến một bài trên Facebook của Đại sứ Kritenbrink, 9/7
Trong email trả lời, văn phòng báo chí của Đại sứ quán cũng cung cấp đường link đến bài phát biểu bằng tiếng Anh của Ngoại trưởng Pompeo, được đăng trên cả hai trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam. Văn phòng nói thêm rằng nội dung đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ được đại sứ quán đăng lên sớm.
Theo những gì được đăng trên hai trang web kể trên, trong phần cuối bài phát biểu này, ông Pompeo chỉ nói : "Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc vì một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia vào thương mại công bằng và đối ứng".
Một câu trả lời tương tự như những gì gửi đến VOA cũng được đại sứ quán đăng vào phần bình luận bên dưới bài gây tranh cãi của Đại sứ Kritenbrink vào sáng 9/7, giờ Hà Nội. Cùng với đó, đoan văn nói về "đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền" cũng bị xóa khỏi phần lời tiếng Anh.
Động thái này và câu trả lời ngắn ngủi dường như không những không giải đáp được các thắc mắc của các Facebooker, mà thậm chí còn làm nảy sinh những câu hỏi mới và những ý kiến gay gắt hơn.
Một người có tên Đỗ Minh trên Facebook viết một cách hài hước : "Hahaha 8 giờ sáng nay ngày 09/7/2018 : Admin [quản trị viên] của facebook Đại sứ và facebook U.S. Embassy in Hanoi [Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội] đã đồng loạt sửa status [dòng trạng thái] đăng ngày hôm qua. Họ chỉ để lại đoạn ngắn, đơn giản, hữu nghị"…
Trong khi đó, một số Facebooker khác bày tỏ "thất vọng" nếu đích thân Đại sứ Kritenbrink tự sửa bài. Có người dùng những từ ngữ nặng nề như "hèn yếu" dành cho nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Việt Nam. Họ đặt câu hỏi tại sao ông hoặc nhân viên của ông xóa nốt "human rights" [nhân quyền] và "the rule of law" [pháp quyền] khỏi nội dung liên quan đến bài phát biểu của ngoại trưởng Pompeo, hay phải chăng "sống cùng những người cộng sản" đến cả những "người ngay thẳng" cũng trở thành những "kẻ nói dối".
Tuyên bố hôm 9/7 của bà Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, về các chủ đề chính thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày của ông Pompeo không thấy nhắc tới nhân quyền.
Tuy trong hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam và Mỹ thực hiện nhiều cuộc đối thoại nhân quyền, song hai bên chưa giảm được nhiều khác biệt về quan điểm và đây vẫn là chủ đề gai góc trong quan hệ hai nước.
Các báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đánh giá Việt Nam không tự do về chính trị, nhiều hạng mục thuộc quyền con người ở Việt Nam không được tôn trọng.
Ngược lại, Hà Nội luôn bác bỏ các báo cáo của Mỹ và đề nghị Washington cần "có đánh giá khách quan" cũng như "không can thiệp vào công việc nội bộ" của Việt Nam.
*****************
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi trả tự do cho 3 nhà hoạt động dân chủ (RFA, 09/07/2018)
Từ trái sang : Nguyễn Văn Điển, Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc - RFA
Ân xá Quốc tế (AI) hôm 9/7 lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho 3 nhà hoạt động dân chủ thuộc phong trào Chấn hưng nước Việt. Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm 3 nhà bảo vệ nhân quyền bị chính phủ Hà Nội kết án với mức cao nhất 8 năm tù giam vào hồi cuối tháng 01/2018 với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Những bản án tù đối với ba người vừa nêu được cho có liên quan đến những hình ảnh, video, bài viết đưa lên mạng xã hội.
Trong thông báo được đưa ra, Ân xá Quốc tế cáo buộc chính sách đàn áp của chính phủ Hà Nội đối với tất cả những cá nhân bất đồng chính kiến. Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc là 3 trong số những nạn nhân của chính sách đàn áp bị cho là đáng hổ thẹn như thế, mặc dù họ chỉ hoạt động với mục đích ôn hòa thông qua việc sử dụng mạng xã hội để nêu lên những vấn đề về hỗ trợ quyền bảo vệ con người và công bằng xã hội tại Việt Nam. Đặc biệt, Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam chấm dứt ngay các điều luật nhằm đáp áp, khởi tố và trừng phạt những nhà hoạt động dân chủ bằng cách miễn mọi tội danh và phóng thích ngay 3 nhà hoạt động này tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10/7.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm vào hồi đầu năm nay, Vũ Quang Thuận bị kết án 8 năm tù giam, Nguyễn Văn Điển bị 6 năm rưỡi và Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam với các tội danh " xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo đảng trên mạng internet ".
******************
16 người biểu tình tại Long An bị phạt với cáo buộc gây rối (RFA, 09/07/2018)
16 người tham gia biểu tình tại khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vào ngày 12 tháng 6 phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh Tế và An ninh mạng bị xử phạt với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng.’
Ảnh minh họa : Một hình ảnh của người dân biểu tình ôn hòa phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, trong tháng 6/18, tại Việt Nam. Courtesy : Facebook Nhật Ký Biểu Tình
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 9 tháng 7. Theo đó, Công an huyện Thủ Thừa trong cùng ngày ra quyết định xử phạt hành chính đối với 16 người, mỗi người bị phạt 200 ngàn đồng với cáo buộc có hành vi gây rối trật tự công cộng, như chạy xe máy hò hét quanh các các nhà xưởng trong nhiều giờ liền, tại khu công nghiệp Hòa Bình.
Bên cạnh đó, còn có thêm 9 người khác cùng tham gia bị cơ quan điều tra yêu cầu cam kết giữ an ninh trật tự và không tái phạm.
Trước đó, Công an Thành phố Tân An, tỉnh Long An đã khởi tố 5 người tham gia trong cuộc biểu tình ngày 12 tháng 6 tại địa phương, với cáo buộc tội "cố ý làm hư hỏng tài sản".
Trong những ngày đầu cho đến trung tuần tháng 6 vừa qua, hàng ngàn người dân, trong đó có giới công nhân đồng loạt biểu tình khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam để phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.
Các tỉnh, gồm Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành khởi tố đối với một số người tham gia biểu tình và phát tán thông tin liên quan biểu tình trên mạng xã hội phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Trong đó, Bình Thuận là địa phương có số người bị khởi tố đông nhất, 34 người liên quan đến cuộc biểu tình bạo động trong hai ngày 10 và 11 tháng 6.
******************
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông lại kêu gọi kiểm soát thông tin mạng (RFA, 09/07/2018)
Các đơn vị liên quan đến truyền thông, thông tin Việt Nam cần quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cũng như xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ internet.
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong buổi sơ kết diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9 tháng 7. Courtesy of mic.gov.vn
Đây là nội dung được ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhấn mạnh trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2018 được diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9 tháng 7.
Tại cuộc họp, ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có yêu cầu các Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh thành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ để quản lý chặt thông tin trên các trang mạng.
Theo lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tính đến hết tháng 6, Facebook và Google đã đồng ý gỡ bỏ 8.000 video clip và đường link bị cho vi phạm pháp luật Việt Nam. Google đã ngăn chặn và và gỡ bỏ gần 6.700 trên 7.800 video được yêu cầu xóa khỏi Youtube và 6 kênh Youtube bị chặn hoàn toàn. Phía Facebook cũng đồng ý gỡ bỏ 1.000 đường link trong số 5.500 đường link mà chính phủ Hà Nội yêu cầu.
Liên quan đến Formosa và những nội dung được cho là tuyên truyền, chống phá Đảng và nhà nước, Youtube đã bỏ gần 300 video, Facebook đã xóa 137 tài khoản.
Một nội dung khác cũng được nêu ra là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tạm ngừng cấp phép cơ quan báo chí mới trước khi Quy hoạch báo chí chưa được ban hành.
Theo đó thì Bộ tiếp tục cấp phép bản điện tử cho các tòa báo in, nhưng phải tuân theo Luật báo chí là bản điện tử và bản in phải có 1 ban biên tập và 1 tổng biên tập riêng, không được gộp chung bộ phận quản lý cho cả 2 phiên bản.
Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng xác nhận trong buổi sơ kết rằng việc quản lý về những thông tin đăng tải vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều tòa báo và nhà báo vi phạm pháp luật và gây tác động xấu đến xã hội, đặc biệt là các trang báo mạng.
Vào ngày 9 tháng 7, ông Trương Minh Tuấn cũng nói đến Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG bị thanh tra chính phủ kết luận là gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết sau khi Bộ Truyền thông Thông tin chỉ đạo quyết liệt, hiện tại MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền thanh toán khi mua AVG, bao gồm cả chi phí phát sinh, lãi suất, chi phí cơ hội… mà AVG phải hoàn trả.
MobiFone là công ty dịch vụ điện thoại di động do Bộ Thông Tin và Truyền Thông là cơ quan chịu trách nhiệm chủ quản và đại diện chủ sở hữu.
Vào năm 2015, MobiFone ra chiến lược đầu tư vào truyền hình nên đến tháng 1 năm 2016, MobiFone chính thức ra quyết định mua cổ phần công ty AVG.
Vụ việc này bị Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho là một vụ án tham nhũng lớn, tuy nhiên đến nay cựu Bộ trưởng Thông Tin - Truyền Thông là ông Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản kết luận là có sai phạm nghiêm trọng trong vụ MobiFone mua AVG nhưng cho đến giờ vẫn chưa bị xử lý kỷ luật
Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể mở ra một kỷ nguyên mới về kiểm duyệt trực tuyến, xâm phạm dữ liệu cá nhân, và tước quyền kết nối Internet của các tổ chức và cá nhân đăng tải nội dung "bị cấm".
Luật An ninh mạng của Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, gây khó cho doanh nghiệp
Các nhà phê bình nói rằng luật mới này có thể làm trầm trọng thêm đàn áp tự do ngôn luận và gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh của các công ty công nghệ.
Là văn bản do Bộ Công an soạn thảo, luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 bất chấp sự phản đối công khai của một số luật sư và cư dân mạng. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Luật cũng đặt ra các yêu cầu pháp lý quan trọng đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Tương tự như Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào năm 2017, luật mới của Việt Nam yêu cầu các công ty Internet lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và thành lập trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại quốc gia này.
Điều 26 của pháp luật buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải :
"Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số ; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng ;
cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng ;
"Thiết lập cơ chế để xác minh thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số của họ" ;
Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng đặc biệt chuyên trách về bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi nhận được yêu cầu bằng văn bản" ;
Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung bị cấm trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông...
Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung cấm.".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng một số điều của luật này có thể được sử dụng bởi chính quyền để bắt giữ và tống giam người hoạt động và phản biện chính sách nhà nước :
Cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải và truyền bá thông tin có nội dung tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc "Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc".(Điều 8 và 15) ;
Cấm sử dụng không gian mạng "Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 8) ;
Cấm tuyên truyền chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm "chiến tranh tâm lý", "tuyên truyền phỉ báng nhân dân", "thông tin sai nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại" - nhưng không có quy định điều gì là sai.
"… Thông tin tuyên truyền, thúc giục, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ hoặc lôi kéo nhiều người tụ tập và gây mất trật họp và gây gián đoạn" (Điều 8 và 15).
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thích tại sao luật pháp là cần thiết cho đất nước : Có những phần tử lợi dụng Internet để kích động các cuộc biểu tình và hành vi gây rối nhằm lật đổ chính phủ. Chúng ta cần luật này để bảo vệ chế độ".
Chính phủ cũng lập luận rằng luật sẽ tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ và tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số. Nhưng Liên minh Internet Châu Á có một quan điểm khác : "…những quy định này sẽ dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm mất cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam".
Các nhà chức trách cho biết các công ty nước ngoài bao gồm Google và Facebook có ý định tuân thủ luật mới. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) phản hồi, nhắc các công ty tôn trọng các cam kết của họ về quyền con người :
Công ty của bạn có trách nhiệm tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Trách nhiệm này cao hơn các yêu cầu pháp lý của một quốc gia.
Ân xá Quốc tế kêu gọi công ty công nghệ thách thức dự thảo luật và làm cho chính phủ Việt Nam hiểu sự phản đối mang tính nguyên tắc của mình trong việc bị yêu cầu thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm quyền con người cơ bản.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền ở Châu Á cũng bày tỏ lo ngại về luật An ninh mạng của Việt Nam, cho rằng luật này đưa nhiều quyền hơn cho lực lượng công an nhằm trấn áp phản biện. Cơ quan này kêu gọi Việt Nam đảm bảo môi trường lành mạnh cho tự do ngôn luận.
Công khai phản đối luật An ninh mạng
Vào ngày 10/6, hàng chục ngàn người Việt Nam đã biểu tình trên nhiều đường phố ở nhiều địa phương trên cả nước để phản đối hai dự luật - dự luật An ninh mạng (khi đó Quốc hội chưa thông qua luật) và luật về Đặc khu kinh tế, một đề án nhằm nới lỏng các điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài với mục đích thúc đẩy nền kinh tế.
Những người biểu tình tập trung phản đối dự luật Đặc khu kinh tế mà nhiều người tin rằng sẽ cho phép Trung Quốc khai thác các nguồn lực của đất nước.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cũng kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch chống lại việc thông qua dự luật An ninh mạng.
Các nhà hoạt động ước tính có hơn một trăm người bị bắt tại các cuộc biểu tình, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, William Nguyễn.
Vào ngày 11 tháng 6, 74 luật sư đã đệ đơn kiến nghị lên Quốc hội chỉ trích những điều khoản trong luật An ninh mạng mà họ cho là vi phạm các điều khoản nhân quyền được quy định trong Hiến pháp của đất nước. Họ đính kèm một bản kiến nghị trực tuyến có chữ ký của hơn 40.000 công dân kêu gọi Quốc hội không thông qua dự luật.
Mặc dù có sự phản đối công khai cho dù hiếm hoi của công chúng, Quốc hội đã bỏ phiếu cho dự luật An ninh mạng ngày 12/6 và thông qua với 423 phiếu tán thành và 15 phản đối trong khi 28 không có ý kiến.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị chỉ định một cơ quan có thẩm quyền xác định một nội dung trực tuyến có được coi là bất hợp pháp hay không và đề nghị rằng điều này nên được quyết định bởi tòa án.
Theo trang Vietnam Right Now thì sự phản đối luật của nhiều đại biểu quốc hội chứng minh rằng luật An ninh mạng mang tính chia rẽ và gây tranh cãi.
Mục tiêu của chính phủ là kiểm soát nội dung trực tuyến.
Với yêu cầu mở văn phòng tại Việt Nam, chính phủ có thể gây áp lực lên các công ty, buộc họ phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn, và buộc họ cung cấp danh tính của người bất đồng chính kiến.
Việc nội địa hoá dữ liệu sẽ làm mất đi tính ẩn danh của người dùng và gây ra mối đe dọa cho người chỉ trích chính phủ.
Trước khi thông qua Luật An ninh mạng, Việt Nam nổi tiếng vì sử dụng nhiều điều luật mơ hồ để bức hại nhiều người hoạt động với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Luật mới, một khi nó có hiệu lực vào năm tới, có thể hợp pháp hóa một cuộc đàn áp khốc liệt hơn nhằm vào các nhóm và cá nhân sử dụng Internet để thúc đẩy tự do tôn giáo, bảo vệ môi trường, cải cách dân chủ, tự do dân sự và hoạt động ôn hoà.
Nguyên tác : Vietnam’s new cybersecurity law could further undermine free speech, disrupt businesses, Asian Corespondent, 02/07/2018
Phương Thảo dịch
Nguồn : VNTB, 05/07/2018
Cú bấm nút thông qua Luật An ninh mạng có thể là tiếng chuông báo hiệu chấm hết mối quan hệ giữa chính quyền và người dân trong giai đoạn thoái trào của chế độ.
Thiên Điểu
Tôi biết Nguyễn Lương Bằng từ năm tôi lên mười. Một hôm cha tôi trở về khuya, mặt đăm chiêu. Ông nói nhỏ với mẹ tôi : "Anh Sao Đỏ vượt ngục rồi !".
- Anh ấy hiện ở đâu ? - mẹ tôi lo lắng.
- Đang đợi xem sao. Tụi nó lùng dữ lắm. Treo giải thưởng một vạn đồng Đông Dương cho cái đầu Sao Đỏ.
- Đã có chỗ trốn cho anh ấy chưa ?
- Mình phải lo cho anh ấy thôi !
Mẹ tôi nói rằng không thể để Sao Đỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm. Phải đưa ông về nhà mình. Đó chính là chỗ mật thám ít ngờ nhất - chúng không nghĩ Nguyễn Lương Bằng lại về nhà người bạn tù vừa được tha.
Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao Vặt : "Ông Cả Hà Đông hiện ở đâu, về nhà ngay, cả nhà đang đợi ông".
Một người đàn ông gày gò, đen đủi tới nhà tôi vào ban đêm rồi ở lại hẳn... Chúng tôi được bố mẹ dặn đi dặn lại rằng người ở trong nhà chúng tôi tên là Bác Cả Hà Đông và cấm chỉ không được nói với ai bác đang ở đây...
Tên gọi Bác Cả Hà Đông còn lại rất lâu trong trí nhớ của chúng tôi. Bí danh Ông Cả, Anh Cả của ông Nguyễn Lương Bằng có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó trong mục Rao Vặt để tìm ông.
Cha tôi đem về nhà một cái máy thu thanh Phillips, để nó trong phòng bác Cả. Đêm đêm cái mắt thần của nó ánh lên màu xanh lục trong vắt rất đẹp. Chính quyền thuộc địa bắt dân phải mang máy thu thanh đến Nha Bưu chính để kẹp chì không cho nghe đài ngoại quốc, chỉ được nghe đài Hà Nội và Sài Gòn. Cái máy Phillips không đăng ký, không bị kẹp chì, vẫn bắt được mọi đài trên thế giới.
Đêm đêm bố mẹ tôi và bác Cả Hà đông ngồi rất khuya, áp tai vào bên loa nghe tiếng thì thào của nó. Bác Cả ở nhà tôi mấy tháng liền, cho tới khi vụ vượt ngục nhạt dần mới bỏ đi. Mẹ tôi sắm cho ông đủ lệ bộ để thành một ông chánh tổng hoặc lý trưởng ra tỉnh : ô Lục Soạn, áo the thâm, giày Gia Định...
Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Đưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu.
Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Bác Cả Hà Đông của tôi chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp" (1).
Để qúi ông Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng... có cơ hội trở thành những vị chủ tịch nước (thay cho đám quan thống sứ và công sứ thời thuộc địa) phải có hằng triệu thanh niên Việt Nam mất mạng, và vô số những bà mẹ mất con nhưng luật đăng ký sở hữu máy thu thanh của chính quyền cách mạng – xem chừng – còn khắt khe hơn của bọn thực dân rất nhiều lần.
Theo báo Tuổi Trẻ : "Giấy chứng nhận đăng ký máy thu thanh có cả một bản nội qui ở bìa sau, qui định cả thảy chín điều khoản, trong đó có những khoản chi tiết như :
- Mất giấy đăng ký 15 ngày phải báo bưu điện.
- Di chuyển đi tỉnh khác hoặc di chuyển về phải làm thủ tục tại bưu điện cấp giấy gốc".
Nguồn ảnh : Tuổi Trẻ
Chủ trương và đường lối chính sách của chính phủ Trung Quốc, xem ra, cũng hao hao như ở nước ta :
"Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với ‘đặc vụ’ và ‘phản cách mạng.’ Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh.
Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt" (2).
Hóa ra cái hệ thống loa phường ở nước ta cũng có xuất xứ từ ở bên Tầu đấy. Sau khi hệ thống mạng xã hội xuất hiện thì những cái loa ("to đùng") này không còn giữ được vai trò độc quyền thông tin nữa nên nhà nước bạn liền thành lập "Đảng 5 Hào" (五毛党 : Ngũ mao đảng) để "phản biện" và "định hướng " dư luận. Không lâu sau thì ở Việt Nam cũng xuất hiện "đội ngũ những chuyên gia bút chiến" và Binh Đoàn 47.
Ảnh : internet
Báo Tuổi Trẻ cho hay : "Hiện nhân sự Lực Lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, ‘vừa hồng vừa chuyên’, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao".
Tôi không dám nghi ngờ gì về "lập trường" và "kỹ năng sử dụng công nghệ" của những dư luận viên Việt Nam nhưng về "trình độ" của đám người này thì quả là điều vô cùng... đáng ngại, và đã khiến cho nhiều cư dân mạng phải lên tiếng phàn nàn :
– Đoàn Bảo Châu : "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách ‘kiên định’ và ‘bền vững’ trong thời gian qua không ?".
- Huỳnh Ngọc Chênh : "Tôi chưa hề thấy có bài viết nào của từ 100 ngàn cái gọi là chiến sĩ tuyên truyền đó phản biện lại các bài viết của tôi một cách đàng hoàng. Thay vào đó, từ gần 10 năm qua tôi thấy xuất hiện trên mạng hàng trăm bài viết bậy bạ bôi nhọ, vu khống, hăm dọa, chửi bới tục tĩu cá nhân tôi đủ điều, những bài viết mà bất cứ người bình thường nào đọc vào cũng phải phát ói vì độ tục tỉu trơ trẽn của nó".
- Dương Đình Giao : "Các vị nói tục nhiều quá, văng bậy nhiều quá... Hình như các vị thấy thua kém về lý lẽ, bèn đem cơ quan sinh dục của cả hai giới thay cho cái trí não ít học, lười học... Chẳng hiểu các bậc sinh thành ra các vị, vợ con các vị mỗi khi đọc được những dòng ấy họ sẽ nghĩ gì về công lao dưỡng dục ngần ấy năm trời, nghĩ gì về cái người mà hàng ngày họ vẫn "đầu gối tay ấp", nghĩ gì về người bố, người mẹ của mình ? Cũng có thể đây chính là lý do để các vị không dám chính danh ?".
- Trương Huy San : "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra".
Thì còn "ở đâu" nữa (cha nội) nếu không phải là từ những kẻ thuộc thành phần half illiterare. Họ đọc một bài báo chưa chắc đã "thủng" thì làm sao "phản biện" hay "định hướng" ai được nên đành phải chửi tục để khoả lấp sự ngu dốt của mình thôi.
Ảnh : FB
Lũ "đảng viên năm mươi xu" thuộc cái Đảng Năm Hào cũng thế, cũng vô học & vô tích sự nên Trung Quốc liền thông qua luật an ninh mạng (vào tháng 11 năm 2016, và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2017) để cố giữ cho mặt trận truyền thông khỏi vỡ. Qua tháng 6 năm sau, 87% đại biểu quốc hội Việt Nam cũng bấm nút thông qua luật an ninh mạng "để Việt Nam trở thành kẻ thù của những giá trị mà loài người đang coi là tiến bộ" – theo như nhận xét của nhà báo Huy Đức.
Lại dẵm cứt Tầu. Sao mà ngu dữ (và ngu lâu) thế, hả Trời ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 04/07/2018 (tuongnangtien's blog)
(1) Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, California, Văn Nghệ, 1997
(2) Trương Hiền Lượng, Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà. Bản dịch Phan Thịnh, California, Văn Nghệ, 1995
Luật An ninh mạng của chính quyền cộng sản Việt Nam, ban hành ngày 28/06/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, đã công khai tấn công và chà đạp lên tư tưởng "Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh" của Nhà cách mạng, Chí sĩ Phan Châu Trinh (còn được gọi là Phan Chu Trinh).
Nhà cách mạng, Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926)
Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 09 tháng 09 năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam , hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán. Cụ qua đời vì bệnh nặng lúc 21 giờ 30 ngày 24 tháng 3 năm 1926 tại khách sạn Chiêu Nam Lầu,Sài Gòn, hưởng dương 54 tuổi.
Chủ nhân khách sạn là cụ Nguyễn An Khương, thân sinh của Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, một đồng chí của cụ Phan.
Hồi sinh thời, cụ Phan từng khuyên dân ta :
"Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ.
Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường".
(Tuổi Trẻ.vn)
Trong giai đoạn có nhiều sĩ phu nước Việt hủ lậu bị thực dân Pháp nhiễm độc vọng ngoại, cụ Phan Châu Trinh khuyên răn cả nước :
"Xin có lời chính cáo cùng người nước ta rằng : Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài thì tất ngu ! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý ban tặng cho đồng bào là chi bằng học".
Cụ cũng nói :
"Thử xem các nước dinh hoàn
Hai mươi thế kỷ ai còn như ta"
(Tỉnh hồn quốc ca II, câu 263-264).
Rồi cụ lên tiếng kêu gọi đồng bào :
"Hỡi những người liêm sỉ, công trung
Thương nhau mà bảo nhau cùng
Học khôn học khéo để phòng hậu lai".
(theo Lê Thị Hương, Ban Xây dựng - Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Chỉ lấy bấy nhiêu câu nói chí tình và tâm huyết với dân và nước của Nhà văn hóa, Nhà cách mạng Phan Châu Trinh cũng đủ để đánh giá cái trí đoản, lòng tham và tâm rỗng của đảng cộng sản khi họ quyết chí cho ra bằng được Luật An ninh mạng để ngu dân mà tiếp tục cai trị độc tài.
Miệng lưỡi Đảng
Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều do Bộ Công an soạn thảo, được Bộ Chính trị 18 người, cầm đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư thảo luận chấp thuận trước khi gửi cho Quốc hội gọi là thảo luận cho ra vẻ dân chủ để "dán tem" đồng ý ngày 12/06/2017.
Ông Trọng khen các đại biểu của đảng :
"Đây là một thành công lớn của Quốc hội và thể hiện sự sáng suốt của cơ quan này khi đã biểu quyết thông qua luật với một tỉ lệ rất cao" (86,86%).
Ông nói với cử tri Hà Nội ngày 17/06/2018 :
"Nhiều thế lực xấu cũng đã lợi dụng điều này để kích động biểu tình, âm mưu làm "cách mạng màu"… Có những thế lực kích động lên là chúng ta xâm phạm tự do, xâm phạm nhân quyền, xâm phạm tự do thông tin, cứ kích động lên".
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam còn tự đặt điều vu cáo người dân chống Luật An ninh mạng rằng :
"Thông qua đây nhiều thế lực xuyên tạc, tuyên truyền, kích động biểu tình gây rối trên đường phố hòng làm "cách mạng màu" để lật đổ chính quyền. Phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ, đâu phải cứ để chúng muốn phá gì thì phá, muốn chửi ai thì chửi được, nên mạng rất là nguy hiểm ở chỗ đó.
Đã có hàng chục ngàn người dân, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng xuống đường biểu tình từ Nam ra Bắc trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 năm 2018 phản đối Luật An ninh mạng, vì Luật này nhằm tiêu diệt quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của dân quy định tại Điều 25 Hiến pháp bổ sung và sửa đổi năm 2013.
Điều 25 minh thị rằng : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Nhưng nếu cái đuôi "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" được coi là lý dođể ban hành Luật An ninh mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam đã lạm quyền và chà đạp lên Hiến pháp, bộ Luật cao nhất của quốc gia.
Những điều ngăn cấm
Để hiểu rõ tại sao nhân dân, trí thức, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và nhiều Tổ chức về Nhân quyền Quốc tế, kể cả Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã phản đối Luật An ninh mạng thì nên đọc một số điều ngăn cấm ngặt nghèo, rất mơ hồ nhưng lại mở đường cho nhà nước tùy tiện hại dân như sau :
Điều 8 quy định "các hành vi bị nghiêm cấm" mở đầu :
"1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây :
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này".
Khoản 1 của Điều 18 viết gì ?
Đó là :
"1. Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm :
a) Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này".
Theo Luật An ninh mạng, nội dung 5 khoản của Điều 16 quy định các loại hoạt động sẽ bị trừng phạt, đó là :
1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm :
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ;
b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước ;
c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm :
a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân ;
b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm :
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm
của người khác ;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm :
a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác ;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.
5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Nhưng thế nào gọi là "tuyên truyền chống Nhà nước" ? Và trong khi chưa có Luật biểu tình thì những cuộc đình công tự phát, bất bạo động của công nhân và biểu tình hòa bình của dân có bị khép vào tội "tụ tập đông người gây rối" hay "tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự" hay không ?
Ngoài ra, cơ quan nào có thẩm quyền để điều tra quyết định của nhà nước đúng hay sai khi cho rằng thông tin trên mạng "có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân", hay sự quy kết không cần chứng minh có tội hay vô tội sẽ do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ, Cơ quan trách nhiệm tin tối mật và mật mã của nhà nước, có toàn quyền xử lý tùy tiện theo luật này phân công ?
Thế nào là bí mật ?
Về khoản 1 của Điều 17 cũng lơ-tơ-mơ khi Luật An ninh mạng quy định những vi phạm về điều được gọi là "bí mật" như :
"a) Cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác ; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
b) Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác ; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng ;
c) Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư ;
d) Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật ;
đ) Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại ;
e) Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư".
Điều mà Luật gọi là "bí mật nhà nước" cũng rất tùy tiện và phổ biến ở Việt Nam bấy lâu nay. Bằng chứng như những bản Kê khai tài sản của cán bộ, nhất là loại viên chức có quyền và có chức cao đã từ lâu bị coi là "bí mật" để cất vào hộc tủ hay giao cho Thủ trưởng cơ quan giấu đi nhằm che giấu tội phạm cho nhau.
Nhân dân tuyệt đối không được soi mói. Rất nhiều hành động bê bối khác của cán bộ đảng viên cũng được xếp vào loại "bí mật", sau khi có kết luận của Thanh tra, để che tai mắt dư luận, mỗi khi có ai hỏi tới.
Như vậy, nếu không có Luật minh thị thế nào là "bí mật" thì Luật an ninh mạng cũng chỉ là tờ giấy thông hành lót đường cho kẻ phạm tội thoát thân và cho phép nhà nước ám hại dân theo ý muốn.
Riêng khoản (đ) nghiêm cấm hành vi "Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại" là hành động trái phép và bị trừng phạt bởi Bộ luật Hình sự, nhưng từ lâu hành động nghe lén và ghi âm trái pháp luật vẫn được lực lượng công an thực hành và bị người dân, nhất là những người bất đồng chính kiến với đảng tố cáo. Vậy khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thì những vi phạm Luật của Công an có bị truy tố và xử phạt không ?
Thành tựu cách mạng của ai ?
Ngoài những điều ngăn cấm khe khắt nêu ở khoản (a), Điều 8 còn cấm :
b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc ;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác ;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người ; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác ; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng ;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng ; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông ; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử ; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng ; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
Nhưng điều được gọi là "thành tựu cách mạng" là của ai, cách mạng nào hay chỉ nhằm bảo vệ cả những điều sai trái, tự Biên và tự diễn để tâng bốc ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do ông thành lập ngày 03/02/1930 ?
Hơn nữa điều được gọi là "lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" cũng không rõ ràng và rất dễ cho phép cơ quan an ninh lợi dụng để đàn áp dân.
Luật cũng mơ hồ khi quy kết người sử dụng Internet vào tội"phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc" trên mạng, nhưng thế nào là đoàn kết, hay chỉ biết cúi đầu tuân theo lệnh đảng và làm những việc đảng muốn và không được phép từ chối mới là đoàn kết ?
Công an, quân đội chống mạng
Nên biết công tác được gọi là bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam được giao cho hai Bộ đứng đầu lực lượng Võ trang gồm Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Việt Nam có 60 triệu người sử dụng internet, 53 triệu người sử dụng facebook, 23 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, một người sử dụng 2-3 mạng
Không rõ có bao nhiêu công an đã được huấn luyện cho công tác này, nhưng Bộ Quốc phòng đã huấn luyện 10.000 quân nhân, khoảng 2 Sư đoàn, được gọi là "hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên" để đưa vào "chiến trường đấu tranh chống những cá nhân và các thế lực chống đảng", theo lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội.
Bộ Quốc phòng Việt Nam gọi số quân nhân đặc biệt này là "Lực lượng 47", nghĩa là lực lượng làm theo Chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị, cơ quan được coi ngang hàng với Ban Tuyên giáo của đảng, có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng trong quân đội để giữ cho quân đội không tan.
Trưởng Ban Tuyên giáo của đảng Võ Văn Thưởng cũng từng báo động hiện đang có tình trạng : "Cán bộ, Đảng viên đi tìm nhiều thông tin xấu trên mạng".
Ông Thưởng nói :
"Tôi cũng băn khoăn lo lắng là cán bộ, Đảng viên của mình đi tìm kiếm thông tin xấu nhiều quá, chính điều này làm cho phức tạp tình hình".
(VietnamNet, ngày 25/12/2017)
Theo ông Thưởng Việt Nam có :
"60 triệu người sử dụng internet, 53 triệu người sử dụng facebook, 23 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, một người sử dụng 2-3 mạng, với lượng người này trừ lực lượng cán bộ, chỉ cần 10%-20% đối tượng sử dụng này là những người cùng chúng ta làm công tác tuyên giáo, thì kết quả thu được tốt hơn rất nhiều".
Đấy là giấc mơ của ông Thưởng, nhưng đồng thời cũng cho thấy đảng rất lo sợ các thông tin trên mạng. Vì vậy, ngoài hai Bộ Công an và Quốc phòng đóng vai chính, hai Bộ Ngoại giao và Thông tin và truyền thông còn được tiếp sức của Ban cơ yếu Chính phủ, chuyên về tin tối mật và mật mã, tiếp tay thi hành Luật An ninh mạng.
Ngoài ra Luật An ninh mạng cũng cho phép các ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng trong phạm vi quản lý của mình.
Can thiệp thô bạo
Ngoài những ngăn cấm khe khắt đối người sử dụng Internet, Luật An ninh mạng còn can thiệp thô bạo vào các hoạt động này qua các biện pháp ghi thêm trong Điều 16 gồm :
6. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16) trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16).
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16).
9. Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16)phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Vậy khoản 1 của Điều 5 Luật An ninh mạng đã cho phép lực lượng chuyên trách An ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền can thiệp trắng trợn như thế nào ?
Họ được :
h) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng ; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật ;
i) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ;
k) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng ;
l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin ; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật ;
m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự ;
n) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, trừ các biện pháp quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều này.
Riêngvề Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Luật An ninh mạng cho phép theo Điều 38 :
"1. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong bảo vệ an ninh mạng.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phản bác thông tin có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật An ninh mạng.
3. Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin loại bỏ thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về an ninh mạng trên dịch vụ, hệ thống thông tin do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý.
Những rành buộc xúc phạm khác
Ngoài ra, để có thể kiểm soát toàn diện lưu thông trên Internet, Luật An ninh mạng mới còn cho phép các cơ quan kiểm soát an ninh mạng được thi hành những quy định ghi trong Điều 26 nói về "Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng", gồm có :
1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
2. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây :
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số ; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng ; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng ;
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ ;
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Trừng phạt ra sao ?
Như vậy thì những hoạt động trên Internet mà nhà nước cho là vi phạm Luật An ninh mạng sẽ bị Bộ Luật hình sự sửa đổi ngày 20/06/ 2017 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 xử lý ra sao ?
Sau đây là những điều quan trọng :
Điều 109 (Điều 79 cũ) : Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau :
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình ;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm ;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 115 : Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 116 : Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm :
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội ;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội ;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 117 (Điều 88 cũ) : Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 118 : Tội phá rối an ninh
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thư tín, tự do ngôn luận, gây rối
Ngoài những Điều về chống nhà nước, gây rối và an ninh, nhiều ngăn cấm trong Luật An ninh mạng cũng bị Luật hình sự chi phối nghiệm trọng, như :
Điều 159 : Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm :
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào ;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông ;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật ;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật ;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm :
a) Có tổ chức ;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ;
c) Phạm tội 02 lần trở lên ;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác ;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 167 : Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm :
a) Có tổ chức ;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Đáng quan ngại là trong các Điều Luật kể trên có điểm mới hại dân khắc nghiệt là "Người chuẩn bị phạm tội này" cũng được áp dụng trước khi có hành động thực sự xẩy ra. Đây là trường hợp nguy hiểm và hoàn toàn do nhà nước suy diễn để quyết định đơn phương, tùy tiện theo nhu cầu mà không cần phải có phép của Tòa án. Những hình phạt khác dành cho người sử dụng Internet cũng không cần có phép của Tòa án. Và đây chính là những vi phạm quyền con người của Luật An ninh mạng.
Trong lĩnh vực này, Bộ Luật hình sự mới còn có Điều 331 (258 cũ) trừng phạt người đòi thực hiện tự do ngôn luận vá các quyền tự do khác mà Luật đã xiên xẹo gọi là "tội lợi dụng". Nguyên văn như sau :
Điều 331 : Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài Điều Điều 118 nêu trên nói về "Tội phá rối an ninh", Luật hình sự còn có Điều 318 quy định "Tội gây rối trật tự công cộng" đối với người truyền tải thông tin trên Internet, nếu nhà nước suy diễn hành động của họ phạm Luật An ninh mạng. Các hình phạt sẽ như sau :
Điều 318 : Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm :
a) Có tổ chức ;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách ;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng ;
d) Xúi giục người khác gây rối ;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng ;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Từ lâu nhà nước vẫn quy kết phản dân chủ và bắt bớ hoặc bỏ tù những người dân xuống đường biểu tình hay đi khiếu kiện đòi công bằng trong việc đền bù khi nhà cửa và đất đai của họ chị giải tỏa, hay như chống Formosa Hà Tĩnh đã xả thải chất độc làm chết nhiều loại hải sản, tiêu diệt sinh thái biển và gây ô nhiễm nước biển cho 4 Tĩnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiện-Huế.
Như vậy, nếu những thông tin loan truyền trên mạng được phát tán kêu gọi biểu tình bất bạo động để đòi quyền lợi bị tiếm đoạt hay làm ngơ bởi nhà nước hay các doanh nghiệp mà vẫn bị coi vi phạm Luật An ninh mạng thì tất nhiên cũng sẽ bị xử lý bới 2 Điều 118 và 331 của Luật hình sự.
Đó là những hành động phản dân chủ, làm xáo trộn đời sống tinh thần và vật chất của dân. Những hình phạt của Luật hình sự dành cho người sử dụng dụng Internet để thể hiện quyền tự do ngôn luận và diễn đạt tư tưởng hoặc đối thoại bất bạo động với chính quyền là biểu hiện của một chính quyền độc tài.
Những hình phạt này cũng tước đoạt những quyền của công dân trong Hiến pháp 2013 và phản ảnh rõ tâm địa phản dân của một nhà nước chuyên chính lạc hậu. Biểu hiện này cũng chống loại tiến bộ của nhân loại và có chủ đích đặt quyền lợi riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên quyền lợi tối thượng của Tổ quốc.
Như vậy rõ ràng là khi nhân dân cần được khai sáng, con dân cần được tự do học hành tiến bộ của nhân loại để đưa đất nước ra khỏi vũng lầy lạc hậu và chậm tiến thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại tìm mọi cách kìm kẹp dân, nhốt dân vào bóng tối, bịt miệng dân để được thỏa mãn tham vọng chính trị cường quyền.
Do đó, tất cả những biện bạch của nhà nước chỉ là ngụy biện khi nói rằng Luật An ninh mạng đem lại lợi ích cho mọi người và để chống lại hành động "tuyên truyền chống phá Nhà nước ; xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo ở Việt Nam ; kêu gọi và kích động biểu tình gây rối loạn xã hội, cổ vũ thái độ cực đoan để phá hoại khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới" (Nhân Dân, 19/06/2018).
Với thứ lập luận xảo ngôn như thế và với tuyên bố bảo thủ và giáo điều của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ngày 17/06/2018 rằng "phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ" thì rõ ràng ông ta và Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai chà đạp lên tư tưởng "Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh" của Chí sĩ Phan Châu Trinh.
Phạm Trần
(04/07/2018)
Hơn một tuần nay, công chúng người Việt trong và ngoài nước xôn xao trước một sự kiện hy hữu. Trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tại Sài Gòn hôm 19/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu là đồng ý cần có luật biểu tình, sau khi nghe khi cử tri kiến nghị là cần thiết phải có luật này. Nhân vật đứng đầu bộ máy nhà nước hiện hành còn nói thêm là ông "sẽ báo cáo Quốc hội về nội dung này".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang (trái) tới thăm chùa Mahabodhi, Bodhgaya Ấn Độ ngày 02/03/2018. AFP
Thoạt tiên, một loạt báo chí "lề đảng" đã đưa tin về cuộc tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang với những nội dung khiến dư luận bất ngờ nói trên. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, những câu chữ "nhạy cảm" ấy đã bị xóa sạch.
Đây quả là một sự kiện vô cùng hy hữu. Lần đầu tiên, một nhân vật số 2 của chế độ công khai bày tỏ "cần luật biểu tình", và cũng lần đầu tiên một kẻ "dưới một người, trên muôn người" trong "thời đại Hồ Chí Minh" bị bịt miệng ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.
Vây thực hư sự thể thế nào ? Liệu nhà lãnh đạo số 2 của hệ thống có phải là một nhân vật tiến bộ, vì dân vì nước hay hay không ? (Nếu đúng vậy thì xem ra đất nước này vẫn còn hồng phúc lắm).
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, xin mời quý độc giả quay trở lại với một trong hai chủ đề đang khiến dư luận nổi sóng suốt hơn 1 tháng qua, bên cạnh Dự luật Đặc khu – đó là Luật An ninh mạng.
Ngày 11/6/2018, trang Luật khoa Tạp chí đăng bài "Ai là tác giả của Dự luật An ninh mạng ?" của tác giả Hoàng Anh. Trong bài viết, sau khi đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, tác giả đã kết luận : "Thật khó có thể nghĩ theo hướng nào khác, ngoài việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người thực sự đã thúc đẩy Dự luật An ninh mạng và là người bảo trợ lớn nhất cho dự luật này".
Vậy nghĩa là sao ? Một nhân vật vừa thể hiện lập trường tiến bộ và rất đáng hoan nghênh về luật biểu tình, "món nợ" nhân dân gần ba phần tư thế kỷ của một chế độ vẫn vỗ ngực tự xưng là "dân chủ gấp triệu lần tư bản", lại có thể là người thực sự đã thúc đẩy và bảo trợ lớn nhất cho một dự luật mà hàng triệu người Việt trong và ngoài nước cùng cộng đồng quốc tế gay gắt lên án – bởi nó kìm hãm sự phát triển của đất nước – hay sao ?
Bổn cũ soạn lại
Ngược dòng thời gian, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phải là nhân vật "tứ trụ" đầu tiên công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với luật biểu tình. Gần 7 năm trước, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp ngày 25/11/2011, (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khiến hàng triệu người Việt trong và ngoài nước "nức lòng nức dạ" khi lên tiếng đề nghị Quốc hội "sớm có luật biểu tình để nhân dân thực hiện quyền đã được ghi trong Hiến pháp".
Cùng bày tỏ thái độ ủng hộ luật biểu tình, nhưng với quãng cách thời gian gần 7 năm, bối cảnh khi hai nhân vật lãnh đạo hàng đầu của chế độ lên tiếng về chủ đề này có gì giống nhau ?
Khi (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội ngày 25/11/2011 thì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đang bị ngăn chặn gắt gao và đàn áp thẳng tay, sau khi UBND Thành phố Hà Nội ban hành bản Thông báo cấm biểu tình ngày 18/8/2011, vu cáo những người biểu tình chống Trung Quốc là "gây rối Thủ đô" và bị "các thế lực chống đối trong và ngoài nước" kích động.
Đông đảo người Việt trong và ngoài nước đã lên án bản Thông báo vi hiến và phi quy cách đó của chính quyền Hà Nội, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ban hành luật biểu tình để điều chỉnh một quyền tự do của người dân vốn đã được quy định trong Hiến pháp ngay từ năm 1946. (Theo nhà báo Huy Đức, không ai khác mà chính "đồng chí X" mới là "tác giả" đích thực của bản Thông báo cấm biểu tình đầy tai tiếng nói trên).
Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu "đồng ý rằng cần luật biểu tình" trước cử tri ngày 19/6/2018, các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng của người dân tại nhiều nơi trên cả nước đang bị nhà cầm quyền hoặc ngăn chặn gắt gao hoặc đàn áp khốc liệt, đặc biệt là các cuộc biểu tình diễn ra ngày 17/6/2018.
Một lần nữa, đông đảo người Việt lại lên án hành vi đàn áp người biểu tình và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả "món nợ" luật biểu tình cho nhân dân.
Tháng 11/2011 là thời gian mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang đứng trước nguy cơ bị truy vấn trách nhiệm về những món nợ quá hạn của Vinashin và nguy cơ sụp đổ của một loạt ngân hàng, trong khi lạm phát lên đến hơn 18%, chưa kể vô số tai tiếng tham nhũng cùng tình trạng các nhóm lợi ích dưới sự bảo trợ của ngài Thủ tướng tha hồ tác oai tác quái. Tức là uy tín của "đồng chí X" đã xuống đến tận đáy.
Tháng 6/2018 là thời gian mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang bị bủa vây bởi hàng loạt tai tiếng về tham nhũng : vụ "thượng tá tình báo chiến lược" Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) trong Bộ Công an, vụ thượng tá Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) trong Bộ Quốc phòng, vụ Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm (Sài Gòn), vụ nhiều dự án đội giá hàng ngàn tỷ VNĐ ở Ninh Bình, v.v. Nghĩa là, hình ảnh của ngài Chủ tịch nước cũng xuống thấp chưa từng thấy.
Đến đây thì hẳn mọi người đã hiểu là vì sao "tác giả" của bản Thông báo cấm biểu tình ngày 18/8/2011 lại hùng hồn đề nghị Quốc hội ban hành luật biểu tình, cũng như vì sao "nhân vật bảo trợ lớn nhất" cho Dự luật An ninh mạng lại bỗng nhiên bày tỏ "cần luật biểu tình". Đơn giản, họ muốn lấy lòng công chúng để vừa vớt vát uy tín cá nhân, vừa cứu vãn cơ hội vươn tới ngôi vị quyền lực số 1.
Đừng nghe, hãy nhìn…
Gần 4 năm rưỡi tại nhiệm sau ngày 25/11/2011 ấy, "đồng chí X" không một lần trình dự luật biểu tình ra Quốc hội, bất chấp thực tế là ông ta có quyền và hoàn toàn có thể làm điều đó, ít nhất là để cho thiên hạ thấy mình không phải là một kẻ bịp bợm, đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm sang chân kẻ khác.
Còn đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì sao ? Xin thưa, ông ta thậm chí còn chẳng (dám) lên tiếng phản đối khi bị "kiểm duyệt" một cách thô thiển như vậy.
Hai câu chuyện liên quan đến hai nhân vật chóp bu của chế độ nói trên lại khiến người ta không khỏi nhớ đến câu phát ngôn của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu : "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm !".
Bất luận thế nào, trong môi trường quyền lực, chúng ta không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào bất cứ ai, bởi kẻ nắm giữ quyền lực ngày hôm nay rất có thể đã "lột xác" so với cùng con người ấy ngày hôm qua. Quyền lực vì thế cần thường xuyên được giám sát và kiểm soát.
Dù vậy, với tư cách một trong hàng chục triệu nạn nhân của một đạo luật mà ngài Chủ tịch nước là "nhân vật bảo trợ chính", tôi vẫn phản đối việc nhân vật quyền lực số 2 của chế độ bị "kiểm duyệt" theo kiểu cách như trên. Một xã hội thiếu sự hiện hữu của quyền tự do ngôn luận cùng một nền báo chí tự do nghĩa là nó đã bị tước đoạt hai trong số những thiết chế quan trọng nhất để giám sát quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 30/06/2018
Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua một chính sách quản lý mạng, theo đó, luật An ninh mạng vừa được phê chuẩn sẽ hạn chế đáng kể quyền tự do ngôn luận, và nó sẽ tác động đến một trong số ít các kênh mà công dân sử dụng để bày tỏ ý kiến của họ : Internet.
Thành phố Hồ Chí Minh được xếp thứ 10 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet
Luật này, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, sẽ yêu cầu các công ty như Google và Facebook thiết lập máy chủ trong nước và gỡ bỏ thông tin bị coi là nói xấu chế độ trong vòng 24 giờ.
Võ Trọng Việt, người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội, tuyên bố rằng luật này là cần thiết cho an ninh mạng - một lập luận ngày càng được sử dụng nhiều bởi các nhà hoạch định chính sách nước ngoài. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền nhìn thấy một góc độ khác.
Mối quan ngại càng lớn khi so sánh với luật An ninh mạng của Trung Quốc, một luật biến các công ty công nghệ thành vũ khí giám sát của nhà nước trong và ngoài nước.Việt
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã coi việc Việt Nam thông qua luật An ninh mạng là một "cú đánh tàn khốc" cho tự do trong nước. Brad Adams, Giám đốc bộ phận Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nói rằng luật này là "một vũ khí nữa cho chính phủ sử dụng chống lại tiếng nói bất đồng chính kiến".
Luật An ninh mạng và sự kiểm soát mạng không chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ dân số, mà là 55 triệu người Việt Nam có thể truy cập Internet. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh có số lượng người dùng Facebook cao thứ 10 trên thế giới. Do đó, luật An ninh mạng có khả năng gây khó cho phần lớn công dân Việt Nam, những người sử dụng Internet như là một phần của cuộc sống hàng ngày của họ.
Mối quan ngại về luật này cũng đã xuất hiện ở các khu vực khác. Về mặt kinh tế, luật này có thể ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam - có khả năng hạn chế cách các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Sau khi luật An ninh mạng được thông qua, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 1,3%, và đầu tư nước ngoài trong nước dự kiến sẽ giảm 3,1%. Canada đã thông báo rằng việc thông qua luật có thể làm tổn thương doanh nghiệp của Canada ở Việt Nam trong những năm tới, do các yêu cầu về đặt văn phòng tại Việt Nam.
Theo dự báo, các doanh nghiệp nhỏ và ngành công nghiệp cũng sẽ bị tổn thương bởi việc áp dụng luật này. Jeff Paline, giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á, nói rằng ông rất thất vọng về việc Việt Nam thông qua luật An ninh mạng. Ông tuyên bố rằng các yêu cầu về mở văn phòng địa phương chắc chắn sẽ cản trở tham vọng cách mạng công nghiệp thứ tư của Việt Nam với mục tiêu tăng GDP và việc làm. Các doanh nghiệp nhỏ cũng bị ảnh hưởng, cả trong và ngoài Việt Nam.
Tự do kinh tế của Việt Nam là một mối quan ngại khác. Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong khi Hiệp định Thương mại Tự do với EU đang chờ được thông qua. Và, tất nhiên, Việt Nam là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Việc thông qua luật này được cho là đi ngược lại các nguyên tắc của các thỏa thuận này.
CPTPP có quy định cụ thể (Điều 14.13) ngăn cản các quốc gia thành viên định đoạt việc "một công ty có thể được hoạt động hay không dựa trên điều kiện về địa điểm mà công ty này đặt cơ sở hạ tầng công nghiệp thông tin". Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể buộc Facebook và các công ty tương tự đặt các máy chủ của họ trong Việt Nam, và điều này có thể vi phạm các hiệp định đã ký.
Đã có nhiều rào cản đối với Việt Nam khi quốc gia này cần phải tuân thủ các điều ước từ các thỏa thuận thương mại này như CPTPP. Luật An ninh mạng còn hơn là một trở ngại lớn.
Mexico đã phê chuẩn các cam kết của mình đối với CPTPP. Các cơ quan lập pháp của Nhật Bản và Canada có thể sớm phê chuẩn hiệp ước này. Có nghĩa là các thành viên khối thương mại này đang làm việc theo hướng đưa thoả thuận trở thành hiệu lực. Ngược lại, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một luật chống lại quyền tự do của công dân và tương lai của nền kinh tế.
Brian Hilliker, Riley Walters
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 01/07/2018
Bà Phạm Chi Lan nói về tác động của luật Đặc khu, An ninh mạng đến kinh tế Việt Nam
Tổ chức Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo "Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" với một số nhận định : "Do được tạo đà vững chắc trong năm 2017, tăng trưởng được gia tốc mạnh hơn trong quý đầu năm 2018. Nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam ghi dấu tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất trong 10 năm qua".
"Tình hình ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong năm 2017. Tổng bội chi ngân sách nhà nước ước tính vào khoảng 4,5% GDP trong năm 2017 so với mức 4,8% trong năm 2016 và 5,5% trong năm 2015", văn bản nêu trên viết.
"Lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ được duy trì ở mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Kỳ vọng này dựa trên căn cứ là chính sách tiền tệ sẽ được thắt lại đủ để chống lại áp lực giá có thể hồi sinh trong trung hạn do áp lực giá đầu vào trong nước và/hoặc giá cả thương phẩm toàn cầu tăng lên".
'Khác biệt về cách tiếp cận'
Hôm 28/6, trả lời BBC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói : "Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy tháng gần đây tương đối tốt. Có điều các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những cảnh báo về việc có nền tảng để duy trì bền vững trong cả năm hay không".
"Ngoài ra cũng có cảnh báo về lạm phát có nguy cơ tăng lên vì những nhân tố như chủ trương thúc đẩy tín dụng của chính phủ ; chi phí y tế, giáo dục tăng ; hoặc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung…"
Bà Chi Lan cũng cho hay : "Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm đến những cảnh báo đó và luôn tìm cách thúc đẩy môi trường kinh doanh, giảm chi tiêu công, cũng như đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ về cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới".
Trả lời câu hỏi liệu luật Đặc khu (dự kiến thông qua tháng 10/2018) và luật An ninh mạng có làm đảo lộn các dự báo kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan đáp : "Điều này tùy thuộc vào việc Việt Nam thực thi luật An ninh mạng và sửa luật Đặc khu ra sao để tháng 10 tới Quốc hội có thể thông qua một luật tốt hơn, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế trong dài hạn, tránh những rủi ro như những chuyên gia đã phản biện thời gian qua".
"Với luật Đặc khu, tôi tin là các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra đề nghị về thay đổi luật này để đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, ngăn nguy cơ, rủi ro".
"Với luật An ninh mạng, tôi kỳ vọng khi được thực thi sẽ theo hướng như lãnh đạo Việt Nam giải thích là không nhằm vào gây cản trở cho kinh doanh, cho người dân tự do sử dụng Internet mà là để bảo vệ an ninh mạng nói chung".
"Tôi mong chính phủ sẽ nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh để đưa ra những quy định, điều khoản cụ thể của luật này để giảm đi những rủi ro cho nền kinh tế, hoạt động kinh doanh".
"Có thể cách tiếp cận về luật An ninh mạng giữa người dân và những người soạn luật còn khoảng cách nhất định. Tôi mong là thời gian tới, những người quyết định thi hành luật sẽ tìm cách giải tỏa điều đó".
Về khả năng các hãng công nghệ quốc tế như Google, Facebook rời bỏ thị trường Việt Nam do quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam của luật An ninh mạng, bà Chi Lan cũng thêm : "Tôi rất tiếc vì điều này đã được lên tiếng trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được bàn bạc một cách thấu đáo".
"Tôi mong là khi bàn điều khoản cụ thể để thực hiện luật thì có xem xét thực tế hơn".
"Nếu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook rút khỏi Việt Nam vì không chấp nhận được điều kiện như luật này đưa ra, hoặc một số nhà kinh doanh cảm thấy cần thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vì thấy rủi ro thì điều đó gây phương hại cho kinh tế Việt Nam".
"Và như vậy thì cuối cùng thì luật An ninh mạng không đáp ứng được nhu cầu là phục vụ cho công cuộc phát triển".
*****************
Tâm thư của một nữ doanh nhân ‘yêu nước’ gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (VOA, 29/06/2018)
Một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam hay lên tiếng về các vấn đề xã hội nói với VOA rằng bà "cảm nhận được bức xúc xảy ra đối với người dân ở Việt Nam" về những bất công trong xã hội, khi bà viết bức thư ngỏ chất vấn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự cần thiết của luật an ninh mạng.
Một doanh nhân 'yêu nước' viết một thư ngỏ kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn vào những bất công của xã hội và lắng nghe tiếng nói của người dân trước những bức xúc hiện nay.
Trong một bức thư ngỏ đăng trên Facebook hôm 20 tháng 6, bà Lê Hoài Anh – người tự nhận là một doanh nhân yêu nước – gọi ông Trọng bằng "bác" và yêu cầu ông cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ "là chế độ nào" – nhắc tới một phát biểu trước đó của ông nói rằng "cần có Luật An ninh mạng để bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi".
Người hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị HAL Group và thường xuyên làm từ thiện yêu cầu ông Trọng cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ "là chế độ nào ?"
Bà đặt câu hỏi : "Có phải là chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam không ạ ???".
Những bức xúc này (của người dân) tăng rất nhiều so với trước đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bức xúc của người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải quyết. Còn nếu không bất ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng.
Bà Lê Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAL Group
Ông Trọng đưa ra phát biểu về sự cần thiết có luật an ninh mạng trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 17/6.
Dự luật An ninh mạng, với tiêu chí bảo vệ ‘an ninh quốc gia’ được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 với 86% phiếu đồng ý. Tuy nhiên dự luật này bị người dân trong nước phản đối và cộng đồng quốc tế chỉ trích vì họ cho rằng nó sẽ giúp nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng Internet và hạn chế quyền con người cũng như quyền công dân.
Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua với 86 phiếu ủng hộ.
Đối với những nhà hoạt động thường đưa ra các ý kiến trái chiều với Đảng cộng sản hay chỉ trích cách điều hành của chính phủ thì bộ luật mới là một công cụ để nhà cầm quyền siết chặt việc quản lý họ, theo nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến.
"Luật An ninh mạng với những điều khoản không rõ ràng như thế thì rất dễ để quy chụp ai là phản động", theo bà Hoài Anh.
Theo nữ doanh nhân 53 tuổi, điều này sẽ đóng góp thêm vào sự bất ổn trong xã hội vì những người, bao gồm cả bản thân bà Hoài Anh, khi lên tiếng trước những "đau xót của người dân" sẽ dễ bị quy là phản động.
Việc thông qua dự luật an ninh mạng, cùng với việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Đặc khu, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trong cả nước vào các ngày cuối tuần từ giữa tháng 6.
Bất ổn và bức xúc
Trong bức thư ngỏ được đưa lên Facebook cá nhân hôm 20/6 và được nhiều người chia sẻ, bà Hoài Anh – người tự nhận mình là "ôn hòa, không theo đảng phái" và "chỉ muốn sự hòa bình, ổn định cho người dân" – đề cập đến những bức xúc khác của công chúng như mối nguy mất chủ quyền quốc gia khi "Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm phi pháp Hoàng Sa, Trường Sa", hay người dân bị tàu Trung Quốc ức hiếp trên Biển Đông, cũng như thảm họa môi trường Formosa gây ra, và nạn tham nhũng trong nước.
Người từng từng đóng góp 140 tỷ đồng trong 15 năm qua cho biết qua những chuyến công tác hay những chuyến đi từ thiện đến các vùng quê nghèo hay vùng lũ lụt, bà Hoài Anh được tiếp xúc với nhiều người dân và họ cho biết những bức xúc của họ về những chính sách của chính phủ cũng như những bất công trong xã hội đang tăng cao.
"Những bức xúc này (của người dân) tăng rất nhiều so với trước đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bức xúc của người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải quyết. Còn nếu không bất ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng".
Bà Hoài Anh, người có ông nội là một nhà tư sản tri thức yêu nước nhưng bị "chết một cách tức tưởi và oan sai trong cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1953", thắc mắc trong bức thư gửi ông Trọng rằng liệu "tiêu chí của Đảng cộng sản Việt Nam là ‘Của dân, do dân và vì dân’ có còn được gìn giữ" nữa không ? Bà kêu gọi người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam và những đảng viên khác hãy "lắng nghe tiếng dân".
Với tiếng nói của một nữ doanh nhân có ảnh hưởng, bà Hoài Anh – người có hơn 290.000 người theo dõi trên Facebook – cho biết bà muốn thông qua bức thư ngỏ này đưa được tiếng nói của người dân tới người đứng đầu Đảng cộng sản và hy vọng "ông Tổng bí thư trả lời".
Theo truyền thông trong nước, nữ doanh nhân này đã nhiều lần góp tiếng nói riêng của bản thân vào vấn đề chung của xã hội và là người đứng ra kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền và hỗ trợ pháp lý trong vụ án Đoàn Thị Hương, người bị nghi tham gia ám sát Kim Jong Nam, anh em cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un. Bà là một doanh nhân tiên phong trong việc đưa các dòng thương hiệu mỹ phẩm cao cấp vào thị trường Việt Nam và đã làm nên thành công từ hai bàn tay trắng sau những biến cố của gia đình để trở thành một triệu phú đô la lúc mới 20 tuổi.
*********************
"Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ. Quá trình xây dựng luật đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự tham gia, góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon…"
Trung tướng công an Hoàng Phước Thuận, cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ công an, giới thiệu về Luật An ninh mạng. (Hình : Tuổi Trẻ)
Đó là phát ngôn của Trung tướng Hoàng Phước Thuận, cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ công an Việt Nam được báo Tuổi Trẻ dẫn lại từ cuộc họp báo hôm 28 tháng Sáu về việc Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật này.
Theo luật pháp Việt Nam, việc Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật là một trong các bước để tiến tới việc thực thi một dự luật đã được Quốc hội thông qua. Dù rằng thời gian qua, cộng đồng mạng và giới trí thức đã ký vào bản lên tiếng kêu gọi Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng.
Tổ chức Hate Change cho hay đã có 21 tổ chức và hơn 90.000 cá nhân tham gia chiến dịch phản đối Luật An ninh mạng từ khi luật này được thông qua.
Nay báo Tuổi Trẻ cho biết : "Ban soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư Pháp chuẩn bị xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật, dự kiến tháng Mười, 2018, sẽ trình thủ tướng xem xét ban hành".
Sở dĩ mọi thủ tục liên quan đến Luật An ninh mạng đang được đẩy nhanh tốc độ là để luật này kịp có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng, 2019, theo đúng như kế hoạch của Bộ chính trị Việt Nam.
Việc Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố Luật An ninh mạng cũng làm cộng đồng mạng dấy lên suy đoán ông Quang chính là "đầu têu" trong việc ra luật này nhằm bịt miệng dân.
Điều này trùng khớp với những phát ngôn của ông Quang được truyền thông "lề phải" trích dẫn trước đó : "Luật An ninh mạng nhằm phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại ý đồ của kẻ địch trong việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; ngăn chặn khủng bố mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng… Quy định của luật cũng nhằm xử lý công khai, minh bạch những hoạt động xâm hại lợi ích an ninh mạng của các đối tượng xấu".
Trong bối cảnh đó, tin trên mạng xã hội cho hay fanpage của đảng Việt Tân, trang Nhật Ký Yêu Nước và ThứcFollowers (cập nhật thông tin về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức) đột ngột cùng bị khóa hôm 28 tháng Sáu.
Đến tối 28 tháng Sáu, Facebook Việt Tân đã xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và thông báo : "Sau một ngày rưỡi bị tấn công, trang Facebook Việt Tân đã quay trở lại cùng bạn đọc, sau khi làm việc với công ty Facebook. Những tiếng nói tự do không thể và bị bóp nghẹt dù phải đối diện với một nhà cầm quyền sử dụng luật rừng kèm với độ ngũ dư luận viên đông đảo toan tính chà đạp lên quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận. Facebook Việt Tân cũng như tất cả các trang fanpage và mọi cá nhân cổ xúy cho quyền tự do của con người đều có quyền hiện hữu và hoạt động một cách tự do trên không gian mạng này".
Phản ứng trước tin Luật An ninh mạng chỉ còn vài tháng là được thực thi, Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn viết trên trang Facebook cá nhân : "Tôi tuyên bố bất tuân Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và chủ tịch nước ký công bố".
Vị luật sư bất đồng chính kiến cũng cho biết thêm : "Trung tướng Hoàng Phước Thuận là người đã chỉ huy cuộc bắt giữ tôi và khám xét nhà/văn phòng tôi năm 2009 khi ông còn là đại tá. Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc thẩm vấn tôi và tạo ra các clip cắt dán lời nói của tôi trong quá trình giam cầm và xét xử". (T.K.)
Thế giới nói chung và người Việt nói riêng theo dõi tình hình thời sự nóng bỏng nhất của Việt Nam xung quanh khóa họp XIV của Quốc hội năm 2018 về hai dự luật Ba Đặc khu và An ninh mạng : Kết quả là dự luật Ba Đặc khu sẽ được tiếp tục thảo luận và dời lại ngày biểu quyết tới cuối năm.
Luật An ninh mạng - Ảnh minh họa (EMagazine)
Luật An ninh mạng (Cybersecurity) của Việt Nam đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12/06/2018 với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%) ; 15 đại biểu không tán thành ; 28 đại biểu không biểu quyết.
Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/06/2018 và chính thức áp dụng từ 1/1/2019.
Đối với giới theo sát tình hình thì người ta không ngạc nhiên khi luật An ninh mạng được thông qua. Nhưng ngạc nhiên vì có một chút gì đó chững lại nên "hạ quyết tâm" chưa đạt yêu cầu, bởi thông thường có 3 hình thức thông qua những dự luật dựa trên nguyên tắc đa số : Đa số tương đối (50% +), đa số tuyệt đối (2/3=66?66% +) và đa số chuyên chế toàn trị (totalitarian majority) phải đạt từ 90% trở lên !
An ninh mạng là nhóm chữ nói tắt về luật lệ bảo vệ và kiểm soát mọi hình thức sinh hoạt của mạng lưới internet toàn cầu với sự nhấn mạnh kiềm soát, theo dõi, ngăn chận, sàng lọc những thông tin trong và ngoài nước trên các trang mạng xã hội.
Trong năm 2018, các nước có số người sử dụng mạng xã hội (social media) cao nhất là Hà Lan (63,5%) dân số. Tiếp theo là Na Uy (63,3%), Thụy Điển (56,4%), Hàn Quốc (54,4%), Đan Mạch (53,3%), Mỹ (51,7%), Phần Lan (51,3%), Canada (51,2%) và Anh (50,2%). Việt Nam có khoảng 94 triệu dân : trong đó có tới 50 triệu người sử dụng Facebook và 64 triệu người truy cập internet ít nhất một lần mỗi tháng.
Thời mở mắt
Lịch sử con người đã trải qua 200 nghìn năm, so với tuổi trái đất 4?5 tỷ năm thì cũng mới bằng một ánh chớp của thời gian. Lịch sử văn minh nhân loại cũng đi từ Khải Huyền (Mythologization) : gieo rắc tư tưởng và bóng dáng huyền bí để dìm sâu nhân loại vào biển thần linh, phép lạ, mê tín. Càng ngày, con người càng khám phá ra thực tế, nên muốn sống còn thì cần phải đối diện với thực tế ; do đó, khuynh hướng Giải huyền (Demythologization) ra đời để "giải độc" cho thế giới Khải Huyền, kéo hành động và ý thức của con người ra khỏi những hoang tưởng viễn vông.
Lịch sử chính trị và quyền lực cai trị của nhân loại cũng đã và đang trải qua những chặng đường "mê" và "tỉnh" như thế. Chế độ Quân chủ Chuyên chế thời vua chúa và Độc tài Chuyên chính đã gặp nhau ở cùng một mẫu số chung là thần thoại hóa chế độ chính trị và thần thánh hóa chân dung nhà lãnh đạo. Lý thuyết chính trị thì phải tôn vinh tới tầm mức "đỉnh cao trí tuệ". Nhà vua, hoàng đế hay nhà độc tài, lãnh tụ đều được bầy đàn thế tục tôn xưng bằng những gì vĩ đại, phi thường và cao cả nhất theo kiểu "thần thông, phép lạ… vẽ cá hóa rồng" !
Nhân loại như một khối quần chúng vô danh, thụ động và thủ phận đã bao năm chấp nhận không điều kiện những mô thức chính trị "phản động tri thức" là sản phẩm tất yếu của chuyên chế và độc tài qua những đêm dài lịch sử. Nhưng cuộc Cách Mạng Truyền Thông Đại Chúng đã bắt đầu từ 50 năm qua và phát triển với một tốc độ nhanh đến chóng mặt ngày nay về cả 3 phương diện : Tin tức/Thông tin (News/Information), Giải trí và Giáo dục. Tác dụng của tin tức toàn cầu đang xảy ra từng phút và thông tin mang tới những sự kiện và dữ kiện xảy ra khắp nơi đã gíúp khối quần chúng vô danh MỞ MẮT. Mở mắt để thấy sự khác biệt giữa huyền thoại (ảo tưởng, tô vẽ, quảng cáo, tuyên truyền…) và thực tế ; giữa những hứa hẹn dối trá mơ hồ và thành tựu thực tại có thể cân-đo-đong-đếm được. Đồng thời, cũng ghi nhận và tri ân những thành tựu về các mặt văn hóa, xã hội và giáo dục có giá trị thực sự đã đạt được.
Các trang mạng xã hội toàn cầu đã giúp hơn nửa của 95 triệu người Việt Nam trong nước và 3 triệu người Việt ngoài nước có điều kiện mở mắt nhanh hơn. Mọi tin tức toàn cầu và trong nước được thông tin trực tiếp, loan truyền trong nháy mắt hoặc cập nhật từng phút, từng giờ. Bởi vậy, mọi khuynh hướng hay nỗ lực nhằm dấu diếm, che đậy, cắt xén thông tin đại chúng đều đã lỗi thời, lạc hậu và không còn tác dụng đối với công nghệ khoa học, kỹ thuật thông tin thời hiện đại. Những bức tường lửa (fire walls) của các nước độc tài toàn trị muốn ngăn chận những thông tin mà giới cầm quyền đang che dấu thực sự đã gây ra phản tác dụng.
Trong lĩnh vực thông tin đại chúng xưa nay, tâm lý "trái táo Adam", "ông vua tai lừa" hay "vật cấm không được tìm hiểu" kiểu thị phi Nghìn Lẻ Một Đêm là động cơ mang tính bản năng gây ra sự tò mò, khát vọng tìm hiểu mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự ngăn cấm bất cứ từ đâu đến. Nếu để tự nhiên như bình thường, những ngưồn tin công cộng loan truyền thường xuất hiện và trôi qua rất nhanh. Ngược lại, những thông tin càng bị ngăn cấm thường chuyển tải nửa úp, nửa mở, càng gây ra sự tò mò, lôi cuốn, cắt xén tam sao thất bổn đa số là bất lợi cho gốc phát sinh, cụ thể là gây tác dụng tiêu cực cho các giới chức cầm quyền ra sức ngăn chận.
Biến cố Thiên An Môn (Tiananmen Square Massacre) tại Trung Quốc năm 1989, Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) xảy ra tại Tunisia năm 2010 và lan rộng ra 8 nước khác tại Trung Đông là những phong trào đòi tự do dân chủ của thế hệ trẻ và hiện có 169 người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam… được xem như là phản ứng trực tiếp của quần chúng bị áp bức, tự do thông tin báo chí bị trấn áp, bưng bít.
An ninh mạng để trị dân hay phòng giặc
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam đề xướng và thông qua.
Sau khi tham khảo dự luật về "An ninh mạng" trong tháng 5/2018, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cảnh báo rằng, dự luật nầy tạo thêm những phương tiện tinh xảo hơn để làm công cụ đàn áp và loại trừ các đối tượng đối lập, bất đồng chính kiến. Dự luật này còn bị xem là sẽ có tác dụng nguy hại cho nền kinh tế Việt Nam vì tính cách tập trung quyền lực điều khiển trong nhiều lĩnh vực thương mãi và kinh tế, chi phí của các cơ sở doanh nghiệp gia tăng.
Ngay cả Hiệp hội Truyền thông Vi số Việt Nam (VDCA) cũng đã lên tiếng về dự luật "An ninh mạng" đã đẻ ra nhiều quy định mà cơ quan này gọi là "Có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân Việt Nam".
Đến nay, bất chấp những cảnh báo từ phía các nhà chuyên môn có thẩm quyền trong ngành vi tính – mạng Việt Nam (ICT) như các ông : Đặng Hữu (Cựu bộ trưởng Khoa học – Công nghệ, Chu Hảo (cựu thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ), Mai Liêm (cựu Tổng cục trưởng ngành Bưu điện ; cựu thứ trưởng Bưu chính – Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu thứ trưởng bộ Công an)… ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Việt Nam đã đóng sập nắp áo quan dự luật "An ninh mạng", tuyên bố : "Xin giữ nguyên như dự thảo" ; và, dự luật đã thành luật !
Ông Trân Văn, bỉnh bút đài VOA nhận định : "Luật an ninh mạng để trị dân chứ không phòng giặc !".
Thật ra thì từ thời 1945, nhà nước cộng sản Việt Nam đã đặt hệ thống ngôn luận, truyền thông trong vòng kiểm soát chặt chẽ, đâu cần phải đợi tới 73 năm sau mới ban hành luật "an ninh mạng". Từ hơn 20 năm trước, cư dân trên các trang mạng xã hội tiếng Việt đã nếm trải những bức tường lửa, sự cắt bỏ, hiệu đính từng chữ, từng ý trong các bài đọc, bài viết trên mặt bằng báo chí Việt Nam trong nước. Trung tâm ứng phó khẩn cấp máy tính Việt Nam (Vncert) cũng đã năng nổ tham gia vào "Chiến tranh Mạng Xã hội" (Social Media War). Một cuộc chiến vô hình nhưng rất ác liệt với tin tặc, tin vịt, tin phịa, tin quảng cáo, tin tuyên truyền, tin gây rối…
Trong khi thế giới văn minh, các nước nhân bản đang sử dụng mạng thông tin để nâng cao dân trí, khai hóa những góc khuất của nhân loại còn bị lãng quên trong bóng tối thì những thế lực bạo quyền đen tối lại tận dụng kỹ thuật mạng để thực hiện những mưu đồ tội ác, bất nhân. Tổng thống Nga Putin được xem là nhân vật đầy mưu mô xảo quyệt nhất và Tập Cận Bình là tư lệnh lực lượng đồ sộ nhất (gần 2 triệu nhân viên tham gia cuộc chiến tranh mạng) đứng sau hầu hết những vụ tấn công, đánh sập, phá hủy, chiếm quyền điều khiển các hệ thống vi tính – mạng mạch đầu não thế giới trong vòng năm năm qua. Việt Nam chưa thấy ai đủ "vĩ đại" để được nêu tên trong bảng phong thần của cuộc chiến Mạng Xã Hội nầy (?!).
Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi Việt Nam cần có một bộ luật như An ninh mạng, thủ sẵn "đại đao" để chỉ huy những hoạt động mạng thông tin vi tính thời hiện đại. Tuy nhiên, trong thế giới mạng thì "cao nhân tắc hữu cao nhân trị". Nghĩa là một khi đã có kẻ mượn kỹ thuật để xây thành thì cũng có kẻ phản pháo biết dùng kỹ thuật để phá thành. Cuối cùng thì bất cứ những tin tức động trời, động đất… nào cũng bị phanh phui. Bao nhiêu cường quốc mà cũng phải điêu đứng bởi Wikileaks của một cá nhân xuất chúng như Julian Assange lập ra và điều khiển với những tin tức tối mật cũng bị lọt ra ngoài làm rung rinh nhiều chế độ.
Thời đại hôm nay được mệnh danh là "Thời Mở Mắt" và người lãnh đạo quang minh chính đại không thể là kẻ tà đạo bị bịt mắt hay đi bịt mắt người khác. Tinh thần Việt Nam, trong giới hạn của tự do, yêu nước, thương dân thật sự thì luật an ninh là luật pháp. Nhưng nếu đi quá giới hạn phục vụ thì luật sẽ trở thành vũ khí đàn áp. Luật an ninh mạng nếu dùng làm công cụ trấn áp thì nó tự động trở thành nanh vuốt của tội ác. Tương tự như thế, có những giới hạn về khái niệm tổ quốc, hòa hợp lòng dân và đồng hành với vận mệnh đất nước là đồng nghĩa với yêu nước ; ngược lại là bán nước, hại dân.
Trên chặng đường Việt Nam đang đi, sau lưng là chứng tích lịch sử còn sống động ; hai bên cạnh là biển đảo đang mất và áp lực tiền bạc mua chuộc điên đảo của trọc phú Tàu ; trước mắt là "Đế Quốc Chủ Nợ Trung Hoa" rình rập sẵn sàng nhảy vào chụp lấy cơ hội cướp nước, mất lòng dân là mất tất cả.
Đôi điều xin góp ý
Xin có đôi điều góp ý với các quan chức lãnh đạo Việt Nam trong quá trình trị nước, an dân :
– Người Việt Nam hôm nay trong cũng như ngoài nước đã được mở mắt mà môi trường truyền thông đại chúng đóng một vai trò trọng yếu. Đây là một tiến trình không thể đảo ngược. Nghĩa là mọi nỗ lực nhằm cấm đoán, chận đứng, bưng bít nguồn thông tin đại chúng toàn cầu sẽ bị phản tác dụng.
– Ý chí và tâm thức người dân Việt Nam chống mọi hình thức âm mưu thống trị của Trung Quốc là một truyền thống kế thừa trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nguyện ước Giải Tàu – Thoát Trung là tiền đề xương sống của lòng yêu nước. (Theo PEW – cơ quan thăm dò dư luận hàng đầu thế giới – thì 95% người dân Việt Nam hiện nay đang sôi sục chống Trung Quốc). Đó không phải là phản ứng nhất thời, thoáng qua, một ngày, một năm, 99 năm mà từ thuở bình minh lịch sử cho đến hôm nay. Thông điệp trái tim của toàn dân khẳng định : Việt Nam là một láng giềng của Trung Quốc ; cần cư xử, giao lưu bình đẳng, tử tế, hai bên đều có lợi. Tránh mọi hình thức "nhất bản vạn lợi" của phường Đại Hán như đặc khu, nhượng địa… nhằm gieo hạt giống Trung Quốc để gặt tai họa Đại Hán trên đất nước của mình. Trong lĩnh vực mạng truyền thông Việt Nam cần phải độc lập với Trung Quốc. Cụ thể là không theo đuôi Trung Quốc để chận đứng những mạng xã hội hàng đầu thế giới mà hơn nửa dân số Việt Nam đã sử dụng quen thuộc như : Youtube, Google, Facebook, Yahoo… để quay đầu làm "chư hầu mạng" của Trung Quốc.
– Giới chức thẩm quyền nên điều chỉnh lại để bớt khắt khe và hẹp hòi với các tiêu chuẩn "phạm húy" trên các mạng thông tin về chính trị, thời sự. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn với các trang mạng về giới tính phóng đãng, thời trang lõa lồ, nghệ thuật kích dục, mê tín dị đoan… Đặc biệt, cần ngăn chận hay giới hạn loại ngôn ngữ xâm phạm như thô tục, chửi bới, khích động bạo lực.
– Với hai dự luật Ba Đặc khu và An ninh mạng, phản ứng quần chúng trong cũng như ngoài nước đã dấy lên dưới nhiều hình thức. Theo Bloomberg News hôm nay (24/06/2018) thì quần chúng biểu tình lần nầy, so với lần biểu tình chống Formosa năm 2016, đầy đủ mọi giới trong xã hội Việt Nam, nhất là tuổi trẻ tham gia rất nhiệt thành và đông đảo. Nhưng điểm nổi bật đáng mừng nhất là người dân đã thẳng thắn trực tiếp đối thoại với chính quyền qua các diễn đàn trang mạng xã hội. Trong đó, tinh thần thống nhất trước sau như một là không chấp nhận một sự dính mắc nào dù lớn, dù nhỏ, dù chóng, dù chầy nhằm tạo cơ hội cho người Trung Quốc gieo mầm mọc rễ mưu toan xâm lấn hay xâm lăng của họ trên đất nước Việt Nam. Tất cả đều phát xuất từ lòng yêu nước và cực lực lên án bất cứ hành động gợi ý, mời gọi hay tương nhượng nào của giới cầm quyền đối với người Trung Quốc. Cũng có một số vị đại biểu hay quan chức suy diễn sai lầm, quy chụp méo mó và kết án bừa bãi thái độ phản kháng chính đáng của người dân là "sự thù nghịch đối với Trung Quốc" !
– Sau các cuộc biểu tình của quần chúng, đã có rất nhiều người bị bắt và hiện đang tiếp tục bị giam giữ, thẩm vấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, thì có tất cả 300 người tham gia biểu tình bị bắt giam ; trong đó có Will Nguyễn là Việt kiều Mỹ. Mặc dù không thể phủ nhận được rằng, phong trào quần chúng nào cũng có trường hợp kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền có lương tâm và trách nhiệm là phải làm sáng tỏ vấn đề và biết tạo điều kiện để phát huy lòng yêu nước chân chính chống ngoài xâm của toàn dân.
Việt Nam : Thời mở mắt. Đã mở mắt thấy được và nhận rõ đâu là thật và đâu là giả rồi thì không thể nhắm mắt lại, phó mặc cho chiếc loa đầu đường độc quyền bình luận và hướng dẫn dư luận. Nhân dân trong cũng như ngoài nước và thế giới đang nhìn. Mong quý vị quan chức Việt Nam đang cầm quyền xử trí công bằng và hợp lý với người dân dám công khai bày tỏ nguyện vọng để không gây bất mãn, hận thù trong quần chúng và tạo được một hình ảnh văn minh, nhân bản đối với thế giới bên ngoài.
Sacramento ngày 24/06/2018
Trần Kiêm Đoàn, MSW., Ph.D
Nguồn : CaliToday, 25/06/2018