Nhà báo vì dân chủ Phạm Đoan Trang có lịch ra tòa phúc thẩm hôm 25/8
VOA, 08/08/2022
Nữ nhà báo tự do đấu tranh cho dân chủ Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, có lịch ra tòa trong phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 25/8, trang Facebook mang tên bà cho biết.
Bà Phạm Đoan Trang được Ủy ban Bảo vệ Ký giả trao giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 trong khi thụ án tù 9 năm trong nhà tù Việt Nam.
Trang Facebook này, do những người thân tín của bà Trang quản lý kể từ khi bà bị nhà chức trách cộng sản Việt Nam bắt hồi tháng 10/2020, cho biết thêm Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ thực hiện phiên tòa phúc thẩm và một quyết định liên quan của nhà chức trách nói rõ rằng : "Vụ án được xét xử công khai".
Hồi giữa tháng 12/2021, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, bà Trang bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước" và phải nhận mức án 9 năm tù giam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những người bào chữa cho bà Trang cho VOA biết ở thời điểm đó rằng hội đồng xét xử đã nhận định là hành vi của bà Trang thuộc diện "nguy hiểm cho xã hội, thực hiện một cách cố ý", và vì vậy đã đưa đến kết quả là mức án còn cao hơn cả mức 7 hoặc 8 năm tù do Viện Kiểm sát đề nghị.
Bà Trang và thân nhân có mặt tại phiên tòa đã phản đối bản án. Các luật sư bào chữa cho bà cũng nói với VOA rằng việc buộc tội bà "chưa có đủ cơ sở pháp lý". Bà Trang, gia đình và các luật sư của bà cho rằng những việc bà làm chỉ là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi.
Như VOA đã đưa tin, nữ nhà báo tự do và cũng là tác giả sách tích cực hoạt động vì dân chủ, nhân quyền đã bị chính quyền Việt Nam bắt cách đây gần 2 năm.
Trong hơn 10 năm trước đó, bà Trang đăng nhiều bài blog phản biện xã hội và thúc đẩy các quyền tự do dân chủ ; viết một số cuốn sách bao gồm cả "Chính trị bình dân", "Phản kháng phi bạo lực", "Cẩm nang nuôi tù" bị cấm ở Việt Nam ; cũng như trả lời các đài, báo nước ngoài trong đó có VOA, RFA và BBC về các vấn đề quan trọng ở trong nước.
Đặc biệt đáng chú ý, Bà Trang cùng ông Will Nguyen, một công dân Mỹ gốc Việt từng bị giam giữ ở Việt Nam vì tham gia một cuộc biểu tình lớn, cùng viết ra bản "Báo cáo Đồng Tâm" xoay quanh vụ tấn công gây chết chóc của lực lượng công an vào thôn Hoành ở xã Đồng Tâm, Hà Nội, đầu năm 2020. Bà Trang bị bắt không lâu sau khi công bố bản báo cáo này.
Bản cáo trạng tại phiên sơ thẩm cáo buộc rằng những việc làm kể trên của bà Trang là "xuyên tạc đường lối, chính sách, phỉ báng chính quyền", đồng thời cũng "tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân".
Bản án sơ thẩm mà tòa của Hà Nội tuyên đã bị Mỹ, Anh, Canada cùng một loạt nước khác và một số tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí đồng loạt phản đối.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo ngày 14/12/2021 rằng Washington lên án việc kết tội và tuyên án tù đối với bà Phạm Đoan Trang. Thông cáo nói thêm rằng bà Trang không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà, và Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích bà Trang, cũng như cho phép mọi người ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không phải sợ bị trả thù.
Thông cáo của phía Mỹ còn kêu gọi Hà Nội đảm bảo luật lệ và hành động của họ nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.
Hồi tháng 3 năm nay, bà Trang được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng "Phụ nữ can đảm" và được Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper ca ngợi là "không sợ hãi theo đuổi một xã hội dung nạp và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam".
Sau đó, vào tháng 7, nữ nhà báo bất đồng chính kiến nổi bật nhất của Việt Nam này được Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vinh danh bằng việc trao cho người phụ nữ đang thụ án 9 năm tù giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022. Lễ trao giải thưởng của tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 17/11 ở New York.
CPJ nói trong một thông cáo của họ rằng thông qua vinh danh bà Trang, CPJ đưa ra ánh sáng sự xuống cấp trong môi trường tự do báo chí của Việt Nam. Đất nước này là 1 trong số 5 quốc gia có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất trên thế giới. CPJ thống kê rằng tính đến năm 2021, có 24 nhà báo đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam, bao gồm cả bà Trang, chỉ vì những gì họ viết ra.
Với việc được CPJ trao giải, đây là lần thứ hai bà Trang được vinh danh bằng một giải thưởng tự do báo chí quốc tế.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào năm 2019 cũng trao cho nhà bà Trang giải Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng, vì những hoạt động của bà trong việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền ở quốc gia có Đảng cộng sản nắm độc quyền cai trị hàng chục năm nay.
*************************
RFA, 08/08/2022
Phiên phúc thẩm vụ án về yêu cầu hủy quyết định hành chính liên quan công tác trả lời công dân, từ chối cung cấp thông tin đối với Ủy Ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa sắp diễn ra.
Luật sư Việt Nam
Mạng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/8 dẫn nguồn tin riêng cho biết như vừa nêu.
Thời điểm diễn ra phiên phúc thẩm đối với vụ này là ngày 16/8.
Phiên sơ thẩm vụ án này diễn ra vào ngày 20/4 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa do công dân Nguyễn Văn Bình kiện Chủ tịch UBND tỉnh do từ chối cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cập thông tin của Việt Nam năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng bản thân chịu tác động bởi việc thu hồi đất giao cho đơn vị tư nhân là Công ty cổ phần Hoàn Cầu để làm dự án sân golf 18 lỗ. Ông này yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Hoàn cầu để có thông tin chính xác làm cơ sở khiếu nại.
Tuy vậy Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân ký văn bản từ chối cung cấp thông tin mà ông Nguyễn Văn Bình yêu cầu. Sau đó, Tỉnh Khánh Hòa có công văn giao Văn phòng UBND Tỉnh giải quyết yêu cầu cho ông Bình ; nhưng lại có thông báo mới từ chối cung cấp thông tin.
Hội đồng xét xử tại phiên sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Bình. Đối với công văn do ông Nguyễn Tấn Tuân ký, Hội đồng nêu lý do ‘đối tượng khởi kiện không còn’ ; và đối với công văn của Văn Phòng UBND tỉnh với lý do ‘vượt quá phạm vi vụ kiện’.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm.
Hoài Nguyễn, VNTB, 09/08/2022
Phiên tòa phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra lúc 8g00 sáng ngày 25/8. Địa điểm mở phiên tòa : Phòng xét xử số VI – tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, số 1 Phạm Văn Bạch.
Theo từ điển Luật học thì "xét xử là hoạt động đặc trưng, là chức năng nhiệm vụ của tòa án. tòa án là cơ quan duy nhất của một nước đảm nhiệm chức năng xét xử, không ai có thể buộc tội mà không qua xét xử của tòa án và kết quả xét xử phải được công bố bằng bản án".
Vì xét xử là hoạt động của tòa án, một hoạt động đặc trưng của việc thực hiện chức năng tư pháp của Nhà nước, nên hoạt động này được tiến hành theo cách thức hay thủ tục nhất định dựa trên những nguyên tắc tố tụng hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì kết quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan.
Trong từ điển tiếng Việt "công khai" được giải thích như sau : "Công khai là việc không giữ kín mà để cho mọi người đều có thể biết". Tính công khai trong công tác xét xử được hiểu là việc xét xử các vụ án được tiến hành một cách công khai, mọi người đều có thể tham dự và theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.
Thông qua Hiến pháp – đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất cùng với các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi công dân từ đủ 16 tuổi trở lên đều có thể tham dự và tòa án phải công bố tất cả các quyết định được thông qua trong quá trình xét xử của vụ án.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp 2013 quy định như sau : "3. tòa án nhân dân xét xử công khai…". Do vậy, nguyên tắc này được triển khai thực hiện ở các phiên tòa ; trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, như hình sự, dân sự, hành chính, lao động...
Bắt nguồn từ nguyên tắc về quyền con người, ai cũng có quyền bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi tòa án. Điều này nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của họ ; cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Thêm nữa, với vai trò nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, thực thi pháp luật, các phiên tòa được hiến định rằng phải được tổ chức công khai để mọi người dân có nhu cầu thì đều có thể tham gia ; đều có thể được biết thông tin về vụ việc được xét xử.
Thông qua đó thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động xét xử vụ án. Ngoài ra, việc xét xử công khai phát huy được tính giáo dục chính trị – pháp lý ; tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn ; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình ; đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.
Về lý thuyết thì nguyên tắc xét xử công khai là sự thể hiện cụ thể của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Thế nhưng vấn đề nhân quyền luôn là điểm nóng ở các bản án liên quan đến quyền biểu đạt chính trị tại Việt Nam thì nguyên tắc xét xử công khai chịu nhiều giới hạn về quyền dự khán của người dân tìm đến theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.
Pháp luật cũng có quy định về những vụ án được xét xử kín thì không công bố nội dung vụ án, diễn biến của phiên tòa nhưng vẫn phải tuyên án công khai với sự tham dự tự do của người dân quan tâm đến vụ án này. Theo đó, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.
Lưu ý, nguyên tắc xét xử công khai chỉ áp dụng đối với thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, không áp dụng đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
Với những tóm tắt pháp lý như trên cho thấy ở phiên tòa phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sắp tới đây, nếu đã thông báo rõ là "xét xử công khai", thì mọi người dân quan tâm đến vụ án này đều được quyền tiếp cận, tìm hiểu về tình tiết, nội dung xét xử mà không bị lực lượng cảnh sát tư pháp lẫn an ninh thường phục cản trở, hạn chế bằng cách này hay cách khác vốn vẫn thường thấy trong các bản án liên quan đến quyền biểu đạt về chính kiến thể chế.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 09/08/2022
************************
Nhà báo Phạm Đoan Trang sắp ra tòa phúc thẩm : ‘Đây là án thái độ’
RFA, 09/08/2022
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người được trao nhiều giải nhân quyền quốc tế, sắp ra tòa phúc thẩm. Luật sư đại diện nhận định việc giảm án tùy thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không.
Nhà báo Phạm Đoan Trang - icj.org
tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên tòa phúc thẩm vào ngày 25/8 để xét xử nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang vì có đơn kháng cáo.
Bà Trang bị tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án chín năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên tòa hồi tháng 12 năm 2021.
Theo thông báo của tòa gửi cho luật sư, phiên tòa công khai sẽ được thực hiện tại trụ sở của tòa án cấp cao tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa cho bà Trang trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm cho biết, thân chủ của ông luôn khẳng định mình vô tội và chính vì thái độ này của bà mà khó có sự thay đổi về mức án trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
"Chị Trang ngay từ đầu đến giờ hoàn toàn không nhận tội, chúng tôi cũng đồng quan điểm với chị Trang.
Trong quan điểm bào chữa của các luật sư, chị Trang không có tội nên là không có chuyện xin giảm nhẹ mức án.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phiên tòa phúc thẩm không có thay đổi nhiều, tức là khả năng y án sơ thẩm đến trên 90%.
Bởi vì trong các vụ án như thế này, như chúng tôi đã trình bày rất nhiều lần, đây là án thái độ, nghĩa là nếu các thân chủ của chúng tôi xin giảm nhẹ thì được chấp nhận rất là cao.
Tuy nhiên, họ không xin giảm nhẹ và khả năng y án rất là cao, và trường hợp của bà Trang cũng không phải là ngoại lệ".
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động 44 tuổi bày tỏ với phóng viên rằng, bà không biết có được tham dự phiên tòa phúc thẩm công khai như trong phiên sơ thẩm hay không. Bà chia sẻ :
"Theo thông lệ thì nếu mà là các nước khác thì chắc họ cũng có phần nể áp lực quốc tế nhưng Việt Cộng lỳ lắm.
Ngay khi Trang bị bắt cũng như trước phiên sơ thẩm, nhiều đại sứ quán nước ngoài kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trang ngay và vô điều kiện nhưng nó có làm đâu".
Bà cho biết thêm bà Trang chưa được gặp người thân kể từ khi bị bắt hơn 22 tháng trước. Con gái bà bị phân biệt đối xử.
Gia đình không được gửi thức ăn đã chế biến sẵn như nhiều trường hợp khác mà bị buộc phải mua từ căng-tin của Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội để tiếp tế.
Theo cáo trạng, từ ngày tháng 11 năm 2017 đến đầu tháng 12 năm 2018, bà Trang có hành vi "làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam".
Cụ thể, bà Trang bị cho là có hành vi tàng trữ các tài liệu : "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam", "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam", và "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".
Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội, cơ quan giữ quyền công tố, nói các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Bà Trang cũng bị cáo buộc đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài như BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu Tự do (RFA) với "nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước".
Bà Trang, đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí và trang báo tiếng Anh The Vietnamese Magazine, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách chính trị như Chính trị Bình dân và Cẩm nang Nuôi tù.
Từng là cựu phóng viên của báo VietnamNet, bà bị bắt ngày 06/10/2020, chỉ vài giờ sau Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ thường niên.
Việc bà bị bắt có liên quan đến việc bà là đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm, một báo cáo toàn diện nói về tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, và cuộc tấn công của khoảng 3.000 cảnh sát cơ động vào làng Hoành sáng sớm ngày 9/1/2020, giết chết thủ lĩnh tinh thần Lê Đình Kình và bắt giữ hàng chục người dân. Chỉ một thời gian ngắn sau khi báo cáo song ngữ Anh-Việt được công bố thì bà bị bắt.
Nhiều năm trước khi bị bắt giam, bà Trang đã nhiều lần bị công an Việt Nam câu lưu và đánh đập.
Do bị lực lượng an ninh đánh trong vụ biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hàng nghìn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố tháng 5 năm 2015, chân bà bị hỏng khớp và bà phải dùng nạng để di chuyển.
Bà Căn nói trong suốt thời gian điều tra, con gái bà bị đánh đập nhiều lần bởi cán bộ điều tra và cả tù hình sự. Hiện bà Trang bị nhiều bệnh như rong kinh, huyết áp thấp, và đau chân nhưng không được điều trị y tế đầy đủ.
Do các hoạt động cổ súy nhân quyền và tự do báo chí, bà Trang được tặng nhiều giải thưởng quốc tế cao quý, trong đó có Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho mục Ảnh hưởng, giải thưởng Homo Homini từ tổ chức People In Need (Cộng hòa Czech), giải Tự do Truyền thông 2022 do Bộ Ngoại giao Canada và Vương Quốc Anh trao tặng, giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals, và gần đây nhất là giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ).
Nguồn : RFA, 09/08/2022
Nguyễn Xuân Phúc không phải là người hùng biện hay nói năng lưu loát. Mọi câu chữ ngô nghê của ông (cờ lờ mờ vờ, ma dzê in Việt Nam…) đều trở thành đề tài cho thiên hạ cười đùa, giễu cợt. Ngay cả khi ông phát biểu những lời lẽ (nghe) có vẻ thống thiết chăng nữa, ông cũng vẫn bị mọi người coi thường và đều bỏ ngoài tai.
Ngày 4 tháng 8 năm 2017 , trong buổi làm việc với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông tuyên bố : "Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ văn nghệ sĩ nào có những ý tưởng xây dựng đất nước".
Bốn năm sau – hôm 26 tháng 7 năm 2021 – khi đọc Diễn văn nhậm chức của Chủ tịch nước, ông không quên ân cần nhắc nhở : "Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước".
Vài tuần kế tiếp, vào hôm 16 tháng 9 năm 2021, trong Thư gửi đồng bào cử tri TPHCM , ông Phúc lại tiếp tục thiết tha bầy tỏ sự cầu thị (cứ) y như thiệt vậy: "Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng ở mức cao nhất".
Thế mà đám cử tri ở Sài Gòn (nói riêng) và giới văn nghệ sĩ/trí thức (nói chung) đều thủ khẩu như bình. Chả ai có "ý kiến, tâm tư, nguyện vọng" gì ráo trọi – trừ Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống :
"Tôi đã hai lần gửi thư chuyển phát nhanh qua Bưu điện, có biên nhận. Ngày 22 tháng 9 gửi trực tiếp cho Chủ tịch. Ngày 24 gửi cho ông Chủ nhiệm Văn phòng, nhờ chuyến cho Chủ tịch. Thư gửi đến Văn phòng chủ tịch nước, số 2 Hùng Vương, Hà Nội…
Nhưng cho đến ngày 7 tháng 10 vẫn bặt vô âm tín. Phải chăng thư đã bị chặn hay là thất lạc đâu đó, chưa đến tay Chủ tịch, hoặc đã đến tay nhưng ông không xem".
Thiệt là may mắn. May là "thư đã bị chặn hay là thất lạc đâu đó", chớ không thì ông Cống (hay ông Nghè, hoặc ông gì bất cứ) cũng đã "nằm co" trong nhà tù Hỏa Lò rồi.
Thiệt là hú hồn, hú vía!
Thận trọng hơn, Tiến sĩ Mạc Văn Trang bèn nghĩ ra một phương cách an toàn khác. Thay vì gửi thư "góp ý" như T.S Nguyễn Đình Cống, ông cho lên trang FB ảnh một cái cây lá vẫn còn xanh nhưng gốc đà mục rễ, rồi xin độc giả cho một lời bình.
Thiệt là một sáng kiến. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, có đến gần 600 độc giả sốt sắng tham dự. Điều lạ lùng là tuyệt đại đa số đều phát biểu những câu chữ, với nội dung tương tự nhau. Xin ghi lại năm bẩy ý kiến đầu tiên :
- Trần Tư Bình: "Sắp rồi"
- ThanhNghe Bui: "Sự thay đổi đang đến !"
- Nguyễn Xuân Lộc: "Chẳng còn bao lâu, gốc mục ruỗng rồi"
- Ly Hoang Chinh: "Mục nát từ gốc, rồi sẽ đổ thôi !?"
- Nguyen van Dinh : "Mong manh"
- Namtrung Tran : "Hỏng từ gốc !"
Tiếng nói của cư dân mạng nghe cứ như tiếng cú khiến tôi nhớ đến lời báo tử của nhà văn Nguyên Ngọc : "Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào ?".
Trung ngôn nghịch nhĩ !
"Kịch bản nào" thì cũng rất trái tai ông Chủ tịch nước và những vị lãnh đạo cấp cao của chính phủ hiện hành. Nguyên Ngọc – tuy thế – chỉ bị đám dư luận viên xúm vào bề hội đồng thôi, chứ chưa phải tù tội một ngày nào cả.
Ngoài cái uy tín của một người cầm viết có thực tài (và có đông độc giả), một sĩ quan cao cấp với rất nhiều công trạng, Nguyên Ngọc còn có ưu thế của một già làng sắp đến tuổi cửu tuần. Trong một xã hội mà "mọi công dân đều là một tù nhân dự khuyết " thì nhà nước Việt Nam bắt ai chả được nhưng tóm Nguyên Ngọc hôm trước rồi hôm sau (lỡ) ổng "chuyển qua từ trần" luôn thì …chết mẹ, nếu không lôi thôi lớn thì cũng lôi thôi lắm!
Phạm Đoan Trang, tiếc thay, không có cái "ưu thế" tương tự. Tuy ôn tồn, nhỏ nhẹ, và hoà nhã thấy rõ (chỉ "yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam " thôi) nhưng nhà báo đã bị bắt giam – từ ngày 6/10/2020 – và bị "hành" cho bầm dập từ hơn một thập niên trước đó.
Bỉnh bút Trần Phương (Tạp Chí Luật Khoa) ghi nhận :
Năm 2008 – 2009 Đoan Trang là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietNamNet…
Năm 2009, một sự kiện bất ngờ đã bẻ lái cuộc đời cô sang một hướng khác. Ngày 27/8/2009, blogger Người Buôn Gió, tên thật là Bùi Thanh Hiếu, bị bắt. Một ngày sau đến lượt Đoan Trang ; và rồi blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vài ngày sau. Công an cho rằng cả ba người đã xâm phạm an ninh quốc gia vì đã tham gia in ấn áo thun chống dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên…
Sau vụ bị bắt tạm giam năm 2009, Đoan Trang bị báo VietnamNet sa thải mà không có lý do… Ngày 5/8/2012, Đoan Trang bị công an bắt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.
Sáng ngày 26/4/2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức tuần hành phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. Trong lúc biểu tình, công an đã cưỡng bức Đoan Trang cũng như nhiều người biểu tình khác lên xe buýt…
Sau vụ việc này, Đoan Trang bắt đầu đi đứng khập khiễng. Vào tháng 5/2015, cô được bác sĩ chẩn đoán là khớp gối bị tràn dịch khớp và viêm bao hoạt dịch…
Tháng 10/2016, nhóm Green Trees xuất bản sách "Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam" trên Amazon do Đoan Trang và các nhà hoạt động khác làm đồng tác giả. Đây là cuốn sách ghi lại các diễn biến, thực trạng trong và sau sự cố Công ty Formosa làm ô nhiễm biển vào giữa năm 2016. Cũng trong năm này, sách "Từ Facebook xuống đường" được xuất bản trên Amazon…
Năm 2017, Đoan Trang viết sách "Chính trị bình dân" trong những ngày bị giam lỏng tại nhà ở Hà Nội. Tháng 7/2017, để tránh bị công an sách nhiễu, cô đã rời khỏi Hà Nội và đến Sài Gòn.
Ngày 22/9/2017, sách "Chính trị bình dân" của Đoan Trang ra mắt độc giả. Nhà xuất bản Giấy Vụn và nhóm Green Trees đã xuất bản cuốn sách này. Đây là một cuốn sách nhằm phổ biến các kiến thức chính học căn bản đến tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ hoạt động xã hội, và nhân quyền.
Ngày 15/8/2018, Đoan Trang bị công an mặc thường phục đánh đập khi đến nghe đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín. Đêm ca nhạc bị công an giải tán, những người tổ chức và tham gia bị công an thẩm vấn và đánh đập… Trong hơn ba năm kể từ tháng 7/2017, Đoan Trang đã sống ở ít nhất 60 chỗ ở khác nhau ở khắp các tỉnh thành. Cô đã đi lại hơn ba năm qua cùng với đôi chân thương tật, và nỗi sợ hãi nặng nề đeo bám, bị đánh đập, bị hành hung, bị công an bao vây bất cứ lúc nào…
Mà nào chỉ có thế !
Ngoài việc bị lực lượng công an ngày đêm rình rập, thường xuyên sách nhiễu và hành hung, lực lượng tuyên giáo của nhà nước còn cho phổ biến hằng trăm bài viết với một thứ ngôn từ bẩn thỉu và hạ tiện chưa từng thấy:
...
Không rõ "bao nhiêu cuốn lịch đang chờ Phạm Đoan trang" trong những ngày tháng tới nhưng mọi người đều biết sắp có một phiên toà (ô nhục) dàn dựng bởi một nhà nước hèn hạ, và hèn nhát. Họ nắm trọn mọi quyền lực trong tay, sử dụng tất cả những thủ đoạn đê tiện và thô bạo nhất (trong hơn chục năm trời) nhưng vẫn không thể khuất phục được một lương dân chỉ bầy tỏ ý kiến rất ôn hoà ("yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam") như nhà báo Phạm Đoan Trang.
Cuối cùng thì chế độ hiện hành đã phải dùng đến hạ sách là "giam người bịt miệng. Ấy thế mà vẫn cứ trơ tráo " tham gia ứng cử vào Hội Đồng Liên Hiệp Quốc" (và mồm mép vẫn cứ leo lẻo "lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân") mà không đứa nào biết ngượng ngùng hay hổ thẹn gì ráo trọi !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 06/11/2021 (tuongnangtien's blog
Luật sư và gia đình kiến nghị trại giam cho phép bà Phạm Đoan Trang được chăm sóc y tế
RFA, 22/10/2021
Trong hai ngày 20 và 22 tháng 10, các luật sư bào chữa cũng như gia đình của nhà báo Phạm Đoan Trang làm đơn kiến nghị gửi tòa án và trại tạm giam, yêu cầu cho phép bà Trang được tiến hành việc khám và điều trị những vấn đề về sức khỏe.
Sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang đã không được tốt khi còn hoạt động ở Hà Nội - Facebook Pham Doan Trang
Vào ngày 20 tháng 10, bảy luật sư bào chữa của nhà báo Phạm Đoan Trang cùng ký tên vào bản kiến nghị gửi đến Toán án Nhân dân và Trại Tạm giam số 01 Hà Nội.
Trong đơn, các luật sư đưa ra ba kiến nghị, bao gồm :
Đề nghị tòa án tiến hành xác nhận tình trạng sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang và phối hợp với trại tạm giam để tiến hành các thủ tục cho phép bà Trang được khám, chữa bệnh. Đề nghị Trại Tạm giam số 01 Hà Nội tiến hành khám sơ bộ cho bà Phạm Đoan Trang ngay lập tức, cùng với đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội thanh tra việc giam giữ đối với bà Trang để đảm bảo quyền được thăm khám sức khỏe của bà.
Hôm 22 tháng 10, đại diện gia đình của bà Trang là ông Phạm Chính Trực cũng gửi đơn đề nghị đến các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội. Trong đơn, gia đình đưa ra hai đề nghị bao gồm : cung cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp và cải thiện điều kiện giam giữ cho bà Phạm Đoan Trang, và cho phép nhà báo này được gặp gia đình ngay trong tháng 10 và mỗi hai tuần sau đó.
Đơn đề nghị chăm sóc y tế khẩn cấp của gia đình bà Trang. Ảnh : Facebook Pham Doan Trang
Trước đó, hôm 19 tháng 10, các luật sư bào chữa có cuộc gặp đầu tiên với nhà báo Phạm Đoan Trang, sau một năm sau bà bị bắt giam và điều tra vì các hoạt động viết sách và viết báo của bản thân. Sau cuộc gặp, các luật sư thông báo rằng bà Trang đang gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau xương khớp, huyết áp thấp và u nang.
Cũng theo các luật sư thì trong suốt một năm bị giam giữ, nhà báo Phạm Đoan Trang không hề được khám sức khỏe và mặc dù gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng bà không được chăm sóc y tế.
Mặc dù phiên tòa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 11 tới đây, tuy nhiên nửa tháng trước phiên xử các luật sư mới được tiếp xúc với thân chủ để chuẩn bị cho phiên tòa.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 10 năm 2020. Chính quyền cáo buộc bà phạm tội "truyền truyền chống nhà nước", được quy định bởi điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999.
Cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc blogger này có hành vi tàng trữ các tài liệu, bản báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Viêt về các sự kiện nhân quyền, chính trị xã hội nổi bật trong nước những năm vừa qua, trong đó có vụ cưỡng chế đất ở Đồng Tâmvà trả lời báo đài nước ngoài là BBC và Đài Á Châu Tự Do.
********************
Luật sư : sức khỏe của nhà báo Phạm Đoan Trang bị sa sút trong trại tạm giam
RFA, 20/10/2021
Bà Phạm Đoan Trang (43 tuổi) bị bắt từ tháng 10 năm 2020 và bị truy tố tội tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự cũ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang - Facdebook Phạm Đoan Trang
Theo luật sư Luân thì thời tiết chuyển lạnh khiến hai chân của Phạm Đoan Trang bị đau trong thời gian gần đây, đây cũng là di chứng của việc bà Trang bị tấn công dẫn đến vỡ xương đầu gối hồi năm 2015.
Ngoài ra, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng chịu các vấn đề sức khỏe phụ khoa, khi chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, có khi kéo dài lên đến 15 ngày mỗi chu kỳ. Điều này cộng với vấn đề huyết áp thấp đã khiến bà cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Một vấn đề nghiêm trong nữa được luật sư Lê Văn Luân tường thuật lại đó là nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết bà bị u nang buồng trứng, và trong một năm vừa qua không hề được thăm khám lẫn điều trị.
Những vấn đề sức khỏe kể trên đã ảnh hưởng lớn đối với bà Phạm Đoan Trang, khiến bà bị sụt 10 kg, theo tường thuật của luật sư Luân.
Để tìm hiểu về những áp lực đối với người bị giam giữ trong thời kỳ tạm giam điều tra, RFA phỏng vấn cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, bà cho biết :
"Tôi đã từng là người trải qua bốn năm tù, trong đó có khoảng gần 18 tháng ở trại tạm giam. Sau khi mà tôi ra tòa, thành án rồi, bị kết án rồi thì mới lên nhà tù Thanh Hoá, đó là trại giam. Thì thời gian ở trong trại tạm giam là khó khăn hơn cả".
Về vấn đề sức khỏe của nhà báo Phạm Đoan Trang, bà Phạm Thanh Nghiên lý giải :
"Cái này thì tôi cũng đã từng chứng kiến một số trường hợp, những chị em tù hình sự mà tôi ở cùng, có những người bị rong kinh, thì tôi không biết của Trang là đến mức độ nào, có bị băng huyết không nhưng mà như thế thì cũng đã là đáng lo rồi.
Sau này thì tôi ra tù thì cũng có hỏi một số bác sĩ thì họ nói rằng là do tình trạng lo lắng, stress, thậm chí trầm cảm quá mức bởi vì thời gian tạm giam là thời gian căng thẳng nhất. Phải đối phó, phải đi cung, phải chịu thẩm vấn, rất là nhiều thứ. Tôi có gọi là trong thời gian án tù, thì thời gian tạm giam là khó khăn nhất, kinh khủng nhất. Không được gặp thân nhân, không được gặp gia đình, nhất là những vụ án chính trị thì lại không được gặp luật sư nữa.
Cho nên dù có dũng cảm đến mấy, quả cảm đến mấy, tinh thần vững đến mấy thế nhưng mà nó ảnh hưởng rất là lớn đến cái sức khỏe của mình cả về sức khỏe thần kinh, tinh thần, tâm lý lẫn thể lý".
Bà Phạm Thanh Nghiên cũng cho biết mặc dù các trại tạm giam có bệnh xá, nhưng trong các vụ án chính trị thì người bị giam giữ rất khó được tiếp cận việc thăm khám và chữa trị.
Trước đó, các luật sư cũng thông báo về phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án của bà Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 11 tới đây, tuy nhiên phải đến ngày 19 tháng 10 thì các luật sự mới được gặp thân chủ.
Thanh Trúc, RFA, 08/10/2021
Hôm 6/10/2021, đúng một năm sau ngày nhà hoạt đông Phạm Đoan Trang bị bắt giữ và bị cầm tù, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiative for Vietnam - LIV) mà Đoan Trang là người đồng sáng lập, ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam giam giữ nhà hoạt động này.
Nhà báo Phạm Đoan Trang và những cuốn sách mà cô đã viết nhưng bị chính quyền Việt Nam cấm lưu hành - Facebook Phạm Đoan Trang
Tuyên bố của Sáng Kiến Công Lý Việt Nam có đoạn viết như sau :
"Chúng tôi lên án hành vi của chính quyền Việt Nam trong việc liên tiếp sách nhiễu nhà đồng sáng lập của chúng tôi là Phạm Đoan Trang.
Việc bắt và giam giữ bà Trang là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trắng trợn. Nói rộng hơn, hành động này còn tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập".
Sáng Kiến Công Lý Việt Nam còn kêu gọi những người ủng hộ cùng lên tiếng đòi hỏi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tác giả nhiều bài viết có lập luận sắc bén và thức thời mà chính quyền cộng sản cho là phản động và có ý đồ chống phá nhà nước.
Trước đó một ngày, hôm 5/10, tổ chức có tên Dự Án 88 cũng cho đăng tải một bài trên báo Asia Times. Bài viết liệt kê ra quá trình hoạt động xã hội của Phạm Đoan Trang trước khi bị bắt, cùng những thành tựu mà cô gặt hái được thông qua những hoạt động xã hội. Bài viết cũng nêu yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang như một hành động thực tế để cải thiện tình hình nhân quyền trước khi tham dự vào tiến trình cổ xuý sự phát triển quyền con người trên thế giới.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày6/10/2020 sau ba năm liên tục di chuyển cũng như thay đổi chỗ ở để tránh sự đe dọa bắt bớ của công an.
Chia sẻ cùng RFA qua điện thư, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, nhắc về người bạn thiết của mình như sau :
"Hôm nay 6/10/2021, vừa tròn một năm Phạm Đoan Trang bị bắt. Nhưng tôi muốn nói đến quãng thời gian trước đó, trong suốt vài năm cho tới khi Trang bị bắt, cô ấy đã phải sống với những mối đe doạ thường trực, những cuộc săn lùng bởi công an, mật vụ. Đó thật là những trải nghiệm kinh khiếp, căng thẳng không khác gì nhà tù"
"Điều đặc biệt là hình như càng gặp nguy hiểm, Trang càng thể hiện được khả năng làm việc và sức ảnh hưởng của mình lên các đồng nghiệp, đặc biệt về sự can đảm của cô.
"Từng là một người tù, tôi hiểu được thế nào là nhà tù cộng sản. Mọi thứ thật là khó khăn, nhất là đối với tù chính trị. Tôi không biết người ta sẽ dành cho Trang bản án bao nhiêu năm tù nhưng tôi e rằng bạn tôi sẽ không được tự do sớm như nhiều người mong đợi. Tôi muốn nói bên cạnh việc đấu tranh cho tự do của Phạm Đoan Trang, thì việc vận động để cô ấy được quyền chơi đàn, được quyền sở hữu một cây guitar trong nhà tù, cũng là điều cấp bách. Nhưng như tôi vừa nói, đối với nhà tù cộng sản thì mọi thứ thật quá khó".
Hình từ Luật Khoa Tạp Chí : Adam Bemma/Al Jazeera và Paul Mooney. Đồ họa : LIV
Là nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Phạm Đoan Trang viết nhiều sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản trong nước và nước ngoài.
Năm 2018, Phạm Đoan Trang được Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need. Năm 2019, cô được Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí.
Nhà nước Việt Nam cáo buộc cô Phạm Đoan Trang tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Kể từ lúc bị bắt và bị tống giam, Phạm Đoan Trang chưa được gặp thân nhân hay luật sư cả một năm qua.
Vào ngày 6/11/2020, tức một tháng sau đó, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, đã cùng Đại sứ các nước khác có cuộc gặp với đại diện Bộ Công An liên quan vụ bắt giữ người mà EU gọi là nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.
Tự do biểu đạt và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng, là nhận định của Đại sứ Giorgio Aliberti trên Twitter cá nhân.
Quan điểm này được chia sẻ lại trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Thụy Điển, Đức và Pháp.
Trao đổi với RFA nhân một năm tròn Phạm Đoan Trang bị giam giữ, Giám đốc phân ban Châu Á của Giám Sát Nhân Quyền HRW, ông Brad Adams, phát biểu :
"Thật kinh khủng khi giam giữ một người cả một năm mà không xét xử. Phạm Đoan Trang không có tội, cô chỉ muốn cuộc sống người Việt Nam tốt hơn và đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để làm điều đó"
"Tiếp tục tranh đấu cho Đoan Trang được trả tự do, tiếp tục đòi hỏi nhà cầm quyền dưới sự khống chế của đảng cộng sản Việt Nam phải công nhận cũng như tôn trọng quyền con người của công dân, vẫn là trách nhiệm của Giám Sát Nhân Quyền trong những ngày tới. Một năm đã qua mà nếu nhà cầm quyền không có được bằng chứng hiển nhiên, cụ thể về điều gọi là phạm pháp của Phạm Đoan Trang thì phải trả lại tự do cho cô ấy ngay lập tức".
Luật sư Nguyễn Văn Đài từng hai lần bị bắt vì tranh đấu cho quyền con người khi còn ở trong nước, cho biết ông hiểu nỗi khổ mà nhà báo Phạm Đoan Trang phải chịu đựng :
"Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội thì họ đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ qua bên Viện Kiểm Sát, sau đó chuyển sang Tòa Án để tiến hành xét xử.
Luật qui định sau khi Cơ quan An ninh Điều tra chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm Sát thì trong thời hạn 30 ngày Viện Kiểm Sát phải ra cáo trạng và năm ngày tiếp theo phải chuyển sang Tòa Án. Tòa cũng có 30 ngày tiếp theo để lên lịch xét xử. Như vậy đến nay có thể hồ sơ đã nằm bên Tòa Án rồi. Quan điểm của tôi thì chắc chắn là không quá một tháng nữa vụ án sẽ đưa ra xét xử nêu như Viện Kiểm Sát và cả Tòa Án tuân thủ đúng Luật Tố Tụng Hình Sự của Việt Nam".
Từ một nơi ngoài Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, tổ chức Defend The Defenders :
"Tôi là giám đốc của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defend The Defenders). Tròn một năm Phạm Đoan Trang bị giam giữ biệt lập với thế giới bên ngoài, tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền đã cùng Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam phản đối việc bắt giữ và yêu cầu trả tự do ngay cho cô Phạm Đoan Trang.
Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động cho cô bằng những báo cáo lên Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng như Ủy Ban Nhân Quyền khu vực Châu Á Thái Bình Dương ; đồng thời tiếp xúc với một số tổ chức và cá nhân để kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế cho trường hợp Phạm Đoan Trang".
Tiếp lời ông Vũ Quốc Ngữ, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùngthuộc Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, là tổ chức đã vinh danh Phạm Đoan Trang bằng giải thưởng nhân quyền hồi tháng 12/2018, cho hay :
"Sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10 năm ngoái thì một ngày sau đó Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Người Bảo Vệ Nhân Quyền đã ra một tuyên bố chung về vụ bắt bớ này.
Sau đó, ngày 13/7 2020, cùng với 9 tở chức quốc tế và Việt Nam như Amnesty International, Pen America, People In Need, Defend The Defenders Người Bảo Vệ Nhân Quyền một lần nữa kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang".
Trong một năm qua, vẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam luôn đặt ưu tiên vấn đề Phạm Đoan Trang và sẽ tiếp tục như vậy trong những ngày tháng tới :
"Ưu tiên trường hợp Phạm Đoan Trang trong các báo cáo hàng năm cũng như trong những lần tiếp xúc với các vị dân cử hoặc các viên chức hành pháp Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đánh giá cao khả năng, tâm huyết và những hy sinh của Phạm Đoan Trang".
Đã một năm kể từ ngày nhà hoạt động, ngòi bút độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt và bị tống giam một cách thô bạo, yêu cầu trả tự do hoặc một phiên tòa công chính đối với tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang hầu như vẫn là tiếng nói chung của các tổ chức nhân quyền và tổ chức ngoài chính phủ trên thế giới cũng như của Việt Nam.
Số liệu từ Defend The Defenders Người Bảo Vệ Nhân Quyền, cho thấy :
Việt Nam đang giam giữ 265 nhà bất đồng chính kiến, kể cả Phạm Đoan Trang, trong điều kiện hà khắc tại các nhà tù lớn nhỏ khắp nước.
Còn theo thống kê của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee to Protect Journalists - CPJ) ở New York, trong số 15 nhà báo đang bị giam tù ở Việt Nam, trường hợp Phạm Đoan Trang bị bắt ngày6/10/2020xảy ra chỉ ít giờ sau vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24.
Trần Quỳnh-Vi, Nguyên Sa, Luật Khoa, 07/10/2021
Viết về chính trị và nhân quyền không phải là tội.
Khi tôi viết ra những dòng này, tâm trí tôi tràn ngập ký ức về Phạm Đoan Trang. Tôi cũng nhận ra là đã gần bảy năm kể từ ngày tôi từ biệt Trang để cô ấy rời Mỹ về Việt Nam. Chúng tôi đã trở thành bạn của nhau, cùng nhau trải qua bảy tháng ở Mỹ, và không gặp lại nhau kể từ tháng 12/2014. Tôi cũng đã không thể liên lạc hay nói chuyện điện thoại với Trang kể từ ngày 6/10/2020. Gần nửa đêm hôm đó, ở Sài Gòn, cô bị bắt. Tin nhắn cuối cùng tôi gửi cho cô cũng là vào buổi tối hôm đó.
"Trang ơi, trả lời Vi"
Đoan Trang có thể được gọi bằng nhiều danh xưng, tùy vào người mà bạn đang nói chuyện. Cô là một nhà báo, một nhà hoạt động, một người thầy, một nhân vật chính trị chống Đảng cộng sản Việt Nam, một gương mặt nổi bật của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và nhiều hơn nữa. Nhưng với tôi, Đoan Trang là một người bạn, một người bạn rất thân thiết, chỉ vậy thôi. Tôi chỉ hy vọng có thể giúp bạn mình được tự do vì cô ấy đã chẳng làm gì sai cả. Đoan Trang xứng đáng được tự do để cô có thể tiếp tục viết.
Vậy mà buồn thay, những gì cô viết ra lại chính là lý do mà cô bị chính quyền Việt Nam bỏ tù.
Ở Việt Nam, việc viết hay phát ngôn (trên Youtube, TikTok, v.v.) có thể trở thành một tội nghiêm trọng nếu như bạn không tuân theo hệ thống kiểm duyệt của chính quyền hay sự tự kiểm duyệt của chính bạn. Nếu xem xét các chi tiết của bất kỳ vụ án chính trị nào ở Việt Nam, bạn sẽ thấy các bị cáo chỉ toàn bị kết án vì những bài viết, những phát ngôn của họ. Bất kể chính quyền Việt Nam gọi đó là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" hay "tuyên truyền chống nhà nước," tội của những người này lúc nào cũng là đã viết, đã nói.
Với Đoan Trang, tôi nghĩ còn có một khía cạnh khác khiến chính quyền Việt Nam thấy gai mắt với cô hơn. Cô không chỉ là một nhà báo ; cô còn cố gắng thúc đẩy để ngày càng có nhiều người viết hơn và hiểu biết về chính trị Việt Nam hơn. Tôi là một trong những người đã được cô truyền cảm hứng để theo nghề viết và quan tâm hơn đến các vấn đề nhân quyền và chính trị Việt Nam.
Trong sự nghiệp viết của mình, tôi biết ơn hai người : Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang, hai người đồng sáng lập của Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiative for Vietnam - LIV). Nếu không gặp họ trong đời, tôi không nghĩ là mình sẽ có đủ tự tin để viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đặc biệt là viết như một nhà báo.
Năm 12 tuổi, tôi rời Việt Nam đến Mỹ. Đó là cái tuổi không đủ nhỏ để nghĩ rằng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của mình, cũng không đủ lớn để tự tin về khả năng viết tiếng Việt. Tuy nhiên, sau khi gặp Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang vào năm 2014, cuộc đời tôi thay đổi. Tôi tin tưởng vào mục tiêu của họ và quyết định đồng sáng lập LIV. Kể từ thời điểm đó, tôi bắt đầu thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, và pháp quyền ở Việt Nam thông qua báo chí. Trịnh Hữu Long có lẽ là người thầy đầu tiên của tôi trong nghề báo, nhưng Đoan Trang là nguồn cảm hứng để tôi quyết định chuyển hướng sự nghiệp từ luật sang báo chí.
Nhiều người hỏi tôi vì sao lại quyết định bỏ nghề luật sư để làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào Việt Nam. Có lẽ họ cho rằng bước chuyển sự nghiệp này không có lợi, và còn có thể là một bước lùi. Nhưng trong suốt những năm qua, những lời cuối cùng mà Đoan Trang nói với tôi trước khi cô rời Mỹ luôn đọng lại trong tôi : "Mỗi đất nước cần một thế hệ trẻ hy sinh cuộc sống của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho những người khác. Nếu thế hệ của tụi mình từ chối nhận trách nhiệm này cho Việt Nam, vậy ai khác sẽ làm ? Không lẽ bây giờ tụi mình lại ngồi đợi thế hệ tiếp theo hy sinh cho đất nước, còn mình thì chọn một cuộc đời dễ dàng hơn ?".
Đoan Trang quyết định nhận lãnh trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam, và cô rời Mỹ để về Việt Nam, dù biết rằng mình rồi sẽ phải vào tù. Vậy thì, với tôi, quyết định từ bỏ sự nghiệp của một luật sư tranh tụng để viết về nhân quyền và các vấn đề chính trị ở Việt Nam dường như dễ dàng hơn rất nhiều.
Cô ấy đã truyền cảm hứng cho tôi, và chúng tôi có cùng một mục tiêu : đưa vấn đề Việt Nam ra thế giới và khuyến khích nhiều người Việt Nam quan tâm đến nhân quyền và dân chủ hơn. Viết về những chuyện này không phải là tội, bất kể ở quốc gia nào, vì chúng tôi chỉ muốn nâng cao nhận thức của công chúng. Chúng tôi đã làm gì sai trái đến mức Phạm Đoan Trang bạn tôi phải chịu một năm biệt giam trong nhà tù Việt Nam ?
Chính quyền Việt Nam không thể biện minh cho vụ việc của Đoan Trang, cũng như tất cả những vụ án chính trị đã khiến cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến phải chịu đựng hàng thập niên trong tù. Tuy vậy, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các chính quyền ngoại quốc có thể lên tiếng lớn hơn nữa, và cụ thể hơn nữa về sự bất công này.
Làm báo không phải là tội; viết về chính trị và nhân quyền không phải là tội. Việt Nam đang tiếp tục tăng cường đàn áp tự do báo chí và tự do ngôn luận, cộng đồng quốc tế không thể cho phép việc này. Hãy lên tiếng cho những người đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù, như Phạm Đoan Trang. Đó là việc đúng nên làm.
Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 sau khi đã bị hàng loạt khủng bố, kể cả từng bị đánh gẫy chân. Từ một nhà báo viết cho hơn mười tờ báo chính tại Việt Nam, Đoan Trang trở thành một nhà hoạt động chống cường quyền. Năm 2014, cô được học bổng Feuchtwanger của Villa Aurora ở Los Angeles (dành riêng cho những nhà văn, nhà báo đấu tranh cho nhân quyền). Nhưng sau khi hoàn thành việc học, Đoan Trang đã từ chối ở lại Hoa Kỳ mà quyết định trở về Việt Nam dù biết con đường phía trước đầy dẫy hiểm nguy.
Tại sao cộng sản lại khiếp sợ cô gái này đến thế ?
Phạm Đoan Trang là tác giả/dịch giả của gần 10 cuốn sách và rất nhiều bài viết đấu tranh.
"Nếu tôi có đi tù..."
"Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi.
Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.
Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn".
Trên đây là trích đoạn lá tâm thư của Phạm Đoan Trang viết ngày 27/5/2019 – hơn một năm trước ngày cô bị bắt. Trang đã nhờ người cộng sự Will Nguyễn phổ biến trong trường hợp cô bị bắt.
Mời đọc "Nếu tôi có đi tù..." trên trang mạng báo Tiếng Dân.
Trong tâm thư, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh : "Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn".
Trong bài viết này, xin mời các bạn cùng điểm qua 6 cuốn sách tiêu biểu nhất của Trang như một cách ủng hộ tinh thần người con gái can đảm ấy.
1. Chính trị bình dân (2017)
Ngày 28/8/2009 – khi còn là phóng viên của VietNamNet và đã gây tiếng vang lớn với các bài viết sắc sảo về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng như các bình luận chính trị – Phạm Đoan Trang bị giam giữ chín ngày tại Trại Tạm Giam B14 (Hà Nội). Sự kiện đó là bước ngoặt khiến nhà báo "lề phải" Đoan Trang dấn thân vào con đường đấu tranh.
Viết trên Facebook về biến cố này, Đoan Trang cho biết :
"Trong những ngày ấy và những tháng rất đen tối sau đó, tôi sợ công an lắm. Nhưng trong đầu tôi cũng hình thành một câu hỏi : Tôi là nhà báo, nghĩa là tạm được gọi là có nghề nghiệp, học vấn, địa vị trong xã hội, mà còn bị công an đè bẹp như một con gián, để từ chỗ vô tội trở thành có tội, nhận tội như bổ củi. Vậy thì những người dân thấp cổ bé họng, khi giáp mặt cơ quan công quyền, họ còn bị chà đạp tới mức nào ? Ai bảo vệ họ ? Ai xót thương họ ? Ai cứu họ ?".
Và, "Chính trị bình dân" ra đời !
Sách trình bày những vấn đề như sau :
Chính trị là gì ? [Định nghĩa chính trị – Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta – Hoạt động chính trị – Vì các vị độc tài, chúng tôi mới phải đi vận động quốc tế cho nhân quyền – Mặt trái của biểu tình – Về môn học "Khoa học Chính trị"]
Chính quyền và Nhà nước [Định nghĩa chính quyền – Tính chính danh – Nhà nước]
Dân chủ [Định nghĩa dân chủ – Các hình thức đại diện – Bốn cột trụ của dân chủ – Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện – Lợi ích và mặt trái của dân chủ]
Các chủ nghĩa [Thế nào là một chủ nghĩa ? – Chủ nghĩa tự do – Chủ nghĩa bảo tồn – Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội – Một số chủ nghĩa khác – Nếu đàn ông có kinh nguyệt – Dân túy và mị dân – Tinh thần yêu nước – Yêu nước là gì ? – Ý thức hệ có cần thiết không ?]
Tương tác chính trị [Thay đổi xã hội – Làm truyền thông : công luận, truyền thông chính trị, và tuyên truyền – Công luận và việc làm chính sách – Tự do báo chí kiểu Việt Nam – Đảng và hệ thống đảng – Bầu cử – ABC về bầu cử quốc hội ở Việt Nam – Hội nghị cử tri, nét quái đản trong cơ chế bầu cử quốc hội – Tại sao đảng cố "lùa" dân đi bầu cử ? – Tổ chức và nhóm lợi ích – Khi có quá nhiều một thứ tốt đẹp – Cái gì quyết định sự phát triển của phe nhóm lợi ích ?]
Xã hội dân sự [Xây dựng không gian cho xã hội dân sự – Xã hội ảo... nhưng thật – Phong trào xã hội – Bộ máy nhà nước, Hiến pháp và pháp luật – Bản hiến pháp vang vọng tiếng dân – Lược sử cuộc sửa đổi hiến pháp Việt Nam – Lập pháp – 10 đầu việc của một đại biểu quốc hội – Cách đo chất lượng hoạt động của quốc hội – Hành pháp – Nhánh hành pháp ở Mỹ – Tư pháp – Tòa án độc lập – Chế độ đại nghị và chế độ tổng thống – Bộ máy hành chính]
Hệ thống chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [Quân đội và công an – Nghề công an trong chế độ dân chủ – Nguyên tắc "dân quản quân" và vấn đề tướng lĩnh nắm quyền cơ quan dân sự Việt Nam]
Phụ lục [Kỹ thuật tuyên truyền – Tài liệu tham khảo – Từ điển thuật ngữ]
Tải sách "Chính trị bình dân"dạng pdf từ trang Luật Khoa.
2. Phản kháng phi bạo lực (2019)
Nội dung sách trình bày những nguyên tắc căn bản và kinh nghiệm đấu tranh phi bạo lực dựa theo tác phẩm "Blueprint for Revolution" của tác giả Srdja Popovic. Đoan Trang mô tả ngắn gọn những nguyên tắc đấu tranh và đưa ra ứng dụng vào tình hình Việt Nam.
Cẩm nang "Phản kháng phi bạo lực" (110 trang) trình bày những vấn đề như sau :
Hiểu đối thủ – Làm tốt từng việc nhỏ "Tôi được gì trong chuyện này ?" – Tốt gỗ, tốt cả nước sơn – Vô hiệu hóa sự đàn áp – Đại chiến hành tinh khỉ : "Cùng nhau, khỉ sẽ mạnh" – Cần cả chiến lược lẫn chiến thuật – Phi bạo lực, phi bạo lực, phi bạo lực – Trí tuệ và lòng dũng cảm sẽ được tưởng thưởng – Nhà hoạt động hiệu quả – Chống nạn thu phí ở BOT Cai Lậy : mẫu mực về phản kháng dân sự phi bạo lực.
Tải sách "Phản kháng phi bạo lực"dạng pdf từ trang Luật Khoa.
3. Cẩm nang nuôi tù (2019)
Trong lời tựa, Đoan Trang viết :
"Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam dành cho những gia đình có người thân bị tù, đặc biệt khi người thân là tù nhân lương tâm, tù chính trị. Nó nêu rõ, cụ thể, chi tiết tất cả những gì gia đình phải làm để hỗ trợ và bảo vệ người thân trong trại giam/nhà tù, suốt từ những ngày đầu khi mới bị bắt, trải qua giai đoạn tạm giam chờ xét xử, rồi ra tòa và có án, cho đến những năm tháng thụ án".
"Cẩm nang nuôi tù" không chỉ được đúc kết ra từ kinh nghiệm tù tội của riêng Đoan Trang. Đây là bản tổng kết quá trình tác giả theo dõi hoạt động của công an và hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam qua nhiều vụ án chính trị và hình sự. Đoan Trang vạch trần các thủ đoạn công an thường sử dụng, gọi tắt là : trấn-phân-cô-kéo, nghĩa là trấn áp, phân hóa, cô lập và lôi kéo ; Một biến thể từ thủ đoạn thâm độc : "Thứ nhất rỉ tai - Thứ hai mã tấu".
"Cẩm nang nuôi tù" tuy chỉ dày 300 trang nhưng bao gồm nhiều vấn đề quan trọng sau :
1. Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này ? [Giải thích một số khái niệm căn bản]
2. Khi sự khủng khiếp bắt đầu : [Dỗ dành, đe dọa, sách nhiễu – Bắt bớ, khám xét : Những việc cần làm ngay – Làm gì khi nhận giấy mời, giấy triệu tập ? – Tại sao an ninh bắt một nhà hoạt động ? – Đối phó với "kiêu binh"]
3. Nhà nước cảnh sát : [Đặc điểm của nhà nước cảnh sát – Vài đặc điểm tâm lý của công an trong chế độ công an trị – Trấn-phân-cô-kéo : Chiến lược, sách lược chống phản động – Tính chất khủng bố của lực lượng an ninh bảo vệ Đảng]
4. Đấu tranh pháp lý : [Theo luật quốc tế – Theo luật Việt Nam – Nhà nước Việt Nam lách luật quốc tế như thế nào ? – Tìm kiếm luật sư – Tạm giam điều tra : sự tàn phá thể xác và hủy hoại lương tâm con người]
5. Làm truyền thông : ["Làm truyền thông" là làm gì ? – "Làm truyền thông cho người bị bắt" – Làm truyền thông như thế nào ? – Tuyên truyền phản tuyên truyền – Chống nạn dư luận viên – Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về làm truyền thông – Vượt qua nỗi sợ hãi – Công an cũng... làm truyền thông !]
6. Vận động : [Vận động là gì ? – Tại sao nên vận động cho tù nhân lương tâm ? – Vận động trong nước – Vận động quốc tế – Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về vận động quốc tế – Làm thế nào vận dụng cơ chế Liên Hiệp Quốc để bảo vệ nhân quyền ? – Những lá thư gửi người trong ngục]
7. Bảo mật : [Tại sao phải bảo mật ? – Cần bảo mật những gì ? – Tại sao lại bị lộ ? – Bảo mật vật lý – Bảo mật thiết bị – Quyền im lặng gây "phiền nhiễu" như thế nào ? – Chặn xuất cảnh]
8. Thăm nuôi : [Vẫn cần biết luật – Chuyện thăm gặp – Chuẩn bị đồ ăn và đồ dùng sinh hoạt – Đương đầu với những khó khăn do trại giam gây ra – Làm truyền thông về chuyện thăm nuôi – Cai ngục thời nay]
Tải sách "Cẩm nang nuôi tù"dạng pdf từ trang Luật Khoa.
4. Politics of a Police State (2019)
Nếu muốn trình bày về chính trị Việt Nam ngày nay cho người không biết tiếng Việt, bạn chỉ cần đưa cho họ cuốn cẩm nang mỏng này.
Gói gọn trong 150 trang, sách tóm tắt những điều chính yếu nhất từ hai cuốn sách "Chính trị bình dân" và "Cẩm nang nuôi tù".
* Volume I : Politics for the Common People
What is politics ? – The government and the state – Pro-government Mob Harasses Activists – Democracy – Ideologies – Political interaction – How a society changes from dictatorship to democracy – Public opinion, political communication, and propaganda – Further reading : Freedom of the Press, Vietnam style – Parties and party systems – Election – A Guide to the National Assembly Election – Political organizations and interest groups – Civil society – Cyber Civil Society... But It Is Real – Social movements – Timeline of the Tree-felling Projects and Tree-protecting Campaign in Hanoi – Machinery of government – The Constitution That Echoed All People’s Voices – A Chronology of the Constitutional Amendment in Vietnam – Crazy about "High Consensus".
* Volume II : A Handbook for Families of Prisoners
Why should you read this book ? – Basic law concepts you need to know – When the terror begins – Encountering the police – Further reading : Four Ways the Vietnamese Government Controls Religious Practitioners – Using the law to fight – The Danger That Is Article 258 : How Law Criminalizes Disagreement – Communication and mass media as your tool – If You Fail to Conduct Communication, the Police Will Do – Advocacy campaigning – Your personal and digital security – Basic supplies for prisoners – Conclusion – The story of an independent journalist under totalitarianism.
Tải sách "Politics of a Police State"dạng pdf từ trang the88project.org.
5. Tội ác phải bị trừng phạt (2019)
Nguyên tác "Fighting Impunity – A Guide on how civil society can use 'Magnitsky Acts' to sanction human rights violators". Phạm Đoan Trang cùng một số dịch giả trẻ chuyển ngữ với tựa đề : "Tội ác phải bị trừng phạt : Hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky để trừng phạt kẻ vi phạm nhân quyền".
Luật Magnitsky được dùng để trừng phạt các quan chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nhân quyền bằng cách cấm nhập cảnh và tịch thu tài sản của họ.
"Tội ác phải bị trừng phạt" – cuốn cẩm nang chỉ dày 50 trang này gói ghém nhiều kiến thức hữu ích như sau :
Phần I – Những khái niệm căn bản : [Luật Magnitsky là gì ? – Luật Magnitsky có những ảnh hưởng gì ? – Ai có quyền áp đặt các chế tài của Luật Magnitsky ? – Hướng dẫn từng bước : Quy trình thực hiện một hồ sơ Magnitsky]
Phần II – Quy trình : [Vụ của tôi có áp dụng Luật Magnitsky được không ? – Tôi phải nộp hồ sơ ở đâu ? – Trước khi nộp hồ sơ, cần xác định các đối tác – Thời hạn, thời hiệu – Bảo mật danh tính]
Phần III – Làm hồ sơ : [Danh mục các việc cần làm – Xác định đối tượng cần nhắm tới – Thông tin nhân thân – Lập hồ sơ vụ việc : thu thập bằng chứng – Các luận điểm về "lợi ích quốc gia" – Tình tiết bào chữa – Nộp hồ sơ]
Phần IV – Các kỹ thuật điều tra : [Tổng quát – Phương pháp lập hồ sơ – Tìm kiếm online – Một vài ví dụ]
Phần V : Vận động – phần tiếp sau công đoạn nộp hồ sơ : [Điều gì xảy ra sau khi bạn nộp hồ sơ ? – Vai trò của vận động trong các vụ kiện theo Luật Magnitsky – Làm thế nào kết nối và liên lạc với nhà nước một cách hiệu quả ? – Tiếp cận các tổ chức chuyên vận động – Thông tin bổ sung]
Phụ lục : [Thông tin cần biết về Luật Magnitsky ở Mỹ và Canada – Những câu hỏi thường gặp về Luật Magnitsky của Mỹ – Mẫu hồ sơ theo Luật Magnitsky của Mỹ]
Tải sách "Tội ác phải bị trừng phạt" dạng pdf từ trang safeguarddefenders.com.
6. Báo cáo Đồng Tâm
Nội dung của "Báo cáo Đồng Tâm" xoay quanh vụ công an tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đêm 8/01/2020, và các diễn biến kể từ đó cho tới hết phiên xét xử sơ thẩm (14/9/2020).
"Báo cáo Đồng Tâm" (ấn bản thứ ba) được hai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn công bố vào cuối tháng 9 năm 2020. Trong dịp này, Đoan Trang đã trả lời cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do (RFA), trình bày những động lực đưa tới việc cô cùng các thân hữu quyết tâm thực hiện và phổ biến bản Báo Cáo này.
"Chúng tôi hay nói đùa rằng "Nhà sản sợ văn bản", tức là, cái gì được ghi lại thì cộng sản ghét và sợ. Bởi vì, họ quen với mọi thứ bằng miệng, tin nhắn, lệnh miệng... để dễ chối tội sau này. Đặc biệt họ rất ghét những hành động sai trái, những tội ác của họ bị ghi chép lại. Dù chưa được công bố thì họ cũng vẫn ghét và sợ. [...] Chúng tôi muốn Báo cáo được viết một cách khoa học, tức là phải dựa vào sự thật, bằng chứng... nhưng phải được viết dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu. tức là, những người không hiểu biết gì về pháp luật, không cần biết gì về lịch sử tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm... Họ chỉ cần đọc Báo cáo này thì có thể hiểu toàn bộ vụ án" (Phạm Đoan Trang).
"Báo cáo Đồng Tâm – A Report on the Dong Tam village attack" bao gồm 11 Chương và 5 Phụ lục như sau :
1. Tóm tắt sự kiện (Event summary)
2. Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm (Brief Q&A regarding the Dong Tam attack)
3. Bối cảnh vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Background of the Dong Tam land dispute)
4. Các mốc thời gian trong vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Chronology of the Dong Tam land dispute)
5. Đối sách của chính quyền : thông tin bất nhất và đàn áp (Government response : inconsistent information and suppression)
6. Các điểm còn gây tranh cãi trong vụ tấn công (Points of contention around the Jan 9 attack)
7. Phiên tòa sơ thẩm (The preliminary September trial)
8. Bình luận và lời chứng về vụ tấn công Đồng Tâm và phiên xử sơ thẩm (Commentaries and testimonies on Dong Tam attack)
9. Các vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam (Legal violations of Vietnamese domestic laws)
10. Các vi phạm xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (Violations of international human rights standards)
11. Khuyến nghị (Recommendations) : (A) Dữ kiện và số liệu thực tế về vụ tấn công Đồng Tâm – (B) Bào chữa của luật sư – (C) Lê Đình Công trả lời luật sư trước tòa – (D) Bản câu hỏi của tạp chí Luật Khoa gửi Bộ trưởng Công An – (E) Những câu hỏi sau phiên tòa sơ thẩm.
Tải sách "Báo cáo Đồng Tâm" (song ngữ Anh Việt) dạng pdf từ trang phonhonews.com.
oOo
Trong tâm bút "Tôi đi tìm một cuốn sách để giúp mình nuôi hy vọng" trên trang mạng www.luatkhoa.org, tác giả Nguyên Sa có viết như sau :
"Ở Việt Nam bây giờ cũng tối. Trong mắt tôi, những động lực thay đổi chưa từng yếu như lúc này. [...] Chuyện có thêm ai đó bị bắt không nên khiến tôi tuyệt vọng, thay vào đó, tôi nên bắt đầu tìm hiểu về những việc họ làm trước khi bị bắt, và kể lại những thay đổi nhỏ mà họ đã góp phần tạo ra. Những ký ức đó sẽ giúp chúng ta không bị hiện tại tối tăm đánh lừa rằng mọi thứ lâu nay vẫn thế".
Chẳng lẽ sự tối tăm sẽ mãi phủ trùm đất nước hay sao ?
Phạm Đoan Trang bị bắt giữ trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 phủ trùm khắp toàn cầu. Người Việt truyền cho nhau những "bài thuốc" chữa bệnh với mong mỏi bạn bè thân thuộc sẽ tai qua nạn khỏi. Vậy, với "đại dịch cộng sản" đã hành hạ dân tộc ta suốt gần một thế kỷ thì sao ? Chúng ta có bài thuốc nào không ?
Phạm Đoan Trang đã dám sắn tay áo "kê toa, bốc thuốc" qua những cuốn sách của cô. Khó nói tác dụng sẽ được tới đâu, nhưng khi cộng sản phải bắt giam Phạm Đoan Trang chứng tỏ "thuốc" có tác dụng.
Phạm Đoan Trang bị bắt vào giữa khuya ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn sau khi đã bị hàng loạt khủng bố, kể cả từng bị đánh gẫy chân.
Trong lá tâm thư "Nếu tôi có đi tù...", Phạm Đoan Trang nhấn mạnh :
"Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.
(Nhưng) tôi nhận hành vi : Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn "Chính trị bình dân", "Cẩm nang nuôi tù", "Phản kháng phi bạo lực", cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật. Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội".
Nếu bạn đã đọc tới những dòng chữ này, xin chân thành cảm tạ. Và cũng mong bạn hãy chuyển bài viết tới người khác. Vì, khi nào còn "đại dịch cộng sản" thì không ai trong chúng ta có thể được sống bình an.
Trịnh Bình An
(Tháng 7/2021, khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam)
Hai tháng sau khi blogger Phạm Đoan Trang bị bắt, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), trụ sở tại Paris, hôm qua, 07/12/2020, đã khởi động chiến dịch #FreePhamDoanTrang, nhằm vận động cộng đồng người Việt đấu tranh cho nhà báo này và đòi trả tự do cho cô.
Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên các trang web thông tin Luật Khoa và TheVietnamese, đã bị bắt tại nhà ở Sài Gòn vào đêm 06 rạng sáng 07/10/2020. Bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", blogger này có nguy cơ lãnh án đến 20 năm tù. Trong bản kiến nghị, RSF đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo vốn đã được tổ chức này tặng giải thưởng tự do báo chí năm 2019.
Ông Daniel Bastard, phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố : "Với lòng can đảm và hào hiệp, Phạm Đoan Trang là một biểu tượng của cuộc đấu tranh vì thông tin khả tín và độc lập cho người Việt. Ký vào kiến nghị đòi trả tự do cho blogger này là tham gia ủng hộ tự do báo chí, trong một đất nước mà mọi phương tiện truyền thông đều bị cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản kiểm soát nghiêm ngặt, đồng thời chứng tỏ tình liên đới với xã hội dân sự Việt Nam đang hoạt động rất sôi nổi dù bị Nhà nước kiểm soát».
Trong một video của RSF, những người thân cận với Phạm Đoan Trang đang sống tại nhiều nước đã lên tiếng. Cô Nguyễn Ngọc Anh ở Pháp, một người bạn thời trung học, ủng hộ quyết tâm của Đoan Trang trong việc viết báo, xuất bản sách để phổ biến kiến thức cho nhiều người. Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập viên Luật Khoa tạp chí và TheVietnamese, đang ở Đài Loan, cho rằng Đoan Trang là một trong những nhà báo có nhiều tác động nhất, nằm trong số những nhà hoạt động can đảm và hiệu quả nhất.
Blogger Nguyễn Văn Đài, đang lưu vong tại Đức, nhận định Phạm Đoan Trang là một trí thức gắn bó với đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền và đánh động ý thức chính trị nơi người dân. Nhà hoạt động Trần Thị Nga, từng bị lãnh án 9 năm tù và hiện lưu vong tại Mỹ, cho biết Đoan Trang từng bị tấn công khiến đôi chân nay mang tật. Trần Thị Nga nhấn mạnh việc giam giữ blogger này là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Từ Berlin, ông Lê Trung Khoa, phụ trách trang ThoiBao.de, khẳng định Phạm Đoan Trang chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm.
Ông Daniel Bastard nhắc lại, từ nhiều năm qua Việt Nam vẫn nằm trong những nước nằm cuối danh sách tự do báo chí thế giới của RSF, và đứng thứ 175/180 nước trong bảng xếp hạng năm 2020.
Thụy My
VOA, 12/11/2020
Phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) mới nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang "gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam".
Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói thêm rằng quyền tự do ngôn luận là "điều sống còn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội cũng như sự thịnh vượng và phát triển toàn diện và bền vững".
Tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn "Phản kháng phi bạo lực" và "Cẩm nang nuôi tù", bị bắt hôm 6/10 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" và "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước".
"Quyền tự do ngôn luận ôn hòa được bảo vệ bởi Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát và các công ước quốc tế mà bản thân Việt Nam ký kết, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi kêu gọi chính quyền [Việt Nam] duy trì các cam kết đó", Phát ngôn viên Massrali nói.
"Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vốn là điều cũng quan trọng trong bối cảnh Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam đạt được gần đây".
Mới đây, hôm 5/11, Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.
Trước Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, một đối tác thương mại quan trọng khác của Việt Nam, đã bày tỏ "quan ngại" về vụ bắt ký giả tự do từng có thời gian học tập tại Mỹ.
Trên Twitter, ông Robert A. Destro, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, "kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc".
Hôm 15/10, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đăng bài viết với tựa đề "Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang", trong đó chỉ trích các tổ chức nhân quyền quốc tế, và tuyên bố rằng "hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’".
Cùng khoảng thời gian đó, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ Việt Nam bắt bà Trang, đồng thời kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ thúc đẩy việc phóng thích ký giả tự do này.
12 nhà lập pháp của Mỹ viết rằng "bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam" và rằng "bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện".
Trong chuyến thăm được coi là "bất ngờ" tới Việt Nam cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi với quan chức Việt Nam, trong đó có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Hiện chưa rõ nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ có lên tiếng về vụ bà Phạm Đoan Trang hay không
Trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ công bố thông tin về chuyến công du của ông Pompeo tới Hà Nội, VOA Việt Ngữ hôm 27/10 liên hệ với cơ quan chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để hỏi xem liệu phía Mỹ có nêu vụ bắt giữ bà Trang bên lề Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và Việt Nam phối hợp tổ chức, nhưng tới hôm 12/11 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
*********************
Đại sứ EU nêu vấn đề Phạm Đoan Trang bị bắt với Bộ Công an Việt Nam
VOA, 06/11/2020
Hôm 5/11, Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết ông và các đại sứ của khối này vừa nêu vấn đề nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt giữ với Bộ Công an Việt Nam trong nỗ lực nhằm kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.
"Quyền tự do bày tỏ và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng", Đại sứ Aliberti viết trên Twitter.
Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an hôm 4/11 loan tin rằng trong cuộc gặp với Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Công an, Đại sứ Aliberti có trao đổi, chia sẻ mối quan tâm về việc bà Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 07/10/2020 về tội "Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước".
Tin cho hay Đại sứ Giorgio Aliberti, cùng các Đại sứ khác bao gồm cả Đại sứ Anh và đại diện Nhóm Bảo vệ quyền tự do cho các nhà báo gồm liên minh 37 nước thành viên nêu quan điểm cho rằng bà Phạm Đoan Trang chỉ là người thực hiện "quyền tự do ngôn luận của mình".
ANTV dẫn lời Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định rằng những đánh giá của các nước về việc bắt giữ Phạm Đoan Trang "chưa phản ánh đúng khách quan về bản chất hành vi của đối tượng này".
Ông nói : "Tự do và các quyền con người cơ bản luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, ghi nhận và đảm bảo. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, quyền con người có thể bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này được ghi nhận trong luật pháp quốc tế và Hiến pháp 2013 của Việt Nam".
Ông Sơn nói rằng bà Phạm Đoan Trang thực chất đã "lợi dụng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận xâm phạm an ninh quốc gia được luật pháp Việt Nam bảo vệ, thuộc những trường hợp bị hạn chế quyền phù hợp với quy định của Luật Nhân quyền quốc tế".
Ông Cục trưởng khẳng định rằng việc bắt giữ bà Đoan Trang "là đúng pháp luật và được Viện Kiểm sát phê chuẩn".
Trước đó, vào ngày 9/10, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Tomas Petricek cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.
"Tôi đã rất lo lắng về việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, người đoạt giải thưởng Homo Homini của Séc năm 2017. Giải thưởng tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và các giải pháp hòa bình cho các xung đột chính trị", Ngoại trưởng Petricek viết trên Twitter.
Ông Petricek viết thêm : "Tôi yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô ấy và tôi kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam tôn trọng các cam kết luật pháp quốc tế".
***********************
RFA, 06/11/2020
Hôm 6/11/2020, Đại sứ phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam - ông Giorgio Aliberti cùng Đại sứ các nước khác có cuộc gặp với đại diện Bộ Công an để làm việc về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang đúng 1 tháng trước.
Nhà báo Phạm Đoan Trang - FB Phạm Đoan Trang/Ảnh minh họa
"Đặt vấn đề về việc giam giữ Phạm Đoan Trang với các đồng nghiệp là Đại sứ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và các nước cùng chí hướng tại Bộ Công an.
Quyền tự do ngôn luận và ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần được tôn trọng !" - Ông Đại sứ Giorgio Aliberti viết trên Twitter cá nhân.
Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Thụy Điển, Đức và Pháp sau đó cùng chia sẻ lại dòng tweet này của ông Giorgio Aliberti.
Phó Đại sứ Hà Lan tại Hà Nội - ông Christoph Prommersberger cũng chia sẻ thông tin từ Đại sứ Liên Âu và tấm ảnh hai bên đang làm việc về vụ bắt giữ cô Phạm Đoan Trang tại Bộ Công an Việt Nam.
Báo chí nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có thông tin gì về buổi gặp gỡ này.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang - một nhà hoạt động nhân quyền và một người viết sách nổi tiếng ở Việt Nam bị cơ quan an ninh Bộ Công an bắt giữ vào khuya ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 24 mới kết thúc cách đó vài giờ.
Hàng loạt các tổ chức nhân quyền, nhà xuất bản, báo chí quốc tế lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho cô Trang.
Ngoại trưởng Czech, Đặc ủy Nhân quyền Đức và Hoa Kỳ cũng lên tiếng mạnh mẽ về vụ bắt giữ này.
Ta là gì ? Ta cần thiết cho ai ?
(Nguyễn Duy)
Phiên tòa xử người dân Đồng Tâm cùng cái án tử hình, chung thân dành cho con cháu cụ Kình đã phủ xuống tâm trạng u ám cho tất cả chúng ta. Nhưng sự việc không dừng ở đó, công an đã bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng tác giả của ấn bản "Báo Cáo Đồng Tâm". Đây là một ấn phẩm song ngữ Anh-Việt nhằm công bố với dư luận quốc tế về tội ác của lãnh đạo cộng sản trong vụ án tranh chấp đất đai với người dân tại Đồng Tâm.
Phạm Đoan Trang và bà Bùi Thị Nối
Vụ án đã làm chấn động tâm tư người Việt Nam đến cùng cực. Nhìn những người được tòa án tha về khóc ai oán trước mộ cụ Kình hỏi ai không rơi lệ, hỏi tim ai không quặn thắt, hỏi ai không muốn ôm những con người vô tội ấy thật chặt vào lòng. Sự cô thế đến tội nghiệp của họ trước cái man rợ của bọn cường quyền làm lòng người ta tan nát. Nhiều người chỉ thốt lên được : "đau, đau, đau lắm…" đau đớn cho đất nước, đau cho người, đau cho chính mình, vừa đau vừa hổ thẹn trước sự lạc hậu, càn rỡ của luật pháp.
Nhưng lẽ ra chúng ta không nên đau nhiều như thế ! ? Để chấm dứt cái ác thì chỉ có hành động. Nhà báo Đoan Trang đã chọn thái độ ấy. Không phải tự nhiên mà các nhà nghiên cứu, các triết gia, các nhà sử học trên thế giới, những người chuyên nghiên cứu sâu về các chế độ độc tài như phát-xít và cộng sản đều gọi hai chế độ này là "quỷ dữ". Nhà sử học người Anh, Richard Overy thì gọi họ bằng cụm từ "nhà nước của sự khiếp hãi, nhà nước của khủng bố".
***
Thật vậy, ngay chính cụ Kình, ông Bùi Viết Hiếu, bà Bùi Thị Nối, những người bị lực lượng chức năng bắn thẳng vào ngực, cũng không thể nào hiểu được tại sao họ lại bị bắn ? Cả cuộc đời 29 người nông dân ấy cũng không thể nào hiểu được điều gì đã xảy ra cho mình ? tại sao họ lại trở thành những tội phạm giết người ?
Công lý ở các phiên tòa nước ta chỉ là trò hề không hơn không kém. Và trò hề đó được diễn đi diễn lại như diễu cợt thân phận con người. Điều cay đắng, chúng ta lại là một phần trong cái bi hài kịch ấy !
Không đâu trên thế giới này lại có những điều thật ấn tượng như các phiên tòa ở đây. Xin chia sẻ một trong những ấn tượng ấy là các phát biểu về những điều "không cần thiết" của các vị đại diện viện kiểm sát. Nhưng trước khi nói về những thứ "không cần thiết" đó, tôi muốn kể một chuyện hài. Bạn có thể cười vui, cười buồn, cười chua xót, hoặc cười ra nước mắt… Dù sao, nó cũng minh họa khá chính xác về cái càn rỡ của nghành tư pháp nước ta.
Có hai vợ chồng nhà kia đi nghỉ mát bên cạnh một bờ hồ. Trong lúc người chồng say ngủ, người vợ lấy chiếc thuyền bơi ra giữa hồ ngồi đọc sách. Một cảnh sát bơi thuyền đến bên bà và nói :
– Thưa bà, ở đây cấm câu cá, tôi phải bắt bà.
– Nhưng tôi đâu có câu cá.
– Tôi vẫn phải bắt bà, thưa bà, vì thuyền bà có chứa đầy đủ các dụng cụ để câu cá.
– Khoan đã, nếu thế tôi sẽ thưa với quan tòa là ông cưỡng hiếp tôi.
– Tôi đâu có, tôi chưa hề đụng vào người bà.
– Nhưng thưa ông, ông có đầy đủ các dụng cụ để thực hiện hành vi đó.
Những phiên tòa loại "đầy đủ dụng cụ" này đã gán ghép bao nhiêu công dân lương thiện vào những tội họ không có hành động cũng như hoàn toàn không có khả năng vi phạm. Thế nhưng họ vẫn bị ghép vào những tội danh kinh khủng như "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", "tàng trữ tài liệu, tuyên truyền chống phá nhà nước"… Khi ra trước tòa, họ cũng như 29 nông dân kia, những điều luật để bảo vệ họ đều bị vị thẩm phán chủ tọa khẳng định : "không cần thiết".
Xin đơn cử những điều "không cần thiết" trong phiên tòa được cho là với tội danh nghiêm trọng "giết người" của 29 nông dân xã Đồng Tâm :
– Hồ sơ vụ án có quá nhiều điểm mâu thuẫn, nhưng đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung của các luật sư là "hoàn toàn không cần thiết".
– Việc các Luật sư yêu cầu được gặp các bị cáo tại phiên tòa là "không cần thiết".
– Việc Luật sư yêu cầu sự có mặt của các nhân chứng quan trọng (cụ bà Dư thị Thành, viên công an bắn chết cụ Kình) là "không cần thiết".
– Việc các Luật sư yêu cầu thực nghiệm hiện trường để làm rõ cái chết của 3 công an là "không cần thiết".
– Việc Luật sư yêu cầu khởi tố vụ án giết người liên quan đến cái chết công dân Lê Đình Kình là "không cần thiết".
– …
Ngoài những điều bạch văn trên, còn có biết bao những điều không cần thiết khác mà người dân Đồng Tâm phải đối mặt : sự có mặt của thân nhân các bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết ; phiên tòa dự định diễn ra 10 ngày là không cần thiết, chỉ bốn ngày là nghị án được rồi ; phần bào chữa của các luật sư bị tước bỏ vì không cần thiết ; …
Tòa án là nơi diễn giải luật pháp và phán xét dựa trên luật pháp, thế nhưng ở phiên tòa Đồng Tâm, một vị thẩm phán đã liên tục ngắt lời các luật sư và nói thẳng với Luật sư Luân Lê rằng : "Ở đây không nói luật nữa, không giải thích luật" !
Suy cho cùng, tôi cho rằng vị thẩm phán đó rất thật lòng và ông có cái lý của ông. Giải thích luật ở các phiên tòa này là vô ích, ngay đến bản thân ông hay thân phận vị chánh án cũng vậy, cũng không cần thiết. Án bỏ túi, chỉ cần người vào vai chánh án, lôi ra đọc và gõ búa là xong ; chỉ tội cho những người chết oan trong cuộc và gia đình họ. Tôi chắc rằng đối với thân nhân của 3 sĩ quan, những huân chương chiến công hạng nhất đó, mới thực sự là không cần thiết !
Khi con người bất lực trước dối trá, khi sự dối trá đã lên đến đỉnh điểm người ta mới khao khát một lời nói thật, người ta mới thấy rằng sự thật là một báu vật. Sự Thật giúp người ta được sống với nhân phẩm, nó giữ người ta thoát khỏi sự hèn mọn. Nhìn thái độ của nông dân Bùi Thị Nối trước tòa, người ta nhớ đến hình ảnh khóc lóc, cầu xin của các tướng lĩnh, các quan chức cộng sản mà thấy tiếc cho họ. Dù ít học, người phụ nữ này đã làm sống lại giá trị của một con người. Có lẽ điều này mới chính là điều cần thiết nhất cho chúng ta trong lúc này, ở ngay tại phiên tòa này.
Trong khi hầu hết 28 người khác đã nhận tội, đã từ chối luật sư, bà Bùi Thị Nối đã chọn nói thật. Bà bước lên mọi dối trá, mọi thứ đồ giả chung quanh bằng nỗi khát khao từ đáy tim bà. Bà cầu xin mọi người Việt Nam, thế giới, các luật sư, các trí thức hãy tìm ra con đường sáng sủa nhất cho những con người cùng khổ trên đất nước này :
"Tôi có một vấn đề : Tôi là người dân Đồng Tâm, vì bát cơm manh áo mà tại thời đại hòa bình, bố tôi, ông Kình 58 tuổi Đảng, là người nông dân mẫu mực ; thời đại hòa bình mà để mất các chiến sĩ hy sinh ; chỉ vì một đêm thôi, tôi đã bị một viên đạn xuyên vào ngực. Những người nông dân không có đất, để kiếm bát cơm manh áo ; yêu cầu Đảng, Chính phủ, Thế giới này, giúp người dân lao động. Những Luật sư, nhà trí thức, cố gắng tìm ra con đường sáng sủa nhất cho người dân lao động, cho thế giới loài người, để sống cuộc sống thanh bình nhất, đẹp đẽ nhất"
***
Nghe câu nói đứt quãng của bà Bùi Thị Nối người ta hiểu vì sao Đoan Trang kiên trì đấu tranh, và vì sao chị viết "Báo Cáo Đồng Tâm". Cả hai người phụ nữ cùng bị bắt giam, cùng đối mặt với tù đầy, nhưng cả hai cùng đánh cược những rủi ro của mình vì người khác. Tôi nghĩ đến 90 triệu con người đang lầm lũi sống giữa thiên tai và nhân tai. Gần 200 ngàn căn hộ đã chìm sâu trong nước, hơn 100 sinh mạng con người dập vùi trong lũ hết năm này sang năm khác mà vẫn không ai hỏi tại sao ?!
Trong những ngày mưa bão trắng miền Trung, tôi nghĩ về hai người phụ nữ ấy. Cả hai cùng bé nhỏ, cô thế, yếu đuối, nhưng họ thật lớn lao và cần thiết. Đọc tâm thư "nếu tôi có đi tù" của Đoan Trang tôi nghĩ đến người phụ nữ thương tật ấy và những hy sinh âm thầm của chị mà xúc động. Tôi tự hỏi chính mình, và nghe trong mưa gió, trên những mái nhà ngập nước, câu hỏi như đang truyền đi trong gió bão : "Chúng Ta là gì ? Ta cần thiết cho ai ?"
Nguyệt Quỳnh
Nguồn : VNTB, 27/10/2020
Bắt Đoan Trang chỉ chứng tỏ chế độ cộng sản đã yếu đến độ sợ cả một phụ nữ cô đơn chân yếu tay mềm, nó chỉ quẹt thêm một vết nhơ lên khuôn mặt vốn đã rất xấu xí của chế độ cộng sản.
Phạm Đoan Trang phải tỵ nạn vào Sài Gòn không phải vì lý do chính trị hay để sống ngoài vòng pháp luật mà để khỏi bị đánh sau khi đã nhiều lần bị công an Hà Nội, rồi bọn côn đồ do công an Hà Nội điều khiển, đánh nhiều lần khiến có thời gian phải chống nạng.
"Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội phối hợp với một số đơn bị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh…". Đó là câu đầu của thông báo đăng trên báo điện tử của Bộ Công an và được nhiều báo đăng lại. Chuyện gì quan trọng đến thế ?
Đó chỉ là để bắt một phụ nữ đơn độc và yếu đuối, đi đứng khó khăn, không nơi nương tựa đang phải sống trong một phòng trọ tại Sài Gòn. Cô phải tỵ nạn vào Sài Gòn không phải vì lý do chính trị hay để sống ngoài vòng pháp luật mà để khỏi bị đánh sau khi đã nhiều lần bị công an Hà Nội, rồi bọn côn đồ do công an Hà Nội điều khiển, đánh nhiều lần khiến có thời gian phải chống nạng. Cô sống lây lất ở nhà các bạn. Gần đây khi không còn ai có thể chứa chấp cô phải thuê một phòng trọ. Muốn bắt cô chỉ cần một công an phường đem lệnh bắt tới dẫn đi là đủ.
Phạm Thị Đoan Trang năm nay 42 tuổi. Thời gian qua thật nhanh. Tôi vẫn có cảm tưởng Đoan Trang là một cô bé. Tôi biết Đoan Trang lần đầu trên mạng FaceBook cách đây gần mười năm. Tôi đánh giá cao những "còm" (comment, bình luận) của Đoan Trang. Chúng chứng tỏ một con người thông minh, hiểu biết nhiều và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Chúng cũng khiến tôi coi Đoan Trang như một cô gái trẻ. Rồi vài năm sau, mùa hè 2014, tôi tình cờ gặp Đoan Trang tại Genève khi đến để theo dõi cuộc kiểm tra định kỳ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong đó chính quyền cộng sản Việt Nam bị chất vấn. Chỉ mới nhìn đã nhận ra ngay Đoan Trang là một phụ nữ mệt mỏi vì phải phấn đấu chật vật với một cuộc sống khó khăn. Tầm vóc rất nhỏ, nước da ngăm ngăm, gương mặt đăm chiêu của một người có tâm sự băn khoăn. Một người phụ nữ không thể là một đe dọa cho bất cứ ai, chưa nói một tổ chức hay một chính quyền. Một vài ngày tiếp xúc và trò chuyện xác nhận cảm tưởng ban đầu.
Đặc tính đậm nhất của Đoan Trang là sự thông minh, kho kiến thức phong phú hơn hẳn đa số thanh niên cùng tuổi và nhất là khả năng diễn đạt. Cô tốt nghiệp đại học ngoại thương, một trong những đại học sáng giá nhất Việt Nam, rồi trở thành một nhà báo ở tuổi mới ngoài hai mươi, làm việc cho các báo Vietnamnet, VnExpress, Pháp Luật. Năm 2009 cô bị loại khỏi làng báo chính thống vì có thái độ và những bài viết ngoài khuôn phép. Từ đó hoạt động chính của Đoan Trang là những bài viết và những còm trên mạng xã hội. Đồng thời cô cũng viết sách. Và ngày càng được dư luận biết đến vì những gì cô đã viết và một phần do chính những vụ bạo hành mà cô là nạn nhân.
Đoan Trang bị "bắt giam khẩn cấp" vì tội "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999 và tội "làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, phẩm vật nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự 2015.
Bộ luật hình sự 2015 thay thế Bộ luật hình sự 1999, điều 117 thay thế điều 88. Như vậy có nghĩa là Đoan Trang bị truy tố vì cả những điều cô đã làm trước năm 2015. Sao bây giờ mới nêu ra, và nếu như thế thì có gì là khẩn cấp?
Thế nào là "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Thế nào là những "thông tin, phẩm vật nhằm chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" ? Chống lại nhà nước, hay bất cứ ai, bằng bạo lực hay bằng hành động cụ thể gây thiệt hại thì đúng là một tội, nhưng còn phát biểu ý kiến, phê phán những điều mình thấy là sai chỉ là quyền tự do ngôn luận. Đàng nào thì vấn đề "tuyên truyền" cũng chỉ đặt ra trong khuôn khổ một tổ chức, người ta tuyên truyền để cổ võ cho một tổ chức hay cho một lập trường và một cách gián tiếp cho tổ chức đề xướng lập trường đó. Đoan Trang không thuộc một tổ chức chính trị nào cả vậy vấn đề tuyên truyền không đặt ra với cô. Tuyên truyền cho tổ chức nào và để làm gì ? Những phê phán đối với chính quyền chỉ là sử dụng quyền tự do ngôn luận để nói lên những điều mình nghĩ.
Và tại sao lại "nhà nước xã hội chủ nghĩa" ? Cụm từ "chủ nghĩa xã hội" là một cụm từ mơ hồ vì có thể có rất nhiều nghĩa, nhưng ít ra đối với các chế độ cộng sản nó có một nghĩa rõ rệt, đó là chặng đường chuyên chính đảng trị trong tiến trình đi tới chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ biểu quyết chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và chặng đường xã hội chủ nghĩa của nó cả. Nó đã được áp đặt bằng bạo lực lên dân tộc Việt Nam. Ngày nay nó đã bị thế giới văn minh nhận diện như một ảo tưởng và một tội ác, ngay cả các đảng viên cộng sản, kể cả những người trong ban tuyên giáo và hội đồng lý luận trung ương cũng đều biết vậy, chỉ chưa dám nói thẳng ra thôi. Như vậy lên tiếng chống lại chủ nghĩa cộng sản và cái chặng đường xã hội chủ nghĩa của nó không chỉ là một quyền mà còn là một bổn phận của mọi người Việt Nam yêu nước.
Những điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 và 117 của Bộ luật hình sự 2015 vừa mơ hồ vừa tùy tiện chỉ được làm ra để có thể bách hại tất cả những ai mà nhà nước cộng sản muốn bách hại, và trong thực tế hàng ngàn cuộc đời đã bị gẫy đổ dưới tay của chính quyền bạo ngược này nhân danh những "điều luật" nhảm nhí này.
Đã có luật gia nào của chế độ này đặt câu hỏi luật là gì không ? Đó là cố gắng để quy định lẽ phải, nghĩa là những gì phải được tôn trọng vì đúng, trong sinh hoạt xã hội. Cách đây 25 thế kỷ nhà triết lớn Plato đã khẳng định luật phải đúng, luật không đúng không phải là luật. Luật hình sự của chế độ này không phải là luật mà chỉ là một dụng cụ thống trị. Người ta thường nói các chế độ cộng sản vừa đá bóng vừa thổi còi. Không đúng, vì trong chế độ này không có đá bóng. Đội bóng Việt Nam bị trói chân một chỗ để đội bóng cộng sản mặc sức đem bóng thẩy vào khung thành.
Nhưng đàng nào thì vấn đề luật pháp, ngay cả luật pháp tùy tiện của chế độ cộng sản, cũng không hề đặt ra với Đoan Trang. Cô chỉ đã viết một số bài báo mà ít ai còn nhớ nội dung. Cô cũng có viết một vài cuốn sách như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực, Cách Làm Kách Mạng, Hồ Sơ Đồng Tâm. Tùy mỗi người đánh giá các tác phẩm của Đoan Trang nhưng điều mà mọi người đều phải đồng ý là những bài và sách này tuyệt đối không kêu gọi và cũng không có ý định kêu gọi chống lại nhà nước cộng sản Việt Nam. Chúng chỉ chứa đựng những kiến thức cụ thể mà Đoan Trang nghĩ rằng những người quan tâm tới đất nước nên biết và cũng chỉ nêu quan điểm cá nhân của cô trên một số vấn đề xã hội.
Đoan Trang không hề tham gia một tổ chức chính trị nào và cũng không hề có một hoạt động chính trị nào. Cô cũng không có ngay cả ý kiến về việc thiết lập một chế độ khác thay thế cho chế độ này. Những bài và sách của Đoan Trang, kể cả cuốn Chính Trị Bình Dân, không hề chuyên chở một tư tưởng chính trị hay một dự án chính trị nào ngoài những kiến thức phổ thông mà cô thấy là có ích. Hoạt động của Đoan Trang chỉ giới hạn trong một vài nhóm xã hội dân sự nhỏ bây giờ hầu hết đã ngừng hoạt động. Hoàn toàn không có lý do nào để truy tố Đoan Trang. Cũng hoàn toàn không có nhu cầu vô hiệu hóa Đoan Trang để bảo vệ chế độ.
Sau khi Đoan Trang bị bắt, tôi đã đọc một số bài về cô trên báo nhà nước. Cảm nhận rõ ràng là các tác giả đều đã chỉ viết vì bị buộc phải viết chứ không muốn viết. Họ viết loanh quanh, thuật lại một số chi tiết về cô nhưng không hề cáo buộc gì cả. Không những thế họ còn viết để người đọc hiểu Đoan Trang là một nhà báo giỏi. Họ chỉ nói Đoan Trang đã lầm và làm lỡ dở một sự nghiệp làm báo đáng lẽ đầy hứa hẹn. Nhưng ngay cả nếu lầm như thế thì có gì là tội ? Người ta bách hại Đoan Trang chỉ vì chế độ đã quá chao đảo đến độ sợ cả những gì không cần sợ và cũng có lẽ vì người ta đã hành hạ và đả thương cô nên nghĩ rằng Đoan Trang chỉ có thể thù hận mình. Người ta phạm tội ác chỉ vì đã lỡ phạm tội ác.
Bắt Đoan Trang không làm cho chế độ bớt đi một mối nguy vì Đoan Trang không hề là một mối nguy, trái lại nó còn gây thiệt hại lớn cho chế độ bởi vì do cố gắng thông minh của mình Đoan Trang đã tranh thủ được sự chú ý của các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận lớn trên thế giới. Sự yếu đau và đơn độc của Đoan Trang càng khiến họ thấy chính quyền dã man một cách vô lý và phản đối mạnh hơn. Bắt Đoan Trang chỉ chứng tỏ chế độ cộng sản đã yếu đến độ sợ cả một phụ nữ cô đơn chân yếu tay mềm, nó chỉ quẹt thêm một vết nhơ lên khuôn mặt vốn đã rất xấu xí của chế độ cộng sản. Chế độ này đã mất trí.
Sắp tới có thể dự đoán trước là Đoan Trang sẽ bị đưa ra tòa. Viện Kiểm sát nhân dân sẽ xác nhận những cáo buộc của công an theo đó có đầy đủ bằng chứng là Đoan Trang đã vi phạm luật pháp vì họ chỉ là một chi nhánh của công an. Các thẩm phán vô liêm sỉ sẽ đọc những bản án đã được quyết định trước vì họ không phải là những thẩm phán. Và Đoan Trang, người phụ nữ vô tội, yếu bệnh và đáng thương, sẽ bị tuyên án từ 2 đến 5 năm tù. Đó chỉ là thêm một tội ác sau vô số tội ác của Đảng cộng sản.
Tội ác nào cũng đáng ghét, nhưng nó càng đáng ghét hơn khi đi kèm với sự ngu xuẩn.
Nguyễn Gia Kiểng
(16/10/2020)