Ba trường phái chống Trung Quốc tại Nhà Trắng
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/08/2019, chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd không ngần ngại cho rằng Mỹ hiện nay không có chiến lược chống Trung Quốc. Lý do là vì ở ngay tại Nhà Trắng, đang tồn tại ba trường phái với những mục tiêu khác nhau về tính chất dứt khoát.
Quốc kỳ Trung Quốc và Mỹ. Ảnh minh họa, chụp ngày 10/05/2019. Reuters/Aly Song
Đề tài Trung Quốc tràn ngập tờ báo Le Monde ngày 12/08/2019, cho dù chỉ được gợi lên một phần trên trang nhất với một hai hàng tựa nhỏ, một về chính trị : "Trung Quốc chơi trò gì ở Hồng Kông ?", nêu bật ý kiến của một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, cho rằng một cuộc can thiệp bằng quân đội hay công an của Bắc Kinh vào Hồng Kông có rất ít khả năng xảy ra, và một về kinh tế, nói về "Tình thế nhức đầu của các hãng xe hơi nước ngoài tại Trung Quốc".
Bài viết chính ở trang Quốc tế tờ Le Monde lấy tựa từ một nhận định của ông Kevin Rudd, theo đó : "Về Trung Quốc, người Mỹ không có chiến lược". Trả lời phỏng vấn của nhật báo Pháp, cựu thủ tướng Úc, hiện là chủ tịch của Viện Chính Sách Châu Á (Asia Policy Institute), một trung tâm tham vấn về quan hệ giữa Mỹ và Châu Á, trụ sở tại New York, đã không tránh khỏi lo ngại về tình trạng bất đồng ý kiến ngay trong Nhà Trắng hiện nay về đối sách chống Trung Quốc.
Theo ông Rudd, Mỹ hiện nay không có một chiến lược chung về Trung Quốc, vì trong nội bộ chính quyền Mỹ có đến ba khuynh hướng cạnh tranh nhau về mục tiêu cần đạt được sau khi khỏi động cuộc chiến thương mại đánh vào Trung Quốc.
Trường phái "chỉ cần Trung Quốc cải thiện"
Khuynh hướng thứ nhất chủ trương đánh và thắng Trung Quốc về thương mại, buộc được Trung Quốc phải thay đổi cách làm kinh tế.
Những điều mà Washington muốn Bắc Kinh thay đổi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, hủy bỏ chế độ trợ cấp nhà nước cho các công ty Trung Quốc. Đây là quan điểm của bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Larry Kudlow.
Theo những người thuộc xu hướng này, một khi Trung Quốc ký vào thỏa thuận các vấn đề nêu trên, Hoa Kỳ sẽ ngừng chiến, sẽ không có chiến tranh công nghệ hay tài chính.
Đây là một kiểu chính sách đối ngoại hòa hoãn và duy trì hiện trạng quân sự.
Trường phái "containment"
Bên cạnh khuynh hướng đó, theo ông Kevin Rudd, còn có một trường phái thứ hai, mà đại biểu là cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro. Phái này đề ra mục tiêu ngăn chặn, không cho Trung Quốc tiếp tục vươn lên.
Để đạt mục tiêu này, cần phải tách rời các nền kinh tế, mà một trong những diễn biến sẽ là chuyển từ cuộc chiến thương mại hiện thời sang một cuộc chiến tài chính.
Trong giả thuyết đó, Hoa Kỳ sẽ tìm cách tách rời Trung Quốc không chỉ ra khỏi thị trường Mỹ, mà còn ra khỏi các đồng minh của Mỹ, và ra khỏi các thị trường khác trên thế giới, và càng nhiều càng tốt.
Công việc đầu tiên có thể được làm trong chính sách này là hạn chế việc cho các công ty Trung Quốc niêm yết giá trên các thị trường tài chính của Hoa Kỳ và đồng minh, hạn chế các khoản tín dụng mà các ngân hàng Mỹ và đồng minh cung cấp. Sau cùng, Hoa Kỳ có thể sử dụng đến vũ khí đô la.
Theo cựu thủ tướng Úc, điểm tột cùng của chính sách này là ban hành các biện pháp cấm vận như đang áp dụng đối với Iran. Ông Rudd cho là Bắc Kinh có lẽ cũng đã nghĩ đến nguy cơ Mỹ dùng đô la làm vũ khí, và đã bắt đầu thực hiện các mô phỏng tài chính, dựa trên những gì mà Mỹ đang áp dụng đối với Venezuela và Iran.
Theo trường phái thứ hai này, điểm tột cùng của chính sách đối phó với Trung Quốc này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh, với quan hệ Mỹ-Trung giống như quan hệ Mỹ-Xô trước đây, theo một chiến lược gọi nôm na là be bờ để ngăn chặn, tiếng Mỹ gọi là "containment".
Trường phái "đối đầu trực tiếp"
Còn khuynh hướng thứ ba là một chủ trương cực kỳ dứt khoát, không nhất thiết phải kết thúc trong chiến tranh, nhưng bao hàm một sự đối đầu trực tiếp về chính sách đối ngoại, có thể dẫn tới xung đột.
Theo chuyên gia Rudd, những người thuộc trường phái thứ ba này cũng hiện diện trong chính quyền của tổng thống Trump, cho dù chỉ ở bên lề. Đó là các nhân vật như Stephen Miller, cố vấn đặc biệt của tổng thống, hoặc những người thân cận của phó tổng thống Mike Pence.
Chính sách cứng rắn này bao hàm việc tung sức đẩy lùi sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, kiên quyết chống lại bất kỳ yêu sách lãnh thổ tương lai nào của Trung Quốc ở Biển Đông, chống lại mô hình hoạt động hải quân hiện nay của Trung Quốc và tăng cường các quy tắc tham chiến của tàu Mỹ khi bị Trung Quốc ngăn chặn.
Chính sách đối phó cứng rắn này cũng có nghĩa là đối đầu trực tiếp với sáng kiến công nghệ năm 2025 của Trung Quốc, nghiêm cấm sự tham gia của các công ty Mỹ và đồng minh vào bất kỳ dự án phát triển công nghệ nào của Trung Quốc, đặc biệt là những dự án có thể được dùng trong lãnh vực quân sự.
Đối với chuyên gia Rudd, nếu chính sách này được áp dụng, người ta sẽ thấy Mỹ tấn công mạnh vào các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh để làm mất uy tín của nhà nước Trung Quốc.
Hồng Kông : Rất ít khả năng Bắc Kinh dùng quân đội hay công an
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, nhà quan sát kỳ cựu về Trung Quốc Kevin Rudd đã giải thích lý do vì sao ông không tin là Bắc Kinh sẽ cho quân đội hay cảnh sát can thiệp vào Hồng Kông để dẹp phong trào biểu tình chống chính quyền.
Theo ông Rudd, căn cứ vào tình hình hiện nay, sức kháng cự của người Hồng Kông sẽ rất quyết liệt và sẽ khiến cho danh tiếng của Trung Quốc bị tổn hại nặng nề hơn rất nhiều so với lợi lộc mà họ có thể thu được. Trong các cấp ưu tiên của Bắc Kinh, Hồng Kông là một phần trong ưu tiên thứ hai là đoàn kết dân tộc, và sự can thiệp sẽ làm tổn hại tính hợp pháp của đảng, vốn là ưu tiên hàng đầu và sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế - ưu tiên thứ ba.
Theo cựu thủ tướng Úc, không nên so sánh Hồng Kông hiện nay, với Thiên An Môn trước đây. Thiên An Môn là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc, còn Hồng Kông là một thế giới hoàn toàn khác, không phải là Thượng Hải, Đông Cảng hay Vũ Hán.
Một số người lo sợ rằng tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông có thể lan rộng, nhưng những người ở Đại Lục, kể cả những người bất đồng chính kiến, đều biết một hành động tương tự ở Trung Quốc sẽ không có hiệu quả.
Hơn nữa, một sự can thiệp võ trang vào Hồng Kông sẽ phá hủy mọi hy vọng thống nhất hòa bình với Đài Loan, vì lẽ điều đó sẽ khai tử hoàn toàn nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống".
Riêng về tình hình Hồng Kông, Le Monde đăc biệt lưu tâm đến vụ Bắc Kinh đánh vào Cathay Pacific, hãng hàng không biểu tượng của Hồng Kông.
Đối với Le Monde, rõ ràng là qua Cathay Pacific, Bắc Kinh muốn gởi thông điệp đe dọa đến tất cả các doanh nghiệp Hồng Kông, cảnh cáo các công ty này về những nguy cơ mà họ sẽ gặp phải nếu để cho nhân viên của họ tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Pháp : Cuộc "nổi dậy" trong bệnh viện
Le Monde dành tựa chính cho cuộc đình công đang diễn ra tại Pháp của nhân viên các cơ sở cấp cứu tại các bệnh viện, được tờ báo mệnh danh là "cuộc nổi dậy của những bàn tay nhỏ trong bệnh viện".
Tờ báo Pháp ghi nhận là phong trào đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc của các nhân viên cấp cứu không ngừng lan rộng. Trên tổng số 640 bệnh viện trên cả nước, hơn một phần ba hiện đang bị phong trào đình công ảnh hưởng.
Đi đầu trong phong trào này là giới y tá, các nhân viên khiêng cáng cứu thương, những y công trợ giúp việc chăm sóc bệnh nhân. Đa số những người này không tham gia các công đoàn, và phải chịu những điều kiện làm việc bấp bênh.
Le Monde đã đặc biệt đến tìm hiểu tình hình tại khoa cấp cứu bệnh viện Lisieux, nơi đã phải đón 33.000 bệnh nhân cấp cứu vào năm ngoái 2018, trong khi công suất chỉ là 15.000 bệnh nhân mỗi năm.
Trang nhất các báo
Trang nhất các tờ báo khác cũng rất đa dạng, hiểu theo nghĩa là không trùng với nhau
Thời sự quốc tế nóng bỏng được Libération chú ý là nghi án tự tử của nhà tỷ phú Mỹ Jeffrey Epstein, với hàng tựa đập vào mắt trang nhất : "Nước Mỹ đối mặt với con ác quỷ của mình".
Đối với tờ báo Pháp, cái chết bất ngờ, trong những điều kiện lạ lùng, của doanh nhân bị buộc vào các tội danh khai thác tình dục trẻ vị thành niên đã làm dấy lên những tin đồn về nguyên nhân tử vong của một người có dính líu đến nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
La Croix thì chú ý đến thời sự Châu Âu, với sự kiện phe cực hữu Ý của bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini phá vỡ liên minh cầm quyền tại Roma với mưu đồ độc quyền lãnh đạo. Nhật báo công giáo nêu bật sự kiện ở trang nhất, với tít lớn : "Nước Ý trong tâm trạng hoài nghi".
Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã dành tựa lớn cho lãnh vực chuyên biệt của mình, và đặc biệt chú ý đến tập đoàn Mỹ Amazon và ông chủ Jeff Bezos với hàng tựa lớn trang nhất : "Amazon : Quản trị theo cung cách của Jeff Bezos".
Tờ báo giới thiệu bài đầu tiên trong loạt phóng sự điều tra về "đế chế Amazon", nêu bật các kinh nghiệm chống tệ nạn quan liêu của người sáng lập ra tập đoàn bán hàng trên mạng số một của hành tinh.
Riêng Le Figaro chú ý đến một vấn đề xã hội đang nổi côm tại Pháp : làm sao giải quyết số lượng ngày càng đông của trẻ vị thành niên nước ngoài có mặt trên đất Pháp mà không có người bảo hộ hợp pháp. Tờ báo chạy tựa : "Thiếu niên ngoại quốc : Các đại biểu dân cử địa phương rung chuông báo động".
Trọng Nghĩa
Giáo hội Công giáo Hồng Kông ở nơi đầu sóng ngọn gió
Con người đã vắt kiệt sức của Trái Đất, cuộc sống của thổ dân vùng Amazon đang bị đe dọa, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ngóc đầu dậy ở Iraq và Syria, khai mạc giải vô địch bóng đá Pháp : các chủ đề trên trang nhất báo Paris hôm nay khá đa dạng. Ở trang trong, tình hình Hồng Kông tiếp tục được quan tâm, bên cạnh đó là một dịp kỷ niệm không được làm rình rang : ông Putin đã trị vì nước Nga được đúng 20 năm.
Một linh mục bình thản đương đầu với cảnh sát chống bạo động, trong một cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Kennedy Town (Kiên Ni), Hồng Kông ngày 04/08/2019. Reuters/Eloisa Lopez
Khi người biểu tình hát Hallelujah
"Tại Hồng Kông, giáo hội Công giáo ở trung tâm phong trào phản kháng", đó là nhận định của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh.
Trong số những ngạc nhiên của các cuộc biểu tình đòi dân chủ, có sự xuất hiện của bài thánh ca "Sing Hallelujah to the Lord" (Hãy hát lời Hallelujah với Đức Chúa trời). Một mục sư trẻ muốn tương đối hóa vấn đề, nói rằng "đa số người hát không quan tâm đến lời ca, họ chỉ thích giai điệu. Người biểu tình rất căng thẳng, lời ca tiếng hát giúp họ trở nên nhẹ nhõm hơn".
Thật ra suốt từ khi khởi đầu phong trào cho đến nay, có sự hiện diện cùng khắp của các địa điểm cầu nguyện, các nhà nguyện dã chiến ở gần những điểm nóng. Giám mục phụ tá giáo phận Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành (Joseph Ha) còn tích cực tham gia các buổi lễ được tổ chức ở đối diện với Nghị Viện.
Nhiều người biểu tình mặc áo thun có in chữ lớn "Jesus" (Giêsu). Trong những cuộc đụng độ các tuần lễ gần đây, những nhóm tín đồ trẻ tuổi đã nhắm mắt, nắm lấy tay nhau, đối diện với cảnh sát cơ động vũ trang đến tận răng. Có lần bị một cảnh sát giễu cợt, họ đã nộp đơn kiện, và sau đó mang các biểu ngữ cảnh báo "Nếu các ông dùng đến dùi cui, chúng tôi sẽ lại hát Hallelujah !".
Các tổ chức Kitô giáo còn hỗ trợ về mặt tinh thần cho người biểu tình, nhất là sau bốn vụ tự tử, được ngành y tế coi là "bệnh dịch trầm cảm". Niềm tin tôn giáo mang lại sức mạnh trong tâm trí cho những người đang tuyệt vọng, tránh chuyển sang oán thù.
Thiên Chúa giáo và dân chủ
Trên con đường đấu tranh cho dân chủ, thế hệ trẻ chừng như gắn bó với giá trị Kitô giáo. Với trên 2.500 tân tòng trong năm 2018, giáo phận Công giáo Hồng Kông bé nhỏ đã vượt qua con số của toàn nước Pháp 67 triệu người. Lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), theo đạo Tin Lành, không hề giấu giếm rằng đức tin là động cơ cho các hoạt động chính trị của mình.
Ngược với Hoa lục, nơi việc hành đạo bị kiểm soát chặt chẽ, Hồng Kông bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến pháp. Chỉ có khoảng 5% người Hồng Kông theo Công giáo, số tín đồ Tin Lành cũng có tỉ lệ tương đương, còn Phật giáo và Lão giáo đông gấp bốn. Mạng lưới các trường Công giáo gồm khoảng 250 trường, trong đó có những trường rất uy tín, đã tác động vào xã hội Hồng Kông. Các trường của Dòng Tên, danh tiếng nhất là trường Hoa Nhân (Wah Yan) đã đào tạo ra rất nhiều nhà quản lý, còn các trường Tin Lành đào tạo các nhân viên xã hội.
Nhiều khuôn mặt lãnh đạo Công giáo và Tin Lành ở Hồng Kông lâu nay tích cực đấu tranh cho dân chủ, vì họ biết rõ số phận của các tín đồ tại Hoa lục. Có thể kể : Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 87 tuổi, nổi tiếng chống cộng ; mục sư Chu Diệu Minh (Chu Yiu Ming), 75 tuổi, bị kết án 16 tháng tù và hai năm quản chế hồi tháng Tư vì ủng hộ phong trào "Cách mạng Dù".
Phong trào đấu tranh nổ ra vào một thời điểm nhạy cảm cho giáo hội Công giáo Hồng Kông, vốn không có giám mục kể từ tháng Giêng. Việc giám mục phụ tá Giuse Hạ Chí Thành đứng về phía những người biểu tình có thể khiến Trung Quốc gây sức ép với Tòa Thánh, không chịu cho ông lên phụ trách giáo phận Hồng Kông. Như vậy Hồng Kông còn là "chiến trường" tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Vatican.
Quan chức Bắc Kinh chính thức coi là "Cách mạng màu"
Đặc phái viên Frédéric Lemaître của Le Monde cho biết "Bắc Kinh đánh giá phong trào dân chủ ở Hồng Kông là ‘Cách mạng màu’".
Cho đến nay, chỉ có báo chí loại cực đoan của Trung Quốc mới gọi phong trào phản kháng đang làm rung chuyển Hồng Kông từ hai tháng qua là "cách mạng màu". Từ nay, các quan chức Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng cụm từ này, một "lằn ranh đỏ" tại Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Hôm thứ Tư 7/8, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), giám đốc Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện, trước 500 quan chức chính trị về kinh tế họp kín tại Thâm Quyến, khẳng định những gì đang diễn ra tại Hồng Kông "có các đặc tính rõ rệt của một cuộc cách mạng màu".
Tờ South China Morning Post dẫn lời của một đại biểu tham dự hội nghị, nêu ra vai trò của giới trẻ và giáo hội Công giáo. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng phương Tây đã "giựt dây". Trương Hiểu Minh nhấn mạnh đến việc "chấm dứt bạo động, hỗn loạn", còn Vương Chí Dân (Wang Zhimin), giám đốc Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông cho rằng "trận chiến cho tương lai Hồng Kông là vấn đề sinh tử".
Trương Hiểu Minh nói rõ không thể để cho vấn đề Hồng Kông gây trở ngại cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Như vậy rõ ràng Bắc Kinh không thể chấp nhận năm yêu sách của "cách mạng Hồng Kông". Đó là : hủy bỏ dự luật dẫn độ, điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, trả tự do cho những người bị bắt, ngưng gọi người biểu tình là "nổi dậy", và cải cách chính trị tại đặc khu.
Tập Cận Bình : Lằn ranh đỏ cho phóng viên ngoại quốc
Về hoạt động báo chí tại Trung Quốc, nhà báo Frédéric Lemaître nêu ra các bài học mà các đồng nghiệp ngoại quốc đã rút ra được : đừng quá tò mò về chủ tịch Tập Cận Bình, và phải cố đoán những gì mà người dân Hoa lục không thể nói ra.
Tờ báo Le Monde uy tín của Pháp bị cấm hoạt động tại Trung Quốc năm 2014 do đăng loạt bài "ChinaLeaks", những vụ làm ăn của các "thái tử đỏ". Đầu tháng Giêng năm 2018, Le Monde lại vuốt râu hùm khi tiết lộ việc Bắc Kinh không chỉ tài trợ xây dựng trụ sở của Liên hiệp Châu Phi ở Addis-Abeba, mà còn hào hiệp lắp đặt thêm hệ thống vi tính của Hoa Vi (Huawei), thế nên hàng đêm tất cả các dữ liệu được lén lút chuyển từ Ethiopia đến các máy chủ ở tận Thượng Hải.
Kết quả là phóng viên Frédéric Lemaître của Le Monde bị cấm sang Bắc Kinh làm thông tín viên. Nhờ có sự can thiệp của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, song song đó bên ngoại giao làm áp lực qua việc từ chối cấp visa cho ba nhà báo Trung Quốc, ông mới đặt chân đến Trung Quốc sau bảy tháng chờ đợi. Các đồng nghiệp tại chỗ cảnh báo, việc bị bộ ngoại giao Trung Quốc triệu tập vì một bài báo khiến họ không vui, là chuyện thường xuyên. Có nhà báo còn bị công an lấy trộm máy tính xách tay sau khi gặp một nhà đối lập. Còn những trở ngại khi muốn đến Tân Cương hay Tây Tạng thì khỏi phải nói.
Đặc biệt có một chủ đề tốt nhất không nên đề cập : chủ tịch Tập Cận Bình. Lương Gia Hà (Liangjahe), ngôi làng ở Thiểm Tây (Shaanxi) nơi ông Tập đi "cải tạo" bảy năm trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, đang trở thành đất thánh Lộ Đức (Lourdes) của Đảng cộng sản Trung Quốc. Khách tham quan từ khắp nơi trên cả nước đổ về đây để thăm vùng "Hoàng thổ" đã được tô vẽ thành huyền thoại. Tuy nhiên công an mặc thường phục dày đặc, thậm chí còn thuê phòng ở sát bên các nhà báo Pháp.
Putin, nhà độc tài không còn hùng mạnh
Bài xã luận của La Croix cũng nói về một nhà độc tài nhưng ở nước Nga, một "Putin yếu thế". Cựu sĩ quan KGB ngự trị tại một đất nước rộng nhất thế giới, và nhiệm kỳ của ông còn kéo dài đến năm 2024.
Hai thập niên qua kinh tế Nga phồn vinh giả tạo nhờ giá dầu, giúp Moskva tái vũ trang, có được kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới. Đồng thời nuôi dưỡng chiến lược tái chinh phục ảnh hưởng tại Đông Âu, vùng Kapkaz và Trung Đông, cũng như trên không gian ảo.
Tổng thống Vladimir Putin biết cách tô hồng việc lấy lại sức mạnh của nước Nga, nhưng những hình ảnh khác đã làm lung lay vị thế của ông. Từ ngày 20/7 đến nay, hàng trăm người biểu tình ôn hòa đã bị bắt, bị đối xử thô bạo. Điện Kremlin làm mọi cách để đối lập không thể ứng cử vào Nghị Viện Moskva : bác bỏ các ứng cử viên độc lập, khám nhà, khởi tố…
Sự cai trị lâu dài của Putin là nhờ vào việc bóp nghẹt các định chế, dựa vào một hệ thống được gọi bằng một từ mới "dân chủ độc tài". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Putin tại Brégançon ngày 19/8 tới, sẽ đối mặt với một nhà độc tài đang trở nên yếu thế.
Hai mươi năm trị vì, lâu hơn tất cả các lãnh đạo Liên Xô
Trong bài "Vladimir Putin tìm kiếm một luồng gió thứ ba", Le Figaro nhận xét, điện Kremlin làm ngơ việc kỷ niệm 20 năm cai trị vì uy tín của ông chủ đang xuống dốc.
Làn gió thứ nhất thổi qua trong những năm 2000, như một khế ước giữa chính quyền và người dân : hãy tiêu thụ nhiều hơn và đừng đòi đa đảng, khi kinh tế tăng trưởng 7% nhờ giá dầu tăng. Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi ông Putin đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba năm 2012 : một bộ phận người thành thị không còn muốn một tổng thống độc tài, đòi hỏi bầu cử tự do. Putin bước sang một bước ngoặt mới : chống phương Tây, và sáp nhập Crimea năm 2014.
Khế ước thứ hai với dân Nga : Putin sẽ biến nước Nga thành siêu cường trở lại, nhưng phải thắt lưng buộc bụng. Thu nhập từ dầu lửa giảm sút, trừng phạt làm suy sụp một nền kinh tế không biết đa dạng hóa, và sức mua giảm liên tục từ 5 năm qua. Giờ đây, nếu kỷ niệm 20 năm cầm quyền, làm thế nào có thể giải thích việc ông Putin trị vì còn lâu hơn cả Brejnev (18 năm), thậm chí lâu hơn cả bốn nhà cựu lãnh đạo Andropov, Tchernenko, Gorbatchev và Yeltsin cộng lại ?
Hai mươi năm là con số có thể hợp lý cho một vương quyền hay một nhà độc tài, nhưng đối với một tổng thống dân cử thì thật khó tin. Hiện nay chỉ còn 38% người Nga muốn ông Putin tại vị sau năm 2024, trừ phi ông chủ điện Kremlin gây bất ngờ cho dân chúng bằng một khế ước thứ ba.
Bãi Tư Chính : Lợi thế nghiêng về phía Việt Nam
Cuối cùng, xin phép được kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một sự kiện được người Việt rất quan tâm nhưng chỉ chiếm một đoạn ngắn trên phần tin nhanh của Les Echos với tựa đề "Biển Đông : Lợi thế nghiêng về phía Việt Nam".
Nguyên văn : Một nhóm tàu Trung Quốc vừa rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, kết thúc một tháng đối đầu về ngoại giao tại vùng biển giàu tài nguyên này (…). Một tàu thăm dò địa chất Trung Quốc cùng với nhiều tàu hải cảnh đã bắt đầu công việc xung quanh quần đảo Trường Sa, gây giận dữ cho Hà Nội, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Thụy My
GIEC : Giảm mạnh ăn thịt mới cứu được hành tinh
Báo cáo mới nhất về Đất đai, Thực phẩm và Biến đổi khí hậu của GIEC khuyến cáo các nước phát triển thay đổi triệt để thói quen ăn uống, để cứu hành tinh, đặc biệt là giảm mạnh ăn thịt. Xung đột Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực tiền tệ đe dọa bùng nổ chiến tranh ngân hàng toàn cầu. Trên đây là các chủ đề thời sự quốc tế nổi bật.
Đạm thực vật từ các loại đậu : Một giải pháp hàng đầu giúp giảm chăn nuôi, bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai. Trong ảnh, một cửa hàng bán đậu hạt ở Ấn Độ.© Reuters/Shailesh Andrade
Nhật báo Libération chạy hàng tựa "Khí hậu : Trước hết bắt đầu từ mâm cơm" trên nền hình toàn một mầu xanh của các loại thực phẩm, từ rau đến đậu.
Bức tranh đen tối
Nhật báo thiên tả dành hồ sơ chính cho chủ đề : Chăn nuôi gia súc, vấn đề chủ yếu với khí hậu, giới thiệu về thông điệp chủ yếu của bản báo cáo 65 trang của GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, công bố hôm nay. Theo Libération, đọc xong bản báo cáo này, không ai tránh khỏi tâm trạng "trầm uất" : Báo cáo của GIEC về đất đai lần này đã phơi bày "một bức tranh đen tối về tình trạng của hành tinh chúng ta, do các hoạt động của con người", tương tự như bản báo cáo gây chấn động về Khí hậu hồi năm ngoái.
Theo Libération, "vấn đề thực phẩm nằm ở trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi thực phẩm là một trong những nguyên nhân cơ bản (của việc Trái đất bị hâm nóng)… Nông nghiệp chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính và 40% đất đai toàn cầu. Tỉ lệ này dự kiến sẽ còn tăng lên, cùng với việc mức sống tại một số quốc gia được cải thiện". Mặt khác, "nông nghiệp cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu". Cụ thể là nhiệt độ Trái đất cứ tăng thêm 1°C, năng suất lúa mì giảm 6%, lúa giảm 3%, ngô 7%... Chưa kể đến suy giảm về nhiều vi chất quan trọng trong thực phẩm, đặc biệt là sắt và zinc do nồng độ khí CO2 ngày càng đậm đặc trong không khí.
"Tia sáng cuối đường hầm"
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng để ngỏ một tia sáng le lói cuối đường hầm. Chìa khóa của giải pháp "nằm trong mâm cơm của chúng ta và trong các trại chăn nuôi", với việc thay đổi một cách căn bản và bền vững toàn bộ lối ăn uống và hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Khoa học gia Tim Searchinger, đồng tác giả báo cáo "Tạo ra một lối ăn uống bền vững cho tương lai", do Ngân hàng Thế Giới và Cơ quan Môi trường của Liên Hiệp Quốc đặt hàng, chỉ ra biện pháp hàng đầu là giảm ít nhất 50% lượng thịt tiêu thụ tại các nước phát triển, đặc biệt là bò, dê, cừu. Lý do là vì các gia súc này thải ra nhiều khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp bội so với CO2. Thứ hai vì phân của các loại gia súc này thải ra nhiều chất oxyde nitreux làm đất đai suy kiệt và làm axit hóa đại dương. Lý do thứ ba là để có đất đai dành để nuôi các loại gia súc này, người ta buộc phải phá rừng, vốn là những "giếng" hấp thụ khí CO2.
Bên cạnh việc giảm mạnh ăn "thịt đỏ" (bò, dê, cừu), nhà môi trường học cũng khuyến cáo giảm thịt heo, thịt gà, cũng như giảm tiêu thụ sữa, bởi để có sữa, các loài gia súc phải thường xuyên thụ thai. Ngày càng nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng báo động về tình trạng thê thảm của các gia súc nhỏ.
Món ăn thay đổi - nông nghiệp thay đổi
Theo Libération, giảm mạnh tiêu thụ thịt không có nghĩa là tất cả mọi người buộc phải ăn chay. Ngược lại, nền nông nghiệp có thể được tổ chức khác đi, một cách hiệu quả hơn để đáp ứng đòi hỏi mới. Vấn đề quyết định là thay đổi quan niệm, thay đổi thói quen. Cụ thể là việc khuyến khích tiêu thụ các thực phẩm được sản xuất tại chỗ sẽ kích thích nông nghiệp địa phương, trong nước phát triển. Mọi người sẽ ăn các món ăn chứa ít thịt hơn, nhưng lại giầu dinh dưỡng hơn, đa dạng hơn. Sẽ có nhiều người làm nông hơn, nhà nông sẽ được trả công cao hơn, do hình thành các mạng lưới tiêu thụ trực tiếp, nhà nông không bị ép giá vì giá cả lên xuống bất thường của thị trường.
Bài xã luận mang tựa đề "Tương lai" nhấn mạnh : Cần phải hành động khẩn cấp. Giờ đây không chỉ là vấn đề đi xe đạp thay cho xe hơi, đi tàu hỏa thay cho máy bay, mà xem xét lại toàn bộ lối sống hàng ngày, trong đó ăn uống là chuyện hàng đầu.
Cũng trong số báo này, Libération có thêm nhiều bài khác về chủ đề thay đổi cách ăn uống để cứu hành tinh. Libération tìm lại nhiều thực đơn cổ truyền của nước Pháp, những món ăn ngon, không thịt, giầu dinh dưỡng, với đậu lăng (lentille), lúa mì nâu hay xà lách…, những thực đơn được siêu đầu bếp Alain Ducasse giới thiệu từ 5 năm nay. Nhà nghiên cứu Marie-Hélène Jeuffroy, trả lời phỏng vấn Libération, thì đề nghị các đào tạo về nông nghiệp cần chuyển hướng để thích ứng với các đòi hỏi mới.
Ăn nhiều đạm thực vật : Một mũi tên nhắm nhiều mục đích
Cũng về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn nhà nông học Marc Dufumier, với tựa đề "Điều tồi tệ nhất sẽ đến, nếu chúng ta không thay đổi thói quen". Nhà nông học Pháp đặc biệt nhấn mạnh việc người Pháp ăn nhiều loại đậu, cung cấp protein thay thế cho đạm động vật, có tác động quý báu về nhiều mặt.
Tác dụng thứ nhất là giảm tiêu thịt sẽ khiến rừng ở các nơi khác trên thế giới không bị hủy hoại để có đất làm nơi chăn thả gia súc, trồng cây làm thức ăn cho gia súc. Tác dụng quan trọng thứ hai : đậu cũng chính là loại cây trồng hút azote trong không khí để làm giàu dinh dưỡng cho đất đai. Và nhờ vậy mà không cần phải bón thêm các loại phân hóa chất có chứa phân tử azote, phát ra khí N2O, được coi là "nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính số một" tại Pháp (chưa kể việc giảm khí metan do các gia súc lớn thải ra như đã nói ở trên).
900 triệu hecta rừng trồng mới
Để hãm lại đà khí hậu bị hâm nóng, Le Figaro chú ý đến một sáng kiến được nhắc nhiều trong thời gian gần đây : Trồng rừng ồ ạt để giảm mạnh khí CO2 trong bầu không khí, dự kiến khoảng 900 triệu hecta (thêm vào 2,8 tỉ hecta hiện có). Đây là một giảm pháp tương tự với biện pháp mà GIEC khuyến cáo nhằm giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C vào năm 2050.
Vấn đề là giải pháp này có khả thi không ? Tìm đất ở đâu để trồng rừng ? Nhóm các khoa học gia của FAO, Cirad, và ETH ở Zurich, liệt kê danh sách 6 quốc gia có nhiều tiềm năng nhất : Nga (151 triệu hecta), Hoa Kỳ (103 triệu hecta), Canada (78), Úc (58), Brazil (50), Trung Quốc (40). Và Châu Âu khoảng 38 triệu hecta. Đây là các vùng đất khô cằn, mà việc trồng rừng, sẽ vừa giúp hút bớt CO2, vừa cải thiện chất lượng đất. Trong hiện tại, gần một nửa các nước trên thế giới mới chỉ cam kết phát triển khoảng 50% lượng đất có thể dùng để trồng rừng mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến việc trồng rừng hoàn toàn không hề là giải pháp thay thế cho việc giảm và hướng đến chấm dứt tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Đây mới là giải pháp căn bản để duy trì sự ổn định của Khí hậu trên Trái đất.
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung lan sang địa hạt tiền tệ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo là chủ đề thời sự chính. Libération có hồ sơ về viễn cảnh "một cuộc khủng hoảng thế giới mới, các ngân hàng trung ương có thể phải bó tay". Hôm qua, chỉ số chứng khoán Dow Jones ở New York sụt giá 3,25%. Chỉ số Nasdaq sụt 3,8%. Hôm thứ hai vừa qua, giá trị của đồng yuan lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 7 yuan/một đô la, kể từ 2008. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về việc chính quyền chủ động điều chỉnh tỉ giá, với giải thích đây là do kết quả tự nhiên cùa các biến động tiền tệ quốc tế. Lời giải thích của Bắc Kinh gây hoài nghi, bởi vì, khác với phần lớn các ngân hàng trung ương thế giới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trực tiếp tuân theo lệnh của chế độ cộng sản. Theo Libération, nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế khổng lồ, chiếm hơn một phần ba kinh tế toàn cầu, ngày càng rõ.
Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận : "Những nguy hiểm của một cuộc chiến tiền tệ". Theo Le Monde, hiện tại mới "phần lớn chỉ là khẩu chiến, nhưng điều tồi tệ nhất hoàn toàn có thể xảy ra". Trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, chỉ cần một hành động hay lời lẽ quá mạnh có thể châm ngòi nổ cho xung đột. Nhật báo Pháp dự kiến chính quyền Trump có thể buộc Ngân hàng Trung ương hạ giá đồng đô la, để hậu thuẫn cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, không gì ngăn cản một trận cuồng phong trong lĩnh vực ngân hàng, trước hết là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, buộc phải phản ứng đến tự vệ. Quyết định hạ giá đô la của Mỹ cũng cuốn vào cơn lốc các đồng tiền của các quốc gia đang trỗi dậy khác.
Le Figaro cũng cho hay chính quyền Mỹ vừa khiếu nại việc Trung Quốc thao túng tỉ giá tiền tệ lên Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, và đây là lý do trực tiếp khiến Bắc Kinh quyết định ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Mỹ - Trung : 5 mặt trận hàng đầu
Về căng thẳng Mỹ - Trung, Le Figaro chỉ ra 5 mặt trận đối đầu Trung – Mỹ. Thứ nhất là lĩnh vực đất hiếm, hay kim loại hiếm được dùng nhiều cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, mà Trung Quốc hiện kiểm soát đến 80% sản lượng toàn cầu.
Thứ hai là thế đối đầu chiến lược tại Châu Á. Tham vọng của Bắc Kinh là phát triển Hải quân trở thành lực lượng thống trị tại khu vực này, soán ngôi Hoa Kỳ, trước mắt là thống trị Biển Đông, ngược hẳn với cam kết không phi quân sự hóa khu vực này.
Mặt trận đối đầu thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc là lĩnh vực nhân quyền. Nhân quyền vốn là lĩnh vực mà Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích. Nhưng tình hình năm nay bị Hoa Kỳ xem là tồi tệ hơn hẳn : Chưa bao giờ chế độ cộng sản lại giam cầm nhiều công dân nước này một cách độc đoán như vậy kể từ sau thời kỳ Mao. Ước tính 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam tại các trại cải tạo ở Tân Cương.
Hòn đảo dân chủ Đài Loan là điểm đối đầu Mỹ - Trung thứ tư. Chính quyền Mỹ ngày càng có các động thái thừa nhận chính quyền Đài Bắc, và trong những tháng gần đây liên tục, đưa tàu tuần tra tại eo biển Đài Loan, để khẳng định nguyên tắc sẽ bảo vệ hòn đảo, trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Tập đoàn truyền thông Hoa Vi là trận địa chủ yếu thứ năm Mỹ - Trung đối đầu. Washington đang tìm mọi cách để cản phá tham vọng vươn lên thống trị thế giới trong lĩnh vực 5G và nhiều mũi ngọn công nghệ khác của Hoa Vi. Theo chỉ thị của Bắc Kinh, Hoa Vi cùng một số tập đoàn nhà nước phải vươn lên đứng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ của tương lai vào năm 2025.
Trang nhất các báo
Về trang nhất các báo Pháp hôm nay, ngoài vấn đề cần khẩn cấp thay đổi lối ăn uống để cứu nguy Trái đất, và các căng thẳng Mỹ - Trung, một chủ đề được chú ý đến nhiều khác là chiến tranh thương mại thế giới không ảnh hưởng đến ngoại thương Pháp (Les Echos) hay sự phẫn nộ của giới nhà nông – đặc biệt do thỏa thuận tự do thương mại với Canada, đe dọa ngành chăn nuôi - khiến chính phủ Pháp lo ngại (Le Monde).
Trọng Thành
Mỹ bày trận chống Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh trả đũa Donald Trump. Không để Trung Quốc múa gậy vườn hoang tại Châu Á, Mỹ gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự tại Thái Bình dương. Liệu có một Thiên An Môn thứ hai tại Hồng Kông ? Đó là những chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay.
Vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ), địa bàn chiến lược mới trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ. @Wikipedia
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Khác với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến yếu tố chiến lược trong xung khắc Mỹ-Trung : Trong cuộc mặc cả thương mại này, Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ để mở rộng mặt trận kinh tế và địa chính trị, tựa lớn trên trang nhất.
Chính vì thế mà sự kiện được La Croix chú ý nhất là chuyến công du của tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper và ngoại trưởng Mike Pompeo tại Thái Bình Dương. Washington đã tăng tốc trong cuộc chiến ngoại giao với Bắc Kinh. Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ dành chuyến công du đầu tiên ở nước ngoài để đi thăm các đồng minh Thái Bình Dương, với mục đích không che dấu là "tăng cường sức mạnh trong khu vực, đối đầu với đe dọa quân sự của Trung Quốc".
Bên cạnh những tuyên bố trấn an, "khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho đồng minh và các nước bạn", là dự án triển khai vũ khí tại Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh. Cụ thể là Mỹ sẽ đưa tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.000 km đến Châu Á. Theo François Godement, giám đốc Chương trình Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Montaigne, một chuyên gia am tường tình hình Trung Quốc, những động thái này chỉ là "bước đầu" trong chiến lược đáp trả có phối hợp của chính quyền Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh mưu tính từ lâu, đã bố trí hàng ngàn tên lửa trên lãnh thổ Hoa lục, đã quân sự hóa Biển Đông sau khi đánh lừa, cam kết với tổng thống Obama là "sẽ không có ý đồ như thế".
Tên lửa và chọn bạn
Song song với chuyến công du của chủ nhân mới Lầu Năm Góc, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm và tuyên bố với các quốc đảo Marshall và Palaos là chỉ có những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và những nền dân chủ khác tại Châu Á, mới là "đối tác tốt nhất và đáng tin cậy nhất".
Theo La Croix, nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong những ngày qua rất ngoạn mục, nhưng phải chờ kết quả. Đồng minh Úc khéo léo từ chối tham gia "tự động" vào dự án tên lửa chống Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh cũng nổi cơn thịnh nộ. Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí, đe dọa "sẽ trả đũa". Nhưng hiện giờ Bắc Kinh không nói dùng biện pháp gì.
Đồng tiền Trung Quốc mất giá đưa đến những hệ quả nào và liệu cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài ?
Trả lời trên La Croix và Les Echos :
Theo Stephane Deo, kinh tế gia của Ngân hàng Postale Asset Management, nếu Trung Quốc trả đũa các đòn tấn công của Mỹ bằng biện pháp mạnh Tài Chính Mỹ đã ghi Trung Quốc và danh sách các nước "thao túng tiền tệ", có nghĩa là chính quyền Trump có thêm nhiều biện pháp khả thi để trừng phạt Trung Quốc.
Để ra khỏi vòng xoáy tấn công-phản công này, có khá nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo Les Echos, khó có thể tiên đoán là Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận hay không ? Mục tiêu thấy được là tái lập quân bình trong cán cân thương mại. Nhưng đâu phải chỉ có thế, Washington còn tố cáo Bắc Kinh một loạt hành động phi pháp khác, như "gián điệp kinh tế, đánh cắp phát minh, phân biệt đối xử với các công ty quốc tế đầu tư vào Hoa lục…". Liệu chính quyền Trung Quốc có chấp nhận nhượng bộ, tức là tuân thủ luật chơi quốc tế, để đạt được một hiệp ước thương mại với Mỹ hay không ? Nhật báo công giáo hoài nghi.
Cũng cùng nhận định này, Les Echos tỏ ra lạc quan hơn : Trung Quốc vừa phủ nhận cáo buộc "thao túng tiền tệ" vừa không muốn để cho đồng tiền mất giá thêm, bởi vì sợ vốn đầu tư chạy ra nước ngoài. Có lẽ vì thế mà ngân hàng nhà nước Trung Quốc vội vã can thiệp ủng hộ đồng tiền quốc gia và hệ quả là hầu hết sàn giao dịch trên thế giới tương đối phục hồi. Tương đối, bởi vì thị trường tài chính dự đoán Trung Quốc sẽ để cho đồng tiền xuống giá ít nhất là 1% mỗi năm trong vòng 4 năm tới đây. Do vậy, không nên ngạc nhiên nếu thấy tổng thống Donald Trump tiếp tục đe dọa "những nước thao túng tiền tệ".
Hồng Kông: Bắc Kinh gia tăng giọng điệu đe dọa, nhưng có dám để tái diễn một Thiên An Môn thứ hai ?
Giới phân tích xem đây chỉ là đòn chiến tranh tâm lý. Nhưng nếu hù dọa không xong thì Đảng cộng sản Trung Quốc làm gì ?
Trong bài "Bắc Kinh gia tăng đe dọa Hồng Kông", Le Monde nhắc lại tuyên bố của một viên chức Hoa lục, phát ngôn viên văn phòng đại diện ở Hồng Kông và Macao, hù dọa như sau : những kẻ đùa với lửa sẽ chết cháy vì lửa, và sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tuy nhiên, cho dù đã bị bắt giam đến 420 người biểu tình từ ngày 09/06 đến nay, phong trào dân chủ tại Hồng Kông không suy giảm. Cuối tuần qua, như mỗi cuối tuần, Hồng Kông biến thành vùng nổi dậy với 300.000 người chia làm 8 cuộc biểu tình, bắt đầu là ôn hoà, cho đến khi đụng độ với cảnh sát đàn áp.
Quy mô tranh đấu này làm cho Bắc Kinh và chính quyền địa phương lo ngại. Trong số các biểu ngữ có khẩu hiệu "Quang phục Hồng Kông". Từ "quang phục" ngoài ý nghĩa "giải phóng" còn có thể hiểu là "tái chiếm lãnh thổ". Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho đây là tín hiệu "cách mạng lật đổ". Thế nhưng, Le Monde khẳng định "không có một biểu ngữ nào kêu gọi độc lập trong các cuộc xuống đường".
Trước thủ đoạn tuyên truyền của chính quyền, phong trào phản kháng quyết định phản công. Sáng ngày 06/09, lần đầu tiên ba thanh niên thuộc Diễn đàn thảo luận trên mạng LIHKG tổ chức họp báo. Đeo khẩu trang, đội mũ vàng, biểu tượng của phong trào bất bạo động, ba thanh niên đáp trả từng điểm cáo buộc của chính quyền và cảnh sát. Một lần nữa, họ nhắc lại các yêu sách chính yếu của phong trào : chính quyền Hồng Kông phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ, tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu lãnh đạo hành pháp và lập ủy ban độc lập điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.
Còn theo nhận định của bà Chloé Froissart, chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông, Bắc Kinh tỏ ra thiếu hiểu biết chính trị trong cách quản lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Chính quyền Hồng Kông và chính quyền Hoa lục không hiểu gì về dân chủ, mà ý thức dân chủ này đã phát triển mạnh từ sau cách mạng Dù vàng 2014.
Khi gọi giới trẻ Hồng Kông là "kẻ thù của nhân dân", cảnh sát Hồng Kông đã tự đánh mất uy tín trong lòng người dân địa phương và vô tình đặt phong trào chống luật dẫn độ vào thế thách thức chế độ. Khi đến mức này, Bắc Kinh lại dùng vũ khí khủng bố tinh thần, tung đoạn phim quân đội tập dợt chống biểu tình theo kịch bản đàn áp phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989.
Theo chuyên gia Chloé Froissart, tại Hồng Kông, nhiều người xem nhẹ đe dọa của Hoa lục. Nhưng nếu vì lỡ đà, Bắc Kinh không lùi được thì sao ? Hồng Kông sẽ là Thiên An Môn thứ hai ?
Phong tỏa tài sản tổng thống Venezuela
Về thời sự Châu Mỹ, nhật báo thiên hữu Le Figaro tập trung vào quyết định mới của Mỹ phong tỏa tài sản của chính quyền Venezuela của tổng thống Nicolas Maduro, cấm tất cả các công ty thế giới giao dịch, buôn bán với Caracas. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng biện pháp triệt để này đối với một nước được xếp trong vùng Tây phương để trừng phạt một chế độ bị xem là "bất hợp pháp", bầu cử gian lận. Cho tới gần đây, chỉ có Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran và Syria nằm trong danh sách.
Le Monde, dành bài xã luận, hướng về Nam Á, cảnh báo chính sách đầy rủi ro của chính quyền Ấn Độ tại Cachemire. Nguy cơ xảy ra chiến tranh Ấn Độ- Pakistan là điều mà giới lãnh đạo Tây phương phải dè chừng.
Những người vô sản mới trên thế giới đoàn kết lại
Lời kêu gọi trên trang nhất của Libération. Sau một thời gian bị bịt miệng, nhân viên của các tập đoàn dịch vụ tiêu dùng trên mạng từ Amazon, Uber cho đến Deliveroo xuống đường tố cáo điều kiện lao động tồi tệ.
Theo một lãnh đạo công đoàn lao động Pháp, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng nhân công các tập đoàn dịch vụ điện tử bị bóc lột là giúp họ nối kết với nhau để phối hợp hành động. Cụ thể, nếu đầu bếp tuyên bố bãi công, người giao hàng cũng đình công, nếu nhân viên Amazon, Uber phản kháng cùng lúc với nhân viên chuyển hàng, thì không có một ông chủ nào dám ếm lương lao động, điều kiện làm việc và bảo hiểm y tế sẽ được cải thiện.
Tất cả báo Pháp đều dành những dòng trân trọng để vĩnh biệt nữ văn hào người Mỹ da đen Toni Morrison, Nobel Văn học 1993
Libération vĩnh biệt Beloved, người yêu dấu trên trang nhất. Le Figaro tiễn đưa thần tượng của người Mỹ đa đen với bài tưởng niệm "người phụ nữ nổi loạn, khôi nguyên Nobel Văn học" viết văn vì người nô lệ.
Tú Anh
Hồng Kông nổi sóng và ba giải pháp "tồi" cho Tập Cận Bình
Người dân Hồng Kông kiên quyết không hạ vũ khí ; Tước quyền tự trị vùng Kashmir – Ván cờ mạo hiểm của thủ tướng Ấn Độ ; Cuộc chiến tiền tệ – hồi mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, là ba hồ sơ chính trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 06/08/2019.
Người biểu tình dưới khói mù hơi cay của cảnh sát, Hồng Kông ngày 05/08/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông vượt qua một ngưỡng mới. Cả đặc khu kinh tế hầu như bị tê liệt do cuộc tổng đình công ngày hôm qua 05/08 : Dân chúng xuống đường, công chức đình công, hoạt động tầu điện ngầm và hàng không tê liệt… Sinh hoạt của khu tài chính lớn nhất Châu Á bị xáo trộn.
"Hồng Kông tổng đình công, lần đầu tiên kể từ năm 1967" Le Monde ghi nhận. "Hồng Kông bị tê liệt bởi cuộc tổng đình công", tựa một bài viết trên Le Figaro. Với Les Echos, "Tại Hồng Kông, những người biểu tình gia tăng hơn nữa áp lực". Phóng sự của Libération cho thấy "Đối với rất nhiều người Hồng Kông, đây là cuộc đình công đầu tiên trong đời".
Sự kiện cho thấy phong trào đấu tranh vẫn còn đầy "sức bật", như lời bình của giáo sư Edmund Cheng, trường đại học Baptist Hồng Kông trên báo Le Monde. Đối mặt trước sự kiên trì của làn sóng đòi dân chủ tại đặc khu hành chính này, nhà báo Renaud Girard trong mục Ý Kiến của Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu chế độ chuyên chế Trung Quốc còn có tương lai hay không ?"
Ba giải pháp tồi
Nếu như giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist Hồng Kông, trên Le Figaro ngày hôm qua có cho rằng "Tập Cận Bình hẹp đường xử lý khủng hoảng", thì nhà báo Girard khẳng định lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ba đường để đi, nhưng đường nào cũng tồi cả.
Đường thứ nhất là trấn áp quân sự như vụ Thiên An Môn năm 1989. Hành động quân sự này sẽ không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật, nhưng hàm chứa nhiều rủi ro địa chính trị quan trọng. Nhà báo R. Girard nhắc lại sau vụ trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ôn hòa của sinh viên, phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận quân sự hiện vẫn còn có giá trị. Chỉ có điều phương Tây, vì hám lợi, bị lóa mắt trước tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, nên đã vội vàng quên ngay vụ thảm sát, háo hức mở nhà xưởng, ngân hàng hay công ty bảo hiểm và thậm chí còn cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Và phương Tây cũng không dự đoán trước rằng Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng các lợi thế của tự do mậu dịch, nhưng lại không "nhả" cho phương Tây một món lợi nào, cũng như là không cải thiện Nhà nước pháp quyền ở trong nước. Tiếng nói của phương Tây cũng mất dần trọng lượng vào đầu những năm 2000. Mãi đến khi ông Donald Trump "rắn giọng" với Trung Quốc năm 2018 tại Davos, phương Tây mới vội vàng không dung thứ việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.
Về mặt địa chính trị, phương Tây không chấp nhận việc Trung Quốc chiếm hữu các vùng lãnh hải ở Biển Đông, bất chấp các luật lệ quốc tế. Phương Tây sẵn sàng bán vũ khí cho những nước Châu Á nào dám đứng lên chống Trung Quốc mà trước đây không lâu họ chưa từng nghĩ đến, như Việt Nam chẳng hạn, kẻ thù "không đội trời chung".
Vì những lý do này, việc chọn giải pháp quân sự có lẽ sẽ là mạo hiểm đối với Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang hứng những đòn thuế nặng của Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trong trường hợp dùng đến vũ lực với Hồng Kông, và vi phạm tinh thần hiệp định mà Trung Quốc ký kết năm 1997 với Anh Quốc – một quốc gia, hai chế độ -, Trung Quốc có nguy cơ gánh thêm một lệnh cấm vận nặng nề hơn.
Giải pháp thứ hai là để cho phong trào tự hụt hơi, như đã từng làm thành công với làn sóng "Dù Vàng" năm 2014. Vấn đề là hiện nay, làn sóng nổi dậy đã lan sang mọi tầng lớp xã hội và tất cả các phường hội, ngoại trừ Hội Tam Hoàng, luôn sẵn sàng phục vụ Bắc Kinh. Hiện 7 triệu người dân Hồng Kông có vẻ chưa muốn hạ vũ khí.
Giải pháp thứ ba là nắm lấy cơ hội để cải cách hệ thống đảng cộng sản và thiết lập thật sự một Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình không phải là người để thực hiện nhiệm vụ này. Ngay từ thời trai trẻ, ông tỏ ra rất trung thành với đường lối của đảng, bất chấp việc cha của ông bị trấn áp một cách bất công. Để rồi sau này, một khi nắm được quyền lực, Tập Cận Bình đã cho phá tan điều lệ giới hạn hai nhiệm kỳ được áp đặt sau cái chết của Mao Trạch Đông.
Liệu Tập Cận Bình có biết rằng những chế độ chuyên chế thường có kết cục bi thảm hay không ? Liệu ông có hiểu rằng những gương mặt vĩ đại được Lịch Sử vinh danh không bao giờ là người vì quyền lực cá nhân, mà vì những di sản họ để lại cho đất nước, những định chế mạnh mẽ và bền vững, như Washington (Mỹ), Disraeli (Anh) hay de Gaulle (Pháp) ?
Rất có thể Tập Cận Bình là một người hiểu biết. Nhưng ông cũng có thể trở nên mù quáng, vì nóng lòng muốn biến đất nước thành một siêu cường không thể tranh cãi từ đây đến năm 2049 để tổ chức lễ mừng hoành tráng kỷ niệm 100 năm ngày đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Nhưng ông có lẽ sẽ không phải là người thông minh duy nhất bị tư tưởng quá đỗi hủy diệt, mà sử gia Hy Lạp cổ Thucydide từng phê phán. Liệu ông có rút ra kinh nghiệm từ bài học Nga hay không ? Khi làm cho máu đổ tại Donbass, Kremlin đã thật sự mất Ukraine.
Nhà báo kết luận : Nếu Trung Quốc dùng sức mạnh để trấn phục Hồng Kông, thì Trung Quốc cũng sẽ vĩnh viễn mất cả Đài Loan.
Tước quyền tự trị Kashmir, New Dehli khai chiến với Islamabad ?
Cũng tại Châu Á, báo chí Pháp hôm nay bàn luận nhiều về tình hình căng thẳng gia tăng đột biến tại Kashmir, đang có tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Les Echos thông báo "Ấn Độ gây bất ngờ khi đặt vùng Kashmir dưới sự bảo hộ".
Báo Le Monde và Le Figaro lần lượt có các bài viết "New Dehli hủy bỏ quy chế tự trị của Kashmir" và "Ấn Độ chấm dứt chế độ tự trị của Kashmir". New Dehli âm thầm sửa đổi quy chế của vùng Kashmir khiến chính quyền Pakistan, vốn cũng đòi hỏi chủ quyền tại đây, giận dữ lên án hành động cưỡng chiếm này của thủ tướng Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc.
Bài giải mã của Libération có tựa đề "Kashmir : Ấn Độ hợp nhất bằng vũ lực", đặc phái viên của nhật báo Sébastien Farcis tại New Dehli cho biết từ một tuần nay chính phủ của ông Narendra Modi đã gởi binh sĩ, sơ tán du khách và cắt đứt liên lạc của vùng có đa số dân theo Hồi giáo, trước khi rút bỏ quy chế tự trị. Một quyết định bất ngờ và đầy rủi ro tại một vùng Kashmir được cho là quân sự hóa nhất trên thế giới.
Nhật báo công giáo La Croix có bài giải thích đề tựa "Phe dân tộc chủ nghĩa hủy quy chế đặc biệt của Kashmir". Một sự thay đổi triệt để chưa từng có đối với một khu vực căng thẳng dai dẳng, luôn bị đổ máu vì cuộc nổi dậy đòi ly khai từ năm 1989, dầy đặc binh sĩ Ấn và là đối tượng tranh chấp "nhấm nhẳng" với Pakistan.
Câu hỏi đặt ra : Liệu việc Ấn Độ rút quy chế tự trị vùng Kashmir có là một lời tuyên chiến với Pakistan ? Giáo sư Jean-Luc Racine, thuộc Trung Tâm Châu Á, trả lời Les Echos, cho là "Không". Ông giải thích :
"Đó là một thông điệp rõ ràng gởi đến Washington và Islamabad, vài ngày sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa thủ tướng Pakistan và tổng thống Mỹ. Người ta còn nhớ rõ ông Donald Trump đã đề nghị làm trung gian cho hồ sơ vùng Kashmir, và ông còn nêu rõ là theo đề nghị của thủ tướng Narendra Modi. Một lời thỉnh cầu được đưa ra như thế là điều không thể, bởi vì Ấn Độ cũng như Pakistan xem vấn đề này thuần túy song phương. Nếu cần phải có trung gian hòa giải, điều đó phải được tiến hành một cách kín đáo.
Thông báo của chính phủ Modi rất có thể sẽ gây thêm khó khăn cho việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 18 năm tham chiến. Washington cần Islamabad như là một trung gian trong các cuộc đàm phán với phe nổi dậy Taliban và để rút ra khỏi Afghanistan trước mùa bầu cử.
Nếu Hoa Kỳ không hỗ trợ các lợi ích của Pakistan tại Kashmir sau quyết định này của Ấn Độ, chính quyền Islamabad rất có thể quyết định làm hỏng các cuộc thương lượng của Afghanistan. Hơn nữa, đối với Pakistan, thủ tướng Ấn Độ đang mạo hiểm với một cuộc đối đầu tại vùng biên giới, ngày trở nên dữ dội, thường xuyên hơn từ nhiều năm qua.
Pakistan cũng có thể "bị cám dỗ" bởi ý định để cho các nhóm thánh chiến mở các đợt tấn công mới tại Kashmir hay tại các thành phố lớn của Ấn Độ".
Tóm lại, đây là "một cuộc khủng hoảng đe dọa nặng nề sự ổn định của khu vực" như nhận định của Le Figaro.
Trung – Mỹ khai chiến tiền tệ
Trong lĩnh vực kinh tế, thương chiến Mỹ - Trung chuyển sang một bước ngoặt mới. Le Figaro trên trang nhất phụ trang kinh tế đề tít lớn "Trung Quốc – Hoa Kỳ : Đồng nhân dân tệ, vũ khí mới của xung đột".
Thứ Hai 05/08, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân hạ giá đến mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua so với đồng đô la. Đồng nội tệ Trung Quốc giảm mất 1,5% đạt mức 7 tệ cho một đô la. Tổng thống Mỹ Donald Trump tức thì có phản ứng giận dữ trên Twitter, chỉ trích Trung Quốc "thao túng" đồng tiền.
Hành động này của Bắc Kinh diễn ra 4 ngày sau khi chủ nhân Nhà Trắng loan báo ý định áp thêm thuế các dòng hàng hóa còn lại của Trung Quốc hiện vẫn chưa bị nhắm đến. Trung Quốc hạ giá đồng tiền có lợi ích gì ? Trả lời phỏng vấn Le Figaro, ông Eric Dor, chuyên gia kinh tế tại Ieseg giải thích :
"Bắc Kinh cho thấy là họ có phương tiện để phản ứng trong cuộc chiến thương mại do Donald Trump khai hỏa. Khi giảm giá đồng tiền, Trung Quốc chứng tỏ là họ có thể vô hiệu hóa giải pháp tăng thuế nhập khẩu mà tổng thống Mỹ giương ra để đe dọa, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Do vậy cần phải hạ giá nhiều hơn nữa đồng tiền Trung Quốc để bù đắp cho mức tăng thuế 10%. Đó là một lời cảnh cáo".
Đọ sức thương mại Hàn – Nhật : Smartphone lãnh đủ ?
Cũng trong lĩnh vực kinh tế, La Croix cho biết "Nhật Bản và Hàn Quốc, căng thẳng bùng lên". Quan hệ Seoul – Tokyo ngày càng xấu đi : Triển lãm về gái giải sầu Hàn Quốc thời chiến tại Tokyo bị hủy, các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau được đưa ra, tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Hải, tẩy chay hàng hóa Nhật Bản… Từ một tháng nay, căng thẳng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý, "xung đột Hàn – Nhật đe dọa giá bán điện thoại thông minh". Trên nền tảng tranh cãi quá khứ lịch sử, xung khắc lần này giữa hai nước có nguy cơ làm "đội giá" chip bán dẫn.
Minh Anh
Định mệnh Hồng Kông, tương lai Châu Á
"Không chỉ số phận của "Hương Cảng" mà là cả tương lai chính trị của Trung Quốc, thậm chí cả Châu Á đang được đặt cược trên đường phố Hồng Kông".
Người biểu tình phản đối vụ tấn công của xã hội đen ở Nguyên Lãng (Yuen Long) đối đầu với cảnh sát. Ảnh chụp ngày 27/07/2019. Reuters/Edgar Su
Tình hình Hồng Kông và vùng Vịnh được các báo Pháp chú ý bình luận nhiều nhất, bên cạnh các vấn đề thời sự khác như chế độ hưu bổng, cái chết của một thanh niên khi cảnh sát giải tán một vụ tụ tập, các nước Châu Á gởi trả rác thải, nguy cơ vũ khí nguyên tử.
Làn gió nổi dậy tại Hồng Kông
Trong bài "Tại Hồng Kông, ngọn gió nổi dậy đã bùng lên", Le Figaro cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng từ nhiều tháng qua, có vẻ bế tắc hơn bao giờ hết. Dù Bắc Kinh đe dọa can thiệp quân sự, người biểu tình Hồng Kông ngày càng dũng cảm hơn. Họ xuống đường mỗi cuối tuần với những tiếng hô "Hồng Kông tự do !", và kêu gọi tổng đình công vào hôm nay, sự kiện chưa từng có tại thị trường tài chính thế giới này.
Dự luật dẫn độ chỉ là tia lửa làm dấy lên phong trào phản kháng nay đã mở rộng. Ngoài yêu sách hủy bỏ dự luật này và trưởng đặc khu phải từ chức, nay người biểu tình còn đòi hỏi trả tự do cho 44 người bị bắt - với cáo buộc "nổi loạn", có khung hình phạt đến 10 năm tù - và thậm chí phổ thông đầu phiếu, vốn là mục tiêu của cuộc "Cách mạng Dù" năm 2014.
Cuối tuần qua, một đồn cảnh sát đã bị bao vây trong một thời gian ngắn, những rào cản bằng tre được dựng lên, gạch đá được ném vào cảnh sát và bị trả đũa bằng hơi cay và khoảng 20 vụ câu lưu. Nhưng khiêu khích nhất đối với Bắc Kinh là những lá cờ Trung Quốc bị gỡ đi và quăng xuống nước.
Tờ Global Times tức tối viết : "Người Hồng Kông từ chối chấp nhận mình là dòng dõi người Hoa, tự coi là thuộc phương Tây". Cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đòi thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (114.000 euro) cho người nào nhận dạng được thủ phạm.
Mọi giới đều ủng hộ phong trào đấu tranh
Ngoài cảnh sát, hầu như không còn giới nào là không đứng về phong trào phản kháng. Tuần trước, hàng trăm đại diện của giới tài chính, mặc những bộ đồ vét chỉnh tề, đã tập hợp tại khu kinh doanh với băng-rôn "Tự do cho mọi người, thị trường đang sụp đổ". Ngay cả giới công chức dù bị đe dọa sa thải cũng biểu tình hàng mấy chục ngàn người tại một công viên. Đặc biệt vụ xã hội đen vây đánh người biểu tình bằng gậy sắt cả tiếng đồng hồ mà cảnh sát không đến can thiệp đã gây phẫn nộ.
Tuần rồi Bắc Kinh đã phổ biến hai video đầy đe dọa. Video thứ nhất cho thấy 190.000 cảnh sát chống bạo động được trực thăng vận, "tập huấn" tại Quảng Đông ngay sát Hồng Kông. Video thứ hai do Giải phóng quân Trung Quốc đăng lên, với những quân nhân trang bị tận răng, chuẩn bị súng ống để ngăn chận một đám đông biểu tình, với sự giúp sức của các xe bọc thép.
Ống kính dừng lại ở một người lính đội nón sắt đang cảnh cáo người biểu tình qua loa phóng thanh : "Tất cả những ai ở lại sẽ phải chịu trách nhiệm". Đây cũng là mệnh lệnh, đúng từng chữ một, đã được đưa ra vào ngày 3 tháng Sáu năm 1989 ở quảng trường Thiên An Môn, trước khi dìm phong trào sinh viên trong biển máu.
Thuyền nhân Hồng Kông ?
Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông, thì "Tập Cận Bình có rất ít chọn lựa để xử lý khủng hoảng".
Ông tiết lộ, Bắc Kinh đã bí mật bổ sung thêm vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông (30.000 người) một số cảnh sát từ Hoa lục, ở vùng Quảng Đông, nơi nói cùng một thứ tiếng với người Hồng Kông, có thể trà trộn vào đám đông. Như vậy là đã vi phạm nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" vì theo thỏa thuận trao trả trước đây, đặc khu được tự trị, Trung Quốc chỉ phụ trách ngoại giao và quốc phòng.
Chuyên gia Cabestan đặt ra giả thiết, nếu chính quyền Bắc Kinh áp đặt một bí thư cho Hồng Kông, nhiều người dân sẽ ra đi, thậm chí sẽ có những thuyền nhân. Ông cho rằng Bắc Kinh phải rút ra bài học, vì tuy người dân Trung Quốc không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng ai có thể biết được một ngày nào đó họ sẽ thay đổi như dân Hồng Kông ?
Báo chí Trung Quốc kích động dân tộc chủ nghĩa tại Hoa lục
"Ban đầu giữ im lặng, truyền thông Trung Quốc nay muốn kích động dân tộc chủ nghĩa", đó là nhận xét của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh.
Nhà văn Karoline Kan ghi nhận, đa số người dân Hoa lục tin vào tuyên truyền rằng người biểu tình Hồng Kông "nổi dậy", thậm chí "đòi ly khai", theo xúi giục của các "thế lực thù địch" từ bên ngoài. "Người ở Hoa lục không hiểu là người Hồng Kông đang đấu tranh cho các quyền tự do mà họ đang đánh mất, hoặc đã bị mất".
La Croix nói về một "Bức màn im lặng" khác, nơi các nghệ sĩ Hồng Kông. Không có một diễn viên điện ảnh nào phát biểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra, với tư cách cá nhân : các nghệ sĩ ủng hộ dân chủ bị cấm trình diễn tại Hoa lục.
Nếu năm 1989, tài tử Thành Long (Jackie Chan) là ngôi sao nổi bật trong buổi biểu diễn quy mô ở Hồng Kông để ủng hộ sinh viên Thiên An Môn tại Bắc Kinh, thì 20 năm sau, ông lại nói rằng không biết đến phong trào phản kháng tại đặc khu. Ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho) từ khi tham gia Cách mạng Dù đã bị cho vào danh sách đen tại Hoa lục, Châu Nhuận Phát (Chow Yun Fat), nổi tiếng với phim "Ngọa hổ tàng long", nay có ít vai diễn hơn…
Hồng Kông, con heo đất của các thái tử đỏ
Về lợi ích kinh tế, Hồng Kông còn là "Ống heo tiết kiệm" của các thái tử đỏ Trung Quốc. Theo giáo sư Cabestan, "Đó là một nhân tố quan trọng mà Bộ Chính trị phải quan tâm khi cân nhắc các phương án".
Ngay trước khi Anh trao trả năm 1997, Hồng Kông đã là nơi để người giàu Trung Quốc giấu tiền và kiếm tiền. Các "hồng nhị đại" (hongerdai), thế hệ thứ hai của giới quan lại đỏ, gồm con, cháu, bà con họ hàng của các quan chức cao cấp Trung Quốc sẵn sàng bán các mối quan hệ, được các ngân hàng quốc tế tuyển dụng hàng loạt để dễ làm ăn.
Cho đến năm 2013, Ủy ban quản lý chứng khoán Hoa Kỳ quyết định mở điều tra, rốt cuộc Crédit Suisse phải chịu nộp phạt 47 triệu đô la. J.P.Morgan, đã nhận trên 200 "hồng nhị đại" và bạn bè, bị phạt 267 triệu đô la. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Tất cả các quan chức cao cấp Trung Quốc đều có tài sản tại Hồng Kông, hoặc là nhà cửa, hoặc là doanh nghiệp. Panama Papers năm 2016 đã tiết lộ có ít nhất 8 ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đương nhiệm hay đã nghỉ, là sở hữu chủ các công ty bình phong ở vùng Caribê. Trong đó có con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), "đao phủ Thiên An Môn", cháu gái cựu chủ tịch Quốc hội Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), Đặng Gia Quý (Deng Jiagui), anh rể Tập Cận Bình.
Vụ bắt cóc nhà tỉ phú thiếu kín tiếng
Điều tra của Bloomberg năm 2012 cho thấy hai vợ chồng ông Đặng Gia Quý sở hữu một biệt thự trị giá 25 triệu euro trên đảo Hồng Kông, và có cổ phần trong nhiều công ty về đất hiếm và công nghệ. Tin này gây rúng động trong lúc Tập Cận Bình vừa mới lên ngôi, khiến ông ta phải ra lệnh cho người thân bán đi cổ phiếu.
Năm 2014, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), một tỉ phú Hoa lục cư trú tại Hồng Kông, từ lâu vẫn đóng vai ngân hàng không chính thức của các "hoàng tử, công chúa đỏ", kể với New York Times đã mua lại một số cổ phần của gia đình ông Tập. Sự ngây thơ đã khiến ông Tiêu phải trả giá đắt.
Cho dù có đầy vệ sĩ, sống trong khách sạn Four Seasons sang trọng nhất Hồng Kông, nhà tỉ phú đã bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc hôm 28/01/2017 trong dịp Tết âm lịch. Các nhân chứng trông thấy ông lần cuối trong một xe lăn, được nhiều người đàn ông đẩy trong bãi đậu xe khách sạn. Tiêu Kiến Hoa sắp bị xử ở Bắc Kinh vì tội "tham nhũng".
Với Trump, "Giấc mơ Trung Hoa" của Tập xa dần
Riêng về "hoàng đế đỏ" Trung Quốc, Le Monde trong bài cuối của loạt bài về Tập Cận Bình trích nhận xét của Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, cho rằng ông Tập là một người khó đoán. Trước thái độ hòa hiếu của Obama, năm 2013, Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ khi ồ ạt đào đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, "vì biết rằng sẽ không bị trừng phạt".
Nay, "giấc mơ Trung Hoa" của ông đã bị ngăn lại vì một đối thủ còn khó lường hơn : tổng thống Mỹ Donald Trump, một cái gai trong mắt của chủ tịch Trung Quốc. Tập Cận Bình đã gặp phải cao thủ còn cứng cựa hơn ông ta. Evan Medeiros, cựu trợ lý về Châu Á của Barack Obama nói : "Trump thường xuyên thay đổi ý kiến, điều này hết sức phức tạp cho Tập Cận Bình".
Số phận Hồng Kông, tương lai Châu Á
Trong bài xã luận mang tựa đề "Tương lai của Châu Á", tác giả Arnaud de la Grange trên Le Figaro ghi nhận, nhân dân Hồng Kông nổi dậy vào thời điểm kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Giống như những oan hồn còn vất vưởng của Mùa Xuân Bắc Kinh đã thổi thêm sức mạnh cho những người biểu tình đã đứng lên chống lại độc tài.
Cứ ngỡ rằng người Hồng Kông đã phải khom lưng cúi đầu trước gã khổng lồ Châu Á, cứ ngỡ họ chỉ quan tâm đến vật chất, đến việc làm giàu, nhưng người Hồng Kông đã chứng tỏ họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bản sắc, các quyền và sự tự do của mình và của con cháu. Và hầu như chỉ có mình họ dám chống chọi lại cỗ máy đàn áp của Trung Quốc.
Cuộc chiến không ngang sức chút nào. Một bên là cường quốc thế giới đang trên đà tiến, bên kia là một mẩu lãnh thổ nhỏ bé có quy chế đặc biệt do lịch sử để lại, và đặc thù này sẽ kết thúc vào năm 2047. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thời hạn này có vẻ quá xa, và năm này qua năm nọ, họ gặm nhấm Hồng Kông, siết thêm về kinh tế để đặc khu phải lệ thuộc về chính trị. Dù có một số người phản đối, nhưng tiến trình này không gặp nhiều phản ứng. Tình hình này nay đã thay đổi.
Cái tát cho Tập Cận Bình
Với Tập Cận Bình, đây là một cái tát vỗ mặt. Hoàng đế đang trị vì 1,4 tỉ thần dân với bàn tay sắt, lại bị 7 triệu người Hồng Kông thách thức.
Hồng Kông và Đài Loan đã chứng minh suy nghĩ - tiếc rằng cũng phổ biến ở phương Tây, làm lợi cho Đảng cộng sản - thà độc tài còn hơn hỗn loạn, là sai lạc.
Tác giả kết luận, không chỉ số phận của "Hương Cảng" mà là cả tương lai chính trị của Trung Quốc, thậm chí cả Châu Á đang được đặt cược trên đường phố Hồng Kông. Những tiếng hô vang của tuổi trẻ Hồng Kông là những câu trả lời đẹp đẽ nhất cho chế độ độc tài của ông Tập.
Thụy My
"Tứ nhân bang" Dân chủ : Chống Trump nhưng làm lợi cho Trump
Bốn nữ dân biểu Dân chủ da màu tiến hành một cuộc thập tự chinh vụng về chống lại ông chủ Nhà Trắng. Vụ tranh luận về tin Twitter mang tính kỳ thị của Donald Trump đã che khuất các vấn đề lớn khác, khi đảng Dân chủ bắt đầu cuộc tranh cử sơ bộ.
Bốn nữ dân biểu Dân chủ họp báo tố cáo tổng thống Donald Trump tại Washington ngày 15/07/2019. Phía sau bà Omar đang phát biểu, từ trái sang : Ilhan Omar, Ayanna Pressley, Rashida Tlaib, Alexandria Ocasio-Cortez. Reuters/Erin Scott
Đã vào mùa hè, L’Express ra số đặc biệt giới thiệu 20 địa điểm đi nghỉ tại nước Pháp : tu viện, hồ, thung lũng…với những cảnh sắc tuyệt vời giúp cho tâm hồn thanh tịnh. Le Point nói về những lợi ích khi đi xe đạp : trui rèn sức khỏe, luyện tính kiên cường, gần gũi với thiên nhiên…
Hồ sơ của L’Obs lùi lại 500 năm về trước, dành cho "1519, năm đã thay đổi thế giới". Theo tuần báo Pháp, thời điểm quan trọng nhất của thời kỳ Phục Hưng không phải là năm 1492, khi Christophe Colomb (Kha Luân Bố) khám phá ra Châu Mỹ, hay năm 1515 với trận đánh Marignan mà phần thắng thuộc về vị vua trẻ Pháp François I. Mà đó là năm 1519, khi nhà vua Pháp dòm ngó Đế quốc La Mã Thần thánh, nhà thám hiểm Magellan lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới, Charles Quint đưa Công giáo lên tầm toàn cầu, và là năm danh họa Leonardo de Vinci qua đời.
"Biệt đội chống Trump"
Liên quan đến nước Mỹ, L’Express dành sáu trang báo cho "Những chệch choạc của ‘đội đặc nhiệm’ chống Trump". Bị Donald Trump tấn công bằng một tweet phân biệt chủng tộc, bốn nữ dân biểu Dân chủ da màu tiến hành một cuộc thập tự chinh vụng về chống lại ông chủ Nhà Trắng.
Bản thân bốn phụ nữ này cũng tự coi là "The Squad" (đội đặc nhiệm), còn Donald Trump mệnh danh họ là "những nữ kỵ sĩ của ngày tận thế". Nhưng đối với thế giới, đơn giản bốn nhân vật Dân chủ này là những khuôn mặt mới chống Trump. Vừa mới đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, họ hợp thành "Tứ nhân bang" với những điểm chung là có năng lực, trẻ tuổi, thiên tả và là thiểu số da màu.
Từ khi nhậm chức vào đầu năm, họ thổi một làn gió mới, đúng ra là mang lại một trận bão vào Washington, xuất hiện gần như hàng ngày trên truyền hình. Trong số những chủ đề đấu tranh có thể kể : chuyển đổi sinh thái, bỏ trừng phạt di dân bất hợp pháp, dẹp các trại tạm cư - mà họ không ngần ngại gọi là "trại tập trung" - giải thể cơ quan cảnh sát biên phòng. Còn về đối ngoại, họ đòi tẩy chay, rút đầu tư và trừng phạt Israel.
L’Express điểm qua từng khuôn mặt. Người trẻ nhất, Alexandria Ocasio-Cortez (thường được gọi tắt là AOC), 29 tuổi, gốc Mỹ la-tinh cũng là người nổi tiếng nhất với 5 triệu người theo dõi trên Twitter. Rashida Tlaib, 43 tuổi là phụ nữ gốc Palestine đầu tiên trở thành dân biểu Mỹ. Ngay sau hôm đắc cử, bà Tlaib đã gây sốc với tuyên bố "Chúng ta sẽ truất phế tên khốn nạn !".
Ilhan Omar, 37 tuổi, là nữ dân biểu đầu tiên đội khăn choàng Hồi giáo trong Quốc hội. Là người Somalia, được Hoa Kỳ cho tị nạn cùng với cha mẹ lúc 12 tuổi, bà nổi tiếng bài Do Thái dữ dội và khi nói về các vụ khủng bố ngày 11/9 còn nhập nhằng cho rằng "không phải vì một số người làm điều gì đó mà cả cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ phải trả giá".
Người lớn tuổi nhất, Ayanna Pressley, 45 tuổi, gốc Châu Phi, từng là cộng sự của thượng nghị sĩ John Kerry trong 13 năm. Khi nói về tổng thống Donald Trump, bà chỉ dùng từ "người đang ở Nhà Trắng" vì theo bà "ông ta không xứng đáng với chức vụ". Tóm lại, cả bốn bà "đặc nhiệm" đều bảo đảm những "sô" gay cấn, không thua gì ông Trump.
Donald Trump có lợi khi đánh đồng "Tứ nhân bang" với Dân chủ
Thế rồi cuối cùng ông tổng thống cũng phải thốt ra trên Twitter một câu nhắm vào "băng nhóm cộng sản" này. Ông viết : "Thật thú vị khi nghe các đại diện của một Hạ Viện ‘cấp tiến’, đến từ những nước mà chính phủ hoàn toàn là thảm họa, tệ hại nhất, tham nhũng nhất, giải thích cho nhân dân Hoa Kỳ rằng chính quyền phải lãnh đạo như thế nào. Tại sao các bà ấy không quay về nguyên quán, nơi tội phạm hoành hành, để giải quyết vấn đề ở đó, rồi quay lại chỉ dẫn cho chúng ta…".
Có điều trong "Tứ nhân bang", chỉ có Omar là người tị nạn, ba bà còn lại đều sinh ở Mỹ. Tweet của ông Trump làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nơi. Hai ngày sau, Hạ Viện thông qua nghị quyết lên án tính chất phân biệt chủng tộc, một sự kiện chưa từng thấy. Nhưng theo nhà tư vấn chính trị Matt Mackowiak, chính Donald Trump là người được lợi.
Đánh hơi được khả năng gây hại của "biệt đội", ông Trump muốn tạo ra vụ đối đầu để làm nổi bật "Tứ nhân bang", khiến ngày càng nhiều người đánh đồng đảng Dân chủ với phe cực đoan nhất trong đảng này. Ông biết bốn nữ dân biểu trên rất bị ghét ở vùng Rust Belt (đông bắc), trong đó cả các cử tri Dân chủ, trong khi các lá phiếu của vùng Đại Hồ này rất quan trọng. Chỉ có 22% người được thăm dò có cảm tình với bà AOC, còn bà Omar chỉ có 9% người chấp nhận.
Chưa hết. Sau tweet của Donald Trump, chỉ riêng AOC đã có 4,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội, bằng cả 23 ứng cử viên khác cộng lại, nên rốt cuộc toàn "đội đặc nhiệm" đã che khuất việc khởi động chiến dịch tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Phải chăng ông Trump muốn tranh thủ cử tri da trắng, hướng cuộc tranh luận về vấn đề chủng tộc, nhập cư ? Chưa kể ông còn được sự hỗ trợ của chính… "Tứ nhân bang".
Trước đó AOC đã tấn công thủ lãnh phe Dân chủ ở Hạ Viện là bà Nancy Pelosi trong cuộc bỏ phiếu ngân sách 4,6 tỉ đô la cho an ninh biên giới (trong đó có một phần dành cho trẻ em di dân). Tuy nhiên toàn bộ 227 dân biểu Dân chủ có mặt đã bỏ phiếu thuận, chỉ có "Tứ nhân bang" - hoàn toàn lẻ loi - bỏ phiếu chống. Bà Pelosi bực tức nhắc nhở, ngoài mạng xã hội, trọng lượng của "đội đặc nhiệm chống Trump" chỉ vỏn vẹn bốn phiếu.
Theo nhà bình luận Heather Mac Donald, vấn đề lớn của đảng Dân chủ là nhánh cực tả tin rằng nước Mỹ về bản chất là kỳ thị chủng tộc, quan điểm này khiến nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm. Hơn nữa, nếu Hoa Kỳ là một quốc gia bất công, khủng khiếp và kỳ thị như "biệt đội" mô tả, thì tại sao mỗi tháng có đến hàng trăm ngàn người cố gắng nhập lậu vào nước Mỹ bằng mọi giá ?
Bắc Kinh muốn cứng rắn, nhưng chính quyền Hồng Kông tê liệt
Về Châu Á, The Economist nhận xét, Bắc Kinh đòi hỏi phải có thái độ cứng rắn đối với phong trào phản kháng Hồng Kông, tuy nhiên chính quyền đặc khu dường như tê liệt.
Sau 8 tuần lễ biểu tình, tin chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị mở một cuộc họp báo hiếm hoi khiến người Hồng Kông hồi hộp, nhưng rốt cuộc trong phát biểu của đại diện Trung Quốc không đề cập đến việc gởi quân đội sang. Đến khi một nhà báo đặt câu hỏi, người này chỉ nhắc lại quy định trong luật, và không quên ca ngợi cảnh sát Hồng Kông.
Báo chí nhà nước tỏ rõ sự bực tức của đảng Cộng Sản. Nhân dân Nhật báo ra lệnh cho cảnh sát đừng ngần ngại tỏ ra cứng rắn hơn. Cuối tuần trước, cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào người biểu tình, 44 người bị bắt có nguy cơ bị quy kết tội "nổi dậy" có khung hình phạt đến 10 năm tù.
Nhưng những người đấu tranh không sợ hãi, nhiều người tập hợp trước sở cảnh sát để phản đối bắt bớ. Trưởng đặc khu không thấy xuất hiện suốt cả tuần. Dù Bắc Kinh khẳng định ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) – không thể để bà từ chức kẻo mất mặt – nhưng chắc bà không tồn tại được lâu.
Sau đợt bắt bớ, những người phản kháng có lẽ thận trọng hơn, dù ít nhất 7 cuộc tuần hành sẽ diễn ra riêng trong ngày 5/8. Cảnh sát chẳng làm được gì nhiều trước những hình thức bất tuân dân sự nhẹ nhàng như đình công, biểu tình ngồi…Công chức, lính cứu hỏa, tài xế xe buýt…đều ủng hộ yêu sách của phong trào phản kháng.
Theo The Economist, phương cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là Trung Quốc giữ lời hứa để cho người dân Hồng Kông tự chọn lựa người lãnh đạo của mình. Việc một số người đấu tranh trở nên cực đoan một phần là do chiến lược đàn áp các nhà đối lập ôn hòa. Hiện nay, Bắc Kinh tuyên truyền rằng người Hồng Kông "chủ trương ly khai", kiểu như Tây Tạng, Tân Cương. Chính trong bối cảnh dân tộc chủ nghĩa đã xảy ra các vụ sinh viên đại lục đụng độ với sinh viên Hồng Kông ở Mỹ, Úc, Canada, New Zealand.
Trung Quốc luôn có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là điều quân đội đến Hồng Kông, đó cũng là điều mà cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh ủng hộ. Tuy nhiên sẽ chỉ làm nhạt nhòa thêm tính chính danh của chính quyền, khiến quốc tế phẫn nộ lên án, và chỉ riêng thảo luận về việc này cũng đã là dấu hiệu cho thấy mọi chuyện đang xấu đi.
Ngày nước Nhật suýt biến mất trên bản đồ thế giới
Cũng về Châu Á, Le Monde Diplomatique nói về "Ngày mà nước Nhật suýt bị xóa sổ". Vào lúc còn một năm nữa là đến Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản muốn chứng tỏ với thế giới là vùng Fukushima, nơi xảy ra tai nạn nguyên tử do sóng thần ngày 11/03/2011, đã trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên cựu thủ tướng thời đó đã lên tiếng kể lại những khó khăn khi xử lý thảm họa.
Cựu thủ tướng Kan Naoto cho biết, báo cáo của chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản hôm 25/3 mang tên "Kịch bản tệ hại nhất", yêu cầu cho sơ tán trong khu vực bán kính lên đến 250 kilomet. Có nghĩa là thủ đô Tokyo và 40% dân số nước Nhật, khoảng 50 triệu người, phải di tản đi nơi khác sống trong vài chục năm. Như vậy Nhật Bản có còn tồn tại với tư cách một quốc gia ?
Ban giám đốc Tepco liên tục đề nghị cho sơ tán nhân viên nhà máy Fukushima Daiichi, đó là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên nếu cả sáu lò phản ứng lần lượt bị nóng chảy, thải ra lượng phóng xạ vô cùng lớn, rồi đến bốn lò nhà máy Fukushima Daini cách đó 12 km…thì Nhật và có thể cả các nước láng giềng sẽ ra sao. Nếu không có kiểm soát, plutonium trong nhiên liệu thải sẽ phát ra lượng phóng xạ tồn tại suốt 24.000 năm.
Ông Kan Naoto lập ra ủy ban xử lý khẩn cấp gồm các thành viên chính phủ và Tepco, yêu cầu trước tình hình nước Nhật có nguy cơ bị xóa sổ phải sẵn sàng hy sinh kể cả mạng sống. Với nỗ lực tối đa của lính cứu hỏa, cảnh sát, quân đội, nhân viên Tepco… và một số yếu tố may mắn khác, thảm họa đã được tránh khỏi. Ngày nay khi thuật lại, cựu thủ tướng Nhật gióng lên tiếng chuông cảnh báo với điện nguyên tử vì không thể bảo đảm an toàn 100%. Hiện không có đất nước nào dân chúng sống cách nhà máy điện nguyên tử hơn 250 km, và một khi xảy ra tai nạn, thì hậu quả không khác nào một trận đại chiến.
Quốc phòng Châu Âu yếu đi vì Brexit
Tại Châu Âu, tác giả Luc de Barochez trên Le Point than thở "Quốc phòng Châu Âu bị yếu đi với Brexit". Cuộc khủng hoảng Iran cho thấy sự tự chủ chiến lược của Liên hiệp chỉ là mơ tưởng.
Việc Anh bắt tàu dầu Grace I của Iran là đúng theo quy định trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu (EU), còn Iran bắt chiếc Stena Impero của Anh là "hải tặc cấp nhà nước", theo tờ báo. Luân Đôn kêu gọi thành lập lực lượng hải quân Châu Âu để bảo đảm tự do hàng hải trong vùng Vịnh, nhưng không được hưởng ứng mấy vì nhiều lý do.
Trước hết, hạm đội các nước Châu Âu bị ảnh hưởng vì giảm ngân sách. Anh chỉ còn 19 khu trục hạm và chiến hạm, và chỉ 1/3 trong số đó hoạt động. Thời kỳ đế quốc Anh làm bá chủ trên biển đã trở thành xa xưa lắm rồi, Đức thì vẫn còn bị trói tay với chủ trương hòa bình sau Đệ nhị Thế chiến. Nhưng nhất là Brexit đã làm phương hại cho viễn cảnh quốc phòng Châu Âu thống nhất : không thể có sự hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Anh, Pháp, Đức. Tân thủ tướng Boris Johnson cũng không thích thú với ý tưởng một lực lượng hải quân Châu Âu - do đối thủ Jeremy Hunt đưa ra, mà mong có sự can dự của Hoa Kỳ.
Một khi thương mại quốc tế bị mất an ninh thì Đức, nước xuất khẩu hàng đầu sẽ bị ảnh hưởng trước nhất. Pháp, mạnh nhất về quân sự, cần có sự hợp tác của Anh, đồng minh có năng lực xưa nay, còn Anh quốc dù ra khỏi EU cũng cần chứng tỏ không cô đơn về ngoại giao và vẫn giữ nguyên ảnh hưởng. Như vậy cả Châu Âu đều sẽ yếu đi với một Brexit không thỏa thuận.
Cuộc chiến giữa các đại cường để kiểm soát vũ trụ
Nhìn lên không gian, tác giả Nicolas Baverez nhận thấy đây là "mẹ của các trận chiến". Vào thế kỷ 21, ai kiểm soát được không gian sẽ nắm được cả Trái Đất. Trước tham vọng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, Châu Âu cần phải thức tỉnh.
Năm mươi năm sau khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, vũ trụ luôn đóng vai trò quan trọng. Giấc mơ không gian quay lại, Hoa Kỳ muốn đưa người thăm Chị Hằng năm 2024, Trung Quốc năm 2029, còn NASA hứa phóng phi thuyền có người lái lên Hỏa tinh năm 2033. Vũ trụ đang trở thành nơi thiết yếu cho hoạt động của nhân loại, với trên 1.500 vệ tinh đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ có thể lên đến 1.200 tỉ đô la trong 20 năm tới ; nên đang trở thành nơi cạnh tranh của các cường quốc.
Về công nghệ, các hỏa tiễn có thể tận dụng và vệ tinh thu nhỏ giúp giảm giá thành, tăng gấp đôi năng lực cả dân sự lẫn quân sự. Về kỹ thuật số, kết nối qua vệ tinh rất cần thiết cho 5G và lượng dữ liệu của các xe tự hành, vật dụng kết nối. Về kinh tế, các Nhà nước không còn độc quyền mà có sự tham gia của các đại gia tư nhân như Space X của tỉ phú Elon Musk hay Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos. Về chiến lược, vũ trụ đang bị quân sự hóa với các hoạt động do thám, chiến tranh điện tử, tấn công bằng laser hay hỏa tiễn. Về địa chính trị, Hoa Kỳ không còn đối đầu với Liên Xô như trong thập niên 60, mà nay là Trung Quốc.
Hoa Kỳ dự trù dành 60 tỉ đô la ngân sách cho chương trình không gian năm 2020, lập ra lực lượng quân đội chuyên trách. Trung Quốc còn tham vọng hơn, Sách Trắng quốc phòng coi không gian là ưu tiên hàng đầu, đã phóng lên 39 vệ tinh trong năm 2018. Còn Châu Âu hiện chỉ dành 12 tỉ đô la/năm. Theo Le Point, Pháp, cường quốc nguyên tử duy nhất của EU hậu Brexit có trách nhiệm lịch sử trong vấn đề này, nhưng khiếm khuyết lớn nhất vẫn là tài chính. Cả trên vũ trụ, chiến tranh, như Napoléon đã nhấn mạnh, "là một nghệ thuật đơn giản", chỉ lệ thuộc vào ba thứ : tiền, tiền và tiền !
Thụy My
Hiệp ước INF tan vỡ, Mỹ rảnh tay đối phó Trung Quốc (RFI, 02/08/2019)
Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) Mỹ - Nga tan vỡ hôm nay, 02/08/2019. Lý do Washington chính thức đưa ra là Moskva đã không phá hủy các vũ khí vi phạm Hiệp ước. Nga lên án Mỹ là thủ phạm gây đổ vỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều không muốn ở lại với Hiệp ước trong tình trạng như hiện nay. Việc rút khỏi INF cho phép Washington triển khai các vũ khí vốn bị INF cấm tại vùng Đông Á, để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc, cũng như gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận tên lửa tầm trung mới.
Tên lửa SSC-8/9M729 của bị phương tây cho là vi phạm hiệp ước INF. Ảnh chụp tại trung tâm trưng bày Patriot Expocentre, gần Moskva, 23/01/2019. Reuters/Maxim Shemetov
Việc Hiệp ước INF hết hiệu lực đã được hai bên chờ đợi từ nhiều năm nay. Từ năm 2014, Washington đã lên án Nga triển khai các tên lửa 9M729, có tầm bắn 1.500 km, vi phạm INF, không cho phép triển khai các tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km trên bộ, điều mà Moskva kiên quyết phủ nhận. tháng 10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước. Chính quyền Nga kể từ đó đã không làm gì để giữ Washington ở lại với INF.
Trên thực tế, Hiệp ước INF cũng bị nhiều giới chức cao cấp Nga lên án là bất công, có lợi cho Washington. Trả lời AFP, chuyên gia độc lập người Nga Pavel Felgenhauer cho biết : "Ngay từ năm 2007, khi Moskva rút khỏi Hiệp ước FCE (về vũ khí quy ước tại Châu Âu), quân đội Nga và điện Kremlin đã cho rằng INF không phải là một hiệp ước tốt cho Nga". Tại Moskva, vấn đề hủy bỏ Hiệp ước INF với Mỹ lại trở lại mỗi khi có thông tin về việc triển khai một hệ thống hỏa tiễn chống tên lửa mới tại các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Châu Âu hoặc Châu Á. Đối với Hoa Kỳ, đây chỉ là hệ thống vũ khí phòng vệ, nhưng Nga lo ngại các cơ sở hạt nhân của nước này là đối tượng tấn công.
Việc Nga và Hoa Kỳ rút khỏi INF gây nhiều lo ngại về một nguy cơ chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, hai bên dường như đều tỏ ra kiềm chế. Washington thông báo sẽ không triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung tại Châu Âu.
Về phần mình, Moskva đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ - Nga đồng thuận không triển khai hỏa tiễn tầm trung, sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga cũng nhiều lần khẳng định việc phát triển các tên lửa tầm trung mới, nếu có, sẽ không dẫn đến việc tăng chi phí quốc phòng. Chính quyền Nga đối mặt với một thực tế khắc nghiệt là kinh tế Nga tiếp tục chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014, sau khi Moskva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine, khiến phương Tây áp đặt nhiều trừng phạt kinh tế. Ngân sách quân sự của Nga chỉ bằng một phần mười so với Mỹ.
Trung Quốc : Hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu
Việc Washington rút khỏi INF được giới quân sự Mỹ đón nhận hồ hởi. Phát biểu trước Thượng Viện, ngay trước ngày rút chính thức, tân lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, ông Mark Esper, nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc tại Châu Á, bởi một phần lớn hệ thống hỏa tiễn của nước này thuộc loại tên lửa tầm trung.
Theo nhiều nhà quan sát, cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống hỏa tiễn tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, được đánh giá là "tân tiến nhất thế giới", trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ - Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.
Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền đông nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo dân chủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins (trong một bài phân tích trên mạng War on the Rocks), đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng Viện Mỹ, tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản hỏa tiễn tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt hỏa tiễn tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.
Trọng Thành
********************
Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung (RFI, 02/08/2019)
Hôm 02/08/2019, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (tằn bắn từ 500 đến 5.500 km), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tên gọi tắt là INF), ký kết với Liên Xô hồi 1987. Cho dù các nước Châu Âu lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang mới, khối NATO đã chính thức ủng hộ quyết định của Mỹ, với lý do tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Reagan (P) và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, lúc ký hiệp ước INF tại Nhà Trắng, ngày 8/12/1987. Reuters//File Photo
Việc Mỹ và Nga từ bỏ Hiệp ước INF, trên thực tế, đã được hai bên sẵn sàng từ nhiều tháng nay. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva :
"Nga bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung, đây là điều mà Moskva thường xuyên phủ nhận. Moskva khẳng định loại tên lửa bị cáo buộc không có tầm bắn đến 1.500 km, như khối NATO khẳng định, mà chỉ hơn 480 km (tức không nằm trong quy định cấm của INF).
Bất kể cáo buộc của các nước phương Tây có cơ sở hay không, kể từ giờ Hiệp ước tên lửa tầm trung đã thuộc về quá khứ, và nước Nga cũng đã chuẩn bị điều này. Hồi tháng 2 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã thông báo có dự án chế tạo một tên lửa tầm trung mới, cụ thể là phát triển một phiên bản trên bộ của hỏa tiễn tầm trung Kakibr, vốn đã được sử dụng trong Hải quân Nga.
Với sự chấm dứt của Hiệp ước INF, giờ chỉ còn lại một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START, ký kết năm 1991, sẽ hết hạn với năm 2021. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax, cựu tổng thống Liên Xô Mikhaïl Gorbatchev, người ký hai thỏa thuận hỏa tiễn này với tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tỏ ra bi quan. Theo ông, sự chấm dứt Hiệp ước INF là một ‘đe dọa đối với an ninh không chỉ của Châu Âu, mà cả với phần còn lại của thế giới’".
Trước nguy cơ thế giới bước vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở Mỹ và Nga đừng quên các bài học của quá khứ. Ông nhấn mạnh : "INF là một thỏa thuận căn bản giúp cho Châu Âu được ổn định, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, thế giới mất đi một công cụ quý báu để chống lại chiến tranh hạt nhân. Hai bên cần tránh leo thang và đi đến một thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí".
Chuyên gia Quentin Lopinot, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ở Washington, nhận định việc INF tan vỡ không nhất thiết dẫn đến chạy đua vũ trang toàn cầu, nhưng một cơ chế hiệu quả giúp cho việc ngăn chặn nguy cơ này đã mất đi. Chuyên gia CSIS dự báo là chạy đua phát triển các vũ khí vốn bị INF cấm sẽ diễn ra tại Châu Á hơn là ở Châu Âu. Hoa Kỳ hứa hẹn không triển khai thêm tên lửa hạt nhân mới tại Châu Âu, dù không đưa ra hứa hẹn nào về các vũ khí quy ước.
Quyết định rút khỏi INF của Hoa Kỳ giúp cho quân đội Mỹ rảnh tay trong việc phát triển và triển khai tên lửa tầm trung tại vùng Đông Á nhằm đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang giữ ưu thế áp đảo trong lĩnh vực tên lửa tầm trung tại Đông Á, do không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào. Nhiều quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ, và kể cả một số căn cứ của Hoa Kỳ, nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.
Trọng Thành
Người Hồi giáo Tân Cương, di dân Châu Phi : Những số phận đen đủi
Một cảnh thường ngày trên đường phố ở Tân Cương - Ảnh minh họa.
Cũng là thân phận con người, nhưng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, người nhập cư Châu Phi tại Ai Cập hay người nhập cư Trung Mỹ tại Mexico lại có những số phận khác nhau. Chủ đề này được các báo Pháp : Le Figaro, Libération và La Croix hôm 02/08/2019 khai thác rộng rãi dưới nhiều góc cạnh.
Dù vậy, nhừng người này cũng có một điểm giống nhau : Đó là những con người bất hạnh, những số phận đen đủi. Le Figaro trên trang nhất đăng ảnh một người Duy Ngô Nhĩ vẻ mặt lo sợ đứng nhìn đoàn xe cảnh sát Trung Quốc đi qua, rồi chạy tựa "Tại Trung Quốc, những nạn nhân của trại cải huấn Tân Cương làm chứng".
Đặc phái viên của nhật báo, Cyrille Pluyette, có dịp trao đổi cùng với hơn một chục nhân chứng là người Kazakh, sống tại Kazakhstan, nhưng lại phải hứng chịu một sự bất công và những chấn thương tâm thần to lớn không gì có thể chữa được. Những người này chỉ có một tội là theo đạo Hồi hay bị nghi ngờ theo đạo Hồi, và có người thân sống tại Tân Cương, Trung Quốc.
Một khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc chỉ nhằm mục đích đi thăm người thân, những người Kazakh này ngay lập tức bị cảnh sát còng tay dẫn về đồn. Sau những đòn tra khảo để trả lời các câu hỏi liệu họ có theo Hồi giáo, có đọc kinh cầu nguyện Coran, có đi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước Ả Rập hay không, họ bị đưa vào các trại cải huấn, chỉ vì lời phán xét "Trong đầu ông có điều gì đó không ổn, chúng tôi phải cải huấn ông". Ông Jarkenbech Otan chua chát nhớ lại cảnh tượng bị đánh đập.
Sống sót trở về, nhưng những nạn nhân này không quên được quãng thời gian "sống như trong địa ngục" trong các trại cải huấn : Ăn uống thiếu thốn, bị cấm giao tiếp, chào cờ, hát quốc ca mỗi sáng, hát các bản nhạc cộng sản, rồi học tiếng Hoa, lịch sử Trung Quốc và tư tưởng Đảng cộng sản… Đối với nhiều nạn nhân, việc phải nhắc đi nhắc lại các khẩu hiệu đảng chẳng khác gì một sự tra tấn tinh thần. Nhưng nếu không tuân thủ hay không thuộc bài, hậu quả gánh lấy không phải là nhỏ : Nhẹ thì bị giam trong bóng tối nhiều giờ, nặng hơn thì bị bỏ xuống hố sâu và bị dội nước lạnh giữa mùa đông băng giá.
Theo nhà nghiên cứu người Đức, Adrian Zenz, tính từ đầu năm 2017, ước tính có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo, phần đông là sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazakh, bị gởi đến các trại cải huấn. Mục tiêu của chính quyền cộng sản Trung Quốc là "tái định dạng" các sắc tộc thiểu số Hồi giáo tại vùng Tân Cương, dưới danh nghĩa chống "khủng bố" và "chủ nghĩa cực đoan".
Cũng theo nhà nghiên cứu này, những trại cải huấn đầu tiên đã có từ năm 2014 trong khuôn khổ chiến dịch "phi cực đoan hóa", nhưng kể từ năm 2017, số người bị nhập trại tăng tốc. Vụ tấn công khủng bố năm 2009 đã tạo cớ cho chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp an ninh, siết chặt kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ và thực hiện chính sách đồng hóa cưỡng bức.
Theo quan điểm của James Leibold, giáo sư trường đại học La Trobe, tại Úc, đang có "một nỗ lực có hệ thống và có suy tính nhằm xóa sổ nền văn hóa và bản sắc người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi khác".
Về điểm này, ông Michael Clarke, giáo sư trường Đại học Quốc gia Úc, nhận định thêm : "Đảng cho rằng có điều cố hữu nào đó ở người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác cản trở họ hội nhập với nền văn hóa Trung Quốc do tộc người Hán thống trị". Điều này là một "lực cản cho đà hiện đại hóa" đất nước, do vậy cần phải "cải huấn" nhằm "Hán hóa" họ.
Ai Cập : Nội tạng người nghèo, phụ kiện thay thế cho người giàu
Bài phóng sự dài của Libération quan tâm đến những di dân Châu Phi tìm đường đến trời Âu mong tìm một cuộc sống tốt đẹp, hơn nhưng số phận đen đủi lại đẩy họ rơi vào đường dây buôn nội tạng người ở Ai Cập. Trên trang nhất, nhật báo chạy tít lớn "Buôn nội tạng, những chiếc thận của kẻ mất hết hy vọng".
"Trước sau gì mình cũng có đến hai cái thận" là lời nhủ thầm của những người di dân tại Ai Cập trước những lời dụ dỗ của những kẻ buôn nội tạng. Họ, những di dân gốc Châu Phi, đến từ Sudan, Erythrea hay Ethiopia trên đường tìm đến Châu Âu hay Israel đang là những con mồi ngon cho những đường dây buôn nội tạng, với sự tiếp tay của những kẻ dẫn đường.
Nghĩ rằng với số tiền 5000 đô la cho một chiếc thận, họ có thể có đủ tiền để đi đến xứ sở thiên đường mà họ mơ ước. Nhưng họ không biết rằng một khi thận bị lấy rồi số tiền được hứa trả chỉ còn lại có 1/3. Tệ hơn nữa họ cũng không được chăm sóc hậu phẫu, thân thể trở nên bạc nhược, đau đớn và ước mơ tìm đến thiên đường xem như tan vỡ.
Theo Libération, di dân Châu Phi nhập cư trái phép vào Ai Cập được xem như là một nguồn cung ứng nội tạng dồi dào, giá rẻ. Khách hàng là những giầu có đến từ các vương quốc dầu hỏa, mua nội tạng như đi mua trứng. Sau Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ, Ai Cập được cho là điểm đến để thực hiện giải phẫu cấy ghép nội tạng.
Nhật báo thiên tả lưu ý là cấy ghép nội tạng tại Ai Cập bị cấm vì các lý do tôn giáo. Luật pháp nghiêm cấm lấy nội tạng người khác, cho dù là người đã chết. Điều trớ trêu là quy định này có thể dễ dàng lách được. Chỉ cần người cho đến sở cảnh sát ký giấy tình nguyện cho nội tạng vì tôn giáo là được chấp nhận. Giáo sư Mohamed Ghoneim lo lắng nhìn thấy "nguy cơ người nghèo bị biến thành những phụ kiện thay thế thật sự cho người giàu".
Con đường đến Mỹ bị đứt đoạn
Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất đăng ảnh đoàn người di dân, tay bồng tay bế, đi trong đêm tối buồn bã chạy tít "Di dân, áp lực với Mexico".
Trong bài phóng sự dài có tựa đề "Mexico khóa cửa phía nam", nhật báo cho biết dưới áp lực của Hoa Kỳ, chính quyền Mexico phải truy bắt người nhập cư ngay trên chính lãnh thổ của mình và ngăn chận họ tiến về phía bắc. Tính riêng trong tháng Sáu đã có 24.000 người không có giấy tờ bị bắt. Thành phố biên giới Tapachula, gần với Guatemala, giờ trở thành một ngõ cụt cho những người di dân Trung Mỹ.
Mỹ có nên đánh GAFA hay không ?
Đây là câu hỏi lớn trên trang nhất của nhật báo thiên hữu. Thế lực ngày càng lớn của các tập đoàn Mỹ khiến các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng quan ngại. Nhiều cuộc điều tra đã được mở ra nhất là cuộc điều tra của bộ tư pháp Mỹ.
Tuy nhiên, Le Figaro trong bài xã luận có tựa đề "Răn đe kỹ thuật số" đặt câu hỏi : Đương nhiên, việc Hoa Kỳ mở điều tra GAFA để đi đến tháo dỡ hệ thống này có thể sẽ làm cho GAFA bị suy yếu, nhưng liệu điều đó có lợi ích gì chăng ? Với kỹ thuật số, những đế chế này được tạo dựng và tái hình thành trong vòng có vài năm.
Phá vỡ các ông hoàng kỹ thuật số là đồng nghĩa với nguy cơ để cho Trung Quốc qua mặt siêu cường hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Internet, các hệ thống mạng và nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, một vũ khí kinh tế, khoa học và chính trị tiềm tàng đáng gờm.
Do vậy, chưa chắn tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đang lao vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, lại chấp nhận làm suy yếu kho vũ khí kỹ thuật số của Mỹ ! Tờ báo kết luận, dù có thích hay không, Châu Âu và nhất là Pháp không còn cách nào khác ngoài việc đánh thuế GAFA !
Khám phá chòm sao Đại Hùng
Từ năm 1991, hằng năm trong ba ngày 2, 3 và 4/08, hàng ngàn nhà thiên văn và những người mê sao trên toàn thế giới cùng chia sẻ một sở thích : Ngắm đêm đầy sao. Năm nay, Le Figaro chia sẻ cùng bạn đọc một số kinh nghiệm và "chút bí ẩn về chòm sao Đại Hùng".
Tờ báo nhìn nhận, với lối sống đô thị như hiện nay, thói quen ngắm sao định hướng không gian hay thời gian hầu như biến mất. Nếu vẫn còn, thì việc ngắm sao trời ngày càng khó khăn hơn vì những ánh đèn đô thị và tòa nhà chọc trời. Dù vậy, vẫn còn một điều an ủi là người ta vẫn có thể bằng mắt trần ngắm chòm sao Đại Hùng.
Minh Anh