Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bốn cột trụ của học thuyết Donald Trump trong đối ngoại

Nếu có một chủ đề được tất cả các nhật báo Pháp ngày hôm nay, 26/06/2019 quan tâm thì đó là tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

bon1

Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu sắc lênh ấn định các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Ảnh chụp tại Phòng Bầu Dục (Nhà Trắng - Washington - Mỹ),ngày 24/06/2019. Reuters/Carlos Barria

Chính nhân hồ sơ Iran mà nhật báo Pháp Le Figaro đã có một bài nhận định đáng chú ý của một giáo sư lịch sử quốc tế tại trường chính trị Sciences Po ở Pháp, khẳng định rằng "Tổng thống Mỹ (Donald Trump) có một học thuyết rõ ràng trong lãnh vực đối ngoại".

Theo giáo sư Mario Del Pero, truyền thống của các tổng thống Mỹ là luôn luôn có một học thuyết, và đương kim tổng thống Mỹ không đi ra ngoài thông lệ đó. Thậm chí học thuyết đối ngoại của ông Trump còn "rõ ràng và có lẽ ít mập mờ hơn" các hoc thuyết của nhiều người tiền nhiệm.

Học thuyết Trump dựa trên 4 cột trụ chính : đầu tiên là chủ nghĩa thực tế được khẳng định công khai. Ông cho rằng bối cảnh quốc tế là một đấu trường không luật lệ, quy tắc, nơi mà các tác nhân trong thế tranh đua triệt để : hễ có người thắng tức là phải có kẻ thua.

Tính chất thực tế này, dưới một dạng thức tinh tế và mạch lạc hơn được ghi nhận trong những văn kiện mang tính chiến lược, như trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) 2017 hay Chiến Lược Quốc Phòng (NDS) 2018. Những tài liệu này nêu rõ kẻ thù và đối thủ cạnh tranh của Mỹ - Nga, Trung Quốc và Iran – đồng thời khẳng định quyền của Mỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình.

Cột trụ thứ hai học thuyết Trump là tính dân tộc chủ nghĩa rõ nét, được thấy qua khẩu hiệu "Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" - Make America great again hay MAPA…

Trụ cột thứ 3 của học thuyết Trump là chủ trương bảo hộ mậu dịch với logic thắng thua rõ rệt của chính trị quốc tế được áp dụng vào địa hạt thương mại.

Cột trụ cuối cùng là chủ nghĩa quân sự. Ông Trump luôn ca ngợi tính chất vượt trội của quân đội Mỹ. Trong đề xuất cho ngân sách 2019, ông Trump đã gợi ý tăng ồ ạt phần dành cho quốc phòng. Các tính toán chính trị dĩ nhiên cũng có : Tại Mỹ, Quân Đội là định chế rất được xem trọng, ngưỡng mộ nhất là trong cử tri bảo thủ…

Trò chơi nguy hiểm giữa Washington và Tehran

Riêng về vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Le Monde đã dành 2 trang khổ lớn để phân tích về phản ứng của Tehran trước những động thái đe dọa chiến tranh liên tiếp của Washington.

Hồ sơ Iran đã được Le Monde đặc biệt đưa lên trang nhất với tựa lớn "Trò chơi nguy hiểm giữa Washington và Tehran". Tờ báo Pháp nhắc lại sự kiện mới nhất là việc ông Donald Trump hôm thứ Hai 24/06, đã ký sắc lệnh áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, lần này là nhắm vào khoản tài chánh của các lãnh đạo Iran chủ chốt.

Le Monde đã ghi nhận phản ứng gay gắt của Iran, theo đó động thái của Mỹ chỉ "vô bổ". Tehran đồng thời lên án quyết tâm của Mỹ để "đóng cửa con đường thương thuyết ngoại giao một cách thường trực".

Đối với Le Monde, hai nước đang chơi một trò nguy hiểm trong bối cảnh các sự cố tại eo biển Hormuz đang làm gia tăng nguy cơ chệch hướng kéo theo một cuộc xung đột quân sự.

Tình hình, theo Le Monde rất đáng ngại vì Iran có dấu hiệu chuẩn bị đối phó với một tình trạng căng thẳng dài lâu, và sẵn sàng leo thang, bất chấp rủi ro, để chứng tỏ cho chính quyền Trump thấy là sẽ phải trả giá cho chính sách "áp lực tối đa".

Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran, theo Le Monde, đã làm cho xã hội dân sự Iran bị "kẹt giữa hai làn đạn". Trong bối cảnh bộ máy chính quyền đang hô hào chống Mỹ, những đòi hỏi cải thiện xã hội và chính trị đã không còn được nghe thấy. Mặt khác, vào lúc mà các sự cố có khả năng làm chiến tranh bùng nổ với Mỹ, ngày càng nhiều, những tiếng nói phê phán chính quyền lập tức bị chụp mũ là tiếp tay cho "kẻ thù bên ngoài".

Mỹ-Iran : Cuộc đối đầu nguy hiểm

Cùng một suy nghĩ với Le Monde về quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran, nhật báo công giáo La Croix cũng nhìn thấy ở vùng Trung Cận Đông một cuộc "đối đầu nguy hiểm", tựa bài xã luận trên trang nhất.

Cũng nhắc lại sự kiện Mỹ vừa ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, La Croix cho rằng : "Dù bị áp lực nặng nề nhưng Iran không sẵn lòng tuân thủ, và thậm chí còn đang chuẩn bị tiếp tục các hoạt động hạt nhân bị đình chỉ trong ba năm. Mỹ và Iran như vậy đang đối đầu với nhau, và rủi thay, không có một trung gian hòa giải nào có khả năng thúc đẩy hai bên đối thoại. Chỉ một chệch choạc thôi cũng có thể tạo ra chấn động trên quy mô lớn".

Chọn ai để đánh bại Trump ?

Nhật báo Libération cũng dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ đặc biệt cho nước Mỹ, nhưng chú ý đến cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ Mỹ để chọn người ra ứng cử chức tổng thống.

Dưới tựa đề "Bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ : Chọn ai để đánh bại Trump ?", Libération đặt ngay câu hỏi : "Joe Biden, Bernie Sanders, Elizabeth Warren, hay là một trong 22 ứng cử viên khác ?". Tờ báo ghi nhận là cách ngày bầu cử hơn một năm một chút, cánh tả Mỹ như vậy là sẽ chính thức lao vào trận đánh giành chức tổng thống với hai cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên.

Libération cảm thấy thú vị trước sự kiện là trong cuộc bầu tổng thống lần này, nếu phía Cộng hòa hầu như chắc chắn ông Trump sẽ là ứng viên, thì bên phía Dân chủ quả là có tình trạng lạm phát.

Trong bài xã luận, tờ báo Pháp dí dỏm cho rằng đó sẽ là cuộc đấu giữa ông Trump chống lại hơn hai chục người trong đảng Dân chủ. Là ứng cử viên đã nhập cuộc, tổng thống Mỹ sẽ quan sát "với thái độ tao nhã và tế nhị thường thấy của ông" cuộc chiến của các đối thủ tiềm tàng, bị ông cho là một đám người xã hội chủ nghĩa chống Mỹ.

Theo Libération, ở Châu Âu, người ta luôn ngạc nhiên trước tính chất dữ dội của những cuộc đấu về ý thức hệ giữa các lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, mỗi lần có bầu cử, lại luôn luôn có hai thế giới quan đối đầu nhau, với những hệ quả quan trọng đối với hành tinh.

Nhật báo Pháp đã nêu lại ba ví dụ gần đây : cuộc "cách mạng thời tổng thống Reagan, tính chất hiếu chiến của hai thời tổng thống Bush, chủ nghĩa đa phương của thời Clinton và Obama.

Tập đoàn Trung Quốc thâu tóm đất nông nghiệp Pháp bị phá sản

Le Figaro hôm nay cũng tiết lộ một thông tin khá lý thú liên quan đến Pháp : "Tập đoàn Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Pháp đã bị phá sản".

Theo tờ báo thì tập đoàn Reward đã mua 2.600 ha đất ở vùng Indre và Allier để ‘nuôi dưỡng tham vọng’ vươn lên ở Trung Quốc.

Le Figaro với giọng hóm hỉnh cho là Reward vì muốn đưa bánh mì Pháp lên từng bàn ăn tại Trung Quốc, đã mua 1.700 ha đất trồng ngũ cốc ở Indre năm 2016, và 900 ha ở Allier 2 năm sau.

Hiện tại tập đoàn gặp bế tắc tài chính và bị đặt trong tình trạng phá sản ở Trung Quốc, ngày 13/05, nhưng thông tin đến nay mới được biết. Và Reward đã phải từ bỏ tham vọng, một cách kín đáo, cũng như lúc đến Pháp.

Được biết dưới tên Luowa, tập đoàn có doanh số hơn 1 tỷ euro có nhiều tham vọng. Ngoài việc mua đất, tập đoàn còn có thỏa thuận vào năm 2016 với Axéréal, tập đoàn nặng ký của Pháp về hạt, để được cung cấp bột mì và trợ giúp phát triển trong ngành bánh mì, với mục tiêu chinh phục khách hàng Trung Quốc ưa chuộng hàng Pháp.

Hai năm sau, chủ tịch Reward giải thích là ông muốn mở 1.500 tiệm bánh mì ở Trung Quốc trong 5 năm. Nhưng cuối cùng chỉ mở có 3 tiệm.

Thất bại của Reward càng khiến giới nông nghiệp Pháp lo ngại trước các nhà đầu tư kiểu mới này : Đầy cao vọng lúc ban đầu, nhưng cuối cùng thì đã gây thất vọng.

Hồi giáo cực đoan len lỏi vào các cơ quan Pháp

Trái với hai đồng nghiệp Le Monde Libération, nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho tình hình nội bộ Pháp. Dưới tựa đề "Xu hướng Hồi giáo cực đoan trong các cơ quan công cộng Pháp : Một báo cáo sốc", tờ báo cánh hữu đã giới thiệu chi tiết bản phúc trình gởi lên Quốc hội của hai dân biểu Pháp về một hiện tượng đáng lo ngại là sự xâm nhập của các phần tử theo Hồi giáo cực đoan vào trong các cơ quan đảm trách các dịch vụ công cộng tại Pháp, từ các định chế thể thao, chuyên chở công cộng, cho đến guồng máy cảnh sát, hệ thống nhà tù…

Trong bài xã luận, Le Figaro cho rằng việc phát hiện sự xâm nhập của các thành phần có tư tưởng Hồi giáo cực đoan vào những ngóc ngách của các cơ quan công quyền và dịch vụ công cộng là hết sức cần thiết.

Vấn đề là các cấp chính quyền phải mau chóng thức tỉnh trước tình trạng này, trong lúc bản thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng dứt khoát khẳng định tính chất thế tục của nhà nước Pháp, và hành động cụ thể để bảo vệ tính chất này.

Theo Le Figaro, ngoài việc nêu ra một loạt những ví dụ cụ thể về tình trạng đáng ngại, bản phúc trình lên Quốc hội Pháp cũng nêu bật một điều : Hồi giáo cực đoan đang tiến triển với tốc độ nhanh trên đất Pháp, và bên cạnh những hành động khủng bố đẫm máu và ngoạn mục, nó đang len lỏi vào mọi thành phần trong xã hội…

Macron phải nỗ lực nhiều hơn cho khí hậu

Chủ đề Pháp cũng được hai nhật báo Les Echos La Croix đưa lên trang nhất. Les Echos chú ý đến vấn đề môi trường, chạy tựa "Tổng thống Macron được thúc giục là phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho khí hậu".

Tờ báo nhắc lại rằng Hội Đồng Tối Cao về Khí Hậu vừa công bố một bản báo cáo nêu rõ những khiếm khuyết trong chính sách khí hậu của nhà nước Pháp.

Liệu pháp vi lượng đồng căn bị xét lại

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay chú ý đến khía cạnh y tế xã hội, nêu bật ở sự kiện chính phủ Pháp chuẩn bị thôi không bồi hoàn chí phí thuốc men và chữa trị cho các bệnh nhân dùng các loại liệu pháp vi lượng đồng căn, tiếng Pháp gọi là homéopathie.

Tờ báo Pháp đã nhường lời cho chính các bệnh nhân, giải thích lý do vì sao họ lại dùng đến loại liệu pháp này.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Mỹ - Trung : Người ồn ào, kẻ lặng lẽ

Báo Le Figaro trên mục Ý Kiến có câu hỏi : "Làm thế nào Trung Quốc từng bước một mở rộng tầm ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc ?". Câu hỏi được đặt ra vào lúc hôm Chủ Nhật 23/06/2019, ứng viên Trung Quốc, Khuất Đông Ngọc, bỏ xa đối thủ Pháp, bà Catherine Geslain-Lanéelle, để được bầu chọn làm chủ tịch tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.

fao1

Tân tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), người Trung Quốc. Vincenzo PINTO/AFP

Thắng lợi này của Trung Quốc cho thấy rõ một kế hoạch chiến đấu thật sự để chiếm giữ nhiều vị trí chiến lược trong bộ máy điều hành của Liên Hiệp Quốc : Các tổ chức phụ trách hàng không dân sự quốc tế, phát triển công nghiệp và viễn thông. Hiện cơ quan phụ trách Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc là do một người Trung Quốc lãnh đạo.

Thế nhưng, sự thèm muốn vô độ này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách "áp đặt các luật chơi của họ tại quỹ FAO để phục vụ lợi ích riêng của Trung Quốc", theo như nhận định của một nhà ngoại giao Châu Âu.

Là một nước nhập khẩu nông sản hàng đầu, nhiều nước e ngại Trung Quốc tìm cách thâu tóm đất nông nghiệp tại các nước Châu Phi. Hơn nữa, việc có vai trò ngày càng lớn tại Liên Hiệp Quốc quy tụ đến 193 nước thành viên đủ cho phép Trung Quốc bóp nghẹt mọi tiếng nói chỉ trích nhắm vào nước này.

Thách thức khác không kém phần quan trọng : Trung Quốc, ngày càng cạnh tranh dữ dội với Hoa Kỳ giành quyền bá chủ, cũng đang tìm cách vạch lại các nguyên tắc lãnh đạo thế giới. Sự hiện diện của Bắc Kinh trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép Trung Quốc xúc tiến các chuẩn riêng của mình, thay thế những chuẩn mực do Hoa Kỳ thiết lập ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.

Theo đó, nhân quyền sẽ được dựa theo phát triển kinh tế và xã hội (chứ không dựa theo việc bảo đảm các quyền tự do). Một cách tổng quát hơn là từ bỏ "các giá trị phổ quát" (mà Trung Quốc xem đấy là những giá trị của phương Tây), để phát triển mô hình chính trị chuyên chế Trung Quốc.

Le Figaro lưu ý, cách tiếp cận này không chỉ được áp dụng ở Liên Hiệp Quốc. Dự án khổng lồ "Con đường Tơ lụa mới" nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp hành tinh còn giúp cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao.

Đế chế Trung Hoa đã thành lập những cơ chế cạnh tranh với những định chế hiện hữu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á để làm đối trọng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Hay như thành lập nhóm 16+1 với sự tham gia của Trung Quốc cùng nhiều nước Đông – Trung Âu, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Một dạng "con ngựa thành Troy" gây khó chịu cho nhiều nước Châu Âu lớn.

Là người Trung Quốc đầu tiên điều hành quỹ FAO, ông Khuất Đông Ngọc cam kết "không thiên vị và trung lập" và "minh bạch" hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Le Figaro lưu ý : "Lời nói phải đi đôi với việc làm" mới mong xóa tan được các ngờ vực.

RCEP : Công cụ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN

Trong khi đó tại Đông Nam Á, "Trung Quốc thúc đẩy nhanh dự án thỏa thuận tự do mậu dịch vùng Châu Á – Thái Bình Dương".

Theo Les Echos, bị Hoa Kỳ đẩy vào một cuộc chiến thương mại dai dẳng, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nhanh hơn nữa hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP, quy tụ 16 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Được hình thành năm 2012, hiệp định này giờ có tính thời sự hơn bao giờ hết sau khi tổng thống Trump thông báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trên nguyên tắc, RCEP tập hợp các nước thành viên khối ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhằm hình thành một vùng trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới.

Căng thẳng Mỹ - Iran : Macron và Abe, phao cứu hộ cho Mỹ ?

Căng thẳng Mỹ và Iran đến hồi cao trào. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro hối thúc "Macron và Abe phải hành động nhanh chóng !". Trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc tổng thống Pháp đến Tokyo gặp thủ tướng Nhật Bản, hai ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20 là một cơ hội để hình thành một liên minh "hòa giải" căng thẳng Mỹ và Iran.

Nhà báo Girard nhắc lại tổng thống Trump không hề muốn chiến tranh, nhưng hai cộng sự thân cận John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia và Mike Pompeo – ngoại trưởng lại là những kẻ hiếu chiến, không hề che giấu ý đồ lật đổ chế độ Tehran bằng vũ lực.

Thế nhưng, phe quân đội tỏ ý dè chừng trước những ý đồ này của hai nhân vật diều hâu, nhất là ông Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Hơn ai hết, giới quân nhân Mỹ hiểu rất rõ thế nào là một cuộc chiến, nếm mùi ra sao những khổ nhọc, hậu quả khó lường mà chiến tranh gây ra, rồi những khó khăn để thoái lui khi họ muốn…

Tướng Dunford cũng hiểu rõ rằng người Mỹ sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được các leo thang xung đột với các giáo chủ Iran, cũng như nghi ngại khả năng chiến đấu của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran trong khắp cả vùng Trung Đông. Họ có thể đẩy các lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Trung Đông vào một cuộc chiến bất cân xứng khó làm chủ. Mà bài học hiển nhiên hiện nay là cuộc chiến Afghanistan.

Tổng thống Trump cũng như nhiều nghị sĩ, bất kể là Dân Chủ hay như Cộng Hòa, dường như hiểu rõ cái giá phải trả nếu Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến với Iran. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tổng thống Mỹ lại không có một phương tiện nào để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei. Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và CIA cũng không giúp ích gì được cho ông. Chiến tranh có nguy cơ bất ngờ nổ ra. Bolton và Pompeo có thể đẩy Iran phạm phải sai lầm.

Do vậy, theo tác giả, để có thể đưa nhân loại ra khỏi cuộc chiến địa chính trị này, Macron và Abe phải nhanh chóng hành động. Nước Pháp và Nhật Bản phải làm giao liên giữa Tehran và Washington, cho đến khi nào Mỹ và Iran nghiêm túc chấp nhận ngồi lại đàm phán. Chính vào lúc này họ sẽ đạt được thỏa thuận. Bởi vì, bên này cũng như bên kia, về lâu dài, đều có lợi cả.

Iran và Mỹ : Donald Trump điều chỉnh hướng bắn

Liệu lời kêu gọi của ông Renaud Girard có bị chậm trễ rồi không ? Bởi vì, theo Les Echos, hôm qua, 24/06/2019, tổng thống "Trump đã trừng phạt giáo chủ Khamenei"

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm lãnh đạo tinh thần tối cao Iran và những người thân cận của ông tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, với hy vọng đủ gia tăng áp lực với Iran nhằm kéo nước này ngồi vào bàn đàm phán. Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể vận động các nước về việc bảo đảm an ninh hàng hải nhân thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Tóm lại, "để chống Iran, Trump điều chỉnh hướng bắn" như hàng tựa nhận xét của Libération.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Hồng Kông, thách thức cho tham vọng đế quốc của Tập Cận Bình

Hồng Kông, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thắng lợi của phe đối lập trong cuộc đua giành chức thị trưởng Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, đợt nóng gay gắt tại Pháp trong tuần này là những chủ đề được báo chí Paris chú ý nhất hôm 24/06/2019.

xi1

Đông đảo người biểu tình bao vây trụ sở cảnh sát Hồng Kông ngày 21/06/2019. Reuters/Tyrone Siu

Tác giả Nicolas Baverez trên trang Ý kiến của Le Figaro viết về "Thách thức từ Hồng Kông đối với Trung Quốc".

Dưới áp lực của Tập Cận Bình, chính quyền Hồng Kông dưới sự lãnh đạo của khuôn mặt đầy tham vọng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã chuẩn bị dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc, vi phạm thỏa thuận ngày 19/12/1984 khi Luân Đôn trao trả cho Bắc Kinh. Sự siết chặt này diễn ra sau một loạt biện pháp nhằm khống chế Hồng Kông từ năm 2012 đến nay. Có thể kể : truyền thông bị buộc vào khuôn khổ, hạn chế tự do ngôn luận, cấm một đảng đòi độc lập, bỏ tù các thủ lãnh "Cách mạng Dù" năm 2014, bắt cóc năm chủ nhà xuất bản năm 2015, doanh nhân Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) mất tích bí ẩn năm 2017.

Dự luật này là giọt nước làm tràn ly, gây ra các cuộc biểu tình khổng lồ, mà ấn tượng nhất là hôm 16/6 với 2 trên 7,4 triệu dân xuống đường. Từ khi trao trả, chưa bao giờ Hồng Kông có một cuộc khủng hoảng với tầm cỡ như thế. Và nhất là chưa bao giờ Bắc Kinh lại phải nhượng bộ như vậy, trong khi Đảng cộng sản vẫn nhất định độc quyền lãnh đạo, lo sợ mọi dạng thức đòi tự do sẽ lây lan sang Hoa lục.

Tác giả cho rằng không nên coi nhẹ việc Tập Cận Bình tỏ ra thận trọng, không muốn sử dụng bạo lực. Sự lùi bước của Bắc Kinh là một biểu tượng mạnh mẽ, có thể làm phương hại đến hình ảnh hoàng đế đỏ đầy quyền lực của chủ tịch Trung Quốc.

Vì sao "hoàng đế đỏ" chịu lùi bước ở Hồng Kông ?

Có thể giải thích bằng ba lý do, trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Trước hết là phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông, họ lo ngại về sức thu hút của đặc khu. Tuy chỉ còn chiếm 3% GDP Trung Quốc so với năm 1997 là 16%, nhưng Hồng Kông vẫn đóng vai trò sống còn về tài chính, với 156 tỉ đô la đầu tư trong năm 2018, trong khi cả Thượng Hải lẫn Thâm Quyến cộng lại chỉ có 143 tỉ ; đồng thời Hồng Kông cũng quản lý 60% vốn đầu tư nước ngoài vào Hoa lục.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột về thương mại, công nghệ và chiến lược với Hoa Kỳ khiến Trung Quốc không thể mở thêm một mặt trận mới, nhất là khi nền kinh tế đang xuống dốc, và cửa ngõ Hồng Kông mang tính chiến lược trước các rào cản thuế quan. Cuối cùng, Tập Cận Bình và chiến lược bành trướng hung hăng của ông ta ngày càng bị chỉ trích ngay trong đảng, và tại Châu Á.

Mô hình toàn trị Trung Quốc được xúc tiến thay cho chế độ dân chủ, đã bị bác bỏ bởi giới trẻ thành thị, có học, quen thuộc với internet. Sự thiếu vắng tự do chính trị và Nhà nước pháp quyền khó thể hòa hợp với một nền kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao độ, dựa trên sáng tạo. Nhất là người dân Hồng Kông đang lo sợ hệ thống giám sát dân chúng của Bắc Kinh, sự độc quyền của Đảng cộng sản, và chủ nghĩa đế quốc từ nay không giấu diếm. Ngược với những gì Trung Quốc khoe khoang, nhiều người nhất là ở Châu Á coi "Giấc mơ Trung Hoa" là một cơn ác mộng.

Hồng Kông tạm thời sống sót, nhưng cái giá phải trả là mối đe dọa về chính trị đang đè nặng, và viễn cảnh bất định khi quyền tự trị không còn nữa vào năm 2047. Bắc Kinh muốn lúc đó sẽ là "Một đất nước, một chế độ". Nhưng bên cạnh sự phản kháng của người dân Hồng Kông trước chủ nghĩa tư bản toàn trị của Tập Cận Bình, còn là một phần định mệnh của thế kỷ 21. Với quyết tâm và khả năng của Châu Á để thích ứng với tự do chính trị, hoặc hoàn toàn bỏ cuộc để nhường cho tham vọng để quốc của Trung Quốc.

Một cuộc nổi dậy không mang gương mặt cụ thể

"Tại Hồng Kông, các cuộc biểu tình đã buộc phải thay đổi khuôn mặt", đó là nhận xét của thông tín viên Libération tại đây. Chú tâm đến việc ẩn danh và không có thủ lãnh, những người biểu tình chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc trở thành biểu tượng cho một dạng phản kháng mới.

Cơ động, bất ngờ, có phối hợp, người biểu tình Hồng Kông đã thay đổi cách hoạt động để duy trì áp lực trên đường phố. Nhưng không có một thủ lãnh nào xuất hiện, rút kinh nghiệm từ cuộc Cách mạng Dù. Một cuộc nổi dậy không có gương mặt cụ thể.

Đeo kính mát, mang khẩu trang, đội nón bảo hiểm, mặc áo thun đen : người biểu tình giấu được danh tính. Họ cũng không dùng đến các thẻ điện tử, tắt định vị, không mang theo điện thoại hoặc mang nhiều chiếc khác nhau. Thực thi quyền tự do ngôn luận, nhưng ý thức được mối nguy bị giám sát như ở Tân Cương, người biểu tình Hồng Kông liên lạc với nhau qua các nhóm kín trên mạng hoặc các ứng dụng mã hóa.

Một nhà tranh đấu cho biết, thay vì trực tiếp kêu gọi biểu tình trong tầu điện ngầm, họ viết : "Hãy tranh thủ hệ thống điều hòa không khí trong métro", chẳng hạn. Họ không quên rằng trong Cách mạng Dù năm 2014, có đến 1.000 người đã bị bắt, và những người tổ chức phải lãnh những bản án lên đến 16 tháng tù.

Quan chức Trung Quốc làm giám đốc FAO : Bắc Kinh có thể gây áp lực lên các nước

Cũng liên quan đến Trung Quốc, các báo Pháp chú ý đến "Một người Trung Quốc lãnh đạo Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO)" mà theo Le Figaro là một đòn nặng cho ngoại giao Châu Âu và Pháp, còn Les Echos cho rằng sự kiện chưa từng có này sẽ giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn với các quốc gia đang phát triển.

Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã thắng ngay vòng đầu với 108 phiếu, còn ứng cử viên Catherine Geslain-Lanéelle của Pháp 71 phiếu, ứng viên Gruzia chỉ được 12 phiếu. Trước hôm bỏ phiếu, ứng viên Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nguồn tiền từ khu vực tư nhân như tập đoàn Alibaba chẳng hạn, để phát triển công nghiệp thực phẩm.

Le Figaro cho biết ứng cử viên Pháp "rất thất vọng", bà thổ lộ "Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch vận động rất hung hăng, với các phương tiện mà chúng ta không thể sử dụng". Theo những lời đồn mà tờ báo nghe được hôm 23/06, thì có những nước đang thiếu nợ bỗng được "giải quyết xong", bằng cách nào không rõ !

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhấn mạnh đến "quá trình vận động hành lang rất hiệu quả của Trung Quốc đối với các nước Châu Phi, Thái Bình Dương, vùng vịnh Caribbean, và khả năng biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng chính trị". Đây là một thắng lợi quan trọng của Bắc Kinh, vốn đang thiếu một tổng thư ký tại các định chế quốc tế lớn, trong khi FAO, là một trong những định chế quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ chống đói nghèo trên thế giới, có đến 12.000 nhân viên. Phụ trách phân bổ ngân sách xóa đói giảm nghèo cho các nước đang phát triển, từ nay Trung Quốc có thể gây áp lực lên các nước liên quan.

Donald Trump và cuộc xung đột Mỹ-Iran

Tại Trung Đông, Iran là trọng tâm của các báo Pháp. Les Echos dành hai trang lớn cho hồ sơ này : Trump đe dọa các biện pháp trừng phạt mới, chính quyền Mỹ chia rẽ, các hãng hàng không phải tránh né eo biển Ormuz, và nhận định của một chuyên gia "Xung đột Mỹ-Iran sẽ gây thảm họa". La Croix cho rằng "Hoa Kỳ-Iran khó thể thương lượng với nhau". Le Monde ra từ hôm trước thuật lại diễn biến "Mười phút trước khi tấn công, tôi ra lệnh ngưng" - theo lời kể của Donald Trump.

Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, chuyên gia Dominique Moïsi trên Les Echos nhận định "Ông Trump chưa chắc thắng". Donald Trump đã tung ra một chiến dịch tranh cử tưng bừng, nhưng việc sử dụng lại các công thức của năm 2016 có một rủi ro : liệu có thể xử sự như một "outsider" trong khi từ ba năm qua ông đã là tổng thống nước Mỹ ?

Tổng lãnh sự Nga bị Pháp trục xuất vì làm gián điệp

Liên quan đến Châu Âu, Le Monde tố cáo "Điệp viên Nga ở Hội đồng Châu Âu". Là lãnh sự Nga tại Strasbourg từ năm 2015, ông Valery Levitsky đã bị trục xuất khỏi nước Pháp tháng Tư năm ngoái.

Cùng với ông, ba nhân viên ngoại giao khác của Nga cũng được yêu cầu xách vali ra khỏi lãnh thổ Pháp. Mạng lưới quan hệ của Levitsky ở Hội đồng Châu Âu - định chế gồm 47 quốc gia chú trọng đến nhân quyền, dân chủ và Nhà nước pháp quyền - mang lại nhiều lợi ích cho Nga, nước thường xuyên bị quốc tế chỉ trích.

Tại thành phố Strasbourg, các gián điệp và nhà ngoại giao ít bị dòm ngó hơn ở Geneve, Bruxelles hay New York, nhưng các hoạt động của cựu nhân viên tình báo quân đội Nga (GRU) lại quá lộ liễu. Người kế nhiệm của tổng lãnh sự bị trục xuất chỉ tại vị được ba tháng : lý lịch điệp viên của ông ta quá rõ.

Istanbul, sai lầm chiến thuật nặng nề nhất của Erdogan

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài "Imamoglu làm Erdogan sụp đổ ở Istanbul", Le Figaro cho biết ứng cử viên của phe đối lập giành được chức thị trưởng tại nơi mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xây dựng quyền lực, trong khi ông Erdogan đã làm mọi cách để tổ chức bầu lại, nghĩ rằng ông sẽ chiến thắng.

Đây là sai lầm chiến thuật có lẽ là nặng nề nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Recep Tayyip Erdogan. Không chỉ đảng AKP của ông thất bại lần thứ hai, mà ứng viên đối lập Ekrem Imamoglu mới 6 tháng trước còn vô danh, trong cuộc bầu cử thứ hai vượt đến trên 750.000 phiếu so với lần đầu chỉ hơn có 13.729 phiếu. Tỉ lệ người đi bầu vẫn giữ nguyên (84%).

Ông Imamoglu được lợi thế nhờ vài ứng cử viên của cánh tả và cánh trung rút lui, và cảm giác bất công gây ra khi chiến thắng lần đầu của ông bị hủy bỏ. Đó còn là nhờ liên minh giữa đảng dân chủ xã hội của ông với phe dân tộc chủ nghĩa Bon Parti (Iyi), cùng với sự ủng hộ của đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân Kurdistan - đảng này không giới thiệu ứng cử viên, và kêu gọi dồn phiếu cho Ekrem Imamoglu. Sự đoàn kết chống Erdogan là điều mà đối lập vẫn tìm kiếm từ 20 năm qua, và nhiều người vẫn mơ sẽ diễn ra trên toàn quốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiệt độ 50°C tại Pháp vào cuối thế kỷ ?

Trên trang nhất, Le Monde tiết lộ "Trump : Hậu trường của một nền ngoại giao không rõ ràng". La Croix nêu ra vấn đề đi máy bay, một sự tự do và tiện lợi nhưng nay đang bị chỉ trích vì thải khí CO2. Về thời sự nước Pháp, Les Echos chú ý đến "Kế hoạch của chính phủ để tái thúc đẩy tiết kiệm hưu trí", Le Figaro nói về những bước đầu thử nghiệm của lực lượng thanh niên tình nguyện, còn Libération quan tâm đến đợt nóng tuần này trên toàn nước Pháp.

Với dòng chữ đỏ trên nền hình tròn màu vàng như sức nóng mặt trời, Libération chạy tựa "Sức nóng của nỗi sợ". Nhiệt độ lên đến 40°C nhưng thực sự cảm nhận có thể đến 48°C : tuần lễ này hết sức gay go tại Pháp, nhưng vấn đề là trong tương lai những đợt nóng như thế không còn là ngoại lệ.

Trong những thập niên tới, các đợt nóng sẽ diễn ra sớm hơn, kể từ tháng Năm, và có thể trong tháng Mười. Nhà khí tượng học Robert Vautard cho biết từ nay đến cuối thế kỷ, tại Pháp có thể có ngày nóng đến 50°C như ở Ấn Độ hiện nay. Từ sau trận nóng thế kỷ năm 2003 làm 15.000 người chết, chính quyền Pháp đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa. Tuy nhiên, nhân tố chính là bệnh viện hiện nay đang quá tải, liệu có thể chịu đựng được nếu đợt nóng kéo dài ?

Libération đề nghị bốn giải pháp tại các đô thị : quan tâm đến việc chống nóng khi xây dựng nhà ở thay vì chỉ đối phó với cái lạnh như xưa nay, phủ xanh các diện tích bê-tông, hạn chế lượng xe hơi, và xem xét lại việc quy hoạch. Điều đáng chú ý là theo một số nghiên cứu, một thành phố "xây dựng lộn xộn" theo kiểu cổ lại chống nóng tốt hơn những thành phố hiện đại với những con đường rộng, thẳng hàng như Bắc Mỹ.

Thụy My

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 23/06/2019

Published in Video

Biển Đông : Trung Quốc công khai đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa (RFI, 21/06/2019)

Đài truyền hình Mỹ CNN hôm 21/06/2019 dựa trên các hình ảnh vệ tinh cho biết Trung Quốc đã đưa ít nhất bốn chiến đấu cơ J-10 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 có bằng chứng loại máy bay tiêm kích này được triển khai tại Biển Đông.

tq1

Ảnh vệ tinh của tổ chức CSIS Asia Maritime Transparency Initiative chụp các hệ thống vũ khí mới, gồm cả các chiến đấu cơ J-11, trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ngày 12/05/2018. Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe

Các chuyên gia khi quan sát những ảnh chụp này đã nhận định, các phi cơ J-10 đậu công khai ngoài trời cùng với các thiết bị, không có các thùng dầu phụ, cho thấy chúng đã được tiếp nhiên liệu ngay trên đảo và đã hiện diện ít nhất 10 ngày. Họ đặt câu hỏi vì sao Bắc Kinh lại muốn phô trương như vậy.

Ông Carl Schuster, cựu quan chức trung tâm tình báo phối hợp của bộ chỉ huy Thái Bình Dương, cho rằng Trung Quốc muốn "khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, và họ có thể đưa chiến đấu cơ đến bất kỳ nơi nào họ muốn. Đồng thời họ chứng tỏ là Bắc Kinh có thể mở rộng năng lực không quân trên Biển Đông theo ý mình".

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình chuẩn bị gặp tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị G20 tổ chức tại Nhật Bản tuần tới.

J-10 là loại chiến đấu cơ có tầm hoạt động 500 dặm (740 km), có thể bao phủ phần lớn Biển Đông và các tuyến đường hàng hải quan trọng tại đây.

Phú Lâm là đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, được đặt tên mới là Vĩnh Hưng.

Hiện chưa thấy phía Việt Nam lên tiếng. Điều đáng ghi nhận là trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã yêu cầu Trung Quốc "giáo dục các nhân viên", không để tái diễn tình trạng xua đuổi, tịch thu tài sản của các tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.

Thụy My

******************

Đặc khu kinh tế Trung Quốc tại Cam Bốt bác bỏ cáo buộc về né thuế (RFI, 21/06/2019)

Đặc khu kinh tế Sihanoukville do Trung Quốc sở hữu tại Cam Bốt hôm nay 21/06/2019 bác bỏ thông tin là các công ty ở đây đã bị phạt vì đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc để né thuế hải quan của Mỹ.

tq2

Cảng Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 28/09/2017. Reuters/Samrang Pring/File Photo

Hôm thứ Tư 19/6, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ Arend Zwartjes trong một email đã xác nhận với hãng tin Reuters là bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã thanh tra và phạt một số công ty bên trong đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) vì những công ty này đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng sản xuất tại Cam Bốt, nhằm tránh thuế hải quan mà chính quyền Donald Trump áp đặt lên Bắc Kinh. Phát ngôn viên này không cho biết thêm chi tiết.

Đặc khu kinh tế Sihanoukville trong một thông cáo đăng trên trang web tối qua đã bác bỏ cáo buộc trên đây, nói rằng họ đã kiểm tra nội bộ, nhưng không thấy đơn vị nào trong số 29 công ty tại đây có sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị hải quan Mỹ thanh tra và phạt.

Thông cáo tỏ ý tiếc là thông tin trên đã "gây phương hại sâu sắc cho uy tín của SSEZ", khẳng định "luôn cổ vũ các cơ sở trong đặc khu chấp hành luật lệ, kiên quyết phản đối các hoạt động bất hợp pháp".

Đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về thông cáo trên.

Trong tháng này, hải quan Việt Nam loan báo phát hiện nhiều trường hợp hàng Trung Quốc đội lốt "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, né tránh mức thuế bị Washington áp đặt trong thương chiến Mỹ-Trung.

Reuters ghi nhận Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ và nhà đầu tư lớn nhất của Cam Bốt, với hàng tỉ đô la viện trợ phát triển và cho vay trong khuôn khổ dự án "Một vành đai, một con đường". Phnom Penh từng tích cực ủng hộ Bắc Kinh, khiến hội nghị của ASEAN không ra được thông cáo chung về Biển Đông.

Thụy My

Published in Châu Á

Mỹ, Iran cận kề chiến tranh

Khi nào vùng Vịnh bốc cháy ? Vào lúc nhật báo Mỹ New York Times đưa tin tổng thống Trump suýt "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự nhắm vào cơ sở quân sự của Iran, nhưng đã dừng lại vào phút chót, tất cả các tờ báo Paris đồng loạt chạy tựa : "Căng thẳng Tehran – Washington tăng thêm một nấc".

myiran1

Những mãnh của chiếc drone Mỹ bị tên lửa Iran bắn rơi được trưng bày tại Tehran ngày 21/06/2019. Tasnim News Agency/Handout via Reuters

Sau khi drone của Mỹ bị Iran bắn hạ, Le Figaro ghi nhận "Nguy cơ xung đột ngày càng lớn". Tình hình "xấu thêm" khiến báo kinh tế Les Echos lo ngại giá dầu hỏa sẽ "bốc cháy". Nhưng theo tờ báo này, Iran không phải là yếu tố quyết định đối với giá xăng dầu trên thế giới, mà điều quan trọng nhất là mức tiêu thụ của nhân loại.

Trong cuộc đọ sức giữa một bên là nhà tỷ phú New York Donald Trump luôn khoe khoang tài đàm phán xuất chúng của mình và bên kia là giáo chủ Khamenei ở xứ nổi tiếng với khu chợ Bazar, cây bút uy tín của Le Monde, Alain Frachon, tóm tắt tình hình : đôi bên cùng tuyên bố không muốn chiến tranh, nhưng lại cùng "phô trương cơ bắp", cùng chơi đòn "gây áp lực tối đa" với đối phương. Làm thế nào để tránh lún sâu vào vòng xoáy chiến tranh ?

Dưới hàng tựa "Tehran và Washington trong bầu không khí chiến tranh", Libération đặt câu hỏi : cứ bảo rằng căng thẳng đang leo thang, vậy cầu thang dẫn tới chiến tranh vùng Vịnh có bao nhiêu bậc ? Tờ báo thiên tả này quy trách nhiệm cho tổng thống Hoa Kỳ "đổ dầu vào lửa" trong vùng Vịnh và cho rằng rồi đây ông Donald Trump sẽ phải "xử lý" chiến thuật "gây áp lực tối đa" của mình. Đúng là các đòn trừng phạt của Mỹ đẩy kinh tế Iran đến sát bờ vực thẳm, nhưng từ một năm qua Tehran vẫn không có nhu cầu đối thoại với Hoa Kỳ. Đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran mà Washington mong muốn không hề có một chút tiến triển.

Những động thái gần đây nhất của Iran là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo ở Tehran đang rơi vào cảnh "tuyệt vọng", như phân tích của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution được Libération trích dẫn. Điều ngạc nhiên duy nhất theo chuyên gia này là Tehran đã "kiên nhẫn đợi chờ một thời gian dài trước khi có phản ứng mạnh mẽ".

Giờ đây đôi bên cùng khoanh tay đợi xem cuộc đọ sức Mỹ - Iran có bước sang một khúc quanh mới sau vụ Tehran bắn hạ drone của Hải Quân Hoa Kỳ hay không.

Con tàu điên trong Nhà Trắng

Thêm một cuốn sách về Donald Trump. Một năm rưỡi trước đây, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ, Michael Wolff đã cho ra mắt công chúng cuốn "Fire and Fury –Lửa và cuồng nộ bên trong Nhà Trắng", tác giả nay lại thu hút bạn đọc với "Siege : Trump Under Fire – tạm dịch là Thế vây hãm, đạn chĩa vào Trump".

Báo Les Echos giới thiệu qua về cuốn sách mới mà trong đó Wolff tiết lộ, hơn hai năm Donald Trump ở Nhà Trắng, những cộng sự viên còn trụ lại bên ông, hay những người mới được tuyển vào đều ý thức được một điều : họ phục vụ Donald Trump, chứ không phải là làm việc cho tổng thống Hoa Kỳ vì quyền lợi của nước Mỹ.

Bên trong phủ tổng thống lúc nào cũng nặng trĩu bầu không khí của những phe phái, của những cãi vã liên hồi. Ngay cả chàng rể cưng của ông là Jared Kushner cũng đã trả giá cho bài học đó. Michael Wolff kết luận : ông "thường xuyên nhận thấy rằng những cộng sự viên càng gần gũi với Donald Trump càng tỏ ra nghi ngờ về sự tỉnh táo của nguyên thủ quốc gia Mỹ".

Cuộc chạy đua vào phủ thủ tướng Anh

Ngoài Iran và lò lửa ở vùng Vịnh, đề tài thu hút báo chí Pháp hôm nay là cuộc chạy đua vào số 10 Downing Street, căn hộ dành cho thủ tướng Anh. Tranh chiếc ghế thủ tướng của Theresa May giờ đây còn lại hai đối thủ đối thủ là Boris Johnson và Jeremy Hunt. Les Echos đánh giá "Bàn thắng đang nghiêng về ông Johnson".

Le Figaro cho biết, bà May giữ bí mật tuyệt đối khi được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ai trong số hai nhân vật này. Bí mật ấy bà giữ rất kín, kể cả với người bạn đời. Nhưng có ít khả năng bà tặng lá phiếu của mình cho Boris Johnson, người không ngừng "ném đá" vào kế hoạch Brexit của bà. Tương tự như báo Les Echos, Le Figaro cũng cho rằng, Boris Johnson đang chiếm thế thượng phong. Nhưng tờ báo này không loại trừ khả năng "ngựa về ngược", nhất là với Boris Johnson, rủi ro về những sai lầm chiến lược hay những phát biểu vụng về của ông ta là "rất lớn".

Libération công bằng hơn Le FigaroLes Echos khi phác họa chân dung của hai ứng viên thủ tướng Anh. Boris Johnson được tờ báo đặt cho cái tên là "kẻ nói láo" và bài viết trên Libération đưa ra ngay một thí dụ cụ thể : hôm 03/05/2019, Johnson viết tin nhắn trên Twitter "vừa hoàn thành nhiệm vụ công dân, đi bầu tại Luân Đôn".

Rủi thay, đúng ngày hôm đó không có cuộc bầu cử nào tại khu vực Luân Đôn, mà chỉ có những cuộc bầu cử địa phương tại một vài tỉnh thành ở Vương Quốc Anh. Đáng nói hơn nữa, theo nhật báo Libération, đây chỉ là một viên sỏi mới trong khu vườn đã đầy dẫy những "dối trá" khác của Boris Johnson.

Ở bên kia góc đài, đối thủ của Johnson là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt. Tờ báo mô tả ông này là một người "nho nhã", không bao giờ lớn tiếng với ai hay biến mình thành trò cười cho thiên hạ. Có điều, so với một Boris Johnson quá sôi động thì ông Hunt có vẻ "mờ nhạt".

Đồng tiền libra của Facebook : phúc hay họa ?

Les Echos trở lại với đồng tiền ảo libra của Facebook với câu hỏi : "Có nên sợ đồng tiền của Facebook" ?

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Pascal de Lima được tờ báo trích dẫn, lo ngại này là chính đáng, bởi một khi libra đã là một ngoại tệ, được hơn hai tỷ người trên hành tinh sử dụng (70 % sống tại Châu Á) thì Facebook mặc nhiên đóng vai trò của một ngân hàng, có nghĩa sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ chống lạm phát hoặc để kích thích đầu tư và tiêu thụ. Ngân hàng đó cũng sẽ phải mở hay khóa van tín dụng tùy vào hoàn cảnh, tùy vào chính sách và mục tiêu kinh tế. Nhưng "ngân hàng" Facebook và đồng tiền libra phục vụ "chính sách và mục tiêu kinh tế của quốc gia nào ?" Đó là chưa kể, tới nay, Facebook có nhiều sơ sót trong việc bảo mật các dữ liệu cá nhân cho người sử dụng, thử hỏi, làm sao chúng ta dám tin cậy mạng xã hội này để ủy thác tiền bạc, dùng đồng tiền đó để mua bán ?

Xã luận của Le Monde khắt khe hơn với mạng xã hội do Zuckerbeg lập ra, qua nhận định : "Đã qua rồi cái thời mà Facebook bảo gì người sử dụng cũng răm rắp tin theo". Facebook đã moi đủ loại thông tin : chúng ta ăn gì, mua gì, đi chơi đâu, đi nghỉ mát ở đâu và cả khuynh hướng chính trị của chúng nữa.

Bây giờ Facebook muốn "quản lý luôn cả túi tiền" của chúng ta với đồng libra. Đừng quên rằng, 98% thu nhập của Facebook có được là nhờ tiền quảng cáo. Le Monde hoài nghi : "Có gì bảo đảm rằng, sau đồng libra, trong tương lai, Mark Zuckerberg sẽ không sáng chế ra thêm những sản phẩm tài chính khác" ? Mỗi lần Facebook bị bắt quả tang vi phạm những sai lầm nghiêm trọng, Zuckerberg chỉ biết xin lỗi suông. Đã đến lúc nên "ngừng tin vào những lời nói suông đó".

Quảng trường Concorde-Paris và Thế Vận Hội Olympic 2019

Năm năm trước Thế Vận Hội 2024, Le Figaro lưu ý độc giả trong hai ngày cuối tuần này, quảng trường Concorde - Paris khoác lên mình màu cờ Olympic.

Để thu hút chú ý của công chúng, Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris Cojo cùng với bộ Thể Thao Pháp và Ủy ban Olympic Quốc gia dự trù hơn 700 sinh hoạt trên toàn quốc trong hai ngày 22 và 23/06/2019. Riêng tại Paris, năm nay quảng trường Concorde là điểm hẹn của giới yêu thể thao. Đây là nơi để giới thiệu với công chúng hơn 30 bộ môn được thi đấu tại Olympic và cuộc tranh tài Paralympic, 150 vận động viên nổi tiếng của Pháp sẽ về đây, cùng thi đấu và chung vui với khán giả đúng theo tinh thần lễ hội thể thao. Tờ báo kết luận : Quảng trường Concorde sẽ là "tủ kính đẹp nhất của Thế Vận Hội Olympic".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Những thông điệp từ chuyến công du của Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của chủ tịch Trung Quốc trước khi gặp gỡ lãnh đạo G20 tại Osaka ; ông Donald Trump khai cuộc rầm rộ chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ, chạy đua căng thẳng giành vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những thời sự nổi bật của các báo Pháp ra hôm nay.

tap1

Một màn ảnh khổng lồ trên đường phố truyền đi hình ảnh Tập Cận Bình gặp Kim Jong-un, Bắc Kinh, 20/06/2019. GREG BAKER / AFP

Nhật báo Le Monde khái quát chuyến thăm Bắc Triều Tiên 2 ngày của chủ tịch Trung Quốc bằng hàng tựa : "Tại Bình Nhưỡng, Tập Cận Bình trong vai trò trung gian giữa Kim và Trump". Tờ báo ghi nhận "đến Bắc Triều Tiên, chủ tịch Trung Quốc muốn chứng tỏ vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh bên cạnh người láng giềng". Đây là chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đến Bình Nhưỡng trong 14 năm qua, trong khi mà Kim Jong-un đã bốn lần qua Bắc Kinh trong vòng 2 năm qua từ khi Bắc Triều Tiên bắt đầu đối thoại trực tiếp với Mỹ về giải trừ hạt nhân. Điều đó khẳng định Trung Quốc là một tác nhân không thể thiếu trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng chứng tỏ Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết là một nhân tố trong các tranh chấp đối kháng giữa Bắc Kinh và Washington.

Khi mà cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên rơi vào bế tắc từ sau thất bại ở thượng đỉnh Hà Nội, Trung Quốc lại càng muốn chứng tỏ vai trò tác nhân giữ ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như là nước có khả năng trung gian hòa giải. Điều này giúp Bắc Kinh tạo thanh thế trong các cuộc thương lượng riêng với Hoa Kỳ. Theo Le Monde, "Bắc Kinh muốn ngầm nhắc rằng chiến thuật "áp lực tối đa" đối với Bắc Triều Tiên mà Washington đang theo đuổi sẽ chỉ có tác dụng, nếu có sự can dự đầy đủ của Bắc Kinh". Đây sẽ là một điều kiện không kém phần quan trọng cho các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ.

Về phần Bắc Triều Tiên, chuyến đi của ông Tập giúp lãnh đạo Kim Jong-un củng cố thanh thế cá nhân, rằng ông vẫn luôn có người bạn lớn bên cạnh trong chiến lược phá thế cô lập ngoại giao được theo đuổi hơn hai năm qua, với ít nhiều thành công.

Còn tờ báo kinh tế Les Echos thì nhìn thấy chuyến của ông Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng tạo đà cho cuộc gặp còn quan trọng hơn nhiều với tổng thống Trump ít hôm nữa, bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka. Les Echos trích nhà nghiên cứu chính trị Triệu Thông (Zhao Tong), thuộc Trung tâm Chính trị toàn cầu Carnegie-Tsinghua : "Tập Cận Bình muốn nhắc Mỹ phải tính đến ảnh hưởng của Trung Quốc để giải quyết chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên". Les Echos nhận định : "Trung Quốc như vậy có thể dùng chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Tập như là một lý lẽ có sức nặng trong cuộc mặc cả với Washington. Bắc Kinh muốn chứng minh rằng Mỹ không thể một mặt phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mặt khác vẫn ép Bắc Kinh tuân thủ cấm vận Bắc Triều Tiên". Bên cạnh đó, tổng thống Trump muốn thành công trong đối sách với Bình Nhưỡng thì phải mềm dẻo với Trung Quốc, nước duy nhất có thể khiến Bình Nhưỡng nhượng bộ.

Tìm ai lãnh đạo được Châu Âu ?

Cuộc tìm kiếm lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu là thời sự chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Pháp. Nghị Viện mới của Châu Âu đã được bầu gần một tháng, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sửa soạn ra đi, các nước thành viên Liên Hiệp và Nghị Viện phải tìm người thay thế.Nhiệm vụ tưởng đơn giản, nhưng trên thực tế chứa đầy thách thức.

Trang nhất nhật báo La Croix chạy tựa lớn : "Châu Âu tìm kiếm người cầm đầu". Nguyên thủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp, trong hôm nay (20/06) và ngày mai, để thống nhất về người có khả năng cầm cương Ủy Ban Châu Âu. La Croix tự hỏi : "Chờ đợi gì ở người kế nhiệm ông Jean-Claude Juncker ? Số người nhăm nhe ứng cử vào vị trí then chốt của EU, dù đã tuyên bố hay không nói ra, đều rất đông. Nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn bao giờ hết, trong bối cảnh nước Anh liên tục khất lần chuyện Brexit. Nhiều chương trình lớn của Châu Âu đang chờ lãnh đạo các nước bàn thảo, như ngân sách sắp tới của Liên Hiệp, cải cách khu vực đồng euro (Eurozone), quản lý di dân. Và nhất là trong bối cảnh xu hướng dân tộc cực đoan đang dâng cao ở Châu Âu".

La Croix khẳng định : "Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chức vụ căng thẳng". Trong bài xã luận, tờ báo đưa ra các phẩm chất để chọn vị lãnh đạo tương lai của EU : "Không có ứng viên lý tưởng, nhưng người ta có thể lấy 3 phẩm chất để sàng lọc người thích hợp với vị trí này. Phải là một vị nhạc trưởng nhạy cảm với các thách thức môi trường, có khả năng đương đầu với các vấn đề lớn của thế giới này và chăm lo cho sự gắn kết của toàn Châu Âu".

Nhiệm vụ chọn người cầm lái con tàu Liên Hiệp Châu Âu càng trở nên khó khăn, khi mà hai thành viên đầu tàu của Liên Hiệp, Đức và Pháp, đang bất đồng sâu sắc. Các báo đều có chung nhận định là các bên không thể đạt được thỏa thuận chọn người lãnh đạo Ủy Ban, cũng như các vị trí chủ chốt của EU trong hai ngày họp thượng đỉnh. Nhật báo Le Figaro khẳng định không có gì bảo đảm cuối tuần này người ta sẽ biết được danh tính người lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu vì "Angela Merkel và Emmanuel Macron, đang mặt nặng mày nhẹ, chống đối nhau trong việc chọn ứng viên. Ai cũng muốn đưa người của mình vào nhằm tạo thanh thế, ảnh hưởng của nước mình vào công việc điều hành một liên hiệp 28 thành viên". Sự kiện này cũng là một thách thức cho Châu Âu sao cho không bị rơi vào khủng hoảng nội bộ, như hy vọng của nhật báo Les Echos. Trong khi đó các ứng viên tiềm năng cho chức danh lãnh đạo các định chế của Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, vận động sự ủng hộ từ khắp nơi, khắp chỗ có thể. Thực tế này một lần nữa lại cho thấy Liên Hiệp Châu Âu là một khối, nhưng còn lâu mới thống nhất và đoàn kết.

Donald Trump tái tranh cử để "giữ cho nước Mỹ vĩ đại ?"

Nhìn sang nước Mỹ, sự kiện tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 hôm 18/06, tuy không có gì là bất ngờ, nhưng vẫn được các báo Pháp quan tâm theo dõi.

Le Monde ghi nhận : "Trump khởi động chiến dịch rầm rộ chiến dịch" tái tranh cử tại bang Florida. Theo Le Monde, trước hàng nghìn người ủng hộ, tập hợp trong nhà thi đấu thể thao ở Orlando, đương kim tổng thống Mỹ lại mở màn chiến dịch tranh cử của mình bằng những chiêu cũ : tấn công vào Hillary Clinton, đối thủ cũ của ông trong cuộc tranh cử hồi 2016. Ông Trump tỏ ra rất quyết liệt, dữ dội lên án phe Dân Chủ, dù đảng này vẫn chưa có đối thủ trực tiếp chạy đua với đương kim tổng thống. Ông Trump tố cáo họ "phá hoại cách sống", "phá hoại giấc mơ của người Mỹ". Từ "phá hoại" được ông Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn khi đề cập đến đảng Dân Chủ. Ông chỉ dành 1/3 nội dung cuối bài phát biểu để nói về những thành công kinh tế.

Liên quan đến sự kiện này, báo Libération cho biết, tổng thống Mỹ, được sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Cộng Hòa, ngay từ giờ đã quyên góp được 80 triệu đô la cho chiến dịch tái tranh cử 2020.

Tờ báo nhận xét, so với lần tranh cử trước cách đây 4 năm, chiến dịch lần này của ông Trump có nhiều cái khác căn bản. Ê-kíp tranh của của ông Donald Trump lần này tổ chức chặt chẽ và tinh vi hơn so với những thành viên có thể gọi là thiếu kinh nghiệm của năm 2016.

Lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của ông Trump là ông Brad Parscale, một chuyên gia về truyền thông, tuổi ngoài 40, đã làm việc cho Donald Trump từ năm 2011. Chiến dịch lần này đã đầu tư hàng triệu đô la cho các hoạt động quảng bá trên đủ loại mạng xã hội, từ Facebook đến Youtube.

Nếu như khẩu hiệu của lần tranh cử lần trước của ông Trump là "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" thì ở lần tái tranh cử, khẩu hiệu được chỉnh lại "giữ cho nước Mỹ vĩ đại", một khẩu hiệu hàm ý khoe khoang thành công của nhiệm kỳ đầu.

Trong tương lai, di dân tị nạn trên thế giới còn đông nữa

Hôm nay là Ngày Quốc tế Người tị nạn. Nhiều tờ báo Pháp đã dành nhiều bài viết để đánh động dư luận trước những số phận đáng thương vì ngoại cảnh nghiệt ngã đã phải tha phương bảo toàn cuộc sống.

Báo La Croix đưa con số : "70,8 triệu người chạy trốn chiến tranh hay truy bức". Đó là số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công bố hôm qua. Đáng chú ý là Venezuela nằm trong số các nước có đông người tị nạn nhất.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hơn 1 tỷ đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên thế giới đã rời khỏi mảnh đất quê hương của mình đi nơi khác, tìm sự an toàn hay hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong đó có 700 triệu người phải "tị nạn" trong chính đất nước mình, 250 triệu người phải ra nước ngoài kiếm sống, 70,8 triệu người phải bỏ lại nhà cửa quê hương chạy trốn chiến tranh hay các truy bức.

Theo La Croix thì từ sau Thế chiến thứ 2, chưa bao giờ con số di dân, tị nạn lại cao đến như vậy. Hầu hết các di dân tị nạn đều hướng về Châu Âu hay Bắc Mỹ. Do đất nước lâm vào khủng hoảng, khánh kiệt, 4 triệu người Venezuela đã bỏ sang các nước láng giềng mưu sinh. Các chuyên gia nhận định, sẽ còn có nhiều di dân hơn nữa trong tương lai.

Anh Vũ

Published in Châu Á

Thăm Bắc Triều Tiên : chủ tịch Trung Quốc muốn có thêm lá bài mặc cả với Mỹ (RFI, 19/06/2019)

Ngày 28 và 29/06/2019 tại thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ dự kiến gặp nhau. Tranh chấp thương mại là hồ sơ trọng tâm. Chỉ ít ngày trước cuộc gặp quan trọng này, Bắc Kinh thông báo ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên trong hai ngày, 20 và 21/06/2019.

tap1

Truyền hình Trung Quốc CCTV chiếu cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. Reuters/Jason Lee/File Photo

Đây lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ 14 năm nay. Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Bắc Triều Tiên ?

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi, được cho là mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều tiếng nói khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối thoại Mỹ - Bắc Triều Tiên.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời điểm đặc biệt nhạy cảm này là để khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang rơi vào bế tắc, kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội, cuối tháng 02/2019. Việc chủ tịch Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông buộc Bắc Kinh rút vào thế phòng ngự tạm thời.

Theo ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học Bucknell, Pennsylvania, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng : Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên đều vô ích.

Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trung tâm Carnegie – Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh, cuộc hội kiến Tập – Kim tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng tác động đến chế độ Bắc Triều Tiên, với tư cách người bảo trợ, đồng minh thân cận nhất. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung Quốc.

Ông Triệu Thông phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ "mềm mại" hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), Đại học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông qua chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về các lo ngại của chế độ Bắc Triều Tiên, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Theo ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á của viện tư vấn Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ - Bắc Triều Tiên có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ - Bắc Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bắc Triều Tiên, kèm theo đó là nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến chính quyền Kim Jong-un thêm vững tâm, khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi của Mỹ, như nhận định của ông James Schoff, một chuyên gia về Đông Á của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Trọng Thành

*****************

Chủ tịch Trung Quốc ca ngợi Bắc Triều Tiên chọn "hướng đi đúng" (RFI, 19/06/2019)

Ngày 20/06/2019, chủ tịch Trung Quốc công du Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên kể từ 14 năm nay.

tap2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2019. KCNA via Reuters

Báo chí chính thống của Bình Nhưỡng hôm nay, 19/06/2019, đăng tải một bài viết của nguyên thủ Trung Quốc ngay trên trang nhất. Theo nhiều nhà quan sát, đây là một động tác ngoại giao hiếm có của chính quyền Bình Nhưỡng.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :

"Rất hiếm khi báo chí chính thống Bắc Triều Tiên lại dành một "vinh hạnh" như vậy cho một nguyên thủ nước ngoài : Tờ Rodon Sinmun trang trọng dành trang nhất cho một bài viết của chủ tịch Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với hướng đi đúng mà chế độ Bình Nhưỡng lựa chọn để giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ các nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhằm phát triển kinh tế nước này.

Chuyến công du Bắc Triều Tiên của lãnh đạo Trung Quốc được hưởng ứng tại Seoul. Nhật báo Joongang Ilbo, theo xu hướng bảo thủ, nhận định là cuộc hội kiến Tập – Kim mang lại một tia hy vọng cho việc nối lại tiến trình đối thoại. Nhật báo Joongang Ilbo cũng nhắc lại là sự sống còn của chế độ Kim Jong-un phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Về phần mình, nhật báo Hankyorech cho rằng thượng đỉnh ngày mai có thể là điểm xuất phát cho những thay đổi lớn trên bán đảo. Niềm lạc quan này cũng được phủ tổng thống Hàn Quốc chia sẻ. Chính quyền Seoul hy vọng là chủ tịch Trung Quốc sẽ gây áp lực để lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở lại các đàm phán về hạt nhân".

Ngăn Bắc Triều Tiên nhập thêm dầu : Trung Quốc và Nga bác yêu cầu của Mỹ

Thêm một dấu hiệu ủng hộ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng : Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 18/06/2019, Trung Quốc và Nga đã bác bỏ một sáng kiến của Mỹ nhằm ngăn chặn việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Bắc Triều Tiên. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Washington khẳng định lượng dầu mỏ nhập vào Bắc Triều Tiên đã vượt quá hạn định cho phép trong năm 2019. 25 quốc gia, trong đó Pháp, Đức, Nhật, ủng hộ sáng kiến của Mỹ. Bắc Kinh và Moskva cho rằng cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu khiếu nại của Mỹ.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Khủng hoảng Mỹ-Iran : rủi ro mê hồn trận

Hồng Kông và Hoa lục, tuy cùng một nước nhưng ngày càng xa nhau. Mỹ và Iran cùng thổi lửa tại Trung Đông. Hai địa danh đầy bất trắc tiếp tục chiếm ngự các trang chính của báo chí Pháp hôm nay bên cạnh thời sự bóng đá nóng bỏng.

myiran1

Dân Iran đốt mặt nạ hình tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc biểu tình ở Tehran, ngày 31/05/2019 - Meghdad Madali/Tasnim News Agency/via Reuters

Nguy cơ chiến tranh toàn diện đe dọa Trung Đông

Le Monde, La Croix, Le Figaro đồng loạt báo động Trung Đông có nguy cơ chìm trong thảm họa chiến tranh. Một mê hồn trận đang mở ra ở vùng Vịnh nếu Mỹ và Iran tiếp tục leo thang dọa nhau.

Làm mưa làm gió trên hồ sơ hạt nhân, Iran đe dọa sẽ không tôn trọng hiệp định hạt nhân 2015, Le Monde cho biết Tehran gây thêm căng thẳng với hai mục đích : vừa gây chia rẽ nội bộ chính phủ Hoa Kỳ, giữa phe diều hâu và phe chủ hòa vừa khuyến cáo châu Âu phải có hành động "giải tỏa" lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, thay vì chỉ phản ứng thụ động. Vấn đề là liệu Washington và Iran có đủ bình tĩnh để dừng lại đúng lúc hay không ? Nhận định của tổng thống Pháp hôm 13/05, sau vụ hai tàu dầu bị tấn công trong biển Oman nói lên mối lo ngại này : Nếu mỗi bên cứ nhân danh an ninh chung ra tay tiêu diệt trước nguy cơ đe dọa thì cuộc mặc cả sẽ leo thang không biết đến khi nào. Nhưng không phải chỉ có hai tác nhân Mỹ và Iran, mối lo càng lớn hơn nữa vì thủ tướng Israel đã biểu lộ thái độ cứng rắn : "Israel không để cho Iran chế tạo bom hạt nhân". Thế giới hồi hộp chờ thêm 10 ngày nữa, phát ngôn viên cơ quan hạt nhân Iran báo trước là đến ngày 27/06, Iran sẽ chế tạo hơn 300 kilô uranium tinh lọc. Mỹ và Israel sẽ hành động như thế nào ?

La Croix cũng lo ngại không kém. Với bức ảnh một chiếc tàu dầu bị bốc lửa sau vụ tấn công bí ẩn vào tuần trước trong biển Oman, nhật báo công giáo dành hai trang phân tích các rủi ro có thể biến xung khắc Mỹ-Iran thành chiến tranh toàn diện : Iran tuyên bố không có lý do gì tôn trọng hiệp định 2015, Mỹ đưa thêm 1000 quân sang vùng Vịnh theo chiến thuật "áp lực tối đa", Saudi Arabia sẵn sàng ủng hộ Mỹ đến cùng, Hội đồng 6 vương quốc vùng Vịnh đoàn kết ngăn chận ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho phép La Croix và đồng nghiệp Le Figaro suy đoán một chiến dịch quân sự do Mỹ đề xuất rất khó huy động được các nước trong vùng thực tâm ủng hộ. Trước hết, theo nhật báo công giáo, trong các hồ sơ quốc tế từ Trung Quốc, Iran cho đến Bắc Triều Tiên, tổng thống Donald Trump lớn tiếng hô hào chỉ vì quyền lợi kinh tế của Mỹ mà thôi.

Cũng trong tầm nhìn này, Le Figaro nhận định : mặt trận chống Iran bị rạn nứt. Vương quốc Ả Rập Thống Nhất cũng chống giải pháp quân sự. Đồng minh thứ hai là Saudi Arabia cũng không rõ ràng : quốc vương Salman kêu gọi "trả đũa tối đa" còn thái tử nối ngôi Mohammad bin Salman lại tuyên bố "không muốn chiến tranh" cho dù tố cáo đích danh Iran là thủ phạm tấn công hai tàu dầu ở biển Oman.

Hồng Kông, con gà đẻ trứng vàng của Trung Quốc tẩy chay chế độ Bắc Kinh

Tập Cận Bình phải nhượng bộ chiến thuật để bảo vệ đầu cầu kinh tế. Đó là nhận định của Le Monde Les Echos.

Trong bài phân tích "Hai Nhà nước trong một quốc gia", chuyên gia Trung Quốc học Emmanuel Dubois de Prisque đặt câu hỏi : vì sao một dự luật dẫn độ liên quan đến nghi can phạm pháp sang Trung Quốc lại bị dân Hồng Kông chống đối mãnh liệt trong khi hàng chục nước khác đã ký với Bắc Kinh ?

Thực chất vấn đề, theo tác giả, dân Hồng Kông muốn đẩy Hoa lục "đi chỗ khác". Bảo vệ tính độc lập của tư pháp cũng là bảo vệ "bản sắc và chủ quyền". Giới trẻ Hồng Kông rất sung sướng khi biết lãnh địa của mình là nơi trú ẩn an toàn cho những người bị Trung Quốc truy bắt hơn cả nhiều nước châu Âu, trong đó có nước Pháp. Qua qui mô hàng triệu người xuống đường, mọi người đều thấy dự luật dẫn độ là một tia lửa trong toàn cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và dân Hồng Kông đã suy thoái từ trong cơ cấu. Giới trẻ Hông Kông, hoàn toàn đoạn tuyệt với khẩu hiệu tuyên truyền của Bắc Kinh theo đó "Trung Quốc với Hồng Kông có định mệnh tương đồng" cùng xóa tan tàn tích đô hộ Tây phương. Tuy nhiên, những cây dù vàng được giương lên trong đoàn biểu tình là biểu tượng của quyết tâm không để bị tuyên truyền chính trị của chế độ Trung Quốc lây nhiễm. Gắn bó với tự do chính trị và độc lập tư pháp, Hồng Kông chứng tỏ là một thành phố Tây phương, không chỉ vì lịch sử mà còn vì vị trí địa lý, nhìn ra biển khơi thoáng đạt, bỏ Hoa lục ở sau lưng với hàng rào chính trị và tường lửa kiểm soát thông tin.

Trái lại, theo quan điểm của Bắc Kinh, tình hình căng thẳng hiện nay không phải do chính sách can thiệp của Trung Quốc gây ra mà vì "kiểm soát không chặt chẽ". Một cuộc nổi dậy như thế, nếu diễn ra tại Hoa lục, như phong trào sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, đã bị guồng máy công an đàn áp từ trong trứng nước. Vấn đề là nếu hai nền kinh tế liên hệ chặt chẽ thì trái lại về chính trị, hai bên ngày càng xa nhau.

Hồng Kông gặp định mệnh không may vì lúc thương thuyết lấy lại chủ quyền, Trung Quốc chuyển hướng mở cửa với Tây phương. Thế mà, khi xảy ra phong trào dân chủ Thiên An Môn thì chế độ lại đàn áp một cách tàn bạo.

Bắc Kinh phản ứng ra sao để tránh mô hình "một quốc gia hai chế độ" biến thành "một quốc gia, hai Nhà nước", sản sinh một "Nhà nước Hồng Kông" dựa trên nền tảng tự do dân chủ tương phản với chế độ Trung Quốc.

Cùng chủ đề, thông tín viên của Libération cho biết, dù lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) công khai xin lỗi, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn. Chiến thuật của giới trẻ là thu hút truyền thông quốc tế chú ý đến Hồng Kông. Xuống đường chỉ là một trong các phương án.

Trong khi đó, nhật báo Les Echos, với cái nhìn kinh tế, cho là "Tập Cận Bình phải nhượng bộ mà thôi" vì áp lực của cộng đồng quốc tế và của giới doanh nhân, tài chính. Cho dù không hoàn toàn thỏa mãn vì dự luật dẫn độ chưa bị hủy bỏ và Carrie Lam "con rối của Bắc Kinh" chưa từ chức, phong trào tranh đấu ghi được bàn thắng vẻ vang đầu tiên : cảnh báo Trung Quốc là "đừng tưởng dễ nuốt Hồng Kông».

Cũng trong bối cảnh căng thẳng này và chiến tranh thương mại với Mỹ, chủ tịch Trung Quốc đi thăm Bắc Triều Tiên. Le Figaro suy đoán Tập Cận Bình đánh lá chủ bài Kim Jong-un để trắc nghiệm Donald Trump trước thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng.

Cúp Vô địch Bóng đá nữ Thế giới đang diễn ra tại Pháp

Le Monde không bỏ lỡ cơ hội vinh danh phái đẹp : Phụ nữ là tương lai của bóng đá. Trong khi đó, Libération dành nhiều trang về tai tiếng tham ô trong liên đoàn FIFA khi trao quyền tổ chức Cúp Thế Giới 2022 cho Qatar.

Từ trang nhất cho đến trang 5, Libération đưa độc giả vào cuộc điều tra bắt đầu từ ba năm nay để trả lời câu hỏi vì sao Qatar, một tiểu quốc sa mạc nóng quanh năm, được FIFA cho tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới 2022. Cựu danh thủ Pháp Michel Platini, nguyên chủ tịch liên đoàn bóng đá Pháp bị tạm giữ để điều tra cùng với một nữ cố vấn của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Tư pháp muốn biết nội dung cuộc trao đổi trong bữa ăn ở điện Elysée do tổng thống Pháp lúc bấy giờ khoản đãi trong đó có Michel Platini và Nasser al Khelaifi, nhân vật tín cẩn của triều đình Qatar và cũng là chủ tịch câu lạc bộ Paris Saint Germain.

Để cổ vũ thêm cho phong trào bóng đá nữ quốc tế mà 24 đội tuyển đang tham gia Cúp Thế Giới 2019 tại Pháp, Libération than phiền là tiếng Pháp phải chế ra nhiều từ "giống cái" cho "nữ làm bàn" "nữ thủ môn" "nữ trọng tài" "nữ huấn luyện viên". Với tiếng Pháp thì rắc rối vô cùng bởi vì các nhà văn phạm không theo kịp. Thật ra, theo nhật báo cánh tả, lỗi không do ngôn ngữ chậm theo mà vì "ý thức hệ trọng nam khinh nữ" trong bộ môn thể thao số một thế giới.

Cùng nhận định, Le Monde chọn hướng tấn công khác qua bài "Nữ giới là tương lai của bóng đá". Trước hết là kết quả vòng một của đội tuyển tóc dài Pháp : ba trận đấu, ba trận thắng, cũng với những vui mừng và cực nhọc cam go như đồng nghiệp nam giới. Trong nhiều thập niên, bóng đá nữ là nạn nhân của định kiến xem thành công hay thất bại của họ là vì họ là phụ nữ. Từ 2011 đến nay, giới lãnh đạo bóng đá Pháp, cấp quốc gia cũng như câu lạc bộ, tập trung đầu tư vào bóng đá nữ, tuyển dụng huấn luyện viên, mở trường đào tạo, khuyến khích tài năng. Các đài truyền hình cũng quan tâm hơn, khán giả đi xem trận đấu đông đảo hơn. Theo Le Monde, đã đến lúc tăng tốc chuyên nghiệp hóa bóng đá nữ sau Cúp Vô Địch Thế Giới 2019 không phải chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp châu Âu, hiện đang còn quá yếu và quá ít (tài chính).

Một trong những chênh lệch nam nữ cần phải cân bằng là lương bổng và giá vé .

Năm 2050, làm sao nuôi 10 tỷ dân địa cầu ? 

Theo Le Monde thì không nên lo thái quá vì giới chuyên gia nông nghiệp có giải pháp.

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến giữa thế kỷ 21, dân số địa cầu sẽ là 9,7 tỷ người và 11 tỷ vào cuối thế kỷ .

Câu hỏi then chốt là trái đất có đủ lương thực hay không ? Theo chuyên gia canh nông sinh thái Marc Dufumier, nếu tuân thủ nguyên tắc canh tác tôn trọng môi trường thì không có gì phải lo. Nói cách khác, phải giảm bớt lối trồng trọt sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học với mục đích tăng năng suất nhưng kỳ thật là phá hoại đất đai, nguồn dinh dưỡng của hoa màu.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Hồng Kông : "Tập Cận Bình lui là phải !"

Hai chữ "Hồng Kông" vẫn được các báo Pháp hôm nay 18/06/2019 tiếp tục nhắc đến.

tap1

Biển người Hồng Kông biểu tình đòi rút dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 16/06/2019. Reuters/Jorge Silva

Le Monde trên trang nhất, đăng ảnh một dòng người đen nghịt chạy tít "Hồng Kông : Làn sóng thủy triều người vì dân chủ". Les Echos cho rằng "Bắc Kinh đang cố cứu vãn sĩ diện trước Hồng Kông".

Trước sự phản đối mạnh mẽ của hơn hai triệu dân Hồng Kông, lãnh đạo đặc khu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải thông báo hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, đồng thời phải lên tiếng "xin lỗi" người dân đặc khu.

Trung Quốc, thông qua lời ngoại trưởng đã có phản ứng, khẳng định : "Chính quyền trung ương sẽ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo đặc khu hành chính". Tuy nhiên, Les Echos nhắc đến chi tiết, ngay từ tuần rồi, Bắc Kinh đã bắt đầu giữ khoảng cách với dự luật khi giải thích rằng đó là sáng kiến của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Nhà nghiên cứu chính trị Victoria Hui, trường Đại học Notre Dame ở Mỹ cho là khó có thể tin rằng bà Lâm có thể đưa ra một quyết định như thế mà không có sự chấp thuận từ trước của Bắc Kinh. Việc rút bỏ dự luật là "một thất bại đối với ông Tập Cận Bình" như nhận xét của Le Monde.

Và thất bại này đang làm sứt mẻ hình ảnh của vị lãnh đạo đầy quyền lực Tập Cận Bình như nhận xét của nhà chính trị học Willy Lam với AFP được Les Echos trích dẫn : "Lãnh đạo của 1,4 tỉ dân Trung Quốc không thể nào kiểm soát được một vùng lãnh thổ chỉ có 7 triệu dân".

Bước lùi "chiến thuật" ?

Nhưng ông Hua Po, một chuyên gia khác cảnh báo "Tập Cận Bình cần tỏ vẻ cứng rắn. Ông sẽ không lùi bước một cách dễ dàng". Ba mươi năm sau vụ trấn áp đẫm máu Thiên An Môn, ông Tập Cận Bình đã chọn "một bước lùi chiến thuật" theo như phân tích của ông Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-Tít tại Hồng Kông.

Về điểm này, nhà báo Renaud Girard trên tờ Le Figaro cho rằng "Tập Cận Bình lùi là phải". Ông chẳng có lợi gì khi người phủ đầy máu đến dự thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/06/2019 tại Osaka Nhật Bản.

Các cường quốc Châu Á đã cảm thấy bất an trước sự chuyển hướng độc tài của chế độ Bắc Kinh kể từ năm 2012. Thêm vào đó là chính sách bành trướng hải quân tại vùng Biển Đông, tính chất hung hăng của chính sách "Con đường Tơ Lụa" nhằm có được những nhượng bộ béo bở từ các nước nhỏ "ngập đầu trong nợ nần". Tập Cận Bình không muốn làm cho hình ảnh của mình trở nên thêm tồi tệ.

Đây là giai đoạn tế nhị đối với chủ tịch Trung Quốc. Từ tháng Giêng năm 2018, tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại. Một năm sau, chính quyền Trump lại mở tiếp một cuộc chiến công nghệ chống lại Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp kỹ nghệ. Trong vị thế chống Trung Quốc, tổng thống Trump vẫn còn chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phe Dân Chủ. Do vậy, một biển máu Hồng Kông có lẽ sẽ đẩy tất cả các dân biểu và thượng nghị sĩ đồng loạt đứng về phía Trump.

Hơn nữa, liên minh các nước lớn theo nền dân chủ tại Châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ) là một khái niệm không ngừng tiến triển. Tập Cận Bình cho đến lúc này quả thật đã duy trì được cấp độ trao đổi thương mại mà ông ta có được với bốn cường quốc hàng đầu Châu Á mà không để cho cuộc tranh chấp thương mại của ông với Washington xen lẫn vào.

Do vậy, Tập Cận Bình chẳng có lợi gì khiêu khích các nước đó bằng một hành động bạo lực chính trị cho dù là điều này diễn ra tại Hồng Kông đặc khu hành chính của Trung Quốc. Hành động cũng có nghĩa là sẽ làm cho các nhà đầu tư quốc tế rời xa lãnh thổ. Đó là những người đã mang lại sự phồn thịnh cho hòn đảo tự trị và nhiều vùng lãnh thổ mới của Trung Quốc từ những năm 1950.

Lâm Trịnh Nguyệt Nga lao dốc !

Cũng liên quan đến Hồng Kông, Le Figaro có bài viết quan tâm đến số phận của nữ lãnh đạo đặc khu sau thất bại của dự luật dẫn độ. Bài viết đề tựa "Đường xuống địa ngục của Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhân vật đầy tham vọng".

Bà Lâm đang lao dốc. Kể từ giờ, lãnh đạo đặc khu là mục tiêu tấn công của làn sóng bất bình. "Bà ấy phải ra đi. Bà ấy đã dám tát vào mặt một triệu người dân", cựu dân biểu ủng hộ dân chủ, Margaret Ng khẳng định. Le Figaro thuật sơ hành trình thăng tiến sự nghiệp của cựu sinh viên ngành chứng khoán tại Cambridge nhờ vào sự bền bỉ. Nhưng giờ đây niềm tự hào đó đang bị tàn phá.

Le Figaro tự hỏi : Làm thế nào một chính khách, vốn từng biết cách thương lượng với các lãnh đạo phong trào Dù Vàng năm 2014, lại có thể tự dẫn vào ngõ cụt ? Bà Margaret Ng cho rằng "Bà ấy có vấn đề về nhân cách. Đó là một người luôn lo sợ có biểu hiện yếu kém".

Năm 2007, Lâm Trịnh Nguyệt Nga được biết đến như là một chiếc "máy ủi" khi còn bộ trưởng Bộ Phát triển. Bà đã cho thúc đẩy nhanh dự án lấn biển, phá hủy không chút nương tay khu bờ kè huyền thoại Star Ferries, chạy dọc theo bờ vịnh uy nghi và phớt lờ mọi chỉ trích của các tổ chức phi chính phủ địa phương.

Bà Lâm đã gánh lấy toàn bộ trách nhiệm về dự luật dẫn độ gây tranh cãi như để giải oan cho Bắc Kinh, vốn đã bổ nhiệm bà vào ghế lãnh đạo đặc khu năm 2017. Theo những nguồn tin được cho là đáng tin cậy từ phe đối lập, bà Lâm dường như đã đi trước mong muốn của Tập Cận Bình để có thể tiến nhanh hơn sự nghiệp chính trị của bà : Nắm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.

Một hành động mà người dân Hồng Kông không thể nào tha thứ cho rằng "bà ấy đã bán đứng Hồng Kông chỉ vì những lợi ích cá nhân !". Vì ham muốn quyền lực, Lâm Trịnh Nguyệt Nga quên lời dặn dò của thầy "Người ta không kiểm soát, người ta chỉ lấy cảm hứng" khi bà muốn có lời khuyên làm thế nào khẳng định uy quyền.

Trung Quốc bị tố chơi trò tự do thương mại "giả hiệu"

Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 18/06/2019 cho biết "Trung Quốc là quốc gia bảo hộ mậu dịch nhiều nhất đối với Châu Âu". Ngoài Trung Quốc, còn có cả Nga và Ấn Độ là những nước được cho là bảo hộ mậu dịch nhiều nhất theo như kết luận của một báo cáo thuộc Ủy Ban Châu Âu.

Trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc luôn hô hào ủng hộ tự do lưu thông hàng hóa và cơ chế đa phương. Thế nhưng, báo cáo về "những rào cản thương mại và đầu tư" công bố ngày thứ Hai 17/06 lại cho thấy một hình ảnh trái ngược : Trung Quốc đứng đầu bảng với vô số các rào cản thương mại đối với hàng hóa Châu Âu.

Báo cáo của Liên Hiệp Châu Âu nêu con số cụ thể : Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 37 biện pháp cản trở, Nga xếp hạng nhì với 34 rào cản, đứng trước Ấn Độ và Indonesia (25), tiếp đến là Hoa Kỳ (24), Thổ Nhĩ Kỳ (20), Brazil (18) và Hàn Quốc (17).

Vẫn theo Bruxelles, chính quyền Bắc Kinh liên tục tăng số rào cản đối với hàng hóa Châu Âu. Sau khi thiết lập thêm 10 quy định mới năm 2017, Trung Quốc đã áp dụng thêm 4 quy định mới khác trong năm 2018, ảnh hưởng nặng đến hơn 25 tỉ euro hàng xuất khẩu của Châu Âu, trong đó các mặt hàng công nghệ cao là bị tác động nhiều nhất do cải cách luật về an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp Châu Âu đã bị gạt ra khỏi thị trường công nghệ và viễn thông Trung Quốc.

Facebook : Big Bank

Libération trên trang nhất chơi chữ đồng âm : "Facebook, Big Bank", chứ không phải là big bang vũ trụ. Tập đoàn mạng xã hội của Mỹ hôm nay thông báo cho ra đời đồng tiền ảo của chính hãng.

Đồng libra này cho phép 2,1 tỉ người sử dụng mạng Facebook ngay từ năm 2020 có thể tiến hành các giao dịch tài chính thông qua các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của Gilles Babinet, chuyên gia về kỹ thuật số viện Montaigne, đồng libra của Facebook ẩn chứa nhiều rủi ro thật sự và nhất là đe dọa đến chủ quyền quốc gia.

Triển lãm hàng không Bourget : Airbus tạm qua mặt Boeing

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến hội chợ hàng không quốc tế ở Bourget, ngoại ô phía bắc Paris và ghi nhận "Airbus qua mặt Boeing". Hãng lắp ráp máy bay dân dụng Châu Âu đã thu được 114 đơn đặt hàng với tổng trị giá 15 tỉ đô la, trong khi hãng GE xác nhận loại sự chậm trễ của loại máy bay chiếc Boeing 777X do lỗi thiết kế một linh kiện nhỏ của động cơ GE9X.

Cũng liên quan đến hội chợ hàng không Bourget, Le Figaro thông báo : "Chiến đấu cơ tương lai của Châu Âu là sự kiện chính của Hội chợ Bourget".

Mô hình mẫu chiếc tiêm kích Scaf đã được trình làng trước sự chứng kiến của tổng thống Pháp Macron. Một thỏa thuận khung hợp tác giữa ba nước Pháp, Tây Ban Nha và Đức về dự án phòng thủ chung Châu Âu đầy tham vọng cũng đã được ký kết.

Chlorpyrifos : Chất độc được "cho phép"

Trong lĩnh vực sức khỏe và an toàn thực phẩm, Le Monde trên trang nhất chạy hàng tựa lớn báo động "Chất Chlorpyrifos, tai tiếng an toàn thực phẩm nghiêm trọng". Họ thuốc trừ sâu bọ này bị cho là "thủ phạm" làm giảm trí thông minh ở trẻ nhỏ.

Thế nhưng theo nhật báo, điều đáng lên án là dù đã có nhiều nghiên cứu báo động về "tính chất độc hại" không thể khắc phục được của loại thuốc trừ sâu này do hãng Down của Mỹ chế tạo đối với sự phát triển của bộ não trẻ nhỏ, nhưng các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Minh Anh

Published in Châu Á