Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp vẫn thu hút đầu tư bất chấp khủng hoảng Áo Vàng

Pháp trấn an giới đầu tư quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn. Hy vọng và lo âu xen lẫn, trước triển vọng của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp.

phap1

Một cuộc diễu hành của các Ông già tuyết gần tháp Eiffel, ngày 20/12/2018 - Reuters / Charles Platiau - Ảnh minh họa.

Hố giàu nghèo trên thế giới tăng mạnh : tài sản của nhóm 26 tỉ phú giầu nhất hồi năm ngoái tăng thêm 900 tỉ đô la, trong lúc thu nhập của 3,8 tỉ người nghèo nhất giảm 11%. Trên đây là một số chủ đề lớn các báo Pháp hôm nay 21/01/2019.

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về sức hút đầu tư của nước Pháp vẫn mạnh, bất chấp phong trào Áo Vàng.

Bài "Sức hút của nước Pháp vẫn còn mạnh" giới thiệu kết quả điều tra vừa công bố của công ty nghiên cứu trị trường Kantar theo yêu cầu của Business France. Nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 500 nhà đầu tư nước ngoài tại 5 quốc gia Châu Âu (gồm Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ireland). Theo đó, Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai Châu Âu, sau Đức. Theo tổng giám đốc Business France, hình ảnh của nước Pháp ở nước ngoài "gần như" không bị ảnh hưởng bởi phong trào Áo Vàng, bởi các nhà đầu tư xem trọng "các thế mạnh khách quan" của một quốc gia như Pháp.

Hình ảnh xe hơi bốc cháy ngùn ngụt trên đại lộ Champs-Elysées cách nay ít tuần không khiến giới đầu tư hoảng hốt. Theo ông Marc Lhermitte, một chuyên gia về đầu tư quốc tế (người điều phối từ nhiều năm nay một mạng lưới đo lường sức hấp dẫn đầu tư tại 25 quốc gia), thì khủng hoảng Áo Vàng chủ yếu tác động đến hình ảnh nước Pháp trong dư luận bên ngoài, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư tại Pháp. Không nhà đầu tư nào có ý định ra đi, ngược lại với tình trạng sẵn sàng khăn gói tại Anh trước thời điểm Brexit đến gần.

Vẫn theo chuyên gia Marc Lhermitte, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các cải cách sắp diễn ra tại Pháp. Vấn đề chủ yếu đối với họ là nhận diện được chính xác xem cuộc khủng hoảng Áo Vàng hiện nay - gắn liền với những thay đổi lớn tại Pháp – có thể đảo ngược hay không các cải cách của chính phủ Pháp từ 18 tháng nay, nhằm cải thiện "mức linh hoạt và khả năng cạnh tranh" của nền kinh tế.

Theo tổng giám đốc Business France, Christophe Lecourtier, chính sách giảm thuế cho các công ty nước ngoài vẫn được giữ nguyên, trừ một vài tập đoàn lớn. Cũng như thuế ISF đánh vào tài sản của những người giàu.

Hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc gặp với 120 nhà đầu tư nước ngoài tại lâu đài Versailles, cũng với mục tiêu nhấn mạnh là chính phủ sẽ không thay đổi đường lối trong "Hồi 2" của nhiệm kỳ 5 năm, được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của phong trào Áo Vàng.

Bất bình đẳng toàn cầu tăng vọt : Một lựa chọn chính trị

Tình trạng bất bình đẳng về kinh tế tăng vọt trong năm qua là hồ sơ lớn của nhật báo thiên tả Libération. 26 người giàu nhất thế giới, có tổng tài sản tương đương với một nửa nhân loại - 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới. Một phần trăm dân số thế giới chiếm hữu đến 45,6% thu nhập của nhân loại trong năm vừa qua. Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Trơ tráo", nói đến khoảng cách chênh lệch kinh hoàng không bút nào tả nổi, chưa từng có câu chuyện cổ tích nào cho trẻ em nêu lên được điều này. Một thiểu số vô cùng nhỏ của nhân loại nắm quyền sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ, trong lúc hàng tỉ người dân không có điều kiện đi học, tiêm chủng, có được nước sạch, hay sống trong những điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Libération có bài phóng sự mô tả Hồng Kông, như là một nơi tập trung mức độ bất bình đẳng lớn nhất trên thế giới hiện nay, giữa một bên là những tỉ phú đi xe hơi sang, với chó được chăm sóc kỹ lưỡng, và bên kia là bốn, năm người sống chen chúc trong một căn hộ hơn 20 mét vuông, mà đó chưa phải là những người khốn khổ nhất.

Libération có bài phỏng vấn bà Winnie Byanyima, giám đốc Oxfam International. Bài mang tựa đề "Bất bình đẳng là một sự lựa chọn chính trị". Theo nữ giám đốc Oxfam, chính "chủ nghĩa tân tự do là gốc rễ của những khoảng cách kinh hoàng về tài sản giữa một nhúm nhà tỉ phú và hàng tỉ người nghèo".

Vấn đề chủ yếu là tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh này được chính quyền đa số các nước khuyến khích, với chính sách ưu đãi về thuế má cho các công ty, ngược lại, siết chặt các đầu tư cho "các nhu cầu xã hội căn bản".

"Các bung xung" đánh lạc hướng dư luận

Giám đốc Oxfam khẩn thiết lưu ý đến việc là một số chính trị gia đã sử dụng "một số chiếc bung xung", như "người tị nạn", "Liên Hiệp Châu Âu", hay "Trung Quốc"… để tạo hỏa mù đánh lạc hướng dư luận, khiến xã hội quên đi một "vấn đề thực sự". Đó là "khuyết tật trầm trọng" của hệ thống kinh tế hiện nay.

Giám đốc Oxfam cũng nêu một số trường hợp tích cực mới đây như ở Thái Lan, ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế bị đánh thuế cao hơn, và số tiền này được sử dụng cho các dịch vụ công ích cơ bản, như sức khỏe, giáo dục…, vốn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo bà, đáng tiếc là ít quốc gia đi theo con đường này, mà thậm chí người ta làm ngược lại : tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư và giảm đầu tư cho các dịch vụ công ích cơ bản.

Giải pháp cho vấn đề này thực ra là nằm trong tầm tay chính quyền các nước, với chính sách chống biển thủ tài chính, và chống lậu thuế. Một ví dụ : Chỉ cần tăng thuế 0,5% với tài sản của 1% người giàu nhất, thì có đủ tiền học tập một năm cho 262 triệu trẻ em hiện nay không được đến trường, và cải thiện chăm sóc y tế giúp 3,3 triệu người không chết sớm hàng năm.

Cải thiện tình trạng bất bình đẳng xã hội cũng là một vấn đề trọng tâm của cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, diễn ra từ 10 hôm nay.

Thảo luận toàn quốc : Cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa giới tinh hoa và dân thường

Về cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp, báo chí hôm nay dành rất nhiều bài vở cho chủ đề này. Xã luận La Croix mang tựa đề "Tạo ra cái chung" nhấn mạnh đến việc giới chính trị Pháp hiện nay dường như đang tụt hậu trong việc huy động các đóng góp tập thể, của đông đảo dân chúng, trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang làm thay đổi triệt để các phương thức tạo ra cái chung (hiểu biết chung, mục tiêu chung, phương pháp chung...). Khi tổ chức cuộc Thảo luận toàn quốc, tổng thống Pháp đã tỏ ra hiểu được "cái hố sâu ngăn cách" giữa giới tinh hoa và những người dân bình thường, điều mà những người Áo Vàng lên tiếng tố cáo.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc Thảo luận toàn quốc do chính quyền tổ chức chỉ thu hút được một phần người Áo Vàng. Rất nhiều người Áo Vàng khác vẫn tiếp tục xuống đường. La Croix nhấn mạnh là cuộc Thảo luận này cũng không phải là "diễn đàn duy nhất", nơi các công dân Pháp bày tỏ ý kiến, mà còn có rất nhiều nơi khác, theo sáng kiến độc lập của các công dân, và nhiều chủ đề vượt khỏi khuôn khổ các đề xuất của tổng thống Pháp.

Khó dự đoán kết quả của đợt thảo luận lớn đang diễn ra, nhưng theo La Croix, điều chủ yếu là sau đây, nước Pháp sẽ bước vào một thời kỳ mà chính quyền sẽ phải điều hành đất nước theo phương thức gần gũi với người dân hơn, "trí tuệ tập thể" được huy động hiệu quả hơn, ý kiến của ngay cả những người "đang trong tình trạng bấp bênh nhất" cũng có mang lại đóng góp.

Về cuộc Thảo luận toàn quốc, Le Figaro có bài "Cánh cửa hẹp" cũng nhấn mạnh đến việc nước Pháp chắc chắn "sẽ không tìm lại được sự an bình trong xã hội, nếu giới tinh hoa chính trị không thực sự xem xét lại mình", bởi một số lớn người Pháp hiện nay không còn khoan dung cho thực trạng bất công hiện nay trong hàng loạt lĩnh vực như thuế khóa, giáo dục, an ninh, di cư, bảo trợ xã hội… và đôi khi là sự thất bại của Nhà nước.

Về đối thoại xã hội, Le Monde có cuộc phỏng vấn với nhà chính trị học Loic Blondinaux. Nhà nghiên cứu Pháp khẳng định cuộc Thảo luận toàn quốc hiện nay là "một phương tiện chiến lược" để thoát khỏi khủng hoảng, nhưng trong tương lai cũng cần phải có các phương thức tham vấn công dân khác, trước các lựa chọn quan trọng.

Đối với Les Echos, thách thức của tổng thống Macron hiện nay là, một khi Thảo luận đã được mở màn, "điều khó nhất" là duy trì được cường độ thảo luận.

Vì sao Kim Jong-un thích tổ chức thượng đỉnh tại Việt Nam ?

Riêng về tình hình Châu Á, Le Figaro quan tâm đến cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2. Việt Nam có khả năng được chọn là địa điểm cho cuộc gặp. Le Figaro tìm cách giải thích lý do qua bài "Việt Nam, một mô hình phát triển đối với Bình Nhưỡng".

Theo Le Figaro, thượng đỉnh giữa Trump – Kim rất có thể sẽ diễn ra tại Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ như nghiêng về Việt Nam, hơn là Thái Lan, với lý do đơn giản Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đã cất cánh về kinh tế, nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Việc Nam cũng được coi là mô hình phù hợp với Bắc Triều Tiên về quy mô, hơn là Trung Quốc. Triều Tiên và Việt Nam cùng chia sẻ một điểm chung là đều từng là quốc gia theo văn hóa Khổng Giáo, nhưng để kháng cự lại Trung Quốc.

Bắc Kinh trấn áp cả người bất đồng chính kiến trên Twitter

Về Trung Quốc, Le Monde giới thiệu với độc giả về cuộc đàn áp khốc liệt của Bắc Kinh nhắm vào những người sử dụng mạng xã hội Twitter. Trong ba tháng qua, đã có nhiều vụ bắt bớ, hàng trăm người bất đồng chính kiến bị đe dọa và bị buộc phải xóa các thông điệp đã đưa lên mạng.

Theo nhận định của HRW hồi tháng 11/2018, việc mạng xã hội này trở thành đối tượng tấn công mới của chính quyền Trung Quốc, trong lúc không hề có một phong trào xã hội nào được truyền bá trên mạng này, cho thấy mức độ đàn áp chống tự do ngôn luận hiện đã "tăng thêm một nấc", trong bối cảnh đàn áp nói chung vốn đã khốc liệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Trên thực tế Twitter hay Facebook đều bị cấm tại Trung Quốc. Người sử dụng thường dùng phần mềm VNP, được tải từ một số trang mạng nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2017, Bắc Kinh ra quy định mới trừng phạt những người tải nạp VNP để vượt tường lửa. Quyết định được đưa ra vào lúc ông Tập Cận Bình đang tìm cách khẳng định như lãnh đạo tối cao và mãn đời.

Brexit : Thủ tướng Anh có thể bị "loại"

Về thời sự quốc tế, hai chủ đề lớn khác là tại Hoa Kỳ, viễn cảnh Shutdown (tức chính phủ Liên bang bị tê liệt một phần do không có ngân sách) tiếp tục kéo dài và thủ tướng Anh trình phương án "B" về Brexit.

Về phương án B của Brexit, thủ tướng Anh dự định trình trước Nghị Viện hôm nay, theo Les Echos, nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền và đối lập đang một lần nữa mưu toan phủ quyết. Những giờ tới sẽ có tính quyết định đối với số phận của thủ tướng May. Thủ tướng May có nhiều khả năng bị tước quyền xử lý hồ sơ Brexit, và nhiệm vụ này có thể sẽ được giao lại cho Quốc Hội. Les Echos dành một hồ sơ nói về Brexit và 15 nguy cơ lớn với người Pháp.

"Shutdown" Mỹ tiếp diễn : Làn sóng ủng hộ nhân viên bị cắt lương

Theo Les Echos, các chính trị gia đảng Dân chủ không chấp thuận đề nghị của tổng thống Trump đánh đổi việc thông qua ngân sách xây dựng bức tường với Mêhicô, với một số điều kiện thuận lợi hơn cho hàng trăm nghìn người nhập cư không giấy tờ. Cuộc thương lượng giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Dân chủ hôm thứ Bảy được truyền hình trực tiếp.

Hàng trăm nghìn con cái người nhập cư, lớn lên tại Mỹ, nhưng không có giấy tờ, đã tránh bị trục xuất nhờ chính sách bảo vệ thời Obama (2012-2017), từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền, một lần nữa họ lại có nguy cơ bị trục xuất.

Do Shutdown, khoảng 800.000 nhân viên Nhà nước không được nhận lương. Theo Les Echos, từ một tháng nay, hơn 1.800 người đã lập ra nhiều diễn đàn trên mạng, để kêu gọi ủng hộ. Tiền, quà tặng, bữa ăn miễn phí… được huy động. Tại Los Angeles, Houston hay Detroit, nhiều hiệu ăn đã phục vụ một bữa ăn miễn phí cho nhân viên Nhà nước và gia đình bị mất thu nhập. Một số dân biểu từ chối nhận lương để tỏ tình đoàn kết, hoặc chuyển tiền cho các gia đình khó khăn. Riêng tại Washington, một hiệp hội từ thiện đã cung cấp 600.000 bữa ăn miễn phí trong tháng 1/2018, nhiều hơn 20% mức bình thường. Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) cũng tổ chức quyên góp tiền cho nhân viên mất thu nhập.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 20/01/2019

Published in Video

Kinh tế chỉ huy : Lá bài chủ đạo của công nghệ Trung Quốc

Phụ trang Kinh tế báo Le Monde (ngày 18/01/2019) có bài phân tích đáng chú ý của ông Arnaud Massonie, chuyên gia về công nghệ mới, nêu rõ làm thế nào Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số đi tiên phong, đồng thời vẫn tăng cường kiểm soát xã hội người dân. Bài viết có tựa đề "Lãnh đạo theo kiểu chỉ huy tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc".

kinhte1

Khách tham quan triển lãm Hội nghị Internet di động toàn cầu (Global Mobile Internet Conference - GMIC), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/04/2018 - Reuters/Damir Sagolj

Cổ phiếu ảo, đồng tiền ảo hay những trái phiếu số hóa... trong tương lai sẽ là những thách thức quan trọng. Càng phát triển mạnh, công nghệ càng làm nổi rõ nhiều vấn đề đạo đức và gây ra nhiều biến động cần phải theo sát. Thế nhưng, tại Trung Quốc, việc phát triển công nghệ là do chính quyền quyết định với hai mục tiêu rất rõ ràng : Siết chặt kiểm soát xã hội và xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tiên phong.

Trong vấn đề thứ nhất, bức tường lửa Vạn Lý Trường Thành là một công cụ hữu hiệu để ngăn cấm người dân tiếp cận các trang mạng nước ngoài, mà Bắc Kinh cho là hay kêu gọi lật đổ chế độ, như Twitter hay Facebook. Tại Trung Quốc không có nguồn tin giả nào khác ngoài những thông tin do chế độ đưa ra.

Từ trí thông minh nhân tạo cho đến công nghệ sinh học, mọi lĩnh vực đều có liên quan. Ví dụ như trong lắp ráp xe ô-tô điện, các nhà sản xuất buộc phải lắp cố định hệ thống định vị cho phép theo dõi hành trình của xe. Đương nhiên, đó là mối lo về an ninh…

Trong lúc chờ đợi hệ thống chấm điểm công dân, chính phủ chăm chút cơ sở dữ liệu hạ tầng của mình và các thí nghiệm để có thể rút ngắn khoảng cách giữa thông tin về hoạt động cụ thể (nhận diện khuôn mặt dựa trên dữ liệu thu được từ 200 triệu camera giám sát, định vị địa lý những người điều khiển xe) và các thông tin lưu trữ (nhờ vào các dữ liệu của các nhà khai thác mạng viễn thông, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội) của các công dân.

Theo tác giả, việc tăng cường ý thức đại chúng này là một thách thức, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc gia tăng nỗ lực phát minh. Chính vì thế, liên quan đến các tiến bộ công nghệ, trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc vượt qua mặt Châu Âu và Hoa Kỳ. Ví dụ, hiện nay, Trung Quốc chiếm tới 50% tổng số xe hơi điện trên toàn thế giới, hạn chế mạnh mẽ việc cho đăng ký sử dụng xe hơi dùng xăng dầu, áp đặt tỷ lệ chế tạo xe hơi điện đối với các tập đoàn Trung Quốc.

Đương nhiên, phương pháp lãnh đạo đất nước, điều hành nền kinh tế quốc gia theo phương pháp chỉ huy, mệnh lệnh này gây tranh cãi, nhưng lại tạo ra cho các doanh nghiệp Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh thực sự. Chính kiểu lãnh đạo này đã giúp làm xua tan những lo ngại, đắn đo về mặt đạo lý đối với các doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư phát triển, sử dụng các công nghệ mới. Các đắn đo thắc mắc về đạo lý này đã làm chậm sự phát triển của các doanh nghiệp phương Tây.

Vào lúc mà các tập đoàn tin học khổng lồ GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) có thể nói chuyện "bằng vai phải lứa" với các quốc gia, thì vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt. Nhất là khi một số doanh nghiệp phương Tây có thái độ lấp lửng để có thể thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc đầy hấp dẫn.

Ví dụ, Google đang xem xét dự án lập một trang tìm kiếm thông tin phù hợp với các đòi hỏi của chính quyền Bắc Kinh, thanh lọc được 1% các tìm kiếm và nhận diện được người tìm kiếm qua số điện thoại di động của họ. Tóm lại, phương Tây cần phải ý thức được là muốn phát triển công nghệ thì phải chấp nhận có những lựa chọn. Là tác nhân độc tôn lãnh đạo và quyết định, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn hiểu rõ điều này.

Mạnh Hoành Vĩ : Tiểu thuyết trinh thám của Trung Quốc ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo thiên tả Libération trở lại vụ mất tích bí ẩn của cựu chủ tịch Interpol tại Trung Quốc. Tờ báo xem vụ việc này chẳng khác gì một "Tiểu thuyết trinh thám của Trung Quốc về Interpol".

Kể từ ngày ông Mạnh Hoành Vĩ bị bắt tại Bắc Kinh ngày 25/09/2018, chính quyền Trung Quốc không hé lộ một thông tin nào về sự sống còn của vị chủ tịch cảnh sát quốc tế, đồng thời cũng không cung cấp một bằng chứng nào chứng thực các cáo buộc "tham nhũng" nhắm vào ông Mạnh.

Không những phương Tây tỏ ra bất lực trước số phận của ông Mạnh mà còn phải liên tục chịu áp lực từ phía Trung Quốc. Đầu tiên hết là Interpol. Bắc Kinh liên tục đưa ra các yêu cầu, buộc tổ chức cảnh sát quốc tế này phải tiến hành ngay quy trình từ nhiệm của ông Mạnh. Tiếp đến là phải phối hợp cùng với chính quyền Bắc Kinh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, đưa ra các lời bình hay các bài đăng về chủ đề này.

Về phía Pháp, cảnh sát nước này cũng chịu nhiều áp lực từ phía các đồng nghiệp Trung Quốc, nhiều lần đến đề nghị phía Pháp thuyết phục bà Mạnh trở về Bắc Kinh để làm chứng...

Libération cho biết hiện bà Grace Meng và hai cô con gái phải sống dưới sự bảo vệ thường trực của cảnh sát Pháp. Bà thật sự lo lắng cho bản thân và hai con của mình. Trả lời phỏng vấn báo Libération bà khẳng định : "Ngay tại Pháp, tôi cũng sợ bị bắt cóc".

Việt Nam : Điểm hẹn lần hai cho Donald Trump và Kim Jong-un ?

Thời sự Châu Á hôm nay khá phong phú. Báo công giáo La Croix dự báo "Khả năng thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un lần hai ở Hà Nội".

Năm 2019 được cho là mang tính quyết định cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một bước thương lượng mới giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ mở ra trong vài tuần nữa với cuộc gặp lần hai giữa nguyên thủ Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Giờ mọi cặp mắt đều đổ dồn về chủ nhân Nhà Trắng. Trên nguyên tắc, sau cuộc gặp giữa Kim Yong-chol, cánh tay đắc lực của lãnh đạo Kim Jong-un với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Donald Trump, ngày giờ và địa điểm cho thượng đỉnh lần hai sẽ được thông báo. Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng cuộc gặp Trump – Kim lần hai có nhiều khả năng diễn ra ở Việt Nam vào khoảng trung tuần tháng Hai hay đầu tháng Ba này.

Theo La Croix, thượng đỉnh lần hai sẽ phải làm sáng tỏ nhiều điểm mập mờ. Giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên không có cùng một quan điểm về khái niệm "phi hạt nhân hóa bán đảo". Đây chính là rào cản lớn nhất làm tê liệt cả một quá trình thương lượng phức tạp mà mục đích cuối cùng là đi đến ký kết một hiệp ước hòa bình.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình trong nước là chủ đề chính trên trang nhất một số nhật báo Pháp số ra ngày 18/01/2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khởi động cuộc thảo luận toàn quốc hôm thứ Ba 15/01. Trong cuộc hội ý này, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến vấn đề "Chi tiêu công và những hướng của cuộc thảo luận".

Trong lúc phe Áo Vàng rục rịch chuẩn bị hồi X vào cuối tuần này, bất chấp cuộc thảo luận đã được khởi động. Libération chỉ trích việc lực lượng an ninh sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm như LBD40, lựu đạn GLI-F4 để đối phó với người biểu tình. Tờ báo ghi nhận : "Hơn 100 người bị thương nặng", rồi mỉa mai đặt câu hỏi "Đi đi, chẳng có gì để coi hết".

Nhật báo công giáo La Croix lo lắng cho số phận "Các tác phẩm nghệ thuật bị mất của nước Cộng hòa". Một báo cáo báo động hiện tượng ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng và các định chế của Pháp bị biến mất.

"Làm thế nào nuôi sống 10 tỷ dân vào năm 2050" là câu hỏi lớn của nhật báo Le Monde. Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet hôm thứ Năm 17/01 khẳng định Trái Đất vẫn còn đủ sức nuôi sống ngần ấy người dân nhưng với điều kiện con người phải thay đổi chế độ ăn uống : Bớt ăn thịt đỏ hay đường, ăn nhiều rau củ.

Pháp và Ý : Anh em bất hòa

Về phần mình, Le Figaro trên trang nhất báo động "Giữa Pháp và Ý, mối bất hòa lớn". Kể từ khi Emmanuel Macron và Matteo Salvini lên nắm quyền lãnh đạo tại Pháp và Ý, danh sách các điểm bất đồng không ngừng kéo dài giữa hai nước, trên bình diện chính trị cũng như là kinh tế.

Người dân Ý rất thích phong trào Áo Vàng đang diễn ra tại Pháp và sự kiện được truyền thông Ý theo dõi sít sao. Một thăm dò do Demos thực hiện, công bố ngày 14/01 cho thấy có đến 60% số người Ý được hỏi nói ủng hộ phe Áo Vàng tại Pháp. Bản thân hai phó thủ tướng Ý, ông Luigi Di Maio – lãnh đạo phong trào M5S (phong trào 5 Sao) và ông Matteo Salvini – lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc, công khai lên tiếng ủng hộ những người Áo Vàng và mời gọi họ thành lập một liên minh cho kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới.

Đối với Le Figaro, đây là một hành động can thiệp vào nội bộ của Pháp ở một mức độ chưa từng thấy. "Chưa bao giờ người ta thấy một vị bộ trưởng đang tại vị ủng hộ những phong trào phản đối và gây bạo lực, và ủng hộ khả năng từ nhiệm một tổng thống như vậy", sử gia chuyên nghiên cứu về Ý, ông Marc Lazar nhận xét.

Mối bất hòa này đã có từ nhiều tháng qua đến mức nguyên tắc ngoại giao thường có giữa hai nước đôi khi cũng bị phá vỡ. Lĩnh vực tranh cãi giờ không chỉ trong chính trị mà lan sang cả các vấn đề khác như nghệ thuật chẳng hạn. Gần sắp đến ngày kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Léonard de Vinci, sinh ra và lớn lên ở Ý, nhưng sau đó sống và mất ở Pháp, đôi bên đã tranh cãi dữ dội xung quanh thỏa thuận Ý cho Pháp vay mượn một số bức họa để tổ chức triển lãm.

Kinh tế : Nguồn cội của xung khắc

Vẫn theo Le Figaro, nguồn cuội của những bất đồng này đã có từ nhiều năm qua, trước khi cả phe dân túy lên cầm quyền. Nước Ý có một mặc cảm tự ti đối với nước Pháp, dù rằng thặng dư thương mại của Ý với Pháp trong năm 2017 là 7 tỷ euro.

Bởi vì, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giới tư bản Pháp đã ồ ạt mua lại nhiều doanh nghiệp Ý. Điều này gây ra cảm giác "nước Pháp đã lợi dụng cuộc khủng hoảng để mua lại những doanh nghiệp tốt nhất của Ý", theo như nhận xét của nhà báo Il Foglio Stefano Cingolani.

Theo số liệu thống kê của KPMG, trong giai đoạn 2006-2016, các doanh nghiệp Ý mua lại của Pháp chỉ ở mức 7,6 tỷ euro so với con số 52,3 tỷ trong các phi vụ Pháp mua lại các doanh nghiệp Ý. Một sự chênh lệch quá lớn. Một thái độ ngạo nghễ, trong con mắt người dân Ý.

Minh Anh

Published in Châu Á

Brexit : Ly hôn trong sương mù

Vụ ly dị đình đám của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu lâm vào bế tắc sau khi thỏa thuận bị các nghị sĩ Anh bác bỏ đang làm xáo động báo chí Pháp.

lyhon1

Cảnh trước Nghị viện Anh tại Luân Đôn, sau khi thỏa thuận về Brexit bị các nghị sĩ Anh bác bỏ, 16/01/2019. Reuters/Henry Nicholls

Từ Brexit xuất hiện trên trên hầu hết các trang nhất các tờ báo ra tại Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa nhận xét ngắn gọn : "Brexit của Theresa May sụp đổ". Le Figaro thì xoáy vào khía cạnh "Brexit : Vụ ly dị giằng xé người Anh". La Croix dành kín trang nhất cho bức ảnh bà thủ tướng Theresa May trên nền đen, nét mặt ngậm ngùi cùng hàng tựa "Đường hầm Brexit". Tựa lớn của Libération : "Brexit : Ngõ cụt".

Thỏa thuận để nước Anh chia tay với Liên Hiệp Châu Âu bị bác bỏ đã đẩy chính phủ của bà Theresa May vào đường hầm không thấy lối ra. Dư luận báo chí Pháp có chung một cảm nhận là không hiểu điều gì đang diễn ra ở bên kia bờ biển Manche, và Brexit rồi sẽ đi về đâu khi mà chỉ còn hơn 70 ngày nữa là đến hạn chót ra đi.

Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều dành một bài xã luận cho sự kiện. Le Monde nhận xét : "Như một chiếc xe Rolls-Royce mất phanh đang trượt trên con đường dốc hướng tới bờ vực, nước Anh đang lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng Brexit". Với Le Monde, việc các nghị sĩ Anh bác bỏ thỏa thuận chia tay Liên Hiệp Châu Âu đã được bà Theresa May mất bao công sức để ký với Bruxelles không phải là điều bất ngờ nhưng là điều nghiêm trọng.

Như vậy là "hơn hai năm sau khi 51,9% dân Anh bỏ phiếu để nước Anh ra đi và 18 tháng thương lượng căng thẳng giữa Luân Đôn và Bruxelles về cách thức ra đi, giờ đây Brexit trở lại gần như điểm xuất phát, không một viễn ảnh sáng sủa nào", nhất là khi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu chống thỏa thuận nhưng người ta không biết họ muốn gì.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh : "câu trả lời cho Brexit giờ thuộc về người Anh và phải sớm nhất có thể". Cùng quan điểm với Le Monde, Le Figaro cũng nhận thấy câu chuyện Brexit đang trở nên rối ren, nước Anh đang trong mớ bòng bong : "Brexit hay không có Brexit, Brexit cứng hay Brexit mềm, kế hoạch B hay không thỏa thuận, trưng cầu dân ý hay bầu cử trước thời hạn ? Không còn ai có thể hiểu gì về vụ việc".

Xã luận tờ báo viết tiếp : "Đúng là Châu Âu vẫn có thể có vài cử chỉ. Nhưng trái bóng giờ đang ở bên sân các nhà chính trị Anh…". Đó là những người mà Le Figaro đánh giá là "hầu hết vô trách nhiệm… những người hàng ngày chống phá bà Theresa May nhưng chẳng đề xuất được gì. Suốt hai năm qua họ phá nhiều hơn là xây trong hồ sơ Brexit".

Trong khi đó, xã luận Libération lấy hình ảnh "Sương mù" đặc trưng của nước Anh để đặt tựa cho bài xã luận. Tờ báo nhận xét : "Một ngõ cụt bị bao phủ lớp sương mù của Anh dày đến mức khó có thể nhìn ra được lối thoát". Libération đặt câu hỏi : Làm sao có thể tin được là bà thủ tướng Anh trong vài ngày, sẽ tìm được một giải pháp mà bà đã phải tìm kiếm từ bao nhiêu tháng qua ?".

Còn nhật báo công giáo La Croix, chạy tựa bài xã luận : "Giải cứu Vương Quốc Anh". Tờ báo nhận thấy sự kiện diễn ra thật sự là khó hiểu đối với nền chính trị nghị trường Anh, từng có truyền thống đoàn kết trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng của đất nước. Giờ đây các nghị sĩ Anh đang "lạc vào trong những tính toán không hiểu nổi" khi bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ Theresa May.

La Croix nhận định : "Tất cả những chuyện này vô cùng thất vọng vì không ai sẽ là người chiến thắng trong câu chuyện dài không hồi kết này". Kẻ chiến thắng sẽ "không phải là nước Anh, vốn từ hơn hai năm qua, lội bì bõm trong những hậu quả của cuộc bỏ phiếu cho Brexit, không phải là phần còn lại của Liên Âu, cũng đang phải tốn bao nhiêu năng lượng và thời gian để tìm ra con đường và cách thức chia tay trong danh dự. Đã đến lúc chính khách Anh phải trấn tĩnh lại để đưa ra sự lựa chọn rõ ràng. Thách thức với Vương Quốc Anh giờ đây không phải là cứu Châu Âu mà là tự cứu mình".

Úc sực tỉnh với sự bành trướng của Trung Quốc

Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến vòng công du của thủ tướng Úc trong vùng nam Thái Bình Dương mà mục tiêu chính là để nhắc lại vai trò lịch sử mà nước Úc từng giữ tại đó nhưng giờ đang có nguy cơ bị Trung Quốc lấn át.

Với tựa đề "Trước sự nổi lên của Trung Quốc, Úc muốn nắm lại Châu Đại Dương", Les Echos nhận định chắc như đinh đóng cột : "Chuyến công du (trong vùng nam Thái Bình Dương) vừa bắt đầu của thủ tướng Úc Scott Morrison không có mục đích nào khác là ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Châu Đại Dương".

Les Echos cho biết : Ông Scott Morrison sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên đến Vanuatu từ nhiều thập kỷ nay. Đây là quần đảo mà Trung Quốc đang muốn đặt căn cứ quân sự, dù dự án này chưa được xác nhận nhưng cũng đã gây lo ngại. Ông Scott Morrison cũng sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên có chuyến thăm Fidji, nền kinh tế đứng hàng thứ 4 trong vùng".

Tờ báo nhắc lại, Úc là nước lớn trong khu vực nhưng lại không phải là đối tác thương mại chính với những quốc gia trong khu vực Châu Đại Dương. Canberra gần đây đã ý thức được sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực này, sẽ gây tổn thất cho lợi ích kinh tế của Úc. Thực tế là vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đô la cho các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương vay làm dự án. Sự hào phóng của Bắc Kinh nhằm mục đích "mua" sự ủng hộ Trung Quốc của những quốc đảo nhỏ bé này tại những định chế đa phương như Liên hiệp Quốc chẳng hạn.

Thái Bình Dương là khu vực trắc nghiệm cho ảnh hưởng của Trung Quốc. Les Echos trích dẫn chuyên gia Benoit de Tréglodé, thuộc viện nghiên cứu chiến lược của trường quân sự Pháp (Iserm) giải thích : "Người khổng lồ Châu Á thử nghiệm tại khu vực này chiến lược ngoại giao trước khi đem áp dụng vào những vùng nhạy cảm đang còn nằm trong ảnh hưởng của phương Tây như Trung Đông hay Châu Phi".

Một mục tiêu khác của Bắc Kinh là dựa vào các đảo quốc nhỏ trên Châu Đại Dương, thực thi chính sách ngoại giao cô lập Đài Loan nhưng đồng thời cũng là để tận dụng nguồn tài nguyên, quạng mỏ, hải sản dồi dào ở đó. Đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt cá.

Theo Les Echos, "Trong vùng nam Thái Bình Dương, cũng như ở nhiều nơi khác trên địa cầu, Trung Quốc đã thực thi chính sách đánh bắt thủy sản rất hung hăng. Các đội tàu lớn, hiện đại của họ đánh bắt với cường độ cao có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, gây mất cân bằng và cả căng thẳng với các ngư dân địa phương. Đó là những chủ đề mà ông Scott Morrison sẽ phải đề cập với các đối tác Châu Đại Dương trong chuyến công du lần này.

Làm sao nuôi sống 10 tỷ dân trái đất năm 2050 ?

Nhật báo Libération đặt vấn đề mang tính sống còn : "Làm thế nào để 3 tỷ người thêm trên trái đất vào năm 2050 có đủ cái ăn mà vẫn bảo đảm giữ gìn được môi trường ? Đó là câu hỏi hóc búa mà 37 nhà khoa học của 16 nước trong vòng 3 năm đã cố gắng tìm câu trả lời. Tin vui là trái đất hoàn toàn có thể nuôi thêm 3 tỷ người mà vẫn không vượt qua giới hạn hệ sinh thái của chúng ta, với điều kiện chúng ta phải chấp nhận một chế độ thực phẩm lành mạnh hơn".

Đó là nội dung nghiên cứu của nhà khoa học nói trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế The Lancet hôm nay. Chế độ thực phẩm lành mạnh mà các nhà khoa học khuyên cáo không có gì là cầu kỳ tinh vi. Trên bàn ăn của nhân loại trong tương lai sẽ chỉ gồm gấp đôi số lượng hoa quả, rau, ngũ cốc và các loại cây họ đậu. Bên cạnh đó khẩu phần thịt sữa, khoai, đường… không cần bỏ hẳn mà chỉ giảm đi đáng kể.

Đây là "chế độ thực phẩm tốt cho cả sức khỏe của hành tinh cũng như sức khỏe con người", Libération kết luận. Con người không chỉ sẽ phải làm quen với cách ăn uống mới mà còn phải thay đổi cách sản xuất, đẩy mạnh với một số thực phẩm nhưng lại rút bớt cái khác, như chăn nuôi chẳng hạn.

Nhật : Sa thải nhân viên người máy

Khách sạn Henn-na tại Nagasaki, Nhật Bản lẽ ra sẽ là cơ sở đầu tiên trên thế giới hoàn toàn do các robot quản lý. Thế nhưng mới đây, công ty đã phải cho nghỉ việc một nửa "nhân viên" máy trong tổng số 243 người máy đang làm việc bởi liên tục gặp sự cố cần có sự can thiệp của con người. Dự án khách sạn Hann-na với 100% nhân viên người máy được bắt đầu từ năm 2015. Khách sạn đã giảm tối đa nhân sự chỉ giữ lại khoảng một chục người theo dõi sự vận hành của khách sạn qua màn hình kiểm soát.

Thế nhưng 3 năm hoạt động việc sử dụng người máy đã cho thấy có nhiều bất tiện. Có một chuyện khá hài hước xảy ra với robot phục vụ trực trong phòng, có tên là Churi-chan. Cô nhân viên này cứ liên tục nhắc lại câu "Xin lỗi, tôi không hiểu, Bạn có thể nhắc lại yêu cầu ?". Khách hàng phàn nàn là nửa đêm đang yên tĩnh cô người máy cứ thỉnh thoảng lặp lại câu nói trên làm khách thức giấc. Sau khi bị đánh thức nhiều lần trong đêm vị khách này hiểu ra là chính tiếng ngáy của mình khiến cô người máy hiểu lầm là mệnh lệnh yêu cầu. Cô "nhân viên" này cũng đã bị sa thải trong đợt vừa rồi.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Quốc hội bác dự thảo Brexit : "Thất bại lịch sử" của Chính phủ Anh

Dự thảo Brexit của thủ tướng Theresa May bị nghị viện Anh Quốc bác bỏ đẩy quốc gia này vào tình thế vô định, tổng thống Pháp khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc kéo dài hai tháng, trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn, là các tựa lớn của báo Pháp hôm nay 16/01/2019.

brexit1

Nghị Viện Châu Âu thảo luận về Brexit, Strasbourg, ngày 16/01/2019. Reuters/Vincent Kessler

Về chủ đề dự thảo Brexit bị nghị viện Anh bác bỏ, Les Echos chạy tựa trang nhất : "Cú nhảy vào vô định". Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc dự thảo của thủ tướng May bị bác là điều nằm trong dự kiến, điều bất ngờ là số lượng nghị sĩ bỏ phiếu chống cao hơn nhiều. Với 432 phiếu thuận, 202 phiếu chống, nghị viện Anh đặt thủ tướng May trước một áp lực rất lớn. Les Echos có bài nhận định về "thất bại lịch sử" ở nghị viện Anh.

Theo tờ báo, đây là thất bại nặng nề nhất của một Chính phủ Anh tại nghị viện nước này trong vòng một thế kỷ nay. Chênh lệch 230 phiếu giữa bên chống và bên ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu này đã "phá vỡ kỷ lục" 166 phiếu hồi năm 1924. Đòn trời giáng đối với bà Theresa May này khiến việc tìm ra phương thức để Anh Quốc có thể chia tay "trong trật tự" với Liên Âu đúng thời hạn, ngày 29/03/2019, trở thành điều gần như không thể.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dự báo dù là "bi quan nhất" cũng chỉ là thất bại với 225 phiếu chênh lệch (của Financial Times). Còn theo báo Times, thân Chính phủ, thì khoảng cách sẽ là gần 200 phiếu.

Trước mắt thủ tướng Anh phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập yêu cầu. Nhiều khả năng bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu một cách an toàn, vì đa số các nghị sĩ liên minh cầm quyền không muốn tổ chức bầu cử nghị viện sớm. Trước mắt, nếu tiếp tục được tín nhiệm, Chính phủ Anh sẽ phải thương thuyết lại với Liên Âu về một dự thảo mới (phương án B) để trình lại nghị viện vào thứ Hai tuần tới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh hứa sẽ đàm phán với các đảng phái trong nghị viện tìm một thỏa hiệp để thương lượng lại với Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngay lập tức tỏ ý tiếc về việc nghị viện Anh bác bỏ dự thảo và yêu cầu Luân Đôn "cho biết rõ lập trường càng sớm càng tốt".

Nếu phương án này không được chấp thuận thì sao ? Nhiều viễn cảnh để ngỏ : Anh Quốc sẽ rời khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận, hay chính Luân Đôn sẽ từ bỏ quyết định Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit cũng là một kịch bản khác.

"Trái bóng trong chân" thủ lĩnh đối lập

Le Figaro trong bài "Kế hoạch của Theresa May bị bác bỏ" cho hay, đa số các nước Châu Âu không muốn thương lượng lại dự thảo, vốn là kết quả của 17 tháng đàm phán cam go. Theo Le Figaro, trái bóng hiện giờ bên sân của Công Đảng, đảng đối lập chính tại Quốc hội Anh. Nếu thất bại trong việc lật đổ Chính phủ bảo thủ, lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn có thể đưa ra đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Đây chính là đòi hỏi của 86% đảng viên đảng này.

Tuy nhiên, khả năng nghị viện Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần nữa không cao, bởi lãnh đạo Công Đảng có lập trường "chống Liên Âu", cũng chủ trương rời bỏ Liên Hiệp. Như vậy, ông Corbyn có thể sẽ thương lượng trực tiếp với thủ tướng May để tìm một thỏa hiệp. Đây là điều mà Le Figaro cho là "rất khó xảy ra", nhưng không phải là không thể xẩy ra. Một số chính trị gia bảo thủ cũng có thể đưa ra một phương án khác với sự phối hợp của đối lập, để xác lập quan hệ đặc biệt giữa Anh với Liên Âu, như kiểu Na Uy hiện nay (tức là vẫn duy trì liên minh thuế quan và thị trường duy nhất với Liên Hiệp Châu Âu). Phủ thủ tướng Anh cho biết sẵn sàng đón nhận mọi đề xuất thiện chí từ các phía.

Cũng như Les Echos Le Figaro, nhật báo Libération đặc biệt chú ý đến thái độ của những người phản đối việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu. Sau thất bại của Chính phủ Anh, rất nhiều người phản đối Brexit đã ăn mừng trước nhà Quốc hội, với những lá cờ 15 ngôi sao vàng trên nền xanh da trời, cờ của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh đã cảnh báo : nếu các nghị sĩ chống lại dự thảo thỏa thuận hiện tại, thì chỉ còn hai khả năng. Thứ nhất là nước Anh rời Châu Âu "no deal", tức không thỏa thuận, cũng có nghĩa là trong hỗn loạn. Và thứ hai là không còn chuyện Brexit nữa.

Châu Âu cũng bị "khủng hoảng niềm tin" chi phối

Nước Anh khủng hoảng với Brexit. Đi cũng khó, ở lại không xong. Nhưng bản thân các nước Châu Âu khác, cụ thể là Pháp cũng bị hội chứng "khủng hoảng niềm tin" chi phối. Le Figaro có bài "Phải chăng Châu Âu cũng bị cuộc khủng hoảng niềm tin tấn công ?" thông báo một số kết quả rút ra từ cuộc thăm dò dư luận của Cevipof-OpinionWay.

Theo đó, người Pháp có xu hướng "xa rời" với Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Figaro, lý do chính là nhiều người lo ngại cho cuộc sống riêng của họ, chứ không phải việc họ bác bỏ nguyên tắc một Châu Âu đoàn kết.

Theo thăm dò dư luận nói trên, 38% người trả lời khẳng định nước Pháp cần phải tự bảo vệ mình nhiều hơn trong tình hình thế giới hiện nay, so với 23% đòi hỏi nước Pháp phải mở cửa hơn. Khoảng cách như vậy là 15 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với hồi năm ngoái.

Một trong các ví dụ cụ thể cho thấy Liên Âu có vẻ như đang trở thành một chủ đề nhạy cảm. Trong số 33 câu hỏi mà tổng thống Pháp gửi đến toàn dân trong cuộc Thảo luận quốc gia vừa khai mạc, chỉ có một câu hỏi nhắc đến Châu Âu, nhưng không phải với cách hỏi trực tiếp, mà được gài vào một câu hỏi liên quan đến "cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ở quy mô Châu Âu và quốc tế". Trong khi đó, Châu Âu vốn là phần cốt lõi trong dự án chính trị của tổng thống Pháp.

Khu vực euro phải bảo vệ người dân !

Về các thách thức với Châu Âu hiện nay, Le Monde có cuộc phỏng vấn chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurogroup), bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha Mario Centelo. Bài phỏng vấn mang tựa đề : "Liên Âu phải có biện pháp hóa giải nỗi lo sợ của người dân do toàn cầu hóa".

Trước hết, chủ tịch Eurozone khẳng định : so với cách nay 10 năm khu vực đồng euro vững mạnh hơn nhiều. Châu Âu đã có 22 quý tăng trưởng liên tục, và thêm 9 triệu việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Liên Âu cũng củng cố được liên minh ngân hàng, cho phép sẵn sàng đối phó với các nguy cơ khủng hoảng. Tình hình về cơ bản là tương đối đáng lạc quan. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, để tăng cường ổn định nền kinh tế Châu Âu, thị trường lao động và các định chế. Việc các quốc gia Liên Âu tăng cường củng cố khu vực đồng euro hiện nay là theo chiều hướng tích cực.

Khủng hoảng "Áo Vàng" không chỉ riêng nước Pháp

Về nguy cơ cuộc khủng hoảng "Áo Vàng", làm suy yếu nền kinh tế Pháp và Châu Âu, lãnh đạo khu vực đồng euro nhấn mạnh đây không phải là vấn đề của riêng nước Pháp. Nhiều nước Châu Âu cũng gặp các khủng hoảng tương tự, với những hình thức khác.

Một trong những định hướng quan trọng là bảo vệ sức mạnh của đồng euro, đồng tiền vốn đã được dân chúng tin tưởng hơn nhiều so với cách nay hai thập niên. Củng cố đồng euro là một trong các biện pháp để khẳng định vị thế của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Chủ tịch khu vực đồng euro cũng nhấn mạnh là không thể dùng biện pháp "bảo hộ mậu dịch", để chống lại "các biện pháp cạnh tranh bất chính" của Trung Quốc, mà phương pháp hiệu quả nhất là thương lượng về mặt chính trị với Bắc Kinh, trong khuôn khổ đa phương.

Pháp khai mạc Thảo luận toàn quốc : Kẻ khen, người chê

Cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng được hầu hết các báo hôm nay quan tâm. Buổi khai mạccuộc Thảo luận, dưới sự chủ trì của tổng thống Macron, tại một làng nhỏ miền tây nước Pháp, gây nhiều phản ứng rất khác nhau. Kẻ khen, người chê.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài "Thảo luận việt dã giữa tổng thống Pháp với các thị trưởng, xã trưởng" chú ý đến việc ông Macron đã dành 7 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của các thị trưởng, xã trưởng, và có nhiều cử chỉ cởi mở. Cụ thể như việc giới hạn tốc độ xe hơi 80km/giờ trên các tuyến đường giao thông phụ, vốn bị người dân ở các vùng hẻo lánh phản đối mạnh. Ngay cả trong vấn đề bỏ thuế ISF (tức thuế đánh vào tài sản của những người giàu), một cải cách mà tổng thống Pháp cho là không thể đảo ngược, ông cũng cho biết sẵn sàng đánh giá lại hiệu quả của biện pháp này.

Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhìn buổi khai mạc Thảo luận toàn quốc hôm qua với vẻ rất hoài nghi, với bài "Eure : Đối diện với các thị trưởng, Macron khởi sự cuộc đối thoại bằng một cuộc độc thoại". Libération nhấn mạnh là việc tổng thống Macron không mở cửa cho những người Áo Vàng tham gia vào cuộc gặp này, cũng như việc tổng thống chiếm trọn vị trí trung tâm, khiến cho buổi khai mạc mang dáng dấp của một buổi thuyết trình quan điểm của Chính phủ. Đây là một cách mở đầu "kỳ lạ" cho một cuộc Thảo luận toàn quốc.

Lẽ ra phải tổ chức Thảo luận trước khi "Áo Vàng" nổi dậy

Nhân dịp Thảo luận toàn quốc khai mạc, Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến của các chính trị gia đối lập. Đáng chú ý có quan điểm của lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot. Lãnh đạo đảng Xanh, cũng là người đứng đầu các đảng vì môi trường tại Nghị Viện Châu Âu khẳng định một cuộc thảo luận như vậy là "điều tuyệt vời", mà lẽ ra không cần phải đợi đến phong trào Áo Vàng, rồi tổng thống mới quyết định tổ chức.

Lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa Laurent Wauquiez cho biết đảng này sẽ đóng góp tích cực vào cuộc thảo luận trong những tuần tới.

Thảo luận toàn quốc : Cơ hội để học cách nghe nhau

Cuộc Thảo luận toàn quốc, dự kiến kéo dài hai tháng, có ý nghĩa hệ trọng đối với đời sống chính trị nước Pháp. Nhật báo Les Echos trong mục "Mỗi ngày một sự kiện" có bài nhận định thú vị về cuộc Thảo luận chưa từng có này, với tựa đề "Cuộc trị liệu tập thể".

Theo Les Echos, điều cơ bản không chỉ là việc các cử tri Pháp lên tiếng, mà vấn đề chính là người Pháp cần học lại cách nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng cho thấy một vấn đề chính của nước Pháp hiện nay là mức độ phân hóa xã hội vô cùng lớn. Nhiều người thuộc các nhóm xã hội khác nhau, có thể sống ngay sát cạnh nhau, nhưng không hề có quan hệ với nhau, không biết và không hiểu nhau nghĩ gì.

"Tìm lại được một ngôn ngữ chung", mà mọi người có thể chia sẻ được, hay ít nhất là "một số quan niệm chung tối thiểu" là mục tiêu chủ yếu của cuộc thảo luận này. Một người bạn của tổng thống Macron thì gợi ý nên thay đổi về phương pháp, phải biết cách đối thoại mềm mại hơn, nếu muốn nước Pháp qua cuộc thảo luận này đi đến được một số đồng thuận, thay vì tiếp tục bị chia rẽ do thái độ đối đầu không khoan nhượng giữa các bên.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Pháp : Thảo luận toàn quốc cần thực tâm và tinh thần trách nhiệm

"Hội ý toàn dân" là chiến thuật hỏa mù của tổng thống Pháp hay là một thách thức gian nan cho cả nước ? Đây là câu hỏi trên báo chí Pháp ngày 15/01/2019, ngày phát động chiến dịch "toàn dân thảo luận" để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin, bạo loạn đường phố. Mong ước thành công được thể hiện qua các bài phân tích.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trên trang bìa các báo Pháp ngày 14/01/2019.Fotomontagem RFI

"Đại thảo luận : Macron phải vượt lên những hoài nghi", tựa của Le Figaro. Nhật báo thân hữu Le Figaro cảnh báo : phe Áo Vàng chê "nội dung rỗng" của bức thư ngỏ. "Một cuộc tranh luận toàn quốc để Macron nắm lại thế chủ động, xoa dịu nỗi căm phẫn của phong trào Áo Vàng và để nối lại tinh thần của phong trào Nước Pháp tiến bước", nhận định của Libération.

Ý thức nền dân chủ Pháp đang bị thách thức, cũng như các đồng nghiệp, Le Monde nhấn mạnh đến thái độ nhượng bộ của chủ nhân Điện Elysée và kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các chính trị gia đối lập.

"Chỉ có mù mới không thấy"

Phát pháo đầu tiên, Le Monde dành cho những người trong phe Áo Vàng và đối lập, chưa chi mà đã bác bỏ lời mời của tổng thống Pháp, cho đây là một loại "hỏa mù" hay một chiến thuật "giao tế", trước khi bức thư được công bố. 

Bài xã luận "thách thức lớn của cuộc thảo luận lớn" cho rằng trừ phi mù quáng, trừ phi thiếu tinh thần trách nhiệm mới không thấy là bên trên số phận của tổng thống Macron là tương lai của đất nước cũng như khả năng của quốc gia vượt qua một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đang đe dọa chế độ dân chủ.

Là tổng thống Cộng hòa Pháp, ông Macron tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng là chuyện đương nhiên mà đó còn là bổn phận của một nguyên thủ. Diễn văn cứng rắn hồi cuối năm 2018 với lời hứa không tăng thuế xăng rồi chi thêm 10 tỷ euro cải thiện sức mua của dân nghèo đã không làm giảm bạo lực.

Tổng thống buộc phải tung lá bài sau cùng là "hội ý với toàn dân", một biện pháp có một không hai trong lịch sử. Để chứng tỏ thiện chí, tổng thống Macron đã nhượng bộ ba bước :

Thứ nhất, nhìn nhận chính nghĩa của phong trào Áo Vàng, xuống đường đòi hỏi một số nguyện vọng chính đáng.

Thứ hai là thay đổi phương pháp điều hành việc nước một cách ngoạn mục khi đề nghị "toàn dân cùng thảo luận các vấn đề của đất nước" chứ không phải chỉ có phe Áo vàng với những quan điểm áp đặt của phe này.

Bước nhượng bộ thứ ba là trong bức thư, tổng thống cam kết sẽ "ghi nhận mọi đóng góp" và sẽ "phối hợp hoạt động của chính phủ và quốc hội". Theo Le Monde, đằng sau cụm từ này có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng : trong ba năm tới đây, những đề nghị của dân chúng sẽ góp phần điều chỉnh chính sách của nhà nước.

Bước lùi thứ ba này mới chỉ là lời hứa nhưng nếu tổng thống Macron không giữ lời, không cải cách sâu rộng phương pháp lãnh đạo thì không cần đợi ba năm, mà chỉ bốn tháng tới đây thôi, ông sẽ lãnh đòn trừng phạt nặng nề hơn nữa, với cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu ngày 26/05/2019.

Nguyên tắc "thợ sửa xe và khách hàng"

Một cách cụ thể, tổng thống Macron sẽ lèo lái chiến dịch "hội ý" theo phương châm hành động nào và đâu là mục tiêu đi tới ? Nhật báo thiên tả Libération giải thích.

Chiến dịch tham khảo ý kiến toàn dân do Điện Elysée mong muốn không chỉ đáp ứng nguyện vọng của phe Áo Vàng mà còn để ông Macron "vực dậy" ba năm còn lại của nhiệm kỳ và làm sống lại tinh thần chủ động của phong trào "Tiến bước", phát động vào năm 2016, vượt lên trên biên giới tả-hữu và là tiền thân của đảng cầm quyền "Nước Pháp Tiến Bước !".

Bức thư ngỏ của tổng thống Macron là "cơ may" cho đảng cầm quyền. Mounir Mahjoubi, một trong những thành viên trẻ trong nội các khẳng định với Libération : Áo Vàng muốn tham gia đổi mới đất nước thì chúng tôi đến với họ. Đến như thế nào ? Một dân biểu trẻ nhận định một cách sáng suốt : chúng tôi đã ngủ mê trong chiến thắng, bỏ quên những tác nhân trong xã hội dân sự cùng tần số với các dự án chuyển đổi đất nước.

Một trong những người thân cận ở điện Elysée nhìn nhận sự thật : từ nay, Macron bắt buộc phải bỏ lối lãnh đạo đơn độc. Một phương pháp hành động đã được phát họa từ năm 2017, nay sẽ được áp dụng. Phương pháp đó có tên là "phương pháp thợ sửa xe" : Anh giao tôi chiếc xe hư, tôi sửa chữa xong, tôi giao lại cho anh. Canh tân nước Pháp cũng như sửa chiếc xe bị hỏng : Chính phủ sẽ phục hưng đất nước rồi sẽ trao lại cho dân trong hai năm tới.

Nhật báo cánh tả đồng ý nhưng lấy làm tiếc là chính phủ đã không nắm bàn tay của công đoàn CFDT hồi tháng 11, đề nghị một "hợp đồng chuyển đổi kinh tế xanh" để tránh "khủng hoảng Áo Vàng" vừa manh nha xuất hiện.

Brexit : "Bóng hỗn loạn"

Một quốc gia Châu Âu khác cũng đang đứng trước một tương lai bất định, có lẽ còn nguy hiểm hơn tình trạng nước Pháp : Anh Quốc ra sao nếu Quốc hội bác bỏ dự án thỏa thuận Brexit ?

Le Figaro không khỏi lo ngại : giờ sự thật đã điểm. Nếu hôm nay Quốc hội Anh bác bỏ dự thảo hiệp định Brexit thì sao ? Phe ủng hộ văn kiện hiệp định còn thiếu ít nhất 100 dân biểu. Nếu thất bại, thủ tướng Theresa May chỉ còn tối đa ba ngày để đề nghị kế hoạch B.

Nhưng trong ba ngày này, bà có thể sẽ bị lật đổ vì đảng đối lập cho biết sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm. Trong khi đó, nhiều nhóm dân biểu tìm cách đưa ra hai phương án khác : hoặc tổ chức lại trưng cầu dân ý hoặc thương lượng với Bruxelles một thỏa thuận khác theo quy chế "thành viên liên kết" với Liên Hiệp Châu Âu.

Bi quan hơn, nhật báo công giáo La Croix dự báo một tình trạng "hỗn loạn" : Châu Âu nín thở chờ kết quả. Theresa May hy vọng sẽ hội đủ đa số vào phút chót. Nhưng nếu thua, thì từ chính phủ cho đến đảng bảo thủ và nước Anh sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Viễn ảnh nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 30/03 mà không có một thỏa thuận không khác gì một tảng băng sơn bất ngờ xuất hiện trong sương mù. Ngân hàng trung ương dự báo đồng bảng Anh rơi tự do, thất nghiệp tăng vọt cùng với tỷ lệ lạm phát. Đề phòng tình trạng khách hàng cướp phá siêu thị, cảnh sát Anh kêu gọi doanh nghiệp tuyển mộ vệ sĩ canh gác. Theo La Croix, Châu Âu phải nín thở vì xu hướng ly khai cũng đang lên tại nhiều thành viên.

Venezuela đói khổ đẩy dân bỏ xứ

Nhật báo công giáo không quên một cuộc khủng hoảng khác diễn ra từ nhiều năm nay tại Châu Mỹ La-tinh. Chế độ xã hội ở Venezuela đang sụp đổ đã khiến cho hai triệu dân Venezuela bỏ xứ ra đi. Đi đâu ? Một trong những điểm đến là láng giềng Peru, nơi có công ăn việc làm, có một nền kinh tế khá mạnh : tăng trưởng 5% liên tục từ năm năm nay.

Tuy nhiên, cứ mỗi ngày có 1000 người Venezuela, sau khi băng ngang Colombia, đến xin tá túc thì lâu ngày đã phát sinh căng thẳng với dân bản xứ. Vấn đề là Venezuela tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, dân vẫn tiếp tục ra đi. Chế độ độc tài của Nicolas Maduro, ý thức hệ lạc hậu và chính sách đàn áp đối lập đã làm cho mọi sáng kiến huy động cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn. 

Hiệp hội nhân đạo Secours catholique-Caritas Pháp than phiền chính quyền Caracas tiếp tục chối bỏ sự thật đất nước khủng hoảng, rất ít tổ chức thiện nguyện được phép hoạt động. Paula Pasquez, một chuyên gia Pháp nhận định : "Trước đây, chính quyền cách mạng Venezuela bảo vệ dân nghèo nên được cảm tình quốc tế. Ngày nay quốc tế không ủng hộ nữa. Bản thân tôi nghiên cứu tình hình một cách trung lập mà còn bị chính quyền Maduro cho là người của đối lập".

Trung Quốc : tăng trưởng 1,67% ?

Kinh tế Trung Quốc cũng là chủ đề lớn trên báo chí Pháp. Xuất khẩu giảm, địa ốc không người mua, xe hơi ế ẩm… nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Hoa lục hụt hơi. Đó là những phân tích trên Le Figaro Les Echos.

Theo Le Figaro, tình hình còn đáng lo hơn vì các thống kê của chính phủ Trung Quốc không đáng tin cậy. Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có 1,67% chứ không phải là 6,5% theo chỉ tiêu của Nhà nước. Các số liệu nhạy cảm không được công bố mà ngay trong giới quan chức cũng ít người được biết.

Vào ngày 16/12/2018, trong một diễn văn gây chấn động, chuyên gia Xiang Song Zuo, Đại học Nhân dân, phải thốt lên : sự thật là kinh tế của chúng ta có vấn đề. Trong khi đó xuất khẩu giảm 4,4% trong tháng 12 so với cùng thời kỳ năm 2017. Sản xuất lao động giảm trong khi nợ của người dân tăng cao. Sự kiện xe hơi ế ẩm, lần đầu tiên xảy ra tại Trung Quốc, là dấu hiệu dân có tiền mất tin tưởng vào tương lai.

Dấu hiệu kinh tế hụt hơi lộ ra đúng vào thời điểm bất lợi cho Bắc Kinh, đặt các nhà thương thuyết của Trung Quốc vào thế yếu trong lúc đàm phán tránh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, theo nhận định của nhật báo thiên hữu.

Donald Trump trong thế gọng kềm

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lúc bị rơi vào thế gọng kềm, một bên là bức tường biên giới và một bên là quan hệ bí ẩn với Putin, chiếm trang quốc tế của Le Monde.

Theo nhật báo, từ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ tìm lại thế mạnh để đòi hỏi tổng thống Donald Trump trả giá. Tân chủ tịch Ủy ban tình báo hạ viện, dân biểu Adam Schiff cho biết sẽ tiến hành điều tra buộc Nhà Trắng phải giao nộp biên bản ít nhất 5 cuộc gặp riêng giữa Donald Trump và Putin.

Tuần trước, hai nhật báo New York Times Washington Post cho biết các biên bản này bị Donald Trump giữ lại. Thứ Bảy (12/01) vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn trên đài Foxnews, có tiếng thân Donald Trump, một nữ ký giả hỏi một cách trêu chọc : Tổng thống có phải là nhân viên của Nga hay không ?

Trong khi đó, công luận Mỹ ngày càng chống lại dự án xây tường của Donald Trump. Theo một cuộc thăm dò, 61% chống lại biện pháp ban hành tình trạng khẩn cấp để tổng thống rộng quyền sử dụng tiền xây tường biên giới mà không qua Quốc hội. Tổng thống Trump đã bỏ ý định này.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 14/01/2019

Published in Video

Trung Quốc : Tập Cận Bình và bốn "phản hiện đại hóa"

Báo chí Pháp hôm 14/01/2019 dĩ nhiên tập trung bàn tán và phân tích bức "Thư gởi người Pháp" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tối hôm qua, phác họa nền tảng cho cuộc "Thảo luận toàn quốc" nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 02/01/2019. Reuters/Mark Schiefelbein/Pool

Về thời sự quốc tế, rất đáng chú ý là bài phân tích trên tờ Le Figaro về Trung Quốc, nói về điều được tờ báo mệnh danh là bốn chủ trương "phản hiện đại hóa - contre-modernisations" của ông Tập Cận Bình, đã góp phần kết thúc chu kỳ "40 năm vàng son" của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn : "Trung Quốc : 4 phản hiện đại hóa", nhà báo Nicolas Baverez của tờ Le Figaro đã nêu bật bối cảnh năm 2019 này là năm chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cũng như vào thời điểm cách nay 4 thập niên, cụ thể là vào năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách "bốn hiện đại hóa", cho phép Trung Quốc cất cánh về kinh tế, vào lúc này, Bắc Kinh đang phải điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển của mình.

Vấn đề tuy nhiên là, với bước lùi thể hiện qua sự trở lại của thể chế chủ tịch suốt đời, tệ sùng bái lãnh tụ và sự tái lập quyền kiểm soát của Nhà nước trên nền kinh tế, tiến trình cải cách cần thiết của Trung Quốc có khả năng bị chặn đứng.

Tập Cận Bình xóa nhòa 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình

Le Figaro đã không ngần ngại đối lập 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình với 4 phản hiện đại hóa của Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Pháp, sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tổ chức sự phát triển của Trung Quốc theo bốn nguyên tắc.

Thứ nhất là duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc - điều đã được tái khẳng định một cách đẫm máu ở Thiên An Môn vào năm 1989 - nhưng tạo ra thế đối trọng với quyền lực độc tôn bằng hai nguyên tắc : quyền lãnh đạo tập thể và nhiệm kỳ 10 năm. Nguyên tắc thứ hai là cởi trói dần dần nền kinh tế để du nhập các cơ chế thị trường và mở cửa ra quốc tế ; nguyên tắc thứ ba là nới lỏng sự kiểm soát ý thức hệ trên nền kinh tế và xã hội, và sau cùng là vươn lên trên trường quốc tế một cách hòa bình.

Thế nhưng, theo Le Figaro, một cách có hệ thống, Tập Cận Bình đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình.

Về chính trị, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản chấp nhận một chế độ chủ tịch độc tôn kiểu các hoàng đế thời xưa. Về kinh tế là việc củng cố khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời hạn chế việc mở vốn của Trung Quốc cho thế giới bên ngoài. Về mặt ý thức hệ, Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự thống trị của giáo điều mácxít trong các công ty và trường đại học.

Cuối cùng, trong lãnh vực đối ngoại, nhân vật số một của Trung Quốc đã công khai cho thấy tham vọng giành quyền lãnh đạo thế giới vào năm 2049.

Vô số cản lực

Tuy nhiên, đối với tác giả bài báo trên Le Figaro, định hướng chiến lược mới của ông Tập Cận Bình hiện đang vấp phải nhiều trở ngại nghiêm trọng.

Thứ nhất, là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, tỷ lệ chính thức là khoảng 6%, nhưng trong thực tế chỉ chừng 2% mà thôi, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng 20%, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm 25% trong năm ngoái, trong lúc vốn liếng ngày càng "tháo chạy" khỏi Trung Quốc.

Điểm đặc biệt, theo Le Figaro, là mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên công nghiệp, xuất khẩu và vay nợ đang đi vào ngõ cụt. Việc sản xuất hàng hóa siêu tốc đã tàn phá môi trường, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã chận đứng sự bành trướng thương mại của Trung Quốc và gửi đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đã được thấy qua lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ở nhiều quốc gia.

Sự phình to của các khoản nợ công và tư nhân, chiếm hơn 260% GDP, đang tạo ra bong bóng đầu cơ nguy hiểm. Sự gia tăng của các dự án theo "con đường tơ lụa mới" đang gây ra tình trạng thiếu kinh phí.

Sau hết, thái độ khẳng định quyền lãnh đạo của Trung Quốc đã khiến nước ngoài lo sợ, và ngày càng có nhiều sự phản ứng kháng cự xuất hiện, kể cả ở Châu Á, chống lại một mô hình chính quyền độc đoán và một nền kinh tế xâm lược do Nhà nước Trung Quốc chỉ huy nhằm khuất phục và chiếm đoạt các tài sản chiến lược của các nước được Bắc Kinh trợ giúp.

Ba Lan : Chân dung gián điệp làm việc cho Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trên trang quốc tế, Le Monde nêu bật vụ một người Trung Quốc và một người Ba Lan có liên hệ với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, vừa bị chính quyền Warsawa bắt giữ vì bị tình nghi "hoạt động có hại cho Ba Lan". Tờ báo Pháp đã lồng vụ bắt giữ này vào "chiến dịch" được Mỹ tung ra nhằm cảnh giác các đồng minh về nguy cơ giao công việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông của mình cho tập đoàn Trung Quốc.

Chân dung hai nghi phạm tại Ba Lan rất được Le Monde chú ý : Người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh (Wang Weijing), nguyên là tùy viên tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, sau đó qua làm việc cho chi nhánh Hoa Vi tại Ba Lan, làm giám đốc giao tế, rồi giám đốc đặc trách khâu bán hàng cho các cơ quan nhà nước.

Phát ngôn viên của bộ trưởng đặc trách các cơ quan đặc biệt - tức là các cơ quan tình báo - của Ba Lan nói rõ là nghi can đã bị bắt vì đã hoạt động "cho tình báo Trung Quốc, gây hại cho Ba Lan", nhưng cũng nói rõ rằng đó là những hoạt động mang tính chất cá nhân chứ "không liên quan gì đến tập đoàn nơi nghi can làm việc".

Về nghi can gián điệp người Ba Lan, Le Monde trích dẫn đài truyền hình nhà nước Ba Lan cho biết người này từng là một cựu sĩ quan cao cấp trong ngành phản gián Ba Lan, phụ trách việc phát triển một hệ thống điện thoại di động an toàn cho các lãnh đạo chính trị nước này, trước khi qua làm cố vấn cho chi nhánh tập đoàn viễn thông Pháp Orange tại Ba Lan, vốn được giao trách nhiệm triển khai màng lưới 5G tại nước này cùng với Hoa Vi.

Theo Le Monde, vụ bắt giữ nghi can gián điệp Trung Quốc tại Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Washington đã tung ra một chiến dịch cảnh giác các đồng minh, đặc biệt là các nước có căn cứ Mỹ, là không nên giao việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, vào lúc mà các nơi đang chuẩn bị triển khai màng lưới di động 5G.

Liệu Hoa Vi có dám kháng lệnh của Nhà nước Trung Quốc ?

Lý do mà Mỹ nhấn mạnh là các nước có nguy cơ bị Bắc Kinh do thám và khống chế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngoại giao.

Theo ghi nhận của Le Monde, lời cảnh báo của Mỹ đang phát huy tác dụng cho dù không đồng đều. Mạnh tay nhất là Mỹ, sau đó là Úc và Nhật, đã loại Hoa Vi ra khỏi danh sách nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Nhưng tại Pháp hay Đức, phản ứng không rõ ràng. Ở Pháp, nếu tập đoàn Orange đã tẩy chay Hoa Vi, thì tập đoàn SFR vẫn đang thử nghiệm hệ thống 5G của mình với công nghệ 5G của Hoa Vi. Tại Đức, nêu hãng viễn thông hàng đầu là Deutsche Telekom đã cấm Hoa Vi, thì chủ tịch cơ quan liên bang về an ninh thông tin lại cho rằng "cần phải có bằng chứng" thực thụ về hành vị gián điệp, trước khi ban hành một quyết định "nghiêm trọng như là một lệnh cấm".

Le Monde nhắc lại rằng từ nhiều năm nay, Hoa Vi luôn khẳng định rằng họ là doanh nghiệp tư nhân, và chưa ai chứng minh được rằng họ đã có những hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ là trong tình hình hiện nay, khó có công ty Trung Quốc nào dám chống lại yêu cầu từ phía chính quyền, nhất là khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngừng tăng cường quyền kiểm soát của Nhà nước, và đã ban hành vào năm 2017 một đạo luật về tình báo trong đó ghi rõ : "Các tổ chức và công dân, trong tinh thần tôn trọng luật pháp, phải ủng hộ, hợp tác và tham gia vào công việc tình báo quốc gia".

"Thư gửi người Pháp" chiếm lĩnh trang nhất

Như nói ở trên, toàn bộ tựa lớn trang nhất các báo Pháp đều được dành cho việc phân tích tình hình chính trị nội bộ Pháp với bức "Thư gửi người Pháp" của tổng thống Emmanuel Macron được điện Élysée công bố tối hôm qua.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro, trên nền một bức ảnh của tổng thống Macron vẻ thoải mái, đã trích nguyên văn một đề nghị của ông thành tựa lớn : "Hãy biến nỗi tức giận thành giải pháp", trong lúc nhật báo thiên tả Libération thì phê phán hơn đối với ông Macron và chạy tựa "Bài viết để vớt vát", bên trên một tấm ảnh cho thấy tổng thống Pháp, vẻ mặt đăm chiêu.

Nhật báo công giáo La Croix khách quan hơn, chỉ chạy tựa "Hãy nhường chỗ cho tranh luận", nhắc đến bức thư của Emmanuel Macron và những mục tiêu và thách thức của cuộc Thảo luận toàn quốc sẽ mở ra ngày mai.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng gợi đến của thảo luận sắp tới và thấy là tổng thống "Macron mời dân Pháp tranh luận không cấm kỵ".

Macron và cơ hội cứu vãn nhiệm kỳ

Đối với tất cả các tờ báo Pháp, tổng thống Pháp đã cố sức soạn thảo bức thư của ông trong một động thái nhằm cứu vãn ba năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông, vốn đã bị hai tháng phản kháng Áo Vàng vừa qua làm lung lay.

Báo Libération, qua ngòi bút của Paul Quinio không ngần ngại cho rằng với lời nhắn gửi người Pháp, nguyên thủ quốc gia đã biến mình thành một ứng cử viên đang nhắm tới việc "cứu vãn ba năm còn lại trong phủ tổng thống".

Tuy nhiên, theo Libération, bức thư của tổng thống Pháp ông chỉ là một bài viết nhằm vớt vát. Đối với tác giả bài xã luận, ông Macron, một con người cao ngạo, như muốn hạ mình xuống ngang hàng với những người Áo Vàng trấn giữ các bùng binh, nhưng đây là một động thái không phải là không hàm chứa hiểm nguy đối với ông.

Le Figaro thì tự hỏi rằng cuộc Thảo luận toàn quốc sắp mở ra phải chăng là một cơ may cho người Pháp ? Dẫu sao thì đó là một "cơ hội cuối cùng cho tổng thống Emmanuel Macron, nếu ông muốn giải quyết khủng hoảng bằng một cách khác hơn là các kịch bản chính trị thảm họa đối với ông".

Về phần mình, La Croix cho rằng tổng thống Pháp hiện đã mất đi "uy tín cần thiết để thuyết phục mọi người rằng ông sẽ thực sự đấu tranh chống lại các rạn nứt xã hội và địa dư ở Pháp". Tuy nhiên, nhật báo công giáo thừa nhận rằng tổng thống Macron "vẫn có thể xoay sở để thoát khỏi sự kìm kẹp của phong trào phản đối mạnh mẽ và những hạn chế ngân sách nặng nề".

Nhật báo kinh tế Les Échos thì tỏ ý hoài nghi về sự sẵn sàng lắng nghe của Emmanuel Macron. Tờ báo giải thích : Tổng thống Pháp lao vào cuộc Thảo Luận như thể đấy là một giai đoạn nhất thiết phải vượt qua, chứ không thực sự tin tưởng rằng điều đó sẽ thành công".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

2019 : Năm khởi đầu chu kỳ xuống dốc của Trung Quốc ?

Áo Vàng trên Le Point, Thuế trên L’Express, Fake News trên L’Obs, Rác thải trên Courrier International…, tít chính trang bìa các tạp chí Pháp ra mắt trong tuần thứ hai của năm 2019 này rất đa dạng, với những chủ đề hoàn toàn khác nhau.

tq1

Với việc đưa rô-bốt Thỏ Ngọc 2 lên phần khuất của Mặt Trăng, Trung Quốc muốn khẳng định vị thế siêu cường công nghệ không gian. Ảnh chụp ngày 04/01/2019. China National Space Administration/CNS via Reuters

Đầu năm cũng là dịp để đưa ra các dự báo, và tuần báo Pháp Le Point đã có một phân tích đáng chú ý liên quan đến Trung Quốc, mà năm 2019 có thể là khởi điểm của một chu kỳ đi xuống.

Lấy ý từ thành công khoa học của Trung Quốc, liên quan đến việc đưa được một phi thuyền thăm dò đáp xuống mặt khuất của mặt trăng hôm mồng 3 tháng Giêng 2019 vừa qua, Le Point đặt tựa cho bài xã luận "Mặt khuất của Trung Quốc". Gọi là mặt khuất, nhưng ý của Le Point chính là mặt trái, mặt bị che giấu đằng sau bề mặt hào nhoáng.

Đối với Le Point, cho dù có bề ngoài uy phong đến đâu, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 70 tuổi vào năm nay, đang bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế hoạt động chậm lại, khiến cho chế độ độc tài thêm tàn nhẫn.

Tuần báo Pháp giải thích : Nhân dịp đầu năm này, Trung Quốc đã phô trương một hình ảnh đầy uy lực : Phóng được robot lên mặt khuất của mặt trăng và chứng tỏ tư cách gia nhập vào giới ưu tú công nghệ thế giới. Đe dọa dùng sức mạnh với Đài Loan để thống nhất lãnh thổ, cho thấy thái độ mất kiên nhẫn trước ý chí độc lập của đảo. Thử nghiệm một quả bom công phá bunker quy ước rất to, hay triển khai một loại hỏa tiễn hạt nhân mới xuyên lục địa, để bắn đi tín hiệu là khi cần Trung Quốc vẫn có khả năng quân sự để thực hiện tham vọng của mình.

Chiến lược lớn mà ông Tập Cận Bình muốn thực hiện là soán đoạt ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ, mà không đối đầu quân sự, đúng với binh pháp Tôn Tử cách nay 25 thế kỷ, theo đó người tướng giỏi nhất là người quy phục được kẻ thù mà không cần chiến đấu.

Hai kỷ niệm : 70 năm chế độ cộng sản và 30 năm Thiên An Môn

Trong cuộc đấu cấp hành tinh này giữa chủ nghĩa chuyên chế Á Châu chống lại nền dân chủ tự do, năm 2019 là thời điểm rất nhạy cảm cho Trung Quốc.

Trước tiên họ sẽ mừng sinh nhật thứ 70 của nước Trung Hoa cộng sản vào ngày 01/10/2019, một tuổi thọ đã vượt Liên Xô, chỉ sống được 69 năm. Kế đến Trung Quốc sẽ phớt lờ kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp phong trào Thiên An Môn. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn đứng vững sau vụ thảm sát đó, nhờ bảo đảm được cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông một mức sống được tăng lên đều đặn. Nhưng kinh tế chậm lại đang đe dọa khế ước bất thành văn đó.

Cho dù chính phủ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, kinh tế Trung Quốc vẫn có nhiều yếu tố bất lợi : cải cách thiếu vắng, dân chúng già đi, bong bóng nợ phình to, gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước gia tăng, chưa kể đến tệ nạn tham nhũng, thói chạy theo lợi nhuận của đảng viên, quân đội, và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Tăng trưởng Trung Quốc năm 2018 thực ra chỉ là 1,67% ?

Giáo sư kinh tế Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, trong tháng 12/2018 đã tỏ ý lo lắng trước việc thổi phồng quá đáng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Trong một tham luận, ông cho rằng thay vì 6,5% như chính quyền thông báo, mức tăng GDP "tối đa chỉ là khoảng 1,67%" cho năm 2018.

Le Point nhắc lại binh pháp Tôn Tử, theo đó "nghệ thuật chiến tranh là dựa trên sự lừa dối", và lời chỉ trích của giáo sư Hướng đã bị chính quyền nhanh chóng kiểm duyệt. Thế nhưng, trường hợp này đã chứng tỏ rằng có một sự phản kháng thường trực trong lòng Trung Quốc.

Ngoài ra, như tờ báo ghi nhận, kinh tế càng trì trệ thì đảng cộng sản càng siết chặt quyền kiểm soát nhắm vào người dân, sợ rằng phong trào Thiên An Môn tái diễn… Nhưng việc dùng đến vũ khí cưỡng chế lại tác hại đến phát triển kinh tế và đè nặng lên triển vọng tương lai.

Đối với tuần báo Pháp, phương Tây từng sai lầm khi cho rằng sau cái chết của Mao vào năm 1976, Trung Quốc sẽ mở cửa, sẽ tự do hóa. Ngày nay, họ cũng sẽ sai lầm như vậy nếu nghĩ rằng sự vươn lên của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đà của 40 năm qua.

Le Point kết luận : Cho dù Tôn Tử có nhiều binh pháp đã được sử dụng thành công, nhưng việc chủ nghĩa chuyên chế có thắng được chủ nghĩa tự do hay không thì chưa có gì là chắc chắn.

Nga và Trung cố hồi sinh huyền thoại đế chế

Trung Quốc cùng với Nga cũng là chủ đề được tuần báo Courrier International bàn thảo trong bài xã luận mang tựa đề "Nga và Trung Quốc cố làm sống lại huyền thoại đế chế qua hai khái niệm "Thế Giới Nga" và "Giấc Mơ Trung Hoa"…

Nhận định của Courrier International rất gay gắt : Đã từ lâu, cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều thấy rằng ý thức hệ cộng sản không còn làm ai mơ ước nữa. Do đó, cả hai ông Vladimir Putin - người đã được rèn luyện trong cơ quan tình báo KGB - và Tập Cận Bình - con trai của một anh hùng cách mạng thời Mao Trạch Đông, đã hiểu rằng để huy động quần chúng, không nên dựa vào giá trị dân chủ, mà phải kích động tinh thần dân tộc.

Hai nhân vật chuyên chế này không những biết cách kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của họ - Putin đã cai trị nước Nga từ năm 2000, còn ông Tập thì đã có thể giữ ghế lãnh đạo Trung Quốc suốt đời – mà còn biết sử dụng và lạm dụng những khái niệm mơ hồ và khẩu hiệu rỗng tuếch.

Thế nhưng dù là "Thế Giới Nga" của ông Putin, hay "Giấc Mơ Trung Hoa" của ông Tập, thì mục đích vẫn giống nhau : Đó là làm sống lại huyền thoại đế chế và vẽ nên một câu chuyện vĩ đại có thể làm cho công dân của họ quên đi những nỗi khổ cực trong cuộc sống hàng ngày.

Việc sát nhập Crimea năm 2014 đã giúp Putin tô son trở lại uy tín của mình. Nhưng việc Giáo hội Chính thống giáo Ukraine độc lập được thành lập ngày 05/01 với phép lành của thượng phụ Constantinople, bất chấp phản đối của thượng phụ Moskva… đã cho thấy thất bại của Putin trong việc mở rộng "Thế Giới Nga". Từ nhiều năm qua, Putin đã liên minh với thượng phụ Moskva trong mục tiêu để Giáo hội Chính thống giáo Nga bao trùm toàn bộ đế chế Liên Xô cũ.

Ở Trung Quốc, việc bành trướng lãnh thổ cũng nằm trong chương trình, được thể hiện trong phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 02/01, hứa hẹn thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc, và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, điều đó chỉ làm cho căng thẳng với Đài Bắc thêm gay gắt.

Đối với Courrier International, bước vào một năm nhạy cảm (với cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, cùng với kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn và 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), hai điểm nóng đã bắt đầu nhấp nháy trên bản đồ thế giới.

Trang nhất các tuần báo

Le Point tiếp tục chú ý đến phong trào Áo Vàng tại Pháp, trong lúc L’Express thì quan tâm đến hồ sơ "Thuế thu tận gốc", một cải cách mới được áp dụng kể từ đầu năm nay.

Trái với hai đồng nghiệp vừa kể đã tập trung cho thời sự Pháp, L’Obs dành trang bìa cho một "chứng bệnh ung thư" đang lan rộng trên thế giới mang tên "Fake News – tức là tin thất thiệt", còn Courrier International thì đề cập đến hồ sơ gai góc là "Rác thải".

Riêng tuần báo Anh The Economist thì đã xoáy vào kỳ công chinh phục mặt trăng của Trung Quốc với hàng tít lớn trang bìa : "Trăng đỏ đang lên", bên trên một câu hỏi đầy lo ngại : "Phải chăng Trung Quốc sẽ thống trị khoa học ?".

Áo Vàng Pháp : Bao giờ thì dứt thù hằn ?

Thời sự nóng bỏng tại Pháp là phong trào Áo Vàng tiếp tục được báo chí theo dõi, với một hồ sơ lớn của tuần báo Le Point nêu bật thái độ bất bình trước tình trạng bạo động bùng lên mỗi thứ Bảy.

Trên trang nhất, trên nền một bức ảnh cho thấy một người biểu tình (nguyên là một cựu vô địch quyền anh) đang đấm vào mặt một cảnh sát dã chiến đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm khiên chắn, Le Point chạy tít đầy phẫn nộ "Áo Vàng : Bao giờ thì kết thúc đây !", kèm theo hai nhận định : "Nước Pháp bên miệng núi lửa" và "Cuộc Thảo luận toàn quốc : Bản hướng dẫn về những ý kiến sai lạc".

Đối với Le Point, nước Pháp quả là đang rơi vào tính trạng vô chính phủ. Và câu hỏi được đặt ra là các hành vi thể hiện sự thù hằn sẽ còn như thế nào nữa. Khi mô tả cảnh phá phách chiều 05/01 gần khu phố Saint-Germain ở Paris, nhà báo của Le Point rất ngán ngẩm :

"Chúng ta đang ở bên trong Paris, thế mà ta phải tự nhủ là bất kỳ cái gì cũng có thể xẩy ra, vì không khí hỗn loạn bao trùm. Nếu muốn đập tủ kính thì cứ đập và lấy đồ trong đó. Nếu muốn đốt xe thì cứ đốt và thản nhiên reo mừng về hành động của mình. Nếu muốn ném một khúc rào sắt chắn cây về phía cảnh sát thì cứ ném mà không bị bất kỳ trừng phạt nào…".

Những cáo buộc của Le Point nhắm vào những phần tử quá khích trong đoàn biểu tình Áo Vàng rất nhiều, và những hành vi bạo lực của những kẻ này thể hiện một ước muốn trả thù, chống lại một trật tự mà họ cho là bị áp đặt. Có điều là - bài viết lưu ý - :

"Trật tự mà những người biểu tình bạo động đó thách thức có đặc điểm là người cảnh sát đối diện với họ, chỉ có mức lương 2.200 euro mỗi tháng. Các phương tiện truyền thông mà những kẻ này đả phá, thì mang dáng dấp của một nhà báo viết thuê, đầu đội mũ bảo hộ chìa micro để phỏng vấn họ, và nhà báo này lương cao nhất cũng chỉ là 2.500 euro mỗi tháng. Còn giới tài chánh mà họ căm ghét, là nữ nhân viên của ngân hàng Société Générale chẳng hạn, với đồng lương vỏn vẹn 1.800 euro mỗi tháng, nhưng đã bị buộc phải nghỉ ở nhà vì nơi làm việc của cô đã người biểu tình đập phá.

Khi bị chất vấn về những điều trên, một người Áo Vàng đã bực tức trả lời : Chúng tôi rất tiếc cho họ. Tốt nhất là họ nên gia nhập hàng ngũ của chúng tôi".

Fake News – tin giả và những thuyết âm mưu

Cũng liên quan phần nào đến phong trào Áo Vàng, tuần báo L’Obs của Pháp trở lại với chủ đề tin thất thiệt trong một hồ sơ dài 14 trang. Trang bìa tờ báo chạy tít "Căn bệnh ung thư của Fake News", rồi đặt một câu hỏi : "Nó đã tấn công nền dân chủ như thế nào".

Tuần báo Pháp chua chát ghi nhận rằng cho đến nay, người ta có thể thấy đủ mọi thứ trên các mạng xã hội, cái tốt nhất cũng như cái tồi tệ nhất. Vấn đề là ngày nay, cái tồi tệ đang đe dọa cái tốt, cái giả đang qua mặt cái thật, lời nói dối lấn lướt thông tin thật đã được kiểm chứng.

Theo L’Obs, tin giả và những thuyết âm mưu đang "đầy rẫy trên các mạng xã hội" và tuần báo đã điều tra xem ai là người đã chế tạo các tin đồn thất thiệt, tìm hiểu các tin này lan truyền ra sao, và đề ra một số biện pháp ứng phó với tình trạng lũng đoạn thông tin có tổ chức này.

Lấy ví dụ về phong trào Áo Vàng và vụ khủng bố ở Strasbourg ngày 11 tháng 12 vừa qua, khiến nhiều người chết, với việc Daech gọi thủ phạm là chiến binh của họ, L’Obs đã nêu rõ một số luận điệu thất thiệt được loan truyền quanh sự kiện này.

"Trên Twitter, Marc cho rằng "Quả là khôn khéo để chặn phong trào Áo Vàng. Chơi hay đấy". Alfonso thì gọi sự kiện đó là "một âm mưu, một cuộc đảo chính" và chính quyền sẽ viện cớ để trấn áp biểu tình. Nhiều người khác thì nhìn thấy là có "bàn tay cơ quan tình báo". Maxime Nicole, biệt hiệu Fly Rider, một gương mặt cực đoan của phong trào Áo Vàng, cũng lên tiếng trên Facebook : "Phải hiểu là kẻ thực sự muốn khủng bố, thì sẽ không chỉ đợi có 3 người lảng vảng trên đường vào lúc 20 giờ để ra tay, mà sẽ đến giữa đại lộ Champs-Elysées khi có cả triệu người tại đó và kích nổ bom tự sát".

Một điểm đáng ngại được L’Obs nêu lên là sau những hình ảnh giả, Fake News, bây giờ đến lượt video thất thiệt, gọi là "deepfakes", tức là những video có vẻ rất thật, nhưng đã bị thao túng bằng những phần mềm tinh vi. Người ta có thể dàn dựng bất cứ chuyện gì, cho bất kỳ ai nói bất cứ cái gì. Để hạ nhục, bắt bí, thao túng đối phương, thì cái nguy hiểm nhất đang ở trước mặt chúng ta với những hậu quả chính trị dễ tưởng tượng ra.

Xưởng làm fake news ở Macedonia với 150 trang web thân Trump

L'Obs đã cử người đến làm phóng sự điều tra tại trong một "cơ xưởng làm fake news", ở thị trấn Vélès xứ Macedonia, nơi fakes news được sản xuất như theo dây chuyền công nghiệp. Phóng viên L’Obs ghi nhận : Bị tình nghi can dự vào cuộc bầu cử Mỹ, đất nước nhỏ bé này, do ảnh hưởng các nhóm thế lực thân Trump và thân Nga, đã trở thành vùng của những "sự thật được sản xuất hậu kỳ"

Vélès là một thị trấn rất nhỏ bé, chỉ có một dãy quán cà phê tập trung trên con lộ, hai bên là chung cư bằng bê tông. Dân cư tại đây rất ghét nhà báo đến soi mói thị trấn chỉ có 45.000 dân của họ. Thế nhưng Vélès có đến 150 trang web ủng hộ Donald Trump. Một người dân than rằng : "Các người đã giết chết con gà đẻ trứng vàng của chúng tôi". Dưới sức ép, Facebook đang truy lùng những trang đến từ Macedonia.

Thuế thu tận gốc : Lo ngại vô lý hay có cơ sở ?

Về một vấn đề được người Pháp rất quan tâm, L’Express tuần này đã dành nguyên một hồ sơ 12 trang cho biện pháp mới được áp dụng từ năm 2019 : "Thu thuế tận gốc" là tựa lớn ngay trang bìa tờ báo bên trên nhận định "Công cuộc cải cách căng thẳng".

Nhưng đây là một chủ đề đã được bàn thảo từ nhiều tháng qua, không có cái gì quá ‘sốt dẻo’. Tuần báo nhìn thấy là bối cảnh chính trị và xã hội rất căng thẳng, nhưng đến giờ mọi việc có vẻ êm xuôi, và truyền thông có vẻ bất an hơn là người Pháp, nếu tin vào các kết quả thăm dò dư luận.

Nhật Bản già đi nhanh chóng

L’Express nhìn sang Nhật Bản, trong một hồ sơ 20 trang, với ghi nhận đầu tiên : Nước Nhật già đi nhanh chóng.

Vào năm 2060, số người cao niên sẽ chiếm 40% dân chúng, theo các ước tính về dân số. Nhật sẽ chỉ còn 80 triệu dân so với 128 triệu hiện nay. Ít đi 40 triệu dân, một con số đáng ngạc nhiên. Ước tính này dựa trên tỷ lệ sinh đẻ rất thấp (1,44).

Tỷ lệ thất nghiệp 2,4% tại Nhật Bản đã xuống đến mức thấp nhất từ 25 năm nay. Nhưng số liệu này không phản ảnh sức khỏe tốt của kinh tế Nhật Bản, mà là sự thiếu nhân công lao động : cứ 140 việc làm thì chỉ tìm được 100 người xin việc.

Rác thải : Trung Quốc đóng cửa, Đông Nam Á lãnh hết

Tuần báo Pháp Courrier International đã dành hồ sơ lớn cho vấn đề xử lý rác thải đang được liệt vào diện một cuộc khủng hoảng thế giới. Ngay trang bìa, trên nền ảnh chụp rác thải chất thành núi, tờ báo chạy tựa lớn : "Rác : Một bài toán nhức đầu cấp thế giới", kèm theo một câu hỏi "Làm gì với rác do chúng ta thải ra khi mà Trung Quốc đã quyết định thôi không nhập nữa ?". Câu trả lời là một phóng sự điều tra dài của nhật báo Anh Financial Times được Courrier International trích dịch.

Theo đó, Trung Quốc không còn muốn làm thùng rác của thế giới nữa. Từ năm 2018, họ đã cấm nhập rác, và giờ đây thì Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận vật phế thải của các nước phát triển, trong điều kiện môi sinh và vệ sinh rất tồi tệ.

Số liệu của Ngân Hàng Thế Giới đưa ra cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới. Và từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980, thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp sinh thái cho số rác ngày càng lớn được thải ra, và đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá 175 tỷ euro trên toàn cầu…

Cho đến ngày 31/12/2017, Trung Quốc còn là "trung tâm" xử lý rác thải quốc tế. Nhưng vào năm 2018 thì tất cả đã thay đổi, Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý, với lý do là phần lớn vật liệu này "bẩn" hay nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.

Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi mà những người trong ngành nghĩ là sẽ không thể được áp dụng. Thực tế rất khác : Trung Quốc và Hồng Kông, vẫn còn mua đến 60% rác thải nhựa từ các nước khối G7 vào 6 tháng đầu năm 2017, thì một năm sau chỉ còn nhập có 10%.

Financial Times đã lần theo dấu vết rác plastic và giấy cũ mà nhóm G7 xuất khẩu, và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.

Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Kông. Từ giữa sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa nhập vào Việt Nam cũng đã tăng gấp đôi, và tăng vọt 56% ở Indonesia, nhưng ngoạn mục nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Chip điện tử, trung tâm điểm cuộc thương chiến Mỹ-Trung

Liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thông tín viêLe Monde Thượng Hải nhận định "Chip điện tử, cốt lõi của cuộc thương chiến Mỹ-Trung".Washington dựa vào sự thống trị về công nghệ, còn Bắc Kinh cố gắng rút ngắn khoảng cách bằng mọi giá.

chip1

ZTE lệ thuộc vào chip điện tử của Mỹ đ sản xuất điện thoại thông minh. Reuters/Carlo Allegri

ZTE bị Mỹ trừng phạt, nỗi nhục cho giới kỹ sư Trung Quốc

Hôm 29/10/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho Fujian Jinhua (Phúc Kiến Tấn Hoa), công ty start-up Trung Quốc chuyên sản xuất thẻ nhớ, bị Micronmột trong những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ về chất bán dẫntố cáo đã sử dụng tình báo kinh tế. Không còn mua được máy móc và phần mềm của Mỹ, công ty này suýt phá sản nếu không được tỉnh Phúc Kiến đầu tư 5 tỉ euro.

Sáu tháng trước đó, một tập đoàn lớn hơn cũng gặp phải thảm họa tương tự : ZTE (Trung Hưng Thông Tấn), một trong những tên tuổi hàng đầu Trung Quốc về viễn thông, đã phải ngưng sản xuất, nhưng sau đó được tổng thống Mỹ Donald Trump "khoan hồng".

Vụ ZTE đã gây chấn động lớn tại Hoa lục. Đa số các tập đoàn internet như Tencent, Alibaba, Baidu, Huawei, start-up ByteDance sau đó đều loan báo đầu tư vào lãnh vực chiến lược này, để khỏi lệ thuộc vào thiết bị nhập khẩu của Mỹ. Trường hợp ZTE làm nổi rõ gót chân Achille của công nghiệp Trung Quốc : mặc dù thống trị về sản phẩm điện tử, từ màn hình phẳng cho đến smartphone, Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào các nước phát triển đối với những thiết bị cốt yếu. Việc trừng phạt ZTE bị cộng đồng kỹ sư Trung Quốc coi là "một nỗi nhục".

Chip điện tử : Đổ vào nhiều tỉ đô la, Bắc Kinh vẫn chưa tự lực nổi

Ngày nay, những con chip điện tử - mảnh silicone nhỏ chứa đầy transistor (linh kiện bán dẫn) - có mặt khắp nơi : trong điện thoại thông minh, lò vi sóng, các sản phẩm điều khiển từ xa… Nhưng việc sản xuất các chip điện tử tối tân nhất nằm trong tay một số ít công ty như Qualcomm, Intel, Nvidia, Samsung. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng chỉ tự sản xuất được 16% chip điện tử. Linh kiện bán dẫn là mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, với 276,4 tỉ đô la năm 2017, đứng trên cả dầu lửa. Đây cũng là một trong những thách thức của kế hoạch "Made in China 2025".

Cuối tháng 10/2018, khi thăm tỉnh Quảng Đông, trung tâm kỹ nghệ điện tử Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi cố gắng tự lực tự cường vì "công nghệ cao ngày càng khó mua được từ nước ngoài". Tại Quảng Đông, Gree, nhà sản xuất hàng điện tử đứng đầu thế giới về máy lạnh, đã đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ (126 triệu euro) để lập một chi nhánh sản xuất chip điện tử.

Thật ra từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã đầu tư vào lãnh vực này. Đến 2014, Bắc Kinh lập ra Quỹ đầu tư quốc gia với 140 tỉ nhân dân tệ (17,6 tỉ euro) để hỗ trợ các start-up trong nước về bán dẫn, và hiện nay quỹ này đang huy động thêm 25,2 tỉ euro cả tư lẫn công, cộng thêm trên 80 tỉ euro từ khoảng 30 quỹ nữa ở các địa phương – theo cơ quan tư vấn Bernstein Research.

Tuy nhiên bấy nhiêu tỉ euro vẫn chưa thể đủ. Ông Paul Triolo, phụ trách địa chính trị công nghệ ở Eurasia Group giải thích : "Sản xuất linh kiện bán dẫn còn khó hơn cả lãnh vực hàng không-không gian. Đó là các công nghệ hết sức phức tạp. Một công ty Mỹ như Nvidia chằng hạn, có hàng nhiều ngàn kỹ sư được đào tạo chu đáo, nắm được toàn bộ chuỗi sản xuất ra một con chip điện tử. Trung Quốc không có được kinh nghiệm này. Hơn nữa, cần phải có trình độ rất cao. Bắc Kinh cố gắng đuổi theo, nhưng mục tiêu luôn di động, vì công nghệ tiến bộ hết sức nhanh chóng".

Trung Quốc đi tắt bằng cách thâu tóm hoặc ăn cắp công nghệ

Để rút ngắn khoảng cách, cũng có những con đường tắt. Biện pháp hàng đầu là mua lại doanh nghiệp. Tsinghua Unigroup thuộc đại học Thanh Hoa (Tsinghua) được một quỹ nhà nước hỗ trợ, năm 2015 đã đề nghị mua lại Micron, tên tuổi số một nước Mỹ về thẻ nhớ, với giá 23 tỉ đô la. Ủy ban đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ bác bỏ thẳng thừng : Micron là nhà sản xuất duy nhất chip điện tử cần thiết cho các loại vũ khí hiện đại.

Washington cũng tố cáo Bắc Kinh dùng đến các biện pháp khó thể thú nhận : gián điệp kinh tế. Tháng 12/2017, Micron đã kiện Fujian Jinhua vì đánh cắp sở hữu trí tuệ, và United Microelectronics Corporation (UMC) của Đài Loan vì đóng vai trò trung gian trong vụ này. Hai kỹ sư của Micron bị UMC chiêu dụ, đã nhảy sang làm cho Fujian Jinhua mang theo cả những tài liệu nội bộ về thẻ nhớ DRAM.

Khi trừng phạt công ty này, Bộ Thương mại Mỹ nêu ra không chỉ nguồn gốc công nghệ, mà cả "mối đe dọa về lâu về dài về các thiết bị thiết yếu cho quốc phòng". Theo Paul Triolo, Hoa Kỳ đã dấn thêm một bước khi "gắn kết an ninh kinh tế với an ninh quốc gia".

Bắc Kinh trả đũa ngay : một tòa án ở Phúc Kiến, căn cứ địa của Jinhua, liền cấm Micron bán một số sản phẩm, trong khi Hoa lục chiếm phân nửa doanh số của tập đoàn này.

Mối đe dọa cho phía Mỹ còn từ việc ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc lao vào việc design chip điện tử cho riêng mình. Chẳng hạn start-up Rokid, đã dụ dỗ được giám đốc Viện bán dẫn của Samsung tại Trung Quốc sang làm cho mình, bán loại chip Kamino 18 chuyên nhận ra giọng nói, rẻ hơn thị trường đến 30%. Chuyên gia Paul Triolo cảnh báo tuy Trung Quốc hiện còn lẹt đẹt theo sau Mỹ, nhưng quá khứ cho thấy họ tiến bộ rất nhanh.

Thương chiến Mỹ-Trung : Thời gian đang đứng về phía Washington

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde ghi nhận "những bước tiến nho nhỏ về thương mại", nhưng tình trạng kinh tế chậm lại có thể làm phức tạp thêm cuộc đàm phán với Mỹ.

Sau hai ngày rưỡi thương lượng, phái đoàn Mỹ rời Bắc Kinh với vẻ khá hài lòng. Không có chi tiết nào được tiết lộ, trong khi thời gian không còn nhiều nữa. Người ta chỉ biết rằng Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều nông sản, năng lượng, công nghệ phẩm và dịch vụ - theo phía Mỹ. Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant hoan nghênh "cuộc đối thoại mang tính xây dựng", nhưng nhắc nhở rằng cam kết đơn phương của Bắc Kinh chưa đủ, cần có những "cải cách về cơ cấu" liên quan đến mở cửa thị trường và chuyển giao công nghệ. Tuyên bố của phía Trung Quốc lại càng mơ hồ hơn.

Theo Le Monde, thời gian đang đứng về phía người Mỹ. Washington chỉ gởi đến các viên chức hạng nhì, không có mặt "diều hâu" Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, mà chỉ có cấp phó. Tuy vậy, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) lại bất ngờ xuất hiện, chứng tỏ Bắc Kinh rất coi trọng cuộc đàm phán này.

Về mặt chính thức, thì chính quyền vẫn nói cứng là cuộc thương chiến không ảnh hưởng đến kinh tế Hoa lục, tuy nhiên đèn cảnh báo màu cam đang nhấp nháy : theo ngân hàng UBS, tăng trưởng chỉ là 6,2% thay vì 6,5%.

Không ngày nào báo chí Hoa lục lại không kêu gào "có thêm những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế". Ngân hàng Trung ương cho biết sẽ bơm thêm gần 800 tỉ nhân dân tệ (102 tỉ euro), và năm nay sẽ xây dựng thêm 6.800 km đường xe lửa mới, trong đó có 3.200 km đường tàu cao tốc.

Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero nhận định "Bắc Kinh không có cách nào khác là phải tung ra kế hoạch hỗ trợ ồ ạt để thúc đẩy tăng trưởng". Vấn đề là ở chỗ : thay vì cải cách cơ cấu như phương Tây đòi hỏi, Bắc Kinh tập trung vào việc hỗ trợ các công ty quốc doanh Trung Quốc, ngược hẳn với những gì mà Washington mong muốn.

Hợp tác với Nhật, Pháp sẽ hiện diện ở Thái Bình Dương

Về quan hệ Pháp-Nhật, Le Figaro cho biết "Paris và Tokyo tăng cường đối tác chiến lược". Hải quân hai nước sẽ cùng tập dượt trong năm nay, đặc biệt hàng không mẫu hạm Pháp "Charles De Gaulle" sẽ thăm Châu Á.

Hôm nay ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng quân lực Florence Parly gặp gỡ đồng nhiệm Nhật Taro Kono, và Takeshi Iwaya tại Brest. Sở dĩ chọn thành phố vùng Bretagne này vì kết nghĩa với Yokosuka, nơi có căn cứ hải quân do các kỹ sư Pháp xây dựng hồi thế kỷ 19.

Dự án một tàu ngầm rà mìn không người điều khiển của Thales và Mitsubishi Heavy Industries đưa ra năm ngoái, được cụ thể hóa bằng một thỏa thuận vừa ký vào tháng 12/2018. Hai bên cũng quan tâm đến "trục Ấn Độ-Thái Bình Dương", và chia sẻ mối quan ngại về Bắc Triều Tiên. Pháp sẽ tham gia các hoạt động giám sát trên không và trên biển chống việc sang mạn cho tàu dầu Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Một phi cơ thám sát trên biển và chiến hạm Vendémiaire sẽ được gởi đến khu vực. Hải quân Nhật sẽ tập trận với hàng không mẫu hạm Charles De Gaulles, có thể gần Djibouti hay phía đông Ân Độ Dương… Tuy vậy Paris cho rằng việc hợp tác này không nhằm chống Trung Quốc.

Paris không thể miễn phí giao thông công cộng

Tại Pháp về mặt xã hội, giấc mơ của đô trưởng Paris là miễn phí hoàn toàn cho giao thông công cộng, đã tan thành bọt nước.

Nhiều tờ báo trong đó có La Croix dẫn công trình nghiên cứu của các chuyên gia độc lập cho biết, việc miễn phí 100% các phương tiện công cộng không có tác động bao nhiêu đối với những người sử dụng xe hơi. Tuy nhiên, biện pháp sẽ làm nhiều người đi xe đạp và đi bộ chuyển qua dùng xe buýt, métro, RER, tramway khiến tăng thêm khoảng 36 đến 48% số người sử dụng, trong khi mạng lưới công cộng chưa thể đáp ứng. Muốn tránh tình trạng bão hòa, phải đầu tư thêm, và như vậy phải tăng thuế đánh vào mỗi hộ gia đình Pháp thêm 500 euro.

Tựa chính báo Pháp : Cuộc thảo luận toàn quốc

Le Mondechạy tựa "Những thách thức và rủi ro của cuộc thảo luận toàn quốc". Chỉ còn không đầy một tuần nữa sẽ được bắt đầu, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về cách tổ chức cũng như những kết luận sẽ được xử lý như thế nào. Các chủ đề không ngừng được mở rộng, và có những nhóm cố gắng áp đặt đề tài của riêng mình.

Nhân vụ bộ trưởng Chantal Juanno rút lui khỏi việc chủ trì cuộc thảo luận toàn quốc này (Grand Débat) do bị chỉ trích lương cao ngất ngưởng, Libération dành chủ đề cho "Những tranh cãi về lương bổng của các viên chức cao cấp".

Le Figarocho biết "Người Pháp ngờ vực các định chế và giới tinh hoa". Một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu đời sống chính trị (Cevipof) cho thấy người dân Pháp chưa bao giờ nhìn các định chế và những đại diện của mình bằng con mắt nghi ngờ đến thế. Không chỉ chính quyền, các chính đảng, mà cả các nghiệp đoàn, cơ quan truyền thông cũng bị nghi kỵ. May thay, dân chúng vẫn còn tin tưởng vào các thị trưởng, bệnh viện, trường học, cảnh sát và quân đội.

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos phân tích "Kỹ nghệ xe hơi đã thay đổi như thế nào". Tại Châu Âu, tập đoàn Ford và Jaguar sẽ sa thải hàng ngàn công nhân, trong khi đó ở hội chợ điện tử CES Las Vegas, chiếc xe hơi của tương lai được trình diện rõ nét.

La Croix nhìn sang Châu Phi, cho rằng người được cho là chiến thằng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Cộng hòa Dân chủ Congo chỉ là "Một sự chuyển đổi ngoài mặt", thực chất vẫn là phe cánh của tổng thống mãn nhiệm Joseph Kabila.

Thụy My

Published in Quốc tế