Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Hội nhập vào Giáo hội Công giáo Hoàn Vũ là điều thiết yếu

Ngược lại với các đồng nghiệp ra số đặc biệt từ tuần trước lễ Giáng Sinh, L’Express chờ đến tuần này mới ra số kép, vừa tất niên, vừa tân niên. Tạp chí đã dành một hồ sơ dầy cả 36 trang cho Tòa Thánh Vatican, dưới tựa đề trang bìa "Lịch sử các giáo hoàng" điểm lại hai nghìn năm lịch sử cầm quyền tại Tòa Thánh, những gương mặt tiêu biểu, những bí mật còn che giấu. Hồ sơ kết thúc bằng thời giáo hoàng Francis, với sự kiện gần đây nhất là thỏa thuận Vatican-Bắc Kinh về việc đề cử giám mục Trung Quốc.

giaohoi1

Giáo dân dự thánh lễ Noël hôm 24/12/2018 tại một nhà thờ ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Reuters/Jason Lee

Dưới tựa đề "Một cuộc đối thoại cởi mở", L’Express đã nhờ một quan sát viên thông thạo tình hình Trung Quốc giải mã quan hệ phải nói là phức tạp giữa một Nhà Nước "vô thần" với Tòa Thánh Vatican. Đó là ông Claude Martin cựu đại sứ Pháp ở Trung Quốc và cũng từng là đại sứ Pháp ở Việt Nam. Theo chuyên gia này, đối với Bắc Kinh, sự hội nhập của giáo hội "yêu nước" Trung Quốc vào giáo hội Công giáo Hoàn Vũ là điều thiết yếu.

Trả lời câu hỏi về hình ảnh của đạo Thiên Chúa trong một nước nổi tiếng là "vô thần", ông Claude Martin trước hết đã xác định rằng Trung Quốc không phải một đất nước không tôn giáo, chỉ có điều là quốc gia này đã sống quá lâu trong một không gian khép kín, với một kiểu "tôn giáo" theo đó vũ trụ quan và cái nhìn về trật tự chính trị, xã hội xếp chồng lên nhau một cách hoàn hảo...

Theo ông Martin, trong cấu trúc đó, giá trị tâm linh không chiếm bao nhiêu chỗ, và tại Trung Quốc, cái thế giới quan vốn được hệ thống hóa trong đạo Khổng, đã không đáp ứng được những mong mỏi, nguyện vọng của một dân tộc, luôn cảm nhận là cần phải có "một cái gì khác".

Trong thời gian gần đây, người ta ghi nhận một sự đột phá của các hội thánh Truyền Bá Phúc Âm của đạo Tin Lành tại Trung Quốc song song với thành công của đạo Công giáo. Đối với ông Claude Martin, hoạt động của những hội thánh Phúc Âm đã mạnh mẽ lên một cách đáng kể sau chính sách mở cửa năm 1979.

Vốn dĩ rất mạnh ở Mỹ, lại có phương tiện dồi dào, biết sử dụng những tổ chức phi chính phủ một cách rất hữu hiệu, các hội thánh Tin Lành đã có mặt hầu như khắp nơi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Theo đại sứ Martin, Bắc Kinh có đánh giá thuận lợi hơn về các hội thánh Phúc Âm, vì cho rằng đó là những tổ chức tự do, độc lập, không gắn với một thế lực chính trị nào đó.

Hai điểm bất lợi của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc

Theo ông Martin, lẽ ra Giáo hội Công giáo cũng có thể tranh thủ được chính sách mở cửa từ năm 1979 ở Trung Quốc. Thế nhưng lại bị vướng vào hai nhược điểm.

Trước tiên là Công giáo tại Trung Quốc bị chia cắt thành hai giáo hội, với một bên (thường được gọi là giáo hội "thầm lặng") hoàn toàn từ chối, không chịu phục tùng chính quyền Bắc Kinh và bên kia là giáo hội "yêu nước", đi theo chính quyền, nhưng không được Roma công nhận.

Nhược điểm thứ hai còn nghiêm trọng hơn nữa. Đó là việc Vatican là một trong những nhà nước cuối cùng trên thế giới còn công nhận Đài Loan, và có đại sứ quán tại đó.

Trong tình hình đó, theo đại sứ Martin, rất may là cuộc đối thoại Vatican-Bắc Kinh mở ra kể từ năm 1980, đã giúp thay đổi tình hình, ít ra là trên điểm thứ nhất, tức là tình trạng chia rẽ giữa hai "giáo hội Công giáo" Trung Quốc.

Cộng đồng người Công giáo nói chung ở Trung Quốc đang ngày càng có cảm nhận là một ngày nào đó, giáo hội Công giáo Trung Quốc sẽ tìm lại được sự thống nhất và lấy lại được chỗ đứng trong Giáo hội Hoàn Vũ. Trong niềm hy vọng đó, cả hai giáo hội ở Trung Quốc, đã thấy hàng ngũ của mình thêm đông đảo, nhất là phía giáo hội "yêu nước", với một số giám mục, kể từ nay được chỉ định với sự chấp thuận của Vatican, được cả hai bên công nhận là chính đáng.

Bắc Kinh cần có thỏa thuận với Vatican để nâng cao vị thế quốc tế

Giải thích về lý do vì sao Bắc Kinh đã nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận với Tòa Thánh Vatican, nhà cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc nêu bật nhu cầu tăng cường vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Đối với ông Martin, hiển nhiên là chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận việc một mạng lưới lãnh đạo tôn giáo phát triển trên đất Trung Quốc và được chỉ huy từ bên ngoài. Nhưng đồng thời thì Bắc Kinh cũng thấy là giáo hội Công giáo "yêu nước", cho dù có đông đảo người theo và được tín đồ tôn trọng, nhưng chỉ có tính chính đáng thật sự khi được giáo hoàng đồng ý cho hội nhập vào cộng đồng Công giáo toàn cầu.

Đối với Bắc Kinh sự hội nhập này rất quan trọng. Đó là một yếu tố giúp Trung Quốc tăng cường vị thế quốc tế, điều mà họ từng đạt được với việc gia nhập Liên Hiệp Quốc, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO, OMC).

Theo ông Martin, chính quyền Trung Quốc dường như đang tin chắc rằng, như trong trường hợp gia nhập OMC, Bắc Kinh có thể dùng việc chính thức chấp nhận thẩm quyền của giáo hoàng trên giáo hội Công giáo Trung Quốc – một nhượng bộ không phải là nhỏ - để đánh đổi lấy việc được Vatican cho hưởng một "chế độ ưu đãi đặc biệt".

Dẫu sao thì theo cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, chế độ vừa được Bắc Kinh và Vatican chấp nhận rất cân đối, vừa có lợi cho Trung Quốc, vừa tốt cho Vatican vì sẽ giúp cho Công giáo tăng thêm ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Tóm lại, theo ông Claude Martin, cho dù vẫn còn bị một số người chỉ trích, hướng tiếp cận Trung Quốc mà giáo hoàng Francis đã chọn là một hướng đi tốt và đúng đắn căn cứ vào tình hình Trung Quốc hiện nay.

Armenia, quốc gia tiêu biểu năm 2018 của The Economist

Trong số kép cuối năm 2018, như thông lệ, tuần báo Anh The Economist đã bình chọn quốc gia tiêu biểu trong năm - "Country of the year". Trước khi nêu tên nước được chọn, tờ báo đã giải thích lý do bình bầu, nhưng đặc biệt năm nay, đã đưa ra một lời xin lỗi kép !

Mở đầu bài viết, The Economist nhắc lại rằng danh hiệu "Country of the year" của tạp chí không trao cho quốc gia có ảnh hưởng nhất, giàu nhất, mà là để ca ngợi bước tiến bộ trong năm. Tờ báo công nhận rằng đây là một sự chọn lựa hết sức tế nhị, một kết quả sáng chói trong năm này không bảo đảm là sẽ tiếp tục thành công trong những năm sau.

Và tuần báo Anh đã ghi nhận hai lựa chọn trong những năm trước đây đã bị thực tế của năm 2018 phản bác một cách rõ rệt. Vào năm ngoái, Pháp đã được The Economist chọn làm quốc gia tiêu biểu trên thế giới. Thế nhưng vào cuối năm 2018 này, thì Pháp đã bị biểu tình bạo động ở nhiều nơi.

Cũng như vậy, theo thú nhận của tuần báo Anh, Miến Điện vào năm 2015 đã được chọn làm quốc gia tiêu biểu, thế nhưng đã tụt hậu trong máu lửa của năm nay.

Tuy nhiên, The Economist không nản chí, cho rằng dù sao cũng phải cố gắng chọn lựa. Và vấn đề lại đặt ra là phải chọn nước nào.

Tuần báo Anh ghi nhận là một số người trong ban biên tập đã hóm hỉnh đề nghị Anh Quốc, với lý do là đã gởi đến thế giới một lời cảnh báo rất có ích, theo đó "ngay cả một nước giàu có, hòa bình, có vẻ ổn định", cũng có thể thiếu suy nghĩ, thiêu hủy ngay cả các sắp xếp của mình mà không có một kế hoạch nghiêm túc để thay thế. Ở đây, rõ ràng là tuần báo Anh muốn nói đến vở bi hài kịch Brexit đang diễn ra.

Cũng có người đề nghị Ireland vì đã cưỡng lại một hình thức Brexit có thể làm tiêu tan hòa bình ở Ireland, và cũng đã giải quyết được cuộc tranh cãi sôi bỏng về vấn đề phá thai một cách dân chủ.

Sau cùng, danh sách bình bầu của The Economist đã được rút ngắn còn 3 nước nổi bật là Malaysia, Ethiopia, và Armenia.

Về Malaysia, tuần báo Anh đã đánh giá cao việc cử tri quốc gia Đông Nam Á này đã truất phế một thủ tướng đã không giải thích được rõ ràng là do đâu ông có được 700 triệu đô la trong tài khoản ngân hàng của mình. Đối với The Economist, chính quyết định của cử tri trừng phạt cựu thủ tướng Najib Razak là điều đáng ngạc nhiên.

Cho dù nhân vật này đầy rẫy điểm xấu, nhưng đảng cầm quyền Malaysia đã thống trị sân khấu chính trị nước này từ những năm 1950, và luôn luôn biết cách gian lận để duy trì quyền hành. Thế mà đối lập đã thắng, và người dân đã rất vui mừng trước cảnh tượng cảnh sát chuyển đi những hộp tiền, nữ trang, túi xách quý giá… của cựu thủ tướng phu nhân.

Điểm yếu của Malaysia, theo The Economist, lẽ ra là nên chọn một người thắng cuộc đáng giá hơn đương kim thủ tướng Mahathir, một người đã hơn 90 tuổi, và đã có dấu hiệu không muốn thực hiện một số thay đổi như việc hủy bỏ chính sách đãi ngộ theo chủng tộc, hoặc là trao lại quyền hạn như đã hứa cho người trẻ hơn là Anwar Ibrahim.

Ethiopia, một xứ châu Phi, cũng đã có một năm ngoạn mục, với việc đảng cầm quyền, dù vẫn chuyên chế, trong năm nay, đã đưa lên làm tổng thống một lãnh đạo theo khuynh hướng cải cách. Ông Abiy Ahmed đã trả tự do tù nhân chính trị, cởi trói báo chí, mở cửa kinh tế, hứa bầu cử thực sự tự do vào năm 2020, làm hòa với láng giềng…

Nhưng The Economist không chọn Ethiopia với lý do là không chắc ông Abiy Ahmed có kềm chế được bạo động chủng tộc hay không, nhất là khi những thành phần đòi ly khai đang muốn thành lập những vùng thuần chủng tộc, không pha trộn, và lôi kéo người dân bỏ nhà để đến những nơi này.

Rốt cuộc, The Economist đã chọn Armenia, một quốc gia trước đây thuộc Liên Xô, nơi mà người dân trong năm 2018 đã biết vùng lên ngăn chặn thành công xu hướng độc tài của vị tổng thống lãnh đạo họ.

Theo tuần báo Anh, tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, tại vị từ lâu và vốn không còn quyền tái cử, đã âm mưu nắm giữ quyền hành bằng cách trao cho mình chức thủ tướng điều hành. Đây là điều mà Putin đã làm tại Nga.

Thế nhưng, người dân Armenia đã ồ ạt xuống đường phản đối, và ông Nikol Pashinyan, một cựu ký giả kiêm nghị sĩ Quốc hội đã được đưa lên nắm quyền một cách hợp pháp và chính đáng, nhờ một làn sóng nổi dậy chống lại tham nhũng và bất tài. Liên minh mới của ông đã giành được 70% số phiếu trong một cuộc bầu cử sau đó. Một thế lực độc tài kiểu Putin đã bị loại bỏ ở thượng tầng nhà nước mà không mất một giọt máu, và Nga đã không có lý do để can thiệp.

Dù chọn Armenia là quốc gia tiêu biểu của năm 2018, The Economist cũng thận trọng lưu ý : Tranh chấp lãnh thổ gai góc với láng giềng Azerbaijan chưa được giải quyết và có thể bùng lên trở lại.

Vatican trong 20 thế kỷ nay

Trở lại với hồ sơ dài của L’Express về các giáo hoàng và Tòa Thánh Vatican, phải nói rằng tuần báo Pháp đã cung cấp cho độc giả những chi tiết mới lạ và những cái nhìn rất thú vị về một đề tài thoạt nhìn khá khô khan.

Trong phần giới thiệu chủ đề cuối năm này, tạp chí Pháp nêu bật : "Họ đã ngự trị trên Giáo hội Công giáo từ hơn 20 thế kỷ nay. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà hơn 200 vị giáo hoàng, từ Roma – ngoài 9 vị đã chọn Avignon làm thủ đô – đã điều hành được một tổ chức bí mật như vậy và tự nhận mình có đến 1,2 tỉ tín đồ. Đây là 36 trang để tìm hiểu".

Một trong những bài đáng chú ý mang tựa đề "12 vị giáo hoàng đã làm thay đổi lịch sử", phác họa chân dung của các giáo hoàng được đánh giá là vĩ đại nhất trong lịch sử Tòa Thánh.

Sau khi nhắc lại một câu nói đầy tính chất khinh thị của Stalin về ảnh hưởng của đức giáo hoàng khi cựu lãnh đạo Liên Xô thốt lên "Giáo hoàng à ? Ông ta có bao nhiêu sư đoàn ?", L’Express ghi nhận rằng các lãnh đạo giáo hội đã biết làm cho ảnh hưởng của Vatican ngày càng lan tỏa trên thế giới.

Trong danh sách những vị giáo hoàng đã ghi dấu ấn của mình trên lịch sử nhân loại, gần chúng ta hơn cả là giáo hoàng John Paul Đệ Nhị, trị vì từ năm 1978 đến năm 2005, một trong ba nhiệm kỳ dài nhất của giáo hội. Công trạng lớn nhất của John Paul Đệ Nhị, theo L’Express là đã khôi phục được tính chất toàn cầu của Giáo hội Công giáo, trong bối cảnh xã hội phương Tây đang lâm vào tình trạng "phi Thiên Chúa hóa".

Một trong những chiến thắng thường được nhắc đến nhiều nhất là "vai trò chính trị của ngài trong việc đánh đổ chủ nghĩa cộng sản".

Những điều ít được biết về Vatican

Bên cạnh loạt bài về các giáo hoàng vĩ đại, còn có bài viết về sự tồn tại thực sự hay tưởng tượng của "Gioan, nữ giáo hoàng gây chấn động", hay "Tòa Thánh Vatican, một nhà nước có tổ chức kém cỏi nhất thế giới".

Một bài viết đáng chú ý khác là "Các nhà ngoại giao mang cổ áo La Mã", nói về một số thành tích ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, mà gần đây nhất là thành công trong việc giúp Cuba và Hoa Kỳ xích lại gần nhau.

Điểm lý thú là L’Express đã tóm lược phương châm hành động của nền ngoại giao Vatican trong ba chữ D theo tiếng Pháp : Discrétion, tức là kín đáo, Détermination, tức là kiên trì, và Dialogue, tức là đối thoại.

Mai Vân

Published in Quốc tế
dimanche, 30 décembre 2018 19:01

Tin tức thời sự truyền hình 30/12/2018

Nguồn : RFI, 30/12/2018

Published in Video

Chiến tranh thương mại : Mỹ tạm thắng Trung Quốc hiệp đầu

Về thời sự quốc tế, Les Echos có chùm bài đáng chú ý về cuộc đọ sức Mỹ-Trung, vừa bước sang một khúc quanh mới. Bài "Thương mại : Trung Quốc quyết định có một số nhân nhượng với Mỹ" nhấn mạnh trước hết là tổng thống Mỹ Donald Trump "có thể khoe khoang là đã đạt được một số kết quả đầu tiên" trong cuộc chiến tranh thuế với Bắc Kinh.

mytrung1

Hình tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên một sạp báo Trung Quốc ngày 03/12/2018. Ảnh AFP/LI XUEREN / XINHUA

Cụ thể là Trung Quốc đã hạ bớt hàng rào thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ, và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, một đòi hòi hàng đầu của Hoa Kỳ. Kể từ đầu tháng Giêng năm tới, thuế xe hơi từ Mỹ sẽ giảm còn 15% (so với 40% trước đó), và biện pháp này được áp dụng trong ba tháng, tương đương với giai đoạn thương lượng song phương. Bắc Kinh cũng tặng cho Washington một món quà Noel khác, đó là điều chỉnh thuế tạm thời đối với hơn 700 loại hàng hóa Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Mỹ, trong đó có nhiều mặt hàng quan trọng với Mỹ, như động cơ máy bay, rô-bốt công nghiệp, uranium, đặc biệt là đậu tương, dầu mỏ, khí hóa lỏng. Thuế đối với các mặt hàng công nghệ tin học cũng dự kiến giảm.

Một nhân nhượng đáng kể khác là chính quyền Trung Quốc vừa công bố dự luật về tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ, chống việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Và ngay từ tuần lễ thứ hai của năm mới, một đoàn đàm phán Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để thương lượng. Thời gian là một tuần. Theo Les Echos, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán cho đến ngày 1/3, tức hạn chót theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai bên.

Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Pháp, thắng lợi tạm thời của Mỹ và triển vọng hai bên đạt thỏa thuận là khá mong manh. Trong thời gian tới, tổng thống Mỹ có thể ra một sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ mua thiết bị viễn thông của hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, ZTE và Hoa Vi, với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Nội bộ Trung Quốc phân hóa

Về phản ứng trong nội bộ Trung Quốc, Les Echos ghi nhận là áp lực từ phía nước Mỹ đang đặt lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình trước nhiều thách thức. Theo nhà Trung Quốc học Willy Lam (tức Lâm Hòa Lập), đại học Hồng Kông, ông Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng cộng sản, với lý do đã "đánh giá thấp" quyết tâm của tổng thống Mỹ, cũng như không dự đoán được là việc thuế tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến các khu vực xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm khác. Ngay cả báo chí chính thống cũng thay đổi giọng điệu, khi thừa nhận rằng tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay là "rất nghiêm trọng", như ghi nhận của nhà nghiên cứu chính trị độc lập Hoa Pha (Hua Po), sống tại Bắc Kinh. Ông Hoa Pha cho biết nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.

Cũng về tình hình nội bộ Trung Quốc, bài "Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc chia rẽ" của Le Figaro nói đến mong muốn của nhiều doanh nhân nước này. Le Figaro dẫn lại nhận định của nhà phân tích Duncun Clark, theo đó, khá đông chủ doanh nghiệp hy vọng là tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực với Bắc Kinh, để tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc được chính quyền lắng nghe.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự lúng túng của Bắc Kinh là một hội nghị trung ương bàn về chiến lược kinh tế, dự kiến diễn ra vào mùa thu, đã bị dời lại, mà không hề có giải thích. Còn tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên, do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản, phối hợp với chính phủ Trung Quốc tổ chức, diễn ra hồi tuần trước, ban lãnh đạo Bắc Kinh đã để ngỏ khả năng thỏa hiệp với Mỹ, nhưng gạt sang một bên chiến lược cải tổ sâu sắc mô hình Nhà nước hiện nay.

Đàn áp mạnh để củng cố nội bộ

Le Monde chú ý đến tình trạng "Trung Quốc sôi sục trước dịp kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn". Các nhà hoạt động nhân quyền, giới Thiên Chúa Giáo và kể cả những người Mao-ít là các đối tượng đàn áp. Hai trường hợp tiêu biểu được đưa ra là phiên tòa xử kín ngày 26/12, đối với luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), người cuối cùng trong số 200 nhà hoạt động bị bắt bớ hồi mùa hè 2015. Trường hợp thứ hai là lãnh đạo sinh viên Mao-ít Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), bị bắt cũng vào ngày hôm qua, khi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày Mao Trạch Đông ra đời.

Theo Le Monde, mục tiêu số một của ông Tập Cận Bình hiện nay là tìm mọi cách dẹp các tiếng nói bất đồng, để củng cố sự thống nhất trong đảng, hơn là tiến hành các cải cách về kinh tế.

Tổng thống Mỹ ngày càng độc đoán và cô đơn

Về phía nước Mỹ, tổng thống Donald Trump tuy gặt hái được một số thành công tạm thời trước Trung Quốc, nhưng bị chỉ trích là đang trở thành mối đe dọa với nhiều khu vực. Xã luận La Croix với tựa đề "Sự cô đơn của Donald Trump" nhận xét : "Là đệ tử của chủ trương "phá hủy sáng tạo", tổng thống Hoa Kỳ liên tục đưa ra những phát biểu chấn động, làm tan vỡ đa số quan hệ cân bằng mong manh, vốn đã được xây dựng một cách rất gian nan, từ hàng chục năm nay. Từ hai năm nay, ông Donald Trump đã trở thành một chuyên gia phá hoại".

La Croix nhắc đến quyết định nhanh chóng rút quân Mỹ khỏi Syria cách nay ít hôm làm lợi cho đối thủ Iran, việc tấn công vào Ngân Hàng Trung Ương Mỹ khiến các thị trường hốt hoảng, hay việc siết chặt quyền tị nạn buộc Tòa Án Tối Cao Mỹ phải can thiệp… như là các hành động khiến tổng thống Trump bị nhiều người thân cận rời bỏ, ngày càng trở nên cô lập. Càng cô lập, tổng thống Trump lại càng lún sâu vào chiếc bẫy của chính mình.

La Croix cảnh báo là, việc đưa ra các quyết định táo bạo để phá thế bế tắc là tốt, nhưng phải đi kèm với các giải pháp. Phong cách điều hành của tổng thống Mỹ hiện nay nhìn chung có hại cho nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.

"Cỗ máy thương mại thế giới bị hỏng"

Về kinh tế thế giới trước thềm năm mới, báo Les Echos tỏ ra không lạc quan. Xã luận của nhật báo kinh tế với tựa đề "Cỗ máy thương mại thế giới bị hỏng" đưa ra dự báo là tăng trưởng của trao đổi thương mại quốc tế sẽ chậm hơn so với mức tăng của sản xuất hàng hóa.

Đây là điều hoàn toàn ngược lại với tình hình trước năm 2008, khi xuất khẩu tăng trưởng gấp đôi hoạt động sản xuất, và thương mại quốc tế được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, với sự mở cửa của các nước cộng sản cũ và các dây chuyền sản xuất được quốc tế hóa, đặc biệt nhờ công nghệ tin học. Xã luận Les Echos ghi nhận là con đường toàn cầu hóa kiểu như vậy giờ đã ở sau lưng chúng ta, và để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, thế giới cần đến "một động lực mới".

Đối với các quốc gia phát triển, điều đó có nghĩa là phải ít dựa vào xuất khẩu hơn. Trong bộ ba Mỹ, Trung Quốc và Liên Âu, Les Echos cho rằng, Trung Quốc đã biết cách dựa vào sức mạnh riêng của họ, Hoa Kỳ của tổng thống Trump thì vẫn đang trong ảo ảnh quá khứ vĩ đại, Liên Âu lệ thuộc nặng vào xuất khẩu, cần phải có nỗ lực lớn để thích ứng.

Tít lớn trang nhất của Les Echos hôm nay là khủng hoảng chứng khoán Châu Âu những ngày cuối năm, tiếp theo khủng hoảng chứng khoán New York, sụt đến mức chưa từng thấy vào dịp trước Noel. La Croix tìm cách trả lời cho câu hỏi : Liệu chứng khoán thế giới có nguy cơ sụp đổ hay không ? "2018, năm đen đủi với các tập đoàn tin học Mỹ thuộc nhóm GAFA" là một hồ sơ chính khác của Les Echos.

Liên Âu "dẻo dai", nhưng thiếu dự án lớn

Tuy nhiên, tình hình Châu Âu không hẳn đã tệ như nhiều người thường nghĩ, Le Monde có bài bình luận của nhà báo Alain Franchon với tựa đề "2018, Liên Âu dẻo dai". Tác giả điểm lại một số điều làm nên thế mạnh của Châu Âu, trong đó đồng tiền chung euro. Cho dù bị nhiều chê trách, nhưng ngay cả các chính phủ "dân túy" phản đối đồng euro, như ở Ý, một khi lên nắm quyền cũng ngay lập tức phải từ bỏ dự định này.

Theo Alain Franchon, thế mạnh của Liên Âu là tiến từ từ thông qua các đàm phán liên tục để đạt các đồng thuận nhỏ. Sự đoàn kết của Liên Âu trong thương lượng về Brexit là một ví dụ. Tác giả cũng chỉ ra nhiều điểm yếu khiến Châu Âu không có được các đột phá, đó là thiếu vắng các dự án tập thể lớn của toàn Châu lục.

"Khủng hoảng Áo Vàng" : Một cơ may cho nước Pháp ?

Về tình hình nước Pháp trước thềm năm mới, La Croix giành tựa lớn trang nhất cho chủ đề Khủng hoảng Áo Vàng với câu hỏi "Đây có phải là một cuộc khủng hoảng có ích ?". Hồ sơ chính của tờ báo Công Giáo dành cho chủ đề "Phải chăng khủng hoảng Áo Vàng là một cơ may nước Pháp cần nắm lấy ?". La Croix đặt câu hỏi với triết gia Jean-Marc Ferry. Nhà triết học Pháp nhấn mạnh đến bốn vấn đề mà nước Pháp cần tìm cách giải quyết : Chống bất bình đẳng, hàn gắn rạn nứt do khác biệt quá lớn giữa các vùng miền, siết chặt quan hệ tương trợ xã hội và thúc đẩy nền dân chủ.

Le Monde Le Figaro cùng quan tâm đến "chính sách đánh thuế từ gốc", tức trừ thẳng vào lương, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày đầu năm mới 2019, một biện pháp có nguy cơ bị phản đối mạnh trong xã hội, đúng vào thời điểm Khủng hoảng Áo Vàng chưa chấm dứt.

Pháp : Thất nghiệp giảm, sức mua dự kiến tăng mạnh

Một tin vui đối với nước Pháp là tình trạng thất nghiệp trong năm 2018, theo Les Echos, được cải thiện so với 2017, nếu không tính số liệu của tháng 12. Số người thất nghiệp toàn phần tìm việc giảm hơn 50.000, còn 3,4 triệu người. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng đầu tháng 12 này khiến tăng trưởng của Pháp giảm 0,1% GDP, có thể góp phần khiến thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, theo Le Monde, trong năm tới 2019, sức mua của người Pháp dự báo sẽ tăng manh, ở mức chưa từng có kể từ 12 năm nay, theo một nghiên cứu của văn phòng BIPE thuộc mạng lưới kiểm toán BDO. Người dân Pháp sẽ tìm lại được mức sống trước 2010, vốn đang có xu hướng tăng, nhưng đặc biệt sẽ tăng mạnh hơn nhờ các biện pháp mà tổng thống Emmanuel Macron vừa đưa ra để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào Áo Vàng.

Các báo Pháp cũng đưa tin nhiều về vụ Vinci, tập đoàn quản lý sân bay tư nhân của Pháp, đứng đầu trong lĩnh vực này, vừa mua được hơn 50% cổ phiếu của sân bay Anh Luân Đôn-Gatwick, với 3,2 tỉ euro. Đây là sân bay thứ 46, tại 12 quốc gia, do tập đoàn Vinci quản lý hiện nay.

Khí hậu : Cuộc huy động chữ ký kỷ lục

Báo chí Pháp, đặc biệt là Le Monde có nhiều bài về cuộc huy động chữ ký nhằm chuẩn bị kiện Nhà nước Pháp đã không nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Xã luận Le Monde đánh giá, với 1,8 triệu chữ ký trong chưa đầy một tuần lễ, đây là một thành công "chưa từng có" trong lịch sử nước Pháp. Le Monde cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong cách tính toán chính xác lượng khí thải quốc gia của nước Pháp, đặc biệt do không tính đến các hàng hóa tiêu thụ tại Pháp, cũng tạo ra khí thải trong quá trình sản xuất, nhưng là ở nơi khác.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu hiện nay với nước Pháp, theo Le Monde, là xã hội đang "lưỡng lự" và thậm chí "chia rẽ" trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chính phủ cũng bị đặt trong tình thế khó đưa ra chính sách quyết đoán. Nhưng theo Le Monde, "lựa chọn" cũng chính là trách nhiệm của người điều hành đất nước.

Biến đổi khí hậu 2018 : Ít nhất 2 triệu nạn nhân, hơn 150 tỉ đô la

Về tổng kết các thiệt hại do những hiện tượng khí hậu bất thường, do việc Trái đất bị hâm nóng, theo Le Monde, khoảng 2 triệu người bị chết, bị thương hoặc phải sơ tán trong năm 2018. Thiệt hại này là không thể tính đếm. Bên cạnh tổn thất về con người, chỉ riêng 10 thiên tai lớn nhất năm nay đã khiến nhân loại mất đi từ 85 tỉ đến 96 tỉ đô la. Theo Ngân hàng Thế Giới, thiệt hại mà các nhà bảo hiểm nêu ra thật ra chỉ bằng khoảng 60% so với thiệt hại thực sự. Theo các chuyên gia, đầu tư một đô la cho việc hãm lại đà Trái đất bị hâm nóng sẽ tránh các tổn thất kinh tế gấp từ 4 đến 6 lần.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

2018 : Năm Trung Quốc tăng tốc triển khai lực lượng ở Biển Đông (RFI, 27/12/2018)

Tổng kết tình hình Biển Đông trong năm, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington mới đây đã nhấn mạnh : 2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một 'giai đoạn' mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.

china1

Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc. (Capture d'image www.japantimes.co.jp)

Trang mạng Rappler của Philippines ngày 26/12/2018 trích dẫn các ý kiến được giám đốc AMTI nêu bật trong bài thuyết trình ngày 07/12 tại một diễn đàn do hai trung tâm nghiên cứu Philippines Stratbase và Viện Albert del Rosario tổ chức.

Theo chuyên gia hàng đầu về Biển Đông này, lo ngại về những hoạt động trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ trước đây, nhưng năm 2018 quả là năm Bắc Kinh tiến hành giai đoạn ba của tiến trình quân sự hóa, có thể mệnh danh là giai đoạn ‘triển khai’.

Đối với ông Poling, trong 6 tháng đầu năm, đà tăng cường lực lượng của quân đội Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đã diễn ra đều đặn, khá nhanh chóng, đặc biệt là tại ba thực thể : Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cũng nêu lên những hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, một quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ từ năm 1974 từ tay Việt Nam.

Công việc triển khai lực lượng Trung Quốc xuống Biển Đông được thấy trước tiên qua việc chuyển thiết bị quân sự đến các tiền đồn mà họ đã xây dựng.

Chuyên gia Poling đã liệt kê một số sự kiện như vụ máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Còn tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc được trang bị pin mặt trời và một vòm radar ở đảo Bông Bay.

Ngoài các cơ sở cố định, trong năm 2018, tàu hải quân Trung Quốc liên tục đến cặp bến các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong lúc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tăng cường trong khu vực.

Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8 chẳng hạn, cho thấy khoảng 200 tàu bán quân sự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh Đá Xu Bi. Với chiều dài năm mươi mốt mét, các tàu này lớn hơn hầu hết tàu của các cơ quan chấp pháp biển của các nước Đông Nam Á khác.

Đối với ông Poling, sẽ là một sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu đó chỉ có vai trò thứ yếu trong kho vũ khí của Trung Quốc, vì cho đến nay, nhiệm vụ gần như là duy nhất của lực lượng dân quân biển là hù dọa các láng giềng, ngoài ra không thấy có công việc nào khác.

Theo ông Poling, việc có đông đảo tàu dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Đá Xu Bi có thể được giải thích bằng vị trí của tiền đồn này, gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát. Tàu Trung Quốc từ Xu Bi thường xuyên đến gần vùng biển quanh đảo Thị Tứ, chủ yếu là để đe dọa các tàu của Philippines đến tiếp tế cho dân cư và binh lính trên đảo Thị Tứ.

Hiện nay, Trung Quốc chưa thấy đưa chiến đấu cơ xuống đóng căn cứ thường trực ở Biển Đông, nhưng theo ông Poling, với các nhà chứa máy bay đã hoàn thành trên ba thực thể Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, việc triển khai chắc chắn sẽ diễn ra trong nay mai.

Giám đốc AMTI ghi nhận là Trung Quốc đã xây tổng cộng 72 nhà chứa phi cơ trên các đảo họ chiếm giữ tại Trường Sa, và "các nhà chứa này được xây đâu phải là với mục đích để trống".

Trọng Nghĩa

*******************

Trung Quốc công bố dự luật chống cưỡng bức chuyển giao công nghệ (RFI, 27/12/2018)

Hôm 27/12/2018, Trung Quốc công bố dự thảo về việc cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi chủ yếu mà Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng, để chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.

china2

Ảnh minh họa : Mô-típ mê cung do máy tính thiết kế. Siegfried Forster / RFI

Theo Reuters, toàn bộ dư luật gồm 39 điều khoản đã được Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức cơ quan cao cấp nhất của Quốc hội Trung Quốc, công bố. Trong văn bản dự thảo có đoạn nói rõ : "Các cơ quan chính quyền và nhân viên chính quyền không được phép sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng bức chuyển giao công nghệ".Hãng tin Reuters nhận định văn bản này có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn so với một tuyên bố tương tự về chủ đề này, hồi năm 2015.

Cho dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, dự luật nói trên cho thấy chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng mạnh tay hơn với các hoạt động bất chính này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Một khi được thông qua, luật này sẽ thay thế ba luật đã có, điều chỉnh lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Dự luật được đưa ra lấy ý kiến công luận từ nay đến 24/02. Theo một số đại biểu Quốc hội Trung Quốc, được Tân Hoa xã trích dẫn, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu "sớm nhất có thể". Một ủy viên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc hội Trung Quốc thậm chí cho rằng dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật và nhà tư vấn thương mại tỏ ý nghi ngờ về các biện pháp mà dư luật được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, do sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Theo ông Dan Harris, phó giám đốc văn phòng luật Harris Bricken, ở Seattle, luật pháp Trung Quốc chỉ là trên giấy tờ, thực tế có thể hoàn toàn khác. Vị chuyên gia này cho rằng lịch sử 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai : "10 năm trước, Trung Quốc tuyên bố muốn mở cửa, nhưng sau đó quá trình này đã chấm dứt cách nay 5 năm".

Trọng Thành

*********************

Trung Quốc : Lãnh tụ sinh viên mác-xít bị bắt trong ngày sinh nhật Mao (RFI, 26/12/2018)

Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), lãnh tụ sinh viên mác-xít nổi tiếng hôm nay 26/12/2018 bị công an Trung Quốc bắt giữ trước cổng trường, ngay trong ngày kỷ niệm 125 năm sinh nhật Mao Trạch Đông.

china3

Một lối vào cửa Đại học Bắc Kinh. Wikimedia commons

Một sinh viên chứng kiến cho AFP biết, Khưu Chiêm Huyên, chủ tịch hội sinh viên mác-xít của trường đại học Bắc Kinh đã bị bảy, tám người đẩy vào một chiếc xe hơi màu đen. Anh phản đối kịch liệt, nói rằng không hề phạm luật. Nhóm người bắt sinh viên này đã chìa cho xem giấy tờ của công an khi bị những người xung quanh chất vấn.

Sinh viên Khưu Chiêm Huyên bị bắt lúc đang chuẩn bị tham dự buổi lễ tưởng niệm Mao Trạch Đông do anh tổ chức, tuy hôm qua đã được một người có trách nhiệm trong trường cảnh cáo. Nhân chứng nói rằng không thể hiểu được vì sao kỷ niệm 125 ngày sinh Mao chủ tịch mà lại bị cấm. Các thông tin của hội sinh viên mác-xít bị xóa, tài khoản WeChat bị phong tỏa.

Trường đại học Bắc Kinh và bộ Công An Trung Quốc từ chối trả lời các hãng tin Reuters, AFP về vụ này.

Báo chí không nói đến sinh nhật Mao

Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây cố giữ khoảng cách với di sản của Mao Trạch Đông, qua đời năm 1976. Ngày sinh nhật Mao không được nhắc đến trên tất cả các báo in tại Hoa lục hôm nay.

Là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, đại học Bắc Kinh có lịch sử hoạt động lâu dài, với các cựu sinh viên đã đóng vai trò chủ chốt trong phong trào biểu tình đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên dưới thời Tập Cận Bình, các hoạt động sinh viên đã bị dẹp bỏ.

Hồi tháng Tám, công an đã bố ráp nhiều trường đại học, một số sinh viên bị đánh đập và tịch thu điện thoại vì đã ủng hộ phong trào công nhân đấu tranh. Nhóm Jasic Workers Solidarity xuất hiện vào mùa hè này, gồm các sinh viên cố giúp thành lập công đoàn độc lập tại Jasic Technology, một công ty ở Quảng Đông.

Trước đó vào tháng Tư, đại học Bắc Kinh cố bịt miệng một sinh viên khác là Yue Xin, đồng tác giả một bản kiến nghị đòi vạch rõ các vụ lạm dụng tình dục trong nhà trường.

Thụy My

***************

Trump muốn đẩy 2 tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi khỏi thị trường Mỹ (RFI, 27/12/2018)

Theo hãng tin Reuters hôm nay, 27/12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù không bị chỉ đích danh, nhưng chắc chắn hai tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và ZTE sẽ là đối tượng của lệnh cấm này.

china4

Ảnh minh họa : Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Reuters cho biết tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh ngay từ đầu tháng tới, cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị viễn thông do các tập đoàn nước ngoài sản xuất, vì đe dọa an ninh quốc gia.

Sắc lệnh sắp được thông qua đã được chuẩn bị từ 8 tháng nay. Báo The Wall Street Journal là cơ quan truyền thông đầu tiên thông báo về sắc lệnh này, ngay từ tháng 5/2018. Cho dù tên của Hoa Vi và ZTE rất ít có khả năng được trực tiếp nêu ra trong sắc lệnh, nhưng các giới chức của bộ Thương Mại Mỹ cho biết hai tập đoàn Trung Quốc chính là đích ngắm của sắc lệnh này.

Sắc lệnh nói trên – hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất – viện ra luật International Emergency Economic Powers Act của Mỹ, ra đời năm 1977, cho phép tổng thống ban hành các biện pháp đặc biệt về thương mại, trong tình trạng "khẩn cấp quốc gia", để đối phó với các đe dọa đặc biệt từ nước ngoài.

Mua sắm thiết bị viễn thông thế hệ mới là một vấn đề mang tính thời sự tại Mỹ vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp điện thoại di động Hoa Kỳ đã tìm kiếm các đối tác để tham gia xây dựng các mạng internet không dây 5G.

Riêng về phía Nhà nước, hồi tháng 8/2018, Washington đã ra một luật về quốc phòng, cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Hoa Vi và ZTE, do nghi ngờ có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Hai tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi nằm trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ từ lâu. Kể mùa hè vừa qua, công ty ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu. Lãnh đạo tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị Canada bắt giữ, theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12/2018, để điều tra về vụ công ty này lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Hiện bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang được tại ngoại, chờ tư pháp Canada xem xét yêu cầu dẫn độ của Washington.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.

Trọng Thành

******************

Bộ trưởng Quốc phòng Anh quan ngại về việc sử dụng mạng 5G của Huawei (BBC, 27/12/2018)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh "quan ngại rất sâu sắc" về việc công ty Huawei của Trung Quốc đang liên quan đến việc nâng cấp mạng di động ở Anh.

china5

Một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật. Reuters

Những bình luận của ông Gavin Williamson được đưa ra sau khi một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật.

Người đứng đầu Lực lượng tình báo Anh (MI6) cũng cho biết Anh phải đối mặt với các quyết định về quyền sở hữu công nghệ của Trung Quốc.

Anh Quốc cho biết Trung Quốc đứng sau các tin tặc nhắm vào các bí mật thương mại. Trong khi đó, Huawei phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Tư, ông Williamson được tờ Times dẫn lời nói rằng : "Tôi có những quan ngại rất sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh. Đây là điều chúng ta phải xem xét rất kỹ".

Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã hạn chế sử dụng công nghệ mạng di động 5G của Huawei và ông Williamson cho biết Vương quốc Anh sẽ học hỏi ví dụ từ các nước trên.

"Chúng ta phải nhận ra sự thật như đã được tiết lộ gần đây, rằng nhà nước Trung Quốc đôi khi hành động với ý đồ xấu", ông nói thêm.

Huawei được thành lập bởi một cựu sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân nhưng công ty này phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ Trung Quốc, ngoài việc tuân thủ luật thuế.

Công ty đã mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ thông tin nào cho rằng họ đang gây ra một mối đe dọa an ninh.

Đầu tháng này, giám đốc MI6 Alex Younger cho biết Vương quốc Anh cần "quyết định chúng ta sẽ thoải mái với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này tới mức độ nào".

Công ty truyền thông BT của Anh cho biết họ đã loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 3G và 4G và cam kết không sử dụng các sản phẩm của Huawei trong các phần chính của mạng di động 5G.

'Các cuộc xâm nhập mạng'

Tuần này, tin xác nhận cho hay thiết bị của Huawei đã bị gỡ bở khỏi một hệ thống liên lạc đang được phát triển cho dịch vụ khẩn cấp của Vương quốc Anh, nhưng không rõ lý do vì sao.

Hôm 20/12, Hoa Kỳ đã truy tố hai người đàn ông Trung Quốc bị buộc tội hack mạng máy tính của các công ty phương Tây và các cơ quan chính phủ, và cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp trên mạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt mô tả hành vi của những người này như "một trong những cuộc xâm nhập mạng nghiêm trọng và lan rộng nhất nhắm vào Vương quốc Anh và các đồng minh được phát hiện từ trước cho đến nay".

Bộ Ngoại giao cho biết tin tặc thay mặt Bộ Công an Trung Quốc đang đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ.

Giới chức cho biết các hoạt động của mạng lưới tin tặc này rất sâu rộng và "đe dọa" tăng trưởng kinh tế ở Anh Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Published in Châu Á

Syria : Sự phản bội của Trump

Một mình chống lại tất cả, hay gần như tất cả. Trên đây là câu mở đầu trong bài xã luận của báo Le Monde "Syria : Sự phản bội của Trump". Tổng thống Mỹ đã ra lệnh rút quân đội khỏi Syria.

syria1

Lính Mỹ tuần tra tại khu vực Kurdistan Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh ngày 04/11/2018 - Reuters

Hôm 19/12, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter : "Chúng ta đã thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Rồi sau đó, trong một đoạn video, tổng thống Donald Trump nói : "Chúng ta đã chiến thắng. Đã đến lúc các đội quân của chúng ta trở về nhà. Tất cả họ sẽ trở về, và họ sẽ về ngay từ bây giờ".

Khi nhắc đến 2.000 quân nhân Mỹ đóng ở Syria, Donald Trump cho thấy ông đang thực hiện một trong các lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nguyên thủ Mỹ cũng dự kiến rút một nửa số quân khỏi Afghanistan. Kể từ khi tổng thống George W.Bush chọn cách đáp trả vụ tấn công 11/09/2011 bằng các cuộc chiến, hai tổng thống kế nhiệm là Barack Obama và Donald Trump đã đắc cử với lời hứa ngưng can thiệp quân sự vào Afghanistan.

Nhưng theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ quyết định của tổng thống Trump, trong tình trạng xung đột hiện nay, là vô cùng nguy hiểm. Trái ngược với những điều mà ông khẳng định, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa bị đánh bại. Từ hai năm nay, Daesh mất các thành phố và vùng lãnh thổ đặt căn cứ địa, nhưng thủ lĩnh Daesh, Abou Bakr Al Baghdadi vẫn còn sống. Daesh vẫn còn 20.000-30.000 chiến binh ở vùng biên giới Iraq - Syria.

Một vấn đề khác là quyết định của chủ nhân Nhà Trắng chỉ làm hài lòng một bên là Moskva, Tehran, Damascus và bên kia là Ankara. Tuy nhiên, không ai trong liên quân chống Daesh hài lòng. Và chính Washington lại là nơi Donald Trump bị phản đối nhiều nhất. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis và đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại liên minh chống Hồi giáo cực đoan, Brett McGurt, đã ngay lập tức từ chức.

Mọi chuyện diễn ra cứ như thể Donald Trump đã quyết định một mình, mang lại lợi ích cho Moskva và Ankara, mà không thương lượng đổi chác điều gì. Tổng thống Nga Valdimir Putin, người từng nhận xét "Donald có lý", mới là người chiến thắng. Còn về Recep Erdogan, chính sau khi bàn luận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà Donald Trump thông báo quyết định rút quân khỏi Syria : Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "cánh tay vũ trang" của Mỹ trong cuộc chiến chống Daesh ở Syria. Đổi lại, Erdogan được Trump bật đèn xanh cho phép tiêu diệt dân quân Kurdistan.

Le Monde nhận định quyết định của Donald Trump thật đáng xấu hổ, đó là "một sự phản bội". Lực lượng dân quân Kurdistan đã từng là đồng minh tốt nhất của liên quân quốc tế chống Daesh ở Syria. Dân quân Kurdistan vẫn ngày ngày chống phiến quân Hồi giáo cực đoan, giữ không cho hàng ngàn chiến binh Daesh tỏa ra khắp thế giới, nhất là không để họ thâm nhập vào Châu Âu. Bị Hoa Kỳ bỏ rơi, dân quân Kurdistan sẽ rơi vòng kìm kẹp của Ankara và Damascus.

Bài xã luận của Le Monde kết luận là giờ đây, ai cũng lường trước một điều : lời nói của tổng thống Mỹ không có nghĩa lý gì. Quý vị có thể tham gia vào một cuộc chiến mà cả thế giới nhìn nhận là chính đáng, mất hàng ngàn chiến binh, rồi sau đó bị bỏ rơi, chỉ đơn giản bằng một tin Twitter. Sự phản bội này là một tin tức tốt đẹp nhất mà phong trào Hồi giáo cực đoan mong chờ từ bao lâu nay.

Trung Quốc dự kiến ngưng kiểm soát tỉ lệ sinh đẻ

Nhìn sang Châu Á, trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro cho biết "Bắc Kinh dự kiến ngưng kiểm soát chuyện sinh con từ năm 2019". Bốn mươi năm sau khi ban hành chính sách một con gây nhiều tranh cãi, rất có thể chính quyền Trung Quốc lại xóa bỏ hoàn toàn những quy định hạn chế số con của mỗi gia đình. Theo một tờ báo pháp luật của nhà nước, Bắc Kinh đang chuẩn bị thay đổi bộ luật dân sự, bỏ điều khoản liên quan đến kiểm soát sinh đẻ. Theo dự kiến, luật mới sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ hủy bỏ mọi quyết định về hạn chế số con trong các gia đình ngay từ năm 2019.

Chính sách một con được ban hành năm 1979 nhằm tránh việc dân số tăng quá nhanh, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, mọi chuyện đã chệch hướng một cách khủng khiếp, chẳng hạn nhiều người bị cưỡng ép triệt sản hay phá thai. Không những thế, chính sách một con còn đẩy mạnh tốc độ lão hóa dân số. Vào cuối năm 2013, chính phủ đành phải điều chỉnh chính sách, cho phép những gia đình - mà một trong hai phụ huynh là con một - được sinh con thứ hai. Từ đầu năm 2016, theo quy định mới, mọi gia đình ở Trung Quốc đều có thể sinh 2 con.

Tuy nhiên, Le Figaro nhận định Trung Quốc đang phải đối mặt với "một quả bom nổ chậm". Theo dự báo của nhà chức trách nước này, vào năm 2050, 35% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tình trạng này sẽ làm suy yếu hệ thống y tế, hưu trí và đe dọa nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, các quy định mới về dân số lại chưa thể phát huy ngay tác dụng. Tỉ lệ sinh tăng mạnh vào năm 2016, rồi lại giảm trong năm 2017. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Hiệp hội phụ nữ Trung Quốc thực hiện năm 2016, hơn 53% số hộ gia đình có 1 con không muốn sinh thêm con, do chi phí giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chi phí cho nhà ở quá cao.

Theo nhiều chuyên gia, để tỉ lệ sinh tăng trở lại, cần có những cải cách triệt để về mọi mặt, như chế độ an sinh xã hội phải có tác dụng khuyến khích người dân sinh con, giảm chi phí nhà cửa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ thai sản cho người làm công ăn lương phải do Nhà nước chứ không phải chủ doanh nghiệp gánh vác …

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng phải mất 30-50 năm thì các biện pháp mới phát huy tác dụng, bởi vì chính sách kế hoạch hóa gia đình trong gần 40 năm qua đã phá hủy cơ cấu dân số của Trung Quốc. Và các vấn đề không thể được giải quyết "chỉ trong ngày một, ngày hai".

Châu Âu : Vì sao doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động ?

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos tìm hiểu tại sao "Tình trạng thiếu việc làm ngày càng phổ biến ở Châu Âu". Trong khi nhiều nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha đang cố gắng giảm tỉ lệ thất nghiệp thì tại nhiều nước Bắc Âu và Đông Âu, dù việc làm không thiếu, nhưng các doanh nghiệp đều than phiền ngày càng khó tuyển dụng lao động. Ẩn sau hiện tượng này không hẳn là do nền kinh tế tăng trưởng kém, mà chủ yếu là vấn đề "thất nghiệp do cơ cấu".

Ở Đông Âu, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech là những nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao ở Châu Âu. Nhưng tình trạng lão hóa dân số, kèm theo đó là làn sóng người lao động chạy sang Tây Âu tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn, đã khiến các nước Đông Âu thiếu nhân công. Giới chuyên gia đề xuất nhiều biện pháp, chẳng hạn tăng lương, giảm thuế cho lao động có thu nhập thấp và tiếp nhận di dân quốc tế một cách có tổ chức để bù đắp thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ các nước này vẫn từ chối giải pháp tiếp nhận lao động nhập cư.

Còn ở Tây Âu, Bắc Âu, các nước Phần Lan, Áo, Đức vốn có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất Châu Âu, lại là những quốc gia đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động trên diện rộng, trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tá tới kỹ sư. Tại Đức, dân số già cũng khiến tình trạng thiếu lao động thêm nghiêm trọng. Chính phủ Đức mới đây đã phải thông qua dự luật tạo điều kiện thuận lợi để các di dân có trình độ, tay nghề được tham gia thị trường lao động ở Đức, kể cả người nhập cư tới từ các nước ngoài Liên Hiệp Châu Âu.

Có một nghịch lý là ngay tại các nước Nam Âu vốn có tỉ lệ thất nghiệp cao, thì việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Đó chính là tình trạng tạm gọi là "thất nghiệp cơ cấu", có nghĩa người lao động thiếu năng lực, kỹ năng làm việc nên khó được tuyển dụng. Giám đốc nghiên cứu của Natixis nhấn mạnh chính ở các nước có tỉ lệ thất nghiệp cao như Tây Ban Nha, Ý và Pháp, tỉ lệ thất nghiệp cơ cấu cũng rất cao. Tăng trưởng kinh tế không thể giải quyết được vấn đề này, giải pháp là phải cải cách mạnh mẽ giáo dục, đào tạo.

Tựa trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde nhận định "Tại Châu Âu, sự thụt lùi của các đảng lớn làm suy yếu chính phủ của các nước". Có 14/28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có chính phủ liên minh mà các thành viên đều không có đa số tại Quốc hội. Từ Anh Quốc, Thụy Điển, đến Bỉ và Tây Ban Nha, tình trạng này bộc lộ sự bấp bênh, mong manh của các đại diện chính trị. Một trong các nguyên nhân là sự suy tàn của các đảng truyền thống, bảo thủ, Dân Chủ - Thiên Chúa giáo hay Xã Hội - Dân Chủ. Theo chính trị gia người Bỉ, Pascal Delwit, thực trạng này cũng là hậu quả của sự lớn mạnh của các đảng phái theo khuynh hướng cực đoan.

Quan tâm tới thời sự nước Mỹ, báo Libération chạy tít : "Trump : Người gây hại cho Wall Street". Trong khi tình trạng shutdown đe dọa nền kinh tế Mỹ, tổng thống Mỹ gây ra nỗi ngờ vực cho các thị trường và gợi lên nỗi ám ảnh về một cuộc khủng hoảng.

Báo công giáo La Croix nhìn vào thế khó của Pháp sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quân khỏi Syria : "Vấn đề người Kurdistan : Thế tiến thoái lưỡng nan của Pháp". Quyết định của Trump khiến liên quân quốc tế chống Daesh ở Syria tan rã. Sự can thiệp của riêng nước Pháp không đủ để bảo vệ người Kurdistan.

Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến sự trở lại của nhà văn Houellebecq. Trong cuốn tiểu thuyết thứ bảy của ông mang tên Serotonin, tác giả Houellebecq đưa người đọc về vùng nông thôn Pháp ngày nay, vẫn với một cái nhìn phê phán về sự vận động của xã hội.

Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến tiền ảo. Giá trị của bitcoin sụt giảm 80% một cách nhanh chóng, nhanh không kém gì so với khi đồng tiền ảo này tăng giá chóng mặt hồi năm 2017.

Thùy Dương

Published in Quốc tế
mercredi, 26 décembre 2018 00:49

Điểm báo Pháp - Syria và Afghanistan

Syria và Afghanistan trong "ván bài" đối nội của Donald Trump

Quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của tổng thống Mỹ được nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá là "một ván bài trong chính sách đối nội của Donald Trump".

syria1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20, Buenos Aires, Argentina, ngày 01/12/2018. Murat CETINMUHURDAR / TURKISH PRESIDENTIAL PRESS SERVICE / AFP

Tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, quyết định của ông rút hết quân khỏi Syria và giảm một nửa quân số ở Afghanistan đã gây ra các phản ứng trái ngược nhau trong xã hội Mỹ. Dù cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa không ngừng phản đối, nhưng cơ hội để chủ nhân Nhà Trắng rút lại tuyên bố là rất ít, vì một phần đông người dân ủng hộ tổng thống Trump trong quyết định này. Điều trớ trêu là cũng có hơn một nửa dân Mỹ cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Theo ông Francis Shen, giáo sư trường Luật thuộc đại học Minnesota, tổng thống Trump đã biết tranh thủ tâm trạng mệt mỏi trong xã hội Mỹ, về những chiến dịch quân sự kéo dài từ khoảng 15 năm nay. Cụ thể, theo một nghiên cứu năm 2016 của giáo sư luật nói trên, "những bang đóng góp nhiều nhất trong các cuộc chiến, về số lượng quân nhân thiệt mạng hoặc bị thương, là những nơi bỏ phiếu" cho Donald Trump. Dù đó không phải là yếu tố duy nhất, nhưng mang tính quan trọng, giải thích chiến thắng của nhà tỉ phú trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Syria và Afghanistan là những thách thức trong chính sách đối nội của chủ nhân Nhà Trắng, người được bầu theo lời hứa đưa hết quân nhân Mỹ "về nhà" trong chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" (America First). Những đời tổng thống trước dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, chưa một ai xem xét lại chính sách đối ngoại của Mỹ từ 20 năm qua, "trừ Donald Trump, một trong những người duy nhất nói rằng chiến tranh ở Iraq là việc ngớ ngẩn".

Vẫn theo giáo sư luật Francis Shen, dù thiệt hại về người trong các cuộc chiến mà Mỹ đang can dự ít hơn rất nhiều so với những cuộc chiến trước (như ở Việt Nam), thì những phát biểu của tổng thống Trump đã tác động đến một số cộng đồng, có cảm giác bị tầng lớp chính trị và quân sự bỏ rơi. Tương tự, rất nhiều cựu chiến binh phải đối mặt với điều kiện sống bấp bênh, trong khi bảo hiểm y tế cũng đang trải qua giai đoạn khủng hoảng.

Nước Mỹ cũng bị chia thành hai cực. Một phần lớn người dân, như ở bờ Đông, bang California, không biết rõ về những cuộc chiến mà Mỹ tham gia. Ngược lại, những bang Trung và Đông Mỹ và đặc biệt là miền nam Hoa Kỳ có số lượng người tham gia quân đội rất đông. Chính ba bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, nơi có số lượng liệt sĩ và thương binh lớn nhất đã bỏ phiếu bầu tổng thống Trump. Nhưng cũng chính ba bang này đã đổi ý trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018. Phải chăng đây chính là một yếu tố quan trọng trong quyết định của ông Trump ? Theo nhật báo Les Echos, ba bang này có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Donald Trump đẩy nước Mỹ vào bất trắc

Quyết định triệt thoái quân khỏi Syria của tổng thống Mỹ đã khiến Bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ chức, tiếp theo là đặc sứ Mỹ điều phối liên quân chống thánh chiến Daesh, chỉ là một trong những biến động trên chính trường Mỹ những ngày cuối năm được báo La Croix liệt kê cùng với nhận xét : "Donald Trump đẩy nước Mỹ vào bất trắc".

Từ ngày 22/12, nhiều cơ quan hành chính phải đóng cửa vì không có ngân sách hoạt động, trong đó có nhiều bộ quan trọng (nội vụ, cảnh sát liên bang, giao thông công cộng, công viên quốc gia…). Nguyên nhân là do bất đồng về khoản chi 5 tỉ đô la để xây bức tường biên giới Mexico, theo mong muốn của tổng thống Donald Trump.

Nguy cơ "shutdown" kéo dài cùng với những lời chỉ trích của tổng thống Trump nhắm vào chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ... đã khiến thị trường chứng khoán phố Wall trải qua một tuần đen tối nhất kể từ năm 2008.

Mỹ bỏ rơi lực lượng Kurdistan Syria

Triệt thoái quân khỏi Syria để phục vụ chiến lược đối nội, Les Echos nhận định : "Tổng thống Mỹ để cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết khủng bố ở Syria".

Cũng với quyết định trên, tổng thống Trump bỏ rơi liên minh Ả Rập-Kurdistan, được Washington hậu thuẫn và tài trợ từ thời tổng thống Obama trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Lực lượng Ả Rập-Kurdistan này giờ phải trực tiếp đối mặt với một mối đe dọa khác từ Thổ Nhĩ Kỳ, vì tổng thống Erdogan luôn liệt lực lượng dân quân này trong danh sách khủng bố.

"Thổ Nhĩ Kỳ được rảnh tay hành động trên hồ sơ Kurdistan" theo nhận xét của ông Didier Billion, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris). Mục tiêu của Ankara là không để Lực lượng Dân chủ Kurdistan lập vùng tự trị ở miền bắc Syria, giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Washington và Ankara sẽ ký thỏa thuận liên quan đến việc lực lượng Kurdistan rút hết quân khỏi thành phố Manbij.

Thông qua việc lấp chỗ trống mà quân Mỹ để lại, Ankara muốn trở lại đóng vai trò trọng tâm, cùng với Nga và Iran, trong cuộc chiến ở Syria. Theo nhà nghiên cứu Pháp, ông Erdogan không hẳn có ý định phát triển lá bài quân sự, mà chỉ "muốn có một vùng đệm dọc theo biên giới Syria và do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát".

Về phần người Kurdistan Syria, khi bị dồn vào chân tường, có thể họ sẽ quay sang bắt tay với chế độ Bachar al-Assad. Damascus tuyên bố chiến thắng, nhưng vẫn chưa lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ. Lực lượng Kurdistan cũng đã bắt đầu thảo luận với Nga, một lực lượng tham chiến và ủng hộ một Nhà nước Syria ổn định. Nhưng xích lại gần với Iran có lẽ là việc khó khăn nhất, vì Tehran có tham vọng duy trì một vành đai kết nối với lực lượng Hezbollah và Địa Trung Hải.

Nhật Bản : Những lý do giải thích nhiệm kỳ kéo dài của thủ tướng Abe

Ngoài thông tin về "những nạn nhân trận sóng thần ở Indonesia vẫn đang chờ cứu trợ" trên La Croix, thời sự châu Á nổi bật với bài viết của Libération về thời gian cầm quyền kéo dài của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Với Libération, đây là sự kiện chưa từng có tại Nhật Bản kể từ năm 1985. Trong bài viết liệt kê "Những lý do giải thích thời gian cầm quyền kỷ lục của Shinzo Abe", Libération cho rằng đó là nhờ thành công của các biện pháp cải cách Hiến Pháp và chính sách kinh tế.

Lý do đầu tiên có thể là phe đối lập hoạt động không hiệu quả. Tiếp theo là thủ tướng Nhật Bản được nghị sĩ bầu lên, trong khi đảng Dân Chủ Tự Do của thủ tướng Shinzo Abe đang chiếm đa số ở Quốc Hội. Kể từ năm 2017, thủ tướng được phép nắm quyền ba nhiệm kỳ, thay vì hai nhiệm kỳ như trước đây.

Cuối cùng, Libération cho rằng ông Abe có một uy tín nào đó. Dù đôi khi ông bị chỉ trích vì muốn thay đổi điều 9 của bản Hiến Pháp chủ hòa, nhưng ông thu hút được người dân nhờ chính sách kinh tế tham vọng, còn được gọi là "Abenomics", nhằm đưa Nhật Bản khỏi gần hai thập niên suy thoái.

Tuy nhiên, kết quả của chính sách Abenomics vẫn chưa hiện rõ. Ngoài thách thức tăng thu để cân đối khoản nợ công chiếm đến 250% GDP của Nhật - mức cao nhất thế giới, thủ tướng Abe còn phải đối đầu với vấn đề dân số già và tỉ lệ sinh con giảm.

Cuộc khủng hoảng Áo Vàng tác động mạnh đến nền kinh tế Pháp

Bẩy tuần xuống đường của Áo Vàng đã gây ra "một cuộc khủng hoảng tác động nặng nề đến nền kinh tế Pháp" là nhận định của Les Echos.

Nhật báo kinh tế trích thống kê của Ngân hàng Trung ương Pháp, theo đó GDP của Pháp bị giảm 0,2%. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng như từng xảy ra trong đợt đình công năm 1995 và sau đợt tấn công khủng bố ở Paris năm 2015.

Khoảng 41.000 nhân viên phải làm việc bán thời gian do hoạt động phong tỏa đường xá, kho xăng dầu... gây chậm trễ trong việc giao hàng. Sức tiêu thụ cũng bị tác động, đặc biệt trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, giao thông. Riêng thương mại bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, do không được thường xuyên cung cấp hàng hóa nên nhiều nơi phải đóng cửa.

Hình ảnh của Pháp cũng chịu hậu quả tiêu cực trên trường quốc tế. Sẽ cần nhiều thời gian để du khách nước ngoài tạm quên đi những phóng sự về tình trạng đập phá, đốt các cửa hiệu nổi tiếng tại các khu du lịch ở Paris. Hiện còn quá sớm để thẩm định thiệt hại cụ thể, nhưng theo Business France - cơ quan quảng bá sức hấp dẫn của Pháp - "các nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn xa" và "điều mà họ mong muốn, đó là Emmanuel Macron tiếp tục cải tổ". Điện Elysée vừa gửi thư mời các chủ tập đoàn, tổng giám đốc đến tham dự cuộc họp cấp cao Choose France (Chọn nước Pháp), sẽ diễn ra ngày 21/01/2019 tại lâu đài Versailles.

Nhiều người biểu tình "Áo Vàng" bị kết án tù

Vẫn về phong trào Áo Vàng, nhật báo Le Figaro cho biết "Một số người Áo Vàng bị kết án tù". Trong đợt biểu tình "Hồi VI" ngày 22/12 tại Paris, 59 người bị tạm giam, trong đó có 22 nghi phạm sắp bị đưa ra xét xử. Thứ Hai 24/12, hai người biểu tình đã bị kết án một năm tù ở Nancy vì ném các đồ vật vào cảnh sát. Tương tự, một thanh niên ở Besançon bị kết án 6 tháng tù vì hắt axit vào cảnh sát.

Libération trở lại vụ va chạm giữa bốn nhân viên cảnh sát đi mô tô bị người biểu tính quá khích vây trên đại lộ Champs-Elysées buộc một cảnh sát thứ tư quay xe trở lại và rút súng ra dọa đám đông. Đoạn video quay lại sự việc được bình luận rộng rãi trên mạng xã hội. Nhưng cũng chính sự kiện này đã khiến chính phủ "quyết tâm lập lại trật tự".

Trang nhất nhật báo Pháp

Dư âm của Noël vẫn đọng trên trang nhất của một số nhật báo Pháp. "Giáo hoàng lên án chủ nghĩa tiêu thụ" trong bài giảng thánh lễ đêm Giáng Sinh 24/12 là tựa chính của Le Figaro. Bên cạnh "Lời kêu gọi tình huynh đệ", trang nhất của nhật báo công giáo La Croix còn cho biết giáo hoàng Francis lên án "lòng tham lam của con người".

Les Echos trở lại thực tế với hậu quả của "phong trào Áo Vàng : cú sốc quan trọng đối với nền kinh tế". "Biến đổi khí hậu : Những hạt giống nằm trên vỉ nướng" là chủ đề trang nhất của Libération.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Áo Vàng : Một phong trào phản kháng đã có dấu hiệu biến chất

Hôm Giáng Sinh, hầu hết báo chí Pháp đều nghỉ lễ, ngoại trừ một vài tờ báo địa phương, và nhật báo Le Monde, trong một số kép ngày 25-26/12/2018. Nổi bật trên trang nhất tờ báo là hai vấn đề xã hội chính trị, một cũ, một mới tại Pháp : Các biểu hiện "cực đoan hóa" của phong trào Áo Vàng, và tệ nạn nhà cửa ọp ẹp tồi tàn tại các đô thị lớn.

aovang1

Áo Vàng biểu tình tại thành phố Nantes, hôm 22/12/2018. Reuters/Stephane Mahe

Ngay ở trang nhất, một trong các tựa lớn của Le Monde đã không giấu nỗi lo ngại : "Áo Vàng : Những nguy cơ chệch hướng một cách cực đoan". Đối với tờ báo, cái gọi là "Hồi VI" của phong trào phản kháng Áo Vàng tại Pháp hôm 22/12/2018, với những biểu hiện cực đoan đã trở thành mối ưu tư hàng đầu của dư luận Pháp.

Phong trào Áo Vàng càng hụt hơi, thì lại càng trở nên cực đoan

Theo nhận định chung của tờ báo, vào lúc mà phong trào có dấu hiệu không còn động viên được đông đảo quần chúng nữa, các hành vi bạo động được ghi nhận nhân "Hồi VI", cộng thêm với những vụ xẩy ra những tuần trước đó, đã xác nhận chiều hướng cực đoan hóa, với những hành vi bạo lực càng lúc càng dữ dội hơn.

Nhật báo Pháp đã nhấn mạnh đến những vụ tấn công vào cảnh sát, mà đặc biệt là vụ 3 cảnh sát viên chạy mô tô suýt nữa thì bị đám đông Áo Vàng cuồng nộ tại Paris "hành hình", được tờ báo nêu bật trong bức ảnh ngay trang nhất. Bên cạnh đó là những hành vi bài Do Thái và những vụ đập phá cơ sở, văn phòng của nhiều đại biểu dân cử.

Trong bài xã luận mang tựa đề : "Áo Vàng : Ra khỏi bế tắc", tờ báo uy tín tại Pháp trước hết đưa ra một lời chuẩn đoán về tình hình bắt đầu xấu hẳn đi : "Khi một cuộc nổi dậy mang tính chất công dân… được đa số rộng rãi người dân ủng hộ, bị một thiểu số quá khích, tác giả của những hành vi bạo động, lái chệch hướng, thì cuộc khủng hoảng đã thay đổi bản chất".

Đối với Le Monde, từ đỉnh cao ngày 17/11/2018 với 282.000 người tham gia trên toàn quốc, ngày 22/12/2018 các cuộc biểu tình Áo Vàng chỉ còn thu hút được 38.600 người, một đà sụt giảm cực mạnh.

Thế nhưng, dù người tham gia không đông, nhưng các cuộc biểu tình đã kèm theo một loạt những hành vi bạo đông "không thể chấp nhận được", từ việc tấn công, gần như là để sát hại nhân viên công lực, cho đến các hành vi bài Do Thái.

Bên cạnh đó, Le Monde còn ghi nhận nhiều hành vi hủy hoại, đốt phá các trạm thu phí xa lộ ở miền Nam, một vụ "chém đầu" một hình nộm tổng thống Pháp Macron ở Angoulême, những vụ việc hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự. Đó là chưa kể đến những hành vi tấn công, mắng chửi nhà báo, đe dọa các dân biểu đảng cầm quyền…

Đối với Le Monde, tình hình lúc này rõ ràng là : "Sau năm tuần lễ, phong trào Áo Vàng càng có dấu hiệu hụt hơi, thì lại càng trở nên cực đoan". Những kẻ quá khích, không bị một cơ chế nào ràng buộc, đã cố tình bạo động, qua đó làm cho ý nghĩa ban đầu của phong trào bị biến chất.

Trong bối cảnh nguy hiểm đó, Le Monde cho rằng các định chế trung gian như công đoàn, đảng phái chính trị, hiệp hội, đại diện dân cử địa phương – mà cả chính phủ cũng như phe Áo Vàng đều tìm cách gạt ra bên lề trong thời gian qua – các cơ chế này phải nhập cuộc trở lại để tránh cho bạo lực tràn lan.

Nhà ở rệu rã : Vấn đề nan giải

Về vấn đề gia cư tại Pháp, Le Monde nêu lên thành tựa chính : "Nhà ở ọp ẹp : Nguyên do một tình trạng tồi tệ (dai dẳng) tại Pháp".

Le Monde nêu bật tình trạng số lượng nhà ở tồi tàn không ngừng gia tăng tại một số vùng, với khu vực thủ đô và ngoại thành Paris có đến 157.300 tòa nhà thuộc diện này, trong lúc Marseille, thủ phủ miền Nam cũng có đến 40.000.

Nhật báo Pháp đã cử người xuống tận Marseille để tìm hiểu thêm về nỗi khổ của khoảng 1.600 cư dân hiện đang phải ăn nhờ ở đậu sau khi bị buộc phải rời bỏ 200 tòa nhà bị xếp vào diện tồi tàn, không còn có thể ở được.

Vấn đề nan giải, theo Le Monde, là đà xuống cấp của các tòa nhà nhanh hơn nhiều so với các nỗ lực nâng cấp, như trường hợp ở vùng ngoại ô Paris. Giới chuyên môn ghi nhận rằng bị rơi vào tình trạng "bệ rạc hóa" nhiều nhất là các loại cao ốc xây dựng trong thập niên 1970, nơi các đồng chủ nhân không còn bỏ tiền ra để tu sửa nữa.

Về phần Nhà nước Pháp, mặc dù có những luật lệ cấm chủ nhà cho thuê những căn hộ tồi tàn, thiếu vệ sinh, nhưng các cấp hữu trách gần như là không tài nào buộc được chủ nhân các cao ốc bệ rạc bỏ tiền ra nâng cấp các căn hộ của họ trước khi cho thuê, đặc biệt là tại hai nơi : Paris và tỉnh Seine-Saint-Denis sát cạnh thủ đô.

OFO hay mối đau đầu của Bắc Kinh

Liên quan đến Châu Á, ngoài thảm họa sóng thần vừa đánh vào Indonesia, hay việc Nhật Bản sắp sửa tái lập việc săn cá voi, viện lẽ một truyền thống lâu đời, Le Monde đã chú ý đến một start-up Trung Quốc đang bị lâm vào khó khăn trong bài ở trang kinh tế : OFO hay mối đau đầu của Bắc Kinh

Theo thông tín viên Le Monde, OFO là một nhãn hiệu Trung Quốc đang được cả thế giới biết đến. Công ty khởi nghiệp start-up này đã chinh phục được thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục, với chiếc xe đạp màu vàng "tự do sử dụng".

Thế nhưng lúc này, OFO đang bị vướng vào nhiều tai tiếng, với hàng triệu người sử dụng bất bình, với tiền nợ không trả được, và đang trở thành một vấn đề chính trị đối với chính quyền Trung Quốc.

Thứ Sáu, 21/12/2018, một phát ngôn viên Bộ Giao thông đã thúc giục OFO hoàn tiền cho những khách nào yêu cầu.

Theo Le Monde, nếu OFO bị phá sản, thì không chỉ có phá sản kinh tế mà còn là một sự phá sản về môi trường : Xe đạp của OFO có chất lượng rất tồi, cho nên nhiều nơi ở Trung Quốc sẽ là bãi tha ma xe đạp màu vàng.

2019 : Một năm đầy bất trắc cho kinh tế thế giới

Cũng về kinh tế, Le Monde nhìn ra thế giới, xác định rằng 2019 sẽ là một năm nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Lý do là vì bối cảnh kinh tế năm 2018 có nhiều yếu tố đã khiến các nhà quan sát lo âu.

Trước hết là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Bắc Kinh và Washington quả đúng là đã ký kết một cuộc hưu chiến ba tháng trong cuộc đọ sức thương mại giữa hai nước, nhưng nếu trong thời hạn từ nay đến tháng Ba mà hai bên không có được thỏa thuận thực thụ, cuộc chiến có thể lại tái diễn.

Trước mắt, hoạt động kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu khựng lại, và đây là điều đáng lo ngại vì Trung Quốc là một trong những đầu máy thiết yếu của nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Le Monde cũng thấy là GDP của nước như Đức, Nhật, hay là Ý, Thụy Sĩ cũng đã co thắt lại vào quý ba năm nay. Ngoài ra, vào tháng 12, tăng trưởng của khu vực tư nhân tại các quốc gia sử dụng đồng euro đã bị rơi xuống mức thấp nhất từ 4 năm nay.

Sau cùng, mối đe dọa về một tiến trình Brexit - tức là Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu - trong hỗn loạn, là một nhân tố khiến cho toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2019 trở nên bấp bênh, một nền kinh tế toàn cầu vốn đã tăng trưởng được 3,7% trong năm 2018.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Giáng sinh đến rồi đi, khủng hoảng vẫn còn đó

Giáng sinh đây rồi ! Qua hình ảnh cây thông yên bình và máng cỏ ấm áp, báo chí Pháp ngày 24/12/2018 không quên những cuộc khủng hoảng mà từ trái đất, con người, cho đến muôn thú đều là nạn nhân. Nhưng trong bóng đêm đầy bất trắc này, qua các trang báo mùa Noel, không thiếu những tia sáng hy vọng.

crisis1

Giáo dân ở Jordan dự thánh lễ tại Nhà thờ Công giáo Latinh ở thành phôe Fuheis, gần Amman, ngày 23/12/2018. Reuters/Muhammad Hamed

Giáng sinh đến rồi !

Nhật báo công giáo La Croix chia sẻ niềm hy vọng pha lẫn ưu tư cho những nơi không được may mắn : Indonesia lại bị sóng thần, hàng trăm người chết. Noel nào cho tín hữu đạo Thiên Chúa ở Syria ? Cho Asia Bibi, người phụ nữ Pakistan nạn nhân của người Hồi cuồng tín, đang ẩn náu bảo tồn sinh mạng sau khi thoát án tử hình.

Tuy nhiên, thông điệp chính của nhật báo Công giáo qua bài xã luận "Ngày lễ quan trọng nhất" : Con người đừng để lối sống hiện đại lôi vào vòng xoáy triệt tiêu lòng kiên nhẫn.

Không hẹn mà nên, Le Figaro dành nhiều trang bày tỏ quan ngại cho các cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Trung Đông : Tại Syria, từng xóm đạo trở thành hoang phế . Ở Iraq và Algeria, tín đồ Thiên chúa giáo tiếp tục bị đe dọa và trấn áp. Tương lai nào cho cộng đồng Thiên chúa giáo trong mùa Giáng sinh này ? Những người Syria tị nạn ở nước ngoài có thể hồi hương hay không ? Chổ đứng nào cho cộng đồng thiểu số trong một nước tan từng mảnh và là nơi mà giám mục bị bắt cóc, linh mục bị chặt đầu ? Aleppo, nơi chỉ còn 30.000 tín đồ so với con số 150.000 bảy năm trước đây, là một trường hợp điển hình. Tia sáng hy vọng không thiếu tuy còn chút rụt rè : ngày 15 vừa qua, tại Homs, thành phố toan hoang vì chiến tranh, hàng trăm tín đồ thu hết can đảm dự thánh lễ đầu tiên trong ngôi thánh đường mới vừa được tu bổ.

Donald Trump cô đơn hơn bao giờ hết.

Hoa Kỳ trong cơn biến động là chủ đề tốn hao giấy mực nhưng lại rất đồng thuận trên các báo : Phương pháp của Trump làm đất nước bị "shutdown", Mattis ra đi gây rún động NATO là hai tựa lớn của Le Monde. Les Echos bồi thêm : Donald Trump cô đơn hơn bao giờ hết.

Le Monde, một lần nữa, nhấn mạnh thái độ khó hiểu của chủ nhân Nhà Trắng : thứ nhất là "ương ngạnh", muốn xây bức tường biên giới, thứ hai là đổi quan điểm như chong chóng mà không hề tham khảo ý kiến ban lãnh đạo đảng Cộng Hòa. Hệ quả đầu tiên, về đối nội, guồng máy chính phủ liên bang bị "tê liệt". Đối ngoại, nước Mỹ mất uy tín với đồng minh và tạo ra những hệ quả khó lường cho cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và cho an ninh tại Châu Âu, nằm sát sườn với Trung Đông.

Trump muốn tự định đoạt chính sách ngoại giao

Phải chăng Donald Trump muốn một mình quyết định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ? Chiến lược của tổng thống Mỹ như thế nào và hệ quả ra sao ?

Được Les Echos phỏng vấn, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế James Lindsay xác nhận : Trump muốn tự định đoạt chính sách ngoại giao. Quan điểm của tổng thống Mỹ rất đơn giản : từ nhiều năm nay, Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ không nên can dự vào tình hình Trung Đông. Trong 23 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông để cho các cố vấn duy trì các chiến dịch quân sự chống khủng bố. Giờ đây, Donald Trump ngưng tất cả, tuyên bố chiến thắng, để rồi sau đó ông giải thích : để cho Nga, Thổ, Iran đối phó với thánh chiến.

Vấn đề là chiến lược này không được thảo luận, cân nhắc lợi hại với các chuyên gia an ninh Mỹ, cũng không báo trước cho các đồng minh.

Cũng theo phân tích của chuyên gia James Lindsay, sở dĩ Donald Trump làm như thế là vì quan niệm về quan hệ quốc tế của ông rất đơn giản : không thắng thì không tiếp tục chiến tranh, còn đồng minh thật ra là kẻ thù chứ không phải là bạn. Theo suy nghĩ của Donald Trump, các đồng minh của Washington chỉ là những người lợi dụng ô dù an ninh của Mỹ, các hiệp định thương mại quốc tế để trục lợi, chiếm lấy công ăn việc làm của lao động Mỹ. Khi lên cầm quyền, Donald Trump nhanh chóng "bịt miệng" các chuyên gia. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis là nhân vật cương nghị cuối cùng phải ra đi.

Hệ quả là từ nay về sau, bộ ngoại giao Mỹ sẽ không tìm cách chứng minh với Donald Trump nước nào là đồng minh xứng đáng của Mỹ. Trái lại, các đồng minh sẽ được "giúp đỡ" để thi hành chính sách mà tổng thống Donald Trump lựa chọn. Nước Mỹ của Donald Trump sẽ mang hình ảnh của một siêu cường con buôn.

Israel và các vương quốc vùng Vịnh lo âu là phải, vì họ không biết những cam kết của Donald Trump có giá trị đến đâu ? Châu Âu cũng phải thận trọng trước những phê phán của Donald Trump về thuế hải quan, về gánh nặng trong NATO.

Về đối ngoại, Donald Trump gây ra một tình trạng bất trắc khó lường.

Về đối nội, mục tiêu của Donald Trump là gì ?

Câu trả lời có thể tìm thấy trên Libération : tái tranh cử 2020, được ăn cả ngã về không. Donald Trump đang đánh lá bài "thấu cáy". Biết rõ Mitch McConnel, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng viện, sẽ không nhượng bộ trước áp lực của lãnh đạo hành pháp, thay đổi luật biểu quyết tại Thượng viện, để thông qua ngân sách xây tường với đa số quá bán, Donald Trump chơi lá bài liều lĩnh để kích động tinh thần cử tri cơ sở, những ủng hộ viên vô điều kiện. Phía Dân Chủ, cuộc đua giành vé tranh cử cũng đã mở màn và có nhiều xác suất Donald Trump sẽ gặp một đối thủ Dân Chủ đồng ký đồng cân. Điều này cho phép dự kiến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ là trận đọ sức giữa hai phe cử tri cuồng nhiệt nhất. Trận đánh "du kích" mùa Giáng sinh báo hiệu hai năm chao đảo trên chính trường Mỹ.

Phê phán Donald Trump, Les Echos dành cho bộ trưởng quốc phòng James Mattis một bài viết ngắn nhưng súc tích : viên tướng già, độc thân, từ chức vì nhất quyết không làm một chuyện trái với nghĩa khí, lương tri của một người lính tác chiến : bỏ rơi đồng đội.

Bộ luật lao động cho thú vật

Khác với các đồng nghiệp lo âu cho tình hình thế giới trước những quyết định theo "trực giác" của tổng thống Mỹ Donald Trump, Libération tập trung vào sự tồn vong của trái đất. Nhật báo cánh tả dành hai số đặc biệt Giáng sinh… cho muôn thú .

Trong thực đơn dài 28 trang của số báo hôm nay, mở đầu với một chú khỉ đột đang nghỉ trưa trong rừng, Libération giới thiệu những "nghề nghiệp" của loài vật mà con người không thể cán đáng : bò, ngựa kéo xe, chó giữ nhà, giúp đỡ người mù, làm vệ sĩ bảo vệ đàn cừu chống chó sói, chống gấu rừng…

Độc giả được dẫn đi vào thế giới ngôn ngữ của mèo, đời sống sinh lý của khỉ, suy nghĩ về số phận loài sư tử ở châu Phi, cho dù bị đe dọa diệt chủng, vẫn tiếp tục làm mồi cho thợ săn. Nhật báo cũng dành nhiều trang phóng sự cho trò chơi "đá gà" ở miền bắc nước Pháp, cùng với quần đảo Antilles là hai nơi duy nhất, nhân danh bảo tồn văn hóa truyền thống, chưa cấm "đá gà".

Theo Libération, đã đến lúc phải nghĩ đến một "bộ luật lao động" cho thú vật.

Nhật báo cánh tả không quên bản kiến nghị kêu gọi hỗ trợ pháp lý kiện chính phủ Pháp "không có hành động gì trước tình trạng biến đổi khí hậu", hiện đã thu được 1,6 triệu chữ ký. Đây cũng là thông điệp "chính quyền bất động thì dân phải năng động" để thúc đẩy thời thế như phong trào "Áo Vàng" chống bất công xã hội kéo dài từ 7 tuần qua.

Cũng như các đồng nghiệp, Libération dành nhiều trang tường thuật thảm nạn sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia, xứ bất hạnh triền miên. Chỉ trong chớp mắt, sóng thần không được báo trước đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Trong số nạn nhân có toàn ban nhạc Pop Seventeen, đang trình diễn trên sân khấu xoay lưng ra biển. Ca sĩ Riefan cũng bị sóng cuốn đi nhưng may mắn thoát chết. Người bạn đời của anh nằm trong danh sách mất tích.

Pháp : Tiền dân tiết kiệm không thua ngân sách nhà nước

Về thời sự Pháp, trong khi Le Monde, với bài "Những ngày căng thẳng trong chiến hào", tường thuật tổng thống Macron suy tính cách nào để thoát vòng vây "Áo vàng", thì Les Echos, với thống kê làm cơ sở, cho biết dân Pháp cất dấu rất nhiều tiền dưới dạng tài khoản tiết kiệm : tổng cộng 390 tỷ euro, tương đương với ngân sách quốc gia 2018.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Báo Anh : Hiểm họa xung đột Mỹ-Trung vì thiếu giao lưu quân sự

Không khí lễ tết tràn ngập các tuần báo dịp cuối năm này vẫn không che khuất được một số vấn đề thời sự nóng bỏng.

hiemhoa1

Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina, ngày 01/12/2018. Reuters/Kevin Lamarque

Tờ The Economist ở Luân Đôn, dù dành hồ sơ lớn cho một "Số kép Giáng Sinh - Christmas Double Issue" - tựa chữ đậm ở trang bìa, nhưng ở trang trong đặc biệt chú ý đến một khía cạnh đáng ngại của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra : Đó là nguy cơ bùng nổ xung đột do hiểu lầm giữa hai quân đội.

The Economist nhấn mạnh rằng "hiểm họa của một cuộc chiến tranh nóng đáng lo ngại hơn một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung", mà khả năng tránh được phải là "thông tin liên lạc tốt hơn giữa các lực lượng vũ trang" của hai bên.

Thế nhưng, đây chính là vấn đề. Theo nhận xét của tuần báo Anh, Mỹ hiểu rất rõ về nhu cầu thiết lập các kênh liên lạc và duy trì giao lưu với quân đội Trung Quốc, nhưng các đề nghị hay sáng kiến của Washington đã bị phía Bắc Kinh làm ngơ, hoặc tiếp nhận một cách miễn cưỡng.

Fax vẫn là phương tiện liên lạc quân sự chính thức Mỹ - Trung

Bài viết mang tựa đề đơn giản "Hiểu lầm quân sự", đã mở đầu bằng một chi tiết ít được biết đến : Phương tiện liên lạc quân sự chính thức hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là máy fax.

Đối với The Economist, việc hai bên vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu này là dấu hiệu rõ rệt về tình trạng thiếu đối thoại hiệu quả đáng lo ngại giữa hai lực lượng vũ trang.

Trong bối cảnh cả hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở miền tây Thái Bình Dương ; với việc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, tàu thuyền và máy bay của hai nước hầu như mỗi ngày đều hoạt động gần nhau, thường xuyên tạo ra nguy cơ một vụ va chạm trên không hoặc trên biển leo thang thành xung đột vũ trang.

Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã căng thẳng về thương mại và một loạt các vấn đề khác, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng, cũng dễ hiểu là hai bên cần cố gắng giảm bớt nguy cơ biến cuộc tranh chấp kiểu chiến tranh lạnh của họ hiện nay thành chiến tranh thực thụ.

Có giao lưu, nhưng hời hợt vì Bắc Kinh thiếu hợp tác

Theo tuần báo Anh, trong thời gian qua, quả đúng là hai quân đội Mỹ và Trung Quốc đã học cách hiểu nhau nhiều hơn, trao đổi giữa các học viện quân sự, các chuyến ghé cảng hữu nghị của chiến hạm và các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua.

Thế nhưng, hố ngăn cách giữa hai bên vẫn còn rất sâu rộng. Phần lớn các hoạt động giao lưu đều rất hời hợt. Theo các sĩ quan Mỹ, người mà Trung Quốc cử ra để tiếp xúc với phía Mỹ thường là những quan chức chính trị nói được tiếng Anh hoặc là những sĩ quan tình báo, mặc quân phục nhưng không phải là những người thực thụ theo binh nghiệp.

Các phái đoàn Mỹ khi ghé thăm Trung Quốc đôi khi được hướng dẫn đi thăm các căn cứ được tạo ra với mục tiêu tuyên truyền trống rỗng và được giải trí với các chương trình biểu diễn võ thuật hơn là các cuộc tập trận thực sự… Ngoài ra, khi sĩ quan cao cấp của hai bên gặp nhau, Trung Quốc có xu hướng dành nhiều thời gian đả phá chính sách đối ngoại của Mỹ hơn là thảo luận về cách xây dựng lòng tin giữa hai quân đội.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ quân sự ngày càng gần gũi hơn với Nga. Vào tháng 9, Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau chiến tranh lạnh.

Nhưng khi được mời tham gia các cuộc tập trận của Mỹ, thì Trung Quốc lại có cách cư xử thô lỗ. Năm 2014 chẳng hạn, Mỹ mời Hải quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, cuộc tập trận đa quốc gia trên biển lớn nhất thế giới trên biển. Thay vì đáp trả bằng tình bạn, Trung Quốc lại gửi tàu gián điệp đến rình mò các cuộc diễn tập và cấm các sĩ quan Nhật Bản đến dự tiệc cocktail truyền thống trên tàu của họ.

Vào năm 2018, Mỹ đã gạt Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC để phản đối việc Bắc Kinh triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Biển Đông. Điều đó khiến Hải quân Trung Quốc bực tức, nhưng Mỹ lại không cảm thấy mất mát gì nhiều.

Đối với The Economist, ví dụ trên cho thấy là ngay cả khi có cơ hội xây dựng nhịp cầu thông cảm, các sĩ quan Trung Quốc đã chọn cách làm ngơ.

Hai lực lượng vũ trang Mỹ-Trung không chỉ sử dụng fax để liên lạc, mà còn có một kênh liên lạc mang tên Đường Điện Thoại Quốc Phòng đã được thiết lập một thập kỷ trước đây. Một tuyến liên kết video hiện đại hơn cũng mới được thiết lập gần đây giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước.

Đối với The Economist, vấn đề không phải là hai quân đội thiếu kênh liên lạc, mà là cách hai bên sử dụng các kênh này ra sao. Các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng, nếu Trung Quốc gọi đến, họ sẽ nhấc điện thoại lên, nhưng lại không thể chắc chắn là liệu Trung Quốc có làm như vậy không.

Một phần của vấn đề khó thiết lập liên lạc giữa hai quân đội Mỹ-Trung là cách các lực lượng vũ trang Trung Quốc làm việc. Đảng cộng sản có mặt trong toàn bộ các cấp của Quân đội Trung Quốc. Nhân vật chính ủy thường nắm giữ nhiều quyền lực tương tự như các sĩ quan chỉ huy là những người lính chân chính.

Đặc biệt ở cấp cao, các sĩ quan Trung Quốc chỉ có thể hành động với tốc độ của cả một ủy ban, tức là chỉ có thể ra quyết định sau khi họp bàn tập thể. Tuy nhiên, theo The Economist, đó không phải là lý do để phía Trung Quốc không nhấc điện thoại. Liên lạc được với nhau một cách nhanh chóng không có nghĩa là chấm dứt được một cuộc khủng hoảng, nhưng chắc chắn có thể làm giảm nguy cơ căng thẳng bùng lên vì một sự hiểu lầm.

Tổng thống Macron mới 18 tháng đã bị ghét bỏ ?

Các vấn đề thời sự, đặc biệt là thời sư quốc nội cũng được tuần báo Pháp L’Express đề cập đến trong hồ sơ 40 trang được nêu lên thành tựa chính trang bìa : "Người Pháp và các vị tổng thống của mình", nêu bật điều được tờ báo gọi là "60 năm yêu và hận". Trái với các đồng nghiệp, L’Express tuần này vẫn ra số đơn bình thường.

Phong trào phản kháng Áo Vàng đang nổi lên tại Pháp dĩ nhiên là nguyên nhân thúc đẩy L’Express quay lại nhìn 60 năm quan hệ giữa người dân Pháp với người lãnh đạo tối cao của họ. Và trong vấn đề này, dĩ nhiên là tờ báo đã so sánh điều đang xẩy ra cho đương kim tổng thống Emmanuel Macron, với những gì mà cố tổng thống De Gaulle đã phải trải qua, với một phong trào phản kháng quy mô được gọi là Tháng Năm 1968.

Theo L’Express, vào năm 1968, một khẩu hiệu phản ánh thái độ chán ngán của người biểu tình đối với tổng thống De Gaulle, là "10 năm đủ rồi". Ngày nay, đối với đương kim tổng thống Pháp, nhiều người xuống đường đã hô vang "Macron hãy từ chức đi !".

Điểm khác biệt là lần này, khẩu hiệu đòi tổng thống từ chức xuất hiện vỏn vẹn 18 tháng sau khi ông Macron đắc cử, với phong trào Áo Vàng bùng lên gần như là khắp nơi trên đất Pháp, với những đòi hỏi rất khác nhau, ngoại trừ một điểm : Nguyên thủ Nhà nước phải ra đi.

Tổng thống Chirac được coi là gần gũi người Pháp nhất

Nhân việc ông Macron bị mất lòng dân, L’Express đã đặt câu hỏi cho cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin về vị tổng thống mà ông cho là "đã biết thiết lập mối quan hệ tốt nhất với người dân".

Theo ông Raffarin, đó là tổng thống Jacques Chirac. Ông Raffarin giải thích : "Tổng thống Chirac và người Pháp có một sự mối quan hệ dựa trên sự quý mến tôn trọng lẫn nhau. Ông Valérie Giscard d’Estaing, người cải cách nhất, đôi khi cho cảm nhận là ông tự đặt mình ở bên trên người Pháp. François Miterrrand thì muốn chia sẻ hai đam mê của ông : Lịch sử và Cánh tả. Nicolas Sarkozy được nhiều sự kính trọng hơn là yêu mến. Đối với François Hollande thì còn quá sớm để đánh giá, phải đợi người Pháp ý thức được là ông đã từng là tổng thống !".

Các số đặc biệt lễ tết và "25 câu chuyện tình cuồng si"

Như giới thiệu ở trên, tuần báo Anh The Economist đã ra một số kép nhân dịp lễ cuối năm. Đó cũng là trường hợp của tuần báo Pháp Le Point, với trang bìa nêu bật hồ sơ dành cho thánh địa của người Thiên Chúa giáo "Jérusalem".

Nhưng độc đáo hơn lại là tuần báo L’Obs, cũng ra số kép cuối năm, nhưng thay vì nói dông dài về chủ đề Noël hay Tết Tây, tờ báo Pháp đã quay sang một chủ đề độc đáo, lý thú, và không nhức đầu chút nào, kể lại "25 câu chuyện tình cuồng si".

L’Obs đã hỏi độc giả : "Bạn có từng trải qua hay có biết một chuyên tình phi thường hay không ?". Tạp chí ngạc nhiên trước số đông người hồi đáp và gởi lời cám ơn, "vì nhờ đó mà ta biết được tình yêu cuồng si vẫn tồn tại".

L’Obs cố tìm hiểu xen tình yêu điên dại ngày nay ra sao ? Tạp chí cho biết đã giữ lại những lời câu chuyện ấn tượng nhất và đăng lại 25 câu chuyện đôi khi rất khó tin, nhưng đều là những câu chuyện thật.

L’Obs kết luận hóm hỉnh, nhưng rất lạc quan : 25 câu chuyện cho thấy là loài người còn lâu, và cũng may, mới biết chữa trị chứng bệnh nan y mà mọi nhà thơ đều ca ngợi…

"Phải chăng thời gian qua nhanh quá ?"

Courrier International là tờ chơi trội nhất, với một số báo theo kiểu "3 trong 1", tập trung tìm lời giải đáp cho một câu hỏi gần như là triết học nêu lên thành tựa lớn ở trang bìa "Phải chăng thời gian qua nhanh quá ?". Tạp chí Courrier International chú ý đến khái niệm thời gian có vẻ thay đổi tùy nơi.

Tại Nhật Bản chẳng hạn, khái niệm thời gian và tầm quan trọng của nó dường như đang mê hoặc truyền thông Ả Rập. Trên tờ báo Bahrein Al-Ayam, Hassan Madan ghi nhận : "Tại Nhật, mỗi phút đắt đến nỗi mà không ai dám mất chỉ là một phút thôi. Nếu mà đi trễ 15 phút tại một cuộc hẹn, thì sẽ bị xem ngay là một người không đáng tin tưởng". Đây là ghi nhận của nhà xã hội học người Maroc Fatima Mernissi sau một chuyến đi Nhật. Theo bà, "chúng ta, người Ả Rập, thì có rất nhiều thời gian. Một nửa thời gian đó là để chờ người đến trễ, và phần nửa kia là để hỏi chúng ta làm gì đây !"

Brazil : Đi trễ là lịch sự

Tại Brazil, đến đúng giờ thậm chí đến muộn 15 phút thì bị xem là bất lịch sự. Một nữ ký giả Anh Quốc đã rút ra kinh nghiêm. Được mời đến bữa ăn churrasco (thịt nướng barbecue), nhà báo đã đến đúng giờ, bấm chuông, chủ nhà ra mở cửa, trên người còn quấn chiếc khăn tắm ẩm ướt vì mới vừa tắm xong. Người chủ đã nói như trách móc người khách mời đến đúng giờ : "Tôi chưa chuẩn bị xong mà !". Những người khách khác, am hiểu thông tục đã đến trễ khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Miến Điện : Quân đội ngừng bắn các nhóm nổi dậy trong vòng bốn tháng (RFI, 22/12/2018)

Ngày 21/12/2018, quân đội Miến Điện thông báo sẽ ngừng mọi chiến dịch quân sự nhắm vào các nhóm vũ trang ở những vùng bất ổn miền bắc và đông Miến Điện. Quyết định ngừng bắn trong vòng bốn tháng có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ và các nhóm nổi dậy có thể ngồi vào bàn đàm phán tiến trình hòa bình.

myanmar3

(Ảnh minh họa) - Tướng Min Aung Hlaing,Tư lệnh liên quân Miến Điện. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Yangon. Reuters/Ann Wang

Trong thông cáo của chỉ huy quân đội Miến Điện, quyết định ngừng bắn đơn phương đối với các nhóm vũ trang có hiệu lực tức thì và kéo dài đến ngày 30/04/2019. Thời gian này cho phép tổ chức các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, quân đội Miến Điện vẫn giữ quyền sử dụng vũ lực "nếu cần thiết".

AFP nhắc lại là 10 nhóm nổi dậy vũ trang đã cam kết tham gia quá trình đàm phán theo lời kêu gọi của lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, nhưng cũng có nhiều nhóm khác phản đối, yêu cầu quân đội phải bỏ vũ khí trước.

Tổng thư ký của tổ chức Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), một trong những nhóm chiến binh nổi dậy lớn nhất ở vùng đông bắc, đã hoan nghênh "giai đoạn tích cực", nhưng lấy làm tiếc là lệnh ngừng bắn không được áp dụng trên khắp đất nước.

Quyết định của quân đội Miến Điện cũng khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ. Theo ông Min Zaw Oo, giám đốc Viện Vì Hòa Bình và An Ninh Miến Điện, "Tatmadaw (quân đội Miến Điện) chưa từng làm việc này. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Miến Điện".

Về phần mình, ông Andrew Kirkwood, một quan chức của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, khuyến khích các bên "tận dụng thời điểm này để ngưng mọi động thái thù nghịch".

Thu Hằng

******************

Miến Điện 2018 : Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ (RFI, 20/12/2018)

Hôm qua được cả thế giới tôn vinh tinh thần hy sinh hạnh riêng tư để chống lại chế độ độc tài, hôm nay bị lên án vì thái độ im lặng trước thảm cảnh của sắc tộc Rohingyia, nạn nhân của chính sách kỳ thị chủng tộc và áp bức của quân đội : Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, bị mất ngôi thần tượng. Vì sao nên nỗi ?

myanmar1

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean, ở Singapore, ngày 15/11/2018. Reuters/Athit Perawongmetha

Tượng đài dân chủ Miến Điện bị tan vỡ có lẽ là hình ảnh nổi bật nhất tại Đông Nam Á, trong giờ kiểm điểm những sự kiện trong năm 2018.

Là con gái của anh hùng dân tộc Aung San, sáng lập quân đội quốc gia chống thực dân Anh trong cuộc chiến giành độc lập, bản thân là một nhà tranh đấu chống chế độ độc tài bất chấp gian lao, tù tội, Aung San Suu Kyi, trong suốt 30 năm, được xem là biểu tượng bảo vệ người yếu chống lại cường quyền.

Chống tất cả bạo quyền và không phân biệt nạn nhân ? Nhưng trừ sắc tộc Hồi giáo người Rohingya, nạn nhân của phật tử cuồng tín ở bang Arakan và cuộc chiến "chống khủng bố" của quân đội. Bị công kích là với quyền hạn của một thủ tướng trong tay, bà nhắm mắt làm ngơ trong cuộc khủng hoảng làm hơn 700.000 người theo đạo Hồi, phải chạy sang Bangladesh tị nạn, Aung San Suu Kyi biện minh : "Cả một băng sơn tin đồn thất thiệt".

Trừ giải thưởng Nobel Hoà Bình, nhiều vinh dự khác đã bị thu hồi : Quy chế công dân danh dự Canada, các thành phố Oxford, Glasgow, Edimbourg ở Anh Quốc và tuần qua đến lượt Paris… Ngày 18/12, Hàn Quốc rút giải thưởng Ký Ức Nhân Quyền. Nghiêm khắc hơn hết là quyết định thu hồi quy chế "đại sứ lương tâm" của Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.

Vì sao "biểu tượng nhân quyền thế giới" có thể bất động trước một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia ? Liệu phản ứng bất bình của công luận quốc tế có tác động gì, làm thay đổi gì hay không ?

Được RFI, trong chương trình "Giải mã" đặt câu hỏi, giáo sư chính trị David Camrouxchuyên gia của viện Nghiên cứu CERI, Pháp phân tích :

Tôi cho rằng các quyết định (thu hồi giải thưởng, bằng khen) không phải là một vấn đề đối với đa số dân chúng Miến Điện mà hai phần ba là người Miến, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Điều này chỉ củng cố cảm tính bài ngoại của người Miến mà Tây phương hiểu được. Trái lại, nó có thể làm quan hệ giữa bà và các sắc tộc thiểu số xấu thêm, những người đã từng đặt niềm tin ở bà trong cuộc bầu cử 2015.

Chúng ta thấy rõ sự thay đổi này qua cuộc bầu cử bán phần trong năm nay với kết quả là Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ bị mất ghế.

Lúc đầu, bà tạo đề xuất xây dựng một liên minh chính trị đa sắc tộc ở Miến Điện nhưng bà đã thất bại. Bà cũng thất bại trong dự án thành lập "liên bang" mà Miến Điện rất cần. Trong suốt ba năm qua, tiến trình hòa giải với các sắc tộc thiểu số không đạt một bước tiến nào cụ thể. Trái lại, càng ngày càng có nhiều xung khắc, xung đột giữa quân đội và các nhóm thiểu số võ trang.

Bà Aung San Suu Kyi không phải là một nhà dân chủ, bà ôm đồm hết mọi việc và có tiếng độc đóan, không dung thứ những đối kháng trong đảng.

Con nhà binh chống độc tài nhưng không chống quân đội

Theo nhà báo Pháp Bruno Philippe, thông tín viên của báo Le Monde trong vùng Nam Á, không phải chỉ có sắc dân Rohingya mà thủ lĩnh của các sắc tộc thiểu số khác ở Miến Điện cũng không mấy thân thiện, tin cậy bà Aung San Suu Kyi. Một mặt vì bà là người Miến, mặt khác là con gái của tướng Aung San, sáng lập quân đội Miến Điện. Quân đội này xem các lực lượng võ trang đòi tự trị là kẻ thù.

Ngay từ năm 1988, khi ra lãnh đạo phong trào dân chủ lúc đó bị đàn áp dữ dội, hàng ngàn sinh viên bị bắn chết, đại học bị đóng cửa, bà tuyên bố phong trào biểu tình chỉ chống độc tài chứ không chống quân đội.

Giáo sư David Camroux : Tôi nghĩ rằng từ năm 1990, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã nhìn nhận vai trò của quân đội. Đừng quên là các tướng lãnh cựu trào, thế hệ 80 tuổi, ủng hộ bà Aung San Suu Kyi do vậy không có lý do gì bà chống lại quân đội. Trong thập niên 1990, Aung San Suu Kyi là một nhà đối lập trong chế độ quân sự, vấn đề xung đột sắc tộc còn khá mơ hồ. Đến năm 2010, bà bị bắt buộc và đã công nhận bản Hiến Pháp do quân đội soạn thảo, cho phép giới quân nhân kiểm sóat một phần tư Quốc hội. Do vậy, không có cách nào để tu chính bản Hiến Pháp. Quân đội buộc Aung San Suu Kyi phải chấp nhận bản Hiến Pháp, điều kiện để để họ "đồng ý" hé cánh cửa dân chủ hóa chế độ.

Trong khi đó, phe dân chủ ủng hộ Aung San Suu Kyi lại nghĩ rằng đây là "bước đầu của tiến trình dân chủ hóa. Đó là điểm "hiểu lầm" then chốt giữa phe quân đội và "phe dân chủ" ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Tôi không nói là "bà" hiểu lầm.

Aung San Suu Kyi đã chấp nhận vai trò áp đảo của quân đội, cho dù không muốn cũng không được. Ủng hộ quân đội cũng là tâm lý chung của sắc dân Miến, xem nhẹ các sắc tộc thiểu số. Bà từ chối sử dụng từ Rohingya. Trong diễn văn năm 2012, bà nói đến Nhà nước pháp quyền", bà xem đạo Phật ngang hàng với đạo Hồi về mặt đạo đức, nhưng bà lại không lên án những hành động trấn áp người Rohingya cho dù 700.000 người Hồi đã chạy lánh nạn. Điều này không thể hiểu được.

Không những bị thế giới phê phán, trong nước bà cũng bị thành phần bài ngoại nghi ngờ. Giới phật tử cực đoan cho là bà muốn cho người Rohingya hồi hương : Trả lời RFI, một người nói : "Tôi muốn bà Aung San Suu Kyi yêu tổ quốc hơn nữa, phải cấm người Rohingya trở lại Miến Điện, nhất là những gia đình, những nhóm theo khủng bố".

Trong cuộc khủng hoảng Rohingya, người dân Miến Điện không cùng quan điểm với Tây phương. Theo giáo sư David Camroux, có lẽ Tây phương không nên ngạc nhiên về thái độ của Aung San Suu Kyi :

Bởi vì trong lòng chúng ta, Aung San Suu Kyi mang hình ảnh của nữ thánh Teresa, của thánh Ghandi của Kennedy và Madona nữa. Nếu không có những hình ảnh này, thì bà phải tạo ra, bởi vì người phụ nữ mảnh mai này là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Tây phương đã hết lòng ủng hộ bà kể cả những gì bà không nói rõ. Diễn văn nhậm chức của "Cố Vấn Nhà nước" khá rỗng : bà có nói về các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền nhưng không đề ra một chương trình hành động rõ ràng và dứt khóat.

Vì thế Tây phương thất vọng vì cho rằng đã tính lầm khi tôn vinh bà là thần tượng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình Anh (BBC), Aung San Suu Kyi từ chối nhận tiếng "thần tượng". Bà khẳng định "không phải là Margaret Thatcher (nữ thủ tướng tài ba của Anh Quốc) cũng không phải là nữ thánh nhân từ Teresa", bà chỉ là "một chính trị gia".

Aung San Suu Kyi, theo nhà báo Bruno Philip, là một nhà ly khai, một nhà tranh đấu bản lĩnh nhưng là một thủ tướng kém tài, không có cố vấn giỏi và độc đóan. Trong khi đó, quân đội vẫn là một tổ chức cả vũ trang lẫn chính trị lợi hại nhất, bất chấp mọi phương tiện để kiểm soát và khuấy động công luận.

Dư luận viên tung FakeNews chia rẽ Phật-Hồi

Trong bản tổng kết tình hình thế giới, AFP cho biết 2018 là năm của "Fake News" của tin giả lên ngôi. Tại Châu Á, Trung Quốc và Miến Điện đứng đầu trong chiến thuật phát tin giả, bóp méo sự thật. Theo giáo sư David Camroux, Miến Điện kẹt trong hai vấn nạn hệ quả của độc tài : nhân sự có khả năng và tinh thần bao dung. "Thần tượng" và quân đội đều có trách nhiệm :

Aung San Suu Kyi không muốn chia sớt quyền hạn cho ai, bà muốn kiểm sóat tất cả. Theo một giai thoại được kể lại, nhân một bữa tiệc chính thức, bà muốn kiểm sóat cả thực đơn. Bà ôm đồm công việc, nhưng không đủ khả năng. Vấn nạn của Miến Điện là sự yếu kém của bộ máy nhà nước. Nếu có người có năng lực thì họ ở trong quân đội. Trong gần 50 năm, đại học Miến Điện bị đóng cửa gần như là liên tục. Do vậy, cả một tầng lớp dân chúng không được đào tạo để quản trị một đất nước có mẫu mực.

Trong mưu kế kéo dài thời gian ngự trị, tập đoàn quân sự bày ra tiến trình "dân chủ hóa trong kỷ luật". Nhưng cũng nhờ đó mà báo chí được cởi trói kiểm duyệt. Từ 2012, nở rộ phong trào trăm hoa, báo chí được tự do hơn nhưng dân Miến Điện lại thích tìm thông tin trên mạng xã hội.

Vấn đề là phần lớn các trang mạng là do quân đội đứng sau. Từ thủ đô Naypyidaw, một đạo quân 700 "dư luận viên" có nhiệm vụ chính là chiến tranh tâm lý, định hướng công luận, kích động hận thù chống sắc tộc Rohingya và vinh danh quân đội.

Cuối cùng tại Miến Điện, quyền tự do yêu thương biến thành tự do thù hận.

Năm 2020, Miến Điện bầu cử quốc hội mới trong chế độ dân chủ nửa mùa. Trừ diễn biến bất ngờ, quân đội tiếp tục phủ bóng trên mọi lãnh vực.

Tú Anh

******************

Miến Điện : Hành quân truy kích "khủng bố" ở Rakhine (RFI, 20/12/2018)

Quân đội Miến Điện mở chiến dịch"truy quét" trong bang Rakhine sau nhiều vụ tấn công mà nạn nhân là phật tử, theo thông báo của bộ tư lệnh ngày thứ sáu 20/12/2018.

myanmar2

Ảnh minh họa : Cảnh bạo lực ở làng Gawduthar, Maungdaw, bắc Rakhine, Miến Điện. Ảnh 7/09/2017. © Reuters/Stringer NO SALES NO ARCHIVES

Các vụ tấn công được mô tả diễn ra trong khu vực huyện Maungdaw, miền bắc bang Rakhine, nơi mà dân Hồi giáo Rohingya bị bạo lực trấn áp từ nhiều năm nay. Thông báo của văn phòng tướng Min Aung Hlaing, được AFP trích dẫn cho biết các cuộc hành quân đã được mở lại để "quét dọn" ở Puy Ma Creek sau khi phát hiện thi thể hai dân chài theo đạo Phật bị cắt cổ, hôm thứ Hai. Cùng ngày, hai ngư dân khác cũng bị sáu người "nói tiếng Bengali" tấn công nhưng chỉ bị thương.

Chính quyền nói không xác định được danh tính thủ phạm nhưng ám chỉ người Rohingya qua cụm từ "nói tiếng Bengali".

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ ký một bức thư chung kêu gọi ngoại trưởng Mike Pompeo lên án chiến dịch quân sự của Miến Điện, đã làm hơn 700.000 người Rohingya chạy sáng Bangladesh tị nạn. Theo các tác giả, cho đến nay bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn chưa chính thức lên án quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng .

Một quyết định theo chiều hướng này sẽ buộc chính phủ Mỹ gia tăng trừng phạt chính quyền Miến Điện, hiện do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Tú Anh

 

Published in Châu Á