Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Kim "cướp" chiến thắng của Trump
Thượng đỉnh Kim-Trump kết thúc ngày 28/02/2019 tại Hà Nội. Không đạt được thỏa thuận chung tại Hà Nội, hai phái đoàn Mỹ-Bắc Triều Tiên rút ngắn thời gian họp. Đây là điều mà nhiều nhật báo Pháp số ra ngày 28/02 đã dự đoán.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp song phương tại thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên lần thứ hai, Hà Nội, ngày 28/02/2019. Reuters/Leah Millis
Tại Hà Nội, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tung ra những lời ca ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên : "Ông (Kim) là một nhà lãnh đạo lớn", "Tôi nghĩ là đất nước ông sẽ có một tương lai tuyệt vời. Tôi nóng lòng muốn nhìn thấy điều đó thành hiện thực. Và chúng tôi sẽ giúp ngài thực hiện việc này". Hoặc lấy Việt Nam ra làm ví dụ điển hình cho Bình Nhưỡng : "Việt Nam có sức phát triển mà ít nước trên thế giới có được. Bắc Triều Tiên có thể làm được như vậy, và rất nhanh, nếu họ phi hạt nhân hóa"...
Nhưng theo Les Echos, "Kim Jong-un đã cưỡng lại đòn quyến rũ của Donald Trump". Đặc phái viên của nhật báo kinh tế Pháp, có mặt ở Hà Nội, nhận định việc tổng thống Mỹ không ngại dùng những từ ngữ quyến rũ nhất để thuyết phục lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đưa ra một vài nhân nhượng tượng trưng, là do ông Trump đang cần đến một "chiến thắng" trên trường quốc tế trong bối cảnh cựu luật sư riêng của ông Trump, Michael Cohen, phản công thân chủ. Cựu luật sư tố cáo tổng thống Mỹ là "người phân biệt chủng tộc, một kẻ lừa đảo, một tên gian lận".
Thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không bị "đổ" vì "tiếng sét" của những đòn quyến rũ đó, mà chỉ hứa "cố làm tốt nhất" tại thượng đỉnh Hà Nội. Giờ đây khi đặt mình ngang hàng với lãnh đạo cường quốc số một thế giới, ông Kim Jong-un đã yên tâm về "chiến thắng của mình" và có thể thong thả trước "người Mỹ không hề trầm lặng" này.
Không đạt được thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng là nhận định của nhật báo Le Figaro, dù "Kim và Trump thể hiện lạc quan" tại Hà Nội. Đằng sau bữa tối thân mật nhưng đơn giản với ba món ăn, là một hố sâu chia rẽ về quan niệm "phi hạt nhân hóa" mà lãnh đạo hai nước đưa ra ở Singapore vào tháng 06/2018.
Bình Nhưỡng từ chối cho thanh tra quốc tế trở lại Bắc Triều Tiên, hoặc đóng cửa khu công nghiệp hạt nhân Yongbyon, nếu không được nới lỏng về cấm vận. Đây là điều mà Washington không chấp nhận, nếu không kiểm chứng được quá trình giải trừ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ phát biểu : "Để xem đã" khi đến khách sạn Métropole họp với phái đoàn Bắc Triều Tiên trong ngày họp thứ nhất. Ông bước ra khỏi đó trong ngày làm việc thứ hai, mà không có tuyên bố chung hay bất kỳ thỏa thuận chung nào được ký kết.
Kim Jong-un : Người chuộng đường sắt
Trở lại với chuyến đi sang Việt Nam bằng xe lửa để dự thượng đỉnh lần thứ hai với tổng thống Mỹ Donald Trump, nhật báo Le Monde cho rằng "Kim Jong-un : Người bạn của ngành đường sắt".
Chọn tầu hỏa để vượt khoảng 4.500 km từ Bình Nhưỡng đến Đồng Đăng là quyết định mang tính biểu tượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thứ nhất, dàn cảnh việc chào tạm biệt các quan chức chính phủ để lên tầu sang Việt Nam là nhằm "thu được tối đa sự chú ý của truyền thông" tại Bắc Triều Tiên, cũng như trên thế giới, theo nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, được Le Monde trích lại.
Thứ hai, không "mượn" máy bay của Trung Quốc còn cho phép Bắc Triều Tiên thể hiện niềm tự hào "tự lực tự cường". Cuối cùng, đoàn tầu bọc thép không dừng lại ở Bắc Kinh còn nhằm mục đích tránh tạo suy đoán Bắc Triều Tiên "lệ thuộc vào Trung Quốc".
Đường sắt là truyền thống của dòng họ Kim gợi lại thời kỳ cách mạng vàng son của đế chế. Còn với Kim Jong-un, cũng như người cha sợ máy bay, thì xe lửa vẫn là "nơi làm việc" và là công cụ không thể thiếu của nghệ thuật ngoại giao trên đường sắt có một không hai này.
Donald Trump trở về đối mặt với sóng gió trong nước
Cùng ngày 27/02 mở ra thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, ông Michael Cohen, cựu luật sư của tổng thống Mỹ, ra giải trình trước một ủy ban của Hạ Viện, do đảng Dân chủ chiếm đa số.
"Một người phân biệt chủng tộc, một kẻ lừa đảo, một tên gian lận" là hàng tựa trên trang nhất của Libération với hình ảnh tổng thống Mỹ đăm chiêu ngồi trong xe "quái thú". Bằng những từ ngữ đó, cựu luật sư của Donald Trump đã dựng lên bức chân dung hết sức tồi tệ về tổng thống Mỹ, trong phiên điều trần ở Hạ Viện.
Trong bài viết : "Michael Cohen lên án một tổng thống ‘gian lận’", nhật báo Le Figaro cho rằng cựu luật sư của ông Trump đã cướp mất vai trò trung tâm của tổng thống Mỹ, đang đàm phán về phi hạt nhân hóa, ở đầu bên kia địa cầu.
Không khí căng thẳng đến mức, sau bữa tối ở Hà Nội với Kim Jong-un, tổng thống Mỹ trở về khách sạn và cả đêm không ngủ để theo dõi trên truyền hình phiên điều trần của viên cựu luật sư.
Vị cựu luật sư riêng của tỉ phú địa ốc New York, hiện là tổng thống thứ 45 của Mỹ, tự nhận "hổ thẹn" về "sự yếu đuối và lòng trung thành không được đặt đúng chỗ". Một loạt hồ sơ được ông Cohen đưa ra để làm chứng cho phát biểu của mình. Sau khi không lùi lại được ngày điều trần, phe Cộng hòa chuyển sang cáo buộc ông Cohen nói dối.
Ấn Độ - Pakistan : Căng thẳng leo thang ở vùng Kashmir
Thời sự Châu Á nổi bật là căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, gia tăng từ ngày 14/02 khi tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed tấn công một đoàn xe bán quân sự của Ấn Độ tại Kashmir, phía do Ấn Độ kiểm soát, khiến khoảng 40 người chết. New Delhi tấn công trả đũa, đến hôm qua 27/02, Pakistan thông báo bắn hạ hai chiến đấu cơ của Ấn Độ.
Tất cả các nhật báo Pháp đều đưa tin về sự kiện này : "Leo thang nguy hiểm giữa Ấn Độ và Pakistan" trên Le Figaro, "Kashmir : leo thang giữa New Delhi và Islamabad" trên Libération ; "Ấn Độ-Pakistan : Sự leo thang nguy hiểm" là nhận định trên trang nhất của Le Monde ; Les Echos cho rằng "Ấn Độ và Pakistan trong vòng xoáy leo thang quân sự" ; còn theo La Croix : "Ấn Độ và Pakistan phô trương sức mạnh trước khi đối thoại".
Nhật báo Le Monde dẫn lại phát biểu của chính quyền Islamabad lý giải các vụ oanh kích trong không phận ở đường ranh giới Ấn Độ và Pakistan tại Kachmir có "mục đích duy nhất cho thấy quyền lợi, ý chí và khả năng phòng thủ của mình". Vì, theo La Croix, trích nhận định của giới chuyên gia, "Ấn Độ đã vi phạm luật quốc tế với việc, lần đầu tiên từ năm 1971, tiến hành các vụ oanh kích trên lãnh thổ Pakistan, nhắm vào nhóm thánh chiến bị coi là thủ phạm vụ tấn công ngày 14/02".
Cả Le Figaro và Les Echos đặt câu hỏi : Leo thang căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ đi đến đâu ? Theo nguồn tin của Le Figaro, bằng các vụ đáp trả trên, Islamabad "muốn cho (Ấn Độ) thấy đừng đánh giá thấp chúng tôi. Giờ là đến lúc bắt đầu đàm phán hòa bình".
Dù ngoại trưởng Ấn Độ phát biểu không muốn leo thang quân sự, nhưng theo ông Ajai Sahni, giám đốc Viện vì Giải pháp cho các cuộc xung đột (ở New Delhi), được Les Echos trích dẫn : "Ấn Độ không thể chấp nhận đề xuất (đàm phán của Pakistan sau khi nước này bắt được một phi công Ấn Độ), việc này sẽ khiến New Delhi mất mặt". Ông cho rằng quan hệ ngoại giao hai nước sẽ thêm căng thẳng, nhưng ông loại trừ mọi khả năng chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân.
Xuất khẩu vũ khí chung : Pháp và Đức không có chung quy định
Cam kết xuất khẩu vũ khí Châu Âu của Berlin và Paris một lần nữa lại được Le Figaro và Les Echos đề cập nhân chuyến thăm Pháp ngày 27/02 của thủ tướng Đức Angela Merkel. Pháp và Đức muốn cùng nhau sản xuất vũ khí, nhưng lại không có chung quy định trong việc bán.
Le Figaro nhấn mạnh đến "Xung đột giữa Paris và Berlin về xuất khẩu vũ khí", vì Đức áp đặt những điều kiện xuất khẩu chặt chẽ đến mức mà Pháp phải thắc mắc về khả năng tồn tại về mặt kinh tế của những dự án chung, như máy bay SCAF hay xe tăng MGCS. Khi một linh kiện do Đức sản xuất được sử dụng trong việc chế tạo một loại vũ khí, Berlin có quyền ngăn cản xuất khẩu, nếu thấy cần thiết vì lý do chính trị.
Điều khoản này đã được Đức áp đặt sau vụ Khashoggi. Chủ đề nói trên được nhật báo Libération phân tích trong bài : "Bán vũ khí : Berlin chặn Riyadh và tước vũ khí của các đối tác". Theo Libération, kể từ sau vụ nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị ám sát trong lãnh sự nước này ở Istanbul và đối mặt với cuộc khủng hoảng đang sa lầy ở Yemen, Đức từ chối xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia, dù những vũ khí đó được kết hợp sản xuất với Anh hoặc với Pháp.
Để giải quyết những bất đồng liên quan đến xuất khẩu vũ khí, "Merkel và Macron quyết tâm tăng cường hợp tác", theo Les Echos. Cụ thể là phối hợp quan điểm của hai bên về chính sách công nghiệp, quốc phòng và cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Merkel tỏ rõ thiện chí thương lượng về chủ đề này khi tuyên bố : "Người ta không thể một mặt ủng hộ một lực lượng quân đội của Châu Âu và mặt khác từ chối thảo luận về những chương trình chung".
Mùa xuân đến sớm ở miền tây bắc Châu Âu
Miền tây bắc Châu Âu vừa trải qua một đợt nắng ấm chưa từng có. Tại tỉnh Landes, Pháp, nhiệt độ lên tới 27°C vào ngày 27/02. Dù nhiệt độ bắt đầu giảm từ hôm nay 28/02, nhưng mùa đông 2019 được cho là ấm hơn thường lệ.
Theo Le Figaro, "mùa xuân đến sớm", vì vào ngày 27/02/2019, Pháp đã đánh bại kỉ lục một buổi chiều tháng Hai nóng nhất, với nhiệt độ trung bình là 20,5°C. Ở nhiều địa phương miền nam nước Pháp, nhiệt kế lên đến 27°C. Đợt nắng ấm này cũng gây ra nhiều vụ hỏa hoạn chưa từng có ở Anh Quốc. Các chuyên gia khí tượng thủy văn hiện vẫn tỏ ra thận trọng về tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đối với đợt nắng nóng vừa qua.
Thu Hằng
Khai mạc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội (RFI, 27/02/2019)
Sau khi hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, tối nay, 27/02/2019, tổng thống Donald Trump đã gặp riêng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Metropole, Hà Nội, trước khi lãnh đạo hai nước ăn tối với nhau cùng với các cố vấn thân cận. Trao đổi ngắn với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước báo chí, tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng là thượng đỉnh sẽ thành công hơn thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 06/2019 tại Singapore. Về phần ông Kim Jong-un cũng tuyên bố "chắc chắn" lần này hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trước khi họp thượng đỉnh tại Hà Nội ngày 27/02/2019. Reuters/Leah Millis
Từ Hà Nội, đặc phái viên Thanh Hà tường trình :
"Vào lúc 18 giờ 28 phút tại khách sạn Metropole, Hà Nội, tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gặp lại nhau, khai mạc thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhì. Trái với một số dự báo, nguyên thủ hai nước trong những giây phút đầu đã không vồn vã hay ân cần. Ông Kim Jong-un thậm chí tỏ ra hơi căng thẳng. Mãi tới gần một phút sau khi xuất hiện trước ống kính của các phóng viên quốc tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mới nở nụ cười. Donald Trump có vẻ cởi mở hơn.
Sau khi bắt tay nhau, tổng thống Mỹ và chủ tịch Bắc Triều Tiên, qua trung gian hai thông dịch viên, trao đổi một cách xã giao. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết ông "hân hạnh" gặp lại Kim Jong-un lần này và nhất là cuộc gặp gỡ thứ nhì lại diễn ra ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam tổ chức trọng thể sự kiện này. Khi đề cập tới Việt Nam, Ông Trump đã tranh thủ để trực tiếp nói với lãnh đạo Bắc Triều Tiên rằng ông in tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế "rất to lớn" của Bắc Triều Tiên.
Về phía Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un tuyên bố kỳ vọng thượng đỉnh lần này sẽ đem lại những "kết quả tích cực". Trong lúc trao đổi, hai ông Kim và Trump có vẻ bớt căng thẳng hơn và đôi bên dành cho nhau những lời khen tặng. Tổng thống Mỹ đánh giá chủ tịch Bắc Triều Tiên là một nhà lãnh đạo "lớn". Ông Kim Jong-un thì đề cao chính sách của Donald Trump trên hồ sơ Bắc Triều Tiên là một "quyết định can đảm".
Vài giờ trước khi gặp lại "bạn" Kim Jong-un của ông, trên mạng Twitter, tổng thống Trump đã một lần nữa hứa hẹn một sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, quốc gia cộng sản đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành nước bạn của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ viết : "Ít có quốc gia nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam. Bắc Triều Tiên sẽ làm được như thế nếu nước này quyết định phi hạt nhân hóa".
Thanh Hà, Thanh Phương
**********************
Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim ? (RFI, 27/02/2019)
Là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc dĩ nhiên là nước phải theo dõi nhất cử nhất động của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên nhân hội nghị thượng đỉnh mở ra hôm nay, 27/02/2019 tại Hà Nội. Trong bài phân tích ngày 23/02 vừa qua mang tựa đề "Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim", trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera đã cho rằng : "Dù đã góp phần cải thiện quan hệ Seoul–Bình Nhưỡng, cuộc gặp Trump-Kim ở Việt Nam có thể khiến Hàn Quốc lo lắng".
Biểu tình ủng hộ cuộc họp thượng đỉnh Trump- Kim, chấm dứt chiến tranh gần đại sứ quán Mỹ tại Seoul, ngày 26/02/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Bài viết trên trang Al Jazeera mở đầu với mối quan tâm của So Seung Lee, một người Seoul 78 tuổi, trước cuộc gặp "đầy ý nghĩa" giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore năm ngoái. Ông Lee đã chăm chú theo dõi những đoạn trích trên truyền hình, trong đó có cái bắt tay ngoạn mục giữa hai lãnh đạo.
Nhưng từ đó đến nay, ông đã cảm thấy thất vọng : "Từ Singapore đến nay không thấy chuyển biến gì trên vấn đề phi hạt nhân hóa hay hiệp định hòa bình. Tôi cho rằng đó chỉ là một cuộc gặp mang tính biểu tượng mà thôi và vô dụng. Lần này hy vọng là họ sẽ đạt được một cái gì đó mang lại thay đổi thật sự".
Hy vọng một kết quả cụ thể
Đối với tác giả bài viết, không chỉ có ông Lee là mong muốn mọi việc tiến triển với cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai. Sau khi phá được băng giá trong quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 2018, Seoul cũng hy vọng là đàm phán Mỹ-Triều lần này đạt được một cái gì đấy quan trọng.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, Kim Eui Kyeom cho rằng : "Hai lãnh đạo Mỹ-Triều đã có những bước đi đầu tiên để kết thúc lịch sử 70 năm thù nghịch. Lần này chúng tôi hy vọng họ có những hành động cụ thể hơn ở Việt Nam… Chúng tôi chờ đợi là Việt Nam sẽ là bối cảnh để Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ viết nên trang sử mới".
Cách đây 3 năm quan hệ hai miền Triều Tiên xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Bắc Triều Tiên đã năm lần thử nghiệm hạt nhân, đe dọa bắn hỏa tiễn sang đảo Guam của Mỹ và cho nổ một quả bom mà họ gọi là khinh khí.
Thế nhưng vào năm ngoái diễn ra những bước tiến ngoạn mục : vào tháng Tư năm 2018, Kim Jong-un đã băng qua biên giới để gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm. Trước đó vận động viên Bắc Triều Tiên đã tham gia Thế Vận Hội mùa đông, tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Trong phái đoàn Bắc Triều Tiên, có nhiều quan chức cao cấp, đặc biệt là có cô em của lãnh đạo Kim Jong-un.
Hàn Quốc cũng hy vọng thời kỳ hòa bình được kéo dài, và nhất là hy vọng chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo, bởi vì cuộc chiến Triều Tiên chỉ kết thúc với một lệnh ngưng bắn.
Trong cuộc gặp với viên chức cao cấp Hàn Quốc vào thượng tuần tháng 2 này, tổng thống Moon Jae-in đánh giá : "Đối với chúng ta thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của bán đảo đang đến gần hơn. Tôi hy vọng là thượng đỉnh sắp tới sẽ là một thượng đỉnh lịch sử, sẽ biến bán đảo Triều Tiên từ một vùng còn vết tích chiến tranh lạnh, còn mang dấu ấn của thù hằn, tranh chấp, thành một vùng hòa bình trù phú".
Với quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng được cải thiện, viễn cảnh về một Hàn Quốc thống nhất một lần nữa đã khiến Kyung Hee Lee, một thanh niên 27 tuổi phấn khởi trước cuộc đàm phán mới giữa hai ông Trump và Kim.
Thanh niên này khẳng định : "Tôi rất thích việc họ gặp lại nhau. Họ đang làm những điều chưa từng được thực hiện trước đây… Mặc dù còn quá sớm để nghĩ đến việc thống nhất đất nước, nhưng tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh có thể là bước đầu tiên để biến điều đó thành hiện thực. Nếu là như vậy, thì các con tôi có thể sống trên một đất nước Triều Tiên thống nhất".
Lá bài kinh tế
Ông Moon được dân chúng ủng hộ đáng kể sau cuộc gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Với cuộc bầu lại Quốc Hội vào năm tới, tỏng thống Hàn Quốc rất mong muốn một kết quả tốt ở cuộc gặp ở Hà Nội, có thể dẫn đến những cuộc đàm phán tiếp theo trong tương lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Tại Singapore vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo là ưu tiên hàng đầu. Nhưng vào tuần qua, ông Trump cho biết rằng ông không vội thực hiện mục tiêu này. Thay vào đó, ông tìm cách ngăn Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ông Moon thì đã nói với ông Trump là Seoul muốn hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên, xem đó là một động thái "nhượng bộ" nếu nó có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Ông Moon cho là ông sẵn sàng thực hiện bất kỳ đề án mới nào về đường sắt hay đường lộ nối liền hai miền, cũng như những đề án hợp tác kinh tế liên Triều khác.
Nhiều người ở Hàn Quốc cũng hy vọng phục hồi lại quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là mở lại khu công nghiệp Kaesong mà hoạt động bị ngưng từ 3 năm nay.
Kim Hak Gwon, một chủ nhà máy ở Kaesong giải thích : " Mở lại khu công nghiệp, tạo môi trường cho các công ty tại chỗ sản xuất sản phẩm thô hay sản phẩm phụ có thể có lợi… và đồng thời giúp tạo công việc làm ở Hàn Quốc. Đã có 54.000 người Bắc Triều Tiên lao động ở Kaesong, nhưng có đến 300.000 nhân công ở phía Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất".
Mở lại Kaesong sẽ giúp Hàn Quốc nhiều hơn là bất kỳ hợp tác kinh tế nào khác với Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của ông Park Jee Hyeong, giáo sư kinh tế Đại Học Quốc Gia Seoul.
Theo giáo sư Park : "Nếu không có ‘đầu tư trực tiếp’vào Bắc Triều Tiên, tác động kinh tế trên nền kinh tế Hàn Quốc từ việc khởi động lại thương mại dự kiến sẽ rất ít và giới hạn, nhưng sẽ giúp Bắc Triều Tiên rất nhiều về kinh tế và sẽ có tác động tích cực lớn. Nếu đề án hợp tác như Khu Phức Hợp Công Nghiệp Gaesung được tiến hành, điều đó có thể mang lại lợi ích cho miền Nam nhiều hơn".
Kỳ vọng vào Thượng đỉnh nhưng cũng lo ngại cho Liên minh Mỹ- Hàn
Theo Al Jazeera, dân Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thượng đỉnh Hà Nội. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng Hai này, hơn 62% người được hỏi tỏ ý lạc quan về một kết quả tích cực.
Giáo sư chính trị Yul Shin tại Đại Học Myongji ở Seoul nhận xét : "Quan hệ liên Triều là điều duy nhất có lợi cho chính phủ Moon Jae-in… Tuy nhiên, sự phấn khởi sẽ nhanh chóng tan biến nếu người ta chỉ thấy hết thượng đỉnh này đến thượng đỉnh khác mà không thấy bất kỳ thay đổi thực sự nào về phi hạt nhân hóa".
Bên cạnh đó, cũng có những chỉ trích về việc chính phủ bỏ bê các vấn đề trong nước, trong khi lại tập trung quá nhiều vào Bắc Triều Tiên.
Với 1,22 triệu người Hàn Quốc thất nghiệp vào tháng Giêng - con số cao nhất trong 19 năm qua - Min Jung Ahn, một thanh niên 23 tuổi cho rằng cho rằng đó là điều mà chính quyền nên tập trung thời gian và nỗ lực để giải quyết thay vì chỉ chú ý đến Kim Jong-un.
Thanh niên này cho biết "không mong đợi gì nhiều" từ Thượng đỉnh Hà Nội và xác định : "Tôi không nói là vấn đề Bắc Triều Tiên không quan trọng nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn nhiều".
Giới phân tích cũng lo ngại rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, liên minh quân sự Washington-Seoul có thể bị đe dọa, trong đó có vấn đề số lượng gần 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Vào đầu tháng Hai này, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận mới với Hoa Kỳ về việc Seoul phải chi phí bao nhiêu cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc trong bối cảnh tổng thống Mỹ Doanald Trump đòi Hàn Quốc phải trả thêm.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng việc triển khai lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc quá tốn kém. Sau cuộc hội đàm Trump-Kim ở Singapore, một số cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã bất ngờ bị đình chỉ, điều được coi là hành động nhượng bộ của ông Trump đối với ông Kim.
Kim Taewoo, nguyên lãnh đạo Viện Thống Nhất Quốc Gia Hàn Quốc, một định chế do chính phủ tài trợ, nhận định bi quan : "Liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ hiện đang bị bệnh nặng".
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết là không có kế hoạch giảm quân nào, nhưng một số người đã cho biết là họ sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump đặt vấn đề giảm quân tại Hàn Quốc lên bàn đàm phán với ông Kim.
Ngoài ra, thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong dân chúng Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, về quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mai Vân
******************
Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân : Tổng thống Mỹ "hài lòng", chuyên gia lo ngại (RFI, 27/02/2019)
Trước khi lên đường đến Hà Nội, dự thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, hôm thứ Hai 25/02/2019, tổng thống Mỹ tuyên bố ông không vội vã trong các thương thuyết giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên, và Hoa Kỳ "hài lòng" chừng nào mà Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ thử hạt nhân mới. Phát biểu của tổng thống Trump khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạt động trong lĩnh vực phi hạt nhân hóa lo ngại.
Biểu tình chống lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ủng hộ Mỹ, gần đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul, ngày 26/02/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Trả lời RFI, ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân), ghi nhận là, kể từ thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 đến nay, chưa có "bất cứ một tiến bộ thực sự nào" trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, và các chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh lần thứ hai này dường như không có nhiều tiến triển. Thành viên Ican nhấn mạnh :
"Với kiểu ứng xử này của ông Donald Trump, người ta có thể đặt câu hỏi là chính quyền Mỹ có thực sự dấn thân cho việc giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không. Việc ngừng các vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo chỉ có thể coi là bước đi đầu tiên hướng đến việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình, cho phép Bắc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân. Một nền hòa bình với vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được".
Về phần mình, nhà địa chính trị học Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) không chờ đợi việc Washington và Bình Nhưỡng đạt được các cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, nhà địa chính trị học Viện IRIS đánh giá là việc Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, cùng với một số cam kết khác từ phía Bình Nhưỡng, có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Bắc Triều Tiên :
"Việc Bắc Triều Tiên đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân là một trong những điều rất được chính quyền Washington hoan nghênh. Điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ giảm nhẹ một số trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đưa Bắc Triều Tiên trở lại nhóm các quốc gia có thể giao hảo. Trong thượng đỉnh lần này, một trong số những điều mà Bình Nhưỡng có thể đưa ra để thương lượng, và cũng chính là một trong những đòi hỏi chủ yếu của Washington, đó là cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tương đối ít mơ hồ hơn và cởi mở hơn, đối với toàn bộ hoặc ít nhất là một phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời hứa hẹn để ngỏ cửa cho việc trở lại của thanh tra quốc tế đối với các cơ sở này. Bắc Triều Tiên cũng có thể cam kết sẽ đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với các cam kết này từ phía Bình Nhưỡng, Washington có thể chấp nhận như một thứ đánh đổi cho một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên".
Theo nhiều nhà quan sát, nếu đàm phán về phi hạt nhân hóa thất bại, tổng thống Mỹ có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chính trị, mở ra khả năng có được một thỏa thuận hòa bình với Bắc Triều Tiên, hơn là có một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức, bởi nếu tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra mà không có cam kết phi hạt nhân hóa cụ thể, thì Washington sẽ mất đi một phương tiện gây áp lực.
Trọng Thành
********************
Trump lại hứa hẹn một tương lai "tươi sáng" cho Bắc Triều Tiên (RFI, 27/02/2019)
Theo hãng tin AFP, sau khi hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, tối nay, 27/02/2019, tổng thống Donald Trump gặp riêng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trước khi lãnh đạo hai nước ăn tối với nhau tại khách sạn Metropole cùng với các cố vấn thân cận. Theo các quan chức Nhà Trắng, dự bữa ăn tối này có thể có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và ông Kim Yong Chol, cựu lãnh cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên. Ngày mai, tổng thống Mỹ và chủ tịch Bắc Triều Tiên sẽ gặp lại nhau, có thể là cũng tại khách sạn Metropole.
Ảnh chụp trên đường phố Hà Nội, trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, ngày 27/02/2019. Reuters/Jorge Silva
Vài giờ trước khi gặp lại "bạn" Kim Jong-un của ông, trên mạng Twitter, tổng thống Trump đã một lần nữa hứa hẹn một sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, quốc gia cộng sản đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành nước bạn của Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ viết : "Ít có quốc gia nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam. Bắc Triều Tiên sẽ làm được như thế nếu nước này quyết định phi hạt nhân hóa".
Về phần Kim Jong-un, hôm qua sau khi đến khách sạn Melia ở Hà Nội, ông đã thăm sứ quán Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong-un sau đó đã trở về khách sạn họp với các quan chức Bắc Triều Tiên đã tham gia những cuộc đàm phán chuẩn bị cho thượng đỉnh với tổng thống Trump.
Thanh Phương
Báo Pháp : Việt Nam được lợi nhờ Thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội
Dù không được chọn làm tựa lớn trang nhất, nhưng Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội mở ra hôm nay, 27/02/2019 là đề tài được toàn bộ các báo Pháp chú ý dưới những khía cạnh khác nhau.
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 27/02/2019. Luong Thai Linh/Pool via Reuters
Việt Nam trong vai trò nước đón tiếp cuộc họp giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên cũng rất được quan tâm, đặc biệt với bài viết trên báo Le Figaro : "Trong vai trò nhà môi giới tận tình, Việt Nam hy vọng thu hoạch được nhiều lợi ích từ hội nghị thượng đỉnh".
Theo đặc phái viên Sébastien Falletti của Le Figaro, việc Hà Nội trở thành nơi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một "sự trả thù đẹp đẽ" của một thành phố từng là biểu tượng của một cuộc chiến trường kỳ, quyết liệt chống lại đạo quân Mỹ hùng hậu dưới thảm bom của những chiếc pháo đài bay B52.
Năm 2019 này, Hà Nội đã nhiệt tình đóng vai một người mai mối tận tình giữa tổng thống Mỹ và nhà độc tài ngỗ nghịch của Bắc Triều Tiên, chào đón hơn 2.500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới cho lần gặp tay đôi thứ hai giữa hai người, sau lần đầu vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore.
Theo Le Figaro : "Con rồng mới của Đông Nam Á - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ 7% trong năm 2018, mạnh nhất trong hơn một chục năm nay - đang muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh rất được truyền thông chú ý này để thu hoạch những lợi ích về mặt ngoại giao".
Cơ may phô trương trước quốc tế sự ổn định của Việt Nam
Theo Benoit de Tréglodé, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Inserm thuộc Trường Quân Sự Pháp, Thượng đỉnh Trump-Kim quả là một dịp may ngàn năm có một cho Việt Nam, giúp Việt Nam phô trương trước quốc tế hình ảnh của một đất nước ổn định, xứng đáng trở thành một lần nữa một ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2020-2021.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Pháp, Việt Nam có thể đồng thời bắn đi một tín hiệu đến Bắc Kinh, qua việc khẳng định tính trung lập của mình, giảm bớt tác động từ đà gia tăng quyền lực của Trung Quốc.
Trên vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặc phái viên Le Figaro cho rằng "Sự trở lại Việt Nam của tổng thống Donald Trump cho phép Việt Nam khẳng định đà xích lại gần hơn với kẻ thù cũ là Mỹ nhằm kháng lại sự lấn lướt của Trung Quốc". Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội cho phép Việt Nam khẳng định điều đó mà không trực tiếp đụng chạm Bắc Kinh.
Hà Nội vẫn thích Seoul hơn Bình Nhưỡng
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nhân dịp Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội tìm hiểu thêm "Vì sao những người cộng Sản Việt Nam lại thích Seoul hơn Bình Nhưỡng", tựa của một bài báo đi kèm theo bài viết chính về cuộc họp Mỹ-Triều.
Nhận xét của đặc phái viên báo Les Echos tại Hà Nội rất rõ ràng : "Cho dù giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng có một sự gần gũi nào đó về mặt ý thức hệ, cũng như một tình đoàn kết tương trợ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước đây, nhưng Việt Nam lại bị các khoản đầu tư khổng lồ của Samsung và các đại tập đoàn Hàn Quốc khác chinh phục".
Đối với Les Echos, quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã có phần bớt chặt chẽ từ những năm 1970, với việc Việt Nam xích lại gần Liên Xô hơn, và rời xa Trung Quốc vốn quan hệ mật thiết với Bắc Triều Tiên. Vào năm 1979 chẳng hạn, quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng đã lạnh giá hẳn đi sau khi Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Cam Bốt được Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ủng hộ.
Từ lúc đó đến nay, quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng đã cải thiện trở lại, nhưng độ nồng ấm không còn được như xưa, nhất là khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, sáu năm sau khi Hà Nội mở cửa kinh tế. Với thời gian, Seoul đã dần dần nổi lên như một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng của Việt Nam.
Thượng đỉnh Hà Nội không thể chung chung như Singapore
Như nói ở trên, Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mở ra hôm nay 27/02/2019 là đề tài được tất cả các báo chú ý, và cũng xuất hiện trên trang nhất của Le Monde, Libération và Les Echos, dù không nhất thiết là tựa chính.
Trong một hàng tựa nhỏ trang nhất : "Tại Hà Nội, Trump và Kim bắt đầu lao vào phần gai góc", Libération cho biết đã dành 4 trang báo cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam.
Trong bài viết chính mang tựa đề "Thượng đỉnh Trump-Kim : Vũ khí thương thảo hàng loạt", chơi chữ trên thành ngữ Vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhật báo Pháp ghi nhận là tám tháng sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore, hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau trong hai ngày kể từ hôm nay tại Hà Nội. Đối với tờ báo, trong lần gặp thứ hai này, hai ông Trump và Kim sẽ phải lao vào giải quyết vấn đề tiến trình phi hạt nhân hóa một cách cụ thể, chứ không còn chung chung như lần đầu. Đây sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh giới chuyên gia đang đặt nghi vấn về thực tâm giải trừ hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.
Bên cạnh bài viết chính đó, Libération còn kèm theo hai bài phân tích khác liên quan đến Mỹ và Bắc Triều Tiên. Bài thứ nhất đề cập đến quan hệ lạ thường gọi là "anh em thắm thiết" - bromance - giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều.
Bài thứ hai cũng phân tích điều có thể gọi là nghịch lý trong chính sách hạt nhân của chính quyền Donald Trump : Tương nhượng đối với Bình Nhưỡng những khe khắt đối với Teheran. .
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành cho Hội Nghị Hà Nội một tựa nhỏ trên trang nhất mang tính chất thông tin khô khan : Trump và Kim Jong-un gặp lại nhau ở Hà Nội. Tuy nhiên, ở bài viết trang trong, tờ báo Pháp cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ cố đưa ra được những cam kết cụ thể hơn so với những nguyên tắc chung chung đạt được ở Singapore. Hệ quả của cố gắng có được một cái gì đó cụ thể sẽ là một thỏa thuận tối thiểu.
Nhật báo Pháp Le Monde khẳng định là "Tại Hà Nội, Donald Trump đặt cược trong việc tin tưởng vào Kim Jong-un", cho rằng tổng thống Mỹ hy vọng là cuộc gặp song phương ở Việt Nam sẽ thúc đẩy lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra những thông báo cụ thể.
Dù không đưa lên trang nhất, Le Figaro đã dành cho sự kiện Thượng đỉnh Trump Kim một vị trí quan trọng ở trang Quốc tế. Tờ báo khá châm biếm khi chạy tựa : Kim và Trump gặp nhau trở lại nhân hồi II của "cuộc chuyện trò về hạt nhân". Đối với Le Figaro, ở Việt Nam, hai lãnh đạo Mỹ-Triều chỉ "hy vọng cụ thể hóa được thỏa thuận giữa hai bên tại Singapore về việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Nhật báo La Croix có lẽ là tờ báo có nhận định tương đối lạc quan nhất về hội nghị mở ra tại Hà Nội. Dưới tựa đề ; "Các niềm hy vọng mới của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim", tờ báo Pháp cho rằng hai ngày họp ở Hà Nội kể từ hôm nay có thể giúp cụ thể hóa "cuộc tái ngộ", bằng cách có những quyết định rõ ràng trên một số vấn đề.
Tựa chính trang nhất các báo Pháp
Tựa chính trang nhất các báo Pháp ra hôm nay, 27/02/2019 rất đa dạng từ tình hình nền công nghiệp Pháp đang gặp khó khăn, cho đến các hồ sơ quốc tế như Venezuela và Syria.
Libération chú ý đến tình hình xã hội Pháp, nêu bật trong tựa lớn trang nhất : "Nhà nước bất lực" trước sự kiện hàng loạt tập doàn lớn như Ascoval, Ford, Alcatel… đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân. Theo tờ báo, tình trạng này chứng tỏ là chính quyền hiện tại không có khả năng lèo lái giúp nền công nghiệp Pháp phát triển trong tương lai.
Không hẹn mà gặp, Les Echos cũng chú ý đến các khó khăn đang đe dọa tương lai nền công nghiệp Pháp với hàng tựa lớn "Ascoval, diesel, tương lai công nghiệp : Các câu trả lời của Bruno Lemaire". Tờ báo công bố bài phỏng vấn của bộ trưởng kinh tế Pháp, trong đó ông Lemaire cho biết trong vòng một tháng sẽ tìm ra một người mua lại Ascoval, tập đoàn luyện thép ở miền Bắc Pháp đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Pháp cũng đồng thời bảo vệ quan điểm của ông trên các hồ sơ nóng khác như ngành sản xuất accu điện cho xe hơi, hay vấn đề giảm thuế…
La Croix nêu bật tình hình Venezuela : "Tại Cucuta, nỗi hoang mang tuyệt vọng của dân Venezuela. Tờ báo giải thích : Quân đội của tổng thống Maduro ngăn không cho tổng thống lâm thời Juan Guaido trở về nước, trong lúc nhiều người dân Venezuela đã vượt biên qua Colombia trong những ngày cuối tuần.
Le Figaro nhìn sang Syria, ghi nhận "Những giờ phút cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Đặc phái viên tờ báo Pháp đã sang tận Baghouz, một địa phương của Syria ở vùng tận cùng biên giới với Iraq, nơi Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ yểm trợ sắp sửa chiếm được cứ địa cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của Daesh.
Riêng Le Monde dành tựa lớn nói về sự kiện "Một sĩ quan Pháp cao cấp phê phán chiến thuật của liên minh quốc tế tại Syria".
Sĩ quan này là đại tá François-Regis Legrier, một trong những người chịu trách nhiệm điều hành các chiến dịch quân sự của Pháp tại Syria và Iraq. Theo ông thì vì không muốn đưa quân lính phương Tây tham chiến trên bộ, liên minh đa quốc gia đã dùng đến phương thức oanh kích gây tàn phá và thiệt hại nhân mạng quá lớn.
Bài viết của ông đăng trên tạp chí quốc phòng "Défense nationale" đã bị thu hồi trong bối cảnh cấp trên của ông là tướng Cholley bảo vệ chiến thuật của liên quân.
Tranh cãi giữa giới sĩ quan quân đội Pháp bùng lên vào lúc Paris đang xem xét lại chính sách ngoại giao khu vực của mình, và chủ trương dựa vào chính quyền Baghdad để chống lực lượng thánh chiến.
Trọng Nghĩa
Mạng 5G : Hồi chuông thức tỉnh Châu Âu
Mạng di động 5G đang được lên kế hoạch triển khai, nhưng vẫn còn nhiều điều người ta chưa chắc chắn. Hiện giờ, khó có thể dự báo các dịch vụ nào sẽ phát triển trên mạng di động 5G, cũng không thể dự báo những doanh nghiệp nào sẽ có bước nhảy vọt từ công nghệ tương lai này.
Mạng di động 5G, công nghệ của thế kỷ XXI.Robyn Beck / AFP
Cũng rất khó để khẳng định là người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để các nhà mạng thu được nhiều lợi nhuận từ các khoản đầu tư khổng lồ. Trong bài xã luận "Sự thức tỉnh về điện thoại di động", báo kinh tế Les Echos nhận định cho dù danh sách những điều chúng ta hiện chưa nắm rõ về mạng 5G còn dài, nhưng ít nhất có hai điều đã chắc chắn.
Thứ nhất, Châu Âu không thể tránh cuộc Cách mạng 5G. Khi phần còn lại của thế giới tăng tốc, nếu Châu Âu vẫn giữ nguyên tốc độ như hiện nay thì sẽ thua. Điều thứ hai còn khủng khiếp hơn : trong cuộc đua về 5G hiện đang thu hút mọi sự chú ý, nhất là với Hội nghị di động thế giới MWC ở Barcelona, Châu Âu ngay từ giờ đã chỉ đứng ở hạng hai.
Về phương diện thương mại, điểm cốt lõi của thị trường 5G nằm ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nhờ sự tăng trưởng cả về dân số, kinh tế và sự đầu tư của Nhà Nước vào hạ tầng cơ sở. Xét về công nghiệp, được hưởng lợi nhiều nhất là tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc.
Theo Les Echos, nếu Châu Âu không muốn tụt lại phía sau, không muốn mang danh "Châu lục già cỗi", thì các nước Châu Âu phải thức tỉnh về mạng di động. Châu Âu phải tự chủ trong một số lĩnh vực thì mới có thể làm chủ vận mệnh của mình. Châu Âu không thể chỉ là một thị trường, Châu Âu phải có các nhà quán quân chế tạo và xuất khẩu các công nghệ của Liên hiệp, bởi vì nhóm GAFA của Mỹ gồm các tập đoàn công nghệ khổng lồ Google, Apple, Facebook và Amazon đã thắng trong ván bàn gần đây nhất về cách mạng công nghệ số, còn các tập đoàn Trung Quốc đang tiến gần đến chiến thắng trong cuộc chiến về ắc quy xe hơi chạy điện và mạng di động 5G.
Liệu Liên Âu đã thua trong cuộc chiến kinh tế và công nghệ ? Chắc chắn Châu Âu đã bị muộn, nhưng chưa phải phải là quá trễ để lựa chọn các trận đấu và quyết định trên mặt trận nào sẽ chơi lá bài về sự ưu đãi mang tính quốc gia, mức độ bảo hộ và ủng hộ của chính quyền đối với các sáng kiến của giới tư nhân. Les Echos kết luận Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ưu đãi cho các tập đoàn hàng đầu của họ, Châu Âu đôi khi cũng cần có đủ dũng khí để làm điều đó và thậm chí là đòi quyền làm điều đó.
Giáo hoàng : Bảo vệ trẻ nhỏ trước những con sói háu đói
Trong bài xã luận "Bảo vệ trẻ em", báo công giáo La Croix nhận định, phát biểukết thúc hội nghị giám mục toàn thế giới bài trừ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội, Giáo hoàng Francis hôm qua đã khiến công luận thất vọng vì không đề xuất được những giải pháp cụ thể, cho dù người đứng đầu Tòa thánh đã khẳng định lại là ngài mong muốn "bảo vệ các em nhỏ trước những con sói háu đói".
Không giảm nhẹ trách nhiệm của các thầy tu đã có những hành vi đê hèn, Giáo hoàng nhấn mạnh đang đứng trước "một vấn đề mang tính toàn cầu" và nạn lạm dụng trẻ em đang diễn ra dưới nhiều hình thức : bắt trẻ em đi lính hoặc bán dâm, để trẻ em đói ăn, bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, biến các em thành nô lệ, bắt các bé gái phá thai…
Theo Giáo hoàng, tai tiếng ấu dâm trong Giáo hội cũng là dịp để thức tỉnh công luận về nạn ngược đãi hàng triệu trẻ em khắp nơi trên thế giới. Người đứng đầu Tòa thánh còn nhắc đến cuộc chiến chống phim ảnh khiêu dâm trẻ em đang lan tràn trên các mạng xã hội và ngành du lịch tình dục. Không một xã hội nào có thể tự cho là mình không phải đấu tranh chống các tệ nạn nói trên, những tệ nạn cần triệt phá với một quyết tâm rất lớn. La Croix kết luận, Giáo hội cũng cần quyết tâm để làm trong sạch nội bộ.
Pháp : Bài Do Thái càng chống càng tăng
Tại Pháp, một trong những vấn đề thời sự nổi cộm trong những ngày gần đây là nạn bài Do Thái. Ngày 19/02/2019, theo lời kêu gọi của khoảng 20 chính đảng, nhiều cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái đã được tổ chức. Tuy nhiên, điều trớ trêu là "Từ cuộc tuần hành ngày 19/02, các hành vi bài Do Thái lại gia tăng", với nhiều lời chửi rủa, đe dọa… và điều gây chấn động nhất, theo trợ lý thị trưởng Paris, Emmanuel Grégoire, là "nỗi cay độc trong các câu nói và sự lựa chọn các nơi mang tính biểu tượng" rất cao để thể hiện hành vi bài Do Thái, với mục đích làm tổn thương sâu sắc cộng đồng người Do Thái tại Pháp.
Báo Le Monde trích dẫn chủ tịch Văn phòng Quốc gia Chống nạn bài Do Thái, Sammy Ghozlan, theo đó có một nghịch lý là "Nhà nước càng quan tâm đến người Do Thái và càng lo lắng cho họ, thì càng khiến nhiều người tức giận và một số người đã khiến người Do Thái phải trả giá".
Nhà chính trị học Jean-Yves Camus cho rằng nói tới hành vi bài Do Thái sẽ kích thích những người có ý đồ xấu, nhưng không đề cập đến vấn nạn này thì không thể "đánh động" công luận và nâng cao hiểu biết của người dân. Ông Camus cũng giải thích một lý do khiến làn sóng mới bài Do Thái dâng cao : những người vi phạm có cảm giác là "họ sẽ không bị pháp luật trừng trị".
Ông Frédéric Poitier, một quan chức tham gia chiến dịch liên ngành đấu tranh chống kỳ thị, bài Do Thái và thù hằn người đồng tính, chuyển giới thì lo ngại là đang có sự "cạnh tranh giữa các hành thức bài Do Thái khác nhau", như để khẳng địnhthế nào mới "thực sự là bàiDo Thái".
Pháp : Việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp không giảm
Cũng tại Pháp, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, báo Le Monde đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao việc sử dụng hóa chất không giảm ?", cho dù nhiều năm qua nhà chức trách Pháp luôn hứa giảm hóa chất sử dụng trong ngành nông nghiệp.
Theo các nhà kinh tế Cécile Aubert và Eric Giraud-Héraud, việc sử dụng các hóa chất như thuốc trừ sâu, diệt cỏ và diệt nấm chỉ tốn ít chi phí mà lại hiệu quả, đảm bảo năng suất mùa vụ, sản lượng cho các nhà nông. Chẳng hạn, nghề trồng nho chế biến rượu sử dụng tới 20% thuốc trừ sâu tại Pháp, cho dù diện tích đất trồng nho chỉ chiếm 3% diện tích trồng trọt của cả nước. Chi phí cho việc xử lý bằng hóa chất chỉ chiếm 5% giá thành một chai rượu. Trong điều kiện như vậy, các nhà trồng nho, sản xuất rượu vang vẫn tiếp tục muốn sử dụng nhiều hóa chất để đảm bảo sản lượng nho.
Nhiều nhà nông, sau vài năm chuyển đổi sang nông nghiệp sạch, cuối cùng đành quay trở lại với hóa chất vì các chi phí chuyển đổi quá cao : các loại giống phải có sức chống chọi cao hơn nên có giá cao hơn, phải sử dụng công nghệ trồng trọt mới, giá nhân công cũng cao hơn…
Ngoài ra, nông nghiệp sạch cũng có rủi ro mất mùa rất cao. Trong khi đó, số tiền bảo hiểm, hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp nhà nông mất mùa lại không phân biệt nông nghiệp sạch và nông nghiệp truyền thống. Chẳng hạn, vào năm 2017, nhiều trang trại trồng nho chế biến rượu mất tới 80% sản lượng thu hoạch nho sạch. Đối với một số nhà sản xuất lớn, mất mát đó có thể được bù đắp vào các năm khác, nhưng đối với một số nhà sản xuất nhỏ, điều này có nghĩa họ phải ngưng sản xuất.
Trang nhất các báo Pháp
Báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy chạy tít "Nỗi tức giận của người dân Algeria nhắm vào Bouteflika", vị tổng thống 81 tuổi đã cầm quyền suốt 20 năm. Hôm thứ Sáu 22/02/2019, hàng ngàn người dân đã tuần hành ôn hòa ở thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn trên cả nước, để phản đối ông Bouteflika nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ năm.
Về thời sự nước Pháp, báo Libération chơi chữ cuộc "Đua xe đạp vòng nước Pháp (Tour de France) về thảo luận toàn quốc" : phóng viên báo Libération đã có 10 ngày đi từ Wasquehal đến Carcassonne, từ làng mạc đến thành phố lớn, từ những giao lộ đến phòng họp tại các tòa đô chính… để lắng nghe ý kiến người dân.
Báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến "Thất nghiệp : mối nguy về chi phí bồi thường cho các công chức". Trong khuôn khổ cuộc cải cách để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, chính phủ Pháp có thể sẽ giảm tiền trợ cấp thất nghiệp cho những công chức được hưởng mức lương cao nhất.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu, báo Le Figaro chạy tựa trang nhất "Bầu cử Châu Âu : Emmanuel Macron lên tuyến đầu". Theo kết quả khảo sát đầu tiên do Harris Interactive-Epoka thực hiện cho các đài TF1, RTL, LCI và báo Le Figaro, đảng Cộng hòa Tiến bước LREM của tổng thống Pháp Macron hiện đang dẫn đầu về ý định bỏ phiếu của cử tri (22%), vượt trên đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN-Rassemblement National) của bà Marine Le Pen (19-20%) và Những người Cộng hòa (LR-Les Républicains) đảng cánh hữu (12%).
Trong khi đó, báo công giáo La Croix giật tít lớn "Giáo hội đối đầu với nạn lạm dụng tình dục : Cú giật nảy người". Theo La Croix, lời chia sẻ của các nạn nhân giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các giám mục từ khắp thế giới về tham dự Hội nghị giám mục toàn thế giới trong vòng bốn ngày và đã kết thúc vào ngày hôm qua.
Thùy Dương
The Economist : Tại Hà Nội, Trump sẽ lại bị Kim lừa
Như thông lệ, tuần báo Anh The Economist dành trang bìa cho thời sự quốc tế. Trong số ghi ngày 23/02/2019, tờ báo tập trung trên Trung Quốc trong bối cảnh phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động. Tuy nhiên đáng lưu tâm là bài phân tích về Thượng Đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội.
Một cảnh ở Hà Nội trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Ảnh ngày 22/02/2019. Reuters/Kham
Trên một hình vẽ một con gấu trúc, biểu tượng của Trung Quốc, tờ báo chạy tựa "Liệu gấu trúc có thể bay được hay không ?". Hồ sơ của tờ báo được dành cho các cố gắng của Bắc Kinh trong việc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc, tìm hiểu thêm về cách thức mà Tập Cận Bình đang tiến hành để vừa giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ, vừa giúp cho Trung Quốc giầu thêm.
Ở trang Châu Á, The Economist có bài phân tích rất đáng chú ý về Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội. Với tựa đề rất mỉa mai - "Hãy đánh lừa tôi lần thứ hai đi", tờ báo Anh dự đoán là Mỹ sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận "nhỏ và tồi" với Bắc Triều Tiên.
Tờ báo giải thích : "Ông Trump đã đặt ra một chỉ tiêu rất thấp cho sự thành công ở Hà Nội, và ông Kim chắc chắn sẽ phải nhượng bộ một cái gì đó. Chuyên gia Choi Kang thuộc Viện Asan, một nhóm tư vấn ở Seoul, tiên đoán là sẽ có một thỏa thuận nhỏ và tồi tệ".
Đối với The Economist, thỏa thuận đó có thể bao gồm việc phá hủy các lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon và cho các thanh tra xác nhận rằng địa điểm thử hạt nhân ngầm dưới đất Punggye-ri thực sự đã bị đóng cửa. Có điều là theo giới chuyên gia, các vụ thử hạt nhân lần thứ năm và thứ sáu đã dạy cho Bắc Triều Tiên tất cả những gì cần biết, nên Punggye-ri đã trở thành vô dụng. Còn về trung tâm hạt nhân Yongbyon, cơ sở này cũng đang trên đà rệu rã, bỏ đi không sao.
Thae Yong-ho, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Bắc Triều Tiên đã đào thoát, đã so sánh những bước đi đó của Bình Nhưỡng với việc sơn phết lại một chiếc xe cũ để bán đi.
Đừng nên mơ đến việc thanh tra toàn bộ hạt nhân Bắc Triều Tiên
Trong khi đó, theo tuần báo Anh, rất ít có khả năng là ở Hà Nội, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về việc thanh tra toàn bộ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đừng nói chi đến việc Bình Nhưỡng kê khai đầy đủ các cơ sở của họ.
Cũng ông Thae Yong-ho đã lập luận rằng Kim Jong-un đã biết khéo léo chuyển trọng tâm từ giải trừ hạt nhân sang kiến tạo hòa bình. Ở Hà Nội, cả hai bên đều có thể đồng ý thành lập các văn phòng liên lạc ở hai thủ đô, bước đầu tiên để bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Một bản "tuyên bố hòa bình" cũng có thể được ký kết, nhưng đây sẽ chỉ là một lời xác định mơ hồ, không có tính chất ràng buộc, theo đó hai bên hứa là sẽ không đe dọa lẫn nhau.
Đối với The Economist, điều mà ông Kim muốn nhất là giảm được một số lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ông Trump có thể tính toán rằng đồng ý trên các yêu cầu đó sẽ chẳng tốn kém gì cho nước Mỹ, bởi vì tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã sẵn sàng đầu tư vào hệ thống đường sắt miền Bắc và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Và nếu Bắc Triều Tiên được mua dầu nhiều hơn, thì có lẽ Trung Quốc sẽ chi trả.
Theo tuần báo Anh Quốc, ông Trump hoàn toàn có thể hài lòng về các kết quả đó, mặc dù rất xa mục tiêu tháo dỡ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
The Economist kết luận : Tại Singapore, ông Trump đã bị lừa mà không biết. Ở Hà Nội thì ông có thể chẳng cần quan tâm đến việc mình bị lừa hay không !
Vì sao cần phải sợ Hoa Vi ?
Trong cuộc chiến tranh ngoại giao thương mại đang gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Vi của Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng. Tuần báo Pháp Courrier International số ghi ngày 21/02/2019 đã dành hồ sơ chính mang tựa đề "Tại sao lại phải sợ Hoa Vi" để giải thích lý do vì sao nhiều nước phương Tây, đi đầu là Mỹ lại lo ngại.
Đối với Courrier International, căn nguyên mối quan ngại đến từ việc Hoa Vi là một tập đoàn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thành lập, được Nhà nước Trung Quốc tích cực hỗ trợ để phát triển thành một tập đoàn lớn mạnh như ngày nay. Các yếu tố đó đã khiến nghi ngờ nẩy sinh về nguy cơ Hoa Vi có thể làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Một con sói Trung Quốc trong cuộc chiến viễn thông
Trích dịch bài điều tra "Một con sói Trung Quốc trong cuộc chiến viễn thông" đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times, Courrier International đã nêu bật bước đường phát triển nhanh chóng của Hoa Vi, từ một công ty chỉ có 8 nhân viên, nay đã thành một đại tập đoàn sử dụng 180.000 nhân viên tại 170 nước, với doanh số trong năm 2018 lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ đô la.
Trong những ghi nhận lý thú của bài điều tra là trọng lượng của Hoa Vi, ngay từ năm 2004 đã có mặt trong 14 trên 19 mạng lưới hạ tầng cơ sở 3G đang xây dựng trên thế giới, với lợi nhuận kiếm được ở ngoại quốc nhiều hơn cả trong nước, và nhất là được hệ thống ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ hơn 10 tỷ đô la để chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Phương thức hành động của Hoa Vi, theo bài báo, là thẳng tay cắt giảm giá cả - đến mức 70% - để đè bẹp đối thủ và giành lấy thị trường. Năm 2012 chẳng hạn, Hoa Vi đã vượt qua tập đoàn Thụy Điển Ericsson để trở thành nhà cung ứng thiết bị viễn thông số một thế giới.
Không chỉ là thiết bị. Năm 2003 Hoa Vi bắt đầu lao vào chế tạo điện thoại di động giá rẻ, mang nhãn hiệu của các hãng điện thoại ngoại quốc. Thế nhưng Hoa Vi đã dần dần nâng cấp để rồi trở thành một trong những đại gia của ngành điện thoại di động ngày nay.
Với những quyết định tẩy chay hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu tham vọng ngự trị lãnh vực điện thoại di động 5G của Hoa Vi có bị tác hại hay không ? Bài báo đã trích dẫn giới chuyên gia cho rằng với 60 tỷ đô la dành cho nghiên cứu trong 10 năm qua, và hơn 100 tỷ đô la cho 5 năm sắp tới, tập đoàn Trung Quốc sẽ cùng với tập đoàn Thụy Điển Ericsson và 2 tập đoàn Mỹ Cisco và Qualcomm tạo thành bộ tứ chiến thắng khi mạng 5G được triển khai trên toàn cầu vào năm nay.
Hồ sơ của Courrier International cũng trích dịch bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc kêu gọi các nước "Đừng liên kết với người Mỹ !"
Tờ báo nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đặc biệt cảnh báo Châu Âu về nguy cơ tính toan sai lầm nếu chạy theo Washington tham gia cuộc chiến thương mại chống lại Hoa Vi và Trung Quốc.
Courrier International cũng trích dẫn một bài phân tích của hai chuyên gia Thụy Điển đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, cho rằng "Châu Âu phải nhanh chóng bảo vệ lợi ích của mình trước Hoa Vi".
Theo bài phân tích, trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, vốn đang bị tụt hậu, các nước Châu Âu phải hợp tác với nhau để đảm bảo an ninh và độc lập của mình.
Ở Trung Âu, Trung Quốc triển khai "bẫy nợ"
Sau khi các cơ quan tình báo Ba Lan tiết lộ vụ bắt giữ một giám đốc điều hành cấp cao của Hoa Vi bị buộc tội làm gián điệp cho Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng, tờ nhật báo hàng đầu của nước này là Gazeta Wyborcza đã tiến hành điều tra riêng về quan hệ kinh tế của Trung Quốc với vùng Trung Âu, thường luôn gắn liền với động cơ chính trị.
Tại Cộng hòa Czech, công ty năng lượng CEFC, bị nghi là "có liên hệ với tình báo Trung Quốc", đã mua "trong ba năm qua gần 1,5 tỷ euro phần hùn" các công ty Czech, trong đó có kênh truyền hình Barrandov. Kể từ đó, "đài này chỉ phát thông tin tích cực về Trung Quốc và truyền tải mỗi tuần một cuộc phỏng vấn với tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman, một người ủng hộ các khoản đầu tư của Trung Quốc".
Ở Hungary, "tình hình thậm chí còn đáng ngờ hơn. Hoa Vi đã đầu tư 1,2 tỷ đô la và thuê 2.500 người lập ra một trung tâm dịch vụ. Công ty này đã trúng thầu dịch vụ quản lý số khẩn cấp 112, và mua lại hãng điện thoại di động MVM đảm bảo việc thông tin của chính phủ. Vấn đề là không ai tại Czech lo lắng trước nguy cơ Trung Quốc có thể dễ dàng dọ thám các bộ trưởng nước này".
Cuối cùng, tại Serbia, "người Trung Quốc đã cho vay 5,5 tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng". Gazeta Wyborcza coi đây là một biểu hiện mới của nền "ngoại giao bẫy nợ", nhằm đẩy một nhà nước đến tình trạng mắc nợ quá mức để rồi sau đó đòi trả nợ bằng những nhượng bộ khác nhau.
Các trang bìa khác
Về trang bìa các tuần báo Pháp, nổi bật vẫn là các hồ sơ chính trị Pháp, để mắt đến hiện tình đất nước với một cái nhìn khá bi quan.
Le Point : Nước Pháp mốc meo
Le Point chạy trên trang bìa tựa lớn : "Nước Pháp mới bị mốc meo và những kẻ đồng lõa", lấy lại tựa một bài viết của nhà văn Philippe Sollers từng đăng trên báo Le Monde cách đây 20 năm.
Cũng trong hồ sơ này, Le Point dành 4 trang cho bài phỏng vấn cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls, chưa bao giờ nhìn thấy cảnh bạo động như hiện nay : "Chúng ta đã thấy từ mấy năm qua hiện tượng bạo lực nhắm vào giới lãnh đạo chính trị và nói chung là những người đại diện cho trật tự, nhà nước, các thành phần ưu tú… Nhưng cho đến giờ, đó chỉ là bạo lực trong lời nói, từ ngữ. Bây giờ là bằng hành động, với hàng chục đại biểu dân cử bị đe dọa, văn phòng bị đập phá".
Theo ông Valls "lòng thù hận bị nhân lên với các mạng xã hội, danh tính được che giấu, sự thiếu ký ức lịch sử và văn hóa", cho nên đối với ông, "kiểm soát các thông điệp, truy tố những lời kỳ thị chủng tộc, tiến hành cuộc chiến trên Internet phải là những ưu tiên hiện nay".
Trong hồ sơ về "nước Pháp bị mốc" còn có bài phân tich của nhà chính trị học Gilles Kepel về các phần tử " Hồi giáo cực đoan chú ý như thế nào đến phong trào Áo Vàng".
L’Obs : Nước Pháp "vàng đi"
L’Obs cũng nhìn về hiện trạng nước Pháp, không thấy "mốc meo", nhưng thấy bị "vàng đi", trên một trang bìa toàn mầu vàng.
Nhận xét về tổng thống Pháp Macron, tạp chí cho là thoạt đầu bị phong trào Áo Vàng mà ông không dự kiến được trước, làm cho chới với, Emmanuel Macron hiện tin tưởng là đang thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Vấn đề là ông sẽ ra khỏi bằng cách nào ? Kết cục nào cho cuộc Đại tranh luận ? Phần cuối nhiệm kỳ sẽ ra sao ? Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra về điều mà L’Obs xem là "khủng hoảng của chế độ".
Không chỉ chính phủ bị khủng hoảng : Trong một hồ sơ 6 trang, tuần báo L’Obs còn nêu bật tình trạng mà các kênh thông tin trực tiếp đang phải trải qua. Họ là những phương tiện không thể thiếu vắng, đã trực tiếp cho thấy "phong trào nổi dậy". Thế nhưng họ lại bị chống đối, có khi bị hành hung, khi tác nghiệp thường phải có nhân viên bảo vệ đi theo.
Đối với L’Obs, các đài này sẽ phải chịu tác hại không ít từ phong trào Áo Vàng. Họ bị nhiều người cho là đã quảng cáo quá trớn cho những người biểu tình, nhưng vẫn bị phe Áo Vàng nghi kỵ. Uy tín các đài này đã tuột giảm trong mắt người biểu tình và người khác.
L’Express : Nạn bài Do Thái
L’Express trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nêu bật tinh thần bài Do Thái, với tựạ hồ sơ lớn trên trang bìa : "Bài Do thái và những kẻ đồng lỏa" với ảnh một người biểu tình thẳng tay điểm mặt một người.
L’Express cho biết thêm chi tiết bức ảnh, đó là vào thứ Bảy 16/02, một nhóm người biểu tình đã nhận ra nhà triết học người Pháp gốc Do Thái Alain Finkielkraut, họ lao về phía nhà triết học và hô to "Hãy cút về Tel Aviv đi ! Chúng tao là nhân dân". L’Express nhắc lại số liệu được công bố gần đây : hành động bài Do Thái đã tăng 74% trong một năm.
Tuy nhiên nếu tầng lớp chính trị rất quan tâm, khẳng định là đây không phải vấn đề riêng của người Do Thái, thì L’Express cũng ghi nhận là nhiều người Pháp cảm thấy không có liên can đến tệ nạn này.
Riêng tạp chí Courrier International thì nhìn lại quá khứ xa xưa, dành trang bìa cho "Leonardo da Vinci superstar", vừa là kỹ sư, nhà phát minh, vừa là danh họa, triết gia, từ trần cách nay đúng 500 năm, ngày 2/5/1519, nhưng hơn bao giờ hết vẫn là nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ, tiếp tục mê hoặc chúng ta.
Mai Vân
Venezuela : Hậu trường thăng tiến của Juan Guaido
Cuộc đọ sức giữa ông Juan Guaido và tổng thống Nicolas Maduro có thể lên tới cực điểm trong ngày 23/02/2019 khi tới hạn "tối hậu thư" cho hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela do lãnh đạo đối lập tuyên bố.
Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido tại buổi mit-tinh ở Los Cortijos, đông bắc thủ đô Caracas, ngày 16/02/2019. Reuters/Marco Bello
Nhật báo Le Monde (ngày 22/02) trở lại với nhân vật trung tâm của sự kiện, tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido, qua bài ký sự dài "Hậu trường thăng tiến của Juan Guaido".
Thông tín viên của Le Monde đã ghi nhận từ Caracas đến Washington, các nước Châu Mỹ Latinh qua Châu Âu để cho thấy hành trình nổi lên thành một lãnh tụ đối lập rồi tuyên bố làm tổng thống lâm thời của ông Juan Guaido, một người trước đó gần như là vô danh, không hề ngẫu nhiên tự phát mà có sự chuẩn bị, phối hợp nhịp nhàng với bên ngoài.
Bài viết nhắc lại sự kiện cách đây một tháng, ngày 23/01/2019, trước hàng ngàn người biểu tình tại trung tâm thủ đô Caracas, một dân biểu trẻ là chủ tịch Quốc Hội, đã bị tổng thống Nicolas Maduro giải tán, ông Juan Guaido bất ngờ tuyên bố tự phong làm tổng thống lâm thời trước tràng vỗ tay như sấm dậy của những người biểu tình. Chỉ khoảng chục phút sau đó, tại Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump trong một thông cáo và trên Twitter đã thông báo công nhận vị tổng thống lâm thời này của Venezuela.
Le Monde nhận định : "Tuyên bố của tổng thống Mỹ có hiệu ứng như một quả bom… cho thấy một hành động có phối hợp chưa từng có". Chỉ vài phút sau đó, lần lượt Tổ chức các nước Châu Mỹ, Canada, Brazil, Colombia, Peru hối hả lên tiếng công nhận Juan Guaido. Hai giờ sau đến lượt Liên Hiệp Châu Âu đánh tiếng ủng hộ ông Juan Guaido.
Le Monde nhận định "chưa bao giờ một nhà đối lập ở Venezuela gây được sự nhất trí ủng hộ nhanh chóng và rộng rãi đến như vậy. Chỉ trong một buổi chiều, Juan Guaido, trước đó ít ngày vẫn còn là người vô danh đối với đa số dân Venezuela, cũng như cộng đồng quốc tế, bỗng chốc trở thành một gương mặt nổi bật của đối lập Venezuela". Lần đầu tiên, đối lập Venezuela chứng tỏ có khả năng tập hợp đoàn kết thực sự.
Theo tờ báo, bước đột phá ngoạn mục đó là thành quả sau một tháng mặc cả trong hậu trường, ngoại giao bí mật và những tín hiệu mật. Nhưng sự khởi đầu còn xa hơn nữa, từ Washington của chính quyền Donald Trump, từ Madrid và từ Brazil hay Colombia.
Riêng ông Donald Trump từ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đã hứa sẽ "làm thay đổi Venezuela ở quy mô lớn". Đến khi đắc cử tổng thống, lời hứa đó vẫn cứ ám ảnh ông Trump. Theo Le Monde, từ hồi tháng 08/2017, trong một buổi đánh golf ở New Jersey, Donald Trump đã nói với các cố vấn của mình rằng "chúng ta có nhiều lựa chọn cho Venezuela. Thực ra thì tôi không loại trừ khả năng lựa chọn quân sự".
Bài viết của Le Monde dẫn nhiều nguồn tin nói rằng từ giữa tháng 12/2018, ông Juan Guaido khi đó còn chưa là chủ tịch Quốc Hội Venezuela, đã bí mật qua biên giới Colombia, qua mắt biên phòng để sau đó bay tới Washington gặp gỡ bí mật với nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ.
Ngay trong ngày đầu năm 2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc họp với các đồng minh chủ chốt đề bàn về Venezuela. Song song đó, các nhà hoạt động đối lập Venezuela đang lưu vong ở nước ngoài cũng đẩy mạnh các cuộc vận động với chính khách nước ngoài.
Ở trong nước, Juan Guaido một mặt tích cực tổ chức các cuộc tập hợp biểu tình của dân chúng, mặt khác luôn giữ liên lạc với chính giới Mỹ, trong đó đặc biệt là phó tổng thống Mỹ Mike Pence và thượng nghị sĩ Marco Rubio. Cho đến khi các điều kiện đã chín muồi, thì điều cần đến đã đến như mọi người đều biết : Ông Juan Guaido tuyên bố tự phong tổng thống lâm thời Venezuela, ngày 23/01/2019. Cuộc đọ sức với Nicolas Maduro kéo dài trong suốt tháng qua, giờ đây được đặt trong ván bài cứu trợ nhân đạo.
Mật vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc người tại Ý
Liên quan đến Châu Á, Les Echos quan tâm đến một vụ việc đang gây ồn ào dư luận Ý xung quanh vụ viên đại sứ Bắc Triều Tiên tại Roma biến mất bí ẩn để cô con gái, 17 tuổi, bị mật vụ Bắc Triều Tiên đến Roma bắt cóc về nước.
Theo Les Echos, câu chuyện diễn ra như trong tiểu thuyết trinh thám Ý-Bắc Triều Tiên. Đầu năm 2019, vị đại sứ của chế độ Bình Nhưỡng tại Roma bỗng nhiên biến mất. Đó là cú sốc đầu tiên tại Ý.
Đến nhận chức tại Ý năm 2015, ông Jo Song-gil đáng lẽ phải về nước ngày 20/11/2018 sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Cùng với vợ, có thể ông đã được sự trợ giúp của cơ quan tình báo Ý để đào thoát ngày 10/11 trong ý đồ xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Có lẽ sự có mặt của ông ở Mỹ sẽ có thể gây phiền toái cho tổng thống Donald Trump, đang trong giai đoạn xích lại gần với chế độ độc tài Bắc Triều Tiên. Sau khi lưu lại tại Thụy Sĩ ít ngày, có thể nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã quay trở lại Ý, trú tại một nơi bí mật.
Khi đào thoát, nhà ngoại giao này đã để lại con gái 17 tuổi ở Ý. Mới đây người ta được biết cô con gái này đã bị mật vụ Bắc Triều Tiên ép về nước, chỉ 4 ngày sau bố mẹ cô đào thoát. Vụ việc đang làm chính quyền Ý lúng túng về vấn đề chủ quyền quốc gia. Dư luận Ý đang đòi chính phủ của Giuseppe Conte phải trả lời về trách nhiệm và phản ứng thế nào về vụ bắt cóc người xảy ra trên đất Ý.
Thị trường điện thoại thông minh sụt giảm
Mặc dù điện thoại thông minh giờ trở thành vật dụng thiết yếu của cuộc sống hàng ngày và là một trong những món hàng bán chạy nhất, nhưng Les Echos ghi nhận một thực tế là lượng tiêu thụ sản phẩm thời thượng này đang giảm sút, vấn đề cải tiến cũng trục trặc.
Các mẫu mã mới ngày càng đắt nhưng tính năng không hấp dẫn và các chi tiết cũng gần như giống nhau. Chủ Nhật 24/02, tại Barcelona sẽ diễn ra Mobile World Congress, một sự kiện lớn của ngành viễn thông, trong lúc lĩnh vực điện thoại thông minh cả thế giới đang gặp khó khăn.
Les Echos cho biết : 2018 là năm đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp chế tạo điện thoại thông minh trên thế giới bị tụt dốc với sản lượng giao hàng sụt giảm 5%, theo Strategy Analytics. Ngay cả Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ 1/3 số lượng smartphone trên thế giới, cũng không thoát khỏi xu hướng chung này. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, doanh số bán smartphone năm 2018 giảm 11%. Một thị trường đông dân khác là Ấn Độ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Kết quả bán hàng của 2 nhãn hiệu Apple và Samsung cũng đang trong tình trạng báo động. Chỉ riêng Hoa Vi là làm ăn khá. Tập đoàn Trung Quốc đã vượt qua Apple mùa hè 2018 để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ 2 thế giới. Sau khi đã bán ra thị trường 200 triệu sản phẩm trong năm 2018, tập đoàn Trung Quốc đang dồn sức cạnh tranh với Samsung để đến năm 2020 sẽ chiếm vị trí số 1 thế giới. Nhưng bộ ba Samsung, Hoa Vi, Apple đều không tránh được xu hướng đi xuống của thị trường.
Mười năm sau khi Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên năm 2007, thị trường điện thoại thông minh dường như bị bão hòa, cho dù các nhà sản xuất liên tục tung ra các mẫu mã mới, với giá bán ngày càng đắt. Hiện tại, 2/3 dân số thế giới sử dụng điện thoại di động. Con số này sẽ còn tăng, đến năm 2025 có thể sẽ có 6 tỷ thuê bao di động.
Nhưng tại sao thị trường điện thoại thông minh có xu hướng giảm ? Đơn giản là vì các mẫu mới ra liên tiếp và giá bán cũng không ngừng tăng. Thế là một thị trường mới xuất hiện : Tân trang các loại điện thoại thông minh đã qua sử dụng, với giá bán rẻ hơn từ 10 đến 60% so với mẫu mới. Vả lại, đây là giải pháp bảo vệ môi trường được nhiều người ủng hộ. Thị trường smartphone đang biến đổi ngay từ bên trong như vậy.
Báo L’Humanité quyên tiền tự cứu mình
Phần cuối mục điểm báo là thông tin liên quan đến làng báo Pháp. Tờ báo cộng sản L’Humanité, tờ nhật báo Pháp có lịch sử hơn trăm năm đang tiếp tục cuộc chiến đấu để sinh tồn.
L’Humanité rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả từ cả tháng qua. Ngày 22/02, tại Montreuil-sous-Bois, thành phố ngoại ô Paris, L’Humanité tổ chức một đêm hội gây quỹ, huy động sự hảo tâm để hy vọng cứu sống tờ báo.
Anh Vũ
Thượng Viện Pháp : Quyền lực đối trọng với tổng thống Macron ?
Báo cáo của Thượng Viện Pháp nghiêm khắc đả kích sai sót của phủ tổng thống Pháp trong việc xử lý các hành vi "lộng quyền" của cựu cộng sự viên của tổng thống Macron là đề tài chính trên trang nhất hầu hết các báo Pháp ra hôm nay, 21/02/2019. Những động thái bị cho là nhằm che giấu sự thật, của nhiều quan chức cao cấp của điện Elysée, được nêu bật.
Ông Alexandre Benalla Ủy ban Tư Pháp, điện Luxembourg, Paris, 19/09/2018. Reuters/Charles Platiau
Có ba tờ báo lớn đã dành tựa chính trang nhất để nói về vụ Benalla. Trong lúc Le Monde mô tả : "Thượng Viện Pháp đả kích những sai sót trong việc vận hành Nhà Nước", thì Libération thẳng thừng tố cáo "những lời nói dối cấp Nhà Nước". Riêng Le Figaro thì nhận định : "Điện Elysée không thoát được vụ Benalla".
Hai tờ báo khác đã đề cập đến vụ việc trong trang Thời sự nước Pháp. Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa : "Vụ Benalla bộc lộ những trục trặc nghiêm trọng" của guồng máy lãnh đạo cao nhất ở Pháp, còn tờ báo kinh tế Les Echos thì cho rằng : "Điện Elysée đang chịu áp lực ngày càng tăng".
Vụ Benalla : Thượng Viện 1 – Điện Elysée 0
Một trong những nhận định lý thú nhất về diễn biến vụ Benalla được thấy trên Les Echos, với một bài viết ở trang Ý kiến : "Thượng Viện, quyền lực đối trọng duy nhất".
Đối với tờ báo, không còn hồ nghi gì cả, với bản phúc trình về hồ sơ Benalla, Thượng Viện Pháp đã ghi một bàn thắng trong cuộc đọ sức với điện Elysée, và tự cho mình quyền giám sát ngành hành pháp.
Les Echos nhắc lại rằng hồi đầu tháng Giêng, khi khởi động cuộc Đại Thảo luận Toàn quốc, tổng thống Macron đã đưa ra một loạt câu hỏi cho người Pháp, trong đó có các câu : "Vai trò của các hội đồng đại biểu của chúng ta, trong đó có Thượng Viện và Hội Đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường (CESE), phải là gì để đại diện được cho các vùng lãnh thổ và xã hội dân sự ? Có phải thay đổi các cơ chế này hay không và bằng cách nào ?".
Đây là những câu hỏi mà Thượng Viện xem như một sự lăng nhục, vì không hề được phủ tổng thống tham khảo ý kiến, và bị đánh đồng với Hội Đồng CESE.
Thế nhưng, chỉ vài tuần sau đó, Thượng Viện đã tham gia theo kiểu cách của mình vào cuộc tranh luận. Không nhắm vào cá nhân tổng thống, không để bị lôi cuốn vào hành vi sai sót của cựu cố vấn Benalla, mà là tìm hiểu do đâu những sai lầm đó có thể xẩy ra. Thượng Viện đã tập hợp lại những sự kiện một cách chính xác và tỉ mỉ để đi đến kết luận : Phủ tổng thống đã phạm sai sót trong cách hoạt động, và vì vậy cần phải xem xét lại phương cách tổ chức.
Qua công việc tiến hành theo kiểu cách đúng là của các thượng nghị sĩ, trầm tĩnh và không to tiếng, Thượng Viện đã chứng minh được sự hữu dụng của mình. Hữu ích vì thực hiện được trách nhiệm "giám sát" hành pháp và đóng vai trò đối trọng.
Trong lúc mà nhiều nhân vật nặng ký của hành pháp, trong đó có thủ tướng, từng nêu việc làm sao bãi bỏ Thượng Viện và xem lại vấn đề Quốc hội lưỡng viện, với báo cáo hôm qua, Thượng Viện đã cho thấy là khó có thể đẩy họ ra bên lề.
MbS của Saudi Arabia hướng qua Châu Á, nơi nhân quyền bị xem nhẹ
Trên bình diện quốc tế, một hồ sơ tiếp tục được chú ý là vòng công du Châu Á của thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (MbS), với chặng thứ ba là Trung Quốc mở ra hôm nay, sau hai chặng đầu là Pakistan và Ấn Độ.
Trong bài viết "Mohammad bin Salman xác nhận mối quan tâm của Saudi Arabia đối với Châu Á", báo Le Monde nêu bật hai mong muốn của nhân vật số một tại vương quốc dầu hỏa : Đó là tìm kiếm thêm liên minh và hợp đồng, vào lúc mà bản thân ông đang gặp khó khăn ở phương Tây, sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
MbS muốn chứng minh là trên chính trường quốc tế, vẫn có những nơi, nhất là ở Châu Á, mà những hồ sơ chiến lược và thương mại hoàn toàn che khuất vấn đề nhân quyền. Bị ghẻ lạnh ở phương Tây, MbS đã được đón tiếp trọng thể ở Islamabad, Pakistan, nơi mà ảnh của ông được treo đầy đường. Tại Ấn Độ cũng vậy, thủ tướng Ấn Độ Modi đã phá lệ ra tận sân bay New Delhi nghênh đón ông vào hôm thứ Ba.
Nhưng đâu chỉ hai quốc gia Nam Á, MbS hôm nay đã đến Trung Quốc, một nước mà quan hệ đối với Saudi Arabia còn mang tính chiến lược hơn. Trung Quốc chiếm 15% tổng lượng xuất nhập khẩu của Saudi Arabia năm 2018, so với 8% cách đây 10 năm, theo số liệu của Bloomberg.
Ngoài vấn đề năng lượng mà Trung Quốc rất cần, Saudi Arabia còn quan tâm đến Trung Quốc như một nguồn đầu tư, có thể giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ví dụ như trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới mà Ryadh cũng như các nước láng giềng đang xem xét kỹ lưỡng.
Nên trao thêm cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương ?
Cũng liên quan đến Châu Á, nhật báo công giáo La Croix đã có một nhận định rất hóm hỉnh, nhân sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump khoe rằng đã được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình.
Trong bài mang tựa đề "Cái gọi là Nobel", trích nguyên văn từ ngữ được ông Trump sử dụng, La Croix nhắc lại rằng : "Trước sự ngạc nhiên của mọi người, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã viết một lá thư rất hay đến Ủy Ban Nobel Hòa Bình, đề nghị trao giải này cho ông Donald Trump và ông Trump đã rất hoan nghênh, và cám ơn ông Abe đã gởi thư đến "những người phân phát cái được gọi là giải Nobel", với lý do "có những tên lửa bay qua Nhật Bản gây nên báo động. Và đột nhiên họ cảm thấy yên ổn, cảm thấy được an toàn. Tôi đã làm điều này".
La Croix giải thích, thật ra chỉ có ông Trump mới là người không ngạc nhiên về bức thư này, vì chính ông đã yêu cầu thủ tướng Abe viết và gởi đi.
Tác giả bài viết trên La Croix hóm hỉnh cho là "Tôi cũng sẵn sàng viết thư để người ta trao tặng cho Donald Trump giải Nobel Văn Chương, ngoài giải Nobel Hòa Bình. Bởi vì đóng góp của ông vào nền văn học đương đại cũng đáng chú ý".
Tác giả đã nêu ra con số hơn 2.000 tin nhắn Twitter một năm, từ ngày ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, "với từ ngữ sáng tạo và phong phú, triết lý sâu xa".
Đối với tác giả, "chỉ cần tập hợp hàng ngàn viên kim cương thô đó lại, in ra trên giấy quý thường dùng để in kinh thánh, với lời tựa chẳng hạn của Michel Houellebecq", là người ta sẽ thấy rằng ông Donald Trump hơn bất kỳ nhà văn nào khác, là một sự minh họa tuyệt vời cho câu nói của Buffon : "Văn tức là người".
Giáo hội Công giáo : Một hội nghị để tẩy rửa tai tiếng ấu dâm
Trong dòng thời sự quốc tế, vào hôm nay mở ra một hội nghị chưa từng thấy tại Tòa Thánh Vatican : Đó là hội nghị mang tên "Thượng đỉnh bảo vệ thiếu niên trong Giáo hội" bàn về một vấn đề nhức nhối hiện nay là nạn ấu dâm nơi các linh mục. Nhật báo công giáo La Croix dĩ nhiên đã dành hồ sơ lớn và trang nhất cho sự kiện này.
Bên trên bức ảnh chụp ảnh một số thành viên người Mỹ của hiệp hội Snap bảo vệ nạn nhân của các hành vi ấu dâm ở Hoa Kỳ trên quảng trường thánh Phêrô tại Vatican, tờ báo chạy tựa : "Lạm dụng, Giáo hội huy động lực lượng để đấu tranh". La Croix ghi nhận là hội nghị đã được triệu tập theo lời kêu gọi của Đức giáo hoàng và để chấm dứt tình trạng bê bối kéo dài.
Đối với La Croix, sau một năm 2018 bị đánh dấu bằng một loạt tai tiếng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo muốn các giám mục nhận thức rõ về tầm mức hệ trọng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng đang đe dọa uy tín của toàn Giáo hội.
Theo tờ báo, hội nghị mở ra hôm nay là một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục thiếu nhi, và nhất là trong việc nghiêm trị những người phạm tội.
Nhân Hội Nghị tại Vatican, phóng viên La Croix đã tìm hiểu về tệ nạn ấu dâm trong giới chức sắc Công giáo tại Philippines và không ngần ngại nêu trong tựa đề bài phóng sự : "Bức màn bí mật bao trùm các vụ phạm tội ấu dâm trong Giáo hội".
Theo La Croix, Philippines - nơi có đến 80% của khoảng 105 triệu dân theo đạo Công giáo - là một ví dụ điển hình về những gì cần sửa đổi, vì tại quốc gia Đông Nam Á đó, các linh mục gần như là có rất nhiều đặc quyền, đơn kiện về tội ấu dâm rất ít và cho đến nay không một chức sắc Công giáo Philippines nào bị kết án về tội này.
Theo chính lời thú nhận của cả hai phóng viên La Croix, công cuộc điều tra của họ đã vấp phải biết bao khó khăn. Nào là những cú điện thoại, những bức e-mail mà không ai trả lời, nào là các nhân chứng gọi là đùn đẩy cho nhau, không ai muốn mình là người nêu lên vụ việc, thậm chí từ chối phát biểu…
Đối với người Philippines, nói về tệ nạn ấu dâm vốn đã là điều không dễ dàng, nay lại nói về tệ nạn liên quan đến các linh mục, thì quả là một điều khó khăn. Điều tra tìm hiểu vấn đề tại Philippines lại còn gặp nhiều trở ngại hơn, khi không hề có những hiệp hội bảo vệ các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng, và cũng không hề có những cơ sở lắng nghe các nạn nhân…
Trọng Nghĩa
Pháp : Nạn bài Do Thái trỗi dậy khi thực trạng xã hội bị mất cân bằng
Nạn bài Do Thái trỗi dậy tại Pháp là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp số ra ngày 20/02/2019. Gần 100 ngôi mộ của người Do Thái ở nghĩa trang Quatzenheim (vùng Bas-Rhin, miền đông nước Pháp) bị bôi bẩn và vẽ hình chữ thập Đức quốc xã ; những lời xúc phạm cực đoan, bài Do Thái mà nạn nhân là nhà triết học Alain Finkielkraut bên lề cuộc biểu tình Áo Vàng vào cuối tuần trước, những sự kiện này đã khiến công luận Pháp phẫn nộ và lên án.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng nghĩa trang người Do Thái bị bôi bẩn ở Quatzenheim, miền đông nước Pháp. Ảnh ngày 19/02/2019. Frederick Florin/Pool via Reuters
Tối 19/02/2019, 15 chính đảng Pháp và đông đảo người dân đã tập trung tại quảng trường Cộng hòa (Paris) để bày tỏ "Nước Pháp nói không với chủ nghĩa bài Do Thái" theo nhận xét của Le Figaro ; "Bài Do Thái : Vấn đề liên quan đến tất cả mọi người" là nhận định của La Croix. Hàng nghìn người tập hợp tối qua thể hiện "Nền Cộng hòa phản đối chủ nghĩa bài Do Thái", theo hàng tựa trên trang nhất của Libération.
Theo xã luận của Libération, họ muốn "thể hiện tinh thần tương ái quốc gia đối với người Pháp gốc Do Thái bị tổn thương, bàng hoàng vì những hành động hận thù lặp đi lặp lại". Tấn công vào người Pháp gốc Do Thái là tấn công vào mọi công dân Pháp. Bởi vì, thứ nhất, giữa nền Cộng hòa và người Pháp gốc Do Thái có một thỏa thuận lịch sử : Mọi người đều có quyền bình đẳng, trong đó có cả người gốc Do Thái.
Tiếp theo, đã đến lúc phải nhắc lại rằng một xã hội bị ám ảnh bản sắc và tự do nhận theo một nhóm tôn giáo hay tộc người phải tự loại trừ vào thời điểm lựa chọn trước các nguyên tắc toàn cầu, đã được công bố năm 1789 và đã kéo dài trong suốt các cuộc đấu tranh vì công bằng. Khi một số người bị tấn công, công dân Pháp cần đoàn kết để bảo vệ những di sản dân chủ và cộng hòa, được cho là thành trì vững chắc duy nhất để chống lại những hành động thiếu khoan dung.
Tại sao tình trạng bài Do Thái lại trỗi dậy vào thời điểm này ? Theo giáo sư Alain Chouraqui, trong bài phỏng vấn trên Le Monde, "lịch sử Châu Âu cho thấy rằng tình trạng bài Do Thái là chỉ số biểu lộ của một hiện trạng xã hội bất ổn. Người Do Thái thường được xem là thuộc tầng lớp tinh hoa, trong đó có giới trí thức và tài chính, và khi một phong trào tấn công vào giới tinh hoa, thì cũng nhanh chóng tấn công vào người Do Thái". Dù đối lập về hệ tư tưởng, cả hai phe cựu tả, cực hữu tham gia phong trào Áo Vàng có hai điểm chung từng khiến họ xích lại gần nhau trong lịch sử : bác bỏ hệ thống và bài người Do Thái.
Xuống đường để lên án "lòng hận thù đang lan rộng", thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng Do Thái và sự gắn bó với nền Cộng hòa, nhưng theo xã luận của La Croix, những người tham gia tập trung tối hôm qua hiểu rằng hành động của họ sẽ không chấm dứt được sự tình trạng bài Do Thái. Nhưng "làm thế nào để ngừng sự thù hận ?" là câu hỏi được liên tục đặt ra trong "cuộc tập trung chống bài Do Thái", theo Libération. Phải chăng đã đến lúc cần tăng cường luật pháp, trong đó liên quan đến cả những lời lẽ hằn thù lan rộng trên mạng xã hội mà hiện nay vẫn không bị trừng phạt ?
Pháp - Đức hợp tác thúc đẩy xuất khẩu vũ khí
Pháp và Đức muốn cứu ngành công nghiệp Châu Âu trước hai đối thủ nặng ký Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngày 19/02/2019, bộ trưởng kinh tế hai nước nhấn mạnh rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải đề ra một chiến lược công nghiệp chung ngay trong thượng đỉnh diễn ra vào tháng Ba.
Theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, "Paris và Berlin muốn tạo ra những nhà vô địch Châu Âu". Nguyện vọng này được thể hiện rõ trong việc chuẩn bị một chính sách công nghiệp phù hợp với thế kỷ XXI. Và lĩnh vực áp dụng đầu tiên là pin điện. Công ty liên doanh sẽ nhận được 1,7 tỉ euro đầu tư ban đầu từ vốn nhà nước và sẽ thành lập hai nhà máy ở Đức và Pháp. Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác được mời tham gia dự án.
"Paris và Berlin muốn thay đổi quy định để xây dựng ngành công nghiệp tương lai của Châu Âu" là nhận định của Le Figaro nhằm hành động và để không còn bị phụ thuộc vào cạnh tranh từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Quan ngại này được bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh trong phát biểu : "Châu Á tiến lên, Trung Quốc mở rộng, những con đường tơ lụa đang nuốt hết trên đường tiến, vậy mà Châu Âu lại bất động".
Vấn đề đặt ra là nếu Pháp đã quen với kiểu chiến lược công nghiệp, thì dự án này lại là một cuộc cách mạng nhỏ bên phía Đức, nơi ngành công nghiệp thường không lẫn lộn với chính trị. Thất bại rút ra từ trường hợp hợp nhất Siemens và Alstom là bài học cho cả hai nước nên Berlin và Paris muốn thay đổi quy định về cạnh tranh.
Châu Âu bị chia rẽ vì số phận của công dân tham gia thánh chiến
Chỉ bằng hai tin nhắn trên Twitter : "Chúng tôi rút" và "Không có giải pháp thay thế, vì chúng tôi có lẽ buộc phải thả họ", tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Liên Hiệp Châu Âu bối rối về việc tiếp nhận lại công dân tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq.
Le Monde nhận định : "Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ về số số phận của công dân tham gia thánh chiến" vì không thông qua được một lập trường chung. Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini thông báo "sẽ không có quyết định ở cấp Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định thuộc thẩm quyền của mỗi chính phủ".
Để công dân Châu Âu tham gia thánh chiến ở lại Syria và Iraq, kiểm soát việc họ trở về Châu Âu từng trường hợp một hoặc bắt giữ họ ngay khi họ đến biên giới ? Cả ba giải pháp đều không thuyết phục hoàn toàn các thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Thái tử Saudi Arabia khuấy động căng thẳng Ấn Độ-Pakistan
Thời sự Châu Á nổi bật với chuyến công du hai nước Nam Á của thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS).
Đánh giá về hai chuyến công du này, Les Echos cho rằng "Riyadh đặt cược cùng lúc vào cả Ấn Độ và Pakistan" để tìm kiếm đối tác và gây ảnh hưởng, khẳng định vị trí số 1 trên thế giới về dầu lửa. Thái tử Saudi Arabia cho rằng chuyến công du của mình nhằm "góp phần giảm căng thẳng" giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tuy nhiên, nhật báo Le Figaro không chia sẻ cùng quan điểm và cho rằng "MbS khuấy động căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan". Le Figaro cho rằng thái tử Saudi Arabia đã phạm sai lầm khi kết hợp chuyến thăm chính thức Pakistan và đến Ấn Độ - hai cường quốc hạt nhân, hai nước láng giềng nhưng luôn căng thẳng với nhau.
Đến Islamabad vào Chủ Nhật tuần trước, Mohammed bin Salman trở về nước tối thứ Hai và sau đó bay đến New Delhi vào thứ Ba 19/02/2019. Hai chuyến công du diễn ra dường như không đúng thời điểm do cuộc khủng bố đẫm máu nhắm vào quân đội Ấn Độ do một tổ chức khủng bố ở Pakistan tiến hành. Vậy mà, trong chuyến công du Pakistan, MbS không một lần lên án tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed. Thêm vào đó, trong khi Ấn Độ tìm cách cô lập nước láng giềng trên trường quốc tế, thái tử Saudi Arabia lại tuyên bố đầu tư vào nước đồng minh Pakistan 21 tỉ đô la.
Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều mặt vào Saudi Arabia, như dầu lửa-khí đốt và 2,7 triệu lao động Ấn Động đang làm việc ở quốc gia Trung Đông và hàng năm gửi về nước 11 tỉ đô la. Chỉ còn ba tháng sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội tại Ấn Độ, chính phủ của thủ tướng Modi có thể được hưởng lợi nếu MbS biến những lời hứa đầu tư thành hiện thực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh đảng BJP của thủ tướng Modi bị chỉ trích về những kết quả xấu trong lĩnh vực kinh tế.
Brexit làm Anh Quốc khan hiếm dược phẩm
Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo Le Monde có bài phóng sự về nguy cơ khan hiếm biệt dược tại Anh Quốc. Trước thời hạn Brexit, rất nhiều người bệnh tìm đủ cách để tích thuốc điều trị dù bị cấm.
Tình trạng khan hiếm thuốc không phải chỉ do Brexit gây ra, mà còn do hai nhà máy dược phẩm của Anh đã bị mất giấy chứng nhận vào năm 2017. Thêm vào đó là một số hóa chất xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, "bất trắc xung quanh Brexit làm vấn đề thêm căng thẳng", theo nhận định của ông Simon Dukes, giám đốc Ủy Ban đàm phán về dịch vụ dược phẩm Anh (PSNC).
Để đối phó với khả năng khan hiếm thuốc, chính quyền Anh đã đưa ra một số biện pháp : ra lệnh cho các phòng bào chế Anh trữ thêm kho thuốc nhiều hơn sáu tuần so với thông thường ; ký hợp đồng thuê nhiều máy bay và tầu thủy để sẵn sàng vận chuyển các mặt hàng khẩn cấp ; các hiệp hội về các căn bệnh thường xuyên lập báo cáo tình hình trên thực địa.
Ẩn sau mối lo lắng là sự thiếu tin tưởng của người dân đối với chính phủ Anh. Chính quyền thường xuyên nhắc lại rằng mọi chuyện sẽ ổn, nhưng cho tới nay vẫn từ chối công bố các bước chuẩn bị của mình.
Pháp cũng thiếu thuốc men
Không chỉ Anh, mà Pháp cũng đang trải qua giai đoạn thiếu thuốc men mà theo Le Figaro, tình trạng này chưa bao giờ lại làm "các phòng bào chế lo ngại" đến như vậy.
Ví dụ có 538 lần thiếu thuốc được thống kê trong năm 2017, so với 400 lần trong năm 2014. Một phần ba dân Pháp gặp phải tình trạng này trong 6 tháng vừa qua. Những loại thuốc bị thiếu là các loại vacxin, thuốc chống ung thư, chống động kinh.
Để đối phó với tình trạng này, trong kế hoạch hành động, các nhà công nghiệp dược phẩm đã tăng cường bắt buộc đảm bảo kho dự trữ đối với những loại thuốc ưu tiên, tương đương với khoảng 5% đến 10% kho thuốc của Pháp ; kêu gọi Nhà nước thay đổi cơ chế gọi thầu bệnh viện, hiện hạn chế ở một hoặc hai nhà cung cấp ; tạo điều kiện cho việc duy trì hoặc di dời trong khu vực Châu Âu các khu sản xuất hoạt chất cho các loại thuốc cần thiết. Theo Le Figaro, đây là cách để đảm bảo "tính độc lập dịch tễ" của Châu Âu.
Karl Lagerfeld, cây đại thụ thời trang thế giới, qua đời
Thế giới vừa mất gương mặt tiêu biểu của làng thời trang, nhà tạo mẫu người Đức Karl Lagerfeld, qua đời hôm 19/02, thọ 85 tuổi. Cuộc đời, sự nghiệp, những kỷ niệm về nhà thiết kế thời trang, giám đốc nghệ thuật của Chanel được nhiều nhật báo đăng tải.
Le Figaro dành nguyên phụ trang "Le Figaro et vous" để nói về "Monstre sacré" (Quái vật linh thiêng), người cuối cùng kết nối thời kỳ hoàng kim của thời trang và ngành công nghiệp may mặc toàn cầu hóa. Từ năm 1983, nhà thiết kế người Đức, đam mê văn hóa-văn minh Pháp, đã trở thành hình ảnh không thể tách rời của Chanel.
Theo Les Echos, mất Karl Lagerfeld, thương hiệu Chanel bổ nhiệm Virginie Viard, cánh tay phải của nhà tạo mẫu, vào vị giám đốc nghệ thuật tạm quyền, trong khi chờ đợi tìm được một gương mặt mới, ấn tượng, sáng tạo thay thế "quái vật linh thiêng cuối cùng".
Thu Hằng