Tư Chính : Hành động của tàu Trung Quốc theo AMTI (RFI, 22/07/2019)
Vụ việc xẩy ra từ đầu tháng Bảy, nhưng mãi đến ngày 19/07/2019, bộ Ngoại Giao Việt Nam mới chính thức lên tiếng phản đối đích danh Trung Quốc về việc cho tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) gần Trường Sa (Biển Đông), vừa khảo sát địa chất, vừa cản trở công việc thăm dò của Việt Nam.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft tại mỏ khí đốt Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. Reuters/Maxim Shemetov
Phản ứng được xem là mạnh bạo của Hà Nội đã được đưa ra ba hôm sau khi cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại Washington, ngày 16/07, đã công bố một báo cáo nêu chi tiết các hoạt động bất chấp luật lệ quốc tế của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính.
Bản báo cáo mang tựa đề "Trung Quốc sẵn sàng gây bùng nổ trên vấn đề tài nguyên khí đốt với Việt Nam và Malaysia" đã nêu bật hành vi khiêu khích của tàu hải cảnh Trung Quốc, trong vòng 6 tuần lễ đã hai lần xuống Biển Đông quấy phá công việc khai thác dầu khí của Malaysia rồi Việt Nam. Vào cùng một thời điểm, Bắc Kinh cũng phái một chiếc tàu của họ đến vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam để khảo sát địa chấn, tìm dầu khí.
Theo AMTI, hành động của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra va chạm giữa đội tàu hải cảnh và dân quân biển tháp tùng chiếc tàu khảo sát Trung Quốc với nhóm tàu chấp pháp của Việt Nam được phái đến nơi.
Đối với các chuyên gia Mỹ, tình hình cho thấy thái độ nước đôi của Trung Quốc : một mặt thì kiên quyết ngăn chặn các hoạt động dầu khí đơn phương mới của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào nằm bên trong trong đường chín đoạn mà họ dùng để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời sẵn sàng tự mình tìm kiếm và khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp.
Trung tâm nghiên cứu Mỹ đã căn cứ trên các dữ liệu công khai của Hệ Thống Nhận Dạng Tự Động (AIS) - ghi lại tín hiệu của các tàu thuyền trên 300 tấn hoạt động trên đại dương - để phác họa lại hoạt động của chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc mang ký hiệu Haijing 35111, thủ phạm chính của các hành vi khiêu khích nhắm vào Malaysia và đặc biệt là Việt Nam trong những ngày qua.
Theo AMTI, sau khi hoành hành trong tháng Năm tại vùng biền gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak của Malaysia, phá rối hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza của nước láng giềng Đông Nam Á, và có nhiều hành vi cực kỳ khiêu khích đối với tàu tiếp tế của Malaysia, chiếc Haijing 35111 đã quay về cảng ở Hải Nam, nghỉ ngơi trong vài ngày vào cuối tháng Năm, trước khi trở xuống phía nam một lần nữa để quấy phá Việt Nam.
Kể từ ngày 16/06, chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đã tuần tra một vùng cách bờ biển phía đông nam Việt Nam khoảng 190 hải lý, tập trung ở khu vực có lô dầu khí 06.1, nằm ở phía tây bắc của Bãi Tư Chính ( Vanguard Bank), trên thềm lục địa Việt Nam. Lô này cách đảo Trường Sa Lớn do Việt Nam kiểm soát 172 hải lý, và nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc.
Lô dầu khí này rất quan trọng đối với dự án Nam Côn Sơn của Việt Nam, được BP và ConocoPhillips phát triển vào đầu những năm 2000, với mục tiêu vận chuyển khí đốt bằng đường ống vào đất liền. Hiện nay, khí đốt tự nhiên đến từ mỏ Lan Đô ở lô 06.1 cung cấp tới 10% tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Tập đoàn Nga Rosneft đã trở thành nhà điều hành chính của lô này vào năm 2013 sau khi mua lại phần hùn của TNK-BP. Vào tháng 5 năm 2018, Rosneft đã ký hợp đồng thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan Dò Nhật Bản Japan Drilling Company, để khoan một giếng sản xuất mới tại một mỏ thứ hai ở lô 06.1.
Theo ghi nhận của AMTI, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo rằng "không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc, mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc".
Bắc Kinh đòi "các bên liên quan phải tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hòa bình và ổn định khu vực."
Lời cảnh cáo này được đưa ra sau hai sự cố vào tháng 7/2017 và tháng 8/2018, khi những đe dọa của Trung Quốc đã buộc được Việt Nam phải hủy bỏ công việc khoan dò tại các lô dầu khí gần đấy vốn được giao cho tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol.
Thế nhưng, lần này Rosneft có dấu hiệu không nao núng và vẫn tiếp tục công việc khoan dò tại Lan Đô và một mỏ khác gọi là Phong Lan Dại thuộc Lô 06.1. Vào tháng 5 năm 2019, Rosneft đã ký hợp đồng với Hakuryu-5 để khoan một giếng khác ở lô 06.1. Hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng giàn khoan đã hoạt động vào ngày 18 tháng 5.
Hành động đe dọa của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111
Trước việc Việt Nam và Rosneft coi thường cảnh cáo của mình, Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch sách nhiễu.
Theo AMTI, tín hiệu AIS cho thấy hai tàu tiếp tế của Việt Nam là Sea Meadow 29 và Crest Argus 5 đã thường xuyên đi lại giữa Vũng Tàu và Lô 06.1 kể từ tháng 5 để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5. Sử dụng lại chiến thuật sách nhiễu như đã từng dùng với giàn khoan Sapura Esperanza của Malaysia trước đó, tàu Haijing 35111 đã có những thao tác mang tính đe dọa gần các tàu Việt Nam này trong một nỗ lực rõ ràng để uy hiếp các chiếc tàu này. Một ví dụ : Ngày ngày 2 tháng 7, khi tàu Việt Nam rời giàn khoan Hakuryu-5, thì chiếc Haijing 35111 đã chạy xen vào giữa hai chiếc tàu này với tốc độ cao, chỉ cách tàu Việt Nam khoảng 100 mét, và cách giàn khoan chưa đến nửa hải lý.
Tàu hải cảnh Trung Quốc 35111 vẫn tiếp tục hoạt động xung quanh giàn khoan Hakuryu-5, được biết là có thời hạn hợp đồng từ 60 đến 90 ngày. Điều đó cho thấy là Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành mục tiêu mong muốn, và công việc khoan dò vẫn có dấu hiệu tiếp tục, mặc dù việc các hoạt động đó có bị cản trở hay không vẫn chưa được biết.
Cách hành xử của tàu Trung Quốc cũng bộc lộ giá trị của các đảo nhân tạo của Bắc Kinh đối với chiến thuật tấn công kiểu "vùng xám" của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau khi tuần tra quanh lô 06.1 trong gần một tháng, chiếc Haijing 35111 đã ghé tiền đồn Trung Quốc tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) từ ngày 12 đến 14 tháng 7, có lẽ là để được tiếp tế, trước khi quay trở lại vị trí gần giàn khoan Hakuryu-5.
Trung Quốc tăng sức ép
Không chỉ cho tàu hải cảnh sách nhiễu Việt Nam, vào ngày 3 tháng 7, chiếc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8), một tàu khảo sát thuộc sở hữu của cơ quan Khảo Sát Địa Chất Trung Quốc do chính phủ điều hành, đã bắt đầu khảo sát một khu vực rộng lớn dưới đáy biển ở phía đông bắc Lô 06.1.
Các hoạt động của con tàu khảo sát này đã được giáo sư Ryan Martinson thuộc Trường Hải Chiến Hoa Kỳ và nhiều người khác theo dõi gần như từng bước, và công bố trên các mạng xã hội.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang thực hiện một cuộc khảo sát dầu khí trên hai lô mà Trung Quốc gọi là Riji 03 và Riji 27. Vào năm 2012, Trung Quốc đã vạch ra những lô đó và bảy lô khác ngoài khơi Việt Nam rồi gọi thầu nước ngoài, nhưng đến nay không có ai tham gia.
Thời gian Trung Quốc tiến hành khảo sát hai lô dầu khí nói trên có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có rất nhiều khả năng là công việc này đã được quyết định nhằm trừng phạt Việt Nam vì đã cho phép Rosneft khoan dò tại Lô 06.1.
Trong cả hai trường hợp, theo AMTI, hành động của Trung Quốc đều mang tính chất cực kỳ khiêu khích. vì cả hai lô này rõ ràng nằm sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam. Cuộc khảo sát đang được Trung Quốc tiến hành ở một khu vực cách đảo Trường Sa Lớn 180 hải lý. Các lô này cũng nằm ngay ở phía bắc Nhà Giàn DK-1 mà Việt Nam kiểm soát nằm trên thềm lục địa ở phía tây nam quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã cho bảo vệ tàu khảo sát của họ một cách chặt chẽ, với ít nhất là bốn tàu hải cảnh hộ tống. Tàu Haijing 37111 và hai tàu hải cảnh khác không rõ số hiệu đã đi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 kể từ ngày 3 tháng Bảy. Còn có ít nhất một chiếc tàu dân quân biển được nhận diện trong đoàn tàu hộ tống : chiếc Quỳnh Tam Sa (Qiong Sansha) Yu 00114. Tín hiệu AIS của chiếc tàu này đã được truyền đi ngày 13/07 từ khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang hoạt đông.
Phản ứng của Việt Nam
Việt Nam đã đối phó với hoạt động khảo sát của Trung Quốc bằng cách gửi các tàu chấp pháp của mình đến nơi theo dõi chiếc Hải Dương Địa Chất 8.
Có ít nhất hai tàu kiểm ngư KN 468 và KN 472, rời Vịnh Cam Ranh để đến nơi theo dõi tàu khảo sát kể từ ngày 4 tháng 7. Tín hiệu AIS cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc tiếp tục hoạt động, được đoàn tàu hải cảnh hộ tống bao quanh và đẩy lùi các chiếc tàu Việt Nam cố xông vào ngăn chặn.
AMTI cảnh báo : Tình hình tại cả Lô 06.1 lẫn chung quanh khu vực Trung Quốc khảo sát dầu khí rất khó lường và nguy hiểm. Do việc hai bên đang đối đầu nhau và không ngần ngại có hành vi khiêu khích, rõ ràng là đang có nguy cơ một vụ va chạm vô tình có thể dẫn đến leo thang.
Cho dù những sự cố kể trên diễn biến ra sao, các hành động của Trung Quốc ngoài khơi cả Malaysia lẫn Việt Nam kể từ tháng Năm cho thấy là Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng ép và đe dọa dùng vũ lực để ngăn chặn các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng, ngay cả khi bản thân Trung Quốc cũng tự mình theo đuổi hoạt động thăm dò năng lượng tại vùng biển tranh chấp.
Mai Vân
********************
Trong lúc cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để giải quyết vụ việc mà Hà Nội nói là Bắc Kinh vi phạm lãnh hải của mình.
Vụ đối đầu được cho là bắt đầu sau khi Trung Quốc hôm 3/7 đưa một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh vào khu vực mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình để tiến hành khảo sát địa chất. Việc này khiến Việt Nam phải điều các tàu hải cảnh của họ tới khu vực này.
Đây là vụ đối đầu căng thẳng nhất giữa hai quốc gia Cộng sản láng giểng kể từ năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và gây ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc quy mô lớn trong và ngoài nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc "vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam" trong khu vực Biển Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, "đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".
Ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang hành động "bất hợp pháp" trên Biển Đông và vi phạm "nghiêm trọng" UNCLOS 1982. Ông nói thêm : "Bằng việc làm như vậy, Trung Quốc đang tìm cách làm cho Việt Nam phải chấp nhận một cách từ từ quyền bá chủ và thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực".
Giáo sư về luật hành hải quốc tế cho rằng Việt Nam "nên kiện" Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định "Việt Nam hầu như là sẽ thắng".
Giải thích vì sao Việt Nam có cơ hội chiến thắng, ông Kraska cho biết "phán quyết cuối cùng sẽ do chủ tịch của tòa trọng tài quốc tế về luật biển và không có ai (nước nào) ngoài Trung Quốc tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm là hợp pháp".
Vụ đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm tròn 3 năm sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 12/7/2016, tòa quốc tế ở La Haye đã tuyên bố Philippines giành phần thắng trong vụ kiện mà Trung Quốc đòi tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên Bắc Kinh không bao giờ công nhận phán quyết này.
Cùng ý kiến với ông Kraska, ông Jonathan Odom – giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ, nhận định rằng Hà Nội "có thể dùng hầu hết phần biện hộ" của Manila trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cách đây 3 năm và có khả năng "chiến thắng" về mặt pháp lý.
"Vì vậy, chỉ là câu hỏi liệu Hà Nội có đủ quyết tâm chính trị để làm việc đó hay không thôi", ông Odom đưa ra nhận định trên trang Twitter cá nhân.
Trung Quốc trước đây bị coi là đã "bắt nạt" Việt Nam trong các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Việt Nam được cho là đã phải ngừng 2 dự án thăm dò dầu khí với đối tác nước ngoài dước sức ép của Bắc Kinh.
Theo cập nhật hôm 21/7 của ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc và là giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc "vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Nói với VOA hôm 17/7, ông Martinson cho rằng Trung Quốc "quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển", sau khi Hà Nội "cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây của Bãi Tư Chính".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ra hôm 20/7 cáo buộc các hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước có tuyên bố chủ quyền khác, trong đó có Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus Mỹ nói rằng "Trung Quốc phải chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và ngừng các hành động gây hấn và làm mất ổn định như vậy".
Theo ông Kraska, việc Mỹ nêu quan ngại về các hành động của Trung Quốc lần này là "cần thiết nhưng chưa đủ" vì Trung Quốc "đã lớn mạnh rất nhiều trong 20 năm qua".
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales của Úc cho rằng Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vụ tranh chấp này.
Viết trong một bản tin ra ngày 18/7, chuyên gia về tình hình Việt Nam nói rằng Hà Nội nên "kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên của cộng đồng quốc tế để ủng hộ Việt Nam trong việc tán thành các quyền của họ theo UNCLOS".
Theo ông Kraska, ngoài Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất hiện nay, Việt Nam nên tìm kiếm sự ủng hộ của các nước có cùng mục đích kháng cự sức mạnh của Trung Quốc trong vực như Nhật, Úc và Ấn Độ.
Trong tuyên bố ra ngày 19/7, bà Hằng nói rằng "Việt Nam mong muốn các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".
******************
Bãi Tư Chính : Tại sao Trung Quốc "đánh" Việt Nam vào lúc này ? (RFI, 22/07/2019)
Năm năm sau cơn sốt 2014, khi việc Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam làm dấy lên cả một phong trào phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam, từ tháng Sáu vừa qua, Bắc Kinh lại bất ngờ gây sự trở lại với Việt Nam, lần này bằng cách cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được cả một đoàn tàu hải cảnh và tàu dân quân biển hộ tống, tiến vào khảo sát một khu vực rộng lớn nằm sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019. AMTI (CSIS)
Không những thế một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc còn liên tục chạy đến khiêu khích và sách nhiễu công việc khai thác dầu khí của Việt Nam tại một vùng mỏ cũng ở trong vùng thềm lục địa mà Việt Nam đã khai thác từ lâu.
Câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này, tức là lúc mà quan hệ hai bên đang bình thường hóa trở lại. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc thuộc trường Đại học New South Wales, cho rằng tùy theo cấp thẩm quyền tại Trung Quốc đã ra lệnh tấn công Việt Nam, nguyên do có thể khác nhau.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông, theo giáo sư Thayer, có thể là quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu Khí Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, chồng chéo với các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Tưởng lầm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục lùi như trong vụ Repsol
Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô trong khu vực Bãi Tư Chính. Theo giáo sư Thayer, rất có thể là các quan chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát, trái ngược với tám mươi chiếc hoặc nhiều hơn nữa tháp tùng giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014…
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI cho rằng Trung Quốc tìm cách "trừng phạt" Việt Nam vì đã bật đèn xanh cho chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nga Rosneft tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy đoán, vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Hành động của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính cũng có thể là kết quả của một tính toán chiến lược ở cấp cao. Theo giáo sư Thayer, trong trường hợp này, có thể cho rằng "Trung Quốc đang tìm cách chống lại thái độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để Hoa Kỳ hụt chân".
Lý do chiến lược : Ép Việt Nam để phá Mỹ
Thái độ quyết đoán mới của Hoa Kỳ được thể hiện qua việc tăng cường các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn công của dân quân biển Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc tấn công bằng lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay, Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
Dụng tâm chiến lược kể trên được thấy trong phản ứng gay gắt của Bắc Kinh vào hôm nay, 22/07, sau khi bị Washington công khai vạch mặt chỉ tên về hành vi"bức hiếp" các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trên vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án Mỹ vu khống Trung Quốc, đồng thời nhắc lại lập luận cố hữu của Bắc Kinh là Hoa Kỳ và "nhiều thế lực bên ngoài" khác cố tình khuấy động tình hình Biển Đông, phá hoại các "cố gắng của Trung Quốc và các nước ASEAN đang giải quyết bất đồng bằng đối thoại" để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc phản đối tuyên bố của Mỹ về vụ Tư Chính (RFI, 22/07/2019)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 22/07/2019 chỉ trích Mỹ "vu khống" Trung Quốc qua việc Washington lên án Bắc Kinh cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.
Ảnh chụp các đảo Trường Sa từ trên không, ngày 21/04/2017. Ted ALJIBE / AFP
Họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ "thóa mạ" Trung Quốc về sự cố tại bãi Tư Chính. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc chỉ trích Bắc Kinh ngăn cản các quốc gia trong khu vực khai thác năng lượng tại Biển Đông là nhằm mục đích đổ thêm dầu vào lửa, trong lúc mà Trung Quốc Trung Quốc và các nước láng giềng đang "nỗ lực san bằng những bất đồng" về tranh chấp chủ quyền.
Ông Cảnh Sảng kêu gọi Washington ngưng đưa ra những tuyên bố "vô trách nhiệm" như trên và nên "tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc cùng các nước ASEAN giải quyết bất đồng bằng đối thoại, vì hòa bình và ổn định tại Biển Đông".
Hãng tin Anh, Reuters nhắc lại, hôm 20/07/2019 Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ quan ngại về những "hành động khiêu khích liên tục" của Bắc Kinh, đặc biệt là trong vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc "ngưng các hành vi quấy nhiễu và đe dọa các quốc gia trong khu vực".
Ngoại trưởng Mike Pompeo đầu năm 2019 từng trực tiếp lên án Trung Quốc "cưỡng bức, ngăn chận các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn năng lượng trị giá hơn 2.500 tỷ đô la".
Hà Nội hôm 19/07/2019 cáo buộc một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Tàu của Trung Quốc đã tiến hành thăm dò ở bãi Tư Chính, quần đảo Trường Sa. Tàu hải cảnh Trung Quốc còn đe dọa các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan do tập đoàn Nga Rosneft khai thác ở lô dầu 06-1.
Thanh Hà
*******************
Trung Quốc đứng đầu danh sách các mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ (RFA, 21/07/2019)
Trung Quốc đứng đầu danh sách các mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ, và có khả năng biến đổi trật tự thế giới thành ‘tốt hay xấu’.
Thứ trưởng Quốc phòng John Rood phụ trách về chính sách của Ngũ Giác Đài tại Diễn đàn An ninh Aspen - AFP
Thứ trưởng Quốc phòng John Rood phụ trách về chính sách của Ngũ Giác Đài phát biểu như vừa nêu tại Diển đàn An Ninh Aspen ở Colodado như vừa nêu và được South China Morning Post loan đi ngày 21 tháng 7.
Trung Quốc là một chủ điểm được nói đến nhiều trong diễn đàn kéo dài 4 ngày qui tụ các quan chức Hoa Kỳ hàng đầu và những thủ lãnh về chính sách trên thế giới vừa kết thúc vào ngày thứ bảy 20 tháng 7.
Tướng về hưu Tony Thomas cho rằng Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, là một thách thức lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ mà Hoa Kỳ từng chứng kiến trong khoảng thời gian gần 20 năm.
Ông Chris Brose, Cựu giám đốc Ủy ban Quân Vụ chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của Bộ Quốc phòng đề cập đến tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông và tại vùng biên giới với Ấn Độ và đó nên là một tập trung lớn đối với những nộ lực an ninh của Hoa Kỳ.
Ông Chris Brose cũng cảnh giác rằng Washington có nguy cơ mất thế thượng phong nếu như không có ứng phó đối với việc Bắc Kinh đầu tư sâu rộng vào công nghệ ; tuy nhiên ông này lạc quan cho rằng Trung Quốc đã không thể tạo nên một mối nguy bao trùm.
Cũng tin liên quan, tại Diễn đàn An ninh Aspen, chỉ huy quân đội tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson, vào ngày thứ năm 18 tháng 7 phát biểu rằng những tên lửa mà Trung Quốc bắn ra Biển Đông vào tháng trước là một loại tên lửa đạn đạo chống ngầm mới mà Bắc Kinh phát triển được.
Tin này do Đài NHK của Nhật loan đi ngày 19 tháng 7 và theo đô đốc Philip Davidson thì có sáu tên lửa đạn đạo chống ngầm được bắn đi và đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho bắn thử nghiệm loại tên lửa này ra Biển Đông.
Đô đốc Philip Davidson cho rằng vụ thử tên lửa đó của Trung Quốc không chỉ đưa ra một thông điệp đối với Hoa Kỳ mà cho toàn thế giới.
Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông ? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ - Trung khiến Tập Cận Bình "xuất khẩu bất ổn" ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn ?
Dàn DK1 - Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa
Trong khi dư luận Việt Nam vẫn xôn xao với lon coca và lu nước chống ngập, thì ngoài Biển Đông, những giằng co giữa lực lượng kiểm ngư Việt Nam với lực lượng biển Trung Quốc tại Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp tục.
Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông ? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ - Trung khiến Tập Cận Bình "xuất khẩu bất ổn" ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn ?
Panos Mourdoukoutas trong một bài viết trên forbes đã nhấn mạnh, Bắc Kinh không nên đối xử với Việt Nam như Philippines. Tác giả này lý giải, bởi điều đó sẽ không thành công và sẽ không giúp cho sự hội nhập kinh tế của khu vực.
Việt Nam không muốn điều đó, và đó là lý do vì sao mà Hà Nội đã "triển khai lực lượng của mình để đối đầu với các tàu Trung Quốc, tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp".
Bắc Kinh đang áp dụng trò chơi đảo chiều đối với Việt Nam, tương tự như làm với Philippines. Theo đó, Bắc Kinh đã từng biến Philippines từ một kẻ thù thành một người bạn, và thúc đẩy kế hoạch biến Biển Đông thành biển của chính mình. Đó là lý do vì sao vào tháng 4. 2018, Duterte đã đảo ngược quyết định trước đó của mình về việc giương cờ Philippines tại các đảo tranh chấp, thậm chí là hoãn thi hành phán quyết trọng tài quốc tế về Biển Đông (vốn có lợi cho nước này) theo lời khuyên thân thiện của Bắc Kinh.
Sự yếu đuối của Duterte thể hiện ngày càng rõ, khi nội các của ông đã gọi vụ Trung Quốc đâm "chìm tàu ngư dân" chỉ là sự "va chạm".
Và sự thật là, ông Duterte nói rằng ông không thể ngăn tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển Philippines. Văn phòng của ông tiết lộ ông đã ký một thỏa thuận bằng lời nói vào năm 2016 với Chủ tịch Tập Cận Bình để cho phép các tàu Trung Quốc đánh cá, bao gồm cả ở Bãi Cỏ Rong - Reed Bank, để đổi lấy việc Philippines tiếp cận các khu vực tranh chấp khác dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu thử chiến lược tương tự với Việt Nam. Tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, "kêu gọi hai nước để thúc đẩy tình hữu nghị và tăng cường hợp tác để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới", theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Tuy nhiên, "hợp tác" theo hướng hội nghị này không hẳn là khiến cho tình hình êm dịu. Bởi, tranh chấp hàng hải lần này vẫn diễn ra, bất chấp cam cam kết hồi tháng 5, của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực.
"Vị trí của Trung Quốc trong Biển Đông là rất rõ ràng. Chúng tôi kiên quyết giữ vững lợi ích và quyền chủ quyền của mình ở đó".
Giáo sư Baladas Ghoshal, chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ về Đông Nam Á trong một bài luận đăng trên ET vào ngày 13/7, đã lý giải các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Theo đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, bất chấp kỷ niệm 3 năm phán quyết của PCA về Biển Đông xuất phát từ lòng tham vô độ của Bắc Kinh đối với đất đai và lãnh thổ, tham vọng muốn cạnh tranh sự thống trị khu vực với Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không tranh cãi đối với đảo Thị Tứ, và thể hiện sức mạnh của mình bằng cách triển khai ít nhất bốn máy bay chiến đấu J-10 tới. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu hiện diện ở đây kể từ năm 2017.
Việc triển khai cũng là một tuyên bố rằng Trung Quốc có thể mở rộng sức mạnh không quân của họ trên biển Đông và những vùng vận chuyển quan trọng, như J-10 (máy bay phản lực có tầm bắn chiến đấu lên đến 500 dặm), theo nhu cầu của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng xây dựng các cơ sở trên đào, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay tại sân bay, nâng cấp hai bến cảng và thực hiện cải tạo đất đai. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Bắc Kinh thử nghiệm tên lửa chống hạm. Lầu Năm Góc đã lên án hành động mới nhất của Trung Quốc là tiếp tục quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Lầu Năm Góc, theo một tuyên bố chính thức, đã ghi nhận nhiều vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, và mô tả vụ phóng tên lửa này thực sự đáng lo ngại vì nó mâu thuẫn với Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Vườn hồng 2015. Khi đó, ông Tập đã cam kết với Mỹ, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới rằng ông sẽ không quân sự hóa các tiền đồn nhân tạo đó.
Tên lửa DF-21D, sát thủ hàng không mẫu hạm, có tầm bắn 1.500 km cũng hiện diện trên khu vực Biển Đông.
Những tranh chấp và lấn lướt bất chấp các quan điểm và thỏa thuận trước đó của Bắc Kinh đã chỉ ra điểm yếu của ASEAN.
Trong cuộc chiến chéo giữa Mỹ - Trung, ASEAN rơi vào tình trạng bất lực vì thiếu sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông. ASEAN chắc chắn lo ngại về tình hình xấu đi ở Biển Đông, điều này được thể hiện trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN trong một hội nghị gần đây.
"Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và bày tỏ một số lo ngại về việc cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực, đã làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin lẫn nhau".
Có vẻ, Trung Quốc đã thành công trong cách tiếp cận của mình, "hoãn tranh chấp và cùng phát triển tài nguyên".
Vậy giải pháp duy nhất đặt ra đối với vấn đề Biển Đông là gì ?
Đó là thông qua Bộ quy tắc ứng xử (CoC) có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này hiện đang được đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng có những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc bởi Bắc Kinh được cho là không ưa thích một CoC ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng một CoC không ràng buộc như vậy sẽ là vô nghĩa. Thứ hai, Trung Quốc cũng đã cho thấy xu hướng đàm phán với các quốc gia yêu sách khác trên cơ sở một đối một. Và cách thức này khiến Bắc Kinh cảm thấy có thể áp đảo ý chí đối với quốc gai đối diện, bởi sức nặng ngoại giao và kinh tế đối với các quốc gia nhỏ hơn. Đây là lý do tại sao CoC phải được ASEAN đàm phán chung với Trung Quốc và không thành viên ASEAN nào nên có thỏa thuận riêng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đồng ý với một CoC ràng buộc, ai sẽ thực hiện nó ?
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang đau đầu, khi Bắc Kinh gây hấn trong trước thềm Đại hội Đảng tiếp theo. Những lo lắng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý không tốt với vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tổ chức Đại hội của mấy năm về trước đang quay trở lại.
Một bóng ma thực sự mang tên Bắc Kinh.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 15/07/2019
Tham khảo
- https://www.bloomberg.com/graphics/2019-south-china-sea-silent-war/
Dường như, những gì Trung Quốc đang gặp hiện tại đều được tái hiện một cách đầy đủ ở Việt Nam (từ vấn đề bất động sản, số liệu tăng trưởng không đáng tin cậy...).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về những rủi ro có thể so sánh với thiên nga đen và tê giác xám trong bài phát biểu hồi tháng 1. (Đoạn phim Nikkei / Hình ảnh Getty / Reuters)
Xuất phát từ phương châm 16 chữ vàng của quan hệ Việt - Trung, do lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra - 'Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan' (nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh), người viết lược dịch một bài viết của Nikkei (xuất bản ngày 31/01) với chủ đề khá hay cho năm Kỷ Hợi – ‘Trung Quốc : bạo loạn, chiến tranh, đàn áp’, để từ đó bạn đọc có cái nhìn đối chiếu về Việt Nam. Bởi dường như, những gì Trung Quốc đang gặp hiện tại đều được tái hiện một cách đầy đủ ở Việt Nam (từ vấn đề bất động sản, số liệu tăng trưởng không đáng tin cậy,..). Và sự ‘biến động’, kể cả về mặt kinh tế lẫn chính trị đều tác động rộng rãi đến bản thân Việt Nam, nhất là về mặt kinh tế - khi mà EVFTA đang bị hoãn, thì nhiều quan điểm có xu hướng ‘cậy nhờ’ vào quan hệ hai chiều Việt – Trung trong giữ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Trung Quốc 2019 : bạo loạn, chiến tranh, đàn áp
Nikkei [1], trong một bài bình luận thú vị ngày 31/01/2019, đã nhận định, Tập Cận Bình chuẩn bị cho một năm đầy biến động.
Trong thế giới mê tín của Trung Quốc, con số 4 (tử) là con số không may mắn, nhưng con số 8 (bát) lại là con số tốt lành.
Và dân mạng (Trung Quốc ? – người dịch) tiếp tục đồn đoán về con số 9 (cửu).
Con số 9, lại là con số mang tính ‘vĩnh cửu’, nhưng nó gắn với các sự kiện lịch sử đầy tính chất ‘bạo loạn, chiến tranh, đàn áp’ của Trung Quốc, kể thời điểm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Cụ thể, tháng 10 năm 1949 - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập ; tháng 3 năm 1959 - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 bị buộc phải lưu vong ở Ấn Độ ; tháng 3 năm 1969 -một cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn xảy ra giữa Trung Quốc và Liên Xô trên đảo Zhenbao ; tháng 2 năm 1979 - Chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam ; tháng 3 năm 1989 - Thiết quân luật được áp đặt tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, trong bối cảnh đụng độ dữ dội ; tháng 5 năm 1989 - Thiết quân luật được áp đặt tại Bắc Kinh khi các cuộc biểu tình của sinh viên lan rộng. Quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn và nhiều người đã thiệt mạng ; tháng 4 năm 1999 - Những người theo phong trào tâm linh Pháp Luân Công bao quanh khu vực lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh ; tháng 7 năm 2009 - Bạo loạn nổ ra ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ của Tân Cương, khiến nhiều người thiệt mạng ; tháng 2 năm 2019 - Các công tố viên Hoa Kỳ truy tố Huawei Technologies, các công ty liên quan.
Và không ít cư dân mạng chỉ ra rằng hầu hết những sự cố đáng tiếc này đã xảy ra trong nửa đầu của năm có số 9.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập hợp lãnh đạo trung ương cũng như các quan chức cấp cao cả nước vào ngày 21/1, ông ta đã có một bài phát biểu bất thường, nhấn mạnh đến những rủi ro đối với quốc gia, mọi người tự hỏi liệu nó có liên quan đến số chin hay không ?. Bởi trong bài phát biểu của mình, Tập đã đề cập đến hai con vật tượng trưng cho những rủi ro mà Trung Quốc phải chuẩn bị : thiên nga đen và tê giác xám.
Trong thuật ngữ thị trường tài chính, một con thiên nga đen đề cập đến một sự cố nghiêm trọng, không lường trước được, bất chấp sự khôn ngoan thông thường. Thuật ngữ ‘thiên nga đen’ được đặt ra vào cuối thế kỷ 17 khi những con thiên nga đen được phát hiện ở Úc, gây sốc cho người phương Tây, những người từ lâu đã tin rằng chúng không tồn tại.
Một con tê giác xám đề cập đến một nguy cơ tiềm tàng rất rõ ràng nhưng bị bỏ qua. Một con tê giác có màu xám là điều khá tự nhiên. Hẳn đó là một con tê giác hiền lành, không có lý do gì để quan tâm. Nhưng một khi nó nổi giận, không ai có thể kiểm soát được.
Tập nhấn mạnh thông điệp rằng các cán bộ đảng phải ‘đấu tranh’ để tránh những rủi ro đe dọa sự ổn định xã hội, báo hiệu rằng đây là những rủi ro đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản, nhưng ông không nói rõ những rủi ro đó thực sự là gì.
Những người nghe bài phát biểu đang nghĩ về hai khả năng.
Đầu tiên là cuộc chiến kinh tế, thương mại và công nghệ Trung-Mỹ đang diễn ra. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 28/1 đã công bố hơn 20 cáo buộc chống lại Huawei, từ các giao dịch bất hợp pháp với Iran đến ăn cắp bí mật về cánh tay robot của T-Mobile. Bản cáo trạng được đưa ra vào đêm trước của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, che giấu triển vọng cho các cuộc đàm phán.
Rủi ro thứ hai là sự chậm lại nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, được kích hoạt bởi nợ quá mức và các công ty tư nhân đang gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Trung Quốc.
Các nhà cải cách kinh tế của Trung Quốc cũng đã bắt đầu nói về những rủi ro tương tự, cảnh báo người dân về những nguy cơ.
Ví dụ, có sự hoài nghi về mức độ tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc. Vốn được chính thức công bố vào ngày 21/1 - cùng ngày với bài phát biểu của Tập - rằng nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 6,6% theo giá trị thực trong năm 2018.
Nhưng Hứa Tùng Tộ, Giáo sư tại Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, cho biết trong một bài giảng vào tháng 12 năm ngoái rằng nghiên cứu nội bộ ước tính tăng trưởng trong năm 2018 có thể thấp tới 1,67%.
Nếu đó là sự thật, tất cả các giả định đều bị phá vỡ. Trên thực tế, nhiều ước tính mới cho thấy tăng trưởng kinh tế thấp đã xuất hiện kể từ đầu năm.
Giáo sư Tộ là một người tham dự thường xuyên tại các hội nghị tài chính quốc tế. Sự thẳng thắn của ông ấy đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng ông ấy đã không lùi bước và vẫn tự tin về số liệu của mình.
Tại một diễn đàn kinh tế ở Thượng Hải vào ngày 20/1, Giáo sư Tộ đã chỉ trích một số nhân vật học thuật và truyền thông đã gây hoang mang và làm mất tinh thần các công ty tư nhân bằng cách đột ngột tuyên bố bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân vào năm 2018 hoặc đánh giá sai hoàn toàn tác động nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Những tuyên bố của Giáo sư Tộ có vẻ nhận được sự hỗ trợ nhất định giữa các nhà cải cách và giới trưởng lão trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Để đối phó với suy thoái kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế truyền thống, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung. Có khả năng nếu kích thích khổng lồ trả hết và tiêu dùng phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đón đầu vào nửa cuối năm 2019, khi một buổi lễ sẽ được tổ chức để kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhưng lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Quốc là không thể đoán trước được. Và có một rủi ro lớn khác cho nền kinh tế Trung Quốc : thị trường bất động sản.
Trong bài giảng ngày 20/1, một ngày trước bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Giáo sư Tộ đã nói về một con tê giác xám. Không giống như ông Tập Cận Bình, Giáo sư Tộ đề cập cụ thể hơn. Theo Giáo sư Tộ, một con tê giác xám dự kiến vào năm 2019 là nguy cơ thị trường bất động sản Trung Quốc bùng nổ. Giáo sư Tộ ước tính rằng 80% tài sản hiện đang thuộc sở hữu của người Trung Quốc là ở bất động sản. Tổng giá trị của tài sản này bằng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Mặc dù mọi người đều biết về trò chơi kiếm tiền phi thường này, nhưng không có biện pháp đối phó hiệu quả nào được thực hiện. Một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng khối tài sản khổng lồ của họ không hơn một ảo ảnh và tài sản tài sản của họ sẽ giảm giá trị, Giáo sư Tộ đã cảnh báo.
Điều này sẽ tương tự như cách mà nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản bùng nổ vào những năm 1990. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tuyên bố đã học được bài học từ những thất bại của Nhật Bản, nhưng tiếng chuông báo động vẫn đang tiếp tục vang lên ở Trung Quốc.
Về phía Chính phủ Tập Cận Bình, với sự không chắc chắn xuất hiện trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tập Cận Bình đã không thể ấn định ngày họp và quyết định kế hoạch tăng trưởng kinh tế cho những năm tới.
Việt Nam thì sao ?
So với Trung Quốc, thì con số 9 của Việt Nam lại gắn liền với yếu tố tấn công và tự vệ, thiên tai hơn. Cụ thể, năm 1959 là sự phát động tấn công vũ trang ở miền Nam của Xứ uỷ Nam Bộ ; 1969 là năm tấn công của quân Giải phóng miền Nam vào Nam Việt Nam ; 1979 là cuộc tự vệ trước cuộc chiến Biên giới do Trung Quốc phát động ; đại hồng thủy năm 1999 và 2009. Tuy nhiên, số 9 lại cũng gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm xảy ra tại Việt Nam những năm 1979, 1989, 1999 và 2009.
Đầu tiên, như đã đề cập, những biến động từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam. Những sự kiện như 10/1949 (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập) trở thành động lực cho Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành mở rộng chiến tranh trong nước ; 2/1979 là cuộc chiến Biên giới tác động đến mối quan hệ Việt Trung hai thập niên sau đó ; 5/1989 - Thiết quân luật được áp đặt tại Bắc Kinh khi các cuộc biểu tình của sinh viên lan rộng là thời điểm mà Việt Nam lắng nghe tình hình và ban hành các chính sách siết chặt tự do – dân chủ, đặc biệt là các cuộc biểu tình hoặc có xu hướng biểu tình.
Năm 2019, khi Trung Quốc đang bắt đầu đối diện với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng với sự khởi động tấn công vào ‘nhân quyền kiểu Trung Quốc’ của nhà tỷ phú, nhà từ thiện Mỹ George Soros tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos thì Việt Nam cũng đón nhận tin tức không tốt lành liên quan đến EVFTA bị ‘hoãn ký’ do vấn đề nhân quyền. Điều này, có thể khiến cho mối quan hệ kinh tế Việt – Trung gắn kết với nhau, nhưng nó cũng khiến cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh, bởi EVFTA được nhiều chuyên gia như bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh là 'cực kỳ quan trọng' trong đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế [1].
Sự lệ thuộc này là vô cùng nguy hiểm, bởi con số tăng trưởng và sự bền vững của nền kinh tế Trung Quốc đã không thực như cách mà Bắc Kinh bày tỏ ra ngoài - với sự chỉ trích của GS Hứa Tùng Tộ. Blogger Hoàng Tư Giang, một nhà báo chính thống cũng tỏ ra tiếc nuối trước sự kiện EVFTA tạm hoãn ký kết, mà theo ông, Lẽ ra có Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về hội nhập, thì tất cả phải đi theo tinh thần của nó. Và ông cho rằng, lời nhắc nhở của hai Nghị viên EU về việc dời lại Hiệp định ('Việc dời lại Hiệp định mở ra một cánh cửa cơ hội') là câu nhắn nhủ thấm thía (không hội nhập là mất cơ hội, mất cơ hội là đi đôi với nghèo hèn).
Cùng với các sự kiện bị bao vây kinh tế từ Mỹ, ngôi vị chính trị của Tập Cận Bình (người truyền cảm hứng thiết lập quyền lực chính trị cho ông Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) cũng đang bị lung lay với sự kiện chỉ trích của Giáo sư Hứa Tùng Tộ (người được đánh giá là tiếng nói gián tiếp của các nguyên lão trong Đảng Cộng sản Trung Quốc) về mặt kinh tế. Cùng với nguy cơ bất động sản trong nước, và sự rối loạn liên quan đến chiến dịch 'đả hổ diệt ruồi', điều này có thể khiến Tập Cận Bình có thể hướng sự bất ổn ra ngoài bằng sự phát động một cuộc chiến tranh bên ngoài Trung Quốc, như cách mà Tập Cận Bình lên tiếng cảnh báo về 'chiến tranh' trong thông điệp đầu năm. Và ngoài Đài Loan, thì Biển Đông được các chuyên gia đánh giá là nơi dễ xảy ra xung đột quân sự nhất với quan điểm 'xuất khẩu bất ổn' thời Tập Cận Bình. Và điều này có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng gợi nhớ về quan điểm của mình vào năm 2015, khi ông trao đổi với giới cử tri của mình rằng : 'Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?...'. Bởi nếu Tập Cận Bình gặp sự đe dọa về địa vị chính trị qua sự thoái lui liên tục của kinh tế Trung Quốc trong vấn đề thương mại Mỹ - Trung thì đồng thời, Biển Đông là nước cờ để Tập Cận Bình dựa vào đó duy trì quyền lực của mình.
Bên cạnh đó, sự không ổn định của địa vị chính trị Tập Cận Bình cũng có thể gián tiếp gây ra những khó khăn cho bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, bởi dù chưa có sự minh chứng xác thực về 'số phận tương thân' của hai người đứng đầu Đảng cộng sản của cả 2 nước, nhưng sự 'sao chép' từ hợp nhất hai chức vị đến cuộc chiến 'đốt lò' đã cho thấy tương quan trong hành vi của hai nhà lãnh đạo, và Việt Nam luôn được cho là sử dụng Trung Quốc như một 'tấm gương' phản chiếu trong thực hành hành vi chính trị trong nước.
Nếu Tập Cận Bình bị tổn hại trong nước, thì đồng thời, có thể ông Nguyễn Phú Trọng sẽ gián tiếp bị tổn hại - đến từ cuộc chiến đốt lò. Bởi hơn ai hết, cuộc chiến 'đốt lò' đã chạm đến mối dây lợi ích nhóm cực kỳ lớn trong nhóm nhỏ những người làm chính yếu ở Việt Nam lẫn Trung Quốc. Nhưng trên hết, có lẽ ông Tổng bí thư-chính trị nước Nguyễn Phú Trọng phải 'chịu trách nhiệm chính' trong việc bỏ lỡ EVFTA lần này (nếu như EVFTA chính thức bị lùi đến cuộc bầu cử năm sau), vì cách ứng xử nhân quyền của ông cũng như quan điểm mang tính ngắn hạn về kinh tế trước đó - 'Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế'. Nó đồng thời sẽ lặp lại một chu kỳ không còn khả năng tăng trưởng, mà chỉ thuần túy là hô hào như giai đoạn trước đó (2006 - 2016).
Đó là lý do vì sao, người viết đã sử dụng tiêu đề : 2019 : năm đáng nguyền rủa của Trung Quốc và Việt Nam ? Và thực sự là đáng nguyền rủa đối với bản thân Việt Nam nếu như Hà Nội không có chuyển biến mang tính hội nhập đầy đủ về trách nhiệm với tất cả các mặt, về cả nhân quyền và kiểm soát quyền lực.
Một viễn cảnh có thể đặt ra với Việt Nam, tương tự như Trung Quốc : Thủ tướng Việt Nam không thể ra quyết định kế hoạch tăng trưởng kinh tế cho những năm tới, vì các cơ sở đều bị đổ nát (hoặc bị phá hoại một cách chủ quan, vô ý) từ bên trong.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : The cursed year : Xi and China brace for a wild 2019, Nikkei Asian Review, 31/01/2019
Hoa Nghi lược dịch và nhận định
Nguồn : VNTB, 03/02/2019
Như chúng tôi từng cảnh báo, chiến lược thôn tính Việt Nam của Trung Quốc trong kỷ nguyên của chiến tranh hiện đại là từng bước hình thành nhiều gọng kìm nhằm bủa vây và siết chặt dải đất hình chữ S từ mọi hướng : biên giới phía bắc, biên giới Lào - Việt, biên giới Campuchia - Việt Nam, vùng biển Tây Nam, Biển Đông và vùng duyên hải Việt Nam.
Vị trí của doanh nghiệp Trung Quốc tại Cửa Việt trên bản đồ. Ảnh : Lê Anh Hùng
Trong tương lai, khi một cuộc chiến khó tránh khỏi giữa Hà Nội và Bắc Kinh xẩy ra, tiếng súng của quân xâm lược sẽ không chỉ nổ trên phòng tuyến biên giới phía bắc, giống như từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 trở về trước, mà Việt Nam sẽ rơi vào cảnh "tứ bề thọ địch" theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Lúc đó, quân Trung Quốc sẽ tiến đánh Việt Nam từ biên giới phía bắc, từ biên giới Lào - Việt (đội quân nằm vùng dọc biên giới Lào - Việt hoặc từ Vân Nam kéo sang), từ biên giới Campuchia - Việt Nam (đội quân nằm vùng dọc biên giới Campuchia - Việt Nam), vùng biển Tây Nam (căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm bên bờ biển Campuchia nhìn ra Vịnh Thái Lan, nơi Bắc Kinh đã thuê 90km chiều dài bờ biển Campuchia trong 99 năm), Biển Đông (các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cùng hàng loạt tàu sân bay, tàu chiến, tàu ngầm khác) và vùng duyên hải Việt Nam (các căn cứ quân sự đội lốt "dự án kinh tế" mà Bắc Kinh đã thiết lập dọc theo bờ biển Việt Nam).
Vị trí Cửa Việt thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975
Các mũi tấn công này sẽ khiến Việt Nam bị chia cắt thành nhiều phần khi các gọng kìm đánh từ ngoài Biển Đông vào hợp lực với các gọng kìm đánh từ Lào và Campuchia sang. Một khi bị chia cắt tại nhiều nơi như vậy, thế trận liên phòng giữa các vùng miền của Việt Nam sẽ nhanh chóng bị phá vỡ và tê liệt, giúp Bắc Kinh dễ dàng làm chủ toàn bộ chiến trường.
Kế sách "đánh mà thắng" như trên thực ra mới chỉ là "kế trung sách" của các bộ óc Đại Hán. "Kế thượng sách" mà các ông chủ Trung Nam Hải nhắm đến là "không đánh mà thắng". Với một thế trận bị các gọng kìm quân sự bủa vây và siết chặt tứ bề như vậy thì Việt Nam làm sao có thể "cựa quậy" nổi, ấy là chưa kể vô số những quả "bom nổ chậm" đang chờ "kích hoạt" tại hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia từ Bắc chí Nam trong đó doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu tới 90% số dự án, tức là đảm trách toàn bộ từ thiết kế đến thi công.
Theo chiến lược trên, Bắc Kinh sẽ đặc biệt chú ý đến các cửa sông đổ ra Biển Đông của Việt Nam. Các cửa sông này sẽ giúp tàu chiến Trung Quốc cùng các loại vũ khí hạng nặng và quân lính nhanh chóng tiến sâu vào nội địa đối phương, và việc kiểm soát các con sông sẽ giúp Trung Quốc dễ bề hiện thực hóa mưu đồ chia cắt Việt Nam thành nhiều phần. Sông Thạch Hãn đổ ra Biển Đông ở Cửa Việt là một trong số không nhiều những con sông như vậy.
Hơn hai năm trước, chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đang lập một căn cứ sát nách cảng Cửa Việt thông qua thủ đoạn núp bóng người Việt để thâu tóm một doanh nghiệp thủy sản địa phương – đó là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty cổ phần Phát triển Thủy sản Huế tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (1).
Sau khi bài báo được đăng, hoạt động xây dựng của dự án đã tạm dừng trong mấy tháng, khiến chúng tôi ngỡ là dự án sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, trong lần trở lại Cửa Việt mới đây, chúng tôi mới biết là lời cảnh báo ấy chẳng khác nào "nước đổ đầu vịt" : Một doanh nghiệp "made in China" mang tên "Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Liên hiệp Quốc tế Elites Việt Trung" đã lừng lững mọc lên ngay dưới chân cầu Cửa Việt (kế bên Đồn Biên phòng Cửa Việt và cách Hải đội 202 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chỉ vài trăm mét), một vị trí cực kỳ xung yếu về an ninh quốc phòng và đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Việt Nam.
Biển hiệu doanh nghiệp được ghi rõ bằng 2 thứ tiếng. Ảnh : Lê Anh Hùng
Người dân địa phương cho chúng tôi biết, doanh nghiệp Trung Quốc này đã đi vào hoạt động hơn 1 năm. Họ đã đưa rất nhiều người từ Trung Quốc sang đây sinh sống và làm việc, dù không ai biết chính xác con số cụ thể, bởi không ai kiểm soát nổi.
Kể từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp này đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường, mùi hôi thối toả ra nồng nặc khiến người dân xung quanh khu vực không chịu nổi và họ đã nhiều lần biểu tình phản đối. Cứ mỗi lần như thế, chính quyền, cơ quan môi trường, thậm chí cả báo chí "quốc doanh" lại đến, nhưng khi họ rời đi thì mọi chuyện đâu lại trở về đấy.
Không dừng lại ở diện tích đất đai đã thâu tóm, doanh nghiệp Tàu này còn đang tìm cách mua thêm đất ở nhiều nơi quanh khu vực Cửa Việt. Và với "biệt tài" thoắt ẩn thoắt hiện, cộng với độ trơ tráo "nức tiếng" của người Tàu, ngay tại những thành phố lớn như Đà Nẵng hay Nha Trang nhà chức trách Việt Nam còn không kiểm soát nổi hành tung và hoạt động của họ, huống hồ là ở những địa bàn như Cửa Việt.
Khu nhà này có hố móng sâu đến 2,3m, có thể tạo thành một hệ thống hầm ngầm. Ảnh : Lê Anh Hùng
Xem ra, cùng với những "đặc khu kinh tế" Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hàng đàn diều hâu phương bắc âm thầm đến "lót ổ" ở phương nam như "Công ty Thủy sản Liên hiệp Quốc tế Elites Việt Trung" tại Cửa Việt đang khiến cho kế thượng sách "không đánh mà thắng" của Bắc Kinh dần trở thành hiện thực. Và đến lúc đó, chiến lược "Hán hóa" Việt Nam của các ông chủ Trung Nam Hải sẽ chẳng cần tới một tiếng súng nào, mà cứ êm ả diễn ra như tằm ăn dâu.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VNTB, 08/07/2018
(1) "Báo động : Người Trung Quốc đã lập căn cứ sát nách Cửa Việt - Quảng Trị", VOA ngày 29/5/2016
* Bài viết tác giả gửi đến VNTB trước khi bị công an Hà Nội bắt tạm giam và khởi tố theo điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam (2015).
Cùng ngày sau khi Tổng thống Mỹ rời Việt Nam hôm 12/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và ký kết 12 văn kiện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Hà Nội với 21 phát đại bác. Trong chuyến thăm 2 ngày kết thúc hôm 13/11, ông Tập đến thăm lăng Bác Hồ, dự khai trương Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội.
Trước đó người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã tham dự lễ cắt băng khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung ở Hà Nội. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng ông Tập khai trương biển tên Trung tâm Văn hóa Trung Quốc cùng trong buổi lễ này.
Mặc dù chuyến đi của ông Tập lần này được truyền thông trong nước ca ngợi là làm phát triển thêm mối quan hệ toàn diện và chiến lược, nhưng mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc được các chuyên gia cho rằng có mục đích tăng cường sức mạnh mềm ở Việt Nam để phục vụ mục tiêu bành trướng trên Biển Đông.
Nhận định về mục đích của Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện của Viện nghiên cứu Hán-Nôm cho rằng nó chỉ là một trung tâm để Trung Quốc tiếp thị văn hóa của họ.
"Các trung tâm văn hóa ở Hà Nội như của Nhật Bản, Viện Goethe của Đức, Alliance Francaise của Pháp góp phần làm giàu thêm văn hóa cho Việt Nam nhưng trung tâm văn hóa của Trung làm dấy lên lo ngại đối với người Việt Nam. Cũng như Viện Khổng tử, trung tâm văn hóa Trung Quốc chỉ nhằm mục đích truyền bá du học, du lịch và ngôn ngữ của họ để bành trướng sức mạnh mềm của Trung Quốc".
Biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ngày 17/5/2014. Ngườ Việt luôn quan ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấn chiếm biển Đông. (ảnh Bùi Văn Phú)
Tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng đằng sau đó sẽ là "sự tụ tập nhiều hơn của người Trung Quốc" và nhận định rằng gần đây người Trung Quốc ở Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng. Quan sát từ việc chào đón ông Tập đến Hà Nội, Tiến sĩ Diện cho biết rằng mặc dù báo chí trong nước cho rằng người dân Việt Nam ra chào đón nhưng thực tế phần lớn trong số họ là người Trung Quốc – gồm nhiều sinh viên, lưu học sinh.
Trước khi ông Tập Cận Bình tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng, một nhà hoạt động trẻ trong nước đã kêu gọi phản đối chuyến thăm này của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc vì những hành động mà anh gọi là "phi pháp" trên Biển Đông.
Kể từ khi Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhất là khi quốc gia láng giềng này được cho là gây sức ép buộc Việt Nam ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông mới đây, người dân Việt càng quan ngại về Trung Quốc, theo giới quan sát.
Luật sư Hoàng Việt chuyên nghiên cứu về luật biển đảo cho VOA biết rằng dư luận Việt Nam không thích Trung Quốc và nước này đang muốn bành trướng sức mạnh của mình thông qua sự ảnh hưởng về văn hóa.
"Quan điểm của Trung Quốc vẫn là muốn bắt Việt Nam phải thực hiện cái gọi là ‘gác tranh chấp cùng khai thác’. Phương án này của Trung Quốc có những điểm rất bất lợi cho Việt Nam. Tên đầu đủ của nó là ‘chủ quyền của ta, gác tranh chấp cùng khai thác’. Tuy vậy nếu (Việt Nam) chấp nhận ‘gác tranh chấp cùng khai thác với Trung Quốc tức là vô hình chung đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc".
Theo Tiến sĩ Hoàng Việt, Chủ tịch Tập và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bàn về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội cuối tuần qua nhưng chỉ nhất trí chung chung về việc đảm bảo hòa bình ổn định trong vùng biển có tranh chấp này "như trước đây họ vẫn nói". Trong khi đó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm tới Hà Nội đưa ra tuyên bố chung với Chủ tịch Trần Đại Quang nhắc đến vấn đề Biển Đông mạnh mẽ hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và luật sư Hoàng Việt, trong khi mối quan hệ với Trung Quốc tiến triển tốt đẹp, nhưng Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông thì người Việt Nam sẽ tiếp tục lo ngại và tinh thần bài Trung Quốc sẽ tăng lên.
Tổng thống Trump trong bài phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phủ Chủ tịch hôm 11/11 nói ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho tranh chấp Biển Đông.
Trong một phỏng vấn trước đây với VOA, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng Việt Nam đang rất cẩn trọng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ và ông cho rằng Hà Nội nên phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ với Washington để cân bằng và đối chọi với sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên "đơn thương độc mã" chống Trung Quốc trong lòng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và việc bị Berlin cáo buộc "bội tín" sau vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh về nước càng khiến Hà Nội rơi vào thế đơn độc.
Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn, người từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhận định: "Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu".
"Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng ; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế", nhà hoạt động xã hội này viết trên Facebook cá nhân.
Cuối tuần qua, ít ngày sau khi bị Đức lên án, Hà Nội vận động các nước ASEAN có quan điểm mạnh mẽ hơn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam cũng muốn các quốc gia trong khối nhấn mạnh tới tính ràng buộc về mặt pháp lý của khung bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia nhận viện trợ lớn của Trung Quốc như Campuchia và Philippines.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ tư từ trái sang) tại hội nghị của ASEAN ở Philippines hôm 5/8.
Khi được hỏi rằng liệu có phải Trung Quốc đã lợi dụng việc Việt Nam bị mất lòng tin với Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh để lấn tới, tìm cách cô lập Hà Nội trong vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng "không nên gắn cái nọ với cái kia".
Ông nói thêm : "Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc ? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay]. Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận của Việt Nam. Bây giờ chỉ còn Việt Nam chủ trương rằng COC phải thúc đẩy, nhưng phải có tính ràng buộc, và phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó Trung Quốc không muốn".
Cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị "muốn lập thành tích để chuẩn bị cho đại hội đảng mà trong đó có việc giải quyết ổn thỏa với ASEAN về COC".
Tại Philippines, bên lề hội nghị của khối, theo truyền thông nước ngoài, ông Vương đã hủy cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong khi cổng thông tin chính phủ Việt Nam đăng ảnh hai quan chức quốc gia láng giềng bắt tay nhau, nói rằng đây là cuộc gặp "bên lề" hôm 7/8.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường cho rằng các nước ASEAN "không chú ý" tới vụ Trịnh Xuân Thanh vì mỗi nước ASEAN đều có rất nhiều vấn đề gai góc", "quá phụ thuộc" và "bị sức ép của Trung Quốc", trong khi Bắc Kinh "lobby [vận động] thông qua COC".
Một nghi phạm Trung Quốc bị bắt ở Mỹ và giải về nước.
Từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, chuyên gia về quan hệ quốc tế này liên tưởng tới việc Trung Quốc dẫn độ hàng nghìn người về nước cũng như vị thế của Việt Nam.
Ông nói thêm : "Khoảng 3.200 đến 3.500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe. Thôi thì nhiều khi cũng phải làm đại đi một cái để mà thực hiện những chủ trương trong nước của mình cho nó chắc chắn. Chứ nói chống tham nhũng mà lại không chống được tham nhũng thì nó khó chịu".
Trong một bài viết hôm 2/8, báo điện tử VietNamNet viết bài về chuyện "quan tham Trung Quốc bỏ trốn rồi đầu thú hệt như Trịnh Xuân Thanh", trong đó nói với việc bà Dương Tú Châu, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, một người nằm trong danh sách 100 quan tham bị Bắc Kinh "truy nã đỏ quốc tế", mới về nước "đầu thú" sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài.
Sau khi bị Đức cáo buộc "bắt cóc" ông Thanh, Việt Nam lên tiếng nói "lấy làm tiếc" về tuyên bố của Berlin, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước "tự thú".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng mới chỉ nói "lấy làm tiếc" về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức hôm 9/8 đăng ý kiến của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, trong đó nhấn mạnh rằng Đức "sẽ không dung thứ" dù "trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Trên Facebook, đại sứ quán Đức ở Hà Nội cũng đăng bài phỏng vấn của ông Gabriel với tờ Stuttgarter Nachrichten, trong đó ông nói rằng Berlin "sẽ không để yên" chuyện này.
Trả lời câu hỏi về chuyện liệu chính phủ Việt Nam có sẵn lòng nhanh chóng đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Berlin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nói: "Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần".
Tuy nhiên, ông không nói rõ các bước đi kế tiếp sẽ là gì, dù nhấn mạnh rằng "cộng đồng doanh nghiệp Đức lo sợ vì một số người có chức quyền ở Việt Nam rõ ràng đã không tôn trọng quan hệ đối tác với Đức hay vấn đề pháp quyền".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 09/08/2017
Trung Quốc đắc lợi từ vụ Trịnh Xuân Thanh?
Việt Nam và Trung Quốc đạt được một số thỏa thuận liên quan 3 nhà máy điện hạt nhân mà Bắc Kinh cho xây dựng giáp biên giới Việt Nam.
Mô hình lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 của Nga trong một cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 2012. AFP photo
Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khải, cho biết như vừa nêu.
Theo thông tin được đưa ra thì vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam hoàn tất dự thảo biên bản ghi nhớ về vấn đề hợp tác giữa cơ quan pháp quy và ngành năng lượng hạt nhân hai nước và gửi sang cho phía Trung Quốc liên quan hợp tác đối với ba nhà máy điện hạt nhân giáp biên giới với Việt Nam.
Đó là các nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây, nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông và nhá máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam.
Gần đây phía Việt Nam nhận được văn bản trả lời từ phía Trung Quốc cho biết đồng ý phần lớn các điểm ghi nhớ hợp tác được Hà Nội đề xuất ra.
Điểm mà Bắc Kinh chưa đồng ý là hợp tác trong xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ, tăng cường năng lực ứng phó sự cố hạt nhân.
Thỏa thuận hợp tác giữa hai phía được dự kiến ký kết vào quý hai năm nay.
Khoảng 5 năm trở lại đây, cuộc chiến biên giới năm 1979 với Trung Quốc đã bắt đầu được viết và nói đến một cách cởi mở hơn, có lẽ nguyên do bắt đầu từ vụ dàn khoan HD-981 khi Trung Quốc có những động thái hung hăng tại khu vực biển Đông. Trên rất nhiều mặt báo chính thống cũng như nhiều blog cá nhân mạng xã hội, thông tin cụ thể, tài liệu lịch sử về chiến tranh biên giới được nhiều người đọc và chia sẻ. Không ít người trẻ bất ngờ về một sự kiện lịch sử quan trọng như vậy nhưng gần như không được đả động đến trong chương trình sách giáo khoa Sử từ trước đến giờ. Thông tin về cuộc chiến được lan rộng và nhận được nhiều phản hồi khá tích cực vì phần thắng cuối cùng thuộc về Việt Nam khi đất nước ta đã đánh đuổi được quân Trung Quốc ra khỏi biên giới.
Trung Quốc : tay anh chị cây khế phải gánh chịu hậu quả
Có thể nói, trong một số tài liệu về chiến tranh biên giới, Trung Quốc lộ rõ bộ mặt là một tên "anh em cây khế" đầy mưu mô và xảo quyệt. Câu tuyên ngôn "Không có đồng minh, kẻ thù nào là mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu" đã được Trung Quốc áp dụng hiệu quả, đổi lại đất nước này mãi mãi đi kèm cùng hình ảnh tráo trở, lật lọng và cơ hội. Không thể phủ nhận được sau cuộc chiến biên giới 1979, Việt Nam rơi xuống vực thẳm khi tình trạng đất nước bế quan tỏa cảng, kinh tế kiệt quệ, Liên Xô cũng dần đi xuống trong khi quan hệ với Trung Quốc thì đóng băng hoàn toàn, dẫn đến một cuộc trao đổi kinh tế mang tính chính trị trong hội nghị Thành Đô năm 1991, mà cho đến bây giờ vẫn là một sự kiện lịch sử còn nhiều uẩn khúc. Không ít người cho rằng đây là một trong những giai đoạn tụt hậu quan trọng dẫn đến việc Việt Nam có tốc độ phát triển quá chậm trễ nhiều đến như vậy so với các nước khác, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đúng, đất nước ta đã không bắt kịp xu hướng hội nhập trong cả thập niên những năm 80. Tuy nhiên, chớ vội đổ thừa cho tên láng giềng to lớn, trước hết chúng ta vẫn phải luôn nhìn về nội lực của bản thân mình. Đã quá đủ để nhắc về Việt Nam và những cuộc chiến tranh. Người Việt không thể tiếp tục nhắc đi nhắc lại và tự hào về một cuộc chiến thắng biên giới với Trung Quốc khi mà thế giới đã quá chán ngán với con quái vật mang tên "chiến tranh". Họ sẽ chỉ thẳng mặt mà hỏi rằng, vậy sau lần chiến thắng ấy, Việt Nam làm được thêm những gì ? Đáng buồn thay, cũng như đối với chiến thắng mà Cộng Sản đã giành được từ năm 1975 trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể luôn đáng gờm trong các cuộc chiến tranh, nhưng lại thua ở những mặt trận quan trọng khác. Chính quyền Việt Nam đang tự nguyện mở một đường cho Trung Quốc vào đất nước mình mà không cần bất kỳ một cuộc chiến nào. Những hệ thống cầu vượt, tàu điện ngầm trong tay của các nhà thầu Trung Quốc méo mó, tạm bợ, đang xây dựng dở phải bỏ ngỏ vì bị đòi thêm kinh phí. Các nhà máy sắt, thép như Formosa vẫn tiếp tục hoành hành xả thải công nghiệp chưa qua xử lý khắp biển miền Trung. Người dân Trung Quốc với chính sách du lịch được nới lỏng từ phía Việt Nam đổ xô đến Đà Nẵng, Nha Trang… kinh doanh trái phép và coi thường chính người dân Việt ra mặt, trong khi vấn đề xâm chiếm toàn bộ biển Đông bằng đường lưỡi bò vẫn chưa có hồi kết.
Với vị trí địa lý bất lợi khi nằm ngay sát nách và bị Trung Quốc o ép về nhiều mặt, Việt Nam không có sự hỗ trợ hoàn hảo về ngoại lực. Nhưng nội lực của đất nước lại mục ruỗng khi chính quyền luôn muốn đục khoét, vơ vét nguồn thuế của dân, làm cạn kiện tài nguyên đất nước. Có chăng là chúng ta đã thất bại trong cuộc chiến với chính bản thân mình. Ngày 17 tháng 2, phải trải qua hơn 30 năm, các thế hệ sau mới phần nào biết đến ý nghĩa của cuộc chiến đánh đuổi giặc Tàu. 10 vạn người đã ngã xuống trên những mảnh đất biên giới phía bắc để bảo vệ đất nước, để khẳng định chủ quyền, để lại một mảnh đất Việt trọn vẹn cho thế hệ tương lai. Liệu có phải những đồng bào, chiến sĩ này đã hy sinh vô nghĩa ? Ngày 17 tháng 2, hãy cúi đầu tưởng niệm những con người anh dũng ngày ấy và cúi đầu ngẫm về Tổ quốc hôm nay.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 02/03/2017